Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Đằng Sau Mỗi Đóa Hoa

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đằng Sau Mỗi Đóa Hoa

    Quen Hiền đã lâu, nhưng mãi đến hôm nay tôi mới đưa được nàng đi dạo lần đầu. Đối với tôi, Hiền vẫn luôn luôn giấu một nỗi buồn phảng phất trên gương mặt. Nàng ít nói, chỉ mỉm cười mỗi khi không muốn trả lời tôi một điều gì. Cái vẻ duyên dáng e lệ đến khó hiểu ấy càng làm cho tôi thêm yêu mến bội phần.
    Trời Đà Lạt đêm nay không mưa. Chỉ có những làn mây mỏng hòa quyện với sương đêm giăng thành một màn bạc, huyền ảo. Khung trời lốm đốm những vì sao và một nửa trăng mờ. Giữa khu đồi cao đang đắm mình trong im vắng, tôi với Hiền ngồi bên nhau, mơ màng và lặng lẽ. Thỉnh thoảng, từng làn gió rét thổi đến đã làm bật ra những tiếng xuýt xoa, nhưng chúng tôi dường như càng cảm thấy ấm lòng. Đêm nay sương giăng dày quá. Sương ngập tràn khắp thung lũng như dòng sông bạc bọc quanh ngọn đồi. Sương phủ xuống mấy rặng thông đang im lìm trong giấc ngủ. Sương phả vào làn tóc chúng tôi một hơi lạnh tê người. Tôi tưởng chừng như hai đứa tách biệt hẳn với phố xá dưới kia, mà hoàn toàn hòa lẫn vào thiên nhiên huyền ảo.
    - Giữa một khung cảnh thế này, em buồn không hở Hiền? – Tôi gợi chuyện.
    - Không! – Giọng Hiền êm mượt như nhung – Có anh thì làm sao buồn được.
    - Nhưng mà, em thấy chúng mình nhỏ nhoi quá.
    - Không nhỏ đâu! Các nhà thơ thường bảo cả thế gian này chỉ có hai ta!
    Hiền phản đối:
    - Đừng nói vậy, anh! Đằng sau chúng mình còn có nhiều người nữa…
    - Nhưng tốt nhất là đừng nghĩ ai trong lúc này.
    - Tại sao?
    - Vì anh không muốn cái kỳ diệu của giây phút này phải nhường chỗ cho những ý nghĩ không hay. Ví dụ như anh đang nghĩ về một con người cô độc, tự nhiên anh không còn thấy vui nữa!
    Câu nói này hình như làm Hiền chú ý, nàng nhỏ nhẹ hỏi tôi:
    - Vậy anh nghĩ về ai nào?
    - Một bà lão nhặt phân! Chiều nào ở cư xá nhìn ra bãi cỏ, anh cũng gặp bà ta cắm cúi đi nhặt từng mẩu phân ngựa hoặc phân bò. Có lẽ bà ta cứ sống mãi như vậy trong cảnh cô đơn, héo hắt.
    - Thật tội nghiệp! - Hiền buông một câu như buông tiếng thở dài.
    Tôi định kéo dài câu chuyện, nhưng chợt thấy Hiền có vẻ khang khác. Đôi mắt Hiền chớp nhanh, làn mi ươn ướt. Cô ta khóc à? Hay là sương đêm nơi một cành cây nào đã gửi ở má cô ta một vài giọt nước? Không, Hiền khóc thật! Đôi mắt Hiền nhìn xuống và chớp chớp kia mà! Tôi cuống lên:
    - Em làm sao vậy?
    - Không sao cả!
    - Vậy sao em khóc?
    Hiền nhìn tôi vẻ như giận dỗi, vẻ như trách móc:
    - Ai bảo anh nói tới chuyện buồn?
    - Thôi, nay anh không nói nữa. - Tôi dỗ dành – có vậy mà cũng khóc!
    Hiền vùng vằng:
    - Anh không biết em thường hay buồn sao?
