Mạnh tới trước, nhưng nhường bước cho một toán nữ sinh. Một cô học trò hỏi bà cụ đang ngồi phía trước, trên một chiếc ghế đẩu, để dán lại một chiếc quạt rách.
- Có quyển Chiêu Lỳ không cụ ?
Bà cụ day vào trong, gọi chồng đang ngồi xếp bằng trên một chiếc đi văng hẹp đặt ở trong cùng để hút thuốc lào, kính già xệ xuống sóng mũi lão.
- Có quyển Chiêu Lỳ không ông ?
Ông cụ thổi khói ra, tưởng chừng như không bao giờ hết, và trông cứ như ông làm trò ảo thuật nuốt khói, chứa sẵn trong người rất nhiều bằng mánh lới nào đó không rõ. Đoạn ông vừa thông điếu vừa cười nói, giọng nhừa nhựa:
- Chiêu Lý chớ cái gì mà Chiêu Lỳ ! Hỏi Hồng.
Cô Hồng mãi miết đọc tiểu thuyết sau quầy, mẹ hỏi mà không hay biết và không trả lời. Các cô nữ sinh biết tánh cô con gái của chủ hiệu nên không buồn hỏi cô ta cái gì lần nào hết. Bọn học trò con gái rúc rích cười với nhau. Họ vẫn biết kính lão, nhưng trẻ tính và tinh nghịch. Họ không nín được trước lối đặt tên sách ứng khẩu một cách kỳ dị của hai vợ chồng ông lão.
Một cô nói đùa khe khẽ với bạn:
- Hay là Chiểu Lỵ đó cậu ?
- Bậy, chính đúng là Chiều Ly, Chiều ly biệt mà.
Rồi cả bọn cười xòa.
Ông cụ biết các cô chê mình, nhưng không mích lòng, ông cụ cười hùn và nói:
- Ô Chiêu gì chả được, quý hồ có hàng mà bán thì thôi, nhưng tiếc đã hết rồi, các chị chịu khó đi nơi khác.
Ông cụ nói thế, nhưng Mạnh biết chắc rằng hiệu sách nầy không bao giờ có quyển Chiêu Lỳ cả. Đây là một hàng sách nhỏ, ở một khu bình dân. Ông cụ, bà cụ nầy có lẽ tuổi già không biết làm gì, nhơn có một căn nhà ở ngoài không lẽ không khai thác, bèn buôn một thứ hàng không cần ra vốn là sách vở: nhà xuất bản sách ế nào chịu bỏ sách mà không vội đòi tiền thì ông nhận bán, nhà nào đòi hỏi lắm thì thôi.
Còn ông cụ cãi bướng, không phải vì đã biết cái nhan của quyển sách một cách mơ hồ, thoáng thấy đâu từ hồi nào, nhưng vì ông xét rằng chữ “Lỳ” xấu quá, không lẽ người làm sách lại đặt tên sách xấu xí như thế, nên đồ là Chiêu Lý.
Ông cũng tin chắc rằng không phải Chiêu Lỳ bởi vì bà luôn luôn nói sai tên sách làm như là trời sinh vợ ông ra để mà đọc nhầm những chữ to tướng in trên bìa sách, thì không co lý do nào mà riêng hôm nay bà lại nói đúng được.
Mạnh tránh qua một bên cho các nữ sinh ra cửa, rồi tiến tới cái quầy xịch xạc đã tróc cả véc-ni mà sau đó Hồng với gương mặt âu sầu thường xuyên, đang nhận chìm mối sầu riêng của nàng trong tiểu thuyết.
Cậu là người miền Nam, nhưng rất mê con gái miền Bắc mà cậu cho là đẹp nhứt nước và thanh lịch nhứt nước, gái Huế, gái Saigon gì cũng kém họ tuốt hết. Cậu mê nhứt là cái cô Hồng nầy, không phải vì cô là hoa hậu mà vì cậu chỉ quen có mỗi một cô gái miền Bắc ấy thôi, nên chi, mua sách học đệ nhứt thường thì cậu mua ở các hàng sách cũ vỉa hè, nhưng từ ngày biết hiệu sách của cô Hồng, chàng chỉ vào đây mà thôi.
