Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Tàn Cuộc Hoa Này

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tàn Cuộc Hoa Này

    Đợi nhau tàn cuộc hoa này,
    Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ...

    Đầu muà hè 1981, từ một trại cải tạo ở Phan Rang tôi được thả về.
    Sáu năm dâu bể đã đổi thay bộ mặt Sài gòn. Một vài con đường tự dưng được mang những cái tên lạ hoắc. Chợ búa, phố xá tiêu điều và người ngợm tang thương. Nhìn đâu cũng chỉ thấy những khuôn mặt vô cảm. Sự nhẫn nhục chịu đựng, những lo sợ không tên làm cho bầu không khí Sàigon ngột ngạt khó thở. Việc đầu tiên sau khi trình diện công an phường là mượn chiếc xe lọc cọc của thằng em, một sáng thật sớm, tôi đạp chầm chậm một vòng thăm thành phố cũ.
    Hết đường Hai Bà Trưng đến công trường Mê Linh, rồi quẹo trái vào cổng Bộ Tư Lệnh Hải quân. Tôi ngơ ngẩn nhìn quanh, những hình ảnh yêu dấu ngày nào bây giờ chỉ còn là lãng đãng sương mù quá khứ. Toà nhà Bộ Tư Lệnh xám xịt cũ kỹ. Vườn hoa sát bờ sông trước cổng Bộ Tư lệnh đã biến ra một mảnh vườn nham nhở với vài ba luống rau lang úa vàng cùng những cọng sắn ốm nhom, èo uột.
    Mấy ngày kế tiếp tất bật qua đi. Tôi tìm gặp một số anh em trong tù đã được tha ra từ trước để dò hỏi đường đi nước bước. Tôi hối hả gia nhập đám vô công rỗi nghề này, tối ngày hết tụ tập cà phê đến rảo các chợ trời, tìm cách mua đi bán lại mọi thứ thượng vàng hạ cám, trong lúc hai tai vểnh lên hết cỡ để nghe ngóng tuy dô.


