Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Giáo Sư Pháp văn - tản bút X.DU

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giáo Sư Pháp văn - tản bút X.DU

    Vài ngày “ngơ ngác” tại các lớp học của trường Marie Curie, một trong những trung tâm "trình diện” cho các sĩ quan trong quân lực VNCH, cư ngụ tại quận I và quận II Sài Gòn, sau trận 1975.

    Những chiếc xe bịt bùng của “họ” đã đến. Gần hai ngàn chiến sĩ trong bước đường cùng, toàn là đại úy và thiếu tá cả. Tất cả thấy bồi hồi vì cảm thấy có cái gì đó sắp thay đổi tình trạng căng thẳng chỉ mong cho “mười ngày” qua mau cho xong nợ!

    Tôi cũng ở trong đoàn quân này, chỉ còn nhớ đến người vợ mới cưới được năm tháng, ăn cơm chiều xong, chả thấy động tĩnh gi hết lại còn căng thẳng hơn lên. Kết cục cũng phải đến thôi: Chín giờ tối được lệnh lên xe bít bùng hết, rồi rút cục đoàn xe cũng lên đường. Ra khỏi phạm vi thành phố Sài Gòn, và đi dâu tôi nghĩ là tất cả “đoàn quân của mình” đang có cùng tâm trạng “đi đâu...” trên những chiếu xe quân đội do Trung-cộng sản xuất, vẫn chạy ì ạch, vài người chúng tôi trên xe có tính tò mò nổi lên một cách nặng nhọc, vén hé mui xe coi ngoài đường xem xe hướng về đâu.

    Nhưng một trong hai người lính của “họ” cầm súng ngồi ở cuối băng lên tiếng không cho làm như vậy.

    Vài giờ sau, đoàn xe ra khỏi đường nhựa bằng phẳng và vào miền gập ghềnh trên đường mà xung quanh toàn là cây cối. Ôi thôi, là đang đi trong rừng rồi.

    Rút cục đoàn xe cũng “tới bến” thì lúc này trời đã bừng sáng. Nhớ tới một bài hát tên là "bừng sáng," có cái câu: "màn đêm chơi vơi buông rơi…" Vài người lại còn cao hơn với ý nghĩ: đêm qua tưởng là các “anh” chở mình đến chỗ rừng nào vắng vẻ rồi làm thịt mình luôn cho xong cái "tội phản cách mạng."

    Thế rồi vài năm trôi qua được thả về đến nhà thằng con trai đầu lòng của tôi đã biết đọc vài “chữ Tây” do ông ngoại dạy dùm. Hóa ra ông cũng muồn giết thì giờ, khi nhớ lại “cả một đời chạy giặc từ Bắc vô Nam…"

    Thấm thía cho cuộc đời biển khổ, nếu bình thường thì chưa biết chừng đã thêm đứa con gái nữa cho đủ “bộ” rối đấy!

    Le Journal d’ Anne Frank

    Ô! Mãi kể lể “nhật ký đời mình" lại “kiểu” tôi đã quên luôn cả tựa đề bên trên kia là "Giáo sư Pháp Văn!"

    Sau khi xuống xe, các sĩ quan ngày nào kia được chia “láng” (quên cả chữ nghĩ: láng hay lán). Mỗi lán có mười người. Tôi không hiểu “chúng nó” vô tình hay có ý đồ xảo quyệt gì đây, lán này có đến 4 bác sĩ và 3 dược sĩ. Ở lán này tôi nhận ra được một sĩ quan, cán bộ huấn luyện viên tại trường QY của mình khi xưa là BS Lê Đình Thuấn*, người đã "bắt" tôi màn nhập môn ngày đầu về trình diện trường Quân Y: chạy bộ ba vòng sân. Bình thường với tính đã ít nói, BS Thuấn giờ đây lại còn lầm lì hơn, chẳng “hở han” với ai điều gì. Tâm sự thật kín đáo, lúc được gia đình “thăm nuôi” cũng không thấy ai vào với vị này. Buồn nơi xứ lạ, rồi thì cũng quen đi như những cảnh trong phim “le pont de la Rivìère Kwai” quay cảnh trại tù binh tại Thái Lan, cảnh "quản giáo" Nhật Bản, hành hạ với độc chiêu “lao động” cho tù binh “tây phương.” Nhưng các tù bình này chả ai hèn nhát cả. Số là các kỹ sư công binh trong đám tù Tây Phương này đem hết tuyệt chiêu tân tiến của các nước văn minh, cả về kỹ thuật để hoàn thành chiếc cầu mà quân Nhật đang cần thiết để quân lính qua con sông, đường giao thông quan trọng của họ, cho những chuyến tầu lửa vận tải quân lính và hàng tiếp liệu. Quyết dằn mặt các quan “quản giáo” Nhật Bản như thế nào là văn minh, thế nào là “trình độ!”

