Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Cuộc phiêu lưu của Mít và Cà cuống

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cuộc phiêu lưu của Mít và Cà cuống

    (Một truyện ngắn thực hành theo phong cách The New Yorker)

    Thành thị là gì?

    Câu hỏi này chẳng dễ trả lời khi bạn sinh ra và lớn lên giữa vùng nửa núi nửa đất mà giới địa lý thường gọi là bán sơn địa hay “vùng chó ăn đá gà ăn sỏi”.

    Địa thế vùng này gồm rất nhiều quả đồi nhỏ. Những cánh đồng không rộng lớn cho lắm, nằm xen vào, và chúng thường cạn kiệt nước nôi chừng vài tháng mỗi năm khiến đàn cá rô bị chết khô queo mà làm mồi cho đàn kiến.

    Các ngôi làng thường quần tụ trên đồi, dành vùng đất bằng phẳng hiếm hoi cho khoai, lúa và lạc.

    Trên các cách đồng, lúa, khoai vẫn mọc, nhưng bạn rất ngạc nhiên khi cha chú của mình đào xới lên, chỉ sâu chừng một mét đất là tìm thấy các hòn đá ong tròn như quả mít, nhiều vô số, và chất lên xe bò, chở về, xây nhà.

    Trên đồi cao, đôi khi người ta đào giếng trúng những mạch nước ngầm, giếng không bao giờ cạn. Nước trong, xanh, có vị ngọt, mát vào mùa hè và ấm khi mùa đông. Chúng hay ho chẳng kém gì nước khoáng được quảng cáo trên ti vi. Nhưng người làng lại rất khoái chí khi vớ một chai nước khoáng uống dở của ai đó mới về chơi mà không coi trọng thứ nước quý của thần rừng ban cho, họ rửa chân và tắm bằng thứ nước giếng ấy tựa như sự lãng phí vĩ đại.

    Nước từ những cái giếng sâu hút được múc lên, nhờ vào cái gầu cao su. Cái gầu này nối với cây cần tre bằng một sợi dây thừng rất dài. Đó là thứ cần cẩu, một đầu buộc hòn đá tảng hoặc một cục sắt gỉ, khá là nặng, còn đầu kia là sợi dây với cái gầu. Bạn sẽ khá vất khi kéo cho cái gầu không xuống dưới đáy giếng sâu trong lòng đất dăm bảy mét, nhưng bù lại, sẽ rất thảnh thơi khi cái cẩu tự động nâng gầu đầy nước lên cao cho bạn.

    Nếu bạn thả tay ra, cái gầu sẽ bay vọt lên trời như viên đạn dùng để bắn vào thành trong phim dã sử, và bạn sẽ ướt rượt.

    Buổi tối, hai người bạn của chúng ta, những nhân vật của chúng ta, biệt danh là Cà Cuống và Mít, cùng gia đình của họ, quây quần dưới bóng điện đỏ quạch. Cái bóng điện treo trên xà nhà tỏa ra luồng ánh sáng giống như lúc mặt trời đứng bóng vậy. Một cái đĩa sắt được đục lủng che làm chụp đèn, để ánh sáng không tỏa lên mái ngói một cách vô nghĩa.

    Cái chiếu trải giữa nhà, đúng nơi ánh sáng chiếu rọi mạnh nhất.

    Mọi người cứ ngồi, trò chuyện, uống nước, ăn uống, tất nhiên lũ nhỏ siêng năng học hành, trong mảnh chiếu ấy cả. Không cứ phải luân phiên. Cà Cuống đang làm bài tập thì mẹ nó ngồi bên cạnh vá chiếc áo chẽn còn bố ngồi hút thuốc Lào phả khói mờ mịt. Chị nó đi từ ngoài về sà vào. Mẹ thấy tóc chị xơ xác và dính nhiều rơm rạ, bèn hỏi: “Đi đâu về đấy?”, chị nó đỏ mặt lên, to giọng đáp: “Con đi xem ti vi”.

    Nhà thằng Mít thì khác. Bố nó đã đình sản và đi ngủ muộn.

    Nó thường đọc các bài văn bài thơ trong sách giáo khoa cho bố nghe. Có lần theo yêu cầu nó đọc cả các bài toán nữa, nhưng bố nó nói “Bố chỉ có khiếu văn chương”. Nó đọc cả sách tập làm văn cho bố. Hết sách, nó mò tới đống sách của chị, với những câu chuyện và những bài thơ không dễ hiểu chút nào, có lẽ với cả bố.