Cậu không hề giấu sở thích của mình, nên chị cậu biết được, thường nhát đùa:
- Con gái Bắc dữ tợn lắm đa nghen, cậu không thấy gương vợ anh bán phở đầu ngõ, và vợ anh phu xích lô máy ở cuối ngõ đó sao ?
Rồi chị nhái bộ tịch hai người đàn bà ấy, trợn trừng mắt lên mà hét: “Bà xé xác ra, biết chưa ?” hoặc: “Bà bứt cái…thứ tám bà chẻ tạm ra làm tư !”. Rồi hai chị em cười ngất với nhau.
Không, Mạnh không sợ. Cậu yêu nhiều lắm, và thề quyết sẽ ngoan ngoãn vâng lời người yêu, thì nàng có dữ như sư tử Hà-đông không lẽ nàng lại mần thịt một anh hiền khô bảo đâu nghe đó, và không hề dám hó hé một lời, trừ cái lời không thể làm mích lòng nàng: “Em đẹp lắm, ngoan lắm, anh thương em muốn chết đi lận. Em cứ đánh anh đi, đánh cho sướng tay em, mà cũng cho sướng anh, vì chịu khổ hạnh vì em, anh sung sướng lắm !”.
Tánh dữ tợn của con gái miền Bắc, nếu quả có, thì đối với chàng chẳng qua là như chiếc chày vồ đập phá một cánh cửa đã mở, chẳng qua là như quả đấm thôi sơn đấm lên mặt nước, nghĩa là không ăn thua gì hết.
Ông cụ bà cụ đang không buồn không vui, hay nói cho đúng ra, đang vui lây vì tánh vui của đám tuổi trẻ vừa rời khỏi nơi đây, thấy mặt Mạnh bỗng sa sầm mặt xuống. Nhưng chàng bất kể, cứ tiến đến trước quầy. Chàng sẽ không làm gì bậy bạ, nói gì trái đạo, hai cụ có khó tánh đến đâu, cũng không thể bắt bẻ chàng được.
- Cô Hồng.
Mạnh gọi hơi to và có lẽ tiểu thuyết đang đến hồi kém ly kỳ nên Hồng giật mình ngẩng lên. Hồng mĩm một nụ cười mà nếu đã thấy, Mạnh sẽ bảo rằng đó là một đóa hoa đang nở nhưng chàng bận ngắm hai bàn tay đang xếp quyển sách lại, và hai cổ tay đeo bộ nữ trang mà người Pháp gọi là “Một tuần lễ”. Hôm ấy là ngày thứ tư nên cổ tay mặt của Hồng đeo bốn chiếc vòng, còn cổ tay trái chỉ có ba chiếc thôi.
Con gái mà đeo loại nữ trang nầy thì khôn tột độ, khôn vì những chiếc vòng quá rộng ấy làm cho cổ tay họ như nhỏ hơn. Cổ tay Hồng vốn đã nhỏ rồi, nàng đeo “Một tuần lễ” vào, trông cứ như tay một em bé. Và….trời… hai bàn tay ấy ! Mạnh cứ muốn chặt lấy đem về ướp đá để mà ngắm mãi ngày đêm.
- Anh !
Hồng vừa mới chào người bạn mới được có một lời vắn tắt đó thì bà mẹ đã gọi:
- Cô Hồng có đi xem coi nó làm mớ ốc ấy thế nào, hay còn mê sách ? Hay chữ lắm !
Hôm qua gặp nhau trước rạp hát Thanh Vân, Hồng đã khoe với Mạnh rằng tối hôm nay nhà Hồng ăn ốc với trái…hồng tươi. Mạnh nhớ là hình như nàng đã giải thích dài dòng về cái món ốc ấy, ốc bu, thứ ốc nấu ăn với bún nhưng riêng đêm Trung Thu nầy thì bằm rồi nướng, lúc ăn dọn luôn ra cả vỏ ốc nữa.
