Giảng đường, giờ ra chơi
- Thầy ơi!… - Tiếng con bé lảnh lót – Thầy ơi, chữ này là chữ gì hả thầy?
- Đâu? Chữ nào?
- Chữ này này – Con bé chỉ ngón tay búp măng có móng nhọn hoắt vào giữa trang giáo trình Hán ngữ.
- À, đây là hai chữ “tự do”.
- Thế còn chữ này nữa? - Con bé dịch ngón tay xuống phía dưới, nơi có hai chữ đã được gạch chân nắn nót bằng chiếc bút dạ kim đắt tiền.
- Đây là chữ “ái nhân” nghĩa là … - Thầy đỏ mặt.
- Nghĩa là gì hả thầy? - Nó vẫn hồn nhiên gặng hỏi bởi đây là những ngày đầu tiên trong đời sinh viên nó được làm quen với chữ Hán cổ.
- Nghĩa là … là… “ người… người…” - Thầy ấp úng mãi không thành câu.
- Thầy! Thầy nói đi để em dịch nốt bài này - Nó nài nỉ.
- Tôi quên mất rồi, thôi cho tôi khất đến mai.
- Ứ ừ! Em cần bây giờ kia. Nếu thầy không nói thì hôm nay về em... xuống tóc cho mà xem!
- Ấy, đừng có dại - Thầy vội vã - Cô còn trẻ phải đi học chứ.
- Nhưng thầy phải nói chữ đó là gì cơ.
- Thôi được!... - Thầy kéo tờ giấy trắng trên bàn và vội vã ghi: “ái nhân = người yêu”. Rồi thầy bỏ chạy ra ngoài, tà áo nâu lẩn quẩn cứ quấn lấy chân. Con bé bỗng chợt giật mình về nghĩa của hai từ quái đản mà nó vừa gặng hỏi thầy.
Nó tên là Lan, học cùng lớp với thầy. Lan xinh nhất lớp nhưng cũng là kẻ to mồm, hay nói hay cười trong lớp. Nhà Lan ở gần trường nhưng chẳng bao giờ nó đến lớp sớm nhất cả. Hôm nào cũng vậy, khi nó vừa đặt chân vào cửa lớp thì đã thấy thầy ngồi ở đấy - dãy bàn dành riêng cho những sinh viên dự thính, ở trên cùng. Và cũng như mọi hôm, vừa nhìn thấy nó thầy đã “sổ” ra một câu chào bằng tiếng Trung Quốc “Ní hảo” (Chào cô) khiến nó phải đáp lại: “Lảo shi hảo” (Chào thầy). Một hôm, nó cố tình không chào lại, chỉ bật cười lanh lảnh, bởi bốn năm rồi ngày nào cũng thế.
Thầy đã lên chức sư ông. Nhà chùa cử thầy đi học để lấy trình độ đại học, khi có điều kiện sẽ học cao hơn.
Lan quen thầy từ năm thứ nhất, nó hay bắt thầy đọc và dịch nghĩa từ. Nó chơi rất thân với thầy. Còn thầy, trừ những lúc tụng kinh niệm Phật thì cũng hoà vào nhịp sống sinh viên. Thầy coi tất cả là bạn. Những ngày rằm, mùng một thầy thường mang lộc nhà chùa tới chia đều cho cả lớp. Nhưng từ năm thứ ba, thầy mang lộc cho mình Lan, thầy chơi thân mật hơn và thỉnh thoảng cũng ghé nhà nó chơi.
Thầy vào chùa từ khi lên bảy tuổi với lý do là bố mẹ bỏ nhau. Được nhà chùa dạy chữ nho cho từ đấy thành thử thầy biết nhiều chữ nho và viết rất đẹp. Lan mê chữ của thầy, nó bắt thầy dạy cách viết, bắt thầy đi chọn bút lông cho nó. Nó thừa biết rằng, thầy nửa ngày phải đi học, còn nửa ngày phải về chùa lễ Phật nhưng vẫn bắt thầy đưa đi lễ khắp các chùa. Lan bảo: “Đi bên thầy mọi sự đều suôn sẻ”. Thỉnh thoảng Lan cũng ở lại ăn cơm chay cùng nhà chùa: “Cơm chay ngon lắm...”.
Thầy làm sinh viên với bộ áo dài sẫm màu trong khi tụi con gái lại thướt tha với bộ áo dài trắng muốt. Sau hai năm học, thầy đi sâu vào chuyên ngành Hán. Lan cũng vậy. Nó học theo thầy để sau khi tốt nghiệp sẽ xin vào Viện Hán Nôm. Càng những tháng cuối cùng, chương trình học càng khó, lại hay phải đi thực tế nhiều. Lan thường về những nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích cổ, nhiều câu đối, văn bia... Trong đó có cả chùa mà thầy đang ngụ.
