Như thông lệ, Bảy Cò tấp xe lam vào sát lề, lột nón quăng mạnh xuống ghế, vặn tắt máy rồi thọc tay vào túi, lững thững bước ngược về quán Chệt Ký. Trời chỉ vừa hừng sáng, khách mới tới lai rai, Bảy Cò cảm thấy thơ thới lòng, dư sức chọn một chỗ ngồi vừa ý.
- Uống gì, chú Bảy? Bữa nay có thuốc Vàm Cỏ mới, đồng ba điếu... Chú có ăn xôi ăn cháo gì không?
Cha này lãng nhách, hỏi không kịp thở! Bảy Cò mắc tức cười, nhưng cũng cố làm tỉnh, giựt giựt cái miệng:
- Bạc xỉu, kêu giùm đĩa xôi sầu riêng, ba điếu Vàm Cỏ.
Với cha này thì nói càng gọn càng tốt, không có ngồi nghe hết buổi cũng chưa thôi! Chệt Ký quay đi rồi, Bảy Cò mới dám ngồi ngay ngắn lại, chống tay dưới cằm nhìn dãy phố.
Cạnh cây cột đèn độc nhất ngã tư, chị con gái một tay phe phẩy chiếc quạt giấy trên cái thau còn đầy ắp bánh khoai, tay kia luồn vào ống quần gãi lấy gãi để. Cách đó một thước là một thằng bé mặc độc chiếc quần đùi bạc màu chàm, ngồi trên lề, thòng hai chân xuống đường nhịp từng chặp, lơ đãng nhìn người đi qua lại, gương mặt bình thản, vô tích sự. Lúc Bảy Cò nhìn lâu ở đó, thằng nhỏ đang ngáp.
Tranh: Thắm Nguyễn
Nó là Hòn, thằng bé con thường ngày nổi tiếng phá phách nhất ngã tư Xã Mai này. Mười hai mười ba tuổi, nó chưa hề sợ một ai, ngoại trừ bà chị nó, chị Mắm, chị con gái lỡ thì bán bánh khoai.
Hai chị em sống với bà mẹ già trong một căn chòi lợp nửa thiếc nửa lá, vách dừng nửa ván nửa thùng sữa thụt sâu tuốt trong lòng con hẻm tận dưới Lâm Quang Ky. Căn nhà mười một tuổi được sửa sang mỗi năm một lần vào giữa mùa mưa và mỗi lần như vậy, vài chục lá hoặc ít tấm thiếc đã rỉ sét, một vài tấm ván thông vụn, thùng giấy... được tấp vội tấp vàng vào căn nhà tội nghiệp này.
Thằng Hòn được hàng xóm biết đến từ ngày nó vừa đi chập chững, rồi một năm sau nữa, giữa mưa thả rong dọc theo con mương nước tìm bắt cá cóc đựng đầy những keo chao, đem về sắp ngang sắp dọc khắp nhà. Nó lớn lên và cái việc thả rong của nó cũng kéo dài mỗi ngày một thêm ra theo thời gian. Ở vào những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nó chín tuổi, bỏ hẳn thói quen la cà với tụi nhóc trong xóm Bánh Tầm buồn thảm và nhiều phũ phàng, bỏ hẳn ngã tư Xã Mai xanh xao và chán ngấy, bỏ hẳn xóm nhà sình lầy với những cây bần quen thuộc dọc theo bãi biển Lâm Quang Ky, nó tính toán và tự chia chác cuộc sống ra hai đầu thị xã, Ngư Cảng và Cổng Tam Quan.
Má nó, không rõ từ bao giờ đã quen làm lơ không hỏi tới bất cứ những gì xảy ra chung quanh nó. Một lần, nó về nhà với một bên mắt tím bầm, bà chỉ nhìn trừng nó một lúc thì vừa co chân tống cho một đạp, vừa quát:
- Bà mẹ mầy, đi lấy muối mà đắp lên. Đừng đứng đó, lớ quớ tao bẻ cổ thấy mụ nội...
Một lần khác, nó về nhà, vẻ mặt hớn hở và bí hiểm với những tờ giấy bạc lấp ló trong vạt áo, bà túm lấy, hối hả kéo cuốn tiền ra, thuận tay xô thằng nhỏ chúi nhủi vào vách nhà:
- Chết mầy, thằng mất dạy. Có bữa chúng còng đầu mầy...
Xong, thì bà xoạc tiền ra đếm, ném lại thằng nhỏ chút ít, chửi thêm một lúc thì đâu vào đấy. Còn phải đi làm cho người ta nữa chứ, rảnh rang đâu mà ở nhà chửi hoài, thằng Hòn biết như vậy nên thường thường nó léo về nhà những lúc bà sắp đi làm, hoặc đã đi làm.
Bà mẹ đã như vậy, chị Mắm lại cũng không hề đả động gì tới thằng em. Chị ít nói, không thích la cà nên thỉnh thoảng hàng xóm mới có chuyện nói tới chị. Hồi mới tới ở căn nhà này độ một hai tháng, người ta chỉ thấy chị thường nằm võng đu đưa qua lại và ca vọng cổ những khi trời sắp về khuya. Tiếng ca nhỏ mà trong trẻo, nghe buồn buồn:
“Bước xuống ruộng sâu em mảng sầu tấc dạ,
Tay ôm bó mạ nước mắt hai hàng.
Ai làm cho trễ chuyến đò ngang
Cho sông cạn nước, đôi giòng biệt ly...”
