Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Văn mới in trên các Báo, các trang web Văn Nghệ

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Văn mới in trên các Báo, các trang web Văn Nghệ






    Mật mã

    I.


    Mấy ngày nay Oanh đi về thui thủi một mình. Long, chồng của Oanh đi công tác xa, nghe đâu phải tháp tùng theo giám đốc Kiên ký một hợp đồng quan trọng gì đó. Long năm nay đã ba mươi tám tuổi, nhưng sức sống và ý tưởng của anh vẫn còn rất trẻ trung. Là một người tài hoa lại luôn có những sáng kiến độc đáo, Long đã trở thành cánh tay phải của giám đốc lúc nào không hay. Giám đốc Kiên ngày càng quí trọng Long hơn. Và trong mắt của vị thủ trưởng này chiếc ghế phó giám đốc không sớm thì muộn cũng sẽ thuộc về Long, người trợ thủ đắc lực của ông.

    Long là một người chồng tốt. Đối với Oanh hầu như anh không có một cái gì để phải gọi là xấu. Nhiều đêm sau những buổi tiệc nhậu với các anh em trong cơ quan, Long trở về nhà trong trạng thái say xỉn, nhưng anh chỉ lẳng lặng đi nằm trong sự chăm sóc kèm theo những lời cằn nhằn của vợ.


    Long và Oanh quen nhau từ sau một vụ... đụng xe! Hai người khi ấy đã cãi nhau rất dữ thậm chí còn nặng lời với nhau nữa. Lỗi là do Oanh. Xe cô vượt qua xe của Long rồi quẹo phải đột ngột khiến Long thắng không kịp. Kết quả là hai chiếc Dream cùng bị hư hỏng nặng. Oanh với bản tính ngang bướng đã lên tiếng xỉ vả Long giữa chốn đông người không tiếc lời. Cho đến khi Oanh phát hiện mặt của mình đầy máu thì cô sợ quá... té xỉu! Tỉnh dậy, Oanh mới hay cô đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Còn người đang chăm sóc cho cô lại là cái gã khù khờ đáng ghét kia. Kẻ đã tông xe vào xe của cô khiến cô phải té ngã. Thế rồi họ... yêu nhau. Nửa năm sau thì cả hai làm đám cưới.


    Oanh rất yêu chồng. Suốt năm năm chung sống với Long, điều cô ân hận nhất chính là việc cho đến giờ họ vẫn chưa có con. Lúc đầu Oanh cứ nghĩ rằng chồng của mình có “vấn đề”. Nhưng tháng trước khi cả hai vợ chồng cùng đi khám bác sĩ, cô mới hay cái “trục trặc” ấy là do ở cô. Long rất buồn nhưng không dám trách vợ. Oanh cũng không khá gì hơn. Có nhiều đêm cô lén chồng thức trắng, nuốt từng giọt nước mắt vào tim.


    Oanh biết mình không đẹp, nhưng theo Long thì anh yêu cô bởi đôi mắt, nhất là khi đôi mắt cô ngấn lệ. “Thế anh chỉ muốn em khóc suốt đời bên anh thôi sao?”. “Dĩ nhiên là không,nhưng nếu hoa hồng có chút giọt nước mắt như hạt sương mai buổi sớm thì vẫn đẹp và vẫn lãng mạn hơn chứ!”. Oanh không thích kiểu lý giải ấy của Long. Song được chồng ví mình với hoa hồng, cô rất vui. Không ngờ suốt bốn tuần nay hoa hồng đã đẫm nước mắt thật mà Long vẫn không hay! Chẳng biết tâm sự cùng ai Oanh đành thổ lộ với Nga, cô bạn thân từ nhỏ...


    Nga khuyên Oanh nên bàn với Long xin con nuôi. Biết lời khuyên rất hợp lý nhưng Oanh vẫn còn băn khoăn vì đó là kế cùng kiệt, chỉ dành cho những kẻ vô sinh... Đã mấy lần Oanh tính mở lời với chồng nhưng lại ngại nên thôi... Sau đó thì Long đi công tác xa... Oanh nghĩ cũng là dịp may, giúp cô thêm thời gian để có thể nghiền ngẫm tìm một phương sách hợp lý hơn...


    Tối nay đi siêu thị Oanh cũng không nhớ mình đã dự tính nấu món gì và đã mua những thức ăn gì. Đến khi bày thức ăn lên bếp Oanh mới thấy có cà chua dồn mực, có xà lách, có tôm,... Thì ra cô tính nấu món cà chua dồn mực nướng là một trong những món mà Long thích ăn. Có lẽ mình lẩn thẩn, anh ấy có nhà đâu... Oanh nghĩ thầm.


    Long và Oanh thuộc mẫu vợ chồng có thói quen ăn uống trái ngược nhau, chồng nam vợ bắc. Oanh thích uống trà nóng thật đậm còn Long chỉ thích trà loãng pha đá. Oanh mê ăn thịt chó còn Long khoái khẩu với món khô chuột đồng. Ngay cả đi ăn phở chung, hai vợ chồng cũng có cách nêm gia vị khác nhau. Long thì vãi tương đỏ, tương đen rồi thêm rau, thêm giá trụng lấp đầy lên cả tô phở, trong khi Oanh chỉ cần rưới một chút nước mắm là đủ. Thấy Long ngạc nhiên, Oanh giải thích:


    - Gia đình em vẫn có thói quen ăn phở như vậy. Từ nhỏ em đã được bố em giảng giải nhiều lần cho em hiểu ăn phở không phải chỉ là ăn phở. Thật ra chúng ta ăn là ăn cái hương cái hoa của phở. Anh xem tô phở ngon, thơm ngào ngạt và được trình bày đẹp mắt như thế này anh lại nỡ vấy những vết tương đỏ, tương đen lên chẳng khác nào như những vết mực xám xịt thì còn gì là mỹ thuật của nghệ thuật ẩm thực nữa? Đó là chưa kể còn nào là rau, còn nào là giá trụng. Thấy tô phở của anh, em “ngộp” lắm!


    - Ăn phở mà phải phức tạp đến thế sao em? – Long than.


    - Thế những lời em vừa nói anh không cảm thấy hợp lý sao?


    Long đồng ý với vợ nhưng vẫn giữ thói quen ăn uống cũ. Anh lý luận mỗi người có khẩu vị khác nhau,không thể ép được. Món cà chua dồn mực nướng này cũng thế. Long rất thích ăn nhưng Oanh lại không ưa. Thế mà họ vẫn yêu nhau, vẫn lấy nhau và sống chung với nhau được. Đó là duyên nợ,là tinh yêu... Oanh đã từng nghe Nga nhiều lần nói như vậy.


    Nấu cơm xong, buồn buồn chẳng biết làm gì, Oanh đành ngồi vào máy vi tính. Mấy hôm nay xem ti vi rồi lại xem phim đĩa cô hầu như không cảm nhận được một chút hứng thú nào. Chỉ thấy toàn tẻ nhạt với tẻ nhạt. Phim Hàn Quốc đang chiếu trên ti vi là phim Nấc thang lên thiên đường, chỉ đầy nước mắt. Tình yêu nam nữ lẩn quẩn. Nhân vật nữ phản diện thì lọc lừa sắc sảo, còn nhân vật nữ chính thì bị “ngu” hơi nhiều. Cô ta chỉ biết khóc. Khi bị mẹ ghẻ đánh: khóc. Khi bị con riêng của mẹ ghẻ đối xử tệ: khóc. Khi cha ruột đến thăm hỏi: khóc. Cha không cho đi du học: khóc. Biết mình bị bệnh: khóc, khi làm người “cao thượng” nhường người yêu cho cô con gái riêng của mẹ ghẻ: khóc... Khóc trong phòng ngủ, khóc trong nhà, khóc trong rạp hát, khóc ngoài công viên, khóc ngoài đường... Ngồi khóc, nằm khóc, chạy khóc, vừa đi vừa khóc, ăn khóc, cười khóc... Mà không phải chỉ một mình cô ta khóc,còn có ít nhất hai nhân vật nam nữa trong phim cũng cùng hè nhau khóc... Tóm lại khóc mọi lúc mọi nơi! Chưa coi hết nhưng cũng có thể đoán được đoạn kết phim thế nào cũng có người bị bệnh ung thư, một trong những căn bệnh thường làm “chết” các nhân vật chính trong các phim bộ của Hàn Quốc!


