Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Nốt Thăng Trầm của Vương Mộng Long

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nốt Thăng Trầm của Vương Mộng Long

    Tác giả/Nhân vật: Vương Mộng Long

    Thuở ấy, vào giữa năm 1956, đoạn cuối con phố sát bờ sông về hướng Sơn-Phong, Hội-An vẫn còn hoang vu. Trước khi Chùa Sư Nữ được xây lên, thì cái bãi cỏ rộng bát ngát bên phải đường, kéo dài cho tới mé nước, là nơi để cho bọn con nít chúng tôi tụ tập nô đùa. Thời gian này gia đình tôi ở thuê căn nhà sát cạnh bãi cỏ mênh mông đó.

    Liền vách nhà tôi là nhà thày giáo Như và cô giáo Ngọc. Phong cách vợ chồng nhà này phảng phất nét cao sang, quý phái. Họ trông rất đẹp đôi. Thày Như có lẽ chưa tới ba mươi tuổi, và cô Ngọc cũng chừng hăm lăm, hăm sáu.

    Thày Như rất đẹp trai. Dáng dấp thày lúc nào cũng tao nhã, khoan thai. Đặc biệt, thày có cặp mắt sáng lóng lánh và đôi mày ngài hơi xếch. Cô giáo Ngọc mặt trái soan, mũi dọc dừa. Da cô trắng như trứng gà bóc. Cô để tóc dài. Mái tóc cô đẹp mượt mà, mềm mại như mây. Cặp vợ chồng nhà giáo này có hai đứa con gái, bé Châu năm tuổi và bé Hạnh hai tuổi. Cô Ngọc dạy tiểu học trên Lai-Nghi. Thày Như dạy trung học trong Tam-Kỳ. Cuối tuần thày lại cưỡi chiếc Goebel về Hội-An. Chòm xóm thương mến vợ chồng thày lắm.

    Ngày nghỉ, bọn con nít chúng tôi hay tụ tập nơi hiên nhà này để nghe cô Ngọc ngâm thơ và thày Như đàn hát. Bé Châu, bé Hạnh bu theo tôi như anh ruột. Chúng nó cứ tranh nhau ngồi trên đùi tôi mỗi khi chúng tôi quây quần trước hiên nhà. Chiều chiều tôi hay dẫn hai đứa bé ra bờ nước bắt cào cào, châu chấu. Tôi hay xếp những cái thuyền bằng giấy cho hai đứa em thả ven sông. Đôi lần vừa thả thuyền xuống nước, gió đã thổi ào ào cuốn chúng ra xa rồi biến mất trên mặt sóng Thu-Bồn. Hai cô bé đứng dương mắt nhìn theo tiếc rẻ.

    Cô Ngọc là dân Huế Công Tằng Tôn Nữ, nên giọng ngâm thơ của cô nghe truyền cảm vô cùng. Cô ngâm cho chúng tôi nghe những bài thơ trữ tình xưa. Bài thơ mà cô đắc ý nhứt có lẽ là bài “Màu Thời Gian” của Đoàn Phú Tứ. Tôi được nghe cô ngâm nhiều lần bài này. Rồi tôi thuộc bài thơ này trước ngày bước chân vào Đệ thất.

    Khi những ngón tay thày Như lướt trên cần ghi ta, tôi có cảm tưởng cả một giàn nhạc đang hòa tấu. Tôi ngồi say mê ngây ngất theo tiếng đàn của thày thánh thót solo một đoạn “Thiên Thai” hay “Chiều Về Trên Sông”. Lâu lâu, thày Như kể truyện cho chúng tôi nghe. Cái giọng Quảng của thày lúc đó sao mà trầm ấm thế! Đôi mắt thày long lanh. Thày thao thao nói về những chiến công của các vị anh hùng lừng danh thế giới. Và có lúc hứng chí, thày kể luôn cả những trận công đồn, đả viện của Việt-Minh thời chiến tranh Pháp-Việt (1945-1954). Nhiều lần cô giáo Ngọc phải cau mày ngăn không cho thày quá lời về những đề tài kháng chiến, vào bưng, chống Tây. Lũ nhóc tì chúng tôi, lúc đó mới mười hai, mười ba tuổi, coi thày Như như thần tượng.

    Những năm sau nhà tôi chuyển địa chỉ lên khu Hồ Sen chùa Âm-Bổn, nhưng tôi vẫn thường xuống Sơn-Phong thăm gia đình thày Như. Hè năm 1960 gia đình thày Như đột ngột bán nhà và dọn đi xa. Theo thời gian, kỷ niệm với gia đình nhà này cũng nhạt nhòa dần trong tâm trí tôi.

    Tôi lớn lên, tình nguyện vào Trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam, rồi chọn binh chủng Biệt Động Quân.

    Sau Tết Mậu-Thân, Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân tăng phái cho Task Force South của Sư đoàn 23 Bộ Binh. Chúng tôi tới Blao tham dự hành quân lùng và diệt địch.

    Một hôm, nghỉ quân, tôi lang thang trong khu xóm Chùa. Nghe nói, xóm Chùa có nhà ông già “Bàn đèn thuốc phiện”. Dân “Bắn khỉ” thường lén lút tụ tập ở đây. Hình như ông già Lạc, Thượng sĩ Thường Vụ Đại Đội của tôi cũng hay lai vãng chốn này? Sau đảo chánh 1963, vấn đề cấm thuốc phiện có vẻ không còn khắt khe như thời Cụ Diệm. Tôi có cảm tưởng rằng không khí trong con hẻm xóm Chùa này đặc quánh mùi thơm do khói nhựa của nàng Tiên Nâu.

    Xóm Chùa có những nét đặc biệt, khác với những khu dinh điền chỉ dành riêng cho dân Bắc-Kỳ Di-Cư như Tân-Bùi, Tân-Hóa, Tân-Thanh, Tân-Phát. Xóm Chùa quy tụ dân tứ xứ đến từ mọi miền. Ở đây dân cư nói đủ giọng Bắc, Trung, Nam, Bình-Định, Thừa-Thiên, Quảng-Nam, Châu-Đốc… Ở đây có đủ mọi thành phần tôn giáo, Hòa-Hảo, Cao-Đài, Tin-Lành, Phật Tử sống trộn lộn, gần gũi, sát cánh nhau. Tôi nghe từ cuối hẻm, vọng lại tiếng ngâm thơ,

    “Tóc mây một món, chiếc dao vàng
    Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
    Trăm năm tình cũ lìa không hận
    Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng”

    (Màu Thời Gian- Đoàn Phú Tứ)

    Cái giọng Huế nữ của ai đó nghe thật là não nuột. Tôi chợt có ý muốn được nhìn một lần cho biết cái “mày hoa” của người đang ngâm thơ ra sao? Tôi lần bước tới sát hàng rào căn nhà có cái sân lát gạch, nơi phát ra tiếng ngâm. Tiếng ngâm thơ nghe rõ hơn. Tôi giật mình vì giọng ai nghe quen như tiếng cô giáo Ngọc?

    - Xin lỗi, trung úy có chuyện chi cần hỏi ai ở đây rứa?

    Một người đàn bà trung niên đứng bên rào đánh tiếng, khi thấy tôi đang dáo dác dòm vào nhà.

    Thôi đúng rồi! Cô giáo Ngọc chứ còn ai? Dù cách xa gần chục năm, dù cô đã cắt mái tóc dài, uốn tóc cao, tôi vẫn nhận ra khuôn mặt trái soan và giọng nói Huế Công Tằng Tôn Nữ ngọt ngào của cô.

    - Cô giáo Ngọc! Em đây! Long đây cô.

    - Xin lỗi, tôi không biết trung úy là ai…

    - Cô ơi! Nhà em ở sát nhà cô và thày Như hồi cô và thày còn ở Sơn-Phong, Hội-An. Em hay sang nhà cô chơi, bế bé Châu, bé Hạnh…

    Người đàn bà nhìn thẳng vào mặt tôi, chăm chú quan sát. Mắt bà lóe lên một tia vui mừng. Bà ngập ngừng, giọng run run,

    - Trung úy… ừ, em Long đó ư? Mới đó mà gần mười năm qua. Em đã lớn và thay đổi quá hí? Em đi lính và làm tới trung úy rồi. Em vô nhà chơi đi!

    - Vâng, em làm đại đội trưởng, đang hành quân vùng này. Như vậy năm 1960 thày cô đã dọn nhà vào dạy học ở Blao? Cô và thày Như dạo này ra sao? Thày có nhà không vậy cô? Hai em Châu và Hạnh chắc lớn lắm rồi?

    Có lẽ câu nói vừa rồi của tôi đã đánh thức những kỷ niệm xưa cũ trong tâm hồn cô, tôi thấy mắt cô rươm rướm lệ,

    - Ngày đó nhà cô đi vội quá, không kịp thông báo cho bà con. Từ ấy cô cũng chưa có dịp về thăm chốn cũ. Cô hết đi dạy rồi em ơi. Cô đang làm thư ký trong tòa tỉnh. Còn thày thì đi làm xa, mãi dưới Sa-Đéc, lâu lâu mới về. Con Châu năm nay mười bảy, con Hạnh mười bốn, còn đang đi học. Hai đứa chở nhau đi mua gạo chắc cũng sắp về. Em vô nhà đi!

    Tôi theo chân cô giáo Ngọc vào nhà. Căn nhà hẹp mái tôn trang trí giản dị. Một phòng khách, một phòng ngủ. Phòng khách có cái bàn thờ tổ tiên, và một cái phản gỗ. Trên tường, bên trái bàn thờ là cái bảng đen, bên phải bàn thờ là cây ghi ta, cây ghi ta của thày Như ngày xưa. Cây đàn bị phủ một lớp bụi mỏng. Nó được treo trên tường như một đồ trang trí. Có lẽ lâu lắm rồi không ai nắn phím đàn…

    Tôi ngồi chưa nóng chỗ thì chị em bé Châu và bé Hạnh đã cỡi Honda chở nhau về.

    Lần chót tôi gặp gia đình thày Như năm 1960 thì bé Châu mới chín tuổi, bé Hạnh lên sáu. Nay hai em hàng xóm bé tí năm xưa đã thành hai thiếu nữ duyên dáng, trổ mã. Bé Châu nhận ra tôi ngay,

    - Anh Long. Có mấy lần em thấy anh đậu xe trước Quán Duyên bên kia đường, em ngờ ngợ, nhưng không dám hỏi. Với lại… con gái vô duyên mới đi hỏi thăm con trai trước…

    Hai cô bé lớn lên ở Lâm-Đồng, hàng ngày học hành, giao thiệp với bạn bè đồng trang lứa ở đây, nên giọng nói của hai em không còn chút âm hưởng Quảng-Nam, Huế của cha, của mẹ.

    Hôm đó tôi ở lại ăn cơm chiều với gia đình cô giáo Ngọc và ngồi chơi tới gần tối mới về chỗ đóng quân. Khi truyện trò, tôi được cô giáo cho biết ngày đó thày Như bị người ta tố cáo là có tư tưởng thiên Cộng nên mất việc. Gia đình phải cấp tốc bán nhà và dời vào Blao. Cô Ngọc nhờ một người bạn học có thân thế với ông tỉnh trưởng giới thiệu vào làm thư ký trong Tòa Hành Chánh. Căn nhà mà gia đình cô đang trú ngụ cũng do người bạn cô cho ở nhờ. Còn thày Như, để dấu tông tích, phải vào Sa-Đéc làm thư ký cho một hãng buôn nông phẩm của một ông chủ người gốc Hoa.

