Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Học xa nhà

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Học xa nhà

    Học xa nhà

    Dương Thanh Vân

    Nó nằm mơ thấy mình đạp xe giữa thành phố lạ: Những tòa nhà cao tầng bóng loáng, những dòng xe chạy như thác đổ. Thy muốn tìm cách qua đường, hình như Thy sắp khóc...

    Tặng những sinh viên năm 1, xa quê

    … Thy choàng dậy vì tiếng cánh cửa sổ đập vào khung cửa. Trời đang mưa. Luồng hơi mát lạnh từ vườn ùa vào làm nó tỉnh hẳn. Với tay khép cửa, Thy hít thật sâu không khí thơm thơm mùi cây, cỏ và nhất là mùi ngọt ngào của mấy bụi bông lài to. "Vậy là nãy giờ mình ngủ quên!", Thy chống hai tay lên cằm nghĩ ngợi. Xung quanh yên lặng, dễ chịu vô cùng. Lũ "nhóc nhen" ngoài vườn kêu rỉ rả, rỉ rả… Mưa không to mà chỉ lào xào, dịu nhẹ, mơ hồ… Mưa thế này, cây cối trong vườn càng tươi tốt. Nhất là bụi sả, bụi bạc hà, ớt, hành… Mấy thứ này, hằng ngày giúp mẹ làm bếp, chị em Thy lấy cọng, rễ, hạt găm vào đất vườn. Thế mà giờ chúng mọc lá, đâm cành xanh mơn mởn.

    Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng. Bé Hạnh ngủ say thỉnh thoảng chép miệng. Thy chợt thở dài, ước gì nó có thể nhỏ lại như bé Hạnh để được ở nhà bên ba mẹ, bên người thân, được hồn nhiên vui chơi và không lo nghĩ gì cả. Thy yêu biết mấy ngôi nhà nhỏ cùng khu vườn xinh xắn của mình, yêu không gian tĩnh lặng, thơm mát nơi đây… Vậy mà, vài ngày nữa, Thy phải tạm biệt tất cả, bắt đầu cuộc sống mới: cuộc sống xa gia đình. Nghĩ đến đây, Thy thấy tim thắt lại… Cây đèn học tỏa quầng sáng lên trang sách Thy đọc dở, đó là quyển truyện ngắn Tchekov * mà thầy Huỳnh chủ nhiệm lớp tặng cho Thy, Thy đọc truyện Thảo Nguyên, đến đoạn cha xứ Christopher an ủi thằng bé Iegoruska khi nó phải rời xa mẹ đi học: " ..Có học thì sáng, không học thì tối. Con phải học đi! Dĩ nhiên cũng khổ. Bây giờ muốn học thì phải tốn nhiều tiền..". Sao mà y hệt ba mẹ và thầy Huỳnh nói với Thy! Thy lấy cây bút chì chặn trang sách lại. Dù gì thì cũng phải đi ngủ thôi, ngày mai dì Út rủ Thy và bé Hạnh lên ruộng của dì dượng thu hoạch bắp. Ngày mai chắc sẽ vui lắm đây.

    "Ở nhà lúc nào cũng vui!", Thy kéo chiếc mền vải lên tận cằm và thở một hơi khoan khoái…

    ***

    Vậy là Thy đã đậu đại học. Hôm có điểm xét tuyển vào trường sư phạm TP HCM, Thy rủ Hiển ra bưu điện văn hóa xã xem kết quả. Hai đứa đạp xe đến bưu điện mà không đùa giỡn như mọi khi. Thy thấy hồi hộp quá dù so với bài giải trên báo và của các thầy cô, bài nó làm khá tốt. Hiển thì bình tĩnh hơn. Hiển lúc nào cũng làm ra vẻ chững chạc. Ước mơ của Hiển là học để trở thành một kỹ sư điện tử thật giỏi. “Học có bài bản, có bằng cấp chứ không phải sửa điện tử tay ngang như anh Vinh của tui”, Hiển nói thế. Năm lớp 11, anh Vinh nghỉ học rồi đi học nghề thợ điện ở thị xã. Có nghề anh về mở tiệm sửa lặt vặt cho bà con ở xóm, vừa giúp ba Hiển làm ruộng. Anh Vinh thường nói với Hiển: "Tao ngu không học cao được. Tao kiếm tiền nuôi mày học đại học!".

