Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Tập truyện ngắn của Nguyễn Phước Huy

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tập truyện ngắn của Nguyễn Phước Huy

    Cho Tôi Xin Một Nửa Cuộc Đời



    Tôi thích thả mình trên chiếc xuồng trôi dọc con sông nhỏ, trôi miền miệt về nơi nào đó xa xăm, không bến đậu, có khi thèm con nước, cứ thả đời dọc dài theo mấy nhánh lục bình xanh mướt, miên man những mùa gió cuốn.
    Tôi thích thả trôi mình từ hồi vừa cắt dây rốn đỏ hỏm, tôi được bỏ vào một cái thùng nhựa và thả dài thườn thượt trên con sông mà tôi thường phiêu mình trên đó. Hồi nhỏ, tụi trong xóm hay goi tôi bằng những câu đùa cợt như “thằng trôi sông”, “đứa con lụm” hay đơn thuần chỉ là thằng Thả - cái tên mà cậu mợ đã đặt cho tôi.
    Nhiều lúc buồn quá, tôi hỏi mợ “con có má phải không mợ?”, “má con đi làm xa, con lớn lên má rước con phải không mợ?”… Những câu hỏi thế này làm mợ rối và có khi xoa đầu ậm ừ đồng ý. Để một hôm bực quá mợ thét toáng lên “Cái thằng trôi sông vô tích sự”.
    Cuộc sống của tôi yên bình cho đên cái ngày cậu cặp kè với đứa con gái của chú Tư đang ở đợ cho cậu, cậu hay nhờ tôi đứng canh trước cửa đợi mợ cập xuồng vào bến là la lên “mợ về, mợ về”, con Xuyến lùa qua cửa sổ rồi ngồi lọt thỏm xuống cái ghế cây ở bếp. Cũng ngày hôm ấy, mợ rời bến đi thu tiền của bà Sáu vay lâu nay chưa trả, anh Tánh con cậu mợ cũng đi theo, tay vác cái liềm dài sắc nổi hết cả da gà. Cậu ở nhà cho tôi gói mì sống, nhai ngấu nghiến nhàu nát cả một buổi chiều.
    Bóng chiều thấp thoáng bờ dừa, xối dội những hạt long lanh rơi từ nhành dừa xuống ruộng, tôi thấy màu trời đẹp ghê gớm, cái tuổi mười tám hờ hững với những nỗi đau, hờ hững với những cám dỗ, ngây ngô như thằng nhóc lên mười, đời nhạt nhòa, đơn thuần bên cái lò gạch. Tôi nhớ hồi nhỏ ghê gớm, chắp vá những ký ức về một người mẹ ảo tưởng mà mợ thường kể tôi nghe, đẹp, bỏ đi vì một tình yêu nào đó. Chỉ vậy thôi!
    Chiều hôm ấy, tôi miên man với những nhành dừa, thả hồn mình với những con sóng lăn tăn trên mặt ruộng, nhìn về một cánh diều, xa xăm, không điểm đặt. Mợ về đến cửa, tôi tái mét, quăng ngang gói mì mà cậu cho xuống ruộng, chạy vào căn buồng.
    Mặt mợ đỏ rặng như một đốm lửa, cậu đang ôm xấp con Xuyến, trơ trụi, trần tục, xé toan những yên bình của đám ruộng trước nhà. Mợ lôi con Xuyến ra, nắm búi tóc của nó lê lết trên nền gạch. Con nhỏ xơ xác, tờ mờ như một buổi chiều, mợ dí mặt nó vào lò gạch nung nóng.

    Với tôi, lò gạch gắn liền với nhiều kỷ niệm, những ký ức mơ hồ của tuổi trẻ nhạt thếch, không biết chữ và luôn nghĩ về một người mẹ ảo tưởng. Tuổi trẻ của những khuôn gạch vàng ươm nhộm một màu buồn khắc đều cả một góc trời, nóng rang, rát rạt. Bên con sông đìu hiu, là một bờ hạnh phúc, trôi sạch những miền ký ức, xoa dịu cái nóng dã man bên cái lò gạch! Con sông, hạnh phúc duy nhất của tôi.

    Khi con Xuyến thét lên trong đau đớn, tôi mới nhận ra rằng tôi tồn tại vì một điều gì đó mà tôi chưa định hình được, nhưng không phải như một con thú, dại khờ làm theo những gì nó được dạy. Tôi nhào đến như điên dại, đạp mạnh mợ văng ra, má trái của con Xuyến bị phỏng, rướm máu đỏ hoe. Tôi chửi “người chứ phải con chó mà đối xử với nhau như vậy”.

    Tôi thương con Xuyến từ hồi nó được dọn tới đây, lúc đó tôi chừng mười tuổi, nó hơn tôi một tuổi, nhìn mặt non èo, tía má nó bán nó cho cậu mợ để làm công, tôi biết nó buồn lắm, nhưng nó không thể hiện ra mặt, mà cười rồi lủi thủi dưới bếp gần cả chục năm trời. Trong nhà chỉ có nó là chịu nói chuyện với tôi, có chuyện gì buồn, vui chưa bao giờ nó giấu, cho đến một ngày, nó ôm chầm tôi và khóc…

