Mấy tuần qua, báo chí đã nói nhiều về cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam qua ảnh", do một tờ báo của phụ nữ[1] cùng một công ty mỹ phẩm chủ trì.
Chung quy nội dung cuộc bàn luận, là: vì sao để các em (tuổi) còn bé thế mà đi thi. Bé quá, già như tôi khéo ngồi xem tuy có thích cũng phải hơi ngượng, thấy mình tự nhiên thiếu tư cách phụ huynh khi cứ nhìn chằm chằm vào người các cháu. Và theo lời một bà cụ xem T.V có biết tí Nguyễn Du, thì có thí sinh ở đây còn bé hơn cô Kiều lúc bán mình.
*
Khía cạnh đạo đức, lợi hay hại, nên hay không nên, trách nhiệm thuộc về ai... thì mọi người đã bàn kỹ lắm rồi. Ở đây, tôi thì thấy hé ra một chuyện khác. Ấy là cái tính bất nhất của phụ nữ.
Sự bất nhất của phụ nữ, ai cũng biết, muôn đời là cái đau đầu cho cả đàn ông (lẫn đàn bà).
Sự bất nhất của Hội Liên hiệp Phụ nữ dĩ nhiên còn làm đau đầu gấp bội.
Bởi vì Hội có tiếng nói của mình, ấy là báo Hội. Và tiếng nói này có tác động đến xã hội hẳn hoi. Thế mà hóa ra tiếng nói ấy cũng có lúc này, lúc khác, tuy phát âm kiểu gì cũng chặt chẽ, nhưng chính thế mới làm điên cái đầu chị em độc giả.
Trước tiên, nếu bạn là độc giả cần cù của những tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ, "mưa lâu thấm đất", bạn sẽ thấm nhuần cái câu mà khi còn trẻ, còn tí sắc, chẳng bao giờ bạn tin: "Cái nết đánh chết cái đẹp".
Báo của Hội, lúc nào cũng thế, mục nào cũng thế, từ hỏi đáp tâm tình cho đến mua sắm, nấu ăn... đều tôn vinh "cái nết", từ cái nết ăn mặc kín đáo (không anh ấy coi thường), cho đến cái nết cắn chặt răng sống đời trầm cảm, đợi qua cơn (anh ấy sẽ về mà, con ranh ấy chỉ là đồ mất nết!)
Thế đấy! Biết bao nhiêu phụ nữ nước ta (nhất là phụ nữ không thể thi hoa hậu) đã tựa vai tin cẩn vào những trang báo Hội, như một điện thờ của sự đoan trang, một pháo đài của giữ gìn đạo đức gia đình, như một vòng tay an ủi những ai thừa hương mà thiếu sắc.
Ấy nhưng,
Chỉ cần có một nhà tài trợ, một ngày kia xách cặp đen đến rủ rê thôi, thì hỡi các chị em công nhân viên chức, các chị em nội trợ, buôn bán nhỏ! Chính tờ báo kia của Hội Liên hiệp Phụ nữ- chỗ dựa tinh thần của các chị - sẽ bắt tay với nhà tài trợ, dẹp qua một bên những lý thuyết "kín đáo" với "duyên ngầm", mà biểu diễn chứng minh cho các chị một câu nói lâu nay các chị vẫn ngấm ngầm lo: "Cái đẹp dẫm bẹp cái nết".
Và, ác một cái, để cho các chị choáng váng, họ lại dùng đến rất nhiều "cái đẹp" bé tí teo, có khi mới lớp 9, lớp 10. Bé đến mức phải dùng đến chữ "vô đạo đức", khi ngày thường có thể chính các cô bé ấy bị bố mẹ cấm đi chơi quá 9h tối, nay lại được đem ra tỉ thí ba vòng; rồi thịt da trẻ con mềm như sữa, quay ngang cùng nghiêng ngửa cho hàng ngàn, hàng ngàn người già, người lớn xăm soi. So ra, chẳng khác nào tôi bảo con gái tôi, nào con mặc áo tắm vào, lên phòng khách lượn vài vòng cho mấy bác ở cơ quan mẹ xem một tí. Và người xem vừa xem vừa thắc mắc, chà, cái bà (Hội) phụ nữ này, bà thật là bất nhất. Ngày thường bà nói chuyện đạo đức trên báo, bà vẽ đường bày cách chính chuyên cho người ta kéo chồng về lại tổ ấm; rồi bây giờ cũng chính bà lại khuyến khích trẻ con gái nhà người ta sớm biết khoe thân.
