Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Lần Ghé Hà Nội Năm Ấy

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lần Ghé Hà Nội Năm Ấy

    Chưa bao giờ Vũ có ý nghĩ sẽ đến Hà Nội nhưng vì tham dự một chuyến vượt biên và trạm đầu tiên phải ghé là ga Hàng Cỏ, do vậy, đã giúp chàng có dịp biết đến thành phố này. Vũ cùng với đứa bạn thân là Dũng và cô cháu gái tên Loan đã đón tầu hỏa chuyến tốc hành đi từ ga Hòa Hưng-Sài Gòn ngay khi Dũng nhận được điện tín của anh Hoài, người trong nhóm tổ chức dục phải ra gấp vì đã có chuyến. Điện tín chỉ báo cho một mình Dũng biết nhưng, do cùng chơi chung một nhóm bạn với nhau nên Dũng đã rủ thêm Vũ, Năm và rồi thêm cả Loan nữa cùng đi cho vui. Phút cuối, Năm đổi ý không đi nữa nên chỉ còn ba người mà thực sự, Vũ muốn Loan cũng bỏ cuộc vì nghĩ kéo thêm một cô gái chung một chuyến đi xa rất bất tiện. Xe hỏa đến ga Hàng Cỏ vào lúc chiều tối, được anh Hoài đón tận ngoài cửa, vẫy xe xích lô và mặc cả xong rồi đưa cả bọn về nhà. Dũng cùng anh Hoài đi một chiếc xe xích lô, chiếc còn lại là Vũ và Loan.

    Gã xích lô mặt trông còn trẻ đạp xe chạy theo đường Lê Duẩn sau đó rẽ trái sang đường Trần Nhân Tông rồi cứ thế y đạp thẳng. Trời đã tối hẳn, hàng quán hai bên đường chiếu ánh sáng ra bên ngoài lung linh chung với bóng khách bộ hành đi dưới các hàng cây. Loan khẽ bảo: " Trông cũng y như mấy khu phố ở Sài Gòn mình, há ". Vũ không nói một lời nhưng chàng mới thấy một việc khác trước mắt. Đó là chiếc xích lô. Xích lô ở Hà Nội nhìn gần mới thấy nó khác hẳn xe xích lô trong miền Nam. Thân nó rộng hơn nhưng thấp và có vẻ cũ kỹ, tồi tàn với mặt ghế và hai tay dựa bằng gỗ không như những chiếc xe xích lô bóng loáng màu nhôm trắng cùng nệm ngồi bọc da êm ái ở Sài Gòn. Đặc biệt xe xích lô ở Hà Nội không có bộ nhíp giảm xóc nên người chạy xe rất mệt khi phải chở nặng. Gã xích lô đạp qua vài khúc đường và sau cùng chui vào một con hẻm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi dừng lại ở một căn nhà gạch nhỏ, cũ kỹ. Mẹ anh Hoài và người em trai tên Hòa Bình đứng chờ sẵn trước cửa, giúp mọi người chuyển hành lý vào nhà.

    Nhà anh Hoài thuộc kiểu nhà xưa ở Hà Nội, có một sân gạch tiếp nối giữa gian trước và gian sau của toàn bộ căn nhà, hẹp bề ngang nhưng khá dài. Vũ, Dũng và Loan theo chân anh Hoài băng qua cái sân gạch, vào gian nhà sau và lên hẳn một căn phòng ở trên tầng gác. " Cô và hai chú ở tạm đây, hơi chật vật đấy " , anh Hoài nói rồi dặn thêm: " Muốn tắm rửa thì xuống bên dưới, có giếng và bể nước ở góc sân. Nghỉ ngơi một chút đi rồi ăn tối chung với gia đình anh cho vui ". Vũ đảo mắt nhìn căn phòng nhỏ trong ánh đèn điện vàng vọt, thấy một cái giường đơn nằm sát tường và một cái bàn cùng bốn ghế đẩu kê cạnh cửa sổ nhìn ra bên ngoài bầu trời đã tối đen. Chợt mẹ anh Hoài từ dưới thang gác thò đầu lên trên phòng, gọi Dũng đi xuống dưới nhà, bà muốn hỏi chuyện. Độ nửa giờ sau, Dũng mới quay lại cùng phụ với Vũ và Loan sắp xếp hành lý cho gọn rồi lần lượt từng người xuống nhà tắm rửa cho mát. Cả mấy ngày liền ngồi trên tàu lửa, ai trong bọn trông cũng thật nhếch nhác và hôi hám. Để tránh cho gia đình anh Hoài khỏi phải lo bữa tối, Dũng mời anh cùng ra phố kiếm chỗ ăn phở. Anh Hoài buột miệng cười khùng khục rồi trả lời:

    - Chú mày cứ làm như vẫn còn đang ở trong Sè Goòng chắc! Cửa hàng ăn uống thì đã đóng cửa từ lúc chiều rồi. Phở! Phải ngày mai thì mới có... mà đi cũng khá xa đấy.