    Mợ la hét, chửi bới tục tĩu, người ta tụ tập lại càng lúc càng đông, chỉ trỏ vô mặt của con nhỏ đang bươm máu và rát, thằng con trai của mợ vác ra cây liềm định chém phặt vào mặt con Xuyến, tôi kéo nó ra, đi phăng ngón tay út…
    Ngón tay út tôi rớt xuống, co víu lại dưới nền đất rồi loang máu, ân tình, nghĩa tình, và cả nợ đều được trả hết – tôi nghĩ thế. Tôi nắm tay của con Xuyến rồi chạy thẳng về phía ruộng…sợ có ai đó đuổi theo, chạy mãi, chạy mãi!
    Tôi nhổ một ít cỏ lào, nhai ngấu nghiến rồi đắp vào mặt của con Xuyến, nó rát, thét lên, rồi ngất đi mất. Tôi nhìn lại bàn tay của mình, máu vẫn chảy, đau điếng, xé cái áo xám xịt loang màu của mình, cột chặt và cố quên cái đau…
    Một nửa khuôn mặt của con Xuyến hiện lên trái tim tôi một cảm giác thật lạ, nó thanh khiết và ô đục lẫn lộn nhau, đôi môi hồng và giọt nước mắt rơi đều trên mắt, rớt vô hồn đến thế là cùng. Tôi dựng một gian lều nhỏ bên cạnh một bờ sông, đủ để che nắng và đánh lừa một vài hạt mưa không rơi xuống. Hỏi thăm bà con quanh đây được cái chợ, tôi lấy mấy đồng cắc lẻ trong túi để mua thuốc và sữa cho nó, nó bất tỉnh, khuôn mặt có liền lại mớ da non, nhưng đỏ ươm máu…
    Ngày thứ năm thì nó tỉnh dậy, nó mở mắt chằm chằm nhìn lên mái hiên, nơi có một vài cành dừa khô bắt chéo rọi nắng vào mắt nó, chắc nó đau lắm. Nó lặng im như những cơn gợn sóng, chỉ lăn vài giọt nước mắt để đời biết rằng nó còn có thể sống, hoặc ít nhất cũng để tôi biết rằng, đừng vác nó đi chôn! Chân tóc nó vẫn còn ri rỉ máu, một mảng tóc ở đầu mất đi, nhìn nó như một con ma, thảm hại của sự thảm hại.
    Buổi sáng hôm đó tôi đi khuân vác cho một tiệm trái cây đằng xa, mua được vài quả quýt và ít thuốc sức liền sẹo, nó ngồi đưa đẩy bàn chân trên con sông trước lều, cười tươi rói như chưa bao giờ có một quá khứ tồn tại đau đớn đến thế. Nó biểu “vì tui mà anh mất ngón tay, anh tiếc không anh Thả?”, tôi cười hững hờ nói lại “có gì mà tiếc, bộ không nghe mợ nói hả, tui là thằng trôi sông thôi à, có đáng gì đâu”….
    Trong cái ánh nắng mặt trời len lõi qua những vết thương, cố gắng làm liền chúng lại, dù biết rằng vết sẹo sẽ vẫn mãi hằn sâu vào đấy, vào trong trái tim một vệt nhơ, khó lòng chùi sạch…
    Đêm trăng hôm đó, Xuyến hỏi tôi về một tình yêu, về sự tự do, về giấc mơ được làm cô giáo, và về sự hi sinh cho ước mơ của mình. Câu trả lời chỉ nhẹ nhàng như ánh trăng, cười tha thiết, thấy đời nhỏ xíu, lềnh đềnh! Đôi chân ai đẩy đưa những con sóng, rồi nằm dọc ra soi những ánh trăng, ôm chầm lấy tôi tha thiết. Và ngày hôm đó, ý nghĩa của một tình yêu được ôm trọn lấy tôi, đời có rực rỡ hơn, có chút buồn hơn, có chút hạnh phúc, một vài ý nghĩa, và rồi cái yêu thương nắm chặt lấy bàn tay của Xuyến, ghì nhẹ! Cắn chặt một bờ môi!
    Sáng sớm hôm đó, tiếng chim hót bỗng dưng có ý nghĩa, tiếng gió xào xạc xuyên qua hàng tre lơ mơ bỗng lãng mạn lạ thường, mây trôi nhanh hiền hòa, nắng hôn môi em, mệt nhoài một đêm hạnh phúc. Tôi mặc vội chiếc áo khoác xờn xợt đi làm khuân vác cho một tiệm trái cây gần chợ, đầu óc bay bổng những hạnh phúc sứt mẻ, chắp vá, về một tương lai khác biệt.
    Tôi sẽ mua cho Xuyến một mảnh vải lụa, một vài viên thuốc liền xẹo ở tiệm Thuốc ngoài chợ Đông, một hủ kem phấn. Tôi sẽ trở về vào chiều, con cá tôi đặt lờ sẽ được kho vàng ươm, mớ rau lang sau lều được luộc lên tươi rói, bữa cơm ngon và đầy tình yêu. Chúng tôi cũng có những đứa con, nuôi nấng và dạy dỗ chúng nên người, mặc cho sự thật chúng là con của ai, mặc cho khó khăn đến mức nào, tôi cũng chịu được. Chúng sẽ được học ở trường học chợ Đông, nó gọi tôi bằng Ba và con Xuyến bằng Má…hạnh phúc hiền hòa.
    Chiều đó tôi về lang thang những ký ức và miên man những niềm vui, đôi dép và chiếc áo bà ba xờn xạc màu xám của Xuyến để gọn gàng bên bờ sông, trôi đều những hạnh phúc, không bến bờ! Lạc lõng. Mảnh lụa của tôi bị cơn gió cuốn trôi đi, lướt dài qua cơn gió rồi nằm mượt mà trên dòng sông, bỗng thấy mất một cái gì đó lớn lao lắm.
    Ý nghĩa về một tình yêu cứ bám víu lấy đầu óc của thằng con trai mười tám, cảm xúc hụt hẫng và niềm vui của ngày hôm qua cấu xé trái tim. Tôi thả mình theo con nước lớn, trôi về phía nguồn, cội nguồn của yêu thương. Tôi cứ trôi mãi như thế, như niềm hạnh phúc kiếm tìm ở đâu đó xa xa, đợi đến một lúc nào đó có ai ôm chầm lấy tôi và kêu lên “Anh Thả”.

  • #2
    ĐỨA CON GÁI CỦA GIÓ



    Tôi thích cái màu nâu đục của con sông quê tôi, sự trần trụi đáng thương của một mảng tình phù sa ung ủng, bát ngát và dập dìu qua những ký ức. Cánh cò sải rộng cả đời người, đất cằn sâu sỏi đá, cõng những thớ thịt trên người cha, rồi nứt nẻ bàn chân của mẹ, buồn đến phát khóc một buổi chiều.

    Tôi thích con sông quê tôi, tóc trải dài dòng nước, hờ hững như tình tôi gửi về một nơi nào đó xa xăm và không điểm tựa, nhiều khi tự hỏi, sông trôi mãi, yêu thương rồi sẽ ghé về đâu.

    Đối với một đứa con trai quê, nắng làm bạn đời, mưa làm ký ức, bạn đời có khi đi len lén qua từng tấc đất, chạy dọc dài qua những thửa ruộng, đôi khi rũ rượi ngồi một chỗ, đẫm mồ hôi, đến nổi ruồng bỏ và phủ phàng cái nắng, oán trách bạn đời. Để những cơn mưa đến, cuốn trôi mấy lớp mạ non còn chưa kịp trổ tình, thì ký ức cứ trôi ngược thành dòng, có khi trắng tay giữa tiếng sét, hụt hẫng vì đời đáng sợ.

    Ngày em ra đi gió lất phất một chiều ngả nắng, cái áo bà ba loan lỗ những vệt màu phai, chiếc túi xách lê lết qua những viết thương, rồi chạy vội vàng vào những cơn gió. Ngày em đi trời ngập gió.

    Tôi nhớ em, nhớ cái kẹp cài tóc màu tím, vắt gọn gàng trong đầm sen ngập nắng, nhớ cái nụ cười má lún đồng tiền, nhớ ánh mắt sâu ngấn một nỗi buồn vời vợi. Cái nhớ mặn chát một chiều, để rồi lần đầu tiên chiếc khuy áo của em bung ra, luồn lách qua tất cả tình yêu dành trọn cho em đến thế. Để chiều hôm đó, nắng có nhạt hơn, tiếng gió có dài và ngân tha thiết, trăng cười một khoảnh khắc yêu thương. Chiếc xuồng dập dìu trong gió, con sông ngân mãi thành lời ca, tuông thành những dòng bát ngát, phơi phới khó tả.
    Tôi nhớ để rồi chỉ nhớ mà thôi, tôi nhớ đám cưới em, người ta Việt Kiều, ba má em cười tươi rạng rỡ, câu nói “anh nghèo vậy sao mà nuôi em được” cứ vọng mãi trong đầu tôi, đập vào từng thớ thịt, muốn nổ tung. Hàng xóm rộn rang, tiếng pháo ì đùng bên song, trẩy hội một góc trời.

    Tôi nhớ ngày em đi, gió lất phất một chiều ngả nắng, nấm mồ cô Sáu - mẹ em còn chưa ấm, em thắp vội nén nhang, rồi rủ bỏ mọi thứ, em đi. Chú Sáu ngồi đìu hiu bên bờ song, nhìn chiếc xuồng em đi xa mãi xa mãi.

    Con sông nơi anh sống, nơi khởi nguồn của tình yêu, cũng là nơi mà tình yêu trôi dạt đi mất, đi để đi mãi mãi, mất, có tha thiết mấy cũng không còn. Con sông nơi anh sống, tràn ngập những khổ đau, đầy mồ hôi và máu, không dát son phấn, không khoác cho mình những bộ quần áo chói nhòa, cũng không đem cho em sự xa hoa mà em muốn. Chỉ có mỗi tình thương…thứ mà em không trông đợi.

