Những người tôi quen thường phàn nàn rằng thời buổi ngày nay vì bị exposed to magazine & TV stuffs làm các trẻ em dậy thì quá sớm, con gái bé tí tẹo đã biết make-up, con trai hoi sữa đã biết bàn chuyện người lớn v.v…. Ai cũng bảo "ngày xưa đệ thất chúng tôi còn tồng ngồng tắm truồng, học đến đệ tứ đệ tam mà hãy còn ngây thơ, còn thả diều chọi dế chưa biết gái gủng là gì, mà sao bây giờ trẻ con chúng nó mới nứt mắt ra đã biết boyfriend-girlfriend !".
Well, it s not always true. Ngày xửa ngày xưa cũng từng có những đứa vừa "mới nứt mắt" đã thích gái không thua gì tụi trẻ con bây giờ. Một trong những đứa ấy chính là tôi.
Năm lên mười một tuổi học lớp nhất trường công Xóm Mới ở ngõ chùa Tiên Long, trưa nào đi học về tôi cũng lẽo đẽo đi theo Hà, Mạn, và Hương. Ba đứa con gái này học cùng lớp tôi, ngồi bàn đầu. Chúng nó chơi thân, tan học ngày nào cũng đi bên nhau khúc khích chuyện trò trên con đường từ cổng trường đến ngã tư chợ. Mạn là con nhà ông Lý Truy nuôi lợn ở xứ Lạng Sơn dáng hơi mập, ngăm ngăm có cái miệng hay cười. Hà con gái thầy Quy hiệu trưởng, ở xứ Tử Đình người nhỏ nhắn, cũng hay cười. Còn Hương thì nhà có tiệm thuốc tây Thu-Phong gần ngã tư, nước da trắng xem ra xinh nhất bọn. Ba đứa cứ mỗi trưa thản nhiên rảo bước trên đường về, tay xách cặp, miệng cười cười nói nói rúc rích những gì không rõ; để mặc cho một gã thiếu nhi là tôi lầm lũi cách khoảng 20m dõi mắt trông theo sau lưng thèm rỏ rãi mà cả năm trời loay hoay vẫn không nghĩ ra một phương án nào để "tiếp cận" địch thủ.
Nhưng mà, nghĩ cho cùng thì "tiếp cận" thế nào được... Tôi tự nhủ. Chúng nó tới những ba, mà mình chỉ có một. Mạnh dạn tiến nhanh lên mấy bước trước mặt chúng nó ư? Rồi thì làm sao nữa? Tôi không tìm được cách giải quyết cho sự cố nan giải này. Nếu phương án thi công là tiến bước lên phía trước chúng nó, nhưng giả dụ mình chưa kịp mở mồm lỡ ra cái Hà đứa nhanh miệng nhất trong bọn lên tiếng hỏi "Mày làm gì thế kia" thì còn ra thể thống gì nữa? Lâm vào thế bí, đứng thộn ra ngay. Giai theo gái mà để nó gọi bằng "mày" thì for sure là hỏng việc. Còn viết thư, lại là một điều bất khả thi. Ở lớp nhất, trình độ viết luận văn của tôi chỉ có thể tả được con chó con mèo “nhà em có con KiKi vừa dữ vừa khôn, bố em ngày nào đi làm về nó cũng vẫy đuôi mà chả bao giờ ăn vụng” hay là “Con mèo mướp mẹ em mang về đầu năm nay mới đẻ được một lứa ba con thành thử nhà em bây giờ sạch chuột” v.v..., chứ đâu đã học đến thể văn tỏ tình lãng mạn. Nhập đề lá thư chẳng lẽ lại viết “Tớ yêu đằng ấy lắm cơ…” nghe chắc là không lọt tai, không khéo chúng nó xé thư mình mất.
Cho nên cả mấy tháng tôi vẫn không dám thực hiện ý định. Chỉ biết nhủ lòng kiên nhẫn chờ một buổi nào đó bọn chúng mà xé lẻ thì mình sẽ đánh du kích. Con gái chỉ bạo gan chống cự lại con trai khi có nguyên nhóm. Còn hễ lúc nó chỉ có một mình, pạc-co tay đôi, dứt khoát là “ông” không sợ. Nghĩ đến đây tôi mới sực nhớ ra là phải quyết định đánh du kích đứa nào. Vì chính kẻ chủ mưu cũng không biết mình thích con bé nào nhất. Mỗi đứa mỗi vẻ. Cái Mạn nom vui tính hay cười nhất trong đám, nhưng phải cái nó hơi bị beo béo. Mới lên 11 mà người đã mum múp lên như thế, đến năm 20 tuổi thì nó sẽ ra làm sao??? Tròn lẳn ra chứ còn làm sao nữa.... Bề lâu bề dài, như thế là không được. Còn cái Hà có kẹp tóc màu xanh với chiếc răng khểnh nom kháu kháu là, thì lại đẹt quá. Tôi vẫn nhớ mẹ hay bảo là con gái còi quá mai này sinh nở hay bị sản hậu. Nó lại còn là con của thầy Quy hiệu trưởng. Tôi làm trưởng lớp nhất A, thầy Quy vẫn khen là học sinh gương mẫu. Học sinh gương mẫu thì phải nêu gương tốt, chứ mới bằng tuổi này mà đã ve gái là gương bù gương xấu. Thầy biết được thì om tương, cứ cột cờ mà quỳ, lại có thể bị đem về nhà mách bố nữa là mạng mình kể như xong, năm tới giỗ đầu. Chắc chắn bố sẽ cho thằng nghịch tử một trận roi mây nhừ đòn quắn đít. Vậy thì theo định luật loại suy, chỉ còn có mỗi cái Hương. Con bé này chả xinh nhất trong ba đứa là gì?
Thế rồi từ hôm “nhắm đúng đối tượng”, tôi yên dạ bắt đầu nghĩ cách tìm ra một biện pháp khả dĩ nhất nhằm áp dụng cho tình huống nan giải của một mầm non, tuy chỉ trong lứa tuổi bệnh nhân của nhà thương Nhi Đồng nhưng đã sớm để cõi lòng vấn vương mối tơ tình nhi nữ.
Cuối mùa thu ở Xóm Mới, các xứ đạo đã bắt đầu quét vôi sửa sang trang trí để đón lễ Giáng Sinh cuối năm. Xứ Hoàng Mai của tôi, đền Đức Mẹ và hang đá đã thấy các ông trùm ông quản đốc thúc lũ thiếu nhi Thánh Thể lau chùi quét dọn, các cây đại to tướng trước đền thánh cũng đã ra hoa che kín cả một góc sân, và cha Tấn cũng đã cho sửa soạn bên trong nhà thờ trang hoàng thật lộng lẫy.
Xứ đạo của tôi là một xứ đến vùng này trước tiên vào năm 54. Dân chúng làm đủ thứ nghề. Từ những nghề mang ngoài Bắc vào như làm pháo, nấu rượu, làm tương, nuôi heo, làm ruộng (vâng, có cả làm ruộng nữa) người xứ tôi nhanh chóng học các nghề mới như đi lính, làm cảnh sát, và... đi tu.
