Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Vân Mộng Lan

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Vân Mộng Lan


    Vào thời cuối nhà Tây sơn, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên có gia đình họ Nguyễn vốn thuộc giòng dõi danh gia thế tộc. Nguyễn ông mất sớm để lại người vợ trẻ và 5 người con: một trai, 4 gái. Nguyễn bà trông nom sản nghiệp và dựng vợ gả chồng cho 4 người con gái, riêng cậu con trai Nguyễn Sinh chẳng thích học hành, chỉ thích hoa cảnh, chim chóc mà cũng chẳng tính chuyện lập gia đình hay trông nom gia sản. Tất cả mọi chuyện đều nhờ bà mẹ và người quản gia trông nom vườn ruộng.

    Thấy con tuy đã khôn lớn nhưng không tha thiết gì đến chuyện có người kế tự, Nguyễn bà bèn bắt chàng lấy vợ. Chiều lòng mẹ, chàng ưng thuận lấy người con gái của một vị tú tài họ Phạm ở làng bên cạnh. Phạm nương, tuổi vừa đôi tám, mặt hoa, da phấn, dáng đi uyển chuyển, hiền hậu, nói năng ngọt ngào nên được lòng từ chồng cho đến bà mẹ chồng và đám gia nhân đông đảo. Ba năm đã qua, Phạm nương vẫn không hoài thai và Sinh cũng chẳng hề xem chuyện nối dõi tông đường là quan hệ. Hễ nghe thấy ở đâu có chim muông hay hoa thơm, cỏ lạ Sinh cũng cố tìm đến xem và mua cho bằng được.

    Một hôm, nghe nói ở tỉnh Nam định có một vườn cây đầy những kỳ hoa dị thảo, Sinh xuống bến Thụy Lôi mướn đò xuôi Nam. Bến Thụy Lôi tục gọi là bến Suôi, thuộc huyện Tiên Lữ nằm ngay bên giòng sông Luộc. Trên bến cửa hàng, hiệu ăn nhan nhản, người xe chen chúc, dưới sông thuyền bè lớn nhỏ ngược lên Hà Nội, suôi xuống Ninh Giang, Hải Phòng hay chẩy về Nam Định. Đảo một vòng nhìn quanh tìm kiếm chưa tìm được chiếc nào đi về Nam Định. Sinh chợt thấy trên một chiếc thuyền buồm khá lớn có một người thiếu nữ quần áo mầu vàng đang ngồi thêu giầy. Nữ lang này cực kỳ diễm lệ, cắm cúi ngồi thêu, chẳng thèm để ý đến Sinh đứng nhìn nàng mà không chớp mắt. Hồn điên, phách đảo Sinh vội bước xuống thuyền, nàng thiếu nữ chỉ ngửng đầu đưa mắt nhìn rồi cúi xuống tiếp tục thêu một bông hoa lan vàng sẫm trên mũi giầy nhung đen mượt.

    Sinh lên tiếng hỏi nàng có phải thuyền về Nam Định hay không? Nàng hình như không nghe thấy nên lặng thinh không trả lời và vẫn cặm cụi thêu may. Sinh cao giọng hỏi tiếp, nàng mới ngửng đầu lên trả lời là có, nhưng chở chàng đi hay không phải tùy quyền cha nàng định đoạt . Nói xong nàng lại cúi xuống thêu giầy. Nhìn gương mặt xinh tươi như hoa phù dung buổi sáng, sóng mắt như nước hồ thu, môi mọng như trái bồ quân, giọng nói như chim oanh hót, Sinh bủn rủn chân tay, cứ đứng lặng người mà ngắm. Thừa lúc nữ lang không để ý, Sinh thò tay nhặt trộm cây trâm cài tóc để ở trong giỏ đựng kim chỉ bỏ vào túi áo.