    Thoáng ngạc nhiên, Dũng hỏi đến quán nhậu, đến chỗ bán bánh mì rồi quán cà phê... thì anh Hoài liên tiếp lắc đầu nên cả bọn đành phải dùng chung bữa tối với gia đình. Xong bữa, anh Hoài bầy ra điếu cày, bếp dầu hôi, bình thủy cùng các ấm, cốc rồi tự tay nấu nước pha trà mời cả bọn cùng uống. Loan hớp một ngụm đã vội kêu đắng, không quen nên chỉ uống chút nước trà đã pha thật loãng rồi nói mệt, xin đi ngủ sớm để mặc Dũng và Vũ ngồi với anh Hoài. Loại trà móc câu Thái Nguyên pha đậm lúc đầu uống vào thấy đắng nhưng sau đó, có cái hậu ngọt nơi cuống họng làm Vũ thấy ngon rồi quen dần. Cứ cảm thấy nước trong ấm nhạt, anh Hoài liền đổ bỏ bã cũ và thay lượt trà mới ngay. Hả họng thở một luồng khói thuốc lào lên phía trần phòng rồi chiêu một hớp nước trà, anh Hoài nhìn Dũng và Vũ, nói:

    - Cứ ở đây vài ngày cho khỏe đã, sau đó anh em mình sẽ xuống Hải Phòng gặp anh Thành rồi ở đấy sẽ có người đón và chuyển mình đi tiếp. Ở đây, cô chú cứ tự nhiên như ở nhà trong Nam. Lúc nào rỗi, anh sẽ đưa cô chú đi chỗ này chỗ kia cho biết bộ mặt của thủ đô.

    Trời về khuya, mẹ anh Hoài trèo lên thang gác dục cả bọn phải đi ngủ nên bữa trà chấm dứt nhanh chóng ngay sau đó. Cái giường đơn vì Loan đã chiếm ngủ riêng một mình nên Vũ và Dũng phải nằm chung trong cái chiếu trải ở nền phòng. Chợt nhớ lúc mới đến, mẹ anh Hoài gọi Dũng xuống nhà dưới khá lâu, Vũ thắc mắc hỏi thì Dũng nói là bà cụ hỏi thăm ít chuyện trong Nam và đặc biệt có cả chuyện liên quan đến mày với Loan nữa. Hỏi thêm thì Dũng bảo để lúc rảnh sẽ kể cho nghe, giờ mắt tao đã ríu lại rồi, thêm mệt phải ngủ đây. Dù mệt mỏi như Dũng nhưng do lạ chỗ và nhất là vì chiều theo ý anh Hoài khi nốc khá nhiều nước trà nên Vũ thao thức mãi tuy đã nhắm mắt. Dũng nằm yên bên cạnh chàng đã ngủ say trong tiếng ngáy nhẹ. Lúc còn ở nhà, Dũng thường ngày uống trà chung với bố mẹ nên quen. Vũ hồi tưởng mấy hôm trước khi còn ở Sài Gòn, " Mình sẽ đi Hà Nội... ", câu nói mà Dũng lập đi lập lại khi đó như một háo hức lẫn lo lắng về một nơi mà cả bọn sắp sửa đặt chân đến. Háo hức vì cả bọn ai cũng muốn biết thành phố này trông nó như thể nào so với Sài Gòn và, lo sợ vì nơi đó lạ nước lạ cái với dân miền Nam chế độ cũ. Theo lời nhắn trong điện tín, cả bọn làm một chuyến đi ra Hà Nội để sau đó sẽ cùng vượt biên ra nước ngoài từ một vùng biển nào đó của miền Bắc. Ý nghĩ chọn ra miền Bắc để vượt biên không lạ vì qua tin tức truyền thanh, Vũ biết các ghe nhỏ thậm chí chỉ bằng một chiếc mủng tre mỏng manh, ngư dân miền Bắc đã có nhiều người chạy thoát được tới Hồng Kông từ vài năm trước. Ở miền Nam hay miền Trung kể từ Huế trở vào, hễ nơi nào có đường dẫn ra biển, người dân địa phương đều có thể dàn dựng làm một chuyến vượt biên nhưng đi thoát hay không thì còn tùy vào may mắn mà người ta gọi là có số. Vùng biển nào trong miền Nam cũng có công an đóng chốt rình mò, thêm dân địa phương làm tai mắt nên chuyện vượt biên thật không dễ dàng. Những vùng sát biển ngoài miền Bắc lại ít có vụ vượt biên, do đó công an và dân chúng ít để ý đến người lạ lai vãng. Nếu đánh chuyến ở các nơi này, cơ may đi thoát sẽ cao hơn. Vũ biết vậy nhưng vấn đề là làm sao tìm được ra mối để đi thì vừa lúc Dũng đến nhà báo tin về tờ điện tín rồi rủ đi cùng.