Trong lũ trẻ bạn tôi, đã không ít đứa lên các dòng Đà Lạt và Thủ Đức để trở thành kẻ đi gieo niềm tin Công Giáo. Như thằng Hải con ông Tâm đã nội trú Don Bosco được một năm nay, hôm về thăm nhà nom nó đạo đức ra hẳn mặc dù hồi xưa nghịch như giặc. Còn thằng Khiết con ông giáo Khoa hơn tôi ba tuổi mới lên chủng viện Đà Lạt được hai năm hãy còn học đệ lục mà đã có người gọi ông giáo Khoa là “cố Khoa”; cứ y như rằng con nhà Khiết cái thằng chuyên môn vạch hàng rào vườn xoài nhà bà Kỹ Sư Canh Nông ngõ Từ Châu, tuy còn vắt mũi chưa sạch nhưng chắc chắn sẽ làm chánh xứ họ đạo không bằng ! Riêng tôi, tôi thề là sẽ không bao giờ gọi thằng Khiết bằng “Cha” đơn giản là vì trước kia nó đã cùng tôi chui vào vườn người ta bẻ xoài không biết là bao nhiêu bận...
Tôi, dĩ nhiên, là một trong những con chiên lạc đàn nhất trong thế giới của các xứ đạo di cư. Vì rằng trong lúc các trẻ con khác mới 8 tuổi đã học xưng tội lần đầu và rước lễ, bố tôi lại bảo “Lên tám thì biết gì là tội với lỗi” và không cho con đi học bổn. Mãi đến năm nay đã mười một tuổi đầu mà tôi mới bắt đầu dự lớp học giáo lý. Do đó mỗi chủ nhật đi xem lễ tôi thường ngồi ở hàng ghế xa xa cung thánh để tránh cái lừ mắt của cha Tấn, cái lừ mắt như ngầm bảo “Mày là thằng Vũ con ông Ba Liên mười một tuổi mà chưa xưng tội, bố con nhà mày cứ gọi là không cần thông qua lửa luyện ngục mà đi thẳng vào cửa hỏa ngục” cứ như thể cha Tấn rành rẽ các thủ tục hành chính của thế giới bên kia như cửa nào dễ vào, cửa nào phải đút lót ! Giá cha Tấn mà biết được rằng con nhà Vũ tuy trễ nải trong việc đạo nghĩa nhưng lại rất mau mắn và sớm sủa trong chuyện ái tình, thì chắc cha sẽ còn “hài lòng” hơn và dám nổi trận lôi đình cấm cửa cả hai bố con tôi không cho đi lễ nhà thờ Hoàng Mai nữa là khác.
Nhưng nỗi lo về cha Tấn tuy có mạnh vẫn không át đi được niềm yêu đương rào rạt trong lòng một gã thiếu nhi sớm biết sầu đời. Khi đã xác định xong mục tiêu cao cả là cái Hương thuốc tây Thu Phong, tôi bắt đầu “lên kế hoạch”. Trước hết là phương án tiếp cận. Muốn mon men đến gần lũ nữ sinh trong lớp, cách hay nhất là hỏi bài. Hỏi bài không phải là nhờ chỉ bài đâu nhé; con giai mà học dốt đến nỗi phải nhờ con gái chỉ bảo thì ở nhà chăn vịt cho xong. Tôi cặm cụi soạn ra các câu “hỏi bài” cho ra vẻ tự nhiên, tỷ dụ như:
A1- Hương này... Cho Vũ mượn bài học thuộc lòng tuần trước Vũ nghỉ chưa chép.
B1- Quyển tập đọc Hương đọc xong chưa, Vũ mượn nhé, quyển của Vũ em Vũ nó xé mất mấy trang.
C1- Hôm qua đáp số bài hình học thầy cho là mấy ý nhỉ... v.v...
Rồi tôi cũng soạn các câu nói làm quà – và làm quen – để bồi thêm sau khi “hỏi bài”. Chiến thuật này trong quân sự người ta gọi là tiền pháo hậu xung:
A2- Bài học thuộc lòng chữ Hương viết nom đẹp đẹp là... Cứ như chữ con bé Thủy em Vũ ý. (Vừa soạn xong câu này là tôi xóa ngay vì thấy mình dại, đi khen đứa lớp nhất viết chữ đẹp bằng chữ cái Thủy lớp ba thì quả là ngu hơn lợn)
B2- Vũ có quyển tập đọc của Cao Văn Thái bố mua mãi trên Sài Gòn cơ đấy, có hình mầu vẽ cảnh đồng quê với cô áo dài xinh lắm, Hương muốn xem không. (Tôi “mặn” nhất câu đó vì con gái là chúa tò mò, nghe thấy hình ai xinh là thể nào cũng đòi xem cho bằng được)
C2- Đáp số này thì Vũ làm toán đúng rồi. Hương có làm ra đáp số ấy chưa? Chưa thì Vũ chỉ cho...
Sau tiền pháo hậu xung là dứt điểm, kẻ địch đang choáng váng ta “tương” thêm một quả ân huệ.
- Vũ mới nặn bộ tượng chúa Hài Đồng bằng đất sét sơn mầu đẹp lắm. Mai đi học đem cho Hương xem...
Thế là con bé Hương thuốc tây Thu Phong thể nào cũng sẽ chớp chớp mắt, giọng mềm ra, thỏ thẻ (tôi nghĩ vậy):
- Hương thích bộ tượng của Vũ lắm. Cho Hương đi Vũ nhá... Để Hương bỏ vào hang đá.
Những câu làm quen lúc soạn ra thì dễ, mà khi thực hành thì khó muôn vàn. Chỉ cần nói thử ra cửa miệng là nghe thấy ngay một sự bất bình thường đầy vẻ ngượng nghịu. Phải làm sao cho giọng nói và dáng điệu mình được tự nhiên bây giờ? Đó là chưa kể phải đúng lúc đúng chỗ, chứ khi nó đang bận việc gì hay đang giận dỗi ai thì mình chớ có đến gần mà lãnh thẹo. Hôm trước lớp được nghỉ nửa buổi tôi đã định mở mồm bắt chuyện, nhưng lần ấy cái Hương đến lượt phải ở lại quét lớp. Nó cầm cái chổi quanh quẩn mãi không quét xong một góc. Tôi đứng ngoài cửa sổ nhìn cái Hương chui vào các gầm bàn nhặt giấy vụn rồi chui ra cặp mắt đỏ hoe, tự nhiên thấy tội nghiệp cho đứa con gái nhà giầu ba bốn người làm kẻ ở chẳng bao giờ động đến móng tay bữa nay phải đầu bù tóc rối bụi bặm bám đầy y phục. Tôi tự nhủ lúc này không phải lúc.