    Còn phim đĩa Mỹ là phim ma cũng u ám không kém. Phim kể một nhóm bạn nam nữ tám người cùng các khán giả khác vào rạp xem phim. Một lũ ma quỉ tóc tai rũ rượi xuất hiện, cứ hễ chúng cắn vào người nào thì người ấy lại bị truyền nọc độc biến thành ma... Tám nhân vật chính cùng mọi người chiến đấu rất dữ dội. Cuối cùng chỉ có bốn người thoát ra khỏi rạp hát. Nhưng khủng khiếp thay, họ lần lượt phát hiện ra cả khu phố rồi cả thành phố đều đã bị biến thành ma! Cảnh sau cùng của phim là cảnh hai người duy nhất còn sót lại của thành phố hãi hùng, đang bị lũ ma quỉ rượt đuổi sau lưng, dắt tay nhau chạy trốn về hướng mặt trời mọc... Coi phim nào cũng thật là xúi quẩy!


    Lướt qua hàng loạt các trang web mà hồn của Oanh cứ để ở đâu đâu. Cô lại nhớ đến chồng, nhớ đến đứa con nuôi đã bàn với Nga. Xin con nuôi liệu có tiện không? Sau này nếu biết vợ chồng mình là cha mẹ nuôi của nó, lớn lên nó có còn hiếu để nữa không? Trên các báo vẫn đăng nhan nhản các tin không hay về các đứa con bất hiếu đối với cha mẹ ruột. Hôm kia là tin một đứa con bị đưa ra tòa vì tội danh không chịu phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ đã lớn tuổi. Đã vậy y còn lén bán đất, bán nhà để đem tiền đi đánh bạc. Hôm qua lại có một tin khác, một đứa con khi nhậu say đã về nhà đánh vợ và đánh cả mẹ già là một bà cụ đã tám mươi tuổi. Con ruột còn như thế huống chi là con nuôi? Càng nghĩ Oanh càng cảm thấy bi quan bế tắc. Bỗng một giọt nước mắt rơi vỡ lạnh tan trên bàn phím...


    Oanh sực nhớ là mấy hôm nay cô chưa vào hộp thư để xem có nhận được e - mail nào mới của chồng hay không? Trước khi đi Long có hứa cứ hai ngày anh sẽ “meo” cho vợ một lần. Quệt nước mắt Oanh nhìn lên màn hình rồi lẳng lặng gõ bàn phím để vào Yahoo.com, truy nhập hộp thư điện tử của mình.


    Yahoo! ID: hoangoanh


    Password (mật mã): nguyenvanlong


    Oanh mỉm cười. Lấy tên họ chồng làm password luôn là niềm tự hào minh chứng cho tình yêu của cô. Có tất cả ba e - mail đều là của Long gởi. Cả ba e - mail đều có chung một nội dung: “Nhớ em nhiều. Anh yêu em lắm!”. Thư gì đâu mà ngắn quá trời, đọc không thỏa mãn! Đã vậy còn giống nhau nữa chứ. Đúng là số lượng đã tồi, chất lượng cũng kém. Đức ông chồng của mình dạo này ngày càng lười ra. Viết thư cho vợ mà cứ như trả nợ quỉ thần vậy! Oanh rủa thầm.


    Nhớ ngày hai người mới quen nhau, Long đã thức suốt đêm viết cho Oanh một lá thư tỏ tình dài hơn sáu trang giấy! Lúc đầu Oanh cũng có hơi tức cười nhưng sau đó cô đã ép lá thư vào tập và gìn giữ làm kỷ niệm cho đến tận giờ. Nếu nhắm mắt lại, Oanh vẫn còn có thể đọc được nhiều đoạn đáng nhớ trong lá thư đầy ngô nghê của chồng lúc ấy. Hình như khi mới quen nhau các đôi tình nhân đều giữ ý nói khá ít, bù lại họ viết cho nhau thật nhiều. Nhưng sau khi đã là vợ chồng họ lại thích nói nhiều để tranh nhau áp đặt ý kiến của mình, còn viết cho nhau thì ngày càng ngắn đi.


    Không hiểu Long khi “meo” cho người khác có “ngắn gọn” như vậy không? Hay là nhân lúc Long không có ở nhà mình thử truy nhập lén vào hộp thư của ảnh xem trong đó có chứa đựng những gì? Oanh chợt thấy ngường ngượng. Hơn năm năm làm vợ cô chưa bao giờ lục lọi vào góc riêng tư của chồng. Thậm chí có lần Oanh đã từng tuyên bố hùng hồn với các cô bạn là cô không bao giờ thèm để ý đến mọi giấy tờ, thư từ dù cũ hay mới của Long. Oanh rất tâm đắc điều này. Vì theo cô đó mới chính là bí quyết chính để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Người vợ phải biết tự trọng đừng nên ghen bóng ghen gió. Thế mà bây giờ... Mặc kệ, mình cứ vào thử xem! Bản tính ngang tàng bướng bỉnh trong con người của Oanh lại trỗi dậy. Cô gõ mười ngón tay trắng trẻo lên bàn phím, miệng cười mỉm lẩm bẩm một mình: “Thiệt thà, trung thực thường thua thiệt. Lọc lừa, luồn lách lẹ lên lương!”. Thế nhưng mật mã hộp thư của ảnh như thế nào đây? Oanh tự tin gõ thử “hoangoanh” rồi lại “lethihoangoanh” nhưng đều không ăn thua! Lạ nhỉ, không lấy tên vợ làm mật mã thì mật mã hộp thư của đức ông chồng mình sẽ là cái quỷ quái gì? Bị bất ngờ Oanh càu nhàu cho đỡ tức. Thế mà cũng dám mở miệng nói tên Oanh là cái tên sẽ làm anh nhớ suốt đời! Đàn ông thật sự chỉ là một lũ láo toét!


    Oanh chợt nghĩ đến công viên Đầm Sen, nơi hai người có rất nhiều kỷ niệm. Họ gặp nhau lần đầu, tông xe vào nhau, cãi vã nhau rồi đưa nhau đi cấp cứu cũng là từ ở Đầm Sen. Nhắc đến Đầm Sen, Oanh lại mỉm cười lặng lẽ. Còn nhớ hôm ấy cô đã giận dữ mắng xa xả vào mặt Long: “Anh là đồ mắt đui! Có đui mới lái xe ẩu như vậy! Mai mốt lấy vợ nhớ kiếm mấy cô mắt cũng đui như anh mà lấy!”. Thật không ngờ quả đất lại quá tròn... Khi đã yêu nhau họ hẹn nhau đi chơi buổi đầu tiên cũng là hẹn ở Đầm Sen. Đặc biệt đám cưới của Long và Oanh cũng được tổ chức ở Đầm Sen. Từ đó đến nay Đầm Sen luôn luôn có một vị trí vô cùng đặc biệt trong tâm hồn và tiềm thức của cả hai vợ chồng cô. Thậm chí trước kia khi bàn việc đặt tên con, Long đã từng đề nghị với vợ, nếu sinh con gái tên sẽ là Nguyễn Thị Đầm Sen cho tình nghĩa vợ chồng càng thêm đậm đà! Chồng của cô đã coi trọng hai từ Đầm Sen đến như vậy, nếu không phải là Đầm Sen thì thử hỏi còn từ nào có ý nghĩa hơn được chứ? Oanh điềm tĩnh gõ “damsen”. Không đúng! Cô cẩn thận gõ lại “congviendamsen”. Cũng sai! Vậy thì thử “nguyenthidamsen” xem sao... Màn hình vẫn báo lỗi! Bực tức Oanh đập mạnh bàn tay xuống bàn phím...


