Mộ Gió
Nguyễn Ngọc Tư
Hồi ấy chị lên mười ba, em nhỏ hơn hai tuổi.
Mười bảy tháng Mười năm đó, ba má đi đám giỗ, để hai chị em lại nhà. Lúc xách cặp chèo ra cửa má ngoái lại dặn chị :
- Ở nhà coi chừng em...
Chị dạ. Má rải lời dặn dò nằm lển nghển khắp nơi. Chị ngó ngoài sân thấy “Coi chừng ông trời chuyển mưa thì đem củi vô nhà“ và ”Đóng cái cổng rào lại” đứng dựa hàng bông lồng đèn kêu cọt kẹt, bước vô nhà vấp “Lấy chổi rơm quét mạng nhện trên bàn thờ” và “Nhà hết gạo rồi, con lội bộ lại đằng tiệm mua nấu đỡ” thì nằm nép trong góc bếp. Ở sàn lãn gió thổi xập xòe làm “Còn mấy con cá rô đem kho tiêu” đập đuôi xao xác vách thùng.
Một mình chị làm bao nhiêu chuyện đó cũng xong, nhưng em cứ cà nhổng chạy chơi với chuồn chuồn thì ức. Ba hay nói phải chia việc mà làm, “mỗi người có một bổn phận...”. Con trai kiếm cá con gái hái rau, con trai ra ruộng rẫy con gái vùi đầu trong xó bếp. Bao giờ con trai trở thành đàn ông nó có bổn phận đưa tay đánh, còn con gái (giờ đã là đàn bà) thì giơ thân ra chịu đòn. Vụ đó ba không dạy, hai chị em tự biết thôi.
Những bài học về bổn phận chị thuộc nằm lòng, nên khi em đòi đi tiệm mua gạo thay vì bắc ghế quét mạng nhện bàn thờ, chị buộc lòng gật đầu. Làm chị phải nhường em.
Chị thích được đi tiệm để săm soi mấy cây kẹp tóc thèm chơi. Nhưng tiệm cũng là thiên đường của em, với những cục kẹo sặc sỡ như những cái bong bóng sặc sỡ. Dù mỗi lần em đi tiệm dường như răng lại mòn hơn, dù em hay chểnh mảng kiểu như mua đường cát về tới nhà thấy cát nhiều hơn đường, còn lẫn lộn thêm mấy con cuốn chiếu. Bữa trước đi mua đậu trắng em về với cái túi không, đậu chảy theo cái lỗ thủng rải dọc đường như cô công chúa Mỵ Châu để lại dấu vết cho chồng. Bữa trước nữa em lội sông mang gạo về, má phải đem mớ gạo ướt mèm xay bột.
Sẽ xảy ra vài kịch tính ở quãng đường giữa nhà và tiệm tạp hóa bà Tư Mốt: một nhánh cây gãy lộ ra ổ ong mật, một con diều của ai đó mắc kẹt trên đọt so đũa, một tiếng chim hót nghe gần... cũng làm chân em chậm lại mươi phút hay vài giờ hay hết phim, nếu nhà bà Tư Mốt đang mở một cái phim võ thuật kiểu như Ngôi chùa Thiếu Lâm tự.
Nên trưa ấy quá bữa rồi mà gạo chưa về tới nhà, chị tưởng em còn hóng hớt đâu đó. Cái mẻ kho nằm nguội ngắt chờ cơm.
Nhiều ngày sau đó, khi xóm nhỏ nháo nhác vì một cư dân mười một tuổi đã biến mất, chị vẫn nghĩ em đang chơi đâu đó. Chị giận sôi những người đã tỏ ra thất vọng khi không tìm thấy thi thể em, ở ngoài đồng hay dưới đáy sông. Một câu đố không tìm ra câu trả lời, ông trời cà chớn quá.
