Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Dấu Chân Tiên

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dấu Chân Tiên

    Trước mặt làng Đồng là đường quốc lộ, sau làng là núi Động Thờ cao ngất nghểu, mái dốc phơi những lối mòn trườn ngoằn ngoèo tựa chỉ rối. Trên đỉnh núi có ngôi miếu cổ thờ thần Nông ,vị thủy tổ hết thảy nông dân dưới mặt đất ,hằng đêm vẫn ngự trên cánh đồng tinh tú bên dòng Ngân Hà vĩ đại.Ngôi miếu rất linh thiêng , người hàng huyện kéo nhau lên núi dịp lễ hội sau mỗi vụ gặt đông như bầy kiến đủ màu sắc. Người ta tin ông thần Nông có tấm lòng nhân hậu cao cả khiến mưa thuận gió hòa , phù hộ nông dân được mùa.Ngôi miếu xây từ thời xưa, mái ngói rêu phủ dày , những gốc duối già nua còi cọc bao quanh khuôn viên mùa hè trái chín vàng ươm , mùa đông trụi lá trơ cành trông chẳng khác rặng san hô xám xịt. Mỗi khi bò lạc , lợn sổng chuồng thân chủ thường lên cầu khẩn Ngài chỉ lối đi tìm , mất bò phải lạy thêm ông Bò - khối đá giống chú bò nằm nhơi cỏ sau buổi cày mệt nhọc , mất lợn phải lạy thêm ông Lợn - hòn đá lưng oằn bụng võng hệt chú ỉn đang dụi mõm xuống đất.Ông Bò ông Lợn ngự hai bên tả hữu lối vào cửa miếu. Phía sau khuôn viên vách đá dựng xiên xiên chờm ra miệng vực sâu thăm thẳm , lăn cục đá xuống tiếng động dội lên âm vang đổ hồi. Gọi là vực Tiên vì trên vách đá láng mượt lưu lại một dấu chân phải thanh mảnh của Tiên nữ.Dấu chân con gái Ngọc Hoàng nên gót son mềm mại , năm ngón vừa chụm vừa thon thả.Cỡ dấu chân đàn bà làng Đồng không có ai ướm vừa. Bàn chân các bà to bè bàn vét , ngón tòe ra tứ tung do phải gánh nặng từ bé. Những người hiếm muộn hay lên đây cầu tự. Xin con trai ướm bảy lần , xin con gái ướm chín lần chân mình vào dấu chân Tiên...
    Đàn bà duyên phận lỡ làng vô tình hay hữu ý tò mò đạp lên dấu chân Tiên về nhà dễ bị có mang. Thời nào cũng có những đứa trẻ con Tiên , mẹ chúng thanh minh thế ,hư thực ra sao thì chỉ Tiên mới biết. Có điều chẳng thấy đứa nào giống Tiên, toàn giống người trần.Ngày xưa giống ông lý trưởng , giống anh trương tuần , giống thằng mõ... Ngày nay giống ông chủ nhiệm Hợp tác , giống anh cán bộ huyện về chỉ đạo cấy giống lúa cao sản , giống anh chỉ huy đoàn xe quá cảnh sang Lào... Những đứa trẻ không bố bị người làng Đồng gọi là " con Tiên ". Tiếng " con Tiên" trở thành khẩu ngữ độc địa.
    - Ơ...cái thằng "con Tiên". Con mẹ chết nửa đời nhà mày không dạy , đến đây tao dạy cho. Lão học Trị hay chửi những đứa trẻ dám trêu lão như thế. Nghe đồn , lão cũng là "con Tiên", mẹ lão là người bên kia núi , lỡ làng , đẻ trong khe , xấu hổ không dám bế về nhà , gặp người làng Đồng đi củi cho luôn khi còn đỏ hỏn.
    Một năm hai lễ tế thần Nông , rằm tháng Năm sau vụ chiêm gọi là cúng cơm mới , cỗ đơm cơm tẻ với đĩa cá thèn , rằm tháng Mười sau vụ mùa gọi là cúng xôi mới , cỗ đơm xôi với đĩa thịt gà mái dầu.Nhà tộc trưởng họ Trần đời đời thay nhau làm chủ tế. Điều đó hiển nhiên tồn tại không hề sợ ai ghen tợ vì họ Trần là tộc lớn danh giá nhất vùng , chi phái khắp huyện. Rằm tháng giêng giỗ họ , cờ biển chưng ra đến mười tám vị quận công hiển đạt , đủ loại vinh quy ông nghè , thám hoa, bảng nhãn... từ xưa để lại , biến gian chánh điện giống kho hiện vật bảo tàng hay kho đạo cụ của một xưởng phim chuyên quay đề tài cung đình.
