Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Những câu chuyện sẽ không bao giờ chấm dứt!!:BI KỊCH CỦA ĐỜI EM

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những câu chuyện sẽ không bao giờ chấm dứt!!:BI KỊCH CỦA ĐỜI EM




    Nó đi, đi, đi mãi. Đôi chân khẳng khiu của nó đã mỏi rã rời, nhưng nó không dám dừng lại. Nó phải đi, phải tiếp tục đi. Nó không dám ngoảnh nhìn lại phía sau, cứ cúi đầu mà bước. Thỉnh thoảng, nó phải nép mình vào một góc tường hoặc một cái cột điện hay áp mặt vào một bức tường để tránh ánh mắt soi mói của người đi đường. Hễ nhác thấy một dáng người có vẻ quen quen là nó thót tim lại, người nó run bắn.

    Nó đã đi được bao nhiêu đường đất rồi ? Nó không thể biết được, chỉ đoán là có lẽ xa lắm. Nó thấy khát khô cả cổ họng. Nó đưa lưỡi liếm môi, nhưng thất vọng vì môi nó cũng khô rang. Nó đưa cặp mắt thèm thuồng nhìn những xe nước chung quanh. Nhờ vậy mà có chút nước từ cổ họng ứa ra giúp nó thoa dịu đôi môi khô không khốc. Có lúc nó muốn đánh bạo ghé vào một nhà nào đó để xin nước uống, nhưng lại không đủ can đảm.

    Nó đi qua một xe bán nước mía. Nó nhìn cặp thanh niên đang ngồi khuấy ly nước. Tiếng đá cục kêu lạo xạo. Cô gái dùng cái muỗng khều khều những cục đá lạnh ra và trút xuống đất. Trời ơi ! Nó thầm kêu trong bụng. Giá mà mình có được một cục đá đó nhỉ ? Sao mà người ta phí của thế ? Chị ơi ! Chị cho em một cục đi ! Em đang khát khô cả cổ đây. Nó thầm thì trong óc. Bộ óc của nó bây giờ chỉ xoay quanh mấy cục đá kia thôi. Nó đứng nép sát vào cái cột điện gần đó, mắt nhìn chăm chăm vào hai người khách. Mỗi cử chỉ của họ là một khiêu khích, mời gọi cơn khát của nó. Họ thanh thản nâng ly lên môi nhấm nháp từng giọt nước mát ngọt. Màu vàng nhạt của nước mía mới khêu gợi làm sao ! Cơn khát cùng độ thúc đẩy bước chân nó tiến dần đến chỗ hai người khách đang uống nước. Trông họ rất lịch sự. Họ nói chuyện với nhau nhỏ nhẹ, không ồn ào như những cặp khác ngồi rải rác trong quán. Có lẽ họ là người tốt. Người tốt thì luôn luôn giúp đỡ kẻ nghèo khó, thiếu thốn. Chắc họ không từ chối lời cầu xin của nó đâu.

    Cứ lại đi ! Đôi chân nó cứ thế mà tiến dần lại đôi nam thanh nữ tú. Và cuối cùng, trời ạ, nó đã đứng sát bên họ rồi. Nó mở miệng. Nhưng dường như có một bàn tay vô hình nào đó bịt chặt miệng nó lại nên nó không thể thốt ra tiếng được. “Thưa… thưa… anh… chị…” . Chỉ có mấy chữ đó thôi mà sao nặng nề thế nhỉ ? Nó như đứa trẻ mới vào mẫu giáo đang tập ráp chữ. Bỗng chàng thanh niên ngẩng mặt lên. Thấy nó, cặp mắt anh ta đanh lại. Anh ta ra hiệu cho cô gái. Cô nhìn nó. Cặp mắt cô hiền từ hơn. Cô nhìn nó từ đầu đến chân. Tự nhiên nó rùng mình. Lỡ người ta nhận ra nó thì sao ? Nhưng lúc này đang khát quá. Nó cần nước như ruộng hạn hán cần mưa. Kệ, miễn sao có giọt nước vào cổ, vào bụng là được. Nó chìa tay ra. Anh thanh niên tưởng nó xin tiền nên cau mặt, phất tay lia lịa, miệng càu nhàu ;
    - Đi chỗ khác ! Không có tiền đâu !
    Nó muốn cải chính, nhưng lưỡi nó cứng đờ.
    - Tụi ranh con bây giờ lưu manh lắm. Cho nó một lần là nó theo mình mãi. Đừng cho !
    Tiếng mấy người ngồi gần đó làm nó xấu hổ và sợ hãi. Nó muốn quay lui và chạy biến. Nhưng, nó khát quá rồi. Nó phải uống. Nó cần được mấy giọt nước vào họng. Nó vẫn đứng lì đó, tay chìa ra. Người thanh niên bực bội, nói như quát :
    - Đã nói là không có tiền mà. Đi chỗ khác đi !
    Chủ quán sợ mất khách, chạy vội ra, miệng the thé :
    - Có đi chỗ khác cho người ta làm ăn hay không? Đồ ma ám!

