Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Bức tranh thứ mười chín - Trần Thùy Mai

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Bức tranh thứ mười chín - Trần Thùy Mai


    Bức tranh thứ mười chín


    Trần Thùy Mai

    Ý nghĩ ấy luôn trở lại với Pierre Poivre mỗi lần ông ngồi cạnh Michel Cương trong Thương vụ quán. “Người ta có thể bí mật với tất cả, nhưng không thể bí mật với người thông ngôn”. Ông hơi khó chịu khi nghĩ rằng chàng trai này đã biết rõ những đề nghị mà ông phải nghe từ miệng quan Khâm sai tàu vụ do triều đình chúa Nguyễn cử đến. Từ góc độ một người phương Tây, ông cảm thấy lời đề nghị là thô bỉ, gần như xúc phạm.

    Chàng thông ngôn Michel Cương hiểu rõ tâm trạng của người thương nhân phương xa. “Ở xứ này, chuyện ấy là chuyện bình thường, gần như là một lệ tục. Thậm chí nếu không có, người ta còn cho là không phải phép”.

    Theo tôi thì không phải là một lệ tục hay”. Pierre Poivre nói, miệng nhếch cười mỉa mai.

    Năm ấy Poivre bốn mươi lăm tuổi. Xuất thân từ xứ Pas de Calais nước Pháp, ông mang cái tên có nghĩa là hồ tiêu, cái tên đã trở thành sự nghiệp: năm mười lăm tuổi ông theo thuyền buôn của cha đến tận Thượng Hải. Chuyến buôn hồ tiêu đã làm cha ông thành một thương nhân lớn, cũng đã làm cho chàng thiếu niên Pierre hiểu ra những mối lợi kếch xù nhờ khai thác những món hàng hiếm ở phương Đông và sự chênh lệch giá giữa hai châu lục. Sau hơn mười chuyến buôn, một lần từ Đài Loan quay về Pháp ông đã ghé một xứ nghe gọi là Cô Sin Sin, tức Xứ Đàng Trong thuộc về chúa Nguyễn. Một thị trường không hẳn lớn, nhưng hoang sơ và hấp dẫn.Thế là năm sau, Pierre cho chở một tàu hàng đến Pondichérry, chất thêm nhiều thứ khác, bò, gia cầm, trái cây đủ loại, rồi cho tàu đến thẳng Đàng Trong.

    Bây giờ chiếc tàu ấy đang thả neo ngoài khơi cửa Hội, hàng hóa đầy khoang, những kiện trái cây từ Pondichérry đang chín dần, bò và gà cần phải được đưa lên bờ để hóa thành thoi vàng hoặc hồ tiêu, đường cát, gạo… càng sớm càng tốt. Nhưng lúc vừa nhìn thấy bờ biển Quảng Nam hiện ra trong ống nhòm, cũng là lúc ba chiếc quan thuyền sáp đến, vây quanh. Họ giăng thành một đội hình quanh tàu buôn của Pierre, giáo mác sáng ngời dưới ánh mặt trời biển. Họ phong tỏa không cho các ghe buôn của người Việt được sáp đến gần.

    Bây giờ, sau buổi gặp quan Khâm sai tàu vụ từ Huế vào, người của Pierre Poivre đã được đổ bộ xuống Cù lao Chàm, được mua thức ăn, được bán trái cây cho thương nhân bản xứ. Nhưng chưa hết... Poivre cười khan, ông liếc nhìn Michel Cương.

    Chàng trai chẳng thèm quan tâm. Anh làm thông ngôn từ bốn năm nay, đủ kinh nghiệm để lúc nào cũng tỏ ra mình là người biết mọi việc, nhưng bàng quan trong mọi việc. Bây giờ anh chỉ chăm chú có một chuyện là ăn thật ngấu nghiến món cao lầu mì của nhà công quán Hội An. Lúc nãy, trong bữa tiệc mời quan Khâm sai, anh chẳng nếm được mấy tý. Quá nhiều điều làm hai bên không hiểu được nhau, nên anh phải dịch không ngớt miệng. “Cẩn thận, có thể ngài không quen dùng ớt cay”. Cương nhắc khi thấy Pierre cho thêm cả muỗng tương ớt. Pierre cũng phải ăn thêm mì, vì lúc nãy trong bữa tiệc ông ta đã lo lắng và nói nhiều hơn ăn.