    - À, ừ… anh biết…
    Tôi biết lúc này phải ngậm bồ hòn làm ngọt mới mong cứu vãn tình thế. Nhưng chưa kịp nói gì thêm, Hiền đã đứng dậy:
    - Thôi, về đi anh!
    Mặc dù vẫn còn luyến tiếc những giây phút thần tiên nhưng tôi phải đứng lên theo.
    Sương bạc đã phủ kín cả lối đi. Chúng tôi như phải dò dẫm từng bước. Hơi lạnh ngấm vào chân, tê buốt. Xế sang Đoài, từng lượt mây đủng đỉnh bước qua trăng. Mảnh trăng nhợt nhạt lại cứ như đang bồng bềnh giữa khung trời mờ ảo.

    - o O o -

    Bầu trời thấp dần mãi xuống. Mưa bắt đầu rơi. Tôi vừa cắm cúi rảo bước, vừa đưa mắt nhìn quanh để tìm nơi trú ẩn gần nhất. Nhưng mưa càng lúc càng nhặt mà quãng đường lại không có nhà. Trời Đà Lạt mấy hôm nay thường mưa, nhất là vào những buổi hoàng hôn như thế này.
    Đang đi, tôi chợt nghe tiếng ai gọi đằng sau:
    - Anh Huy!
    Tôi ngạc nhiên quay lại:
    - A, Hiền! May cho anh quá!
    Hiền bước nhanh đến. Dưới chiếc dù màu tím sẫm, hai đứa lại đi bên nhau. Tôi vẫn còn răng đánh vào nhau cầm cập. Hiền cười:
    - Anh lạnh lắm phải không?
    - Ừ, lạnh!
    - Đáng đó! Ai bảo anh không chờ em.
    - Biết đâu mà chờ?
    Hiền lảng sang chuyện khác:
    - Anh đưa em về nha?
    - Dĩ nhiên rồi!
    Được Hiền mời về nhà lần đầu, tôi phấn khởi đến quên cả lạnh. Đã lâu nàng cứ hẹn với tôi là: “Đừng vội tới nhà, khi mà anh vẫn chưa hiểu kỹ em!”. Chẳng lẽ hôm nay tôi đã hiểu kỹ nàng rồi chăng? Thật khó hiểu quá. Tôi đang suy nghĩ để tìm câu trả lời, chợt nghe tiếng gọi khàn khàn ở phía đồi bên trái:
    - Trai ơi, lại giúp tôi một tí?
    Tôi bảo Hiền:
    - Em đứng đây đợi anh nghen!
    Hiền mỉm cười gật đầu. Nàng nhìn tôi chăm chú. Đến bên người vừa gọi, tôi ngạc nhiên nhận ra bà lão hàng ngày vẫn thường nhặt phân bò. Bà nhìn tôi móm mém cười:
    - Tôi giữ miệng bao, còn cậu bưng rổ phân này đổ vào giùm nhé!
    Nhìn rổ phân đầy ắp và nhão nhoẹt dưới nước mưa, tôi thoáng rùng mình. Nước phân chảy ra đỏ quạch. Phân bám vào vành rổ, làm cáu đen như hắc ín nhưng bị nước mưa làm cho nhầy nhụa. Chẳng hiểu bà lão đã quen chịu đựng thì cảm thấy như thế nào, chứ còn đối với tôi lúc này, tôi hãi lắm. Vốn từ nhỏ sống ở thành phố rồi lên đây học, tôi có bao giờ mó vào những việc như thế này đâu! Nhưng lúc này thật khó mà chối từ. Tôi đành lựa chỗ ít bẩn nhất ở vành rổ mà miễn cưỡng đặt tay vào, bưng lên. Bà cụ cũng đã chực sẵn miệng bao bên cạnh. Khổ cho tôi, khi vừa bưng lên đã bị mất thăng bằng, chiếc rổ chúc xuống và đổ ngay phân lên nền cỏ. Bà cụ buông thỏng tay, ngẩn người nhìn tôi rồi tặc lưỡi thất vọng:
    - Khổ thật, tôi mượn cậu làm gì không biết!
