Sắp đến giờ chạy, chiếc xe khách rục rịch khởi động. Nhưng nó chưa chạy ngay mà còn vòng lại phía cổng hậu vét thêm ít khách nữa… Khách vẫn lục tục lên. Bỗng một bé gái gầy gò, chừng tám, chín tuổi, ăn mặc rách rưới, tay dắt một người đàn ông khoảng trên bốn mươi tuổi. Anh ta đội chiếc nón rách lụp xụp che khuất cả khuôn mặt, có lẽ anh bị mù.
Một tay anh nắm tay con, một tay cầm cái gậy chả ra gậy, que chả ra que, vừa đi vừa dò đường. Bước lên xe trước, con bé kéo bố lên theo, rồi lách mọi người vào xe.
Dừng lại trước mấy hàng ghế đầu, con bé lên giọng buồn thượt:
- Thưa bà con cô bác… bố cháu đui què mẻ sứt, chẳng làm được gì… xin bà con nhón tay làm phúc… Bố con cháu xin cảm ơn…
Con bé đọc lầu lầu như một bài học thuộc lòng của học sinh cấp một. Mọi người vẫn ngồi im xì xào trò chuyện. Chưa có mấy ai động lòng, vì đi tàu, đi xe ai mà chẳng quá quen thuộc với những bài ca mòn cũ ấy. Thực ra thì nhiều người đúng là có hoàn cảnh rất đáng thương, nhưng cũng không phải là không có những kẻ lười lao động, giả danh hành khất. Tôi cũng đã đọc được ở đâu đó chuyện một chàng trai què quặt ngồi lê ngửa mũ ăn xin, khi không ai cho đồng nào thì gã cất tiếng chửi tục rồi vụt đứng lên chạy vù đi, còn khỏe hơn nhiều người lành.
Con bé cảm thấy chưa thuyết phục được ai liền cất lời kể lể:
- Mẹ cháu bỏ bố cháu đi theo một người giàu, để bố con cháu bơ vơ phải lang thang thế này đấy ạ… Xin bà con thương tình…
Con bé trông cũng kháu, đôi mắt sáng vẻ linh lợi thế mà phải bỏ học dắt bố đi thế này thì cũng đến tội. Vậy mà vẫn chưa có ai muốn tin lời nó. Tôi ngồi ghế đầu, ngay bên nó nên tôi liền nắm tay nó hỏi:
- Bố cháu là thương binh à?
Con bé lắc đầu:
- Dạ không… ạ… Bố cháu đi làm cho một cửa hàng sắt chuyên làm cửa xếp, chả biết thế nào mà bị sắt bắn vào nên bị mù cả hai mắt… Thế là chẳng làm gì được nữa… Trước bố cháu làm được nhiều tiền thì cửa nhà vui vẻ lắm, chúng cháu được đi học rất chu đáo. Từ ngày bố cháu bị mù, gia đình đâm ra lục đục. Mẹ cháu sinh ra cáu bẳn. Nhiều lúc mẹ cháu còn mắng bố cháu là "đồ mù đui" rồi còn rủa bố cháu là chết quách đi cho rảnh… Thế rồi mẹ cháu còn đòi bỏ bố cháu bằng được… Có ít tiền tiết kiệm của bố cháu, mẹ cháu cũng lấy sạch rồi theo người yêu cũ hiện là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân…
Con bé nói năng hoạt bát, rõ ràng mạch lạc. Có lẽ bố nó dạy cho và mặt khác, suốt ngày quanh quẩn chỉ có bấy nhiêu câu nên nó đã thuộc lòng. Nhiều người bấy giờ mới chú ý nghe nó nói.
