Có thể nói rắn là con vật kỳ dị. Nó có thể nuốt con vật lớn hơn nó mươi lần. Tùy theo con mồi to hay nhỏ nó có thể không ăn trong vòng nửa tháng. Nọc độc của rắn có thể làm chết người một cách dễ dàng. Từ những loài rắn độc như hổ mang, hổ đất, hổ lửa, hổ mây cho tới rắn lục cườm, đẻn cườm mà nọc rắn làm chết người hoặc gây ra những biến chứng trầm trọng. Ở vùng thôn quê hẻo lánh xa xôi hể bị rắn cắn dân làng phải cầu cứu tới các ông thầy bắt rắn kiêm luôn việc chữa cho người bị rắn cắn. Họ biết cách chế ra thứ thuốc làm cho rắn không cắn mình thì mới bắn rắn được. Họ phải bắt rắn bằng tay không và phải bắt sống vì rắn chết chẳng có ai thèm mua. Thầy thuốc rắn giỏi hoặc dở là do thuốc của ông ta chế ra. Nó gồm thứ thuốc làm cho con rắn sợ không dám cắn mình và thứ thuốc để chữa nếu lỡ bị rắn cắn.
Người ta bảo sanh nghề tử nghiệp . Thầy bắt rắn cũng không đi ra ngoài cái lệ đó. Lúc còn nhỏ Sáu biết Bảy Lê, một người bà con ở trong làng. Mặc dù còn trẻ, chỉ ngoài ba mươi nhưng anh lại là tay bắt rắn nổi tiếng, có nghĩa anh ta hành nghề đã lâu mà chưa bị rắn cắn chết. Thứ nhì anh chữa lành cho những người bị rắn cắn. Một lần Bảy Lê cho Sáu đi theo xem cách anh hành nghề, nhờ vậy nó đã thấy tận mắt thủ thuật bắn rắn của anh. Phải nói ngoài thứ thuốc xoa vào tay, anh phải có cái tự tín, cái gan mật của một người dám đụng tới một trong những con vật nguy hiểm và đáng sợ nhất.
Sau đây là câu chuyện về ông thầy bắt rắn.
Trời trưa nắng gắt. Tuy mới tháng 5 mà nóng hừng hực, nóng chảy mồ hôi.
- Tới chưa anh...
Sáu hỏi Bảy Lê trong lúc hai người đi dài theo con lộ đá. Con lộ đá nối liền từ tỉnh lỵ Trúc Giang với Giồng Trôm tới tận Ba Tri chạy xuyên qua những làng mạc có đông dân chúng cư ngụ. Một bên là vườn còn một bên là ruộng. Vì sợ con đường bị ngập trong mùa mưa nên người ta đắp nó cao hơn. Hai bên vệ đường cây cỏ mọc um tùm. Hàng cây sao cao ngất gần tới cầu Bình Chánh. Cỏ tranh lá sắc hơn dao cạo cứa đứt da người ta lúc nào không hay. Tới chừng mồ hôi thắm vào ran rát mới biết. Dọc theo con lộ đá là vùng đất lý tưởng cho rắn đào hang ở. Trừ một vài loại đặc biệt đa số rắn thích ở nơi khô ráo. Rắn hổ đất mà Lê tìm bắt sinh sống dọc theo con đường lộ. Nó đào hang ẩn dưới cỏ rậm cho tới tối mới mò ra kiếm ăn. Bắt rắn vào ban ngày thì phải trục được con rắn bò ra khỏi hang. Lê vạch cỏ đi trước còn Sáu xách cái giỏ đựng rắn đi sau. Tới khoảng cỏ thưa Lê dừng lại gật gù.
- Mày có nghe mùi hôn?
Hỉnh hỉnh mũi của mình Sáu thì thầm.
- Hôi quá... Chắc...
Tuy nó không nói hết câu song Lê hiểu.
- Mùi rắn đó mày... Rắn có cái mùi đặc biệt chỉ có người trong nghề mới ngửi được...
Chỉ vào mấy cái đường mòn trơn láng Lê cười tiếp.
- Đường rắn bò... Ở đây phải có một cặp bự lắm. Bắt được cặp này bộn tiền...