Rồi giọng cao lên thánh thót, nghe như có chút nghẹn ngào. Người ta đoán một cách mơ hồ rằng chị phải có một tâm sự gì não lòng lắm. Nhiều khi, chị ngồi lặng thinh hàng giờ, gương mặt đăm đăm nhìn vào khoảng không. Hỏi, thì họa hoằn lắm chị nói, mà nghe như không phải để trả lời:
- Không có gì làm tôi buồn được hết. Đừng thấy vậy, mà tưởng vậy... Ai hơi đâu lo nghĩ mà buồn thêm, cuộc sống này nó đã như vậy rồi mà...
Rõ ràng chị con gái không giấu nổi tâm sự của mình. Bảy Cò biết chắc chắn như thế, nhưng vấn đề là phải biết câu chuyện nó như thế nào mới được? Sát một bên nhà, nhiều khi cả năm trời, chưa bao giờ Bảy Cò nghe được mẹ con chị Mắm nói chuyện với nhau như một sự nhắc nhở về cuộc sống đã qua, ở đâu đó, trước khi tới căn nhà này.
Một dạo, Bảy Cò đánh bạo lân la gợi chuyện, rốt cuộc cũng không biết được thêm bao nhiêu, nhiều khi lại đâm ra bực mình:
- Anh Bảy hỏi nhiều quá, làm an ninh hả?
Hoặc:
- Tui đã cố tránh không hỏi cái gì về anh Bảy, thì anh Bảy cũng đừng hỏi cái gì về tui, mới phải chứ...
Bảy Cò chỉ biết lơ mơ rằng hồi trước mấy mẹ con nhà này ở Châu Đốc, ở Kinh Xáng, ở Láng Bông Súng… rồi hình như làm lụng vất vả mà không đủ ăn chi đó, phải tìm nơi khác, và tới Rạch Giá, vậy thôi. Còn có hỏi thêm nữa, thế nào cũng bị chị con gái khó tính
– Bảy Cò nghĩ vậy – lựa lời này lời nọ nói cho qua.
Riết rồi Bảy Cò thôi, không cố hỏi, được cái là ngồi cạnh chị con gái nói chuyện trên trời dưới đất, nhiều lúc nghĩ lại thấy vui vui. Chẳng qua, có lúc Bảy Cò đâm ra ghiền nghe tiếng hát chị Mắm. Nhiều lần cố làm vẻ mặt hết sức tình tứ, Bảy Cò yêu cầu chị hát cho nghe, nhưng không bao giờ, nói gì nói cũng không hát. Chị phân trần với giọng nhạt nhẽo:
- Tui đâu có phải là ca sĩ, đâu có phải là đào hát, mà hát cho người khác nghe...
Vài lần như vậy, Bảy Cò đâm ngượng, không nhắc lại nữa. Đành phải chờ đêm đêm, chị Mắm nằm trên võng đong đưa, một mình thả hồn theo tiếng hát.
- Tại anh Bảy không biết, chớ tui thì tui dễ tính lắm, ai làm gì thì làm, tui sống cho tui, miễn sao đừng có ai đụng tới cuộc sống của tui...
Không biết ai đã đụng tới cuộc sống của chị làm cho chị có cái mặc cảm to lớn này vì mỗi lần nói chuyện như một kiểu tâm sự, chị Mắm luôn luôn nhắc lại câu này. Bảy Cò nghe hoài cũng hết thắc mắc.
Có một người khách mua bánh, chị Mắm lăng xăng phủi sạch tấm lá chuối héo vàng rồi rút vội cặp đũa đang cắm ngập vào thau bánh, bắt đầu xới, gói. Cái vẻ lăng xăng này, lâu lâu Bảy Cò mới thấy được một lần, mà lần nào cũng nghe lòng nao nao, suy nghĩ mông lung.
Bảy Cò nghĩ tới mình, tự nhiên thấy cái đầu lần quần, thở dài từng chặp. Sáng tới tối chạy xe xoèn xoẹt, đêm về tính lại còn chút đỉnh sống qua ngày qua buổi. Làm cũng nhiều mà không thấy dư, thiệt đúng như lời ông già bà cả thường hay nói, phải có một người đàn bà trong nhà “cho nó giữ tiền, mới khá được”. Mà thời buổi này, cái chuyện kiếm một người đàn bà thiệt khó. “Mình đã từng tuổi này...”
- Hết thời! Bảy Cò luôn luôn phán một câu sau những suy nghĩ về chuyện này. Thằng Trung Sĩ Nhất Lâm Thành Bảy phong nhã hào hoa một dạo đã hết thời! Từ cái hồi vợ chết, rồi bị thương cưa bỏ một giò, ráng quơ quào nuôi thằng con cho kịp lớn để làm lơ xe đò, tuần lễ thấy mặt nó một lần, Bảy Cò ít khi chịu tìm hiểu để đả thông những vướng bận trong lòng.
Cho tới buổi tối hôm trước, chị Mắm khóc.
Chị Mắm khóc, Bảy Cò không tài nào ngủ được vì tiếng khóc mặc dầu nhỏ nhưng nghe rất rõ. Phải nói, mười một năm rồi, mãi tới hôm đó Bảy Cò mới biết được “câu chuyện nó như thế nào”.
Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ chiều. Lúc Bảy Cò về thì trời tối hẳn, nhà chị Mắm không thắp đèn nhưng cũng còn thấy được bóng dáng nhỏ thó của thằng Hòn ngồi chồm hổm trước hiên. Bảy Cò vô nhà chưa kịp cởi áo đã nghe vách bên kia, chỗ chị Mắm thường nằm đong đưa ca vọng cổ có tiếng hỉ mũi, rồi lại có tiếng khóc rấm rứt. Rõ ràng là tiếng chị Mắm!
Đêm vắng mà nghe tiếng khóc thì buồn quá.