    Giữa lúc đó một lão ông mặt mũi phương phi, khoảng ngoại lục tuần từ trên bờ bước xuống. Sinh đoán rằng đó là phụ thân của nữ lang, chàng liền bầy tỏ ý định và sẵn sáng trả giá rất cao nhưng ông lão từ chối là không đi Nam Định. Nói xong, ông mời chàng lên bờ và nhổ neo lái thuyền đi thẳng. Sinh vội vàng thuê một chiếc thuyền nhỏ đuổi theo, nhưng thuyền lớn giương buồm lại gặp gió thuận lướt sóng lao đi vùn vụt bỏ lại chiếc thuyền nhỏ với hai tay chèo dù rằng đã tận sức cũng không sao đuổi kịp.

    Không chịu bỏ cuộc, Sinh vội vã lên một chiếc thuyền khác đi Nam Định và hứa thưởng trọng hậu nếu đuổi kịp được chiếc thuyền kia. Nhưng thuyền truớc đã bỏ đi mất dạng. Khi tới Nam Định chàng tìm đi tìm lại mấy vòng chẳng thấy chiếc thuyền có bóng dáng giai nhân đâu cả. Sinh bỏ hẳn ý định đi xem vườn cây, ở lại trên bến mấy ngày để quan sát thuyền bè qua lại và hỏi thăm tung tích nhưng vẫn bằn bặt bóng chim, tăm cá.

    Trở về nhà Sinh cứ thẫn thờ như kẻ mất hồn, chàng suốt ngày thở vắn than dài, biếng ăn mất ngủ. Nguyễn bà vội vã hỏi han tìm thầy, tìm thuốc và cho người đi dò la manh mối, nhưng gần một năm qua vẫn không kết quả. Sinh mỗi ngày một gầy mòn, yếu đuối bỏ mặc đám cây cảnh, hoa thơm úa héo tàn tạ, lũ chim sơ sác, ủ rũ trong lồng.

    Một hôm, Sinh bỗng thấy mình thả bộ dọc theo bờ một con sông khác lạ. Bên cạnh bờ đê là một tiểu thôn cảnh trí rất thanh tao, u nhã. Ngõ trúc uốn quanh bên giòng suối trong veo lững lờ chẩy qua những hàng chuối và khoai môn lá rậm xanh rì. Vài khóm liễu rủ lá lơ thơ, buông mình trên giòng sông vắng bên cạnh mấy gốc gạo sần sùi, hoa nở rực rỡ như ngọn lửa đỏ trên những cành cao có đàn chim sáo tranh nhau tìm đám côn trùng ẩn núp trong những nhị hoa vàng thẫm.

    Lần theo ngõ vắng, Sinh thấy một chiếc nhà nhỏ mái lợp rạ, cửa treo mành mành bằng trúc, gió reo lách cách vui tai. Bên cạnh nhà là khu vườn đầy những khóm lan, hoa giống như chiếc nữ hài. Khóm này mầu đỏ tía, khóm kia mầu hồng phơn phớt, khóm mầu xanh ngọc thạch xen giữa những tảng đá ong lỗ chỗ trông rất ngoạn mục. Đặc biệt hơn cả là một bông lan hài mầu hoàng kim duy nhất mầu sắc rực rỡ dưới ánh tà dương. Mầu hoa phản chiếu ánh nắng lấp lánh bên nhửng phiến lá mầu xanh lục bóng loáng có nhửng đường viền mầu trắng đục ở phía đầu và đổi thành mầu tím ở phía cuống lá. Sinh nhận thấy rằng đây chính là bông lan mà người thiếu nữ năm nao đã thêu vào chiếc hài nhung, trên thuyền trở về Nam Định. Chàng say sưa ngắm những bông lan lạ lùng chưa bao giờ thấy. Trong đám hoa cảnh ở quê nhà của chàng đâu có thiếu gì lan. Những chậu Hạc đính, Mặc lan, Tố tâm, Nhất đỉểm hồng v.v... thứ nào chàng cũng có vài ba chậu, nhưng chưa từng có những giống lan này.

    Có tiếng chân nhẹ bước phía sau, Sinh quay đầu nhìn lại, sững sờ thấy đó chính là giai nhân ở bến chợ Suôi năm nào. Sinh vội lên tiếng chào:

    Chào cô! Từ lâu nay tôi vẫn cố gắng tìm cô mà chẳng thấy. Hôm nay gặp lại chốn này có lẽ là duyên may tiền định, không hiểu cô có nhận ra được tôi hay không?