    Sau một lúc thật lâu để cố gắng tự trấn tĩnh, Oanh chợt nhớ trước đây cô có đọc một cuốn sách nào đó, nói người đàn ông thường chỉ nhớ được hai ngày trọng đại nhất trong cuộc đời của mình. Hai ngày đó là ngày sinh và ngày lấy vợ của người đàn ông. Theo tác giả cuốn sách, ngày sinh là ngày người đàn ông sinh ra. Còn ngày cưới là ngày ông ta tự chôn mình! Đúng là nhảm nhí! Chắc tác giả cuốn sách này thù ghét phụ nữ lắm đây! Khi đó Oanh đã nghĩ như vậy. Nhưng sau này cô nhận thấy ông ta nói cũng có lý phần nào. Dĩ nhiên sự nhận định của Oanh hoàn toàn khác với ông ta. Theo cô,ngày lấy vợ là ngày người đàn ông được sinh ra lần thứ hai. Vì cũng từ hôm đó anh ta đã có thêm “một cái máy giặt biết đi” bên cạnh quản lý anh ta suốt đời! Năm năm chung sống với nhau là cả năm lần Long đều mua hoa tặng cho vợ nhân kỷ niệm ngày cưới. Trong đó có vài lần Oanh đã cảm động đến nghẹn ngào muốn khóc. Do quá bận bịu công việc nên cô đã quên mất ngày mình lên xe hoa không biết tự lúc nào...


    Oanh thận trọng nhập vào phần mật mã những con số chi chít khó nhớ. Đầu tiên là ngày sinh của Long. Sai! Cô nhập tiếp ngày cưới. Vẫn sai! Oanh lại kiên nhẫn gõ thử sinh nhật của cô. Vẫn sai! Rồi ngày đám hỏi. Vẫn tiếp tục sai!... Cho đến lúc này Oanh hoảng loạn thật sự. Cô hoàn toàn đã mất tự tin. Một Oanh thường ngày điềm đạm và đầy bản lĩnh đã biến mất. Cô nhập số không chính xác, khi kiểm lại thấy cứ sai loạn xạ cả lên. Mồ hôi Oanh bắt đầu rịn ra ở trán thành giọt. Mặc dù máy lạnh trong phòng đang chạy đều, lưng áo của cô vẫn ướt đẫm. Không ngờ chỉ có một hộp thư điện tử nhỏ bé này thôi lại có thể làm khó được mình! Chịu thua nó à? Không đời nào! Mình phải cố tìm cho bằng được xem chồng mình đã đặt mật mã cho nó là cái quái quỉ gì đây?


    Oanh hít thật sâu,cố gắng giữ bình tĩnh trở lại... Khoan, nhiều khi sự thông minh quá cũng không nên! Mình hãy thử nghĩ đến những cái gì tầm thường nhất, vặt vãnh nhất. Biết đâu chiếc chìa khóa mật mã lại có thể nằm ở trong đó cũng nên? Oanh bắt đầu đi ngược thời gian hồi tưởng lại từ những tháng ngày khi cô mới quen Long. Hôm nằm ở phòng cấp cứu mình nằm ở bệnh viện nào nhỉ? Phòng số mấy? Giường số mấy? Bác sĩ tên gì? Y tá tên gì? Hộ lý tên gì? Món ăn mà Long mua cho mình ăn tối hôm đó hình như là món cháo cá phải không? À quên nữa, ngày xảy ra tai nạn là ngày mấy nhỉ? Trước khi xảy ra tai nạn mình mặc áo gì? Màu gì? Xe mình và Long đi tông vào nhau đều là xe Dream II?... Oanh cứ tuần tự nhớ lại, đặt câu hỏi, tìm giải đáp và kiên nhẫn gõ thử lên bàn phím. Đầu cô nhức bưng bưng vì bộ nhớ phải làm việc cật lực để lục tìm quá khứ. Mặc kệ, thử mật mã này xem. Vẫn không đúng ư?... Nào,sáng hôm sau Long đến thăm mình lúc mấy giờ? Ảnh mặc áo gì? Hình như ảnh có mang theo cam và sữa? Mẹ mình gặp Long lúc nào? Mẹ đã nói gì? Hình như mẹ mình có khen anh ấy hiền và dễ thương như con gái? À quên nữa, mình đã mắng Long và gọi anh ấy bằng những “từ” gì nhỉ?... Nhập mật mã này xem sao! Như thế mà vẫn sai sao?...


    Không biết đã ngồi mất bao lâu, Oanh mỏi mệt ưỡn người đứng dậy. Cô vén chiếc rèm màu hồng tím nhìn ra ngoài cửa sổ. Bỗng Oanh giật nảy mình khi trông thấy những tia nắng hồng lấp loáng trên mặt đường. Cô nhìn lên đồng hồ treo trên tường, đã hơn sáu giờ sáng! Hóa ra cô đã thức suốt đêm hôm qua để rị mọ tìm mật mã truy nhập hộp thư điện tử của chồng... Mật mã vẫn là ẩn số mù mịt! Oanh có lẽ đành phải chịu thua cuộc. Suốt hơn bảy tiếng đồng hồ cô đã hao tốn rất nhiều trí lực và tâm lực mà vẫn không giải được bài toán nát óc này. Hay là đợi Long về để hỏi cho biết vậy. Phải cho ảnh ăn đòn mới được. Đặt mật mã gì khó quá trời để vợ tìm cả đêm mà vẫn chưa ra! Hừm, mà... cũng không được! Ảnh sẽ coi thường mình! Rồi lại lên mặt dương dương tự đắc cho mà xem. Chỉ là chuyện nhỏ mà em không tìm ra à,con bồ câu bé nhỏ của anh? Thật đáng ghét!... Hãy đợi đấy, mình sẽ lại tìm mật mã và tìm được cho mà xem! Nhưng bây giờ mình phải đi ngủ cái đã!...


    Thanh Trắc Nguyễn Văn

    (còn tiếp)
    Mời các bạn tham quan nhà riêng:
    Blog Thơ văn Thanh Trắc Nguyễn Văn

  • #2
    Sáng hôm nay là sáng thứ bảy, Oanh không phải đến cơ quan. Cô dự tính sẽ quét dọn nhà cửa rồi đi mua sắm, song đôi mắt cô lúc này đang trĩu nặng lúc nào cũng chỉ muốn nhắm híp lại. Oanh đành lên giường nằm trong khi tâm trí cô vẫn còn để ở nơi máy vi tính... Không lẽ mình vẫn không tìm ra được mật mã sao? Thông thường khi đặt mật mã người ta thường dùng những con số hoặc những từ thân thương có ít nhiều kỷ niệm. Tên cha mẹ Long, rồi địa danh nơi Long sinh ra, những lớp và những trường Long đã học, những năm tháng tuổi thơ của Long, thậm chí những gì dính dáng đến chồng, Oanh đều đã nhập thử hết rồi. Không hiểu sao lại không thành công. Cô cũng đã nhập vào không biết bao nhiêu từ có liên quan đến vợ chồng cô trong hơn năm năm qua nhưng kết quả cũng vẫn không có gì khả quan hơn.