    Thế rồi dần dần nghiệm cái câu: “cùng tắc biến, biến tắc thông...”

    Buồn quá, vài “cựu sĩ quan xưa” tìm “thầy” học chữ vậy, chữ Tây chữ Tầu chữ Đức. Thế là BS Thuấn, nghiêm trang ngày nào nay trở thành giáo sư Pháp Văn cho vài người cùng chỗ ăn ở kiếp tạm bợ chứ không phải nơi vĩnh cửu. Sự yên tĩnh giữa rừng sâu nước...khó uống! Trường ốc là dưới gốc chuối, sau bữa ăn chiều. Lúc đầu còn dễ dãi, về sau cấm luôn tụ tập trên ba người, đường đi cứ bị quân gian manh, xảo quyệt cắt dần.

    Bỗng một buổi chiều, trời hơi oi ả, như thường lệ vào lúc 5 giờ là cơm chiều, nhưng lần này lại có “quản giáo” cầm tờ giấy đi xuống đọc: "Sau bữa ăn chiều này các anh có tên khẩn trương lên văn phòng làm việc, đem hết đồ cá nhân.”

    Quản giáo đi khuất, cả trại ồn ào. Trong 5 người có tên vừa đọc: 3 bác sĩ và 2 dược sĩ, trong ấy có tên tôi nhưng không có tên BS Thuấn. Trong lúc ồn ào, nhiều câu nói: "Đợt đầu tiên được tha có 5 người,!" hoặc là: "Sướng thế!" hoặc là: "Có người nhà là [cách mạng] bảo lãnh!"

    Mọi người rầu rầu nhìn theo 5 quan “thoát chết” xếp hàng một, vai vác ba lô lên đường. Không biết có phải là “hiên ngang không?” Lúc sửa soạn đồ nghề, nhiều chuyện nhờ vả: "mày ở gần nhà tao, nhớ ghé bảo em tao nó nhanh nhẹn và tháo vát, nó có thể mánh mung, tao được nhờ." Hoặc là: "tôi có mảnh giấy nhỏ có địa chỉ, nhét trong túi áo ông, giúp dùm nhé…hẹn tái ngộ…tất cả hành động nhẹ nhàng…dấu diếm. Đầu tôi “bâng khuâng” gật gật cái đầu trong vội vã như tỏ ý "nhớ rồi!"

    Cũng lại lên xe bít bùng ì ạch, chả khác nào chuyến “di hành” lúc đi. Kỳ này thì không phải là một đoàn xe mà chỉ có một chiếc với 2 "chiến sĩ cách mạng”: một lái xe, một “canh chừng.” Vẫn quanh co đường rừng, cũng lại “chiêu" ban đêm…

    Rút cục cũng lại “tới bến!" "Khách" trên xe được lịnh xuống xe. Lúc này trời cũng đã sáng rõ...

    "-Ối giời ơi!" Bạn tôi, DS Tòng nói: "Quê tao mà, Tây Ninh!"

    Trong “trường” này, anh em đồng nghiệp với chúng tôi đang khói lửa cho bữa điểm tâm trước khi đi lao động.
    Ngày hôm sau, 5 anh em chúng tôi lại nhập vào trại này để đến giúp sức phe ta thêm phần lao động...

    Như vậy cũng lại bắt đầu lần thứ hai, trong cái quái chiêu gian xảo, ma quỉ “mười ngày...”

    Năm anh em chúng tôi ở lại trại Tây Ninh, cứ nhìn thấy nhau là lại cười khan: "hết đời nghe con..."

    Riêng tôi, cứ nhớ vợ nhớ con mà lòng quặn đi đau nhói, mỗi khi màn đêm chơi vơi buông xuống. Thương vợ khi lâm bồn bò bõ có một mình, chẳng hiểu chồng thì bây giờ thuộc loại “võ sĩ” hạng nào…

    *BS.Lê Đình Thuấn: cựu sĩ quan huấn luyện viên tiểu đoàn sinh viên TQY thời kỳ BS Trần Minh Tùng làm Chỉ huy trưởng. Đây dân nhẩy dù “thứ thiệt" quan này mà sau đó, đại quan Hoàng Cơ Lân, kiếm được là "OK" liền…

    X.Du

  • #2
    Chiếc Bình Vỡ - Phan Bảo Thư

    Tặng Bs Vy Kính, dịch giả của bài thơ Bình Hoa Vỡ (le Vase Brisé )

    Bầu trời vẫn trong xanh, nắng chiều chiếu nhạt nhòa trên những hàng cây phong đã bắt đầu đổi màu trên sườn đồi Hoa-sơn, những chiếc lá vàng chen lẫn trong đám lá xanh; những khóm cúc dại lấm tấm vàng bên bờ cỏ, những chùm Tử Đằng lung linh trước gió, những cánh Tử vi nở muộn tim tím bên vệ đường như muốn níu kéo những ngày ấm áp sắp sửa đi qua, những cánh Huyền Chiêu mãn khai màu tím nâu thoảng nhẹ mùi hương xưa, phảng phất hương lan Hoàng Ngọc Điệp, Ngọc Anh như một dĩ vãng mơ hồ. Gió bấc lành lạnh thổi vi vu qua mấy cành liễu soi bóng xa xa bên hồ Nguyệt-Vân vẽ nên một khung cảnh vô cùng nên thơ nhưng hơi buồn. Vài con ngỗng trời bay về phương Nam như gợi thêm một chút cô liêu.