    Vũ nhớ lại những lúc còn ở trên tàu hỏa, dù đã dặn trước rồi nhắc nhở nhưng Loan cứ vẫn bô bô nói chuyện với hành khách vây chung quanh. Người đi tàu, ai nghe giọng nàng nói rồi nhìn vào bộ vó của cả ba thì đều biết là dân miền Nam, điều mà Vũ và Dũng muốn dấu. Cả ba chẳng làm gì nên tội mà phải sợ, phải e dè nhưng vì chủ định ra Bắc để vượt biên nên tự dưng Vũ và Dũng để ý cảnh giác lời ăn tiếng nói. Tàu hỏa Thống Nhất, tiếng là để phục vụ cho đồng bào cả nước nhưng Vũ thấy rõ ràng khách đi trên tàu chỉ thuần dân miền Bắc. Toa tàu đông nghẹt bộ đội đi phép, dân buôn hàng chuyến xuyên Bắc-Nam. Chỗ ngồi chật chội vì khối hàng hóa của con buôn nhét đầy trên sàn, gầm và cả ở ghế ngồi. Không còn chỗ để ngồi, họ lấy võng giăng nằm treo dọc trong buồng tàu trông thật bất tiện, khiếm nhã với những người không phải dân buôn như bọn Vũ. Họ vào trong Nam mua gom hàng hóa mang về Bắc bán kiếm lời. Qua lời kể lại của Dũng, trước 1954, gia đình Dũng rất khá giả khi còn ở quê cũng như khi ra Hà Nội, đã giúp đỡ cho bố mẹ anh Hoài rất nhiều. Căn nhà nơi gia đình anh Hoài đang sống ở Hà Nội bây giờ cũng do bố mẹ Dũng cho không từ khi đó. Gia đình anh Hoài không di cư vào miền Nam vì suy tính có vào đó thì hai năm sau cũng sẽ trở lại Hà Nội, nên họ thôi. Cái chính họ nghĩ nếu di cư, chắc chắn sẽ mất căn nhà và vào miền Nam một nơi xa lạ, họ sợ. Tưởng chỉ chia tay với bố mẹ Dũng có vài năm vậy mà thoáng chốc đã cả hai chục năm trời. Vài tháng sau khi Cộng Sản chiếm được miền Nam, anh Hoài trong quân phục bộ đội đến nhà hỏi thăm bố mẹ Dũng và cho biết hiện đang đóng quân ở trại lính Nhẩy Dù gần đó. Vũ cũng đã có dịp gặp anh Hoài một lần cách đó mấy năm khi anh vào Nam công tác lúc chàng đến nhà tìm Dũng. Lần gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng đủ để Vũ cảm nhận anh Hoài là người vui tính, lành bụng, biết trọng chữ tín và đáng tin. Nằm im, suy nghĩ vẫn vơ như vậy cho mãi thật lâu, Vũ mới thiếp đi và ngủ ngon lành cho đến khi có người lay vào chân, chàng mới thức dậy.

    Có mặt bọn Vũ, mẹ anh Hoài cho thổi cơm ăn sáng bất chấp ý định của bọn chàng muốn mời cả nhà đến chỗ bán thức ăn điểm tâm. Khẩn khoản mời nhưng mẹ anh gạt đi, cho là chỉ có cơm mới chắc bụng nên cả bọn đành chiều ý. Sau bữa cơm trưa, anh Hoài rủ Vũ, Dũng đi một vòng thành phố cho biết. Đẩy ra khỏi nhà chiếc xe Honda SS 67, anh Hoài ăn mặc y hệt một thanh niên trong các đô thị miền Nam. Tóc anh vuốt nước chải dợn sóng, đeo cặp kiếng mát, mặc áo vạt bầu với quần ống loa rộng và chân diện đôi dép da sabo đế cao. Nhìn Vũ và Dũng vẫn khoác trên người bộ quần áo bộ đội cũ, anh Hoài liền hỏi:

    - Quần áo thường ngày của hai chú đâu sao lại mặc bộ cánh lính như vầy?

