Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Cái Chết Của Lâm Bưu

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Cái Chết Của Lâm Bưu

    Cái Chết Của Lâm Bưu




    Lâm Đậu Đậu Bây Giờ




    Chu Ân Lai - Mao Trạch Đọng - Lâm Bưu


    Chương Mười Lăm - Cái Chết Của Lâm Bưu

    Các biệt thự của các lãnh tụ Trung Cộng tại Tháp Bảo Sơn nằm trong một khu vực cây cối sầm uất u tĩnh, và phong cảnh cực kỳ cẩm tú. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ trước kia đều có biệt thự tại đây. Năm 1966, Lâm Bưu được hưởng ngôi biệt thự tráng lệ của Lưu Thiếu Kỳ để lại, sau khi Lưu Thiếu Kỳ bị Mao hạ bệ.

    Tuy nhiên Lâm Bưu không ở đó lâu, vì bị ám ảnh bởi số phận của Lưu Thiếu Kỳ, nên dọn đi nơi khác. Có lần Lâm Bưu muốn đổi biệt thự của mình lấy biệt thự của Mao Trạch Đông. Đó là một biệt thự đẹp nhất, chiếm nguyên một ngọn đồi, và có nhiều cây cao vây quanh. Bên trong biệt thự có nhiều vườn cảnh, hoa quý hiếm và trong vườn có những tượng đá chạm trổ rất công phu và có những vòi phun nước. Mao chỉ dùng biệt thự này một năm vài lần, vào mùa hạ và mùa thu.

    Trong bữa tiệc tối ngày 12-9-1971, Lâm Bưu và Diệp Quần đã kịp thời đem đến tặng Mao Trạch Đông những món quà rất quý giá hiếm có. Ngô Pháp Hiến vừa lấy một chuyến bay đặc biệt chở những con tôm hùm và cá hồi vừa mới đánh được tại Bắc Đới Hà, còn sống và rất tươi. Một đoàn công tác đi hái được những củ nhân sâm mọc hoang. Lâm Bưu cũng đem theo một lá thư của những người sống tại Bắc Đới Hà gửi Mao, bày tỏ lòng tôn kính và trung thành của họ đối với Mao.

    Lâm Bưu biết thủ tục nghi lễ không cho phép đem theo nhiều tùy tùng, chỉ có một người thư ký và một sĩ quan an ninh, tài xế và bốn cận vệ đi theo. Khi đoàn xe của Lâm Bưu tới cổng tư dinh của Mao thì chỉ một chiếc xe hơi của Lâm Bưu được phép đi vào trong cổng. Các bí thư của Mao đón tiếp vợ chồng Lâm Bưu ngay tại cửa xe hơi. Bí thư và sĩ quan an ninh của Lâm Bưu đưa quà tặng cho người của Mao, sau đó lái xe đậu theo đúng chỗ vệ binh của Mao đã chỉ định cho họ.

    Ngay sau đó, tại con đường dẫn vào vườn, Chu Ân Lai, Giang Thanh và Uông Đông Hưng đứng chờ sẵn để chào đón vợ chồng Lâm Bưu. Tất cả cùng nói chuyện vui vẻ thân mật. Lâm Bưu hỏi thăm sức khoẻ của Mao Trạch Đông, và cho biết mình lúc này cũng khá nhiều nhờ thời gian dưỡng sức tại Bắc Đới Hà.

    Mao Trạch Đông đón khách ngay tại vườn hoa, bên cạnh phòng đọc sách của mình. Mặt Mao rất tươi vui, và bắt tay Lâm Bưu và Diệp Quần. Mao nói đùa với Lâm Bưu, “Thống chế trông trẻ đi đến trên mười tuổi đấy.” Diệp Quần vội cho biết đó là kết quả của thời gian dưỡng sức tại Bắc Đới Hà.

    Trong khi đó thì tại phi trường thuộc quân đoàn 34 về phía tây Bắc Kinh, Lâm Lập Quả chăm chú theo dõi tín hiệu phát ra từ chiếc đồng hồ trên tay Diệp Quần. Nhận thấy tín hiệu báo về đều đặn, Lâm Lập Quả hơi an lòng và nói với Chu Vũ Trì, “Ta chỉ mong bữa dạ tiệc bất thình lình này chỉ là một sự báo động sai lầm mà thôi.”

