Ông già Khản có tật uống là phải uống cho đã. Nhậu khan, nhậu có mồi, nhậu mình ên hay nhậu với bạn, những lúc đó đừng có ai xía vô chọc ghẹo mà mang họa. Khi ngồi vô bàn rồi, cầm cái hũ chìm, ổng tưởng mình đã cầm ấn soái trong tay. Ổng hét rân vợ con chạy có cờ, hối mua thêm nước, hối lấy món cay, giọng nhão nhợt, mặt đỏ lòm như gà chọi.
Đố ai mà dám trái lệnh ổng, một hai phải làm theo lời ổng ngay. Muốn kêu nài, khiếu nại gì chờ ổng tỉnh hãy hay. Xớ rớ lần chần, là ổng rượt có cờ. Lâu ngày chày tháng, bà vợ biết tánh ổng nên nín nhịn cho qua, cương với ba tên say chẳng khác ngồi nói với đầu gối. Lũ nhóc nhà ổng còn đặc biệt hơn nữa, thấy mẹ muốn sửng cồ, tụi nó áp vô can: thôi mà má, tía còn thú vui gì khác nữa đâu mà má cằn nhằn hoài.
Bà già lại nạt ngang: chả đã ngang như cua, bây lại còn bắc thang cho chả leo nữa. Rồi bà bặm trợn: tao hết tiền rồi, uống nữa biểu chả móc túi ra mua. Bọn nhỏ lẳng lặng rút đi, một lát dìa xách be khác, đầy ắp, mới tinh. Chúng có tài ba gì đâu chớ, chẳng qua chạy ra chú Xồi năn nỉ mua cho tía chúng vui.
Chú Xồi là ông già tàu sang đây lúc đầu đi mua ve chai. Ngày ngày gánh hai giỏ đi cùng làng khắp xóm, cất giọng ê a: de chai pán hôn. Nghe đồn, một lần ổng mua trúng cái bình phích rẻ rề, ai dè bên trong vỏ có dấu vàng lá. Chú bỏ nghề ve chai, mở quán chạp phô cái rột, ai hỏi chú nói “ pà con pên tào cho ngộ tìn “. Chẳng ai hơi đâu dò la xem chiện này thiệt giả tới đâu.
Chú mở cái quán xập xệ bán đủ thứ, từ củ hành, mớ rau, dầu lửa, nước mắm, thậm chí đến nhựt trình cũ, bánh bẻng, xi rô, nước đá. Người trong xóm, ai mua thiếu mua chịu, chú bán hết. Được cái bà con kẹt thì thiếu, chừng kiếm được chút nào là trả bớt, chớ ít ai chịu quịt luôn. Chú có bà vợ mập thu lu, bà con gặp khen “ nị, hủ leng “ thiếm mừng lắm, cười rỏn rẻng.
Đứa con gái chú cũng vào hạng có sắc, người nào ưa thì lăng xăng trêu ghẹo, người nào không có ý tình thì giỡn chơi “ ngộ ái nị, tắc hầm tắc “ bị con nhỏ liếc cái nào cái nấy thiếu điều muốn lọt mương. Khách vô mua hàng, nghe gia đình chú nói chuyện với nhau cứ ngỡ là đám cãi nhau, có người hỏi, chú hề hề cười “ người tào tui dị, hổn phải oánh lộn đâu “.
Cái xóm khi không lọt một nhà người Tàu vô líu la líu lô nghe cũng vui. Thét rồi coi nhau như cùng một gốc. Đối với gia đình ông già Khản, chú Xồi có nương nhẹ hơn. Biết ổng hay nát rươu, bà vợ cằn nhằn, nên bọn nhỏ ra mua chú bán liền, chỉ qua bữa sau là bà già hết giận chính bả lại tới hỏi: bữa hôm xấp nhỏ mua thiếu nhiêu, tui trả.