    Vũ và Dũng cùng lắc đầu, nói chỉ mang thuần quần áo bộ đội thôi, anh Hoài hỏi thêm thì biết chuyện. Nguyên do cả hai đã nghe lời khuyên từ ông Thẩm, bố của Dũng trước khi đi. Cả hai đã vào chợ trời Tân Bình, sắm vài bộ quần áo bộ đội để mặc giả trang. Mấy năm trước, bố của Dũng có một người bạn về thăm quê ngoài Bắc, khi quay lại miền Nam, ông này đã kể xã hội miền Bắc trông hệt một trại lính hoặc xưởng thợ vì hầu như ai cũng mặc quần áo bộ đội và công nhân. Nghe xong chuyện, anh Hoài nhìn cả hai rồi bảo: " Bây giờ ngoài này cũng văn minh hơn trước rồi, ai mà không biết chọn ăn ngon-mặc đẹp cho mình. Vả lại, dù hai chú có mặc quần áo bộ đội đi nữa thì khi người ta nhìn vẫn biết dân từ trong Nam ra vì quần áo bộ đội trong đấy may bằng vải lính Sè Goòng cũ trong khi quần áo bộ đội ngoài này là vải Nam Định, khác nhau xa ". Đã muốn hóa trang cho giống người ta nhưng không ngờ, Vũ và Dũng nhìn nhau, cười trừ. Anh Hoài bảo trót lỡ rồi thì để anh chở hai chú đến chỗ chợ trời ngoài này kiếm mua quần áo cũ trong Nam mà mặc. Anh Hoài chở Vũ, Dũng ra khỏi nhà, chạy trên các con đường ở Hà Nội nhập với dòng xe đạp, xe hai bánh san sát nhau tuy không nhiều so với Sài Gòn. Có những chiếc xe hai bánh thuộc khối Cộng Sản trông hình dáng lạ, thô và chạy có vẻ chậm so với chiếc Honda SS 67 của anh Hoài. Vũ thấy nhiều cô gái Hà Nội đã ăn mặc, cắt tóc tương tự như thiếu nữ ở trong miền Nam. Mặt nhiều cô rất khả ái, dễ thương. Có cô để tóc dài lại có nước da trắng cùng khuôn mặt thanh tú trông rất đẹp. Con trai cũng diện áo vạt bầu bó sát người cùng quần ống loa rộng. Vũ nhìn lại mình, đúng là chàng và Dũng ăn mặc khác họ thật. Những bộ đội chàng thấy ở trên đường, mầu vải y phục của họ khác với mầu vải của chàng và Dũng. Chở cả ba, có lúc anh Hoài biểu diễn tăng ga, lạng xe đánh võng vượt qua mặt các xe khác dễ dàng như ngầm cho Vũ và Dũng biết anh Hoài bây giờ đã khác với năm xưa khi rụt rè đến nhà. Anh Hoài chở cả hai đến Văn Miếu xem các con rùa đá đội bia khắc tên những tiến sĩ thời xưa rồi ghé vào thăm cả chùa Một Cột nữa. Chạy một vòng đường Đinh Tiên Hoàng qua Lê Thái Tổ rồi anh Hoài lượn xe dọc theo một hồ khá lớn. Anh Hoài nói mình đang chạy ngang hồ Gươm làm Vũ và Dũng ngoái nhìn dọc theo hồ và thấy tháp Rùa xa xa trong mầu nước xanh rêu. " Mầy biết, những cây sát bờ hồ có cành la đà gần mặt nước như vầy vào buổi sớm mai hay lúc chiều tà mà lên hình chụp sẽ rất đẹp ", Dũng thì thào bên tai Vũ. Anh Hoài phải làm thêm một vòng thứ hai thì Vũ mới thấy rõ phong cảnh hồ. Cổng vào đền Ngọc Sơn với hai chữ tàu Phúc-Lộc đỏ chói, cầu Thê Húc như con tôm đỏ cong mình trên mặt nước, tháp bút thấp thoáng sau các tàng cây xanh. Trong lòng Vũ lâng lâng khi nhớ câu chuyện kể về rùa thần dâng gươm cho vua Lê Lợi. Từ chuyện đó mà hồ mang tên hồ Gươm hay Hoàn Kiếm. Xe rẽ vào Hàng Đào rồi băng qua hàng Ngang và hàng Đường. " Mình đang đi một trong ba mươi sáu phố phường Hà Nội đó mầy Dũng ", Vũ nói. Qua các con phố, nhiều gia đình mở tiệm bán hàng trước cửa trông khá giống những khu phố nhỏ ở Sài Gòn. Quạt điện Liên Xô, bình thủy Trung Quốc, quần Jean xanh, áo full và máy cassette nghe nhạc... bầy bán đầy. Xe qua chợ Đồng Xuân rồi đường Quán Thánh, đường Trấn Vũ rồi ngừng lại ở một bãi giữ xe gần bờ hồ. Anh Hoài gửi chiếc xe rồi dắt Vũ và Dũng vào một căn nhà ở gần có mấy người đang đứng trò chuyện ngay phía trước. Thấy mặt anh Hoài, mấy người nầy chào và mở cửa cho cả bọn đi vào bên trong. Lách mình qua những bàn đầy khách ngồi trong bóng tối lờ mờ, anh Hoài chọn một chỗ khuất sau chậu cây cảnh khá lớn rồi gọi thuốc lá và cà phê sữa cho cả ba. Tiếng nhạc réo rắt từ một điệu hòa tấu của ban nhạc Paul Mariat phát ra từ các thùng loa treo đối xứng ở các góc cạnh trong căn phòng. Một thanh niên tai đeo headphone đang lúi húi chỉnh nhạc gần dàn máy Akai và máy hát dĩa to đùng ngay quầy thâu ngân bên cạnh một cô gái tóc dài ngồi yên lặng, có khuôn mặt đẹp nhưng trông hơi buồn buồn. Vài bức tranh lớn nhỏ treo trên tường gần những hộc be bé có ánh sáng mầu xanh, tím mờ nhạt hắt ra ngoài qua các chỗ hở. Bài trí trong quán và cách chơi nhạc có không khí tương tự như các lữ quán ở Sài Gòn nhưng có phần kín đáo và bài bản hơn.