    Nó nhiều lần giải thích “nhà văn Nguyễn Tuân và Phạm Tuân anh hùng vũ trụ là hai người khác nhau”, nhưng lâu lâu bố lại quên. Bố của Mít cứ tâm đắc bảo với bố của Cà Cuống: “Tôi thích nhất văn chương của văn hào Phạm Tuân”. Bố của Cà Cuống gật gù: “Hào Phạm Tuân là người rất nổi tiếng, nhiều người làng ta ở thành phố cũng đã từng gặp”. Bố của Mít gật đầu, bảo: “Ông ấy làm nghề bán bánh phở mà”.

    Người vùng trung du ngoài việc đồng áng, mò cua bắt ốc ở khe suối, đôi khi còn lên mạn ngược chặt gỗ về làm nhà, bán cho lái buôn.

    Tầng lớp trí thức rất hiếm khi xuất hiện.

    Người học hành nhiều nhất thì có các thầy cô nhưng khổ nỗi họ là người địa phương hoặc quê quán ở xã bên cạnh, đúng thực là “Bụt chùa nhà không thiêng”. Một buổi lên lớp dạy học một buổi kề vai sát cánh với phụ huynh trên cánh đồng bắp cải su hào. Thửa ruộng của họ có năng suất thấp nhất, đôi khi nom thật đáng thương mặc dù họ phun quá nhiều thuốc sâu so với hàng xóm. Mỗi lần phun thuốc thầy đều đeo một mẩu vải trước lỗ mũi!

    Với người nông dân thì kiến thức về đồng áng và bói toán cúng tế là những kiến thức được kính trọng nhất, mà thầy cô lại thiếu sót cả hai thứ đó.

    Đôi khi người ta sai lầm nghĩ rằng nhà trường là một cái nhà trẻ không độ tuổi, giữ cho bọn trẻ không đi hái trộm quả và bơi lội khiến chết đuối.

    Nói chung, người có thể thẩm định kiến thức được truyền thụ trong nhà trường lợp ngói dài ngoẵng kia hầu như là không có. Kể cả các bác lãnh đạo xã thường có vinh dự phát biểu long trọng trong cuộc khai giảng hằng năm, các bác ấy đều cho rằng sách giáo khoa thời trẻ của các bác ấy lạc hậu hơn nhiều.

    Vài ba kẻ nhân tài kiếm có, được kể chuyện bằng kiểu giai thoại, đều tá túc lâu dài trong thành phố, hiếm khi trở về.

    Dần dà, các câu chuyện về những người thành đạt nơi phố thị mất đi vẻ tin cậy, và được hiểu như là những sự phóng tác hay chuyện bịa kể cho vui tai nhân dịp cưới hỏi hoặc giỗ chạp.

    Truyền hình xuất hiện ngày càng nhiều. Bọn trẻ biến chúng thành trò chơi.

    Cà Cuống cùng các bạn bắt chước những giọng nói lạ từ các vùng miền khác nhau trên ti vi, gây cười những khi ngồi trong lớp học.

    Có điều, chúng phát hiện ra truyền hình chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ phát âm theo kiểu của chúng.

    Cà Cuống và Mít không còn tin tưởng truyền hình nữa. Điều này khiến chúng quá buồn. Chúng vẫn cố đợi đấy chứ, đợi mãi, đợi mãi rồi, chẳng ai nói thứ tiếng phát âm kiểu của chúng.

    Truyền hình, có lẽ thuộc về thế giới khác chăng?

    Thế giới đó như thế nào?

    Các trận bóng đá trên truyền hình cũng vậy. Người ta ngồi xem rất đông, đông không thể tưởng được. Các cầu thủ đá vào chân nhau thì hình ảnh được phát đi phát lại nhiều lần. Những hôm trời mưa, các cầu thủ ướt như chuột lột còn khán giả vẫn khô khén như thường.

    Cà Cuống và Mít, chúng nó có các trận bóng đá của chúng nó, trên sân trường, ruộng, trong sân xóm, nơi chân đồi. Chúng tự khâu các quả bóng da và đem theo một cái bơm cùng vài chiếc kim trong mỗi cuộc đá bóng.