    Mãi nhìn phong cảnh và suy nghĩ về người cha, con ngựa Lương-Sơn đã đưa Khôi Nguyên đến chân đồi lúc nào chàng không hay biết, cho đến khi ngựa bước những bước dài lên dốc, chàng hơi mất chút thăng bằng trên lưng ngựa mới hay mình đã đến dốc Tường-quang.

    Ngựa Lương-Sơn như đã quen từng đường đi và biết ý chủ, chậm rãi tiến từng bước về phía phiến đá Trường Bình Thạch, nơi mà anh em chàng dùng làm nơi luyện võ vào những ngày cuối Xuân đầu mùa Hạ khi tiết trời còn mát mẻ. Cũng chính nơi đây, cha của chàng, Hoa-sơn tướng quân, một vị Hoàng thân lưu vong của Hoàng-triều nhà Lý bên xứ Đại-Việt mà mọi người quen gọi là Ông Hoàng đã dạy anh em chàng ngâm những bài cổ thi của ngôn ngữ Việt và dạy ngồi thiền. Một lần cha vắng nhà lâu ngày chàng đã đưa những người bạn Triều-tiên trong Đình Bảng Học Hiệu lên đây diễn võ và uống rượu; người cha biết được đã quở trách vì cho rằng chàng đã làm mất đi sự yên tĩnh của một chỗ trang nghiêm của ông trong việc hoài niệm về cố quốc vì từ chỗ này những tạp âm có thể vang đến Vọng Quốc đàn và Bát Đế Miếu cách đó không xa, chỉ vài trăm thước. Con ngựa nện vó trái bên trước mấy lượt rồi vẫy mạnh chiếc bờm để báo tin cho chàng biết rằng chàng đã đến nơi. Tháo bộ yên đặt trên phiến đá, chàng nới dài dây cương cột ngựa vào gốc cây lê cạnh đồi trà. Vỗ nhẹ hai cái vào lưng ngựa, chàng muốn thưởng cho ngưa những đọt trà non để thưởng công. Nhưng chợt nghĩ ra rằng không được phung phí những cây trà quý mà ông Hoàng, cha chàng đã cho ngưới cất công về tận Phú-thọ; tận Bắc-ninh mang hạt giống sang từ mấy mươi năm trước, chàng lại dắt ngựa sang đồi Ngọc-phong, đồi cỏ non, cạnh mấy cây thông già.

    Rảo bước về phía Thanh Hiên đường, chàng gõ cửa gọi cha; không đợi tiếng trả lời chàng xô cửa bước vào. Đang cặm cuội tô điểm cho tác phẩm của mình, một hòn non bộ mà ông cố gắng hoàn tất sớm để kip mừng ngày đại lễ Bát Tuần Thượng Thọ của Thái Hậu Uyên Nghi, nghe tiếng nhạc gió phát ra từ cánh cửa, ông Hoàng ngước mặt nhìn ra cửa.
    -Con chào cha ạ
    -Ờ, Khôi Nguyên, con về khi nào vậy? Mọi người thế nào?
    -Không có gì lạ, ai cũng lo lắng cho sức khoẻ của cha. Mấy ngày rồi cha không về mọi người lo lắng cho cha quá, nhất là mẹ.
    -Cha có gì đâu, chỉ vì công việc chưa xong nên cha chưa về, vả lại cha cũng muốn ở đây tịnh dưỡng mấy hôm.
    -Con thấy hòn non bộ cha đắp từ mấy năm nay giờ xong rồi cha còn bận việc gì nữa?
    -Ừ mà cha thấy như còn thiếu thốn một cái gì đó.