    Tôi cảm thấy nóng bừng mặt, vừa bực bội vừa xấu hổ. Thấy tôi còn đứng tần ngần, bà cụ thương hại bảo:
    - Thôi, cậu đi đi. Để đó, tôi làm một lát là xong.
    Tôi nặng nề bước đi. Vừa ra đến đường cái đã thấy Hiền cau mày châm chọc:
    - Gớm! Bộ anh bón phân cho cỏ hay sao ấy?
    Tuy ngượng chín người nhưng tôi cố bào chữa:
    - Anh không quen!
    Hiền bảo:
    - Anh nên chịu khó một chút chứ.
    Tôi lắc đầu:
    - Nhưng việc ấy kinh tởm thật!
    Hiền tròn xoe mắt:
    - Anh kinh tởm?
    Tôi gật đầu. Hiền buồn bã bảo:
    - Thôi, anh về đi. Để em ra làm cái việc kinh tởm ấy.
    Vành môi thắm đỏ của Hiền mím chặt lại như mếu làm như tôi vừa xúc phạm đến chính nàng không bằng. Nhìn vành môi cong dễ hờn dễ mếu ấy, tôi hỏi:
    - Anh đưa em về chứ?
    - Không cần!
    Hiền giận dỗi bỏ mặc tôi đứng đó và bước nhanh về phía bà cụ nhặt phân. Thật ngạc nhiên quá! Tôi không hiểu làm sao một người con gái như Hiền lại chịu khó đến thế. Chính mắt tôi trông thấy Hiền xắn tay giúp bà cụ hốt phân ở cỏ lên mà không hề ngần ngại. Còn bà cụ nhìn Hiền như bảo ban điều gì đó tôi không nghe rõ. Cơn mưa hoàng hôn lúc này tuy nhỏ hạt nhưng vẫn không dứt. Bóng bà cụ và bóng Hiền cúi lom khom bên nhau, mờ dần trong mưa xám.

    - o O o -

    Thế là tôi vẫn chưa biết nhà Hiền. Chiều nay tôi ngồi một mình trong phòng ngắm cảnh mưa rơi. Thật lạ! Qua màn mưa xám ngắt, tôi thấy bà cụ nhặt phân bò vẫn cứ cắm cúi đều đặn. Bà mặc một chiếc áo đi mưa xám mốc, cũ kỹ. Đôi găng tay và đôi giày cũng mang một màu đen đúa, kỳ dị. Bóng đen mờ mờ của bà cụ cứ di chuyển trong mưa, tìm kiếm từng mẩu phân để nhặt một cách cần mẫn. Trông thấy bà, người ta cứ tưởng đâu bà đang kiếm một cái gì đã đánh rơi. Bà làm việc thui thủi một mình bất chấp cả mưa hay nắng, như thể bà không muốn công việc gián đoạn phút nào. Thỉnh thoảng, bà dừng tay ngồi bệt xuống cỏ, ra dáng đăm chiêu suy nghĩ đến thừ cả người ra. Thật kỳ quặc! Một cuộc đời lạ lùng và buồn tẻ hết sức, vậy mà sao bà cụ vẫn chịu nổi từ tháng này sang tháng khác chẳng quản mưa hay nắng! Đứng ngoài nhìn vào, người ta dễ có cảm tưởng đó là một cuộc đời lẻ loi hiu hắt trong tháng ngày cô quạnh. Vậy mà không hiểu sao Hiền lại giận tôi về “vụ” người nhặt phân này? Lạ lùng quá. Tôi phải tìm cách truy hiểu căn do mới được.
    Mưa ngớt, tôi mon men đến chỗ bà cụ nhặt phân lúc nãy đang thừ người ra để suy nghĩ. Bà cụ suy nghĩ lung lắm, đến nỗi tôi đã tới sát bên mà bà cũng không hay.