    Ông ta hơi lúng túng với đôi đũa. Nhưng ổn cả. “Tôi đã từng đi Trung Hoa nhiều lần mà. Từ khi còn ít tuổi hơn anh... Năm nay anh bao nhiêu tuổi?”

    - Hai lăm. Khi nhỏ, tôi sáng dạ, ông nội chỉ mong tôi lớn lên sẽ cho học chữ Nho để đi thi, làm quan. Ông tôi là học trò Nho, đi thi mười khoa mà chỉ đậu tú tài. Nhưng đến khi tôi mười tuổi thì cả nhà tôi được ơn Thiên Chúa. Năm hai mươi tuổi, các cha cố đưa tôi đến Pondichérry học. Từ đó cuộc đời tôi thay đổi.

    Hai mươi lăm tuổi, Michel là một trong những người nổi tiếng nhất tại kinh thành Huế vào thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Nói thạo tiếng Pháp và tiếng Bồ, trở thành người phiên dịch trong tất cả các cuộc gặp gỡ của triều đình với các phái đoàn Tây dương, anh kiếm được nhiều tiền và trở nên thân cận với giới quyền quý. Vì vậy nhiều nhà quý tộc trong kinh thành bắt đầu muốn gửi con đi du học như Cương.

    Đó cũng là thời mà hàng hóa Tây dương được ưa chuộng trong các dinh phủ. Trong phủ Chúa, đồng hồ, giá đèn, bát chén đều dùng hàng Tây chở đến. Trong số hồi môn của các quận chúa đi lấy chồng thường có chiếc gương Tây, nước thủy loại gương này rất tốt, soi vào gương mặt thật sáng, thật đẹp. Những món hàng đó tất nhiên rất đắt, bởi lâu lâu mới có một tàu Hà Lan hay Bồ Đào Nha chở hàng hóa đến: mỗi lần tàu của người “Hồng mao” thả neo ngoài biển là một cơn sốt diễn ra trong triều: ai sẽ được cử làm Khâm sai tàu vụ ra giao dịch với thương nhân Tây dương, trong triều thế ông nào lớn hơn, ông nào sẽ có ân sủng được Võ Vương ủy thác...

    Nhất là lần này, lần đầu tiên một con tàu đến từ Pháp, từ trước đến nay chưa có một con tàu nào lớn như thế và nhiều hàng hóa như thế.

    Vậy ông Khâm sai này phải là người rất có thế lực?” Đôi mắt xanh của Pierre ánh lên vẻ thăm dò.

    Ông ấy là cha nuôi của hoàng tử Kính, ông hoàng được Võ Vương yêu nhất”.

    Sao một hoàng tử được yêu quý lại phải làm con nuôi người khác? Thật kỳ lạ”.

    “Đó là tục lệ ở triều đình này. Mỗi hoàng tử được làm con nuôi một vị quan lớn trong triều, hoàng tử sống tại nhà vị quan này và sau này sẽ được hưởng gia tài như con đẻ. Đối lại, nhà chúa sẽ tạo nhiều cơ hội làm giàu cho ông ta...”

    Pierre Poivre lại cười, tiếng cười nghe như tiếng gầm gừ.

    Theo như anh nói đó, làm Khâm sai tàu vụ là một việc đem lại lợi lộc?”

    “Ngài là người thông minh, ngài có thể tự giải đáp mà không cần tôi phải trả lời”.


    Lợi ích béo bở của quan Khâm sai tất nhiên sẽ lấy ở con tàu và kho hàng của ta, rõ rồi. Mà đâu phải chỉ có thế. “Mẹ kiếp!” Người thương nhân chửi thề.

    Sáng nay, trong cuộc gặp gỡ ở Hội An Thương vụ quán, quan Khâm sai đã đề nghị Pierre, nếu muốn hàng hóa được lên bờ sớm và thuế được đánh ở mức dễ chịu nhất, hãy chịu khó mang quà đi biếu một vài nhân vật ở Huế. Đề nghị làm Pierre bực bội. Trong lúc ông ta chỉ muốn làm việc với thuế quan, thì lại phải đụng đầu với một thứ lễ bộ hết sức phiền nhiễu và mất thời gian.