    Oanh rất bực mình. Hay mật mã là tên người yêu cũ của anh ấy? Long có thú thật với vợ trước kia anh có người yêu tên là Xuân Chi. Hai người chia tay nhau đã lâu. Cho đến giờ không biết gì lý do gì Xuân Chi vẫn chưa lập gia đình. Còn Long từ khi yêu Oanh, anh nói không còn nhớ đến chuyện cũ nữa. Có tin được không? Người ta nói con gái nói có là không, nói không là có nhưng thật ra câu đó phải dành cho cánh đàn ông mới đúng. Cứ nghe miệng lưỡi của chồng mình thì biết. Ôi! Em yêu, em đẹp quá, cái váy em bận xinh quá! Thật sự mình biết mình đâu có đẹp. Còn cái váy khi mình mua ở cửa hàng thời trang vào tháng trước, vừa đem về nhà ảnh đã cằn nhằn mình mua váy vừa mắc lại vừa xấu! Chào con bồ câu bé nhỏ của anh! Sáng nay anh thấy em thật dịu dàng! Trời ạ, tối hôm qua mình vừa la anh ấy về cái tội đi ngủ làm biếng không chịu đánh răng! Ảnh cứ cằn nhằn mãi mình không phải là một người vợ tế nhị, dịu dàng như ảnh mơ ước. Theo mình đàn ông chính là loại người nói có là không, còn nói không nghĩa là... không có gì hết!


    Oanh bật dậy. Cô lại đến ngồi vào máy vi tính và khởi động máy... Mình cứ thử xem. Nếu mật mã đúng là “xuanchi” thì ảnh đừng mong sống nổi với mình! Đàn bà rất phức tạp, Nga đã từng nói với Oanh như vậy. Có người luôn bảo mình không hề ghen nhưng thật ra họ lại là người ghen rất dữ dội. Ớt nào mà ớt chẳng cay! Theo Nga có bốn loại ghen chính của phụ nữ. Thứ nhất là ghen bóng ghen gió, nghĩa là ghen tưởng tượng. Thứ hai là ghen ồ ạt. Những phụ nữ mắc chứng ghen này thường phải đi đánh ghen mới giảm được “xì trét”! Đây là loại ghen dễ gây dư luận nhất, tạo sự ồn ào nhất, hài hước đến nổi được lưu truyền trên tranh vẽ Đông Hồ. Thứ ba là ghen thầm lặng. Loại ghen này đã tạo nên nhiều cao thủ trong làng ghen mà tiêu biểu là kiểu ghen “bác học” của Hoạn Thư trong truyện Kiều. Cuối cùng là loại ghen đáng sợ nhất: ghen do tự ái. Cũng theo Nga đó là loại ghen vì yêu thì ít mà ghen chủ yếu là do lòng tự ái bị xúc phạm nặng nề. Loại ghen này dễ đưa đến những hậu quả thảm khốc cho các đức ông chồng bởi những sự trả thù quá quắc của các quí phu nhân. Mình thuộc loại ghen nào nhỉ?Oanh bật cười. Mình có ghen đâu, mình chỉ muốn tìm mật mã thôi mà! Không hiểu Nga đã đọc sách nào lại dám có những “khảo cứu” về ghen nhảm nhí đến như thế?





    Oanh gõ “xuanchi” vào phần mật mã. Máy vẫn báo lỗi. Có thế chứ! Cái cô Xuân Chi nào đó làm sao xứng đáng có tên trong máy vi tính của anh Long chồng mình! Vui mừng Oanh vươn vai đứng dậy. Nói lỡ chứ nếu mật mã đúng là tên của Xuân Chi thì sao nhỉ? Chắc mình té xỉu mất? Oanh bật cười sảng khoái. Cô tung tăng hát nghêu ngao một vài câu nhạc tình rồi nhảy chân sáo lên giường. À này, nếu mật mã yêu cầu phải có đủ cả họ của Xuân Chi thì sao? Mà cô ấy họ gì nhỉ? Oanh hầu như chỉ nghe Long nhắc đến Xuân Chi một hai lần nên cho đến giờ cô vẫn chưa biết Xuân Chi họ gì. Khó đấy, nhưng phải tìm thôi. Kiểm tra phải kiểm tra cho trót, gọt vỏ phải gọt vỏ cho trơn mà!

    Oanh lại rời khỏi giường. Đến trước cái tủ nhỏ riêng của Long đặt ở góc phòng, cô mỉm cười tinh nghịch chấp hai tay khấn: “Tha lỗi cho em anh nhé! Anh cho em mạn phép mở xem một lần này thôi. Em sẽ yêu anh nhiều hơn”. Chìa khóa tủ ư? Chuyện nhỏ! Oanh đã biết chồng mình giấu chiếc chìa khóa sau khung hình cưới treo trên tường, đặt trong phóng khách cả năm nay rồi, nhưng cô vẫn giả lơ xem như không biết! Cô mở cửa tủ rồi tìm và lật tung chồng thư cũ. Thỉnh thoảng Oanh lại gật đầu cười khi nhìn thấy những phong thư cũ của mình gởi cho chồng ngày ấy vẫn còn được Long trân trọng gìn giữ cẩn thận. Thư của Xuân Chi gởi cho Long chỉ có một bức duy nhất đã ố vàng, thậm chí còn có dấu vết dán gặm. Đây rồi tên họ của cô ấy có đầy đủ trên phong bì: Trịnh Thị Xuân Chi. Tên họ gì mà dài ngoằng thế?


    Oanh hăng hái ngồi vào máy vi tính. Cô cẩn thận nhập mật mã “trinhthixuanchi”. Thật bất ngờ hộp thư điện tử của Long đã mở! Oanh bàng hoàng lặng ngồi nhìn màn hình máy vi tính hơn nửa tiếng đồng hồ. Sau đó cô gục mặt xuống bàn khóc nức nở...




    II.


    Long nhấp một ngụm bia rồi lè nhè quay sang nói với Hoàng, em vợ cũ của anh vừa từ nước ngoài du học về:

    -Anh chị đã ly dị hơn hai năm nay kể từ dạo ấy. Mật mã hộp thư điện tử của anh đã đổi thành “lethihoangoanh” từ lâu rồi. Không biết chị em có biết không? Em gặp Oanh nhớ nói giùm anh một tiềng...


    Nói xong Long gục đổ cả người xuống bàn nhậu. Khi Hoàng đỡ được anh rể lên thì thấy gương mặt của Long đầm đìa nước mắt...


    (Tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận số 167, tháng 5 -6 năm 2012.)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn

    Hết
    Mời các bạn tham quan nhà riêng:
    Blog Thơ văn Thanh Trắc Nguyễn Văn

    Comment


    • #3
      Truyện ngắn: Lời thề màu hoa phượng






      Lời thề màu hoa phượng

      Thuở ấy tôi là một học sinh nhà nghèo vừa tròn mười tám tuổi chưa ý thức được tương lai. Tôi học không khá như các bạn cùng lứa. Nhiều người bảo tôi không được thông minh. Chỉ có thầy chủ nhiệm lớp 12 của tôi là có nhận xét khác. Thầy thường nói riêng với tôi:

      - Mùa thi đến rồi, con hãy chịu khó cố gắng thêm trong học tập một chút nữa. Chỉ cần cố gắng thêm một chút nữa thôi! Con có thể sẽ đậu đại học để sau này giúp gia đình con thoát khỏi cảnh nghèo khó như bây giờ. Con rất giỏi về môn sinh học. Riêng hai môn toán và hóa học con học cũng tạm được. Con nên thi ngành Y.

      Tôi nghe rồi chỉ để mỉm cười vì tôi tự nghĩ sức học mình chỉ có thế, tôi đậu tốt nghiệp được lớp 12 là mừng lắm rồi. Tôi đăng ký thi đại học chỉ cốt cho vui mà thôi. Còn thi vào ngành Y là điều hoàn toàn tôi không dám nghĩ.

      Quê tôi ở miền sông nước nên chợ thường họp trên sông, người ta vẫn gọi là chợ nổi. Hè năm ấy khi đi chợ tôi vô tình quen một cô lái đò rất xinh đẹp. Tôi hỏi tên, nàng bảo nàng tên là Hoa Phượng.

      “Chợ quê trên chợ dưới thuyền
      Chèo em quẫy sóng chao nghiêng nắng chiều
      Tôi ngồi nghe gió liêu xiêu
      Lén nhìn cô lái ước điều bâng quơ.”