    Nói chưa dứt câu, bà ta dội xô nước dơ đang cầm trong tay vào người nó. Ôi ! Sung sướng biết chừng nào ! Thế là nó đã được cứu rỗi khỏi cơn khát cháy bỏng đang hành hạ . Nó thầm cám ơn bà chủ quán. Nó lấy hai tay bụm những giọt nước trên áo quần và đưa vào miệng. Nó rít lấy rít để những giọt nước quý giá trời cho này. Nước thấm vào vòm miệng, chui xuống cổ. Lưỡi nó thè ra liếm lấy liếm để những giọt nước trên các ngón tay và bàn tay. Mải miết với món quà quý giá bất ngờ, nó không trông thấy những cặp mắt nửa thương hại, nửa ghê tởm của bà chủ quán và những người khách. Cô gái lúc nãy nói với chàng thanh niên điều gì đó. Anh chàng lắc đầu lia lịa. Cơn khát đã tạm lắng xuống. Nó lại tiếp tục cuộc hành trình mà đích đến không có.

    Bây giờ thì nó lại lâm vào một trạng huống bi thảm khác. Đói. Cái dạ dầy lép kẹp của nó cũng hành hạ nó khủng khiếp. Nó nghe tiếng réo ục ục trong bụng. Mắt nó hoa lên. Chân nó run lẩy bẩy, chỉ chực khuỵu xuống. Nếu lúc này mà có một chút gì đó bỏ vào miệng nhi? Nó ước ao có bà tiên hiện ra ban cho nó một miếng bánh, một chén cơm, một…một …bất cứ thứ gì, miễn là bụng nó được no thôi. Bất chợt, từ một hướng nào đó bay đến mùi cá khô nướng. Ôi chao ! Thơm phưng phức. Cái mùi mà lúc bình thường nó chẳng cảm nhận được gì cả, nếu không nói là sợ. Phải, nó sợ mùi cá khô nướng lắm. Đơn giản vì quanh năm suốt tháng nhà nó chỉ có duy nhất món ăn này thôi. Ăn mãi đến độ anh em nó cũng biến thành cá khô. Anh hai nó mười ba, nó mười một. Vậy mà cả hai chỉ là những đứa trẻ chưa đủ ngày đủ tháng. Mỗi lần nhìn thấy con cá khô, nó lại muốn nôn, muốn ọe. Thế mà giờ đây, khi bụng rỗng tuếch thì cái mùi quen thuộc đáng ghét kia lại quyến rũ nó dữ dội.
    Nước bọt nó tứa ra đầy vòm miệng. Suýt chút nữa nó bị sặc nếu không nuốt vào kịp. Nó nhớ đến chén cơm khiêm tốn ở nhà mà lòng rạo rực. (Gọi là chén cơm chứ có bao giờ được đơm đầy đâu, chỉ lưng chén là cùng. Ba người – bà ngoại, anh hai và nó – phải chia nhau từng hột cơm. Bà ngoại lấy cớ già rồi, không ăn được nhiều nữa nên nhường phần của bà cho hai anh em nó. Anh hai nó bảo em còn nhỏ, cần phải ăn nhiều hơn, thế là lại nhường nữa. Tuy gọi là nhường qua nhường lại, nhưng mỗi phần cũng chẳng là bao. Ở tuổi mới lớn như hai anh em nó thì chỉ một cái lùa thôi là bay vù chút cơm nhỏ nhoi kia.). Nó muốn quay trở về mái lều xiêu xiêu vẹo vẹo ngay tức khắc. Thế nhưng, đầu nó bảo không thể được. Và chân nó cứ lẩy bẩy bước đi.
    Bỗng trời tự nhiên tối sầm lại. Gió thổi mạnh. Lá cây rụng ào ào. Những tia chớp ngoằn nghoèo xé nát bầu trời. Nó giật nảy mình vì những tiếng sấm kinh hoàng. Rồi nước trút xuống như thác đổ. Nó vụt chạy vào một mái hiên gần đó. Người đi đường cũng đổ xô chạy vào. Mệt quá, nó ngồi thụp xuống, dựa lưng vào tường nhà. Người vô trú mỗi lúc một nhiều. Những bàn chân thô kệch đầy bùn đất cứ chốc chốc lại thúc vào người nó khiến nó phải nép sát hơn vào bức tường. Tai nó ù ù. Nó lạnh run. Nước mưa hắt vào làm người nó ướt sũng.

