MẸ TÔI
Đặng Thị Hồng
Đặng Thị Hồng
Thấm thoát ba tuần lễ về thăm quê hương Việt Nam sắp chấm dứt. Ngày mai mẹ tôi và tôi lên máy bay về Mỹ. Cuộc thăm viếng này đã đem lại cho chúng tôi nhiều niềm vui, đồng thời cũng gợi lại nhiêu kỷ niệm buồn.
Gặp lại bạn bè, bà con, được ăn những bữa cơm thanh đạm với bát canh cua, vài quả cà pháo và tình cảm chân thành của họ dành cho chúng tôi là món quà vô giá. Đi qua căn nhà cũ, nơi mẹ đã đổ bao mồ hôi và nước mắt xây dựng, nuôi nấng, dạy dỗ tám chị em chúng tôi, tôi không khỏi bùi ngùi. Căn nhà tuy có thay đổi chút ít, tôi vẫn hình dung được mẹ với nụ cười thương yêu khi cho chúng tôi đi học về. Sự vắng mặt của bố tôi khiến cho trách nhiệm của mẹ tôi càng nặng nề nhưng nhờ nhẫn nại và chịu khó, mẹ đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn.
Bây giờ ngồi đây, trong cái khách sạn đã gợi lại cho mẹ và tôi một kỷ niệm đau lòng. Nhìn mẹ tôi đang ngồi trầm ngâm bện cạnh cửa sổ nhìn xuống đường, tôi biết mẹ đang buồn lắm. Dĩ vãng lần lượt hiện rõ ra trong trí tôi.
Bốn mươi năm về trước hồi tôi là một con bé mười tuổi. Một buổi tối cuối mùa đông, mẹ dẫn tôi đến đây, cái khách sạn này, để xem những lời đồn về bố ngoại tình với cô vũ nữ có đúng không. Sự nghi ngờ của mẹ đã được trả lời bằng một sự phũ phàng. Bố và cô vũ nữ ngất ngưởng, tay trong tay lả lơi, tình tứ. Tôi thấy tay mẹ bám mạnh vào vai tôi. Tôi phải loạng choạng mấy bước mới lấy lại thăng bằng. Khi ngước lên, tôi bắt gặp cặp mắt ngở ngàng của bố. Tôi thấy ông tiến lên vài bước rồi thụt lại quay vào. Mẹ tôi òa lên khóc, dắt tôi thất thểu về nhà. Tôi không hiểu tại sao mẹ lại đem tôi đi theo. Có phải vì bố cưng tôi nhất? Mẹ muốn dùng sự có mặt của tôi để thức tỉnh bố chăng?
Về đến nhà, bác Tằm người đã cho mẹ tin tức về cô vũ nữ muốn biết tại sao mẹ không đối chất với bố và người tình của ông thì mẹ chỉ nói làm như vậy chỉ vạch áo cho người xem lưng. Mẹ tôi lúc nào cũng chỉ âm thầm chịu khổ một mình.
Mẹ tôi sinh trưởng trong một gia đình nề nếp. Ông ngoại là ông huyện.Bà ngoại là một người đàn bà rất đảm đang. Ông bà ngoại rất yêu mẹ vì mẹ ngoan và đẹp. Lớn lên mẹ yêu bố. Bố đẹp trai, bay bướm lại là nhân viên cao cấp của bộ thể thao thời bây giờ. Mối tình của bố mẹ không được ông bà ngoại hưởng ứng nhưng vì thương con nên ông bà đành phải chìu mẹ.
Những năm đầu làm vợ, mẹ đã được sống trong hạnh phúc. Chị tôi, hai ông anh rồi tôi lần lượt ra đời. Chúng tôi chỉ cách nhau có một tuổi. Tính bố hào hoa thích ăn chơi nhảy nhót. Tiền lương của bố chỉ đủ để đãi bạn bè. Nuôi chúng tôi phần lớn nhờ vào tiền hồi môn và sự giúp đỡ khéo léo của bà ngoại. Bà ngoại biết hoàn cảnh của con nên lúc nào đến thăm là cụ lại mang đến vài bao gạo, vài cân cá khô, tôm khô và một bao thư lì xì cho các cháu.
