Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Cai đẻ

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cai đẻ

    Kể từ khi bà mụ Hải đổi về làm việc tại trạm xá xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre nầy. Chẳng bao lâu mà phong trào cai đẻ được phát động được dâng cao dữ dội, nhờ vậy mà mấy bà mang bầu mới có dịp nhìn thấy mấy cái phương pháp ngừa thai theo kiểu hiện đại của tây phương, chớ còn từ trước tới nay thì mạnh ai nấy ngừa thai theo kinh nghiệm riêng mình, chớ có ai mà thấy được cái vòng xoắn hay bọc cao su (condom) hiện thời cả thế giới đang ngày đêm ca tụng, như là một sự phát minh tột đỉnh để chận đứng cái nạn nhân mãn sắp lan tràn, mà các nước nhược tiểu nghèo nàn như nước Việt Nam đang chịu thiệt thòi hứng lấy, khiến cho dân chúng phải học tập xôn xao, khi những chiếc loa phóng thanh mắc ngang mắc dọc trên đầu chợ nhà lồng đang ngày đêm động viên vang lên ra rả.

    Cũng chính vì lý tưởng hăng say như vậy, cho nên bà mụ Hải không quản ngại ngày đêm, hễ có bà bầu nào mò đến trạm xá xin thuốc thì bà giảng giải cho một chập. Sau đó bà cấp phát cho một lố bao cao su, rồi căn dặn họ cứ việc xài, từ rày về sau không có bầu bì gì nữa đâu mà sợ. Thành thử ra trạm xá của bà mỗi lúc thân chủ thêm đông, có nhiều bữa bà không còn thời giờ để lo nấu cơm nấu nước, khiến cho đôi lúc bà cũng cảm thấy bực mình, khi nhìn thiên hạ cứ sung sướng nhởn nhơ, còn bà thì tối ngày cứ dạy người ta biết cách để mà cai đẻ...

    Ngày tháng dần trôi theo cuộc sống, ngày nào bà mụ Hải cũng chỉ làm có bao nhiêu công việc đó thôi, cho nên nó cũng quen dần như một ông thợ hớt tóc ráy tai chớ không có điều chi xúc động, thì ra nghề nghiệp làm lâu năm quá nó đã cho người ta một tâm lý chai lỳ, như một ông quan tòa ngồi xử kêu án phạm nhân thét cũng trở thành một cái thói quen, khi nhìn thấy thằng con dân nào mà bị cảnh sát bắt còng tay cũng đều cho là tội phạm! Chớ họ ít khi nghĩ tới coi hoàn cảnh nào mà họ phải phạm tội như vầy, để còn xử giảm nhẹ cho người ta, cũng như cái nghề làm mụ nầy thường làm cho tâm hồn cằn cỗi, đôi lúc bà mụ Hải cũng chẳng muốn lấy chồng. Vì ngày nào cũng chứng kiến cái cảnh rên rỉ trong lúc hạ sanh, cho nên tâm lý yêu đương không còn được bình thường như những người làm nghề nào khác.

    Cũng chính vì mắc phải một điều tâm lý thông thường như vậy, cho nên hôm nay bà mụ Hải nhìn mấy bà bầu nầy bằng cặp mắt dửng dưng, chớ không phải như trong lúc mới tốt nghiệp ra trường, bà nhìn ai rồi cũng tỏ ra rất là thương hại, để cho bà chỉ dẫn nghiệp vụ một cách tận tình, nào là tại làm sao lần nầy bà lại có bầu, còn lần kia lại không, thì ra tại hai ông bà ham vui không đúng lúc. Cho nên hai ông bà cần phải giác ngộ chánh sách cai đẻ hiện giờ, có hiểu được những điều căn bản như vậy mới thấy sự có lợi cho bản thân, chớ còn không thì đêm nào hai người cũng muốn ăn nằm với nhau, thì tránh làm sao khỏi cái cảnh bầu bì không đúng lúc, rồi đi lại đây ta thán với tôi, nói rằng chánh sách nhà nước của chúng ta không đãi ngộ...

    Bao nhiêu lời lẽ ân cần bà mụ Hải đã nói ra nhiều như vậy, không biết dân chúng họ có hiểu hay không, vậy mà tới lúc làm bảng tổng kết về sản phụ sanh đẻ hằng năm, bà mụ Hải phải giựt mình khi thấy cái xã của bà đang phụ trách lại dẫn cờ đầu về sanh nở.