    - Này, cụ ơi! Cụ đang nghĩ gì đấy? – Tôi lên tiếng.
    Bà cụ giật mình đánh thót, hệt như người mộng du khi nghe phải tiếng động. Thấy tôi, cụ thoáng ngớ người rồi ném một cái nhìn châm chọc:
    - Cậu định tới để đổ phân nữa đấy à?
    Tôi cười cầu hòa:
    - Không, hôm nay cháu đến giúp cụ để bù lỗi. Cụ có muốn nhờ việc gì nữa không?
    - Chẳng dám, tôi đang suy nghĩ…
    - Vậy cụ nhặt phân để làm gì?
    - Để vun bón những cây xanh trong vườn cậu ạ.
    - Nhà cụ ở đâu?
    - Ở dưới gốc cây ngo, cách trường học hơn cây số về phía mặt trời mọc.
    Sau khi bà cụ bỏ đi đã lâu, tôi bắt đầu lang thang một mình trên con đường loáng nước. Lúc ngang qua một quán cà phê quen thuộc, tôi nghe giọng nữ ca trong vắt: “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ…”. Tôi nghĩ, ở xứ này thực và mơ cứ như lẫn lộn.
    Thành phố đã lên đèn. Tôi bước mãi vẫn chẳng thấy cây ngo đâu. Đang lúc phân vân, tôi chợt trông thấy cái dáng lom khom của bà cụ nhặt phân đang quảy gánh đi đằng trước. Tôi lặng lẽ đi theo. A! Cây ngo đây rồi. Đó là một cây thông to đang đứng lặng lẽ trước cổng ngõ của ngôi nhà bằng ván. Tôi định bụng đợi bà ta vào nhà rồi mới xuất hiện. Lúc bà vừa bước vào, một giọng nữ nhỏ nhẹ cất lên:
    - Nội đã về đấy ư?
    Ủa, sao tiếng nghe quen quá! Tôi hồi hộp gõ cửa. Bà cụ gọi: “Vào đi”! Khi trông thấy tôi, bà cười:
    À! Cậu đến chơi đấy hả? Hiền ơi, lên chơi với bạn con đi!
    Thật bất ngờ quá! Hiền bước lên nhìn tôi đăm đăm, ánh mắt không giấu nỗi sự ngạc nhiên:
    - Sao anh biết nhà em?
    - Bà cụ chỉ cho anh đấy! Anh hỏi thăm cụ tới đây chơi, đâu ngờ lại gặp em đây.
    - Anh khéo lắm!
    - Bây giờ anh đã hiểu được em chưa? Tôi nhắc.
    - Tạm gọi là được – Hiền đáp, đôi mắt nhìn xa xăm.
    Tôi chợt nghĩ đến những cơn mưa giăng mờ trong suốt mấy chiều nay. Nào ai có thể thấy được những gì đang ẩn chứa trong làn mưa xám?
    Hiền rủ tôi ra vườn. Nàng chỉ cho tôi những luống hoa và những cây ăn quả mà hai bà cháu đã trồng:
    - Anh đừng cười nhé! Công lao nhặt phân của bà em đã gây được khu vườn này đấy. Hai bà cháu em đều nhờ vào nó để sống.
    Bây giờ đã là tháng Chạp, hoa cúc trắng tinh khiết, hoa hồng nhung đỏ thắm... tất cả đều đang vươn cành đơm bông để hướng về một mùa xuân không xa. Bên Hiền, tôi hiểu đằng sau những bông hoa trong vườn còn có biết bao những mẩu phân bò, phân ngựa. Không biết từ lúc nào, tay Hiền đã để trong tay tôi, ấm áp.

    ST ! (Tác Giả: Hùynh Văn Quốc )
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.