      Cô lái đò Hoa Phượng đẹp lắm. Tôi thường mượn cớ đi chợ, đi mua trái cây cho mẹ để có thể được gặp nàng thường xuyên. Nhưng không hiểu vì lý do gì Hoa Phượng lại tỏ ra rất lạnh nhạt với tôi.

      “Từ ngày con nhện lửng lơ
      Tôi đi chợ mãi để bơ vơ hoài!
      Em cười chẳng biết với ai
      Bỏ tôi ôm một giỏ xoài buồn hiu…”

      Cơ hội đến một chiều khi vãn chợ, trên thuyền chỉ có nàng và một mình tôi. Tôi quyết định ngõ lời với nàng. Thật bất ngờ nàng mỉm cười hỏi:

      - Nghe đồn anh học dốt lắm phải không?

      Tôi vô cùng ngạc nhiên vội tìm lời chống chế:

      - Đâu có tôi học cũng tạm được mà!

      - Nếu anh không học dốt tại sao không dám thi đại học?

      - Đó là chuyện riêng của tôi. Cô hỏi để làm gì?

      Nàng cười lớn rồi nói:

      - Tôi không thích lấy chồng vừa nghèo vừa không có chữ nghĩa đâu nhé. Chồng của tôi tệ lắm cũng phải là bác sĩ. Anh bây giờ còn tay trắng. Lấy vợ rồi làm sao nuôi? Chừng nào anh đã là bác sĩ rồi hãy đến tìm tôi. Mà người như anh chắc không đáp ứng nổi điều kiện của tôi đâu. Ha ha ha…

      Tiếng Hoa Phượng cười vang lan khắp mặt sông.

      “Một hôm tôi quyết hỏi liều
      Muốn sang… phải bắc cầu kiều sao đây?
      Em đùa nhắn gió thách mây
      Trạng nguyên đỏ lá là ngày vu quy…”

      Khoảng đầu thập niên những năm 80, lứa tuổi của tôi, các thí sinh dự thi đại học thường có câu truyền miệng: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa…”. Thi vào trường Y và tốt nghiệp bác sĩ trường Y lúc bấy giờ là “oách” nhất. Nhưng không phải ai muốn cũng được vì để trở thành học sinh học trường Y cần phải có học lực rất giỏi. Tôi không ngờ nàng lại dám đem điều đó ra để “thách thức” tôi.

      Tôi nóng mặt “nổ” luôn:

      - Này, cái bằng bác sĩ của cô chắc lớn lắm nhỉ? Cô cứ ráng chờ đi. Khi nào tôi về gặp cô lúc ấy tôi sẽ là chồng của cô đó. Xin có dòng sông này làm chứng cho lời thề của tôi.

      - Anh đã thề rồi đấy nhé. Tôi sẽ lấy hai cây tăm chống hai con mắt để chờ thấy cái bằng bác sĩ của anh. Nhưng anh cũng nên nhớ một điều nếu anh chưa tốt nghiệp được bác sĩ thì anh cũng đừng có về gặp tôi. Tôi không ưa loại người hứa rồi nuốt lời đâu.

      Dứt lời Hoa Phượng lại cười vang…

      Về nhà tôi bàn với cha mẹ xin cho tôi đi thi đại học. Tôi rất ngạc nhiên vì tiền bạc trong nhà không mấy dư dã gì nhưng cha mẹ tôi đồng ý ngay. Cha và mẹ tôi vận động hai họ nội ngoại được một số tiền kha khá để giúp tôi lên thành phố ở trọ nhà một người bà con để ăn học. Tôi bất ngờ thi đậu vào trường Y thật! Không hiểu sao cứ mỗi lần cầm quyển sách lên tôi lại thấy nụ cười giễu cợt của cô lái đò nên quyết tâm học rất dữ! Tuy nhiên dù có rất nhiều cố gắng tôi cũng vẫn phải học dôi thêm một năm vì đuối sức, do phải thi lại trả nợ nhiều môn…

      “Ai ngờ từ đấy phân ly
      Bảy năm biền biệt tôi đi không về
      Giận em ném lại câu thề:
      "Nếu không đỗ trạng không về chợ xưa… !"
      Giảng đường sớm nắng chiều mưa
      Miệt mài đèn sách đợi mùa vinh quy.”

      Trong suốt bảy năm trời học ở thành phố tôi vẫn nhớ đến Hoa Phượng, nhớ đến cô lái đò xinh đẹp. Nhưng vì lời đã lỡ thề ngày trước nên tôi cứ lần lữa mãi không chịu về thăm lại bến sông xưa…

      “Thế rồi phượng thắm mùa thi
      Thế rồi bác sĩ trường Y, như lời…
      Trạng nguyên lá đỏ ven đồi
      Tôi về hái vội bồi hồi nhớ mong.”

      Bảy năm mài đũng quần trên ghế trường đại học thấm thoát rồi cũng qua mau. Cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp được với tấm bằng bác sĩ loại khá. Tôi mừng lắm. Ngày trở về, là một ngày cuối hè, tôi hái vội chùm hoa trạng nguyên rồi chạy ra bến sông tìm gặp cô lái đò mong nhắc lại lời hứa năm xưa. Thật không ngờ, khi gặp lại Hoa Phượng thì nàng đã có chồng với bốn đứa con nhỏ lem luốt. Bản thân nàng tôi cũng không nhận ra vì trông nàng đã già trước tuổi rất nhiều có lẽ do cuộc sống quá lam lũ. Nàng mỉm cười chúc mừng tôi và chúc tôi mau tìm được hạnh phúc cho riêng mình.

      “Trạng nguyên lá đỏ ven đồi
      Tôi về hái vội bồi hồi nhớ mong
      Thuyền em vẫn đậu bên sông
      Gặp em tay níu tay bồng… bốn con! ...”

      Sau này khi đã là giám đốc của một bệnh viện tỉnh tôi mới biết cô lái đò tên thật không phải là Hoa Phượng. Nàng là cháu xa của thầy chủ nhiệm lớp 12 của tôi. Chuyện nàng thách thức tôi cha mẹ tôi đều biết cả, vì chính thầy chủ nhiệm và cha mẹ tôi đã đến nhờ nàng. Chỉ có một điều là thầy chủ nhiệm và cha mẹ tôi không can thiệp được, đó là phong tục ở quê tôi con gái phải lấy chồng rất sớm…

      Khi tôi trở lại bến sông cũ tìm thì nghe người ta nói nàng và chồng do làm ăn không khá nên đã cùng bốn đứa con phải phiêu bạt sang xứ khác lâu rồi.

      “Áo ai giờ nhạt màu son
      Thuyền xưa tách bến chỉ còn chợ quê…”

      (Tuần báo Tài Hoa Trẻ số 781, ngày 15 tháng 7 năm 2012 - với bút danh Nguyễn Văn Tạo)


      Thanh Trắc Nguyễn Văn


      --------------------------------------------------------------------------------------------------

      Chợ quê

      "Nhất Y nhì Dược tạm được Bách Khoa ..."

      Chợ quê trên chợ dưới thuyền
      Chèo em quẫy sóng chao nghiêng nắng chiều
      Tôi ngồi nghe gió liêu xiêu
      Lén nhìn cô lái ước điều bâng quơ
      Từ ngày con nhện lửng lơ
      Tôi đi chợ mãi để bơ vơ hoài!
      Em cười chẳng biết với ai
      Bỏ tôi ôm một giỏ xoài buồn hiu...
      Một hôm tôi quyết hỏi liều
      Muốn sang... phải bắc cầu kiều sao đây?
      Em đùa nhắn gió thách mây
      Trạng nguyên đỏ lá là ngày vu quy...

