X ô n g Đ ấ t
Vợ chồng Ba Nguy thuộc vào hạng “rớt mồng tơi”. Thông thường, hễ kẻ bần hàn thì thường khép nép, đi đứng rụt rè. Trong bàn tiệc thì ăn chẳng dám gắp miếng ngon, uống chỉ từng hớp nhỏ. Ba Nguy cũng không ngoại lệ.
Tết đến, anh bàn với vợ, dù ăn mắm ăn muối gì cũng phải ráng mà mua cho được con gà để “Tết” ông bà nhạc, chứ “đã bao năm mình “làm thinh” hoài, coi sao được!”.
Thế là sáng mồng một, anh tranh thủ đến sớm. Dù có con gà tiếp sức, nhưng cái nghèo nặng nề quá nên dũng khí xem ra không tăng được bao nhiêu. Ông nhạc thì vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng cố hữu với “thằng rể bất tài” nầy.
Sựng rựng một lát, thấy không ai hỏi han, không ai để ý đến sự hiện diện của mình. Anh thấy tay chân thừa thải quá! Bộ ván gõ bóng lộn, và cái nền gạch mát lạnh như cũng chẳng muốn tiếp anh. Mặt anh nặng xuống. Ở thì nhục, mà về thì cũng ngại. May sao Hai Phú, chồng chị Hai, bạn “cột chèo” với anh đến, giọng rang rảng:
- - Ủa, Dượng Ba đến chúc tết Ba sớm dữ ha?
Với giọng điệu khá mỉa mai, nhưng cũng hơn, vì còn có người biết rằng mình là người chứ không phải khúc gỗ, khúc cây!
Người giàu có khác. Ăn to nói lớn, và tự nhiên đến nỗi mang cả giày vào nhà. Ông nhạc thờ ơ “hứ’ một tiếng, trả lời cho chàng rể quý:
- - Mới tảng sáng nó đã vác mặt tới rồi…
Về nhà Ba Nguy khóc với vợ, vợ anh cũng khóc. Anh tức tửi:
- - Phải chi để con gà lại cho các con ăn còn hơn, lại khỏi mang nhục!
Vợ anh lấy tay áo quẹt nước mắt, quẹt mũi:
- - Má đâu? Má thương anh lắm mà!
- Biết đâu! Không thấy, mà không dám hỏi!
Thật tội cho cái lỗ miệng của kẻ bần cùng. Dường như trời sanh ra nó cốt để lùa cơm, ực nước!
Anh thề không đến nhà ông nhạc nữa, trừ khi ông chết. Nhưng ổng lại không chết mà đàn bò của ông lại bị lở móng, long mồm, và lần lượt bị làng xã buộc đem chôn! Và anh cũng phải bị mất lời thề: Anh không muốn đến, nhưng ông nhạc buộc phải đến để... nghe chửi:
- - Mầy là Nguy. Mồng một Tết mầy xông đất nhà tao, mầy thấy tai hại chưa?
Anh Ba đứng như cây khô để nhận mọi bão táp từ cái tên Nguy cúng cơm của mình! Mặt nặng buồn, nhưng lòng lại thấy dễ chịu, vì nay ông nhạc đã còn biết anh là người nên dùng tiếng người để nói với anh, dù những lời đó không êm ái gì. Vẫn còn hơn đầu năm, ông xem anh là cái bàn, cái ghế không hơn!
Bà nhạc:
- - Tội nghiệp con nó mà ông! Vậy chớ nó đâu có lại nhà mấy chủ bò khác mà bò của họ cũng chết hết vậy? Cái nầy là “dịch” chứ nào phải xông đất, xông điếc gì!
