Ngày đó hai mẹ con tôi sống lăn lóc ở khu bán áo quần Tạ Thu Thâu, bên hông chợ Sài Gòn, mỗi ngày từ 5 giờ sáng đã dậy, phụ những chủ sạp dọn hàng, hoặc coi hàng giùm, kiếm chút tiền sinh sống hằng ngày. Lớn thêm một chút, tôi qua Khánh Hội, phụ ghe bán than, tình cờ trúng bãi vượt biên trôi nổi luôn. Từ Philippines tôi đến định cư ở Montréal, Canada, gần 5 tháng, sáng nào tôi cũng dậy sớm, tới lui trong căn phòng nhỏ do chính phủ cấp, sau đó lang thang về khu buôn bán của người Việt, tìm việc làm.
Hôm nay, tôi dậy sớm hơn mọi khi, vì là ngày vui nhất trong đời. Tôi tắm rửa, thay bộ đồ mới lãnh từ trung tâm từ thiện, ngồi làm ly cà phê, hút điếu thuốc, yên lặng vài phút...Tôi trịnh trọng móc bóp, chậm chạp lấy “nó” ra, đặt bên ly cà phê, “nó” là tờ giấy bạc 100 đô Mỹ, nhân vật chính làm nên ngày trọng đại hôm nay của đời tôi. Tờ 100 đô mới tinh nằm trước mặt, tôi cúi xuống ngửi mùi mực mới, di di ngón tay trên mặt giấy, tiếng sột soạt của “nó” làm tôi tự tin lạ thường, tôi ve vuốt con số 100, đầu ngón tay rần rần sướng. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi có được tờ 100 đô Mỹ trong tay.Hồi xưa ở Sài Gòn, hai mẹ con tôi lê la khắp hè, chái của trung tâm thành phố, hằng ngày tôi nghe đủ thứ: đô xanh, đô đỏ, vàng lậu, chợ đen, lên giá, xuống giá.vv... nhưng chuyện kiếm cơm hàng ngày đã quá chật vật với hai mẹ con, huống hồ gì có được tờ đô la hoặc chỉ vàng trong tay. Kể cả sau này vượt biên, tới trại tỵ nạn, tôi vẫn chưa bao giờ có “nó”, vì ngoài mẹ tôi ra, tôi hoàn toàn không có một thân nhân nào khác trên đời này, nên không ai gởi tiền cho, bởi vậy tờ đô la Mỹ vẫn rất xa vời đối với mẹ con tôi.
Nhưng hết rồi! Chuyện xa vời đó hôm nay đã qua đi! Hà! hà!... ngay lúc này, tờ 100 đô nằm trên bàn, trong nhà tôi, trong tay tôi và thuộc về tôi!... Tôi chồm xuống phà hơi thuốc, tờ 100 rung rung bay đi, tôi chụp lấy, nhẹ nhàng xếp làm đôi, bỏ thật sâu trong túi quần trước. Sáng nay, ngày trọng đại của tôi: Tôi sẽ gởi 100 đô Mỹ về Việt Nam cho mẹ tôi ăn Tết! Từ khi tìm được việc làm chắc chắn ở Montreal, tờ 100 đô Mỹ không còn xa lạ với tôi, và tôi muốn rằng “Nó” cũng không còn xa lạ với mẹ tôi! Tôi nhắm mắt lại... thấm thía được cái sung sướng của mẹ, khi lần đầu tiên trong đời cầm tờ 100 đô Mỹ trong tay mình.
Tranh : Bảo Huân
Năm năm tôi ra đi, mẹ tôi vẫn còn lăn lóc ngoài những chái hè Sài Gòn. Tôi cố kiếm tiền phụ giúp bà phần nào, cũng may gặp ông chủ tiệm may người Ấn, hiền lành, biết tôi không rành nghề ủi, nhưng thấy tôi chịu khó xốc vác, ít nói (tôi dốt tiếng Tây, tiếng Anh nên nói ít) nên cho làm, lương khá hơn thợ chuyên nghiệp. Nhờ vậy nên mới có ngày hôm nay. Ngày tôi hãnh diện gởi 100 đô Mỹ về cho mẹ tôi ăn Tết!Với 100 đô trong tay, mẹ tôi sẽ đổi ra tiền Việt, bà mua ngay một cái radio loại nhỏ, xài 4 cục pin, mỗi đêm khi phụ dọn hàng cho chủ sạp xong, bà tắm nhờ, rồi gọn ghẽ cuốn mình trong chiếc nệm mỏng nằm trong góc sạp, lim dim nghe cô Bạch Tuyết, cô Ngọc Giàu ca cải lương, dỗ giấc ngủ. Tôi còn nhớ hồi đó có ông già ăn xin người Tàu ngủ gần sạp mẹ con tôi, Ông có cái radio cát-sét, lúc nào cũng đeo sát vai, sau này thì cột chặt vô người vì có lần ngủ say, bị tụi nó giựt. Ông thích mẹ tôi nên cứ gạ ngủ gần, ông cho nghe cải lương. Bà không thích ông Tàu, nhưng mê cải lương nên cũng chịu nằm gần. Đêm kia, đang ngủ, tôi giựt mình, vì tiếng la của mẹ và tiếng rơi của vật gì. Mẹ tôi thức dậy, tất tả kéo tôi qua sạp khác.