    Đến nơi, hai đứa vội vàng dựng xe trên cái nền gạch tàu rụng đầy trái trứng cá chín đỏ. Đã có hai ba đứa lố nhố ngồi xem kết quả trên máy vi tính có nối mạng Internet duy nhất của xã. Thy biết mấy đứa này, tụi nó học cùng trường cấp 3 ở thị trấn với tụi Thy. Mấy đứa nó đã xem xong và còn bàn tán vài chuyện với chị Liên bưu điện, hình như không đứa nào có tin vui vì mặt ai cũng tiu nghỉu. Hiển ngồi nhanh vào máy: "Ai trước đây?", Thy chỉ vào Hiển và khẽ nhăn mặt hồi hộp. Hiển cười, gõ cộc cộc mấy cái vào trang web mở sẵn. "Đậu rồi!", tiếng reo của Hiển làm Thy giật điếng. "Xem cho tui mau!". " Nguyễn Minh Thy, trường…, số báo danh… đậu luôn rồi!". Thy dán mắt vào màn hình. Đúng là Thy đậu đại học. Nó chụp lấy tay Hiển hét: " Đậu rồi, đậu rồi, chị Liên ơi em đậu rồi!". Hai đứa phóng ra sân đạp xe về nhà. Từ ngoài sân, Thy thấy ba đang loay hoay lấy số đo của khách đến may áo nhưng Thy không gìm được mà hét toáng: "Ba ơi con đậu rồi!". Tay ba Thy cầm thước dây mà run run. Lâu rồi Thy mới thấy ba cười tươi: "Đậu rồi hả con. Chạy lẹ ra sau cho mẹ hay đi. ờ ờ…con gái lớn tui đó…năm nay nó thi đại học đó chị…ờ biết đậu rồi thì thấy nhẹ lo phần nào chị ơi… Chỉ còn lo tiền cho nó đi học…".

    ***

    Mấy ngày nay, chuyện thời sự nhất ở xã Thy là chuyện thi cử, học hành, điểm sàn, điểm chuẩn, trường này, trường kia. Quê Thy nghèo nhưng ai cũng quý việc học. Quán cà phê của chú Bền gần bến đò, chiều nào cũng đông vui, râm ran tin tức thi cử. Quán chú được xem là "trung tâm thông tin" của xã. Chú Bền có đặt dài hạn mấy tờ báo ở Sài Gòn, lại thêm cái ti vi to đùng đặt giữa quán, ai vào uống cà phê cứ tha hồ xem báo, xem ti vi, thu thập tin tức. Hôm biết Thy và Hiển đậu đại học, chú Bền oang oang trong quán: "Chuyện vui nghe, chuyện vui nghe, tui thấy tụi nhỏ xã mình học ngày càng khôn ra, mấy năm trước đây có con Thảo đậu đại học Kinh Tế Sài Gòn. Năm rồi được một đứa ở Y Dược Cần Thơ. Năm nay “song hỷ” có tới hai đứa đậu đại học Sài Gòn, hậu sinh khả úy mà!…".

    Cái loa phát thanh gần bến đò, trong bản tin chiều của xã cũng đưa tin đậu đại học của Thy và Hiển. Bây giờ hai đứa nó là niềm tự hào của xã Định Thành, huyện Thoại Sơn này. Mỗi lần Thy đi trên đường gặp người quen, cứ y như là nó bị bắt vào nhà họ lấy vài thứ về ăn. Vui không biết để đâu cho hết.

    Vậy mà chiều nay, ngồi trên xuồng cùng Tú - con dì Út - chèo đi tuốt bông điên điển ngoài đồng, Thy muốn khóc quá. Cánh đồng mênh mông bên kia con kinh trải dài một màu xanh mơn mởn. Bầu trời hoàng hôn rộng và đẹp lạ lùng. Ráng chiều đỏ lựng như những lớp sóng hồng cuộn lên về phía chân trời. Phía trên là cò trắng bay thành từng đàn lượn nhấp nhô. Cảnh quê có đồng ruộng, có cò bay thế này, mấy bài văn trong sách nhắc hoài, Thy cũng thấy hoài, nhưng có bao giờ chán đâu. Mai này lên Sài Gòn học chắc Thy nhớ nó không chịu nổi.