    Cô giáo căn dặn tôi mỗi khi hành quân về, nhớ ghé nhà cô ăn cơm, nghỉ ngơi, đừng đi lang bang nhậu nhẹt mà hư thân mất nết. Tôi cũng mừng rằng sau bao năm xa cách, tôi đã gặp lại một gia đình hàng xóm thân quen. Và như thế là, từ nay tôi cứ việc nại cớ phải về nhà bà con, thay vì đi theo anh Thiếu úy Đại đội phó Đặng Hữu Duyên vào thăm Trường Nông Lâm Súc.

    Anh Duyên có cô bạn gái tên là Thuấn đang nội trú trường này. Cứ về tới phố, anh Duyên lại nhờ tôi chở anh ta tới thả trước cửa sổ phòng của cô Thuấn. Lần nào cũng vậy, anh ấy cứ nấn ná giữ chân tôi lại, để giới thiệu tôi với những cô gái lạ hoắc! Cô Thuấn có cả chục cô bạn đẹp ngất ngây. Khổ một điều là, cô nào miệng lưỡi cũng tía lia. Tôi vốn là thằng nhát gái. Đứng trước đám đông khác phái, líu líu, lo lo này, tôi hết hồn, chỉ muốn rút dù.

    Ngày Thứ Hai tuần sau, đại đội tôi nhận nhiệm vụ bảo vệ căn cứ hỏa lực cho một pháo đội 105 ly của Hoa-Kỳ và Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 2 /BĐQ /Hành Quân. Căn cứ này dự trù thiết lập ngay trên khuôn viên nhà máy trà Tứ-Quý. Đồn điền Tứ-Quý đã ngưng hoạt động từ lâu, nhưng dân chúng vẫn lén ra vào khu vực này để thu hoạch trà hàng ngày. Vì thế chúng tôi không phân biệt được dấu tích để lại trên các đường lô là của Việt-Cộng hay của dân hái trà. Chúng tôi phải rà soát kỹ từng dãy nhà máy, nhà lô, để chắc chắn không đóng quân trên những căn hầm bí mật của địch.

    Sau khi hoàn tất ba cái chốt chặn làm tiền đồn xa cho căn cứ, tôi thông báo cho Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn về sự tạm ổn định an ninh để cơ giới tiến vào. Cuộc chuyển quân diễn ra êm ả.

    Tôi đặt ban chỉ huy đại đội dưới hiên phía đông của văn phòng nhà máy. Từ đây tôi có thể quan sát hết khu vực trọng yếu hướng đông nam căn cứ hỏa lực. Lều bạt của ban điều hành tác xạ Mỹ nằm giữa sân đồn điền. Lều của Trung Tá Hồ Hữu Dõng, Liên Đoàn Trưởng nằm trong vườn cà phê, ngay sau lưng dàn súng mười sáu khầu 105 ly của pháo đội Hoa-Kỳ.

    Ngay từ khi pháo đội dàn quân chưa xong, một máy điện 40KWA đã nổ “bình! bịch! bình! bịch!” cung ứng điện cho các máy tính to như những chiếc tủ đứng, đầy đèn, xanh, đỏ, tím, vàng, chớp nhóa.

    Chiếc máy điện thứ nhì được đặt sát căn lều của tôi. Trong trường hợp chiếc máy điện thứ nhất bị trở ngại, chiếc máy thứ nhì sẽ được khởi động để thay thế. Và nếu cái máy chết tiệt này chạy, thì căn lều của tôi hứng trọn khói thải ra từ cái ống bô to tổ bố của nó!

    Tiếng nhạc xập xình, vang vang truyền đi trong không gian. Máy radio từ đài tác xạ và từ các ụ súng tranh nhau phát thanh. Các chú lính Mỹ cởi trần, mặt mày hớn hở, mồ hôi nhễ nhại, cần mẫn thiết lập công sự.

    Mấy anh lính Biệt Động Quân Việt-Nam của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 2 sau khi căng lều võng xong, cũng nhào sang khu pháo binh bắt tay, bá cổ, bá vai, những người bạn Mỹ. Trong sân đồn điền, tiếng nói chuyện của những chiến sĩ Việt-Mỹ líu lo, om xòm, xí xa, xí xồ,

    “Ô Kê! Sa lem! Năm bờ oăn! Gút! Gút! Năm bờ ten! Bét! Bét! Năm bờ oăn thảo giường!”

    Nói bằng miệng không thông, đôi bạn đành dùng tay ra dấu. Đi hành quân, và đóng quân chung với Mỹ quả là vui!

    Chiều xuống, một chiếc Chinook tới “hover” trên sân cỏ giữa khu đóng quân để xịt nước cho quân nhân của pháo đội Mỹ tắm rửa sau một ngày bụi bặm, cực nhọc, vất vả. Những chú GI cởi truồng tồng ngồng, thay nhau đứng tắm dưới những tia nước phun xuống từ trên trời cao. Khi hai bịch cao su chứa nước treo tòn ten dưới bụng con tàu đã xẹp lép, chiếc Chinook mới bay đi.

    Đêm xuống dần…

    Trong lều, khói thuốc chập chờn. Ngoài lều, sương trắng dâng cao. Anh Duyên thủ thỉ,

    - Như vậy hết hành quân kỳ này, anh về nghỉ ở nhà bà con. Anh cho tôi mượn chiếc Jeep đi vòng vòng. Anh giữ một máy PRC 25. Có chuyện gì cần, anh kêu. Năm phút sau, tôi có mặt liền. Được không?

    Tôi chưa kịp trả lời Duyên thì, từ trong núi, hướng đông,

    “Cạch!… Cạch!… Cạch! … Cạch!…”

    Tôi vội vàng xỏ đôi chân vào giầy, miệng la lớn,

    “Pháo kích! Pháo kích!”

    Tay xách sợi dây ba chạc và tấm bản đồ, tôi nhoài người tụt lẹ xuống hố cá nhân. Thiếu úy Duyên quơ cái áo giáp chùm lên đầu, rồi nhảy ào xuống hầm cối 60 ly của đại đội. Binh nhứt Cường và Hạ sĩ Hoàng thủ hai khầu M16 cũng lăn xuống hố sát bên tôi. Tài xế Nguyễn Lác lười biếng không chịu đào hố, giờ này mới quýnh quáng, nhào đại xuống hố của Hạ sĩ Thọ, người nấu cơm cho tôi. Thế là chí chóe.

    - Ê! Cứa thèng ni! Mi đè lên đầu tau, mần răng tau thấy đường mà bắn hí?

    - Nhờ “chúc” mà! La chi dữ rứa!

    Thường vụ Nguyễn Lạc phản ứng nhanh không kém. Ông già vớ cây sắt vuông PSP gõ “Canh! Canh!” vào tấm kẻng sắt treo bên khẩu súng cối. Nghe tiếng kẻng báo động, bên phía quân Mỹ và Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 2 BĐQ mới bắt đầu nhốn nháo.

    Theo thói quen nghề nghiệp, tay tôi xoay cái địa bàn về hướng phát ra tiếng cối “depart” để đo hướng súng. Óc tôi đếm nhẩm từ lúc nghe tiếng “Cạch” cho tới khi nghe tiếng “Oành” để đo tầm xa. Thế là tôi có thể ước tính ra gần chính xác tọa độ đặt súng của địch.

    “Xè! Xè! Xè! ….Oành! Oành! Oành!”

    Tôi đoán chắc rằng Việt-Cộng đang pháo kích chúng tôi bằng cối 82. Điểm đặt súng cách chúng tôi chừng 2 cây số. Một khẩu hướng 1700 ly giác, khẩu kia hướng 1900 ly giác. Hàng chục quả đạn xé gió vèo vèo bay tới. Mái ngói của căn nhà lầu lãnh bốn năm trái. Gạch ngói rơi ào ào.

    Trên phòng tuyến và trong sân đồn điền đã có tiếng rên la của người bị thương. Lúc này không ai dám đi tiếp cứu ai cả. Ai cũng lo tránh né đạn, núp trong hầm.

    Tôi biết khẩu cối 60 ly của tôi không phải là địch thủ của hai khẩu 82 ly Việt-Cộng, nên tôi nhoài người, với tay lấy cái điện thoại dã chiến gọi cho Ban 3 Liên Đoàn xin phản pháo. Dây điện thoại bị mảnh 82 cắt đứt, chuông điện thoại không reo!

    “Xè!… Oành!.. Xè!… Oành!… Xè!… Oành!…”

    Một trái cối rớt ngay giữa sân, xé một miếng lều của đài tác xạ. Qua lỗ rách, ánh đèn chiếu ra lấp lóe. Tôi sực nhớ, “Súng phản pháo ở ngay đây! Xin đâu cho xa?”

    Tôi cầm cái bản đồ, chạy ào vào lều tác xạ. Căn lều sáng choang dưới ánh điện. Toán trực ba người của Hoa-Kỳ nón sắt, áo giáp dềnh dàng, đang núp trong hầm truyền tin của pháo đội dựng bằng bao cát giữa lều. Tôi lật tấm bản đồ, chỉ cho anh sĩ quan trưởng toán hai vị trí pháo địch, yêu cầu anh ta cho phản pháo tối đa, càng nhanh càng tốt. Tôi ló đầu ra cửa hầm la to,

    “Coi chừng tiền pháo hậu xung Duyên ơi!”

    Thiếu úy Duyên một tay cầm đèn bấm, tay kia kéo ông Thượng sĩ Lạc, chạy ra phòng tuyến ngoài của đại đội.

    Trận pháo kích diễn ra lâu chừng năm, sáu phút là chấm dứt. Tôi và Hạ sĩ nhứt Đức, y tá đại đội, đi quanh phòng tuyến, kiểm điểm tổn thất của quân bạn. Trong khi đó pháo đội Mỹ khạc đạn liên tu bất tận, có lẽ cả trăm viên 105 ly đã tưới lên vùng nghi ngờ có hai khẩu pháo của quân thù.

    Đại đội tôi có một người chết và bốn người bị thương. Pháo binh Mỹ có hai anh lính bị thương. Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 2 BĐQ vô sự. Một chiếc GMC kéo súng của Mỹ bị bể đầu máy. Hai khẩu đại bác bị xẹp lốp. Chiếc Jeep của tôi bị một mảnh cối đục lủng thùng xăng.

    Trực thăng tản thương Hoa-Kỳ được gọi tới cấp kỳ. Hai chiếc Gunships tưới đạn vô tội vạ sát vòng đai căn cứ, để bảo vệ cho chiếc máy bay tải thương. Tôi phải cho lệnh ba cái tiền đồn chớp đèn để khỏi bị trực thăng võ trang bắn lầm.

    Sau khi tải thương xong, căn cứ hỏa lực Tứ-Quý nằm im thin thít. Đèn đuốc tắt ngấm. Hết tiếng nhạc radio xập xình. Duy nhất chỉ còn cái máy phát điện 40KWA là dám “bình! bịch! bình! bịch!” suốt canh khuya.

    Năm giờ sáng Trung Tá Dõng gọi tôi lên gặp mặt và ra lệnh.

    - Sáng mai Long cho mở đường ngược ra quốc lộ để Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn và Pháo Binh rút về Đại-Nga.