Trước hết, Bảy Cò nghĩ ngay tới bà mẹ. Chắc có chuyện gì xảy ra cho bà mẹ không chừng. Nhưng đâu được vài phút, tiếng nói của bà nhè nhẹ kéo dài:
- Thế nào rồi cũng có bữa nay, tao biết...
Bảy Cò giật mình cố lắng nghe. Một hồi, chị Mắm mới lên tiếng, vẫn còn có vẻ ấm ức:
- Má tui đã nói với má hoài, là tui hổng đi đâu hết, sao mà má còn trả lời với ổng như vậy?
- Tao nghĩ tới thằng Hòn, nó dù sao cũng còn cha...
“Ổng” là ba thằng Hòn. Có lẽ hôm nay “ổng” tới và bắt mẹ con chị Mắm đi đâu đây. Bấy giờ Bảy Cò mới nhớ ra có lần chị Mắm không hiểu vì chuyện gì đã vừa nói vừa cười với thằng Hòn “mầy giống in hệt ba mầy, cái giò cao nhòng...”. Thì ra, ba chị Mắm và ba thằng Hòn là hai người đàn ông khác nhau, và hôm nay ba thằng Hòn tới không phải chỉ để bắt thằng Hòn đi, mà bắt hết cả nhà. Nhưng đi đâu? Bảy Cò thắc mắc quá!
- Năm ngoái, tiếng chị Mắm như phân trần, má dìa dưới, má biết là hổng thể nào ở luôn dưới đó được...
Bà mẹ ngắt lời ngay:
- Tại lúc đó Dượng Hai mầy chưa về! Bây giờ có ổng thì phải khác đi chứ. Ổng làm việc trên huyện mà.
- Huyện! Huyện gì huyện cũng đâu có lo nổi cho má được. Ổng lo cho ổng sợ còn chưa xong nữa là....
- Mày nói, rồi người ta dàn xếp được chớ!
Nãy giờ hết nghe chị Mắm thút thít, đột nhiên chị “xì” lớn một tiếng rồi nói xẵng:
- Ngay tại đây còn không dàn xếp được, nói gì ở dưới đó. Mấy cái thằng...
- Chắc tại thằng Căng chết nên mầy ghét người ta.
Thằng Căng! Nghe thêm một hồi nữa, Bảy Cò biết được ra rằng ngày trước chị Mắm có bồ đi lính Cộng Hòa nhưng không biết là lính gì, rồi chết, đụng trận chết. Chết một thời gian ngắn trước khi ba mẹ con bỏ xứ tới đây.
Trưa này, chắc là người dượng ghẻ, ba thằng Hòn tới với ý định bắt ba mẹ con trở về Láng Bông Súng và bà mẹ đã hứa sẽ thu xếp để về thiệt. Chị Mắm không bằng lòng nên xảy ra việc đôi co với bà mẹ. Bây giờ câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ ra sao.
Bà mẹ nhắc tới “thằng Căng,” chị Mắm im lặng lâu lắm mới nghe tiếng nấc nhẹ. Lúc này là lúc chỉ còn lại tiếng lầm bầm của bà mẹ nói tới những cái lợi hại trong cuộc sống ở đây và cuộc sống Kinh Xáng nếu mai mốt ba mẹ con trở về dưới.
Bảy Cò biết thêm, không những ở chỗ này mà ngay cả ở các làng mạc hẻo lánh, xa xôi, nhà nước đưa cán bộ miền Bắc vào thế chân cán bộ miền Nam để giải quyết việc hành chánh làm cho tình trạng “cần phải được dàn xếp.” Ba thằng Hòn cũng đang chờ sự “dàn xếp” đó. Phần chị Mắm thì chắc có lẽ sự gặp lại “cảnh cũ” mà không gặp được “người xưa” thành ra nhất quyết không chịu về, Bảy Cò nghĩ vậy mà không biết có đúng không
Nhưng cái vướng bận trong lòng Bảy Cò không phải là vì chưa biết rõ nguyên do khiến chị Mắm nhất quyết không chịu về, thật ra, nó không “ăn nhằm gì tới mình”, mà là câu nói cuối cùng của bà mẹ, câu nói chấm dứt đôi co của hai mẹ con và cũng chính câu nói làm chị Mắm suy nghĩ, suy nghĩ suốt đêm. Bảy Cò biết chắc như vậy.
- Không lẽ ổng trở vô bưng lần nữa!
Trở vô bưng lần nữa. Câu nói của bà mẹ chắc chắn là được thốt ra bằng nhiều ý tứ gói ghém trong câu chuyện với ba thằng Hòn. Thân phận của một thằng thương phế binh thiếu thốn và hèn kém ở rất nhiều lãnh vực trong cuộc sống, nhưng Bảy Cò biết, óc tưởng tượng và mặc cảm thì nhiều, quá nhiều.
Lâu lắm rồi, Bảy Cò mới có dịp nhìn thấy lại cái mặc cảm bằng một câu nói bâng quơ, nghe lỏm được. Bắt đầu từ đêm đó, óc tưởng tượng của Bảy Cò làm việc trở lại. “Tưởng đâu mình có thể làm tỉnh trước tất cả mọi việc...” Bảy Cò tự thú nhận và nhất định sẽ nói chuyện với chị Mắm thật nhiều, nếu có dịp.
Cả nửa tiếng đồng hồ mà không có thêm một người tới mua bánh khoai. Bảy Cò ngồi thừ suy nghĩ miên man thêm một hồi, gọi Chệt Ký tính tiền rồi đứng dậy thẳng người, đi lần về phía chị Mắm. Chiếc giò giả tám năm không hề vương vít thường ngày, hôm nay tự nhiên nghe nặng chình chịch. Bảy Cò vịn tay vào cột đèn, khè cần cổ lấy giọng, rồi nói nhỏ:
- Cô Mắm bữa nay mạnh giỏi hén!
