Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Đợi Chờ.

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Đợi Chờ.

    Đợi Chờ.



    TRẦM TƯ MẶC.



    Làn sóng vượt biển của người Việt tìm tự do, đang xảy ra ồ ạt, dồn dập, khi những người Việt Nam cộng sản về cướp đất nước và đoạt chính quyền tự do no ấm, nhân quyền nhân bản của người dân. Từng lớp người ra đi bằng mọi cách, tàu lớn tàu bé, ghe bầu ghe cửa, cho đến những chiếc thuyền bé con, cũng vượt ra khơi, lòng thuyền chứa đầy người đi lánh nạn cộng sản, bập bềnh mạng sống rẻ như bèo.

    Lê Nhuận cũng có mặt trong đoàn người vượt biển đi tìm tự do, để người vợ yêu thương cùng đứa con nhỏ ở lại, hứa hẹn đợi chờ!

    “Ðêm nay, gánh dầu ra biển anh đi, gió giông thét gào, tự do đón chào!” Lê Nhuận phụ lực cùng từng đợt người, gánh dầu ra biển cất dấu , đợi giờ bí mật vượt trùng dương lên đường.

    Biển to sóng lớn, trời nước bao la! Lòng người quyết tâm cũng to lớn như trời cao đất rộng. Phải ra đi bỏ quê hương! Giặc cộng sẽ chẳng bao giờ thương dân, vì bản chất tham tàn và lòng thù hận của họ, đã ăn sâu vào xương tủy. Chúng quyết cướp đoạt miền Nam để trả thù. Dân miền Nam là ai? Là máu thịt giống nòi, một màu da vàng với chúng, là những đứa con thân nhân cùng lọt lòng mẹ Việt Nam, đã thành hình qua một trăm trứng, lên non và xuống biển. Mẹ Việt Nam đau lòng, vì thân thể mẹ bị xẻ đôi, bởi lũ con nghịch tử cầu cạnh ngoại bang, dành một nửa giang sang đất Bắc. Rồi với bản chất tham tàn ti tiện, lại cầu viện ngoại bang, chiếm đoạt luôn phân nửa miền Nam của nước Việt Nam Cộng Hòa. Ai lẻo mép cho bằng cộng sản?”Cướp nước” là để “thống nhất đất nước”! Thế nên, người dân miền Nam phải bỏ nước ra đi, lén lút và trốn lánh. Nếu ở lại sẽ bị cầm tù, để trả thù những người miền Nam, đã sống ấm no tự do bình đẳng, xã hội công bằng, khác với chúng, chỉ đày đọa cho bần cùng người dân miền Bắc.

    Vợ chồng Lê Nhuận trước lúc từ giã ra đi, đã quyến luyến chia tay tâm sự não nề . Lê Nhuận an ủi người vợ yêu thương :

    -Em ở lại cố gắng nuôi con. Trùng dương bao la bát ngát đe dọa, không thể đem theo vợ con. Nếu được đến bến bờ tự do, anh sẽ lo bảo lãnh cho nàng và con cùng sum hợp.

    Kim Long vợ chàng thỏ thẻ cùng chồng :

    -Anh hãy an tâm lo bề thoát thân. Em ở lại cố gắng nuôi con, ngày ngày mong đợi tin chàng. Ðêm nay, dòng nước mắt của em và con như một dòng sông lai láng tuôn trào, mặc dù em cố nén lại để đợi chờ. Em yêu anh và ngàn đời chỉ có yêu anh…!