Hồng giải thích rằng không phải đó là bữa tiệc sang mà Hồng khoe, nhưng ăn ốc với trái hồng vào đêm Trung Thu hình như là một tục thân yêu của người miền Bắc, ăn để nhớ quê hương. Hình như Hồng đã nói thế, chàng không thạo phong tục các địa-phương nên không nhớ rõ lắm, giờ nghe nói đến món ốc thì mới nhớ lại những lời của nàng hôm qua.
Hồng đã tiếc rằng Mạnh không được ông cụ bà cụ nàng cảm tình nên nàng không dám mời chàng dự buổi ăn ốc nhớ quê hương đó. Không hiểu Hồng nói thế vì lịch sự, vì đẩy đưa, hay chơn thật. Nhưng đó là những êm dịu đầu tiên mà chàng được nghe từ khi hai người quen nhau.
Mạnh châu mày, biết ngay rằng mình bị tấn công. Trừ lần đầu, ông cụ bà cụ không đoán biết, không kịp phản ứng, lần nào hễ chàng bước chơn vào đây thì y như là một cô con gái đảm của nhà nầy phải đi ra sau để làm công việc gì quan trọng và cấp bách lắm.
Mạnh nghĩ không lẽ bà cụ lại tìm cớ được mãi và chắc chắn không dám vô cớ mà vu vơ đuổi Hồng đi vì Hồng xem ra cũng không vừa gì đâu, nhưng hôm nay lại có cái món ốc báo hại mà chị bếp có lẽ không làm được cũng nên. Đây là rủi ro của cậu, nhưng cậu tức lắm chớ, không bình thản như mấy lần trước được nữa. Chàng tức vì câu nói của ông cụ lúc nãy: “Ô, Chiêu gì lại chả được, miễn có hàng mà bán thì thôi”.
A, ông cụ nói dễ nghe chưa ! Phải biết rõ cái món hàng mà mình bán chớ, để đừng làm cao quá mà mất khách.
Là khách, Mạnh biết rõ món hàng sống của nhà nầy. Năm ngoái Hồng đã bị tình phụ, một thanh niên bảnh trai, trong vòng quen biết của chàng. Nàng đã tự tử bằng thuốc bã chuột và đã được cứu thoát. Bí mật của nàng mà một người bạn gái chung của hai người đã tình cờ tiết lộ cho Mạnh biết, không hề làm mất cái giá của Hồng nơi lòng Mạnh, hơn thế, có lẽ bí mật ấy dự phần rất lớn lao vào sự nẩy nở mối tình của chàng, mối tình yêu có lẫn lộn thương xót trong đó.
Hồng không hề bị giảm giá, nhưng chàng nghĩ rằng ít ra ông cụ bà cụ của nàng phải biết điều đó đễ dễ dãi cho người con trai đến sau là chàng đôi phần: một quyển sách mà cái bìa bị hoen ố, mà vài trang trong đó đã rách, người mua sách rất chánh đáng mà đòi hỏi được bớt tiền.
Thật ra Mạnh không có ý so sánh một cách hạ cấp cô gái đẹp nầy với một quyển sách, và công và lòng của chàng với tiền mà khách hàng bỏ ra để mua sách. Nhưng chàng quan niệm đại để như thế: bà cụ phải dễ dãi với kẻ đến sau vì hắn chịu thiệt.
Cậu có biết đâu rằng vì đã dại dột dễ dãi một lần, lại là lần mà quyển sách còn nguyên vẹn, nên con các cụ mới ra thế nầy, nên bà cụ đã tởn, quyết làm lại… không phải cuộc đời, mà cuộc bảo vệ cần thiết.
Mạnh không đến đây để tán gái, cậu yêu Hồng thật tình và dự tính chuyện hôn nhơn nhưng cậu muốn ít ra cũng phải có đôi chút mầm thương yêu giữa hai người, mà muốn thế, chỉ có một đường là đến cho thường để Hồng biết chàng thêm.
Nhưng bà cụ rõ sao được lòng tốt của cậu, cứ thấy con trai quen với con bà, thằng nào sỗ sàng, bà tống cổ nó ra, thằng nào khôn hoặc đứng đắn, không hành động, không nói năng phạm phép, thì bà tống cổ con bà ra sau nhà .