    Nó chẳng còn nghe, chẳng còn thấy gì nữa. Mắt nó nhắm nghiền. Chợt nó mở choàng mắt ra. Một bàn tay đang thọc sâu vào ngực nó. Nó muốn hét tướng lên, nhưng không đủ sức. Nó chỉ còn biết xiết chặt đôi tay khẳng khiu lại để ngăn chặn bước tiến của bàn tay thô bạo kia. Thế nhưng, đôi tay nó bị hất ra một cách thật tàn nhẫn. Nước mắt nó bắt đầu chảy ra. Nó phải làm sao bây giờ ? Nó bật đứng lên. Có một sức mạnh vô hình nào đó giúp nó trỗi dậy. Nó đứng thẳng người lên. Rồi cũng sức mạnh vô hình đó cạy miệng nó ra. Nó hét to : “Đồ khốn nạn. Bỏ tay ra !”. Nó có cảm tưởng như tiếng thét của nó còn lớn hơn cả tiếng sét vừa nổ.

    Đôi chân nó giãy đạp cuồng điên. “Đồ khốn nạn. Bỏ tay ra ! Bỏ tay ra !”. Rồi nó vùng chạy. Nó chạy , chạy , chạy mãi. Đang chạy thục mạng, nó chợt ngừng lại. Trước mặt nó là một người. Không phải, một con quỷ thì đúng hơn. Cái sọ người gắn trên một thân hình dẹp lép như con cá khô mà nó vẫn thường ăn. Từ trong miệng của chiếc đầu lâu thè ra cái lưỡi dài ngoằng, đỏ lòm những máu. Những giọt máu tươi roi rói chảy dòng dòng xuống đất rồi biến thành những sợi dây thừng quấn vào chân và dần dần quấn cả thân mình nó. Bây giờ, nó giống như một khúc gỗ, nằm ngay đơ. Nó cố gắng giãy đạp mà không thể được. Miệng nó kêu ú ớ. Con quỷ nhe nanh, cúi xuống trên nó. Nó cố gắng thét lên tiếng thét sau cùng rồi ngất lịm.

    Có tiếng ai đó văng vẳng bên tai. Hình như là tiếng bà ngoại. Nó lờ đờ mở mắt ra. Không thể mở lớn được, chỉ he hé thôi. Nó lờ mờ thấy bà ngoại và anh hai. Rồi nó lại nhắm mắt vào, đầu ngoẹo sang một bên. Bà ngoại và anh hai ? Thật không ? Nó lại cố gắng mở mắt. Lần này thì lớn hơn một chút. Nó nhìn thấy rõ bà ngoại và anh hai. Bà ngoại mếu máo :
    - Con có sao không ? Trời đất ơi !
    Mắt anh hai ươn ướt trên bộ mặt cố tỏ ra lạnh lùng. Bà ngoại nhẹ nhàng nâng đầu nó lên, lấy khăn mặt ướt lau mặt cho nó. Vừa lau bà vừa rót vào tai nó những câu trách móc dịu dàng :
    - Con làm ngoại và anh hai con hết hồn. Con gặp ác mộng phải không ? Con la hét dữ quá, lại con giãy giụa nữa, giãy đến muốn gãy cả cái giường tre này. Con trông anh hai con kìa. Nó cứ chầu chực bên con miết. Bảo đi học, nó không chịu. Nó nói nếu nó đi thì một mình ngoại làm sao coi được con. Ngộ xảy ra chuyện gì thì ngoại biết xoay xở như thế nào.

    Nó nhìn anh hai. Anh nó ngoảnh nhìn chỗ khác. Từ ngày ba má nó li hôn, mỗi người bỏ đi một phương, hai anh em nó sống chung với bà ngoại. Bà ngoại năm nay ngoài sáu mươi, lưng đã còng rồi, nhưng vẫn phải đi làm mướn nuôi hai anh em nó đi học. Tụi nó đòi nghỉ, ngoại không cho. Ngoại bảo cố gắng kiếm tí chữ để sau này khỏi khổ. Thế nhưng, việc kiếm tí chữ của anh em nó sao mà khó khăn vậy ? Học hoài mà chẳng có tiến bộ nào hết. Anh nó năm nay học lớp bảy, nhưng nhìn vào sách như nhìn vào bức tường, ầm à ậm ực mãi mà vẫn không đọc nổi một câu.