Lại một hôm khác khi trên đường về sau lễ Chủ nhật, tôi gặp nó ngồi uống đậu xanh bánh lọc ở hàng bà quản Hói. Đang hăng hái định bước đến thu hết can đảm chuẩn bị phát ngôn vài câu, thì bỗng dưng những bắp thịt ở cổ họng tôi trở nên khô và cứng lại. Màu da mặt đang từ bình thường bỗng trở nên đỏ lừ rồi biến sang tái mét. Tay chân không biết để vào đâu, cứ hết thọc vào túi quần lại gãi đầu, và cái Hương vì quay lưng lại nên vẫn ngồi yên không hề biết cõi lòng thằng Vũ con nhà ông Ba Liên vừa trải qua một trận phong ba bão tố. Đứng loay hoay thêm một phút, tôi đành rút êm vì lại thấy hôm nay vẫn chưa phải thời điểm D-day.
Vài lần như thế, tôi đâm ra nản chí vì không đủ gan dạ thực hiện phát tán tỉnh đầu đời. Dần dần tôi nghiệm ra rằng tuổi mười một của tôi, số vốn liếng ngôn ngữ còn quá thô sơ chưa đủ suông sẻ trong công tác ngoại giao đầy tế nhị này. Ở vào cái tuổi chuyên mày tao với đề tài câu truyện chỉ rặt những cá xiêm dế lửa hoặc niềm vui nhất là được cái bánh bao tiệm Tầu Lừng hay đi tắm sông Lạng Sơn, thì chắc là tâm hồn còn quá đơn giản và lời ăn tiếng nói chưa đủ chất lãng mạn. Có lẽ phải đợi đến khi lên trung học, đọc vào bụng vô số tiểu thuyết tình cảm để lấy chất liệu thì may ra... Ta nên thay đổi chiến thuật, tôi nghĩ vậy - chiều Chủ nhật có lễ ngay ở sân trường, lớp tôi được chỉ định sẽ hát hai bài Đêm Đông và Cao Cung Lên. Tôi làm trưởng lớp được chọn hai mươi đứa hát hay nhất để tập, mười nam mười nữ. Thằng Kiên giỏi nhạc sẽ giúp tập cho ban hợp ca. Tôi sẽ chọn cả ba đứa Mạn Hà Hương, và trong những buổi tập hát thế nào cũng có dịp chuyện trò gạ gẫm con bé...
Thế nhưng mưu sự tại nhân, mà bất thành sự thì do những lời khuôn vàng thước ngọc của cha Tấn.
Cha Tấn chánh xứ như đã nói ở trên, là nhân vật số một của xứ đạo Hoàng Mai nhà tôi. Cha dữ lắm. Hầu như lúc nào Cha cũng có trên tay một cái roi mây. Tuy thân hình không cao lớn nhưng Cha có một sắc diện oai nghiêm với cặp mắt chỉ cần gườm gườm nhìn lũ trẻ là đứa rắn đầu nhất chuyên bắt nạt như thằng Minh Cỗi (gọi thế vì bố nó tên Cỗi) cũng phải lủi ngay. Hôm trước Giáng Sinh một tuần khi giảng lễ thiếu nhi, không biết có ai trình báo Cha về hiện tượng trong xứ các cô cậu thiếu niên 14 – 15 tuổi hay rủ nhau trốn học đi xi nê, mà Cha nghiêm nghị giảng như sau:
-..... Buổi lễ Sinh Nhật sắp đến là dịp cho các con noi gương Chúa Hài Đồng, xưa kia Chúa hiến dâng cuộc đời thanh sạch cho tới khi chịu chết vì nhân loại. Đức thanh sạch là đức hàng đầu của tuổi niên thiếu. Các con mới lớn đừng vội bắt chước thói hư tật xấu trong xi nê tiểu thuyết. Mới bằng cái mắt muỗi đã hẹn hò rủ nhau ra bờ sông tâm sự là tội trọng...
Ngừng một giây và quét tia mắt đe dọa khắp các dãy ghế nơi lũ trẻ con chúng tôi đang ngồi im thin thít, Cha Tấn cao giọng kết thúc bài giảng:
- Đứa nào tuổi còn nhỏ mà đã biết “phải lòng”, biết "ốm tương tư" thì đã phạm vào điều răn thứ sáu, nghe chưa ! Những lũ thích giai gái ấy sẽ phải chịu trừng phạt đời đời kiếp kiếp nơi có quỷ sứ và lửa đỏ. Amen.
Nghe xong bài giảng, tôi về nhà đâm ra suy nghĩ tợn, và hóa lo. Cha bảo 14-15 tuổi mê gái là tội sa địa ngục, còn tôi mới có 11 mà đã để tơ lòng quyến luyến thì hậu vận mình sẽ ra sao? Còn có chỗ nào sâu hơn đáy địa ngục hay chăng để cho tôi sa xuống? Càng nghĩ càng hoảng. Lúc ấy trí óc bé dại của tôi tin rằng, đã là một đấng chủ chiên như cha Tấn thì đương nhiên ngài thấu hiểu tất cả về “chuyện đời sau”. Cha tiên đoán tất là phải chính xác. Ngài đã chẳng học bao nhiêu năm trong chủng viện, đứng trên cung thánh ban phép lành cho hàng ngàn người là gì ! Lại còn câu kinh có đoạn “vâng ý cha dưới đất cũng như trên trời” nữa. “Cha dưới đất” không phải cha Tấn thì còn ai vào đây?...
Đêm ấy nằm suy nghĩ miên man, tôi quyết định không rủ ba đứa Hương Mạn Hà vào ban hợp ca nữa. Cho chúng nó vào là rắc rối lắm. Viễn ảnh về một âm ty nơi còn nóng hơn lửa thế gian làm tôi hãi quá. Trước kia mình đâu biết "chuyện ấy" là tội trọng, may quá nhờ cha Tấn bây giờ mới mở mắt ra. Cảm ơn Cha đã khơi lòng cho đứa con hoang đàng ăn năn giở lại.
Thế nhưng ngày hôm sau đi học về, lòng tôi cứ thờ thẫn không yên. Thay vì lao ngay ra sân đánh quay hay gẩy hình với bọn thằng Xuân thằng Tú như thường lệ, ăn xong bữa cơm trưa tôi lang thang đi vào mãi cánh đồng Thạnh Lộc Thôn, thả bộ trên con đường mòn dọc theo bờ sông Tứ Quý suy nghĩ vẩn vơ về con Hương. Cái miệng chúm chím hay cười của nó cứ ẩn hiện trong trí tôi như trêu ghẹo. Và lời cha Tấn lại văng vẳng bên tai. Trong lòng cứ bâng khuâng mơ hồ giữa nỗi đam mê và niềm lo sợ. Trời mùa đông nắng tuy chẳng gay gắt bằng mùa hè, nhưng cũng đủ cháy khét mái tóc không đội mũ của tôi. Ngồi dưới gốc cây nhìn về phía xa xa bên kia sông nơi có làn khói lam nhè nhẹ bay lên, tôi tự hỏi ai đã soạn ra cái đạo luật “Cấm yêu khi dưới 16 tuổi”? Thế thì mình phải chờ thêm những mấy năm nữa cơ à? Sao hội thánh không đặt ra luật “Được phép cưa gái khi đủ tuổi học bổn xưng tội lần đầu” có phải là tiện lợi trăm đường hay không?