    Quả bóng bơm không căng lắm, lấm lem, đôi khi ướt sũng đá mãi mới lăn.

    Các cầu thủ lấm lem, đầy mồ hôi, mỗi khi bóng bay vào bụng thì trợn trừng mắt, nằm lăn ra đất, dăm phút sau mới đứng dậy được, lảo đảo chạy theo chúng bạn.

    Chúng không bao giờ hiểu cá độ bóng đá là gì.

    Khán giả, là những chú bác đi chăn trâu, đánh dậm, hái chổi, ngồi xem một lúc, sau đó ngứa tay ngứa chân đến cướp quả bóng và đá một cái rất mạnh lên trời, hoặc xin một tay làm thủ môn. Thỉnh thoảng một chú nào đấy cũng được chấp nhận làm thủ môn chính thức, nhưng điều đó đồng nghĩa là lập tức đội bên kia được tăng thêm ít nhất một cầu thủ nữa.

    Tuy nhiên những trận đấu có sự tham gia của thủ môn vượt quá độ tuổi kéo dài không được bao lâu và nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn người cười kẻ khóc. Đấy là do vị đại thủ môn này luôn luôn rời bỏ vị trí của mình cầm bóng xông thẳng lên cầu môn đối phương và sút những quả hơn cả sấm sét khiến thủ môn đối phương khiếp đảm nằm bẹp dí không thực hiện được phận sự của anh ta.

    Cà Cuống đã một lần bị gãy chân, phải bó bột. May cho nó, tuy rằng nghỉ học vài tháng nhưng dường như điều đó chẳng ảnh hưởng quá nhiều đến kiến thức hay thành tích học tập. Đơn giản bởi nó đã bị thương trong trận bóng đá do nhà trường tổ chức để chào mừng ngày quốc tế thiếu nhi. Các cô giáo đều hiểu điều đó.

    Lần đầu tiên nó vào nằm trong cái trạm xá có cây nhãn cổ thụ to tướng ở sân.

    Nó không sợ cái chân bị đau, không sợ bị tiêm, mà chỉ sợ cây cổ thụ.

    Vì thằng Mít bảo: “Mọi người nói trên cây nhãn này có con ma rất thích đá bóng. Chân nó dài đến mức có thể vươn từ gôn đội này sang gôn đội khác”.

    Cà Cuống không thể ngủ được, nó bị sút cân và phát ốm, chỉ nghĩ đến bóng đen trên cây nhãn. Cái chân của cầu thủ ma thò qua cửa sổ phòng nội trú của trạm xá.

    Mấy hôm sau, Mít cũng lăn ra ốm. Nó bị chính câu chuyện về con ma, mà nó bịa ra để dọa Cà Cuống, hành hạ. Lần này, nó mơ thấy con ma ấy đứng trên rặng tre đầu ngõ. Quả bóng con ma này đá mới to làm sao, nó bằng cả một gian nhà. Liệu ai có thể bắt được một quả phạt mười một mét như vậy? Mít gọi: “Cà Cuống đâu rồi!”. Cà Cuống phều phào bảo với nó từ nơi nào đó rất tối tăm: “Tao bị gãy chân rồi”.

    Sau trận ốm của Mít và sự trở lại của đôi chân Cà Cuống, hai đứa quyết định sẽ vào thành phố để xem một trận bóng đá thực thụ. Chúng nó đã lớn, đã có thể quyết định được cuộc đời của chúng. Hơn nữa dù sao việc đi lại, kể cả thời gian xem trận đấu kia, cũng chỉ gói gọn trong một ngày đêm mà thôi. Hôm đó, chủ nhật.

    Cả hai đứa đều được gia đình giải phóng ngày chủ nhật. Chúng có thể làm những điều mình thích, như đi bẫy chim, hái củi, học nhóm, đá bóng. Tất nhiên đó là trong trường hợp ngày thứ bảy chúng nó đã quét sạch tinh nhà cửa vườn tược, dọn cỏ trong vườn, đi cắt tóc hoặc tắm cho đàn lợn.

    Một chủ nhật, hai đứa đi bắt cua ở ngoài đồng. Mít gọi Cà Cuống đến bên cạnh, và bảo: “Bí mật, cho xem cái này”.