Ông già nhậu quắc cần câu mà còn nói mẽ: tao nhậu cho đỡ buồn, rồi mai mốt bây coi. Chả biết bây coi là cái thứ gì, nhưng năm này tháng nọ ổng vẫn tàng tàng như vậy, hổng tấn hổng thối gì hết. Ổng ngồi nhậu một mình thì thôi, còn hễ thoáng thấy ai đi ngang là hét: vô làm một ly rồi đi tụi. Có lần ổng líu lưỡi nói ngược trật lất, “ làm một ly “ thì ổng biểu là “ lì một lam “. Thây kệ ổng, dân chòm xóm ai cũng hiểu hết. Có điều ai ưng đến với ông và tham gia vô bàn tiệc với ổng hay chăng, mới là điều đáng nói..
Khứa Tiên ở liền sau nhà ổng. Tội nghiệp khứa trẻ người non dạ nên sợ ông bằng chết. Hễ bị ổng sên là bắt uống tới bò lê bò càng. Uống đến xoay mòng mòng, cái đầu cà ngúc cà ngắc mà ổng hổng tha. Một hai ổng dọa đòi úp ly ăn vạ. Trò đời mấy cha tự nhận “ là con Ngọc Hoàng “ rất kỵ chiện úp ly. Vì úp cái ly xuống là coi như dứt tình dứt nghĩa, dứt nợ dứt nần. Nữa sau nhà ai có cháy, vợ ai có bịnh, con ai có nguy, cũng kệ muốn xử ra sao thì làm. Ổng hổng khi nào còn bước tới hỏi thăm hay đỡ đần nữa.
Phương chi khứa Tiên lại ngấp nghé cô Xỏn, con gái ổng. Điều này chính ổng khơi mào với khứa do một lần chộp được bắt nhậu. Ổng nói đứa nào muốn làm rể tao phải uống cỡ cha vợ, tao mới nghe. Còn không (ổng xua tay rào rào) đi chơi chỗ khác. Khứa Tiên lúng túng, trai nào muốn vợ mà chẳng phải o bế ông già tía. Huống chi cô Xỏn cũng đã ỏn ẻn thưa với anh: tía em say nói ồm oàm vậy thôi, chớ ổng tận tình tận nghĩa lắm. Đây rồi anh dìa ở rể mới thấy ổng lo lắng hết mình.
Có lần khứa Tiên sang chơi, ông già bận đi đám, bà già gom lời vô: nè mày đừng mau mắn xề vô ổng mà hư thân mất nết đó nghe. Ổng quá đát rồi, buồn thỉu buồn thiu vì tình đời, thế sự nên làm nư mượn ba sợi cho quên. Mày con trẻ, đừng bắt chước mà mang đọa. Tao lỡ rồi, ở với ổng chừng này mặt con, sắp rủ nhau xuống lỗ hết trơn , hổng lẽ bỏ nhau cái rụp mà đi. Chớ nhiều lúc tao chịu đời hết thấu. Chẳng qua tại tao nợ chả nhiều đời nhiều kiếp, trả hoài hổng hết, bây ơi. Chả nắm áo tao trèo trẹo, hồi tao đau nằm một chỗ mong chết phứt cho rồi, chả cứ bò vô năn nỉ: tui hối hận rồi, bà đừng bỏ tui nhen. Tao bắt ổng hứa đừng lai rai ba sợi nữa, ổng sợ tao chết, ổng gật ào ào. Chừng tao mạnh mạnh, chả quên trớt. Thì bởi số tao nợ chả mà.
Cô Xỏn nghe má kể tội tía cản ngăn: chèn ơi, má sao kỳ. Anh Tiên qua chơi mà má đi khai hết tật xấu của tía. Ảnh sợ rồi hổng dám xin cưới con sao má. Cổ nói gọn bâng, như người ta ăn cơm rồi chiêu ngụm nước. Khứa Tiên không có ý đồ đó, cổ biết chắc vậy, nên nói cho vui miệng làm quà.
Có kỳ ông già Khản nhậu điếc điếc rồi, chợt nhớ tới anh con rể tương lai, kêu xổng cô Xỏn đi kiếm bắt khứa về. Con gái cũng ba chưn bốn cẳng dọt, nhưng tìm được Tiên rồi thì xúi anh đi biệt vô rừng đi, chờ tối hãy dìa. Bữa đó, khứa đi mỏi cẳng, buồn tay buồn tình hổng biết để đâu, trời tối mò lết bết về, phải đi vòng lối sau để ông già vợ khỏi thấy.