    Suốt đêm, tôi cứ ấm ức vì cú thua lỗ của đại đội mình, nên tôi đề nghị với người chỉ huy,

    - Xin Trung tá cho tôi ở lại trong này hai ngày, hai đêm. Tôi muốn gỡ lại món nợ đêm qua.

    Trung tá Dõng ngẫm nghĩ một lát rồi gật gù,

    - Không ai bắt em làm việc này. Nhưng nếu em muốn, thì tôi sẽ làm công điện hợp thức hóa. Nhớ là chỉ hai ngày thôi! Và phải thật cẩn thận đó nghe!

    Trưa hôm đó việc rút quân của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 2/BĐQ và Pháo Binh hoàn tất. Tôi ra lệnh cho đại đội chuẩn bị sẵn sàng hai ngày cơm sấy và nước uống. Tuyệt đối cấm khói lửa và hút thuốc trong suốt bốn mươi tám giờ sắp tới. Quân nhân đơn vị tôi đã rất quen với những tình trạng căng thẳng như thế này từ khi tôi về chỉ huy họ. Lệnh tôi đã ban ra, thì mọi người răm rắp nghiêm chỉnh thi hành ngay.

    Tôi bung các toán tuần tiễu ra các ngả đường gìn giữ an ninh để tôi nghiên cứu thực địa, thiết trí một cuộc phục kích.

    Hướng nam của nhà máy có một lô trà với hình dáng mũi tàu. Bố quân quanh lô trà này, có thể kiểm soát được ba con đường tiến sát từ các hướng đông, đông nam, và nam.

    Tôi phân công, Trung đội 3 của Chuẩn úy Đinh Quang Biện và khẩu đội đại liên M 60 của Hạ sĩ Nguyễn Bổng sẽ đảm trách công tác phục kích.

    Ban chỉ huy đại đội cùng hai Trung đội 1 và 2 sẽ đóng quân cách khu phục kích hai trăm mét về hướng bắc để tiện di động đánh bọc trái, hoặc phải cho Trung đội 3.

    Tôi và khẩu đội đại liên M 60 của Hạ sĩ Nguyễn Nhứt sẽ đi với thành phần tiếp ứng là Trung đội 1 của Trung sĩ 1 Ngọ.

    Thiếu úy Duyên, Thượng sĩ Lạc và khẩu đội cối 60 ly ở với thành phần trừ bị là Trung đội 2 của Thượng sĩ Em.

    Tất cả các máy truyền tin sẽ tuyệt đối giữ yên lặng vô tuyến cho tới khi nào có tiếng súng nổ.

    Một buổi chiều và một đêm yên tĩnh trôi qua.

    Đúng mười giờ sáng hôm sau… súng nổ! Súng nổ ròn rã hướng Trung đội 3.

    Tôi cảm thấy yên tâm, khi nghe rõ ràng tiếng súng của quân ta đang áp đảo tiếng súng của quân địch.

    Chuẩn úy Biện báo cáo,

    - Trình Thái Sơn! Có khoảng mười thằng từ trong rừng đi ra. Chúng nó chạy về hướng bên phải.

    - Nhận 5! Giữ vững vị trí. Tôi và thằng 1 sẽ lên ngay.

    Lập tức, Trung đội 1 cùng khẩu đội đại liên M 60 dàn hàng ngang, vừa bắn vừa tiến về hướng chính nam. Thời gian này đạn dược thật là dư dả, dồi dào. Tôi thấy rằng, dùng hỏa lực tối đa để áp đảo quân địch, tiết kiệm xương máu cho quân bạn, cũng là một điều hay. Vì thế, mỗi khi chạm trận, tôi cho phép anh em tác xạ thả giàn. Tới sát con lạch hướng nam, chúng tôi ngừng quân, bố trí và lục soát kết quả. Kết quả thật nghèo nàn, không thấy xác thằng Việt-Cộng nào. Chiến lợi phẩm chỉ là bốn cái mũ lưỡi trai Trung-Cộng rơi trên luống trà và hai băng đạn AK bắn dở dang.

    Tôi cho Trung đội 3 dàn hàng ngang lục soát thẳng hướng chính đông, tức là xạ trường chính của cuộc phục kích. Chúng tôi tìm được hai xác địch và hai khẩu AK 47 trên đường phân lô. Hai tên Việt-Cộng này nằm chết cách tuyến phục kích chừng năm thước. Cách hai cái xác đó không xa là một cái cặp da màu đen, với dây đeo ngang hông, thường dùng cho các cán bộ cấp cao. Cái dây đeo cặp bị đạn bắn đứt, nhưng người đeo cặp đã chạy thoát.

    Tôi ra lệnh lục soát kỹ sâu vào hai bên bìa rừng, dọc theo con đường xe be đất đỏ, dẫn về hướng rừng xanh hướng đông. Đi xa chừng hai trăm thước, chúng tôi phát giác một kho gạo khổng lồ, cao ngất, toàn là loại bao chỉ xanh 100 kg. Kho gạo nằm dưới tàn cây cao, và được bao bọc che chở bằng những tấm vải nhựa dày màu xanh tránh gió mưa.

    Tôi báo cáo tin tức này cho Trung tá Liên Đoàn Trưởng. Trung tá Dõng rất mừng. Ông ra lệnh cho tôi án binh chờ phương tiện chuyên chở tới đem chiến lợi phẩm về Tiểu-Khu. Xế trưa, sáu chiếc xe be nối đuôi nhau vào chuyển vận hết kho gạo ra tỉnh, và tôi được lệnh rút quân ra quốc lộ.

    Ra tới đường, trong khi chờ xe đưa về Tân-Hóa, tôi mới mở cái cặp da chiến lợi phẩm ra xem có tài liệu gì quan trọng không.

    Cái cặp da chứa một quyển sổ ghi tên các cán binh trực thuộc tỉnh đội Lâm-Đồng của Việt-Cộng. Một sổ tay ghi chi thu hàng tháng của tỉnh đội. Một sổ công tác cá nhân. Một cái bấm móng tay. Một cái lược nhựa. Đặc biệt trong ruột quyển sổ công tác có một tấm ảnh cỡ 4×6 đã cũ, ép nhựa, tránh ẩm ướt.

    Tôi tò mò ngắm nghía cái ảnh. Thì ra đó là một cái ảnh gia đình. Một gia đình hai vợ chồng trẻ. Người vợ bế đứa con chừng tám tháng tuổi, có lẽ là con gái. Hình người đàn bà bị ố vàng, nhìn không rõ mặt. Mặt người đàn ông và đứa bé thì không bị lem. Lật mặt sau tấm ảnh, tôi là dân Hội-An, nên hơi giật mình, khi thấy sau lưng tấm ảnh có ghi hàng chữ bằng bút “rông” mực tím, “Fai-Foo 1952”. Như vậy tấm ảnh gia đình này phải được chụp năm 1952 ở Hội-An (Fai-Foo).

    Chiều hôm đó đại đội tôi được đưa về bãi cỏ phía sau lưng cư xá của nhân công hái trà ở xã Tân-Hóa. Chúng tôi tiếp tục giữ căn cứ hỏa lực và làm trừ bị cho Liên Đoàn 2 BĐQ. Khi giao nộp tài liệu tịch thu được cho Ban 2 Liên Đoàn, tôi đã giữ lại cái ảnh của gia đình vợ chồng người Hội-An để làm kỷ niệm.

    Tối hôm ấy, Thiếu úy Duyên và Chuẩn úy Biện chui vào lều của tôi để uống bia và tán gẫu. Anh Biện chợt hỏi tôi,

    - Này Trung úy! Trung úy có tin con người ta có số mạng hay không?

    – Làm sao biết được? Có lúc tin, mà có lúc cũng không.

    Biện trầm ngâm,

    - Chắc là con người ta có số ông ạ! Sáng nay tôi nhìn tận mặt thằng cán bộ đeo cái cặp đi giữa hai thằng bộ đội hộ tống. Tôi thấy rõ cả bộ lông mày xếch ngược và đôi mắt sáng quắc của nó đảo qua, đảo lại. Tôi đã chờ cho ba tên đi đầu còn cách bốn năm thước mới khai hỏa. Hai mươi lăm khẩu M16 và một khẩu M 60 bắn như mưa mà chỉ có hai thằng chết. Mà cái thằng đứng gần nhứt lại không chết, thì có phải là con người ta có số không?

    Tôi rút cái ảnh chiến lợi phẩm ra, đưa cho Biện,

    - Có phải thằng cán bộ đeo cặp là người này không?

    Anh trung đội trưởng nheo mắt ngắm tấm ảnh,

    - Giống lắm! Nhưng người trong ảnh trẻ hơn nhiều.

    Hôm sau tôi căn dặn Thiếu úy Duyên ở nhà trông coi đại đội để tôi về phố hớt tóc và ghé hậu trạm ký sổ ứng tiền ăn tháng tới. Trước khi trở về vị trí đóng quân, tôi tạt vào thăm gia đình cô giáo Ngọc vài phút, nhân tiện cho cô xem cái ảnh của người Hội-An.

    Tôi tới xóm Chùa vào lúc cô giáo về nhà nghỉ trưa. Bé Châu và bé Hạnh đi vắng.

    Thấy tôi, cô ân cần,

    - Em mới về hả? Tiện bữa, ngồi ăn cơm với cô nhé. Cơm rau mắm thôi.

    - Cám ơn cô, em ăn cơm rồi. Em ghé thăm cô vài phút rồi đi liền.

    Tôi lục túi, lấy tấm ảnh đưa cho cô giáo,

    - Cô xem có quen ai trong ảnh này không?

    Cô giáo thấy tôi từ chối ăn cơm, cô có vẻ không vui,

    - Cô ít giao thiệp lắm. Cô không có nhiều bạn. Chắc cô không biết ai mô!

    Cô hờ hững không thèm đưa tay nhận tấm ảnh. Tôi chìa cái ảnh trước mặt cô. Cô miễn cưỡng nhìn cái ảnh. Mắt cô vụt sáng lên ngạc nhiên. Cô giáo giựt tấm ảnh trên tay tôi, giọng cô có vẻ mất bình tĩnh,

    - Em… em… nhặt được tấm hình ni ở mô rứa? Tấm hình ni anh Như giữ. Mần răng nó tới tay em được?

    Rồi hình như cô sực nhớ ra điều gì đó, cô bình tĩnh, ôn tồn trở lại,

    - Ừ cô nhớ ra rồi, trước khi rời Hội-An, anh Như đã đưa cái hình ni cho bên nội. Chắc người bên nội đưa nó cho em?

    Quả thực khi đưa cái ảnh cho cô giáo Ngọc xem, tôi chỉ có ý nghĩ là cô ở Hội-An từ trước ngày Hiệp Định Genève ký kết, có thể cô quen biết gia đình người trong ảnh. Tôi đâu ngờ diễn tiến sự việc lại xoay qua một chiều hướng không lường trước.

    Chẳng biết xử trí ra sao, tôi đành nói đại,

    - Hôm qua có anh lính nhặt được cái ảnh này trong sở trà Tứ-Quý. Em nghi là của gia đình cô nên mang về cho cô.

    Không dè, nghe tôi nói thế, cô giáo cuống cuồng,

    - Em nói răng? Em nhặt được nó trong Tứ-Quý ư? Có thật không rứa?

    - Em nói thật mà. Nhưng vì cớ gì mà cô lo sợ như thế?

