Dạo này chị hay đứng trước gương. Nhiều đến nỗi, chưa bao giờ chị thuộc kỹ thân thể mình đến vậy. Mỗi lần chị lại phát hiện thêm một điều gì đó.
Thường thì những phát hiện chẳng có gì mới. Tỉ như số nếp nhăn trên vầng trán rộng - chị không thích những đường rãnh cắt chia vầng trán. Nó thật quá. Thật như quãng thời gian tính được khắc vào đời chị. Nhưng chị vẫn đếm kỹ càng. Đếm thật kỹ để tin rằng mình sắp về chiều...
"Mẹ, con đi đây" - Tiếng con trai chị. "Đi đâu?". "Đến sinh nhật bạn con". "Sinh nhật à?" - Chị hỏi thì thầm và buông rơi cái lược.
Mọi lần thấy chị soi gương và trang điểm, thể nào con trai chị dù đang bận mấy cũng kiếm cớ dắt xe đi. Chị phiền lòng vì điều ấy. Nó biết nhà có khách. Và không muốn giáp mặt bạn của chị. Không ít lần nó nói thẳng: "Mẹ này, mấy ông bạn của mẹ ấy mà, chướng mắt lắm. Bao giờ cái trò này mới chấm dứt?".
Biết bao giờ mới chấm dứt. Lời nói của con xát muối vào ruột gan chị. Nhưng chị im lặng. Có những nỗi đau không thể chia sẻ. Nhiều lần vào những lúc thật dễ chịu, chị đã tâm tình với con, cố gợi ở nó một chút cảm thông. Một chút ít thôi để chị có đủ can đảm và tỉnh táo quyết định. Quyết định cái việc bây giờ đã trở thành quá hệ trọng với chị: từ chối hay nhận lời cầu hôn của những người đàn ông tìm đến với chị.
Chị nhặt vội cái lược, quào qua quít mái tóc. Chị liếc mắt về phía con. Nó có vẻ bồn chồn. Mặt nó căng thẳng. Hay nó lại giận chị. Tuần trước khi bạn chị đến, nó chào chiếu lệ rồi lạnh lùng dắt xe đi, thậm chí không xin phép chị - điều chưa từng xảy đến. Thằng Quỳnh vốn là đứa trẻ khuôn phép. Ngay cả khi chị và chồng ly hôn, dù ở trong trạng thái căng thẳng, nó vẫn xử sự đúng bổn phận của một đứa con có giáo dục. Nó bình đẳng trong tình cảm, không thiên vị cha hay mẹ.
Hôm ấy, chị ngồi đợi con rất lâu. Mãi khuya nó mới về. Nó thoáng ngạc nhiên. Giọng chị dịu dàng: "Quynh, tại sao con lại thế?". "Con không biết. Con chỉ không thích họ". "Các bác ấy có làm tổn hại gì đến con đâu. Họ là người tốt. Mẹ biết!". "Đấy là họ tốt với mẹ. Họ cần phải thế. Còn với con? - Quynh nhìn thẳng vào mắt mẹ. Chị thoáng rùng mình. Chị đã đọc được ý nghĩ của nó. Quynh cũng hiểu, nó vội vã tận dụng cơ hội hiếm hoi ấy "Lòng tốt của họ là vô nghĩa. Cả họ nữa, vô nghĩa trước con! Không! Không ai được phép chia sẻ tình cảm của mẹ với con!".
Chị ứ nghẹn một nỗi đau không ngờ: "Nhưng tại sao con lại tự cho con cái quyền ấy?". "Ồ, mẹ quên rồi sao? Con đã hai hai tuổi. Chỉ ít tháng nữa con ra trường. Tha lỗi cho con. Con đã không làm được gì để bố mẹ khỏi xa nhau. Nhưng bây giờ thì con làm được. Con phải tự bảo vệ. Mẹ là tất cả của con".
Chị cười mà miệng méo xệch. Chị sững sờ nhìn đứa con yêu dấu - niềm an ủi còn lại của chị. Nó đứng ngây trước chị, cao lớn, vụng về trong tư thế cứng rắn giả tạo. Hình hài nó làm chị chạnh nghĩ đến người đàn ông từng là chồng chị. Chị buột miệng: "Cha con vừa tổ chức đám cưới. Tại sao con không dùng quyền ấy...".
Chị bừng tỉnh nhưng không kịp nữa. Chị thoáng thấy nó lúng túng. Hai tay nó ôm lấy đầu. Cái thân hình cao lớn từ từ bệt xuống: Chị quay người cố bình thản bước về phòng. Buông người xuống giường. Vậy là đã rõ, nó sẽ làm tất cả để ngăn cản chị.
Cái lược một lần nữa rơi xuống đất. Chị chẳng buồn nhặt. Chị nhìn thân thể mình. Vẫn thế, tuổi năm mươi, chị vẫn mảnh dẻ không khác mấy thời con gái. Cái nhìn của chị bắt gặp cái nhìn của người trong gương. Vẫn thế. Nỗi trống vắng ùa ngập.
Con trai chị vẫn bồn chồn. Nó đang suy nghĩ gì lung lắm. Chị định hỏi song lại thôi. Có vẻ nó không để ý gì đến chị. Chị ngạc nhiên trước thái độ của con. Nó vốn là đứa điềm tĩnh. Có chuyện gì nhỉ? Chẳng nhẽ nó lại hờn giận chị đến mức thế. Không phải. Chị xua ngay ý nghĩ ấy. Nhưng ngay lập tức cảm giác nghèn nghẹn lại chẹn xuống. Tủi buồn pha lẫn xót xa.