  • #2
    Tác giả này Poupi thấy còn 1 bài nữa, Poupi đăng vào topic này luôn nha


    Bộ lư đèn

    Hùynh Văn Quốc




    Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ
    (Vũ Đình Liên)


    Mới bảnh mắt, người ta đã ới nhau: “Còn một ngày nay thôi đấy. Cứ rề rà rồi gác việc đến sang năm!”. Phải, hôm nay đã là ba mươi tết, qua một đêm sẽ là... sang năm! Cái sang năm xa lắc xa lơ trong ký ức, cái sang năm chầm chậm ngày nào giờ đang rõ dần, nhanh dần trong mắt, trong tai và cả trong tâm trí Thuận. Mẹ anh càu nhàu: “Một tháng ba mươi ngày, không có lấy ở nhà một ngày. Hôm nay còn bộ lư đèn làm sao chà bóng cho kịp”. Ừ nhỉ! cái bộ lư đèn bằng đồng đặt trên tủ thờ từ khi Thuận mới đi lẫm chẫm đã nhìn thấy nó, qua bao nhiêu năm vẫn đứng lặng lẽ chứng kiến mọi thăng trầm trong gia đình. Bộ lư có từ thời ông nội. Hồi đó cả nhà còn phải lo toan đủ thứ chuyện, không ai nghĩ gì về một món “xa xỉ , nào khác không thiết thực với đời sống hàng ngày. Thiếu mấy thứ đó cũng chẳng sao, cái ăn cái mặc mới gớm, cái bệnh cái nạn lại càng gớm vô cùng.
    Dạo ấy ông nội Thuận bị bệnh cũng kha khá, người cứ lọm khọm, vàng vọt chẳng cách nào chữa dứt. Mẹ phải bán hai con heo tạ, gác việc lo tết, đưa hết để ông đi chạy bệnh. Đi từ sáng tới chiều, thấy ông mang về bộ lư đồng do anh xe thồ đèo, trông hớn hở ra mặt. Cho đến giờ, Thuận vẫn nhớ như in cái “sự kiện” nhỏ nhoi mà vô cùng quan trọng đó của gia đình, cho dù sau này trong đời Thuận có nhiều chuyện “to tát” hơn nhưng chưa chắc đã quan trọng bằng. Lúc bấy giờ là cháu út, Thuận cứ chạy lăng xăng tíu tít cả lên:
    - Cái gì vậy ông nội? Cái gì đẹp quá hè!
    Ông nội cười chúm chím, vuốt chòm râu lơ thơ rồi âu yếm nhìn cháu:
    - À, bộ lư đó con. Cái này để trên bàn thờ lổ tiên ông bà cho ấm cúng, một đời ông nội mới sắm được đó. Con biết nó được làm bằng gì không? Bằng vỏ đạn đó.
    Ông lẩm bẩm như nói một mình- Nghĩ cũng hay thiệt, hồi xưa mình góp lư đồng đúc đạn, bây giờ lại lấy vỏ đạn làm lư đồng!
    Thấy đôi mắt thơ ngây của Thuận tròn xoe chẳng hiểu chuyện gì, nội ôm cháu vào lòng như cố truyền niềm vui của mình sang:
    - Ngày xưa chống Pháp, Chính phủ phát động tuần lễ vàng và tuần lễ đồng. Nhà mình nghèo chỉ có mỗi bộ lư, ông thuyết phục mãi, bà cố con mới chịu cho góp vào kháng chiến. Nội hứa hòa bình sẽ sắm lại để thờ phụng ông bà. Nhưng rồi lại tiếp tới chiến tranh, cha con phải ra trận rồi không về. Nội chưa có dịp thực hiện lời hứa với bà cố. Bây giờ sắp theo bà rồi, may gặp một đồng đội cũ làm nghề này, vậy là nội mua luôn. Cháu biết không, trong làng chẳng mấy nhà có bộ này đâu. Dành dụm mãi ông mới sắm được đó. Sau này con lớn, con có cái mà thắp nhang cho ông, hỉ ?
