Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Những Truyện Thật Ngắn

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • #31
    Mẹ tôi
    Chí Hương



    Ba mất. Mẹ tảo tần, lam lũ, cóp nhặt từng đồng cho chúng tôi ăn học.
    Xóm giềng dèm pha nghèo không lo, học đi mai mốt bán chữ mà ăn!
    Mẹ ngậm ngùi bảo ba mẹ không có gì để lại, các con ráng học sau này mưu sinh.
    Anh em tôi đã đứng được trong đời.
    Xóm giềng khen bà ấy giỏi thật, một mình nuôi bốn đứa con ăn học thành tài.
    Mẹ mỉm cười, hằn sâu những nếp nhăn.
    ***************

    Comment


    • #32
      Dây gấc ngày xưa
      Ngọc Vân

      Xưa, nhà nghèo, có trồng dây gấc. Hôm nào gấc chín, nấu xôi, má khen: " Xôi gấc ngon quá ".
      Hai ba bữa hái một lần, bán được mười ngàn, mua miếng heo quay, ít bánh hỏi, cải thiện. Má vui lắm: "Cha, thịt quay ngon quá. Dây gấc này cứu má"

      Giờ má mất. Con khá lớn. Gấc chín không biết làm gì. Hôm giỗ má, mua một ký thịt quay. Hai cha con buồn, nhớ má, ăn không biết ngon.
      Nhìn dây gấc, lòng trĩu buồn. Đời gấc còn dài. Đời má thì quá ngắn ngũi!
      ***************

      Comment


      • #33
        Gia đình
        Trần Thị Út


        Gia đình tôi những mười anh chị em. Nhà nghèo, bữa ăn chỉ là cá kho khô quẹt hay rau luộc chấm mắm sả nhưng cả gia đình xúm lại ăn vui lắm. Má cấm không cho ai ăn tô, dĩa sợ sau này anh em tứ tán.

        Thời gian trôi, anh em tôi lần lượt có gia đình riêng. Vì công việc làm ăn, mỗi người ở một nơi. Ba mất. Má đã già. Gia đình thưa tiếng cười.

        Ngày Tết, má chờ hoài: " Con Hai, thằng Ba, con Tám... ". Tay già lóng cóng dọn đủ 10 cái chén chờ con...
        ***************

        Comment


        • #34
          Mồ côi
          Nguyễn Văn Hùng



          Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
          - Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
          Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
          - Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.
          Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.
          Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
          - Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…
          ***************

          Comment


          • #35
            Một buổi sáng
            Khuyết Danh


            Thằng bé mặc bộ quần áo rách phong phanh bước chân sáo trên đường mặc gió lạnh. Nó ghé vào một hàng phở nhỏ, nghèo nàn bên góc phố, đường hoàng nói lớn:
            - Dì bán cho con tô phở ba ngàn đem về.
            Bà hàng phở nhìn nó, nhưng rồi lại cụp đầu xuống.
            Tưởng bà không nghe, nó nói càng to hơn. Nào ngờ, bà mắng xối xả:
            - Tao không bán. Mới sáng mà mày đã tới ám tao hả thằng ăn mày! Mua ít vậy sao tao bán?
            Nó cúi gằm mặt, nắm chặt mấy tờ bạc lẻ nhàu nát trong tay rồi lầm lũi bước đi. Nó chỉ muốn mua cho mẹ một tô phở nóng, nên để dành mãi từ số tiền ít ỏi bán vé số hàng ngày. Mẹ nó đau.
            ***************

            Comment


            • #36
              Hai lần chờ
              Võ Thành An


              Mẹ trách: "Con trai lớn chẳng chịu lấy vợ, đến bao giờ mẹ mới có dâu?"
              Hai đứa học chung ngành sư phạm, tôi ra trường trước. Tiễn tôi về quê công tác, em khóc bảo tôi hứa phải chờ nhau.
              Ngày em ra trường niềm vui không kể xiết. Lần gặp ấy em nói: "Chi mà vội"
              Hai năm sau em báo lấy chồng, khuyên tôi đừng buồn
              … Mẹ đâu biết đã hai lần tôi tin một người con gái.
              ***************

              Comment


              • #37
                Em tôi
                Lê Nguyên Vũ


                Bám đất Sài Gòn sau 3 năm ra trường, tôi vẫn không xin được việc. Đôi cua dạy kèm, khi chẳng đủ trang trải lại phải nhờ nguồn “trợ cấp”ở quê.

                Vừa rồi, đau ruột thừa, nằm viện. Mẹ vượt ngàn cây số vào thăm. Ngày về, dúi vào tay tôi chỉ vàng, bảo: “Của cái Lan, nó dặn con dùng để hồi sức, viện phí và tiền gởi vào cho con trước đây cũng một tay nó cả. Tội nghiệp! Dạy thêm tít mù, còn nuôi thêm cả lợn”.

                …Nhớ ngày Lan trượt đại học, thư về tôi mắng chẳng tiếc lời…
                Cầm món quà của em, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong.
                ***************

                Comment


                • #38
                  Hai chị em
                  Khuyết Danh



                  Chị quen anh Hân, trung úy phi công. Anh đến nhà chơi, thấy em gái quấn quít Hân, chị nhường. Hai người tổ chức đám cưới, chị gom hết tiền để dành tặng đôi vợ chồng mới.