    Thời vị Túự tài Trần Viên kế vị tộc trưởng kiêm vai chủ tế miếu thần Nông , học Trị là anh cùng đinh họ Trần làm thằng mõ ngoài đình , sai vặt trên miếu rất đắc lực. Học Trị có mỗi tật tham uống , sơ hở nậm rượu củ hành , chỉ tu một hơi trong nháy mắt. Dọn mâm lên , các cụ bực ghê lắm nhưng đành chịu thua thằng liều.Học Trị biết thế , nói xơn xớt: " Thành Hoàng làng ta bợm nhỉ. Ngài thưởng một phát be rượu thành be nước lã ".
    Tú Viên , học Trị , hai con người , một ông một thằng ở hai cực khinh trọng của làng Đồng cùng bên nhau phục vụ thần thánh. Cúng đình, tế miếu, giỗ họ , không thể thiếu hai người ấy.Năm làng Đồng hợp tác hóa , Tú Viên đã có cháu nội. Thời buổi dân chủ kiểu ai cũng bằng ai, người ta vẫn nể vì cụ như bậc tiên chỉ. Phong thái cụ nho nhã đĩnh đạc , khăn đóng áo dài , quần chúc bâu trắng , tóc búi củ hành , giọng nói sang sảng tiếng khánh đồng. Còn học Trị vẫn tứ cố vô thân , say rượu tối ngày ngất ngưởng.ở làng Đồng con trai ế vợ gọi là anh học ,sang đến ngũ tuần Trần Trị bị gọi là ông học, lão học là lẽ tất nhiên hàm ý coi thường thân phận hèn kém. Thời thế có làm cho học Trị thay đổi đôi chút hình thức.Gọt trọc đầu , búi tóc dài bốn gang tay đem bện thành dây thừng buộc gọng vó kéo cá trời lụt.Chiếc quần gụ muôn thuở lưng lửng , giải rút lòng thòng hai đầu đính hai đồng tiền chinh thay bằng hai đồng năm xu nhôm. Bọn trẻ trâu phát hiện ra hỏi tại sao. Lão trả lời: " Đổi đời rồi. Thời phong kiến thân tao đáng hai chinh , trăm chinh mới đủ một quan tiền. Thời nay dân chủ cộng hòa , thân tao đáng một hào , mười hào là một đồng đấy. Có lên giá , phải không mấy nhóc tì " con Tiên "?.
    Làng Đồng vào hợp tác trăm phần trăm , nông dân làm ăn tập thể , việc thờ cúng bị coi là trò mê tín dị đoan của kẻ lạc hậu. Miếu thần Nông trên đỉnh Động Thờ hoang phế dần , cụ Tú già rồi không thể leo lên núi săn sóc. Đình làng cải tạo thành kho lúa hợp tác , cây đa bị chặt để nới rộng sân phơi , cụ Tú mất chức trưởng tế và tiên chỉ còn mỗi chức tộc trưởng họ Trần , vài tháng mở cửa nách vào nhà thờ dùng phất trần quét bụi bặm trên các bài vị. Hàng ngày cụ vẫn không quên lật đít bát mài mực dạy thằng Trì , cháu đích tôn , dăm ba chữ nằm lòng.
    - Không có cái chữ nho là không thành người cháu ạ. Nào cu Trì , thảo đi.Nan-đắc-hồ-đồ ! Thế thế... đúng rồi , ngang trước sổ sau ,nét này nhớ móc lên cho dứt khoát. ý nói cái gì nào? Nghĩa là làm điều hồ đồ khó lắm , làm kẻ hồ đồ khó lắm , khó lắm !
    Thằng bé được khen khoái chí ngẩng cái đầu có ba chỏm trái đào lên hỏi ông nội:
    - Ông ơi bố cháu có học chữ nho không?
    - Trai họ Trần ai cũng học chữ nho cả.
    - Ông học Trị đọc được chữ nho ông nhỉ !
    - Chà , cái thằng đến là hay hỏi. Hoẽc Trị thì kể làm gì. ờ... nhưng mà học Trị còn nhớ mặt chữ nhiều hơn bố mày đấy , cu ạ.