Sáng hôm sau tôi thấy ông già Tàu bị bầm mắt, cầm cái radio bắt đền mẹ tôi, vì tối trước bà đạp ổng, đạp luôn cái radio bể thành hai mảnh. Mẹ tôi đòi kêu công an, ổng sợ, dọn đi mất. Từ đó bà không có cải lương nghe mỗi đêm, nên ước ao một cái radio nho nhỏ cho mình. Mua xong “ước ao nho nhỏ”, mẹ tôi sẽ sắm cái áo nỉ dài tay, mền len mỏng và ấm pha trà bằng điện. Trời Sài Gòn hay lạnh vào những ngày gần Tết, mẹ tôi mặc áo nỉ dài tay, khuya đắp mền len, đỡ lạnh. Tôi còn nhớ lúc đó hai mẹ con đắp chung cái mền dù; khi tôi bị sốt, bà bán đi mua thuốc, tôi vẫn không bớt. Gia tài hai mẹ con vỏn vẹn hai cái áo len cũ, bà bán một cái lấy tiền mua thêm thuốc, mỗi đêm cắn răng chịu lạnh, mặc cái áo len còn lại cho tôi. Phần tiền còn lại, mẹ tôi sẽ mua vé xe đò về thăm quê cũ.Quê cũ là một thôn nhỏ nghèo nàn nào đó đầy cát trắng và xương rồng dọc bờ biển Quảng Trị mà tôi chưa hề biết. Bà kể: Có năm mất mùa, dân làng không có gì ăn, phải chặt xương rồng phơi khô ăn độn với cơm, gia đình 5 người ở cuối thôn, ăn xong lăn ra chết. Làng tôi mùa đông thường bão lụt, năm nào biển cũng gây phong ba cuốn trôi nhà cửa, dân bỏ đi vì sinh kế. Mẹ tôi bồng con vô Huế ở mướn, sau đó theo người quen lưu lạc tận Sài Gòn. Nghe đâu bây giờ đỡ rồi, làng đã có điện, dân đã có tiền mua ghe máy, làm nghề biển. Về thăm quê, bà sẽ tặng ông bác họ chiếc ấm pha trà bằng điện, nhờ ông coi sóc mộ ba tôi. Ngày xưa nghèo quá, ba tôi đi lính Biệt-Kích Mỹ vì món tiền thưởng hậu, ông được cho ăn nhà hàng cho tới khi chuyển đến trại, ngày cuối cùng ông mang về nhà cho mẹ tôi gói tiền, mẹ tôi xuống chợ mua ít hàng tạp phẩm về bày ra bán lẻ kiếm sống. Ba tôi ra đi, ông hứa sẽ gởi tiền về. Mấy tháng sau, ông bị mìn, cụt chân trong trận đánh ở Trường Sơn, thành thương phế binh.
Sinh tôi xong ông cất cái chòi ở tạm, mùa Hè làm cá thuê cho chủ ghe, trồng thêm mấy luống ớt phụ tiền mua sữa cho tôi. Thất chí ông đâm nhậu nhẹt nên gia đình bắt đầu túng thiếu. Không lo nổi cho vợ, cho con, ông nổi khùng, lấy trái lựu đạn ra Quốc Lộ 1, nằm giữa đường xin tiền, được bao nhiêu cột trong lưng quần, ông định bụng, kiếm chút ít để đưa cả nhà vô Đà Nẵng kiếm sống. Tối đó, trên đường về làng ông bị cảnh sát chìm bắn chết vì tình nghi cộng sản. Mẹ tôi ra nhận xác, gói vải cất tiền biến mất. Mẹ tôi không có tiền mua hòm, bà con thương tình cho vài tấm chiếu, bó lại chôn ở bãi cát bên chân núi. Mẹ tôi đóng khúc thông khô khắc tên, làm dấu. Bây giờ có tiền, mẹ tôi đặt tấm bia đá, có ghi họ tên, ngày sinh, ngày tử, bà sẽ sung sướng biết bao nhiêu khi dân trong làng đi ngang mộ ba tôi với bia đá rõ ràng.Tôi sẽ làm việc, dành dụm gởi về cho mẹ nhiều hơn. Bà sẽ tìm một chỗ ăn ở đàng hoàng, cho cái radio về làng, mua một radio cát-sét mới. Tối bỏ vô máy cuộn băng của tôi gởi về thăm mẹ, khoe với người quen: “Bà con nghe không, con trai tui ở Canada đó!”
Nắng bắt đầu lấp lánh, báo hiệu một ngày đẹp.
- Ông có thể giúp tôi 25 xu?