    “Michel
    ” - Pierre gặng hỏi - “Những nhà buôn Bồ Đào Nha, những nhà buôn Hà Lan trước đây cũng phải làm cái việc đưa của đút như thế sao?” Michel Cương im lặng một giây, anh đột ngột trở nên khép kín: “Thưa ngài, tôi chỉ là một người thông ngôn”.

    Đôi mắt xanh lơ của Pierre ánh lên vẻ ranh mãnh. Đúng, ở xứ này, anh chàng này, do công việc của mình đã biết quá nhiều điều. Một cái biết đầy nguy hiểm, đã gắn chặt sinh mệnh anh ta với đám quan lại tham ăn kia. Buông ra một tiếng thở dài thậm thượt, Pierre nốc cạn chút rượu Cognac còn trong ly. “Tôi hiểu, anh bạn. Chẳng còn cách nào khác. Ngày mai anh và tôi sẽ đi Huế. Anh nói với quan Khâm sai rằng tôi đã đồng ý về cuộc hội kiến ở Khan xuan Lau...”

    Khán Xuân Lầu”. Michel Cương nhắc lại, như muốn sửa cách phát âm cho người ngoại quốc.

    Khán xuan... Ờ, đại khái là một nhà hàng lớn nào đó. Ông biết chỗ ấy chứ?”

    “Tất nhiên, tôi đã đến nhiều lần”. Một vẻ khó tả lướt qua trên mặt chàng trẻ tuổi.

    “Có thức ăn ngon, như món thịt kho ngon tuyệt ở Thương vụ quán trưa nay? Và rượu ngon?”

    “Có đủ cả, cả đàn bà nữa”.

    “Hà, hay đấy”.


    Pierre Poivre nhớ đến hình ảnh quan Khâm sai: một người Huế hòa nhã, vẻ mặt hòa dịu và khá cởi mở. Ông ta chậm rì rì, từ cử chỉ đến lời nói, lúc nào cũng thận trọng đến mức làm Poivre sốt cả ruột. Mỗi lần nâng tách trà lên uống, ông khoan thai đưa tay trái nắm lấy tay áo lụng thụng bên phải, bàn tay kia nhẹ nâng chiếc tách sứ một cách rón rén, ngón tay út duỗi thẳng, sợ làm gãy chiếc móng tay dài uốn xoắn. Nghe Cương bảo đó là kiểu móng tay lá lan, biểu hiệu sự quý phái nhàn nhã, ông ta phải dưỡng nó trong ít nhất hai năm trời mới có. Pierre cười, hỏi Cương:

    - Những ngón tay như vậy khi bấu vào da thịt đàn bà thì sao nhỉ? Ta nghe nói đàn ông xứ này rất nhiều vợ, khi đã bảy mươi họ vẫn còn cưới thêm nhiều mỹ nữ. Họ xoay xở làm sao trên giường, với mấy cái móng tay đó?

    Michel Cương không trả lời, mặt đỏ lên. Anh ta còn trẻ. Lại có đạo. Có thể anh ta không có nhiều thê thiếp như những người đàn ông khác ở đây. Pierre tự trả lời: “Ta biết rồi, chính những người đàn bà sẽ phải tự xoay xở. Ông ta chỉ việc nằm khểnh và duỗi những cái móng lá lan cho các bà hôn hít”.

    Chàng trai miễn cưỡng góp chuyện:
    “Khi nào đến Kinh thành, nếu ngài muốn biết về chuyện đàn bà ở phương Đông, ngài có thể xem trong các hình vẽ ở Khán xuân lầu”.

    Chắc là tôi muốn chứ, ông bạn trẻ ạ. Nhưng trước hết tôi muốn nhất là làm sao có được các giấy tờ mà tôi đang chờ dài cả cổ: lệnh cho bán hàng, lệnh cho mua hàng, lệnh cho tàu nhổ neo”.

    “Tất cả những thứ ông cần sẽ có hết, nếu quan Khâm sai mời được Ông Tả ngoại đến Khán Xuân Lầu. Đó là người quan trọng nhất ở thành Phú Xuân”.