Nó dừng nghỉ hơi rồi nép vào người bố. Người đàn ông liền lên tiếng đỡ lời cho con:
- Dạ thưa bà con… đúng thế đấy ạ… Khi vợ chồng tôi ly dị nhau thì thằng lớn cô ấy nhận nhưng nó nhất định không chịu đi theo mẹ, nay vẫn ở với tôi. Nó phải ở nhà đi học và chăm sóc bà nội trên tám mươi tuổi luôn ốm đau bệnh tật…
Đến đấy thì nhiều người mới tỏ ra tin lời bố con anh ta. Một số bàn tay đã động đậy như muốn đưa tay móc túi tìm tiền lẻ. Nhiều người vẫn còn chần chừ. Đến khi thấy tôi mở ví rút ra tờ mười nghìn bỏ vào cái mũ vải cũ xám bẩn con bé đang chìa trước mặt thì nhiều người mới theo nhau móc túi lấy tiền cho nó. Con bé cảm ơn rối rít. Đôi mắt nó sáng lên và cũng rưng rưng cảm động.
Nó lại tiếp tục dắt bố đi xuống phía cuối xe.
Trong xe nổi lên nhiều tiếng xôn xao bàn luận:
- Sao mà có người nhẫn tâm đến thế nhỉ?
- Vợ chồng tình nghĩa tao khang… vậy mà đến lúc khó khăn hoạn nạn lại bỏ nhau. Đang tâm đến thế là cùng… Những loại ấy thì không "vô nhân đả" cũng "tắc thiên đả" thôi…
Có người còn tỏ ra căm phẫn cao độ:
- Loại ấy thì sống mà làm gì… Không bằng loại cầm thú. Vào tay tôi ấy à… tôi cứ cho một gậy rồi muốn ra sao thì ra.
Có người tò mò hỏi:
- Thế mụ ta theo tay tình cũ thì thế nào, chắc là sung sướng lắm nhỉ?
Người đàn ông bấy giờ mới nhấc chiếc nón ra. Anh khe khẽ phe phẩy quạt rồi ngẩng mặt lên trước mọi người. Ai nấy đều cảm động khi thấy hai con mắt anh sâu lõm, mù tịt. Trông nét mặt anh vui hẳn lên, có lẽ vì anh biết bà con có phần cảm thương cho mình. Anh nói khẽ:
- Thưa bà con... thế mà cô ta cũng có sung sướng gì đâu. Tay giám đốc tự phong kia… vợ con đã đề huề. Đời nào vợ con anh ta để cho cô ấy yên. Họ đã kéo đến đánh cho cô ta một trận thừa sống thiếu chết. Cô ta chẳng dám vác mặt về làng nữa. Nghe đâu dạo này cô ta cũng bỏ đi lang thang buôn chuyến vặt… hay sao ấy mà…
Khi ấy tôi thấy ở hàng trên có một phụ nữ ngồi gục mặt xuống hai đùi, nhiều người không để ý, chỉ có tôi ngồi gần mới thấy. Đầu chị ta trùm một chiếc khăn thêu cũ kỹ như những chiếc khăn của bà con dân tộc bày bán ở Sapa, nên tôi cũng không rõ mặt. Mà hình như chị ta chỉ ngồi gục mặt như vậy từ khi có bố con người ăn xin bước lên xe thì phải.
Bố con anh hành khất được bà con cho đã kha khá tiền. Trông hai bố con đã vui lắm. Con bé dắt bố xuống cuối xe rồi lại vòng lên. Khi bố con con bé vừa đến gần thì người đàn bà ngồi gục mặt liền đứng vụt dậy. Chiếc khăn vẫn che gần hết khuôn mặt. Chị ta lập cập dúi vội vào cái mũ vải của con bé một nắm tiền rồi bước vụt xuống xe. Con bé ngơ ngác chẳng kịp nói lời cảm ơn.
Xung quanh lại có nhiều tiếng cất lên. Có người xuýt xoa:
- Trời, bà ta cho nhiều tiền quá... Cháu đếm xem nào... Dễ có đến bốn năm tờ loại hai mươi nghìn, năm mươi nghìn đồng ấy nhỉ.