    Trong buổi gặp gỡ cuối cùng giữa Lâm Bưu và Mao Trạch Đông, câu chuyện giữa hai người có phần tẻ nhạt chứ không hào hứng như những lần gặp gỡ trước. Hai người đang định giết nhau thì làm sao nói chuyện hào hứng cho được. Bắt đầu Mao nói về chuyến đi kinh lý miền nam vừa qua, và nhắc đến cái thú đi du lịch. Đến đây thì câu chuyện chuyển sang vấn đề trường thọ tại Trung Hoa, Nhật Bản và một số nước khác mà Mao vừa mới đọc được trong một bài khảo cứu.

    Rồi bữa dạ tiệc bắt đầu. Mọi người thong thả từ phòng khách, đi ngang qua phòng đọc sách của Mao, vào phòng ăn để dự tiệc. Sau này Chu Ân Lai gọi đùa bữa tiệc này là “Bữa Tiệc Ly”, một danh từ người công giáo vẫn dùng để chỉ bữa tiệc của Chúa Giê-Su trước khi chịu chết. Để khai mạc bữa dạ tiệc, Mao Trạch Đông mở một chai ngự tửu được cất và đóng khằn kín từ đời nhà Minh 482 năm trước đó. Rồi Mao trịnh trọng châm mấy nén hương.

    Bữa tiệc thật vô cùng thịnh soạn, có đủ mọi thứ sơn hào hải vị. Nào là rong biển và các món ăn đặc biệt của mỗi vùng, và các món ăn bằng dã thú hiếm có mới săn bắn được ngày hôm đó, và được một chuyến phi cơ đặc biệt chở tới Bắc Kinh, đặc biệt là món gân hổ cũng vừa được bắn hạ ngày hôm đó tại Mãn Châu. Mao Trạch Đông dùng đũa của mình gắp đầy thức ăn vào chén của Lâm Bưu. Lâm Bưu cũng đáp lễ, dùng đũa của mình gắp tiếp thức ăn cho Mao Trạch Đông. Không khí của buổi dạ tiệc thật là thân ái thắm thiết giữa những người đồng chí suốt đời sống chết có nhau.

    Khoảng 10 giờ, Mao mời mọi người vào một phòng ăn khác để dùng những trái cây tươi mới đem về từ miền nam. Diệp Quần mấy lần nhắc chừng mọi người nên ra về để Mao chủ tịch nghỉ ngơi sau chuyến đi kinh lý lâu dài. Lâm Bưu và Chu Ân Lai đồng ý với Diệp Quần, nhưng Mao nằn nì mọi người ở nán lại thêm nửa giờ nữa.
















    ...... Và Những Gì Còn Lại Của Bên Chiến Bại !!!


    Cuối cùng Chu Ân Lai và Giang Thanh đứng lên cáo từ ra về trước. Lâm Bưu và Diệp Quần ở lại nói chuyện thêm với Mao chừng hai mươi phút nữa. Đúng 10 giờ 54, hai vợ chồng Lâm Bưu đứng lên từ giã Mao. Mao và Uông Đông Hưng tiễn vợ chồng Lâm Bưu ra tận xe hơi, lúc đó đang chờ sẵn ngay tại cửa phòng làm việc của Mao.

    Các nhóm phục kích nhận được lệnh sẵn sàng vài phút trước 11 giờ đêm. Từ nơi phục kích, toán vệ binh trông thấy chiếc xe hơi hiệu Hồng Kỳ lớn, bóng loáng dưới ánh đèn đêm, chạy từ từ khoảng 15 cây số một giờ, tiến ra ngã ba mục tiêu. Tới ngã ba, chiếc xe chậm lại để quẹo trái.