Rồi hiệp định Genève ra đời, chia đôi đất nước. Bố mẹ và chúng tôi di cư vào Nam. Gia đình chúng tôi ở trong một căn nhà rất nhỏ gồm một phòng khách, một phòng ngủ và một nhà bếp. Phòng khách ban đêm trở nên phòng ngủ của chị em chúng tôi. Việc làm của bố không được như xưa. Không có sự giúp đỡ của ông bà ngoại, gia đình chúng tôi trở nên túng quẫn. Mẹ tôi kiếm cách nuôi chúng tôi bằng nghề nấu cơm tháng. Bố thấy vậy lại càng ít về nhà, lấy cớ đi làm ăn. Dăm thì mười họa ông về chơi, ở lại một vài ngày rồi lại đi. Bốn đứa em tôi sinh ra trong hoàn cảnh đó. Mới đầu tôi còn mong bố về vì nhớ bố. Trong đám anh chị em tôi, bố thương tôi nhất. Bố bảo tôi giống mẹ, nhiều tình cảm và dễ tha thứ. Tôi nhiều tình cảm thì có lẽ đúng nhưng dễ tha thứ? Bố đi vắng hoài làm sao bố hiểu tôi được. Từ ngày mẹ và tôi bắt gặp bố quàng tay trong tay cô vũ nữ, bố không về nhà nữa. Bố xấu hổ trước sự im lặng của mẹ chăng? Chúng tôi chỉ còn có mẹ để nương tựa. Mẹ là rường cột, mái ấm che chở cho chúng tôi. Ngoài giờ học tôi phải giúp mẹ trong bếp, nấu cơm phần để các anh tôi trao cho từng nhà. Mẹ dạy từ ba giờ sáng nhặt rau, vo gạo để sửa soạn cho hai bữa cơm trưa và chiều cho khách. Nhiều khi bắt gặp mẹ nước mắt ràn rụa, tôi đưa mắt dò hỏi thì mẹ lặng đi, đổ tại khói, tại hành làm cay.
Cuộc sống của mẹ con chúng tôi cứ như vậy lặng lẽ trôi đi. Chị tôi đã lập gia đình. Hai ông anh tôi đã vào quân đội. Sau khi lấy được bằng tú tài hai, tôi quyết định đi làm để giúp mẹ và các em. Sự khổ cực đã làm mẹ tôi già trước tuổi. Nhìn mẹ tôi cảm thấy xót xa. Xót xa cho thân phận của một người đàn bà. Tuy bị phụ bạc mẹ vẫn không quên bố, vẫn hy vọng bố sẽ ăn năn trở về với mẹ.
Tôi lấy chồng được một tháng thì miền nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản. Anh rể tôi tôi là sĩ quan hải quân và anh đã thu xếp để gia đình hai bên cùng lên tàu đi tị nạn. Hôm sửa soạn hành lý để ngày mai lên đường, tôi thấy mẹ khóc khi nhìn ngắm mấy tấm hình cưới của mẹ và bố. Thấy vậy tôi nảy ra ý định làm sứ giả hòa bình. Không có thì giờ để suy nghĩ thiệt hơn tôi hỏi ý kiến các anh chị em trong nhà rồi đến thăm bố tôi, báo cho ông biết rằng chúng tôi đã có chỗ trên tàu nếu ông quyết định đi với mẹ và chúng tôi. Ngày lên tàu, bố tôi đến đúng hẹn trước sự vui mừng của anh em tôi và sự ngạc nhiên của mẹ. Cảnh bến tàu ồn ào, vô trật tự. Tiếng khóc, tiếng từ biệt của kẻ ở lại ngươi ra đi giống như một đám tang tập thể. Tôi ngồi cạnh mẹ tôi và chị tôi. Bố tôi ngồi cạnh các em tôi. Em út tôi, lâu quá mới gặp lại bố, cứ ngây mắt ra nhìn. Khi tàu sửa soạn nhổ neo, bố tôi đứng phắt dậy, không nói năng gì ông nhảy lên bờ. Tôi nhìn lên, thấy cô vũ nữ chạy tới, ôm chầm lấy bố tôi với nụ cười đắc thắng. Tôi lặng người đi, không ngờ bố tôi lại có thể tàn nhẫn như vậy.
