Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Người Chăn Vịt Trại Châu Bình

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Người Chăn Vịt Trại Châu Bình

    Kính tặng cho Bác Nahoku bởi Chu sa lan


    Truyện ngắn NGUYỄN THIẾU NHẪN


    Chẳng ai biết tên thật của ông ta là gì, mãi cho đến lúc câu chuyện khủng khiếp đó xảy ra. Thường ngày Người Chăn Vịt Trại Châu Bình chúng tôi vẫn gọi ông là ông Năm Cò. Tôi cũng không hiểu tại sao ông lại có cái tên này.

    Vào năm 1980, trại Châu Bình là một trại cải tạo nổi tiếng hắc ám nhất của tỉnh Bến Tre. Theo những người ở tù lâu năm cho biết các trại cải tạo Bến Giá, Cây Dương chẳng có nhằm nhò gì so với trại Châu Bình. Tuy sanh sau đẻ muộn nhưng trại Châu Bình K.20 là một loại trại tù kiểu mẫu, điển hình được chỉ huy bởi các sĩ quan Công an và cảnh vệ toàn là người miền Bắc và xuất thân từ các trường huấn luyện công an cũng ở miền Bắc.Các nội qui, qui định của trại được thực hiện răm ráp, không sai chạy. Toàn trại có 20 đội, tôi thuộc đội 12. Tất cả các đội đều có một công việc chung và duy nhất: Lấy đất cho sâu xuống, chuyển đất đấp thành những hồ ở giữa, theo giải thích của cán bộ quản giáo là để nuôi tôm, cá xuất khẩu. Trên các bờ thửa thì trồng dừa cũng được phổ biến là để lấy cơm dừa xuất khẩu.

    Khi tôi vượt biển bị bắt đưa đến trại thì có nơi dừa đã mọc cao và đang trổ bông trên nhiều bờ thửa.

    Mỗi ngày khi tiếng kẻng đinh tai, nhức óc vang lên là chúng tôi phải thức dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, sau đó ăn vội, khi thì một mẩu sắn, khi thì một củ khoai lang luộc.
    Và sau đó tập họp ra hiện trường lao động dưới những họng súng A.K. lúc nào cũng lăm lăm chực nhả đạn trên tay những tên cảnh vệ mặt mày lúc nào cũng lầm lì. Tay mai, tay xẻng chúng tôi vừa đi vừa hát: “Một, hai, ba, bốn… đội ta quyết tâm học tập, lao động tốt. Đội ta quyết tâm làm theo lời Bác dạy… một, hai, ba, bốn…” Tiếng hát vang lên trong những buổi sớm mai, trong những buổi hoàng hôn. Thỉnh thoảng người đội trưởng lại hô ta hai tiếng “To lên!” là chúng tôi lại hả họng gào lên theo lịnh của anh ta.

    Tôi ở đó đúng 30 tháng thì câu chuyện của ông Năm Cò xảy ra.

    Thường thì tôi không đoán được tuổi tác của người đối diện, nhưng khi câu chuyện này xảy ra, tôi mới biết ông Năm Cò sinh năm 1913 tức đã 70 tuổi.

    Đầu tóc bạc phơ, giọng nói hiền lành trên một gương mặt chất phác của nông dân miền Nam, ông Năm Cò là một tù nhân đặc biệt ở trại Châu Bình này. Sở dĩ tôi dùng chữ đặc biệt vì ông thuộc loại tù tự giác, tức là ông đi lao động không có công an kiểm soát như các tù nhân thuộc các đội. Nhiệm vụ của ông là chăn bầy vịt của trại. Buổi sáng đuổi vịt ra đồng, buổi chiều lùa vịt trở về. Sở dĩ tôi quen biết ông Năm Cò vì ông sinh hoạt chung với đội 12. Lúc nào ông cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tôi không bao giờ nghe ông phàn nàn một người nào về bất cứ một chuyện gì. Ai cần gì ông có là ông giúp ngay. Từ điếu thuốc, cây kim, sợi chỉ, lọ dầu xanh. Nửa đêm, nửa hôm có ai đau bụng, nhức đầu, trúng gió nhờ tới ông, dù đang ngủ bị đánh thức, ông vẫn vui vẻ, chẳng có chút bực mình.

    Lúc mới bị đưa vào trại, chưa liên lạc được với gia đình, ông là người giúp đỡ tôi nhiều nhất. Lúc đầu không ăn uống gì được, ông lấy cơm nấu cháo và khuyên tôi cố gắng ăn để có sức mà… cải tạo. “Chú mà sụm là mệt lắm đó”, tôi nhớ câu nói đó của ông hoài.