    Mít vạch cái quần đùi vàng ố của nó ra, chỉ vào của quý bé tẹo của nó, chỉ vào những sợi lông măng mới nhú ra lơ thơ, đen biếc, long trọng bảo: “Thành người lớn rồi”. Nó hỏi Cà Cuống: “Thế nào?”. Cà Cuống thẹn thùng lắc đầu: “Vẫn còn con nít”.

    Từ ngày đó, Mít nghiễm nhiên coi mình là đàn anh, từng trải và hiểu biết nhiều hơn. Cà Cuống cũng tin tưởng như thế. Không dưng người ta lại mọc tóc ở chỗ kín như vậy được.

    Mít bảo: “Chúng ta phải đi xem một trận bóng đá”.

    Cà Cuống bảo: “Tiền đâu?”. Rồi nó bảo thêm: “Ai cho đi!”.

    Mít định đáp: “Ừ, đi làm sao được”. Nhưng nó chợt nghĩ: “Mình đã là người lớn, nói thì phải làm, không phải trò trẻ con nói cho vui lấy được”. Bèn bảo: “Đã tính hết rồi. Đi được”. Cà Cuống lắc đầu: “Đi một mình đi”. Mít nhún vai: “Sợ à! vẫn đái dầm đấy à!”.

    Mít ngượng quá. Tối hôm qua nó nằm mơ đứng tè bên bụi tre, thấy ướt, tỉnh dậy, đúng là đái dầm.

    Mít bảo: “Mày đái dầm thì có”. Cà Cuống không nói gì.

    Khoảng cách từ làng ra đến đường quốc lộ chừng hai cây số. Xe vẫn chạy qua đó. Người làng đôi khi có việc vẫn đi bộ ra quốc lộ, vẫy xe, bất kể là xe tải, xe khách, xe chở cát, chở gỗ, chở lính hay xe cứu thương, để đi về thành phố. Đi khoảng nửa buổi thôi, đã tới thành phố rồi. Mọi người bảo như vậy.

    Cà Cuống nói: “Chờ ai đi, chúng ta sẽ đi theo”. Mít gạt đi: “Đừng lộ ra. Ai cho mình theo! Chúng ta sẽ tự đi”. Mít tỏ vẻ không lo lắng gì, khịt mũi, bảo thêm: “Xe chở đi, xe chở về! sướng hơn đi xe bò, có gì phải sợ”. Cà Cuống càng không muốn mình là đứa nhát, bảo: “Chủ nhật tuần này đi luôn. Lợn bán hết rồi. Mẹ tớ vừa cho tiền”. Mít bảo: “Chủ nhật tuần sau. Chủ nhật tuần sau”.

    Hai đứa vẫn đi học bình thường. Buổi chiều chúng ra đồng chăn trâu, nổi đống lửa rơm, lôi sách giáo khoa ra, tìm những chỗ nào viết về thành phố để đọc.

    Thành phố là gì nhỉ?

    Người ta sinh ra thành phố để làm gì?

    Thành phố thật bí hiểm. Sự bí hiểm này có thể so sánh với cái gì? Chỉ có thể so với trạm xá có cây nhãn cổ thụ đầy ma.

    Theo như trong phim mô tả, các thành phố này thường bị tàn phá bởi những con quái vật khổng lồ biết bay mà không cần dứt khoát phải có cánh. Có lẽ các thành phố đã được xây dựng lại nhiều lần.

    Những con quái vật, dù gớm ghiếc đến đâu, cũng không bao giờ gây tò mò và gây bất ngờ bằng những thành phố mà chúng đang ra sức tàn phá một cách rồ dại, khó hiểu.

    Những thành phố!

    Nhà cửa được xây cao lên hơn mọi thứ cây cối.

    Tại sao họ xây nhà cao như thế nhỉ?

    “Họ làm như vậy để nhìn được xa hơn” - Mít nói.

    “Nhưng chính điều đó đem đến tai họa cho họ, những con quái vật từ xa đã nhìn thấy nơi họ ẩn nấp!” - Cà Cuống lắc đầu nhận xét.

    Mít phản đối: “Không phải. Nhà quá cao làm cho quái vật không thể bay qua được, chúng buộc phải dẹp đường bay”.