    Đúng lúc đó, vệ binh phục kích nhận được lệnh phóng hoả tiễn, và một tiếng nổ long trời lở đất dội lên khi hoả tiễn thứ nhất phóng trúng đầu xe. Rất nhiều mảnh xe hơi bay lên không, và chiếc xe bốc cháy ngay. Một hỏa tiễn thứ hai cũng được phóng vào phần sau chiếc xe. Toán vệ binh có nhiệm vụ cứu hỏa nhảy ra, dập tắt được ngọn lửa đang bốc lên cao từ chiếc xe hơi của Lâm Bưu.

    Hai hỏa tiễn đã phá hủy chiếc xe gần như hoàn toàn. Thân xe quằn lại và các cánh cửa văng xuống đường. Những thuốc cứu hỏa làm rữa nát thêm những cái xác đang cháy dở bên trong. Hai người ngồi băng trước thân thể nát bấy không còn nhận ra hình người nữa. Người đàn bà ngồi băng sau thì phần trên dúm lại thành một đống thịt bầy nhầy; còn người đàn ông ngồi bên cạnh thì chỉ còn nửa thân mình là nguyên vẹn.

    Một toán vệ binh khác vội chuyển xác hai người ngồi băng sau vào một phòng bên trong, để Uông Đông Hưng và Chu Ân Lai quan sát. Chu Ân Lai gọi toán vệ binh đến trình diện và tuyên bố với họ, “Các đồng chí vừa hoàn thành một công trạng lớn lao để bảo vệ Mao chủ tịch. Tất cả các đồng chí là anh hùng của Trung Quốc.”

    Uông Đông Hưng chỉ tay vào hai cái xác cháy gần thành than và nói, “Các đồng chí có biết đây là ai không? Đó là Lâm Bưu, tên phản bội định chống lại Mao chủ tịch, và mụ vợ hôi thối của hắn.”

    Cái xác người một nửa cháy thành than đó quả thực là xác của Lâm Bưu, một người mấy phút trước được coi là người có quyền lực mạnh nhất Trung Hoa, và có thể đạp đổ thần tượng Mao Trạch Đông. Đệ nhất danh tướng của Trung Cộng đã bị con quỷ chính trị Mao Trạch Đông đánh bại, cũng giống như trước kia danh tướng Hàn Tín bị Lưu Bang ám hại một cách hèn hạ.

    Thật là một cảnh gậy ông đập lưng ông. Lâm Bưu định dùng Tháp Bảo Sơn làm nơi hãm hại Mao Trạch Đông, và Lâm Lập Quả cũng hai lần toan phóng hỏa tiễn vào xe lửa để giết Mao trong chuyến đi kinh lý của Mao về miền nam. Nay Mao Trạch Đông thành công giết được Lâm Bưu, cũng bằng cách phóng hỏa tiễn, và ngay tại Tháp Bảo Sơn.

    Sau khi kiểm tra cái chết của vợ chồng Lâm Bưu, Chu Ân Lai và Uông Đông Hưng trở lại báo cáo cho Mao Trạch Đông. Mao chỉ nói một câu bình luận với Chu Ân Lai và Uông Đông Hưng, “Người ta sẽ nói những gì về kẻ có tội, điều đó không quan trọng. Tôi không cần biết.”

    Chu Ân Lai đề nghị với Mao Trạch Đông phải tìm một cách giải quyết thích đáng, để cho Lâm Bưu không có được hình ảnh của một người anh hùng. Mao trả lời Chu Ân Lai, “Tôi tin cậy ở đồng chí; đồng chí sẽ biết cách giải quyết những gì còn lại.”

    Lâm Lập Quả chờ đợi tín hiệu từ chiếc đồng hồ trên tay Diệp Quần, và ngạc nhiên không thấy tín hiệu báo về nữa, và cũng không có tín hiệu báo động khẩn cấp nữa. Lâm Lập Quả không biết được rằng dụng cụ truyền tin của Diệp Quần đã bị hỏa tiễn phá hủy ngay tức khắc. Lâm Lập Quả vội yêu cầu các tướng Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Khâu Hộ Tác phải thi hành kế hoạch đảo chánh như đã định trước.