    Thiếu nữ ngẩn người ra, hình như ngờ ngợ không rõ.

    Tôi là người xin quá giang thuyền cô đi Nam Định năm xưa đó!

    Sinh rút chiếc trâm cài tóc mà lúc nào chàng cũng mang theo trong túi áo. Nhìn thấy chiếc trâm, một kỷ vật quen thuộc của nàng trong tay người lạ, thiếu nữ mặt bỗng ửng đỏ và vui vẻ hỏi lại:

    Chiếc trâm này tôi mất đã lâu, tại sao chàng lại có? Chàng nhặt được ở đâu? Xin trả lại cho thiếp có được hay không?

    Lợi dụng cơ hội khi đưa trả chiếc trâm, Sinh nắm lấy tay người đẹp. Nàng mỉm cười, lặng yên không rút tay ra. Bàn tay mềm mại với những ngón tay dài và trắng như búp măng làm Sinh bàng hoàng ngây ngất định ôm lấy nàng, bỗng dưng có tiếng dặng hắng ở phía sau. Ông lão lái thuyền năm xưa, từ cổng xăm xăm bước vào. Sinh giật mình kinh hãi vội bỏ tay nàng ra và mới biết là mình vừa tỉnh giấc chiêm bao...

    Tức giận rằng mình dang dở mất giấc mộng vàng, Sinh cố nhắm mắt lại hy vọng được thấy giai nhân trong khung cảnh cũ, nhưng chỉ hoài công vô ích. Tuy vậy giấc mộng dở dang cũng làm cho Sinh ăn ngủ trở lại. Chàng tin rằng chuyện trong mộng ảo và đời sống thực tại có nhiều liên hệ với nhau. Có chuyện thực, mới có giấc mộng và chỉ với giấc mộng thôi đã làm cho Sinh cảm thấy phấn khởi trong lòng, nuôi biết bao nhiêu hy vọng.

    Đầu năm sau, Sinh đi Sơn La, Hòa Bình thăm người cô ruột theo chồng giữ chức tri châu vùng Chợ Bờ sau đó lại đổi về Mộc Châu. Lâu ngày gặp được gặp, cô cháu vui vẻ và người chú rể đã giữ chàng ở lại và cho Sinh mượn con ngựa để dạo chơi quanh vùng. Núi non hùng vĩ, sông nước bao la, khung cảnh hữu tình, không khí mát mẻ làm cho Sinh quên hết u sầu ảo não. Lỏng cương cho ngựa thong dong tự do bước tới, Sinh có linh cảm điều gì tốt đẹp sắp sửa xẩy ra. Một lát sau con ô mã dẫn chàng tới một vùng phảng phất như trong giấc mộng. Kìa giòng suối quanh co, kìa những khóm trúc đùi gà y hệt trong giấc mơ năm ngoái. Ngõ liễu phất phơ trong gió, chiếc cổng gỗ, cánh cửa mở toang như chào đón cố nhân . Căn nhà nhỏ với chiếc mành trúc nằm bên thửa vườn sát cạnh trồng đầy hoa kiểng. Không thể nào nhầm lẫn được, Sinh vội vàng xuống ngựa buộc vào cổng và tiến vào trong nhà. Người đẹp năm xưa đang ngồi thêu ở ngoài hàng hiên thấy chàng bước vào vội đứng lên hỏi:

    Ông muốn kiếm ai?

    Sinh nhắc lại những lời đã nói trong mộng:

    Thưa cô tôi muốn kiếm cô! tôi là người đã xin đi thuyền về Nam Định với cô năm ngoái.

    Tôi nhớ ra rồi nhưng ông kiếm tôi làm gì?

    Từ khi gặp cô, trong lòng luôn luôn khát khao tưởng nhớ. Tôi đã nhiều lần xuống Nam Định tìm cô, nhưng không được gặp, gần đây trong giấc mộng lại được gặp cô và ai ngờ bây giờ lại là sự thực.