    Ngày chờ em, chú Sáu bệnh lao xương mà mất đi, nấm mồ anh chờ đợi lấp chậm rải từng cuốc một, nhìn về bờ sông, thấy yêu thương trôi hoài vẫn thế, những mảng đất phủ lên, chôn vùi mọi thứ, cả nghĩa tình em à.

    Mái nhà em không còn tranh vách như ngày xưa, phủ lên từng lớp vôi hạnh phúc, nhưng giờ hoang vắng và trống rỗng, có chăng là những linh hồn, cứ ngồi chờ, ngồi đợi một ai, hay hạnh phúc cứ len lén hiện về, qua từng đêm trăng, ngập tràn hai ngôi mộ.
    Ngày em về, gọn gàng trong một chiếc hộp vuông, nụ cười em có khác đi chút ít, buồn rười rượi qua lớp cát. Anh đặt em bên cạnh mẹ em, rồi nhìn về ngày nào, thấy xót xa, câm nghẹn trong lòng. Mưa như trút nước, đứa trẻ ngây thơ nắm chặt vạt áo anh, để anh lấp đầy nơi em ở, lấp đầy những yêu thương còn trống. Dòng mưa xối đến ngây thơ, anh nghe môi mình mặn chát. Để mắt anh nhòe, em hiện về mờ nhạt trong yêu thương… Anh ôm em và con vào lòng!

    Comment


    • #3
      Hoa Khói



      Mùa mạ năm ấy, con vác ba lô lên đường, hành trang con vẻn vẹn hai trăm ngàn con lấy trộm của má. Tía ngoài đồng, má chèo ghe đưa thằng ba đi học, tiếng chèo rục rữa cả lòng con.

      Con ra đi vì con sợ nghèo, con sợ thằng Khiêm nhìn cái áo rách của con mà cười, con sợ bữa cơm của mình dặm vài miếng cá để có mùi có vị, con thèm giàu đơn thuần là cái sĩ diện đủ lớn của thằng con trai mười sáu má à.
      Ngày con đi khói ngập vùng quê gió bấc, sộc vào mắt con, mũi con tuông dọc dài một dòng nước như con sông quê mình đang chảy, con không dám quay lại đằng sau. Con đánh rơi bọc cơm nắm má biểu đem cho tía, con định đem ăn dọc đường, mà con không dám quay lại nhặt.

      Con lên Sài Gòn 4 năm rồi má, con thề con phải khác, về quê con phải khác, đủ để má tự hào, đủ để tía nhâm nhi chén rượu và bảo "thằng con trai tao nó làm được vậy đó bay".
      Con từ một thằng dân quê lên Sài Gòn, bưng vác thuê, con chạy bàn cho khách sạn, tạt vào mặt con những âm thanh vô hồn và vô nghĩa, nó còn tệ hơn tiếng lóc bóc của đống rơm đốt trước nhà mình ngày xưa nữa má.

      Con gặp ông K., sự giàu sang của ông K. làm con sợ hãi cảnh sống của nhà mình, thù ghét cái vùng quê sộc mùi khói, vùng quê ung ủng phù sa mùa nước nổi. Con ghét cay ghét đắng hai trăm ngàn con chôm của má (dù con biết với số tiền đó má giành mua hạt giống cho mùa vụ sau)...con ghét cuộc sống bồi bàn, bưng vác má ơi.
      Ông K. tốt với con lắm, con bắt đầu rũ bỏ đi chiếc áo rách rướm quê mình, chà sạch những mảng phù sa bám đầy trên thân thể, xóa đi cái nhìn khờ khạo của dân quê, con đi vào con đường mà người ta gọi là người mẫu....

      Một tháng sau đó, ông K. vồ lấy con như một con thú đói khát nhiều ngày, cơn mưa ngoài kia liếm láp đời con nhầy nhụa, run run và lạnh ớn cả người, vật vã, chắp vá, dập dìu như những con sóng, mơ hồ và chết điếng.
      Con thèm cái chăn của con với thằng ba - sao con nhớ quá má.
      Ánh hào quang, tiền, và thân xác, con ở đâu má ơi?!con chỉ biết chấp nhận và nuốt ực vào trong những tiếng nói chưa kịp thốt thành lời. Đời ghê sợ, ớn nhợn và vô hồn quá. Con khóc!
      Một lần nữa con lại rũ bỏ hoàn cảnh và trốn đi má ơi, con để dành dụm được khá nhiều tiền, ông K. cũng bắt đầu chán con rồi, con phải đi để trở về với con ngày ấy má ạ, con nhớ tía!

      Ngày con về quê khói sộc vào mũi và mắt con làm tuông dài dòng nước mắt, sông quê mình đục đi, hồn con cũng thế. Con nuốt cái gì đó nghèn nghẹn và kiếm một lý do để tía má tự hào (dù rằng con biết đó là nói dối)...

      Đường về nhà mình lạ quá. Con bỗng vui vì mùi khói. Bỗng phấn khởi khi nghĩ đến sự tự hào trên khuôn mặt của tía, sự hạnh phúc trong tình thương của má ôm choàng lấy con. Thằng Ba sẽ nhào lại và hỏi có quà cho nó hông? con sẽ đem vài bộ đồ cho nó thử, rồi nó sẽ đi khoe hàng xóm là Hai của nó mua cho nó nè. Má sẽ xếp khúc vải con mua vào tủ và mắng một vài câu vì con không biết tần tiện. Tía ngắm nghía chai rượu tây rồi nhẹ nhàng đặt lên bàn thờ biểu má nướng mấy con khô rủ bác Tư qua nhậu... Con bỗng vấp ngã vì hòn đá ngớ ngẩn!

      Hạnh phúc lang thang cùng con đến cửa nhà, nhưng má ơi, khói không sộc vào mắt con mà con khóc đâu má, từng bông hoa nở rực sân nhà mình, khói bên trên cái tủ vô hồn ôm choàng lấy con, tía cầm cây roi quất mạnh vào lưng, thằng ba sợ mà ôm con khóc..tía cứ quất, cứ đánh, mà tía rớt nước mắt...má chỉ cười qua tấm ảnh, nụ cười buồn quá má à! Tía tát con rồi ôm con siết!
      Đêm hôm đó, con ngâm thân trước dòng sông nhà mình, cố tìm lại con ngày xưa, và dòng sông trôi đi, nước đục ngầu má ạ!!!

      Comment


      • #4
        Mùa Gió Cuối




        Gió bấc lạnh ríu người lùa qua cái khe cửa ngôi nhà tranh liêu xiêu của cái xóm nghèo Bến Củi, Thùy kéo cái mảnh vải cuối cùng trên người mình che lại cái thân tan nát sau một đêm hiến cho thằng cha chủ tịch Huyện, rồi cô lại tiếp tục lấy cái chăn cuộn tròn người khóc hưng hức trong cái đêm dài đăng đẵng. Tía nó biểu “tiếng ai khóc vậy bay”, cô cắn môi mình, nuốt ực một cái rõ đắng, rõ cay, rồi nói “đâu có ai đâu tía, tía ngủ tiếp đi”.

        Ông tư Hạnh tía cô bị mù. Cái gian nhà tranh mà hai tía con sống nằm dọc theo con sông cũng đủ nhìn thấy cái tiền đồ của gia đình cô. Hằng ngày như bao người dân khác ở cái xóm Bến Củi, quần quật đốn cây, đốn nứa, bạch đàn,… làm củi cho người lái buôn xứ khác đến đây trao đổi mua bán. Đồng tiền ít ỏi, chỉ có cái là sức của con người ta bỏ ra thì nhiều, nào là đốn, chặt, chẻ, phơi,… rồi cái tràm cũng quằn quại đau xót, cái dãy nứa như rũ rượi thoảng buồn, tụi bạch đàn liêu xiêu giữa gió gào thét, ừ, biết thế, thì biết vậy, chứ làm sao nữa bây giờ, chẳng lẽ chịu chết đói, chết rét vì nghèo sao.

