NHỮNG BÍ ẨN VỀ
“CÔNG TỬ BẠC LIÊU”
HỒNG HẠNH
“CÔNG TỬ BẠC LIÊU”
HỒNG HẠNH
Những câu chuyện về gia tộc Công Tử Bạc Liêu đã được nói tới khá nhiều, có chuyện ngày nay đã chìm vào quên lãng.
Ngôi nhà công tử năm xưa bây giờ phủ đầy rêu phong, đứng trầm mặc bên dòng sông đỏ ngầu phù sa nước lớn, nước ròng. Tất cả đã trở thành quá khứ. Gần đây thôi, khi về lại Bạc Liêu tôi đã cùng công tử Khánh – một “hậu duệ” của Công Tử Bạc Liêu – đi thăm những ông tuần khạo cho ông Hội Đồng Trạch năm xưa, ông thì lãng tai, ông thì lẫn lộn. Tôi đã chấp nối, xâu chuỗi những sự kiện, những ký ức vỡ vụn ấy. Để rồi phải giật mình trước các sự thật tưởng chừng như là giai thoại...
Đang ngồi lúc lắc, vắt vẻo trên chiếc thùng xe lôi cọc cạch tôi chợt nghĩ: quả là duyên may khi quen (với đầy đủ ý nghĩa của từ này) công tử Khánh, dẫu tuổi tác Lão Ngoan Đồng gần gấp đôi tuổi tôi. Tôi khều nhẹ: “Nói chuyện gì nghe chơi nữa đi ông Khánh”. Ông ta nheo mắt bảo: “Úy trời! Chuyện tui nói với cô hổm rày là chuyện thiệt không đó, làm gì có chuyện chơi. Tỷ như bây giờ tui nói con gái cậu Ba tui - Trần Trịnh Huy - propiétaire foncier Bạc Liêu” hẳn hoi nghen cô một thời là tình nhân của cựu hoàng Bảo Đại. Có thể người khác thoạt đầu họ không tin, nhưng tôi chắc là cô tin vui”. Và chuyện của ông công tử cuối cùng là vậy:
BÍ ẨN XUNG QUANH MỘT PHẢ HỆ
Có một điều không thể chối cãi được là những người trong gia tộc của công tử Bạc Liêu rất sính tiếng tăm. Thiên hạ có cái gì họ phải có cái đó, thậm chí của họ còn phải lớn hơn, lừng lẫy hơn thiên hạ. Chuyện Hắc công tử, Bạch công tử đốt giấy bộ lư, giấy con công (đồng bạc Đông Dương) để nấu chè đậu xanh giựt le với người đẹp có lẽ là giai thoại. Nhưng chuyện công tử Bạc Liêu bao giàn gánh cải lương Phước Cương và cô đào danh tiếng Phùng Há về Bạc Liêu hát năm canh suốt tháng là có thật. Gánh hát này chính do Phước Georges - Bạch công tử xứ Tiền Giang làm bầu. Ngược dòng một chút, chuyện ông Hội Đồng Trạch khi đang làm thư ký hậu bổ giúp việc cho tỉnh trưởng những năm 30 bỏ tiền ra mua chức quan năm của Pháp. Có lúc tôi cho rằng, ông ta đang chơi một cú áp phe chính trị kiểu Lã Bất Vi đầy béo bở. Nhưng gẫm lại, quả là ông ta háo danh cực kỳ nhưng ông hơn người ta ở chỗ biết dựa vào cái danh ấy để làm gì. Và phải chăng từ cái máu đó mà nhiều mối quan hệ vừa danh tiếng, vừa rối rắm đã phủ lên phả hệ gia tộc này.