    "Thôi nhiều lắm rồi chị Thy ơi, về đi!". Con Tú chống cây dằm vào bụi cà na quay mũi xuồng lại, Thy xốc xốc mớ điên điển vàng non trong cái rổ tre, mỉm cười: "Tú ghé qua nhà đưa cho mẹ phân nửa rồi sang nhà chị ăn cơm nhe. Chiều nay, chị Thảo, anh Hiển cũng qua nhà chị ăn. Điên điển này nấu canh chua cá linh thì còn gì bằng!". Con Tú vừa dấn mạnh dằm vừa nói: "Ủa, chị Thảo ở Sài Gòn mới về hả chị. Vậy em qua ăn cho vui, sẵn chọc anh Hiển luôn. Hôm trước gặp ảnh đi làm đồng với ba ảnh, em nói “Anh lên Sài Gòn học với chị Thy phải bảo vệ chỉ, chỉ mà có chuyện gì là anh đừng hòng về quê” ". "Nhiều chuyện!…". Thy tát nước vào người Tú. Con bé cười nắc nẻ làm chiếc xuồng lá chao nhẹ trong nước…

    Chiều, cơm nước xong. Mẹ Thy kêu chị Thảo tối qua nhà ngủ với chị em Thy: "Con ở Sài Gòn mấy năm rồi, qua ngủ kể chuyện này chuyện nọ cho em nó nghe để nó biết chuyện ăn, chuyện học ở trển ra sao…". Chị Thảo rửa chén sau nhà, nói vọng ra: "Dạ! Cô giáo của con ở trển nói đùa: " Thành phố này đặc nghẹt người là do sinh viên tụi bây đứa nào cũng ùn về đây. Ngày lễ ngày tết tụi bay về quê bớt một mớ mới thấy dễ thở…" ". Ba Thy cười: "Nước chảy về chỗ trũng mà! Ở trển mới có điều kiện học hành!".

    Chị Thảo là con cô Lài, bạn dạy chung trường tiểu học ở xã của mẹ Thy. Chị tốt nghiệp đại học Kinh Tế và đang làm cho một công ty tư nhân. Nhìn chị Thảo bây giờ Thy thấy khác lắm. Lúc chị mới đi học ở Sài Gòn, cô Lài qua nhà khóc với mẹ Thy. Cô kể, lần nào chị điện thoại về cũng khóc nức nở, nói nhớ nhà, nhớ quê không chịu nổi. Vậy mà giờ nhìn chị xinh xắn, vui tươi, tự tin, lãnh lương tháng nào chị cũng dành gửi về cho mẹ. Chị rất ít khi về nhà, có về thì cũng chỉ một hai ngày rồi lại đi. Thy hỏi chị không nhớ quê nữa sao, chị nói: "Đi làm công ty, đâu phải muốn về lúc nào là về đâu em!”. Tối nay Thy sẽ đặt thật nhiều câu hỏi về Sài Gòn cho chị Thảo trả lời mệt phờ luôn!