        Má Thùy chết trong một cơn giông bão, tía cô mù vì cái chứng sốt độc đoán nào đó mà có chút tiền cô cũng không thể nào kiếm được cho tía đi bệnh viện, còn cô, ôm trong mình cái gánh nặng ghì ép cái sức con gái, chống chèo cùng với cái đất nghèo nàn của xóm Bến Củi.

        Đời là vậy, ai biết được cái gì nó muốn đến và cái gì nó muốn đi. Người dân xóm Bến Củi sợ đến mức ghét cay ghét đắng cái chữ nghèo, cái chữ đeo bám cuộc sống của họ từ đời này sang đời khác, những người đến đây chỉ là những tên lái buôn kèo dừa với củi, hay mấy ông thợ đo đất dọc dài mà chẳng ai trong đây biết là cái mục đích của mấy ổng là gì nữa. Mà ngộ lạ ở đời, cứ thấy mấy ổng là người người trong xóm cứ rợn cười bảo nhau “chắc mấy ổng xây cái gì đó ở đây, chắc sắp đổi đời rồi bà con”. Hy vọng, ừ thì hy vọng, hy vọng có phải tốn tiền đâu mà lại không hy vọng nhỉ. Còn người ra đi thì nhiều, chắc tại do sợ quá mà đi, cũng có thể do đủ tiền rồi, ở đây làm gì, kiếm chỗ nào đó để đổi cái đời gắn với họ nghèo đeo bám quanh năm suốt tháng. Mà lạ ở chỗ, ông Tư không chịu mình đi, cũng không chịu bỏ cái mảnh đất chưa đầy hai công ruộng này. Cũng phải, tiền đâu mà đi, đường đâu mà tới…

        Ông chủ tịch Huyện tên gì đó tận năm chữ cái, người ta gọi ổng là ông Quyền Chánh, ổng đến cái đất xóm củi này cách đây chừng hai tháng, rồi sau đó người ta thấy ổng cứ ve vãn vô cái nhà cô Thùy, ai cũng nhìn vô đó, người nói “chắc ổng mê gái nhà Tư Hạnh”, người nói “nhà Tư Hạnh sắp đổi đời”, cũng có người dèm pha “Tư Hạnh chắc là tía của thằng cha đó”… Đời mà, sao cấm được người ta nói gì. Sáng đó ông Quyền Chánh cầm một xấp mấy tờ giấy có dấu mộc đỏ tròn lỏm nằm dưới các trang giấy, đưa cho Thùy, khiếp nỗi là cô có biết con chữ bẻ đôi nào đâu mà đọc với chả ký. Ổng bảo cô ấn chỉ vào và chẳng nói câu nào rời đi khỏi nhà cô không thèm cho một câu chào hỏi.

        Ngày đó là ngày đẹp trời, nắng vàng rớt xuống nhành hoa dừa rồi vương lên mái tóc cô gái đang ngồi chẻ củi, cái ánh mắt trong veo của Thùy xóa nhạt đi cái màu của dòng sông lác đác những nhánh hoa dừa đang trôi man mác. Nụ cười của Thùy xé hồn cả cơn gió bay thoảng qua đây, chạnh lòng gió vờ lặng lẽ. Đẹp. Còn cái đẹp của Thùy và cái đẹp đơn chất của vùng quê nghèo xóm củi đâu hơn đâu, đâu mộc mạc hơn đâu, thì tôi không thể nào khẳng định.

        “Tôi có một vài chuyện muốn nói với tía con em đây”. Như một viên đá to ném xuống mặt hồ phẳng lặng làm tan đi cái không gian yên tĩnh đến rợn người, ông Quyền Chánh cầm một xấp giấy tờ, lượn qua lượn lại trước mặt của Thùy, giọng đầy quyền lực. “Tía tôi đang bệnh, có gì ông cứ nói, được tôi thưa, mời ông vô nhà”. “Không cần đâu, tôi nói ở đây luôn cho tiện”.

        Trời còn chừa những tên ác quỷ và lầm cho đầu thai thành kiếp người gian ác, cái tên Quyền Chánh gì đó đòi tịch thu đất nhà cô vì đây là đất của một tên cai quản nào đó mà cô chưa từng nghe tên đến. Tía bệnh, cô không biết ông nghe tin này xong rồi mọi chuyện như thế nào nữa, ông đã chịu quá nhiều đau khổ ở cái đất Bến Củi, cũng đã quá nhiều sợi bạc thế sợ đen để mà đếm ra cái ngày cuối cùng chẳng còn bao lâu nữa mà sống. Nhưng theo lời tên Chánh thì nếu cô không chấp nhận thì tía cô phải ngồi tù.

        Làm gì bây giờ, lý hả? biết nói gì mà lý. Kiện à? Quan niệm này rất lạ lùng, vậy sao? Van xin! Cô để cây dao chặt củi sang một bên, quỳ xuống và van xin ông Chánh một cách thảm thiết. Ừ, nhục chịu đủ rồi, thêm tí nữa cũng chẳng sao, thương là thương cho tía kìa, tía già lắm rồi, tù ngục ư? Nó như một cơn ác mộng.Rồi van xin cũng không được, cô chỉ muốn cầm cái cây dao dài thượt chém cho ông Chánh một nhát, nhưng điều gì đó đã cản lại cái sức mạnh đó của cô. Sau đó ông ta hẹn cô tối sẽ đến, để giải trình cái việc điên rồ mà bản thân cô cũng chẳng biết là tại sao và vì cái gì nữa…

        Cô cắn tấm chăn mình đang đắp, ngấu nghiến như cắn xé một thứ gì đó thật đáng sợ, đời mà, đôi khi cũng chẳng biết cái gì đang diễn ra với mình, cảm giác như xé toạt tâm hồn của Thùy, rồi chọc sâu vào trái tim còn quá thơ ngây khờ dại. Để tỉnh ra rồi, cô vui, vui gì cô có lẽ đã giữ được miếng đất cho tía, nhưng đau, đau vô cùng, đau về thể xác lẫn tâm hồn.

        Thời gian sau đó người ta chỉ trông thấy ông già Tư Hạnh lủi thủi một mình trong gian nhà tranh lơ xơ lác xác, cô Thùy biến mất tự khi nào mà chẳng ai có thể nào đoán ra. Người ta chỉ biết, ông già sống, vật vờ như một bóng ma, thui thủi một mình như đang chết, xóm có cháo mang cháo, có khoai mang khoai, nhưng chưa bao giờ ông nhận của ai hết.

        Vài năm sau đó, mùa gió bấc thổi về bên cái xóm Bến Củi trải dài mùi dừa hưng hức, lâu lâu cái mùi bạch đàn xộc vào mũi của mấy cụ già hắt hơi trong tiếng rét của gió bấc liêu xiêu. Cái xóm không còn nghèo như xưa, chỉ có gian nhà tranh của ông Tư Hạnh là còn mái lá, bóng dáng người phụ nữ dắt đứa con về trong tiếng gáy lưa thưa của tụi gà trong xóm. Nén nhang hình như lâu lắm mới được thắp lên trong cái mái nhà tranh xơ xác, người ta nói người đàn bà đó đã quỳ và khóc lâu lắm, khóc đến nhạt cả một vùng trời gió bấc. Cái mùi bạch đàn nung lên hăng hắc làm rớt nước mắt của người trong vùng. Rồi từ đó, không còn ai thấy người nào quay về gian nhà đó nữa…

        “Có những sự hy sinh để đánh đổi lấy hạnh phúc, có cả những sự hy sinh để đánh đổi lấy hạnh phúc chỉ một phần, hạnh phúc đâu dễ kiếm, nhưng nó lại dễ để kiến tạo ra, cốt yếu là kiến tạo như thế nào và bao lâu mà thôi!”