    XxX

    Buổi sáng sớm, Lê Nhuận đề máy xe chạy đi cho kịp tới chỗ làm. Sáu tháng qua, từ ngày được thanh lọc cho đi định cư tại nước Mỹ, anh và các người bạn tị nạn được đưa đến ở tại một tiểu bang và cấp việc làm để sinh sống. Trước đó, trong ba tháng, từ ngày bước chân lên xứ Mỹ tự do, Lê Nhuận được chính quyền trợ cấp hữu ích (welfare) và thực phẩm (food stamp) đủ để trang trải lúc ban đầu. Trong ba tháng, mỗi ngày phải đến trường học lớp tráng niên, dành cho các người lớn học tiếng bản xứ (ESL) để hội nhâp vào xã hội. Xã hội nước Mỹ văn minh, mọi người dân đều có học thức và có việc làm cùng gia đình. Trong lớp học tráng niên, Lê Nhuận cố gắng chăm chỉ học được khá, nên sau mỗi lần nhà trường trắc nghiệm khả năng, nghe, nói, và viết, đã liên hệ với các hảng xưởng sản xuất địa phương giới thiệu công nhân đến xin việc làm. Lê Nhuận được làm tại xưởng giặt quần áo “Cintas” trong quận hạt anh cư ngụ. Công việc mới lạ rồi quen tư từ, có tháng được bình chọn là công nhân xuất sắc (employee of the year). Chàng rất vui mừng bắt đầu viết thư về thăm vợ con ở quê nhà. Thư viết có đoạn bi ai, làm rơi lệ nàng Kim Long đang từng ngày chời mong:

    “Anh yêu em, nhớ mẹ con em nhiều lắm! Anh làm công nhân ở xưởng giặt, hằng ngày giặt sạch biết bao nhiêu đồ dơ của người ta, mà ưu tư trong lòng chẳng giặt rửa sạch đâu. Nỗi nhớ nhung vợ con quặn thắt trăm chiều. Ði đâu cũng thấy bóng hình của con và em, lòng anh héo hon!”

    Thư nàng viết lại cho chàng :

    “Em rất mừng khi nhận được tin anh. Vậy là anh còn sống và đã đến được bến bờ. Ðiều mà hằng bữa, hằng ngày, em và con luôn van vái phật trời phù hộ cho anh được bình an trong chuyến đi, Em nhớ anh từng đêm! Tiếng nói giọng cười của chàng sưởi ấm con và em trong những đêm giá lạnh tương tư, mơ một ngày đoàn tụ để thỏa lòng. Chừng nào mới bảo lãnh em và con qua…?”

    Thư anh viết tiếp cho vợ con :

    “…Xin em hãy đợi chờ!...”

    XxX

    Kim Long làm giáo viên cắp hai, dạy trẻ tại một làng nhỏ trong Quận. Coi như “mẹ góa con côi”, nên ngành giáo dục chính quyền mới, vì cần có sẵn giáo viên, nên đã cho nàng tiếp tục dạy lại cho đám trẻ bơ vơ, chắc từ đây chẳng còn cơ hội đi học. Xã hội bần cùng nghèo khó, trẻ con cũng phải đi “lao động” mọi thứ gì để phụ giúp cha mẹ. Trẻ con đi học về, rồi đi ra mương mò cá mò cua. Nhiều em đi bươi rác, lượm tất cả các thứ gí mà chúng nghĩ có thể bán được, để có tiền mua cơm gạo. Việt cộng về, dân chẳng có gạo cơm, mà ăn “bo bo”, khoai mì, khoai lang và củ đậu củ chuối. Dân tình nghèo đói xác xơ. Ai cũng lo sợ có ngày bị Việt cộng bắt đi cải tạo, vì họ nghi ngờ bất cứ người dân ở trong Nam đều là “ngụy quân ngụy quyền”. Trẻ con lao động, người lớn lao động, ông già bà cả lao động, mà chẳng có gạo cơm ăn. Toàn dân than thở :”Tổ quốc ơi! Ăn khoai mì ngán quá! Thằng Khánh (con của Kim Long) đi học về, đọc ê a ba chữ, rồi quên lời mẹ dặn, đi mò cua ở cái mương sau nhà. Nó mò được vài con “còng vó”, đem về giã nhỏ nấu canh lá khoai, đợi mẹ đi dạy về “dùng bữa”. Tô canh “tình nghĩa tình thương” của trẻ em, của đứa con, có lẫn ngọt ngào và cay đắng. Kim Long không cầm được giọt lệ cứ muốn rơi, mà nàng cố đè nén dằn lòng. Nàng tự hỏi : “Tại sao mấy ông Việt cộng giải phóng “ấm no thành đói rét” cho tất cả người dân? Người dân trong nam có cần phải giải phóng đâu? Tội nghiệp các người dân ngoài Bắc đang cần giải phóng! Kim Long là giáo viên, là người phụ nữ có chút học thức, đủ để hiểu rằng “giải phóng miền Nam là cướp luôn đất nước miền Nam vào cuồng vọng tham tàn cộng sản. Tháng nào nàng lãnh lương, họ cũng bảo là “tạm ứng” “tạm chi”, để mãi mãi người dân còn thiếu nợ, mà chẳng dám ngóc đầu. Làm ruộng thì bắt vào “hợp tác xã” làm chung, để chúng chắm công “làm tùy sức, hưởng tùy tài”, mà cán bộ gian manh bốc lột lao động người dân, không làm mà hưởng nhiều hơn. Việt cộng bốc lột đến tận xương tủy, xã hội điêu đứng, dân chúng lầm than… “trên từng cây số”! dài dài, mãi mãi, khốn cùng!