    Nó đã trông thấy những giọt nước mắt của anh nó chảy xuống ướt cả trang sách. Có lần anh nó đã ôm nguyên một chồng sách vở mà quẳng vào xó nhà rồi nằm vật ra nền nhà khóc hu hu. Nhìn cảnh tượng đó, nó cũng khóc theo. Còn nó, nào có khá gì hơn ? Đậu bằng Tiểu học rồi mà con toán cộng, trừ, nhân, chia vẫn là một mớ bòng bong. Nó nhớ lại buổi thi Tiểu học ngày đó. Trước ngày thi, cô giáo dặn hễ đứa nào không làm được bài thì xin phép đi vệ sinh; vào trong đó sẽ có bài giải sẵn, chỉ việc nhét vào túi áo rồi mang vào phòng thi… Nó đã làm đúng như lời cô dặn và thi đậu. Lớp nó đậu 100%. Các lớp khác cũng vậy. Năm đó trường nó được nhận bằng khen và huân chương gì đó của huyện và của tỉnh.

    Anh em nó chẳng thiết tha gì việc học cả. Nhưng nghĩ thương bà ngoại, không muốn bà buồn, nên tụi nó đành phải cắp sách đến trường. Thực ra, số học sinh có học lưc giống như anh em nó không phải là ít. Nhưng hoàn cảnh của tụi nó khá hơn. Gia đình tụi nó không tan đàn sẻ nghé, kinh tế vững vàng, nên tụi nó có niềm vui khi đi học. Còn anh em nó bước vào cổng trường như bước vào một vũ trụ hoàn toàn xa lạ. Chúng nó chẳng dám ngẩng mặt nhìn ai. Và hình như cũng chẳng ai muốn nhìn chúng nó- kể cả các thầy cô giáo.

    Nó vừa trải qua một cơn ác mộng. Nó vẫn chưa hoàn hồn. Đầu nó nặng như cối đá. Bà ngoại, anh hai và mọi vật quanh nó cứ nhảy múa như đàn châu chấu ngày mùa. Tiếng bà ngoại nghe thật gần mà cũng thật xa xôi. Nó lại chìm vào hôn mê. Mắt nhắm tít. Bà ngoại sờ đầu cháu, hốt hoảng :
    - Trời đất ơi ! Nó nóng quá ! Con lấy cho ngoại cái khăn ướt. Mau lên !
    Thằng anh cuống cuồng chạy đi, lát sau chạy vào, khăn ướt trên tay. Nó nói ngoại để con,rồi ngồi xuống bên cạnh em, đặt khăn vào đầu, mắt lo âu. Nó lẩm bẩm :

    - Chỉ tại…
    Ngày hôm đó, trong khi đang học tiết toán thì có thầy giám thị lên gọi nó xuống văn phòng gấp. Nó tái mặt. Chắc là tiền học phí đây. Gần ba tháng rồi mà anh em nó vẫn chưa có tiền đóng. Bà ngoại tuổi cao nên sức khỏe kém, đồng tiền kiếm được chẳng là bao lại còn phải nuôi anh em nó ăn học nữa. Thật là một gánh nặng quá lớn đối với ngoại. Nhà trường thúc tiền học phí, nó đâu dám nói với ngoại. Nếu hôm nay nhà trường đòi nữa thì nhất định nó phải nghỉ, chỉ một mình em nó đi học thôi. Nó nghỉ để đi làm phụ ngoại. Nó biết ngoại không muốn như thế. Nhưng không thể kéo dài tình trạng bi đát như thế này được nữa.

    Khi nó vừa bước vào đến cửa văn phòng thì mặt nó xám lại. Trước mặt nó là đứa em gái đang cúi gầm mặt xuống. Bên cạnh là cô giáo chủ nhiệm của nó. Không biết con bé đã làm gì mà trông cô rất tức giận. Mắt cô long lên sòng sọc. Cô nhìn con bé như thể muốn ăn tươi nuốt sống nó. Thầy hiệu phó ngồi sau bàn giấy, hết nhìn cô giáo lại nhìn con em nó. Vẻ mặt thầy cũng tức không kém. Thầy rít thuốc liên tục. Khói thuốc mù mịt cả căn phòng. Con em nó chịu không nổi khói thuốc nên ho sặc sụa. Cô giáo cũng phải lấy khăn che mũi lại. Căn phòng im phăng phắc. Cái quạt trần cũ quay kêu kít kít.
    Nó vòng tay, cúi đầu chào thầy hiệu phó và cô giáo. Nó chưa biết phải mở lời như thế nào thì cô chủ nhiệm của em nó đã nước mắt vắn nước mắt dài :
    - Trời đất ơi ! Thế này thì có chết tôi không cơ chứ. Dành dụm mãi mới được ngần ấy tiền mà bây giờ nó lại nhẫn tâm lấy mất của tôi.