À! Bà già ăn xin, tôi gặp bà nhiều lần ở trạm bus mà, chỉ có 25 xu, không sao! Tôi thọc tay vô túi tìm tiền lẻ. Không có… Túi trước…, đây 25 xu. Không, tôi có mấy cái 25 xu, cho bà hết! Hôm nay là ngày vui của tôi mà!
Bà Già nheo mắt nhìn.
- Cám ơn! Chúa phù hộ ông
Tôi băng qua đường, công ty chuyển tiền nằm trong building trước mặt, tôi chỉ cần bước vô, mở cửa, làm thủ tục, ký tên, xong! Hôm sau sẽ có người tới trao tận tay Mẹ tôi 100 đô la Mỹ! Hà hà,… 100 đô, 24 tiếng đồng hồ thôi! Lần đầu tiên trong đời, mẹ tôi sẽ cầm trong tay tờ 100 đô, bà sẽ khóc vì nhớ tôi, bà sẽ vui vì số tiền con mình gởi. Ơi tờ 100 đô!
- Xin ông giúp cho!
À! Những người quyên tiền của hội từ thiện, tôi vui vẻ móc túi tìm tiền lẻ. Túi quần Jean chật quá! Tôi loay hoay mới kéo ra được thêm vài cái 25 xu, bỏ vô lon.
- Xin cám ơn!
Tôi bước vô building, đẩy cửa văn phòng chuyển tiền.
- Chào cô! Tôi muốn gởi tiền về VN!
- Dạ được anh!... Dạ ở Sài Gòn?
- Dạ!
Cô ta đưa tôi mấy tờ giấy để ghi.
- Vì mẹ tôi không có điạ chỉ, phải nhờ điạ chỉ người khác!... tôi yêu cầu đúng tên mẹ tôi nhận tiền!
- Anh yên tâm! Chúng tôi sẽ đúng theo yêu cầu của khách… Dạ, 5 đô Canada cước phí , tổng cộng là 100 đô Mỹ và 5 đô Canada!
Tôi vui vẻ đặt 5 đô Canada trên bàn, thọc tay vô túi quần trước, lấy nó ra
Những ngón tay tôi tìm hết trong đáy túi quần trước.
- Ủa, mới đây mà!
- Sao anh?
Cô thư ký nhìn bàn tay tôi đang chậm rãi quơ quơ trong túi quần. Kỳ quá! Rõ ràng “nó” nằm trong túi quần trước mà, sao bây giờ “nó” biến mất! Tôi bỗng không tin mình, chậm rãi moi hết mọi túi từ trước ra sau, từ sau ra trước, cuối cùng thì biết chắc rằng: ngay bây giờ, không có tờ 100 đô Mỹ nào trong tất cả những túi trên người tôi!
Chắc anh rớt rồi!
- Không thể được!.. rõ ràng chính tay tôi bỏ “nó” vô túi này. Thôi chết rồi, cũng dám rớt lắm. Lúc lấy tiền cho bà ăn xin, cho từ thiện “nó” dám rớt ra lắm. Chết rồi!
Tôi bay xuống thang, qua những bậc cấp, băng qua đường.
- Kééééetttt!!!
Chiếc xe thắng lại, tôi nhảy ngược lên lề, may quá! nhóm từ thiện còn đó. Chắc họ lượm, mình tới xin lại thôi, có gì đâu mà lo.Tôi chạy tới ngã tư.Trời đất, đèn đỏ lâu quá. Tôi chạy qua đường.
Kkkééétttt… eéttt!
Mấy chiếc Xe thắng gấp.
- Mẹ mầy!
- Điên hả!
- Đồ Bò!!!
Thiên hạ chửi. Kệ, bây giờ quan trọng nhất với tôi là “nó”, tờ 100 đô Mỹ!
Tôi chạy tới nhóm từ thiện, nhìn từng phân vuông đất... Hú hồn! Đúng như tôi dự đoán: Tờ 100 đô của tôi còn đó, “nó” đang yên lặng nằm dưới mặt đường, sát trạm xe buýt, tôi không cần suy nghĩ, phóng tới.
- Trời Đất! Cha tự tử hả? Bus tới sát sau lưng kìa!
Bàn tay của ai đẩy mạnh, tôi ngã chúi tới trước và còn kịp thấy chiếc xe buýt đang ghé vô trạm. May quá, nếu không nhờ cú đẩy của người đàn ông da đen thì chết rồi! Không kịp cám ơn ông ta, tôi chạy ra sau xe buýt cúi xuống, thôi chết “nó” lại biến mất rồi, mới thấy mà. Tôi cúi sát xuống nữa. À, kia rồi! Thì ra xe buýt cuốn tờ 100 vô tuốt trong lườn xe. Tôi thở một hơi dài. Như vậy là “nó” chưa mất. Đợi xe buýt đi, mình lượm lại là xong. Không sao. Tôi đứng ngay đuôi xe buýt đợi, chiếc xe vẫn không nhúc nhích. Tôi đợi tiếp. Sao hôm nay xe buýt đi chậm vậy? Nãy giờ không hề thấy chiếc xe buýt nháy đèn ra đi. Tôi cúi xuống nhìn tờ 100 đô lần nữa cho chắc. “Nó” vẫn nằm im đó. Hay mình tìm nhánh cây khều “nó”. Tôi nhìn chung quanh. Trời đất, xứ gì sạch sẽ quá, ngoài đường cọng rác không có, huống gì nhánh cây. Tôi không dám bỏ đi tìm, sợ người khác thấy “nó”, lượm mất. Thôi ráng chờ thêm chút, không sao. Tôi ngồi xuống lề đường.