    Hình như tới năm cải tạo thứ hai của tôi, ông mới nói cho tôi nghe đôi điều về ông, thì phải. Tôi nghĩ ông nói là vì ông coi tôi như người thân. Theo lời ông thì ông bị bắt đi cải tạo vì “tội chánh trị”. Ông cười , vuốt chòm râu lưa thưa:

    “Nói thiệt với chú Tư mày chớ tao mà “chánh chị, chánh em” gì. Số là hồi nào giờ gia đình tao theo đạo Hiếu Nghĩa. Kế xảy ra vụ Tòa Thánh Tây Ninh mà mấy ông chánh phủ biểu là đã tịch thu được danh sách vì người phụ trách phát lương của đám phản loạn làm rớt cái sổ phát lương. Nói hổng có căn chút nào, nhưng mà họ có cái lý của kẻ mạnh, mình đành chịu thôi. Chú Tư mày biết, thời nào thì mình cũng là thằng dân lo làm ăn chớ có tham gia, tham xương gì đâu. Hổng hiểu sao trong cái vụ án Cao Đài đó tao lại bị dính cựa. Mấy ổng biểu là tao nhận làm quận trưởng quận Cái Bè mới là chết một cửa tứ. Mấy ổng biểu là có người khai. Rồi mấy ổng còn bắt tao phải khai những đồng bọn khác. Chữ nghĩa của tao hổng bằng cái lá mít nên tao đâu có nhận làm quận, làm huyện mà làm cái giống gì. Thằng Tư mày biết: Cây dầu vuông mà mấy ổng đánh tao như đánh bao gạo chỉ xanh. Tao cố cắn răng, cắn lợi mà chịu. Đành chết thì chịu chớ biết ai mà khai. Khai bậy, khai bạ tội cho người ta. Mấy năm nay hễ trời trở lạnh là nó đau nhức không sao chịu nổi. May là vợ tao nó tiếp tế thuốc “tàn đền” để trị bịnh tức thường xuyên. Tao mà về được cũng chết vì bịnh hậu. Tao bị giữ ở Khám Lớn cả năm rồi mới được đưa xuống đây cải tạo. Hổng biết là sau đó mấy ổng biết là tao bị oan ức hay là thấy tao già tội nghiệp mà cho tao ra tự giác chăn vịt.”
    Đó là những điều tôi được biết về ông Năm Cò. Những người bị bắt mà không biết mình bị tội gì, hoặc bị gán ghép tội thì thiếu gì trong các trại cải tạo, các trung tâm tạm giam ở Việt Nam.

    Cứ mỗi dịp lễ lạc, chúng tôi lại được lệnh cán bộ quản giáo tổ chức sinh hoạt văn nghệ toàn trại. Những tù nhân tích cực tham gia sẽ được biểu dương, khi có thân nhân đến thăm nuôi sẽ được ở lại đêm, sẽ được dễ dãi. Bằng trái lại sẽ bị cúp thăm nuôi, bị cảnh cáo. Thế nên chúng tôi ai cũng hăng hái tham gia sinh hoạt văn nghệ. Buổi tối, sau giờ sinh hoạt, phê bình, bình bầu cá nhân xuất sắc trong ngày là chúng tôi lại tập hát. Mỗi tối thứ Bảy, chúng tôi cũng phải tổ chức sinh hoạt văn nghệ hàng tuần. Ai cũng phải hát, hoặc kể chuyện vui. Năm đó, trại tổ chức mừng lễ 2 tháng 9, cán bộ quản giáo là người miền Bắc nhưng không hiểu sao anh ta lại bắt chúng tôi tập dợt và trình diễn vở tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga.Tôi vì nhỏ con lại giả được giọng đàn bà nên bị chọn đóng vai Thái Hậu Dương Vân Nga. Tôi được phép viết thư gửi giấy phép thăm nuôi đặc biệt để vợ tôi đem áo dài, quần lãnh, nịt vú, quần lót, đầu tóc giả, son phấn vào trại để tôi giả làm Thái Hậu Dương Vân Nga. Ở trại cải tạo ăn uống rất thiếu thốn nên chúng tôi lúc nào cũng mong đợi quà thăm nuôi của gia đình. Mỗi ngày tám tiếng chuyển đất gò để đắp bờ thửa, ngày này quan ngày khác, người tù nào cũng bị ran ngực. Ăn uống kham khổ nên sức khoẻ ngày một mỏi mòn. Do đó, những lần thăm nuôi, quà cáp của gia đình đối với chúng tôi rất quan trọng.