Chị con gái thoáng giật mình, quay phắt lại. Thấy Bảy Cò, chị tươi cười, mặt hơi đỏ:
- Anh Bảy mạnh giỏi?
- Cám ơn cô, sáng nay tự nhiên làm biếng chạy... Tui ngồi đây nói chuyện chút, nghe...
Bảy Cò biết mình đang khớp. Đương không chỗ người ta buôn bán tới bắt chuyện, làm rộn. Chị con gái cúi đầu nhìn xuống chân mình, cũng ấp úng:
- Chuyện gì ? Anh Bảy ngồi đi.
Đâu còn cái ghế nào, Bảy Cò lấy bộ ngồi xuống lề đường y như thằng Hòn đang ngồi, bật lửa châm nốt điếu thuốc còn lại:
- Hồi này, làm ăn bất cứ cái gì cũng có vẻ không khá được hết, cô Mắm hén!
- Không khá thiệt, chớ có vẻ gì. Anh Bảy không thấy sao... từ sáng tới giờ...
Chị con gái vừa nói vừa đưa tay giở tấm vải thưa đậy thau bánh, chặc lưỡi. Thằng Hòn tự dưng cúi mình nhặt một hòn đá nhỏ, úp vào lòng hai bàn tay lắc lấy lắc để, vừa đứng dậy, lủi thủi bước lần về hướng Cầu Đúc. Chị Mắm để mặc nó. Bảy Cò quay nhìn vào mắt chị con gái:
- Cô Mắm nè, tui hỏi tò mò một chút. Cô với thằng Hòn cùng mẹ khác cha phải không ? Đừng trách tui...hôm trước vô tình ngủ không được, tui nằm tui nghe hết...
- Ờ, ờ... Cái hôm dượng Hai tui ghé chớ gì? Ổng đang làm việc ở Tịnh Biên, ổng ghé biểu má tui trở dìa Kinh Xáng làm ruộng. Ba thằng Hòn đó.
Chị con gái bữa nay chịu nói chuyện, Bảy Cò thấy vui lòng ngay, không còn vẻ gượng gạo nữa.
- “Gồi” má cô có chịu về không?
Chị con gái không đáp. Bảy Cò biết thế nào chị cũng không đáp, nhưng đã lỡ hỏi rồi, đành lấp liếm nói lảng:
- Quê ngoại tui ở Vị Thanh, cũng làm “guộng”...
Rồi nín. Bảy Cò thấy mình dở ẹc, phải chi chị Mắm tỏ ra đanh đá, sắc sảo gì cho cam. Không hiểu chị con gái có ý tứ gì khi nghe Bảy Cò nói trỏng, ngập ngừng hỏi nhỏ:
- Anh Bảy có làm ruộng được hông?
Do cái mặc cảm sống lại và kéo dài mấy hôm nay, rồi óc tưởng tượng chung quanh chuyện ba thằng Hòn, chung quanh lời nói của bà mẹ chị Mắm lớn dần ra cộng với nỗi thắc mắc vì những tiếng khóc của chị Mắm, Bảy Cò biết mình thế nào cũng phải nói một lần những gì mình muốn nói.
- Cô Mắm thấy tui làm “guộng” có được không ? Chân cẳng tui như thế này...
- Có sao đâu. Anh Bảy dù dở cách mấy, anh Bảy cũng là đàn ông mà!
Bảy Cò nhìn thẳng vào mắt chị con gái, muốn nói một lời cảm ơn nhưng không nói ra được. Chị Mắm liếc nhanh về phía Bảy Cò rồi quay nhìn ra đường, nói trỏng:
- Chắc tui phải theo bà già dìa dưới. Ở đâu cũng vậy...
Chị cúi đầu, mấy ngón tay hơi đen nhưng vẫn còn tròn trịa cào nhè nhẹ vào mặt bàn, giọng nói nhỏ hơn:
- Nếu mình cần có bạn, thì ở đâu cũng có thể có được, phải không anh Bảy ?
Bảy Cò không đáp ngay vì bất chợt nghĩ tới thằng con giờ này không biết nó đang ở phương trời nào. Hồi lâu, Bảy Cò gật đầu:
- Ờ, cô nói đúng quá!
Ở đâu thì chắc cũng vậy trong thời buổi này. Bảy Cò thấy rõ ràng những lời nói xét ra giản dị của chị Mắm đã làm mình suy nghĩ hơi nhiều. Từ lâu, cuộc sống hối thúc, vất vả đã làm mình quên khuấy đi mất là mình cũng nên có bạn, đâu phải cuộc đời này nhiều đau khổ quá rồi con người ta không còn biết yêu thương nhau? Tự dưng, Bảy Cò cố nghĩ ra một câu nói, bất cứ câu nói nào có thể làm chị Mắm suy nghĩ, hay ít nhất cũng ngạc nhiên mà nhất thời nghĩ chưa ra.
- Anh Bảy, hổng nói chuyện gì nghe đi..
- Ừ, ừ... Tui nghĩ... mỗi người đều có quyền sống theo ý mình muốn... nhưng khó cái là không biết mình đang muốn gì...
Chị Mắm chưa kịp ngạc nhiên thì Bảy Cò đứng hẳn lên:
- Bây giờ tui phải đi làm, tối tui về sớm...
- Dìa sớm, anh Bảy qua tui chơi, nghe.
Bảy Cò quay lại nhìn, không ừ hử cũng không gật đầu, bước về hướng chiếc xe lam. Ở đó, không biết từ lúc nào, thằng Hòn ngồi chễm chệ trên ghế, hai tay cầm lái, mà miệng thì cứ phì phò giống như tiếng xe chạy. Bảy Cò vỗ đầu nó:
- Xuống mày, thằng cà chớn!