    - À… không… không, cô có lo sợ chi mô em…

    Vừa khi đó thì có tiếng xe Honda rồ ga lên dốc. Chắc bé Châu, bé Hạnh đã về.

    Cô giáo nhìn tôi khẩn khoản,

    - Em ơi! Em thương cô thì đừng tiết lộ cho ai biết chuyện tấm hình ni, kể cả hai đứa nhỏ. Cô van em đó! Em ơi…

    - Vâng, em sẽ không nói gì về cái ảnh này nữa. Thôi em đi nhé. Hôm nào rảnh, em sẽ về thăm cô.

    Tôi ra cửa đúng lúc hai cô nữ sinh Trung Học Bảo-Lộc vào tới sân. Hai đứa em tíu tít,

    - Anh Long mới về? Ủa mà sao anh lại đi liền? Bộ anh chê cơm nhà nghèo không ở lại ăn với chúng em hay sao?

    - Anh phải đi ngay. Anh đi hành quân.

    Sáng hôm sau Trung tá Dõng cho người xuống mời tôi lên lều của ông để uống cà phê và ăn xôi đậu phọng. Ông nói,

    - Chú tịch thu được kho gạo lớn quá. Ông Tướng Ân vừa gọi máy hứa, sau khi kết thúc chiến dịch sẽ tưởng thưởng xứng đáng cho đại đội của chú. Ông muốn khích lệ tinh thần của anh em, nên trưa nay, nhân dịp đi gắn huy chương cho Địa Phương Quân Tiểu-Khu Tuyên-Đức, trực thăng của ổng sẽ ghé đây bốc chú và một anh binh sĩ xuất sắc nhất đại đội về Đà-Lạt nhận huy chương trước.

    Bốn mươi ba năm sau, tháng Ba năm 2011, ông cụ Nguyễn Bổng, sáu mươi bảy tuổi, cựu Biệt Động Quân xạ thủ đại liên M 60, hiện đang sống ở Denver, tiểu bang Colorado Hoa-Kỳ, qua điện thoại, với giọng nói Bình-Định rặt, nửa vui sướng, nửa bùi ngùi, nhắc lại kỷ niệm này,

    “Ngày đó chỉ có tui với Trung úy được bốc về sân vận động Đà-Lạt để cho ông Tướng Ân gắn huy chương. Hãnh diện quá chừng chừng…”

    Sau chiến tranh cả mấy chục năm, khi gặp lại, đồng đội cũ của tôi ở Đại đội 1/11BĐQ vẫn kêu tôi là trung úy, “Trung úy ơi! Trung úy dạo này có mạnh khỏe không?…”

    Sau khi Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 2 di chuyển lên Tùng-Nghĩa thì đại đội tôi cũng lên vùng núi Voi và Đơn-Dương để hành quân diều hâu. Cho tới cả tháng sau tôi mới có dịp trở về ứng chiến ở sân bay Con Hinh Da, Bảo-Lộc.

    Bố quân xong, tôi lên xe trực chỉ xóm Chùa.

    Tới nhà cô giáo Ngọc, tôi thấy căn nhà vắng lặng. Ông già “Bàn đèn thuốc phiện” ló đầu ra khỏi cửa gọi,

    - Ông Trung úy ơi! Có người gửi thư nhờ tôi đưa dùm cho ông đây.

    Lá thư cô giáo viết cho tôi chỉ vỏn vẹn có mấy giòng, không ghi ngày tháng, không có tên người nhận, và người viết cũng không ký tên,

    “Cô cắn cỏ ngậm vành ghi tạc ơn em.
    Mong em giữ kín trong lòng đừng cho ai biết rằng em đã quen biết gia đình cô.
    Hãy hứa với cô rằng em sẽ quên tất tận cả những gì em biết về gia đình này nhé em!
    Cám ơn em và chúc em vạn phần may mắn. Vĩnh biệt!
    Cô của em.”

    Căn nhà tuy khóa cửa chính, nhưng cửa sổ vẫn mở. Tôi nhìn rõ vật dụng trong nhà vẫn y nguyên. Kể cả cây ghi ta vẫn còn trên tường. Như thế tôi hiểu rằng lúc dọn nhà, chắc mẹ con cô giáo đã vội vàng, hấp tấp lắm.

    Tôi thẫn thờ bước chân xuống đồi. Tôi và gia đình cô giáo Ngọc xa nhau tám năm. Vừa mới gặp lại hai ngày, nay đã chia ly lần nữa.

    Trở về phi trường, tôi nói với anh Duyên rằng, anh ấy có thể lấy xe đi đâu thì đi, đi tới bao giờ về cũng được, đừng lo lắng gì cả.

    Nằm trong lều, vắt tay lên trán, tôi ôn lại những chuyện xảy ra trong thời gian đã qua. Chuyện rõ như ban ngày, sao tôi không nghĩ ra nhỉ?

    Năm 1960 là năm bọn “Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng Miền Nam” ra đời. Cuối hè năm đó, học sinh Hội-An thiếu gì người bỏ học, vào bưng? Dịp này, thày Như đem gia đình vào Blao, nơi xứ lạ, để không ai biết gốc gác lai lịch gia đình thày. Không phải lo lắng chuyện nhà, thày Như có thể yên tâm đi theo ý nguyện của mình. Chắc cô giáo Ngọc biết chồng cô đang hoạt động trong địa phận tỉnh Lâm-Đồng này, nên bất ngờ thấy tấm ảnh cũ, cô lo sợ, dấu diếm quanh co. Cô nói trớ ra rằng nó đã được chồng cô giao cho người bên nội giữ, nhưng cô quên trước đó vài ngày cô đã kể cho tôi chuyện chồng cô là người cuối cùng của dòng họ Võ ở thôn Trà-Đình 2, Hương-An, Thăng-Bình, Quảng-Nam. Như vậy, tên cán bộ Việt-Cộng bị đại đội tôi giết hụt ở Tứ-Quý không ai khác hơn là thày Như! Vì sợ tôi tiết lộ việc này cho con của cô biết, và sợ bị kết tội liên lụy với Việt-Cộng, nên cô Ngọc vội vàng dẫn con ra đi.

    Một thời gian sau, vì bận bịu công việc, tôi cũng không bận tâm thêm chuyện nhà thày Như, cô Ngọc.

    Đầu tháng Chín năm đó, Chuẩn tướng Trương Quang Ân, Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ Binh tử nạn. Giữa Tháng Mười, đơn vị tôi về ở hẳn Pleiku, không còn trở lại Blao, Đà-Lạt nữa.

    Năm 1975 thua trận, tôi đi tù.

    Từ khi khôn lớn, vào đời, tôi chỉ chọn có một nghề, đó là nghề làm lính. Suốt thời gian 12 năm làm lính, tôi quanh quẩn sống trong rừng. Vốn liếng tay nghề của tôi chỉ có rừng.

    Sau 13 năm tù “cải tạo”, được tha, tôi lạc loài trong thành phố Sài-Gòn. Tôi đã xoay xở nửa năm, mà không tìm ra cách gì để sống. Cuối cùng, tôi đành tìm đường lên núi kiếm ăn.

    Tôi quyết định lên Đà-Lạt, vào núi Lap Bé Nord đào thiếc. Phong trào đào vàng, đào thiếc đang rầm rộ ở đấy. Thế là, đúng hai mươi năm sau ngày đại đội tôi từ giã Blao, nay hoàn cảnh bắt buộc, tôi đành miễn cưỡng quay về chốn xưa. Chiếc xe đò chở tôi rời Sài-Gòn từ sáng tinh mơ. Xế chiều xe mới tới Đà-Lạt.

    Tôi lên Đà-Lạt, tá túc tại nhà đứa cháu gái gọi tôi bằng cậu. Nhà cháu tôi nằm bên phường 8, cách Nguyên-Tử-Lực Cuộc một cái thung lũng. Tôi ở trên dốc, dưới dốc có một ông trung sĩ cảnh sát chế độ cũ đang làm nghề đào thiếc. Tôi mon men tới nhà ông ta để làm quen, và xin tháp tùng kiếm ăn.

    Khi gặp ông cựu cảnh sát Việt-Nam Cộng-Hòa, tôi nói chuyện với ông ta bằng thứ tiếng Bắc một trăm phần trăm Hải-Dương. Ông ta tưởng tôi từ ngoài Bắc mới vào nên không thắc mắc gì nhiều, vui vẻ cho tôi theo ông vào vùng kiếm “xái”.

    Ông cảnh sát này mới lấy vợ kế. Vợ cả của ông ta vừa chết. Vợ kế của ông chính là người em dâu của ông ta. Em trai ông cảnh sát là trung úy chế độ cũ, đã chết trong trại cải tạo. Ông cảnh sát không phải đi tù. Ông thương em dâu góa bụa, thương đàn cháu côi cút, nên vợ ông vừa chết là ông lấy bà em dâu làm vợ luôn. Sau một tuần lễ cộng tác với ông cảnh sát và thằng cháu, cũng là con riêng của vợ ông, chúng tôi bị “mo”. “Mo” tiếng Pháp là “mort”, có nghĩa là chết, là thất bại.

    Tôi đành giã từ Đà-Lạt tụt xuống Đức-Trọng, mò vào K3 đào vàng.

    Hì hục gần mười ngày, “mo” vẫn hoàn “mo”, đến nỗi tôi không còn tiền để đi một chuyến xe thồ về nhà người chị họ ở Đức-Trọng. Có một điều đáng nói là, dân đi đào vàng ở đây, nếu chịu giao thiệp rộng một chút, rất khó bị chết đói. Ngày nào cũng có những đám tiệc cúng tổ. Cứ xong một giếng, thu hoạch vàng xong, các toán đều trích ra một số vàng để đãi đằng trước khi chia phần. Tôi ở đây mới có hơn tuần lễ mà bà con đã nhẵn mặt, mời ăn nhậu tưng bừng, không ngày nào bị đói.

    Rồi một sớm mai có chiếc xe thồ bị tụt xuống hố. Tôi nhanh nhảu giúp anh chủ xe một tay, kéo chiếc xe lên. Anh ta và tôi đều là dân Bắc-Kỳ Di Cư. Hỏi ra, anh ấy ở cách nhà bà chị tôi có vài khu vườn. Thế là anh chàng đồng ý chở tôi về tới nhà bà chị tôi rồi mới lấy tiền.

    Tôi không phải là người khách độc nhất của một chuyến thồ. Tôi phải chờ hai người khách nữa cho đủ số ba người cho một cuốc xe. Trong thời gian chờ khách, tôi và anh chủ xe ngồi tán gẫu. Hóa ra anh ta đang học năm cuối cùng Quốc-Gia-Hành-Chánh thì Việt-Nam Cộng-Hòa sụp đổ. Tới lúc bấy giờ tôi mới thổ lộ cho anh ta biết tôi là một cựu thiếu tá tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân Việt-Nam Cộng-Hòa vừa mới ở tù ra. Nghe vậy, anh ta kéo tay tôi, bắt tôi leo lên xe, không thèm chờ rước thêm khách nữa. Anh ta sẵn sàng chở giúp tôi về nhà không lấy tiền!

    Chúng tôi vừa ra khỏi K3 chừng hai cây số thì nghe phía trước mặt, trong rừng bên đường có tiếng kêu la,

    “Lạy hai anh tha cho em…”

    Chú Lượng, chủ xe thồ ngừng xe quan sát.