    Thế mới biết trong cảnh vợ chồng đôi lúc cũng oái oăm, mấy người nhà giàu họ thường cầu khẩn có con; vậy mà có người lại còn tuyệt tự. Còn mấy người nghèo khó chỉ cần cục kịch 4 cái chân giường vài phát, thì mấy đứa con nít không biết ở đâu mà nó bu lại mừng ba. Khiến cho chồng vợ trong lúc ham vui, cũng phải ghì lại dây cương chớ không thể nào buông đuôi ăn trót. Vậy mà có người hễ một đứa mừng tuổi thôi nôi, thì đứa kia cũng đang đạp chòi trong dạ, khiến cho người đàn bà ở nhà quê dường như không có tuổi thanh xuân, khi đến tuổi cặp kê thì đã bị cha mẹ dựng vợ gả chồng, còn khi đã lập gia đình rồi thì quanh năm suốt tháng cứ lo đẻ chửa!

    Nhưng rồi có thức khuya mới bết đêm dài, chớ còn mới đầu hôm thì làm sao hiểu được thế nào là canh tàn khắc lụn. Cho nên bà mụ Hải cũng cảm thấy thối chí nản lòng, khi bà nhìn thấy mấy bà bầu na cái bụng chang bang đi chợ. Mấy khi đó thì bà chỉ biết đánh chữ làm thinh, chớ đâu còn có nước non gì mà giáo dục. Thế mới biết nghề nghiệp hễ càng làm lâu chừng nào, thì hay xúi con người ta làm biếng. Có khi phản bội lại lương tâm, không còn là một lương y như từ mẫu như lúc mới ra trường, mà đã thay vào đó những việc tủng mủng hằng ngày, từ việc đi kiếm chác một nắm rau, hay kiếm chác một trái bầu trái bí cho bữa cơm chiều thêm chắc dạ.

    Thế rồi vào một buổi trưa bà mụ Hải đã nghĩ ra một cách giáo dục rất là giản tiện, để tiết kiệm hơi sức về nhà sản xuất chăn nuôi, không cần nói nhiều mà quần chúng có thể nhớ dai, chớ còn mấy phương pháp đã học sẵn ở nhà trường mà đem áp dụng ở thôn quê, chẳng những nó đã khó khăn mà làm cho người dân quê càng thêm mắc cỡ. Bởi lẽ đôi khi gặp người tối dạ nói họ chẳng chịu nghe, mà họ còn hỏi vặn lại nhiều câu làm cho bà bực mình bực mẩy, có khi họ còn nói con cái được bao nhiêu là do ý tại trời, chớ không phải người phàm mắt thịt hễ muốn là được. Chớ họ có biết đâu việc thụ thai là một việc thực tế trong cảnh vợ chồng, nếu biết cách ngăn ngừa thì việc muốn có mấy đứa con là tùy theo sở thích. Hoặc đợi lúc nào thuận tiện về mặt kinh tế gia đình thì mới nghĩ tới việc có con, chớ còn gặp lúc đồng án thất mùa thì sanh đẻ lấy tiền ở đâu ra nuôi dưỡng!

    Nhưng cái khó của một bà mụ là làm thế nào để nói chuyện cho quần chúng thông suốt, hiểu được sự công dụng của cái bao cao su, để giúp cho việc ngừa thai nó được chắc chắn an toàn, mà trong lúc ái ân nó không bớt đi niềm cảm giác. Chính vì những cái vấn nạn về tâm lý đó, đã làm cho phong trào cai đẻ bằng bao cao su bị hạn chế rất nhiều, mặc dầu nó rất là tiện lợi không sợ mấy chứng bịnh hậu sản về sau, nhưng ở nông thôn tình trạng dân trí hiện thời, muốn nói cho họ hiểu thấu đáo về vấn đề khoa học như vậy, thì cũng là một chuyện trần thân chớ đâu có dễ...

    Đang miên man với dòng suy nghĩ lãng mạng trong đầu, còn hai tay của bà thì đang chuốt cây viết chì đặng kẻ ô trong sổ khám bịnh. Bất chợt bà mụ Hải lại nghĩ ra, là mình có thể dùng cây viết chì nầy, đúc vào trong cái bọc cao su để làm thí dụ điển hình được quá đi thôi, chớ còn từ hồi trước tới giờ cứ lấy ngón tay trỏ thọc vô thọc ra để làm thí dụ hoài, rồi giảng nghĩa có khi đến khô cổ họng vậy mà có nhiều bà tối dạ có hiểu gì đâu, trái lại còn hỏi ngược lại bà nhiều câu thật là ngớ ngẩn.