    Cuộc sống nghèo khổ kéo dài, hằng ngày hằng tháng hằng năm, Kim Long mong mỏi ngày chàng trở lại rước đi, sao chẳng thấy bóng chim tâm cá? Cánh nhạn đã bay mất rồi trong khoảng trời bao la, chỉ còn lại xót xa! Một ngày kia, tin hải ngoại báo về “chàng đã thay lòng”, lấy vợ giàu sang, trẻ đẹp, nơi đất khách. Ðau khổ dập dùi một kiếp hồng nhan, chung thủy đợi chàng! Thôi chẳng còn gì để chờ mong! Bao hy vọng ấp ôm trong lòng, bỗng chốc tiêu tan hóa thành mây khói. Nàng trách chồng sao đã vội quên em và con, đang mòn mỏi đợi chờ. Con đường quen chưa quên bàn chân, mà ai nỡ vội quên con đường nhỏ? Ai chờ ai, để gió Ðông về lạnh thắm đôi vai, trong tiếng thở dài!

    Ngày tháng trôi qua nhanh. Mới đó mà đã ba năm qua. Thằng Khánh nay được sáu tuổi và nàng Kim Long tròn chẵn ba mươi. Ba năm qua, từ chàng ra đi và nhẫn tâm phụ phàng, không màng đến người vợ yêu thương khốn khổ nơi làng quê, không màng đến đứa con của đôi ta, mà anh thường nói “sẽ cố gắng nuôi con tới ngày khôn lớn thành người”. Lời nói xưa còn đó và tình anh đối với em cũng chỉ là chuyện đã qua. Mỗi ngày đi dạy học về, nàng và con lội xuống đìa sau nhà, cắt đám rau muống cho thằng nhỏ đem ra chợ bán. Kim Long ở nhà “lây quây” với cặp heo nhỏ vừa mua được ở chợ. Bán rau muống mà mua được heo, thời buổi rau cỏ đắt giá hơn thịt cá, vì cá thịt dân nghèo đâu dám mơ, chỉ ăn rau rừng, cỏ dại, trừ bữa. Dân nghèo quá, khóc mãi hết nước mắt, rồi cười châm bíếm mỉa mai : “ Ăn không no thì đừng có “no” (lo), để nhà nước “no” (lo) cho! Bọn chính quyền làng xã đòi bắt họp kiểm điểm cái tội “nói xấu cán bộ”.

    Kim Long bấy lâu bỏ quên cái lược cái gương, hộp phấn thỏi son, nay cũng bắt đầu chăm lo nhan sắc. Cô giáo mặt mũi tèm lem ai coi? Dung nhan thiếu phụ một con, thân hình nẩy nở và gương mặt rạng rỡ, mọi người ưa thích nhìn vào. Có anh cán bộ, không biết làm chức gì trong Xã, để ý “thương thầm theo dõi bước người đi”, khi nàng đi dạy học về vừa tới đầu xóm, còn ở trên đường. Tên cán bộ chân đạp xe đạp, tay đeo đồng hồ, và đeo cái “radio” trên vai, có sợi dây da lòng thòng tới thắt lưng. Cán bộ từ Bắc vào Nam chỉ mơ có được “Ðạp Ðổng Ðài” là mãn nguyện. Anh ta rà theo cô giáo mở lời “ghẹo nguyệt trêu hoa” :

    -Thế thì cô giáo bữa nay dạy trẻ về trể quá! Mời cô lên xe đạp “vi vu” về nhà.