    Trong rừng thưa bên đường, hai thanh niên mặc đồ bộ đội đang dùng hai khúc cây phang cật lực vào đầu một anh xe thồ để cướp cái Kamaz Liên-Xô.

    Bị hai khúc củi đập tới tấp lên đầu, lên vai, nhưng anh chàng xe thồ vẫn không chịu buông cái xe ra. Buông tay ra, là mất xe! Thà chết, chứ không bỏ của!

    Vừa van lạy, vừa chửi rủa, anh xe thồ cứ lăn vào ôm cứng lấy cái Kamaz, dai như đỉa.

    Có lẽ nạn nhân đã thấy chúng tôi, nên anh ta la lớn,

    - Bớ người ta! Ăn cướp! Ăn cướp giết tôi cướp xe! Cứu tôi với bà con ơí!

    Chú Lượng nói nhỏ vào tai tôi,

    - Tụi bộ đội nó chơi bạo lắm. Mình can thiệp vào, nó chơi mình luôn. Hay là ta quay lại gọi thêm người phụ giúp. Anh tính sao?

    Tôi nghĩ, nếu quay trở lại, chưa chắc đã có ai vui lòng đi theo giúp. Mà dù cho có người đi theo, thì khi tới nơi, anh chủ xe thồ có lẽ đã chết mất rồi!

    Chợt nghĩ ra một kế, tôi vừa nháy mắt ra dấu cho Lượng, vừa hét lớn,

    - Đưa khẩu súng cho tao! Tao bắn vỡ óc hai thằng ăn cướp này!

    Lượng làm bộ chần chừ. Rồi anh cũng gân cổ nói cho to,

    - Anh bắn thì anh chịu trách nhiệm nghe! Tôi chỉ làm chứng thôi đó!

    Tôi hét lớn, – Á!… Á!… Hai thằng chó này tới số rồi! Chết nghe con! Á!… Á!…

    Tôi và Lượng vừa quát tháo, vừa từ từ bước tới. Chú Lượng làm bộ lục lọi cái sách tay chú đeo ngang hông để tìm vũ khí.

    Hai thằng ăn cướp thấy hai chúng tôi hùng dũng quá, chúng nó sợ bị bắn chết, nên vứt hai khúc củi, ù té chạy bán sống, bán chết xuống chân đồi.

    Anh chủ xe bị cướp quỳ xuống đất vái lấy vái để,

    - Em xin quỳ lạy tạ ơn cứu mạng của hai ông. Suốt đời em ghi lòng tạc dạ công lao của hai ông.

    Chú Lượng thực tế hơn, – Ê bồ! Ơn với oán cái con khỉ khô. Một chầu nhậu là xong hết.

    Sau đó hai chiếc xe thồ phóng vèo vèo trực chỉ hướng chợ Đức-Trọng.

    Tới chợ, anh Nam, cựu nghĩa quân, chủ xe bị cướp, trịnh trọng mời tôi và Lượng vào quán ăn của một bà chủ người Tàu.

    Chú Nam kêu không biết bao nhiêu món, gồm đủ vịt, gà, bò, heo, tôm, cá để thiết đãi chúng tôi.

    Trong lúc tôi đang ngất ngưởng, ngà ngà, thì ngoài sân chợ bỗng nhốn nháo hẳn lên, không biết vì lý do gì. Thấy lạ, tôi bước ra cửa đảo mắt nhìn.

    Một chiếc xe con của bộ đội từ hướng Liên-Khương chạy xuống đậu sát hàng hiên một tiệm trà. Nơi đó, một người hành khất già đang nằm ngủ, ngáy khò khò.

    Một thượng úy công an và một công an viên bước xuống. Viên thượng úy cười hì hì,

    “Thôi về đi thủ trưởng!”

    Hai tay công an áp vào khiêng ông cụ lên, đặt trên ghế sau. Họ cũng cuốn gói đồ lề của ông cụ gồm một cái mũ lưỡi trai, một cái nón mê, và một cây dao quắm bỏ vào thùng xe, rồi trở đầu xe chạy đi.

    Bà chủ tiệm trà chõ miệng ra cửa, nhiếc một câu,

    - Giầu bỏ bạn, sang bỏ vợ. Cho đáng đời cái đồ mê gái!

    Tôi trở lại bàn thì chú Lượng lắc đầu,

    - Ôi! Để ý làm gì tới cái thằng khùng này. Thứ gì ngu như chó! Quyền cao chức trọng không muốn, muốn đi ăn xin.

    - Chú biết lý lịch của ông ăn mày này à?

    - Ở đây ai mà không biết tay này? Ngày xưa y là con hùm xám, hét ra lửa đấy. Nhưng y ỷ thần, ỷ thế, hãm hiếp một cô nhân viên dưới quyền, nên mất chức. Đến khi vợ lão chết, lão thành khùng luôn.

    - Công an vừa hốt ông ta đi, chắc là nhốt vào nhà thương điên?

    Bắt với nhốt cái con tiều! Cả chục năm nay tên đó cứ lang bang hết chợ Đức-Trọng, đến chợ Tùng-Nghĩa, chửi bới, khóc lóc om xòm, rồi lăn quay ra ngáy. Hôm nào hên, có mấy thằng học trò cũ hốt về nhà cho ăn ngủ, còn không thì cứ ngủ bờ, ngủ bụi thôi.

    - Chắc cái xe công an vừa rồi là của người quen ông cụ?

    - Tay này ngày xưa đi theo hầu, làm đồ đệ của lão già đó. Nay anh ta lên tới thượng úy đồn trưởng.

    - Thế thì gia đình vợ con ông ta ở đâu?

    - Nhà lão ở trên Phil-Nôm, nhưng từ khi vợ lão chết, lão không bén mảng về nhà nữa.

    - Chú Lượng có vẻ rành gốc gác ông điên này quá?

    - Thực ra, em cũng chỉ nghe đồn thôi.

    Anh Nam châm thêm rượu đế vào ly của tôi rồi hối,

    – Nhậu tiếp đi đại ca! Chuyện thằng già dịch ấy, nói tới mai chưa hết. Ai đời? Con gái người ta mới mười bảy, mười tám mà lão dám đè ra hiếp công khai trong văn phòng. Gớm thiệt!

    - Chắc chú Nam rành về ông già này hơn chú Lượng?

    - Thì có ai tận mắt chứng kiến những gì lão ác ôn này gây ra đâu? Gia đình lão ở đây từ cuối 1975, nhưng lão làm việc trên Tỉnh Đội, lâu lâu mới ghé về nhà. Em nghe người ta nói lại, thời chống Mỹ, lão là Huyện Đội Trưởng hay Tỉnh Đội Trưởng gì đó dưới Blao, công lao ghê gớm lắm. Sau khi tiếp thu Đà-Lạt, lão làm lớn lắm. Đùng một cái, cuối 1977 lão bị mất chức về nằm bẹp trong nhà. Sau đó vợ lão tự tử, lão hóa khùng, đi lang bang cả chục năm nay.

    Chúng tôi đánh chén xong thì trời xế trưa. Anh Nam xin phép về nhà lo thuốc thang chữa chấn thương đầu, cổ. Tôi và chú Lượng cũng chia tay. Chuyện “người điên ở chợ” tôi còn được nghe nhiều người thuật lại, mỗi người nói mỗi khác. Năm 2003, ở Hoa-Kỳ có người bạn làm cùng sở với tôi kể rằng, năm 1980 khi đi đào đá quý ở Tân-Bùi, Blao, anh ta tận mắt chứng kiến cảnh một tên cán bộ cấp cao của Việt-Cộng bị điên, đầu đội cái nón mê, tay xách con dao quắm, suốt ngày đi lang thang, nói năng lảm nhảm, chửi bới om xòm ở chợ Tân-Bùi. Nghe đâu tay cán bộ này giàu sụ, có cô bồ nhí xinh như đào xi nê. Một hôm, cô bé đem cầm, bán hết giấy tờ sở hữu ruộng vườn, xe cộ của ông thủ trưởng, đồng thời thay mặt ông, hốt sạch cả chục chân hụi lớn, hụi nhỏ, rồi ôm tiền của, cùng anh kép trẻ dông đi mất biệt. Mất của, lại thất tình, ông thủ trưởng già hóa rồ, hóa dại, đội cái nón mê, ôm con dao quắm đi truy lùng, truy sát kẻ bạc tình. Hình như nhà anh chàng trẻ tuổi, tình địch của lão già thủ trưởng Việt-Cộng ở Tân-Bùi thì phải?

    Nhà chị tôi ở cách chợ Đức-Trọng không xa lắm. Tôi quyết định nghỉ ngơi vài ngày rồi mới xoay xở tiếp.

    Hai hôm sau tôi tìm được một chân giữ lô trên Prenn. Làm việc này tuy nhàn nhã nhưng nguy hiểm quá!

    Một mình nằm trong căn chòi lá giữa rừng không tấc sắt trong tay. Xế chiều, một xe bộ đội ghé đít vào khuân đi vài tấm ván xẻ. Nửa đêm, một xe bộ đội ghé đít vào khuân đi vài khúc bằng lăng. Người gác lô (là tôi đây) hỏi,

    “Các ông có giấy ủy quyền chở gỗ đi không?”

    thì khách vỗ bành bạch vào cái bao K54 bên hông,

    “Bộ nhà anh mù, không nhìn thấy cái giấy ủy quyền này hay sao mà còn hỏi?”

    Hóa ra lô này chứa gỗ của bọn khai thác lậu. Bộ đội chỉ cần hù một câu là có thể chở đi một xe tỉnh bơ. Tuần sau tôi bỏ việc.

    Tôi trở về Sài-Gòn phụ giúp một anh bạn đi bán quần áo cũ (còn gọi là đồ SIDA) một vài lần, cũng chẳng thấy khá.

    Tôi lò mò tới nhà ông Trung tá Huỳnh Văn Lộc, cựu Liên đoàn trưởng Liên đoàn 25 BĐQ để hỏi cách đi buôn thuốc Tây. Ông anh chỉ vẽ đường đi, nước bước, tận tình hết mình. Chuyến ra quân đầu tiên buôn thuốc Tây, chưa đi khỏi Tân-Cảng tôi đã bị công an túm. Mất toi cả chỉ vàng tiền vốn.

    Bí quá, tôi lại lên rừng. Kỳ này thì hên. Ông anh rể vừa thấy mặt tôi đã reo lên,

    - Cậu lên vừa đúng lúc. Vựa cà phê nhà chị Phú Phil-Nôm đang cần chân đốc công, lương hậu, cậu có nhận không?

    - Chơi liền! Buồn ngủ mà gặp chiếu manh thì còn gì bằng?

    Hôm sau ông anh rể tôi chở tôi lên vựa cà phê nhận việc.

    Vựa cà phê chị Phú ở ngay con dốc giữa ngã ba Quốc lộ 20 và ngã rẽ về Đơn-Dương. Đất đai hai bên đường của khu vực này được chia ra thành nhiều lô bằng nhau để cấp phát cho gia đình công nhân, bộ đội tự canh tác, cải thiện. Chồng chị Phú làm việc trên Ty Nông-Nghiệp. Lợi dụng địa thế thuận tiện lưu thông, chị Phú dựng lên một vựa thu mua nông phẩm kiếm lời.

    Nhiệm vụ của tôi là cân nhập cà phê, đậu xanh, đậu nành, đậu phọng, rồi hướng dẫn hai cô nhân công chuyển vào kho; cân xuất hàng; kiểm soát hai cô nhân công đưa đủ hàng lên xe cho khách; ký biên lai; nhận biên lai; tổng kết sổ chi thu hàng ngày.