Xe buýt chớp đèn. Vậy là nó chạy. Mình sẽ lấy lại tờ 100 đô, mang gởi trễ chút cũng hề gì... Dù trễ mẹ vẫn nhận được niềm vui trong Tết này.
Chiếc xe buýt từ từ chạy đi, tôi phóng ngay tới “nó”, tờ 100 của tôi bị hơi gió của xe buýt cuốn lăn tăn bay ra đường. Tôi nhảy theo, chụp lấy.
- Kéééttt!!!
Chiếc xe thắng gấp lại, cách trán tôi chừng gang tay! Người tài xế run rẩy làm dấu thánh giá. Kệ! Mình còn sống nhăn, “nó” mới là chuyện quan trọng, tôi phải tóm “nó” cho bằng được. Xe cộ ăn nhằm gì, phải có “nó” trong tay ngay. Tôi nhìn chung quanh. Ủa, tờ 100 đô đâu rồi?... À kia, tại mình hoa mắt. Tờ 100 bị hơi gió của xe bốc lên đang bay tà tà vô lề, tôi lật đật chạy theo! Bay vô lề là chắc ăn rồi, khỏi lo. Tôi yên bụng đứng dậy, đúng lúc đó, một chiếc xe chạy qua, hơi gió làm “nó” đổi hướng bay về phía lề đường bên tôi. OK! Vậy là yên, không sao. Tờ 100 đô quí hóa đang bay về với tôi. Tôi bước nhanh tới...
Và điều tôi không ngờ được là lề đường bên đó có một miệng cống bằng gang đúc, với những khe hở trên mặt.
Tờ 100 đô của tôi nhẹ nhàng đáp giữa những khe hở của nắp cống. Tôi sợ quá, vừa bước tới vừa khấn trong bụng... “mầy ơi! đừng bay nữa!... đừng dại dột bay xuống cống... Tội nghiệp tao! Tội nghiệp mẹ tao!...” Nhưng lời khấn của tôi, của đứa con đang muốn giúp người mẹ nghèo khó, vẫn không đủ linh thiêng để cản chiếc xe đang chạy tới. Một hơi gió thổi nhẹ, tờ 100 đô bay nhẹ lên, xoay ngang nhẹ nhàng rơi xuống giữa những khe hở của mặt cống màu gang rỉ, trước đôi mắt vô vọng của tôi. Tôi lạnh người chồm tới cố gắng kéo cái nắp cống to. Trời ơi! Mẹ ơi, con làm sao bây giờ? Tôi thất vọng nằm xuống, nhìn qua những khe hở .“Nó” của tôi, tờ 100 đô của tôi xoay vòng trên mặt cống, rồi biến mất dưới vũng nước đen...
Ôi món quà Tết đầy những ước mơ của mẹ tôi, cái radio, chiếc áo nỉ dài tay, mộ bia cho ba tôi. Nụ cười hạnh phúc của mẹ tôi bỗng chốc tắt ngúm.
Tôi giận dữ đập tay vô nắp cống, cúi nhìn khoảng đen bất nhẫn, tối ngòm dưới kia... Dưới đó là 100 đô la của những ngày dài làm việc. Dưới đó là 100 đô của mẹ tôi, món của cải đầu tiên của cuộc đời buồn bã quạnh hiu, như những đụn cát khô hốc đầy xương rồng dọc bờ Quảng Trị, của người đàn bà nghèo khó, sống tất cả cho chồng cho con bằng cả trái tim, và hai bàn tay đen đúa gầy guộc.Tờ 100 đô là mộ bia cho ba tôi, người vén góp từng rổ ớt mang ra chợ ngày mùa đông lạnh cắt da để mua sữa nuôi tôi khôn lớn, là những ngày bão biển, mẹ tôi đứng nhìn ra chân trời tối đen ngoài khơi xa, vọng mãi cánh buồm tả tơi của ba tôi đi làm cá...
Tôi thất vọng đứng dậy. Trời bỗng lạnh, tôi run rẩy bước vô lề, ngồi bệt xuống, lặng lẽ thấm thía nỗi thất vọng to lớn trong đời. Bà cụ da đen đi ngang đứng lại nhìn. Tôi phân trần:
- My mother… One hundred dollars! ( ý tôi muốn nói: 100 đô của mẹ tôi!)
