Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Mùi Hương Giết Người

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mùi Hương Giết Người

    Trần Di Bình ngồi dựa ngữa trên chiếc ghế da màu rượu chát đặt trong căn phòng riêng của Tám Hùng. Hai chân duỗi dài ra lên mặt bàn, đầu ngã vào ghế hắn nhìn đăm đăm ra khung cửa kính rộng và dài. Nền trời xanh lơ. Mây trôi lang thang. Tuy nhiên hắn dường như lơ là hết mọi chuyện vì đang có một rắc rối cần phải suy nghĩ và giải quyết. Cách đây ba ngày, ngồi trong văn phòng tại Washington DC, hắn nhận được hung tin. Tám Hùng đã bị chết bất đắc kỳ tử ở thành phố San Francisco. Tòa tổng lãnh sự được sở cảnh sát địa phương cho biết Tám Hùng chết vì một chứng bịnh thông thường xảy ra với bất cứ ai. Đó là '' heart attack ''. Tuy nhiên bằng linh cảm và kinh nghiệm nghề nghiệp, hắn biết thằng bạn thân của mình chết vì lý do khác hơn lý do được ghi trong hồ sơ cảnh sát. Một nhân viên điệp báo cỡ Tám Hùng, nếu có chết đột ngột thì người trong nghề phải nghĩ tới chuyện hắn bị ám sát. Ai ám sát Tám Hùng? Ám sát với mục đích gì? Tổ chức nào? Tổng Cục 2? Bộ Công An? Cục tình báo hải ngoại? M16? CIA? KGB? Cục Tình Báo Quân Sự Trung Quốc? Phòng 2 của Pháp? Hàng chục câu hỏi được đặt ra và hầu như không có câu trả lời thỏa đáng. Sau khi Tám Hùng chết được một ngày, hắn nhận được một công điện khẩn và tối mật từ Tổng Cục 2 thuộc Bộ Quốc Phòng. Vì Năm Thủy, cố vấn chính trị và kinh tế của tòa tổng lãnh sự San Francisco đang ở tại Hà Nội, do đó thượng cấp mới ra lệnh hắn mở ngay cuộc điều tra về cái chết mờ ám và đầy bí ẩn của của Tám Hùng cho tới khi Năm Thủy trở lại nhiệm sở. Từ Washington DC, hắn bay qua San Francisco, gặp các nhân viên điệp báo dưới quyền điều khiển của Năm Thủy để biết thêm chi tiết. Họ cho hắn biết một vài chi tiết nhỏ nhặt về cái chết của Tám Hùng. Hắn đi câu cá, bị lên cơn đau tim và chết trên chiếc ghế xếp lúc đang ngồi câu cá. Điều đó cũng bình thường vì Tám Hùng thích đi câu. Y chết lúc 10 giờ sáng mà mãi tới chiều người ta mới khám phá ra. Hắn đã tới phạm trường song cũng không thu lượm được điều gì giúp ích cho cuộc điều tra của mình. Không vết tích gì hết. Không nhân chứng. Người dân ở đây không có tánh tò mò, tọc mạch, hay chỏ mũi vào đời tư kẻ khác, nên họ không thèm để ý tới chuyện một thằng cha da vàng mũi tẹt có gặp gỡ, giao du hoặc hẹn hò với bất cứ ai. Đối với họ, Tám Hùng chỉ là kẻ bình thường như trăm ngàn người sinh sống ở đây hay trăm ngàn du khách tới lui thăm viếng thành phố du lịch nổi tiếng này. Có một chi tiết nhỏ nhặt không ai chú ý, nhưng lại khiến cho Trần Di Bình thắc mắc. Theo báo cáo của sở cảnh sát địa phương thì trong miệng của Tám Hùng có một cục kẹo cao su. Thế thôi. Đó chính là điều làm cho hắn quan tâm. Tám Hùng không bao giờ nhai kẹo cao su. Hắn biết điều đó vì hắn với người chết là bạn nối khố. Tám Hùng không thích ngọt. Ăn gì thì ăn chứ người bạn thân của hắn không ăn bánh, kẹo, chè hay bất cứ cái gì có chất ngọt ở trong đó. Thế mà Tám Hùng lại nhai kẹo cao su. Tự Tám Hùng ăn hay là có người nào nhét kẹo vào miệng hắn sau khi thi hành xong thủ đoạn.
    Nghĩ ngợi tới điên cái đầu vẫn không tìm ra nguyên ủy, Trần Di Bình mở hồ sơ cá nhân của Tám Hùng đọc lại giây lát rồi gọi nhân viên bảo xin cái hẹn với cảnh sát phụ trách cuộc điều tra về cái chết đầy bí ẩn của người bạn thân.
    Trung úy Đặng Nguyên Chương, thuộc sở cảnh sát của thành phố mân mê tấm danh thiếp màu xanh ghi vắn tắt bằng Anh ngữ:

    - Ambassy of VietNam
    Sen. Colonel Tran Di Binh
    Defense, Military, Naval & Air Attache
    Telephone: (202) 293 1825

    Gõ gõ tấm danh thiếp lên mặt bàn xong anh xô ghế đứng dậy. Mở cửa bước ra ngoài anh nhìn thấy một người đàn ông trọng tuổi, mặc thường phục đang ngồi trên ghế. Thấy anh người đàn ông đứng lên cười gật đầu chào. Đưa tay ra bắt tay khách, Chương mở đầu câu chuyện bằng Anh ngữ.
    - Tôi là Chương... Hân hạnh được biết ông...
    Trần Di Bình xiết tay Chương khá chặt.
    - Tôi là đại tá Trần Di Bình. Hân hạnh được biết trung úy. Tôi cám ơn trung úy đã bỏ thời giờ để gặp tôi...
    Nghe vị sĩ quan phụ trách về quốc phòng của tòa đại sứ của nước Việt Nam cộng hòa xã hội chủ nghĩa tự xưng đại tá và gọi mình trung uý; Chương mỉm cười gọi lại ông ta bằng cấp bậc.
    - Không có chi đại tá...
    Đưa tay ra dấu mời khách vào phòng riêng của mình, anh đi ngay vào vấn đề.
    - Mời đại tá ngồi. Chắc đại tá muốn biết thêm về cái chết của ông Nguyễn Đình Doãn?
    Ngồi vào ghế Bình khẽ gật đầu cười lên tiếng.
    - Tôi có một vài thắc mắc muốn được sự giải đáp từ trung úy?
    Chương nhận thấy Bình nói tiếng Anh rất sõi.
    - Đại tá nói tiếng Anh lưu loát quá. Chắc...
    - Cám ơn trung úy... Tôi học Anh ngữ từ nhỏ...
    Nhìn thẳng vào mắt vị sĩ quan cảnh sát, Bình nói chậm rãi từng tiếng một.
    - Trong báo cáo của cảnh sát có ghi là tìm được một thỏi kẹo cao su trong miệng của Doãn. Trung úy nghĩ thế nào về điều này?
    Im lặng giây lát Chương mới trả lời.
    - Đối với tôi chuyện đó cũng bình thường vì nhai kẹo cao su không có gì lạ đối với người Mỹ...
    Bình gật gật đầu trong lúc ngón tay trõ gõ nhè nhẹ lên mặt bàn.
    - Doãn không bao giờ nhai kẹo cao su...
    Chương nhìn Bình như chờ nghe tiếp.
    - Y không thích ngọt. Y không ăn bánh, kẹo, chè hay bất cứ cái gì có chất ngọt trong đó...
    - Ạ... Tôi không được biết chi tiết này... Đại tá chắc quen thân với ông Doãn?
    Bình thong thả gật đầu.
    - Tôi với y là bạn từ nhỏ...
    - Tôi sẽ ghi chi tiết đặc biệt này vào hồ sơ...
    - Trung úy nghĩ thỏi kẹo cao su này chính là vật đã giết chết Doãn?
    Chương lắc đầu cười.
    - Rất tiếc tôi không có ý kiến vì còn phải chờ kết quả của cuộc giảo nghiệm... Tôi chỉ biết bác sĩ báo cáo ông ta chết vì chứng '' heart attack ''...
    Bình lẩm bẩm nhưng Chương cũng nghe được. Có lẽ Bình cũng muốn cho người sĩ quan cảnh sát nghe.
    - Heart attack... bệnh tim... vô lý... vô lý quá... phải có cái gì làm cho tim của hắn bị loạn... Mình biết tim hắn bằng sắt mà...
    Chương mỉm cười không nói gì hết. Đã tốt nghiệp ngành Criminal Justice và qua nhiều khóa huấn luyện về điều tra tội ác, anh khôn ngoan không tiết lộ gì ngoài điều cần phải nói. Ngay sau khi thụ lý hồ sơ vụ án mạng, anh đã ước đoán đây không phải là một vụ án mạng thông thường. Nạn nhân là một nhân viên cao cấp của ngành ngoại giao lại bị chết một cách đột ngột, do đó chín phần mười cái chết của hắn phải có lý do đặc biệt và phát xuất từ hành động của kẻ đối nghịch. Ai là kẻ thù của Doãn? Họ giết hắn bằng cách nào? Giết hắn nhằm mục đích gì? Đây là một vụ thanh toán nội bộ? Có bàn tay của các cơ quan điệp báo khác nhúng tay vào?
    - Tôi phải trở về Washington DC ngày mai... Nếu có tin tức gì mới lạ trung úy vui lòng cho tôi biết. Tôi rất cám ơn trung úy...
    Liếc nhanh tấm danh thiếp đang nằm trên mặt bàn bề bộn giấy tờ, Chương lên tiếng.
    - Tôi có số điện thoại của đại tá. Khi nhận được kết quả của phòng giảo nghiệm từ CBII ( California of Bureau of Investigation & Intelligence ) tôi sẽ thông báo cho đại tá ngay tức khắc. Tôi cũng cần nghiên cứu thêm về lý lịch của ông Doãn...
    Bình cười nụ. Biết vị sĩ quan cảnh sát muốn ám chỉ điều gì, hắn nhẹ gật đầu.
    - Có thắc mắc gì trung úy cứ hỏi. Nếu trả lời được tôi sẵn sàng...
    Chương nở nụ cười kèm theo câu nói nghề nghiệp.
    - Tôi nghĩ là đại tá sẽ giúp tôi rất nhiều. Là bạn thân của ông Doãn, đại tá tất biết nhiều điều tôi chưa biết hoặc không có trong hồ sơ của vụ án như...
    Chương ngừng lại nhìn Trần Di Bình. Vị sĩ quan quân báo già kinh nghiệm nghề nghiệp mỉm cười im lặng. Hiểu ý Chương hắng giọng tiếp.
    - Theo tin tức mà tôi thu thập được thì ông Doãn là một sĩ quan quân báo trước khi chuyển sang làm nhân viên của Tổng Cục Tình Báo. Do đó cái chết của ông ta không phải là cái chết bình thường. Đại tá đồng ý với tôi?
    Trần Di Bình trả lời bằng cái gật đầu. Hắn thầm khen cho sự tinh tế của vị sĩ quan cảnh sát trẻ tuổi. Tuy mới vào nghề mà y đã có cái trực giác đánh hơi được những ẩn tình bên trong cái chết thông thường của một nhân viên ngoại giao. Phần Chương cũng mỉm cười hài lòng. Anh chỉ tiết lộ một chút thôi để ngầm nói cho Bình biết là mình đã đoán biết bí mật về cái chết mờ ám của Nguyễn Đình Doãn.
    Thấy Chương xô ghế đứng dậy Bình hiểu ý muốn từ khách của vị sĩ quan cảnh sát. Nói vài lời từ giã hắn đi nhanh ra cửa. Trên đường trở lại tòa tổng lãnh sự hắn miên man suy nghĩ về cái chết đột ngột và đầy bí ẩn của Tám Hùng.
    Nhìn tấm ảnh khổ tám mười mà con trai vừa in ra từ máy điện toán xong trao cho Quỳnh Lâm đang ngồi cạnh mình, Đăng thong thả lên tiếng.
    - Trần Di Bình đó cháu Lâm... Hắn là nhân viên ưu tú của Tổng Cục Tình Báo, gọi tắt là Tổng Cục 2 thuộc Bộ Quốc Phòng của cộng sản Việt Nam...
    Quỳnh Lâm dán mắt vào khuôn mặt gân guốc của một người đàn ông mặc quân phục trên cầu vai có gắn bốn ngôi sao bạc với hai vạch trắng. Đó là cấp bậc đại tá lục quân của quân đội nhân dân Việt Nam. Cười cười cô bé Quỳnh Lâm hỏi Chiến.
    - Hắn có khuyết điểm gì hả anh Chiến?
    Mắt vẫn không rời màn ảnh cái laptop, Chiến từ từ lên tiếng.
    - Chẳng có khuyết điểm gì hết. Trong quân đội Trần Di Bình là một quân nhân mẫu mực. Ngoài đời hắn là một người chồng và người cha tốt. Hắn không cờ bạc, rượu chè, hút xách hay gái gung gì hết... Hắn chỉ có một cái tật nhỏ là hút thuốc lá hơi nhiều...
    Quỳnh Lâm nhăn nhăn mặt vì cảm thấy được sự khó khăn trong công tác của mình. Như hiểu được ý của cô cháu gái Đăng thong thả vào chuyện.
    - Khó hả cháu?
    Quỳnh Lâm gật đầu liền.
    - Dạ cũng khó. Khó hơn vụ Tám Hùng vì hắn không có cái gì để mình... Hắn không mê gái, cờ bạc... Hắn hổng có tật gì hết...
    Gật gù cười Đăng buông giọng lửng lơ.
    - Có chứ... Hắn có một cái tật và một cái mê... Tại hai đứa không để ý nên không thấy...
    Quỳnh Lâm liếc nhanh Chiến và bắt gặp anh ta cũng đang nhìn mình. Tuy có học thức song vì còn trẻ và thiếu kinh nghiệm do đó cả hai không để ý tới các chi tiết nhỏ nhặt. Phần Đăng, xuyên qua kinh nghiệm của nghề điệp báo lại thêm tính tình nhẫn nại và trầm tịnh nên đã tìm ra cái khuyết điểm khó thấy của Trần Di Bình.
    - Hắn có tật gì vậy ba?
    - Hắn mê cái gì hả bác?
    Chiến với Quỳnh Lam hấp tấp hỏi. Đăng nói trong lúc nhìn hai đứa.