    Nhưng Chu Ân Lai đã khôn ngoan gọi điện thoại nửa hăm dọa, nửa hứa hẹn các tướng này phải chấm dứt mọi toan tính phản loạn, vì chính Lâm Bưu đã đầu hàng và đã cung khai tất cả rồi. Lâm Lập Quả ở vào tình trạng tuyệt vọng, đành phải lên chiếc phi cơ Trident tại phi trường Bắc Kinh, và ra lệnh phi công bay trốn sang Nga Sô. Sau đó chiếc phi cơ hết nhiên liệu và lâm nạn tại Mông Cổ, như chúng ta đã biết ở phần mở đầu. Chu Vũ Trì và Vu Tân Dã không kịp trốn theo Lâm Lập Quả, đành tự sát để tránh bị bắt.

    *

    Sau khi Lâm Bưu bị giết chết và bị quần chúng khinh bỉ thì nhóm của Giang Thanh thừa thế xông lên tấn công phe đối lập và củng cố địa vị của Tứ Nhân Bang. Trận chiến tam giác trước kia giữa ba phe Lâm Bưu, Giang Thanh và Chu Ân Lai nay chỉ còn lại hai phe đối nghịch nhau, giữa Giang Thanh và Chu Ân Lai.

    Được Mao Trạch Đông hậu thuẫn, Giang Thanh tấn công Chu Ân Lai, đẩy Chu Ân Lai vào thế thủ. Tình trạng sức khoẻ của Mao ngày một suy kém, nên Giang Thanh sửa soạn lên thay thế làm chúa tể Trung Hoa, và lịch sử Trung Hoa có thể có một Võ Tắc Thiên thứ hai.

    Cuộc xung đột giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đã có những hậu quả tai hại đối với sức khoẻ của Mao. Trong suốt cuộc đời, Mao đã trải qua mười lần xung đột và tiêu diệt kẻ thù, nhưng chưa lần nào, Mao ở vào một tình trạng nguy hiểm như vụ đối phó với Lâm Bưu. Lâm Bưu ở vào một thế cực mạnh, và Mao Trạch Đông có thể bị giết và bị bôi xấu.

    Nếu Lâm Bưu nghi ngờ, không tới dự tiệc theo lời năn nỉ của Lâm Lập Quả, thì Mao sẽ ở vào thế nguy, hay ít nhất có nội chiến, và một nửa Trung Hoa sẽ nằm trong tay một viên tướng đại tài của hồng quân Trung Cộng, trong lúc Mao đã phạm quá nhiều lỗi lầm, và uy tín không còn như trước, nhất là sau vụ Cách mạng Văn hoá tai hại. Tuy đã diệt trừ được Lâm Bưu, nhưng Mao cũng bị thương tổn cả về thể xác và tâm thần.

    Ngay sau khi Lâm Bưu chết rồi, Mao bị ngất vào mùa thu. Bệnh ho liên miên của Mao không có thuốc nào trị được. Bệnh mất ngủ trở nên bất trị. Dù uống nhiều thuốc ngủ thế nào, Mao vẫn không ngủ được, ngày đêm nằm dài trên ghế trường kỷ, vừa ho, vừa khạc nhổ, và thở hào hển. Kể từ đấy, Mao không bao giờ như trước nữa, tính tình hay cáu gắt, nói thì lúng búng trong cổ họng không ra tiếng.

    Đến mùa thu 1976, Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đều từ trần. Trước khi chết, Mao chọn Hoa Quốc Phong, một người hầu như vô danh, lên thay thế Đặng Tiểu Bình trong chức vụ thủ tướng, và sẽ kế vị Mao khi Mao từ trần. Mao không tin Đặng Tiểu Bình và cũng không tin Giang Thanh và nhóm Tứ Nhân Bang của vợ.

    Sau khi Mao chết, phe Giang Thanh âm mưu dùng giải pháp quân sự để lật đổ Hoa Quốc Phong, với mục đích đưa Vương Hồng Văn lên chức thủ tướng. Còn Giang Thanh sẽ trở thành lãnh tụ tối cao, đảm nhiệm những chức vụ trước kia của Mao Trạch Đông, như chủ tịch đảng và chủ tịch nhà nước. Đặng Tiểu Bình lúc đó bị cách chức, và có thể bị phe Giang Thanh ám sát.