Con bé không đếm tiền mà vẫn mải nhìn theo cái bóng người phụ nữ chạy lao xuống xe như bị tà đuổi. Khi cái bóng người ấy biến nhanh giữa đám đông, nó mới quay lại vui vẻ nhìn mọi người. Hai bố con anh ăn xin cúi đầu chào, nói lời cảm ơn lần cuối trước mọi người rồi cũng lật đật dắt nhau bước xuống xe.
Vì câu chuyện của bố con người ăn xin mà mọi người quên cả chuyện giục ông tài cho xe chạy. Ai cũng mừng cho bố con anh ta. Đến khi chiếc xe chuẩn bị chuyển bánh thì có một cô gái trẻ bước vội lên. Tay vừa mới bám vào cửa xe, cô gái đã bô bô nói:
- Gớm, bà con ạ... ngoài kia có vụ tai nạn xe máy ghê quá. Có một phụ nữ chả biết vội gì mà chạy cứ như bị ma đuổi, đến nỗi đâm sầm vào một chiếc xe máy đang phóng nhanh...
- Thế có việc gì không? - Nhiều người cùng nhao nhao hỏi.
- Chả biết cụ thể thế nào, vì người vòng trong, vòng ngoài đông lắm... Cháu chỉ thấy người ta giục đưa đi viện ngay, không thì không kịp...
Cô gái bước vào xe. Câu chuyện tai nạn ấy cũng nhanh lắng xuống vì bây giờ tai nạn giao thông không còn là chuyện xa lạ gì. Nhưng khi chiếc xe vừa chuyển bánh thì ông tài xế như sực nhớ ra điều gì đó. Ông ta liền dừng tay lái, quay xuống hỏi mọi người:
- Ơ... cái chị vừa lao xuống xe sao chưa lên... bà con nhỉ?
- Thôi, bà ta không đi xe này thì đi xe khác, kệ bà ta. Chuyển bánh đi bác tài. Sốt cả ruột!
Ông tài xế càu nhàu:
- Nhưng hai bao hàng của bà ta còn xếp trên mui xe mà...
- Thế thì làm sao được bây giờ? - Mọi người ngao ngán, sợ có chuyện lôi thôi lại mất thời gian...
Ông tài xế nhíu trán suy nghĩ nhưng cũng chưa biết phải làm thế nào...
ST ! (Tác Giả: Thanh Thản )
Một tay anh nắm tay con, một tay cầm cái gậy chả ra gậy, que chả ra que, vừa đi vừa dò đường. Bước lên xe trước, con bé kéo bố lên theo, rồi lách mọi người vào xe.
Dừng lại trước mấy hàng ghế đầu, con bé lên giọng buồn thượt:
- Thưa bà con cô bác… bố cháu đui què mẻ sứt, chẳng làm được gì… xin bà con nhón tay làm phúc… Bố con cháu xin cảm ơn…
Con bé đọc lầu lầu như một bài học thuộc lòng của học sinh cấp một. Mọi người vẫn ngồi im xì xào trò chuyện. Chưa có mấy ai động lòng, vì đi tàu, đi xe ai mà chẳng quá quen thuộc với những bài ca mòn cũ ấy. Thực ra thì nhiều người đúng là có hoàn cảnh rất đáng thương, nhưng cũng không phải là không có những kẻ lười lao động, giả danh hành khất. Tôi cũng đã đọc được ở đâu đó chuyện một chàng trai què quặt ngồi lê ngửa mũ ăn xin, khi không ai cho đồng nào thì gã cất tiếng chửi tục rồi vụt đứng lên chạy vù đi, còn khỏe hơn nhiều người lành.
Con bé cảm thấy chưa thuyết phục được ai liền cất lời kể lể:
- Mẹ cháu bỏ bố cháu đi theo một người giàu, để bố con cháu bơ vơ phải lang thang thế này đấy ạ… Xin bà con thương tình…
Con bé trông cũng kháu, đôi mắt sáng vẻ linh lợi thế mà phải bỏ học dắt bố đi thế này thì cũng đến tội. Vậy mà vẫn chưa có ai muốn tin lời nó. Tôi ngồi ghế đầu, ngay bên nó nên tôi liền nắm tay nó hỏi:
- Bố cháu là thương binh à?