Ban nãy chị nghe không nhầm. Nó sẽ đi sinh nhật bạn nó. Không nhẽ nó lại quên hôm nay cũng là ngày sinh của chị. Đã lâu chị không tổ chức sinh nhật. Nhưng lần này... Có lẽ nào? Lúc nó chào chị dắt xe ra khỏi nhà, chị đã định nhắc nó, nhưng rồi hờn tủi khiến chị nín lặng.
Chị tắt đèn, thắp lên năm ngọn nến. Mỗi ngọn nến tượng trưng một quãng đời mười năm của chị. Phập phồng thứ ánh sáng của nến đỏ khiến chị hoảng sợ. Chị lại vội vã bật đèn. Chị chợt nhớ chưa có hoa. Không phải chị quên. Chị đợi hoa tặng của con trai. Ngẫm nghĩ giây lát, chị với trên giá sách của con chùm hoa uất kim hương bằng nhựa. Những bông hoa đỏ hồng, dài dại. Càng dại khi nó bị phủ một lớp bụi mờ. Không sao. Nó đúng với tình cảnh chị.
Chùm hoa này là quà tặng của chồng chị nhân một chuyến công tác ở Bắc Âu mấy năm về trước. Chị không thích hoa giả. Nó đuồn đuỗn vô hồn. Chị nhìn thật kỹ những bông hoa đã được lau hết bụi. Trông nó như mới. Đúng thôi, cái gì giả mà chẳng mới. Chị phân vân. Những bông uất kim hương này không đến nỗi đáng ghét như chị tưởng. Ít nhất giữa những ngọn nến đỏ lúc này, nó làm dịu đi bầu không khí hiu hắt đang bủa vây chị. Và dù sao, nó, những bông hoa giả, lại gợi cho chị nhớ về một quãng đời thực - quãng đời không thể nói là không hạnh phúc...
Mỗi người sống với thế giới riêng của mình. Bản thể mỗi người cộng vào hoàn cảnh làm nên thế giới đó. Thế giới của chị ngọt ngào vô cùng. Chị đẹp. Càng đẹp khi chị không ý thức được điều ấy. Nền nã và mềm mại, chị tiêu biểu cho một khuôn mẫu khá lý tưởng, ngự chiếm vị trí cao nhất trong ước mộng đầu đời của khối chàng trai. Hiển nhiên, từ chị toả ra một lực hút vô hình. Rất tự nhiên chị bị vây bọc bởi sự ngưỡng mộ cả chân thành lẫn cuồng si. Ngày ấy Quỳnh nổi bật rạng rỡ trong đám sinh viên nữ.
Khi chiến tranh phá hoại lan rộng, trường phải đi sơ tán, ở giữa một vùng quê heo hút, Quỳnh càng nổi bật. Không ít những lá thư tỏ tình bay đến với Quỳnh. Thường thì những lá thư lãng mạn ấy không có địa chỉ gửi. Và lời lẽ thì hết sức vui vẻ. Không lạ, thời ấy chuyện trai gái còn hệ trọng và nhuộm khá đậm màu sắc xưa cũ. Quỳnh thản nhiên trước mọi lời tỏ tình, dù rằng lá thư nào cũng khiến chị cảm động. Cũng bởi Quỳnh hồn nhiên một phần. Nhưng chủ yếu Quỳnh đã có nơi có chốn.
Người yêu Quỳnh đã ra trường và đang công tác ở một bệnh viện dân sự. Người đàn ông hơn hai mươi năm chung sống cùng chị. Anh không có gì xuất sắc lắm nhưng rất đàn ông. Đấy là cách đánh giá của chị. Mạnh mẽ, xốc vác, có trách nhiệm với gia đình. Không hiểu sao ngay từ đầu Quang đã gieo vào Quỳnh một niềm tin tuyệt đối.
Suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhiều lúc vợ chồng cách biệt, không thiếu những giây phút yếu lòng, tựa hẳn vào niềm tin chị đã đứng vững được. Niềm tin ấy lớn đến nỗi, Quang có một thời gian dài làm chuyên gia ở nước ngoài, chị vẫn không một mảy may nghi ngờ chồng. Và cuối cùng chính niềm tin đã giết chết tình yêu.
Dạo đó thằng Quynh đã lớn. Gia đình chị tương đối ổn định. Chị làm ở một bệnh viện lớn ở thành phố. Quang đi một chuyến công tác ngắn hạn ở Châu Âu. Những chuyến đi này gối nhau liên tục. Chính những bông uất kim hương kia, chị nhận từ tay chồng ở sân bay. Không phải vẻ mặt là lạ của chồng mà chính những bông hoa làm chị thoáng chạnh lòng. Có lẽ đó là linh cảm tuyệt vời của đàn bà.
Thời gian sau đó, tự nhiên chị thấy gượng gạo trong quan hệ vợ chồng. Sự có mặt của chùm hoa luôn tạo cho chị cảm giác bứt rứt, bất an. Chị cũng tinh ý thấy sự chăm sóc của Quang có phần nhỉnh hơn so với trước. Nhưng chị không cắt nghĩa được. Có lẽ tình trạng ấy phải đến hai năm liền. Nó còn kéo dài nữa nếu không có cái lần định mệnh kia. Chị gọi nó là định mệnh bởi mọi thứ xảy đến rất vô tình.