    Tôi nghĩ nếu không có nguồn tiếp tế của gia đình chắc tới ngày được thả ra tôi cũng không còn sức đâu để mà trở về với gia đình.

    Việt Nam Cộng Sản khác với Việt Nam Cộng Hòa là họ có thể duy trì rất nhiều nhà tù mà họ ngụy danh là trung tâm tạm giam, là trại cải tạo vì họ không cần phải dùng đến một ngân khoản (hoặc nếu có thì cũng là để trả lương cho bọn Công An cai tù) để nuôi tù nhân mà tù nhân phải tự làm, bắt buộc phải làm để nuôi sống mình và cả cai tù. Và gia đình người tù cũng được “ân huệ” tiếp tay để nuôi tù là thân nhân của mình.

    Thế nên công việc chăn vịt của ông Năm Cò là một công việc mà người tù nào cũng mơ ước. Sáng lãnh phần cơm, lùa vịt ra đồng cho đi ăn. Trong lúc rỗi rảnh tha hồ tát đìa bắt cá, bắt cua nấu nướng để “cải thiện” bữa ăn. Suốt mấy tháng đầu, hầu như ngày nào ông cũng xin phép đội trưởng tiếp tế thức ăn cho tôi. Khi thì một ít cá vụn kho, khi thì vài ba con cua nướng.

    Sau khi được thăm nuôi, tôi xin phép để ăn cơm chung với ông. Có lần vui miệng, khi nghe kể lại việc làm của ông, tôi nói:

    “Cháu mà được ở như ông Năm, ở chừng nào ở cháu đâu có ngán.”

    Ông cười nói:

    “Chú Tư mày nói vậy chớ có con chim nào bị nhốt mà không muốn được sổ lồng.Tù đày là nó đồng nghĩa với khổ đau. Ở đây mà có cho ăn vàng mỗi ngày cũng đâu bằng sum họp với vợ con mà nuốt muối cục.”

    Tôi xin lỗi ông và nói là tôi chỉ muốn nói đùa cho nó vui. Ông cười xòa:

    “Tao biết ý của thằng Tư mày nói, chớ đâu có phải là không biết. Có điều tao quý thằng Tư mày, tao mới giải bày cái ý nghĩ của tao.”

    Sau đó, ông chậm rãi vấn một điếu thuốc, le lưỡi liếm cho dính điếu, châm hút một hơi dài:

    “Chú Tư mày biết, mấy ông chánh phủ này mấy ổng cũng rành tâm lý lắm, mấy ổng bắt hát hò sanh hoạt này nọ để cho mình đừng có nghĩ quẩn rồi tính chuyện này nọ. Lúc nào mấy ổng cũng tạo cho mình những cái bận rộn âu lo. Chú Tư mày biết, nhiều buổi chiều nằm dưới bóng dừa trên bờ mẫu mơ mơ màng màng, nhớ vợ, nhớ con, nhớ nhà, nhớ cửa tao buồn ngủ muốn ríu con mắt mà đâu có dám ngủ, sợ ngủ quên bầy vịt nó đi lạc thì có nước chết. Lại suy nghĩ những chuyện gì đâu đâu. Thiệt hổng có cái đất nước nào mà khổ như cái đất nước mình. Giặc giã liên miên, hết chánh phủ này tới chánh phủ nọ. Hết chủ nghĩa này tới chủ nghĩa kia. Nhớ thời Việt Minh mấy ổng về nói ngon, nói ngọt, kêu gọi đóng góp, tiếp tế. Người dân ai mà hổng mong muốn đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi đất nước. Tới chừng thống nhứt, người dân mới bật ngửa. Trào trước thì chánh phủ như chiếc lưới giăng ở trên, để hỏng dưới chưn, người dân còn luồn lách được để mà sống. Trào này thì vô phương. Mình đã bất mãn, bực mình với mấy thằng Tây, thằng Mỹ, gặp mấy thằng Liên Xô, Liên Ngả này còn tổ sư bồ đề gấp ngàn lần. Rốt cuộc rồi người dân cũng phải è đầu ra mà chịu. Làm chánh phủ như mấy ông này thì muốn dân có tội dễ quá mà. Cứ muốn bắn, muốn giết ai thì cứ làm. Trào trước, muốn bắt tội người này, người nọ phải mất công rải truyền đơn, giấu súng ống rồi mới ập vô xét. Trào này thì cứ ghép tội “có tư tưởng phản động chống phá cách mạng” là bắt. Cần gì lịnh lạc, cái mà mấy ổng kêu là “tư tưởng phản động” nó có hình dáng, màu sắc gì đâu để mà định cho nó rõ được. Mấy ổng muốn méo thì nó méo, muốn tròn thì nó tròn. Thành thử cứ gán đại cho người nào đó rồi nó cũng thành tội, thành án.”