Lan kém thầy bốn tuổi. Tuổi Thìn. Bốn năm đại học nghĩa là có bốn lần sinh nhật. Và thầy cũng thế. Ba lần sinh nhật trước, lần nào thầy cũng đến sớm nhất, mỗi lần thầy tặng nó một món quà, gói cẩn thận, đẹp đến kỳ lạ. Năm nào cũng vậy, vẫn câu nói “bất hủ”: “sinh nhật cô, nhà chùa chẳng có gì, nhà chùa có món quà nho nhỏ mong cô nhận lấy...”. Chỉ có bấy nhiêu lời nhưng thầy nói mãi mới xong. Thầy ngồi một lát, nó mở chai nước suối mời thầy. Thầy uống. Rồi thầy xin phép ra về. Nó tiễn thầy ra cổng, thế thôi.
Tối này là sinh nhật cuối cùng trong đời sinh viên của nó. Thầy vẫn đến sớm nhất, mặc dù nó không hề báo thầy. Vẫn những lời nói ấy, món quà ấy, cử chỉ ấy nhưng ánh mắt thì khác, lưu luyến hơn. Và hôm nay là lần đầu tiên thầy ngồi lâu đến thế, tận khi đám bạn kéo đến đã có đứa đứng dậy ra về thì thầy mới xin phép ra về. Lan lại tiễn thầy. Thầy đứng lại ở cổng một lát, nắm lấy tay nó, định nói điều gì đó nhưng sợ đám bạn ở trong chờ lâu, lại thôi. Tay con bé run run. Người con bé cũng run run. Hình như thầy cũng nhận thấy điều đó! Rồi thầy buông tay nó. Chào nó và lên xe nổ máy về chùa. Lan tần ngần nhìn theo tà áo dài bay phấp phới, thảng lại rõ hơn khi chiếc xe đi qua ngọn đèn cao áp. Đợi đến khi bóng thầy khuất hẳn Lan mới vào nhà.
Thầy sinh nhật sau nó một tháng. Vào tháng tám. Bốn lần thầy sinh nhật nó tặng thầy bốn bộ áo dài nâu do chính tay nó cắt may. Nó cũng gói cẩn thận, xinh xắn không kém nhưng đến chùa – nơi thầy ở – nó chẳng nói được gì. Chỉ im lặng. Và về khi mọi người đã về hết.
Bốn năm đại học trôi qua, lúc chập chạp, lúc nhanh chóng. Thầy và Lan cùng tốt nghiệp loại khá. Cả hai cùng sung sướng vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề. Sau đó, thầy trở về với cuộc sống nhà chùa. Ngay sau đó, với tấm bằng đại học, thầy tiếp tục được nhà chùa cử đi học một năm ở Ấn Độ. Còn Lan về làm việc ở Viện Hán Nôm, giống in như ước mơ hồi còn là sinh viên.
Ngày thầy đi học nước ngoài, Lan tiễn thầy ra sân bay Nội Bài. Thầy an ủi nhiều nhưng nó vẫn buồn. Nó khóc… thầy cũng rơm rớm bờ mi. máy bay rùng mình và mất hút vào cuối đường băng. Lan đứng nhìn, mãi rồi nó mới quay về. Sau đó ít ngày, Lan nhận được thư của thầy gửi về từ Ấn Độ. Rồi nó viết thư hồi âm. Cứ thế, hàng tháng cả hai đều nhận được thư nhau.
Hết một năm du học, thầy hoàn thành nhiệm vụ trở về. Ngày thầy về, nó không biết để đón. Ngay sáng hôm sau thầy đến tìm nó ở nơi làm việc. Thầy mang quà cho nó. Toàn những cái mà đêm qua nó mơ thấy, nó thích. Lan ngạc nhiên vô chừng, vừa cười, vừa chạy ra ôm chầm lấy. Thầy cũng mừng, cũng vậy…
Sau khi về nước được một thời gian, thầy không còn ở chùa nữa. Thầy mua nhà riêng ở mặt phố, cách nhà con bé không xa. Từ đó thầy ít về chùa tụng kinh niệm Phật như trước. Rồi thầy bỏ hẳn. Bỏ không gian êm đềm với khói trầm nghi ngút. Bỏ bộ áo nâu đã khoác trên mình gần hai mươi năm qua… Thầy để tóc như những người thanh niên bình thường… Thầy đi giày đen, uống rượu… Thầy vào quán thẫn thờ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn… Rồi thầy năng đến với con bé…
ST ! ( Tác Giả: Nguyễn Thanh Bình )
- Thầy ơi!… - Tiếng con bé lảnh lót – Thầy ơi, chữ này là chữ gì hả thầy?
