Về một tấm hình
Trần Hoài Thư
Trên đây là một trong những tấm hình đã làm cho cả thế giới kinh hoàng về cuộc chiến ở Việt Nam. Tấm hình đã mang tên tuổi người phóng viên Việt Nam làm cho hãng AP là Nick Ut lên đỉnh cao tột cùng của bộ môn nhiếp ảnh qua giải Pulitzer. Tấm hình cũng đã mang cô bé nạn nhân “napalm girl” trở thành một biểu tượng của phong trào phản chiến chống chiến tranh, cũng như một công cụ tuyên truyền của phe cộng sản, nhằm kết án phe miền Nam…
Một câu hỏi: Ai là thủ phạm? Nhìn vào tấm hình, thấy những cuộn khói đen đặc bùng lên mù mịt, chắc do từ một hay nhiều quả napalm trút xuống khu vực. Dĩ nhiên chỉ có phe miền Nam mới có máy bay oanh tạc. Oanh tạc lầm hay chủ ý? Tôi không biết. Có điều, tôi hiểu là trái bom rơi gần một lớp học. Không gần thì làm sao em bé gái này lại lõa lồ, và tấm lưng em, theo như tin tức mà tôi được đọc là bị phỏng đến 65%? Mang trên lưng những nỗi đau đớn tột độ, miệng mếu máo, hai tay giang ra như hai tay Chúa để chịu đóng đinh. Em kêu gọi ai đây?
Mỗi lần nhìn hình, lòng tôi đau…
Bởi vì chúng tôi đã bất lực trong việc bảo vệ em, bất lực trong việc xoa dịu nỗi thống khổ của thường dân vô tội.
Bất lực vì phải chiến đấu trong một cuộc chiến chó má nhất.
Khi mà thường dân vô tội bị buộc làm khiên mộc. Khi mà những em bé 11, 12 tuổi được huấn luyện ném lựu đạn vào chúng tôi, khi mà trong một vùng không có đàn ông lại có những người đàn bà có bầu.
Nhưng mà trời ơi, làm sao mà tra khảo người đàn bà có bầu ấy, khi cái bụng đã sắp đến kỳ sinh nở? Không thể tát tai bà lão lạy ta như mưa bấc, để trút lên nỗi hằn học khi một người đồng đội bị súng trong làng bắn ra, gục xuống chưa kịp nói một lời cuối cùng. Không thể ném lựu đạn lân tinh xuống hầm, mà tìm mọi cách liệng lựu đạn khói hay cay, dù đám dân mà cũng có thể là địch ấy bất trị ngoan cố trước bao lời kêu gọi, dọa dẫm!
Vâng, tôi biết, trong số người vừa chui dưới hầm lên ấy, có kẻ, sau khi chúng tôi rút đi, sẽ lại tiếp tục cầm súng, tìm cách giết chúng tôi. Tôi biết, dù đôi mắt kia van lơn, thống khổ, nhưng ai biết trong lòng họ là cả một bồ dao găm mã tấu hả hê, sẵn sàng cắt cổ chặt đầu chúng tôi sau này. Vậy mà, khi thấy người đàn bà bụng chửa trồi lên, bồng theo đứa bé thì lòng người lính sao vui quá đỗi. Vui như muốn hét lên: Cảm tạ Ơn Trên, Ngài đã cho con không phạm một tội ác!
Nhìn tấm hình, bỗng nhớ lại một lớp học nào đó ở vùng đất Tuy Phước Bình Định xa xưa khi chúng tôi qua đó, trên đường truy kích một đơn vị địch mà hồi đêm mang súng lớn về pháo Bộ Tư lệnh Sư đoàn 22 BB. Khi chúng tôi dừng quân, là lúc cô giáo làng đang gõ nhịp thước trên bàn và cả lớp học đồng thanh đọc bài học thuộc lòng. Mấy mươi cửa miệng gào to theo nhịp thước. Lời mấy mươi con chim non hòa cùng một đại tấu khúc tươi vui. Lòng người lính ấm lắm, vui lắm. Nhìn vào lớp. Và cô giáo nhìn ra, chợt cúi đầu bẽn lẽn. Cô giáo làng mang áo màu tím hoa cà. Cô có biết là tôi cũng có một thời như cô không? Thèm lắm một lần đứng trước các em, giảng các em một bài toán khó. Thèm lắm được thấy bên kia khung cửa những mái tranh mái ngói giữa những cánh đồng mạ xanh. Đang mơ thì bỗng có tiếng súng cạch cạch nổi lên. Cả lớp học, dường như quá quen với không khí chiến tranh, nên tất cả đồng loạt nằm xuống nền lớp, dưới bàn học. Những người lính ào ra tìm chổ ẩn. Người lính truyền tin nhận lệnh và báo cáo. Lại thêm một tên du kích tiếp tục quấy phá. Nó như bóng ma hiện hồn.
Bây giờ, nhớ lại thời cầm súng, tôi đặt câu hỏi, nếu địch dùng lớp học để mà bắn chúng tôi thì sao. Tôi phải xử trí như thế nào với chức vụ một trung đội trưởng khi được lệnh thanh toán mục tiêu là lớp học này? Tôi không biết… Trường lính không dạy tôi về cách xử trí khi địch dùng dân làm cái khiên.
Bởi vậy, cám Ơn Trên đã không để địch dùng lớp học làm cái khiên trêu chọc chúng tôi. Để bây giờ, lương tâm tôi an ổn, và ngẩng cao đầu, không hổ thẹn trong những ngày tháng chiến chinh, ít ra với chính mình.
*
Nhìn tấm hình, có lẽ ít ai để ý đến 4 người lính đang khơi khơi đi đàng sau các em. “Sự khơi khơi” này được chứng tỏ qua cách họ cầm súng. Kẻ chĩa mũi súng xuống đất, kẻ chĩa mũi súng về bên đường. Dáng họ cũng tự tin. Nếu địa điểm trong hình là bất an, nguy hiểm, không an toàn thì chắc chắn họ không thể đi khơi khơi như vậy được. Trái lại họ phải núp, bò, ngón tay ở vị thế sẵn sàng khai hỏa.
Sự có mặt của họ trong hình bị lu mờ trước ống kính và trước người xem hình. Nhưng theo tôi, chính sự có mặt kia đã mang rất nhiều ý nghĩa. Rằng chính họ đã bảo vệ để mang đám trẻ kia về với sinh lộ, để sau này có hai người trở thành hai nhân vật nổi tiếng. Phóng viên Nick Ut được giải Pulitzer cao quí về bộ môn nhiếp ảnh, và cô bé nay trở thành một đại sứ đặc biệt của Liên Hiệp Quốc.
Còn bốn người lính kia, chắc có người đã chết, hay sống nghèo khó lầm than, với dấu ấn ô nhục là “ngụy quân già không tha, trẻ không từ” mãi mãi trên lưng.
Có phải vậy không?
© 2010 Trần Hoài Thư