    Kim Long từ tốn trả lời : - Dạ! cám ơn cán bộ! Chúng tôi thường đi bộ đã quen chân.

    Anh ta cố nài nĩ thêm : - Ậy! lên xe đạp cho mau tới nhà! Nếu cô muốn “vi vu” thì tớ đây sẵn sàng.

    Kim Long làm thinh bước nhanh hơn, thì cán bộ quay xe chắn ngang lối:

    -Ðã bảo lên xe mà không ưng…Kịp lúc mấy đứa học trò cũng vừa đi tới, thấy cô giáo mình bị cản đường, nên hùa vô lôi chiếc xe đạp qua bên, làm tên cán bộ ốm nhom như cây tre té nhào, hộ tống cô về tới nhà. Qua ngày sau, cô giáo bị mời lên đồn công an Xã, vì cái tội không vâng lời chủ tịch. Ông ta đe dọa sẽ họp dân kiểm điểm cô giáo. Nàng trả lời : “Tôi chẳng có lỗi lầm gì!

    Hết chủ tịch Xã rồi tới quan Huyện, cũng ở ngoài Bắc vô Nam làm quan. Hắn nghe đồn cô giáo Long có một con, mà chồng không có, nên ký giấy mời nàng lên Huyện làm việc. Ông ta hỏi :

    -Thế chồng cô đi đâu sao không thấy?

    -Ảnh đi vượt biển tìm tự do!

    -Cái tội vượt biên vượt biển “nà” (là) “nhớn nắm”(lớn lắm) đấy nhé. Cô có muốn tôi che chở không?

    -Anh ấy đã bỏ mẹ con tôi!

    -Ậy! thế “nà”(là) tốt “nắm”(lắm) đấy. Tôi sẽ che chở cho em. Rồi ông sai lính thả nàng về còn nói theo :

    -Về đi, mai mốt anh đến viếng em!

    Có thêm một ông “ba tàu” nữa, vợ vừa mới qua đời, nên ông già cứ ngắm nghía cô giáo trẻ. Ông ta là người Việt gốc Hoa, có tiệm bán xe máy “Honda” và phụ tùng, giàu có trong Quận. Lúc Việt cộng về cướp nước, ông ta bị nhốt tù gán cho tội “tư sản mại bản”, mua bán gian dối bốc lột nhân dân. Ông ta mất phân nửa tiệm buôn chạy chọt cán bộ, mới được tạm yên buôn bán qua ngày. Có một anh công an trẻ thường đến xin tiền “nhẫm xà”(uống trà), mách cho ông cô giáo Kim Long trẻ đẹp, có con mà không có chồng. Ông ta ưng bụng muốn cưới làm vợ và bằng lòng giao hết tiệm buôn cho em. Ông già cũng thả dê như mấy ông Việt cộng :

    -Cô giáo “pằng lòng” lấy ngộ li (đi). Người “lẹp”(đẹp) mà không có chồng uổng quá! Ngộ sẽ chịu cho cô giáo hành hạ mà! Những lúc đó Kim Long chỉ mỉm cười, trong lòng đang nghĩ đến người chồng bạc bẽo:

    “Anh có hiểu cho lòng của em không? Ðã ba năm qua, mà em vẫn mòn mỏi đợi ngày anh trở lại, dù biết anh đã có vợ con ở nước ngoài”.

    Phải, đã ba năm qua, ba lần mùa Xuân mơn man khoe sắc, bao lần gió Xuân vẫn len lén vào hồn em, chực chờ chiếm con tim cô đơn, mà em vẫn chờ đợi chàng. Em vẫn để trong tim hình bóng anh yêu, như gió đã bay đi nhạt nhòa xa thẳm.

    Rồi Lê Nhuận về thăm Việt Nam! Thêm một năm nữa là bốn năm, chàng mới quay gót về quê hương. Thời gian dài, bỗng bặt tin cánh nhạn, không có một lời thăm viếng nào nữa, không có một phong thư cho người vợ đã gần mỏi mòn xuân sắc. Bao lần Kim Long viết thư gởi chồng ở phương xa, đã báo tin mẹ bệnh trầm kha và cha anh đã mất, mà chẳng có một lời hồi âm. Mẹ cha anh còn quên, huống chi người dưng như em, đã gìn lòng giữ nghĩa cùng chồng.