    Từ nãy giờ mẹ Thuận như lặng đi, nghe đến đây không kìm nổi nữa, chen vào góp lời, không ra trách móc cũng chẳng ra tán đồng, cái thứ tiếng nói bị kẹt giữa đêm và ngày, giữa kìm nén và bùng nổ:
    - Con không hiểu cha nghĩ làm sao lại lấy tiền chạy thuốc đi mua ba cái thứ này. Cha không tiếc thân mình thì cũng nghĩ tới tụi con một chút chớ. Lúc này chưa sắm được thì lúc khác, cái sức khỏe là quan trọng hơn hết...
    Ông nội lại thong thả vê một điếu thuốc (cái này ông không bỏ được!), tay run run bật mãi, cái máy lửa cũ kỹ mới khẹc khẹc một chút vào tim gòn đã có mòi khô dầu:
    - Tao không biểu tụi bây lo. Tao mua cái này, chết có đem theo được đâu mà tụi bây cự. Nó còn đấy tụi bây không ưng thì bán lại, nhưng tao còn sống được ngày nào để tao ngó qua một chút, tao thờ ông bà. Bệnh không còn chữa được thì phí tiền làm chi cho mệt.
    Nói xong, ông bước lại tủ thờ, dọn dẹp để đặt bộ lư lên. Dù sao việc cũng đã rồi, mẹ bỏ đi xuống bếp, chuẩn bị bữa chiều, vừa làm vừa lẩm bẩm: “Khổ quá, có ai tiếc gì với cha đâu. Nhưng bệnh còn nước còn tát chớ, ai làm vậy bao giờ!”.
    Cái tủ thờ bám đầy bụi giờ được quan tâm đặc biệt, sao cho xứng với báu vật mà nội đem về. Tủ này cũng đã lỗi thời, nhưng mẹ Thuận bảo phải đổi mấy chục giạ lúa mới có được. Nó được làm bởi một anh thợ vụng trong họ. Anh này không có đạo đức nghề nghiệp gì ráo, cứ quan trọng hóa vấn đề lên để đòi thêm tiền, kết cuộc là giao lại chiếc tủ rất giản đơn, không chạm trổ gì cả. Để cho dễ lau chùi, cái mà các người gọi là đẹp chỉ rườm rà bụi đóng mà thôi! “-Anh ta biện bác. “Thôi, cho qua - cha Thuận về phép tặc lưỡi - chẳng lẽ trả tủ đòi lại tiền để nó hẹn đến mồng thất, rồi cuối cùng tủ chẳng có, tiền cũng không?”. Thế là cái tủ ung dung ngự ở giữa nhà, nơi trang trọng nhất của gia đình. Lúc đó ông nội chẳng bình luận gì về cái tủ, chỉ vu vơ: “Còn thiếu có bộ lư!”.
    Tưởng ông nói có vậy rồi thôi, không ngờ cái “khát vọng” ấy nó cứ canh cánh trong lòng ông mà không ai hay. Ý tưởng dù hay dù dở, hễ có nung nấu ắt có thực hiện khi gặp dịp. Thế nên nội đã chẳng ngần ngại khi dùng tiền chạy bệnh đưa bộ lư về - cái mà lúc đó dân làng còn cho là “xa xỉ”-mặc cho mẹ Thuận có phiền lòng vì nội sử dụng tiền sai mục đích, như cách nói của cánh ngân hàng ngày nay!
    Và bây giờ bộ đèn-lư đồng đã ngự trên tủ thờ trông khá... hoành tráng, thỏa lòng ao ước ấp ủ bấy lâu của nội. Mẹ Thuận đã dọn cơm lên, nhưng ông không ăn, hình như không còn thấy đói là gì, không biết vì giận mẹ hay vì vui với bộ lư đồng.