- Đâu? Chữ nào?
- Chữ này này – Con bé chỉ ngón tay búp măng có móng nhọn hoắt vào giữa trang giáo trình Hán ngữ.
- À, đây là hai chữ “tự do”.
- Thế còn chữ này nữa? - Con bé dịch ngón tay xuống phía dưới, nơi có hai chữ đã được gạch chân nắn nót bằng chiếc bút dạ kim đắt tiền.
- Đây là chữ “ái nhân” nghĩa là … - Thầy đỏ mặt.
- Nghĩa là gì hả thầy? - Nó vẫn hồn nhiên gặng hỏi bởi đây là những ngày đầu tiên trong đời sinh viên nó được làm quen với chữ Hán cổ.
- Nghĩa là … là… “ người… người…” - Thầy ấp úng mãi không thành câu.
- Thầy! Thầy nói đi để em dịch nốt bài này - Nó nài nỉ.
- Tôi quên mất rồi, thôi cho tôi khất đến mai.
- Ứ ừ! Em cần bây giờ kia. Nếu thầy không nói thì hôm nay về em... xuống tóc cho mà xem!
- Ấy, đừng có dại - Thầy vội vã - Cô còn trẻ phải đi học chứ.
- Nhưng thầy phải nói chữ đó là gì cơ.
- Thôi được!... - Thầy kéo tờ giấy trắng trên bàn và vội vã ghi: “ái nhân = người yêu”. Rồi thầy bỏ chạy ra ngoài, tà áo nâu lẩn quẩn cứ quấn lấy chân. Con bé bỗng chợt giật mình về nghĩa của hai từ quái đản mà nó vừa gặng hỏi thầy.
Nó tên là Lan, học cùng lớp với thầy. Lan xinh nhất lớp nhưng cũng là kẻ to mồm, hay nói hay cười trong lớp. Nhà Lan ở gần trường nhưng chẳng bao giờ nó đến lớp sớm nhất cả. Hôm nào cũng vậy, khi nó vừa đặt chân vào cửa lớp thì đã thấy thầy ngồi ở đấy - dãy bàn dành riêng cho những sinh viên dự thính, ở trên cùng. Và cũng như mọi hôm, vừa nhìn thấy nó thầy đã “sổ” ra một câu chào bằng tiếng Trung Quốc “Ní hảo” (Chào cô) khiến nó phải đáp lại: “Lảo shi hảo” (Chào thầy). Một hôm, nó cố tình không chào lại, chỉ bật cười lanh lảnh, bởi bốn năm rồi ngày nào cũng thế.
Thầy đã lên chức sư ông. Nhà chùa cử thầy đi học để lấy trình độ đại học, khi có điều kiện sẽ học cao hơn.
Lan quen thầy từ năm thứ nhất, nó hay bắt thầy đọc và dịch nghĩa từ. Nó chơi rất thân với thầy. Còn thầy, trừ những lúc tụng kinh niệm Phật thì cũng hoà vào nhịp sống sinh viên. Thầy coi tất cả là bạn. Những ngày rằm, mùng một thầy thường mang lộc nhà chùa tới chia đều cho cả lớp. Nhưng từ năm thứ ba, thầy mang lộc cho mình Lan, thầy chơi thân mật hơn và thỉnh thoảng cũng ghé nhà nó chơi.
Thầy vào chùa từ khi lên bảy tuổi với lý do là bố mẹ bỏ nhau. Được nhà chùa dạy chữ nho cho từ đấy thành thử thầy biết nhiều chữ nho và viết rất đẹp. Lan mê chữ của thầy, nó bắt thầy dạy cách viết, bắt thầy đi chọn bút lông cho nó. Nó thừa biết rằng, thầy nửa ngày phải đi học, còn nửa ngày phải về chùa lễ Phật nhưng vẫn bắt thầy đưa đi lễ khắp các chùa. Lan bảo: “Đi bên thầy mọi sự đều suôn sẻ”. Thỉnh thoảng Lan cũng ở lại ăn cơm chay cùng nhà chùa: “Cơm chay ngon lắm...”.
Thầy làm sinh viên với bộ áo dài sẫm màu trong khi tụi con gái lại thướt tha với bộ áo dài trắng muốt. Sau hai năm học, thầy đi sâu vào chuyên ngành Hán. Lan cũng vậy. Nó học theo thầy để sau khi tốt nghiệp sẽ xin vào Viện Hán Nôm. Càng những tháng cuối cùng, chương trình học càng khó, lại hay phải đi thực tế nhiều. Lan thường về những nơi còn lưu giữ nhiều dấu tích cổ, nhiều câu đối, văn bia... Trong đó có cả chùa mà thầy đang ngụ.