Nhiều tháng sau đó, khi ba má vẫn vật vã rã rượi, chị vẫn nghĩ em đi chơi đâu đó sẽ về. Cho tới khi má rọi cái ảnh em hồi mười tuổi đặt lên bàn thờ, đứng chung với mấy ông bà già u mặc. Trong ảnh, em mặc áo thun vàng đồng phục của đội bóng nhi đồng trường lúc đang nhận giải ba cấp huyện, mặt em nghiêng về trái khoe mụt ruồi lớn như con ve chó, giống như hình ảnh cuối cùng của buổi sáng ấy chị ngó thấy em chạy vù đi.
Cái ảnh là kết cuộc cho những chờ đợi nhưng hi vọng đã bay hơi theo ánh mặt trời. Má sực nhớ biết đâu thi thể thằng nhỏ trôi ra biển hay bị kẹt dưới chân cầu nào, rồi âm thầm tan rã. Biết đâu giờ hồn nó vất vơ vất vưởng đói ăn. Ba má bắt đầu kêu em về trong những bữa cơm. Có lần chị quên không dọn dư ra một cái chén, ba bợp tai chị cắm đầu, nói “đã kêu mày coi chừng em rồi mà...”.
Coi như chị đã được định tội xong, và định sẵn cho mọi lỗi lầm dù chẳng mấy liên quan như chuột cắn ổ gà, dông làm ngã cây đu đủ... Nếu mỗi lần đau trên người chị mọc sợi lông, thì những lần má ngồi khóc bên sông, những lần ba buông đũa giữa bữa cơm bởi tiếng bầy trẻ trai đi bắn chim ngang nhà, những cái tết lặng lờ qua, những khói nhang tối tối, những lần giở quần áo em ra giũ bụi... đã biến chị thành con khỉ.
Và nếu mỗi lần đau là một giọt nước, một hạt cát thì chị thành sông, thành đồi cát năm ba mươi tuổi.
Chị sống một mình. Mỗi khi định cười giòn thì chợt nhớ mình đã để mất đứa em. Mỗi khi định lấy ai đó làm chồng thì nhớ trong cơn mê sảng má thảng thốt kêu Võ, Võ ơi. Mỗi khi định sống cho ra con người thì nhớ ba lúc lâm chung vuốt mãi mắt mới chịu nhắm.
Chị vẫn tin em đi chơi đâu đó. Nhà vẫn cặm trên nền cũ, vườn cũ, kiểu cũ. Cây nào chết thì trồng lại y giống cây đó. Đoạn rào nào gãy thì được thay giống hệt. Chị chôn chị chỗ buổi sáng em guộn mấy tờ giấy bạc mua gạo vô dây lưng quần cộc xanh dương, áo màu xám tro lấm lem mủ chuối vẫy tay rẽ trái chạy vù về phía tiệm tạp hóa bà Tư Mốt. Lúc đi em không đóng cửa rào làm mấy con gà đi qua nhà hàng xóm bươi tơi bời giồng cải họ mới gieo.
Một bữa chị qua hàng xóm mượn trẻ con nhổ tóc ngứa, đang ngủ gà gật, đang lúc hờn hờn cái thân mình chẳng có đứa nhỏ để sai vặt, chợt nghe bên nhà chó sủa. Chị hỏi vóng qua hào ranh. Người đó ngập ngừng:
- Cho tôi hỏi nhà chú Mười Hưng.
- Phải rồi, nhà ba tui đó, cậu kiếm ai?
- Em Võ nè, chị Hai...
Người đó nói vậy. Chị không biết cách nào mình đã về đến nhà, bay, hay bò lết, hay nhảy ào xuống hào càn qua những dây rau muống. Chỉ biết chị phải về sụp xuống trước bàn thờ, để thưa:
- Đó, ba má thấy chưa, con đã nói là thằng Võ đi chơi mà...
Chị quỵ ở đó rất lâu, tóc xấp xải trải xòe ra đất, lưng khum khum như một ngôi mộ. Chị không hỏi em đã đi đâu, chẳng ích gì... Đàn ông rong ruổi đường xa, đàn bà vạ vật ngồi canh cửa, đời phân công vậy mà...
***
Lakichi : Xin cho biết Mục lục Truyện và Mục lục tác giả nơi đâu để tránh việc post truyện đã đăng. Cảm ơn.