Mạnh đã định giả vờ hỏi Hồng mua một quyển Đò Dọc, Hồng sẽ hỏi bà cụ, vì nàng chỉ thu tiền chớ không mua bán gì. Có thể bà cụ sẽ hỏi ông có quyển Đô Đốc hay chăng và ông sẽ cãi rằng Đổ Dốc chớ Đô Đốc gì mà Đô Đốc. Cậu sẽ cười và ông lại sẽ nói: “Ồ, Đô hay Đò gì chả được, miễn có hàng bán thôi chứ”.
Nhưng cậu không dám đùa như đã định. Hồng đã châu mày, đã vâng lời mẹ một cách vùng vằng, nên chàng hy vọng nàng trở ra ngay. Khi người ta còn hy vọng nào, người ta ít có gan làm liều lắm. Vâng, đây là một cuộc liều mạng, vì nếu ông cụ nói thế, chàng sẽ cãi lại:
- Thưa cụ, phải biết món hàng mà ta bán ra chớ, bởi vì…
Thấy anh chàng cố lì cứ cà rà mãi không có vẻ gì sắp đi cả, bà cụ hỏi:
- Ông mua chi ạ ?
- Thưa cụ, cháu tìm sách cũ.
- Chúng tôi không có bán sách cũ.
Ông cụ lại thổi khói ra và thổi xong hằng thước khói trắng, ông cụ đáp thay cho bà cụ như vậy.
- Cụ có chắc không ạ ?
Mạnh nhại giọng miền Bắc, không tin là nhại đúng lắm mặc dầu hơn một tháng nay, chàng đã cố học, như người ta đã cố học Ăng-Lê để tìm chỗ làm.
Người Bắc lấy vợ Nam thì có khối người, nhưng người Nam lấy vợ Bắc thì Mạnh chưa thấy bao giờ, nên dám tin chắc phụ nữ Bắc không khứng lấy chồng Nam mới nỗ lực mà tự Bắc hóa như thế. Ông cụ chỉ lên vách mà rằng:
- Ông xem coi môn bài của tôi là môn bài hàng sách hay môn bài sách cũ.
- Nhưng biết đâu, thưa cụ, đôi khi hàng sách vẫn bán sách cũ như thường. Cháu cứ lo cụ không rõ hàng nhà cho lắm.
Ông cụ đã nổi khí xung thiên nhưng dằn kịp. Không phải ông biết rằng Mạnh ám chỉ điều gì, nhưng mà chưa mua đồng xu giấy nào mà cãi lôi thôi với ông, còn cả gan chê ông không rõ hàng nhà thì ông khó lòng mà dung thứ. Nhưng bà cụ đã chợt hiểu. Ấy, đàn bà luôn luôn sống bằng trực giác và rất tế nhị về những vấn đề ấy. Cậu con trai nầy cứ la cà mãi nơi đây và bà rình con thì cũng tế nhận được cảm tình nơi nó đối với gã thanh niên nầy.
Bà đoán không sai rằng chúng nó tuy ngoài mặt còn e chớ tình trong như đã, và cái cậu con trai nầy rất có lý do để mà căm tức bà đã đuổi khéo con bà. Căm tức nó định móc lò để trả thù, biết tâm trạng ấy của nó rồi, bà hiểu ngay ám chỉ của nó. Bà cười hề hề, giọng rất khoan hồng:
- Rất có thể là chúng tôi có sách cũ, nhưng ông có định mua thật không cái đã ?
- Thưa cụ, cháu dám đâu…
- Nếu ông thật lòng mua thì chúng tôi sẽ dễ dãi cho về giá cả.
- Thưa cụ, quý hóa lắm. Cụ biết rõ hàng nhà như thế là đủ lắm rồi. Hàng cũ, cháu vẫn quí như thường, có thể còn quí hơn nữa, chớ không dám xin xỏ dễ-dãi nào cả.
Ông cụ không còn dằn được, chọt mạnh cây đóm vào bình nước để cho nó tắt và xẵng giọng nói:
- Chiêu Lỳ, Chiêu Lý hay Chiều Ly gì thì tôi quả dốt thật, chớ nhứt định là hiệu tôi không bán sách cũ.