      Ai ngờ từ đấy phân ly
      Bảy năm biền biệt tôi đi không về
      Giận em ném lại câu thề :
      "Nếu không đỗ trạng không về chợ xưa!..."
      Giảng đường sớm nắng chiều mưa
      Miệt mài đèn sách đợi mùa vinh quy
      Thế rồi phượng thắm mùa thi
      Thế rồi bác sĩ trường Y, như lời...
      Trạng nguyên lá đỏ ven đồi
      Tôi về hái vội bồi hồi nhớ mong
      Thuyền em vẫn đậu bên sông
      Gặp em tay níu tay bồng... bốn con!...

      Áo ai giờ nhạt màu son
      Thuyền xưa tách bến chỉ còn chợ quê...

      (Tuyển tập thơ Thơ Nhà Giáo Tp.HCM - NXB Trẻ 1997)


      Thanh Trắc Nguyễn Văn





      Mời các bạn tham quan nhà riêng:
      Blog Thơ văn Thanh Trắc Nguyễn Văn

      Comment


      • #4
        Giới trẻ ngày nay đang nghĩ gì?


        Nhóm vệ sĩ tình nguyện bật khóc nức nở vì đã không “bảo vệ” được cho thần tượng trước đám đông vây kín




        Câu chuyện thứ nhất: Các Fan Teen Việt Nam đã quỳ gối xin lỗi ban nhạc Hàn Quốc Suju (Super Junior)!

        Khoảng tháng 3 năm 2010, ban nhạc Suju Hàn Quốc đã đến Việt Nam trình diễn. Một số Fan Teen Việt Nam đã tự lập ra một đội bảo vệ tự nguyện nhằm bảo vệ cho các thần tượng xứ kim chi của mình. Nhưng do các Fan của Việt Nam đã biến thành Fan cuồng, họ xông vào cào cấu xé rách áo quần của các thành viên ban nhạc Suju khi các anh này vừa đến sân bay. Do cảm thấy mình có lỗi, các Fan Teen trong đội bảo vệ tự nguyện sau đó đã đến gặp các thành viên ban nhạc Suju tại khách sạn và đồng loạt quỳ gối để "xin lỗi" các thần tượng!

        Điều này đã làm dư luận xã hội Việt Nam vô cùng bức xúc. Ông cha ta như Trần Bình Trọng dù bị chém đầu cũng không đầu hàng, Nguyễn Thái Học dù lên đoạn đầu đài (máy chém) cũng không một phút giây khuất phục. Chị Võ Thị Sáu dù bị xử bắn vẫn không chịu quì gối. Sao các bạn Fan Teen lại dễ dàng quì gối trước người nước ngoài đến như vậy? Đây rõ ràng là một thất bại về văn hóa vô cùng đau đớn của dân tộc Việt Nam ta!


        Khóc như mưa gió vì không được thấy các thần tượng trong ban nhạc Suju


        Đau đớn vì thấy các thần tượng bị các Fan cuồng vây quanh bạo hành


        Ngất xỉu vì kiệt sức chen lấn trong đêm diễn của ban nhạc Suju


        Cảm xúc "không hiểu nổi" của các khán giả nữ khi xem ban nhạc Suju trình diễn

        Cũng trong thời gian này đã có 2 Fan tuyên bố 2 câu cực sốc:

        1. Nếu một ngày thế giới phản bội Suju thì elf sẽ phản bội lại thế giới

        2. Thà không có cha mẹ còn hơn không có Suju!



        Câu chuyện thứ hai: Nhiều Fan nữ đã cúi xuống ngửi, hít, hôn cái ghế của Bi Rain ngồi!

        Ngày 15 tháng 3 năm 2011, ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc (cũng là diễn viên điện ảnh) Bi Rain sang Việt Nam giao lưu với các Fan tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Tại đêm trình diễn nhiều Fan nữ đã cúi xuống hôn mặt ghế của Bi Rain ngồi! Đây là đoạn trích từ báo Tuổi Trẻ:

        “Hôm qua 10 giờ có chạy chương trình mà chú Bi Rain gì đó (không biết gõ đúng không nhỉ) và bậu xậu của chú ta sang diễn. Bi ngồi cùng cậu nữa ghế A12, A14 trong Nhà Hát Lớn. Một số cô cậu của chúng ta nhòm thấy. Tối biểu diễn, nhiều quý nữ có vé mời vào rất sớm, xúm nhau cúi xuống ngửi, hôn cái ghế Bi ngồi”...


        Mấy câu ngắn gọn trên Facebook sau đêm biểu diễn của Bi Rain - ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - tại Hà Nội của một chuyên gia truyền hình nổi tiếng đủ khiến nhiều người trong chúng ta, dù thờ ơ đến mấy với “văn hóa xìtin”, cũng phải giật mình. (Trích báo Tuổi Trẻ)



        Bi Rain đến Việt Nam tháng 3 năm 2011



        Khán giả cuồng nhiệt chào đón Bi Rian



        Nhiều khán giả nữ sẵn sàng nhịn ăn mất ngủ để được thấy Bi Rain tại sân bay.

        (còn tiếp)

        (Đã đăng trên Tuần báo Văn Nghệ tpHCM số 213, ngày 2.8.2012 với tiêu đề Mê muội thần tượng)


        Thanh Trắc Nguyễn Văn

        Mời các bạn tham quan nhà riêng:
        Blog Thơ văn Thanh Trắc Nguyễn Văn

        Comment


        • #5
          Giới trẻ ngày nay đang nghĩ gì? (tt)


          Nội dung của topic thóa mạ cha mẹ đăng trên Voz forum ngày 4/5 (ảnh chụp màn hình)




          Câu chuyện thứ ba: Nữ sinh lên diễn đàn chửi cha mẹ vì cha mẹ dám "xúc phạm" đến ban nhạc Hàn Quốc Super Junior thần tượng của cô ta


          Trong "bài văn chửi" của mình, cô nữ sinh có nick là Black Devil không những dùng đại từ nhân xưng thể hiện rõ sự bất kính, cô gái trẻ còn có những liên tưởng vô cùng bất hiếu và lệch lạc trong suy nghĩ.

          Devil thóa mạ các đấng sinh thành ra mình bằng lời lẽ rất "đanh thép": Ông bà là cái thá gì mà ngăn cấm tôi yêu các anh? Tôi treo ảnh của các anh trong phòng ai cho phép ông (ám chỉ bố) gỡ chúng ra và đốt bỏ? Còn bà, ai cho bà cái quyền tịch thu băng đĩa nhạc của tôi, thật quá đáng? Ông bà tưởng ông bà là bố mẹ tôi thì có quyền áp đặt, ngăn cấm con cái hả?


          Chưa hết, teen girl này còn mạnh miệng "dọa" rằng, nên nhớ ông bà chỉ có 2 mạng, còn các oppa có tới 13 mạng (ám chỉ nhóm nhạc Super Junior có 13 thành viên), dĩ nhiên là các oppa quan trọng hơn ông bà nhiều rồi! Các oppa tuy không nuôi tôi vì vật chất nhưng đã nuôi tôi bằng tinh thần và như đã sinh ra tôi lần thứ 2. "Với tôi giờ đây ông bà chẳng có ý nghĩa gì nữa!!!", "tác giả" áng văn chửi hùng hồn tuyên bố.


          Nữ sinh này còn tiếp tục "thao thao bất tuyệt" với giọng điệu không thể chấp nhận được: Năm nay tôi được học sinh trung bình và hạnh kiểm khá, lẽ ra ông bà phải mừng chứ. Ít ra tôi cũng không bị lưu ban như mọi năm. Chính các oppa đã xây dựng niềm tin trong tôi và thúc đẩy tôi học tập tốt hơn. Đáng lẽ ra ông bà phải biết điều đó và tiếp tục khuyến khích tôi hâm mộ các oppa mới phải. Nhưng bất hạnh thay, ông bà đã làm điều ngược lại. "Ông bà thật ngu xuẩn" - lời lẽ "có gai, có nọc" của cô con gái với cha mẹ.