Cô Xỏn cũng nhóng chờ nên gặp anh ra dấu là ổng say ngủ rồi và nhỏn nhoẻn cười làm duyên với anh. Khứa đi cái rột vô nhà mà còn len lén liếc cô Xỏn lâu lâu một chút. Bất ngờ khứa sụp cái hố, loạng choạng muốn té, cô Xỏn cười rũ rượi, mặt khứa đỏ bừng vì thẹn.
Hồi trước, ông già Khản đâu có bết bát vậy. Chẳng qua, làng buộc ổng ra nhận chức xã trưởng, ổng từ chối hoài hổng được, nên đi đâu cũng xách củ triện theo. Bạ đâu ổng cũng sẵn sàng ghi lời phê và đóng dấu cái cụp, không hạnh nẹ, hay làm khó làm dễ ai bao giờ. Dân thường khen ổng chịu chơi. Đến thời đổi thay, người ta bắt ổng đi cải tạo, vô trại người ta bắt làm tờ khai lý lịch. Ổng làm tới làm lui mà vẫn bị chê chưa đạt yêu cầu, người ta đòi ông phải khai lý do vì sao nhận làm Xã. Ổng nói hết ý mà họ hổng tin, bất nhân là có cái thằng hồi xưa xin ông chứng nhận là nó đậu bằng gì đó, ổng đòi xem bản chánh, nó hổng có, ổng không ký, thời thế chuyển dời nó tố ông lung tung.
Ông ở tù lâu bằng chết. Được thả ra, ông ngơ ngơ ngáo ngáo. Ở tù ổng bị người ta hành, về nhà ông hành vợ con trả thù. Sanh tật lai rai ba sợi từ đó. Tay khu vực lâu lâu tạt ngang hỏi sương sương: nghe nói chú Ba dìa o ép thím quá xá, coi chừng người ta kiểm điểm đưa vô trại lại nghen chú. Ông nghe lỏn tỏn cười ruồi, nói năm điều ba chuyện cho tay “ cá “ bỏ đi. Sau đó ông hăm he vợ con: đứa nào bép xép tâng công tao đập bể mỏ.
Ổng mượn ba sợi để lắng nỗi buồn, thét rồi trở thành người điếc hết sợ súng. Các tay khu vực đổi thay nhau thét cũng lơ là cho qua, mục đích họ còn lo ba chuyện kiếm ăn trọng đại hơn, hơi đâu chấp nê ông già say vì thời cuộc.
Hồi có tin được chấp thuận cho ra đi, ông già Khản nôn lắm. Bàn bạc với vợ thì bà kêu lấy tiền đâu lo lót mà tính chuyện trên trời. Ông càng thất chí dữ hơn, càng đắm chìm vào cái be cho quên, quên hết. Lần lần thời buổi cũng dễ dãi và nhạt đi, các giới chức đổ xô vào những nơi có tiền để hoạch họe, chớ còn gia đình ông còn gì đâu mà họ để mắt tới.
Ông già Khản không làm vương làm tướng ngoài xã hội thì về làm láo ở gia đình. Ông nẹt vợ, nẹt con, thậm chí khứa Tiên chưa là rể mà ổng cũng nạt ngang để lấy uy. Cô Xỏn có khuyên can thì ổng la rầm lên: chưa chi mày đã binh chằm chằm nó, ờ phải mà, chồng mới lo chớ cần lo gì tới tao. Cô Xỏn một hai thưa: tía à, tía say rồi. Ông già Khản càng la lớn hơn: ờ tao say còn biết gì, chỉ có thằng Tiên là tỉnh, hèn gì mày coi nó trọng hơn tao mà.