    Trong lúc bà mụ Hải mỉm cười với bao ý nghĩ khôi hài của mình, thì có một chị nhà quê trạc tuổi chừng ba mươi mấy nhưng bộ vó lại rất mau con, đáy thắt lưng ong thuộc dòng quý tướng. Nhưng ngặt vì không biết cách áp dụng kế hoạch hóa gia đình, nên mới từng tuổi đó mà vú móm đã thả xề xuống trở thành vú mướp trông rất là tội nghiệp!

    Thấy người đàn bà đứng ngập ngừng bà mụ Hải liền hỏi:

    - Bà đến đây xin bao cao su nữa phải hôn?

    Người đàn bà đáp nhỏ:

    - Dạ ...

    Bà mụ Hải hỏi tiếp:

    - Bà đã có biết xài qua nó chưa?

    Người đàn bà rụt rè nói:

    - Dạ ... chưa cô!

    Bà mụ Hải hỏi tên người đàn bà ghi vào trong sổ xong, đoạn vói tay trong ngăn tủ lấy ra một cái bọc cao su, rồi biểu người đàn bà đó nhìn coi hai bàn tay bà thực tập. Nhưng người đàn bà kia không biết vì tối dạ, hay là vì mắc cỡ mà biểu bà mụ Hải thực tập cho coi đến mấy lần, nhưng dáng điệu cũng vẫn còn hơi lúng túng, chớ chưa có dấu hiệu tiếp thu, đó cũng là một thái độ rất thông thường của người dân quê hiện nay, mỗi khi được tiếp cận với một luồng văn minh tiến bộ. Tuy vậy bà mụ Hải chỉ mỉm cười, rồi cầm cây viết chì lên làm hiệu nói:

    - Trước khi hai ông bà thương nhau thì phải làm theo ngón tay của tôi đây nè. Rồi tay trái của bà mụ Hải cầm cái bọc cao su lên, tay phải cầm cây viết chì thọc sâu vào trong bọc, bà tuốt lần lên cho đến khi gần ngập cái cán viết chì rồi hỏi lại:

    - Sao ... bà thấy tôi... làm như vậy có dễ không?

    Người đàn bà ngập ngừng một hồi rồi hỏi:

    - Mình đeo đại nó vô như đeo bao tay phải không cô...?

    Bà mụ Hải mừng quá bèn nói tiếp:

    - Đọ... đọ chị nói trúng đó. Mình cứ việc tuột nó lên hoài, chừng nào tới chớn rồi thôi. Tôi bảo đảm với bà là không có bầu bì gì nữa đâu mà sợ. Vì cái bao cao su nầy là một túi càn khôn, nó có thể đựng hết nhân loại vào đây mà không sợ bể!

    Người đàn bà tuy đã hiểu lơ mơ, nhưng lại sợ cái bao cao su mỏng vánh như vầy, rủi bữa nào gặp ổng nhậu cửng cửng hành hạ rồi sao, chắc là nó sẽ rách tầy quầy tới chừng đó có lấy nhánh ô rô quất vô đít cũng chưa chắc gì ổng chịu nhả. Bởi vì trong đầu đã nghĩ như vậy, cho nên bà nhà quê ngập ngừng hỏi nhỏ:

    - Sao tui lo quá hà cô!

    Bà mụ Hải thấy nãy giờ giáo dục đã lâu, vậy mà bà nầy cứ hỏi nhiều câu xà bát, cho nên làm mặt nghiêm hỏi lại:

    - Vậy chớ chị lo sợ cái gì nè? Đâu chị cứ việc nói ra coi. Chớ từ ngày tôi ra trường tới giờ, thì tôi nhận thấy chỉ có phương pháp xài bao cao su nầy mới là tiện lợi, khỏi sợ bịnh hậu sản lôi thôi, có khi nó làm cho chồng con của mình rất là thỏa mãn.

    Bà nhà quê thẹn thùng đỏ mặt một hồi rồi nói nhỏ:

    - Tui chỉ sợ nó rách. Vì sức lực ông xã của nhà em dữ lắm cô ơi. Sợ cái bao cao su mỏng vánh như vầy không biết nó có chịu nổi không, hay là tới chừng đó có nước tui lấy kim tây ra châm vào đít ổng...

    Bà mụ Hải cười cục cục dường thể phân vân rồi nói:

    - Tưởng cái việc gì thì bà sợ, chớ cái việc đó bà đừng lo, để tôi đổ vô 5 lít nước đầy mà nó cũng vẫn không bị bể.. Vì trước khi thế giới họ đem ra bán cho mình xài, thì họ cũng đã có thí nghiệm đủ cách hết trơn, người Việt Nam mình nhỏ con mà có nhầm nhò gì mà chị sợ.