    Nói xong, Sinh rút chiếc trâm ra trả lại cho người thiếu nữ và kể chuyện gặp nàng trong giấc mộng ra sao. Nàng lạ lùng kinh ngạc, hai má ửng hồng đưa tay đón nhận chiếc trâm và cho biết nàng cũng có giấc mơ y hệt như vậy. Chàng cầm lấy bàn tay thon nhỏ dịu dàng và nàng cũng không phản đối. Hai người bước ra vườn lan, nàng chỉ những cụm lan hài giải thích đây là giống Vân duyên lá dày có vân xanh nhạt, cánh hoa mầu xanh trắng có nhiều sọc nhỏ mầu xanh hay tía. Kia là giống hài đốm cuống hoa ngắn ngủi cánh mầu vàng nhạt có đốm mầu nâu tím. Cạnh đó là giống Bạch hài, cánh lớn mầu trắng có những đốm đỏ, cánh ngang nâu vàng, Mao hài lá dài và xanh thẫm, cánh hoa tím hồng có những lông măng trên như cánh tay người thiếu nữ đương thì. Thanh hài với dò hoa cao gần nửa thước mang theo mùi thơm duyệt diệu. Cạnh đó nào là Hồng hài, Tía hài phô bày mầu sắc khác thường. Chợt nhớ đến bông hài vàng mầu hoàng kim rực rỡ trong giấc mộng chàng lên tiếng hỏi. Nàng cho biết trong vườn chẳng có một bông nào tuyền vàng, một mầu sắc mà nàng hằng ưa thích cho nên đã tưởng tượng ra và thêu lên trên mũi giầy nhung.

    Đi bên cạnh nàng, giữa những bông lan kỳ dị nhưng tất cả đã bị sắc đẹp và giọng nói thanh tao của người thiếu nữ át đi. Nàng cho biết tên là Vân Nương, quê nàng ở Mộc Châu chứ không phải ở vùng trung du như chàng lầm tưởng. Hôm đó lần đầu nàng theo cha, một khách thương hồ mang một số măng nấm đến bán ở vùng chợ Suôi. Sau đó dự tính về Nam Định mua ít đồ gỗ của phố hàng Nâu, đem về Hà Nội bán lại kiếm lời. Sản phẩm của con phố cổ này từ lâu đã nổi tiếng khắp Bắc hà về những đường nét chạm trổ công phu. Nhưng vì có người gạ bán một số lâm sản với giá rất hời cho nên đã đổi ý không đi Nam Định mà về Hà Nội, rồi ngược sông Hồng, qua sông Đà trở về Mộc Châu. Sinh cũng kể sơ qua về gia thế, nhưng giấu biệt chuyện chàng đã có gia đình. Trở về Sinh van nài người cô và chú rể đến ngỏ lời manh mối.

    Vân ông từ lâu có ý kén rể đông sàng, khi biết chàng là cháu của quan Tri Châu, diện mạo khôi ngô lại thêm tính tình khoáng đạt, nên đã vui vẻ tiếp đón, dành cho chàng nhiều hảo cảm và đuợc chấp thuận dễ dàng. Ngỏ lời từ biệt, Sinh ra về dự tính sẽ xin với mẹ ly dị Phạm nương, viện cớ nàng không sinh được con nối dõi cho giòng họ, sau đó sẽ xin cưới Vân nương.

    Trở về đến nhà mới hay 2 tháng trước đây vợ chàng bỗng dưng đã bị bạo bệnh qua đời, nhưng mẹ chàng lại đau yếu nặng cho nên chàng phải nán lòng ở lại hầu hạ thuốc men, phụng dưỡng mà bệnh tình người mẹ cũng không hề thuyên giảm. Một năm sau, Nguyễn bà qua đời, Sinh giao hết ruộng vườn cho người quản gia và vội vã lên đường đi Mộc Châu.

    Tới nơi mọi sự đã hoàn toàn đổi khác, người chú rể đã được bổ nhậm về miền suôi. Trở về chốn cũ, cảnh vật hoang tàn. Ngôi nhà đã bị cháy tiêu tan chỉ còn nền đất đen xì và đám kèo cột đã biến thành những khúc tro than dang dở. Vườn lan cỏ dại mọc cao ngập lối. Dạo quanh khắp vùng tìm kiếm nhưng không ai biết rõ về tin tức của nàng. Chỉ biết rằng một đám giặc cướp tràn qua, cửa nhà bị dốt cháy tan tành và cha con nàng biệt vô tăm tích.