    Đến lúc này thì nó mới hiểu cơ sự. Cô giáo chủ nhiệm của em nó bị mất tiền và cô nghi em nó là thủ phạm. Không phải cô nghi mà cô quả quyết là em nó đã ăn cắp tiền của cô. Nghe cô nói, nó thấy như đất sụp đổ dưới chân. Không thể thế được. Nhà nó tuy nghèo nhất xã này, nhưng anh em nó chưa hề đụng vào bất cứ thứ gì của ai. Mặt nó tái lại. Môi nó mím chặt. Chân tay nó run rẩy. Tai nó lùng bùng. Nó nhìn đứa em tội nghiệp. Con bé chỉ biết day day đôi dép mòn vẹt gót xuống nền văn phòng. Nó không khóc. Có lẽ nó không còn nước mắt để khóc nữa. Thân hình nó vốn đã nhỏ bé, giờ phút này lại càng nhỏ bé hơn. Có lẽ tại nó cố gắng thu mình lại như con chuột nhắt khi đứng trước nanh vuốt của mèo. Thằng anh run run hỏi cô giáo:
    - Thưa cô, sao cô biết em con lấy tiền của cô ?
    - Cô không cần phải trình bày với em.
    - Thế nhưng…
    - Không nhưng nhị gì hết. Em chỉ là học trò. Học trò không có quyền tra hỏi cô giáo.

    Thầy hiệu phó cắt ngang lời nó. Bầu không khí nặng trĩu bao phủ hai anh em nó. Một bức tường xám ngoét sừng sững chắn trước mặt chúng. Phận giun dế luôn luôn đầy rủi ro , bất trắc. Thầy hiệu phó nói với cô giáo:
    - Hay ta giao nó cho công an xã ? Với chuyên môn nghiệp vụ, chắc họ sẽ bắt con bé phải nhận tội.
    Cô giáo reo lên một tiếng mừng rỡ:
    - A ! Đúng đấy! Thế mà em không nghĩ ra. Phải cho nó một trận thì nó mới hết ngoan cố, mới chịu lòi ra. Đồ con nít ranh mà giở trò ăn trộm, ăn cắp ngay trong lớp học.
    Tiếng reo của cô làm anh em nó sợ hãi tột cùng. Con bé khóc òa lên. Thằng anh mếu máo van xin:
    - Thưa thầy, xin đừng nộp em con cho công an. Họ sẽ tra tấn nó đến chết mất. Con xin thế mạng cho em con. Con xin thề rằng em con nhất định không ăn cắp tiền của cô.
    Thầy hiệu phó lấy điện thoại di động ra, bấm bấm…” A- lô…a- lô..a-lô…Dạ… Tôi là hiệu phó trường… Dạ… Trường tôi vừa xảy ra vụ ăn cắp tài sản khá nghiêm trọng. Xin anh cho người tới đưa thủ phạm về đồn điều tra ạ…Dạ…Cám ơn anh”.

    Thôi rồi ! Nó chạy tới bên em. Chân tay nó luống cuống. Làm thế nào để cứu em bây giờ? Nó cũng nước mắ tdàn dụa. Bà ngoại ơi ! Nó thầm kêu cứu bà ngoại. Thế nhưng, cho dù có bà ngoại có mặt ở đây chăng nữa thì bà cũng không thể làm gì được. Nó biết rõ như vậy. Nhưng nó vẫn kêu cứu bà. Bà là chỗ cậy trông duy nhất của anh em nó mà.
    Chỉ một loáng là hai chú công an xã xuất hiện trước cửa văn phòng. Nó ôm chặt lấy em. Qua màn lệ, nó thấy mập mờ những bàn tay chỉ trỏ của thầy hiệu phó và cô giáo. Hai chú công an gật gù và hướng mắt về hai con giun đang run rẩy trong nước mắt. Sau một hồi trao đổi, hai chú công an tiến về phía chúng. Mắt họ bắn ra những tia sấm tia sét. Thằng anh càng ôm xiết lấy em hơn. Tuy nhiên, vòng tay nhỏ bé của nó đã bị đôi cánh tay lực lưỡng của một chú công an giật tung ra. Và họ lôi sềnh sệch em nó đi. Một màn đen dày đặc kín phủ cặp mắt lạc thần của thằng anh. Nó chạy theo năn nỉ, khóc lóc, nhưng vô hiệu. Khi chiếc xe honda chở em nó vừa ra khỏi cổng trường thì nó cũng vụt chạy đi.