    Cà Cuống nướng chín củ khoai và ăn một mình. Mít bèn bảo: “Nếu chúng ta gặp phải quái vật trong thành phố, thì đứa nào lo chạy đứa ấy nhé”. Cà Cuống không nuốt trôi được miếng khoai, bảo: “Chạy đi hướng nào?”. Mít bảo: “Phải nằm sấp xuống, nép vào bờ ruộng, bôi bùn đầy người, thế nhé”. “Nhưng thành phố làm gì có ruộng và bùn?”. Mít thấy cũng có lý. Nó bảo: “Chúng ta nên đi xem thêm phim về thành phố”. Cà Cuống thở dài: “Không có ti vi”.

    Trong làng đã có dăm cái ti vi, nhưng bố mẹ của chúng không thích bọn trẻ xem nhiều, sợ ảnh hưởng đến việc học và làm tốn điện nhà người khác.

    Các gia đình có ti vi chỉ mở lâu trong tuần đầu, khi mới khênh ti vi về. Sau đó, vì sợ tốn điện, tốn nước, và không muốn phải thức quá khuya trông coi máy móc, đã tắt ti vi đi ngủ sớm.

    Thật ra chỉ những người ở thành phố mới xem ti vi một cách đầy đủ, còn thôn quê thường nghe đài và tìm hiểu tình hình qua loa phóng thanh hay các cuộc họp xóm.

    Ở quê của Mít và Cà Cuống, bố mẹ chúng thường đi làm đồng từ lúc tờ mờ sáng để tránh nắng, thức khuya là tối kỵ.

    Chỉ có đám thanh niên sức dài vai rộng mới kéo ra đường véo nhau tán gẫu những lúc sương xuống mà thôi. Các anh chị ấy là ngoại lệ đặc biệt, được cộng đồng chấp nhận sự vi phạm về nguyên tắc thời gian và sự phí phạm về mặt thể lực.

    Cả Mít và Cà Cuống đều chưa được hưởng những biệt đãi đó.

    Một buổi sáng chủ nhật. Hai kẻ đồng hành đã lên đường. Họ bảo với gia đình là sang thôn bên để học nhóm.

    Đi trước là Mít, nó gầy, tóc vàng hoe, đen nhoẻm, gánh một cái đòn gánh bằng cành cây khô, một đầu treo cái can trắng đựng năm lít nước còn đầu kia, gần vai hơn, là một túm gạo.

    Cà Cuống theo sau, nó lùn, béo, tóc đen, chân vòng kiềng. Nó đeo một cái túi màu đỏ có in hình con mèo Kitty đã cũ của chị nó.

    Cái túi Kitty căng phồng, trong đó là một cái màn đơn màu cháo lòng, hai chiếc bánh chưng bé tí, một cuốn sách giáo khoa, hai quả cam, cái chăn chiên đã rách, một đôi giầy. Cà Cuống dự định khi đến thành phố nó sẽ cất đôi dép cũ và đi đôi giầy cho dù nó chưa thực sự quen lắm với việc đi giầy. Mỗi lần đi giầy, chân của nó lại đau không tưởng được. Nhưng cái đôi giầy mới tinh không đi ở phố thì còn đi chỗ nào. Hơn nữa, với đôi giầy nó sẽ chạy nhanh hơn nếu gặp phải sự tàn phá của quái vật.

    Cuộc du lịch khá là mạo hiểm. Ngay từ lúc xuất phát. Với bộ dạng như vậy, chúng sẽ làm nhiều người tò mò. Hai đứa phải đi vào con đường tắt, xuyên qua các vườn cây khô héo được rào bằng cành tre khô.

    Chúng sợ đàn chó nổi giận.

    Khi vượt được đến cánh đồng, khuôn mặt của Cà Cuống đã đỏ lên những vệt gai cào. Chúng lấy lại bình tĩnh bằng cách uống dè sẻn vài ngụm nước giếng trong can và nấp sau những ngôi mộ giữa cánh đồng.

    Khi nấp sau ngôi mộ rất lớn, Cà Cuống quyết định đi giải. Nó mới bắt đầu hành sự thì đã bị Mít lôi ra gí nằm xuống bờ ruộng mà bảo: “Mù à! đây là mộ cụ tổ nhà tao!”.

    Hai đứa chạy vọt sang lùm sim mua, vừa lom khom vừa bò theo trảng sim mua, đi lên ngọn đồi với vô số những nấm mồ không bia.