    Đã từ mấy năm nay ông Hoàng ít khi về nhà, suốt ngày trên đồi Hoa sơn; nếu không đứng trầm ngâm trên Vọng Quốc Đài thì cũng miệt mài đục đẽo mài giũa thêm thắt cho hòn non bộ. Sông đó; núi đó; cỏ cây hình tượng đó. Lúc thêm bên này, lúc bớt bên kia. Con cái và người làm trong gia đình mỗi lần tiếp tế đồ ăn và vật dụng đều ghé mắt trầm trồ khen ngợi công trình của ông, nhưng chưa bao giờ ông thấy bằng lòng. Khi tạm chấp nhận sự cân đối của sông núi bình nguyên thì ông lại tự chê là phong thủy, địa lý không ổn. Xong phần địa lý thì ông lại chê là màu sắc chưa hài hòa. Ông lại đo đo, đếm đếm. Lại thêm một chút vật liệu rong rêu cho thêm đậm màu xanh bên này; cào đi một một mảng nhỏ đất đá có màu vàng bên kia. Có lúc buổi sáng ông mở tung mọi cánh cửa để công trình của ông được chiếu sáng đầy đủ từ mọi hướng, ông gật gù thích thú và tự thưởng cho mình bằng một ly trà thơm và chiếc bánh chấm mật ong nhưng chiều đến với ánh sáng vàng vọt chiếu vào từ các khung cửa sổ thì ông lại thất vọng. Màu vàng trong tác phẩm hình như sao quá đậm một cách không cần thiết. Nó không thích hợp cho một cuộc triển lãm vào mùa Thu.

    Sau chiến công đánh bại đội quân xâm lược của Oa Khát Đài, lần này ông muốn gửi gắm tất cả tài trí vào tác phẩm như một món quà cho đất nước đã bao dung cưu mang gia đình ông và còn gói ghém một hoài bão như một lời chúc tụng cho sự trường tồn và thịnh vượng của đất nước và còn một hậu ý nhắc nhở cho con cháu nhiều đời sau không quên nguồn gốc của tổ tiên. Với cái nhìn tổng thể từ trên cao, khung hồ hình chữ nhật cùng những dãy núi lớn bên trong, quan khách dễ dàng hình dung ra chữ QUỐC; Sự quần tụ của những dãy núi ở phần trên bên trái dễ ghi nhận ra chữ HƯNG; phần dưới bên phải ba dãy núi song song với sự đứt đoạn ở giữa tạo nên QUẺ LY. Vâng Quẻ Ly chỉ Hướng Đông, đất nước Triều-tiên này phải được trường cửu hưng thịnh. Hòn non bộ như là một đất nước Cao ly thu nhỏ, đích thân ông đã đi thu nhặt đá sỏi từ những ngọn núi mà ông đã đặt tên trên đồ án. Phần diễn tả hoài bảo cho đất nước Triều-tiên xem như đã xong nhưng niềm tâm sự muốn gửi gắm cho con cháu ông nghĩ mãi chưa biết phải làm sao gửi trọn trong tác phẩm. Làm sao để con cháu không quên nguồn gốc. Một chút gì mang hồn Đại Việt phải được đưa vào đây. Một viên đá ư? Đá ở đâu mà chẳng có; viên đá nào mang đặc trưng của Hồng-lĩnh, Tản-viên. Cây cỏ ư? Chưa tìm ra.

    -Chú Khang đâu sao không thấỵ?
    -Chú ấy dắt con Bạch mã đi lấy nước dưới suối Phụng Nguyên. Nhưng nếu không dắt ngựa đi ăn cỏ hay đi lấy nước thì giờ này chú cũng vào rừng đốn củi hay làm gì đó chứ chú không vào đây đâu.
    -Sao vậy? Chú không lo trà nước cho cha à?
    -Có chứ, nhưng pha trà xong là chú đi ngay vì từ lúc chú bị trượt chân vấp ngã làm vỡ chiếc bình trà cổ chú buồn lắm và ít muốn nói chuyện với cha.

    Khôi Nguyên rảo mắt vế phía khay trà. Ừ nhỉ, thảo nào chàng không thấy chiếc bình trà có hình chữ Tâm mà cha chàng nói là di vật được lưu truyền trong dòng họ từ thời Đức Thánh Tôn. Có những câu chuyện được kể đi kể lại nhiều lần trong hoàng tộc rằng ngày trước những vị tiên đế của Lý Triều mỗi lần gặp khó khăn chưa tìm ra giải pháp chỉ việc sai thị vệ pha trà trong chiếc bình thì ngay tức khắc tìm ra được phương sách hay ho để an bang tế thế. Ông Hoàng nói tiếp:

    -Tháng trước cha muốn cho tinh thần minh mẫn để làm cho xong hòn non bộ này, nhờ chú ấy đến khe Ngân-thủy lấy nước pha trà Liên Tâm, nhưng khi trở lên chú đi hơi vội, hôm đó đường trơn, chú bị vấp ngã làm vỡ chiếc bình nên chú ấy buồn trông khổ sở lắm. Cha tiếc chiếc bình lắm, không chắc là nó có linh nghiệm như những lời đồn đãi trong họ nhà ta không vì có mấy lần cha có dùng thử mà không thấy có gì lạ nhưng là di sản của tiền nhân. Cha tiếc chiếc bình có một thì chú Khang có thể tiếc đến trăm lần hơn mặc dù cha đã nhiều lần khuyên bảo nhưng chú ấy vẫn không nói năng gì hết.