    Tôi làm việc trôi chảy được hai ngày. Hôm sau nữa, nhân lúc rảnh, chị Phú nhờ tôi leo lên mái kho, trét nhựa đường vài lỗ dột. Cái thang nhà này đang mắc kẹt chống đỡ buồng chuối tiêu mắn quả sau hiên. Chị Phú chỉ tay sang nhà hàng xóm,

    - Anh sang nhà cô Hương nhờ cô ấy cho mượn cái thang một lát.

    Sát hàng rào của vựa cà phê là một khu vườn rộng, có giàn su su và những luống đu đủ. Giữa vườn, là một cái nhà tôn, có sân lát gạch để phơi nông phẩm.

    Theo lệnh bà chủ, tôi xăng xái đi sang nhà hàng xóm,

    - Cô Hương ơi! Cô Hương có nhà không?

    Có tiếng trả lời từ sau nhà,

    - Tôi ở trong vườn su. Ai đó cứ vào đi.

    Tôi lò dò đi vòng ra phía sau nhà.

    Bên một gốc đu đủ, người chủ nhà nghe tiếng chân tôi, bèn quay mặt lại,

    - Ông cần hỏi chi?

    Dưới nắng ban trưa, đứng trước mặt tôi, rõ ràng là cô giáo Ngọc!

    Cũng với cái áo bà ba mầu xanh điểm hoa khế hồng, và cái quần đen, bộ quần áo cô mặc hôm tôi về đưa cho cô cái ảnh gia đình mà tôi tịch thu được trong mật khu Tứ-Quý. Hai mươi năm qua rồi mà mặt cô vẫn y như xưa, không khác tí ti nào.

    Tôi buột miệng,

    - Cô giáo Ngọc! Cô ơi! Cô đó ư?

    Người đàn bà giật mình hoảng hốt,

    - Ủa! Sao ông lại kêu tôi là cô giáo Ngọc? Ông là ai vậy?

    Tôi nhìn dán mắt vào mặt người đàn bà. Á! mà có chút khác! Cô giáo Ngọc bây giờ trông ngăm ngăm, chứ không còn trắng bóc. Giọng nói của cô thì hoàn toàn xa lạ. Không phải cái giọng Huế Công Tằng Tôn Nữ nữa rồi! Hay là tôi đã nhầm người?

    Tôi gãi đầu,

    - Thưa bà, tôi xin lỗi, tôi lầm bà với một người quen của tôi.

    - Ông ơi! Ông là ai? Ông nói người quen của ông là cô giáo Ngọc có phải không?

    - Vâng! Bà giống cô Ngọc như đúc, nhưng bà không phải cô Ngọc. Cô Ngọc người Huế. Bà không phải cô ấy.

    Người chủ nhà lại thúc giục,

    - Ông nói cho tôi biết đi! Ông là ai?

    - Tôi xin lỗi bà, tôi tên Hai, là người làm công của vựa cà phê bên hàng xóm. Tôi sang đây mượn cô Hương cái thang về xài một lát. Tôi xin gặp cô Hương.

    - Tôi là Hương đây! Nhưng tôi hỏi ông. Ông quen biết như thế nào với cô Ngọc? Tôi là con gái cô Ngọc đây, còn ông là ai?

    Tôi lắc đầu lia lịa, – Con cô Ngọc chỉ có bé Châu và bé Hạnh, không có ai tên là Hương cả.

    Người đàn bà như bị choáng váng, giọng bà ta run run,

    - Như vậy ông có phải là anh Long không? Anh Long!

    - Vâng tôi là Long, còn bà là ai?

    - Bé Châu đây! Anh Long ơi!

    Bé Châu òa khóc. Năm nay (1988) bé Châu ba mươi bảy tuổi, đúng y chang tuổi của cô giáo Ngọc năm Mậu-Thân (1968) khi gặp tôi ở Blao. Bé Châu giống cô giáo Ngọc như đúc. Có khác chăng là làn da, và giọng nói. Hèn nào tôi không lầm cho được?

    Bé Châu nắm tay tôi, kéo tôi lên nhà trên. Miệng cô em tíu tít chưa hết chuyện này đã nhảy sang chuyện khác, chẳng đâu vào đâu. – Từ từ đi Châu! Cô cứ nói lung tung như thế này thì ai mà hiểu được cô muốn nói cái gì. Việc đầu tiên anh muốn biết là mẹ em và bé Hạnh bây giờ ra sao? Có tin tức gì của ba em không?

    Tôi vừa cười vừa nhắc cô em hàng xóm.

    Bé Châu như tỉnh ngủ,

    - Ừ nhỉ, em nói năng lộn xộn quá. Chỉ vì em mừng quá đó anh ơi! Mẹ và bé Hạnh mất rồi. Còn Ba thì đã… hóa điên. Anh ngồi chơi đây, em đi nấu nước pha trà. Ngồi đây chờ em, đừng đi đâu anh nhé!

    Nhóm bếp xong, bé Châu chạy vội lên nhà trên,

    - Anh kể cho em nghe đi! Sau đó anh còn ở Blao không? Anh lấy vợ lúc nào? Có mấy cháu rồi? Anh đi học tập có lâu không? Ngày anh về, gia đình anh có thay đổi gì không?

    Tôi ngồi tường trình, – Bốn tháng sau ngày nhà em dọn đi, thì đơn vị anh về Pleiku ở luôn, không còn trở lại Blao nữa. Anh có vợ và có bốn đứa con rồi. Sau Ba Mươi tháng Tư năm 1975 gia đình anh về tá túc ở nhà của mẹ anh, trong khu chợ Nancy Sài-Gòn. Anh đi tù “cải tạo” mười ba năm, mới được tha ra cách đây nửa năm. Anh đang đi làm công để phụ giúp vợ, nuôi con.

    Bé Châu trợn mắt, – Anh đi học tập cải tạo tới mười ba năm lận! Lâu quá vậy? Chắc chị ở nhà vất vả lắm anh nhỉ?

    - Chị làm thợ may và buôn bán làng nhàng để nuôi con. Cũng khổ lắm.

    - Tội nghiệp chị! Con thì đông, chồng lại vắng nhà cả chục năm không thấy về, vậy mà chị vẫn kiên tâm vất vả nuôi con chờ chồng. Anh là người có phước lắm đó!

    Lúc ấy có tiếng cô Nhi, người giúp việc của chị Phú réo trước cửa,

    - Anh Hai ơi! Về cân hàng! Có khách chờ! Chị Phú nói anh sang mượn cái thang, hay sang ngủ ở nhà cô Hương mà cả buổi chưa chịu về?

    Nghe tiếng gọi, tôi vội đứng lên,

    - Thôi, mai Chủ Nhựt rảnh, anh sẽ lên nói chuyện tiếp. Anh phải về làm việc bây giờ.

    Tôi chạy vội ra cửa.

    Chị Phú mặt hầm hầm,

    - Anh làm ăn đàng hoàng chứ không tôi đuổi đó!

    Tôi chẳng tiện phân bua với bà chủ làm gì. Tôi cứ lặng thinh làm phận sự của người làm công.

    Từ đó tới chiều, bên hàng rào cứ thấp thoáng bóng dáng bé Châu ngóng cổ sang để tìm tôi.

    Bên cót đậu phọng, cô Nhi mắt len lén theo dõi cử chỉ của người hàng xóm, miệng nhỏ to với bà chủ,

    - Anh chàng trông khù khờ mà đào hoa dữ a!

    Bà chủ thì mặt sưng như tấm thớt.

    ——0——

    Hôm sau là ngày Chủ Nhựt, được nghỉ, tôi mượn cái xe đạp của ông anh rể, lọc cọc đạp lên nhà bé Châu.

    Sau khi khóc lóc đã đời, Bé Châu ngồi kể cho tôi nghe một truyện dài hai mươi năm.

    Ngay buổi trưa tôi ghé nhà em lần cuối cùng, Cô Ngọc bắt bé Châu chở cô vào văn phòng tỉnh, xin lãnh trước một tháng lương, rồi xin nghỉ phép một tuần vì việc gia đình. Sau đó, hai mẹ con sang trường Trung Học Bảo-Lộc xin rút học bạ để chuyển trường. Chiều đó cô Ngọc đem chiếc Honda đi bán. Sáng hôm sau ba mẹ con vác ba chiếc va li lên chuyến xe đò sớm nhứt đi Đà-Lạt. Trưa hôm đó mẹ con cô có mặt ở nhà bà chị cô trong ấp Thái-Phiên. Cô nói với bé Châu và bé Hạnh rằng tôi nghe tin cảnh sát sẽ tới bắt cô bỏ tù vì tội có chồng đang chiến đấu trong bưng nên cô phải dẫn gia đình đi lánh nạn.

    Cô Ngọc được bà chị nhượng lại cho một thửa vườn trồng rau để sinh nhai. Ngày đó, bỏ ít tiền ra, cô dễ dàng mua được hai cái khai sinh giả và một cái căn cước giả. Cô giáo Công Tằng Tôn Nữ Mỹ Ngọc nay mang tên Nguyễn Thị Mỹ. Bé Võ Thị Như Châu thành Nguyễn Thị Hương, và Võ Thị Ngọc Hạnh thành Nguyễn Thị An có tên cha là Nguyễn Trường Giang. Cô lấy tên con sông Trường-Giang, và tên xã Hương-An ở nơi quê chồng để đặt tên giả cho chồng con, cho dễ nhớ. Tên Võ Thị Như Châu và Võ Thị Ngọc Hạnh trên học bạ được tẩy đi, đề tên mới vào. Lúc đó bé Châu và bé Hạnh mới biết trong tám năm qua, cha của hai em đã vào bưng đi theo Việt-Cộng, chứ không phải làm thư ký ở dưới Sa-Đéc. Vì thế, hai em mới hiểu lý do tại sao từ ngày vào Blao, thày Như không về nhà lần nào.

    Hồi mới xa Blao, bé Châu và bé Hạnh buồn khóc thầm cả tuần. Sau rồi cũng nguôi ngoai, quen với cuộc đời mới. Hai chị em ban ngày theo xe ngựa của nhà hàng xóm về Đà-Lạt học trường Bồ-Đề, ban đêm đan nón, đan quạt lá buôn, lá cọ bỏ mối lấy tiền phụ với mẹ. Năm 1970 bé Châu đậu Tú Tài 2, xin được một chân giáo viên tiểu học ở dưới trại Hầm. Năm 1973 bé Hạnh lấy chồng. Năm đó em mười chín tuổi, vừa đậu Tú Tài xong. Chồng bé Hạnh là một Thiếu úy ngành Quân-Báo thuộc Tiểu-Khu Bình-Định. Anh ta là cháu một nhà hàng xóm trong ấp Thái-Phiên. Đám cưới vừa xong, bé Hạnh về Quy-Nhơn ở với mẹ chồng. Nhà cô Ngọc ở yên trong Ấp Thái-Phiên cho tới ngày Đà-Lạt di tản.