    Ông dừng lại một lúc, nuốt nước bọt, nói tiếp:

    “Chú Tư mày biết, lúc còn ở Khám Lớn Vĩnh Long, cuối năm có phái đoàn Bộ Nội Vụ tới thanh tra, tới chừng đó mấy ổng mới phát giác ra là ở cái phòng giam tao ở có một chú nhỏ bị giam đã năm năm mà hổng rõ tội trạng gì. Chừng truy ra thì chú nhỏ dính líu trong một vụ ăn cắp xe Honda. Chánh phạm thì đã được thả ra hồi ba, bốn năm trước.”

    Tôi ngạc nhiên, hỏi: “Như vậy rồi vụ đó giải quyết làm sao?”

    Ông Năm Cò mỉm cười, cay đắng: “Thì thả chú nhỏ ra chớ còn làm sao nữa. Được thả ra là mừng rồi. Hổng lẽ đi kiện lại chánh phủ là bị ở tù oan để đòi lại mấy cái năm ở tù dư đó hay sao? Bộ muốn thêm cái tội chống chánh phủ hay sao?”

    Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với ông Năm Cò.

    Cũng như hầu hết các trại tù ở Việt Nam, nếu ở vùng rừng núi thì trại sẽ thiết lập trong thung lũng, với một lối độc đạo dẫn về trại giam. Trại Châu Bình K.20 bốn bề là sông nước. Xung quanh trại rào bằng những thân cây dừa. Tù nhân leo rào vượt trại ra ngoài thì chín phần chết chỉ có một phần sống vì nghe nói lối thoát duy nhất là lội qua sông để vào được đất liền thì dưới sông lại có cá sấu. Thỉnh thoảng sáng ra có tin là tù vượt trại bị bắn chết. Sau đó ít lâu, đối chiếu lại các tin tức chúng tôi được biết đó là những người mà ban giám thị trại ghép vào thành phần chống đối. Những người ở lâu cho biết là những người đó bị thủ tiêu và bọn công an dàn cảnh là vượt trại.

    Ngày lại ngày, những người tù mới được đưa tới trại mỗi ngày mỗi nhiều, nhất là vào khoảng tháng 5 trở đi. Những người vượt biển bị bắt lại phải bị đưa vào trại tù, bọn công an gọi là “vướng chà.” Cứ sau mùa vướng chà thì số tù ở trại Châu Bình ngày càng đông them nhưng người được xét tha thì rất họa hoằn.

    Khi bắt đầu mùa vướng chà năm đó thì tai họa xảy đến cho ông Năm Cò.

    Như mọi ngày, buổi chiều tôi đem các dụng cụ đựng cơm và thức ăn của ông để người trực chia phần. Mọi ngày vào khoảng đó là ông đã về tới trại. Thường thì ông vẫn nói với vẻ ái ngại:

    “Làm phiền chú Tư mày quá. Thôi đem dùm tao về chỗ của mình đi. Rồi tao rửa ráy sơ, vô chú cháu mình ăn cơm. Bữa nay có món chuột ướp cà-ri nướng đặc biệt cho chú Tư mày.”

    Buổi chiều hôm đó chờ hoài chẳng thấy bóng dáng ông Năm Cò. Tôi báo cáo đội trưởng. Đội trưởng báo cáo sự vắng mặt bất thường của ông Năm Cò lên cán bộ quản giáo. Ban Giám thị trại ra lịnh đội trưởng về sinh hoạt như thường lệ. Chiều hôm đó tôi nuốt cơm như nuốt sạn. Mặc dù lúc đó thức ăn ê hề vì vợ tôi vừa mới thăm nuôi để mang quần áo cho tôi giả đàn bà đóng vai Thái Hậu Dương Vân Nga.

    Mấy tuần trước, trong những ngày Chủ Nhật, ông Năm Cò suốt ngày ngồi coi tôi tập tuồng và mong cho mau tới ngày trình diễn để coi tôi “diễn thiệt” như thế nào. Nhưng ông Năm Cò không còn dịp nào coi tôi “diễn thiệt” vai tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga.