Nguyễn Ngọc Tư
Hồi ấy chị lên mười ba, em nhỏ hơn hai tuổi.
Mười bảy tháng Mười năm đó, ba má đi đám giỗ, để hai chị em lại nhà. Lúc xách cặp chèo ra cửa má ngoái lại dặn chị :
- Ở nhà coi chừng em...
Chị dạ. Má rải lời dặn dò nằm lển nghển khắp nơi. Chị ngó ngoài sân thấy “Coi chừng ông trời chuyển mưa thì đem củi vô nhà“ và ”Đóng cái cổng rào lại” đứng dựa hàng bông lồng đèn kêu cọt kẹt, bước vô nhà vấp “Lấy chổi rơm quét mạng nhện trên bàn thờ” và “Nhà hết gạo rồi, con lội bộ lại đằng tiệm mua nấu đỡ” thì nằm nép trong góc bếp. Ở sàn lãn gió thổi xập xòe làm “Còn mấy con cá rô đem kho tiêu” đập đuôi xao xác vách thùng.
Một mình chị làm bao nhiêu chuyện đó cũng xong, nhưng em cứ cà nhổng chạy chơi với chuồn chuồn thì ức. Ba hay nói phải chia việc mà làm, “mỗi người có một bổn phận...”. Con trai kiếm cá con gái hái rau, con trai ra ruộng rẫy con gái vùi đầu trong xó bếp. Bao giờ con trai trở thành đàn ông nó có bổn phận đưa tay đánh, còn con gái (giờ đã là đàn bà) thì giơ thân ra chịu đòn. Vụ đó ba không dạy, hai chị em tự biết thôi.
Những bài học về bổn phận chị thuộc nằm lòng, nên khi em đòi đi tiệm mua gạo thay vì bắc ghế quét mạng nhện bàn thờ, chị buộc lòng gật đầu. Làm chị phải nhường em.
Chị thích được đi tiệm để săm soi mấy cây kẹp tóc thèm chơi. Nhưng tiệm cũng là thiên đường của em, với những cục kẹo sặc sỡ như những cái bong bóng sặc sỡ. Dù mỗi lần em đi tiệm dường như răng lại mòn hơn, dù em hay chểnh mảng kiểu như mua đường cát về tới nhà thấy cát nhiều hơn đường, còn lẫn lộn thêm mấy con cuốn chiếu. Bữa trước đi mua đậu trắng em về với cái túi không, đậu chảy theo cái lỗ thủng rải dọc đường như cô công chúa Mỵ Châu để lại dấu vết cho chồng. Bữa trước nữa em lội sông mang gạo về, má phải đem mớ gạo ướt mèm xay bột.
Sẽ xảy ra vài kịch tính ở quãng đường giữa nhà và tiệm tạp hóa bà Tư Mốt: một nhánh cây gãy lộ ra ổ ong mật, một con diều của ai đó mắc kẹt trên đọt so đũa, một tiếng chim hót nghe gần... cũng làm chân em chậm lại mươi phút hay vài giờ hay hết phim, nếu nhà bà Tư Mốt đang mở một cái phim võ thuật kiểu như Ngôi chùa Thiếu Lâm tự.
Nên trưa ấy quá bữa rồi mà gạo chưa về tới nhà, chị tưởng em còn hóng hớt đâu đó. Cái mẻ kho nằm nguội ngắt chờ cơm.
Nhiều ngày sau đó, khi xóm nhỏ nháo nhác vì một cư dân mười một tuổi đã biến mất, chị vẫn nghĩ em đang chơi đâu đó. Chị giận sôi những người đã tỏ ra thất vọng khi không tìm thấy thi thể em, ở ngoài đồng hay dưới đáy sông. Một câu đố không tìm ra câu trả lời, ông trời cà chớn quá.