    Ngày chồng nàng về không báo tin. Chàng nghĩ Kim Long chắc đã “mặc áo sang thuyền”! Lòng buồn hối hận đang len lỏi vào tâm cang, không dám gặp lại người xưa, chỉ hỏi qua gia đình tin tức của người vợ cũ. Khi biết Kim Long vẫn một dạ chờ mong, mặc dù có nhiều người gấm ghé, chàng cũng đau lòng xót xa, mướn xe về làng thăm em.

    Kim Long đang dạy ở lớp học. Nàng vừa đọc qua sách giáo khoa câu “vợ chồng giữ nghĩa tào khang”, thì Lê Nhuận đến ngay trước cửa lớp. Quá bất ngờ nàng thét to : “Anh đã về”! rồi ngã xỉu trước đám học trò ngơ ngát, chẳng biết chuyện gì xãy ra. Chàng nhanh chân chạy đến, đỡ người vợ yêu quý vào lòng săn sóc, thoa dầu hai bên màng tang.

    Cô giáo tỉnh dậy ôm chặt người chồng bấy lâu xa cách, lệ đổ dầm chan ngơ ngát bàng hoàng:

    -Anh đã về với con và em! Ðây là sự thật hay chỉ là giấc mơ muộn màng?

    -Hoàn toàn là sự thật! Anh về thăm em rồi sẽ ra đi.

    Vợ chồng đoàn tụ mặn nồng nhưng cay đắng! Lê Nhuận nói thật cùng em : - Anh chỉ về bên em thời gian ngắn rồi trở qua Mỹ. Anh cũng còn trách nhiệm bên đó.

    Kim Long đau xót : - Còn trách nhiệm với mẹ con em anh để ở đâu?

    -Anh vẫn giữ tình thương em và con chúng ta mãi mãi bên lòng!

    -Em đã biết anh có vợ khác và sanh con bên đó, nhưng đức Phật từ bi dạy em hãy tha thứ và đợi chờ! Em đợi chờ cho tới bao giờ?

    Lê Nhuận day qua ôm con. Thằng Khánh nay đã bảy tuổi, nãy giờ nhìn mẹ nhìn cha, tuổi thơ cũng không cầm được giọt lệ, nó mếu máo :

    -Ba ơi! Ðừng bỏ mẹ con nữa nghe ba! Con nhớ cha nhiều, mà mẹ cũng nhớ thương ba nhiều lắm. Có nhiều người nói thương mẹ con, muốn mẹ làm vợ, mà mẹ chẳng để ý người ta. Mẹ nói với con :

    -Mẹ đợi ba hoài đến khi nào ba trở về. Tội nghiệp mẹ quá ba ơi!...

    Lê Nhuận đau xót động lòng, ôm chặt mẹ và con, hôn lên đôi má ngày xưa, nghe vẫn còn ngọt ngào hương sắc. Tình nghĩa vợ chồng, hơi hám cũ còn đây. Kim Long mềm lòng yêu chồng nhiều hơn, quên hết lỗi lầm của người chồng bạc bẽo không chung thủy. Thời gian ngắn ngủi sum hợp, tình củ nghĩa xưa, hai người yêu nhau mê đắm không rời.

    Ðêm nay, vợ chồng ngồi nhìn trăng lên bên bờ sông, như tìm lại chút dư ảnh ngày xưa lãng mạn tha thiết gợi tình. Giòng nước dưới sông chảy đến rồi chảy đi, như người chồng đã về đây, rồi sẽ ra đi theo biển cả bao la mịt mù xa thẳm. Nàng Kim Long vừa nghĩ đến sự biệt ly, chàng sẽ lại ra đi về bên đó với người ta, bỏ lại yêu thương chàng mới vừa dỗ dành khuyến khích : “Anh sẽ sắp xếp để về rước mẹ con em”!