    Nói xong một câu khôi hài ý nhị, thì bà mụ Hải cầm cái bọc cao su lên như một thói quen, rồi bà vói tay lên đầu tủ lấy xuống một cái quặn và một bình nước thật đầy. Sau đó bà mụ lại mỉm miệng cười để làm một công cuộc thí nghiệm thật quen, mà trong suốt cuộc đời làm nghề bà mụ cứ dợt đi dợt lại không biết bao nhiêu lần mà kể.

    Chỉ trong vòng 1 phút đồng hồ sau thì một cái bọc nước căng đầy như cái bong bóng heo, khiến cho bà nhà quê vô cùng kinh ngạc nếu bà ta không tận mắt nhìn thấy thì không thể nào tin được, bởi cái bọc nước nặng như vậy mà bà mụ đã nhúng nó oằn xuống oằn lên mấy lần mà không bể. Quả thật đây là một cái túi thần kỳ, khiến cho bà nhà quê nể nang thôi quá sức, cho nên trên gương mặt cũng bớt đi dấu vết thẹn thùng chỉ còn đọng lại bao nỗi vui tươi, vì từ bấy lâu nay cái việc bầu bì là một nỗi kinh hoàng trong cuộc sống. Chính những trái bầu đó đã cướp mất đi hết cái tuổi thanh xuân, của những người con gái ruộng đồng khi mới khăn gói về nhà chồng chưa hưởng được bao nhiêu hương lửa mặn nồng, thì bỗng dưng trong một buổi sáng lại cảm thấy mình đang hôi cơm tanh cá, thế là bụng mang dạ chửa cứ việc diễn ra, cho đến một lúc nào đó người phụ nữ trở thành già háp hồi nào mà không hề hay biết!

    Thấy vậy bà mụ Hải đưa cây viết chì và bọc cao su biểu bà ta thực tập. Bà nhà quê kia cứ thọt vô thọt ra một hồi rồi nói nhỏ:

    - Chắc tui làm được rồi à cô.

    Bà mụ Hải cầm một lố bao cao su đưa cho rồi dặn tiếp:

    - Nhớ cất để dành xài đừng đem bán lậu nghe hôn. Nếu có thiếu thì đi lên đây nói thiệt cho tôi phát bổ sung, cái bao nầy chỉ xài một lần rồi vụt chớ đừng có giặt lại mắc công, mà lúc tròng vào nó cũng chẳng vừa, rồi ông xã bà cằn nhằn mất đi hạnh phúc.

    Thế là người đàn bà thơ thới cầm gói bọc cao su, trước khi bước ra khỏi cửa còn nói thêm mấy lời cám ơn rả rích, rồi bà ta đi thẳng lại tiệm tạp hóa của ông Hai Cua mua một lố viết chì, với trong bụng đã nghĩ là mỗi lần hai vợ chồng gần gũi với nhau, là phải lấy cái bọc cao su trồng vô cây viết chì y như hồi nãy bà mụ dạy.

    Rồi từ bữa đó trở về sau hễ có người nào đi vào trạm xá để xin bọc cao su, thì bà mụ Hải chỉ có việc cầm cây viết chì lên thao tác cho họ coi, chớ không còn thời giờ để giáo dục quần chúng như hồi lúc mới ra trường, mà ông bác sĩ giám đốc trường đã từng nhắn nhủ với các học viên, là công tác giáo dục quần chúng trong giai đoạn nầy rất là quan trọng.

    Vì vậy mà ông ta đã căn dặn tất cả học viên, hãy cố gắng làm hết trách nhiệm của mình, để mong sao làm cho dân giàu nước mạnh. Chớ còn không thì quần chúng cứ tự do đẻ chửa tùm lum, thì đảng và nhà nước ta làm sao lo cho nó xuể, vì nước ta đang mới giải phóng có mấy năm, nọc độc của đế quốc Mỹ - Ngụy để lại phá hoại quá nhiều, cho nên nhiệm vụ của những bà mụ trong giai đoạn nầy rất là quan trọng.

    Nhưng rồi sáng hôm nay trong lúc bà mụ Hải còn đang bực mình, vì hàng thương nghiệp bên ủy ban xã họ ăn chận của bà hết mấy kí thịt heo, lẽ ra bà cũng là một người đang đứng trưởng ban ngành, thì bà cũng phải có quyền hưởng theo tiêu chuẩn như bao nhiêu người cán bộ khác. Đằng nầy ở trong ủy ban xã họ nít hết trơn, khi bà chạy lại hỏi thì họ nói thôi để chờ dịp khác.