Cô Xỏn lắc đầu quầy quậy, chịu thua nước buộc tội của tía. Cô lảng lảng bỏ đi, ông già Khản mất đối tượng cũng rỏn rẻn êm cho rồi. Ông loạng quạng định lết ra quán chú Xồi, nhưng chưn ông bết bát quá, đi không vững nên cà ịch cà đụi chun tuốt vô đánh một giấc cho xong. Bà vợ thấy ông xìa xìa cũng tránh né để ổng khỏi câu mâu với bà nữa.
Chỉ một loáng nghe ông ngáy như sấm. Hơi thở ông phì phì như bễ lò rèn. Ông ngủ mê mà miệng vẫn rền rền: tao hổng say, tao hổng say. Bấy giờ, bà vợ và sắp nhỏ mới bắt đầu đi dọn dẹp chén, chai của ông. Trăm lần như một, không hề kêu ca, cằn nhằn. Cô Xỏn rắp tâm binh vực tía nên nói nịnh má: con thấy chưa ai có phước như tía. Ổng nhậu tới bến mà má hổng rên, trái lại còn lo cho tía hết mực.
Bà má nghe con gái khen cũng hãnh diện, nhưng còn làm ra vẻ e lệ: chớ hổng lo, ổng có chịu để yên cho má con mình đâu. Chả thua thịệt ngoài đời nên thua me gỡ bài cào với má con mình. Và để lấp liếm cho qua, bà hối mấy nhỏ: tụi bay lo làm tới đi, còn đi nghỉ một chút. Chiều chả dậy lại hét dọn bàn cho chả bây giờ.
Gia đình ông già Khản như vậy đó. Ông nhậu như trâu uống nước, say lặc lè mà vắng rượu là nhớ. Nhậu rồi cũng bày đặt xổ thơ, ông cất giọng ngâm nhừa nhựa: sự đời một cục rối tinh, lai rai ba sợi buồn tình nản ghê. Nặn mãi mới được một câu có vần có nhịp, ông tỏ vẻ hài lòng. Đi đâu, hay nhậu với ai ông cũng đem ra khoe. Riết rồi ai cũng thuộc, ổng vừa cất lên gần hết câu thì cả bọn nhập vô đồng thanh như hát điệp khúc cuối buồn tình nản ghê, tiếng người cao kẻ thấp, ồ ề, chộn rộn hết nói. Vậy mà vui.
ST ! (Tác Giả: Huân Long )
Đố ai mà dám trái lệnh ổng, một hai phải làm theo lời ổng ngay. Muốn kêu nài, khiếu nại gì chờ ổng tỉnh hãy hay. Xớ rớ lần chần, là ổng rượt có cờ. Lâu ngày chày tháng, bà vợ biết tánh ổng nên nín nhịn cho qua, cương với ba tên say chẳng khác ngồi nói với đầu gối. Lũ nhóc nhà ổng còn đặc biệt hơn nữa, thấy mẹ muốn sửng cồ, tụi nó áp vô can: thôi mà má, tía còn thú vui gì khác nữa đâu mà má cằn nhằn hoài.
Bà già lại nạt ngang: chả đã ngang như cua, bây lại còn bắc thang cho chả leo nữa. Rồi bà bặm trợn: tao hết tiền rồi, uống nữa biểu chả móc túi ra mua. Bọn nhỏ lẳng lặng rút đi, một lát dìa xách be khác, đầy ắp, mới tinh. Chúng có tài ba gì đâu chớ, chẳng qua chạy ra chú Xồi năn nỉ mua cho tía chúng vui.
Chú Xồi là ông già tàu sang đây lúc đầu đi mua ve chai. Ngày ngày gánh hai giỏ đi cùng làng khắp xóm, cất giọng ê a: de chai pán hôn. Nghe đồn, một lần ổng mua trúng cái bình phích rẻ rề, ai dè bên trong vỏ có dấu vàng lá. Chú bỏ nghề ve chai, mở quán chạp phô cái rột, ai hỏi chú nói “ pà con pên tào cho ngộ tìn “. Chẳng ai hơi đâu dò la xem chiện này thiệt giả tới đâu.