    Ông Hoàng gõ nhẹ một tiếng chuông. Âm thanh đầm ấm, ngân nhẹ và rồi tắt dần như tan biến vào cõi hư vô tạo nên một cảm giác mông lung buồn.

    Chú Khang, người mà họ đang nói đến là người lão bộc trung thành đã vào gia đinh của Vương gia từ năm sáu mươi năm về trước. Năm ấy, một năm mất mùa do thiên tai, phu nhân trên đường đi lễ chùa về gặp một người đói rét nằm lã bên lề đuòng, bà đã dừng kiệu cho người nhà mang về vương phủ cứu chữa. Một sự kỳ diệu, chỉ một chén cháo nóng đủ để hồi sinh môt người sắp chết; chỉ mấy ngày trong vương phủ, những hạt cơm của vương gia, lòng từ tâm của mọi người trong vương phủ như một thứ tiên dược đã giúp người tàn binh của sứ quân Đoàn Thượng nơi xứ Đường-lâm hồi phục sức khoẻ nhanh chóng.

    Chỉ vài ngày sau đám gia nhân và những người tỳ nữ của phu nhân cho bà hay người bệnh mà bà cứu được bên chùa Phú thọ đã mạnh khoẻ. Khi Vương gia và phu nhân đến thăm, từ xa hắn đã quì gối chắp tay:

    -Cảm ơn Điện hạ, cảm ơn bồ tát phu nhân đã cứu mạng con.
    -Chuyện nhỏ thôi, giờ khoẻ rồi, ngươi muốn về đâu? Ngươi tên gì, quê quán ở đâu?

    Vẫn quì gối, người ấy đáp:

    -Con ở Đường Lâm, nhưng không thể về đó được rồi, binh lính của Trần -Thái -sư đang lùng bắt con. Con là tàn binh, là em họ của sứ quân Đoàn Thượng. Con tên Khang.
    Điện hạ cho con làm thân trâu ngựa hầu hạ trong phủ này làm gì cũng được.

    Vương gia trầm ngâm, hỏi:

    -Ngươi biết nghề gì? Làm được việc gì?
    -Bẩm Điện hạ con biết nghề mộc, con biết đóng thuyền và có biết chút côn quyền.
    -Được rồi, ngươi theo Lý Nho, Lý Mục sang ở nhà bên kia, ăn uống tịnh dưỡng cho khoẻ đi, vài hôm ta sẽ giao việc cho làm.

    Tài nghệ và lòng nhiệt thành của Đoàn Khang đã được Hoàng thân Lý Long Tường dùng đúng chỗ; chẳng bao lâu ông Hoàng đã đặt hoàn toàn tin tưởng vào việc đóng những chiếc thuyền lớn mà lúc ấy ông nói với mọi người là để đi buôn.

    Lòng nhân ái của vương phủ đã đối với Đoàn Khang đã được đền đáp xứng đáng. Ông Hoàng không thể nào quên được lần vượt biển, ông Khang đã dũng mãnh chiến đấu với bọn cướp để bảo vệ chính ông và gia đình bình an; hay khi ông Khang đứng ra thương lượng với đội trưởng Dương KiểnTuân của đội tuần phòng trong đội thuyền của Trần Nhật Hiệu lúc đoàn thuyền đào thoát bị bắt giữ ở ngoài khơi Vân-đồn. Vốn đã quen biết nhau từ thời còn tung hoành ở Đường Lâm, họ dễ dàng thu xếp để đoàn thuyền tiếp tục rẽ sóng thuận buồm theo xuôi gió Tây Nam hướng về phía Đông Bắc. Đội trưởng Dương Kiển Tuân chỉ việc báo cáo lại với chủ tướng Họ Trần rằng đoàn thuyền đào thoát chỉ là một đội thương thuyền đi buôn than, gỗ và đồ gốm sau khi nộp lại một khoản tiền thuế. Ân nghĩa tràn trề nhiều khi họ không còn biết ai là người ban ơn, ai là kẻ chịu ơn. Giềng mối tương quan bây giờ không còn là chủ tớ nữa mà là một thứ tình cảm anh em, bạn bè thân thiết tuy rằng trong cách xưng hô hằng ngày, đã thành nền nếp khó bỏ, ông Khang vẫn gọi ông Hoàng là Điện hạ mỗi khi thưa bẩm mọi việc. Gặp chuyện khó khăn ông Hoàng vẫn bàn bạc với ông Khang. Lớp trẻ trong nhà ông Hoàng cũng kính nể và xem ông như là một người chú, một thành viên trong gia đình. Mấy lần ra tay trấn áp bọn du côn hiếp đáp đám con cái ông Hoàng khi chúng còn nhỏ; làm sao họ quên được những đường quyền gia truyền đã được ông chỉ vẽ rất tận tình đã giúp anh em Lý Khôi Nguyên, Tường Thụy và Anh Quân chiến thắng quân Mông cổ trong một lần cận chiến ở Bồn -tân Trấn-sơn. Khôi Nguyên thích nhất bài Hổ Hạc Song Hình Quyền; chú Khang không dẫn giải về lịch sử và nguồn gốc bài quyền, không biết môn phái nào đã khai sáng ra nó nhưng khi tập anh em chàng rất thích sự phối hợp rất nhịp nhàng những động tác dũng mãnh đầy uy lực như hổ đang vồ mồi với những nét khoan thai nhàn nhã và lãng mạn như một cánh hạc trắng đang bay lượn giữa bầu trời xanh; biến hoá nhanh chóng của những động tác làm cho đối thủ khó đoán được những chiêu thức mà mình sắp tung ra để biết nên thủ hay nên công.