    *

    Khán Xuân Lầu tuy là đệ nhất tửu lầu ở kinh đô nhưng nằm khá xa Hoàng thành, trên vùng gò đồi của làng Dương Xuân.

    Trong gian sâu nhất của tòa nhà rường, cách nơi yến tiệc một hành lang nhỏ là những gian phòng đóng kín khuất vắng. Tú Nương, bà chủ Khán Xuân Lầu đang vén màn bước vào. Theo sau bà ta, một mụ gia nhân lực lưỡng đang bế bổng trên tay một cô bé chừng mười lăm tuổi, đặt vào tấm phản lớn, giữa lớp chăn nệm gấm thêu.

    Cô gái người mũm mĩm, da trắng mỏng, vẻ mặt dịu dàng, rõ là một gái trinh mới lớn. “Hà Hoa, con ngồi đây, ngó lên bức vách này, nhớ lại những điều ta đã dạy. Hôm nay đến lượt con rồi đó”. Mụ chủ nói với giọng vỗ về, mụ biết chẳng bao lâu nữa những cô bé này có thể thành những danh kỹ nổi tiếng của kinh thành, có thể tác động đến những đại gia quyền lực bậc nhất ở đây. Vì vậy, mụ không tiếc gì những lời lẽ ngọt ngào.

    Trước mặt cô bé, trên bức tường dài là những bức cổ họa Tàu. Có tất cả mười tám bức, tên gọi là Thập bát mô, mỗi tranh vẽ một cảnh trai gái trong phòng the. Trước mặt cô bé là hình người đàn ông và cô gái, cả hai đều trần truồng. Cô gái đang cúi xuống, đôi môi son đỏ dẩu ra, ngậm lấy hạ bộ người đàn ông. Nét bút mảnh mai của kiểu vẽ thủy mặc, nhưng cũng đủ diễn tả cảm giác khoái lạc trên hai gương mặt.

    Hình ảnh ấy đập vào đôi mắt trong trẻo của cô gái trẻ, cô mở to mắt tò mò nhìn rồi cụp ngay mặt xuống. Tú Nương cười nhạt, giọng ngọt như mía lùi:

    -Sợ cái gì, con đâu có sinh ra để làm con gái nhà lành. Mình sinh ra để làm đĩ, Làm đĩ khéo thì có vàng bạc của cải, không khéo thì bị vứt vào sọt rác mà thôi.

    Một bàn tay mụ đưa ra sau nắm tóc cô gái giật mạnh, khiến cô phải ngẩng đầu, mở mắt. Nước mắt trào ra…

    Tú Nương không thèm để ý, mặc cho cô bé khóc lóc. Đứa nào mà chẳng khóc. Ngoài kia, trong những gian phòng kế cận, lát nữa tiệc xong đám kỹ nữ sẽ đưa những ông khách say khướt vào ngủ qua đêm. Đám kỹ nữ đó, đứa nào cũng đã từng khóc mùi mẫn như thế này. Bây giờ thì chúng có thể cười thâu đêm, miễn là thưởng nhiều vàng lụa. Mụ ghé sát người Hà Hoa, ngửi xem cô bé đã được tắm rửa cẩn thận chưa. Mụ sờ vào da thịt mịn màng như da trẻ con, thoang thoảng mùi hương trinh nữ. Hai năm nay, từ lúc mua Hà Hoa về, mụ cho nuôi cô bé cẩn thận theo một cách riêng, cô được uống nhiều thứ thuốc gia truyền và luôn phải ngồi trên giường, không một phút nào được đặt chân xuống đất. Đó là bí quyết để biến một đứa bé gái gầy ốm nhỏ thó thành một thiếu nữ mũm mĩm với da thịt mịn như tơ bông.

    Kiểm tra một lượt xong, Tú Nương hài lòng, mụ dọa cô gái:

    - Thôi nín đi, liệu hồn, nếu ông Tả ngoại không vừa lòng là ta sẽ dùng gia pháp đó.

    - Con sẽ hầu hạ ông Tả ngoại? - Cô gái co rúm người lại - Dì ơi. Ông ấy nhận ra con, sẽ giết con mất.

    - Làm gì có chuyện ấy? Dinh Tả ngoại đã bán người cho ta, bây giờ mày là người của Khán xuân lầu. Ông ấy làm sao nhận ra mày, mà có nhận ra cũng không dại gì mà giết
    .