Chú mở cái quán xập xệ bán đủ thứ, từ củ hành, mớ rau, dầu lửa, nước mắm, thậm chí đến nhựt trình cũ, bánh bẻng, xi rô, nước đá. Người trong xóm, ai mua thiếu mua chịu, chú bán hết. Được cái bà con kẹt thì thiếu, chừng kiếm được chút nào là trả bớt, chớ ít ai chịu quịt luôn. Chú có bà vợ mập thu lu, bà con gặp khen “ nị, hủ leng “ thiếm mừng lắm, cười rỏn rẻng.
Đứa con gái chú cũng vào hạng có sắc, người nào ưa thì lăng xăng trêu ghẹo, người nào không có ý tình thì giỡn chơi “ ngộ ái nị, tắc hầm tắc “ bị con nhỏ liếc cái nào cái nấy thiếu điều muốn lọt mương. Khách vô mua hàng, nghe gia đình chú nói chuyện với nhau cứ ngỡ là đám cãi nhau, có người hỏi, chú hề hề cười “ người tào tui dị, hổn phải oánh lộn đâu “.
Cái xóm khi không lọt một nhà người Tàu vô líu la líu lô nghe cũng vui. Thét rồi coi nhau như cùng một gốc. Đối với gia đình ông già Khản, chú Xồi có nương nhẹ hơn. Biết ổng hay nát rươu, bà vợ cằn nhằn, nên bọn nhỏ ra mua chú bán liền, chỉ qua bữa sau là bà già hết giận chính bả lại tới hỏi: bữa hôm xấp nhỏ mua thiếu nhiêu, tui trả.
Ông già nhậu quắc cần câu mà còn nói mẽ: tao nhậu cho đỡ buồn, rồi mai mốt bây coi. Chả biết bây coi là cái thứ gì, nhưng năm này tháng nọ ổng vẫn tàng tàng như vậy, hổng tấn hổng thối gì hết. Ổng ngồi nhậu một mình thì thôi, còn hễ thoáng thấy ai đi ngang là hét: vô làm một ly rồi đi tụi. Có lần ổng líu lưỡi nói ngược trật lất, “ làm một ly “ thì ổng biểu là “ lì một lam “. Thây kệ ổng, dân chòm xóm ai cũng hiểu hết. Có điều ai ưng đến với ông và tham gia vô bàn tiệc với ổng hay chăng, mới là điều đáng nói..
Khứa Tiên ở liền sau nhà ổng. Tội nghiệp khứa trẻ người non dạ nên sợ ông bằng chết. Hễ bị ổng sên là bắt uống tới bò lê bò càng. Uống đến xoay mòng mòng, cái đầu cà ngúc cà ngắc mà ổng hổng tha. Một hai ổng dọa đòi úp ly ăn vạ. Trò đời mấy cha tự nhận “ là con Ngọc Hoàng “ rất kỵ chiện úp ly. Vì úp cái ly xuống là coi như dứt tình dứt nghĩa, dứt nợ dứt nần. Nữa sau nhà ai có cháy, vợ ai có bịnh, con ai có nguy, cũng kệ muốn xử ra sao thì làm. Ổng hổng khi nào còn bước tới hỏi thăm hay đỡ đần nữa.
Phương chi khứa Tiên lại ngấp nghé cô Xỏn, con gái ổng. Điều này chính ổng khơi mào với khứa do một lần chộp được bắt nhậu. Ổng nói đứa nào muốn làm rể tao phải uống cỡ cha vợ, tao mới nghe. Còn không (ổng xua tay rào rào) đi chơi chỗ khác. Khứa Tiên lúng túng, trai nào muốn vợ mà chẳng phải o bế ông già tía. Huống chi cô Xỏn cũng đã ỏn ẻn thưa với anh: tía em say nói ồm oàm vậy thôi, chớ ổng tận tình tận nghĩa lắm. Đây rồi anh dìa ở rể mới thấy ổng lo lắng hết mình.