Xế chiều về đến nhà người tôi hâm hấp nóng sau cả buổi trưa dãi nắng. May mà bố đã đi đánh chắn bên ông Trùm Tuyết nên không trông thấy thằng con hai má đỏ hồng sắp lên cơn sốt. Mẹ dọn cơm, tôi lùa vội vàng vài đũa rồi trèo lên giường. Xoay cái gối nhắm mắt cho lòng bớt xốn xang, tôi ngủ thiếp đi.
....Hai tên quỷ sứ nom y hệt như trong bức tranh ở nhà thờ, người ngợm đen sì mà lại có sừng nữa (nhưng chẳng hiểu sao chúng không có đuôi), mỗi đứa nắm một bên tay tôi lôi đi xềnh xệch. Con đường xuống hỏa ngục ngoằn ngoèo tối om, đầy tiếng kêu khóc. Thỉnh thoảng lại thấy vài nạn nhân khác cũng bị quỷ xốc nách đưa đi như tôi, nam nữ đủ cả. Đột nhiên tôi nghe tiếng thằng Khiết con ông giáo Khoa đang kêu gào thảm thiết, nằm lăn giẫy đành đạch. Thằng devil cái mặt sao lại nhang nhác giống mặt thằng Minh Cỗi hay bắt nạt, quát to:
- Mày có đứng lên theo tao không thì bảo? Thế lúc chui vào vườn bà kỹ sư trộm xoài sao không khóc?
Vừa nói nó vừa thúc cái đinh ba vào mạng sườn thằng Khiết.
Tôi sợ quýnh. Thằng Khiết có mỗi tội bẻ xoài, còn tôi lại có thêm tội “biết yêu sớm” nữa. Hai tội nhập một, mình sẽ bị “xuống” sâu hơn nó chăng? Mấy tên quỷ sứ khác đang khiêng từng thùng dầu lửa, đứa thì vác thùng than, đứa thì gánh mấy bó củi. Toàn những thứ cháy được, inflammable materials. Chúng nó đang tải nhiên liệu cho thế giới hỏa lò đây ! Khiếp quá người tôi cứng lại, nhưng vẫn bị lôi đi. Cố nhìn quanh xem ngoài Minh Cỗi ra có thằng Lu-xi-phe nào quen không để tính chuyện hối lộ phe đảng khi xuống dưới ấy may ra chúng nó nhẹ tay cho một chút chăng, nhưng chỉ thấy toàn quỷ mặt lạ.
Gần đến cửa ngục bỗng thấy cảnh vật sáng lên. Tiếng người nói ồn ào. Tất cả mọi nạn nhân đều được dừng lại. Xa xa bên kia cái hồ nước gợn sương mờ lố nhố những người là người, xem chừng ai cũng đang vui vẻ trong lạc thú. Có cả vài thiên thần đứng bên. Thì ra đó là đường đi đến nước thiên đàng của những người “công chính”. Tôi nhận ra cha Tấn, thầy Quy, và ngay cả ông quản Hói hay quật trẻ con bằng roi mây cũng có mặt trong đám này. Đây cũng là trạm cuối cùng để các linh hồn tội lỗi được chào từ biệt thân nhân bên paradise một lần chót.
Chợt có tiếng gọi trong trẻo của cái Hương từ vương quốc thiên đàng. Nó đứng cạnh cha Tấn, đang cố nhón gót giơ tay vẫy vẫy tôi:
- Vũ ơi cố bơi sang bên này đi, đừng ở bên ấy có thằng Minh Cỗi hay bắt nạt lắm, nó cầm cây đinh ba vừa dài vừa nhọn đấy. Chạy đi Vũ ơi ! Hương cầu nguyện cho Vũ đây này...
Cha Tấn lừ mắt:
- Cứ để mặc xác cho nó bên ấy. Bằng cái mắt muỗi không lo học bổn xưng tội chỉ giỏi theo gái. Bao giờ nó ăn năn giở lại hẵng hay...
Thằng quỷ sứ đứng bên trái tôi vừa nghe cha Tấn nói xong, huých chuôi đinh ba vào hông tôi một cái thật mạnh đau điếng....
Mồ hôi trán lấm tấm ứa ra. Tôi chưa tỉnh hẳn. Hãy còn nằm trên giường, mắt nhắm mắt mở. Tôi li bì ốm đã ba ngày. Cứ buổi sáng uống Opthalidon cho giảm sốt, chiều lại “tọng” thêm Bạch Liên mua ngoài Vy An Đường sắc lên cho bổ phế. Bố tôi tin thuốc tây, Mẹ chuộng thuốc bắc. Hai thứ xung đột nhau trong cơ thể suốt thời bé dại, làm thế nào tôi còn sống sót đến bây giờ chắc chỉ có giời biết.
Nghe xung quanh tiếng thì thào lao xao. Ngoài trời nắng trưa đã lên, tiếng chim hót líu lo trong lùm cây tu ma rợp lá. Mũi ngửi thấy mùi thuốc bắc thoang thoảng. Mở hé mắt ra, dáng mẹ tôi nhìn con âu yếm:
- Dậy uống thuốc Vũ này. Bạn đến thăm con ốm đấy.
Tôi ngoảnh đầu nhìn quanh. Thằng Kiên nhe hàm răng sún nhìn tôi cười toe toét. Đứng phía sau nó là cái Hà gầy nhom, gương mặt lo lắng, thấy tôi nhìn nó nhoẻn miệng cười. Rồi đến cái Mạn, vẫn béo, tay cầm mấy cái bánh gai mắt chớp chớp. Tôi đưa tầm mắt ra xa hơn. Không có bóng dáng cái Hương. Tôi lại nhìn quanh thêm một lần nữa như chưa tin vào đôi mắt ốm dở của mình. Hà như thấu rõ tâm can đứa bạn si tình cùng lớp:
- Hôm nay mẹ Hương vào trường xin cho nó nghỉ học.
- Sao mà nghỉ? Tôi hỏi, giọng khản đặc.
- Nó ở nhà thu xếp đồ đạc. Cả nhà cái Hương sắp dọn đi Nha Trang. Bố nó phải thuyên chuyển ra ngoài ấy. Chắc Hương đi học ở đấy luôn không về Xóm Mới nữa đâu.
Rồi nhỏ giọng xuống như sợ mẹ tôi nghe được, cái Hà nháy mắt:
- Hà biết hết rồi Vũ đừng hòng chối. Cứ nhìn cái mặt Vũ trông nghệt ra với con Hương là Hà bắt nọn ngay. Vũ còn bé mà đã vẩn vơ không sợ xuống hỏa ngục hở? Không nhớ cha Tấn hôm trước bảo gì à?... Chiều mai cứ đi xưng tội đi là chắc khỏi ốm. Chúa phạt đấy ! À, mà Vũ chưa học bổn chịu phép thêm sức lần đầu thì xưng làm sao được. Thôi chết, thế là xong...