Dứt lời Lê bắt đầu hành nghề. Trước nhất anh đi vòng vòng để đạp cho cỏ nằm rạp sát mặt đất. Sáu chăm chú vào cái hang sâu tối mờ mờ đường kính rộng chừng gang tay người lớn. Mùi tanh hôi từ dưới đó bốc lên theo gió tạt vào mũi nó khiến cho nó phải lùi lại và đưa tay bịt mũi. Sáu thấy Lê rút trong túi áo ra cái hộp bằng cây. Mở nắp hộp anh quệt thứ gì nâu nâu và sền sệt mà nó đoán là thuốc chống rắn. Quệt vào tay xong Lê bắt đầu thoa đều lên khắp hai bàn tay và lên tới tận cùi chỏ. Thoa thuốc xong Lê ngồi chồm hổm trước miệng hang đoạn bật diêm đốt một cục lưu huỳnh bằng ngón tay cái ném xuống hang. Mấy phút sau chút khói bốc lên hăng hắc. Sáu nghe có tiếng khò khè càng lúc càng lớn dần rồi cái đầu con rắn từ từ hiện ra trong vùng tối mờ mờ có khói tan loảng. Lê hơi lùi lại một chút nhường chỗ cho con rắn bò lên. Cả Lê và Sáu không ai biết được con rắn dài bao nhiêu nhưng nhìn cái đầu hình tam giác lắc lư Sáu rùng mình toát mồ hôi lạnh. Hai con mắt bất động, cái đầu đưa qua đưa lại, cái lưỡi có hai nhánh nhọn lểu không ngớt đưa ra thụt vào khiến cho Sáu nín thở. Hai hàm răng nhọn lểu, hai cái răng nanh cong cong, nếu nó phập vào tay chỉ cần năm phút thôi là đi đứt. Con rắn cất cao đầu, đưa qua đưa lại, hai mắt nhìn như thôi miên bàn tay của Lê đưa ra trước mặt nó. Không ai kể cả thầy bắt rắn nổi tiếng như Lê biết con rắn sẽ mổ lúc nào, mổ vào nơi đâu, sâu hay cạn.
- Mổ... Mổ... Mổ đi ông thầy... Mổ ngay chỗ này nè ông thầy… Ông mà mổ là tôi chầu diêm chúa liền…
Lê hét nho nhỏ. Âm thanh của những tiếng đó chất chứa sự chết, như tiếng gọi hồn của các tay phù thủy khiến cho Sáu rùng mình ớn lạnh xương sống.
- Mổ... Mổ... Mổ đi ông thầy...
Lê đưa bàn tay đang mở khum khum của mình ra ngay miệng con rắn. Nó mà mổ vào hổ khẩu là anh tàn đời. Sáu cứng người vì sợ hãi. Nó cảm thấy như máu trong người bị đông lại. Tuy nhiên sự kiện kỳ lạ là Lê đưa bàn tay của mình tới đâu đầu con rắn lùi tới đó. Nó lùi tới độ phải ưỡn ra đằng sau để lộ phần bụng trắng hếu và những cái vãy bóng ngời. Sau này Lê mới giải thích cho Sáu biết bí quyết trong thủ thuật bắt rắn bằng tay không là đưa bàn tay có thoa thuốc ra khiến cho con rắn phải ưỡn cái cổ về phía sau tới cái độ nó không thể mổ được. Lúc đó chính là lúc bàn tay có thoa thuốc phải chụp thật nhanh vào cổ con rắn để nó không mổ mình được. Nói ra thì dễ song làm mới khó.
Nhanh như cắt Lê chụp ngay cổ con rắn rồi từ từ lôi nó ra khỏi hang. Đến giai đoạn này cũng chưa hết nguy hiểm vì có thể có một con rắn khác ẩn dưới bụng con rắn thứ nhất và nó sẽ mổ vào mình. Thành ra Lê chỉ bắt bằng tay phải trong khi tay trái của anh vẫn ở trong thế phòng bị. Sáu thở khì ra khi thấy Lê kéo con rắn hổ dài ngoằng ra khỏi hang. Thành thạo vì đã làm nhiều lần anh lấy cây kim ra may miệng con rắn lại xong bỏ vào cái giỏ tre. Bằng cách thức tương tự như lần đầu Lê bắt luôn con rắn còn lại. Sáu chỉ có vinh hạnh đi theo Lê bắt rắn một lần thôi vì sau đó má nó biết được nên cấm không cho nó đi. Tuy nhiên vì không được đi theo nên sự tò mò lại kích thích nó nhiều hơn. Nó năng lui tới nhà Lê để nghe anh kể chuyện bắt rắn hoặc chứng kiến Lê chế thuốc chữa nọc rắn.
Đời sống êm ả trôi đi cho tới một hôm. Đang bắn đạn ở nhà lồng chợ anh thấy một đám người lớn xách gậy gộc chạy đi về hướng nhà thờ.
- Cái gì dậy bác ba?
- Rắn... Rắn dô nhà kiếm Bảy Lê... Nó la làng kêu cứu nó...
Sáu cười khì. Thầy bắt rắn gặp rắn lại la làng. Chuyện đó khó tin quá. Tuy nhiên thấy mọi người chạy nó cũng chạy theo.