    Nó tức tốc chạy đến chỗ bà ngoại đang làm công cho người ta để báo cho bà biết em nó đã bị bắt về đồn công an xã. Nghe nó nói, mặt bà biến sắc. Bà hỏi đi hỏi lại như thể bà nghe lầm. Nó phải xác nhận nhiều lần bà mới chịu tin. Bà mếu máo bảo nó đi tới đồn công an để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Hai bà cháu chân thấp chân cao bước đi giữa trời nắng gắt. Bà vừa đi vừa khấn Trời Phật độ trì cho đứa cháu gái được tai qua nạn khỏi. Con đường tưởng chừng như dài vô tận. Không biết em nó giờ ra sao ? Có bị đánh đập không ? Sức một đứa trẻ mười một tuổi èo ọt làm sao chịu nổi tra tấn ? Tại sao cô giáo lại vu oan cho em nó vậy ? Chắc tại vì nhà nó nghèo quá. Đói ăn vụng, túng làm liều mà.

    Thế nhưng đó là đối với người khác kìa. Còn anh em nó thì tuyệt đối không bao giờ. Bà ngoại luôn luôn dạy bảo anh em nó phải sống thật thà. Bà thường nói với tụi nó rằng tiền bạc phi nghĩa chẳng bao giờ bền cả. Đời này bất công quá. Người ngay thẳng bao giờ cũng chịu thiệt thòi. Người nghèo khó lại càng bị thiệt thòi hơn. Trên con đường hơn bốn cây số, đầu óc nó đầy ắp hình ảnh đứa em gái tội ngiệp. Chắc bà ngoại nó cũng thế, vì nó thấy bà cứ lau nước mắt hoài. Tội nghiệp bà quá. Tóc bạc phơ, lưng còng gần sát đất, răng rụng gần hết, nay ốm mai đau mà chẳng ngày nào được nghỉ ngơi. Vậy mà anh em nó đòi nghỉ học bà nhất định không chịu. Bà bảo có chữ vẫn hơn. Có chữ thì cuộc sống đỡ vất vả. Nghe bà nói thế, nó bụng bảo dạ : “Cái thứ chữ của mình thì làm gì được cơ chứ ?”. Học đến lớp bảy rồi mà nhìn mặt chữ vẫn chưa đọc được, vẫn phải đánh vần toát mồ hôi. Lại còn tính toán và ngoại ngữ nữa. Tất cả đối với nó là một khu rừng vô cùng rậm rạp. Nó bị lạc trong đó mà không tìm được lối ra.Sáng sáng, mở mắt ra, nghĩ đến cái cổng trường là nó đổ mồ hôi hột. Nó đến trường như phạm nhân vô nhà tù. Con em nó cũng khổ sở đâu kém gì nó.

    Mải suy nghĩ, nó không biết rằng bà cháu nó đã đến trước cổng trụ sở công an xã. Chỉ đến khi nghe bà ngoại lên tiếng hỏi thăm chú công an gác cổng thì nó mới giật mình. Tim nó bắt đầu đập thình thịch. Nó lại có cảm giác như nó là một tên tội phạm. Trông bộ mặt lạnh như tiền của chú công an, nó lại càng sợ hơn.
    Trong lúc hai bà cháu đang dáo dác tìm kiếm thì con em nó ra, bước đi khó khăn, mặt mày sưng húp, áo quần xốc xếch. Thằng anh la to :
    - Nó kìa, ngoại !
    Rồi chạy ngay tới bên em, rối rít hỏi :
    - Em có sao không ? Có bị người ta đánh không ? Sao người ta thả em ra vậy ?
    Em nó không trả lời. Bà ngoại đến, nó ôm cứng lấy bà, nức nở :
    - Ngoại ơ i! Con sợ quá !
    Bà bảo thằng anh :
    - Mau đưa em con về !
    Mặt buồn thiu, nó đưa tay dìu em. Thấy em bước đi khó khăn quá, nó ghé lưng vào cõng. Vừa lúc đó, một chú công an bước ra và nói:
    - May cho cháu bà đó. Cô giáo gọi lên báo là đã tìm thấy tiền rồi nên nó mới được thả. Nếu không thì…
    Chưa nói hết câu thì di động của chú reo, chú lấy ra nghe. Những tiếng “dạ” cứ liện tục tuôn ra từ cửa miệng chú.