    - Bình có tật ghiền thuốc lá. Hắn có cái mê là mê hoa lan... Nhờ một đường dây bí mật bác biết chút chút về Trần Di Bình. Hắn có cái đam mê khác người là mê hoa lan. Nhà của hắn ở Hà Nội chứa hàng trăm giò lan quí. Có giò giá cả ngàn đô la...
    Ngừng lại giây lát như để suy nghĩ xong Đăng thong thả tiếp.
    - Muốn gài cho Trần Di Bình lọt bẫy ta phải phối hợp hai yếu điểm của Trần Di Bình là tật ghiền thuốc lá và mê hoa lan của hắn. Ta phải bàn với Minh chuyện nhỏ...
    Đang ngồi hút thuốc trong phòng làm việc của mình tại tòa đại sứ, Bình nghe điện thoại reo. Lấy điếu thuốc ra khỏi miệng, tay trái nhấc điện thoại lên, hắn nghe có tiếng người nói mà hắn nhận ra giọng của Chương.
    - Chào đại tá...
    - Chào trung úy... Chắc trung úy có tin vui cho tôi...
    - Tôi không có tin vui nhưng tôi nghĩ đại tá muốn biết về chi tiết này. Theo kết quả của CBII thì thỏi kẹo cao su trong miệng của ông Doãn có chất độc...
    Bình nhỏm người dậy. Đưa tay che ống nói điện thoại hắn lẩm bẩm.
    - Biết mà... Thỏi kẹo cao su đó là vật giết người...
    - Đại tá nói gì tôi nghe không rõ...
    - Tôi muốn hỏi trung úy biết thuốc độc đó loại gì, tên gì?
    - Đây là thứ chất độc mới lạ. Phòng giảo nghiệm của CBII nói họ chưa tìm ra chất độc giết ông Doãn là loại chất độc gì. Họ sẽ gởi nó lên sở cảnh sát trung ương liên bang hoặc FBI để nhờ xác định. Tôi sẽ thông báo cho đại tá biết khi nào có kết quả...
    - Cám ơn trung úy nhiều lắm...
    Dứt cuộc điện đàm Bình im lìm suy nghĩ. Không thích ngọt, không thích ăn kẹo mà khi chết Tám Hùng lại có kẹo trong miệng. Hắn nêu ra hai giả thuyết. Thứ nhất, Tám Hùng vô tình ăn kẹo của ai đó mời mà không biết kẹo có chứa chất độc giết người. Thứ nhì có một người, hoặc có thể hai ba người, giết Tám Hùng trước rồi sau đó nhét thỏi kẹo cao su vào miệng của y. Họ làm vậy với mục đích đánh lạc hướng điều tra của nhà chức trách. Tuy nhiên giả thuyết này không đứng vững vì một vài lý do. Hồ sơ của cảnh sát cho biết không tìm ra vết tích gì cho biết Tám Hùng bị tra khảo, đánh đập, hoặc bị chấn thương gây ra cái chết của y. Tám Hùng giỏi võ. Không những thế hắn còn là tay súng nhà nghề nữa. Không dễ gì đánh gục một võ sĩ có võ ta, võ tàu kiêm đai đen nhu đạo như Tám Hùng. Như vậy chỉ còn lại giả thuyết thứ nhất là hắn nhai kẹo của ai đó mời mà không biết kẹo có độc. Hắn quen với ai? Thân thiết với kẻ giết người tới mức độ nào mà hắn không đề phòng? Bình biết rõ tình tình của Tám Hùng. Hắn có vợ, có con. Hắn thương vợ con. Hắn chưa hề có người đàn bà nào khác dù hắn có nhiều dịp tiếp xúc với phụ nữ. Tính thận trọng là một yếu tố cần thiết đối với một điệp viên, giúp cho hắn sống sót trong đời điệp báo nhiều kẻ thù địch hơn bạn hữu. Kẽ giết người phải được Tám Hùng ưa thích và tín nhiệm tới độ hắn chiều lòng làm cái việc mà hắn không thích làm là ăn kẹo. Người đó là ai? Bình bóp vầng trán nhiều nếp nhăn của mình vì điều bí mật mà hắn cần phải khám phá. Không tìm ra lý lịch của kẻ giết người y biết sinh hoạt của mình sẽ bị xáo trộn.
    Botanic Garden hay Vườn Thực Vật là một trung tâm du lịch nổi tiếng tại Washington DC, thủ đô của nước Mỹ. Đây là nơi chứa đựng nhiều bông hoa cây cỏ đẹp, hiếm, quí khắp nơi trên thế giới. Mỗi năm có hàng triệu du khách, từ năm mươi tiểu bang trong nước và ngoại quốc tới viếng thăm khu vườn nổi tiếng này.
    Trời ban mai của cuối tháng 5 ngan ngát hơi sương. Mùi hương dịu dàng toát ra từ bông hoa cây cỏ của khu vườn thực vật. 8 giờ rưởi sáng. Giờ này còn hơi sớm đối với khách du lịch. Ngừng nơi bãi đậu xe Trần Di Bình mở cửa bước ra ngoài. Hôm nay hắn mặc chiếc quần vải kaki màu vàng, áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ ngoài và mang đôi giày thể thao hiệu Adidas hơi cũ. Mái tóc cắt ngắn, có chỗ bạc có chỗ không, vị đại tá phụ trách các hoạt động quân báo thuộc Tổng Cục 2 của quân đội nhân dân Việt Nam trên đất Hoa Kỳ đứng nơi bãi đậu xe để hút thuốc. Hắn phải hít cho đã cơn ghiền thuốc lá của mình trước khi đi vào Vườn Thực Vật vì trong đó cấm hút thuốc. Bình không mê gì hết. Hắn không mê đàn bà, không nghiện rượu hoặc cờ bạc mà chỉ ghiền thuốc lá và mê hoa lan. Mỗi tuần ít nhất một lần hắn phải vào đây ngắm hoa lan, nếu không sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu. Dường như hắn ghiền mùi hương của hoa lan. Hàng ngàn cây lan đủ loại nở hoa, tiết ra mùi hương tạo thành một mùi hương tổng hợp làm cho hắn ghiền. Nó là lý do chính bắt hắn phải vào đây mỗi tuần. Nếu người ta cho phép chắc hắn ngủ luôn trong vườn thực vật.
    Hít hơi thuốc thật dài, ém hơi thật kỹ, từ từ nhả khói ra sau đó Bình dụi tắt điếu thuốc lá vào cái gạt tàn thuốc công cộng rồi thong thả bước vào cổng Vườn Thực Vật. Trình vé mua hàng năm, như đã thuộc đường quen lối, hắn đi thẳng tới một khu vực nổi tiếng nhất trong vườn thực vật. Đó là khu hoa lan. Tới nơi hắn hơi ngạc nhiên khi thấy một người đã hiện diện trước mình. Hắn càng thêm ngạc nhiên khi thấy đó là một cô gái tuổi chừng mười tám hai mươi. Cô ta ăn mặc giản dị với quần jean, giày thể thao và áo thun trắng ngắn tay. Hôm nay là chủ nhật, giờ này con nít hay giới trẻ còn đắp mền ngủ khò chứ đâu có ai chịu khó mò vào khu hoa lan làm chi. Bông hoa cây kiểng chỉ dành cho những người đứng tuổi hay già cả thưởng thức. Nhất là phong lan càng hiếm có người biết thưởng thức hơn nữa.
    Đứng cách xa chừng mươi bước, Bình kín đáo quan sát cô gái đang chăm chú ngắm một chậu lan. Hắn nghe cô gái lẩm bẩm.
    - Nội mà thấy chậu Đệ Nhất Mỹ Nhân này thì khỏi biết… Nội sẽ mê tít thò lò… hi… hi… hi...
    Nói xong cô gái bật cười hắc hắc. Bình biết cô gái vừa nói tới loại phong lan Cattleya Portia Cannizaro, từng được Hiệp Hội Phong Lan Hoa Kỳ chấm giải nhất năm 1988.
    - Cây lan này thân dáng cao sang, lá tươi mịn như da của mỹ nhân. Chỉ tiếc chưa có hoa… Cây đệ nhất mỹ nhân này còn hơn cả giò lan hồ điệp hay lan tửu bình của nội…
    Nghe cô gái lẩm bẩm, Bình đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Hắn không ngờ một cô gái mặt búng ra sữa lại có nhiều hiểu biết về lan, một loài hoa có những huyền thoại hay ho và lý thú nhất trong các loài hoa. Không dằn được tò mò, làm như mình cũng tản bộ để ngắm lan, hắn bước lại gần hơn chỗ cô gái đang đứng để nghe cô ta độc thoại.
    - Hi...hi… đây rồi… Nội có nói cho mình nghe về cây Lady of the Night này… Tiếc bây giờ là mùa xuân nên nó chưa có bông… Chắc mình hổng có duyên hay sao mà cây nào cũng hổng chịu trổ bông… Xui quá là xui...
    Nghe cô gái lạ than van bằng cái giọng nhí nhảnh của con nít, không nhịn được Bình phải bật lên tiếng nói.
    - Cây Brassavola Nodosa phải tháng 10 mới bắt đầu trổ hoa cháu ạ…
    Đang chăm chú ngắm hoa, nghe người nói bên tai cô gái ngước lên cười phô hai hàm răng trắng bóng và đều đặn. Nhìn người đàn ông cũng đang cười với mình, cô gái nhỏ nhẹ lên tiếng.
    - Dạ bác nhắc cháu mới nhớ. Dạ hương mỹ nhân bắt đầu trổ bông vào tháng 10 và kéo dài tới tháng giêng… Bác cũng thích hoa lan hả bác?
    Bình gật đầu cười.
    - Bông hoa cây cỏ thì tôi cũng thích nhưng tôi yêu, tôi mê lan nhất… Còn cháu?
    - Dạ bông hoa cây cỏ gì cháu cũng thích hết. Nhưng cũng như bác, cháu mê lan nhất...
    Đúng là hai tâm hồn lớn gặp nhau. Từ khi bị sếp bắt rời Hà Nội sang làm tùy viên quân sự cho tòa đại sứ tại Washington DC, hắn buồn và cảm thấy cô đơn vì không có ai có cái thú chơi hoa lan như mình. Tất cả nhân viên của tòa đại sứ, ngoài miệng thì ra rả chửi tư bản nhưng hành động thì ngược lại. Tất cả đều thích, đều mê '' cặn bả của tư bản ''. Đàn ông thì mê rượu, thuốc lá, xe hơi, dụng cụ điện tử; còn đàn bà thì mê quần áo, nữ trang, giày vớ, nước hoa. Mấy bà vợ ghiền '' shopping '' ngang ngửa với hắn ghiền thuốc lá 555. May mà hắn còn có cái thú vui tao nhã là mê hoa lan. Cũng vì vậy mà hắn cảm thấy lẻ loi và đơn độc. Hôm nay tình cờ gặp cô gái tuổi đáng con mình cũng mê hoa lan, hắn như người đi xa gặp được tri kỷ.
    - Hèn chi...
    Bình buông gọn hai tiếng thôi. Bây giờ hắn mới biết lý do tại sao cô gái trẻ tuổi này lại thông thạo về hoa lan. Có mê, có yêu loài hoa vương giả này, cô ta mới chịu khó tìm tòi và học hỏi để hiểu biết về nó. Điều mà hắn thắc mắc là cô gái ăn mặc như dân nghèo thì làm gì có tiền để chơi lan, một thứ hoa đắt tiền nhất thế giới. Trong một cuộc triển lãm hoa lan ở New York, hắn đã thấy người ta bày một giò lan giá bán gần 100K.
    Trong khi hắn bận tâm suy nghĩ vu vơ, cô gái bước sang một chỗ khác nhìn ngắm rồi ồ lên tiếng nhỏ.
    - Ui cha…Má ơi... Làm sao ở đây lại có Địa Lan Kiếm Trần Mộng…
    Bình hơi mỉm cười khi nghe câu nói của cô gái. Nhìn chậu lan lá hồng hồng hắn xen vào.
    - Tôi mới thấy cây lan này chừng ba tháng nay thôi…
    - Vậy hả bác… Cháu nghe nói về cây lan này lâu lắm mà chưa được thấy tận mắt…
    Nhìn chăm chú vào thân cây cao và gầy, cô ta lẩm bẩm.
    - Nội có nói Địa Lan Kiếm Trần Mộng lá và hoa màu hồng pha mầu cánh gián, khi hoa nở lại hơi uốn cong về phía sau và hương thơm rất kỳ diệu. Nếu ngửi một lần người ta sẽ nhớ hoài… Như vậy cây này đúng là nó rồi…
    Đứng bên cạnh, nghe câu nói của cô gái Bình chợt ứng tiếng.
    - Cháu biết tại sao nó có tên là Địa Lan Kiếm Trần Mộng?
    Mắt không rời chậu lan cô gái đáp nhanh như ý tưởng đã nằm sẵn trong đầu của cô ta.
    - Dạ có phải ông vua Trần Anh Tông đã nằm mộng thấy cây lan màu hồng cho nên sau này người ta mới gọi như vậy…
    Bình gật gù thầm khen sự hiểu biết của cô gái. Dáng dấp hỉ mũi chưa sạch mà cô gái này lại biết nhiều chuyện về lan. Thật kỳ, thật lạ. Tự dưng hắn cảm thấy mến và gần gụi cô gái xa lạ này dù chỉ mới gặp nhau chưa đầy mươi phút. Người xưa có câu '' hai tâm hồn lớn gặp nhau '' là vậy.
    - Dạ bác… Cháu xin bác giúp cháu một chuyện nhỏ thôi… chút xíu thôi nghe bác...
    Cô gái đưa hai ngón tay cái và trõ lên làm dấu một khoảng cách '' chút xíu ''. Cử chỉ trẻ con và ngây thơ của cô bé khiến cho Bình phải bật cười vui vẻ.
    - Chuyện gì vậy cháu?
    Liếc một vòng quanh quất không thấy ai, cô gái ghé môi thì thầm vào tai của Bình.
    - Bác làm ơn trông chừng cho cháu…
    - Trông chừng chuyện gì?
    Bình hỏi gọn. Cô gái cười nhẹ.
    - Bác trông chừng nhân viên canh gác để cháu sờ cây Địa Lan Kiếm Trần Mộng một chút xíu. Từ lâu cháu ao ước được sờ vào lá cây lan này. Bây giờ thấy nó mà không sờ được cháu ấm ức…
    Bật lên tiếng cười vì thích thú khi nghe cô gái nói nhưng Bình lại ngần ngừ chưa chịu ưng thuận. Tuy nhiên nhìn nét mặt ngây thơ, ánh mắt như van lơn của cô gái, hắn biết mình không thể từ chối.