        Comment


        • #5
          NHỮNG LINH HỒN KHÁT SỐNG




          Hôm đó mưa lớn dễ sợ, tôi với tía tát nước ra khỏi cái buồng ngủ bằng cái đồ hốt rác cũ mèm, tía hậm hừ nhỏ giọt mồ hôi khi mưa còn đọng lại trên mái lá, rơi rớt xuống nền và vương chút nhạt phai còn chưa kịp tan. Má nằm lặng thinh, chỉ nhìn trân trân lên trần nhà, lâu lâu vài giọt mưa vô hồn có rớt lên mặt má, lăn dài và tuông xuống nền chiếu. Hình như má hạnh phúc vì mưa đã thay má làm điều gì đó.

          Tía sợ nước ngập dâng lên đống nền, làm ướt cái tủ kiếng của má thường hay soi, làm mục chân giường má vẫn nằm im thin thít trên đó bảy năm trời và sợ cái bếp lửa luôn nóng dưới gầm giường nguội đi mất. Thằng Út xắn ống quần, lấy cái chăn đắp cho má, lau vài giọt nướt mưa rớt trên mặt, nó nằm xuống, ôm má khóc nức nở.

          Khi má có bầu thằng Út, tôi còn nhớ má thường hay núp sau cánh cửa bếp, khóc hưng hức ra thành từng dòng mưa ri rỉ. Có hôm hai má con ngồi ăn cơm, chỉ được ba con cá khô, má chan nước dừa vào chén cho tôi và rươm rướm nhìn tôi ngoạm những khúc khô vô tư đến thê thảm.

          Có hôm trời mưa cũng lớn, xối tấp vào nhà tôi những cành dừa khô mục rữa, những mái ngói loang lỗ rơi rớt những giọt mưa chảy đều nền đất, má ôm tôi qua những cơn sấm sét rền trời, qua những cơn gió cuốn phăng đi cái mái nhà bằng lá và rớt đổ cả cái bàn thờ.
          Ngày má sanh thằng Út cũng buồn da diết, tía vẫn chìm mình trong những đám rượu, vẫn đem cho mình cái thú vui sau cái ruộng tôm nghèo kiếp xác, đôi lúc quên mất rằng mình có tía, ngay cả lúc này – lúc má đang đau. Trời gì mưa đến khiếp, mưa đến tuông những dòng nước mắt rục rữa cả một đời người, mưa tan vào ký ức những câu chuyện buồn, những nỗi đau hằn trên đôi mắt của má, cái nhắm nghiền, gượng ngạo khều tôi “con chạy kêu cô Tám qua đây đi, nói má sắp sanh em bé”

          Trời tối mịt mù, phía trước tôi là những ánh mắt nhấp nháy trong bụi gai của tụi mèo hoang, những ánh đèn le lói đằng xa nhà cô Tám, băng qua hàng dừa, rồi cái cây gừa mà tụi thằng Tí đồn có ma trên đó, hay cái mộ của ông Tư còn ri rỉ nước chảy ngược của cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. Tôi trượt chân, bàn chân bị nhành dừa cắt phanh, đau buốt, định ngồi xuống nhưng lại chạy một mạch nhanh hơn, nhanh hơn về phía trước, tiếng gió hù hù đằng sau, tiếng rên rỉ của lũ mèo, tiếng mưa rơi lịch bịch,…đuổi dọc dài dòng đời của một con sông.

          Cô Tám nhìn thấy tôi xa xa là hiểu ra liền má tôi trở dạ, Tám lấy cái áo mưa choàng vào người, cầm một hủ y tế có dấu cộng màu đỏ, rồi ôm chầm lấy tôi, vẫn chạy miệt mài cắt gió…

          Tôi về đến nhà, má nằm ngất ngưởng ra sau, thằng Út đã ra ngoài, tiếng khóc the thé, nhỏ giọt, nhỏ giọt như từng hạt mưa, tôi lại khóc…

          Cuộc đời tôi ít khi rơi nước mắt, tôi không muốn mình yếu đuối, dù rằng thật sự tôi có yếu đuối hay không thì số phận là người hiểu rõ tôi nhất. Ví như cái hồi xả mặn vào ruộng, tôi nhặt được một con rùa, nó bị chém băng mất một góc mai, yếu ớt và thoi thóp y như số phận của dân quê tôi khi ấy. Cô Tám biểu “Để tía bay nhắm rượu, kẻo nó chết thì uổng”. Tôi lặng lẽ bỏ nó vào một thau sứ, rồi quên phăng nó ở đâu cho đến chừng một tháng sau thấy sức sống tiềm tàng, sự bật dậy đáng nể của nó, ngặm nhắm từng mảng rêu và tự chữa lành nỗi đau của bản thân mình.

          Tôi thích ngắm con rùa đó từ hồi nó còn nhỏ xíu, cái mai lèm nhèm những vết thương của đời chà đạp, cho đến bảy năm sau, nó vẫn im lặng, bước đi đều đặn, khao khát sống, khiến đời và người phải phục.

          Khi thấy má tôi la liệt trên nền đất và thằng Út khóc the thé giữa cơn mưa tầm tã, mớ nhầy nhụa bám lấy nó, cô Tám thét lên “Trời đánh mày thằng Hai ơi là thằng Hai…”.
          Tôi thường thấy má cho em bú trong cái đói quặng ruột, má đế sẵn nồi cháo, biểu tôi đợi sôi bỏ chút tiêu vào rồi đem lên cho má, nồi cháo trắng, nuột nà những hạt gạo tinh mơ, hạt tiêu cay xè, rớt nước mắt.

          Có hôm tía về nhà trong cái say mèm của đời, tía cũng quên đi rằng thằng Út vừa được đẻ, tía chỉ tay lên trời tục tĩu vài câu chửi hận, hay vả vào mặt tôi những bạt tay ấm ức, mà riết tôi quen, nên không thèm khóc nữa.

          Lần cuối cùng mà tôi khóc cho đến giờ mà tôi nhớ là một tối nhạt thếch những tiếng đàn cò não ruột. Cho em bú xong, má leo lên bàn thờ đốt nén nhang cho ông nội, má biểu “Hai đứa sau này làm quan để má nhờ nghen”… Tôi típ mắt cười hạnh phúc. Rồi bỗng dưng cá ghế đẩu chênh qua, má té xuống nền đất, va đầu vào cột nhà, máu chảy bươm, đùi má cũng ri rỉ máu…

          Và má đã nằm đó hơn bảy năm nay, thằng Út cũng bảy tuổi, có khi tôi nhìn thấy cái gì đó từ trong ánh mắt trân trân của má, vẫn hơi thở đều đặn, vẫn cái hơi ấm của một người mẹ hiền hòa, vẫn trái tim đập từng nhịp yêu thương, và đôi môi chưa cười suốt bảy năm ròng rã.

          Tía tựa khi nào gánh cho mình vị trí của một người mẹ. Tôi mười tám với những ánh mắt nhìn đời tha thiết một cánh chim sải rộng cánh bay cao, muốn tung ra khỏi bầu trời.