Năm sau, Hai Phú, ông rể quý là người đến nhà ông nhạc đầu tiên vào ngày mồng một. Người giàu, lại mang tên Phú mà xông đất thì hết chỗ chê! Nhưng kỳ cục thật! Năm đó đến phiên trại heo của ông nhạc lại bị lở móng long mồm! Vườn tiêu, vườn điều của ông cũng “tiêu điều” vì nạn bọ xít, bọ rầy. Ông lại bịnh liên miên, có khi thở chẳng ra hơi nhưng vẫn còn đủ sức chửi gằn từng tiếng:
- - Đ.m nó hại tui. Mồng một mà nó lại lếch mặt đến, thì làm sao làm ăn nên thân nên hình gì! Cái thằng Nguy nầy, nó muốn cho tui tàn mạt như nó chắc?...
Bà nhạc:
- - Ủa? Năm nay thằng Nguy nó đâu có tới nhà ông. Thằng Phú mà. Ông quên rồi sao?
Ông nhạc nạt:
- - Bà biết gì! Nó là Ba Nguy thì... ba năm mới hết nguy!
Bà nhạc cười méo. Biết tỏng ông chồng lúc nào cũng bênh vực thằng rể giàu sang. Không biết nói để chọc chồng chơi hay là bà muốn nói một sự thật hiển nhiên:
- - Thứ ba là con Ba nhà mình. Nó thứ mười đó ông ơi!
Dù cơn suyễn làm mệt, nhưng ông cũng đủ sức trừng mắt, đập mạnh tay xuống giường:
- - Bà còn trù ẻo nữa! Ba năm là đủ chết rồi!
Người ta bảo “sông có khúc, người có lúc”. Không sai. Vợ chồng Ba Nguy làm ăn ngày càng khấm khá, như dòng sông đã mệt mỏi qua hết khúc thác ghềnh, giờ thảnh thơi đến miệt đồng bằng thênh thang, êm ả. Đến năm thứ tư, từ khi được ông nhạc mời qua để chửi về việc đã làm đàn bò ông chết, thì anh đã giàu mút chỉ!
Lại có câu “lên voi xuống chó”. Cũng đúng. Hai Phú, cột chèo của anh bị xuống dốc như xe đổ đèo!
Ba Nguy tuy giữ lời thề, mà vẫn tròn hiếu đạo. Mỗi tháng anh bảo “sắp nhỏ” về biếu ông ngoại, bà ngoại đúng mười triệu để ăn trầu, hút thuốc! Trầu nầy chắc của cô Tấm têm, nhưng thuốc điếu chứ nào phải thuốc phiện đâu mà xem quá đắt!
Chị Ba thường khuyên chồng nên bỏ qua chuyện cũ, và nên sắp xếp về thăm cha mẹ vợ. “Tụi nhỏ nó nói ông bà ngoại nhắc anh hoài”. Anh ậm ự cho qua. Nhưng rồi một ngày cuối năm, anh quyết định về nhà ông nhạc “xông đất”.
Bữa tiệc đầu năm thật vui. Vợ con anh, nhất là anh được xem như thượng khách. Vợ chống Hai Phú cũng có mặt, nhưng xem chừng năm nay anh ít nói hơn, ăn nói dè dặt hơn, không bàn chuyện làm ăn với “ông già”, không “dzô, dzô” xôm tụ như bốn năm trước. Rượu cạn ly không dám rót. Chờ “tới tua” mới uống! Những hiện tượng thay đổi khá đột ngột nầy làm anh ngài ngại, suy gẫm: Tiền bạc và cái vó giàu sang của anh đã khai tử, hay ít ra không còn ai muốn nhớ cái tên Nguy của thằng Nguy mạt rệp năm nào! Anh lặng lẽ hớp một miếng rượu , gấp miếng thỉt “đưa cay”. Khổ nỗi, mấy bà xắt thịt ra sao mà nó kéo cả dây, không chịu lìa ra! Hai Phú có dịp “giúp” thằng em cột chèo, đưa đũa phụ rứt mà cũng không được. Ba Nguy “dện” luôn vào chén, chắc lưỡi:
- - Không biết hồi trước tôi gắp miếng thịt sao nó cứ rớt lên rớt xuống. Còn bây giờ, chỉ gấp một cái mà nó lại dính cả chùm!
Kha Tiệm Ly