Lan kém thầy bốn tuổi. Tuổi Thìn. Bốn năm đại học nghĩa là có bốn lần sinh nhật. Và thầy cũng thế. Ba lần sinh nhật trước, lần nào thầy cũng đến sớm nhất, mỗi lần thầy tặng nó một món quà, gói cẩn thận, đẹp đến kỳ lạ. Năm nào cũng vậy, vẫn câu nói “bất hủ”: “sinh nhật cô, nhà chùa chẳng có gì, nhà chùa có món quà nho nhỏ mong cô nhận lấy...”. Chỉ có bấy nhiêu lời nhưng thầy nói mãi mới xong. Thầy ngồi một lát, nó mở chai nước suối mời thầy. Thầy uống. Rồi thầy xin phép ra về. Nó tiễn thầy ra cổng, thế thôi.
Tối này là sinh nhật cuối cùng trong đời sinh viên của nó. Thầy vẫn đến sớm nhất, mặc dù nó không hề báo thầy. Vẫn những lời nói ấy, món quà ấy, cử chỉ ấy nhưng ánh mắt thì khác, lưu luyến hơn. Và hôm nay là lần đầu tiên thầy ngồi lâu đến thế, tận khi đám bạn kéo đến đã có đứa đứng dậy ra về thì thầy mới xin phép ra về. Lan lại tiễn thầy. Thầy đứng lại ở cổng một lát, nắm lấy tay nó, định nói điều gì đó nhưng sợ đám bạn ở trong chờ lâu, lại thôi. Tay con bé run run. Người con bé cũng run run. Hình như thầy cũng nhận thấy điều đó! Rồi thầy buông tay nó. Chào nó và lên xe nổ máy về chùa. Lan tần ngần nhìn theo tà áo dài bay phấp phới, thảng lại rõ hơn khi chiếc xe đi qua ngọn đèn cao áp. Đợi đến khi bóng thầy khuất hẳn Lan mới vào nhà.
Thầy sinh nhật sau nó một tháng. Vào tháng tám. Bốn lần thầy sinh nhật nó tặng thầy bốn bộ áo dài nâu do chính tay nó cắt may. Nó cũng gói cẩn thận, xinh xắn không kém nhưng đến chùa – nơi thầy ở – nó chẳng nói được gì. Chỉ im lặng. Và về khi mọi người đã về hết.
Bốn năm đại học trôi qua, lúc chập chạp, lúc nhanh chóng. Thầy và Lan cùng tốt nghiệp loại khá. Cả hai cùng sung sướng vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề. Sau đó, thầy trở về với cuộc sống nhà chùa. Ngay sau đó, với tấm bằng đại học, thầy tiếp tục được nhà chùa cử đi học một năm ở Ấn Độ. Còn Lan về làm việc ở Viện Hán Nôm, giống in như ước mơ hồi còn là sinh viên.
Ngày thầy đi học nước ngoài, Lan tiễn thầy ra sân bay Nội Bài. Thầy an ủi nhiều nhưng nó vẫn buồn. Nó khóc… thầy cũng rơm rớm bờ mi. máy bay rùng mình và mất hút vào cuối đường băng. Lan đứng nhìn, mãi rồi nó mới quay về. Sau đó ít ngày, Lan nhận được thư của thầy gửi về từ Ấn Độ. Rồi nó viết thư hồi âm. Cứ thế, hàng tháng cả hai đều nhận được thư nhau.
Hết một năm du học, thầy hoàn thành nhiệm vụ trở về. Ngày thầy về, nó không biết để đón. Ngay sáng hôm sau thầy đến tìm nó ở nơi làm việc. Thầy mang quà cho nó. Toàn những cái mà đêm qua nó mơ thấy, nó thích. Lan ngạc nhiên vô chừng, vừa cười, vừa chạy ra ôm chầm lấy. Thầy cũng mừng, cũng vậy…
Sau khi về nước được một thời gian, thầy không còn ở chùa nữa. Thầy mua nhà riêng ở mặt phố, cách nhà con bé không xa. Từ đó thầy ít về chùa tụng kinh niệm Phật như trước. Rồi thầy bỏ hẳn. Bỏ không gian êm đềm với khói trầm nghi ngút. Bỏ bộ áo nâu đã khoác trên mình gần hai mươi năm qua… Thầy để tóc như những người thanh niên bình thường… Thầy đi giày đen, uống rượu… Thầy vào quán thẫn thờ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn… Rồi thầy năng đến với con bé…
ST ! ( Tác Giả: Nguyễn Thanh Bình )