          Con rùa tôi nuôi vẫn sống, nó vẫn hay cố gắng vươn ra khỏi chậu sứ như tha thiết được giải thoát thật xa, tôi thả nó giữa sân, nó bò lê những bước chập chạp về phía con sông, mà quên mất rằng, sông không còn nước ngọt phù sa nữa, chỉ là nhưng mảng phèn mặn chát, ăn khoét mất tâm hồn của một dòng sông…

          28.03.11

          Comment


          • #6
            Nước Mắt Một Dòng Sông



            Bến sông quê một chiều vắng lặng, thoáng chút hương khói rơm nghe nhè nhẹ trong lòng. Dòng sông xanh, cơn gió đưa những chiếc nôi bằng lá tre trôi dọc dài theo con nước khi hoàng hôn đến. Hai chiếc xuồng kề cạnh bên nhau vẫy đưa theo cơn gió, lâu lâu chạm khẽ vào nhau rồi đong đưa mình theo con sóng vỗ nhẹ.
            Con thuyền có đôi còn đó, ký ức về một tuổi thơ đáng yêu vẫn còn đó, và ký ức về em vẫn còn đó.

            Buổi chiều thong thả bình yên, cánh diều phấp phới bay xa xa bên những rặng dừa xanh mượt. Tâm hồn thả ngược dòng sông, không êm đềm như những con sóng lăn tăng trên mặt nước. Sự yên tĩnh xóa nhòa cái lo lắng mệt mỏi trong lòng. Bỗng thằng Tí chạy nhào lại:
            - Anh Hai ơi, Chị Thúy về rồi, chị khác lắm.
            Tôi quay đầu nhìn nó,
            cái nhìn ngờ vực, vui mừng, và có cả sự lo lắng ở trong đó. Tôi hỏi nó:
            - Ai nói cho mày biết?
            - Em mới ở nhà dì Bảy về nè, chị Thúy đẹp và khác quá trời luôn.
            - Ờ… khác sao?
            - Trắng tươi à, tóc ngắn nữa.
            - Xạo mày, con Thúy mà để tóc ngắn.
            - Em nói thiệt, anh không tin thì thôi, em vô nhà kể mẹ nghe…
            Rồi nó chạy đi mất hút. Tôi phải mất vài giây để định hình cô bé có đôi mắt tròn xoe và mái tóc dài ngày xưa đẹp như thế nào, rồi tôi lại mường tượng tiếp, cũng với cái hình ảnh ấy nhưng mái tóc ngắn cũn cợt nó sẽ ra sao. Trên cái bến sông này, hai đứa con nít, hai người bạn, rồi hai trái tim đã cùng trao cho nhau biết bao kỉ niệm. Rồi ngày em ra đi, cách đây cũng đã nhiều năm rồi thì phải, em chưa về đây một lần, không thư, không lời nhắn, chỉ có những cánh diều bay mãi mãi mà chẳng nói được điều chi.

            Buổi sáng mai vùng quê tĩnh lặng, chạy ra cánh đồng ngào ngạt hương thơm lúa mới, cánh cò sải rộng những khung trời bình minh, hơi nắng như choàng ôm những đám lúa mơn mởn xanh tươi.

            Cô gái mái tóc ngắn ngũn vươn mình lên nắng, nắng như hôn nhẹ vào má em rồi làm sáng dần đôi mắt tròn xoe mê hồn ngày ấy. Rồi em lặng lẽ đi ngang tôi, ngang thằng con trai với cái quần kaki còn xoắn ống một bên, đôi chân trần đầy bùn lấm đất, mặt mày nguệch ngoạc và nước da ngăm ngăm. Thoáng qua như cơn gió như ta chưa bao giờ quen nhau.
            ….

            Sài Gòn ngày nắng chói chang, cuộc sống sinh viên mệt nhọc nhưng vui vẻ, rời quê hương cũng đã vẻn vẹn nửa năm trời, nhớ sao dòng sông ngày ấy, nhớ sao em. Làm thêm tại một quán bar, ánh đèn mập mờ đôi khi cũng làm khó chịu đôi mắt làm sao. Như bao người khách khác vào quán, cô gái đi cùng chàng trai, tình tứ và sổ sàng như không cảm thấy xung quanh họ là ai. Hai người ngồi một ghế VIP của quán bar, vẫy tay gọi tôi - một bồi bàn. Tôi vẫn hòa đồng và cười với khách bằng những nụ cười vô hồn mà tôi vẫn cười trước đây, tôi đang nuôi cuộc sống sinh viên của mình bằng nụ cười ấy. Cũng chẳng ai để ý mình có cười hay không ở cái chốn Sài Thành này, người ta chỉ để ý mình có bao nhiêu và mình có lợi như thế nào với họ.

            Cô gái chừng 16 tuổi hoặc hơn, mái tóc cụt ngũn, cách ăn mặt hở hang và sành điệu. Chàng trai chừng 20 tuổi, hình ảnh của một đại gia rõ rệt, họ chọn cho mình hai ly rượu X.O và hôn nhau như tôi không hề có tôi ở đó. Cô gái nhìn tôi chằm chằm, với ánh mắt ấy tôi có thể nghĩ đó có thể là Thúy, ánh đèn mập mờ làm tôi phát bực khi không nhận ra người mình muốn biết là ai…nhưng mặc kệ, tôi cầm trên tay quyển menu và lẳng lặng bước đi. Lòng đầy rối rắm.

            Tháng bảy trời nắng chói chang, nắng gay gắt như thiêu đốt làn da phơi trải giữa đường. Bệnh viện đông đúc, đi thăm thằng bạn bị gãy chân do té xe, tội cho nó. Tình cờ đi ngang khoa sản, cô gái ngồi khóc nức nở, gục mặt vào người bạn nữ kế bên. Cả hai đều mặc trên mình chiếc áo trắng và cái váy của trường Trung Học Phổ Thông. Mái tóc ngắn đang khóc. Tôi đi ngang em, dừng lại hồi lâu và hỏi “Thúy phải không?”, tôi không nhìn mặt, tôi đứng im đó, nhìn vào một cái gì đó xa xăm lắm mà ngay cả tôi cũng không biết là nhìn cái gì nữa. Em ôm choàng lấy tôi và khóc nức nở. Em và tôi đã nhận ra nhau. Ngày hôm đó, tôi là một người đàn ông bất đắc dĩ chịu trận thay cái hành động dại dột của em và người đàn ông vô lương tri ấy, hắn đã bỏ em…

            Cuối tháng chạp rải trên dòng sông màu phù sa nâu đục, gió mát và bờ tre như vẫy tay vui mừng người con của quê hương quay trở lại nơi đây. Cái ba lô nặng trịch quà cho thằng Tý, đứng trên quê hương mà thèm quê hương hơn cả khi ở Sài Gòn… Quê hương xanh và mướt vẫn như ngày nào tuổi thơ, thơ thẩn. Tối đó, trăng không tròn mà khuyết mất một phần hơn, dòng sông trải đều như mái tóc của một người thiếu nữ, bến sông quê hờ hững khi người ngồi không phải là một chàng trai mà là một cô gái, mái tóc đen, dài. Cô tên Thúy, cô đang rửa cuộc đời mình bằng những giọt nước của một dòng sông.

            Comment


            • #7
              Trái tim bồn bồn*




              Nắng. Nắng gắt. Nắng hại. Nắng cháy da, cháy thịt. Cháy cả những bờ áo nhạt màu đang dật dờ trước ruộng. Nắng đến mức nước như muốn sôi lên bất cứ lúc nào. Ừ thì nắng, nhưng nắng dường như đã như bị “bại trận” trước cái thoang thoảng của những cây bồn bồn tươi rói đang chễnh chệ mọc xiên qua từng hạt nắng. Cái dáng nho nhỏ chông chêng trước ruộng, chông chênh trước những cơn “gió mặn” đang thổi ào ào rát sâu cả mặt. Vậy mà họ vẫn đứng đấy hằng ngày, cúi mặt để bán lưng cho trời. Cái ruộng rộng ghê gớm, nó đã làm cho con người ta thấy thật nhỏ bé khi đối mặt với chính nó. Cuộc sống được bao bọc trong hai chữ…”bồn bồn”.