Nó quay đầu nhìn Bảy Cò, phì cười. Bảy Cò cũng cười.
Võ Hoàng
- Uống gì, chú Bảy? Bữa nay có thuốc Vàm Cỏ mới, đồng ba điếu... Chú có ăn xôi ăn cháo gì không?
Cha này lãng nhách, hỏi không kịp thở! Bảy Cò mắc tức cười, nhưng cũng cố làm tỉnh, giựt giựt cái miệng:
- Bạc xỉu, kêu giùm đĩa xôi sầu riêng, ba điếu Vàm Cỏ.
Với cha này thì nói càng gọn càng tốt, không có ngồi nghe hết buổi cũng chưa thôi! Chệt Ký quay đi rồi, Bảy Cò mới dám ngồi ngay ngắn lại, chống tay dưới cằm nhìn dãy phố.
Cạnh cây cột đèn độc nhất ngã tư, chị con gái một tay phe phẩy chiếc quạt giấy trên cái thau còn đầy ắp bánh khoai, tay kia luồn vào ống quần gãi lấy gãi để. Cách đó một thước là một thằng bé mặc độc chiếc quần đùi bạc màu chàm, ngồi trên lề, thòng hai chân xuống đường nhịp từng chặp, lơ đãng nhìn người đi qua lại, gương mặt bình thản, vô tích sự. Lúc Bảy Cò nhìn lâu ở đó, thằng nhỏ đang ngáp.
Tranh: Thắm Nguyễn
Nó là Hòn, thằng bé con thường ngày nổi tiếng phá phách nhất ngã tư Xã Mai này. Mười hai mười ba tuổi, nó chưa hề sợ một ai, ngoại trừ bà chị nó, chị Mắm, chị con gái lỡ thì bán bánh khoai.
Hai chị em sống với bà mẹ già trong một căn chòi lợp nửa thiếc nửa lá, vách dừng nửa ván nửa thùng sữa thụt sâu tuốt trong lòng con hẻm tận dưới Lâm Quang Ky. Căn nhà mười một tuổi được sửa sang mỗi năm một lần vào giữa mùa mưa và mỗi lần như vậy, vài chục lá hoặc ít tấm thiếc đã rỉ sét, một vài tấm ván thông vụn, thùng giấy... được tấp vội tấp vàng vào căn nhà tội nghiệp này.
Thằng Hòn được hàng xóm biết đến từ ngày nó vừa đi chập chững, rồi một năm sau nữa, giữa mưa thả rong dọc theo con mương nước tìm bắt cá cóc đựng đầy những keo chao, đem về sắp ngang sắp dọc khắp nhà. Nó lớn lên và cái việc thả rong của nó cũng kéo dài mỗi ngày một thêm ra theo thời gian. Ở vào những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nó chín tuổi, bỏ hẳn thói quen la cà với tụi nhóc trong xóm Bánh Tầm buồn thảm và nhiều phũ phàng, bỏ hẳn ngã tư Xã Mai xanh xao và chán ngấy, bỏ hẳn xóm nhà sình lầy với những cây bần quen thuộc dọc theo bãi biển Lâm Quang Ky, nó tính toán và tự chia chác cuộc sống ra hai đầu thị xã, Ngư Cảng và Cổng Tam Quan.
Má nó, không rõ từ bao giờ đã quen làm lơ không hỏi tới bất cứ những gì xảy ra chung quanh nó. Một lần, nó về nhà với một bên mắt tím bầm, bà chỉ nhìn trừng nó một lúc thì vừa co chân tống cho một đạp, vừa quát:
- Bà mẹ mầy, đi lấy muối mà đắp lên. Đừng đứng đó, lớ quớ tao bẻ cổ thấy mụ nội...
Một lần khác, nó về nhà, vẻ mặt hớn hở và bí hiểm với những tờ giấy bạc lấp ló trong vạt áo, bà túm lấy, hối hả kéo cuốn tiền ra, thuận tay xô thằng nhỏ chúi nhủi vào vách nhà:
- Chết mầy, thằng mất dạy. Có bữa chúng còng đầu mầy...
Xong, thì bà xoạc tiền ra đếm, ném lại thằng nhỏ chút ít, chửi thêm một lúc thì đâu vào đấy. Còn phải đi làm cho người ta nữa chứ, rảnh rang đâu mà ở nhà chửi hoài, thằng Hòn biết như vậy nên thường thường nó léo về nhà những lúc bà sắp đi làm, hoặc đã đi làm.
Bà mẹ đã như vậy, chị Mắm lại cũng không hề đả động gì tới thằng em. Chị ít nói, không thích la cà nên thỉnh thoảng hàng xóm mới có chuyện nói tới chị. Hồi mới tới ở căn nhà này độ một hai tháng, người ta chỉ thấy chị thường nằm võng đu đưa qua lại và ca vọng cổ những khi trời sắp về khuya. Tiếng ca nhỏ mà trong trẻo, nghe buồn buồn:
“Bước xuống ruộng sâu em mảng sầu tấc dạ,
Tay ôm bó mạ nước mắt hai hàng.
Ai làm cho trễ chuyến đò ngang
Cho sông cạn nước, đôi giòng biệt ly...”
Rồi giọng cao lên thánh thót, nghe như có chút nghẹn ngào. Người ta đoán một cách mơ hồ rằng chị phải có một tâm sự gì não lòng lắm. Nhiều khi, chị ngồi lặng thinh hàng giờ, gương mặt đăm đăm nhìn vào khoảng không. Hỏi, thì họa hoằn lắm chị nói, mà nghe như không phải để trả lời:
- Không có gì làm tôi buồn được hết. Đừng thấy vậy, mà tưởng vậy... Ai hơi đâu lo nghĩ mà buồn thêm, cuộc sống này nó đã như vậy rồi mà...