    Bà định bụng mai mốt đây có dịp đi về dưới huyện họp hành, thì phải trình nội vụ nầy lên cho thượng cấp biết. Bất ngờ có một bà áng chừng như đang có chửa, một tay nắm vốc muối ớt còn tay kia thì cầm một trái ổi xá lị đi vô vừa cắn nói:

    - Thôi... tui bị nguy to rồi cô mụ ơi.

    Bà mụ Hải ngạc nhiên nhăn mặt hỏi lại:

    - Cái gì đó? Bộ có bầu nữa rồi hả?

    Bà kia cười mà cũng như mếu nói:

    - Rồi... dính nữa rồi cô ơi.

    Bà mụ Hải hỏi vặn lại:

    - Có xài bao cao su hôn vậy bà?

    Bà kia vừa cắn miếng ổi vừa nói:

    - Có chớ. Đêm nào tui với ông xã hỏng xài, mà hỏng biết tại sao có bầu nữa đây mới khổ!

    Bà mụ Hải dường như chưa tin cái người đàn bà nhà quê đó, nên lo cúi xuống lật cuốn sổ ghi tên khám bịnh ra hỏi tiếp:

    - Vậy chớ chị tên gì?

    Bà kia lại nhăn răng ra cười nói:

    - Nữa ... bộ cô quên tui rồi ha. Tôi là, tôi là Năm Vàng vợ Sáu Tỏ nè.

    Bà mụ Hải ngước lên hỏi nữa:

    - Mỗi tháng tôi cấp cho chị tới 2 lố bao cao su lận mà, nếu hai vợ chồng xài không đủ thì đi lại đây nói thiệt cho tôi cấp thêm. Chớ còn bà để cho tới nước mang bầu rồi đi lại đây mắng vốn tôi thì biết đường nào mà tôi gở...

    Bà bầu cãi lại:

    - Thì đêm nào tui với ổng cũng lấy bọc cao su ra xài như lời cô dặn. Chớ đâu có dám hớ hênh, vậy mà không biết sao bây giờ tôi lại mang bầu, báo hại ông xã tui ổng cằn nhằn tui quá xá. Ổng còn nói phải biết kế hoạch mà nó như vầy, thà là để cho ổng buông đuôi ăn trót còn hơn, chớ còn vợ chồng mà mỗi lần gần gũi bắt chuẩn bị lấy bao cao su làm cho ổng mất hứng...

    Bà mụ Hải như không tin nên hỏi lại:

    - Vậy chớ bà xài nó ra làm sao. Chớ cái loại nầy xài đúng cách bảo đảm tới 100% lận chớ đâu có dễ gì mà mắc.

    Bà kia bẽn lẽn một hồi, rồi thọc tay vào túi áo bà ba móc ra một nùi để lên bàn nói:

    - Đó cô coi đi. Cái nào tôi cũng có xài qua rồi hết đó. Tôi chỉ đem lại một mớ để cô coi mà làm bằng chứng mà thôi, còn một mớ tôi để ở nhà nếu cô cần thì bữa nào tui đem lại nữa...

    Vì ở trong nghề làm mụ đã lâu, nên bà mụ Hải không còn lạ gì tới mấy cái cảnh như vầy. Nhưng hôm nay bà mụ Hải quá đỗi ngạc nhiên, vì toàn bộ bao cao su cái nào cũng có dấu kéo thiến đầu, mất cái chỗ để đựng bình sữa cho thằng nhỏ khi nó được no nê, như vậy thì còn cái gì mà ngừa với chủng.

    Ngạc nhiên quá đỗi, nên bà mụ Hải hỏi lại:

    - Ụa... tại sao mấy bao cao su nầy lại thiến đầu nó hết vậy?

    Bà kia nghệch mặt ra một hồi mới nói:

    - Thì mỗi lần ông xã tui trồng vô, thấy nó còn dư ra hỏng vừa, tưởng đâu là của ngoại quốc nó khác của mình, nên ổng mới lấy kéo hớt bỏ bớt đi cho vừa vặn!