Con bé lắc đầu:
- Dạ không… ạ… Bố cháu đi làm cho một cửa hàng sắt chuyên làm cửa xếp, chả biết thế nào mà bị sắt bắn vào nên bị mù cả hai mắt… Thế là chẳng làm gì được nữa… Trước bố cháu làm được nhiều tiền thì cửa nhà vui vẻ lắm, chúng cháu được đi học rất chu đáo. Từ ngày bố cháu bị mù, gia đình đâm ra lục đục. Mẹ cháu sinh ra cáu bẳn. Nhiều lúc mẹ cháu còn mắng bố cháu là "đồ mù đui" rồi còn rủa bố cháu là chết quách đi cho rảnh… Thế rồi mẹ cháu còn đòi bỏ bố cháu bằng được… Có ít tiền tiết kiệm của bố cháu, mẹ cháu cũng lấy sạch rồi theo người yêu cũ hiện là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân…
Con bé nói năng hoạt bát, rõ ràng mạch lạc. Có lẽ bố nó dạy cho và mặt khác, suốt ngày quanh quẩn chỉ có bấy nhiêu câu nên nó đã thuộc lòng. Nhiều người bấy giờ mới chú ý nghe nó nói.
Nó dừng nghỉ hơi rồi nép vào người bố. Người đàn ông liền lên tiếng đỡ lời cho con:
- Dạ thưa bà con… đúng thế đấy ạ… Khi vợ chồng tôi ly dị nhau thì thằng lớn cô ấy nhận nhưng nó nhất định không chịu đi theo mẹ, nay vẫn ở với tôi. Nó phải ở nhà đi học và chăm sóc bà nội trên tám mươi tuổi luôn ốm đau bệnh tật…
Đến đấy thì nhiều người mới tỏ ra tin lời bố con anh ta. Một số bàn tay đã động đậy như muốn đưa tay móc túi tìm tiền lẻ. Nhiều người vẫn còn chần chừ. Đến khi thấy tôi mở ví rút ra tờ mười nghìn bỏ vào cái mũ vải cũ xám bẩn con bé đang chìa trước mặt thì nhiều người mới theo nhau móc túi lấy tiền cho nó. Con bé cảm ơn rối rít. Đôi mắt nó sáng lên và cũng rưng rưng cảm động.
Nó lại tiếp tục dắt bố đi xuống phía cuối xe.
Trong xe nổi lên nhiều tiếng xôn xao bàn luận:
- Sao mà có người nhẫn tâm đến thế nhỉ?
- Vợ chồng tình nghĩa tao khang… vậy mà đến lúc khó khăn hoạn nạn lại bỏ nhau. Đang tâm đến thế là cùng… Những loại ấy thì không "vô nhân đả" cũng "tắc thiên đả" thôi…
Có người còn tỏ ra căm phẫn cao độ:
- Loại ấy thì sống mà làm gì… Không bằng loại cầm thú. Vào tay tôi ấy à… tôi cứ cho một gậy rồi muốn ra sao thì ra.
Có người tò mò hỏi:
- Thế mụ ta theo tay tình cũ thì thế nào, chắc là sung sướng lắm nhỉ?