    Dứt lời Tú Nương quày quả bước ra, mụ còn phải lo chăm sóc bữa tiệc. Cô gái trẻ ngồi một mình giữa đống chăn nệm, run rẩy.

    Giữa năm Thìn, một trận đói lớn lan đến tận kinh thành, Hà Hoa đã phải bán mình làm nô tỳ trong phủ Ngoại tả. Một trận lụt tiếp theo, dân càng đói. Sau lụt, phu nhân sai người nhà đem vàng phơi đầy sân. Hà Hoa bị bán vào Khán xuân lầu vì tội lấy trộm một lá vàng.

    Tiếng sênh phách đã vang lên trong phòng tiệc. Trên những chiếc chiếu rộng cạp nhiễu điều, ca nữ ngồi xen với khách – Michel Cương đảo mắt nhìn quanh, nói cho Pierre Poivre biết chức tước của từng người. Ngoài quan Khâm sai, còn có một quan tổng quản tài chính vốn là người Miên với nước da sẫm màu, quan thị vệ Tòng, và hai vị quan khác trông hơi khác thường với dáng người béo múp míp. Michel Cương cho Pierre biết đấy là hai thái giám có thế lực vào bậc nhất trong phủ chúa.

    - Thảo nào họ làm ta nghĩ đến những con mèo thiến. Nhưng Thái giám cũng đến kỹ viện làm gì nhỉ?

    - Ông lầm rồi. Đa số thái giám đều lấy vợ. Họ chỉ mất khả năng sinh sản, không có nghĩa là mất sự ham muốn. Chỉ có những kỹ nữ già dặn kinh nghiệm nhất mới làm họ thỏa mãn được thôi.


    Lần đầu tiên Pierre thấy những thái giám của cung đình phương Đông. Trong khi tất cả các quan khác đều mặc áo sa, chít khăn lụa như những khách giàu có trong dân gian, một trong hai thái giám vẫn mặc nguyên phẩm phục quan chức để đến nơi này. Đủ biết độ uy quyền và bất chấp của ông ta. Nghe nói đó là thái giám thân tín của Võ Vương, còn người kia là thái giám hầu cận bà quý nhân họ Trần, vợ yêu của nhà chúa, mẹ của vị hoàng tử mà quan Khâm sai tàu vụ nuôi dưỡng. Ông ta là người đã bế hoàng tử từ phủ chúa đến dinh thự của ông quan này năm năm về trước.

    - Cả một liên minh chặt chẽ thế này mà chưa đủ bảo đảm cho con tàu của ta sao? Pierre hỏi.

    - Vẫn còn thiếu một người, một người quan trọng nhất.

    - Ông Tả ngoại?

    Đúng. Ở Phú Xuân này, ông ấy quyết định mọi việc.


    Pierre cố nén một tiếng chửi thề. Hai quan hầu thân cận nhất của hoàng gia, một ông cha nuôi của hoàng tử, đúng ra chừng ấy khuôn mặt phải đủ để bảo đảm sự ủng hộ của vị chủ tể xứ này. Nhưng, như Michel Cương cho biết, ở xứ này vua chúa chỉ ăn chơi, nếu nhà chúa che chở thì không ai dám làm hại, nhưng khi ông Tả ngoại chưa gật đầu thì chẳng có việc gì xong cả, nếu chúa có trách cứ, ông ta cũng không thiếu lý do để xin lỗi và làm vừa lòng chúa. “Chắc chắn ông ấy đến chứ?” Pierre sốt ruột. Tiếng đàn hát vẫn véo von, nàng kỹ nữ bên Pierre rụt rè vuốt ve bàn tay khách, bàn tay đầy lông hoe hoe vàng. Hình như lần đầu nàng tiếp một khách người “Hồng mao” - Cái tên chung mà dân Việt thời ấy dùng để chỉ người phương Tây. Khúc hát vang bên tai Pierre với những âm giai xa lạ, ông hỏi và bật cười khi nghe Michel Cương bảo rằng tên khúc hát này là “Kim tiền” - nghĩa là tiền vàng.