          Đáng lên án hơn nữa, teen girl này còn "ao ước": "Tôi chỉ muốn vả cho ông gãy hết răng khi ông dám nói rằng: "Chúng nó (ám chỉ nhóm nhạc Super Junior) chỉ là lũ xướng ca vô loài, lũ vô tích sự, hát hò mua vui cho người đời. Mày suốt ngày đâm đầu vào cái lũ ấy quên cả học hành, mày không thấy có lỗi với bố mẹ à?".


          Đỉnh điểm của sự bất hiếu là khi teen này "bạo miệng" gọi bố là... "thằng chó". "Thằng ... khốn nạn, mày dám chửi các anh là lũ xướng ca vô loài à? Ừ xướng ca vô loài đấy nhưng các anh kiếm tiền giỏi hơn mày, nổi tiếng hơn mày đấy, tài giỏi hơn mày đấy! Mày chửi các anh mà không thấy nhục à???" - Lời nữ sinh "mắng" bố rất "bài bản"


          Loại nữ sinh này không xứng đáng là người, còn thua cả loài sâu bọ. Chỉ vì muốn bênh vực cho mấy anh chàng nhảy nhót đẹp trai của đất nước Hàn xa lắc xa lơ, không họ hàng, không quen biết; cô bé đã dám cả gan nguyền rủa hai đấng sinh thành ra mình một cách thật quá nhẫn tâm.





          Nếu theo tranh ảnh "Địa ngục biến tướng đồ - Nghiệp chướng" trong một ngôi chùa cổ tôi đã từng xem thì đây là một tội ác rất nặng nề khi chết xuống địa ngục sẽ bị trừng trị không thương tiếc.


          Xin được trích dẫn nguyên văn lời chú dưới bức tranh: "Đây là cảnh địa ngục, chúng sinh khi còn sống chửi bới cha mẹ và những người lớn tuổi, nói lời độc ác, khi chết đi rơi vào địa ngục, ngày đêm hàng trăm lần chết đi sống lại, hễ nói lời gì là miệng phun ra máu, thân thể chịu nhiều hình phạt thật là đau đớn".



          Câu chuyện thứ tư: Nhiều Fan cuồng đòi Bộ Giáo dục phải xin lỗi vì đề thi văn Khối D năm 2012



          Tâm thư của một tín đồ Suju gửi Bộ Giáo dục (Nguồn: voz.vn)


          Ngay sau buổi thi Văn khối D kỳ thi đại học 2012, nhiều bạn trẻ tự nhận là người hâm mộ của các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc đăng bài khắp các diễn đàn để “ném đá” đề thi này với lời lẽ khiếm nhã, gay gắt.


          Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra đề thi tuyển sinh đại học môn văn khối D như sau: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa”. Đề thi đã làm nhiều thí sinh thích thú, nhưng lại có một bộ phận bạn trẻ phản ứng. Ngay sau buổi thi, nhiều bạn trẻ tự nhận là người hâm mộ của các ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc đăng bài khắp các diễn đàn để “ném đá” đề thi này với lời lẽ khiếm nhã, gay gắt.


          Một độc giả có tên là Lê Minh Hồ, 18 tuổi - tự nhận thí sinh dự thi khoa tiếng Hàn, ĐH Hà Nội gửi “huyết tâm thư” tới Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban ra đề thi văn đại học 2012. Trích nguyên văn đoạn sau: “Từ khi biết tới Suju, tôi đã hiểu mình sinh ra là người của Suju, chết là người của Suju rồi”. (Thật đáng sợ cho cái câu: “Từ khi biết tới Suju, tôi đã hiểu mình sinh ra là người của Suju, chết là người của Suju rồi”. Thế còn cha mẹ, người thân thuộc và đất nước Việt Nam nữa không biết bạn này bỏ "rơi" đâu mất rồi!)


          Nhân vật này hâm mộ thần tượng như tín đồ của một tôn giáo, trung thành đến tuyệt đối: "Dù khiêm tốn đến đâu, tôi cũng khám phá ra rằng Suju chính là ánh dương soi đường chỉ lối cho chúng tôi vững bước. Suju là Đấng toàn năng mang nụ cười hạnh phúc đến với nhân loại". (Suju được giới trẻ xem như là một loại tôn giáo mới)


          Bởi thế, độc giả này viết lá thư này kính gửi Bộ Giáo dục, tha thiết đề nghị nên có lời xin lỗi chính thức đối với những tín đồ K-Pop. Không những thế, Lê Minh Hồ còn đe dọa: "Tôi e rằng nếu Bộ Giáo dục không có hành động kịp thời, máu và nước mắt sẽ nhuốm khắp Việt Nam". (Cái này là dám đe dọa đến nền an ninh của đất nước)


          Trên cộng đồng mạng Facebook còn có "Hội những người tẩy chay đề thi Bộ Giáo dục". Trong Hội này, những thành viên bày tỏ ý kiến cá nhân của mình, hầu hết đều tỏ ra bức xúc khi đề thi đã chạm đến những sở thích riêng tư của họ. Nick name Tôi Yêu Suju viết: "Hâm mộ ai, thần tượng ai là quyền của riêng người ta, vì sao các bạn lại cứ thích ném đá chúng tôi? Tại vì các bạn không dám thần tượng, không dám thể hiện niềm yêu thích của các bạn? Tôi yêu K-pop và tôi dám thể hiện tình yêu đó". (Tẩy chay đề thi nghĩa là chấp nhận rớt vì Suju?)


          Nhiều Facebook đã chia sẻ một status phản đối đề thi gay gắt: "Quá bực mình, đề thi khác gì chửi vào mặt fan K-pop bọn tôi... Đọc đề là đủ biết xoáy đểu fan K-pop rồi... Mình ghi vào bài thi là: K-pop là nhạc số 1, các loại khác chả có gì bằng được hết, rồi đi về, không thèm làm bài nữa...". (Vì Suju bạn này dám vứt bỏ cả tương lai)


          Có lẽ các quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bớt "tự sướng" đậu tốt nghiệp 100% đi, mà hãy tỉnh táo nhìn lại xem những "sản phẩm" trong guồng máy của các vị đã tạo ra. Cái này đúng là "gậy ông đập lưng ông"! Những thí sinh phát biểu gây sốc ở trên đều là lớp học sinh "tài đức" vẹn toàn từ các kỳ thi đậu tốt nghiệp 100% của các vị mà ra đó.


          Đừng đổ thừa cho xã hội, cũng đừng đổ thừa cho gia đình, cũng đừng đỗ thừa cho những người đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy nữa. Cứ mỗi lần cải cách sách giáo khoa, mỗi lần cải cách giáo dục lại tốn hàng chục ngàn tỷ đồng! Số tiền bạc khổng lồ đó đã tan biến về đâu trong khi đại bộ phận các giáo viên, những người trực tiếp giảng dạy các em, vẫn còn nghèo khó? Gieo nhân gì gặt quả đó. Các vị đã gieo những hạt giống lép vào ngành giáo dục thì cũng đừng trách gì những hạt thóc gặt được đó sao lại có quá nhiều dị tật!

          (Đã đăng trên Tuần báo Văn Nghệ tpHCM số 213, ngày 2.8.2012 với tiêu đề Mê muội thần tượng)


          Thanh Trắc Nguyễn Văn

          Mời các bạn tham quan nhà riêng:
          Blog Thơ văn Thanh Trắc Nguyễn Văn

          Comment


          • #6





            Phim truyền hình Việt và tác hại của thuốc lá

            Hút thuốc lá luôn gây hại cho sức khỏe. Theo nhiều nghiên cứu y học, hút thuốc lá sẽ làm ta suy giảm nhận thức (theo báo Archives of General Psychiatry). Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh như ung thư phổi, ung thư cuống họng, bệnh nha chu... Trẻ em nếu không may hít khói thuốc lá thường xuyên sẽ có nguy cơ sưng màng não do nhiễm vi khuẩn meningococcus hoặc đau tai, nhiễm trùng tai.