Có lần khứa Tiên sang chơi, ông già bận đi đám, bà già gom lời vô: nè mày đừng mau mắn xề vô ổng mà hư thân mất nết đó nghe. Ổng quá đát rồi, buồn thỉu buồn thiu vì tình đời, thế sự nên làm nư mượn ba sợi cho quên. Mày con trẻ, đừng bắt chước mà mang đọa. Tao lỡ rồi, ở với ổng chừng này mặt con, sắp rủ nhau xuống lỗ hết trơn , hổng lẽ bỏ nhau cái rụp mà đi. Chớ nhiều lúc tao chịu đời hết thấu. Chẳng qua tại tao nợ chả nhiều đời nhiều kiếp, trả hoài hổng hết, bây ơi. Chả nắm áo tao trèo trẹo, hồi tao đau nằm một chỗ mong chết phứt cho rồi, chả cứ bò vô năn nỉ: tui hối hận rồi, bà đừng bỏ tui nhen. Tao bắt ổng hứa đừng lai rai ba sợi nữa, ổng sợ tao chết, ổng gật ào ào. Chừng tao mạnh mạnh, chả quên trớt. Thì bởi số tao nợ chả mà.
Cô Xỏn nghe má kể tội tía cản ngăn: chèn ơi, má sao kỳ. Anh Tiên qua chơi mà má đi khai hết tật xấu của tía. Ảnh sợ rồi hổng dám xin cưới con sao má. Cổ nói gọn bâng, như người ta ăn cơm rồi chiêu ngụm nước. Khứa Tiên không có ý đồ đó, cổ biết chắc vậy, nên nói cho vui miệng làm quà.
Có kỳ ông già Khản nhậu điếc điếc rồi, chợt nhớ tới anh con rể tương lai, kêu xổng cô Xỏn đi kiếm bắt khứa về. Con gái cũng ba chưn bốn cẳng dọt, nhưng tìm được Tiên rồi thì xúi anh đi biệt vô rừng đi, chờ tối hãy dìa. Bữa đó, khứa đi mỏi cẳng, buồn tay buồn tình hổng biết để đâu, trời tối mò lết bết về, phải đi vòng lối sau để ông già vợ khỏi thấy.
Cô Xỏn cũng nhóng chờ nên gặp anh ra dấu là ổng say ngủ rồi và nhỏn nhoẻn cười làm duyên với anh. Khứa đi cái rột vô nhà mà còn len lén liếc cô Xỏn lâu lâu một chút. Bất ngờ khứa sụp cái hố, loạng choạng muốn té, cô Xỏn cười rũ rượi, mặt khứa đỏ bừng vì thẹn.
Hồi trước, ông già Khản đâu có bết bát vậy. Chẳng qua, làng buộc ổng ra nhận chức xã trưởng, ổng từ chối hoài hổng được, nên đi đâu cũng xách củ triện theo. Bạ đâu ổng cũng sẵn sàng ghi lời phê và đóng dấu cái cụp, không hạnh nẹ, hay làm khó làm dễ ai bao giờ. Dân thường khen ổng chịu chơi. Đến thời đổi thay, người ta bắt ổng đi cải tạo, vô trại người ta bắt làm tờ khai lý lịch. Ổng làm tới làm lui mà vẫn bị chê chưa đạt yêu cầu, người ta đòi ông phải khai lý do vì sao nhận làm Xã. Ổng nói hết ý mà họ hổng tin, bất nhân là có cái thằng hồi xưa xin ông chứng nhận là nó đậu bằng gì đó, ổng đòi xem bản chánh, nó hổng có, ổng không ký, thời thế chuyển dời nó tố ông lung tung.
Ông ở tù lâu bằng chết. Được thả ra, ông ngơ ngơ ngáo ngáo. Ở tù ổng bị người ta hành, về nhà ông hành vợ con trả thù. Sanh tật lai rai ba sợi từ đó. Tay khu vực lâu lâu tạt ngang hỏi sương sương: nghe nói chú Ba dìa o ép thím quá xá, coi chừng người ta kiểm điểm đưa vô trại lại nghen chú. Ông nghe lỏn tỏn cười ruồi, nói năm điều ba chuyện cho tay “ cá “ bỏ đi. Sau đó ông hăm he vợ con: đứa nào bép xép tâng công tao đập bể mỏ.