    Tuần lễ sau, ông Năm Cò bị xử bắn. Có người biết chuyện kể lại là hôm đó ông Năm Cò nằm trên bờ mẫu và ngủ quên. Bầy vịt mỗi ngày cứ tới giờ đó là trở về trại. Hôm đó, mặc dù không có người chăn vịt là ông Năm Cò huơ huơ cái que tre đuổi, đàn vịt vẫn theo nhau về trại. Ông Năm Cò thức giấc, tìm khắp nơi không thấy đàn vịt đành phải về trại để trình diện và trình bày lý do. Ban Giám Thị trại Châu Bình không tin những điều người chăn vịt trình bày. Những người cầm quyền trại, những người đại diện Đảng và Nhà Nước (cơ quan quyền lực cao nhất đã bỏ tù ông Năm Cò về tội âm mưu lật đổ chính quyền) lần này kết tội ông là âm mưu trốn trại nhưng không thoát được nên phải trở lại trại.

    Lúc cán bộ công an đại diện Ban Giám thị trại Châu Bình đọc bản án tử hình ông Năm Cò, chúng tôi mới biết tên ông là Trần Văn Lành.

    Đã bảy năm trôi qua, vậy mà khi kể lại câu chuyện này, tim tôi vẫn nhói đau như khi nghe tiếng súng hành quyết người chăn vịt trại Châu Bình vang lên trong đêm.

    NGUYỄN THIẾU NHẪN (Des Moines 1987)

  • #2
    Xin thành thật cám ơn bác Chu Sa Lan thật nhiều về mẩu chuyện rất cảm động này.
    Trại K20 Châu Bình đúng là 1 trại "dữ dằn" nhứt ở Bến Tre , nhưng thời gian mình ở thì các cán bộ Bắc kỳ đã không còn mà chỉ toàn vệ binh miền Nam, chỉ có duy nhứt 1 cán bộ tên Phất , nghe nói là bộ đội bị thương ở lại chữa trị trong khi đơn vị di chuyển qua chiến trường K ( Miên) thì từ đó lạc mất đơn vị, anh ta ra Tỉnh trình diện thì bị nghi là bộ đội đào ngũ và trong khi chờ xác minh , họ đẩy anh ta về trại K20 giống như giam lỏng nhưng cho đi canh tù....bởi vậy anh ta hiền như cục đất , tù nhân hay gọi là cán bộ Phật ...... , còn nơi bắn tù nhân có tên là kinh Cá Mập , hôm đó mình vác lá dừa nước về trại , vì không theo kịp bạn tù nên bị lạc...sợ quá vừa vác lá lết đi vừa kêu tên của người tù đội trưởng và cán bộ liên tục.....thế mà có 1 tên vê binh chắc theo dõi mình cũng lâu bèn xuất hiện chửi rủa và hăm doạ đem mình ra kinh Cá Mập , lúc đó mình hổng biết....về lán hỏi bạn tù thì họ nói là nơi xử bắn...hichic....Trong tù , những người già yếu và những người lao động giỏi được chuyển ra "ban ngành"...có nghĩa là làm việc tự giác , hổng cần vệ binh đi kèm và lúc mình ở đó thì cũng có 1 người chăn vịt và cũng tên là Năm , nhưng ông này chỉ khoảng hơn 50 và bị bắt vì tội nhậu nhẹt hành hung.v.v....Trại Châu Bình chứa tội phạm hình sự và chính trị nhiều hơn vượt biển, thời gian mình ở đó ( 1986) thì vẫn còn thấy các vị chức sắc Cao Đài, Hoà Hảo , nhìn các vị ấy thì biết ngay vì họ thường mặc bà ba trắng và búi tóc , đặc biệt là họ rất hiền lành và thương bạn tù......có trường hợp của chú Tư đội phó đội bệnh trại ( bịnh cũng phải lao động), khi mình vác cục đất gò ( thường gọi đùa là vác TV ) đi ngang qua chỗ chú Tư.....chú ấy la lớn từ xa : " mau lên , mau lên...."rùi chú cầm cây tầm dài khoảng thước rưỡi đập đập xuống đất và nói nhỏ khi mình đi gần : " tui làm bộ la và đập xuống đất, chú ráng đi nhanh nhanh, tui vệ binh nhìn chú nãy giờ đó , bấm móng tay cho rớt bớt đất xuống chứ nặng quá hổng bền cả ngày đâu"......những mánh khoé trong tù chuyền tai nhau rất nhanh, mình thầm cám ơn chú Tư đã cho mình kinh nghiệm để vác cục đất nhỏ cho đỡ mệt, vậy mà qua trại K22 Thạnh Phú cũng bị đày ải đến xụi cả hai chân phải ở bệnh trại cho tới ngày về , cũng may mà chân mình hổng bị tàn phế nhưng yếu tới bi giờ......
    Chuyện trong trại thì nhiều lắm , chủ yếu là cực khổ tủi nhục......hổng biết mình là con gì ( chắc chắn hổng phải con người...hichic...), đa số bọn vệ binh rất láo xược gọi tù bằng mày cho dù tuổi bằng ông nội của họ, chỉ có 1 số rất ít là có lương tâm nhưng cũng chỉ dám biểu lộ qua ánh mắt hoặc làm lơ cho tù nhân đỡ cực......
    Có 1 cán bộ bác sĩ , thành phần tiểu tư sản nên bị đì vô trại canh tù đã tâm sự rằng khi nhỏ thường nghe Mẹ nói ăn ở dơ bẩn như tù, hoặc cái gì xấu cũng so sánh với tù nhưng ông ta nói khi làm việc với tù thì ông ta mới biết.....tù có nhiều loại quá....và ông ta thường nói 1 câu của người vợ căn dặn là tù có tội với nhà nước chứ hổng có tội với mình , đừng đối xử bất nhẫn với người ta.......Rất tiếc là sau khi mình ra trại ít lâu thì nghe ông ta bị chết đuối. Trong K22 có 1 tên sĩ quan là trung uý Hùng , biệt danh Hùng quắn...rất dã man.....chửi đánh tù bất cứ lúc nào, bắt tù bịnh đi đốn chà là ( rất nhiều gai ) , gai đâm vô chưn thì nhấn vô rùi chừng nào về trại thì khều ra chứ khều tại chỗ thì hắn vụt cây tới tấp.....hichic....đốn chà là phía trước thì phía sau đốt cho cháy , mà cây chà là có rất nhiều dầu nên cháy phừng phừng.....buộc lòng phía trước phải đốn cho thiệt nhanh chứ không thôi thành....heo quay....hichic....nhắc tới mà mình vẫn nổi da gà....
    Có dịp mình sẽ kể hầu bác CSL thêm về những trại giam ở Bến Tre mà họ đã chuyển mình qua từng trại một.....nhưng cũng không còn nhớ rõ lắm.
    Một lần nữa xin cám ơn bác rất nhiều nha.


