Bình an cuối chiều
Truyện ngắn của Hội An
Hội VHNT Bà Rịa Vũng Tàu
Sắp đến ngày giỗ ông cụ Sáu Trung. Cụ bà và đám con cháu đã rục rịch chuẩn bị cả tuần nay để cho mọi thứ được chu tất. Năm nay cụ bà đã tám mươi sáu tuổi rồi nhưng còn minh mẫn khỏe mạnh. Cụ ông mất vậy là đã được năm năm. Người ta nói sống thấy lâu chứ chết rồi là không mấy hồi, thật đúng như vậy.
Cụ bà giục ông Hai Hiếu lo dựng rạp để con cháu về có đủ chỗ ngủ. Anh út Kết nói bận việc nên đến sát tận ngày mới về được, còn con cháu chị Ba Thuận và chị Tư Thảo thì năm nào cũng về sớm. Anh Năm Đoàn nói năm nay chỉ về được có một mình. Hai đứa con đều bận và chúng nói đang thời kì khủng hoảng kinh tế, xin nghỉ việc lỡ may bị cho nghỉ luôn thì sao. Thôi cũng được, về một mình cũng là quý rồi. Vì mấy năm rồi nhà anh Đoàn đều về cả ba cha con. Chỉ vợ anh Đoàn đoản mệnh thì bà cụ chưa hề được gặp bao giờ.
Cụ bà nhớ lại cách đây đúng năm năm, lúc đó cụ ông bắt đầu bước vào những ngày ốm kiệt, anh Đoàn báo tin rằng sẽ về. Chao ơi, có thật thế chăng? Đứa con mà bà luôn thương nhớ quặn thắt, luôn lo lắng xé lòng vì không có tin tức gì trong suốt một phần đời của bà. Nó đã vắng mặt trong gia đình quá lâu rồi. Hai mươi lăm năm là một phần tư thế kỉ, là quãng thời gian đủ cho một đứa trẻ sơ sinh thành một người trưởng thành, là thời gian đủ dài để xóa nhòa mọi thứ, lãng quên mọi điều. Tuy nhiên, đó là với người đời nói chung chứ với bà cụ thì kí ức như vẫn còn nguyên. Gắn liền với nó là những biến động của quê hương đất nước trong thời khắc lịch sử mà đâu dễ chứng kiến. Sự vắng mặt của anh Đoàn như nỗi day dứt không nguôi trong tâm tưởng bà cụ.
Rồi anh Đoàn về thật. Như một dòng suối cạn khô giờ nước chảy trở lại, như cánh đồng khô hạn được cơn mưa rào về, cụ thấy khỏe ra. Chỉ tội ông cụ. Thời gian chờ con dài đằng đẵng. Ông cụ tên Trung nên đặt con là Hiếu, Thuận, Thảo, Đoàn, Kết. Vậy mà vì vắng một đứa nên dãy tên con vừa có vần có điệu vừa mang ý nghĩa tốt đẹp đã chẳng còn được xướng lên ngâm ngợi trong những lúc vui vẻ hay rỗi rảnh nữa. Lúc đó ông còn thở khe khẽ, ánh mắt ông còn thất thần như đang tìm kiếm điều gì. Anh Đoàn vừa vào tới nhà đã ôm chặt lấy cha nấc lên. Ông cụ dường như thỏa nguyện yên lòng nhắm mắt. Lúc này cả nhà đều khóc. Những giọt nước mắt tiếc thương người ra đi và cả xúc động hờn tủi vì người trở về. Những ngày chịu tang cha nhanh chóng hàn gắn họ, cởi bỏ cho họ bao nỗi trách oán nặng nề và cả bao ngỡ ngàng ngượng ngập. Họ cùng chung nỗi đau mất cha và chung nỗi an ủi thăm viếng chia buồn của họ hàng quê hương sâu nặng. Trong những bữa cơm đoàn tụ sau đó, họ ngạc nhiên tự hỏi sao để tình trạng xa cách xảy ra quá lâu như thế.
* * *
Năm bảy ba chiến trường đang ác liệt, lúc này Đoàn mới học xong tú tài. Anh bị bắt vào quân dịch khi đang về nghỉ hè cùng gia đình. Lúc này anh Hai Hiếu đã vào du kích theo đàng mình từ lâu. Được tin này, có một lần anh Hai Hiếu ghé nhà và động viên má: Má cứ yên tâm, để từ từ rồi con tính. Nhưng rồi anh không tính được khi chẳng còn cơ hội nào để nghĩ riêng cho mình và gia đình mình. Chỉ khi biết thằng em anh yêu con Như Yến con ông thiếu tá đồn trưởng đồn Quai Sanh khét tiếng độc ác thì anh giận dữ: “Trời đất, bộ xứ nầy hết con gái rồi sao đi yêu con thằng ác ôn đó. Thôi đi, nếu không thôi thì đừng nhìn mặt anh mày nữa!”