Có thể bà hiểu lầm tôi ăn xin nên mở bóp, lấy đồng 25 xu, bỏ vô tay tôi.
- Sorry! Mother has only 25 cents, God be with you!
Nhìn đồng 25 xu trên tay, nghĩ tới mẹ và ngày Tết, tôi tủi thân, bật khóc như một đứa trẻ.
Hồ đắc Vũ
Hôm nay, tôi dậy sớm hơn mọi khi, vì là ngày vui nhất trong đời. Tôi tắm rửa, thay bộ đồ mới lãnh từ trung tâm từ thiện, ngồi làm ly cà phê, hút điếu thuốc, yên lặng vài phút...Tôi trịnh trọng móc bóp, chậm chạp lấy “nó” ra, đặt bên ly cà phê, “nó” là tờ giấy bạc 100 đô Mỹ, nhân vật chính làm nên ngày trọng đại hôm nay của đời tôi. Tờ 100 đô mới tinh nằm trước mặt, tôi cúi xuống ngửi mùi mực mới, di di ngón tay trên mặt giấy, tiếng sột soạt của “nó” làm tôi tự tin lạ thường, tôi ve vuốt con số 100, đầu ngón tay rần rần sướng. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi có được tờ 100 đô Mỹ trong tay.Hồi xưa ở Sài Gòn, hai mẹ con tôi lê la khắp hè, chái của trung tâm thành phố, hằng ngày tôi nghe đủ thứ: đô xanh, đô đỏ, vàng lậu, chợ đen, lên giá, xuống giá.vv... nhưng chuyện kiếm cơm hàng ngày đã quá chật vật với hai mẹ con, huống hồ gì có được tờ đô la hoặc chỉ vàng trong tay. Kể cả sau này vượt biên, tới trại tỵ nạn, tôi vẫn chưa bao giờ có “nó”, vì ngoài mẹ tôi ra, tôi hoàn toàn không có một thân nhân nào khác trên đời này, nên không ai gởi tiền cho, bởi vậy tờ đô la Mỹ vẫn rất xa vời đối với mẹ con tôi.
Nhưng hết rồi! Chuyện xa vời đó hôm nay đã qua đi! Hà! hà!... ngay lúc này, tờ 100 đô nằm trên bàn, trong nhà tôi, trong tay tôi và thuộc về tôi!... Tôi chồm xuống phà hơi thuốc, tờ 100 rung rung bay đi, tôi chụp lấy, nhẹ nhàng xếp làm đôi, bỏ thật sâu trong túi quần trước. Sáng nay, ngày trọng đại của tôi: Tôi sẽ gởi 100 đô Mỹ về Việt Nam cho mẹ tôi ăn Tết! Từ khi tìm được việc làm chắc chắn ở Montreal, tờ 100 đô Mỹ không còn xa lạ với tôi, và tôi muốn rằng “Nó” cũng không còn xa lạ với mẹ tôi! Tôi nhắm mắt lại... thấm thía được cái sung sướng của mẹ, khi lần đầu tiên trong đời cầm tờ 100 đô Mỹ trong tay mình.
Tranh : Bảo Huân
Năm năm tôi ra đi, mẹ tôi vẫn còn lăn lóc ngoài những chái hè Sài Gòn. Tôi cố kiếm tiền phụ giúp bà phần nào, cũng may gặp ông chủ tiệm may người Ấn, hiền lành, biết tôi không rành nghề ủi, nhưng thấy tôi chịu khó xốc vác, ít nói (tôi dốt tiếng Tây, tiếng Anh nên nói ít) nên cho làm, lương khá hơn thợ chuyên nghiệp. Nhờ vậy nên mới có ngày hôm nay. Ngày tôi hãnh diện gởi 100 đô Mỹ về cho mẹ tôi ăn Tết!Với 100 đô trong tay, mẹ tôi sẽ đổi ra tiền Việt, bà mua ngay một cái radio loại nhỏ, xài 4 cục pin, mỗi đêm khi phụ dọn hàng cho chủ sạp xong, bà tắm nhờ, rồi gọn ghẽ cuốn mình trong chiếc nệm mỏng nằm trong góc sạp, lim dim nghe cô Bạch Tuyết, cô Ngọc Giàu ca cải lương, dỗ giấc ngủ. Tôi còn nhớ hồi đó có ông già ăn xin người Tàu ngủ gần sạp mẹ con tôi, Ông có cái radio cát-sét, lúc nào cũng đeo sát vai, sau này thì cột chặt vô người vì có lần ngủ say, bị tụi nó giựt. Ông thích mẹ tôi nên cứ gạ ngủ gần, ông cho nghe cải lương. Bà không thích ông Tàu, nhưng mê cải lương nên cũng chịu nằm gần. Đêm kia, đang ngủ, tôi giựt mình, vì tiếng la của mẹ và tiếng rơi của vật gì. Mẹ tôi thức dậy, tất tả kéo tôi qua sạp khác.