Không rõ tác giả
Văn Nghệ Tiền Phong 1960
- Có quyển Chiêu Lỳ không cụ ?
Bà cụ day vào trong, gọi chồng đang ngồi xếp bằng trên một chiếc đi văng hẹp đặt ở trong cùng để hút thuốc lào, kính già xệ xuống sóng mũi lão.
- Có quyển Chiêu Lỳ không ông ?
Ông cụ thổi khói ra, tưởng chừng như không bao giờ hết, và trông cứ như ông làm trò ảo thuật nuốt khói, chứa sẵn trong người rất nhiều bằng mánh lới nào đó không rõ. Đoạn ông vừa thông điếu vừa cười nói, giọng nhừa nhựa:
- Chiêu Lý chớ cái gì mà Chiêu Lỳ ! Hỏi Hồng.
Cô Hồng mãi miết đọc tiểu thuyết sau quầy, mẹ hỏi mà không hay biết và không trả lời. Các cô nữ sinh biết tánh cô con gái của chủ hiệu nên không buồn hỏi cô ta cái gì lần nào hết. Bọn học trò con gái rúc rích cười với nhau. Họ vẫn biết kính lão, nhưng trẻ tính và tinh nghịch. Họ không nín được trước lối đặt tên sách ứng khẩu một cách kỳ dị của hai vợ chồng ông lão.
Một cô nói đùa khe khẽ với bạn:
- Hay là Chiểu Lỵ đó cậu ?
- Bậy, chính đúng là Chiều Ly, Chiều ly biệt mà.
Rồi cả bọn cười xòa.
Ông cụ biết các cô chê mình, nhưng không mích lòng, ông cụ cười hùn và nói:
- Ô Chiêu gì chả được, quý hồ có hàng mà bán thì thôi, nhưng tiếc đã hết rồi, các chị chịu khó đi nơi khác.
Ông cụ nói thế, nhưng Mạnh biết chắc rằng hiệu sách nầy không bao giờ có quyển Chiêu Lỳ cả. Đây là một hàng sách nhỏ, ở một khu bình dân. Ông cụ, bà cụ nầy có lẽ tuổi già không biết làm gì, nhơn có một căn nhà ở ngoài không lẽ không khai thác, bèn buôn một thứ hàng không cần ra vốn là sách vở: nhà xuất bản sách ế nào chịu bỏ sách mà không vội đòi tiền thì ông nhận bán, nhà nào đòi hỏi lắm thì thôi.
Còn ông cụ cãi bướng, không phải vì đã biết cái nhan của quyển sách một cách mơ hồ, thoáng thấy đâu từ hồi nào, nhưng vì ông xét rằng chữ “Lỳ” xấu quá, không lẽ người làm sách lại đặt tên sách xấu xí như thế, nên đồ là Chiêu Lý.
Ông cũng tin chắc rằng không phải Chiêu Lỳ bởi vì bà luôn luôn nói sai tên sách làm như là trời sinh vợ ông ra để mà đọc nhầm những chữ to tướng in trên bìa sách, thì không co lý do nào mà riêng hôm nay bà lại nói đúng được.
Mạnh tránh qua một bên cho các nữ sinh ra cửa, rồi tiến tới cái quầy xịch xạc đã tróc cả véc-ni mà sau đó Hồng với gương mặt âu sầu thường xuyên, đang nhận chìm mối sầu riêng của nàng trong tiểu thuyết.
Cậu là người miền Nam, nhưng rất mê con gái miền Bắc mà cậu cho là đẹp nhứt nước và thanh lịch nhứt nước, gái Huế, gái Saigon gì cũng kém họ tuốt hết. Cậu mê nhứt là cái cô Hồng nầy, không phải vì cô là hoa hậu mà vì cậu chỉ quen có mỗi một cô gái miền Bắc ấy thôi, nên chi, mua sách học đệ nhứt thường thì cậu mua ở các hàng sách cũ vỉa hè, nhưng từ ngày biết hiệu sách của cô Hồng, chàng chỉ vào đây mà thôi.