    - Quán này trước đây bán lén lút, giờ thì nửa như công khai nhưng chỉ tiếp khách quen thôi. Họ chẳng cần trương bảng hiệu mà lúc nào khách cũng nườm nượp. Đằng sau quán lại tiếp giáp với hồ Trúc Bạch, khi nào mà nhà nước cho tự do làm ăn như trong Sè Goòng mấy chú thì phải biết. Quán mở rộng ra đến tận bờ hồ, đến lúc đấy có mà ngồi hốt bạc. Anh Hoài thì thào.

    Vũ ngầm để ý khách trong quán ở những bàn gần bên hầu hết là thanh niên như chàng và Dũng. Bàn ba người hoặc hai người ngồi yên hút thuốc, mắt lim dim nghe nhạc. Có bàn, khách thỉnh thoảng lại chúi đầu vào nhau thầm thì trò chuyện. Trong miền Nam, khách ngồi quán kiểu vầy chỉ toàn bàn chuyện vượt biên nhưng ở đây, thực không biết, Vũ nghĩ thầm. Chợt Dũng hỏi:

    - Anh chở tụi em qua nhiều phố mà núi Nùng nằm đâu trong Hà Nội, sao em không thấy?

    Câu Dũng hỏi làm Vũ chú ý. Chắc núi Nùng nhỏ, thấp và vì vướng cây cối cùng nhà cửa dân chúng nên bị khuất, khó thấy, Vũ nghĩ vậy. Núi Nùng, sông Nhị... thời còn cắp sách đến trường, ai mà không nhớ câu đã học khi nói về sự tuẫn tiết của Hoàng Diệu. Nghe Dũng hỏi, anh Hoài cười khẩy rồi trả lời: " Núi Nùng ở Hà Nội cũng giống như hồ Con Rùa ở Sè Goòng mấy chú. Hồi ở đây có bán quyển truyện Vụ Án Hồ Con Rùa của đám công an trong đấy, khối đứa khi vào tới Sè Goòng đều thử tìm đến xem coi hồ Con Rùa nó như thể nào. Cứ nghĩ nó cũng phải cỡ hồ Thuyền Quang. Nào ngờ, nó bé tí. Vậy cũng gọi là hồ, tại cái chữ Con Rùa làm ai cũng nghĩ nó tương tự như hồ Gươm ngoài nầy. Bố khỉ! ".

    Rời quán cà phê, anh Hoài chạy xe vòng vèo qua nhiều con phố nho nhỏ có hàng cây hai bên rồi đột ngột anh ngừng lại bên một vệ đường và lấy tay chỉ cho Vũ cùng Dũng xem những khối sắt vụn nằm gọn một đống ở dưới nước cạnh khu nhà dân. Khối sắt vụn đó có cả một bánh xe cao su lớn nữa, trông như phần còn sót của máy móc quân sự. Chưa kịp hỏi thì anh Hoài đã nói: " Thấy nó chưa, xác B 52 đấy. Con ác điểu bay cao thế mà phòng không mình vẫn vít cổ lôi xuống được. Đụng phải rồng lửa Thăng Long làm sao thoát. Chỉ có ở Việt Nam mình mới làm được kỳ tích này, tự hào lắm chứ mấy chú? ". Vũ im lặng trong khi Dũng chỉ cười cười, khẽ gật đầu. Ra khỏi chỗ có xác máy bay, anh Hoài chở Vũ và Dũng đi qua một đoạn đường có xe điện y như khu vực trước chợ Đồng Xuân. Lần đầu tiên tận mắt trông thấy phương tiện giao thông xưa cũ làm Vũ ngạc nhiên. Ở Sài Gòn, xe điện đã bị gỡ bỏ từ rất lâu vì ai cũng thấy nó cổ lỗ và chạy chậm... sau khi có hệ thống xe buýt thay thế. Vậy mà ở đây, tại Hà Nội vẫn còn duy trì đường xe điện có từ thời Tây thực dân. Tiếng leng keng của xe điện nghe giông giống tiếng chuông xe bán cà rem nhưng kêu to hơn.