Đây là lần thứ nhìn ông đã dầy xéo lên trái tim của mẹ tôi, đã làm nhục chúng tôi... Nhìn những đôi mắt ngơ ngác của các em và nỗi thất vọng của anh chị tôi, tôi thấy mình có tội vô cùng. Tôi là người đã tạo nên cảnh đau lòng này. Mục đích của tôi là đem bố về với mẹ nhưng tôi đã lầm. Bố tôi đã mất hết lương tri. Tôi cúi gầm mặt xuống, không dám nhìn mẹ tôi, chỉ lí nhí "Mẹ ơi! Tha thứ cho con!"
Định cư ở Mỹ được bảy năm, tôi nhận được thư của bố tôi. Tôi ngạc nhiên không hiểu sao ông lại chọn tôi. Ông vẫn tưởng tôi là đứa con nhiều tình cảm chăng? Ông lầm rồi, trước mắt tôi ông đã chết không những một lần mà hai lần. Cuộc sống của ông với cô vũ nữ vui hay buồn thì cũng chả liên hệ gì đến tôi. Tôi để nguyên lá thư trên bàn, lăn lóc cả tuần không mở ra đọc. Con gái tôi mới sáu tuổi, không biết gì về bố tôi cả. Nhìn thấy cái thư có dán tem lạ, nó hỏi "Thư của ai vậy mẹ?" "Thư của ông ngoại ở Việt Nam gửi qua" tôi đáp.
Con bé lại tiếp tục "Sao mẹ không mở ra đọc coi ông ngoại nói gì?" Không muốn con tôi hỏi thêm lôi thôi, tôi mở thư ra đọc.
Ngân con,
Bố ngần ngại rất lâu trước khi viết thư cho con. Bố biết bố có tội với mẹ con và các con nhiều lắm. Tội đó bố có ăn năn sám hối mười đời cũng không hết. Mẹ con có khỏe không? Các con vẫn bình thường chứ? Bác Hiên, bạn thân của bố mẹ ngày xưa liên lạc với bố, nói là các con học hành ngoan, đã ra trường, rất có hiếu với mẹ. Bố mừng và cám ơn các con.
Bố bây giờ đang ở trong chùa, lo việc công quả. Cô Hằng và bố đã xa nhau ba năm nay. Chúc con và gia đình bình an.
Bố của con.
Bố nhắc đến cô Hằng, cô vũ nữ với nụ cười đắc thắng và thân hình uốn éo như rắn, làm tim tôi nhói lại. Làm sao tôi quên được. Làm sao tôi quên được sự nhục nhã mà mẹ đã phải chịu đựng bao năm trời ròng rã. Làm sao tôi quên cái mặc cảm của một đứa con bị ruồng bỏ. Tôi bỏ bức thư vào ngăn kéo, định bụng sẽ kể lại cho mẹ và anh chị tôi khi có dịp gặp nhau.
Ba tháng sau khi nhận được thư của bố tôi, tôi được tin ông đã qua đời. Thư do một vị tăng trong chùa, nơi bố tôi tá túc trong những năm cuối cùng của cuộc đời ông, gửi đến. Thư noi là bố tôi mất vì bị bịnh phổi. Nhà chùa cũng cố gắng lo cho bố tôi nhưng thiếu phương tiện tài chánh nên thuốc thang không đầy đủ.