    Thuận cũng không ăn mà mon men theo nội. Ông đưa tay rờ rẫm từng bộ phận món đồ, nét mặt như giãn ra, thư thái. Bộ đồ đồng không chỗ nào còn ám bụi, vậy mà nội cứ săm soi rồi lau hoài. Hình như được chăm sóc, thậm chí nhọc công về một vật gì mình thích, con người lại thấy sung sướng hơn là được nghỉ ngơi (như sau này Thuận sắm được chiếc xe máy đầu tiên, tối ngày cứ săm soi lau chùi mãi!).
    Thế nên nội lau hoài, lau hoài... Bộ đèn-lư như còn bóng hơn cả lúc mới mua, nếu ai nhìn gần có thể thấy rõ mắt mình từ trong ấy đang chớp chớp nhìn ra, đen láy.
    * * *
    Những cái tết tuổi thơ Thuận trôi qua êm đềm như cuộc sống làng quê. Mẹ và các chị thường chạy việc tối ngày. Nhà chỉ còn hai ông cháu lo dọn dẹp, sắp xếp lại mọi thứ để đón tết. Cũng chẳng có gì nhiều, chỉ rong cái hàng rào tre, quét mấy chòm mạng nhện, nhổ mấy bụi cỏ bên hàng vạn thọ trước thềm, vậy mà sao cảnh nhà như mới hẳn ra, sáng sủa hẳn lên. Tết rồi đấy, nội bảo. Ờ, nghĩ cũng lạ, chỉ bớt cái này thêm cái kia cho khác với thường ngày đã là tết. Kỳ diệu mà đơn giản làm sao.
    - À chưa thiệt là tết đâu, còn một việc nữa!- Đang lom khom dọn cỏ nội bỗng nhớ ra.
    - Gì vậy nội?
    - Bộ đèn-lư. Ông cháu mình còn phải chà bóng nữa chớ!
    Thuận biết, chẳng phải đợi đến lúc ấy nội mới nhớ ra, mà từ mấy hôm trước, ông đã đi gom lá thơm, lá me, khế chua... đập dập ngâm nước với bộ đồ đồng để chúng kịp “nhả” lớp bụi thời gian của một năm trời, rồi sau đó hai ông cháu mới dùng tro bếp kỳ cọ cho đến bóng lộn mới thôi. Công việc này không mấy nặng nề nhưng chóng mỏi tay đối với Thuận, thành ra thuở nhỏ trong các khâu chuẩn bị tết, Thuận chán nhất là cái khoản chà đèn. Trong bộ đồ đồng ấy, công việc mà Thuận vừa thấy nhọc lại vừa thích làm là kỳ cọ con kỳ lân. Sau này đi học, có “thuyết” cho rằng đó là con sư tử, và múa lân dịp rằm Trung thu lại được nhà trường gọi là múa sư tử! Thuận thắc mắc, sư tử làm gì phun lửa được như lời ông nội bảo. Với lại trong tứ linh, long và lân là hai loại thuộc về truyền thuyết kia mà? Thôi, ai muốn kéo lân về làm sư tử thì kệ họ, riêng Thuận chẳng muốn theo. Kỳ lân thổi lửa pho pho, ông nội hay nói câu này lắm, cũng như hễ là rồng thì phải biết phun nước làm mưa vậy. Thuận tin điều ấy bằng tất cả sự hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ. Vậy nên công việc chà đèn có đôi phần thú vị khi Thuận gọi đó là “tắm lân”. Từ cái vành tai, kẽ mắt, chiếc đuôi đến bộ vó của lân, Thuận say mê, chà xát tỉ mẩn đến sạch bóng. Hai mái đầu một già một trẻ chụm lại kỳ cọ từng kẽ lư, từng vòng đèn mất cả buổi mới xong việc. Khi bày lên tủ thờ, màu đồng của bộ lư đèn tỏa ra một thứ ánh sáng vừa ấm cúng vừa trang nghiêm, làm cho gian nhà trở nên “bề thế” hơn, tạo ra cảm giác có không khí của ngày tết. Quả như lời ông nói, tết vẫn chưa phải là tết khi bộ lư đèn chưa chà xong.