    - Được bác trông chừng cho cháu. Mà cháu phải làm nhanh nhanh nghen… Nhân viên canh gác mà thấy được họ phạt nặng lắm...
    Cô gái gật đầu, chậm rãi đưa tay sờ vào lá của cây lan. Cô ta mân mê với vẻ say mê và ngưỡng mộ. Bình nhắc chừng trong lúc nhìn quanh quất.
    - Xong chưa cháu?
    - Dạ xong rồi… Cám ơn bác…
    Gật gật đầu Bình hơi khom người nhìn ngắm cây Địa Lan Kiếm. Cô gái cũng chăm chú nhìn. Một già một trẻ nhìn lan rồi nhìn nhau cười.
    - Cháu tên Quỳnh Lâm. Bác tên gì hả bác?
    - Bác tên Bình…
    - Chắc bác đọc sách nói về lan nhiều lắm hả bác?
    Liếc nhanh Quỳnh Lâm, Bình trả lời chậm với chút đắn đo.
    - Cũng không nhiều lắm. Còn cháu?
    - Dạ… Cháu thích đọc sách. Hồi nhỏ cháu ở với ông nội. Nhà nội có nhiều sách. Nội cũng trồng lan nhiều nên cháu đọc sách nói về các huyền thoại của lan. Bác đã đọc Thơ Nghiên Hoa Mộng của ông Hư Chu rồi hả bác?
    Bình hơi có vẻ ngượng ngùng khi bị cô gái tuổi trẻ hơn mình hỏi một câu. Nếu trả lời không có nghe nói thì quê một cục, mà nói đã đọc lỡ cô gái hỏi lại ú ớ thì lộ ra mình xạo, mình nói dóc.
    - Bác có nghe nói về cuốn sách đó nhưng chưa có hân hạnh đọc nó. Chắc hay lắm hả cháu?
    Quỳnh Lâm bật cười hắc hắc. Bình cũng mỉm cười vì cái giọng nói rất đặc biệt của cô gái. Nghe thoáng qua hắn biết cô bé mới quen là người miền nam mà sinh ra ở ngoại quốc vì tuy nói thạo tiếng mẹ đẻ nhưng có những chữ lại phát âm trọ trẹ.
    - Trong Thơ Nghiên Hoa Mộng, nhà văn Hư Chu kể chuyện phong lan rất lý thú. Bác muốn nghe hông cháu kể cho bác nghe…
    Bình gật đầu lia lịa như sợ Quỳnh Lâm đổi ý
    - Muốn… Hôm nay chủ nhật bác rãnh rỗi lắm…
    Quỳnh Lâm cười cất giọng thanh thanh. Mắt nhìn giò Địa Lan Kiếm Trần Mộng, tai nghe giọng kể êm êm, mũi ngửi mùi hương thoang thoảng của hoa lan, Bình có cảm tưởng mình đi lạc về quá khứ của hai ba trăm năm về trước.
    - Đời Lê, niên hiệu Chính Hòa, con trai nhà họ Tống ở làng Cách, huyện Nghĩa Hưng văn tài không lỗi lạc nhưng giọng bình văn thì hay tuyệt đẳng, hồ cất tiếng lên, tất kẻ đi qua đều dừng gót mà nghe.
    Tống Sinh tên Nhạc, tự Uyên Đình, tuổi hai mươi ba, góa vợ ba năm, dự thi đã hai phen mà vẫn còn trắng mặt. Năm đó thi hương lại hỏng, bực chí, mới biệt nhà đi thăm người cậu đang làm chức chuyển vận ở Thiệu Hoá, nhân nhờ cậu giúp tiền để lên ăn học tại kinh đô. Đến nhà cậu ít hôm, dạo chơi ngoài xóm, ngẫu phảng phất một mùi hoa ngửi thấy dị kỳ. Quanh quẩn tìm xem thì hương là do tự nếp nhà kia thoảng đến. Nhân dòm ngõ cửa, đoán hẳn người đây cũng là bậc tao nhân, mới càng muốn gặp mặt chủ nhân mà hỏi cho biết.
    Vào trong cổng, quả thấy một nhã sĩ tuổi trạc ba mươi hân hoan ra đón. Bèn chào rồi nói ý. Chủ nhân chào lại, rồi mời Tống vào. Tống theo vào, không thấy các giống đào mai, chỉ thấy năm sáu chục cây tầm gửi treo lủng lẳng dưới mái hiên nam, cây thì bắt rễ ở một vỏ dừa khô, cây thì bám quanh lấy một cành củi nỏ.
    Tống liền nói:
    - Mùi thơm khác tưởng hoa gì lạ, giờ mới biết là giống phong lan!
    Chủ nhân cười bảo:
    - Mấy năm trước cũng chơi đủ giống. Nhưng sau xét chỉ ưa giống này nhất nên bao giống khác đã đem tặng hết tân bằng.
    Hỏi sao không cứ để cả mà chơi thì lại đáp:
    - Chơi nhiều giống, tình tất không chuyên. Bởi muốn chuyên tình với một giống phong lan, đành không dám ôm đồm nhiều quá.
    Tống nghe nói, gật đầu mà nghĩ chủ nhân thật đã có cái nết gàn rất thú. Nhân xem xét từng cây, khi hết lượt thấy mỗi cây mỗi khác thì lại càng thích tuyệt.
    Chủ nhân nói:
    - Đây năm mươi bẩy cây thì năm mươi bẩy thứ, song phong lan nào chỉ ngần ấy mà thôi. Sách chép xưa kia, có người đã sưu tập được một trăm tám mươi thứ khác nhau mà y vẫn nói số phong lan của y chưa chắc đã bằng một phần mười số phong lan trong hoàn vũ.
    Tống lấy đó làm câu chuyện rất hay, tò mò hỏi về từng cây một. Chủ nhân kể qua tính chất mỗi cây, cây thì thịnh hương mà kém sắc, cây thì hơn sắc mà không hương, cây thì hương sắc gồm đôi, cây thì suốt bốn mùa hoa lá. Đoạn, trõ một cây treo giữa bảo:
    - Như cây này lá thơm mà mùi hương chữa được chứng nhức đầu cảm mạo cho nên tên đặt " Liệu đầu phong ".
    Tống nhìn kỹ, thấy lá màu hồng uốn cong lên, dầu lúc ấy không hoa mà cây cũng xông hương ngào ngạt. Bèn mới hỏi:
    - Phải chăng là một cây quí nhất hoa viên?
    Chủ nhân lắc đầu, trỏ một cây khác lá màu vàng xám. Rồi rằng:
    - Cây này có đã sáu bẩy năm mà chưa hề trổ nụ. Thoạt kỳ thủy cũng ngờ là cây dại, nhưng bốn năm trước được một ông bạn người Tầu cho xem cuốn Phong Lan Sử của Thiệu Đồ, bây giờ mới biết là một thứ phong lan kỳ dị.
    Tống chăm chú lắng nghe. Chủ nhân tiếp nói:
    - Sách chép đời Tống Thần Tông, ở Tô Châu có chàng họ Thạch tìm được một cây phong lan mùi hoa thơm như mùi da con gái. Từ hái về nhà, đêm đêm Thạch chỉ uống rượu rồi ngủ bên cây, không buồn ngó ngàng đến vợ. Vợ vừa ghen vừa tức, chờ lúc vắng chồng rót trộm nước nóng khiến cho cây cứ khô dần rồi chết héo. Cây héo chết, Thạch tương tư thành bệnh, chết theo cây. Xác chôn trên núi, mả mọc lên một cây trắc bá. Cây trắc bá sau bị nhổ quăng đi, lúc mục sinh ra một thứ phong lan rễ lá trông hệt cây này. Bè bạn Thạch, một người cũng là hoa hữu, lấy về treo. Treo non một kỷ, bỗng tự nhiên thấy mọc thêm cái thứ cây mùi da con gái của Thạch năm xưa, rồi hai cây quấn quít vào nhau, cây mọc sau hoa nở đã đành mà cây mọc trước cũng nở hoa, hương thơm mùi rượu ngọt…
    Tống cho là một câu tuyệt kỳ giai thoại, mặt rất hân hoan. Chủ nhân cười mỉm bảo:
    - Biết đâu mai kia cái cây này chẳng cũng đôi lứa nên duyên để cho tôi hưởng cả đến hai mùi men phấn?
    Tống lấy làm thú vị, tấm tắc mà khen. Chủ nhân liền lại kể cho Tống hay rằng ông ta đã tốn rất nhiều công của mới sưu tập được ngần ấy phong lan, như có cây phải mò mẫm hàng tháng trong rừng núi để tìm ra, lại có cây phải đổi của một khách vùng ngoài bằng hẳn một con ngựa quý. Tống nghe nói, sửng sốt không ngờ.
    Nhân hỏi:
    - Một ngọn cây con, sao mà đắt quá?
    Đáp:
    - Đắt vì hiếm có.
    Lại hỏi:
    - Hiếm có thì sao chẳng chiết ra thêm?
    Lại đáp:
    - Thứ nào càng quý, càng khó chiết. Vả cho chiết dễ cũng chẳng mấy ai làm. Làm thì có nhiều, còn chi quý nữa!
    Chuyện đến đây, sực nhớ đã để khách đứng ở ngoài lâu, bèn mời vào trong trà nước. Đôi bên thông tên họ, chủ nhân mới hay khách là cháu quan chuyển vận, mà Tống cũng biết được chủ nhân tên Đăng họ Phạm, học hay chữ nhưng vì lẽ riêng không muốn thờ chúa Trịnh, chưa thèm dự thí một lần nào.
    Sau đó chuyện vãn, Tống cáo về. Về, cứ vài bữa lại tìm đến nói chuyện thơ hoa, mãi cho đến khi nhận được tin nhà giục kíp lên kinh học tập.
    Tống đến Thăng Long, nhờ người quen xin được tập văn ở trường cụ thám họ Vũ, còn ngụ thì tại nhà một viên tiểu lại, sau dinh trung hành khiển quan họ Trần. Ở ít bữa, một hôm bỗng thấy lính bên dinh sang đòi vào hầu quan trung hành khiển. Không hiểu việc gì, có bụng hơi lo, thì lính liền bảo chỉ vì tướng công ưa giọng bình văn nên muốn xem cho biết mặt. Bèn mà yên dạ theo sang. Sang thư phòng chào vái thì tướng công cho ngồi rồi niềm nở bảo:
    - Nhà thầy giọng tốt lắm, chiều qua ra hồ sau nghe tiếng, ta rất mê tai. Vậy tiện có bài phú mới làm, hãy bình lên nghe thử!
    Tống vâng lệnh, lĩnh bài phú, cất tiếng lên bình. Bình xong, tướng công cả khen, ban rượu cho và hỏi thăm thân thế. Tống kể tên tuổi cửa nhà, đoạn lại theo lời dạy về lấy ít bài tập sáng dâng. Tướng công xem, không vui mà nói:
    - Văn này thì còn phải làm nổi lao đao trường ốc đấy…
    Kế tặng một chiếc nghiên rồi truyền cho cáo thoái. Tống về, đem chiếc nghiên khoe với chủ nhà. Chủ trọ cười nói bỡn:
    - Lần đầu bái yết đã hậu đãi khác người, thầy biết đâu chẳng có cái duyên may hơn công tử con quan Hoàng gián nghị!
    Không hiểu ý sao, hỏi thì mới rõ rằng tướng công nay tuổi ngoại lục tuần nhưng nhà còn một tiểu thư đôi tám mà chưa chọn được khách giường đông. Bởi tiểu thư là gái út lại nghiêng thành nghiêng nước cho nên tướng công kén người rất kỹ, đến như con quan giáng nghị họ Hoàng từng tới cầu hôn mà cứ chưa thuận gả.
    Nghe kể Tổng cũng cười đáp:
    - Vương tôn công tử đã không thanh nhãn thì có khi tướng công lại kén con nhà áo vải ba phen lạc đệ cũng chưa chừng!
    Nói đùa cho mặn chuyện, song thấy bảo tiểu thư tuyệt sắc, vẫn thèm thấy mặt giai nhân. Hiềm khuê các thâm nghiêm thật không có dịp.
    Chiều nọ đang ngồi trước buồng riêng mà cao giọng kể mấy câu thơ, chợt nghe tiếng bên tường có tiếng ai cười khúc khích, đoán là tiếng đàn bà, bên lẳng lặng ra vườn trèo cây mít dòm sang. Dòm thì thấy một công nương trẻ măng mà đẹp tuyệt đang đứng bên hồ cùng một con tỳ nho nhỏ. Nhân khoái quá, khanh khách cười lên. Thì hay đâu, công nương đã mặt thẹn bừng bừng, vội dắt con tỳ chạy mất.
    Hôm sau cùng lúc xế chiều, Tống bình văn vừa dứt một bài lại trèo lên cây mà ngóng. Nào hay trèo ngó, giai nhân sẵn ở đấy rồi. Nhưng nàng như để ý trông chừng, nhác thấy mặt Tống chòi lên đã tức thì bỏ chạy.
    Tống thấy thế, biết Trần tiểu thư đã mê giọng bình văn, cứ giờ khắc ấy lại thót ra hồ nghe trộm. Bèn bụng mừng khấp khởi, mỗi lần kể sách, càng gân cổ ngâm nga. Tuy nhiên nghĩ mới bực, chiều nào lên cây mít cũng gặp giai nhân mà nàng chớ hề chịu nán lại cho lân la nửa tiếng…
    Đang mơ màng nghe kể chuyện Bình mở mắt ra nhìn vì giọng nói thanh tao bị đứt quãng. Quay qua hắn thấy Quỳnh Lâm đang nhìn mình mỉm cười.
    - Cháu khát nước quá hà... Mình có cái gì uống cho thông cổ hông bác. Uống nước xong cháu sẽ kể tiếp cho bác nghe. Chuyện này kết cục hấn dẫn và ly kỳ lắm bác ơi...
    Bật cười vì cái giọng trẻ con và ngây thơ của Quỳnh Lâm, Bình khẽ vỗ vỗ lên vai cô gái.
    - Đằng kia có câu lạc bộ bán đủ thứ thức ăn uống. Cháu tha hồ chọn bác trả tiền cho cháu...
    Hai bác cháu cặp kè đi về phía chỗ bán nước uống. Quỳnh Lâm quay qua nhìn Bình cười.
    - Bác ở đâu vậy bác?
    - Bác cũng ở gần đây... Còn cháu ở đâu?