Người đàn ông bấy giờ mới nhấc chiếc nón ra. Anh khe khẽ phe phẩy quạt rồi ngẩng mặt lên trước mọi người. Ai nấy đều cảm động khi thấy hai con mắt anh sâu lõm, mù tịt. Trông nét mặt anh vui hẳn lên, có lẽ vì anh biết bà con có phần cảm thương cho mình. Anh nói khẽ:
- Thưa bà con... thế mà cô ta cũng có sung sướng gì đâu. Tay giám đốc tự phong kia… vợ con đã đề huề. Đời nào vợ con anh ta để cho cô ấy yên. Họ đã kéo đến đánh cho cô ta một trận thừa sống thiếu chết. Cô ta chẳng dám vác mặt về làng nữa. Nghe đâu dạo này cô ta cũng bỏ đi lang thang buôn chuyến vặt… hay sao ấy mà…
Khi ấy tôi thấy ở hàng trên có một phụ nữ ngồi gục mặt xuống hai đùi, nhiều người không để ý, chỉ có tôi ngồi gần mới thấy. Đầu chị ta trùm một chiếc khăn thêu cũ kỹ như những chiếc khăn của bà con dân tộc bày bán ở Sapa, nên tôi cũng không rõ mặt. Mà hình như chị ta chỉ ngồi gục mặt như vậy từ khi có bố con người ăn xin bước lên xe thì phải.
Bố con anh hành khất được bà con cho đã kha khá tiền. Trông hai bố con đã vui lắm. Con bé dắt bố xuống cuối xe rồi lại vòng lên. Khi bố con con bé vừa đến gần thì người đàn bà ngồi gục mặt liền đứng vụt dậy. Chiếc khăn vẫn che gần hết khuôn mặt. Chị ta lập cập dúi vội vào cái mũ vải của con bé một nắm tiền rồi bước vụt xuống xe. Con bé ngơ ngác chẳng kịp nói lời cảm ơn.
Xung quanh lại có nhiều tiếng cất lên. Có người xuýt xoa:
- Trời, bà ta cho nhiều tiền quá... Cháu đếm xem nào... Dễ có đến bốn năm tờ loại hai mươi nghìn, năm mươi nghìn đồng ấy nhỉ.
Con bé không đếm tiền mà vẫn mải nhìn theo cái bóng người phụ nữ chạy lao xuống xe như bị tà đuổi. Khi cái bóng người ấy biến nhanh giữa đám đông, nó mới quay lại vui vẻ nhìn mọi người. Hai bố con anh ăn xin cúi đầu chào, nói lời cảm ơn lần cuối trước mọi người rồi cũng lật đật dắt nhau bước xuống xe.
Vì câu chuyện của bố con người ăn xin mà mọi người quên cả chuyện giục ông tài cho xe chạy. Ai cũng mừng cho bố con anh ta. Đến khi chiếc xe chuẩn bị chuyển bánh thì có một cô gái trẻ bước vội lên. Tay vừa mới bám vào cửa xe, cô gái đã bô bô nói:
- Gớm, bà con ạ... ngoài kia có vụ tai nạn xe máy ghê quá. Có một phụ nữ chả biết vội gì mà chạy cứ như bị ma đuổi, đến nỗi đâm sầm vào một chiếc xe máy đang phóng nhanh...
- Thế có việc gì không? - Nhiều người cùng nhao nhao hỏi.
- Chả biết cụ thể thế nào, vì người vòng trong, vòng ngoài đông lắm... Cháu chỉ thấy người ta giục đưa đi viện ngay, không thì không kịp...
Cô gái bước vào xe. Câu chuyện tai nạn ấy cũng nhanh lắng xuống vì bây giờ tai nạn giao thông không còn là chuyện xa lạ gì. Nhưng khi chiếc xe vừa chuyển bánh thì ông tài xế như sực nhớ ra điều gì đó. Ông ta liền dừng tay lái, quay xuống hỏi mọi người:
- Ơ... cái chị vừa lao xuống xe sao chưa lên... bà con nhỉ?
- Thôi, bà ta không đi xe này thì đi xe khác, kệ bà ta. Chuyển bánh đi bác tài. Sốt cả ruột!
Ông tài xế càu nhàu:
- Nhưng hai bao hàng của bà ta còn xếp trên mui xe mà...
- Thế thì làm sao được bây giờ? - Mọi người ngao ngán, sợ có chuyện lôi thôi lại mất thời gian...
Ông tài xế nhíu trán suy nghĩ nhưng cũng chưa biết phải làm thế nào...
ST ! (Tác Giả: Thanh Thản )