Rõ ràng chị con gái không giấu nổi tâm sự của mình. Bảy Cò biết chắc chắn như thế, nhưng vấn đề là phải biết câu chuyện nó như thế nào mới được? Sát một bên nhà, nhiều khi cả năm trời, chưa bao giờ Bảy Cò nghe được mẹ con chị Mắm nói chuyện với nhau như một sự nhắc nhở về cuộc sống đã qua, ở đâu đó, trước khi tới căn nhà này.
Một dạo, Bảy Cò đánh bạo lân la gợi chuyện, rốt cuộc cũng không biết được thêm bao nhiêu, nhiều khi lại đâm ra bực mình:
- Anh Bảy hỏi nhiều quá, làm an ninh hả?
Hoặc:
- Tui đã cố tránh không hỏi cái gì về anh Bảy, thì anh Bảy cũng đừng hỏi cái gì về tui, mới phải chứ...
Bảy Cò chỉ biết lơ mơ rằng hồi trước mấy mẹ con nhà này ở Châu Đốc, ở Kinh Xáng, ở Láng Bông Súng… rồi hình như làm lụng vất vả mà không đủ ăn chi đó, phải tìm nơi khác, và tới Rạch Giá, vậy thôi. Còn có hỏi thêm nữa, thế nào cũng bị chị con gái khó tính
– Bảy Cò nghĩ vậy – lựa lời này lời nọ nói cho qua.
Riết rồi Bảy Cò thôi, không cố hỏi, được cái là ngồi cạnh chị con gái nói chuyện trên trời dưới đất, nhiều lúc nghĩ lại thấy vui vui. Chẳng qua, có lúc Bảy Cò đâm ra ghiền nghe tiếng hát chị Mắm. Nhiều lần cố làm vẻ mặt hết sức tình tứ, Bảy Cò yêu cầu chị hát cho nghe, nhưng không bao giờ, nói gì nói cũng không hát. Chị phân trần với giọng nhạt nhẽo:
- Tui đâu có phải là ca sĩ, đâu có phải là đào hát, mà hát cho người khác nghe...
Vài lần như vậy, Bảy Cò đâm ngượng, không nhắc lại nữa. Đành phải chờ đêm đêm, chị Mắm nằm trên võng đong đưa, một mình thả hồn theo tiếng hát.
- Tại anh Bảy không biết, chớ tui thì tui dễ tính lắm, ai làm gì thì làm, tui sống cho tui, miễn sao đừng có ai đụng tới cuộc sống của tui...
Không biết ai đã đụng tới cuộc sống của chị làm cho chị có cái mặc cảm to lớn này vì mỗi lần nói chuyện như một kiểu tâm sự, chị Mắm luôn luôn nhắc lại câu này. Bảy Cò nghe hoài cũng hết thắc mắc.
Có một người khách mua bánh, chị Mắm lăng xăng phủi sạch tấm lá chuối héo vàng rồi rút vội cặp đũa đang cắm ngập vào thau bánh, bắt đầu xới, gói. Cái vẻ lăng xăng này, lâu lâu Bảy Cò mới thấy được một lần, mà lần nào cũng nghe lòng nao nao, suy nghĩ mông lung.
Bảy Cò nghĩ tới mình, tự nhiên thấy cái đầu lần quần, thở dài từng chặp. Sáng tới tối chạy xe xoèn xoẹt, đêm về tính lại còn chút đỉnh sống qua ngày qua buổi. Làm cũng nhiều mà không thấy dư, thiệt đúng như lời ông già bà cả thường hay nói, phải có một người đàn bà trong nhà “cho nó giữ tiền, mới khá được”. Mà thời buổi này, cái chuyện kiếm một người đàn bà thiệt khó. “Mình đã từng tuổi này...”
- Hết thời! Bảy Cò luôn luôn phán một câu sau những suy nghĩ về chuyện này. Thằng Trung Sĩ Nhất Lâm Thành Bảy phong nhã hào hoa một dạo đã hết thời! Từ cái hồi vợ chết, rồi bị thương cưa bỏ một giò, ráng quơ quào nuôi thằng con cho kịp lớn để làm lơ xe đò, tuần lễ thấy mặt nó một lần, Bảy Cò ít khi chịu tìm hiểu để đả thông những vướng bận trong lòng.
Cho tới buổi tối hôm trước, chị Mắm khóc.
Chị Mắm khóc, Bảy Cò không tài nào ngủ được vì tiếng khóc mặc dầu nhỏ nhưng nghe rất rõ. Phải nói, mười một năm rồi, mãi tới hôm đó Bảy Cò mới biết được “câu chuyện nó như thế nào”.
Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ chiều. Lúc Bảy Cò về thì trời tối hẳn, nhà chị Mắm không thắp đèn nhưng cũng còn thấy được bóng dáng nhỏ thó của thằng Hòn ngồi chồm hổm trước hiên. Bảy Cò vô nhà chưa kịp cởi áo đã nghe vách bên kia, chỗ chị Mắm thường nằm đong đưa ca vọng cổ có tiếng hỉ mũi, rồi lại có tiếng khóc rấm rứt. Rõ ràng là tiếng chị Mắm!
Đêm vắng mà nghe tiếng khóc thì buồn quá.
Trước hết, Bảy Cò nghĩ ngay tới bà mẹ. Chắc có chuyện gì xảy ra cho bà mẹ không chừng. Nhưng đâu được vài phút, tiếng nói của bà nhè nhẹ kéo dài:
- Thế nào rồi cũng có bữa nay, tao biết...