    Trước hoàn cảnh nguy hiểm ấy, thống chế Diệp Kiếm Anh đã cùng với các tướng già, như Lý Tiên Niệm, đứng lên hành động. Nghĩ rằng chỉ có Đặng Tiểu Bình mới có khả năng cứu vãn đất nước, nên trước hết Diệp Kiếm Anh âm thầm di chuyển Đặng Tiểu Bình xuống lánh nạn tại Quảng Đông, và giao cho một viên tướng thân tín bảo vệ.

    Rồi Diệp Kiếm Anh liên lạc và thuyết phục được Uông Đông Hưng và Hoa Quốc Phong hợp tác với mình trong công cuộc loại trừ Giang Thanh và Tứ Nhân Bang. Thoạt đầu Diệp Kiếm Anh dự định sẽ dùng quân đội bắt Tứ Nhân Bang vào ngày 11-10-1976, nhưng Diệp Kiếm Anh được tin tình báo cho biết Tứ Nhân Bang sẽ ra tay đảo chánh quân sự ngày 8-10.

    Phe Giang Thanh đã tập trung một lực lượng hùng mạnh tại Thượng Hải do Trương Xuân Kiếu lãnh đạo, có sự hậu thuẫn của quân khu Mãn Châu nằm trong ảnh hưởng của Mao Viễn Tân, người cháu của Mao Trạch Đông. Hai lực lượng Thượng Hải và Mãn Châu sẽ nghe hiệu lệnh của Vương Hồng Văn, lúc đó đang cùng với Giang Thanh âm mưu tính toán ngay tại Trung Nam Hải, trong khu vực Cấm Thành.

    Diệp Kiếm Anh lập tức ra tay trước, sai Uông Đông Hưng phục sẵn nhiều toán an ninh tại phòng họp của Bộ Chính Trị. Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh mời Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên tới họp tại văn phòng Bộ Chính Trị vào lúc 8 giờ tối ngày 6-10. Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh tới trước, trong khi các nhân viên an ninh của Uông Đông Hưng nấp sẵn trong các phòng bên cạnh.

    Khi Trương Xuân Kiều bước vào phòng họp, Hoa Quốc Phong đứng dậy, đọc một bản quyết nghị của Bộ Chính Trị, buộc tội Trương Xuân Kiều chống lại đảng và phạm nhiều tội ác. Bản quyết nghị cũng yêu cầu bắt giam Trương Xuân Kiều để điều tra. Trương Xuân Kiều biết là mắc bẫy, mặt tái mét, gục đầu xuống và để nhân viên an ninh dẫn ra khỏi phòng.

    Đến lượt Vương Hồng Văn cũng bị chung một cảnh như thế. Vương Hồng Văn còn trẻ và khoẻ mạnh, nên vùng vẫy định bỏ chạy, nhưng nhân viên an ninh ùa vào, quật nhào họ Vương xuống đất, trói lại cẩn thận trước khi giải đi. Diêu Văn Nguyên cũng lớn tiếng phản đối, nhưng bị nhân viên an ninh bịt chặt miệng, không cho nói, và dẫn đi.

    Sau đó nhân viên an ninh tới tư thất của Giang Thanh. Lúc đó Giang Thanh đang nằm đọc sách trên ghế trường kỷ. Nghe tiếng gõ cửa, Giang Thanh tưởng là vệ sĩ của mình nên lên tiếng, “Cứ vào!” Thực ra các vệ sĩ của Giang Thanh đã bị nhân viên an ninh của Uông Đông Hưng bắt giam hết rồi.

    Khi thấy người lạ mặt tiến vào, Giang Thanh biết thế nguy rồi, nên tức giận la hét như điên loạn. Nhân viên an ninh của Uông Đông Hưng phải dùng mền quấn chặt lấy Giang Thanh và dẫn đi. Mao Viễn Tân thấy động, vội bỏ chạy ra phi trường, chiếm phi cơ, định đào tẩu về Mãn Châu, nhưng bị quân phòng vệ tại phi trường bắt giữ sau hàng loạt súng bắn lẫn nhau.