    Về đến nhà gặp Loan đang ngồi chơi với mẹ anh Hoài ở cái bàn trong căn phòng trên tầng gác và khi Dũng thuật về chuyện vừa đi, Loan nghe thật chăm chú. Tới đoạn thăm chùa Một Cột, mẹ anh Hoài xen vào: " Đã đến được chỗ chùa Một Cột sao con không chở hai cậu vào lăng để viếng ông cụ? Chả mấy khi có dịp ra ngoài nầy " nhưng anh Hoài đáp lời bà cụ: " Con cũng định vậy nhưng nhớ ra đận này lăng đóng cửa để đại tu gì đấy, nên lại thôi ".

    Nghe hai mẹ con anh Hoài trò chuyện, Dũng đưa mắt nhìn Vũ như ngầm nhắc chàng về lời dặn trước lúc lên đường khi còn ở nhà. Câu nói của ông Thẩm, bố Dũng lại về với tâm trí chàng: " Thằng Dũng nghe cậu bảo (bố mẹ của Dũng xưng hô với con cái trong nhà bằng cậu-mợ), ra ngoài đấy, nếu gặp ai hỏi mầy có đi thăm lăng, viếng Bác Hồ chưa thì liệu mà trả lời. Đại loại là để cháu, để em thu xếp... có lúc rảnh sẽ đi ngay nha. Cứ ăn nói ngang bướng như ở nhà kiểu đến mả ông nội tôi, tôi còn chưa đi, có rỗi hơi đâu mà đi đến lăng để viếng để thăm xác lão già. Biết chưa Dũng? Tụi công an nó mà nghe được, bắt mầy ngay tức khắc con ạ! Cậu nói để mầy liệu mà phòng ". Lát sau, Loan lại gần rủ Vũ ngày mai thử hỏi mượn Hòa Bình cái xe đạp để chở nàng đi một vòng các phố xá Hà Nội cho biết. Nếu Dũng muốn đi chung thì mượn thêm một xe nữa càng vui. Loan không rủ thì Vũ cũng muốn tự mình đạp xe đi chỗ này chỗ kia trong Hà Nội cho biết. Hà Nội tuy không rộng bằng Sài Gòn, chàng biết vậy nhưng còn nhiều chỗ mà Vũ chưa lần nào đặt chân đến như Sở Thú, các chùa cổ, nhà thờ xưa và ngay cả nhà giam Hỏa Lò, nơi từng nhốt tù binh phi công Mỹ. Chàng muốn lên cầu Long Biên để nhìn mặt sông Hồng xem coi mầu nước đỏ như thế nào và xem hai bên bờ sông chỗ bồi, chỗ lở ra sao? Trong miền Nam, hầu như không có vụ sông bên lở bên bồi như ngoài miền Bắc. Chàng cũng muốn thử nhìn xem hai cây cầu mới Chương Dương và Thăng Long để so sánh với cây cầu lớn trong Nam như Đồng Nai trên vùng Biên Hòa. Và, muốn đi thăm nhiều chỗ khác nữa như khu Khâm Thiên, vườn hoa Ngọc Hà... là những địa danh chàng đã nghe kể trong văn học. Vũ cũng muốn thả bộ lòng vòng trên các con phố ở Hà Nội, một việc chàng thỉnh thoảng vẫn làm khi ở Sài Gòn. Chàng muốn đi dạo trên những hè phố có cây hoa Sữa để biết hoa trông thế nào cùng cái mùi của nó. Xem cây Sấu, hoa Gạo đỏ ối trông ra sao? Chàng sẽ tìm đến những tiệm sách nữa để lục tìm may ra vớ được những quyển ưng ý. Vũ mỉm cười vì thấy muốn làm được vậy, phải có thời gian mà bọn chàng đang trong tình trạng chờ chuyến vượt biên. Thấy dễ nhưng thật khó, Vũ khẽ thở dài.