- Rắn gì vậy bác ba? Anh Lê là thầy bắt rắn mà bác ba... Mai gầm hả bác ba...?
Bác ba Học lắc lắc đầu.
- Rắn chúa... Thằng thầy bắt rắn nào tới số mới bị rắn chúa tới tìm. Chỉ có rắn chúa mới cắn chết Bảy Lê...
Khi Sáu tới nơi thì quang cảnh xảy ra khiến cho nó buồn cười mà cũng lo lắng. Lê, mặt tái mét, mắt láo liên ngồi chồm hổm trên chiếc bàn ăn cơm. Anh có vẻ sợ hãi như thấy ma hay một vật gì vô hình.
- Bà con kiếm con rắn chúa dùm tôi nghen… Lẹ lên... Tôi thấy nó chun dô đống củi ngoài sân... Bà con coi chừng nó độc vô cùng... Mổ một cái là hổng có thuốc chữa nghen bà con...
Nghe Lê nói mọi người cũng sợ. Bác ba Học có ý kiến bảo mọi người dùng đăng bao kín đống củi không cho con rắn trốn rồi hai ba người bắt ghế lên lấy từng khúc củi ra. Bằng cách đó cuối cùng người ta thấy một con rắn nhỏ bằng ngón tay trõ và dài độ gang tay. Sau khi con rắn bị đập chết rồi Lê mới dám bước xuống đất. Lật ngửa con rắn lên anh mới giải nghĩa cho mọi người biết con rắn chúa khác với con rắn thường như thế nào. Dưới bụng nó có chín khoang đen trắng. Tuy nhỏ nhưng nọc của nó độc vô cùng. Hôm nay nó tới kiếm Lê là để báo thù cho đồng loại của nó.
- Nhờ phước đức ông bà nên tôi mới hổng bị nó cắn...
Anh kể là đang ngồi ăn cơm với vợ con anh chợt thấy một con rắn bò thật nhanh vào đống củi trước sân. Bằng cái nhìn của tay bắt rắn chuyên nghiệp và cũng do ở cảm nhận tâm linh nên anh biết ngay con rắn chúa tới kiếm mình báo thù. Nhờ may mắn hay phước đức ông bà nên anh mới thấy nó trước khi nó cắn anh. Nửa tháng sau Lê từ giã Sáu mang vợ con lên tỉnh ở. Anh bỏ luôn nghề bắt rắn. Tuy nhiên số mệnh nghiệt ngã vẫn đeo đuổi anh. Chiến tran lan rộng vả lại anh không có nghề nào khác ngoài bắt rắn nên không thể sống ở tỉnh thành được. Thế là một năm sau anh lại dắt díu vợ con trở về làng cũ sinh sống bằng nghề bắt rắn. Thời gian sau, một hôm thấy anh đi bắt rắn tới chiều tối chưa về vợ anh la lên. Dân làng đốt đuốc đi tìm thấy Lê nằm chết trên con lộ đá. Trên bàn tay của anh có vết rắn cắn. Một con rắn chúa nào đó đã cắn chết tay bắt rắn nổi tiếng để trả thù cho đồng loại của mình. Sáu đi đưa đám tang của Lê. Tay bắt rắn không còn lo âu thấp thỏm vì sợ con rắn chúa tới báo thù. Sau khi chôn cất xong chị Mến, vợ của Lê mới đưa cho Sáu một cái giỏ tre rồi buồn rầu nói.
- Anh Bảy có dặn chị là nếu ảnh chết thì đưa cái này cho em...
Nhìn vào cái giỏ tre Sáu thấy một con trăn lớn hơn ngón chân cái đang khoanh tròn trong đó. Không biết con trăn dài cỡ nào mà quấn bốn năm vòng trong chiếc giỏ tre.
- Anh Bảy ảnh nói ảnh bắt được ngoài ruộng. Ảnh cho em để em nuôi chơi...
Sáu do dự không muốn nhận nhưng nghĩ tới Lê đã chết mà còn nhớ tới mình nên nó vui vẻ nhận lãnh. Xách cái giỏ tre về nhà nó miên man suy nghĩ. Nuôi con trăn là một chuyện khiến cho đám con nít trong làng phải lác mắt và phục nó sát đất. Nó nghĩ tới cách làm ra tiền hay kiếm ra đồ chơi bằng cách cho đám con nít sờ soạng hoặc đeo con trăn vào cổ đi vòng vòng. Nó quên mất một điều dù không có nọc độc con trăn vẫn có thể giết người, giết một đứa con nít lên 9 tuổi như nó.
(Trích trong tập truyện ngắn: Quê nghèo )