Chị được giao một đề tài chuyên ngành về truyền nhiễm. Một đồng nghiệp trong nhóm, mượn hộ chị tập tài liệu nước ngoài để chị khảo cứu. Đó là tài liệu rất mới, cần thiết cho đề tài. Kẹp trong tập sách ấy có một lá thư của Quang. Hoá ra chủ nhân của tập sách ấy từng công du với chồng chị. Không tin vào mắt mình nhưng Quỳnh vẫn đọc rất kỹ. Đến nỗi, chị thuộc lòng bức thư.
Chị cũng từng nhận được những bức thư như thế của chồng. Tuy đau đớn, chị vẫn giữ được bình tĩnh để yên ấm gia đình. Chị âm thầm chịu đựng. Chị sẽ không nói ra chuyện này nếu như có một lần nhân lý do gì đấy Quang đừng lôi ra bó uất kim hương. À, đấy là dịp Quang được đề bạt viện phó. Nhìn chồng tỉ mẩn bày biện, chị thấy lòng mình cuộn bão. Thấy chị chăm chú nhìn, Quang vui vẻ: "Em thấy không? Những bông hoa mới đẹp làm sao!".
Quả thật, những bông uất kim hương rất đẹp. Nó còn đẹp hơn cả hoa thật. Chị không thể chịu đựng được nữa vẻ đẹp ma quái của nó. Chị từ tốn đặt lá thư lên chùm hoa. Quang cầm tờ giấy lên, mặt tái đi, lạnh ngắt: "Chuyện cũ rồi. Anh có lỗi".
Lời thú nhận như nhát búa đập vào đức tin đã đóng cứng thành bêtông của Quỳnh. Chị gạt mạnh bó hoa văng xuống nền nhà.
Quỳnh giữ lại bó uất kim hương chỉ vì con trai chị thích. Lần đấy chị đã có ý nghĩ tha thứ. Tha thứ cho sự phản bội của chồng. Nhưng chị đã không tha thứ nổi cho mình. Bởi đức tin đã quá vững chắc. Quỳnh luôn nghĩ tốt lành về thế giới của mình.
Ngày trước cùng lớp Y của Quỳnh có chàng trai tên là Hải. Lúc ấy, Quỳnh đã yêu Quang. Chị biết Hải là một trong số những người si mê chị. Kết thúc khoá học, Hải đột ngột biến mất. Lúc biết tin Hải nhập ngũ thì chị nhận được lá thư chỉ vẻn vẹn có ba dòng: "Chào Quỳnh nhé. Không thể đến chia tay được. Chắc Quỳnh hiểu. Chúc hạnh phúc! Hải".
Quỳnh mỉm cười sung sướng cất lá thư vào cuốn sổ sinh viên. Rất lâu sau, Hải tìm đến nhà Quỳnh ở một bệnh viện sơ tán. Đang chiến tranh ác liệt, Hải từ chiến trường ra nhận một lớp bác sĩ mới, bổ sung cho mặt trận. Lúc này Quỳnh đã cưới Quang. Quỳnh đã lặng đi rất lâu khi thấy Hải xuất hiện. Hải đã lặn lội tìm Quỳnh chỉ để được gặp mười lăm phút rồi lại đi. Quỳnh cố giữ mà không được.
Chị biết Hải không quên nổi chị. Hải tất tả đi. Bóng Hải khoác balô liêu xiêu trong ngõ hẹp. Những mái rạ thấp thoáng. Mùi khói bếp ấm áp, nồng nàn. Đêm chiến tranh không cầm được lòng mình, chị thảng thốt:
- Hải, Hải. Đợi Quỳnh với.
Hải sững lại. Chị lật bật chạy đến. Bàn tay chị lọt vào bàn tay rắn chắc của Hải. Độ một phút, chị khe khẽ rút tay ra. Chị xúc động:
- Chỉ thế này được thôi, Hải ạ. Hãy tha lỗi cho Quỳnh.
Chị thấy Hải quay mặt. Giọng Hải ngạt đi:
- Kìa, Quỳnh nói gì thế. Quỳnh về đi. Vĩnh biệt!
Hải đi rồi, Quỳnh đã ấp bạn tay mình lên môi. Ngọt ngào. Ôi cái thế giới của chị mới đáng yêu làm sao.
Có lẽ chính vì thế, khi lòng tin của chị bị đổ vỡ, chị chỉ tự trách mình. Từ cõi thẳm lòng mình chị hiểu rằng lầm lỡ kia của Quang chỉ là phút ngã lòng khi xa xứ. Nhưng không thể khác được. Vẫn biết hạnh phúc sẽ vuột khỏi nhưng làm sao chị có thể tiếp tục cuộc sống chung với Quang được nữa. Vết rạn dù nhỏ vẫn là cái hố sâu ngăn cách, chị không thể vượt qua nổi.
Quang chấp nhận ly hôn. Một thời gian sau khi Quang xách vali đi, chị cũng đổi nhà đến một khu khác, chị không muốn mình bị kỷ niệm giam hãm.
Lúc quyết định ly hôn chị không một chút bận lòng về cuộc sống sau này của mình. Cũng không cả một mảy may ân hận. Có gì đáng phải ân hận cơ chứ, chị vẫn được sống cuộc sống của mình. Chị đã nhầm. Khi thằng Quynh lớn, nó bắt đầu đắm vào thế giới riêng của nó. Không phải là bỏ mặc nhưng ít khi nó chịu đi đâu cùng chị. Ngay lúc ở nhà cũng vậy, nó cũng ít gợi mở để tâm sự cùng chị. Còn có nhiều niềm riêng tư đợi nó.