    Nghỉ thôi. Mít quyết định như vậy. “Chúng ta đã vượt qua những khó khăn đầu tiên”. Mít nằm dưới một cái bệ đá xanh rêu, đầu gối lên túm gạo, hớn hở bảo: “Không ai phát hiện ra cả”. Cà Cuống đến ghé tai nói nhỏ với Mít làm cho Mít lăn đùng ra, mặt xanh như chàm, vội vàng gánh gạo và nước chạy thẳng. Câu nói của Cà Cuống là: “Cái bệ đá này là miếu thờ Bà đấy”.

    Ai cũng biết miếu thờ Bà tối linh thiêng. Bà là người con gái rất đẹp, bị chôn làm thần giữ của. Chỗ của ấy đã bị đào lên lấy hết, nhưng sự linh thiêng của bà vẫn còn mãi. Bà vẫn thường hiện ra, đi dạo trong vùng, đôi khi ghé vào vườn, vào sân nhà. Bà mặc bộ quần áo rất trắng, trắng tinh, sắc đẹp thì không ai nhìn rõ được. Đôi khi bà hóa thân làm một đàn thiên nga bay qua cánh đồng lúc nửa đêm như những vì sao băng lạnh đến ghê người. Những ai vô tình nhìn thấy khuôn mặt đẹp đẽ của bà thì chính thức lãnh án tử hình, sống chờ chết. Đó là điều đương nhiên, một quy luật của tự nhiên.

    Chạy một mạch lên đỉnh đồi, hai đứa ngồi thở. Cà Cuống hỏi: “Mày khóc à”. Mít đáp: “Không!”.

    Mít chỉ lên vai Cà Cuống rồi nói: “Xem kìa! một con bướm xám to đang đậu lên vai mày!”.

    Cà Cuống giật thót mình, nó nhận ra đang ngồi bệt trên một ụ đất mà đến chín mươi phần trăm là một nấm mồ.

    Nhưng nó không thấy con bướm đâu, vấn đề là chỗ đó. Tại sao chỉ một mình Mít nhìn thấy con bướm kỳ lạ?

    Mít đâm ra hoang mang tợn. Nó bảo: “Quay về đi”.

    Đến lượt Cà Cuống phản đối, nó chỉ muốn đi tiếp: “Quay về, sẽ phải đi qua miếu Bà”.

    Thế là hai đứa tiếp tục đứng dậy, đầy phiền não, hướng ra quốc lộ, cặm cụi mà đi.

    Chúng vừa đi vừa nhìn xung quanh, nhìn xuống chân, và nhìn lên trời. Cà Cuống bảo: “Tốt hơn hết là chúng ta nên nhắm mắt lại. Nhưng như thế, chúng ta sẽ không thể đi đến thành phố”.

    Mít tim vẫn còn đập thình thịch. Nó thở ngắn, thở dài, mặt mày lấm lét. Nó không muốn nhìn, nó sợ sẽ nhìn thấy bà. Nó sợ nhìn thấy đàn thiên nga. “Không, nó không muốn nhìn thấy gì hết”.

    Và điều gì đến sẽ phải đến, Mít ngã sấp xuống một vũng trâu đằm, ướt sũng, bê bết, rất may nó vẫn còn kịp giữ cho cái túm gạo khô ráo.

    Cà Cuống lo lắng hỏi: “Mày có nhìn thấy cái gì trăng trắng dưới đáy vũng nước kia không?”.

    Mít miệng hẵng còn đầy bùn: “Không có cái gì trắng cả, tao chỉ thấy vàng khè”.

    Hai đứa thở phào, ngồi dưới gốc cây da.

    Chúng cẩn thận mở nút cái can đầy bùn, chia nhau tu nước.

    Mít bảo: “Mày hãy cầm tai tao đi, sao nó lại giật không ngừng như thế”.

    Cà Cuống vô tư bảo: “Thế thì tai mày là tai trâu”.

    Mít khẩn khoản bảo: “Thỉnh thoảng mày nhìn xem tao có hóa thành trâu không nhé, mày hứa đi”.

    “Tao sẽ nhìn xem”, Cà Cuống rùng mình. Nó không muốn khi trở về từ thành phố lại dắt theo một con trâu đầy bùn.

    Tuy nhiên nó cũng nắm lấy tai của kẻ bây giờ hẵng còn là một con người.