Mắt hoa lên, tôi nằm vật xuống. Cái mặt thằng Minh Cỗi lại lờ mờ hiện ra, giơ cây đinh ba dài ngoẵng cười gằn. Và bóng cha Tấn mặc áo đen cũng hiện ra, miệng lẩm bẩm gì không rõ, tay chỉ cây roi mây to tướng vào đứa con trai còn bé tẹo mà đã sớm biết học đòi ốm tương tư.
(ST : Tác Giả: Nguyên Cương Andy )
Well, it s not always true. Ngày xửa ngày xưa cũng từng có những đứa vừa "mới nứt mắt" đã thích gái không thua gì tụi trẻ con bây giờ. Một trong những đứa ấy chính là tôi.
Năm lên mười một tuổi học lớp nhất trường công Xóm Mới ở ngõ chùa Tiên Long, trưa nào đi học về tôi cũng lẽo đẽo đi theo Hà, Mạn, và Hương. Ba đứa con gái này học cùng lớp tôi, ngồi bàn đầu. Chúng nó chơi thân, tan học ngày nào cũng đi bên nhau khúc khích chuyện trò trên con đường từ cổng trường đến ngã tư chợ. Mạn là con nhà ông Lý Truy nuôi lợn ở xứ Lạng Sơn dáng hơi mập, ngăm ngăm có cái miệng hay cười. Hà con gái thầy Quy hiệu trưởng, ở xứ Tử Đình người nhỏ nhắn, cũng hay cười. Còn Hương thì nhà có tiệm thuốc tây Thu-Phong gần ngã tư, nước da trắng xem ra xinh nhất bọn. Ba đứa cứ mỗi trưa thản nhiên rảo bước trên đường về, tay xách cặp, miệng cười cười nói nói rúc rích những gì không rõ; để mặc cho một gã thiếu nhi là tôi lầm lũi cách khoảng 20m dõi mắt trông theo sau lưng thèm rỏ rãi mà cả năm trời loay hoay vẫn không nghĩ ra một phương án nào để "tiếp cận" địch thủ.
Nhưng mà, nghĩ cho cùng thì "tiếp cận" thế nào được... Tôi tự nhủ. Chúng nó tới những ba, mà mình chỉ có một. Mạnh dạn tiến nhanh lên mấy bước trước mặt chúng nó ư? Rồi thì làm sao nữa? Tôi không tìm được cách giải quyết cho sự cố nan giải này. Nếu phương án thi công là tiến bước lên phía trước chúng nó, nhưng giả dụ mình chưa kịp mở mồm lỡ ra cái Hà đứa nhanh miệng nhất trong bọn lên tiếng hỏi "Mày làm gì thế kia" thì còn ra thể thống gì nữa? Lâm vào thế bí, đứng thộn ra ngay. Giai theo gái mà để nó gọi bằng "mày" thì for sure là hỏng việc. Còn viết thư, lại là một điều bất khả thi. Ở lớp nhất, trình độ viết luận văn của tôi chỉ có thể tả được con chó con mèo “nhà em có con KiKi vừa dữ vừa khôn, bố em ngày nào đi làm về nó cũng vẫy đuôi mà chả bao giờ ăn vụng” hay là “Con mèo mướp mẹ em mang về đầu năm nay mới đẻ được một lứa ba con thành thử nhà em bây giờ sạch chuột” v.v..., chứ đâu đã học đến thể văn tỏ tình lãng mạn. Nhập đề lá thư chẳng lẽ lại viết “Tớ yêu đằng ấy lắm cơ…” nghe chắc là không lọt tai, không khéo chúng nó xé thư mình mất.
Cho nên cả mấy tháng tôi vẫn không dám thực hiện ý định. Chỉ biết nhủ lòng kiên nhẫn chờ một buổi nào đó bọn chúng mà xé lẻ thì mình sẽ đánh du kích. Con gái chỉ bạo gan chống cự lại con trai khi có nguyên nhóm. Còn hễ lúc nó chỉ có một mình, pạc-co tay đôi, dứt khoát là “ông” không sợ. Nghĩ đến đây tôi mới sực nhớ ra là phải quyết định đánh du kích đứa nào. Vì chính kẻ chủ mưu cũng không biết mình thích con bé nào nhất. Mỗi đứa mỗi vẻ. Cái Mạn nom vui tính hay cười nhất trong đám, nhưng phải cái nó hơi bị beo béo. Mới lên 11 mà người đã mum múp lên như thế, đến năm 20 tuổi thì nó sẽ ra làm sao??? Tròn lẳn ra chứ còn làm sao nữa.... Bề lâu bề dài, như thế là không được. Còn cái Hà có kẹp tóc màu xanh với chiếc răng khểnh nom kháu kháu là, thì lại đẹt quá. Tôi vẫn nhớ mẹ hay bảo là con gái còi quá mai này sinh nở hay bị sản hậu. Nó lại còn là con của thầy Quy hiệu trưởng. Tôi làm trưởng lớp nhất A, thầy Quy vẫn khen là học sinh gương mẫu. Học sinh gương mẫu thì phải nêu gương tốt, chứ mới bằng tuổi này mà đã ve gái là gương bù gương xấu. Thầy biết được thì om tương, cứ cột cờ mà quỳ, lại có thể bị đem về nhà mách bố nữa là mạng mình kể như xong, năm tới giỗ đầu. Chắc chắn bố sẽ cho thằng nghịch tử một trận roi mây nhừ đòn quắn đít. Vậy thì theo định luật loại suy, chỉ còn có mỗi cái Hương. Con bé này chả xinh nhất trong ba đứa là gì?
Thế rồi từ hôm “nhắm đúng đối tượng”, tôi yên dạ bắt đầu nghĩ cách tìm ra một biện pháp khả dĩ nhất nhằm áp dụng cho tình huống nan giải của một mầm non, tuy chỉ trong lứa tuổi bệnh nhân của nhà thương Nhi Đồng nhưng đã sớm để cõi lòng vấn vương mối tơ tình nhi nữ.
Cuối mùa thu ở Xóm Mới, các xứ đạo đã bắt đầu quét vôi sửa sang trang trí để đón lễ Giáng Sinh cuối năm. Xứ Hoàng Mai của tôi, đền Đức Mẹ và hang đá đã thấy các ông trùm ông quản đốc thúc lũ thiếu nhi Thánh Thể lau chùi quét dọn, các cây đại to tướng trước đền thánh cũng đã ra hoa che kín cả một góc sân, và cha Tấn cũng đã cho sửa soạn bên trong nhà thờ trang hoàng thật lộng lẫy.
Xứ đạo của tôi là một xứ đến vùng này trước tiên vào năm 54. Dân chúng làm đủ thứ nghề. Từ những nghề mang ngoài Bắc vào như làm pháo, nấu rượu, làm tương, nuôi heo, làm ruộng (vâng, có cả làm ruộng nữa) người xứ tôi nhanh chóng học các nghề mới như đi lính, làm cảnh sát, và... đi tu.