    Buổi tối, chờ lúc vắng mặt Loan và chỉ có mình chàng và Dũng trên phòng, Vũ đã hỏi về chuyện mẹ anh Hoài nói với Dũng có liên can đến chàng và Loan. Dũng kể: " Khi đó, bà cụ thấy ba đứa mình nên ngạc nhiên và tỏ ý trách sao lại đưa mầy và Loan ra đây vì cho có đàn bà-con gái trong chuyến đi rất phiền nhưng sau nghe tao kể Loan có ba mẹ sống bên Mỹ thì lại đổi ý. Bà cụ nói là khi sang đến Hồng Kông thì nhờ Loan viết thư nài nỉ ba mẹ nó làm giấy bảo lãnh cho những người ngoài nầy cùng đi chung trong chuyến để họ được sang Mỹ định cư luôn ". Họ! Ở đây theo Dũng cho biết, ngoài anh Hoài ra còn có vài người trong đường dây hiện đang sống ở Hà Nội. Ngày hôm sau, Loan đưa tiền cho mẹ anh Hoài nhờ đi mua thêm thức ăn nhưng anh gạt đi không nhận, nói cô chú phải tiết kiệm vì có thể còn phải đi thêm nhiều chỗ. Khi biết bọn Vũ muốn mượn xe đạp đi lòng vòng Hà Nội, mẹ anh Hoài khuyên cả bọn nên ở kín trong nhà, lộ mặt ra ngoài không tiện. Cả ngày hôm đó không thấy anh Hoài và cậu em trai tên Hòa Bình ở nhà, bà cụ lại không lên trên căn phòng nên bọn Vũ, Dũng và Loan phải ép mình nằm im trong cái nóng bức vì bên ngoài trời muốn mưa nhưng không mưa được. Cái nóng bức lại không có gió để làm loãng không khí càng làm cho làn da người nào cũng rỉ thêm mồ hôi khiến thân thể nhớp nháp hơn. Ngồi chán rồi lại nằm ở một chỗ làm bọn Vũ thấy thời gian dài lê thê trong gian phòng không hề có TV hay sách báo gì để xem. Anh Hoài và cậu Hòa Bình đi đâu vắng nhà mãi tận tối mới về, trông vẻ mặt trầm ngâm như đang suy tính một chuyện gì. Ăn uống qua loa cho xong bữa rồi cả bọn kéo nhau lên gian phòng nấu nước pha trà uống như thường lệ, anh Hoài cho biết tin phải đưa Vũ, Dũng và Loan đi sớm ngay sáng mai. " Phải đi khỏi đây ngay, đề phòng công an khu phố biết cô-chú ở trong gian nhà này ", lời anh Hoài nói làm cả bọn nhìn nhau, đâm lo. Anh Hoài biết lời vừa nói làm cả bọn sợ, vội trấn an:

    - Cô chú nghe anh nói vậy nhưng cứ vô tư, đừng sợ. Có gì thì cứ nói ra ngoài nầy chơi thăm gia đình anh. Sáng mai anh sẽ chở lần lượt từng người đến bến xe Kim Mã. Chú Dũng anh đèo đi trước, kế là cô Loan, còn chú Vũ chuyến sau chót. Ai đến trước, cứ ngồi chờ rồi mình sẽ vào quầy mua vé xe khách đi Hải Phòng cùng một lượt. Đến Hải Phòng rồi người trong hội ở đấy sẽ sắp xếp tiếp. Có thể sẽ phải đi đò máy qua Hạ Long rồi ghé Cẩm Phả và từ Cẩm Phả, mình sẽ đi tiếp đến Tiên Yên rồi Đầm Hà. Nếu hội gặp thuyền ở Đầm Hà thì sẽ vượt bể ngay tại Đầm Hà, còn không thì lại tiếp tục đi lên Hà Cối-Móng Cái sẽ tính sau.

    Vũ suy nghĩ, hội (đám tổ chức vượt biên) chưa có sẵn thuyền hay sao mà lời anh Hoài nói lại không rõ ràng. Cái gì còn phải tính ở Hà Cối-Móng Cái? Nghĩ vậy nên Vũ đã hỏi và anh Hoài đáp: " Hội có thuyền rồi, cả ở Đầm Hà lẫn ở Hà Cối nhưng tính ở đây là xem coi đi bằng đường bể hay đường bộ thì cách nào tốt hơn. Theo anh biết, đường bể phải băng qua eo Bành Hồ của đảo Hải Nam hoặc đi thẳng ra đại dương mong gặp được tàu khối tư bản vớt. Cách chờ tàu tư bản này có khi làm thuyền mất phương hướng khiến trôi dạt xuống tuốt tận Vinh, Huế hoặc Đà Nẵng. Còn nếu đi bằng đường bộ thì phải vượt biên giới sang đất Tàu rồi lần mò lên tới tận Quảng Châu. Đến đó sẽ có người đưa đi Ma Cao và từ Ma Cao, sẽ thuê đò máy vào Hồng Kông. Đây là cách mà nhiều người ngoài này đã dùng ".

    - Anh Hoài có đi chung với tụi em không? Loan đột ngột hỏi.

    - Không! Anh không đi, chỉ có Hòa Bình đi với cô chú thôi. Anh Hoài trả lời.