            Khói thuốc đã bị Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (International Agency for Research on Cancer - IARC) trực thuộc Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO) xếp vào các chất gây ung thư (tiếng Anh: carcinogen) bậc 1. Trong nhóm bậc 1 này, người ta đã xếp những chất mà chỉ cần một khối lượng nhỏ thôi, cũng có thể gây ra ung thư không có hạn mức, nghĩa là hoàn toàn có hại cho mình và cho người khác. Do đó khói thuốc lá chính là một loại cực kỳ độc hại rất nguy hiểm. Vì vậy đã có nhiều vị bác sĩ đã khẳng định rất rõ: Hút thuốc lá cạnh một người phụ nữ có thai đó là một tội ác!

            Nước chúng ta là nước có số tỷ lệ người hút thuốc lá khá cao. Theo số liệu điều tra năm 1997, ở Việt Nam tỷ lệ nam giới hút thuốc là 50%, nữ giới là 3,4%. Ước tính 10% dân số hiện nay (khoảng trên 7 triệu người) sẽ chết sớm do các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó 3,7 triệu người sẽ chết ở độ tuổi trung niên. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020, số người chết vì thuốc lá sẽ nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông đường bộ ( Trích từ công văn: NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ Về "Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá" trong giai đoạn 2000 – 2010).

            Về dân trí, những người nghiện thuốc lá cũng đã gây rất nhiều phiền toái cho những người chung quanh trong gia đình, trong quán ăn, trong giao thông công cộng. Đặc biệt trên máy bay Hãng hàng không quốc gia Việt Nam gần đây nhất đã từng có những vụ làm đau đầu các quan chức Hãng hàng không như sau:

            Tháng 1 năm 2012, đã xảy ra 2 vụ vào các ngày 6 và 30-1 do một hành khách là sỹ quan quân đội tên Trương Đức Hải và một hành khách khác tên Nguyễn Khắc Hùng. Hai hành khách này đều chui vào toilet hút trộm thuốc lá ngay sát giờ máy bay cất cánh và bị “đuổi” khỏi máy bay để xử phạt vi phạm hành chính. Các chuyến bay do các hành khác vô ý thức này đã làm chậm mất 20 phút cất cánh của máy bay so với lịch bay.

            Ngày 15 tháng 2 năm 2012 lại có một hành khách hút trộm thuốc lá trong toilet trên chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) từ Hà Nội đến TPHCM. Hành khách vi phạm là Nguyễn Văn Hiền, sinh năm 1967, ghế ngồi hạng phổ thông số 37A. Chuyến bay xuất phát từ sân bay Nội Bài lúc 12 giờ 35 phút, bay được khoảng 1/3 hành trình thì hành khách Nguyễn Văn Hiền vào toilet hút thuốc lá khiến hệ thống cảnh báo nhiệt trên máy bay được kích hoạt và báo động. Khỏi phải nói những hành khác trên máy bay lúc đó đã một phen hoảng sợ vì họ đang “ở trên trời”, nếu có gì xảy ra thì khả năng sống sót của toàn bộ hành khách cùng những người trong đoàn bay sẽ rất thấp! Thế nhưng vị hành khách “đáng kính” này, khi bị phát hiện, chỉ bị “phạt” với một khoảng tiền từ bảy trăm năm mươi ngàn đồng đến một triệu đồng. Cái giá phải trả quá rẻ! Nói cho vui, nếu có ai mắc bệnh thích tạo scandal, muốn trở thành người “nổi tiếng toàn quốc” với giá “trọn gói” chỉ dưới một triệu đồng có thể lên máy bay mà hút thuốc sẽ được toại nguyện ngay (?).

            Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe con người, làm giảm dân trí một nước, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường; vì lẽ đó trên các bao bì thuốc lá nhà sản xuất phải tự ghi dòng chữ "hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ" để nhắc nhở người tiêu dùng. Tiếc thay, nhiều bạn trẻ bây giờ cứ muốn chứng tỏ mình là người sành điệu, là “dân chơi không sợ mưa rơi” nên lúc nào cũng thích phì phèo điếu thuốc trên môi một cách điệu nghệ. Nên nhớ hút thuốc lá, nghiện ngập, ma túy, tội phạm, HIV... là những nấc thang chìm dần đưa con người xuống vũng bùn tội lỗi.

            Thuốc lá có tác hại như thế nên trên truyền hình không hề quảng cáo cho loại hút độc hại này. Nhưng điều rất đáng ngạc nhiên là khi xem phim truyền hình Tình mẹ trên HTV 9 tôi lại thấy có một cảnh nữ diễn viên chính hút thuốc lá! Phim Tình mẹ này là do hai hãng phim Thiên Nam An và Bảo Việt Film hợp tác sản xuất. Nhân vật nữ Mỹ Liên (do nữ diễn viên Ái Châu, Á hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh năm 2006, thủ vai) là con riêng của bà Mỹ Nhung (do nữ diễn viên Phương Dung thủ vai). Bà Mỹ Nhung là tổng giám đốc công ty truyền thông Sắc Màu Việt rất giàu có, còn cô con gái riêng Mỹ Liên bà phải nhờ người khác nuôi nên rất nghèo. Khi cha nuôi của Mỹ Liên mất vì bạo bệnh, bà Mỹ Nhung liền nhận Mỹ Liên làm con nuôi để che mắt chồng và đưa về nhà. Ở gần giữa cuối tập 7 của bộ phim, có cảnh Mỹ Liên thức khuya hút thuốc lá, cô giải thích với bà Mỹ Nhung là do không ngủ được nên hút thuốc lá!

            Mỹ Liên là nhân vật nữ chính, có tài năng, biết tự lập, xinh đẹp nên chiếm được nhiều cảm tình của khán giả. Việc Mỹ Liên hút thuốc lá không khác nào cổ động cho những người không ngủ được hãy cùng nhân vật nữ dễ thương này hút thuốc lá! Trong toàn bộ phim, người viết không hề thấy Mỹ Liên nghiện thuốc. Cảnh hút thuốc lá của cô trong tập 7 bộ phim Tình mẹ, theo người viết hoàn toàn không cần thiết, không giúp ích gì cho việc phát triển tâm lý của nhân vật chính, nếu có cũng được mà không có cũng được, vô thưởng vô phạt. Đạo diễn có thể thay bằng cách đọc sách, ngắm trăng, nghe nhạc hay xem phim đều được cả. Thế mà...

            Bộ phim Tình mẹ có thể là một bộ phim hay, là một bộ phim tâm huyết theo đúng chủ đề: "Tôn thờ tình mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng và bất diệt. Dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù con ruột hay con riêng thì chỉ có tình mẹ cao cả mới dung hòa tất cả" như ý tưởng hai hãng phim Thiên Nam An và Bảo Việt Film đã đề ra. Chỉ tiếc là trong bộ phim trên vẫn còn có một vài hạt sạn và hạt sạn đạo diễn cho nhân vật nữ chính Mỹ Liên hút thuốc lá trong phim không thể xem là nhỏ.

            Với thành ý của người viết rất mong các bộ phim truyền hình Việt khác, nếu không cần thiết, xin đừng đưa cảnh hút thuốc lá lãng mạng vào trong phim. Cái lợi cho phim thì ít mà cái hại cho xã hội thì quá nhiều.

            (Bài đã đăng trên trang web văn học Hội Nhà Văn tpHCM ngày 29 tháng 2 năm 2012)


            Thanh Trắc Nguyễn Văn





            Các nữ diễn viên Ái Châu, Phương Dung và Xuân Văn trong phim Tình Mẹ

            Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/giao-luu/thuoc-la-trong-phim-truyen-hinh-viet.html
            Mời các bạn tham quan nhà riêng:
            Blog Thơ văn Thanh Trắc Nguyễn Văn

            Comment

            Working...
            X