Trong lũ trẻ bạn tôi, đã không ít đứa lên các dòng Đà Lạt và Thủ Đức để trở thành kẻ đi gieo niềm tin Công Giáo. Như thằng Hải con ông Tâm đã nội trú Don Bosco được một năm nay, hôm về thăm nhà nom nó đạo đức ra hẳn mặc dù hồi xưa nghịch như giặc. Còn thằng Khiết con ông giáo Khoa hơn tôi ba tuổi mới lên chủng viện Đà Lạt được hai năm hãy còn học đệ lục mà đã có người gọi ông giáo Khoa là “cố Khoa”; cứ y như rằng con nhà Khiết cái thằng chuyên môn vạch hàng rào vườn xoài nhà bà Kỹ Sư Canh Nông ngõ Từ Châu, tuy còn vắt mũi chưa sạch nhưng chắc chắn sẽ làm chánh xứ họ đạo không bằng ! Riêng tôi, tôi thề là sẽ không bao giờ gọi thằng Khiết bằng “Cha” đơn giản là vì trước kia nó đã cùng tôi chui vào vườn người ta bẻ xoài không biết là bao nhiêu bận...
Tôi, dĩ nhiên, là một trong những con chiên lạc đàn nhất trong thế giới của các xứ đạo di cư. Vì rằng trong lúc các trẻ con khác mới 8 tuổi đã học xưng tội lần đầu và rước lễ, bố tôi lại bảo “Lên tám thì biết gì là tội với lỗi” và không cho con đi học bổn. Mãi đến năm nay đã mười một tuổi đầu mà tôi mới bắt đầu dự lớp học giáo lý. Do đó mỗi chủ nhật đi xem lễ tôi thường ngồi ở hàng ghế xa xa cung thánh để tránh cái lừ mắt của cha Tấn, cái lừ mắt như ngầm bảo “Mày là thằng Vũ con ông Ba Liên mười một tuổi mà chưa xưng tội, bố con nhà mày cứ gọi là không cần thông qua lửa luyện ngục mà đi thẳng vào cửa hỏa ngục” cứ như thể cha Tấn rành rẽ các thủ tục hành chính của thế giới bên kia như cửa nào dễ vào, cửa nào phải đút lót ! Giá cha Tấn mà biết được rằng con nhà Vũ tuy trễ nải trong việc đạo nghĩa nhưng lại rất mau mắn và sớm sủa trong chuyện ái tình, thì chắc cha sẽ còn “hài lòng” hơn và dám nổi trận lôi đình cấm cửa cả hai bố con tôi không cho đi lễ nhà thờ Hoàng Mai nữa là khác.
Nhưng nỗi lo về cha Tấn tuy có mạnh vẫn không át đi được niềm yêu đương rào rạt trong lòng một gã thiếu nhi sớm biết sầu đời. Khi đã xác định xong mục tiêu cao cả là cái Hương thuốc tây Thu Phong, tôi bắt đầu “lên kế hoạch”. Trước hết là phương án tiếp cận. Muốn mon men đến gần lũ nữ sinh trong lớp, cách hay nhất là hỏi bài. Hỏi bài không phải là nhờ chỉ bài đâu nhé; con giai mà học dốt đến nỗi phải nhờ con gái chỉ bảo thì ở nhà chăn vịt cho xong. Tôi cặm cụi soạn ra các câu “hỏi bài” cho ra vẻ tự nhiên, tỷ dụ như:
A1- Hương này... Cho Vũ mượn bài học thuộc lòng tuần trước Vũ nghỉ chưa chép.
B1- Quyển tập đọc Hương đọc xong chưa, Vũ mượn nhé, quyển của Vũ em Vũ nó xé mất mấy trang.
C1- Hôm qua đáp số bài hình học thầy cho là mấy ý nhỉ... v.v...
Rồi tôi cũng soạn các câu nói làm quà – và làm quen – để bồi thêm sau khi “hỏi bài”. Chiến thuật này trong quân sự người ta gọi là tiền pháo hậu xung:
A2- Bài học thuộc lòng chữ Hương viết nom đẹp đẹp là... Cứ như chữ con bé Thủy em Vũ ý. (Vừa soạn xong câu này là tôi xóa ngay vì thấy mình dại, đi khen đứa lớp nhất viết chữ đẹp bằng chữ cái Thủy lớp ba thì quả là ngu hơn lợn)
B2- Vũ có quyển tập đọc của Cao Văn Thái bố mua mãi trên Sài Gòn cơ đấy, có hình mầu vẽ cảnh đồng quê với cô áo dài xinh lắm, Hương muốn xem không. (Tôi “mặn” nhất câu đó vì con gái là chúa tò mò, nghe thấy hình ai xinh là thể nào cũng đòi xem cho bằng được)
C2- Đáp số này thì Vũ làm toán đúng rồi. Hương có làm ra đáp số ấy chưa? Chưa thì Vũ chỉ cho...
Sau tiền pháo hậu xung là dứt điểm, kẻ địch đang choáng váng ta “tương” thêm một quả ân huệ.
- Vũ mới nặn bộ tượng chúa Hài Đồng bằng đất sét sơn mầu đẹp lắm. Mai đi học đem cho Hương xem...
Thế là con bé Hương thuốc tây Thu Phong thể nào cũng sẽ chớp chớp mắt, giọng mềm ra, thỏ thẻ (tôi nghĩ vậy):
- Hương thích bộ tượng của Vũ lắm. Cho Hương đi Vũ nhá... Để Hương bỏ vào hang đá.
Những câu làm quen lúc soạn ra thì dễ, mà khi thực hành thì khó muôn vàn. Chỉ cần nói thử ra cửa miệng là nghe thấy ngay một sự bất bình thường đầy vẻ ngượng nghịu. Phải làm sao cho giọng nói và dáng điệu mình được tự nhiên bây giờ? Đó là chưa kể phải đúng lúc đúng chỗ, chứ khi nó đang bận việc gì hay đang giận dỗi ai thì mình chớ có đến gần mà lãnh thẹo. Hôm trước lớp được nghỉ nửa buổi tôi đã định mở mồm bắt chuyện, nhưng lần ấy cái Hương đến lượt phải ở lại quét lớp. Nó cầm cái chổi quanh quẩn mãi không quét xong một góc. Tôi đứng ngoài cửa sổ nhìn cái Hương chui vào các gầm bàn nhặt giấy vụn rồi chui ra cặp mắt đỏ hoe, tự nhiên thấy tội nghiệp cho đứa con gái nhà giầu ba bốn người làm kẻ ở chẳng bao giờ động đến móng tay bữa nay phải đầu bù tóc rối bụi bặm bám đầy y phục. Tôi tự nhủ lúc này không phải lúc.
Lại một hôm khác khi trên đường về sau lễ Chủ nhật, tôi gặp nó ngồi uống đậu xanh bánh lọc ở hàng bà quản Hói. Đang hăng hái định bước đến thu hết can đảm chuẩn bị phát ngôn vài câu, thì bỗng dưng những bắp thịt ở cổ họng tôi trở nên khô và cứng lại. Màu da mặt đang từ bình thường bỗng trở nên đỏ lừ rồi biến sang tái mét. Tay chân không biết để vào đâu, cứ hết thọc vào túi quần lại gãi đầu, và cái Hương vì quay lưng lại nên vẫn ngồi yên không hề biết cõi lòng thằng Vũ con nhà ông Ba Liên vừa trải qua một trận phong ba bão tố. Đứng loay hoay thêm một phút, tôi đành rút êm vì lại thấy hôm nay vẫn chưa phải thời điểm D-day.