              Hằng ngày, những cây bồn bồn được nhổ lên để bán. Những đồng tiền bé nhỏ đó cũng chẳng thấm đâu để nuôi những “miệng ăn” trong nhà và cả những “cái đầu” đang đi học. Với tôi, bồn bồn đã ăn sâu vào thân xác, tâm hồn và cả trái tim của mình…

              Tôi quen nhỏ trên ruộng bồn bồn. Hai bờ ruộng chỉ cách nhau một dải đất hẹp, nụ cười mát như xua đi cái nóng bức của một trời khắc nghiệt, đôi môi cười như những bông hoa dại xinh xinh mọc giữa ruộng bồn bồn. Đẹp và vững. Rồi đôi nhà cũng chẳng cách nhau là bao, tôi qua bên “ấy” nhiều lắm. Siêng ra ruộng hằng ngày, hằng giờ. Bắt đầu cảm nhận được cái ngọt ngào, dìu dịu của hương bồn bồn dưới ruộng. Bồn bồn nay “khác” rồi đậm đà bởi hương mặn của nước ruộng êm nhẹ bởi những giọt mồ hôi lặng lẽ của nhiều người. Nó chống chọi được cái khắc nghiệt nhất của đời mình mà nó vẫn trắng tinh và đẹp vô cùng. Có lẽ nhỏ cũng vậy. Bờ áo bà ba nhem nhuốc màu đất. Mồ hôi trên trán đổ vội vàng trên khuôn mặt. Vậy mà nhỏ vẫn xinh lắm. Đôi mắt như cuốn sâu con người ta vào tận trong đó. Nước da trắng như những cọng bồn bồn tươi nhất được tước đều cả vỏ. Ôi khó mà kềm lòng được. Trên những khuôn ruộng tưởng như rộng thênh thang lại là những tâm hồn như khít lại gần nhau hơn. Trên ruộng bồn bồn bao nhiêu là ước mơ, bao nhiêu là khát vọng và bao nhiêu là tiềm lực về một cuộc sống đổi đời. Người dân ở đây đã khổ đủ rồi mà!

              Mùa bồn bồn lặng lẽ trôi qua nhường chỗ cho những con tôm vô hồn chìm mình thế chỗ. Bóng dáng thân thương ngày nào vắng dần và mất hẳn. Trái tim con người có vậy chăng? Ngày nay, tôi được cho lên thành phố để học và để tiếp thu những cái xa xỉ mà trước đây tôi chưa từng biết tới. Cuộc sống như thu hẹp dần. Ba mẹ cũng đã quằng lưng gánh mãi gánh nặng thị thành mà tôi cũng chẳng tiếp được gì. Rồi những thứ xa hoa đã làm tôi quên đi mùi vị của nắng. Quên hẳn đi cái hương của đất cứ xộc lên mỗi khi mùa bồn bồn đến. Và quên luôn cả những cây bồn bồn đang ưỡng mình trước ngàn giọt nắng. Mùa bồn bồn khi nào nhỉ? Tôi quên nó mất rồi. Hình ảnh cô bé ruộng bên đang nhạt dần trước phấn son lòe loẹt của những cô gái thị thành hiện đại. Bồn bồn ở đâu, bồn bồn làm gì? Tôi phớt lờ dần với nó. Ký ức bồn bồn đẹp lắm cơ mà, nó đâu rồi nhỉ.

              Trở về nơi xưa, vẫn mùi vị ấy, vẫn hạt nắng ấy và vẫn những cây bồn bồn tươi tốt ấy. Cảm nhận này quen lắm. Có quen thân không nhỉ? Rời quê lâu thế này cơ à? Cô bé có trái tim “bồn bồn” đâu rồi nhỉ?. Hàng cây ven đường cứ rập mình chào đón. Thấy thèn thẹn với chính bản thân mình, với quê hương mình. Cô bé có nước da trắng tinh, đôi mắt sâu thẳm ngày nào đang hòa mình với nắng. Hỏi thăm cô còn nhớ tôi không. Cô bé nói rằng “trái tim bồn bồn đã chết theo ký ức của anh rồi anh ạ”
              (*)loài cây màu trắng có nhiều lớp xốp bao quanh.

              Comment


              • #8
                Tứ



                Nếu nói văn tôi viết là một sự thật của cuộc sống thì cũng chưa đúng, nếu nói tôi viết không chân thật thì cũng thật là sai. Bởi cuộc sống là những mảnh ghép, tôi sẽ ghép nó lại để trở thành một tác phẩm, dù không xuất sắc, nhưng phản ánh được phần nào suy nghĩ của tôi...và đánh dấu từng bước lớn lên trong tâm hồn tôi!

                TỨ…
                Nguyễn Phước Huy


                Chiều rắc dài những mảng nắng rục rữa qua cái cây khô héo queo nằm lất phất bên đường. Người ta treo trên đó một mảnh vải màu trắng, bay lơ phơ giữa trời, nhìn ghê sợ, cũng chẳng ai biết cái sợi dây đó treo từ khi nào, nhằm mục đích gì, chỉ biết, họ đã thấy nó từ lâu lắm rồi, từ cái ngày mà quán nhậu Sáu Tiêu mới bắt đầu mở cửa. Nắng trải dài, rộng và lờ mờ chờ bóng tối. Xa xa, cái quán Sáu Tiêu đã nổi lửa lên đợi chờ những đợt khách đầu tiên cho một đêm bán buôn căng thẳng.

                Thằng nhóc Tứ với bộ đồ võ, xách thanh gươm trắng toát màu sát khí hườm hườm đến quán, cái “lạnh” từ nó như xóa đi cái hơi lửa đang rừng rực cháy trong bếp. Nó ngồi phệt xuống đất, buộc chặt cái sợi dây giày, súc miệng bằng một thứ nước màu trắng rồi phun phèo ra bên cạnh, buộc cái đai võ ngang hông rồi đứng lên đi thẳng vào trong quán.

                Đêm rộng Sài Gòn nườm nượp trong khói xe tàu lượn, người người tránh ra đường hoặc trốn ở một nơi nào đó sau một chuỗi giờ căng thẳng với công việc. Quán Sáu Tiêu nóng là thế, chật là thế nhưng người ta vẫn lần lượt kéo vào như xem một điều gì lạ lắm vậy. Đêm thấm đượm buồn trong cái khăn vải trắng vẫn lất phất bay trong một trời đen kịt, quán Sáu Tiêu nằm gọn góc ở cuối con đường xa xăm có những bóng xe qua lại. Cậu bé chừng 14 tuổi đang múa máy thanh kiếm, lâu lâu lại dừng uống một cái thứ gì đó màu trắng đục rồi tiếp tục múa kiếm. Người thì vô tình xem nhưng chuyện bình thường, người thì lâu lâu đi ngang lại vô tình nhìn thấy thương có – xót có, người thì ngồi trong quán vỗ tay vô hồn sau cái “cốc” của ly rượu khi màn biểu diễn kết thúc.

                Trời khuya đen ngịt thêm nữa những chớm ánh sao rõ hơn trên bầu trời Thành Phố, cậu nhóc lại biểu diễn tiết mục của mình trong khuôn mặt thật khó kiếm những nụ cười ngơ ngác. Rồi Tứ uống no vào họng một ly rượu nặng, đặt một thanh gỗ có lốm đốm lửa ở đầu rồi phun ra như một con rồng nhỏ, lửa tóe sáng một góc của con đường, người ta vỗ tay, rồi tắt ngấm khi màn biểu diễn kết thúc. Quán đóng cửa lúc chừng 2 giờ sáng.