    Thân,
    Nahoku
    Last edited by nahoku; 16-07-2010, 05:03 AM.
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

    Comment


    • #3
      Tôi xa Châu Bình lâu lắm rồi nên cũng không còn nhớ được nhiều. Tuy nhiên vị trí trại K20 chắc ở Xóm Cò hoặc gần đâu đó vì đây là vùng đất hoang vu là nơi trú ngụ của chim và chỉ toàn là cây chà là và dừa nước. Xóm Cò cũng nằm cách sông Ba Lai chừng cây số. Nghe bác Na kể chuyện đốt cây chà là mà tôi nhớ lại một kỷ niệm cũ. Cây chà là rất bắt lửa và cháy nhanh lắm. Tôi đã từng thiêu rụi nguyên một khu chà là của ông cậu ở Xóm Cò để bắt con đuông. May mà tôi nhanh chân nên không thành heo quay...
      Kể ra thì bác Na cũng đã nếm mùi tù của cộng sản nhiều. Tôi đi hồi năm 75. Nếu ở lại chắc cũng te tua rồi.

      Comment


      • #4
        Nguyên Văn Bài Viết Của chu sa lan View Post
        Tôi xa Châu Bình lâu lắm rồi nên cũng không còn nhớ được nhiều. Tuy nhiên vị trí trại K20 chắc ở Xóm Cò hoặc gần đâu đó vì đây là vùng đất hoang vu là nơi trú ngụ của chim và chỉ toàn là cây chà là và dừa nước. Xóm Cò cũng nằm cách sông Ba Lai chừng cây số. Nghe bác Na kể chuyện đốt cây chà là mà tôi nhớ lại một kỷ niệm cũ. Cây chà là rất bắt lửa và cháy nhanh lắm. Tôi đã từng thiêu rụi nguyên một khu chà là của ông cậu ở Xóm Cò để bắt con đuông. May mà tôi nhanh chân nên không thành heo quay...
        Kể ra thì bác Na cũng đã nếm mùi tù của cộng sản nhiều. Tôi đi hồi năm 75. Nếu ở lại chắc cũng te tua rồi.