Vài lần như thế, tôi đâm ra nản chí vì không đủ gan dạ thực hiện phát tán tỉnh đầu đời. Dần dần tôi nghiệm ra rằng tuổi mười một của tôi, số vốn liếng ngôn ngữ còn quá thô sơ chưa đủ suông sẻ trong công tác ngoại giao đầy tế nhị này. Ở vào cái tuổi chuyên mày tao với đề tài câu truyện chỉ rặt những cá xiêm dế lửa hoặc niềm vui nhất là được cái bánh bao tiệm Tầu Lừng hay đi tắm sông Lạng Sơn, thì chắc là tâm hồn còn quá đơn giản và lời ăn tiếng nói chưa đủ chất lãng mạn. Có lẽ phải đợi đến khi lên trung học, đọc vào bụng vô số tiểu thuyết tình cảm để lấy chất liệu thì may ra... Ta nên thay đổi chiến thuật, tôi nghĩ vậy - chiều Chủ nhật có lễ ngay ở sân trường, lớp tôi được chỉ định sẽ hát hai bài Đêm Đông và Cao Cung Lên. Tôi làm trưởng lớp được chọn hai mươi đứa hát hay nhất để tập, mười nam mười nữ. Thằng Kiên giỏi nhạc sẽ giúp tập cho ban hợp ca. Tôi sẽ chọn cả ba đứa Mạn Hà Hương, và trong những buổi tập hát thế nào cũng có dịp chuyện trò gạ gẫm con bé...
Thế nhưng mưu sự tại nhân, mà bất thành sự thì do những lời khuôn vàng thước ngọc của cha Tấn.
Cha Tấn chánh xứ như đã nói ở trên, là nhân vật số một của xứ đạo Hoàng Mai nhà tôi. Cha dữ lắm. Hầu như lúc nào Cha cũng có trên tay một cái roi mây. Tuy thân hình không cao lớn nhưng Cha có một sắc diện oai nghiêm với cặp mắt chỉ cần gườm gườm nhìn lũ trẻ là đứa rắn đầu nhất chuyên bắt nạt như thằng Minh Cỗi (gọi thế vì bố nó tên Cỗi) cũng phải lủi ngay. Hôm trước Giáng Sinh một tuần khi giảng lễ thiếu nhi, không biết có ai trình báo Cha về hiện tượng trong xứ các cô cậu thiếu niên 14 – 15 tuổi hay rủ nhau trốn học đi xi nê, mà Cha nghiêm nghị giảng như sau:
-..... Buổi lễ Sinh Nhật sắp đến là dịp cho các con noi gương Chúa Hài Đồng, xưa kia Chúa hiến dâng cuộc đời thanh sạch cho tới khi chịu chết vì nhân loại. Đức thanh sạch là đức hàng đầu của tuổi niên thiếu. Các con mới lớn đừng vội bắt chước thói hư tật xấu trong xi nê tiểu thuyết. Mới bằng cái mắt muỗi đã hẹn hò rủ nhau ra bờ sông tâm sự là tội trọng...
Ngừng một giây và quét tia mắt đe dọa khắp các dãy ghế nơi lũ trẻ con chúng tôi đang ngồi im thin thít, Cha Tấn cao giọng kết thúc bài giảng:
- Đứa nào tuổi còn nhỏ mà đã biết “phải lòng”, biết "ốm tương tư" thì đã phạm vào điều răn thứ sáu, nghe chưa ! Những lũ thích giai gái ấy sẽ phải chịu trừng phạt đời đời kiếp kiếp nơi có quỷ sứ và lửa đỏ. Amen.
Nghe xong bài giảng, tôi về nhà đâm ra suy nghĩ tợn, và hóa lo. Cha bảo 14-15 tuổi mê gái là tội sa địa ngục, còn tôi mới có 11 mà đã để tơ lòng quyến luyến thì hậu vận mình sẽ ra sao? Còn có chỗ nào sâu hơn đáy địa ngục hay chăng để cho tôi sa xuống? Càng nghĩ càng hoảng. Lúc ấy trí óc bé dại của tôi tin rằng, đã là một đấng chủ chiên như cha Tấn thì đương nhiên ngài thấu hiểu tất cả về “chuyện đời sau”. Cha tiên đoán tất là phải chính xác. Ngài đã chẳng học bao nhiêu năm trong chủng viện, đứng trên cung thánh ban phép lành cho hàng ngàn người là gì ! Lại còn câu kinh có đoạn “vâng ý cha dưới đất cũng như trên trời” nữa. “Cha dưới đất” không phải cha Tấn thì còn ai vào đây?...
Đêm ấy nằm suy nghĩ miên man, tôi quyết định không rủ ba đứa Hương Mạn Hà vào ban hợp ca nữa. Cho chúng nó vào là rắc rối lắm. Viễn ảnh về một âm ty nơi còn nóng hơn lửa thế gian làm tôi hãi quá. Trước kia mình đâu biết "chuyện ấy" là tội trọng, may quá nhờ cha Tấn bây giờ mới mở mắt ra. Cảm ơn Cha đã khơi lòng cho đứa con hoang đàng ăn năn giở lại.
Thế nhưng ngày hôm sau đi học về, lòng tôi cứ thờ thẫn không yên. Thay vì lao ngay ra sân đánh quay hay gẩy hình với bọn thằng Xuân thằng Tú như thường lệ, ăn xong bữa cơm trưa tôi lang thang đi vào mãi cánh đồng Thạnh Lộc Thôn, thả bộ trên con đường mòn dọc theo bờ sông Tứ Quý suy nghĩ vẩn vơ về con Hương. Cái miệng chúm chím hay cười của nó cứ ẩn hiện trong trí tôi như trêu ghẹo. Và lời cha Tấn lại văng vẳng bên tai. Trong lòng cứ bâng khuâng mơ hồ giữa nỗi đam mê và niềm lo sợ. Trời mùa đông nắng tuy chẳng gay gắt bằng mùa hè, nhưng cũng đủ cháy khét mái tóc không đội mũ của tôi. Ngồi dưới gốc cây nhìn về phía xa xa bên kia sông nơi có làn khói lam nhè nhẹ bay lên, tôi tự hỏi ai đã soạn ra cái đạo luật “Cấm yêu khi dưới 16 tuổi”? Thế thì mình phải chờ thêm những mấy năm nữa cơ à? Sao hội thánh không đặt ra luật “Được phép cưa gái khi đủ tuổi học bổn xưng tội lần đầu” có phải là tiện lợi trăm đường hay không?
Xế chiều về đến nhà người tôi hâm hấp nóng sau cả buổi trưa dãi nắng. May mà bố đã đi đánh chắn bên ông Trùm Tuyết nên không trông thấy thằng con hai má đỏ hồng sắp lên cơn sốt. Mẹ dọn cơm, tôi lùa vội vàng vài đũa rồi trèo lên giường. Xoay cái gối nhắm mắt cho lòng bớt xốn xang, tôi ngủ thiếp đi.