Nhà mới và những buổi tối một mình, đến cả xem tivi chị cũng sợ. Trống vắng vô cùng. Cái gì trong ngôi nhà cũng lạ lẫm với chị. Tình trạng ấy kéo dài. Chị biết đó là nỗi trống vắng cô đơn. Dần dà manh nha trong chị ý nghĩ giải thoát. Tại sao lại không được? Chị phải đâu đã già. Vả lại Quang cũng đã lấy vợ và thằng Quynh đã lớn. Nhưng điều này mới là quyết định. Những người đàn ông. Họ sẽ như thế nào khi bước vào thế giới của chị?
Đầu tiên lại là Hải. Không biết bằng cách nào Hải hiểu được tình cảnh chị. Suốt từ ngày chia tay chị chưa gặp lại Hải. Sau bảy nhăm, anh đã lấy vợ ở trong Nam. Hải đường đột đến. Chị sững người. Thời gian đã đi qua người đàn ông này quá nhanh. Chính sự già nua, mỏi mệt của người bạn cũ đã khiến chị có thói quen đứng trước gương để nhìn lại mình.
Gặp Hải, chị quá đỗi cảm động. Chị chưa quên được mối tình xưa của Hải. Nhưng chị đã từ chối. Hải đang có một gia đình. Dù rằng họ không mấy hạnh phúc. Sự túng quẫn khiến Hải tìm cách chạy trốn. Quỳnh buồn lắm. Chị tiễn bạn ra ga tàu. Hai cuộc tiễn đưa cách mấy chục năm đã khác biệt hoàn toàn. Thay cho cái bắt tay, Quỳnh giúi vào tay Hải gói tiền.
- Cầm lấy đi Hải. Quỳnh có. Cầm lấy để chèo chống. Gia đình, cái đó cần hơn tất cả.
Chị nói thật lòng. Bằng chính nỗi mất mát của mình. Người đàn ông mặt bệch ra. Vì xúc động mà cũng vì tủi hổ:
- Cảm ơn Quỳnh. Quỳnh bao giờ cũng tốt. Vĩnh biệt.
Hải cũng chào thật lòng. Chắc chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa.
Tiếp tục những người đàn ông khác. Một hoạ sĩ độc thân. Một giám đốc chết vợ. Một nhà văn tiếng tăm, khánh kiệt cả công danh lẫn tài sản vì ham muốn gấp rút đổi đời. Còn nữa... Người này đi, người khác đến. Tất cả tạo thành một thế giới êm ái bao bọc Quỳnh. Ai với chị cũng đều tốt đẹp và chân thành. Chưa có việc gì lại khiến chị lựa chọn khó khăn đến thế. Thực tình, chị không mấy khắt khe nhưng lực cản từ con trai đã làm họ phải nản lòng.
Còn lại ông hoạ sĩ độc thân. Dù đã bị thằng Quỳnh mấy lần mặn nhạt, ông vẫn thường lui đến. Độc thân đến tuổi này, hẳn ông phải là người kỳ quái. Có vẻ như ông chẳng cần gì và bất chấp mọi thứ. Ông lụi cụi mang cả giá đến để vẽ chân dung Quỳnh. Ông bảo:
- Đừng giận Quỳnh ạ. Tôi đã tìm cả đời. Ở Quỳnh tôi tìm thấy...
Quỳnh hiểu ông nói gì. Giá không có thằng Quynh chắc chị đã nhận lời.
Chị thắp nến rồi lại thổi nến. Chị đợi. Có tiếng gõ cửa. Mừng quá, chị ào ra. Không phải Quynh. Chị thấy mái đầu lốm đốm bạc của ông hoạ sĩ. Chị vội nuốt đi tiếng thở dài. Sao chị vô tâm không nghĩ đến điều này nhỉ. Mái đầu bạc. Chị đã già mất rồi. Sự thật đến cùng lúc với nỗi chán nản. Chị ngập ngừng. Mái đầu bạc cũng ngập ngừng:
- Tôi đã định không quay lại. Vẫn biết Quỳnh dứt khoát. Nhưng ngày sinh của Quỳnh, tôi muốn...
Chị nhận bó hoa. Những bông hồng trắng muốt, kỳ lạ lại làm mắt chị mờ đi.
Đã khuya lắm. Chị thật sự thất vọng. Thế là con trai không về. Nó đã quên ngày sinh của mẹ. Đúng vào lúc ông hoạ sĩ xin phép thì thằng Quynh xuất hiện. Nó ào vào như một luồng gió cuống quýt. Nó ôm choàng lấy chị. Nó vội vã cầm những bông uất kim hương đặt về chỗ cũ trên giá sách. Nó cắm bó hồng trắng của nó lẫn vào với những bông hồng của ông hoạ sĩ. Chị hoàn toàn bất ngờ. Thoảng khắp phòng hương hồng ngào ngạt. Đến lúc này chị mới nhìn thấy cô bạn gái của nó. Cử chỉ rất người lớn, thằng Quynh kéo cô gái đến trước mặt chị:
- Chúng con chúc mừng mẹ.
Rồi nó quay sang ông hoạ sĩ:
- Kìa bác. Bác đừng về. Hôm nay sinh nhật mẹ cháu.
Có một làn gió tươi thổi vào cõi hồn chị. Lòng chị mở ra mênh mang như cánh đồng bát ngát. Chị run run tắt đèn và thắp lên năm ngọn nến.
Mỗi ngọn nến là một quãng đời chị.
Lung linh nến đỏ và hồng trắng ngọt ngào...