    Buổi sáng, cô giáo Kim Long vào trường lên lớp dạy. Cô giáo dạy văn xin nghỉ hộ sản trước ba ngày. Nàng đãm trách giờ văn thế cho bạn một thời gian. Lòng dạ hân hoan, mặt này tươi thắm, nhưng con tim vẫn khoắc khoải không an. Từng trang sách giáo khoa, như có hình ảnh của chàng trong đó, như nhảy múa thúc dục nàng hãy mau lên, mau lên, đừng dừng lại ngập ngừng! Nàng nghĩ “chậm hơn hay mau hơn” là do chồng nàng quyết định. Sự bạc bẽo hay thủy chung là do người chồng mang đến cho đời nàng. Phận đàn bà làm vợ, “cát đằng xin gởi bóng tùng quân, ơn tái tạo nhờ chàng che chở”! Kim Long lại khóc hết nước mắt, vì ngày mai anh lại lên đường bỏ lại yêu thương, biết chàng có vấn có vương?!

    Anh đi rồi, em đến trường dạy học. Buổi chiều tan lớp, nàng đợi cho đám học trò về hết chẳng còn ai, cô giáo ngồi lại một mình tư lự, lòng đang theo dõi bước người đi…Giờ nầy anh đã tới đâu? Tại sao anh không cho em đưa tiễn? Anh nói “Tiễn đưa sẽ đau lòng cho cả hai”! Nếu biết đau lòng cho em, tại sao anh còn khuyến khích hứa hẹn, để con tim em mòn mỏi đợi chờ! Ðàn ông có hai vợ, thì sẽ yêu người đến sau nhiều hơn, vì chàng đã chọn lựa cành hoa mới, có đầy hương thơm để ấp ôm. Phận em như “bèo dạt hoa trôi” héo uá nhụy tàn!

    Lê Nhuận trở qua Mỹ lòng dạ bâng khuâng. Nỗi nhớ thương vợ cũ và đứa con trai, như tơ vò trăm mối. Hằng ngày đi làm về, chàng tìm cớ ở mãi trong phòng không bước ra. Nàng Kim Hoa dò hỏi, thì chàng lắc đầu không nói. Tới bữa cơm, chàng chỉ qua loa, dù nàng cố mời mọc, luôn dành chén bới cơm cho chàng. Kim Hoa không hiểu vì sao, từ ngày anh trở về quê thăm mẹ, rồi trở qua với thái độ lạ lùng, dường như có chút gì hối hận vấn vương! Anh đã yêu ai bên đó? Chắc là gặp lại người xưa, hay “gặp gái tơ ôm hết mộng mơ”, về đây hành hạ mẹ con nàng. Kim Hoa đã biết chồng nàng có vợ cũ và có con bên Việt Nam. Lúc hai người gặp nhau trong cơ quan xã hội, nàng thấy cảm tình người thanh niên đẹp trai hiền lành nho nhả, mắt cứ nhìn em như muốn nói bao lời. Kim Hoa mở lời với người ta :

    -Chào anh! Chắc anh cũng chờ xin việc làm? Em đi có một “mình ên”, nên xin làm quen cùng anh được hôn?

    Lê Nhuận nhỏ nhẹ thiệt thà với nàng :

    -Ðược vậy tôi mừng lắm! Tôi cũng có một mình đến đây… Rồi hai người quen nhau, làm bạn từ đó.

    Kim Hoa là đứa em gái của vị Quận trưởng, nơi chàng làm việc trước kia bên Việt Nam. Khi mất nước ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình ông Quận di tản sang Hoa Kỳ tị nạn, dắt theo người em gái vượt biển, không đợi chương trình “H.O” lúc đó chưa có thành hình. Kim Hoa theo anh chị, được đến định cư tại một tiểu bang. Chờ đợi thời gian qua, những người tị nạn được đi học tiếng Anh ở lớp tráng niên (adult) và đến xin việc nơi cơ quan xã hội sở tại.

    Quen nhau lâu ngày, hai người đi dần đến hôn nhân. Lê Nhuận cũng “thành thật khai báo”, mình có vợ và một đứa con trai còn nhỏ dại…Nhưng nàng đã yêu và chàng cũng yêu em tha thiết mặn nồng, quên hết nỗi bận lòng vợ con ở Việt Nam.