    Sau khi tiếp thu Đà-Lạt, Việt-Cộng đã tới từng nhà để sưu tra lý lịch, và tổng kết dân số. Cô Ngọc khai tên thày Như trong bản khai của gia đình cô. Chỉ vài ngày sau thì thày Như về. Ông ta về trên chiếc xe con, theo sau là một xe lớn, có nhiều bộ đội hộ tống. Cô Ngọc và bé Châu mừng quá, khóc suốt một ngày luôn! Cô Ngọc thì mừng vui, tươi tắn hẳn lên như con bịnh trầm kha vừa phục hồi sau một liều thuốc tiên. Thày Như đón vợ con về ở trong một ngôi biệt thự mới bị tịch thu trong khu hồ Mê-Linh (tên cũ là Saint Bénoit). Gần cuối năm 1975 gia đình ông ta được cấp miếng đất dưới Phil-Nôm và dọn về ở đó cho tới bây giờ.

    Thày Như làm việc trên Tỉnh Đội, uy tín dữ lắm. Hình như cấp trên của ông ta tin tưởng giao phó cho ông đảm đương, kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng…

    Bé Châu chợt lặng im ngồi suy nghĩ một hồi, rồi mới tiếp tục thuật lại cho tôi nghe chuyện bé Hạnh.

    Cuối tháng Năm năm 1975 bé Hạnh từ Quy-Nhơn về. Nó nói rằng chồng nó vừa bị bắt đi tù cải tạo. Nó khóc lóc thảm thiết, xin thày Như bảo lãnh cho chồng nó được tha. Thày Như từ chối thẳng tay,

    - Để cho nó đi “học tập” ít lâu. Khi nào nó “tiến bộ” thì được tha về chứ cần gì Ba phải bảo lãnh? Cả ngàn người cùng tình trạng như nó chứ có phải một mình nó đâu?

    Thày Như ngồi trên ghế, Bé Hạnh đứng đàng sau, nó ôm vai cha nài nỉ,

    - Ba Như ơi! Ba can thiệp được mà! Ba xin cho chồng con về đi. Anh ấy là con một, có mẹ già. Nhà mình cũng không có con trai. Anh ấy hiếu thảo lắm. Nếu Ba gặp anh ấy, chắc Ba sẽ thương anh ấy ngay. Ba Như ơi! Ba Như xin tha cho chồng bé Hạnh về với bé Hạnh đi Ba!

    - Ba đã nói rồi mà! Để cho nó “học tập” thành “người tốt” rồi về! Có gì mà phải vội vàng?

    Năn nỉ cha hoài không được, bé Hạnh cầu cứu mẹ và chị phụ giúp. Cô Ngọc và bé Châu cũng nói hết lời, thày Như vẫn một mực khăng khăng chối từ.

    Tháng Tám năm 1975 chồng bé Hạnh trốn trại, bị bắt lại, và bị kiên giam. Bé Hạnh và cô Ngọc xuống thăm chồng nó. Ban chỉ huy trại không cho gặp mặt, cũng không cho nhận quà. Bé Hạnh lại về năn nỉ cha nó cứu vớt chồng nó lần nữa. Nó quỳ dưới chân thày Như khóc lóc, van xin. Thày Như nhất mực chối từ việc cứu con rể, ông còn xúi bé Hạnh bỏ chồng lấy người khác. Rồi hai cha con lớn tiếng cãi nhau. Tình phụ tử bị sứt mẻ. Từ đó bé Hạnh và cha em tránh mặt nhau.

    Bé Châu thấy bé Hạnh có lý khi nói rằng cha các em không còn như thời trước 1960, ngày các em còn bé. Ngày xưa, mỗi lần thày Như đi xa, bé Châu và bé Hạnh thường chờ cha về để tranh nhau nhảy vào lòng, bắt ông hôn, rồi ông dắt hai đứa đi lang thang trong sân chờ cô Ngọc dọn cơm. Lần này ông về, chỉ có mình bé Châu ở nhà, nhưng Châu không còn dám nhào vào lòng cha để ông nâng niu như xưa. Khi cha em ra đi, Châu lên chín. Ngày ông về, em hai mươi bốn. Cha em đã đi con đường ông ta chọn. Sau mười lăm năm, ông đã thực hiện xong ý nguyện của ông. Nhưng ông đã đánh mất hạnh phúc của chính mình, và của cả gia đình mình. Vì ông, mà vợ ông đã để uổng phí một thời son trẻ. Vì ông mà tuổi thơ của hai đứa con ông chỉ là một chuỗi ngày dài đầy lo sợ. Giờ đây, giữa Châu và cha em như có một bức tường vô hình ngăn cách.

    Tháng Chạp năm 1975 chồng bé Hạnh bị xử tử hình.

    Được tin này, bé Hạnh cấp tốc đi Quy-Nhơn, vào trại giam, xin nhận xác chồng, nhưng người ta không cho. Họ chôn chồng em Hạnh trong nghĩa địa dành cho tù phạm.

    Trở về nhà, bé Hạnh thức trắng một đêm để đốt hết những lá thư mà vợ chồng nó đã trao đổi cho nhau từ ba, bốn năm trước ngày đám cưới. Từ lúc về, bé Hạnh không hé môi nói chuyện với ai một lời nào.

    Sáng sớm hôm sau, bé Hạnh dậy thật sớm. Nó ôm hôn mẹ nó và chị nó rồi ra đi. Bé Châu và cô Ngọc hỏi rằng Hạnh đi đâu mà sớm thế? Nó chỉ lắc đầu, hai mắt đỏ hoe.

    Hôm đó thày Như có mặt ở nhà. Lúc bé Hạnh bước ra tới cửa, ông giữ tay nó lại,

    - Con đi đâu thế?

    Hạnh hất tay ông ta ra, rồi vội vàng bước nhanh ra đường.

    Ba ngày sau có người báo cho thày Như biết tin,

    “Cô An chết đuối mới nổi lên ở chân cầu Đại-Ninh!”

    Kể tới đây, bé Châu nấc lên, nghẹn lời.

    Nghe tin bé Hạnh chết, bé Châu bàng hoàng, choáng váng như vừa bị ai đó đập một cái chày vồ lên đầu. Nhìn người ta niệm xác bé Hạnh đặt vào áo quan mà Châu cứ tưởng như đang mơ một giấc mơ dữ. Cô Ngọc rũ xuống như một sợi bún. Cô thành người mê sảng, miệng không ngừng gọi tên con, “Hạnh ơi! Hạnh ơi!…”

    Ngày đưa ma, cô Ngọc và bé Châu không cất bước nổi, phải ở nhà. Hai mẹ con khóc cho tới khi hai mắt sưng vù, nói không còn ra tiếng nữa. Người ta chôn cất bé Hạnh ra sao, bé Châu không còn nhớ rõ.

    Thày Như có rất nhiều người quen, nên khách đi đưa đám con gái ông rất đông. Có cả dàn nhạc và đại diện từ Tỉnh, Huyện về chia buồn.

    Từ ngày chôn cất bé Hạnh xong, cứ thấy mặt chồng, cô Ngọc lại nghẹn ngào,

    “Mình ơi! Mình giết bé Hạnh của em rồi hả mình? Mình ơi! Sao mình nỡ giết con của chúng ta? Mình ơi!”

    Thày Như phải tránh mặt vợ bằng cách đi làm từ sáng sớm, tới tối mịt mới về.

    Hai tháng sau ngày bé Hạnh mất, vào một buổi trưa mùa xuân, chỉ có cô Ngọc và bé Châu ở nhà, một bà già Bắc-Kỳ Di-Cư khăn mỏ quạ, áo dài nâu xuất hiện trước cổng. Vừa thấy bóng cô Ngọc, bà già chồng của bé Hạnh đã bù lu, bù loa,

    - Dâu ơi, là dâu! Con ơi là con! Ai đời? Chồng chết không chịu nhận khăn tang, mà chẳng nói chẳng rằng, bỏ đi một nước. Bà ơi! Con gái bà là người, hay là ma, là quỷ vậy? Con giặc cái ấy đâu rồi?

    Cô Ngọc ôm bà thông gia, vừa sụt sịt, vừa dìu bà cụ tới trước bàn thờ đang khói hương nghi ngút, trên đó là cái ảnh của hai vợ chồng bé Hạnh chụp ngày đám cưới.

    - Con dâu của chị đây nè! Nó nhảy sông, chết theo chồng nó đã hai tháng nay rồi!

    Nghe thế, bà già Bắc-Kỳ ngã lăn quay ra nền nhà, đôi mắt trợn ngược. Mẹ con bé Châu phải đánh dầu, cạo gió cho bà, hồi lâu bà già mới tỉnh. Bà cụ lồm cồm đứng lên, với tay ôm cái ảnh của vợ chồng bé Hạnh vào lòng. Nước mắt ròng ròng, hai mắt bà nhìn như ngây như dại vào cái ảnh trên tay,

    - Con ơi! Sao hai con đành bỏ mẹ? Con ơi!… Con ơi!…

    Rồi tay ôm cái ảnh, bà cụ thất thểu bước chân ra cửa. Bé Châu cố giữ bà cụ lại thì bà cụ trợn mắt, mắm môi, giựt tay ra, rồi chạy biến ra đường.

    - Hu!… Hu!… Hu!… Tiên sư cha quân cướp nước! Chúng mày giết con tao, giết dâu tao, đồ chó má! Tiên sư cha cái đồ Cộng-Sản dã man! Tiên sư cha nhà chúng mày!… Hu!… Hu!… Hu!…

    Bà già vừa đi, vừa chửi rủa, vừa than khóc, kêu gào. Từ ấy tới nay bé Châu không gặp lại bà lần nào nữa.

    Những ngày tháng tiếp theo, nhà thày Như lúc nào cũng u sầu, ảm đạm. Ông đi làm trên tỉnh, lâu lâu mới ghé nhà. Sức khoẻ của cô Ngọc sa sút nặng nề. Mắt cô mờ đi vì khóc quá dài ngày. Đôi mắt cô thâm quầng. Hai gò má nhô cao, hốc hác. Mái tóc đẹp như mây ngày nào giờ này chỉ còn là một mớ bùi nhùi sau gáy được túm gọn bởi sợi dây thun. Thân hình cô gầy tưởng chừng như chỉ cần một cơn gió khá mạnh là có thể thổi cô bay đi. Tuổi cô chưa đầy năm mươi, vậy mà nhìn cô, người ta thấy như cô đang ở sắc quá sáu mươi.

    Thày Như có ba người đàn em thân tín thường tới, lui thăm hỏi, là ba tay cựu du kích tên Thuận, Bình và Xuyên. Ba người này là học trò ở Tam-Kỳ, đã cùng hai người nữa theo ông vào bưng từ năm 1960.

    Thày Như thường kể truyện với người quen về vết sẹo khá lớn trên vai trái của ông là do một lần vào năm 1968 đơn vị của ông bị Biệt Động Quân VNCH phục kích. Lần đó ông bị bắn gãy tay, năm tên hộ tống thì hai chết mất xác.

    Sau khi chiếm được Đà-Lạt, ông cất nhắc cho ba tên học trò sống sót làm những chức vụ quan trọng, tên Bình làm bí thư riêng, tên Thuận làm hậu cần, tên Xuyên vốn là thương binh, nên được giao cho chức chủ nhiệm một hợp tác xã rau trên Đà-Lạt.

    Giữa năm 1977 ông nhận một người bà con của tên Thuận là cô Xuân vào làm thư ký riêng thay cho tên Bình chuyển ngành sang công an. Ông thương cô Xuân lắm, đi đâu cũng chở cô Xuân theo. Ông nói rằng ông coi cô ấy như con, vì cô ấy có vài nét giống bé Hạnh, tính tình cô ta cũng rất thùy mị, dễ thương, nhưng trên tỉnh, nhiều người xầm xì rằng cô Xuân là bồ nhí của ông Như.