    - Dạ cháu học bên Virginia... Nhà cháu ở trên North Dakota..
    - Vậy à... Ba má cháu...
    Quỳnh Lâm cất giọng buồn buồn.
    - Dạ ba má cháu mất lâu rồi. Cháu chỉ còn có mỗi ông nội thôi... Chắc gia đình bác cũng ở gần đây hả bác?
    Bình thở dài. Hắn nhìn cô gái với ánh mắt ái ngại và quan hoài vì thương cho phận mồ côi của cô bé.
    - Bác có vợ và bốn con. Hai trai và hai gái. Tất cả đều ở bên Hà Nội. Vợ bác với bốn đứa con không thích sống ở đây. Nhất là bác gái. Bả nói ở đây buồn... Ở Hà Nội bả có anh chị em, họ hàng và con cái...
    - Ồ... Cháu tưởng bác tị nạn qua đây...
    Bình lắc đầu cười nhẹ.
    - Bác làm trong tòa đại sứ...
    Hắn dừng lại kịp thời. Mặc dù biết Quỳnh Lâm là một cô gái ngây thơ song hắn vẫn cẩn thận đề phòng. Mới gặp nhau hơn giờ đồng hồ nên hắn chưa tín nhiệm Quỳnh Lâm nhiều tới độ phải tiết lộ về thân thế của mình. Cái chết đột ngột, đầy bí ẩn của Tám Hùng còn sờ sờ ra đó, làm cho hắn phải cẩn thận từ cử chỉ và lời ăn tiếng nói. Quỳnh Lâm cũng không hỏi gì thêm. Hai bác cháu đi vào chỗ bán nước. Cô chọn một miếng sandwich và ly nước ngọt. Ngồi xuống bàn cô chậm chạp ăn uống trong lúc Bình nhâm nhi ly cà phê. Ăn hết miếng sandwich, uống một ngụm nước ngọt, Quỳnh Lâm vỗ vỗ vào bụng của mình.
    - Cám ơn bác... Cháu no rồi... Bây giờ mình trở lại vườn lan để cháu trả nợ cho bác...
    Bình bật cười vì câu nói đùa của cô gái. Nhìn Quynh Lâm chăm chú hắn buông một câu hỏi.
    - Sao cháu biết rành về lan vậy?
    - Cháu học về Vạn Vật mà bác...
    - Hèn chi cháu biết nhiều về cây cỏ quá...
    - Dạ...
    Bình đứng dậy. Hai bác cháu thong thả đi trở lại vườn lan. Du khách bắt đầu đông hơn. Đứng nhìn chậu lan hoàng thảo long tu, Quỳnh Lâm cất giọng thanh tao kể tiếp câu chuyện về phong lan.
    - … Một hôm, đang cố nghĩ mưu để cùng ai kia mật ước, bỗng tướng công sai kẻ sang đòi. Lần nầy lính không dẫn đến thư phòng, lại đưa lên một tầng cao các. Lên đến nơi, thấy tướng công đang đàm thi cũng hai vị đồng liêu, mà bốn mặt quanh hiên, phong lan có treo đầy khắp cả. Nhân chờ xong việc bình văn mới xin cho xem cảnh. Cảnh xem hết lượt, thấy toàn là kỳ hoa dị thảo, bèn tấm tắc mà khen.
    Tướng công cười hỏi:
    - Nhà thầy có biết cái hoa trắng treo bên tả chiếc khánh ấy nó quý ở chỗ nào không?
    Tống xem, đáp không thì liền truyền lính lấy phẩm xanh tưới vào rễ cái cây vừa nói. Chốc lát, mấy đóa hoa đang trắng như bông dần dần nổi lên màu lá mạ. Tống rất lấy làm kỳ. Tướng công lại bảo cho biết rằng chỉ trong già một khắc, màu lam ấy bay đi, rồi nếu tưới phẩm đỏ phẩm vàng, cánh hoa sẽ lại biến ra vàng đỏ. Hai vị khách kia chừng vẫn biết, chỉ tán thưởng đôi lời. Riêng Tống thì phần thích mắt, phần muốn vui dạ tướng công, trầm trồ mãi.
    Tướng công sau đấy lại trỏ vào mấy cây khác mà như cây "ngư du diệp", nếu ngắt lá non thả vào chậu rượu vừa hâm tất cái lá sẽ bơi đi bơi lại, hoặc như cây "nhạn tử", nếu khi trời gió lớn mà không buộc kỹ, tất cả cái cây sẽ theo gió bay mất lên rừng. Dẫn giảng xong, tướng công đắc chí cười ha hả. Tống nhân nói:
    - Mới đây vãn sinh biết một người ở miền trong góp chơi phong lan được năm mươi bẩy thứ. Mấy thứ " nhạn tử ", " ngư du diệp ", " ngũ sắc hoa " y không có, những y lại có mấy thứ khác xem cũng quý mười mươi.
    Đoạn kể chuyện Phạm Đăng với cây liệu đầu phong và cây chàng họ Thạch. Tướng công nghe kể, thích quá, tức thì vồ vập bảo Tống hãy vì mình mà đi nài lại. Song Tống chối từ, nói quyết là không sao nài được. Hỏi sao thì đáp:
    - Tướng công đã khiến, đâu dám không vâng. Hiềm Phạm Đăng yêu hoa hơn yêu tiền, mê hoa hơn mê danh, có ngựa hay mà không tiếc lại đem đổi lấy một cây phong lan vừa ý, có tài cao mà ở ẩn để lúc nào cũng được nhàn ảnh chơi hoa. Một người như vậy, tất trả giá đến bao nhiêu cũng không chịu bán.
    Tướng công ham quá, ép Tống mà rằng:
    - Hãy cứ đi xem. Đối với Phạm cư sĩ, lão gia nào có nghĩ cậy tiền tài, nhưng chỉ cậy chỗ nhà thầy đã hay giọng bình văn thì hẳn cũng phải là một tay du thuyết!
    Tống nghe câu nói, nể lắm, bất đắc dĩ phải vâng lời. Rồi nhận hai trăm lạng bạc, dẫn ba tên lính đi theo, phóng ngựa vào Thiệu Hoá.
    Vào đến chỗ, ngờ đâu chủ nhân chết đã bốn mươi ngày. Lòng rất cảm thương, hỏi thăm người vợ thì mới hay rằng cách nay hơn tháng Phạm Đăng trèo lên toan hái một cây tầm gửi ở trên ngọn cây "Y Lang" trước cửa chùa Phù Ninh thì không may trượt chân ngã chết. Nhân ngậm ngùi khôn siết, xin vào ô hô khóc điếu rồi trở ra nói việc phong lan. Người vợ bằng lòng, đáp xin bán tất. Nhưng Tống bảo lính chỉ chọn những cây nào mà nhà chưa có. Lính chọn được sáu cây. Người vợ thấy ít, thách giá, đòi trả cho mỗi cây hai chục lạng. Tống liền cười bảo:
    - Người không biết, hai lạng cũng chưa chắc đã ưng mua. Song gặp chỗ quan trung hành khiển thì hai chục lạng thật đã có chi xứng giá.
    Nói dứt, trao cả hai trăm lạng cho người vợ rồi truyền lính hãy nhận cây lên ngựa chở trước về kinh. Con mình thì nhận hãy lưu lại Thiệu Hoá ít hôm mà chuyện trò cùng cậu.
    Cách mấy bữa, Tống chợt nghĩ Phạm Đăng đã bỏ thân vì cây phong lan ở xã Phù Ninh thì hoặc dễ đó là một cây rất quý. Bèn hỏi thăm đường đất. Cũng chẳng bao xa. Tức thì từ giã cậu lên đường, đi vòng qua ngả Phù Ninh để tìm xem cho biết. Đi đến chỗ, bước lại bên gốc Y Lang ngước mặt trông mãi, quả thấy ở trên ngọn cao chót vót có một cây tầm gửi mọc quấn lấy một cành cây. Sẵn gặp người bắt ốc, liền thuê gã trèo lên. Cây rất khó trèo, gã nhìn mà sợ. Rồi đó phải thưởng công hai lạng, gã mới cẩn thận nhoai từng tấc, cố lấy xuống đưa cho. Tống cầm xem thì là một cây phong lan khác hết mọi cây thấy trước, gốc mọc chia làm bốn dây dài rũ xuống, rễ trắng mềm và óng như tơ, còn lá thì màu tía nhạt, thon như ngón tay và mỏng như chất lụa. Nhìn các đốt dây lại thấy đốt nào cũng có nụ hoa nhỏ bằng hột quít, còn ở đầu bốn ngọn, chồi nõn đang sinh.
    Nhân cho là kỳ thú liền bỏ bộ dùng thủy, đáp đò dọc về kinh cho thân cây khỏi chột.
    Đò ngược rất chậm, lúc đi lúc đậu, nửa tháng mới đến kinh đô. Đến bến, vừa khi hai chục nụ hoa vừa nở hết. Những hoa nầy đẹp lạ thường mà thơm rất nức. Nói về hương thị mùi thơm xông vài ba trăm bộ, nửa như cúc, nửa như mai. Còn nói về sắc thì cánh hoa lấm chấm chín màu mà bốn cánh dưới nhỏ trên to khiến cho ai đứng cách một khoang thuyền cũng phải ngờ là một đàn bướm đậu.
    Tống về nhà trọ, ngày đã tối, định bụng sáng mai sẽ đem cây hoa-bướm mà dâng nộp tướng công. Những đêm ấy, ngồi bên đèn kể sách, bỗng thấy những con-bướm-phong-lan đập đập bốn cánh như là bướm thật. Tống im thì bướm cũng yên. Tống kể thì lại đập. Mấy lần thử đều như vậy cả, nhân vừa lấy làm kỳ vừa lấy làm thích, bèn bỏ ý dâng nộp, quyết giữ lại chơi riêng. Bởi thế, hôm sau vào dinh trình diện chỉ nói sáu cây kia, còn cây hoa-bướm thì lờ đi không hề đả động…
    Từ đấy, ngoài những buổi tập văn tại trường cụ thám, Tống lại ngâm thơ mà giỡn với cây hoa-bướm, hoặc trèo lên cây mít để gửi vội một nụ tình cho khách kiều tu. Được già nửa tháng, một đêm gió lớn ngồi học sử bên đèn, chợt có người gõ cửa. Cửa mở, thấy một thiếu niên dáng nho nhã, xá hỏi rằng:
    - Mộ danh tìm đến, biết thuận cho hầu chuyện hay không?
    Tống đáp lễ, cười mà mời khách vào ngồi. Ngồi một lát, khách bàn qua chuyện thi thư rồi chợt hỏi:
    - Phải chăng túc hạ có một cây phong lan hồ điệp?
    Tống nghĩ khách không phải là người có thể mách lẻo với quan trung hành khiển, bèn không cần giấu, vào ngay phòng nhỏ lấy cây hoa-bướm đem ra. Khách xem, nửa như vui mừng, nửa như ngẫm nghĩ. Tống nhân hỏi về sự khách biết mình có cây hoa-bướm. Khách đáp:
    - Hôm nay gió lớn nên mùi hương có đưa sang bên tệ xá.
    Tống sửng sốt nhìn khách, bảo:
    - Chỉ ngửi thoáng mà biết ngay là cây hồ điệp thì các hạ chơi phong lan còn sành gấp mười cư sĩ họ Phạm cùng đại quan trung hành khiển!
    Khách không đáp, mỉm cười mà hỏi về sự tìm cây, Tống kể việc. Khách gật đầu nổi:
    - Phạm cư sĩ chơi hoa đến chết vì hoa, tưởng rất đáng nên mừng là một tay nhã chí.
    Đoạn hỏi:
    - Trần tướng công được đây này tất thích, cớ sao chẳng đem dâng mà cầu một món tiền lớn hoặc một nẻo tiến thân?
    Đáp:
    - Vốn cũng định dâng vào song sau thấy những con hồ điệp biết nghe văn nên thà lưu làm bạn đọc.
    Nói rồi muốn khách ngạc nhiên, liền tự cất tiếng ngâm một chương Tất-suất. Khách nhìn, thấy cánh hoa rung phấp phới, không hiểu sao đã không tỏ ra hoan lạc mà lại như có ý bất bình.
    Hỏi Tống:
    - Phải chăng hễ túc hạ ngâm lên, bao giờ cánh hoa cũng đập?
    Tống đáp phải. Khách bảo hãy ngâm nữa cho xem. Tống theo lời thì lại y như trước. Khách càng giận, chào Tống rồi vùng vằng ra cửa mà đi.
    Đi, nhưng đêm sau lại đến. Đến, vừa gặp mặt đã với ân cần tạ lỗi về cái sự đêm qua. Tống cười hỏi:
    - Cánh hoa đập hay không, can chi mà tức bực?
    Thẹn mà đáp:
    - Chẳng dám giấu, tôi có bệnh trong tim, nóng nảy bất thường. Đêm qua thất lễ không phải vì hoa mà chỉ vì gặp lúc tim dồn máu vậy...
    Nói là bệnh, song mỗi khi Tống làm cho hoa rung động thì hình như vẫn có ý giận với hoa. Tuy nhiên, đêm nay cứ ở mãi đến khuya mà cùng Tống đàm thi bên cây hồ điệp.
    Rồi từ đó, chẳng kể gió mưa, chàng thư sinh đêm nào cũng lại chơi một chốc. Lại thì bao giờ cũng đòi được thưởng hoa cùng xui Tống đem vào dâng quan trung hành khiển.
    Hỏi nhà đâu, đáp nhà hẹp lại có người ốm liệt không tiện đón khách về chơi, còn hỏi tên thì đáp tên Hướng Nhật. Thấy không chịu cho biết cửa nhà. Tống hơi nghi là người bất chính toan từ chối cuộc giao du. Nhưng mỗi bận bàn về văn tự, xem thật là kẻ đại tài, lại cứ để tự do lui tới...
    Một đêm nọ, cây Hồ-Điệp đang sắp tàn hoa, Tống thắp đèn ngồi học thì tướng công cho gọi đến bình văn. Vào dinh chưa ngồi nóng chỗ, bỗng nghe báo Tây vương Trịnh Tạc ra hỏi việc tướng công, bèn vội tránh về. Về đến hiên, chợt trong nhà có tiếng ai gắt nói với ai ở phía căn buồng nhỏ. Nghi hoặc quá, bèn đi vòng vách mà dòm. Dòm thì lạ lùng thay, chàng thư sinh mọi bữa đang đối diện với một cô gái dung nhan diễm lệ cực kỳ, nếu đem so, tưởng còn hơn tiểu thư nhà quan trung hành khiển.