    Tại sao anh Hoài lại không đi vượt biên chung mà chỉ để có mình cậu Hòa Bình? Vì anh phải ở nhà chăm sóc bà cụ tuổi đã già hay vì điều gì khác? Vũ im lặng, đưa mắt nhìn anh Hoài. Dũng và Loan cũng vậy. Như đoán được ý của cả bọn chàng, anh Hoài dịch người sát gần hơn, thấp giọng: " Anh không thể đi vượt biên được vì còn bổn phận với mẹ anh. Đấy là một phần và một phần nữa là..." rồi anh yên lặng, phân vân. Sau khi làm một hơi điếu cày và chiêu ngụm nước trà cho thấm giọng, anh Hoài mới tiếp: " Cô chú thử nghĩ làm sao anh vượt biên được. Anh, một người ở phe chiến thắng mà bây giờ phải trốn ra nước ngoài. Nói vậy không phải anh còn tin tưởng gì ở chế độ, ở đảng. Cho Hòa Bình đi cùng chuyến, anh nghĩ cô chú đã hiểu lòng anh. Từ khi thống nhất hai miền cho đến giờ, phe thắng trận năm nào đã làm gì mà để cho xã hội, đời sống người dân mình ngày càng đi xuống, vất vả hơn trước thấy rõ. Ai mà không yêu quê hương nhưng chỗ nào, tỉnh nào ở mọi miền đất nước mình cũng đều có người vượt biên. Lý giải làm sao? Hồi còn chiến tranh, bom rơi, đạn nổ cùng cái chết đến thật dễ dàng mà sao dân mình không ai bỏ xứ đi ngoại quốc lánh nạn? Là một đảng viên, anh cũng cảm thấy mình ít nhiều có trách nhiệm và có lúc anh nghĩ phe mình đã bại trận. Thắng trận năm xưa rồi bây giờ là thua đấy. Cô chú đã ra Hà Nội, đã thấy người ngoài này bắt chước gần như hoàn toàn những gì đã, đang có tại miền Nam, nhất là ở Sè Goòng. Người Hà Nội phải vào trong đấy để học nấu cỗ vì bao năm qua còn ai biết đến lễ đến tiệc là gì. Đám cưới-hỏi, cũng chỉ mời nhau ăn cơm như ngày thường hoặc có khi chỉ là bữa tuyên bố đơn sơ với ít nước trà, thuốc lá và kẹo ngọt. Phải vào trong đấy để học may quần áo kiểu, áo dài và làm giầy làm dép vì trước giờ, người dân ngoài nầy chỉ biết đến dép râu, dép nhựa Tiền Phong, mặc độc quần áo bộ đội hoặc đồ công nhân... Rồi phải vào để học... Ôi! Nhiều thứ quá và khi trở ra Hà Nội, người nào cũng mang theo nguyên cả nếp sống, nếp văn hóa Sè Goòng y như họ là dân miền Nam thời Ngụy. Bạn bè anh! Đảng viên có, chiến sĩ thi đua có cả đấy mà vẫn bỏ trốn ra nước ngoài. Anh không thể làm như họ được dù bây giờ anh lờ mờ hay thực ra anh biết lý tưởng mình chọn đã sai nhưng vẫn bướng bỉnh không nhận. Những người lính Sè Goòng năm xưa khi thua trận và khi vào trại cải tạo gặp người bên phía anh quản lý, họ vẫn ngẩng cao đầu. Người chế độ Sè Goòng có sự tự trọng của họ và rất đáng phục. Bây giờ, anh nghĩ mình cũng vậy, phải giữ sự tự trọng chứ. Nếu anh bỏ trốn theo cô chú thì đâu còn là anh Hoài, cựu bộ đội và là đảng viên. Còn Hòa Bình, nó không thuộc về thế hệ của anh, nó khác và cùng thế hệ với cô chú. Hòa Bình nó muốn bỏ trốn, đó là ao ước của nó và anh hiểu. Nếu anh là nó, cũng sẽ làm như vậy. Mong cô chú khi sang được Hồng Kông, hãy tìm mọi cách giúp đỡ cho Hòa Bình ". Lời anh Hoài bộc bạch làm không khí trong buổi uống trà chùng xuống và không ai nói với ai một lời cho đến khi có tiếng chân mẹ anh Hoài lục tục ở cầu thang gác mới phá vỡ khoảng không gian yên lặng. Bà cụ lên căn phòng, dục mọi người đi nghỉ sớm để giữ sức cho chuyến đi Hải Phòng vào buổi sáng sớm ngày mai.

    Tan buổi trà, nằm im bên cạnh Dũng ở mặt sàn phòng có cửa sổ trông ra bên ngoài lấp ló ánh trăng non, Vũ tự nhủ đêm nay là đêm cuối cùng của chàng ở Hà Nội, một đêm gần cuối năm 1985. Ngày mai bọn Vũ đi Hải Phòng và rồi chưa biết chuyến vượt biên sẽ ra sao?

    Phạm Thắng Vũ
Working...
X