    Nghĩ đến tình cảm sâu đậm mà chú Khang và gia đình chàng đã dành cho nhau chàng không thể không buồn khi biết người mà chàng xem như người chú đỡ đầu giờ đây không vui vì một rủi ro ngoài ý muốn. Chiếc bình cổ được gia đình họ Lý trân quý vì những liên quan đến những tưởng nhớ đến dĩ vãng huy hoàng của dòng họ hơn là giá trị thật sự và công dụng của nó. Giống như mọi người trong gia đình, chàng thấy thương chú Khang và không muốn chú ấy phải ray rứt vì chuyện chú làm vỡ chiếc bình.

    Ông Hoàng tiến về phía cuối thiền phòng lấy cái tráp bằng gỗ trao cho Khôi Nguyên bảo:

    -Con đem cái này đi chôn ở đâu đi.
    -Thứ gì trong này? Sao phải chôn?
    - Những mảnh sứ của chiếc bình chữ Tâm bị vỡ. Mỗi ngày chú Khang mở hộp ra nhìn những mảnh vỡ như muốn khóc cha thấy khổ quá.

    Khôi Nguyên cầm những mảnh sứ vỡ ngắm nghía những đường hoa văn màu rêu, những nét vẽ cành trúc, cành mai, vài cảnh núi non với nét vẽ mềm mại. Chàng đặt một mảnh sứ lên cạnh một viên đá được phủ rêu trong hòn non bộ để so sánh màu sắc của rêu thật và màu rêu vẽ trên bình sứ.

    -À !
    Ông Hoàng reo lên vui sướng:

    -Thế này mà lâu nay cha vẫn không nghĩ ra, con thấy không? Chỗ này cần thêm một chút màu xanh, chỗ kia..., chỗ kia, chỗ kia nữa..., chỗ này phải nhô lên một chút mới cân.

    Cha đã tìm ra cách nạm một chút "Hồn Đại Việt " vào công trình này rồi. Phải rồi men sứ Bát Tràng nếu con cháu sau này còn ghi nhớ một chút về nguồn gốc Nam Phương của chúng ta. Mình đã giải quyết được nỗi khổ tâm của chú Khang.

    Như chợt nhận ra một điều gì ông Hoàng đặt chiếc trấp lên bàn, lấy từng mảnh sứ ngắm nghía. Đôi mắt già chợt sáng lên khi nhìn thấy chữ TÂM còn nguyên vẹn trên mảnh sứ lớn:

    -Ồ! Đây rồi; cái quý giá, cái mầu nhiệm của bình trà nằm ở đây rồi: chữ TÂM.

    Cha đặt tên gì cho hòn non bộ này?

    -Từ Sơn. Đúng ra là "Đường Về Từ Sơn"[*] (Qui Từ Sơn Lộ ). Ừ Từ Sơn, Từ Sơn...

    Ông Hoàng vén rèm. Trời nhấp nhem tối, trăng thượng huyền ở chân trời Đông đã nhô lên khỏi các ngọn cây. Nhìn ánh sáng bàng bạc của vầng trăng ông khẽ ngâm:

    Từ Sơn một mảnh hồn quê,
    Nước non ngàn dặm; mãi mê sông hồ.
    Từ ta giã biệt đế đô,
    Đêm Thu quạnh quẽ trăng mờ vườn xưa....

    Một luồng gió lạnh len từ khe cửa; cửa mở; Đoàn Khang rón rén đi vào bên trong với dáng điệu mệt mỏi tiến về phía Thiền phòng. Ông Hoàng gọi giật lại:

    - Chú Khang này, ta báo cho chú một tin mừng. Lại đây, lại đây. Khôi Nguyên nữa, con cũng lại đây.