Đoàn và Như Yến thân nhau từ lâu vì hai người cùng lớp từ hồi nhỏ. Họ không chịu ảnh hưởng gì cái oai của ông thiếu tá, cũng chẳng băn khoăn gì nhiều về lập trường chính trị của gia đình. Tình yêu của nàng Như Yến vừa ngoan hiền vừa đẹp vừa lãng mạn không tội tình gì làm vật hi sinh cho những thiên kiến của người lớn. Nhưng chiến tranh mà. Nó như một lò lửa lớn có thể thiêu rụi mọi thứ. Ở trong đó không thể đòi hỏi mọi sự đều rạch ròi, công minh. Một đêm kia, một quả mìn của du kích phát nổ trong nhà tên trung tá. Kẻ đáng phải đền tội thì không có nhà. Chiếc xe hắn thường đi ở trước sân bị hỏng máy đã đánh lừa thám báo của du kích. Còn mấy mẹ con Như Yến thì đã hi sinh theo đúng nghĩa đen của từ này. Trong nỗi bơ vơ mất tình yêu, Đoàn gần như căm hận anh trai, người cầm đầu nhóm diệt ác trừ gian tại địa phương năm đó.
Kể từ đó Đoàn không về nhà. Anh thề sẽ không đội trời chung với ông anh cốt nhục, và ghét luôn cả nhà vì mọi người đều về phe Hai Hiếu.
Sau khi quân giải phóng thắng lớn ở Tây Nguyên, biết là sẽ đánh lớn, một ngày kia anh Hiếu đang đêm ghé nhà nhắn mẹ tìm cách kêu Đoàn trở về nhà đợi anh. Nhưng rồi mọi sự không thuận theo ý muốn. Đoàn có nhận được tin nhưng tảng lờ đi. Lúc này anh đã bị điều động sang cảnh sát và đâu thể trốn khỏi đơn vị một cách dễ dàng. Thôi tới đâu hay tới đó.
Rồi những ngày cuối tháng tư tốc hành của năm bảy lăm lịch sử. Người ta ngỡ ngàng không tin cuộc chiến lại kết thúc thần tốc như vậy. Đáng lẽ cuộc đời của Đoàn đã khác nếu anh nghe theo lời mẹ và anh mình nhắn lại. Bởi anh thuộc phiên chế cảnh sát địa phương nên mới chiều 28 tháng 4, tất cả cảnh sát quận và cơ sở đã tự tan rã về với gia đình trước lệnh của ông Triệu Quốc Mạnh, giám đốc mới của cảnh sát Đô thành nhưng là người của Mặt trận cài vào… Nhưng anh không về. Hiềm khích với ông anh và cả nhà đã khiến anh chạy theo đám tàn quân bám được vào một tàu chiến rút chạy ra biển ngay sau đó.
Kể từ đó là cuộc đời trôi nổi của anh trên đất người. Thật khó khăn để hòa nhập, thật khó khăn để kiếm một việc làm khi anh chẳng nghề ngỗng gì. Nhưng rồi mọi điều đều qua đi khi anh có tiền trợ cấp, rồi kiếm được một công việc phù hợp. Chỉ tình yêu với Như Yến là cồn cào không dễ nguôi quên nên mãi cho tới tuổi 30 anh mới lấy vợ. Đó là một cô gái lỡ thì theo tàu vượt biên vào những năm tám mươi và đến với anh nhờ sự mai mối. Người Việt tại thành phố Honolulu này không đông đúc như cộng đồng ở quận Cam nên cũng buồn tẻ hơn. Tin tức từ quê nhà đến được đây cũng trễ tràng hơn nơi khác. Càng hay. Anh càng tránh được mặc cảm tình trạng không gia đình không người thân, không các mối liên hệ. Anh càng đỡ bị dòm ngó khi xung quanh đủ đầy. Khi có vợ rồi những nghĩ ngợi mông lung cũng được tạm quên. Nhưng vợ anh không ở với anh lâu. Sau khi sinh bé gái thứ hai được đầy năm thì nàng qua đời bằng một cơn đợt quỵ. Khỏi phải nói bao nhiêu vất vả phải vượt qua khi anh phải vừa làm cha vừa làm mẹ hai đứa con chỉ cách nhau hai tuổi. Phải thuê dịch vụ chăm sóc hai đứa con, phải cày suốt ngày đêm mới đủ tiền để sống. Chính vì vậy mà anh đã không còn thời gian để day dứt chuyện nhà. Không còn lúc nào rảnh để quắt quay nhớ về ngày cũ. Có những lúc cuộc sống như một guồng quay bắt con người phải mải miết chạy theo mà không thể ngoái đầu nhìn lại.