Cậu không hề giấu sở thích của mình, nên chị cậu biết được, thường nhát đùa:
- Con gái Bắc dữ tợn lắm đa nghen, cậu không thấy gương vợ anh bán phở đầu ngõ, và vợ anh phu xích lô máy ở cuối ngõ đó sao ?
Rồi chị nhái bộ tịch hai người đàn bà ấy, trợn trừng mắt lên mà hét: “Bà xé xác ra, biết chưa ?” hoặc: “Bà bứt cái…thứ tám bà chẻ tạm ra làm tư !”. Rồi hai chị em cười ngất với nhau.
Không, Mạnh không sợ. Cậu yêu nhiều lắm, và thề quyết sẽ ngoan ngoãn vâng lời người yêu, thì nàng có dữ như sư tử Hà-đông không lẽ nàng lại mần thịt một anh hiền khô bảo đâu nghe đó, và không hề dám hó hé một lời, trừ cái lời không thể làm mích lòng nàng: “Em đẹp lắm, ngoan lắm, anh thương em muốn chết đi lận. Em cứ đánh anh đi, đánh cho sướng tay em, mà cũng cho sướng anh, vì chịu khổ hạnh vì em, anh sung sướng lắm !”.
Tánh dữ tợn của con gái miền Bắc, nếu quả có, thì đối với chàng chẳng qua là như chiếc chày vồ đập phá một cánh cửa đã mở, chẳng qua là như quả đấm thôi sơn đấm lên mặt nước, nghĩa là không ăn thua gì hết.
Ông cụ bà cụ đang không buồn không vui, hay nói cho đúng ra, đang vui lây vì tánh vui của đám tuổi trẻ vừa rời khỏi nơi đây, thấy mặt Mạnh bỗng sa sầm mặt xuống. Nhưng chàng bất kể, cứ tiến đến trước quầy. Chàng sẽ không làm gì bậy bạ, nói gì trái đạo, hai cụ có khó tánh đến đâu, cũng không thể bắt bẻ chàng được.
- Cô Hồng.
Mạnh gọi hơi to và có lẽ tiểu thuyết đang đến hồi kém ly kỳ nên Hồng giật mình ngẩng lên. Hồng mĩm một nụ cười mà nếu đã thấy, Mạnh sẽ bảo rằng đó là một đóa hoa đang nở nhưng chàng bận ngắm hai bàn tay đang xếp quyển sách lại, và hai cổ tay đeo bộ nữ trang mà người Pháp gọi là “Một tuần lễ”. Hôm ấy là ngày thứ tư nên cổ tay mặt của Hồng đeo bốn chiếc vòng, còn cổ tay trái chỉ có ba chiếc thôi.
Con gái mà đeo loại nữ trang nầy thì khôn tột độ, khôn vì những chiếc vòng quá rộng ấy làm cho cổ tay họ như nhỏ hơn. Cổ tay Hồng vốn đã nhỏ rồi, nàng đeo “Một tuần lễ” vào, trông cứ như tay một em bé. Và….trời… hai bàn tay ấy ! Mạnh cứ muốn chặt lấy đem về ướp đá để mà ngắm mãi ngày đêm.
- Anh !
Hồng vừa mới chào người bạn mới được có một lời vắn tắt đó thì bà mẹ đã gọi:
- Cô Hồng có đi xem coi nó làm mớ ốc ấy thế nào, hay còn mê sách ? Hay chữ lắm !
Hôm qua gặp nhau trước rạp hát Thanh Vân, Hồng đã khoe với Mạnh rằng tối hôm nay nhà Hồng ăn ốc với trái…hồng tươi. Mạnh nhớ là hình như nàng đã giải thích dài dòng về cái món ốc ấy, ốc bu, thứ ốc nấu ăn với bún nhưng riêng đêm Trung Thu nầy thì bằm rồi nướng, lúc ăn dọn luôn ra cả vỏ ốc nữa.
Hồng giải thích rằng không phải đó là bữa tiệc sang mà Hồng khoe, nhưng ăn ốc với trái hồng vào đêm Trung Thu hình như là một tục thân yêu của người miền Bắc, ăn để nhớ quê hương. Hình như Hồng đã nói thế, chàng không thạo phong tục các địa-phương nên không nhớ rõ lắm, giờ nghe nói đến món ốc thì mới nhớ lại những lời của nàng hôm qua.