Ông Bá Hộ Bì cho vợ ông Hội Đồng nổi tiếng về gia sản, về số vợ mà ông có được. Nhưng tiếng tăm ấy cũng chỉ nội trong xứ Bạc Liêu. Phải nguyên dòng tộc Phan của ông Bá Hộ mới được dân lục tỉnh biết đến một cách vị nể. Ông Chín Bồ Cu – sứ Bạc Liêu gọi vậy – cháu đích tôn Bá Hộ vốn là một tay chơi có tiếng. Có điều sau một đợt hỏa hoạn thiêu cháy nhà, hàng trăm con chim bồ câu ông nuôi bỏ đi. Nhớ chim, buồn tình ông đã sống như một nhà ẩn dật. Riêng ông Phan Kim Cân, cháu nội ông Bá Hộ là một Đơn Hùng Tín, đã từng che giấu các nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh Tạ Thu Thâu. Chẳng hiểu sao, ông Hội Đồng Trạch không chỉ vì nể vợ mình mà còn cho con gái thứ 6 - bà Sáu Đông - lập gia thất với ông Phan Kim Cân dẫu cho hai người có quan hệ huyết thống với nhau. Công tử Khánh là kết quả của mối lương duyên này. Ông Ba Hòa, cháu ngoại của Bá Hộ sau này cũng là một tuần khạo rất được ông Hội tin dùng.
Nhưng phải đến những cuộc lương duyên, những cuộc tình của các công tử mới nhuốm màu hệ lụy, bí ẩn. Bà Ba Lan con gái ông Chín Bồ cu hiện đang bán cà phê xứ nhà bảo với tôi rằng, ông Hội Đồng Trạch ít khi dùng quyền lực để bắt con gái, đàn bà về làm vợ. Có chăng là ông ta dùng tiền bạc để mua. Và các công tử con ông Hội Đồng cũng vậy. Vợ nhiều, nhưng các bà vợ đều có giang sơn riêng biệt, hầu như chưa có màn đánh ghen nào phía sau cánh cửa gia tộc Trần Trinh. Như cậu Hai - Trần Trinh Đinh dẫu bỏ ra 20 ngàn bạc Đông Dương để mua cô Ba Trà - một tài tử, một giai nhân đất Nam Vang về làm bé nhưng vẫn đối xử rất mực với vợ lớn, bà Hai Sâm. Mợ Hai tên thật là Dương Nguyệt Thanh con gái ông Bá Mậu cũng thuộc dòng dõi địa chủ xứ lục tỉnh. Người con duy nhất của cậu, mợ Hai là cô Trần Kim Liên được gả cho bác sĩ Cao Triều Lợi cũng là một dòng họ lớn ở đây. Hoặc người thường được đánh giá thấp trong dòng tộc – cậu Tám Bò, Trần Trinh Khương cũng có chuyện để nói. Dân xứ Bạc Liêu biết đến cậu Tám không chỉ vì cậu sống bên Tây, chơi với Tây mà còn vì cô con gái của cậu Tám lại là vợ ông Chánh Án Tòa Án Biên Hòa. Họ “nể” nhất chuyện cô ta đi xích lô: bất luận đoạn đường ngắn dài đều bo một tờ 100 đồng. Sáng thức giấc phải có một tách cà phê nóng trên bàn phấn mới bước khỏi giường. Hoặc cứ sầm xì mãi việc cô ăn mía không cần xước, cô có hẳn một cái máy róc mía quay tay hẳn hoi(!).Nghe ngữ điệu thán phục, tôi chợt nghĩ giá trị chiếc xe nước mía lúc đó ắt hẳn phải cỡ lò viba chứ chẳng chơi. Nhân nhắc đến cậu Tám Bò, tôi lại nhớ đến một chuyện không dính dáng đến phả hệ nhưng khá ly kỳ. Số là thời gian cậu Tám sống bên Tây nhiều hơn bên ta. Một năm mười hai tháng cậu chỉ đáp phi cơ về xứ để thâu huê lợi từ công xi rượu. Và muôn lần như một, mỗi khi đem cơm lên hầu cậu Tám các tá điền, gia nhân đều tá hỏa khi thấy cậu “nuy” một trăm phần trăm đi tới đi lui mà than cho cái... oi bức xứ Việt(!)Có lần phởn chí, cậu Tám rước ông thầy đánh boxing bên Pháp về Bạc Liêu mở võ đài khiêu khích. Ông thầy tên là Socola thượng đài gần một tuần vẫn chưa có đối thủ xứng tay. Phút chót võ sư Sáu Cường nhận lời và đã đánh Socola ra máu miệng. Socola chết sau đó một tuần. Võ sư Sáu Cường cũng phải bỏ đi biệt xứ. Lưu dân xứ khẩn hoang thì có dịp hả hê dẫu không dám ra mặt.