Cũng có những khi anh bất ngờ nhận được quà của má gửi đến qua một người quen nào đó về Việt Nam qua. Quà chỉ là vài thứ đơn giản mang ý nghĩa tượng trưng để anh biết má còn mong anh lắm. Anh ngồi thừ ra một lúc để nhớ về cái tổ ấm có Trung Hiếu Thuận Thảo Đoàn Kết khi xưa. Nhớ mái tôn nghèo trong một khu vườn rộng có nhiều cây trái. Nhớ bóng mát hàng dừa bên dòng kênh quê hương. Nhớ mùi mắm cá cơm thơm sực nức và những cái gỏi cuốn đầy hương vị trong một bữa tiệc dân giã mà má công phu bày soạn. Nhớ mùi trầu thơm thơm của má. Nhớ chị Ba Thuận vẫn hay nhường em suất bánh bèo má đi chợ về. Chị Tư Thảo khéo tay tết đủ thứ đồ chơi bằng lá dừa ngày chúng còn bé. Út Kết hay khóc mè nheo bắt đền mọi người. Và cả anh Hai Hiếu nữa. Ngoài ánh mắt cứng rắn của ông anh lớn trong nhà, cũng nhiều lúc anh rất tình cảm. Dường như anh vẫn còn nhớ cảm giác ngờm ngợp khi được anh Hai công kênh trên vai mỗi chiều lội sông đi tắm. Và nỗi nhớ không bao hàm chỉ những điều tốt đẹp. Cả lời thề lạc lõng cũ… Giá mình nghe lời anh nhắn lại, cuộc đời mình đã đỡ bơ vơ trong bao lâu. Nỗi bơ vơ tình cảm là thứ mà không tiền bạc vật chất nào bù đắp được.
Lòng tự ái và hiềm khích qua đi đã lâu. Nhưng không phải vì vậy mà người ta dễ vượt qua mặc cảm. Anh đã im lặng sau những lần nhận quà của má. Lúc này các phương tiện thông tin đã dễ dàng hơn xưa nhiều. Cũng đã có lúc anh định hỏi số điện thoại gia đình nhưng rồi lại lần lữa. Và điều này chỉ xảy ra khi có người quen nhắn là ba anh đang bệnh nặng. Tội nghiệp cho ông cụ. Ngày xưa, khi út Kết còn bé, có người dèm “Tam nam bất phú” và khuyên bà đẻ thêm đứa con trai nữa nhưng ông cười khà khà: “Đặt tên thằng út Kết nghĩa là kết thúc rồi, đẻ nữa cơm không đủ ăn rồi lấy đâu giàu.” Không ngờ trời đất cố tình đẩy một đứa con trai ông bà đi xa. Chắc để gia đình tránh cái nghèo hay sao đó. Anh chợt nhớ về một chuyện cũ khi sắp xếp cửa nhà rồi xin nghỉ đưa cả hai đứa con về chịu tang cha.
* * *
Bà cụ đón li trà từ tay anh Đoàn, hỏi:
- Bao giờ con đi?
- Còn phải tới nhà mấy chị và các cháu, thăm bà con họ hàng và bạn bè chút rồi mới đi được má à. Má ơi hay con đưa má sang đó chơi ít lâu cho biết nơi con ở kẻo mai mốt già quá không đi được nữa.
- Thôi, má giờ nay khỏe mai đau, sang đó rồi làm tội con con à. Lâu lâu con về thế này là má toại nguyện rồi.
- Hai đứa có việc làm hết rồi. Để con lo chuyện dựng vợ gả chồng cho mấy đứa xong rồi con về chăm sóc má, má ha?
Ông Hiếu nhấp từng ngụm trà chậm rãi, thủng thẳng:
- Sau khi nghỉ hưu, anh mua 2 ha cà phê ở Đắc Lắc. Sắp tới cà bắt đầu cho thu hoạch nên sẽ nhiều việc lắm. Giá có chú ở nhà phụ anh một tay thì đỡ quá.
- Tưởng về hưu thì nghỉ cho khỏe, còn ham chi cho cực?
- Mấy cha hưu trước anh nhàn rỗi sinh nhậu nhẹt nên giờ bệnh hoạn quá chừng. Phải có việc gì làm để còn ham sống, phải không má?
Bà cụ không nói gì, chỉ cười:
- Sao anh không nhờ mấy đứa nhỏ?
- Úi trời, chờ gì bọn đó. Được con Hạnh siêng năng thì lo cái Công ty hữu hạn của nó đủ mệt rồi. Còn thằng Út Phúc thì lông bông quá chừng, chỉ mê vẽ vời với ba cái tranh ảnh chứ thiết gì mần ăn.
- Nhỏ Hồng nhà em cũng vậy. Tối ngày chỉ mê chát với mạng, Mình nhờ gì cũng khó. Thôi, anh cứ chờ đi. Bao giờ xong nghĩa vụ con cái là em về luôn thôi. Má ráng giữ sức khỏe nghen má.
Hoàng hôn xuống dần, trời mát mẻ hẳn đi. Họ không bật đèn mà cứ ngồi im lặng mãi trong sẫm tối như vậy, gạt qua một bên những muộn phiền nho nhỏ về đám trẻ và bao ưu tư khác để cảm nhận sự bình an lan tỏa trong không gian cuối chiều lặng lẽ.