Nhưng sự bất nhất này cũng tìm được lý do. Bà Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cũng là thành viên của Ban tổ chức cuộc thi, đã nói trên một báo khác: "Phụ nữ VN hiện nay ngày càng đẹp hơn và trí tuệ hơn trước."
Như vậy, có thể hiểu rằng mọi việc đã ổn. Vòng đầu của các thí sinh đã to hơn xưa, đủ để "bảo lãnh" cho việc biểu diễn ba vòng còn lại trên sân khấu.
Vả lại, đã có biết bao nhiêu số báo, bao nhiêu hoạt động để cổ vũ, động viên sự "đẹp nết", thế sao lại hẹp hòi với sự khuyến khích "đẹp người" nhỉ! Dù hình thức cổ động sự "đẹp người" lần này hơi khác thường một chút khi dùng cả đến học trò cấp II, nhưng xét cho cùng, cái đẹp cũng như cái nết, không phân biệt tuổi tác. Các chị tốt nết có thể giữ được cái nết đến tận khi đầu bạc răng long, thì tại sao các cháu bé kia không có quyền phô một vài vòng lúc vừa mới... thi chuyển cấp?
Thế đấy! Các chị em vẫn đọc báo Hội! Sau cuộc thi này, có thể các chị sẽ hoang mang mất một lúc. Các chị không còn tin vào đường hướng thuần phong của Hội nhà nữa, và các chị đâm lo âu vào giá trị của mình.
Thế nhưng, may thay, anh nhà là người tinh tế (và nhất là anh biết thương chị). Sau khi xem truyền hình trực tiếp cuộc thi xong, giấu nỗi buồn tuổi tác và "lực bất tòng tâm" thật kín đáo, anh xuống bếp rửa mặt rồi lên nhà, vừa ngáp vừa nhìn chị cười buồn bã: "Trẻ con mà toàn son phấn. Thua xa em giản dị mỗi áo dài!".
Chung quy nội dung cuộc bàn luận, là: vì sao để các em (tuổi) còn bé thế mà đi thi. Bé quá, già như tôi khéo ngồi xem tuy có thích cũng phải hơi ngượng, thấy mình tự nhiên thiếu tư cách phụ huynh khi cứ nhìn chằm chằm vào người các cháu. Và theo lời một bà cụ xem T.V có biết tí Nguyễn Du, thì có thí sinh ở đây còn bé hơn cô Kiều lúc bán mình.
*
Khía cạnh đạo đức, lợi hay hại, nên hay không nên, trách nhiệm thuộc về ai... thì mọi người đã bàn kỹ lắm rồi. Ở đây, tôi thì thấy hé ra một chuyện khác. Ấy là cái tính bất nhất của phụ nữ.
Sự bất nhất của phụ nữ, ai cũng biết, muôn đời là cái đau đầu cho cả đàn ông (lẫn đàn bà).
Sự bất nhất của Hội Liên hiệp Phụ nữ dĩ nhiên còn làm đau đầu gấp bội.
Bởi vì Hội có tiếng nói của mình, ấy là báo Hội. Và tiếng nói này có tác động đến xã hội hẳn hoi. Thế mà hóa ra tiếng nói ấy cũng có lúc này, lúc khác, tuy phát âm kiểu gì cũng chặt chẽ, nhưng chính thế mới làm điên cái đầu chị em độc giả.
Trước tiên, nếu bạn là độc giả cần cù của những tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ, "mưa lâu thấm đất", bạn sẽ thấm nhuần cái câu mà khi còn trẻ, còn tí sắc, chẳng bao giờ bạn tin: "Cái nết đánh chết cái đẹp".
Báo của Hội, lúc nào cũng thế, mục nào cũng thế, từ hỏi đáp tâm tình cho đến mua sắm, nấu ăn... đều tôn vinh "cái nết", từ cái nết ăn mặc kín đáo (không anh ấy coi thường), cho đến cái nết cắn chặt răng sống đời trầm cảm, đợi qua cơn (anh ấy sẽ về mà, con ranh ấy chỉ là đồ mất nết!)