    Vợ chồng sống bên nhau hạnh phúc. Một năm qua, rồi một năm sang, nàng Kim Hoa sanh được hai đứa con trai. Cuộc sống ở Mỹ sung sướng, đầy đủ vật chất nhà cửa xe cộ, Lê Nhuận bỗng nhớ lại người vợ xưa và đứa con, lòng luống những ngậm ngùi! Chàng dối nàng về quê thăm mẹ, lòng luôn áy náy nghĩ suy : “Ta ở đây hạnh phúc xa hoa, mà bỏ đứa con không có cha ở quê nhà, bỏ người vợ chung tình, đang ngày đêm mong chờ. Khi đi, ta có hứa đem mẹ con nàng qua đây sum hợp, mà nay đã qua bao “trận gió Thu phong rụng lá vàng”, qua bao lần Thu đến rồi Ðông sang, biết em có lạnh lẽo bên trời phương Ðông, đêm từng đêm nghe sương rơi trắng niềm mong chờ, phải bơ vơ?!

    XxX



    Thời gian tuần tự đi tới từng năm. Năm năm, mười năm, rồi ba chục năm qua có lẻ. Sông có lúc cạn, núi có lúc mòn, nhưng lòng của người vợ thủy chung vẫn keo sơn còn hơn sông núi. Thiếu phụ thanh xuân, nay như trở thành hình đá vọng phu, vẫn bên con chờ mãi bóng chinh nhân bao giờ mới trở lại?! Kim Long sống trong khổ đau, bền lòng chặt dạ nuôi con, bỏ tuổi xuân đi qua từng cơn gió chiều Ðông rời rã lạnh lùng! Nàng từ chối bao người đến cầu hôn. Từ chối bao người cán bộ bỗng trở nên giàu có, vì tham tàn gian xảo, muốn cùng nàng nối tiếp “nhịp cầu bắt qua sông Ngân” chừ đã gãy. Họ hứa, sẽ tạo cho mẹ con nàng nhiều vật chất xa hoa đầy đủ, mà quên đi người chồng bạc nghĩa phụ phàng. Nhưng keo sơn gắn bó! Mãnh lực kim tiền không thể lung lay! Nàng từ chối tất cả, vẫn một lòng một dạ, cố sống để nuôi con thành người hữu dụng. Thời gian quá dài đã qua, đứa con lớn lên trở thành người kỹ sư tăm tiếng. Qua ba lần thi đạt điểm ưu, mà vẫn chưa tốt nghiệp, vì lý lịch ba đời khắc nghiệt. Kim Long phải chạy đi xin xỏ khắp nơi, họ mới bỏ qua, vì nàng làm gương phụ nữ đức hạnh, bền lòng chặt dạ hơn ba chục năm qua, làm chim “Vương Nga” xẻ thịt banh da, một mình nuôi con tròn nghĩa mẹ hiền!

    Kỹ sư xây dựng Nguyễn Quốc Khánh lớn lên giống cha như khuôn. Nhiều gia đình giàu có ngắm nghía cậu kỹ sư cho con gái mình. Quốc Khánh không lấy vợ, cậu nói với mẹ :

    -Con sẽ chờ cha, như mẹ sẽ chờ chồng, biết thuở nào sum hợp?

    Kim Long nhớ lại lời chàng lúc trước có hứa: “Sau nầy hưu trí, anh sẽ về ở với mẹ con em”! Thời gian dài đã qua, xác thân em đã héo gầy vì luống tuổi. Nàng bỗng nghe lòng mình nhẹ nhàng tha thiết, không oán hận người xưa, tha thứ lỗi lầm của chàng tất cả. Trong tâm hồn khô héo dạn dày, nàng chỉ mong đến phút cuối của cuộc đời đắng cay, sẽ gần gũi bên anh đời đời, cùng chung một nắm mồ. Anh ơi! Giờ đây hồi tưởng lại từng tuổi Xuân em đi qua, là từng hồ lệ em rơi lã chã tuôn dòng. Ba mươi sáu năm qua, giờ đây còn chờ đợi anh, chỉ có mình em và con của chúng ta người ơi! Thật thế người ơi!!!




    TRẦM TƯ MẶC. (tramtumac@gmail.com)






Working...
X