    Không thể là một người nào khác mặc dù chị đã thay đổi đến độ kinh hoàng. Tôi gặp lại vợ Tuấn vào một buổi trưa hè trên đường Hoà Hưng, người đàn bà trẻ, đội chiếc nón lá, bộ quần áo bạc màu tơi tả trên một thân mình khẳng khiu, hai tay ôm chặt một cái bọc nhỏ ở ngực, đang kéo lê đôi dép trên đường.
    Tôi đạp xe sát vào lề rồi gọi lớn:
    – Chị Tuấn, chị Tuấn!
    Người đàn bà vẫn không quay lại, cũng không ngừng bước, tôi dừng xe, sững sờ. Không lẽ Lan Khanh, cô nữ sinh hoa khôi lớp 12 A3 Lê văn Duyệt ngày nào đây sao, vợ của một ông Hải quân trung úy đây sao?
    Bên kia đường, người đàn bà đã lẫn vào đám đông hỗn độn gần chợ. Tôi nhìn quanh quẩn một hồi, rồi lặng lẽ đạp xe đi.
    Chiều vừa về đến nhà, tôi xuống bếp hỏi Tâm ngay:
    – Em có nhớ Khanh vợ Tuấn không, trưa nay anh vừa gặp ai như chị ấy.
    – Em không liên lạc với Khanh từ hồi đó đến giờ.
    – Anh cũng không gặp Tuấn từ ngày ra trường, rồi thêm sáu năm cải tạo, cũng gần cả chục năm rồi còn gì.
    Tôi kể sơ cho Tâm nghe chuyện gặp Khanh lúc trưa này trên Hoà Hưng, Tâm gặng:
    – Mà anh có chắc là Khanh không?
    – Chắc mà, không thể có còn ai khác. Em còn nhớ nhà Khanh ngày xưa không?
    – Em nhớ mang máng hình như trong khu Ngã ba Ông Tạ, nhưng đó là nhà Khanh trước khi lấy Tuấn chứ em sợ sau này Khanh không còn ở chỗ ấy.
    – Hay là mình đến tìm thử xem, biết đâu.
    Ngay chiều hôm đó, tôi chở Tâm đến khu Ngã ba Ông Tạ, sau một hồi lộn đi lộn lại, lách từ ngỏ này qua ngỏ khác, hỏi han đủ cả mọi người, cuối cùng chúng tôi cũng kiếm ra nhà.
    Đúng là Lan Khanh. Lan Khanh của 12 A3 Lê văn Duyệt ngày nào.
    Khanh ngồi đó trước hàng hiên nhà mình, trong bộ áo quần cũ bạc màu. Khuôn mặt xanh, gầy ốm đến thảm hại, nhưng trên khuôn mặt, trong ánh mắt vô hồn ấy vẫn còn phảng phất bóng dáng xinh đẹp của Khanh ngày xưa. Tâm bấu chặt vào lưng tôi run rẩy.
    Không kịp đợi tôi ngừng xe, Tâm đã vội nhảy xuống, chạy lại bên Khanh, ràn rụa nước mắt:
    – Khanh, Khanh, sao lại ra nông nỗi này. Khanh có nhận ra Tâm không?
    Vài người hàng xóm tò mò nhìn sang, rồi một người đi lại gần tôi nói nhỏ:
    – Tội nghiệp, cô ấy điên nhưng hiền lắm.
    Tâm nắm tay Khanh đi vào nhà, căn nhà tối đen, có giọng một bà cụ già cất lên:
    – Ai đấy?
    – Dạ con là bạn của Khanh hồi còn đi học và anh Hải chồng con là bạn cùng khóa với anh Tuấn, chúng con đến thăm Khanh và bác.
    – Anh chị đợi chút nhé, để bác đốt ngọn đèn lên tí đã, hồi này điện cứ bị cúp hoài
    Ngọn đèn dầu thắp lên soi sáng nhờ nhờ một căn phòng nhỏ. Căn phòng trống trơn chỉ có chiếc divan và một cái bàn con. Khanh đến ngồi im lặng bên cạnh mẹ, Tâm nghẹn ngào:
    – Sao Khanh lại ra nông nỗi này hở bác?
    Mẹ Khanh không trả lời, đưa mắt nhìn lên bàn thờ, tôi nhìn theo mắt cụ, hình hai vợ chồng Tuấn tay bồng một đứa con khoảng vài tháng đang tươi cười bên nhau. Tôi chợt lạnh cả sống lưng...
    Có tiếng động ở cửa, một người thanh niên lách vào, nhìn thấy chúng tôi, anh lên tiếng chào rồi quay qua nhìn cụ như có ý hỏi, mẹ Khanh nhìn chúng tôi:
    – Đây là em Tín, em của Khanh, còn đây là anh chị bạn của Khanh Tuấn nhà mình đó con.
    Tín quay qua chúng tôi lễ phép thưa hỏi một lần nữa, rồi xin phép ra sau thay đồ, chưa đầy năm phút em đã trở ra, ngồi xuống ghế đối diện chúng tôi.
    – Em chưa gặp anh chị bao giờ. Anh cùng khóa với anh Tuấn em hở? Anh ở tù mấy năm? Ra cải tạo lâu chưa?
    – Cũng gần 6 năm đó Tín, ở một trại ngoài Trung, anh mới được thả gần một tháng. Anh với Tuấn không gặp lại nhau từ hồi hai đứa ra trường vì duyên đoàn anh đóng ở vùng 1, còn Tuấn thì đi giang đoàn ở vùng 4 từ ngày ra trường cho đến 75.
    Tâm nóng ruột chen vào:
    – Khanh bị... thế này từ hồi nào hở Tín.
    – Gần năm rồi chị ạ, từ hồi cháu Uyên mất.
    – Thế anh Tuấn mất hồi nào, ở đâu?
    – Chắc anh bị tù ở ngoài miền Trung nên không hay. Anh Tuấn mất cuối năm 76 tại trại Long Giao. Vụ đó họ xử tử tới ba người, trong đó có anh Tuấn.
    Đầu năm 77 tôi có nghe phong phanh về vụ này, tại trại Long Giao, có ba sĩ quan trẻ bị xử bắn vì tội tổ chức trốn trại vào dịp tết, đâu ngờ một trong ba người là Tuấn khóa tôi.
    Bà cụ nghe nhắc đến tên cháu Uyên và Tuấn thì thút thít khóc. Bên kia, Tâm ôm lấy hai bàn tay gầy guộc của Khanh mà nước mắt đầm đìa, còn Khanh thì vẫn cứ im lặng vô hồn. Chuyện vãn một hồi lâu, tôi quay sang nhắc khẽ Tâm:
    – Mình về thôi em
    Tâm ngập ngừng đứng dậy, miệng méo xệch:
    – Thưa bác tụi cháu về.
    Quay qua cô bạn học ngày xưa, Tâm nghẹn ngào:
    – Khanh ơi, Tâm về đây, hôm nào mình lại thăm Khanh nhé.
    Tôi nhìn lên bàn thờ lần nửa, hình Tuấn tươi cười bồng con đứng bên vợ. Chiếc cầu lon Trung úy Hải quân vàng óng hai vai …
    Sau lần đó, tôi bận rộn tất bật tìm đường vượt biên, không có dịp trở lại ngã ba ông Tạ. Chỉ có Tâm lâu lâu lại lấy xe đạp, đạp lên nhà, lần nào đi thăm Khanh về, mắt Tâm cũng đỏ mọng vì khóc, mỗi lần thế tôi lại thấy lòng mình xốn xang như có tội với bạn bè.
    Tám tháng sau, mùa biển êm, chúng tôi quyết định ra đi.
    Tâm và tôi lên thăm Khanh lần cuối, Khanh càng ngày càng gầy, tám tháng dài như tám năm cho một người góa phụ, và tám năm thì có lẽ dài như... tám mươi năm cho một người đàn bà điên loạn. Tôi xót xa nhìn Khanh mà không biết phải nói gì, phải làm gì. Tôi bất lực nhìn lên bàn thờ, nhìn lên ảnh Tuấn, ngậm ngùi nhớ lại Tuấn của một thời sinh viên sĩ quan và Khanh của một thời con gái mới lớn. Như mới ngày nào …
    Tâm ôm lấy vai Khanh rồi chúng tôi chào mẹ Khanh để ra về. Cụ chợt bảo chúng tôi đợi nán một chút. Vói lên bàn thờ mẹ Khanh lấy xuống một cuốn tập nhỏ trao cho Tâm.
    – Đây là nhật ký của Khanh, cháu mang đi làm kỷ niệm. Tín bảo đốt đi để gửi về theo anh Tuấn nhưng bác vẫn mãi chần chừ. Bác vẫn hy vọng một ngày Khanh tỉnh trí trở lại, nhưng nay thì bác sợ ngày ấy sẽ không bao giờ đến.
    Bỏ cuốn nhật ký của Khanh vào túi xách, chúng tôi lặng lẽ đạp xe về.

    ST ! (Tác Giả: Lang Le )
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.
Working...
X