Ổng mượn ba sợi để lắng nỗi buồn, thét rồi trở thành người điếc hết sợ súng. Các tay khu vực đổi thay nhau thét cũng lơ là cho qua, mục đích họ còn lo ba chuyện kiếm ăn trọng đại hơn, hơi đâu chấp nê ông già say vì thời cuộc.
Hồi có tin được chấp thuận cho ra đi, ông già Khản nôn lắm. Bàn bạc với vợ thì bà kêu lấy tiền đâu lo lót mà tính chuyện trên trời. Ông càng thất chí dữ hơn, càng đắm chìm vào cái be cho quên, quên hết. Lần lần thời buổi cũng dễ dãi và nhạt đi, các giới chức đổ xô vào những nơi có tiền để hoạch họe, chớ còn gia đình ông còn gì đâu mà họ để mắt tới.
Ông già Khản không làm vương làm tướng ngoài xã hội thì về làm láo ở gia đình. Ông nẹt vợ, nẹt con, thậm chí khứa Tiên chưa là rể mà ổng cũng nạt ngang để lấy uy. Cô Xỏn có khuyên can thì ổng la rầm lên: chưa chi mày đã binh chằm chằm nó, ờ phải mà, chồng mới lo chớ cần lo gì tới tao. Cô Xỏn một hai thưa: tía à, tía say rồi. Ông già Khản càng la lớn hơn: ờ tao say còn biết gì, chỉ có thằng Tiên là tỉnh, hèn gì mày coi nó trọng hơn tao mà.
Cô Xỏn lắc đầu quầy quậy, chịu thua nước buộc tội của tía. Cô lảng lảng bỏ đi, ông già Khản mất đối tượng cũng rỏn rẻn êm cho rồi. Ông loạng quạng định lết ra quán chú Xồi, nhưng chưn ông bết bát quá, đi không vững nên cà ịch cà đụi chun tuốt vô đánh một giấc cho xong. Bà vợ thấy ông xìa xìa cũng tránh né để ổng khỏi câu mâu với bà nữa.
Chỉ một loáng nghe ông ngáy như sấm. Hơi thở ông phì phì như bễ lò rèn. Ông ngủ mê mà miệng vẫn rền rền: tao hổng say, tao hổng say. Bấy giờ, bà vợ và sắp nhỏ mới bắt đầu đi dọn dẹp chén, chai của ông. Trăm lần như một, không hề kêu ca, cằn nhằn. Cô Xỏn rắp tâm binh vực tía nên nói nịnh má: con thấy chưa ai có phước như tía. Ổng nhậu tới bến mà má hổng rên, trái lại còn lo cho tía hết mực.
Bà má nghe con gái khen cũng hãnh diện, nhưng còn làm ra vẻ e lệ: chớ hổng lo, ổng có chịu để yên cho má con mình đâu. Chả thua thịệt ngoài đời nên thua me gỡ bài cào với má con mình. Và để lấp liếm cho qua, bà hối mấy nhỏ: tụi bay lo làm tới đi, còn đi nghỉ một chút. Chiều chả dậy lại hét dọn bàn cho chả bây giờ.
Gia đình ông già Khản như vậy đó. Ông nhậu như trâu uống nước, say lặc lè mà vắng rượu là nhớ. Nhậu rồi cũng bày đặt xổ thơ, ông cất giọng ngâm nhừa nhựa: sự đời một cục rối tinh, lai rai ba sợi buồn tình nản ghê. Nặn mãi mới được một câu có vần có nhịp, ông tỏ vẻ hài lòng. Đi đâu, hay nhậu với ai ông cũng đem ra khoe. Riết rồi ai cũng thuộc, ổng vừa cất lên gần hết câu thì cả bọn nhập vô đồng thanh như hát điệp khúc cuối buồn tình nản ghê, tiếng người cao kẻ thấp, ồ ề, chộn rộn hết nói. Vậy mà vui.
ST ! (Tác Giả: Huân Long )