ST ! ( Tác Giả: Phạm Ngọc Tiến )
Thường thì những phát hiện chẳng có gì mới. Tỉ như số nếp nhăn trên vầng trán rộng - chị không thích những đường rãnh cắt chia vầng trán. Nó thật quá. Thật như quãng thời gian tính được khắc vào đời chị. Nhưng chị vẫn đếm kỹ càng. Đếm thật kỹ để tin rằng mình sắp về chiều...
"Mẹ, con đi đây" - Tiếng con trai chị. "Đi đâu?". "Đến sinh nhật bạn con". "Sinh nhật à?" - Chị hỏi thì thầm và buông rơi cái lược.
Mọi lần thấy chị soi gương và trang điểm, thể nào con trai chị dù đang bận mấy cũng kiếm cớ dắt xe đi. Chị phiền lòng vì điều ấy. Nó biết nhà có khách. Và không muốn giáp mặt bạn của chị. Không ít lần nó nói thẳng: "Mẹ này, mấy ông bạn của mẹ ấy mà, chướng mắt lắm. Bao giờ cái trò này mới chấm dứt?".
Biết bao giờ mới chấm dứt. Lời nói của con xát muối vào ruột gan chị. Nhưng chị im lặng. Có những nỗi đau không thể chia sẻ. Nhiều lần vào những lúc thật dễ chịu, chị đã tâm tình với con, cố gợi ở nó một chút cảm thông. Một chút ít thôi để chị có đủ can đảm và tỉnh táo quyết định. Quyết định cái việc bây giờ đã trở thành quá hệ trọng với chị: từ chối hay nhận lời cầu hôn của những người đàn ông tìm đến với chị.
Chị nhặt vội cái lược, quào qua quít mái tóc. Chị liếc mắt về phía con. Nó có vẻ bồn chồn. Mặt nó căng thẳng. Hay nó lại giận chị. Tuần trước khi bạn chị đến, nó chào chiếu lệ rồi lạnh lùng dắt xe đi, thậm chí không xin phép chị - điều chưa từng xảy đến. Thằng Quỳnh vốn là đứa trẻ khuôn phép. Ngay cả khi chị và chồng ly hôn, dù ở trong trạng thái căng thẳng, nó vẫn xử sự đúng bổn phận của một đứa con có giáo dục. Nó bình đẳng trong tình cảm, không thiên vị cha hay mẹ.
Hôm ấy, chị ngồi đợi con rất lâu. Mãi khuya nó mới về. Nó thoáng ngạc nhiên. Giọng chị dịu dàng: "Quynh, tại sao con lại thế?". "Con không biết. Con chỉ không thích họ". "Các bác ấy có làm tổn hại gì đến con đâu. Họ là người tốt. Mẹ biết!". "Đấy là họ tốt với mẹ. Họ cần phải thế. Còn với con? - Quynh nhìn thẳng vào mắt mẹ. Chị thoáng rùng mình. Chị đã đọc được ý nghĩ của nó. Quynh cũng hiểu, nó vội vã tận dụng cơ hội hiếm hoi ấy "Lòng tốt của họ là vô nghĩa. Cả họ nữa, vô nghĩa trước con! Không! Không ai được phép chia sẻ tình cảm của mẹ với con!".
Chị ứ nghẹn một nỗi đau không ngờ: "Nhưng tại sao con lại tự cho con cái quyền ấy?". "Ồ, mẹ quên rồi sao? Con đã hai hai tuổi. Chỉ ít tháng nữa con ra trường. Tha lỗi cho con. Con đã không làm được gì để bố mẹ khỏi xa nhau. Nhưng bây giờ thì con làm được. Con phải tự bảo vệ. Mẹ là tất cả của con".
Chị cười mà miệng méo xệch. Chị sững sờ nhìn đứa con yêu dấu - niềm an ủi còn lại của chị. Nó đứng ngây trước chị, cao lớn, vụng về trong tư thế cứng rắn giả tạo. Hình hài nó làm chị chạnh nghĩ đến người đàn ông từng là chồng chị. Chị buột miệng: "Cha con vừa tổ chức đám cưới. Tại sao con không dùng quyền ấy...".
Chị bừng tỉnh nhưng không kịp nữa. Chị thoáng thấy nó lúng túng. Hai tay nó ôm lấy đầu. Cái thân hình cao lớn từ từ bệt xuống: Chị quay người cố bình thản bước về phòng. Buông người xuống giường. Vậy là đã rõ, nó sẽ làm tất cả để ngăn cản chị.
Cái lược một lần nữa rơi xuống đất. Chị chẳng buồn nhặt. Chị nhìn thân thể mình. Vẫn thế, tuổi năm mươi, chị vẫn mảnh dẻ không khác mấy thời con gái. Cái nhìn của chị bắt gặp cái nhìn của người trong gương. Vẫn thế. Nỗi trống vắng ùa ngập.
Con trai chị vẫn bồn chồn. Nó đang suy nghĩ gì lung lắm. Chị định hỏi song lại thôi. Có vẻ nó không để ý gì đến chị. Chị ngạc nhiên trước thái độ của con. Nó vốn là đứa điềm tĩnh. Có chuyện gì nhỉ? Chẳng nhẽ nó lại hờn giận chị đến mức thế. Không phải. Chị xua ngay ý nghĩ ấy. Nhưng ngay lập tức cảm giác nghèn nghẹn lại chẹn xuống. Tủi buồn pha lẫn xót xa.