    Nhân vừa ngạc nhiên vừa hồi hộp, lắng tai nghe. Chàng nọ nói:
    - Nói hết lời sao cứ khăng khăng không chịu?
    Cô kia đáp:
    - Cửa hầu phiền nhiễu, đã xin anh đừng cố ép tôi mà.
    Lại nói
    - Ở hoa viện phong các chứ nào phải tiền sảnh trung đường mà chê phiền nhiễu!
    Lại đáp:
    - Nhưng tôi ghét hàng cân đai ấp úng chẳng hợp tình nhau.
    Chàng thư sinh dậm chân gắt bảo:
    - Đã nói rằng quan trung hành khiển tuy là nhà chuông vạc song tính tình cao nhã, không giống như mọi kẻ ai người.
    Thiếu nữ cúi đầu phụng phịu. Chàng nọ lại sẵng hỏi:
    - Thế nào chịu chứ?
    Cô kia bỗng vùng nói:
    - Tôi nghe Tống Uyên Đình kể sách đã quen tai, nay bỏ vào trong ấy với anh thì nhớ lắm.
    Thư sinh như nổi cơn ghen, giận bảo:
    - Nàng mê tên họ Tống, sẽ biết tay ta!
    Đoạn quay ngoắt ra phòng lớn. Thư sinh ra, Tống nhìn thiếu nữ thì thật quái, vừa đứng đó mà lại chẳng thấy đâu.
    Đang sửng sốt, bỗng chàng nọ lại trở vào cúi gần cây phong lan treo ở bên giường mà gọi:
    - Hồ Điệp!
    Gọi ba lần không tiếng đáp, bèn co một ngón tay gãi gãi vào giữa chỗ giáp bốn cành dây. Chợt cô gái vụt hiện, cười như nắc nẻ. Nói:
    - Tưởng giận bỏ về không thèm đến nữa!
    Thư sinh hừ một tiếng rồi hỏi gắt:
    - Có thật đã mê tình tên họ Tống, nhạt nhẽo với ta chăng?
    Cô gái cau mặt cãi:
    - Đừng nói nhảm. Tôi chỉ thích nghe Tống-sinh kể sách, đâu có lẽ mê tình!
    Chàng nọ cười khẩy nói:
    - Nghe tiếng y ngâm, sướng đến rung người mà còn chối không mê!
    Cô gái vênh váo đáp:
    - Không mê mà cứ bảo mê, ừ thì mê đấy!
    Chàng nọ giận quá, cơn ghen lại bừng bừng. Khẽ quát:
    - Được lắm. Sẽ biết tay nhau!
    Quát xong, đẩy cửa hầm hầm ra ngõ.
    Tống thấy thế, rời chỗ nấp, hớn hở vào nhà. Nhưng bấy giờ giai nhân đã biến, mới bắt chước cụp ngón tay mà gãi gãi. Đang gãi, chợt nghe phía sau có tiếng kêu lên:
    - Thôi đi, nhột chết người ta được!
    Quay lại trông, quả là Hồ Điệp đứng ở sau lưng, mặt hoa tươi hớn. Nàng hỏi:
    - Cái cách cù ranh mãnh ấy, ai vẽ cho anh?
    Tống gật gù đáp:
    - Cứ là cái cố tật của ngón tay, cần gì ai vẽ!
    Nàng nguýt mà rằng:
    - Lời nói nhảm không ra người quân tử!
    Liền bảo:
    - Quân tử nào mà chẳng có một cái nhảm? Cái nhảm độc nhất của người quân tử nó chỉ ở trong có một sự này thôi!
    Thấy Tổng cứ bài bây, cô gái nghiêm mặt nói:
    - Cũng là thiếu thiếu rất khá nên vui, song bỡn quá điều, e ra sàm sỡ.
    Tống sợ nàng giận, bèn hãy mời sang ngồi bên phòng sách. Đoạn hỏi:
    - Nàng thì đã đoán, những còn người cãi nhau bàn nãy là ai mà lại biết tinh cây Hồ Điệp?
    Đáp:
    - Ngựa biết ngựa, trâu biết trâu. Anh chàng đó cũng là tinh một gốc phong lan ở trong vườn quan trung hành khiển.
    Hỏi cây nào thì đáp cây Hướng Nhật, lá mọc giống như chữ tiểu mà hoa hướng theo với bóng kim ô. Nhân lại hỏi đến việc Hướng Nhật cố xui mình dâng cây Hồ Điệp cho Trần tướng công cùng câu chuyện vừa nghe lỏm. Nàng nói:
    - Anh chàng ngửi thấy mùi hương nên tối ấy tìm sang dò xét. Xét được, muốn kết xe tơ tóc, mới ép tôi cùng vào ở trong đó cho gần.
    Tống nghe nói thế, lo ngay ngáy. Thì nàng liền cười, nói mình đã mê kể sách, quyết chẳng bao giờ lại bỏ Tống mà đi. Tống được lời hứa chắc, song nhớ câu Hướng Nhật dọa "sẽ biết tay nhau", vẫn lấy làm thấp thỏm. Nàng biết ý bảo:
    - Hướng Nhật bị tôi cự tuyệt, nạt nộ rất ghê. Nhưng đừng sợ, chàng ta hùng hổ nói vậy chứ dẫu có ác tâm cũng chẳng dễ gì hại được nổi cái tay con Hồ Điệp!
    Tống mừng quá, vỗ đùi mà khen câu nói cứng. Nàng để cho vui chán mới tủm tỉm mà rằng:
    - Tuy nhiên, nếu chàng ta mạo muội yết kiến tướng công hớt lẻo sự này thì anh liệu làm sao toan tính?
    Quả quyết đáp:
    - Tướng công biết, ngài cứ biết. Còn tôi, nộp tôi không nộp!
    Đoạn lại tiếp bảo:
    - Hái nàng xuống, chính tôi vẫn có ý dâng biếu tướng công. Nhưng khi thấy nàng biết nghe văn thì cái ý kia liền đổi. Mà đến bây giờ, biết nàng lại là Nàng thì họa tướng công có chém đầu tôi đi đã rồi hãy nghĩ đến sự chiếm nổi tình ai.
    Nàng cười mỉm nói:
    - Đây là Nàng chứ đâu phải tướng công mà anh hâm hở nhại cái câu đức ngài Kiếp-Bạc?
    Tống phì cười. Rồi thấy đêm đã hơi khuya, liền sán lại gần toan đều lơi lả. Nàng không thuận, cự:
    - Tình đang cao khiết, sao chẳng cùng nhau bàn sự đồng tây kim cổ mà lại đi quay quắt những cái trò ma?
    Tống cười nhoẻn đáp:
    - Kim cổ thì Nhạc nầy dốt chuyện. Những đông có biết được một chuyện đông sàng tuyệt hay, còn tây cũng có biết được một chuyện tây sương tuyệt thú!
    Cô gái lập tức đứng phắt lên, sẵng nói:
    - Tôi coi anh chỉ là nhã hữu mà không thể tình lang. Nay chẳng hiểu lại cứ lần khân thì âu ta tạm biệt.
    Nói xong biến mất. Tống đang cơn đắc ý, quyết chẳng chịu thôi. Bèn mà tốc sang phòng bên gãi cây Hồ Điệp.
    Nhưng cô gái hiện ra, Tống chưa mở miệng thì nàng đã cau mày phẫn nộ mà rằng:
    - Phải anh nhất định ép nhau cùng làm cái điều hổ thẹn?
    Tống, nhìn sắc mặt, nghe giọng hỏi, biết đêm nay chưa mưu sự được, mới vội " không không " rồi bảo:
    - Nghĩ canh dài mà chưa buồn ngủ, muốn cùng nhau đối ẩm để làm ghi cái đêm sơ ngộ, há dám vội soi nụ đồ mi cho trái với tiết hè?
    Nàng bĩu môi, trỏ tay mà dọa:
    - Đêm nay nếu chẳng để nhau yên, chớ có trách nhau lãnh đạm!
    Đoạn lại biến đi, mặc cho ai vuốt bụng đành thôi mà hãy tạm đánh một giấc mơ mòng vân vũ.
    Trưa hôm sau, Tống đang tẩn mẩn bóc cánh hoa khô cho cây Hồ Điệp, chợt thấy bóng quan trung hành khiển lững thững vào sân. Bèn đem giấu biệt ngay đi rồi chạy ra nghênh tiếp. Tướng công tiến lại trước hiên, ngó quanh mà hỏi:
    - Cây phong lan của nhà thầy treo đâu thế hử?
    Tống nghe hỏi giật mình, muốn chối mà còn ấp úng. Tướng công đã liền tiếp bảo:
    - Hồi sáng, một người xưng là bạn học của nhà thầy vào dinh hầu việc. Nghe y trình thì nhà thầy có một cây phong lan đẹp lắm, hoa phe phẩy như đàn bướm cho nên rất muốn được xem qua.
    Tống biết chỉ lại gã tinh kia mách lẻo, bụng những rủa thầm. Nhân nghỉ chối cũng không xong, đành vào lấy đem treo ra giữa cửa. Tướng công ngắm nghía, vừa lòng quá, bảo Tống làm cánh hoa phất phất cho xem. Tống tuân lệnh. Tướng công thấy, càng khoái thậm, nở mũi mà rằng:
    - Của tuyệt luân nay đã gặp, thì đủ biết hoa thần không nỡ phụ lòng ta!
    Đoạn hỏi Tống về lai nguyên cây Hồ Điệp. Tống kể việc tìm lấy tại chùa xã Phù Ninh. Tướng công bỏ không trách về chỗ đã không dâng mà còn dấu diếm. Bảo:
    - Cây này quý lắm thật, nhưng nhà thầy vốn chẳng là khách chơi hoa, và cũng chưa đến tuổi cần chơi, hãy nhường lại cho ta thì mới phải.
    Tống không thuận đáp:
    - Tướng công dậy gì cũng lạy vâng, chỉ ngửa xin miễn riêng cho điều ấy.
    Tướng công nói đền cho ba trăm lạng bạc. Không nghe. Lại tăng lên năm trăm lạng. Vẫn chẳng chịu. Bèn gắt hỏi:
    - Năm trăm lạng mà chưa chịu thì còn muốn thách trời chăng?
    Tống không dám đáp, lặng thinh. Tướng công ngẫm nghĩ hồi lâu rồi chợt bảo:
    - Ngoài tiền ra, ta lại cho một chức hà đê!
    Thấy tướng công đã cau mày nói gắt, lại hứa cho vừa tiền vừa chức, thị phần sợ uy phần hám lợi, suýt bằng lòng. Nhưng rồi tưởng đến giai nhân thì chức cũng chẳng hám, uy cũng chẳng sợ, cứ khăng khăng một mực.
    Chủ trọ bây giờ đã chạy sang hầu, bảo Tống:
    - Dâng có một cây tầm gửi mà được năm trăm lạng với chức hà đê thì còn mong gì hơn nữa?
    Tống nói:
    - Lượng tướng công to như bể, song cây Hồ Điệp là bạn đọc của tôi, tôi không dám đem dâng.
    Tướng công nghe mà giận, dỗi ra về. Chủ trọ e phải giận lây, liền cự:
    - Vì tiếc một cây hoa nhỏ mọn mà bỏ phú quý thì thật là điên. Vì tiếc một cây hoa nhỏ mọn mà chuốc oan cừu thì thật là dại. Dại điên là cái bệnh của thằng khùng sao thầy muốn học?
    Cười mà đáp:
    - Cái khùng này là cái khùng si, ông biết đâu mà dám ba chầy củ!
    Đoạn vênh mặt lên như rất khoái. Chủ trọ lại cố mà khuyên. Nhưng khuyên mấy cũng không sao chuyển bụng.
    Một lát lính bên dinh sang bảo:
    - Tướng công sai hỏi: thầy đã hối chưa?
    Đáp chưa hối.
    Lát nữa lại sang hỏi câu hỏi trước. Vẫn đáp y. Lần thứ ba lính nói:
    - Tướng công hứa tặng đúng nghìn lạng bạc, lại vận động xin đặc cách cho đi làm chuyển vận Ninh-Giang.
    Thấy tướng công ép quá, sợ cứng nhiều thì gẫy, bèn khất hãy khoan cho nghĩ chín lại xem. Đó rồi đóng cửa, gọi Hồ Điệp về mà kể việc. Cô gái cười bảo:
    - Nghìn lạng là món tiền to, chuyển vận là chức quan lớn, Ninh Giang là nơi đất béo, tôi rất mừng anh.
    Phẩy tay mà nói:
    - Nữa cũng chẳng thèm.
    Hỏi:
    - Vậy thèm gì?
    Đáp:
    - Gì thì biết đấy!
    Nàng không nỡ cự, nghiêm trang ngồi xuống ghế, nhủ rằng:
    - Tôi với anh thật chẳng có cái tình gối ấp, đêm ngày mơ tưởng cũng đến viễn vông thôi. Bởi vậy hiện tướng công còn người con gái diễm kiều, anh hãy nhân cái dịp may nầy, mau mau xin gắn bó.
    Tống xị mặt. Nàng lại nói:
    - Tướng công tuy lòng quân tử, bữa nay giận anh mà đành chịu nhịn, mê tôi mà không hiếp lấy, nhưng ai dám chắc rồi ra ngài sẽ chẳng vì một cây phong lan mà xử ức Tống Uyên Đình?
    Tống nghe nói, có ý phân vân. Nàng ôn tồn bảo:
    - Như cái thế bây giờ cưỡng không được mà cũng cưỡng không nên. Hai đứa mình muốn chẳng xa nhau thì tôi vào dinh, anh gửi rể, anh có Trần tiểu thư ấp gối tôi có chàng Hướng Nhật hàn ôn. Rồi tối tối bốn đứa ta ngồi quây trên cao các mà kể sách bàn thơ với tướng công, tưởng không phải là không có thú.
    Nghe nàng nói vậy, Tống rất xui tai. Song nhìn lại mặt, thấy nàng như gấm như vóc như ngọc như ngà thì lòng riêng thật xót. Nàng trông mặt đoán lòng, mỉm cười mà nói:
    - Anh đừng tiếc tôi chi. Trần tiểu thư sắc chẳng thua tôi mà vẫn thường nghe trộm tiếng bình văn, quyết nhiên còn nặng tình hơn tôi vạn lạng!
    Tống bèn thuận. Thuận rồi lại hỏi:
    - Tướng công, tiền chức thì cho nhưng dễ đâu đã chịu gả công nương cho một gã trò nghèo ba phen lạc đệ?