Sáng hôm sau tôi thấy ông già Tàu bị bầm mắt, cầm cái radio bắt đền mẹ tôi, vì tối trước bà đạp ổng, đạp luôn cái radio bể thành hai mảnh. Mẹ tôi đòi kêu công an, ổng sợ, dọn đi mất. Từ đó bà không có cải lương nghe mỗi đêm, nên ước ao một cái radio nho nhỏ cho mình. Mua xong “ước ao nho nhỏ”, mẹ tôi sẽ sắm cái áo nỉ dài tay, mền len mỏng và ấm pha trà bằng điện. Trời Sài Gòn hay lạnh vào những ngày gần Tết, mẹ tôi mặc áo nỉ dài tay, khuya đắp mền len, đỡ lạnh. Tôi còn nhớ lúc đó hai mẹ con đắp chung cái mền dù; khi tôi bị sốt, bà bán đi mua thuốc, tôi vẫn không bớt. Gia tài hai mẹ con vỏn vẹn hai cái áo len cũ, bà bán một cái lấy tiền mua thêm thuốc, mỗi đêm cắn răng chịu lạnh, mặc cái áo len còn lại cho tôi. Phần tiền còn lại, mẹ tôi sẽ mua vé xe đò về thăm quê cũ.Quê cũ là một thôn nhỏ nghèo nàn nào đó đầy cát trắng và xương rồng dọc bờ biển Quảng Trị mà tôi chưa hề biết. Bà kể: Có năm mất mùa, dân làng không có gì ăn, phải chặt xương rồng phơi khô ăn độn với cơm, gia đình 5 người ở cuối thôn, ăn xong lăn ra chết. Làng tôi mùa đông thường bão lụt, năm nào biển cũng gây phong ba cuốn trôi nhà cửa, dân bỏ đi vì sinh kế. Mẹ tôi bồng con vô Huế ở mướn, sau đó theo người quen lưu lạc tận Sài Gòn. Nghe đâu bây giờ đỡ rồi, làng đã có điện, dân đã có tiền mua ghe máy, làm nghề biển. Về thăm quê, bà sẽ tặng ông bác họ chiếc ấm pha trà bằng điện, nhờ ông coi sóc mộ ba tôi. Ngày xưa nghèo quá, ba tôi đi lính Biệt-Kích Mỹ vì món tiền thưởng hậu, ông được cho ăn nhà hàng cho tới khi chuyển đến trại, ngày cuối cùng ông mang về nhà cho mẹ tôi gói tiền, mẹ tôi xuống chợ mua ít hàng tạp phẩm về bày ra bán lẻ kiếm sống. Ba tôi ra đi, ông hứa sẽ gởi tiền về. Mấy tháng sau, ông bị mìn, cụt chân trong trận đánh ở Trường Sơn, thành thương phế binh.
Sinh tôi xong ông cất cái chòi ở tạm, mùa Hè làm cá thuê cho chủ ghe, trồng thêm mấy luống ớt phụ tiền mua sữa cho tôi. Thất chí ông đâm nhậu nhẹt nên gia đình bắt đầu túng thiếu. Không lo nổi cho vợ, cho con, ông nổi khùng, lấy trái lựu đạn ra Quốc Lộ 1, nằm giữa đường xin tiền, được bao nhiêu cột trong lưng quần, ông định bụng, kiếm chút ít để đưa cả nhà vô Đà Nẵng kiếm sống. Tối đó, trên đường về làng ông bị cảnh sát chìm bắn chết vì tình nghi cộng sản. Mẹ tôi ra nhận xác, gói vải cất tiền biến mất. Mẹ tôi không có tiền mua hòm, bà con thương tình cho vài tấm chiếu, bó lại chôn ở bãi cát bên chân núi. Mẹ tôi đóng khúc thông khô khắc tên, làm dấu. Bây giờ có tiền, mẹ tôi đặt tấm bia đá, có ghi họ tên, ngày sinh, ngày tử, bà sẽ sung sướng biết bao nhiêu khi dân trong làng đi ngang mộ ba tôi với bia đá rõ ràng.Tôi sẽ làm việc, dành dụm gởi về cho mẹ nhiều hơn. Bà sẽ tìm một chỗ ăn ở đàng hoàng, cho cái radio về làng, mua một radio cát-sét mới. Tối bỏ vô máy cuộn băng của tôi gởi về thăm mẹ, khoe với người quen: “Bà con nghe không, con trai tui ở Canada đó!”
Nắng bắt đầu lấp lánh, báo hiệu một ngày đẹp.
- Ông có thể giúp tôi 25 xu?
À! Bà già ăn xin, tôi gặp bà nhiều lần ở trạm bus mà, chỉ có 25 xu, không sao! Tôi thọc tay vô túi tìm tiền lẻ. Không có… Túi trước…, đây 25 xu. Không, tôi có mấy cái 25 xu, cho bà hết! Hôm nay là ngày vui của tôi mà!
Bà Già nheo mắt nhìn.