    Món ăn dọn ra ê hề trên chiếu, những món ăn xinh xắn có vẻ ngon lành đặt trong những đĩa nhỏ, trông như những món đồ chơi điểm rất nhiều hình hoa tỉa tót công phu. Nhưng Pierre không ngon miệng được lâu: tửu lầu đã đưa ra món ăn sang trọng nhất: những con chó mới sinh với đôi mắt nhắm nghiền, chưng với thuốc bắc và mật ong trong những chiếc thố sứ. Michel Cương biết khách ghê sợ món ăn này, anh ra hiệu cho nàng kỹ nữ đừng sẻ vào bát của Pierre.

    “Thế nào ông ấy cũng đến. Nếu ông ấy đến, coi như mọi việc xong”. Quan Khâm sai nhoài người sang nói với Pierre.

    Michel dịch đầy đủ câu nói của ông. Anh biết đấy chỉ là một lời trấn an. Không phải bữa tiệc nào quan Ngoại tả cũng đến. Trước khi quyết định đến dự hay không đến một bữa tiệc, ông ta thường đã nắm rõ những thỉnh cầu của người mời. Pierre Poivre muốn công nhận thông thương cho tàu buôn Pháp, muốn bán hàng và mua lại hồ tiêu, đường cát, gạo. Nhiều năm nay liên tục mất mùa, nên triều đình vẫn có lệnh cấm bán gạo và đồ sắt cho thuyền buôn nước ngoài. Sắt thì Pierre không cần, nhưng gạo từ xứ này nếu chở được tới Ấn Độ sẽ là một vốn bốn lời. Tất nhiên ông ta biết rõ đó là một món hàng cấm.

    Thấy Michel Cương ngồi trầm ngâm, Pierre nhận ra bên anh không có một kỹ nữ nào. “Sao thế, anh bạn trẻ?” “Thưa Ngài, họ quen tính tôi rồi. Tôi là người có Đạo”.

    Pierre nhún vai:

    - Tôi còn có Đạo trước anh mà. Anh không cần phải bảo hoàng hơn vua như thế, anh bạn trẻ, Đức Jêhôva sẽ tha tội cho chúng ta vào cuối tuần, sau khi ta xưng tội với các Cha Cố.

    Michel không nói gì. Chung quanh, rượu đang tràn những chiếc chén sứ, kỹ nữ và thực khách ngả ngớn lả lơi. Tiếng cười ran lên từng cơn. Michel nhận ra sự có mặt của mình phần nào cản trở cuộc vui... Hiểu ý anh, quan Khâm sai bảo: “Thầy thông Cương, phiền thầy ra gặp Tú Nương, xem mụ ta chuẩn bị ra sao”.

    Michel đi rồi, Pierre Poivre bế bổng nàng kỹ nữ đặt lên đùi mình. Ông ta duỗi đôi chân dài nãy giờ gò bó co lại trên chiếu. Cảm giác đầu tiên về người đàn bà xứ lạ: cô ta nhẹ bẫng, trên người cô ta cái gì cũng nhỏ nhỏ, trông như búp bê đồ chơi. Người kỹ nữ bắt đầu dạn dĩ lên, nâng ly rượu lên miệng khách. Còn đợi chờ cuộc hội kiến quan trọng nên Pierre chỉ nhấp miệng. Ông cảm thấy buồn cười khi cô ả nhoài người hôn vào má ông, theo cái cách hôn của người châu Á, giống như hít một bông hoa. Ngồi yên trong cơn mưa vuốt ve, ông ta nghĩ tới Michel Cương. Thật kỳ lạ. Một mặt anh ta cố gắng giữ các nguyên tắc của Đức Tin, một mặt lại tận tụy phục vụ những gì trái ngược hẳn với chúng. Và cả đám người này, họ phụ thuộc vào Michel đến mức nếu anh không phải là người thông ngôn duy nhất của kinh thành, anh khó mà sống được đến nay với chừng ấy chứng tích tối tăm trong một tâm hồn thánh thiện.


    *

    Tú Nương dẫn Michel đến gian phòng kế cận, nơi một mâm tiệc nguyên vẹn bày sẵn chờ quan ngoại tả. Qua dãy hành lang, cả hai bước vào chỗ Hà Hoa đang ngồi.