    Sinh quá buồn chán trở về quê giải tán đám gia nhân, bán hết ruộng vườn và lên Mộc châu sinh sống. Chàng cất nhà trên mảnh đất năm nào. Tuy của cải có thừa nhưng chàng không muốn xây cất dinh thự nguy nga mà chỉ cất một ngôi nhà nho nhỏ với mái tranh rèm trúc y hệt như gian nhà năm trước. Khoảnh vườn cũ, cỏ dại mọc đầy. Chàng không muốn thuê người mà tự tay dọn dẹp, tạo dựng lại vườn lan để nhớ lại kỷ niệm năm xưa cùng nàng dạo bước và tưởng chừng như giọng oanh vàng lảnh lót vẫn còn văng vẳng đâu đây. Hoa thơm cỏ lạ quanh vùng và đặc biệt là những chậu lan hài dù chàng đã có rồi hay chưa có, bất kể giá cao hay hạ, Sinh cũng cố mua cho bằng được. Những đêm trăng sáng chàng ngồi uống ruợu một mình, hy vọng người đẹp trở về dù cho trong mộng hay trong thực tại. Chàng kiên nhẫn chờ đợi quên hẳn thời khắc cho đến lúc sương khuya thấm lạnh hay tiếng gà rừng báo sáng chàng mới vào giường. Người quanh vùng thấy chàng cô đơn, lạnh lẽo ngỏ ý muốn tìm kiếm cho chàng một người sửa túi nâng khăn, nhưng chàng vẫn bỏ ngoài tai.

    Một đêm chàng thấy mình lại trở về chốn cũ, hàng liễu vẫn xanh, khóm trúc bên đường vẫn không có gì thay đổi. Ngôi nhà xưa có làn khói trắng uốn mình trong gió. Mành trúc vẫn lay động như năm nào. Bước vào trong nhà, tuyệt nhiên vắng lặng như tờ, không một bóng người. Bước ra vườn xưa bỗng có một bóng vàng thoáng vụt qua mau. Trong đám hoa hèn, cỏ mọn đó có một vệt sáng lung linh trong nắng. Nhìn kỹ đó là đóa Hoàng hài trong giấc mộng năm nao. Mới đầu chỉ có một bông rồi những nụ hoa từ từ hé nở. Cánh hoa và đài hoa chuyển từ mầu xanh nhạt nõn chuối thành mầu hoàng kim rực rỡ. Quang cảnh bỗng nhiên biến đổi, tất cả khu vườn bây giờ chỉ còn một mầu vàng chói óng ánh khắp nơi. Sinh nhớn nhác nhìn quanh tứ phía, chạy vào trong nhà rồi lại ra ngoài vườn nhưng bóng hồng xa khuất nơi nao? Bông hoa trong mộng nay đã trở về, còn người thục nữ khi trong mộng ảo, khi thực ngoài đời lại ở nơi đâu? Sinh thẫn thờ tự hỏi và lại giật mình tỉnh giấc chiêm bao...

    Từ đó, đêm nào cũng vậy dù có trăng sao hay không, Sinh cũng uống ruợu tới khuya và chờ mong giấc mộng lại đến với chàng. Lúc nào chàng cũng tưởng như mình vẫn còn sống trong giấc mộng.

    Năm qua, tháng lại đã mấy lần lá thu đổi sắc, tóc xanh ngả mầu mà người đẹp năm xưa vẫn còn ẩn bóng. Sinh hoàn toàn thất vọng, chẳng muốn tìm kiếm tìm thêm nữa và cũng tuyệt giao cùng với bạn bè, chàng chỉ còn vật vờ ăn ngủ, thân xác ốm o như những con phù du trong cơn mưa bão. Tiền bạc hao mòn Sinh cũng chẳng thèm để ý, chàng không lo thiếu gạo ăn hay thịt cá mà chỉ lo hũ rượu cạn dần.