    Nó cảm thấy cái tai rất nóng. Và chẳng biết tay nó hay cái tai hay cả hai thứ đều giật lên tưng tưng.

    Người nó muốn vã mồ hôi ra thêm một lần nữa. Có tai ai lại bật tanh tách thế này. Nhưng nó nghĩ rằng mình không nên làm hoang mang đứa bạn tốt nhất và là người thân nhất của nó trên con đường hành trình gian khổ và hết sức bơ vơ này.

    Nó muốn những gì phải xảy ra sẽ xảy ra chậm nhất, nên nó bảo Mít: “Hãy yên tâm, tai của mày chỉ giật rất nhẹ thôi, phải rất tinh mới nhận ra được. Có lẽ nó chỉ mới ở giai đoạn đầu thôi”.


    Chúng ngồi dưới cây da.

    Cà Cuống nghĩ rằng rất có thể sau này bạn của nó không thể ăn cam được nữa, nên đã bóc cam cho bạn ăn. Mít cảm động, mỗi đứa ăn hết một quả cam. Sau đó, chúng ăn tiếp một cái bánh chưng. “Đường còn xa - Mít nói - hãy để lại một chiếc”.

    Mặt trời đã lên cao. Chúng đã rất mệt. Cả hai đứa dựa vào gốc cây, rồi nằm co quắp ôm lấy rễ cây mà ngủ.

    Thằng Mít mơ thấy nó hóa thành một con trâu. Nó đi về nhà, vào thẳng trong nhà, nhưng mọi người lôi nó ra buộc dưới gốc cây. Nó khóc, nhưng chẳng ai biết hết. Nó gào lên: “Con đây mà!” nhưng âm thanh phát ra chỉ là “ọ ọ ọ”.

    Mẹ nó dúi cho nó một nắm cỏ vào miệng khiến nó câm lặng.

    Bố nó bảo: “Con trâu nhà mình giở chứng, chiều nay gọi người đến bán đi mẹ nó ạ”.

    Nó lại gào lên: “Bố ơi”, nhưng tiếng phát ra trong cổ họng chỉ là “ ự ự”.

    Nó buồn quá, bèn bỏ đi.

    Nó lang thang trên cánh đồng quen thuộc, nơi con đê dài quanh năm chẳng có nước, cứ nứt nẻ ra toác hoác.

    Đói quá, nó nhai thứ cỏ vàng khè, đầy dấu chân người. Và sau đó uống thứ nước đục ngầu đầy váng trong vũng nước đầu làng. Cái làng giờ đây dường như cũng không phải của nó nốt. Những con đỉa đeo lủng lẳng trên mình nó, chán chường rơi xuống.

    Thành phố ư? những trận bóng đá tuyệt vời ư? Có thể nó sẽ không bao giờ xem được nữa.

    Nó phải chờ đến cái thằng Cà Cuống chưa trưởng thành kia, thằng nhãi nhép kia. Cà Cuống phải học cho được những phép thần thông biến hóa, để giúp người bạn chí cốt từ trâu về lại thành người. Nếu không, Cà Cuống sẽ chẳng bao giờ có ai đưa đi xem một trận bóng đá. Nó cần phải hiểu rõ điều đó. Nó phải cố gắng mà học cho được những phép thuật cừ khôi kia. “ọ ọ - Mít gào lên, những âm thanh ấy có nghĩa là - Cà Cuống!”. Nó gào lên trong tuyệt vọng, bởi Cà Cuống là đứa lười học và luôn đội sổ lớp.

    Nó cứ thế, ngày ngày, đứng bên ngoài cửa sổ lớp học nhìn vào, nhìn vào thằng Cà Cuống. “Hãy học đi, và giúp tớ với”. Nước mắt nó ứa ra, những giọt to như viên sạn. Nhưng Cà Cuống, vẫn cứ cái thói quen của nó, phải có cái thước của cô giáo mới đánh thức nó nổi. Thỉnh thoảng lại bốp, cốp.

    Ôi cái đầu, liệu người ta có thể làm gì được với những cái đầu chịu đòn ê chề như thế cơ chứ. Hãy tỉnh dậy đi khỏi những cơn buồn ngủ triền miên. Mít muốn nhắc người bạn hẵng còn làm người, đừng chịu đòn nữa, những con chữ sẽ bị méo đi sau những cú bốp bốp ấy đấy. Nhưng, nó vẫn thế, vẫn không thể điều khiển cơn buồn ngủ của nó được. Nó thật là đứa chẳng ra gì, thậm chí nó không còn nhớ được kẻ đứng ngoài cửa sổ, với cặp sừng cong tuyệt đẹp, là người bạn đã trưởng thành của nó!