    Tới chừng đó thì bà mụ Hải mới vỡ lẽ ra nói nhỏ:

    - Bà làm như vậy là chết tôi rồi. Hôm trước tôi có nói, khúc dư nầy thì để đó nó đựng cái kia. Ông xã bà lại vớt ngang thì làm sao nó ngăn ngừa lại được; hèn chi bà có chửa là cũng phải rồi. Vì đâu còn có cái gì để cản tụi nó nữa đâu, nên tụi nó cứ việc xung phong vô tới buồng trứng của bà mà làm ổ...

    Bà kia lo lắng hỏi tiếp:

    - Bây giờ làm sao đây hả cô?

    Bà mụ Hải ngồi nhăn trán một hồi rồi hỏi lại:

    - Được mấy tháng rồi có nhớ hôn?

    Bà kia ngập ngừng một hồi rồi nói nhỏ:

    - Chắc cũng hai tháng mấy rồi cô...

    Bà mụ Hải nhìn bà kia lắc đầu nói tiếp:

    - Thôi để bây giờ tôi viết giấy giới thiệu, ngày mai đón xe đò đi lên bệnh viện tỉnh Bến Tre liền, để ở trển người ta có dụng cụ hút nó ra cho kịp!

    Bà kia dường như chưa hết lo nên ngập ngừng hỏi nữa:

    - Như vậy rồi sau nầy có sao không cô? Có bị bịnh sản hậu không cô? Sao nghe nói tới việc nạo thai thì tôi đây sợ quá...

    Bà mụ Hải muốn cắt ngang, bởi còn rất nhiều người lóng ngóng ngoài phòng đợi, để được cấp phát bao cao su nên nói lẹ:

    - Không có hề gì đâu chị ơi. Chị đi lên bịnh viện họ làm một chút rồi về liền, vài ngày sau rồi trở lại đây để cho tôi sinh hoạt bà cho kỹ. Nói xong rồi bà mụ Hải đưa tấm giấy giới thiệu mà vẻ mặt dửng dưng. Bởi làm cái nghề nầy ngày nào cũng nghe nói tới bầu bì, cho nên làm cho tâm hồn cũng mau cằn cỗi, nên bà mụ Hải giải quyết rất nhanh, cũng có nhiều khi người dân không hiểu mà bà cũng không cần giải thích.

    Ngày nào cũng vậy bà mụ Hải chỉ làm có một công việc đó thôi, thành thử nhiều lúc đi đám giỗ hay đám ma, cũng có người thắc mắc kéo tay bà đi ra ngoài hỏi nhỏ. Thế mới biết cái việc phòng the ai nấy cũng cần, nhưng ai nấy cũng gian nan, mỗi khi thấy vợ con hôi cơm tanh cá đi ra ngoài kế hoạch. Tới chừng đó thì mới nhảy nai, gặp ai bày vẽ ăn uống cái gì để trụt nó ra, thì họ cũng đều nghe theo hết trọi!

    Nhiều lúc bà mụ Hải cũng cảm thấy buồn, không ngờ con đường công danh của bà bây giờ lại quanh quẩn có mấy bao bọc cao su ở nơi hẻo lánh. Nhưng bù lại mỗi khi đi đâu được bà con chòm xóm quấn quýt hỏi thăm, có người mạnh dạn xoa xoa cái bụng trơn lu, để tỏ dấu cám ơn rằng đã nhờ bà nên bây giờ mới ngưng đẻ chửa.

    Buổi chiều nơi trạm xá thật là vắng vẻ. Khiến cho bà mụ Hải trở thành nhàn rỗi như một thói quen, nên bà thường lấy móc ra đan những cái áo len để bán phụ thêm với đồng lương èo uột. Tuy vậy nhờ vật giá ở nơi đây nếu so ra cũng còn rất rẻ với tỉnh thành, nên lần hồi bà cũng muốn tạo dựng một cơ ngơi. Nhưng ngặt nỗi trong mấy tháng nay, cái ông chủ tịch xã ổng cứ cà rà dê hoài, khiến cho bà mụ Hải đâm ra bối rối. Nếu không thuận tình với ổng thì chắc gì làm việc được yên, còn nếu để cho ổng ăn nằm thì không biết vợ con của ổng ghen tương đến đâu đây nữa. Bao ý nghĩ còn đang lảng vảng trong đầu, thì đã có vài bà dân quê đang đứng thập thò ngoài cửa, đến chừng nghe tiếng động bà ngước lên tươi cười nói:

    - Ụa... bữa nay bộ rảnh hay sao mà tới trạm xá vào vác nầy vậy chị Ba?

    Người đà bà có nước da hơi mét mét, gật đầu cười như mếu rồi nói nhỏ:

    - Bữa nay tui bị kẹt nên mới đi lại gặp cô vào giờ nầy đây...