    Vào đêm trừ tịch Sinh ngồi uống rượu một mình và ngủ thiếp đi. Chợt có người nắm vai lay động, Sinh bỗng choàng ngồi giậy và mở mắt ra. Người thiếu nữ mà chàng khát khao tưởng nhớ đang ngồi bên cạnh, đội mắt long lanh ngấn lệ, miệng chẳng ra cười mà cũng chẳng ra mếu. Sinh ôm chăt nàng vào lòng chỉ thấy đôi vai rung rung, xương mai, mình hạc. Nàng cũng ghì lấy chàng và tiếng khóc bật ra tức tửi. Phút giây cảm xúc đã qua, nàng cho biết bọn giặc đã tràn qua cướp phá thôn làng. Cha con nàng đều bị giặc bắt mang đi. Trên đường về sào huyệt tên tướng cướp dở trò cưỡng bức, nàng chống cự mãnh liệt nên bị chúng bóp cổ giết chết. Cha nàng quá uất hận vùng lên dứt bỏ giây trói nhưng thân cô, thế yếu bị chúng chém đứt đầu. Thân xác hai nguời bị bỏ lại trong rừng sâu làm mồi cho muông thú. Từ đó vong hồn cha con vất vưởng nơi đầu non, ngọn suối. Nhân đêm trừ tịch tối trời nàng lần bước trở về chốn cũ và gặp người xưa. Nàng sụt sùi khẩn khoản van nài:

    Xin chàng hãy vì chút tình xưa nghĩa cũ, ra tay nhặt nhạnh nắm xương tàn, đắp cho phần mộ và thắp cho một nén hương, cha con thiếp sẽ được ngậm cười nơi chín suối.

    Sinh gật đầu ưng thuận và nàng dắt tay Sinh cất bước. Bàn tay lạnh lẽo, xương xẩu nắm chặt lấy Sinh và chàng vội vã theo chân. Trong rừng, cây mọc san sát, thân cây cao vút và đan nhánh với nhau, lá cây rậm rạp không có một chút ánh sáng nào có thể xuyên vào trong khoảng tối đen thâm u huyền hoặc đó nhưng họ vẫn rảo cẳng bước nhanh mà không hề vấp cây hay đá. Sinh nhiều lần muốn lên tiếng hỏi nhưng miệng chàng hình như có keo gắn lại, nói chẳng nên lời. Khi nàng buông tay ra, Sinh thấy mình ở giữa một trảng cỏ thấp ngắn, đầy những phiến đá ngổn ngang, lô nhô như bàn thạch. Người thiếu nữ đã biến đâu mất chỉ còn sương mù và hơi lạnh bao quanh. Đâu đây vài tiếng tử quy buồn rầu ảo não, tiếng tắc kè rời rạc hòa cùng tiếng côn trùng rên rỉ làm cho cảnh vật càng thêm vẻ thê lương. Vài tiếng gà rừng sao xác, báo hiệu buổi bình minh sắp đến.

    Định thần quan sát cảnh vật chung quanh, Sinh nhận thấy nơi đây chẳng cách căn nhà đang ở bao xa. Lẫn trong những đám cỏ dại hai bộ xương người đã bị muông thú phá phách chẳng còn nguyên vẹn vương vãi khắp đó đây. Một bộ xương nhỏ hơn với chiếc giầy cườm còn sót lại giúp cho Sinh có thể nhận được đó là di thể của Vân Nương. Trở về lấy cuốc, đào xong hai ngôi mộ huyệt, Sinh nhặt từng chiếc xương, nhẹ nhàng đặt xuống mà nước mắt chan hòa. Quá trưa mộ đã được đắp xong, nhang thắp một tuần, rót đầy ly ruợu tưới xuống lòng đất, Sinh khấn nguyện cầu xin cho linh hồn sớm được siêu sinh tịnh độ.

    Chiếc giầy cườm thêu bông nữ hài mầu vàng tuy đã thủng một lỗ lớn nhưng đối với Sinh là một bảo vật gối đầu giường. Trước khi đi ngủ chàng lấy hài ra vuốt ve ngắm nghía hình dung đôi bàn chân thon nhỏ gót sen ửng hồng, tưởng chừng như còn có chút làn hương xạ

    của con người ngọc vương vất đâu đây.