Bảy Cò giật mình cố lắng nghe. Một hồi, chị Mắm mới lên tiếng, vẫn còn có vẻ ấm ức:
- Má tui đã nói với má hoài, là tui hổng đi đâu hết, sao mà má còn trả lời với ổng như vậy?
- Tao nghĩ tới thằng Hòn, nó dù sao cũng còn cha...
“Ổng” là ba thằng Hòn. Có lẽ hôm nay “ổng” tới và bắt mẹ con chị Mắm đi đâu đây. Bấy giờ Bảy Cò mới nhớ ra có lần chị Mắm không hiểu vì chuyện gì đã vừa nói vừa cười với thằng Hòn “mầy giống in hệt ba mầy, cái giò cao nhòng...”. Thì ra, ba chị Mắm và ba thằng Hòn là hai người đàn ông khác nhau, và hôm nay ba thằng Hòn tới không phải chỉ để bắt thằng Hòn đi, mà bắt hết cả nhà. Nhưng đi đâu? Bảy Cò thắc mắc quá!
- Năm ngoái, tiếng chị Mắm như phân trần, má dìa dưới, má biết là hổng thể nào ở luôn dưới đó được...
Bà mẹ ngắt lời ngay:
- Tại lúc đó Dượng Hai mầy chưa về! Bây giờ có ổng thì phải khác đi chứ. Ổng làm việc trên huyện mà.
- Huyện! Huyện gì huyện cũng đâu có lo nổi cho má được. Ổng lo cho ổng sợ còn chưa xong nữa là....
- Mày nói, rồi người ta dàn xếp được chớ!
Nãy giờ hết nghe chị Mắm thút thít, đột nhiên chị “xì” lớn một tiếng rồi nói xẵng:
- Ngay tại đây còn không dàn xếp được, nói gì ở dưới đó. Mấy cái thằng...
- Chắc tại thằng Căng chết nên mầy ghét người ta.
Thằng Căng! Nghe thêm một hồi nữa, Bảy Cò biết được ra rằng ngày trước chị Mắm có bồ đi lính Cộng Hòa nhưng không biết là lính gì, rồi chết, đụng trận chết. Chết một thời gian ngắn trước khi ba mẹ con bỏ xứ tới đây.
Trưa này, chắc là người dượng ghẻ, ba thằng Hòn tới với ý định bắt ba mẹ con trở về Láng Bông Súng và bà mẹ đã hứa sẽ thu xếp để về thiệt. Chị Mắm không bằng lòng nên xảy ra việc đôi co với bà mẹ. Bây giờ câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ ra sao.
Bà mẹ nhắc tới “thằng Căng,” chị Mắm im lặng lâu lắm mới nghe tiếng nấc nhẹ. Lúc này là lúc chỉ còn lại tiếng lầm bầm của bà mẹ nói tới những cái lợi hại trong cuộc sống ở đây và cuộc sống Kinh Xáng nếu mai mốt ba mẹ con trở về dưới.
Bảy Cò biết thêm, không những ở chỗ này mà ngay cả ở các làng mạc hẻo lánh, xa xôi, nhà nước đưa cán bộ miền Bắc vào thế chân cán bộ miền Nam để giải quyết việc hành chánh làm cho tình trạng “cần phải được dàn xếp.” Ba thằng Hòn cũng đang chờ sự “dàn xếp” đó. Phần chị Mắm thì chắc có lẽ sự gặp lại “cảnh cũ” mà không gặp được “người xưa” thành ra nhất quyết không chịu về, Bảy Cò nghĩ vậy mà không biết có đúng không
Nhưng cái vướng bận trong lòng Bảy Cò không phải là vì chưa biết rõ nguyên do khiến chị Mắm nhất quyết không chịu về, thật ra, nó không “ăn nhằm gì tới mình”, mà là câu nói cuối cùng của bà mẹ, câu nói chấm dứt đôi co của hai mẹ con và cũng chính câu nói làm chị Mắm suy nghĩ, suy nghĩ suốt đêm. Bảy Cò biết chắc như vậy.
- Không lẽ ổng trở vô bưng lần nữa!
Trở vô bưng lần nữa. Câu nói của bà mẹ chắc chắn là được thốt ra bằng nhiều ý tứ gói ghém trong câu chuyện với ba thằng Hòn. Thân phận của một thằng thương phế binh thiếu thốn và hèn kém ở rất nhiều lãnh vực trong cuộc sống, nhưng Bảy Cò biết, óc tưởng tượng và mặc cảm thì nhiều, quá nhiều.
Lâu lắm rồi, Bảy Cò mới có dịp nhìn thấy lại cái mặc cảm bằng một câu nói bâng quơ, nghe lỏm được. Bắt đầu từ đêm đó, óc tưởng tượng của Bảy Cò làm việc trở lại. “Tưởng đâu mình có thể làm tỉnh trước tất cả mọi việc...” Bảy Cò tự thú nhận và nhất định sẽ nói chuyện với chị Mắm thật nhiều, nếu có dịp.
Cả nửa tiếng đồng hồ mà không có thêm một người tới mua bánh khoai. Bảy Cò ngồi thừ suy nghĩ miên man thêm một hồi, gọi Chệt Ký tính tiền rồi đứng dậy thẳng người, đi lần về phía chị Mắm. Chiếc giò giả tám năm không hề vương vít thường ngày, hôm nay tự nhiên nghe nặng chình chịch. Bảy Cò vịn tay vào cột đèn, khè cần cổ lấy giọng, rồi nói nhỏ:
- Cô Mắm bữa nay mạnh giỏi hén!
Chị con gái thoáng giật mình, quay phắt lại. Thấy Bảy Cò, chị tươi cười, mặt hơi đỏ:
- Anh Bảy mạnh giỏi?