Ban nãy chị nghe không nhầm. Nó sẽ đi sinh nhật bạn nó. Không nhẽ nó lại quên hôm nay cũng là ngày sinh của chị. Đã lâu chị không tổ chức sinh nhật. Nhưng lần này... Có lẽ nào? Lúc nó chào chị dắt xe ra khỏi nhà, chị đã định nhắc nó, nhưng rồi hờn tủi khiến chị nín lặng.
Chị tắt đèn, thắp lên năm ngọn nến. Mỗi ngọn nến tượng trưng một quãng đời mười năm của chị. Phập phồng thứ ánh sáng của nến đỏ khiến chị hoảng sợ. Chị lại vội vã bật đèn. Chị chợt nhớ chưa có hoa. Không phải chị quên. Chị đợi hoa tặng của con trai. Ngẫm nghĩ giây lát, chị với trên giá sách của con chùm hoa uất kim hương bằng nhựa. Những bông hoa đỏ hồng, dài dại. Càng dại khi nó bị phủ một lớp bụi mờ. Không sao. Nó đúng với tình cảnh chị.
Chùm hoa này là quà tặng của chồng chị nhân một chuyến công tác ở Bắc Âu mấy năm về trước. Chị không thích hoa giả. Nó đuồn đuỗn vô hồn. Chị nhìn thật kỹ những bông hoa đã được lau hết bụi. Trông nó như mới. Đúng thôi, cái gì giả mà chẳng mới. Chị phân vân. Những bông uất kim hương này không đến nỗi đáng ghét như chị tưởng. Ít nhất giữa những ngọn nến đỏ lúc này, nó làm dịu đi bầu không khí hiu hắt đang bủa vây chị. Và dù sao, nó, những bông hoa giả, lại gợi cho chị nhớ về một quãng đời thực - quãng đời không thể nói là không hạnh phúc...
- o O o -
Mỗi người sống với thế giới riêng của mình. Bản thể mỗi người cộng vào hoàn cảnh làm nên thế giới đó. Thế giới của chị ngọt ngào vô cùng. Chị đẹp. Càng đẹp khi chị không ý thức được điều ấy. Nền nã và mềm mại, chị tiêu biểu cho một khuôn mẫu khá lý tưởng, ngự chiếm vị trí cao nhất trong ước mộng đầu đời của khối chàng trai. Hiển nhiên, từ chị toả ra một lực hút vô hình. Rất tự nhiên chị bị vây bọc bởi sự ngưỡng mộ cả chân thành lẫn cuồng si. Ngày ấy Quỳnh nổi bật rạng rỡ trong đám sinh viên nữ.
Khi chiến tranh phá hoại lan rộng, trường phải đi sơ tán, ở giữa một vùng quê heo hút, Quỳnh càng nổi bật. Không ít những lá thư tỏ tình bay đến với Quỳnh. Thường thì những lá thư lãng mạn ấy không có địa chỉ gửi. Và lời lẽ thì hết sức vui vẻ. Không lạ, thời ấy chuyện trai gái còn hệ trọng và nhuộm khá đậm màu sắc xưa cũ. Quỳnh thản nhiên trước mọi lời tỏ tình, dù rằng lá thư nào cũng khiến chị cảm động. Cũng bởi Quỳnh hồn nhiên một phần. Nhưng chủ yếu Quỳnh đã có nơi có chốn.
Người yêu Quỳnh đã ra trường và đang công tác ở một bệnh viện dân sự. Người đàn ông hơn hai mươi năm chung sống cùng chị. Anh không có gì xuất sắc lắm nhưng rất đàn ông. Đấy là cách đánh giá của chị. Mạnh mẽ, xốc vác, có trách nhiệm với gia đình. Không hiểu sao ngay từ đầu Quang đã gieo vào Quỳnh một niềm tin tuyệt đối.
Suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhiều lúc vợ chồng cách biệt, không thiếu những giây phút yếu lòng, tựa hẳn vào niềm tin chị đã đứng vững được. Niềm tin ấy lớn đến nỗi, Quang có một thời gian dài làm chuyên gia ở nước ngoài, chị vẫn không một mảy may nghi ngờ chồng. Và cuối cùng chính niềm tin đã giết chết tình yêu.
Dạo đó thằng Quynh đã lớn. Gia đình chị tương đối ổn định. Chị làm ở một bệnh viện lớn ở thành phố. Quang đi một chuyến công tác ngắn hạn ở Châu Âu. Những chuyến đi này gối nhau liên tục. Chính những bông uất kim hương kia, chị nhận từ tay chồng ở sân bay. Không phải vẻ mặt là lạ của chồng mà chính những bông hoa làm chị thoáng chạnh lòng. Có lẽ đó là linh cảm tuyệt vời của đàn bà.
Thời gian sau đó, tự nhiên chị thấy gượng gạo trong quan hệ vợ chồng. Sự có mặt của chùm hoa luôn tạo cho chị cảm giác bứt rứt, bất an. Chị cũng tinh ý thấy sự chăm sóc của Quang có phần nhỉnh hơn so với trước. Nhưng chị không cắt nghĩa được. Có lẽ tình trạng ấy phải đến hai năm liền. Nó còn kéo dài nữa nếu không có cái lần định mệnh kia. Chị gọi nó là định mệnh bởi mọi thứ xảy đến rất vô tình.