                Đường Sài Gòn 2h sáng ngập trong cái lặng, hẵng lâu lâu thì bỗng có một vài tiếng rú xe của tụi thanh niên quậy quạng đường phố, hay tiếng còi inh ỏi của những chiếc xe tải lao mình như điên như dại. Cậu bé lơ mình đi về, miệng còn ngậm lát chanh để nhòa đi cái mùi rượu còn nặc hắc lên mũi. Đường dài, nhạt nhòa trong bóng đêm lạnh buốt, lạnh như khuôn mặt của cậu và chắc cũng như trái tim của cậu.

                Gian nhà tranh khắc đậm những tiếng cọt kẹt ban đêm nghe buồn da diết, người đàn ông tóc lấm tấm màu bạc ngủ co ro trong cái mùng vá đủ chỗ đủ bề. Nó quăng thanh gươm xuống cái bàn, phun lát chanh ra miệng qua cái cửa sổ bằng cây chống ngược lên trong cái góc bếp. Đồ đạc chuệnh choạng, bát đĩa còn ngâm trong cái thau nhôm. Tứ dọn dẹp trong cái mệt nhoài của nó rồi nằm phệt ra trên cái tấm ván được kê bằng những viên gạch đặt giữa gian nhà.

                Sáng sớm, người đàn ông tóc lấm tấm màu bạc lò mò kiếm cây gậy đặt gần cạnh cái giường bé xíu, ông lơ quơ đến cái bếp rồi sau đó lặng lẽ bước ra khỏi nhà khi mặt trời vừa he hé mở ánh nắng đầu tiên. Ông bị mù. Ông thường thức thật sớm để đi bán vé số, ừ đời khổ gì mà khổ đến thế!

                Tứ thức giấc khi mặt trời điểm rõ giữa trưa, ánh nắng lóe qua cái lỗ của mái nhà tranh rồi soi xuống ánh mắt nó làm nó chợt giật mình sợ hãi. Ừ thì cũng sợ, sợ cái đời dài quá những chặn đường còn chưa biết lối đi, sợ lắm những cái qua khứ đau buồn mà kết quả của nó là hiện tại…Ừ, bốn năm rồi còn gì nữa. Nó chợt nhớ!...
                ….

                Mẹ nó đang ngồi thổi cái bếp lửa nấu nồi nếp để làm đám dỗ nội, Tứ đi học về trong cái cảnh quần áo xộc xệch lấp láp bùn, nó bốc tay vào cái rổ chả giò đang hừng hực âm ấm thì bị cha nó quát cho một cái, bảo nó đi tắm rửa sạch sẽ. Nó giận mình quăng cặp rồi chạy ra cái cánh đồng nhà nó, tụi nhỏ đang thả diều, bay lất phất như những ước mơ của tụi nhỏ. Cánh diều của Tứ bay cao xa rồi bỗng như xà xuống, cơn gió lặng lẽ lướt qua rồi im lặng làm cánh diều không thể nào cất lên được nữa.

                Tứ ngồi phệt xuống đất, lấy cây sáo ra thổi da diết một bài buồn thui thủi, ông nội nó trước khi đi đã dạy nó thổi thật nhiều bài hay, thật nhiều những bài có cảm xúc lắng đọng, nhưng sao chỉ là những bài ca thật buồn khiến lòng người ta sầu não. Tiếng sáo cắt lòng ánh nắng ban trưa, soi xuống mặt ao lấm tấm những gợn sóng không vô hồn như người ta thường nghĩ, nhưng đối với một tâm hồn vừa tròn mười tuổi thì có lẽ là hơi hà khắc khi gieo vào đó những nốt nhạc bi thương. Ngày còn sống, ông nội nó còn dạy nó tập võ, múa kiếm, khi ông mất, nó cứ lầm lầm lì lì như tâm hồn đã lặng cùng những nốt nhạc.
                Chiều đó bỗng trở mưa lất phất nhưng không to. Bà con dòng họ ngồi lại trong ngôi nhà rộng rãi nói chuyện với nhau. Rồi họ bàn nhau về gia sản, đâu đó trong cuộc nói chuyện đã lớn tiếng với nhau. Sau đó là cãi vã, chú Ba đứng dậy ném cái ly rượu xuống đất vỡ toan, mẹ nó khóc thút thít nói không thành lời, ba nó chỉ ngồi, im lặng như tờ trong cái không gian hỗn loạn. Tụi nhỏ nhìn nhau, thằng Tí con cô Năm nói “ba má mày định lấy hết đất hả, tía tao nói nếu mà vậy là ổng chém cả nhà mày đó”. Nó lặng im, có lẽ với một tâm hồn còn quá non nớt như nó, những chuyện xảy ra như một cơn mưa vội vã dội xuống những mầm xanh còn yếu ớt, nó đi ra hiên, trời vẫn mưa lất phất một màu buồn, nó thổi sáo. Tiếng sáo cắt ngang xương thịt của những con người có cùng ruột thịt, cắt ngang những tâm hồn anh em đã cùng gắn bó với nhau và cắt ngang những tiếng nói vô tình của những con người bị chai sạn dần tình thân….tiếng sáo réo rắt…

                …..

                Mọi chuyện trôi qua với nó như những đám mây vụt qua cánh chim đang sải cánh rộng trên bầu trời to lớn, điều gì đó nó chỉ biết là khi đó nó dọn đến ở trong một gian nhà tranh chỉ bằng căn bếp nhà cũ. Cùng ba và mẹ. Từ đó, nhà nó bỗng ít tiếng nói hơn, ba nó thì ngày ngày rượu đến như chôn mình trong những ký ức nhảm tạp trên vùng đất phù sa bát ngát. Mẹ nó im lặng, cãi vã nhau rợn người với ba nó như những tiếng thét cắt ngang tai. Sau đó, mẹ nó trở bệnh, rồi èo uột trên cái giường mái nhà tranh xiêu viêu và bỏ nó ra đi từ khi ấy. Nó nghỉ học.

                Ba nó và nó dọn lên ở Sài Gòn một năm sau đó, ba nó đi bán vé số, một hôm bị đụng xe, không có tiền và mất đi đôi mắt. Sao mà như một cơn ác mộng, nó chẳng hiểu gì cả, lọc lại trong đầu nó, nó cố gắng nghĩ đến từng chi tiết đã xảy ra với nó, những điều mà nó nhớ đến và hiểu được làm nó nhận ra “thật nó đã mất mẹ rồi sao?” ừ thì sự thật dẫu có đôi lúc như một lưỡi dao kề cổ những ước mơ đang chờ ngày chắp cánh, nhưng sự thật dẫu có né tránh thì vẫn là sự thật, có tránh được gì đâu, thôi chấp nhận vậy. Nó ngồi dậy, lấy cây sáo ra thổi da diết một bài, để nó biết rằng nó còn có cái để mà sống. Nó thật sự vẫn chưa hiểu lắm nhiều cái còn quá phức tạp.

                Chiều lại rắc dài những mảng nắng rục rữa qua cái cây khô héo queo nằm lặng lẽ bên đường. Nó lênh đênh trong tâm trạng lơ ngơ của tâm hồn. Đến quán Sáu Tiêu. Nó chợt nhìn cái khăn trắng. Hình như cái khăn trắng treo lất phất trên cành cây đơn thuần chỉ có ý nghĩa là để cuộc sống biết sự tồn tại của nó…

                Comment

                Working...
                X