Hồng đã tiếc rằng Mạnh không được ông cụ bà cụ nàng cảm tình nên nàng không dám mời chàng dự buổi ăn ốc nhớ quê hương đó. Không hiểu Hồng nói thế vì lịch sự, vì đẩy đưa, hay chơn thật. Nhưng đó là những êm dịu đầu tiên mà chàng được nghe từ khi hai người quen nhau.
Mạnh châu mày, biết ngay rằng mình bị tấn công. Trừ lần đầu, ông cụ bà cụ không đoán biết, không kịp phản ứng, lần nào hễ chàng bước chơn vào đây thì y như là một cô con gái đảm của nhà nầy phải đi ra sau để làm công việc gì quan trọng và cấp bách lắm.
Mạnh nghĩ không lẽ bà cụ lại tìm cớ được mãi và chắc chắn không dám vô cớ mà vu vơ đuổi Hồng đi vì Hồng xem ra cũng không vừa gì đâu, nhưng hôm nay lại có cái món ốc báo hại mà chị bếp có lẽ không làm được cũng nên. Đây là rủi ro của cậu, nhưng cậu tức lắm chớ, không bình thản như mấy lần trước được nữa. Chàng tức vì câu nói của ông cụ lúc nãy: “Ô, Chiêu gì lại chả được, miễn có hàng mà bán thì thôi”.
A, ông cụ nói dễ nghe chưa ! Phải biết rõ cái món hàng mà mình bán chớ, để đừng làm cao quá mà mất khách.
Là khách, Mạnh biết rõ món hàng sống của nhà nầy. Năm ngoái Hồng đã bị tình phụ, một thanh niên bảnh trai, trong vòng quen biết của chàng. Nàng đã tự tử bằng thuốc bã chuột và đã được cứu thoát. Bí mật của nàng mà một người bạn gái chung của hai người đã tình cờ tiết lộ cho Mạnh biết, không hề làm mất cái giá của Hồng nơi lòng Mạnh, hơn thế, có lẽ bí mật ấy dự phần rất lớn lao vào sự nẩy nở mối tình của chàng, mối tình yêu có lẫn lộn thương xót trong đó.
Hồng không hề bị giảm giá, nhưng chàng nghĩ rằng ít ra ông cụ bà cụ của nàng phải biết điều đó đễ dễ dãi cho người con trai đến sau là chàng đôi phần: một quyển sách mà cái bìa bị hoen ố, mà vài trang trong đó đã rách, người mua sách rất chánh đáng mà đòi hỏi được bớt tiền.
Thật ra Mạnh không có ý so sánh một cách hạ cấp cô gái đẹp nầy với một quyển sách, và công và lòng của chàng với tiền mà khách hàng bỏ ra để mua sách. Nhưng chàng quan niệm đại để như thế: bà cụ phải dễ dãi với kẻ đến sau vì hắn chịu thiệt.
Cậu có biết đâu rằng vì đã dại dột dễ dãi một lần, lại là lần mà quyển sách còn nguyên vẹn, nên con các cụ mới ra thế nầy, nên bà cụ đã tởn, quyết làm lại… không phải cuộc đời, mà cuộc bảo vệ cần thiết.
Mạnh không đến đây để tán gái, cậu yêu Hồng thật tình và dự tính chuyện hôn nhơn nhưng cậu muốn ít ra cũng phải có đôi chút mầm thương yêu giữa hai người, mà muốn thế, chỉ có một đường là đến cho thường để Hồng biết chàng thêm.
Nhưng bà cụ rõ sao được lòng tốt của cậu, cứ thấy con trai quen với con bà, thằng nào sỗ sàng, bà tống cổ nó ra, thằng nào khôn hoặc đứng đắn, không hành động, không nói năng phạm phép, thì bà tống cổ con bà ra sau nhà .