    Khôi Nguyên thuật lại cho Đoàn Khang nghe những điều mà hai cha con chàng vừa mới bàn luận và dự tính. Ông Hoàng cẩn thận cầm mảnh sứ, chỉ vào chữ Tâm nói:

    -Tất cả giá trị, tất cả mọi huyền nhiệm của chiếc bình là đây: chữ Tâm. Chiếc bình tuy có vỡ nhưng chữ Tâm vẫn còn nguyên. Giá trị của chiếc bình chưa mất.

    Đoán chừng cả hai người nghe nhưng chưa hiểu ra điều gì, ông giảng giải tiếp:

    -Điều mà Tiên Đế Thánh tôn muốn truyền lại cho hậu thế không phải chỉ là chiếc bình bằng sứ mà là chữ Tâm này trên chiếc bình. Điều mầu nhiệm cũng nằm ở đó. Lòng nhân đức của ngài thì ai cũng đã biết rồi: đắp áo ngự hàn cho người hành khất đói lạnh bên đường; lo đủ cơm áo cho tù nhân trong ngục... Ngài đã giải quyết mọi chuyện khó khăn bằng cái từ tâm. Chuyện kể về sự mầu nhiệm khi dung trà trong chiếc bình ta nghĩ rằng đó chỉ là sự tự nhắc nhở của Ngài phải dùng đến chữ để giải quyết mọi khó khăn.

    Ông nhắc đi nhắc lại: "chữ Tâm vẫn còn đây, chữ Tâm vẫn sẽ truyền cho hậu thế."

    Như sực nhớ ra điều gì, Ông Hoàng ngắm nghía những chữ Tâm thật kỹ. Ông lại nhìn những nét chữ dưới ánh mắt của một Thiền sư. Một bên viết theo lối chữ thảo của Tô Đông Pha và một bên viết theo lối chân phương của lối ấn loát hiện thời. Có sự trùng hợp nào đây giữa những chữ tượng hình quả tim với những chấm và nét và những liên tưởng với những chấm những nét: "ba sao giữa trời " phải chăng đã tượng trưng cho ba đức tính Bi Trí Dũng mà người hành Thiền luôn cố gắng noi theo; "nửa vầng trăng khuyết" bên dưới phải chăng lại là những ngăn cấm từ đơn giản nhất là năm điều cấm kỵ cho những hàng cư sĩ mới nhập môn cho đến hằng trăm điều ngăn cấm cho những bậc tinh tấn nhưng cũng có thể gộp lại thành một giới luật duy nhất: không làm điều gì mà lương tâm cho là không đúng. Vâng, hằng trăm chấm tượng trưng cho hằng trăm giới cấm trở thành vành trăng lưỡi liềm vẽ bằng một nét liên tục. Ông nhấm một ngụm trà tận hưởng sự liên tưởng thú vị ấy.

    Mùa Thu năm nay Khai Kinh có vẻ nhộn nhịp khác thường, đường sá chốn đế đô được quét dọn sạch sẽ. Nhà vua muốn nhân dịp mừng bát tuần thượng thọ cho Thái Hậu tiến hành lễ tấn phong Thái-tử vừa tròn mười tám tuổi. Năm năm thanh bình sau hai trận chiến đánh đuổi quân Mông Cổ của Oa Khoát Đài, nhờ mưa gió thuận hoà, đất nước phồn thịnh; dân chúng an cư lạc nghiệp. Vua Cao tôn cũng muốn nhân dịp này xét lại công trạng của các tướng sĩ góp nhiều công lao trong việc chống quân Nguyên năm xưa; họ đã từng được ban thưởng nhưng nhà vua cho rằng chưa đủ vì lúc ấy đất nước còn quá nghèo khó sau cuộc can qua. Từ mấy tháng trước Bộ Công và Bộ Lễ đã phải ráo riết xây dựng và hoàn tất các đấu trường rộng rãi để dân chúng được tự do vào xem các cuộc thi đấu võ, bắn cung, đua ngựa, bơi lặn v.v… Viện Đông-các và Trường Quốc-Tử Giám cũng được sửa sang để trưng bày và chấm điểm các công trình nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc cùng các công nghệ phẩm như sành sứ, tơ lụa...

    Được sự tận tình giúp đỡ của Thượng Thư Bộ Công, ông Toàn Độ Quan, và Đô Đốc Kim Thành Thái, hòn non bộ Từ-Sơn của ông Hoàng Lý Long Tường đã được vận chuyển và đặt tại vị trí đẹp nhất, góc Đông Nam trong sảnh đường của Trường Quốc Tử Giám. Ánh sáng dịu mát chiếu từ bức rèm làm nổi bật những đường nét và màu sắc trang nhã của công trình.

    Công trình của ông Hoàng dễ dàng qua vòng phúc khảọ. Đến vòng chung kháo, để cho việc luận điểm được công bằng và vô tư, một ban giám khảo mới được thành lập gồm mấy vị trong Viện Đông Các, Trạng Nguyên Tân khoa, và Thái Tử. Các tác phẩm dự thi cũng được bốc thăm để chọn chỗ an vị trong sảnh đường.