Cái chết đột ngột của ông làm tôi bàng hoàng, hối hận. Tôi tự trách mình không liên lạc ngay với ông. Tôi tự an ủi sở dĩ bố tôi không đá động gì bệnh tật của ông trong lá thư gửi cho tôi có lẽ vì ông không muốn chúng tôi thương hại ông. Ông tự nghĩ ông không xứng đáng nhận sự giúp đỡ của chúng tôi vì ông đã không làm bổn phận người chồng, người cha. Tôi không ngờ lá thư mà tôi tôi không muốn mở ra đọc đó lại là bức thư cuối cùng của bố tôi.
Thấy tôi thẫn thờ, mẹ tôi nhắc, "Sao con không đi sửa soạn đi! Trễ rồi! Mình còn phải đi mua sắm vài món quà. Tối nay phải đi ăn tiệc từ giã nữa." Tôi giật mình, ngại ngùng, không biết mở đầu ra sao. Liếc cái ví để trên bàn cạnh giường ngủ, bức thư của bố mà tôi vẫn luôn luôn đem theo nằm gọn ghẽ trong đó, tôi không nén được tiếng thở dài. Tôi nhìn mẹ ngập ngừng:
- Con muốn đề nghị với mẹ điều này nhưng con sợ mẹ không bằng lòng..." "Thì cứ nói đi, mẹ nghe."
Mẹ tôi khuyến khích.
- Con muốn đi thăm mộ bố. Mẹ nghĩ sao?
Mẹ nhìn tôi, đôi mắt hiền của mẹ long lanh:
- Mẹ cũng muốn vậy nhưng cứ sợ con còn giận bố. Thôi, nghĩa từ là nghĩa tận con ạ. Vả lại, mẹ già rồi. Biết đâu về thăm quê hương lần này lại chả là lần cuối.
Biết mẹ nói như vậy để biện hộ cho việc đi thăm mộ bố, để che đậy tình cảm của mình nhưng tôi chỉ lặng yên. Tôi biết mẹ tôi vẫn còn yêu bố tôi, một tình yêu mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi.
Ngồi trong xe trên đường đi thăm bố tôi, mẹ ngậm bài thơ mà mẹ ưa thích nhất. Đó là bài "Dại Khờ" của nhà thơ Xuân Diệu.
Người ta khổ vì thương không phải cách
Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người.
Có kho tàng nhưng tặng chẳng tùy nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.
Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngã
Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương.
Vì thả lỏng không kìm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa.
Những mắt cạn cũng cho rằng sân chúa,
Những tim không mà tưởng tượng trần đầy.
Muốn nghìn đời tìm cớ dõi sương mây,
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất.
Nguời ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
Rồi bị thương người ta giữ gươm đao,
Không muốn chữa, không chịu lành thù độc.
Mẹ tôi ngâm xong bài thơ thì taxi chở chúng tôi ngừng ngay trước của nghĩa trang. Đi quanh co mãi mới tìm được mộ của bố tôi. Mộ ông nằm cô đơn cạnh cây phượng già cằn cỗi. Trên và chung quanh mộ cỏ hoang mọc cao gần đến thắt lưng, che hết tấm bia nhỏ dựng ở trên đầu. Lâu lâu một cơn gió thổi đến, xua nhẹ vài con bươm bướm đậu trên cành cỏ may mong manh.
Trời mới vào xuân nên còn mát, nắng còn nhẹ. Tôi đứng yên lặng nhìn bác giữ nghĩa trang lúi húi cắt cỏ, làm sạch tấm mộ cho bố tôi, bâng khuâng, tự hỏi không biết đến bao giờ mới trở lại thăm. Chỉ tiếc rằng khi bố tôi đã thức tỉnh, muốn trở lại với mẹ và chúng tôi thì đã quá trễ.
Bên tôi, mẹ tôi một tay cầm nén nhang, một tay lau nước mắt, không biết mẹ khóc bố hay mẹ khóc cho chính mình. Riêng tôi, tôi cầu mong là mẹ tôi đã trả xong nghiệp chướng.
Comment