Mạnh đã định giả vờ hỏi Hồng mua một quyển Đò Dọc, Hồng sẽ hỏi bà cụ, vì nàng chỉ thu tiền chớ không mua bán gì. Có thể bà cụ sẽ hỏi ông có quyển Đô Đốc hay chăng và ông sẽ cãi rằng Đổ Dốc chớ Đô Đốc gì mà Đô Đốc. Cậu sẽ cười và ông lại sẽ nói: “Ồ, Đô hay Đò gì chả được, miễn có hàng bán thôi chứ”.
Nhưng cậu không dám đùa như đã định. Hồng đã châu mày, đã vâng lời mẹ một cách vùng vằng, nên chàng hy vọng nàng trở ra ngay. Khi người ta còn hy vọng nào, người ta ít có gan làm liều lắm. Vâng, đây là một cuộc liều mạng, vì nếu ông cụ nói thế, chàng sẽ cãi lại:
- Thưa cụ, phải biết món hàng mà ta bán ra chớ, bởi vì…
Thấy anh chàng cố lì cứ cà rà mãi không có vẻ gì sắp đi cả, bà cụ hỏi:
- Ông mua chi ạ ?
- Thưa cụ, cháu tìm sách cũ.
- Chúng tôi không có bán sách cũ.
Ông cụ lại thổi khói ra và thổi xong hằng thước khói trắng, ông cụ đáp thay cho bà cụ như vậy.
- Cụ có chắc không ạ ?
Mạnh nhại giọng miền Bắc, không tin là nhại đúng lắm mặc dầu hơn một tháng nay, chàng đã cố học, như người ta đã cố học Ăng-Lê để tìm chỗ làm.
Người Bắc lấy vợ Nam thì có khối người, nhưng người Nam lấy vợ Bắc thì Mạnh chưa thấy bao giờ, nên dám tin chắc phụ nữ Bắc không khứng lấy chồng Nam mới nỗ lực mà tự Bắc hóa như thế. Ông cụ chỉ lên vách mà rằng:
- Ông xem coi môn bài của tôi là môn bài hàng sách hay môn bài sách cũ.
- Nhưng biết đâu, thưa cụ, đôi khi hàng sách vẫn bán sách cũ như thường. Cháu cứ lo cụ không rõ hàng nhà cho lắm.
Ông cụ đã nổi khí xung thiên nhưng dằn kịp. Không phải ông biết rằng Mạnh ám chỉ điều gì, nhưng mà chưa mua đồng xu giấy nào mà cãi lôi thôi với ông, còn cả gan chê ông không rõ hàng nhà thì ông khó lòng mà dung thứ. Nhưng bà cụ đã chợt hiểu. Ấy, đàn bà luôn luôn sống bằng trực giác và rất tế nhị về những vấn đề ấy. Cậu con trai nầy cứ la cà mãi nơi đây và bà rình con thì cũng tế nhận được cảm tình nơi nó đối với gã thanh niên nầy.
Bà đoán không sai rằng chúng nó tuy ngoài mặt còn e chớ tình trong như đã, và cái cậu con trai nầy rất có lý do để mà căm tức bà đã đuổi khéo con bà. Căm tức nó định móc lò để trả thù, biết tâm trạng ấy của nó rồi, bà hiểu ngay ám chỉ của nó. Bà cười hề hề, giọng rất khoan hồng:
- Rất có thể là chúng tôi có sách cũ, nhưng ông có định mua thật không cái đã ?
- Thưa cụ, cháu dám đâu…
- Nếu ông thật lòng mua thì chúng tôi sẽ dễ dãi cho về giá cả.
- Thưa cụ, quý hóa lắm. Cụ biết rõ hàng nhà như thế là đủ lắm rồi. Hàng cũ, cháu vẫn quí như thường, có thể còn quí hơn nữa, chớ không dám xin xỏ dễ-dãi nào cả.
Ông cụ không còn dằn được, chọt mạnh cây đóm vào bình nước để cho nó tắt và xẵng giọng nói:
- Chiêu Lỳ, Chiêu Lý hay Chiều Ly gì thì tôi quả dốt thật, chớ nhứt định là hiệu tôi không bán sách cũ.
Không rõ tác giả
Văn Nghệ Tiền Phong 1960
Comment