    Cà Cuống cũng nằm mơ.

    Nó mơ thấy nó là một đám mây.

    Nó bay trên trời. Nó che cho mẹ nó, bố nó, che cho cả làng, cả ngôi trường xộc xệch với cái sân bóng đá bằng đất nện, che cho quê hương khỏi đợt nắng nóng khủng khiếp này.

    Mọi người chạy ra sân, nhìn lên, vẫy chào nó, gào to sung sướng: “Cà Cuống à! Cà Cuống ơi!”.

    Giải bóng đá của trường lại được tổ chức và lớp của nó sẽ giành giải nhất cho dù vắng hai cầu thủ chủ chốt không lý do.

    Trong đám các cổ động viên hò reo khản cổ dưới chân đồi, nó thấy có cả một con trâu to tướng, nhưng chỉ một sừng thôi, cái sừng lấm lem bùn đất, con trâu đang cố nhảy lên ăn mừng.

    Con trâu, đó chính là người bạn thân nhất của nó, kẻ đồng hành với nó trong chuyến đi vào thành phố. Mít. Vâng, đó là nguyên đội trưởng Mít.

    Bỗng nhiên bác chủ tịch xã đến.

    Bác chỉ con trâu và bảo với mọi người: “Hãy mổ thịt! chúc mừng cho thắng lợi của sự nghiệp giáo dục xã nhà”.

    Mít bỏ chạy.

    “Vất vả lắm nó mới vượt qua được những mảnh vườn rào bằng tre khô, da trầy khắp, nó quá to lớn. Nó chạy ra cánh đồng, nấp sau ngôi mộ tổ và chạy lên cái quả đồi có miếu Bà.

    Đoàn người đuổi theo gấp quá. Những con dao nhọn hua lên sáng lóa khắp nơi. Mít sa xuống vũng nước lớn, đầy bùn. Đoàn người đã đuổi đến.

    Từ trên cao Cà Cuống hóa thân làm trận mưa dữ dội. Nước xối xả, như một dòng sông khổng lồ, cuốn mọi người ai về nhà nấy.

    Cuốn phăng đi dao nhọn và những chiếc loa chạy bằng pin.


    Từ trong vũng nước Mít đứng dậy, trở lại thành người.

    Nó bảo: “Mình phải đi xem một trận đá bóng trong thành phố”.

    Cà Cuống lắc đầu: “Tớ mệt quá rồi”.

    Giữa những quả đồi lúp xúp đầy sim mua, một buổi chiều vàng nắng, trên con đường mòn bé nhỏ, đi trước là Mít, nó gầy, tóc vàng hoe, đen nhoẻm, gánh một cái đòn gánh bằng cành cây khô, một đầu treo cái can trắng đựng năm lít nước còn đầu kia, gần vai hơn, là một túm gạo.

    Cà Cuống theo sau, nó lùn, béo, tóc đen, chân vòng kiềng. Nó đeo một cái túi màu đỏ có in hình con mèo Kitty đã cũ của chị nó.

    Hai đứa đang đi tìm lối ra đường quốc lộ.

    Chúng mệt và đói và chỉ còn vỏn vẹn một cái bánh chưng bé tí cùng một tẹo dòng nước ngọt lịm lấy từ giếng nước đá ong.

    Nhưng chúng vẫn quyết định tiếp tục hành trình đi tìm thành phố, để xem một trận bóng đá ở đó thực sự diễn ra thế nào.


    Những người muốn tin chuyện này là có thực đều tìm thấy cây da cổ thụ trên ngọn đồi đầy cỏ may.

    Bóng cây vẫn in đậm vào ký ức của người trong xóm nhỏ.

    Có điều thay vì nằm ở hướng ra quốc lộ, cây da ấy đích thực là ở trên quả đồi hướng về làng.

    Vài trận lụt đã xói mòn quả đồi và các bạn có thể thấy cây da có hai nhánh rễ lớn trồi lên trên mặt đất, giống hệt hai đứa nhỏ vẫn còn ngủ say.

    ST !
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.
Working...
X