- Cám ơn! Chúa phù hộ ông
Tôi băng qua đường, công ty chuyển tiền nằm trong building trước mặt, tôi chỉ cần bước vô, mở cửa, làm thủ tục, ký tên, xong! Hôm sau sẽ có người tới trao tận tay Mẹ tôi 100 đô la Mỹ! Hà hà,… 100 đô, 24 tiếng đồng hồ thôi! Lần đầu tiên trong đời, mẹ tôi sẽ cầm trong tay tờ 100 đô, bà sẽ khóc vì nhớ tôi, bà sẽ vui vì số tiền con mình gởi. Ơi tờ 100 đô!
- Xin ông giúp cho!
À! Những người quyên tiền của hội từ thiện, tôi vui vẻ móc túi tìm tiền lẻ. Túi quần Jean chật quá! Tôi loay hoay mới kéo ra được thêm vài cái 25 xu, bỏ vô lon.
- Xin cám ơn!
Tôi bước vô building, đẩy cửa văn phòng chuyển tiền.
- Chào cô! Tôi muốn gởi tiền về VN!
- Dạ được anh!... Dạ ở Sài Gòn?
- Dạ!
Cô ta đưa tôi mấy tờ giấy để ghi.
- Vì mẹ tôi không có điạ chỉ, phải nhờ điạ chỉ người khác!... tôi yêu cầu đúng tên mẹ tôi nhận tiền!
- Anh yên tâm! Chúng tôi sẽ đúng theo yêu cầu của khách… Dạ, 5 đô Canada cước phí , tổng cộng là 100 đô Mỹ và 5 đô Canada!
Tôi vui vẻ đặt 5 đô Canada trên bàn, thọc tay vô túi quần trước, lấy nó ra
Những ngón tay tôi tìm hết trong đáy túi quần trước.
- Ủa, mới đây mà!
- Sao anh?
Cô thư ký nhìn bàn tay tôi đang chậm rãi quơ quơ trong túi quần. Kỳ quá! Rõ ràng “nó” nằm trong túi quần trước mà, sao bây giờ “nó” biến mất! Tôi bỗng không tin mình, chậm rãi moi hết mọi túi từ trước ra sau, từ sau ra trước, cuối cùng thì biết chắc rằng: ngay bây giờ, không có tờ 100 đô Mỹ nào trong tất cả những túi trên người tôi!
Chắc anh rớt rồi!
- Không thể được!.. rõ ràng chính tay tôi bỏ “nó” vô túi này. Thôi chết rồi, cũng dám rớt lắm. Lúc lấy tiền cho bà ăn xin, cho từ thiện “nó” dám rớt ra lắm. Chết rồi!
Tôi bay xuống thang, qua những bậc cấp, băng qua đường.
- Kééééetttt!!!
Chiếc xe thắng lại, tôi nhảy ngược lên lề, may quá! nhóm từ thiện còn đó. Chắc họ lượm, mình tới xin lại thôi, có gì đâu mà lo.Tôi chạy tới ngã tư.Trời đất, đèn đỏ lâu quá. Tôi chạy qua đường.
Kkkééétttt… eéttt!
Mấy chiếc Xe thắng gấp.
- Mẹ mầy!
- Điên hả!
- Đồ Bò!!!
Thiên hạ chửi. Kệ, bây giờ quan trọng nhất với tôi là “nó”, tờ 100 đô Mỹ!
Tôi chạy tới nhóm từ thiện, nhìn từng phân vuông đất... Hú hồn! Đúng như tôi dự đoán: Tờ 100 đô của tôi còn đó, “nó” đang yên lặng nằm dưới mặt đường, sát trạm xe buýt, tôi không cần suy nghĩ, phóng tới.
- Trời Đất! Cha tự tử hả? Bus tới sát sau lưng kìa!
Bàn tay của ai đẩy mạnh, tôi ngã chúi tới trước và còn kịp thấy chiếc xe buýt đang ghé vô trạm. May quá, nếu không nhờ cú đẩy của người đàn ông da đen thì chết rồi! Không kịp cám ơn ông ta, tôi chạy ra sau xe buýt cúi xuống, thôi chết “nó” lại biến mất rồi, mới thấy mà. Tôi cúi sát xuống nữa. À, kia rồi! Thì ra xe buýt cuốn tờ 100 vô tuốt trong lườn xe. Tôi thở một hơi dài. Như vậy là “nó” chưa mất. Đợi xe buýt đi, mình lượm lại là xong. Không sao. Tôi đứng ngay đuôi xe buýt đợi, chiếc xe vẫn không nhúc nhích. Tôi đợi tiếp. Sao hôm nay xe buýt đi chậm vậy? Nãy giờ không hề thấy chiếc xe buýt nháy đèn ra đi. Tôi cúi xuống nhìn tờ 100 đô lần nữa cho chắc. “Nó” vẫn nằm im đó. Hay mình tìm nhánh cây khều “nó”. Tôi nhìn chung quanh. Trời đất, xứ gì sạch sẽ quá, ngoài đường cọng rác không có, huống gì nhánh cây. Tôi không dám bỏ đi tìm, sợ người khác thấy “nó”, lượm mất. Thôi ráng chờ thêm chút, không sao. Tôi ngồi xuống lề đường.