    Đáp:
    - Rể không đậu thì tiến cử làm quan, vẫn nên vinh hiển. Rể không tiền thì chia cho gia sản, tức thị phú gia. Hai điều này, tướng công thừa thế lực.
    Kế, bảo Tống mau hãy vào dinh. Tống sợ, không dám tự ngỏ lời, sang nhờ chủ trọ. Chủ trọ nghĩ việc này trọng hệ, Tống nói lắm mới chịu liều đi. Đi rồi về nói:
    - Tướng công hẹn sáng mai thầy phải trả lời dứt khoát về cái chuyện ban chiều. Còn gả tiểu thư, ngài không gả.
    Tống về phòng thuật sự. Hồ Điệp cười rằng:
    - Ngài không gả ấy là ngài chưa biết cây Hồ Điệp có con tinh. Giờ anh kể rõ chuyện tôi thì muốn ngồi vắt cẳng ở mái tây hay thích nằm ngửa bụng ở giường đông hẳn cũng được ngài cho thả cửa.
    Đoạn giục Tống viết thư kể rõ, lại dặn cũng nên nói luôn về cây Hướng Nhật, nếu tướng công lấy lửa mà hơ nóng ngọn, tất sẽ tóm được cổ anh chàng.
    Tống nghe theo. Thư thảo xong, đem nhờ chủ trọ. Chủ trọ đi một lát, chợt thấy tướng công hớn hở bước sang với một thư sinh, nhìn xem thì chính là Hướng Nhật.
    Hồ Điệp bây giờ đã biến. Tống bèn đón tướng công lại bên cây mà gãi gọi. Nàng liền hiện ra, chắp tay chào vái. Tướng công ngắm kỹ mặt hoa, mừng mà khen tinh cây thật còn đẹp hơn người đẹp. Kế, hỏi thăm đủ chuyện, ngẫm nghĩ một chốc rồi tủm tỉm bảo Hồ Điệp nên theo họ Tống, mình nhận làm con dâu, còn Hướng Nhật thì theo họ Trần, nhận mình làm nghĩa phụ. Sau đó, lại quay nhìn Tống mà rằng:
    - Mai ta cho nghìn lạng để sắm sửa y xiêm. Rồi chừng nào chọn được ngày, hai đám cưới sẽ nhất luật cử hành, Hồ Điệp thì vào dinh làm dâu còn Uyên Đình thì vào dinh làm rể!
    Tống lạy tạ. Tướng công bèn vẫy Trần Hướng Nhật, đứng dậy ra về. Chàng nghĩa tử bước theo tướng công, ra đến hiên còn ngoái cổ, vừa nháy nháy Hồ Điệp vừa lắc lắc cái đầu như rất lấy làm đắc chí…
    Quỳnh Lâm ngừng lời. Cô mỉm cười khi thấy Bình đưa tay che miệng ngáp.
    - Chắc bác chán nghe cháu kể chuyện hoa lan rồi hả bác?
    Bình lắc đầu quầy quậy khi nghe cô gái hỏi. Như sợ cô buồn hắn lên tiếng thanh minh liền.
    - Không phải đâu. Bác ngáp vì ghiền thuốc lá. Bác ghiền thuốc lá nặng mà ở đây họ không cho hút thuốc...
    Quỳnh Lâm cười hắc hắc. Giơ tay xem đồng hồ cô ta cười nói.
    - Thì bác ra sân hút thuốc... Cháu cũng phải đi về...
    - Mai cháu có trở lại đây không?
    - Dạ có... Cháu chưa xem hết vườn lan mà...
    Bình gật đầu bước song song với Quỳnh Lâm ra cửa. Hai người dừng lại trên lề đường. Nở nụ cười xinh xắn Quỳnh Lâm nói nhỏ.
    - Dạ chào bác... Vậy mai mình gặp nhau trong vườn lan nghen bác...
    - Bác sẽ đợi cháu... Bác muốn nghe tiếp chuyện hoa lan ly kỳ và hấp dẫn của cháu...
    Bật cười hắc hắc Quỳnh Lâm bỏ đi về phía trạm xe buýt. Đứng nhìn theo giây lát Bình mới rảo bước đi về nơi đậu xe của mình. Ngồi xuống ghế, việc đầu tiên của hắn là hối hả mở gói thuốc 555, lấy ra một điếu đưa lên mũi ngửi rồi mới đốt. Đó là thói quen không bỏ được của hắn. Hít liên tiếp ba hơi thật dài, từ từ nhả khói ra, hắn đưa mắt nhìn theo Quỳnh Lâm đang đi về phía trạm xe buýt. Nghĩ tới cái hẹn vào sáng mai với cô bé kể chuyện hoa lan hắn mỉm cười lim dim mắt ngồi hút hết điếu thuốc 555 mới lái xe ra về.
    8 giờ 30 sáng. Bình đậu xe vào bãi đậu xe của Vườn Thực Vật. Cũng như hôm qua, du khách hầu như không có bao nhiêu người. Trình vé xong hắn xăm xăm bước về khu hoa lan. Có lẽ vì hối hả bước hắn không để ý thấy chiếc Camry màu trắng quẹo vào đậu kế cận bên xe của mình. Vào gần tới khu vườn lan hắn thấy bóng của cô gái mang tên Quỳnh Lâm, như con bướm lượn qua lượn lại trong khu vườn sực nức mùi hương vương giả thanh cao. Thứ hương thơm quen thuộc của lan làm cho hắn cảm thấy sảng khoái như ngửi được thứ thần dược kỳ diệu.
    - Xin lỗi cháu... Bác tới trễ...
    Đang lom khom quan sát giò Nhất Điểm Hồng, Quỳnh Lâm ngước lên cười.
    - Có gì đâu mà bác phải xin lỗi... Cháu cũng vừa mới tới...
    Chỉ vào giò lan hồ điệp đang trổ ra màu trắng cô ta cười nói.
    - Cây lan màu trắng này đẹp... Cháu thích nhất lan màu đen, chỉ tiếc là không có loại lan màu đen...
    Bình cười góp chuyện.
    - Bác nghe nói người ta có thể lai giống một cây lan màu đen...
    - Dạ cháu biết, nhưng không phải màu đen tuyền mà là màu tím than...
    Hơi gật gật đầu Bình cười bắt sang chuyện khác.
    - Hôm nay cháu kể chuyện gì cho bác nghe...
    Quỳnh Lâm cười hắc hắc.
    - Cháu sẽ kể cho bác nghe một câu chuyện có tên Vân Mộng Lan ( Truyện của Bùi Xuân Đáng trong hoalanvietnam.org). Sau khi kể chuyện xong cháu mời bác thưởng thức một thứ hương thơm vô cùng đặc biệt của lan. Nó sẽ làm cho bác nhớ hoài hoài về mùi hương kỳ diệu và độc đáo của hoa lan. Bác sẵn sàng chưa?
    Bình lẵng lặng gật đầu. Giọng nói thanh thanh, êm êm cất lên trong khu vườn tĩnh mịch thoang thoảng hương hoa lan.
    - Vào thời cuối của nhà Tây sơn, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, có gia đình họ Nguyễn vốn thuộc giòng dõi danh gia thế tộc. Nguyễn ông mất sớm để lại người vợ và năm người con: một trai, bốn gái. Nguyễn bà trông nom sản nghiệp và dựng vợ gả chồng cho bốn người con gái. Riêng cậu con trai tên Nguyễn Sinh chẳng thích học hành, chỉ thích hoa cảnh, chim chóc mà cũng chẳng tính chuyện lập gia đình hay trông nom gia sản. Tất cả mọi chuyện đều nhờ bà mẹ và người quản gia trông nom vườn ruộng.
    Thấy con tuy đã khôn lớn nhưng không tha thiết gì đến chuyện có người kế tự, Nguyễn bà bèn bắt chàng lấy vợ. Chiều lòng mẹ, chàng ưng thuận lấy người con gái của một vị tú tài họ Phạm ở làng bên cạnh. Phạm nương, tuổi vừa đôi tám, mặt hoa, da phấn, dáng đi uyển chuyển, hiền hậu, nói năng ngọt ngào nên được lòng từ chồng cho đến bà mẹ chồng và đám gia nhân đông đảo. Ba năm đã qua, Phạm nương vẫn không hoài thai và Sinh cũng chẳng hề xem chuyện nối dõi tông đường là quan hệ. Hễ nghe thấy ở đâu có chim muông hay hoa thơm, cỏ lạ Sinh cũng cố tìm đến xem và mua cho bằng được.
    Một hôm, nghe nói ở tỉnh Nam định có một vườn cây đầy những kỳ hoa dị thảo, Sinh xuống bến Thụy Lôi mướn đò xuôi Nam. Bến Thụy Lôi tục gọi là bến Suôi, thuộc huyện Tiên Lữ nằm ngay bên giòng sông Luộc. Trên bến cửa hàng, hiệu ăn nhan nhản, người xe chen chúc, dưới sông thuyền bè lớn nhỏ ngược lên Hà Nội, suôi xuống Ninh Giang, Hải Phòng hay chẩy về Nam Định. Đảo một vòng nhìn quanh tìm kiếm chưa tìm được chiếc nào đi về Nam Định. Sinh chợt thấy trên một chiếc thuyền buồm khá lớn có một người thiếu nữ quần áo mầu vàng đang ngồi thêu giầy. Nữ lang này cực kỳ diễm lệ, cắm cúi ngồi thêu, chẳng thèm để ý đến Sinh đứng nhìn nàng mà không chớp mắt. Hồn điên, phách đảo Sinh vội bước xuống thuyền, nàng thiếu nữ chỉ ngửng đầu đưa mắt nhìn rồi cúi xuống tiếp tục thêu một bông hoa lan vàng sẫm trên mũi giầy nhung đen mượt.
    Sinh lên tiếng hỏi nàng có phải thuyền về Nam Định hay không? Nàng hình như không nghe thấy nên lặng thinh không trả lời và vẫn cặm cụi thêu may. Sinh cao giọng hỏi tiếp, nàng mới ngửng đầu lên trả lời là có, nhưng chở chàng đi hay không phải tùy quyền cha nàng định đoạt . Nói xong nàng lại cúi xuống thêu giầy. Nhìn gương mặt xinh tươi như hoa phù dung buổi sáng, sóng mắt như nước hồ thu, môi mọng như trái bồ quân, giọng nói như chim oanh hót, Sinh bủn rủn chân tay, cứ đứng lặng người mà ngắm. Thừa lúc nữ lang không để ý, Sinh thò tay nhặt trộm cây trâm cài tóc để ở trong giỏ đựng kim chỉ bỏ vào túi áo.
    Giữa lúc đó một lão ông mặt mũi phương phi, khoảng ngoại lục tuần từ trên bờ bước xuống. Sinh đoán rằng đó là phụ thân của nữ lang, chàng liền bầy tỏ ý định và sẵn sàng trả giá rất cao nhưng ông lão từ chối là không đi Nam Định. Nói xong, ông mời chàng lên bờ và nhổ neo lái thuyền đi thẳng. Sinh vội vàng thuê một chiếc thuyền nhỏ đuổi theo, nhưng thuyền lớn giương buồm lại gặp gió thuận lướt sóng lao đi vùn vụt bỏ lại chiếc thuyền nhỏ với hai tay chèo dù rằng đã tận sức cũng không sao đuổi kịp.
    Không chịu bỏ cuộc, Sinh vội vã lên một chiếc thuyền khác đi Nam Định và hứa thưởng trọng hậu nếu đuổi kịp được chiếc thuyền kia. Nhưng thuyền truớc đã bỏ đi mất dạng. Khi tới Nam Định chàng tìm đi tìm lại mấy vòng chẳng thấy chiếc thuyền có bóng dáng giai nhân đâu cả. Sinh bỏ hẳn ý định đi xem vườn cây, ở lại trên bến mấy ngày để quan sát thuyền bè qua lại và hỏi thăm tung tích nhưng vẫn bằn bặt bóng chim, tăm cá.
    Trở về nhà Sinh cứ thẫn thờ như kẻ mất hồn, chàng suốt ngày thở vắn than dài, biếng ăn mất ngủ. Nguyễn bà vội vã hỏi han tìm thầy, tìm thuốc và cho người đi dò la manh mối, nhưng gần một năm qua vẫn không kết quả. Sinh mỗi ngày một gầy mòn, yếu đuối bỏ mặc đám cây cảnh, hoa thơm úa héo tàn tạ, lũ chim sơ sác, ủ rũ trong lồng.
    Một hôm, Sinh bỗng thấy mình thả bộ dọc theo bờ một con sông khác lạ. Bên cạnh bờ đê là một tiểu thôn cảnh trí rất thanh tao, u nhã. Ngõ trúc uốn quanh bên giòng suối trong veo lững lờ chẩy qua những hàng chuối và khoai môn lá rậm xanh rì. Vài khóm liễu rủ lá lơ thơ, buông mình trên giòng sông vắng bên cạnh mấy gốc gạo sần sùi, hoa nở rực rỡ như ngọn lửa đỏ trên những cành cao có đàn chim sáo tranh nhau tìm đám côn trùng ẩn núp trong những nhị hoa vàng thẫm.
    Lần theo ngõ vắng, Sinh thấy một chiếc nhà nhỏ mái lợp rạ, cửa treo mành mành bằng trúc, gió reo lách cách vui tai. Bên cạnh nhà là khu vườn đầy những khóm lan, hoa giống như chiếc nữ hài. Khóm này mầu đỏ tía, khóm kia mầu hồng phơn phớt, khóm mầu xanh ngọc thạch xen giữa những tảng đá ong lỗ chỗ trông rất ngoạn mục. Đặc biệt hơn cả là một bông lan hài mầu hoàng kim duy nhất mầu sắc rực rỡ dưới ánh tà dương. Mầu hoa phản chiếu ánh nắng lấp lánh bên những phiến lá mầu xanh lục bóng loáng có những đường viền mầu trắng đục ở phía đầu và đổi thành mầu tím ở phía cuống lá. Sinh nhận thấy rằng đây chính là bông lan mà người thiếu nữ năm nao đã thêu vào chiếc hài nhung trên thuyền trở về Nam Định. Chàng say sưa ngắm những bông lan lạ lùng chưa bao giờ thấy. Trong đám hoa cảnh ở quê nhà của chàng đâu có thiếu gì lan. Những chậu Hạc đính, Mặc lan, Tố tâm, Nhất đỉểm hồng v.v... thứ nào chàng cũng có vài ba chậu, nhưng chưa từng có những giống lan này.