        Vậy là bác cũng có kinh nghiệm đốt chà là...heheh.....phải công nhận cây tươi mà cháy phừng phừng như có tưới xăng dầu......Và nhắc tới con đuông thì mình mới nhớ "đuông chà là"....tuy nhỏ hơn đuông dừa và không ngon bằng nhưng đuông chà là cũng đáng xếp vào hàng đặc sản....
        Bao nhiêu năm rùi mà cái cảnh nhấn gai chà là vô sâu trong gan bàn chân và cảnh chạy lửa rừng chà là vẫn còn làm mình rợn tóc gáy.....hổng biết tên cán bộ Hùng quắn có còn hành hạ tù nhân theo kiểu dã man của hắn nữa không..??...tên này có người em gái cũng là trung uý công an trại giam ( khám Nhà Lá )....và thị này chửi thề với tù nhân nam tục chưa từng thấy , đại loại như : " đ.m. tụi bay , tụi bay coi chừng tao đá giập d** tụi bay hết đó "...hichic....( só ghi , mình viết ra mà còn thấy ngượng quá...)


        Thấn,
        Nahoku
        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

        Comment


        • #5
          Nhân vụ nói về K20, tôi nhớ tới cuộc nói chuyện với một người bà con ở bên Houston TX năm 2008. Ông ta cũng dân Châu Bình như tôi. cũng ở trong lính. Sau tháng 4-75 ông ta bị đưa về K20 và cũng là nạn nhân của tên Hùng Quắn. Theo lời ông ta kể thì Hùng Quắn với ông ta có bà con xa gần gì đó, tuy nhiên hắn đì ông ta gần chết vì thù ghét giàu nghèo và một bên là quốc gia còn một bên là Mặt Trận. Hình như vợ của Húng Quắn, cái con nhỏ mà bác nói chửi thề tục tỉu đó gọi ông ta bằng cậu. Ông ta bị tra tấn và hành hạ tới liệt hai chân luôn và bịnh gần chết mới được tụi nó thả ra. Ông ta ở K20 tới năm 1985...

          Comment


          • #6
            Vậy ra bác cũng biết về Hùng quắn và vợ ( mình nghe đồn là em gái), Hùng quắn có lần xém bị đập ở SG , cũng hên cho hắn là khi có người nhận mặt hắn và đang đi gọi thêm bạn bè để đập cho dzui thì hắn lẩn mất.....Sau này hắn biết thân nên hổng dám lên SG, nhìn hắn có vẻ bịnh hoạn chi đó...có lẽ theo quỷ xuống địa ngục gặp "bác râu" của hắn rùi....heheh ,.....


            Thân,
            Nahoku
            Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

            Comment


            • #7
              Làm ác thì gặp ác mà bác Na. Tôi còn biết nhiều chuyện về hắn lắm nhưng không tiện nói ra. Chỉ nghe nói sau này hắn khổ lắm vì bị cho về vườn...

              Comment


              • #8
                Chuyện trại tù cs đọc vừa thương..vừa nghe được cả cảm giác căm thù đọng lại nơi 2 hàm răng vì giận quá đến phải cắn chặc quai hàm...Cám ơn Mr Chu.

                Comment


                • #9
                  Nguyên Văn Bài Viết Của HoaiAn76 View Post
                  Chuyện trại tù cs đọc vừa thương..vừa nghe được cả cảm giác căm thù đọng lại nơi 2 hàm răng vì giận quá đến phải cắn chặc quai hàm...Cám ơn Mr Chu.


                  Mèng......nhiều lắm An à , nhưng chắc cũng hổng bằng 1 góc của những người bị đày ra Bắc......trong trại K20 Châu Bình có những sỹ quan QLVNCH như Trung Tá Dương , chi đoàn trưởng của 1 chi đoàn chiến xa và người chi đoàn phó của ông (mình quên mất tên)......Trung tá Dương sau khi đi tù ngoài Bắc về thì vượt biển và chẳng may bị bắt tại Bến Tre , ông rất cao nhưng rất ốm yếu....đã vậy mà còn bị "đì" , tối về trước khi ngủ chỉ kịp hỏi thăm nhau vài câu rùi tụi cai tù bắt im để ngủ....Bọn vệ binh và những tên tù được giữ chức đoàn , đội.v.v.....thường xuyên đánh chửi ông vì ông rất yếu , không làm nổi chỉ tiêu yêu cầu......đã thế khi về lán trại chúng còn bắt quỳ gối quay mặt vô vách đọc nội quy, muôn vàn tủi nhục......Nếu khi thăm nuôi có nhiều thức ăn , thuốc lá thì mau mau "hối lộ" bọn chúng thì sẽ được "che chở, bảo kê" và trong tù gọi là hành động " lấy giỏ che thân" , còn giữ lại ăn từ từ đợi kỳ thăm nuôi kế tiếp thì sẽ bị "đì" tới bến, gọi là "lấy thân che giỏ"....hehehhe....