    * * *
    - A, cậu út đây rồi, mẹ bảo cậu đưa bộ lư cho tụi cháu mang đi chà máy luôn thể.
    Hai đứa cháu nhìn Thuận chờ đợi. Ngần ngừ giây lát, anh lắc đầu:
    - Thôi, bữa nay rảnh, để cậu chà tay.
    Tụi cháu tròn mắt nhìn anh, không hiểu. Nhưng nhiều việc bận bịu rộn ràng của mùa xuân đang đến đã giục chân chúng chạy đi.
    Thằng con trai mới lên ba bi bô theo anh, lại có vẻ thích thú với cái mớ ngổn ngang đồng thau này. Nó lấy que gõ keng keng lên thành đèn, lên nắp lư rồi cười sằng sặc. Bộ này không có “chức năng” của chuông khánh, vậy mà âm thanh của nó cũng vui tai ra phết, nhưng phải là thằng nhóc lẫm chẫm gõ vào mới rộn ràng giục giã, mới gọi lòng người (nếu tuổi như Thuận mà ngồi gõ thì chẳng ra làm sao!). Nhưng bây giờ tiếng đồng kêu của thằng cu đã lay Thuận về với những ngày bên nội. Lúc ấy anh ngồi chồm hổm, đôi tay đầy tro và lá dập xanh lè, vẫn không quên gõ vào thành đèn khi bên trong khi bên ngoài thau nước : keng . . . keng . . . cạch! Khuôn mặt nhăn nheo của nội bị xẹt đầy nước ngâm! Mẹ Thuận đang theo chảo rim gừng trong bếp, nhìn ra quát: “Cái thằng! Mày phá ông nội quá vậy? Hỗn!”. Thuận lo lắng nhìn nội. Không ngờ ông lại cười dễ dãi, lắc đầu, nói như để cho mẹ Thuận nghe: Không sao, có phá mới có lớn chớ!”. Nội ít nói, mà nói câu nào Thuận thấy cũng hạp bụng mình cả, thiệt là mát ruột. Nghĩ đến đó, Thuận bỗng mỉm cười với thằng con trai. Nó tưởng anh khích lệ lại càng gõ dồn. Không sao, những vật bấy lâu im lìm cũng nên giúp chúng reo vui với đời một chút. Cũng như bộ lư đèn, mọi vật vô tri giờ bỗng như có hồn trước không khí tết. Chúng như bừng thức sau chuỗi ngày bị quên lãng, có đó mà không ai để ý tới vì còn bận nhiều việc phải làm. Giờ đây mỗi thứ đều kêu gọi, mời mọc mùa xuân theo cách của mình, nhắc nhở người ta quan tâm tới chúng.
    * * *
    Những năm sau này, Thuận vẫn duy trì việc chà đèn thủ công bằng thuốc tẩy. Nhắc lại chuyện đánh bóng bằng lá cây, bạn bè Thuận giễu: “Ông quê bỏ mẹ, chỉ cần mươi ngàn, thuê máy nó cạo cho một loáng là bóng rạnh”. Thuận chỉ cười, không cãi lại. Chúng nó nói đâu có gì sai, cũng hợp với quy luật phát triển cả mà. Nhưng cái lạ là Thuận thấy mình cũng không sai, không sai nhưng không cắt nghĩa được cho chúng hiểu. À phải rồi, mỗi năm một lần, khi ngồi cặm cụi với bộ đèn lư đón tết, bóng dáng ông nội như vẫn ngồi bên Thuận, lặng lẽ cùng Thuận gột rửa lớp bụi thời gian phủ trên mặt đồng, tìm lại mùa xuân, tìm lại bóng hình bà cố, bóng hình cha Thuận, và bây giờ là bóng hình ông nội... Mà điều này thì mấy ai hiểu. Chỉ có mùa xuân hiểu cho lòng Thuận là ấm áp lắm rồi.

    Comment

    Working...
    X