Xe buýt chớp đèn. Vậy là nó chạy. Mình sẽ lấy lại tờ 100 đô, mang gởi trễ chút cũng hề gì... Dù trễ mẹ vẫn nhận được niềm vui trong Tết này.
Chiếc xe buýt từ từ chạy đi, tôi phóng ngay tới “nó”, tờ 100 của tôi bị hơi gió của xe buýt cuốn lăn tăn bay ra đường. Tôi nhảy theo, chụp lấy.
- Kéééttt!!!
Chiếc xe thắng gấp lại, cách trán tôi chừng gang tay! Người tài xế run rẩy làm dấu thánh giá. Kệ! Mình còn sống nhăn, “nó” mới là chuyện quan trọng, tôi phải tóm “nó” cho bằng được. Xe cộ ăn nhằm gì, phải có “nó” trong tay ngay. Tôi nhìn chung quanh. Ủa, tờ 100 đô đâu rồi?... À kia, tại mình hoa mắt. Tờ 100 bị hơi gió của xe bốc lên đang bay tà tà vô lề, tôi lật đật chạy theo! Bay vô lề là chắc ăn rồi, khỏi lo. Tôi yên bụng đứng dậy, đúng lúc đó, một chiếc xe chạy qua, hơi gió làm “nó” đổi hướng bay về phía lề đường bên tôi. OK! Vậy là yên, không sao. Tờ 100 đô quí hóa đang bay về với tôi. Tôi bước nhanh tới...
Và điều tôi không ngờ được là lề đường bên đó có một miệng cống bằng gang đúc, với những khe hở trên mặt.
Tờ 100 đô của tôi nhẹ nhàng đáp giữa những khe hở của nắp cống. Tôi sợ quá, vừa bước tới vừa khấn trong bụng... “mầy ơi! đừng bay nữa!... đừng dại dột bay xuống cống... Tội nghiệp tao! Tội nghiệp mẹ tao!...” Nhưng lời khấn của tôi, của đứa con đang muốn giúp người mẹ nghèo khó, vẫn không đủ linh thiêng để cản chiếc xe đang chạy tới. Một hơi gió thổi nhẹ, tờ 100 đô bay nhẹ lên, xoay ngang nhẹ nhàng rơi xuống giữa những khe hở của mặt cống màu gang rỉ, trước đôi mắt vô vọng của tôi. Tôi lạnh người chồm tới cố gắng kéo cái nắp cống to. Trời ơi! Mẹ ơi, con làm sao bây giờ? Tôi thất vọng nằm xuống, nhìn qua những khe hở .“Nó” của tôi, tờ 100 đô của tôi xoay vòng trên mặt cống, rồi biến mất dưới vũng nước đen...
Ôi món quà Tết đầy những ước mơ của mẹ tôi, cái radio, chiếc áo nỉ dài tay, mộ bia cho ba tôi. Nụ cười hạnh phúc của mẹ tôi bỗng chốc tắt ngúm.
Tôi giận dữ đập tay vô nắp cống, cúi nhìn khoảng đen bất nhẫn, tối ngòm dưới kia... Dưới đó là 100 đô la của những ngày dài làm việc. Dưới đó là 100 đô của mẹ tôi, món của cải đầu tiên của cuộc đời buồn bã quạnh hiu, như những đụn cát khô hốc đầy xương rồng dọc bờ Quảng Trị, của người đàn bà nghèo khó, sống tất cả cho chồng cho con bằng cả trái tim, và hai bàn tay đen đúa gầy guộc.Tờ 100 đô là mộ bia cho ba tôi, người vén góp từng rổ ớt mang ra chợ ngày mùa đông lạnh cắt da để mua sữa nuôi tôi khôn lớn, là những ngày bão biển, mẹ tôi đứng nhìn ra chân trời tối đen ngoài khơi xa, vọng mãi cánh buồm tả tơi của ba tôi đi làm cá...
Tôi thất vọng đứng dậy. Trời bỗng lạnh, tôi run rẩy bước vô lề, ngồi bệt xuống, lặng lẽ thấm thía nỗi thất vọng to lớn trong đời. Bà cụ da đen đi ngang đứng lại nhìn. Tôi phân trần:
- My mother… One hundred dollars! ( ý tôi muốn nói: 100 đô của mẹ tôi!)
Có thể bà hiểu lầm tôi ăn xin nên mở bóp, lấy đồng 25 xu, bỏ vô tay tôi.
- Sorry! Mother has only 25 cents, God be with you!
Nhìn đồng 25 xu trên tay, nghĩ tới mẹ và ngày Tết, tôi tủi thân, bật khóc như một đứa trẻ.
Hồ đắc Vũ
Comment