                  Em có thai đứa con đầu lòng được 6 tháng thì Hân đi tù cải tạo. Chị thương em đang có con dại, thay em đi ra Bắc thăm nuôi Hân. Con được hai tuổi, em đi buôn hàng chuyến, lỡ có thai với người tài xế. Chị tiếp tục đi thăm, dối Hân em dẫn con đi vượt biên rồi. Thấy Hân mừng cho tương lai vợ con mình, chị xấu hỗ, tủi thân, âm thầm khóc lặng lẽ trên chuyến tàu lửa từ Hà Nội về lại Sài Gòn.

                  Hân về, biết sự thật. Buồn, dẫn con gái đi vượt biên. Nghe tin hai cha con chết trên biển, chị lập bàn thờ. Lấy tấm hình Hân đứng bên cạnh chiếc máy bay phản lực F5 Hân tặng chị hồi mới quen rọi lớn ra, bỏ vào khung đặt lên bàn thờ, chị khóc gọi Hân ơi…
                  ***************

                  Comment


                  • #39
                    Mẹ và con
                    Khuyết Danh


                    Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.

                    Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lựa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn. Con khóc.
                    ***************

                    Comment


                    • #40
                      Ba và con
                      Khuyết Danh


                      Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như hai năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba, rồi ba đích thân lên đưa cho tôi.
                      Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
                      Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi:
                      - "Có dư đồng nào không con?".
                      Tôi đáp:
                      - "Còn dư bốn ngàn ba ạ".
                      Ba nói tiếp:
                      - "Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa".
                      Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng.
                      ***************

                      Comment


                      • #41
                        MỘT THỜI YÊU DẤU


                        Khi tôi đi, nàng còn đứng trong ánh sáng của ngọn đèn đường của thời kỳ động cơ xe hơi còn vận hành nhờ sức nóng của than củi . Vẫy tay từ biệt .

                        Hai mươi năm sau tôi trở lại góc phố xưa . Dưới chân chiếc trụ đèn, tôi nhận ra chiếc bóng của nàng đã ngã sang màu xám của mây cuối thu . Buồn ! Nhưng cám ơn thời đại mới làm ngọn đèn sáng hơn, nên cái bóng hiện rõ qua tôi một thời yêu dấu đã xa !

                        Cao Nguyên
                        ***************

                        Comment


                        • #42
                          THƠ NGÂY

                          - Trong tình yêu của chúng ta hôm nay, người này sống với một nửa của người kia: một nửa xác, một nửa hồn, một nửa tim...
                          - Còn hai nửa quan trọng và làm đẹp cuộc tình em biết không?
                          - Là gì vậy anh?
                          - Một nửa thơ và một nửa ngây!
                          - Tuyệt vời!

                          Cao Nguyên
                          ***************

                          Comment


                          • #43
                            XẠO

                            Phùng Thành Chủng


                            Nhà thằng Bòng giàu có. Bữa nào cũng thịt, cũng cá, nhưng chẳng mấy ai chạm đũa.
                            Thằng Còm nhà nghèo. Không muốn để con phải khổ, bữa nào bố mẹ nó cũng lo cho nó hoặc quả trứng, hoặc lạng thịt. Vô tình, không biết đó là tiêu chuẩn dành riêng cho mình, thằng Còm thấy bố mẹ nó chỉ ăn rau. Nó ăn không hết, mẹ nó lại cất đi.
                            Một bữa, thằng Bòng bảo:
                            - Nhà tao, thịt cá chẳng ai ăn...
                            Thằng Còm buột miệng:
                            - Nhà tao cũng thế!
                            Thằng Bòng nhìn thằng Còm: “Xạo!”
                            ***************

                            Comment


                            • #44
                              Nghề của Mẹ
                              Võ Thành An






                              Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm. Có lần mẹ đội thau cá đồng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắc tôi đến, cốt đưa cho gói xôi, cái bánh...

                              Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.
                              Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.







                              Last edited by Hiểu Kỳ; 27-10-2011, 08:49 AM.
                              ***************

                              Comment


                              • #45
                                Chèng ơi
                                Võ Thành An





                                Cháu học ở thành phố, lần về thăm quê đem theo cả cô người yêu cùng về. Ngoại mừng ra mặt, lo lắng từ chỗ ngủ, bữa ăn sao cho đưa cháu thật sự vui lòng.

                                Ở quê câu chữ khó diễn đạt, một tiếng ngoại cũng chèng ơi, hai tiếng cũng chèng ơi... Đứa cháu tỏ vẻ không bằng lòng, kéo ngoại ra hè bảo ngoại đừng nói câu ấy nữa, nghe... quê lắm.

                                Ngoại cười hiu hắt và từ đó ngoại ít nói hơn. Nhớ thửơ nhỏ mỗi khi cháu ngã té đau, biếng ăn một chút là ngoại kêu lên hai tiếng: Chèng ơi! Kêu riết thành quen.





                                Last edited by Hiểu Kỳ; 27-10-2011, 08:47 AM.
                                ***************

                                Comment

                                Working...
                                X