Thế đấy! Biết bao nhiêu phụ nữ nước ta (nhất là phụ nữ không thể thi hoa hậu) đã tựa vai tin cẩn vào những trang báo Hội, như một điện thờ của sự đoan trang, một pháo đài của giữ gìn đạo đức gia đình, như một vòng tay an ủi những ai thừa hương mà thiếu sắc.
Ấy nhưng,
Chỉ cần có một nhà tài trợ, một ngày kia xách cặp đen đến rủ rê thôi, thì hỡi các chị em công nhân viên chức, các chị em nội trợ, buôn bán nhỏ! Chính tờ báo kia của Hội Liên hiệp Phụ nữ- chỗ dựa tinh thần của các chị - sẽ bắt tay với nhà tài trợ, dẹp qua một bên những lý thuyết "kín đáo" với "duyên ngầm", mà biểu diễn chứng minh cho các chị một câu nói lâu nay các chị vẫn ngấm ngầm lo: "Cái đẹp dẫm bẹp cái nết".
Và, ác một cái, để cho các chị choáng váng, họ lại dùng đến rất nhiều "cái đẹp" bé tí teo, có khi mới lớp 9, lớp 10. Bé đến mức phải dùng đến chữ "vô đạo đức", khi ngày thường có thể chính các cô bé ấy bị bố mẹ cấm đi chơi quá 9h tối, nay lại được đem ra tỉ thí ba vòng; rồi thịt da trẻ con mềm như sữa, quay ngang cùng nghiêng ngửa cho hàng ngàn, hàng ngàn người già, người lớn xăm soi. So ra, chẳng khác nào tôi bảo con gái tôi, nào con mặc áo tắm vào, lên phòng khách lượn vài vòng cho mấy bác ở cơ quan mẹ xem một tí. Và người xem vừa xem vừa thắc mắc, chà, cái bà (Hội) phụ nữ này, bà thật là bất nhất. Ngày thường bà nói chuyện đạo đức trên báo, bà vẽ đường bày cách chính chuyên cho người ta kéo chồng về lại tổ ấm; rồi bây giờ cũng chính bà lại khuyến khích trẻ con gái nhà người ta sớm biết khoe thân.
Nhưng sự bất nhất này cũng tìm được lý do. Bà Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - cũng là thành viên của Ban tổ chức cuộc thi, đã nói trên một báo khác: "Phụ nữ VN hiện nay ngày càng đẹp hơn và trí tuệ hơn trước."
Như vậy, có thể hiểu rằng mọi việc đã ổn. Vòng đầu của các thí sinh đã to hơn xưa, đủ để "bảo lãnh" cho việc biểu diễn ba vòng còn lại trên sân khấu.
Vả lại, đã có biết bao nhiêu số báo, bao nhiêu hoạt động để cổ vũ, động viên sự "đẹp nết", thế sao lại hẹp hòi với sự khuyến khích "đẹp người" nhỉ! Dù hình thức cổ động sự "đẹp người" lần này hơi khác thường một chút khi dùng cả đến học trò cấp II, nhưng xét cho cùng, cái đẹp cũng như cái nết, không phân biệt tuổi tác. Các chị tốt nết có thể giữ được cái nết đến tận khi đầu bạc răng long, thì tại sao các cháu bé kia không có quyền phô một vài vòng lúc vừa mới... thi chuyển cấp?
Thế đấy! Các chị em vẫn đọc báo Hội! Sau cuộc thi này, có thể các chị sẽ hoang mang mất một lúc. Các chị không còn tin vào đường hướng thuần phong của Hội nhà nữa, và các chị đâm lo âu vào giá trị của mình.
Thế nhưng, may thay, anh nhà là người tinh tế (và nhất là anh biết thương chị). Sau khi xem truyền hình trực tiếp cuộc thi xong, giấu nỗi buồn tuổi tác và "lực bất tòng tâm" thật kín đáo, anh xuống bếp rửa mặt rồi lên nhà, vừa ngáp vừa nhìn chị cười buồn bã: "Trẻ con mà toàn son phấn. Thua xa em giản dị mỗi áo dài!".