    Có tiếng chân nhẹ bước phía sau, Sinh quay đầu nhìn lại, sững sờ thấy đó chính là giai nhân ở bến chợ Suôi năm nào. Sinh vội lên tiếng chào:
    - Chào cô! Từ lâu nay tôi vẫn cố gắng tìm cô mà chẳng thấy. Hôm nay gặp lại chốn này có lẽ là duyên may tiền định, không hiểu cô có nhận ra được tôi hay không?
    Thiếu nữ ngẩn người ra, hình như ngờ ngợ không rõ.
    - Tôi là người xin quá giang thuyền cô đi Nam Định năm xưa đó!
    Sinh rút chiếc trâm cài tóc mà lúc nào chàng cũng mang theo trong túi áo. Nhìn thấy chiếc trâm, một kỷ vật quen thuộc của nàng trong tay người lạ, thiếu nữ mặt bỗng ửng đỏ và vui vẻ hỏi lại:
    - Chiếc trâm này tôi mất đã lâu, tại sao chàng lại có? Chàng nhặt được ở đâu? Xin trả lại cho thiếp có được hay không?
    Lợi dụng cơ hội khi đưa trả chiếc trâm, Sinh nắm lấy tay người đẹp. Nàng mỉm cười, lặng yên không rút tay ra. Bàn tay mềm mại với những ngón tay dài và trắng như búp măng làm Sinh bàng hoàng ngây ngất định ôm lấy nàng, bỗng dưng có tiếng dặng hắng ở phía sau. Ông lão lái thuyền năm xưa, từ cổng xăm xăm bước vào. Sinh giật mình kinh hãi vội bỏ tay nàng ra và mới biết là mình vừa tỉnh giấc chiêm bao...
    Tức giận rằng mình dang dở mất giấc mộng vàng, Sinh cố nhắm mắt lại hy vọng được thấy giai nhân trong khung cảnh cũ, nhưng chỉ hoài công vô ích. Tuy vậy giấc mộng dở dang cũng làm cho Sinh ăn ngủ trở lại. Chàng tin rằng chuyện trong mộng ảo và đời sống thực tại có nhiều liên hệ với nhau. Có chuyện thực, mới có giấc mộng và chỉ với giấc mộng thôi đã làm cho Sinh cảm thấy phấn khởi trong lòng, nuôi biết bao nhiêu hy vọng.
    Đầu năm sau, Sinh đi Sơn La, Hòa Bình thăm người cô ruột theo chồng giữ chức tri châu vùng Chợ Bờ sau đó lại đổi về Mộc Châu. Lâu ngày gặp được gặp, cô cháu vui vẻ và người chú rể đã giữ chàng ở lại và cho Sinh mượn con ngựa để dạo chơi quanh vùng. Núi non hùng vĩ, sông nước bao la, khung cảnh hữu tình, không khí mát mẻ làm cho Sinh quên hết u sầu ảo não. Lỏng cương cho ngựa thong dong tự do bước tới, Sinh có linh cảm điều gì tốt đẹp sắp sửa xẩy ra. Một lát sau con ô mã dẫn chàng tới một vùng phảng phất như trong giấc mộng. Kìa giòng suối quanh co, kìa những khóm trúc đùi gà y hệt trong giấc mơ năm ngoái. Ngõ liễu phất phơ trong gió, chiếc cổng gỗ, cánh cửa mở toang như chào đón cố nhân . Căn nhà nhỏ với chiếc mành trúc nằm bên thửa vườn sát cạnh trồng đầy hoa kiểng. Không thể nào nhầm lẫn được, Sinh vội vàng xuống ngựa buộc vào cổng và tiến vào trong nhà. Người đẹp năm xưa đang ngồi thêu ở ngoài hàng hiên thấy chàng bước vào vội đứng lên hỏi:
    - Ông muốn kiếm ai?
    Sinh nhắc lại những lời đã nói trong mộng:
    - Thưa cô tôi muốn kiếm cô! tôi là người đã xin đi thuyền về Nam Định với cô năm ngoái.
    - Tôi nhớ ra rồi nhưng ông kiếm tôi làm gì?
    - Từ khi gặp cô, trong lòng luôn luôn khát khao tưởng nhớ. Tôi đã nhiều lần xuống Nam Định tìm cô, nhưng không được gặp, gần đây trong giấc mộng lại được gặp cô và ai ngờ bây giờ lại là sự thực.
    Nói xong, Sinh rút chiếc trâm ra trả lại cho người thiếu nữ và kể chuyện gặp nàng trong giấc mộng ra sao. Nàng lạ lùng kinh ngạc, hai má ửng hồng đưa tay đón nhận chiếc trâm và cho biết nàng cũng có giấc mơ y hệt như vậy. Chàng cầm lấy bàn tay thon nhỏ dịu dàng và nàng cũng không phản đối. Hai người bước ra vườn lan, nàng chỉ những cụm lan hài giải thích đây là giống Vân duyên lá dày có vân xanh nhạt, cánh hoa mầu xanh trắng có nhiều sọc nhỏ mầu xanh hay tía. Kia là giống hài đốm cuống hoa ngắn ngủi cánh mầu vàng nhạt có đốm mầu nâu tím. Cạnh đó là giống Bạch hài, cánh lớn mầu trắng có những đốm đỏ, cánh ngang nâu vàng. Mao hài lá dài và xanh thẫm, cánh hoa tím hồng có những lông măng như trên cánh tay người thiếu nữ đương thì. Thanh hài với dò hoa cao gần nửa thước mang theo mùi thơm duyệt diệu. Cạnh đó nào là Hồng hài, Tía hài phô bày mầu sắc khác thường. Chợt nhớ đến bông hài vàng mầu hoàng kim rực rỡ trong giấc mộng chàng lên tiếng hỏi. Nàng cho biết trong vườn chẳng có một bông nào tuyền vàng, một mầu sắc mà nàng hằng ưa thích cho nên đã tưởng tượng ra và thêu lên trên mũi giầy nhung.
    Đi bên cạnh nàng, giữa những bông lan kỳ dị, nhưng tất cả đã bị sắc đẹp và giọng nói thanh tao của người thiếu nữ át đi. Nàng cho biết tên là Vân Nương, quê nàng ở Mộc Châu chứ không phải ở vùng trung du như chàng lầm tưởng. Hôm đó lần đầu nàng theo cha, một khách thương hồ mang một số măng, nấm đến bán ở vùng chợ Suôi. Sau đó dự tính về Nam Định mua ít đồ gỗ của phố hàng Nâu, đem về Hà Nội bán lại kiếm lời. Sản phẩm của con phố cổ này từ lâu đã nổi tiếng khắp Bắc Hà về những đường nét chạm trổ công phu. Nhưng vì có người gạ bán một số lâm sản với giá rất hời cho nên đã đổi ý không đi Nam Định mà về Hà Nội, rồi ngược sông Hồng, qua sông Đà trở về Mộc Châu. Sinh cũng kể sơ qua về gia thế, nhưng giấu biệt chuyện chàng đã có gia đình. Trở về Sinh van nài người cô và chú rể đến ngỏ lời manh mối.
    Vân ông từ lâu có ý kén rể đông sàng, khi biết chàng là cháu của quan Tri Châu, diện mạo khôi ngô lại thêm tính tình khoáng đạt, nên đã vui vẻ tiếp đón, dành cho chàng nhiều hảo cảm và đuợc chấp thuận dễ dàng. Ngỏ lời từ biệt, Sinh ra về dự tính sẽ xin với mẹ ly dị Phạm nương, viện cớ nàng không sinh được con nối dõi cho giòng họ, sau đó sẽ xin cưới Vân nương.
    Trở về đến nhà mới hay 2 tháng trước đây vợ chàng bỗng dưng đã bị bạo bệnh qua đời, nhưng mẹ chàng lại đau yếu nặng cho nên chàng phải nán lòng ở lại hầu hạ thuốc men, phụng dưỡng mà bệnh tình người mẹ cũng không hề thuyên giảm. Một năm sau, Nguyễn bà qua đời, Sinh giao hết ruộng vườn cho người quản gia và vội vã lên đường đi Mộc Châu.
    Tới nơi mọi sự đã hoàn toàn đổi khác, người chú rể đã được bổ nhậm về miền suôi. Trở về chốn cũ, cảnh vật hoang tàn. Ngôi nhà đã bị cháy tiêu tan chỉ còn nền đất đen xì và đám kèo cột đã biến thành những khúc tro than dang dở. Vườn lan cỏ dại mọc cao ngập lối. Dạo quanh khắp vùng tìm kiếm nhưng không ai biết rõ về tin tức của nàng. Chỉ biết rằng một đám giặc cướp tràn qua, cửa nhà bị đốt cháy tan tành và cha con nàng biệt vô tăm tích.
    Sinh quá buồn chán trở về quê giải tán đám gia nhân, bán hết ruộng vườn và lên Mộc châu sinh sống. Chàng cất nhà trên mảnh đất năm nào. Tuy của cải có thừa nhưng chàng không muốn xây cất dinh thự nguy nga mà chỉ cất một ngôi nhà nho nhỏ với mái tranh rèm trúc y hệt như gian nhà năm trước. Khoảnh vườn cũ, cỏ dại mọc đầy. Chàng không muốn thuê người mà tự tay dọn dẹp, tạo dựng lại vườn lan để nhớ lại kỷ niệm năm xưa cùng nàng dạo bước và tưởng chừng như giọng oanh vàng lảnh lót vẫn còn văng vẳng đâu đây. Hoa thơm cỏ lạ quanh vùng và đặc biệt là những chậu lan hài dù chàng đã có rồi hay chưa có, bất kể giá cao hay hạ, Sinh cũng cố mua cho bằng được. Những đêm trăng sáng chàng ngồi uống ruợu một mình, hy vọng người đẹp trở về dù cho trong mộng hay trong thực tại. Chàng kiên nhẫn chờ đợi quên hẳn thời khắc cho đến lúc sương khuya thấm lạnh hay tiếng gà rừng báo sáng chàng mới vào giường. Người quanh vùng thấy chàng cô đơn, lạnh lẽo ngỏ ý muốn tìm kiếm cho chàng một người sửa túi nâng khăn, nhưng chàng vẫn bỏ ngoài tai.
    Một đêm chàng thấy mình lại trở về chốn cũ, hàng liễu vẫn xanh, khóm trúc bên đường vẫn không có gì thay đổi. Ngôi nhà xưa có làn khói trắng uốn mình trong gió. Mành trúc vẫn lay động như năm nào. Bước vào trong nhà, tuyệt nhiên vắng lặng như tờ, không một bóng người. Bước ra vườn xưa bỗng có một bóng vàng thoáng vụt qua mau. Trong đám hoa hèn, cỏ mọn đó có một vệt sáng lung linh trong nắng. Nhìn kỹ đó là đóa Hoàng hài trong giấc mộng năm nao. Mới đầu chỉ có một bông rồi những nụ hoa từ từ hé nở. Cánh hoa và đài hoa chuyển từ mầu xanh nhạt nõn chuối thành mầu hoàng kim rực rỡ. Quang cảnh bỗng nhiên biến đổi, tất cả khu vườn bây giờ chỉ còn một mầu vàng chói óng ánh khắp nơi. Sinh nhớn nhác nhìn quanh tứ phía, chạy vào trong nhà rồi lại ra ngoài vườn nhưng bóng hồng xa khuất nơi nao? Bông hoa trong mộng nay đã trở về, còn người thục nữ khi trong mộng ảo, khi thực ngoài đời lại ở nơi đâu? Sinh thẫn thờ tự hỏi và lại giật mình tỉnh giấc chiêm bao...
    Từ đó, đêm nào cũng vậy dù có trăng sao hay không, Sinh cũng uống rượu tới khuya và chờ mong giấc mộng lại đến với chàng. Lúc nào chàng cũng tưởng như mình vẫn còn sống trong giấc mộng...
    Quỳnh Lâm ngừng kể. Xuyên qua khung cửa kính của vườn lan nàng thấy bóng của Đăng xuất hiện nơi bãi đậu xe. Nàng khe khẽ gật đầu khi thấy Đăng chui vào chiếc Acura của Bình. Một phút sau Đăng lại xô cửa bước ra rồi hòa nhập vào đám đông du khách. Vì mải mê chìm đắm trong câu chuyện ly kỳ về hoa lan, Bình không thấy được những gì xảy ra ngoài bãi đậu xe. Ngay sau khi Đăng mất dạng, Quỳnh Lâm cất giọng thanh thanh kể tiếp câu chuyện.
    - Năm qua, tháng lại đã mấy lần lá thu đổi sắc, tóc xanh ngả mầu mà người đẹp năm xưa vẫn còn ẩn bóng. Sinh hoàn toàn thất vọng, chẳng muốn tìm kiếm tìm thêm nữa và cũng tuyệt giao cùng với bạn bè, chàng chỉ còn vật vờ ăn ngủ, thân xác ốm o như những con phù du trong cơn mưa bão. Tiền bạc hao mòn Sinh cũng chẳng thèm để ý, chàng không lo thiếu gạo ăn hay thịt cá mà chỉ lo hũ rượu cạn dần.
    Vào đêm trừ tịch Sinh ngồi uống rượu một mình và ngủ thiếp đi. Chợt có người nắm vai lay động, Sinh bỗng choàng dậy và mở mắt ra. Người thiếu nữ mà chàng khát khao tưởng nhớ đang ngồi bên cạnh, đôi mắt long lanh ngấn lệ, miệng chẳng ra cười mà cũng chẳng ra mếu. Sinh ôm chặt nàng vào lòng chỉ thấy đôi vai rung rung, xương mai, mình hạc. Nàng cũng ghì lấy chàng và tiếng khóc bật ra tức tửi. Phút giây cảm xúc đã qua, nàng cho biết bọn giặc đã tràn qua cướp phá thôn làng. Cha con nàng đều bị giặc bắt mang đi. Trên đường về sào huyệt, tên tướng cướp dở trò cưỡng bức, nàng chống cự mãnh liệt nên bị chúng bóp cổ chết. Cha nàng quá uất hận vùng lên dứt bỏ giây trói nhưng thân cô, thế yếu bị chúng chém đứt đầu. Thân xác hai người bị bỏ lại trong rừng sâu làm mồi cho muông thú. Từ đó vong hồn cha con vất vưởng nơi đầu non, ngọn suối. Nhân đêm trừ tịch tối trời nàng lần bước trở về chốn cũ và gặp người xưa. Nàng sụt sùi khẩn khoản van nài:
    - Xin chàng hãy vì chút tình xưa nghĩa cũ, ra tay nhặt nhạnh nắm xương tàn, đắp cho phần mộ và thắp cho một nén hương, cha con thiếp sẽ được ngậm cười nơi chín suối...