    Thế là Tứ Nhân Bang bị bắt trọn một cách êm thấm, không đổ máu, và tránh cho Trung Hoa một cuộc nội chiến sau đó. Uông Đông Hưng là người có công giúp Hoa Quốc Phong, nhưng họ Uông đã phạm nhiều tội ác nên vẫn bị tước bỏ hết mọi chức vị.

    Hoa Quốc Phong chưa kịp củng cố quyền hành cá nhân thì bị Đặng Tiểu Bình, một người đã hai lần bị hạ bệ, bây giờ nổi bật lên và truất quyền Hoa Quốc Phong, và trở thành nhà lãnh tụ tối cao củaTrung Cộng. Quyền uy của Đặng Tiểu Bình sau đó không kém gì Mao Trạch Đông trước kia.

    Năm 1980 Đặng Tiểu Bình đưa nhóm tướng tá thân tín của Lâm Bưu và Giang Thanh cùng với Tứ Nhân Bang ra toà án xét xử. Tất cả đều bị trừng phạt nặng nề. Các tướng Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng và Khâu Hộ Tác mỗi người bị 18 năm tù. Giang Thanh bị kết án tử hình, nhưng được tạm hưởng án treo. Trương Xuân Kiều cũng bị án tử hình, còn Vương Hồng Văn chung thân khổ sai và Diêu Văn Nguyên 18 năm tù. Năm 1992, Vương Hống Văn chết trong tù, ở tuổi 57.

    Nhưng ít lâu sau Đặng Tiểu Bình giảm án cho các tướng thuộc hạ của Lâm Bưu, vì họ là những người khác hẳn với Giang Thanh, sẵn sàng cộng tác với chính quyền bằng cách khai tất cả những điều họ làm. Trái lại Giang Thanh thì luôn luôn tỏ ra giận dữ, mạt sát, chống đối và khinh miệt những người xử bà ta.

    Một số đông người chẳng may vướng vào vụ Lâm Bưu cũng chịu cảnh tai bay vạ gió. Lâm Đậu Đậu, con gái Lâm Bưu, được tha nhưng bắt buộc phải thay đổi họ tên. Tuy đời sống của Lâm Đậu Đậu vẫn được đầy đủ, nhưng tinh thần nàng không khỏi mang thương tích. Khoảng một năm sau, trong lúc Lâm Đậu Đậu đi nghỉ hè và đang tắm trong một con suối gần một cơ sở quân sự, thì bỗng nhiên một viên đạn không biết từ đâu bắn tới, trúng đầu nàng. Lâm Đậu Đậu chết ngay tại chỗ, và như thế gia đình nhà họ Lâm chẳng còn ai được sống sót.

    Những người con gái trước kia phục vụ cho Lâm Lập Quả cũng bị bắt giam một thời gian. Về sau họ được trả tự do với điều kiện phải cải đổi họ tên, và phải tuyên thệ không bao giờ được tiết lộ những gì họ được chứng kiến trong vụ âm mưu đảo chánh lật đổ Mao Trạch Đông của cha con Lâm Bưu trước đây.

    Cuộc hạ sát Lâm Bưu của Mao Trạch Đông phản ảnh đích thực những cuộc tranh giành quyền hành liên tục của giai cấp lãnh đạo trong một chế độ cộng sản. Trong suốt cuộc đời, Mao Trạch Đông chỉ lo hãm hại những đối thủ chính trị, những lãnh tụ có thể thay thế Mao, hơn là phục vụ cho đời sống của người dân Trung Hoa.

    Có lẽ Mao Trạch Đông già quá rồi nên Lâm Bưu là người cuối cùng chết về tay Mao. Mao thành công chọn được người thừa kế mình, nhưng con đường của Trung Cộng về sau dưới quyền của Đặng Tiểu Bình không phải là con đường Mao đã vạch ra lúc còn sống. Dù ai thắng ai bại trong các cuộc tranh chấp quyền lực trong một chế độ cộng sản, thì những âm mưu tranh quyền hãm hại nhau vẫn tiếp diễn không bao giờ ngừng, và kẻ nào ra tay chậm thì sẽ thân bại danh liệt ngay.




    Tài liệu lịch sử
    Nguyễn Vạn Lý tổng hợp





    HẾT
    sigpic

    Comment

    Working...
    X