Nhiều tháng sau đó, khi ba má vẫn vật vã rã rượi, chị vẫn nghĩ em đi chơi đâu đó sẽ về. Cho tới khi má rọi cái ảnh em hồi mười tuổi đặt lên bàn thờ, đứng chung với mấy ông bà già u mặc. Trong ảnh, em mặc áo thun vàng đồng phục của đội bóng nhi đồng trường lúc đang nhận giải ba cấp huyện, mặt em nghiêng về trái khoe mụt ruồi lớn như con ve chó, giống như hình ảnh cuối cùng của buổi sáng ấy chị ngó thấy em chạy vù đi.
Cái ảnh là kết cuộc cho những chờ đợi nhưng hi vọng đã bay hơi theo ánh mặt trời. Má sực nhớ biết đâu thi thể thằng nhỏ trôi ra biển hay bị kẹt dưới chân cầu nào, rồi âm thầm tan rã. Biết đâu giờ hồn nó vất vơ vất vưởng đói ăn. Ba má bắt đầu kêu em về trong những bữa cơm. Có lần chị quên không dọn dư ra một cái chén, ba bợp tai chị cắm đầu, nói “đã kêu mày coi chừng em rồi mà...”.
Coi như chị đã được định tội xong, và định sẵn cho mọi lỗi lầm dù chẳng mấy liên quan như chuột cắn ổ gà, dông làm ngã cây đu đủ... Nếu mỗi lần đau trên người chị mọc sợi lông, thì những lần má ngồi khóc bên sông, những lần ba buông đũa giữa bữa cơm bởi tiếng bầy trẻ trai đi bắn chim ngang nhà, những cái tết lặng lờ qua, những khói nhang tối tối, những lần giở quần áo em ra giũ bụi... đã biến chị thành con khỉ.
Và nếu mỗi lần đau là một giọt nước, một hạt cát thì chị thành sông, thành đồi cát năm ba mươi tuổi.
Chị sống một mình. Mỗi khi định cười giòn thì chợt nhớ mình đã để mất đứa em. Mỗi khi định lấy ai đó làm chồng thì nhớ trong cơn mê sảng má thảng thốt kêu Võ, Võ ơi. Mỗi khi định sống cho ra con người thì nhớ ba lúc lâm chung vuốt mãi mắt mới chịu nhắm.
Chị vẫn tin em đi chơi đâu đó. Nhà vẫn cặm trên nền cũ, vườn cũ, kiểu cũ. Cây nào chết thì trồng lại y giống cây đó. Đoạn rào nào gãy thì được thay giống hệt. Chị chôn chị chỗ buổi sáng em guộn mấy tờ giấy bạc mua gạo vô dây lưng quần cộc xanh dương, áo màu xám tro lấm lem mủ chuối vẫy tay rẽ trái chạy vù về phía tiệm tạp hóa bà Tư Mốt. Lúc đi em không đóng cửa rào làm mấy con gà đi qua nhà hàng xóm bươi tơi bời giồng cải họ mới gieo.
Một bữa chị qua hàng xóm mượn trẻ con nhổ tóc ngứa, đang ngủ gà gật, đang lúc hờn hờn cái thân mình chẳng có đứa nhỏ để sai vặt, chợt nghe bên nhà chó sủa. Chị hỏi vóng qua hào ranh. Người đó ngập ngừng:
- Cho tôi hỏi nhà chú Mười Hưng.
- Phải rồi, nhà ba tui đó, cậu kiếm ai?
- Em Võ nè, chị Hai...
Người đó nói vậy. Chị không biết cách nào mình đã về đến nhà, bay, hay bò lết, hay nhảy ào xuống hào càn qua những dây rau muống. Chỉ biết chị phải về sụp xuống trước bàn thờ, để thưa:
- Đó, ba má thấy chưa, con đã nói là thằng Võ đi chơi mà...
Chị quỵ ở đó rất lâu, tóc xấp xải trải xòe ra đất, lưng khum khum như một ngôi mộ. Chị không hỏi em đã đi đâu, chẳng ích gì... Đàn ông rong ruổi đường xa, đàn bà vạ vật ngồi canh cửa, đời phân công vậy mà...
***
Lakichi : Xin cho biết Mục lục Truyện và Mục lục tác giả nơi đâu để tránh việc post truyện đã đăng. Cảm ơn.