Chị được giao một đề tài chuyên ngành về truyền nhiễm. Một đồng nghiệp trong nhóm, mượn hộ chị tập tài liệu nước ngoài để chị khảo cứu. Đó là tài liệu rất mới, cần thiết cho đề tài. Kẹp trong tập sách ấy có một lá thư của Quang. Hoá ra chủ nhân của tập sách ấy từng công du với chồng chị. Không tin vào mắt mình nhưng Quỳnh vẫn đọc rất kỹ. Đến nỗi, chị thuộc lòng bức thư.
Chị cũng từng nhận được những bức thư như thế của chồng. Tuy đau đớn, chị vẫn giữ được bình tĩnh để yên ấm gia đình. Chị âm thầm chịu đựng. Chị sẽ không nói ra chuyện này nếu như có một lần nhân lý do gì đấy Quang đừng lôi ra bó uất kim hương. À, đấy là dịp Quang được đề bạt viện phó. Nhìn chồng tỉ mẩn bày biện, chị thấy lòng mình cuộn bão. Thấy chị chăm chú nhìn, Quang vui vẻ: "Em thấy không? Những bông hoa mới đẹp làm sao!".
Quả thật, những bông uất kim hương rất đẹp. Nó còn đẹp hơn cả hoa thật. Chị không thể chịu đựng được nữa vẻ đẹp ma quái của nó. Chị từ tốn đặt lá thư lên chùm hoa. Quang cầm tờ giấy lên, mặt tái đi, lạnh ngắt: "Chuyện cũ rồi. Anh có lỗi".
Lời thú nhận như nhát búa đập vào đức tin đã đóng cứng thành bêtông của Quỳnh. Chị gạt mạnh bó hoa văng xuống nền nhà.
Quỳnh giữ lại bó uất kim hương chỉ vì con trai chị thích. Lần đấy chị đã có ý nghĩ tha thứ. Tha thứ cho sự phản bội của chồng. Nhưng chị đã không tha thứ nổi cho mình. Bởi đức tin đã quá vững chắc. Quỳnh luôn nghĩ tốt lành về thế giới của mình.
Ngày trước cùng lớp Y của Quỳnh có chàng trai tên là Hải. Lúc ấy, Quỳnh đã yêu Quang. Chị biết Hải là một trong số những người si mê chị. Kết thúc khoá học, Hải đột ngột biến mất. Lúc biết tin Hải nhập ngũ thì chị nhận được lá thư chỉ vẻn vẹn có ba dòng: "Chào Quỳnh nhé. Không thể đến chia tay được. Chắc Quỳnh hiểu. Chúc hạnh phúc! Hải".
Quỳnh mỉm cười sung sướng cất lá thư vào cuốn sổ sinh viên. Rất lâu sau, Hải tìm đến nhà Quỳnh ở một bệnh viện sơ tán. Đang chiến tranh ác liệt, Hải từ chiến trường ra nhận một lớp bác sĩ mới, bổ sung cho mặt trận. Lúc này Quỳnh đã cưới Quang. Quỳnh đã lặng đi rất lâu khi thấy Hải xuất hiện. Hải đã lặn lội tìm Quỳnh chỉ để được gặp mười lăm phút rồi lại đi. Quỳnh cố giữ mà không được.
Chị biết Hải không quên nổi chị. Hải tất tả đi. Bóng Hải khoác balô liêu xiêu trong ngõ hẹp. Những mái rạ thấp thoáng. Mùi khói bếp ấm áp, nồng nàn. Đêm chiến tranh không cầm được lòng mình, chị thảng thốt:
- Hải, Hải. Đợi Quỳnh với.
Hải sững lại. Chị lật bật chạy đến. Bàn tay chị lọt vào bàn tay rắn chắc của Hải. Độ một phút, chị khe khẽ rút tay ra. Chị xúc động:
- Chỉ thế này được thôi, Hải ạ. Hãy tha lỗi cho Quỳnh.
Chị thấy Hải quay mặt. Giọng Hải ngạt đi:
- Kìa, Quỳnh nói gì thế. Quỳnh về đi. Vĩnh biệt!
Hải đi rồi, Quỳnh đã ấp bạn tay mình lên môi. Ngọt ngào. Ôi cái thế giới của chị mới đáng yêu làm sao.
Có lẽ chính vì thế, khi lòng tin của chị bị đổ vỡ, chị chỉ tự trách mình. Từ cõi thẳm lòng mình chị hiểu rằng lầm lỡ kia của Quang chỉ là phút ngã lòng khi xa xứ. Nhưng không thể khác được. Vẫn biết hạnh phúc sẽ vuột khỏi nhưng làm sao chị có thể tiếp tục cuộc sống chung với Quang được nữa. Vết rạn dù nhỏ vẫn là cái hố sâu ngăn cách, chị không thể vượt qua nổi.
Quang chấp nhận ly hôn. Một thời gian sau khi Quang xách vali đi, chị cũng đổi nhà đến một khu khác, chị không muốn mình bị kỷ niệm giam hãm.
- o O o -
Lúc quyết định ly hôn chị không một chút bận lòng về cuộc sống sau này của mình. Cũng không cả một mảy may ân hận. Có gì đáng phải ân hận cơ chứ, chị vẫn được sống cuộc sống của mình. Chị đã nhầm. Khi thằng Quynh lớn, nó bắt đầu đắm vào thế giới riêng của nó. Không phải là bỏ mặc nhưng ít khi nó chịu đi đâu cùng chị. Ngay lúc ở nhà cũng vậy, nó cũng ít gợi mở để tâm sự cùng chị. Còn có nhiều niềm riêng tư đợi nó.