    Trong giờ phút dài như bất tận, cô gái cúi gầm nhìn mặt đất phía dưới phản, trong lòng cô chợt nảy ra một ước muốn mãnh liệt: ước được bước chân xuống đất, được đi lại trên đất. Nhưng cô không dám, vì đó là điều cô bị nghiêm cấm trong nhiều năm rồi. Cứ ngồi nguyên bất động, Hà Hoa tưởng tượng thấy mình đang bước đi, ra khỏi Khán Xuân Lầu, quay về ngôi nhà tranh ngày xưa ở làng quê, lâu lắm rồi cô không được trở lại. Cô thấy mẹ mình tong tả gánh lúa trên đường làng, cô chạy theo sau mẹ, một tay nách em, một tay xách toòng teng cái ấm đất đựng nước chè xanh...

    Tú Nương và Michel Cương bước vào, cô gái giật mình sực tỉnh, nhớ lại hoàn cảnh đáng buồn: mụ chủ, gian phòng kín, những bức tranh vây quanh.

    - Ông Cương...

    Michel ngạc nhiên.

    “Ông Cương... Xin ông cứu giúp cháu. Xin ông cứu cháu làm phúc”.


    Hà Hoa kêu lên, quên cả đôi mắt đe dọa của Tú Nương.

    Michel Cương chịu, không thể nhớ mình đã gặp cô bé này lúc nào. Hà Hoa kêu nài: “Ông không nhớ sao? Cháu là con Tý, cháu của cụ Đồ Ngoạn làng Dương Sơn. Mỗi lần Tết mẹ con cháu vẫn qua gói bánh tét cho ông mệ...”

    Michel Cương cũng là người làng Dương Sơn, giờ đây cha mẹ anh vẫn còn ở đó. Anh bối rối: “Tôi biết làm gì bây giờ?”

    “Cháu xin ông, ông làm phúc”. Cô bé bắt đầu khóc nức nở.

    Chẳng làm gì giúp được cô bé, ngoài cách chuộc thân cho cô. Nhưng Michel Cương không nghĩ đến việc đó, anh đâu có định thu nạp tỳ thiếp. Vả lại, đời nào mụ chủ chịu, nhất là trong lúc này, khi quan Ngoại tả sắp tới. Với Tú Nương và đám người đang lao vào một thương vụ quá hấp dẫn, họ nhất định phải làm ông ta hài lòng với mọi giá. Dù sao anh không thể quay mặt đi ngay, dù sao cô ta cũng là người làng. “Cô gái à, từ từ hãy tính đi. Đêm cũng muộn rồi, tôi chắc là quan Ngoại tả không đến đâu”. Nói rồi anh vội bước ra ngoài, như muốn gạt nhanh hình ảnh cô gái tội nghiệp ra khỏi tâm trí.

    Michel Cương quay lại phòng tiệc, lòng nặng trĩu. Anh tự trấn an: “Mình không có lỗi. Lẽ nào mình có thể cứu được tất cả những cô gái bị đem bán trong những đêm hoan lạc ở Khán Xuân Lầu?”


    *

    Tiếng sênh phách đã ngừng từ lâu trong phòng tiệc, nhường chỗ cho tiếng đùa giỡn lao nhao và hơi rượu nồng tỏa khắp. Một kỹ nữ đang kể một chuyện cười khá tục tĩu, tiếng cười phụ họa ran lên. Pierre Poivre không hiểu chút gì trong mớ âm thanh hỗn độn vây quanh ông. Nhưng có hề gì. Rượu và gái, là những ngôn ngữ không bao giờ cần phiên dịch. Thỉnh thoảng, Pierre nhún vai nhìn sang quan Khâm sai, vẻ sốt ruột. Chẳng nhận được từ quan một tín hiệu gì, ông ta bắt đầu nản, quay sang chú mục nhìn hai vị thái giám. Không thiếu chuyện gì là họ không làm được, Pierre nghĩ. Ông nghĩ tới những đêm dài trong cung cấm, nơi những con người này phải chứng kiến hoan lạc của người khác, sự thèm khát của họ bị đè nén đến mức khi bùng lên trông thật dị dạng.