    … Đang mùa mưa nên tối nào trời cũng rỉ rả, bé Hạnh đã ngủ say mà chị Thảo và Thy vẫn còn thì thầm. Gió thổi lớn làm cây lá trong vườn không ngớt xào xạc. "Lên trển học làm sao để giỏi hoài như phổ thông vậy chị. Em đọc báo thấy mấy đứa miền Trung, miền Bắc vào học giỏi dữ lắm phải không?". Chị nói: "Người miền nào thì cũng vậy thôi em à. Biết chuyên tâm học hành và biết sức mình tới đâu, mình học vì cái gì, học vì ai thì sẽ không sợ thất bại!". "Vậy còn cuộc sống ở Sài Gòn, con người ở đó thì sao chị?". Chị Thảo đưa tay vuốt tóc Thy. Trong ánh sáng mờ mờ của chiếc bóng đèn cà na, Thy thấy cái nheo mắt tinh nghịch: "Chị còn nhớ cảm giác vừa buồn vừa nhớ nhà khi ngồi trên chuyến xe đò đưa chị vào bến xe miền Tây ở trển. Lúc đó, chị chỉ muốn nói với mẹ đón xe quay trở ngược về quê mình thôi. Những ngày đầu ở kí túc xá, ăn cơm ở căn tin lên là chị trùm mền khóc. Mỗi lần ngủ, giật mình tỉnh dậy, chị thấy nỗi nhớ quê như cái gì nằng nặng đè lên ngực mình. Lúc đó, chị còn đạp xe đi học, chạy trên đường Sài Gòn mà nhiều khi nước mắt rơi đến nỗi không nhìn thấy gì để đạp xe tiếp. Chiều đi học về, chen chúc trong đám đông ồn ào, hỗn loạn chị thấy tủi thân, thấy thành phố này đáng ghét hết sức. Tự nhiên sao mình phải sống nơi xa lạ này, không được ngồi cùng ba mẹ bên mâm cơm… Nhưng rồi sẽ quen em à! Rồi em sẽ thấy, thành phố không đáng sợ như em nghĩ. Em sẽ có những người bạn, có thầy cô trường lớp, có những kỉ niệm của riêng em!…". Thấy Thy không nói gì chị Thảo tưởng Thy đã ngủ. Chị xoay về phía bé Hạnh và kéo kín cái mền vải cho ba đứa. Một lúc sau, chỉ còn tiếng mưa và hơi thở đều đều trong bóng tối.

    Thy chưa ngủ, Thy vẫn còn nghĩ miên man về những ngày sắp tới. Đúng là mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau về thành phố ấy. Hôm Thy đem cái quần Jeans lại chỗ anh Khoảnh, con dì Tư bán bún riêu để sửa, Thy cũng hỏi anh Khoảnh sống ở thành phố cảm giác như thế nào. Anh Khoảnh có thời gian bỏ quê lên Sài Gòn kiếm việc. Một năm sau đã thấy anh về. Ai hỏi ảnh cũng nói: "Ở trển chịu không thấu! Làm cực như dòi mà có dư dả gì đâu. Ở quê cực nhưng dễ sống hơn!..", với nghề sửa quần Jeans cũ, anh vừa giúp dì Tư bán bún vừa đạp máy may cọc cạch kiếm tiền để dành lấy vợ. Nghe Thy hỏi, anh cười khì: "Ở trên đó ngộp lắm! Vô mấy xóm lao động ở thì biết. Được cái lâu lâu chạy vào trung tâm chơi thì cảnh đẹp. Nhà cao tầng không à, xe chạy nượp nượp …". Thật ra Thy cũng thường thấy thành phố trên ti vi. Lúc rảnh Thy đến bưu điện văn hoá xã đọc mấy tờ báo của thành phố. Dịp hè, trường của mẹ tổ chức đi Vũng Tàu, đi Nha Trang, Đà Lạt… mẹ đều dẫn nó theo. Đi ngang qua Sài Gòn, thành phố chỉ để lại cho Thy ấn tượng về sự ồn ào, giàu có… Nhưng ba Thy bảo: "Nước chảy về chỗ trũng. Mình ở quê thì phải ráng phấn đấu đi học ở thành phố lớn, để mai này quê mình cũng phát triển như thế!". Chính vì lời ba mà Thy đăng ký dự thi đại học ở Sài Gòn. Thy muốn khám phá thành phố này, Thy muốn chinh phục nó, Thy muốn có một thành phố của riêng Thy, cũng như chị Thảo, anh Khoảnh… đã có cho riêng mình hình ảnh về thành phố.

    ***

    … Cơn mưa khuya làm cho giấc ngủ càng sâu, Thy trôi vào giấc ngủ từ lúc nào. Nó nằm mơ thấy mình đạp xe giữa thành phố lạ: Những tòa nhà cao tầng bóng loáng, những dòng xe chạy như thác đổ. Thy muốn tìm cách qua đường, hình như Thy sắp khóc thì thấy Hiển dắt xe đứng cạnh bên. "Hai đứa cùng qua nha!", Hiển nói. Chợt Thy bật cười, chỉ tay lên bầu trời: "Nhìn kìa, cò quê mình bay đến tận đây!"

    Đó là một đàn cò trắng muốt, bay thành hình chữ V nhấp nhô trên bầu trời bao la màu xanh, non trong như cánh đồng lúa kéo dài bất tận…
    đi một ngày đàng học một sàng khôn
Working...
X