                  Thân,
                  Nahoku
                  Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                  Comment


                  • #10
                    Nguyên Văn Bài Viết Của chu sa lan View Post
                    Làm ác thì gặp ác mà bác Na. Tôi còn biết nhiều chuyện về hắn lắm nhưng không tiện nói ra. Chỉ nghe nói sau này hắn khổ lắm vì bị cho về vườn...


                    Nếu không trở ngại thì bác có thể cho mình biết chuyun về tên ác ôn Hùng quắn được không..??....Thực tình mà nói thì mình rất muốn biết tương lai hắn sẽ ra sao từ khi mình còn trong trại.....không chỉ riêng mng mà toàn bộ tù nhân khi nghe tên Hùng quắn là đã có 1 sự khinh bỉ dâng trào lên rùi......Tác giả Đả Cẩu Bổng cũng ở chung với mình từ trại biệt giam qua các trại khác cho đến ngày về....trong đó cũng có nhiều vị nổi tiếng như : Thiếu tá Mã Thái Thành ( cháu Đại tá Mã Sinh Nhơn trong cuộc tấn công qua Campuchia cứu kiều bào thoát nạn cáp duồn của Miên , hình như năm 72 thì phải ), Thiếu tá Nhơn , tỉnh trưởng Chương Thiện ( mình không nhớ rõ), Hải quân thiếu tá Bùi xuân Điền , người từng đem những tàu chiến từ Mỹ về VN, Thiếu tá Biệt kích Nguyễn tiến Tấn , em ruột Đại tá Nguyễn Thu Lương.v.v.....


                    Thân,
                    Nahoku
                    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                    Comment


                    • #11
                      Xin thưa trước với bác Na là những gì tôi nghe về tên Hùng là do người ta kể từ người này sang người khác, thành ra độ xác tín rất thấp. Khoảng năm 90 thì sếp của tên Hùng bị thất sủng. Hắn cũng bị về vườn và bắt đầu nghèo khổ. Vợ hắn bỏ hắn đi lấy chồng khác. Hình như là để lại hai đứa con cho hắn nuôi mà 1 đứa, có lẽ là con trai bị tật nguyền lúc mới sinh ra. Hắn cũng đâm ra bị bịnh tâm thần rồi bị tiểu đường gì đó... Tới năm 2000 thì không còn ai nghe tin tức gì về hắn nữa... Riêng bà vợ( người mà bác nói chửi thề tục tủi ) cũng bỏ xứ đi lên Sài Gòn hoặc Mỹ Tho. Quả báo nhãn tiền là vậy đó bác Na...

                      Comment


                      • #12
                        Cám ơn bác CSL đã cho biết , không phải mình mong muốn cho tên Hùng quắn phải bị thế này hay thế kia , nhưng mình rất muốn biết cuộc đời hắn ra sao khi hắn đối xử với tù nhân 1 cách quái đản vô cùng......Trại Châu Bình thời đó Giám thị trưởng là Hai Chiến và trại Thạnh Phú Giám thị trưởng là Hai Thành Long,.....mình còn nhớ vài tay quản giáo cũng thuộc loại khét tiếng như Ba láng, Ba Thanh.v.v.....
                        Một lần nữa cám ơn bác CSL nhiều lắm , đúng là có những cái duyên....có ai ngờ lưu lạc ở 1 hòn đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương mà còn được tâm sự tìm hiểu về 1 nơi mà tưởng rằng sẽ không bao giờ còn có thể nghe nhắc tới nữa ( thực ra mình cũng rất muốn về Bến Tre để hỏi thăm về gia đình người cán bộ BS "tiểu tư sản"...nhưng nghe nhiều người nói bây giờ về tìm thì không biết bắt đầu từ đâu và nếu ông ta còn sống thì OK chứ ông ta đã mất rùi...cũng khó.....)


                        Thân,
                        Nahoku
                        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                        Comment

                        Working...
                        X