Nhà mới và những buổi tối một mình, đến cả xem tivi chị cũng sợ. Trống vắng vô cùng. Cái gì trong ngôi nhà cũng lạ lẫm với chị. Tình trạng ấy kéo dài. Chị biết đó là nỗi trống vắng cô đơn. Dần dà manh nha trong chị ý nghĩ giải thoát. Tại sao lại không được? Chị phải đâu đã già. Vả lại Quang cũng đã lấy vợ và thằng Quynh đã lớn. Nhưng điều này mới là quyết định. Những người đàn ông. Họ sẽ như thế nào khi bước vào thế giới của chị?
Đầu tiên lại là Hải. Không biết bằng cách nào Hải hiểu được tình cảnh chị. Suốt từ ngày chia tay chị chưa gặp lại Hải. Sau bảy nhăm, anh đã lấy vợ ở trong Nam. Hải đường đột đến. Chị sững người. Thời gian đã đi qua người đàn ông này quá nhanh. Chính sự già nua, mỏi mệt của người bạn cũ đã khiến chị có thói quen đứng trước gương để nhìn lại mình.
Gặp Hải, chị quá đỗi cảm động. Chị chưa quên được mối tình xưa của Hải. Nhưng chị đã từ chối. Hải đang có một gia đình. Dù rằng họ không mấy hạnh phúc. Sự túng quẫn khiến Hải tìm cách chạy trốn. Quỳnh buồn lắm. Chị tiễn bạn ra ga tàu. Hai cuộc tiễn đưa cách mấy chục năm đã khác biệt hoàn toàn. Thay cho cái bắt tay, Quỳnh giúi vào tay Hải gói tiền.
- Cầm lấy đi Hải. Quỳnh có. Cầm lấy để chèo chống. Gia đình, cái đó cần hơn tất cả.
Chị nói thật lòng. Bằng chính nỗi mất mát của mình. Người đàn ông mặt bệch ra. Vì xúc động mà cũng vì tủi hổ:
- Cảm ơn Quỳnh. Quỳnh bao giờ cũng tốt. Vĩnh biệt.
Hải cũng chào thật lòng. Chắc chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa.
Tiếp tục những người đàn ông khác. Một hoạ sĩ độc thân. Một giám đốc chết vợ. Một nhà văn tiếng tăm, khánh kiệt cả công danh lẫn tài sản vì ham muốn gấp rút đổi đời. Còn nữa... Người này đi, người khác đến. Tất cả tạo thành một thế giới êm ái bao bọc Quỳnh. Ai với chị cũng đều tốt đẹp và chân thành. Chưa có việc gì lại khiến chị lựa chọn khó khăn đến thế. Thực tình, chị không mấy khắt khe nhưng lực cản từ con trai đã làm họ phải nản lòng.
Còn lại ông hoạ sĩ độc thân. Dù đã bị thằng Quỳnh mấy lần mặn nhạt, ông vẫn thường lui đến. Độc thân đến tuổi này, hẳn ông phải là người kỳ quái. Có vẻ như ông chẳng cần gì và bất chấp mọi thứ. Ông lụi cụi mang cả giá đến để vẽ chân dung Quỳnh. Ông bảo:
- Đừng giận Quỳnh ạ. Tôi đã tìm cả đời. Ở Quỳnh tôi tìm thấy...
Quỳnh hiểu ông nói gì. Giá không có thằng Quynh chắc chị đã nhận lời.
- o O o -
Chị thắp nến rồi lại thổi nến. Chị đợi. Có tiếng gõ cửa. Mừng quá, chị ào ra. Không phải Quynh. Chị thấy mái đầu lốm đốm bạc của ông hoạ sĩ. Chị vội nuốt đi tiếng thở dài. Sao chị vô tâm không nghĩ đến điều này nhỉ. Mái đầu bạc. Chị đã già mất rồi. Sự thật đến cùng lúc với nỗi chán nản. Chị ngập ngừng. Mái đầu bạc cũng ngập ngừng:
- Tôi đã định không quay lại. Vẫn biết Quỳnh dứt khoát. Nhưng ngày sinh của Quỳnh, tôi muốn...
Chị nhận bó hoa. Những bông hồng trắng muốt, kỳ lạ lại làm mắt chị mờ đi.
Đã khuya lắm. Chị thật sự thất vọng. Thế là con trai không về. Nó đã quên ngày sinh của mẹ. Đúng vào lúc ông hoạ sĩ xin phép thì thằng Quynh xuất hiện. Nó ào vào như một luồng gió cuống quýt. Nó ôm choàng lấy chị. Nó vội vã cầm những bông uất kim hương đặt về chỗ cũ trên giá sách. Nó cắm bó hồng trắng của nó lẫn vào với những bông hồng của ông hoạ sĩ. Chị hoàn toàn bất ngờ. Thoảng khắp phòng hương hồng ngào ngạt. Đến lúc này chị mới nhìn thấy cô bạn gái của nó. Cử chỉ rất người lớn, thằng Quynh kéo cô gái đến trước mặt chị:
- Chúng con chúc mừng mẹ.
Rồi nó quay sang ông hoạ sĩ:
- Kìa bác. Bác đừng về. Hôm nay sinh nhật mẹ cháu.
Có một làn gió tươi thổi vào cõi hồn chị. Lòng chị mở ra mênh mang như cánh đồng bát ngát. Chị run run tắt đèn và thắp lên năm ngọn nến.
Mỗi ngọn nến là một quãng đời chị.
Lung linh nến đỏ và hồng trắng ngọt ngào...
ST ! ( Tác Giả: Phạm Ngọc Tiến )