    Thấy Michel Cương trở lại, Pierre nói, liếc về hai ông quan hoạn: “Một sự sa đọa hiếm thấy, phải không?” Michel lặng lẽ một lát, rồi nói, như nói với chính mình: “Tôi thường nghĩ đến một ẩn dụ trong Cựu ước. Đó là câu chuyện về thành Sodome. Thành sụp đổ bởi chất chứa quá nhiều tội lỗi”.

    “Ông Ngoại tả thì sao?”

    “Khuya rồi. Theo tôi thì ông ta không đến. Có lẽ ông ấy nghĩ, những đòi hỏi của ngài là quá nhiều”.

    “Nhưng số tiền và quà tôi bỏ ra cũng không ít, anh có nghĩ thế không?”

    “Thưa ngài, tôi chỉ là một người thông ngôn”.


    Đôi mắt xanh của người nước ngoài chợt xám lại. Michel Cương nhìn kỹ nét mặt Pierre, đôi lông mày rậm xoăn trên hốc mắt sâu tối. Khi Cương còn nhỏ đã nghe ông nội dạy cách xem tướng, đấy là những nét biểu hiện tính phũ phàng. Ông nội đã mất trước khi những chiếc thuyền Tây dương đến, nên anh không kịp hỏi những điều ấy có đúng cả với diện mạo người Hồng mao hay không?

    Thốt nhiên, bên ngoài vang lên một tiếng kêu báo hiệu. Tất cả các quan đứng cả dậy, nhìn ra ngoài cửa. Đằng xa xa trong đêm tối, một đám sáng hiện ra. Michel Cương bước hẳn ra ngoài, cố dõi mắt nhìn xa. Hơn mười ngọn đuốc dẫn đường, thấp thoáng dưới ánh đuốc là đoàn gia nhân áo dấu nẹp xanh, xúm xít quanh chiếc xe tứ mã.

    Ngoại Tả quốc phó Trương Phúc Loan, ông ta đang đến.

    Thương vụ của Pierre Poivre xem như đã thành công.

    Michel Cương vội quay ra, tìm Tú Nương. Lúc cùng mụ bước vào căn phòng, anh suýt hét lên: Hà Hoa đã treo cổ, cái bóng trắng của cô lủng lẳng dưới xà nhà, trong ánh sáng của ngọn đuốc hoa và mùi thơm hồi hương tỏa ra từ chăn gối. Mái tóc đen nhánh xổ ra rũ dọc theo thân người, trông như một nét vẽ kinh dị giữa mười tám bức tranh khoái lạc vây quanh.

    Tiếng hét không kịp bay ra từ cổ họng Michel, vì Tú Nương đã vội bịt lấy miệng anh.

    Rất nhanh, chỉ vài mươi khắc sau, cái xác còn nóng được cáng ra ngoài. Michel thấy đôi mắt cô gái mở to nhìn trừng trừng vào mặt anh. Đuôi tóc lệch sang bên, kéo lê trên mặt đất.

    “Ông Cương, xin ông đừng nói gì làm các quan mất vui nhé!”
    Bà chủ kỹ viện nói như năn nỉ. Quay về đám gia nhân, bà đanh giọng: “Khoan đã. Đi lối sau. Đừng để ngài nhìn thấy”.

    Quan Ngoại tả và đoàn tùy tùng đã tới, sắp tiến vào cửa chính.

    “Michel! Michel!”
    Cương nghe tiếng Pierre Poivre gọi hối hả. “Thầy thông Cương! Thầy đâu rồi?” Tiếng quan Khâm sai. Giờ này là lúc không thể thiếu anh. Họ đang nóng lòng chờ anh trở lại.

    Nhưng Michel Cương không trở lại. Tái xanh và đau đớn, anh đi sau chiếc cáng đưa Hà Hoa - bé Tý của làng Dương Sơn - qua bên kia đồi. Họ đi về phía Trường Cởi, cách Dương Xuân hoa lệ không xa, nơi những nấm mộ nằm san sát bên nhau lặng lẽ trong đêm tối.

    Michel! Michel! Xa xa tiếng gọi còn đuổi theo.

    Michel Cương vẫn lầm lũi, vừa đi vừa đưa tay làm dấu thánh.

    TTM
    Last edited by lakichi; 30-10-2010, 04:00 AM.
Working...
X