    Đã vào lớp tuổi bát tuần từ vài năm trước; lại qua lắm cảnh bể dâu; tập võ và hành Thiền mỗi ngày, Ông Hoàng đã trở nên dửng dưng trước mọi sự ganh đua nhưng lần này ông cảm thấy cần thiết phải thắng giải thưởng nghệ thuật của hoàng gia. Không phải vì danh vọng. Từ ngày xa tổ quốc ông không còn thiết tha gì với công danh tuy rằng ông đã rất nổi tiếng trên quê hương mới này nhờ những đóng góp công sức và lòng vị tha của ông. Không phải vì tiền thưởng -Giang sơn Đại Việt của Lý Triều giờ đây đã quá xa thì tiền của đối với ông còn có nghĩa lý gì; những lần trước bao nhiêu vàng lụa được ban thưởng ông đã chia dều cho gia nhân, những người phụ tá dưới trướng và dân nghèo. Đối với quan niệm của ông, ở một trình độ cao nghệ thuât hoàn mỹ tự nó đã chiến thắng; khó có thể so sánh hơn thua giữa tác phẩm của các nghệ sĩ bậc thầy vì vấn đề còn tuỳ thuộc vào nhãn quan của người xem có tính cách chủ quan. Chỉ lần này thôi, ông muốn tác phẩm của mình được đánh giá cao vì muốn nó trở thành một thông điệp truyền trao cho hậu thế cái hoài bảo HƯNG QUỐC và lời nhắn nhủ cho hàng hậu duệ của ông về nguồn gốc của gia tộc đúng như tên mà ông đã gắn trên công trình: Đường Về Từ Sơn.

    Thái Tử gọi Tân khoa Trạng Nguyên lại gần, chỉ vào những chi tiết trên hòn non bộ; hai người bàn tán với nhau với vẻ đắc ý lắm; các vị Đại Học Sĩ cũng đến gần nghe câu chuyện và cũng tán thành với những lời tấm tắc, gật gù những chiếc mũ cánh chuồn. Mọi người nhìn ngắm tác phẩm ở những góc độ khác nhau nhưng họ đã gật đầu thán phục. Họ dừng lại rất lâu bên hòn non bộ. Cuộc chấm giải đã biến thành cuộc chiêm ngưỡng nghệ thuật. Ban giám định đi lướt qua những tác phẩm khác để hoàn tất thủ tuc; họ vòng lại chỗ hòn non bộ Từ Sơn.

    Mọi việc đã quyết định. Tác giả được mời vaò để thuyết trình và khẳng định thêm đôi điều.

    -Ngoài hai chữ HƯNG QUỐC hàm chứa trong hòn non bộ có còn điều chi ẩn dấu nữa không? Thái Tử hỏi.

    -Thái Tử Điện Hạ có đếm bao nhiêu ngọn núi không?
    -Chín.
    -“Số chín tượng trưng cho sự trường cửu. Và nơi góc bên phải phía dưới này núi sông tạo hình quẻ Ly tượng trưng cho đất nước ở miền cực Đông đó,” Ông Hoàng giải thích, “và chữ Tâm này nữa... chữ TÂM gắn trên lang cang của chiếc cầu bắt qua Sông Hàn…”

    - Hay lắm! Hay lắm. Ta sẽ trình tâu với Hoàng thượng.

    A-ri-rang, một khúc nhạc vui xứ Hàn được tấu lên để tiễn Thái Tử hồi cung.

    Niềm hân hoan của chiến thắng ai cũng tìm thấy trên mọi khuôn mặt của gia đình họ Lý, nhưng người vui nhất hôm ấy có lẽ là Đoàn Khang. Không dấu được nỗi xúc động, Đoàn Khang ôm chầm ông Hoàng, cử chỉ chưa hề thấy từ trước đến nay dù họ đã sống với nhau rất thâm tình.

    Những đôi mắt già rơi vài giọt lệ. Ông Hoàng vỗ vai Đoàn Khang:

    -Ta đã giải quyết đươc nỗi u uẩn của chú rồi đó nhé.

    Không ai bảo ai, họ nhìn nhau như có cùng chung một ý nghĩ:
    Điều cần thiết là phải biết đứng lên và xây dựng cái mới từ những mất mát cũ. Những đổ vỡ cũ có khi lại góp phần cho một thành công mới. Chiếc bình chỉ là phương tiện để truyền tải thông điệp của tiên đế Thánh tôn. Điều quý giá không phải là phương tiện truyền tải mà là nội dung của thông điệp: chữ Tâm vẫn còn nguyên vẹn ở đây.

    Chicago, Trọng Thu năm Canh Dần

    Comment

    Working...
    X