    Bà mụ Hải trề môi ra nói:

    - Sao ... bộ muốn tăng thêm chỉ tiêu làm việc hả. Tháng nầy đồng áng chưa tới mùa, nên mấy ổng tha hồ mà sung sướng há. Chắc chắn là mấy ổng đã mần vượt chỉ tiêu, để bù lại trong những tháng mưa dầm mắc lo đi dọn đất cấy. Thôi được tôi sẽ cấp phát bọc cao su bổ sung, miễn làm sao cho hai ông bà tối nào cũng đều là vui vẻ là tôi đây cũng được vui lây, chớ còn mà thấy mấy bà mang bầu mỗi năm thì tôi đây muốn bỏ nghề nữa đó...

    Người đàn bà vịn ghế nói nhỏ:

    - Hỏng phải như vậy đâu cô mụ ơi. Tui bị dính bầu nữa rồi...

    Bà mụ Hải không tin nên hỏi lại:

    - Bà nói cái gì? Hôm trước tôi phát bao cao su đã chỉ cho bà rành mạch lắm mà. Hay là bà xài không đúng cách, bây giờ bà đi lại mắng vốn tôi đây?

    Người đàn bà nhà quê nhỏ giọng:

    - Tui cũng xài đúng như cô mụ dặn. Là mỗi lần hai vợ chồng gần nhau, tôi đều lấy một bao cao su trồng vô cây viết chì xong xuôi rồi mới cho ổng gần, nhưng không biết sao mà nó vẫn dính vậy cô?

    Bà mụ Hải nghe xong thấy cũng quá kỳ, nên hỏi vặn:

    - Vậy chớ chị có đem theo cái bao cao su nào đã xài rồi đó hôn? Đưa đây cho tôi coi thử. Chớ bao cao su nầy chắc lắm, dễ gì mà làm rách nó nổi...

    Bà nhà quê nhanh nhẩu trả lời:

    - Tôi có đem theo lên đây mấy cái để cho cô nghiên cứu đây chớ. Vừa nói xong rồi bà ta móc trong túi áo bà ba ra đâu bốn năm cái bao cao su, mà mỗi cái còn dính lòng thòng một cây viết chì còn mới tinh chưa có chuốc!

    Bà mụ Hải cầm mấy cây viết chì lên ngấm nghía một hồi rồi hỏi gặn:

    - Bộ mỗi lần hai vợ chồng chị gần nhau, rồi chị trồng cái bao cao su nầy vô đầu cây viết chì như vầy đó hả?

    Bà nhà quê vội xăng xái trả lời:

    - Dạ... đúng đó cô. Mỗi lần tui với ổng chuẩn bị gần nhau, thì tui đã làm đúng theo lời của cô đã dặn, là phải trồng cây viết chì nầy vào bọc cao su. Xong xuôi đâu đó rồi tui mới dám cho ổng gần gũi đó chớ...

    Bà mụ Hải lắc đầu nói nhỏ:

    - Chị làm như vầy thì chết tui rồi. Tôi đã dặn một đàng, còn chị thì làm một nẻo. Sao chưa hiểu mà không chịu hỏi thêm, chớ còn tài khôn mà áp dụng như vầy thì còn chi kế hoạch của ông nhà nước!

    Người đàn bà kia chưa hiểu rõ nên ú ớ nói:

    - Thì hôm trước sau khi ở trạm xá ra. Tôi đi ngay lại tiệm ông Hai Cua mua liền một lố viết chì, rồi sau đó xài hết tôi cũng mua thêm một lố nữa chớ đâu có tiếc ...

    Bà mụ Hải lắc đầu ngao ngán nói:

    - Chị có biết cái cây nào làm cho chị có bầu hôn? Là cái cây “Nhứt Trụ Kình Thiên“ của ổng đó (một cột chống trời), chớ còn cái cây viết chì nầy có ăn nhầm gì, mà chị đem bao cao su của người ta phát cho rồi tròng lên đó, hèn chi nó làm cho chị có bầu cũng phải!

    Bà kia ú ớ một hồi rồi nói:

    - Thì tui với ổng cũng làm đúng theo lời cô dặn, chớ đâu có dám làm sai.

    Bà mụ Hải bực mình hỏi gặn:

    - Vậy chớ tôi dặn bà cái gì đâu bà nói lại cho tôi nghe thử coi...