    Sinh gật đầu ưng thuận và nàng dắt tay Sinh cất bước. Bàn tay lạnh lẽo, xương xẩu nắm chặt lấy Sinh và chàng vội vã theo chân. Trong rừng, cây mọc san sát, thân cây cao vút và đan nhánh với nhau, lá cây rậm rạp không có một chút ánh sáng nào có thể xuyên vào trong khoảng tối đen thâm u huyền hoặc đó nhưng họ vẫn rảo cẳng bước nhanh mà không hề vấp cây hay đá. Sinh nhiều lần muốn lên tiếng hỏi nhưng miệng chàng hình như có keo gắn lại, nói chẳng nên lời. Khi nàng buông tay ra, Sinh thấy mình ở giữa một trảng cỏ thấp ngắn, đầy những phiến đá ngổn ngang, lô nhô như bàn thạch. Người thiếu nữ đã biến đâu mất chỉ còn sương mù và hơi lạnh bao quanh. Đâu đây vài tiếng tử quy buồn rầu ảo não, tiếng tắc kè rời rạc hòa cùng tiếng côn trùng rên rỉ làm cho cảnh vật càng thêm vẻ thê lương. Vài tiếng gà rừng sao xác, báo hiệu buổi bình minh sắp đến.
    Định thần quan sát cảnh vật chung quanh, Sinh nhận thấy nơi đây chẳng cách căn nhà đang ở bao xa. Lẫn trong những đám cỏ dại hai bộ xương người đã bị muông thú phá phách chẳng còn nguyên vẹn vương vãi khắp đó đây. Một bộ xương nhỏ hơn với chiếc giầy cườm còn sót lại giúp cho Sinh có thể nhận được đó là di thể của Vân Nương. Trở về lấy cuốc, đào xong hai ngôi mộ huyệt, Sinh nhặt từng chiếc xương, nhẹ nhàng đặt xuống mà nước mắt chan hòa. Quá trưa mộ đã được đắp xong, nhang thắp một tuần, rót đầy ly ruợu tưới xuống lòng đất, Sinh khấn nguyện cầu xin cho linh hồn sớm được siêu sinh tịnh độ.
    Chiếc giầy cườm thêu bông nữ hài mầu vàng tuy đã thủng một lỗ lớn nhưng đối với Sinh là một bảo vật gối đầu giường. Trước khi đi ngủ chàng lấy hài ra vuốt ve ngắm nghía, hình dung đôi bàn chân thon nhỏ gót sen ửng hồng, tưởng chừng như còn có chút làn hương xạ của con người ngọc vương vất đâu đây.
    Chàng ôm hài vào lòng và mong cho giấc mộng trở về. Một hôm nàng đến và nói với Sinh rằng:
    - Tấm lòng thương tưởng mối ân tình cũ của chàng làm cho thần linh cảm động và cho phép thiếp trở về dương thế. Bắt đầu từ ngày mai, xin đem chiếc hài đặt lên trên phần mộ, cứ đến nửa đêm thắp một nén nhang, đổ chén ruợu vào giầy rối khấn vái cho thiếp được tái hợp cùng chàng. Đúng 100 ngày, sau khi khấn vái xong, hãy đào mộ lên, lấy máu nhỏ cho thiếp 10 giọt và dùng chăn quấn kín cho khỏi gió máy rồi mang thiếp về nhà...
    Y theo lời dặn, Sinh cúng lễ hàng ngày không hề sơ sót. Ngày bách nhật, chàng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, mang chăn mền và cuốc xẻng đi theo. Vừa xong tuần nhang, trời bỗng tối sầm hẳn lại, sấm chớp nổi lên đùng đùng nhưng không hề có một giọt mưa rơi xuống. Trong ánh chớp lòe sáng chợt tắt, Sinh vội vàng đào mộ. Khi gần tới nơi chàng dùng hai bàn tay cào xới, e sợ rằng lưỡi cuốc phạm vào thi thể. Đất đá làm đôi tay rớm máu, Sinh cũng chẳng hề quan tâm, hối hả làm cho mau, cho chóng. Quả nhiên, bộ xương khô khi trước bây giờ đã có da có thịt. Bồng nàng vào trong lòng, cậy miệng, bóp mạnh bàn tay cho nhỏ máu, lấy chăn quấn kín và mang nàng về. Mở chăn ra nàng đã bắt đầu thoi thóp thở. Mới đầu nàng như đứa trẻ sơ sinh, nhưng sau vài hôm ăn cháo, uống nước nàng bắt đầu ngồi dậy được. Một tháng sau da thịt hồng hào, đi lại ở trong nhà và qua 3 tháng nàng đã trở thành một người bình thường.
    Đem chiếc giầy cũ ra vườn, nàng để dưới bóng cây rợp mát, hàng ngày tưới nước bón phân, 49 ngày sau một mầm non nhú ra. Vừa đúng 9 tháng 10 ngày nụ hoa hé nở. Lúc đó vào khoảng giờ Thìn một mùi hương tỏa ra ngào ngạt. Cánh hoa, đài hoa và bầu hoa một mầu vàng rực rỡ như hoàng kim át hẳn những sắc hoa lân cận. Bướm cả trăm con từ đâu kéo đến quây quần khắp một khu vườn.
    Chàng đặt tên hoa là Vân Mộng Lan để kỷ niệm những chuyện mộng, thực huyền ảo biến hóa khôn lường. Từ đó Sinh và nàng sống một cuộc đời ẩn dật, thanh đạm ít khi tiếp xúc với bên ngoài.
    Khi Minh Mạng lên ngôi và ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 với quân Pháp, một trận giông tố cuồng nộ nổi lên. Sấm sét ầm ầm, mưa như thác lũ giòng giã 7 ngày 7 đêm. Cơn mưa chấm dứt, cả khu nhà và vườn lan bị nước cuốn trôi ra sông Đà.
    Người ta không tìm thấy xác Nguyễn Sinh và Vân nương đâu cả, có lẽ họ đã biến vào trong giấc mộng ảo ngàn thu...
    Quỳnh Lâm ngừng kể. Bình thở ra hơi thật dài.
    - Bác yêu, bác mê hoa lan thật; nhưng sánh ra không bằng một góc của anh chàng họ Nguyễn trong truyện Vân Mộng Lan mà cháu vừa kể...
    Ngừng lại nhìn một vòng quanh quất khu vườn lan hắn nhẹ nhàng nói tiếp.
    - Người xưa họ sống không bị nhiều thứ ràng buộc như mình ở thế kỷ 21 này. Nhiều lúc bác ước ao được sinh ra trước đây ngàn năm, treo ấn từ quan như Từ Thức, mặc áo lá, đội nón rơm, mang giầy cỏ lang thang đi tìm lan...
    Quỳnh Lâm cười hắc hắc khi nghe Bình nói.
    - Nếu muốn thì thời nào người ta cũng làm được, đâu phải đợi tới ngàn năm trước bác ơi...
    Bình gục gặt đầu trầm ngâm giây lát mới ngước lên hỏi.
    - Cháu nói ngẫm ra cũng có lý…
    Liếc một vòng quanh vườn lan thấy lác đác người đi xem, Quỳnh Lâm nhỏ nhẹ lên tiếng.
    - Bác nhớ ngày hôm qua trong câu chuyện về hoa phong lan có đoạn như sau: '' Sách chép đời Tống Thần Tông, ở Tô Châu có chàng họ Thạch tìm được một cây phong lan mùi hoa thơm như mùi da con gái. Từ khi hái cây phong lan về nhà, đêm đêm Thạch chỉ uống rượu rồi ngủ bên cây, không buồn ngó ngàng đến vợ. Vợ vừa ghen vừa tức, chờ lúc vắng tưới nước nóng khiến cho cây cứ khô dần rồi chết héo. Cây héo chết, Thạch tương tư thành bệnh, chết theo cây. Xác chôn trên núi, mả mọc lên một cây trắc bá. Cây trắc bá sau bị nhổ quăng đi, lúc mục sinh ra một thứ phong lan rễ lá trông hệt cây này. Bè bạn Thạch, một người cũng là hoa hữu, lấy về treo. Treo non một kỷ, bỗng tự nhiên thấy mọc thêm thứ cây mùi da con gái của Thạch năm xưa, rồi hai cây quấn quít vào nhau, cây mọc sau hoa nở đã đành mà cây mọc trước cũng nở hoa, hương thơm mùi rượu ngọt…
    Bình gật gù cười chúm chiếm.
    - Bác còn nhớ câu chuyện thần kỳ đó…
    - Cháu đã đọc chuyện này cho nhóm bạn thân cùng lớp nghe. Tụi cháu nãy ra ý kiến chọn lựa một số hương thơm của hoa lan pha trộn với một vài hóa chất để tạo nên mùi hương y hệt như mùi da con gái của cây lan của anh chàng họ Thạch…
    Lấy trong người ra cái lọ thủy tinh nhỏ như chai nước hoa, Quỳnh Lâm đưa ra trước mặt Bình rồi cười hắc hắc.
    - Bác muốn ngửi hông?
    Bình cau mày chưa trả lời. Dĩ nhiên hắn không tin lời của Quỳnh Lâm nói. Vốn là một nhân viên già dặn, đầy kinh nghiệm trong nghề điệp báo, hắn đâu dễ gì tin vào lời nói của một cô bé mới quen có hai ngày. Dù biết Quỳnh Lâm là một cô gái ngây thơ, song biết đâu đằng sau cái vẻ ngây thơ và hồn nhiên đó ẩn chứa những điều mà hắn không biết cũng như không thể đoán định được. Cái chết của Tám Hùng còn đang nóng hổi. Nó như lời cảnh báo hắn phải cẩn thận trong mọi hành động cũng như sự giao tiếp với người lạ.
    Thấy Bình ngần ngừ, Quỳnh Lâm cười hắc hắc mở nắp chai nước hoa ra, đưa ngay mũi rồi hít hơi dài.
    - Thơm quá…
    Nhìn Bình, cô ta cười hắc hắc tiếp.
    - Cháu không biết mùi da con gái, nhất là mùi con gái trong câu chuyện của anh chàng họ Thạch. Là đàn ông chắc bác phải biết?
    Bình lặng thinh. Tuổi ngoài năm mươi, lại thêm là điệp viên lâu năm trong nghề, dĩ nhiên hắn có hàng tá nhân tình. Do đó hắn phải biết mùi hương da thịt của con gái. Tuy nhiên hương của hoa lan mà lại có mùi thơm như da thịt con gái thì hắn mù tịt. Hắn nghĩ mùi hương đó chỉ có trong trí tưởng của nhà văn Hư Chu. Dù nghĩ vậy hắn cũng có chút tò mò muốn biết hương thơm trong lọ như thế nào, có giống như mùi da con gái không. Thấy Quỳnh Lâm hít một hơi mà vẫn nói cười tự nhiên, chẳng có triệu chứng gì khác thường nên hắn đoán lọ nước hoa không có chứa chất độc. Tuy nhiên hắn cẩn thận chờ một vài phút đồng hồ cho chắc ăn vì nhiều khi chất độc phát tác chậm và có thể người ngửi đã uống thuốc giải độc trước.
    - Cháu biết bác ngại nhưng hổng sao…
    Thấy Quỳnh Lâm tính đậy nắp lại, Bình lên tiếng.
    - Bác chỉ sợ bị dị ứng thôi… Bác dễ bị dị ứng với mùi hương lạ…
    Vừa nói Bình vừa đưa tay ra cầm lấy lọ dầu thơm của Quỳnh Lâm. Bế hơi vận khí, ngưng hô hấp, hắn đưa cái lọ vào ngay mũi của mình. Hương thơm thoang thoảng. Liếc qua thấy cô bé đang nhìn mình hắn thầm hít một hơi ngắn, thật ngắn. Chờ một chút thấy không có gì lạ xảy ra hắn lại hít một hơi nữa. Lần này hắn hít tự nhiên nên cảm thấy hương thơm dịu dàng, như có như không, tản mạn trong không khí chung quanh mình. Mùi hương dìu dịu làm cho hắn cảm thấy sảng khoái và người lâng lâng như say rượu.
    - Bác thấy thế nào?
    Quỳnh Lâm lên tiếng hỏi. Bình trả lời thật chậm.
    - Mùi hương lạ lắm… Nếu nói giống như mùi da con gái thì chắc không đúng lắm…
    Quỳnh Lâm cười ròn tan.
    - Cháu cũng nghĩ như bác… Mấy người bạn trai mà cháu cho ngửi cũng đều nói không giống lắm. Tụi cháu sẽ thử nghiệm lại để tìm ra mùi hương giống như mùi hương trong truyện của nhà văn Hư Chu...
    Trong lúc nói cô gái thấy Đăng xuất hiện nơi bãi đậu xe. Đưa tay lên xem đồng hồ cô gái nói nhanh.
    - Cháu phải về trường… Ngày mai bác có ra đây không bác?
    Bình lắc đầu.
    - Chắc không… Bác chỉ ra đây ngày cuối tuần thôi… Vậy bác cháu mình chia tay… Hi vọng tuần tới bác cháu mình gặp nhau…
    - Dạ… Cháu cũng hi vọng gặp lại bác nhưng chắc lâu lắm...
    Hai người đi song song ra cửa. Đứng nhìn theo cô gái đi tới trạm xe buýt xong Bình đi về chỗ đậu xe của mình. Mở cửa xe, ngồi vào tay lái, việc hắn làm đầu tiên là lấy điếu thuốc ra đưa lên mũi ngửi rồi bật lửa đốt. Tựa đầu vào ghế, hít liên tiếp ba hơi dài, ém hơi thật kỹ hắn mới nhả khói ra từ từ. Hút gần tàn điếu thuốc, đột nhiên hắn cảm thấy khu vườn thực vật quay vòng vòng rồi từ từ mờ dần. Hai bàn tay đặt lên tay lái run bần bật, miệng của hắn há lớn ra như bị thiếu không khí hoặc kêu lên tiếng la cầu cứu. Hắn cố gắng kiềm hãm cơn chóng mặt bằng cách tựa đầu vào ghế và nhắm mắt lại rồi chìm vào giấc ngủ không bao giờ thức dậy...



    ( Trích trong tập truyện dài VIÊN ĐẠN THÙ CHỦ NGHĨA )
Working...
X