    Chàng ôm hài vào lòng và mong cho giấc mộng trở về. Một hôm nàng đến và nói với Sinh rằng:

    Tấm lòng thương tưởng mối ân tình cũ của chàng làm cho thần linh cảm động và cho phép thiếp trở về dương thế. Bắt đầu từ ngày mai, xin đem chiếc hài đặt lên trên phần mộ, cứ đến nửa đêm thắp một nén nhang. đổ chén ruợu vào giầy rối khấn vái cho thiếp đực tái hợp cùng chàng. Đúng 100 ngày, sau khi khấn vái xong, hãy đào mộ lên, lấy máu rỏ cho thiếp 10 giọt và dùng chăn quấn kín cho khỏi gió máy rồi mang thiếp về nhà.

    Y theo lời dặn, Sinh cúng lễ hàng ngày không hề sơ sót. Ngày bách nhật, chàng chuẩn bi đầy đủ mọi thứ, mang chăn mền và cuốc xẻng đi theo. Vừa xong tuần nhang, trời bỗng tối sầm hẳn lại, sấm chớp nổi lên đùng đùng nhưng không hề có một giọt mưa rơi xuống. Trong ánh chớp lòe sáng chợt tắt, Sinh vội vàng đào mộ. Khi gần tới nơi chàng dùng hai bàn tay cào xới, e sợ rằng lưỡi cuốc phạm vào thi thể. Đất đá làm đôi tay rớm máu, Sinh cũng chẳng hề quan tâm, hối hả làm cho mau cho chóng. Quả nhiên, bộ xương khô khi trước bây giờ đã có da có thịt. Bồng nàng vào trong lòng, cậy miệng, bóp mạnh bàn tay cho nhỏ máu, lấy chăn quấn kín và mang nàng về. Mở chăn ra nàng đã bắt đầu thoi thóp thở. Mới đầu nàng như đứa trẻ sơ sinh, nhưng sau vài hôm ăn cháo, uống nước nàng bắt đầu ngồi dậy được. Một tháng sau da thịt hồng hào, đi lại ở trong nhà và qua 3 tháng nàng đã trở thành một người bình thường.

    Đem chiếc giầy cũ ra vườn, nàng để dưới bóng cây rợp mát, hàng ngày tưới nước bón phân, 49 ngày sau một mầm non nhú ra. Vừa đúng 9 tháng 10 ngày nụ hoa hé nở. Lúc đó vào khoảng giờ Thìn một mùi hương tỏa ra ngào ngạt. Cánh hoa, đài hoa và bầu hoa một mầu vàng rực rỡ nhưhoàng kim át hẳn những sắc hoa lân cận. Bướm cả trăm con từ đâu kéo đến quây quần khắp một khu vườn.

    Chàng đặt tên hoa là Vân Mộng Lan để kỷ niệm những chuyện mộng, thực huyền ảo biến hóa khôn lường. Từ đó Sinh và nàng sống một cuộc đời ẩn dật, thanh đạm it khi tiếp súc với bên ngoài.

    Khi vua Gia Long lên ngôi và ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 với quân Pháp, một trận giông tố cuồng nộ nổi lên. Sấm sét ầm ầm, mưa như thác lũ giòng giã 7 ngày 7 đêm. Cơn mưa chấm dứt, cả khu nhà và vườn lan bị nước cuốn trôi ra sông Đà.

    Người ta không tìm thấy xác Nguyễn Sinh và Vân nương đâu cả, có lẽ họ đã biến vào trong giấc mộng ảo ngàn thu.

    Placentia 11/05
    BÙI XUÂN ĐÁNG

  • #2
    Truyện này lôi cuốn lắm , cám ơn bác CSL cho xem nha.


    Thân,
    nahoku
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

    Comment


    • #3
      mấy người hùi xưa coi bộ cũng đã nhiễm bịnh nhạy cảm và dị ứng với bông hoa quá hén...hít ngửi nhìn nghe thấy hoa Lan ..cái cảm liền....rồi bịnh...rồi mất tích luôn...thí ghê thiệt nha



      Mr Chu
      ***************

      Comment

      Working...
      X