TRỞ LẠI MỐI TÌNH CỦA CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI
Nhưng đúng là chỉ có cậu Ba Huy – công tử nguyên bản – mới làm “xứng mặt” cho gia tộc. Ông Khánh bảo vợ cậu Ba có đến hàng chục, chưa kể cả tá nhân tình Tây Ta Tàu lẫn lộn. Nhưng cũng giống như cha mình, cậu Ba vẫn nể vì người vợ lớn – bà Ngô Thị Đen. Bà này vốn là em ruột Hội Đồng Điều. Theo trí nhớ của các tuần khạo thì giàu bậc nhất xứ Bạc Liêu xưa chỉ có 4 đại gia - Trần Trinh Trạch, Châu Văn Quai (Tô Quai - chủ tô muối), Chung Bá Vạn (chủ rạp hát Chung Bá) và người còn lại chính là Ngô Phong Điều.
Chẳng hiểu mai mối theo đường dây mối nhợ nào mà cô Hai Lưỡng con gái cậu Ba lại nâng khăn sửa túi cho ông Nguyễn Huy Quang – quan bí thư của cựu hoàng Bảo Đại (?). Và đây cũng là đầu dây mối nhợ cho một chuyện chẳng biết thực hư. Không biết cô Hai Lưỡng có phải bà bậc sắc nước hương trời hay không nhưng rồi một ngày nọ, vị cựu hoàng nổi tiếng háo sắc lại đâm ra mê mệt vẻ mặn mòi châu thổ của cô Hai. Hai người dan díu với nhau cỡ nào thì không rõ. Riêng bà Ba Lan quả quyết, khi biết chuyện Nam Phương hoàng hậu đã đánh ghen rầm trời, đến độ quan Toàn Quyền Đờ-Cu đã nhờ vợ mình lên Đà Lạt dàn xếp, khuyên bảo hoàng hậu. Nghe đâu, khi đến Bảo Lộc, phu nhân Đờ-Cu đã tử nạn vì tai nạn lưu thông (?). Thực hư thế nào không rõ, duy có điều sau đó không bao lâu cô Hai Lưỡng đã ly dị với ông quan bí thư triều đình với lý do ông này quá thủ cựu. Cô Hai bay qua trời Tây và lập gia thất lần hai với một... thị trưởng người Pháp (!). Chính viên thị trưởng này là người còm-măng một chiếc phi cơ và một chiếc quan tài bằng kính cho bà Hội Đồng mà bạn đọc đã biết.
“Tôi vẫn không tin lắm những chuyện này, ông Khánh a” – tôi lại khều nhẹ công tử Khánh. Ông lại tủm tỉm bảo: “Đó là quyền của cô. Nhưng chuyện này thì cô phải tin”. Điều ông Khánh buộc tôi phải tin là vầy. Số là có lần khi đi thăm ruộng miệt Trà Nho, Vĩnh Châu bằng... phi cơ, cậu Ba đã lạc tay lái đâm thẳng chiếc phi cơ xuống sình. Chắc là đi phi cơ mãi cũng chán, chẳng thèm cẩu lên, cậu Ba chơi sang bỏ luôn. Sau này, một nhà chơi đồ cổ tận xứ Phù Tang mua lại và mướn một chiếc tàu biển chở về xứ làm... lưu niệm. Tôi chợt phì cười nhưng chợt nhớ chẳng phải báo chí một thời đã đăng tải tờ hóa đơn mua máy bay của cậu Ba có chua thêm một dòng – đây là chiếc máy bay đầu tiên thuộc chủ quyền tư nhân xứ Đông Dương đó hay sao? Thôi thì thật hay giã cũng vậy, tin hay không cũng chả sao. Duy có điều, được ngồi nói chuyện lai rai với Lão Ngoan Đồng trên một chuyến xe loi cọc cạch đã là một điều thú vị nhất trần đời của tôi rồi.