    Bà bầu nhà quê sau vài giây mắc cỡ rồi nói:

    - Thì cô căn dặn tôi là mỗi lần gần ổng phải làm như vầy, như vầy... Nghĩa là lấy cái bao cao su ra tròng vô cây viết chì, tuột nó lên chừng nào hết chớn thì thôi, cho nên ông xã tui ổng cũng cẩn thận đêm nào ổng cũng làm y chang như vậy, ai dè bây giờ tui lại mang bầu, báo hại sắp tới mùa gặt hái tôi không biết phải làm sao, phải biết trước như vầy tôi đâu có thèm kế hoạch!

    Bà mụ Hải ngồi nghe một hồi mới chịu vỡ lẽ ra, nên bà mỉm cười nói nhỏ:

    - Hôm trước là tôi chỉ lấy cây viết chì ra thí dụ thôi, để thực tập cho bà dễ nhớ. Chớ tôi đâu có biểu bà tròng cái bao cao su đó như vậy để ngừa thai, thôi từ rày về sau cái gì không hiểu thì bà nên hỏi cho cặn kẽ. Chớ còn tài khôn mà làm như vầy thì chỉ có nước chết tui, tới chừng bể kế hoạch rồi bà đi lại đây mắng vốn.

    Bà bầu nhà quê tự biết mình có lỗi nên hỏi nhỏ:

    - Bây giờ làm sao đây cô?

    Bà mụ Hải nhíu mày suy nghĩ rồi hỏi lại:

    - Ốm nghén được bao lâu rồi?

    Bà nhà quê rón rén trả lời:

    - Chắc chừng hai tháng mấy đó cô...

    Bà mụ Hải ngước lên nói nhỏ:

    - Bây giờ tôi viết giấy giới thiệu gởi chị đi lên bịnh viện tỉnh Bến Tre liền, để cho BS người ta dùng ống hút để hút nó ra, đừng để trễ nữa mà sanh ra bất tiện...

    Bà nhà quê sợ xanh máu mặt hỏi lại:

    - Rồi... rồi sau nầy có sao không cô?

    Bà mụ Hải quả quyết trả lời:

    - Yên trí. Mấy cái việc nầy bác sĩ người ta làm quen tay còn dễ hơn là nhai cơm đút, xong xuôi rồi chị đi về nhà liền nội trong ngày, chừng một tuần sau là chị có thể đi cắt cỏ được. Còn cái vụ kia thì phải đi lên đây để cho tôi sinh hoạt lại, chớ còn không thì chị cứ tròng cái bao cao su vô cây viết chì, thì kể như mỗi năm chị đẻ một đứa là cái chắc!

    Bà nhà quê dường như chưa hết sợ nên than vãn tiếp:

    - Từ hôm biết tui ốm nghén tới giờ. Ba sắp nhỏ ổng cự tui như giặc, ổng nói thà là để cho ổng ăn thua đủ, rồi có mang bầu ổng đi đào cua nuôi tui cũng chẳng sao, đằng nầy lại đi nghe mấy bà mụ biểu làm cái gì đâu không mất hứng...

    Bà mụ Hải cười cười rồi dỗ ngọt:

    - Ai biểu chị không chịu tròng vô cây “Nhứt Trụ Kình Thiên“ của ổng, mà lại tròng vô cây viết chì bây giờ ở đó ngồi than. Báo hại làm mấy tháng nay ba đứa nhỏ học trò hỏng có viết chì để học...

    Bà nhà quê cầm miếng giấy giới thiệu trên tay, rồi lễ phép cúi chào bà mụ Hải thêm lần nữa, làm cho bà cũng tiêu tan phiền muộn phần nào. Còn lại một mình trong phòng khám, bà chợt nghĩ là cái công việc giáo dục ngừa thai hiện giờ rất khó khăn, nhưng bà cũng không biết làm thế nào để phát động phong trào cai đẻ cho nó được thành công. Vì người dân nông thôn phần đông họ có sẵn thành kiến trong đầu, không dễ gì trong một sớm một chiều mà thay đổi được.

    Bất giác bà mụ Hải đưa tay lên sờ nắn lại mấy cái bọc cao su, khiến cho bà bỗng dưng bồn chồn trong dạ. Vì ngày hôm qua ông chủ tịch xã đã bạo dạn nắm lấy tay bà, không biết đến chừng nào ổng mới chịu nắm chưn đây, tới chừng đó rồi bà cũng phải biết xài bọc cao su cũng như bao nhiêu người đàn bà khác. Đó cũng là một việc rất thường tình, bởi vì lửa gần rơm lâu ngày thì làm sao gìn giữ.


    Phùng Nhân
Working...
X