- Cám ơn cô, sáng nay tự nhiên làm biếng chạy... Tui ngồi đây nói chuyện chút, nghe...
Bảy Cò biết mình đang khớp. Đương không chỗ người ta buôn bán tới bắt chuyện, làm rộn. Chị con gái cúi đầu nhìn xuống chân mình, cũng ấp úng:
- Chuyện gì ? Anh Bảy ngồi đi.
Đâu còn cái ghế nào, Bảy Cò lấy bộ ngồi xuống lề đường y như thằng Hòn đang ngồi, bật lửa châm nốt điếu thuốc còn lại:
- Hồi này, làm ăn bất cứ cái gì cũng có vẻ không khá được hết, cô Mắm hén!
- Không khá thiệt, chớ có vẻ gì. Anh Bảy không thấy sao... từ sáng tới giờ...
Chị con gái vừa nói vừa đưa tay giở tấm vải thưa đậy thau bánh, chặc lưỡi. Thằng Hòn tự dưng cúi mình nhặt một hòn đá nhỏ, úp vào lòng hai bàn tay lắc lấy lắc để, vừa đứng dậy, lủi thủi bước lần về hướng Cầu Đúc. Chị Mắm để mặc nó. Bảy Cò quay nhìn vào mắt chị con gái:
- Cô Mắm nè, tui hỏi tò mò một chút. Cô với thằng Hòn cùng mẹ khác cha phải không ? Đừng trách tui...hôm trước vô tình ngủ không được, tui nằm tui nghe hết...
- Ờ, ờ... Cái hôm dượng Hai tui ghé chớ gì? Ổng đang làm việc ở Tịnh Biên, ổng ghé biểu má tui trở dìa Kinh Xáng làm ruộng. Ba thằng Hòn đó.
Chị con gái bữa nay chịu nói chuyện, Bảy Cò thấy vui lòng ngay, không còn vẻ gượng gạo nữa.
- “Gồi” má cô có chịu về không?
Chị con gái không đáp. Bảy Cò biết thế nào chị cũng không đáp, nhưng đã lỡ hỏi rồi, đành lấp liếm nói lảng:
- Quê ngoại tui ở Vị Thanh, cũng làm “guộng”...
Rồi nín. Bảy Cò thấy mình dở ẹc, phải chi chị Mắm tỏ ra đanh đá, sắc sảo gì cho cam. Không hiểu chị con gái có ý tứ gì khi nghe Bảy Cò nói trỏng, ngập ngừng hỏi nhỏ:
- Anh Bảy có làm ruộng được hông?
Do cái mặc cảm sống lại và kéo dài mấy hôm nay, rồi óc tưởng tượng chung quanh chuyện ba thằng Hòn, chung quanh lời nói của bà mẹ chị Mắm lớn dần ra cộng với nỗi thắc mắc vì những tiếng khóc của chị Mắm, Bảy Cò biết mình thế nào cũng phải nói một lần những gì mình muốn nói.
- Cô Mắm thấy tui làm “guộng” có được không ? Chân cẳng tui như thế này...
- Có sao đâu. Anh Bảy dù dở cách mấy, anh Bảy cũng là đàn ông mà!
Bảy Cò nhìn thẳng vào mắt chị con gái, muốn nói một lời cảm ơn nhưng không nói ra được. Chị Mắm liếc nhanh về phía Bảy Cò rồi quay nhìn ra đường, nói trỏng:
- Chắc tui phải theo bà già dìa dưới. Ở đâu cũng vậy...
Chị cúi đầu, mấy ngón tay hơi đen nhưng vẫn còn tròn trịa cào nhè nhẹ vào mặt bàn, giọng nói nhỏ hơn:
- Nếu mình cần có bạn, thì ở đâu cũng có thể có được, phải không anh Bảy ?
Bảy Cò không đáp ngay vì bất chợt nghĩ tới thằng con giờ này không biết nó đang ở phương trời nào. Hồi lâu, Bảy Cò gật đầu:
- Ờ, cô nói đúng quá!
Ở đâu thì chắc cũng vậy trong thời buổi này. Bảy Cò thấy rõ ràng những lời nói xét ra giản dị của chị Mắm đã làm mình suy nghĩ hơi nhiều. Từ lâu, cuộc sống hối thúc, vất vả đã làm mình quên khuấy đi mất là mình cũng nên có bạn, đâu phải cuộc đời này nhiều đau khổ quá rồi con người ta không còn biết yêu thương nhau? Tự dưng, Bảy Cò cố nghĩ ra một câu nói, bất cứ câu nói nào có thể làm chị Mắm suy nghĩ, hay ít nhất cũng ngạc nhiên mà nhất thời nghĩ chưa ra.
- Anh Bảy, hổng nói chuyện gì nghe đi..
- Ừ, ừ... Tui nghĩ... mỗi người đều có quyền sống theo ý mình muốn... nhưng khó cái là không biết mình đang muốn gì...
Chị Mắm chưa kịp ngạc nhiên thì Bảy Cò đứng hẳn lên:
- Bây giờ tui phải đi làm, tối tui về sớm...
- Dìa sớm, anh Bảy qua tui chơi, nghe.
Bảy Cò quay lại nhìn, không ừ hử cũng không gật đầu, bước về hướng chiếc xe lam. Ở đó, không biết từ lúc nào, thằng Hòn ngồi chễm chệ trên ghế, hai tay cầm lái, mà miệng thì cứ phì phò giống như tiếng xe chạy. Bảy Cò vỗ đầu nó:
- Xuống mày, thằng cà chớn!
Nó quay đầu nhìn Bảy Cò, phì cười. Bảy Cò cũng cười.
Võ Hoàng