....Hai tên quỷ sứ nom y hệt như trong bức tranh ở nhà thờ, người ngợm đen sì mà lại có sừng nữa (nhưng chẳng hiểu sao chúng không có đuôi), mỗi đứa nắm một bên tay tôi lôi đi xềnh xệch. Con đường xuống hỏa ngục ngoằn ngoèo tối om, đầy tiếng kêu khóc. Thỉnh thoảng lại thấy vài nạn nhân khác cũng bị quỷ xốc nách đưa đi như tôi, nam nữ đủ cả. Đột nhiên tôi nghe tiếng thằng Khiết con ông giáo Khoa đang kêu gào thảm thiết, nằm lăn giẫy đành đạch. Thằng devil cái mặt sao lại nhang nhác giống mặt thằng Minh Cỗi hay bắt nạt, quát to:
- Mày có đứng lên theo tao không thì bảo? Thế lúc chui vào vườn bà kỹ sư trộm xoài sao không khóc?
Vừa nói nó vừa thúc cái đinh ba vào mạng sườn thằng Khiết.
Tôi sợ quýnh. Thằng Khiết có mỗi tội bẻ xoài, còn tôi lại có thêm tội “biết yêu sớm” nữa. Hai tội nhập một, mình sẽ bị “xuống” sâu hơn nó chăng? Mấy tên quỷ sứ khác đang khiêng từng thùng dầu lửa, đứa thì vác thùng than, đứa thì gánh mấy bó củi. Toàn những thứ cháy được, inflammable materials. Chúng nó đang tải nhiên liệu cho thế giới hỏa lò đây ! Khiếp quá người tôi cứng lại, nhưng vẫn bị lôi đi. Cố nhìn quanh xem ngoài Minh Cỗi ra có thằng Lu-xi-phe nào quen không để tính chuyện hối lộ phe đảng khi xuống dưới ấy may ra chúng nó nhẹ tay cho một chút chăng, nhưng chỉ thấy toàn quỷ mặt lạ.
Gần đến cửa ngục bỗng thấy cảnh vật sáng lên. Tiếng người nói ồn ào. Tất cả mọi nạn nhân đều được dừng lại. Xa xa bên kia cái hồ nước gợn sương mờ lố nhố những người là người, xem chừng ai cũng đang vui vẻ trong lạc thú. Có cả vài thiên thần đứng bên. Thì ra đó là đường đi đến nước thiên đàng của những người “công chính”. Tôi nhận ra cha Tấn, thầy Quy, và ngay cả ông quản Hói hay quật trẻ con bằng roi mây cũng có mặt trong đám này. Đây cũng là trạm cuối cùng để các linh hồn tội lỗi được chào từ biệt thân nhân bên paradise một lần chót.
Chợt có tiếng gọi trong trẻo của cái Hương từ vương quốc thiên đàng. Nó đứng cạnh cha Tấn, đang cố nhón gót giơ tay vẫy vẫy tôi:
- Vũ ơi cố bơi sang bên này đi, đừng ở bên ấy có thằng Minh Cỗi hay bắt nạt lắm, nó cầm cây đinh ba vừa dài vừa nhọn đấy. Chạy đi Vũ ơi ! Hương cầu nguyện cho Vũ đây này...
Cha Tấn lừ mắt:
- Cứ để mặc xác cho nó bên ấy. Bằng cái mắt muỗi không lo học bổn xưng tội chỉ giỏi theo gái. Bao giờ nó ăn năn giở lại hẵng hay...
Thằng quỷ sứ đứng bên trái tôi vừa nghe cha Tấn nói xong, huých chuôi đinh ba vào hông tôi một cái thật mạnh đau điếng....
Mồ hôi trán lấm tấm ứa ra. Tôi chưa tỉnh hẳn. Hãy còn nằm trên giường, mắt nhắm mắt mở. Tôi li bì ốm đã ba ngày. Cứ buổi sáng uống Opthalidon cho giảm sốt, chiều lại “tọng” thêm Bạch Liên mua ngoài Vy An Đường sắc lên cho bổ phế. Bố tôi tin thuốc tây, Mẹ chuộng thuốc bắc. Hai thứ xung đột nhau trong cơ thể suốt thời bé dại, làm thế nào tôi còn sống sót đến bây giờ chắc chỉ có giời biết.
Nghe xung quanh tiếng thì thào lao xao. Ngoài trời nắng trưa đã lên, tiếng chim hót líu lo trong lùm cây tu ma rợp lá. Mũi ngửi thấy mùi thuốc bắc thoang thoảng. Mở hé mắt ra, dáng mẹ tôi nhìn con âu yếm:
- Dậy uống thuốc Vũ này. Bạn đến thăm con ốm đấy.
Tôi ngoảnh đầu nhìn quanh. Thằng Kiên nhe hàm răng sún nhìn tôi cười toe toét. Đứng phía sau nó là cái Hà gầy nhom, gương mặt lo lắng, thấy tôi nhìn nó nhoẻn miệng cười. Rồi đến cái Mạn, vẫn béo, tay cầm mấy cái bánh gai mắt chớp chớp. Tôi đưa tầm mắt ra xa hơn. Không có bóng dáng cái Hương. Tôi lại nhìn quanh thêm một lần nữa như chưa tin vào đôi mắt ốm dở của mình. Hà như thấu rõ tâm can đứa bạn si tình cùng lớp:
- Hôm nay mẹ Hương vào trường xin cho nó nghỉ học.
- Sao mà nghỉ? Tôi hỏi, giọng khản đặc.
- Nó ở nhà thu xếp đồ đạc. Cả nhà cái Hương sắp dọn đi Nha Trang. Bố nó phải thuyên chuyển ra ngoài ấy. Chắc Hương đi học ở đấy luôn không về Xóm Mới nữa đâu.
Rồi nhỏ giọng xuống như sợ mẹ tôi nghe được, cái Hà nháy mắt:
- Hà biết hết rồi Vũ đừng hòng chối. Cứ nhìn cái mặt Vũ trông nghệt ra với con Hương là Hà bắt nọn ngay. Vũ còn bé mà đã vẩn vơ không sợ xuống hỏa ngục hở? Không nhớ cha Tấn hôm trước bảo gì à?... Chiều mai cứ đi xưng tội đi là chắc khỏi ốm. Chúa phạt đấy ! À, mà Vũ chưa học bổn chịu phép thêm sức lần đầu thì xưng làm sao được. Thôi chết, thế là xong...
Mắt hoa lên, tôi nằm vật xuống. Cái mặt thằng Minh Cỗi lại lờ mờ hiện ra, giơ cây đinh ba dài ngoẵng cười gằn. Và bóng cha Tấn mặc áo đen cũng hiện ra, miệng lẩm bẩm gì không rõ, tay chỉ cây roi mây to tướng vào đứa con trai còn bé tẹo mà đã sớm biết học đòi ốm tương tư.
(ST : Tác Giả: Nguyên Cương Andy )