    Ba bà cháu vội vàng ra khỏi cổng, như thể sợ họ đổi ý mà bắt con bé trở lại.
    Về đến nhà, vừa đặt nó xuống giường là nó thiếp đi trong những tiếng nấc tức tưởi. Rồi nó mê man. Người nó nóng như lửa. Bà ngoại sai thằng anh lấy khăn ướt đắp cho em. Đắp hết lần này tới lần khác mà nó vẫn cứ hầm hập. Hai bà cháu nhìn nhau, mắt ngấn lệ. Con bé thỉnh thoảng lại thét lên : “Cháu không lấy tiền của cô. Cháu không lấy tiền của cô .Các chú tha cho cháu đi! Đừng băt cháu quỳ nữa. Đầu gối cháu đau quá.Đừng đánh cháu nữa. Cháu đau quá. Trời ơi! Bà ngoại ơi!” Bà ngoại kéo ống quân con nhỏ lên. Chao ôi! Gối nó đỏ những máu. Những tiếng thét kinh hoàng cùng những tiếng khóc gào của con nhỏ làm tan nát cõi lòng hai bà cháu.

    Nó bỏ học. Lòng đầy uất hận. Trong bộ óc ngây thơ và đơn giản của một đứa trẻ vùng quê, nó chỉ nghĩ rằng sẽ trả thù cho em nó. Trả thù như thế nào, bằng cách nào thì nó không nghĩ ra được. Nó nói ra ý định ấy cho ngoại nghe. Bà ôn tồn khuyên giải nó:
    - Con đừng làm gì dại dột. Thân phận nghèo hèn của mình không làm gì được người ta đâu mà còn rước họa vào thân. Một mình em con đã quá đủ rồi. Bà không muốn nhìn thấy thêm đứa cháu của bà bị như thế này nữa. Vả lại, ác giả ác giả ác báo, con à. Những kẻ làm hại người thì trời sẽ trừng phạt họ. Lưới trời lồng lộng, bọn họ không thể thoát được đâu.
    Tuy không đủ sức hiểu hết những lời nhủ bảo của bà, nhưng nó cũng nguôi ngoai đôi chút. Nó tự nhủ sẽ chống mắt lên nhìn ngày ông trời trừng phạ những kẻ làm hại em nó. Thế nhưng , ngày đó là ngày nào ? Nó chỉ mong sao càng sớm càng tốt để được thỏa dạ.

    Cuối cùng, sau mấy ngày mê man cùng với những tiếng thét, tiếng khóc, em nó đã tỉnh lại dần. Tuy thế, nó không còn tỉnh táo như trước nữa. Cặp mắt nó lúc nào cũng lấm la lấm lét. Chỉ một tiếng động mạnh cũng làm nó run bần bật và khiến nó vội vàng tìm chỗ ẩn núp. Việc ăn uống của nó kém hẳn đi. Nó chỉ nhìn chén cơm chứ không muốn cầm lên. Giục mãi nó mới chịu bưng chén lên. Và được một miếng lại buông bát đũa đứng dậy. Người nó xanh như tàu lá. Nó hay lảm nhảm. Những tiếng mà hai bà cháu nghe được là những lời van xin tha thiết cô giáo chủ nhiệm, thầy hiệu phó và các chú công an.con không lấy tiền của cô. Cháu đau quá, các chú tha cho cháu đi !

    Hai năm sau.
    - Ê, tụi bay. Con bé khùng kìa !
    Lũ trẻ đang chơi tạt lon ở vỉa hè tạm dừng cuộc chơi. Chúng nhìn về hướng mà thằng bạn vừa chỉ. Một đứa con gái khoảng mười hai tuổi, gầy đét như con khô mực, đầu tóc rũ rượi, mặt mày lem luốc, áo quần sơ mướp. Nó vừa đi vừa khóc. Khóc chán lại cười. Cười sằng sặc như bị thọc lét. Cười chán lại khóc. Mà tiếng khóc của nó thê lương lắm, tức tưởi lắm. Ai có tính đa cảm nghe tiếng khóc đó ắt khó cầm nổi nước mắt. Hễ đi qua cổng một trường học nào là nó thay đổi thái độ liền lập tức. Nó trở nên lầm lì, môi mím lại, mắt long lên những tia máu. Nó đi thật nhanh như thể muốn tránh né ai đó hay điều gì đó.