    Đùng một cái, giữa trưa ngày lễ mùng Hai tháng Chín năm đó công an của Bộ Nội Vụ ập vào văn phòng bắt tại chỗ ông Như và cô Xuân đang lõa lồ nằm ngủ với nhau trên giường sau bàn giấy của ông. Người ta chụp ảnh làm biên bản, rồi còng tay ông dẫn ra xe chở đi. Cô Xuân thì khóc lóc thảm thiết, khai rằng thủ trưởng Như đã hãm hiếp cô ấy nhiều lần trong văn phòng này. Cô ta nói, ông ta hăm dọa sẽ bỏ tù cả nhà cô, nếu cô hé răng cho người khác biết chuyện đồi bại này.

    Được tin, cô Ngọc hộc tốc chạy lên Ty Công-An Tỉnh. Gặp cô, ông ta thề sống, thề chết với vợ rằng ông ấy bị cô Xuân và tên Thuận dụ dỗ cho uống thuốc mê, chứ ông hoàn toàn vô tội.

    Tối hôm đó, cô Ngọc kể cho bé Châu nghe một điều từ lâu cô giữ kín trong lòng. Cô nói, thời gian sống trong mật khu, chồng cô đã nhắn cô vào thăm hai lần. Lần đầu là dịp cuối năm 1963 sau khi đảo chánh ông Diệm. Lần thứ nhì là giữa năm 1965. Cô Ngọc thương chồng hơn ai hết trên cõi đời này, nên cô ráng làm vừa lòng chồng, dù biết rằng việc vào mật khu là một sự mạo hiểm chết người. Cô vào rừng ở với chồng mỗi lần nửa tháng. Chồng cô muốn có đứa con trai, nhưng vợ chồng cô đã thất bại.

    Sau đó cô Ngọc đi khám bác sĩ, bác sĩ cho biết kinh nguyệt của cô không đều, nên rất khó có con. Tới ngày chồng cô về thì cô đã hết khả năng sinh đẻ. Cô tắt kinh trước đó cả năm rồi.

    Cô nói, chuyện đau buồn vừa xảy ra, một phần là do lỗi cô, chỉ vì cô đã không sinh được một mụn con trai, nên mới ra nông nỗi này!

    Đêm đó bé Châu ngủ rồi, cô Ngọc vẫn còn ôm mặt khóc. Sáng hôm sau, cô Ngọc ngủ luôn không dậy. Cô đã uống hết cả một ống thuốc ngủ hai chục viên. Liều lượng ghi trên toa thuốc là tối đa một viên cho người lớn.

    Trong thời gian thầy Như bị giam giữ thì tên Thuận đã bán hết nhà cửa xe cộ, rồi cùng cô Xuân dắt díu nhau đi đâu không ai rõ.

    Sau đám tang cô Ngọc, người ta thả thày Như ra. Ông bị tước hết chức tước, quân hàm, nhưng không bị tù, vì họ xét trong chiến tranh ông là một “anh hùng” của chúng.

    Về tới nhà, thày Như ra ngồi bên mộ cô Ngọc và bé Hạnh khóc vùi hai ngày. Sáng ngày kế tiếp, ông ra bờ giếng mài con dao quắm, dắt vào lưng rồi bước ra cửa. Từ đó thày Như hóa điên, đi lang thang hết chợ Tùng-Nghĩa tới chợ Đức-Trọng, nằm bụi nằm bờ, không bao giờ bén mảng về nhà. Nhiều lần bé Châu đi tìm cha, nhưng ông không nhận ra em. Có cả chục lần em bị ông chém suýt chết, vì ông ta cứ lầm em với cô Xuân.

    Sau khi rót ly nước trà mời tôi, bé Châu rầu rầu,

    - Anh gặp em lần này chắc cũng lại chia tay ngay thôi. Đồ đạc trong nhà, em bán hết rồi. Em đã quyết định từ bỏ cái xứ này để trở về quê ngoại.

    Tôi thắc mắc,

    - Nhà cửa, công ăn việc làm của em ở đây. Em về Huế làm gì?

    Bé Châu sụt sùi,

    - Tháng trước, cơ quan kiểm kê ruộng đất của tỉnh có đến khu vực này để điều tra, cấp giấy tờ hợp thức hóa sở hữu điền địa để khai thuế. Người đứng tên làm chủ khu đất này là Ba. Dù em khai là con gái Ba, nhưng người ta không tin. Từ ngày Ba về, xảy ra hết chuyện này tới chuyện khác, đâu có thời giờ điều chỉnh lại giấy tờ? Tới nay em vẫn là Nguyễn Thị Hương, con ông Nguyễn Trường Giang, con bà Nguyễn Thị Mỹ. Em không đủ tư cách pháp lý để ở lại trong căn nhà này. Từ ngày Mẹ mất, em không đi đâu xa. Hết giờ dạy học, em lại về loanh quanh trong rẫy. Chẳng mấy chốc đã gần bốn mươi tuổi, em là cô gái lỡ thời rồi. Hai tuần lễ trước, có ông cán bộ già người Bắc góa vợ tới ngỏ ý xin lấy em. Ông ta hứa sẽ can thiệp cho em tiếp tục làm chủ mảnh đất em đang ở, nếu em nhận lời ông ta.

    Anh ơi! Anh có tin rằng con người ta có số mạng hay không? Sao số em lại khốn nạn đến thế? Em có làm gì nên tội đâu anh? Sao ông trời nỡ đày đọa em như vậy? Mới đó mà hết tuổi xuân. Mới đó mà sắp qua một đời người. Rồi bé Châu nói như khóc,

    - Thôi anh về đi! Chúc anh chị và các cháu sớm tai qua nạn khỏi. Chúc gia đình anh vạn điều hạnh phúc! Anh về bình an!

    ——0——

    Sáng Thứ Hai, tôi đi làm. Cô Nhi chờ sẵn trước cửa,

    - Tối qua cô Hương có qua nhà, nhờ em nhắn với anh rằng sang nay cô ấy đi sớm. Cô về Huế để xuống tóc đi tu. Cô ấy hứa rằng hàng ngày sẽ cầu nguyện cho gia đình anh được hạnh phúc.

    Hôm nay thì mặt chị Phú đã hết nặng chình chịch, chị cười toe toét,

    - Bà con mấy chục năm gặp lại mừng quá há?

    - Không phải bà con đâu! Hàng xóm thời tiểu học của tôi đó! Xa nhau mấy chục năm trời mới gặp lại. Chưa chi đã chia tay lần nữa.

    Khoảng mười giờ sáng, chú Lượng ghé tiệm, báo tin vui,

    - Anh về làm hồ sơ đi Mỹ là vừa. Các quận ở Sài-Gòn bắt đầu nhận đơn rồi đó.

    Cô Nhi tròn mắt,

    - Anh Hai là sĩ quan chế độ cũ hả? Anh nói tiếng Bắc rặt như người ngoài Bắc mới vào mà! Anh Lượng nói thiệt hay nói chơi vậy?

    - Chuyện này ai mà nói chơi!

    Ăn cơm trưa xong, tôi giã từ ngã ba Phil-Nôm về Đức-Trọng thu xếp hành lý.

    Sau bữa cơm chiều, tôi chào tạm biệt vợ chồng bà chị họ, rồi ghé nhà anh bạn Lượng tốt bụng, để bắt tay cám ơn. Anh Lượng vắng nhà. Tôi lững thững tản bộ về hướng chợ để kiếm xe vận tải quá giang về Sài-Gòn. Mặt trời xế bóng, chợ chiều đã tan.

    Trước cửa tiệm trà, một người điên đang múa may. Bộ tịch của ông trông giống một vai hề trong vở tuồng hát bội. Mặt mày ông ta lem luốc, bẩn thỉu. Hai môi sưng vều. Ông già kẹp một cái nón mê bên nách trái. Tay phải ông cầm một con dao quắm, cán dao dài chừng hai gang. Đầu ông đội một cái mũ lưỡi trai bộ đội có phù hiệu Quân-Đội Cộng sản. Ông mặc cái quần kaki cũ bết bùn đất bẩn thỉu xăn tới đầu gối, và cái áo bộ đội rách xác xơ. Trên nắp túi áo, lủng lẳng một mớ huy chương. Căn cứ theo bộ dạng, và giọng nói của ông ta, tôi đoán tuổi ông chừng trên, dưới sáu mươi.

    Bước tới hai bước, người điên hét,

    “Tao chém mày! Cái thằng phản thày!”

    Ông quơ con dao chém một nhát vào không khí. Ông nhe hàm răng xám xịt, cái mất, cái còn, cười hì hì. Ông lùi hai bước, hét,

    “Tao xử tử mày! Cái đồ phản bạn!” Ông nhặt cái nón mê chùm lên trên cái mũ lưỡi trai, đưa hai tay kéo vành nón xuống phủ tai, rồi chu miệng hú một hơi dài.

    Tiếp đó, ông ngồi xẹp xuống đất, lột nón mũ ra, ngước mặt lên trời, đôi mắt lờ đờ như mơ màng thả hồn đi tận đâu đâu. Khi ông già điên ngửng mặt nhìn lên, tôi chợt thấy đôi lông mày của ông ta, đôi lông mày xếch ngược.

    Chòm râu bạc lưa thưa, mái tóc rối bù xù, cùng với bộ lông mày xếch, khiến khuôn mặt lem luốc của người điên thêm phần man rợ, dữ dằn.

    Ông già quay ngược cán dao, ôm cây dao quắm như ôm cây đàn. Năm ngón tay sần sùi của ông run run, lần mò trên cán dao, như đang bấm cần đàn, miệng ông ngân nga,

    “Đồ… Sol… Fa… Mì… Fa… Lá… Sol…”

    Qua điệu nhạc, tôi nhận ra ngay, đó là đoạn mở đầu của bài “Chiều Về Trên Sông”.

    Hết khúc đàn tưởng tượng, người điên ôm mặt khóc,

    “Em ơi! Không phải tại anh! Em ơi! Đừng bỏ anh! Em ơi! Em ơi!…”

    Tiếng ông khóc nghe nghẹn ngào bi ai lạ lùng!

    Nếu không biết tiếng khóc đó phát ra từ miệng một người điên, người nghe có thể bị tiếng khóc làm cho mủi lòng rơi nước mắt.

    Sau năm 1975 quê hương tôi đã xảy ra không biết bao nhiêu chuyện lạ đời. Giòng đời như giòng nhạc, những nốt thăng trầm là phần số của con người.

    Nghĩ tới những gì đã xảy ra trong thời gian qua, lòng tôi chợt thấy xót xa. Tôi khe khẽ xướng âm đoạn chót của bài ca người điên vừa hát,

    “Mì… Sòl.. .Đô… Là… Đô… Mí … Đồ… (Là)… Đô…”

    Bản nhạc năm xưa còn đó, nhưng thế sự đã đổi thay, con người cũng đổi thay.

    Tôi thở dài, quay gót bước đi.

    Trước mặt tôi là Quốc lộ 20 buồn thiu.

    Sau lưng tôi là sân chợ chiều vắng ngắt.

    Seattle, ngày 20 tháng Ba năm 2011

    Vương Mộng Long
Working...
X