    Đứa trẻ điên khùng ấy chính là cô học trò tội nghiệp của chúng ta. Sau tai họa mà cô giáo chủ nhiệm giáng xuống đầu nó, nó bị bệnh cả tháng trời. Khi hết bệnh, nó chẳng còn tính người nũa. Suốt ngày nói năng lảm nhảm, khóc cười, cười khóc. Tình trạng đó cứ ngày một trở nên xấu đi. Hàng xóm khuyên nên đưa nó đi đến bệnh viện để được chữa trị. Lời khuyên hữu lí ấy lại biến thành lưỡi dao tàn ác cứa nát trái tim bà ngoại và anh nó. Bởi một lẽ rất đơn giản là họ không có lấy một xu dính túi. Đành phó mặc cho số phận thôi. Họ cũng không còn đủ nước mắt để chia sẻ với đứa cháu, đứa em này nữa. Rồi bà ngoại nó lại bỏ anh em nó để trở về với cội nguồn nguyên thủy. Thế là hai anh em nó hoàn toàn bơ vơ trên cõi đời đầy cạm bẫy và gian trá này.
    Thằng anh, với mớ tuổi còn hôi mùi sữa và mớ chữ cỏn con chỉ còn biết đi làm thuê cho người ta để kiếm tiền độ nhật. Nó nuôi chưa đủ thân nó thì nói chi đến việc bảo bọc cho em. Con em suốt ngày lang thang đầu đường xó chợ, khi bụng đói thì bạ cái gì cũng nhặt lấy bỏ vào miệng. Tuy vậy, tối đến, nó cũng còn biết đường quay trở về túp lều xiêu vẹo để ngủ qua đêm. Thằng anh cả ngày làm việc cật lực, tối về, đặt lưng xuống là ngủ như chết, chẳng ngó ngàng gì đến em. Buổi sáng, thức dậy, nó không thấy em ở trong nhà nữa. Ban đầu nó cảm thấy đau đớn, xót xa, nước mắt lưng tròng. Thế nhưng, lâu dần, do áp lực của cuộc sống, nó hầu như quên rằng bên cạnh nó còn có một sinh linh nữa cũng đang trầm luân trong địa ngục như nó.

    Hôm nay, con bé đi ngang qua một trường học. Nó đi như chạy. Bỗng nhiên, nó dừng lại, tai dỏng lên, rồi từ từ tiến lại cổng trường. Nó bị một giọng nói phát ra từ cái loa bên trong trường cuốn hút. Giọng nói này nghe quen quá. Nó áp sát mặt vào chấn song sắt cổng trường. Phía bên trong, một cô giáo đang đứng trên bục nói. Trong bộ nhớ mù mờ của nó, hình ảnh của người này hiện ra rõ dần, rõ dần. Cho đến khi toàn bộ dung nhan của cô giáo dừng hẳn lại thì nó nhân ra đó chính là cô chủ nhiệm cũ của nó.

    Đúng vậy. Người đang thao thao bất tuyệt trước toàn thể học sinh trong trường đích thị là người đã gieo vào tim óc nó cái bệnh điên khùng này. Hôm nay, trong buổi lễ tổng kết năm học, với vai trò hiệu trưởng của một trường THCS, cô đang báo cáo những thành quả mà nhà trường đã đạt được trong năm học vừa rồi trước sự hiện diện của chính quyền sở tại, của đại diện phòng giáo dục cùng các bậc cha mẹ học sinh. Đó là những thỏi vàng ròng. Chúng phát ra một thứ ánh sáng kỳ diệu có sức mê hoặc tất cả mọi người hiện diện khiến họ vỗ tay không ngừng.

    Thành tích vĩ đại của trường được chứng minh một cách hùng hồn qua hàng hàng, lớp lớp học sinh xuất sắc và giỏi của các lớp lên lãnh thưởng. Các vị được hân hạnh mời lên trao phần thưởng cũng vì thế mà mệt mỏi hơn vì vừa bước xuống, ngồi chưa nóng chỗ đã lại được mời lên để phát tiếp. Có vị đã kín đáo lấy khăn thấm mồ hôi rịn ra thành hột trên mặt. Cùng lúc với việc phát thưởng, những chùm bong bóng bay đủ cỡ và đủ màu sắc được thả ra. Chúng bay, bay, bay vút lên tận chín tầng mây mang theo những lời có cánh. Rồi những trái bong bóng bay đó nổ tung. Xác bóng bay đi khắp muôn phương.

    Buổi lễ tổng kết năm học chấm dứt trong tiếng nhạc hùng tráng. Con bé điên khùng đi lẫn vào trong đám đông học sinh vẻ mặt rạng rỡ, cười nói huyên thuyên. Âm thanh ồn náo của đường xá làm át đi những câu nói làm nhảm của nó : “Con không lấy tiền của cô mà. Con không lấy thiệt mà. Con xin các chú. Các chú tha cho con đi ! Đừng đánh con nữa. Con đau quá rồi. Ngoại ơi !…”.



    Kiều Đắc Thềm
Working...
X