    Học Trị cũng không lên núi nữa. " Chẳng ai lễ bái lấy đâu ra lộc thánh.Lên đó ăn cứt bò khô à?." Lão khoác bị lác đựng hũ sành nút lá chuối khô , cất rượu lậu dưới thuyền kẻ vạn đem bán lê la ở chợ huyện cho mấy tay bợm hay ăn hàng. Gặp ai dáng lực điền vai u thịt bắp , lão níu lấy , đầu trọc gục gặc , mắt nheo nheo ra hiệu:
    - Cay không ông bạn? Cay ấy mà, hử? Cái khoản ta ấy mà , khổ quá, "quốc lủi " thứ ngon đấy , không hiểu à?
    - Rượu lậu chứ gì? Tốt thôi , mời ông đi theo tôi !
    Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Rủi cho lão lần đó nhè trúng anh cả Điền con trai cụ Tú , bố thằng Trì, làm trưởng công an huyện để thủ thỉ mời mua rượu. Làng Đồng được phen đàm tiếu , người bảo lúc ấy lão say , kẻ cãi chẳng lẽ lão không nhận ra cả Điền , chắc muốn trêu ngươi ông Chánh cẩm cho vui. Hồi đó trưởng công an huyện là một nghề buồn tẻ và nhàm chán. Huyện Đông Yên là địa bàn bình an , dư dã thóc gạo do liên tiếp được mùa , lâu lâu mới có một đám thịt lợn trộm , chồng đánh vợ bị công an xã giải lên , thỉnh thoảng vài anh cán bộ bên ủy ban được mua xe đạp Thống Nhất giá cung cấp sang xin đăng ký biển số. Từ lâu anh Điền được nghe báo cáo nhiều về học Trị nhưng ỡm ờ cho qua. Dù sao cái lão dở người trong thân tộc này cũng không cản trở gì mấy những bước đi căn bản của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội nên nhà chức trách chưa cần sử dụng biện pháp chuyên chính vô sản. Lần này học Trị bị tóm quả tang ngay giữa chợ , đích thân trưởng công an huyện tay dắt xe đạp tay túm cổ áo lôi đương sự về trụ sở. Đúng là sự kiện xáo động:
    - Ơ này anh cả Điền bắt tôi thật sao? Buông ra... buông ra nào , tôi có trốn đâu. Anh nắm thế này... xấu hổ chết đi được. Lão năn nỉ.
    - Biết xấu hổ sao còn làm bậy?
    Điền vừa buông tay , lão vội nâng cái bị lác lên ghé miệng vào hũ tu ừng ực. Thế là hết mẹ cả vốn lẫn lãi. Rượu chảy trào ra cằm xuống bụng ướt đầm vạt quần lửng phía trước. Nhà chức trách lập xong biên bản phạm pháp , tang vật chỉ còn là cái hũ sành rỗng không lăn lông lốc. Đương sự bắt đầu say , không chịu ký biên bản đi xiêu vẹo vòng quanh bàn , nhìn thấy lá cờ treo trên tường liền đứng nghiêm lè nhè hát: " Đoàn quân Việt Nam đi , chung lòng cứu quốc , bước chân rộn vang... " rồi nằm lăn ra ghế băng ngáy ò ò như trâu thở.
    - Các đồng chí , chấp gì cái lão say. Điền bảo mấy đồng sự. Khiêng lão ra ngoài thềm để còn đi ăn trưa , kẻng nhà bếp báo lâu rồi.
    Buổi chiều học Trị trở về , đứng trên cầu máng đái chỉa xuống sông , nhìn đám bọt bong bóng sùi lên mặt nước lão khóc toáng , tiếng khóc tô hô giống khóc giả hơn là khóc thật:
    - ới mẹ ơi , con đái ra cả xà phòng , chết con rồi mẹ ơi...
    Lũ trẻ reo cười nhảy vòng quanh hát đồng dao:
    Nghe vẻ nghe ve
    Cái vè học Trị
    Suốt ngày mang bị
    Đựng một hũ hèm
    Nốc cho say mèm
    Vạch quần ra ngắm... "
    - Mẹ tổ sư , lũ mất dạy ! Học Trị chửi , tay vung vẫy như đang bơi trongkhông khí. Vừa lúc thằng Trì dắt ông nội đi qua , cụ Tú Viên lên giọng:
    - Chú học ơi , già rồi đấy... thiên hạ chê cười.
    - Dạ, lạy cụ mớ lạy. Cả Điền định cho tôi vào tù đấy cụ ạ.
    - Nó tha cho chú là may rồi. Thôi , về đi. Kìa... lòi cả ra kìa !
    Học Trị nhìn xuống. Hóa ra " thằng em" lão nãy giờ vẫn thò lò ngoài quần. Lão đưa tay tát yêu vào đầu nó:
    - Bố cái của khỉ.Con gái mười tám nó dám làm cho chửa như thường.
    Cụ Tú chỉ còn biết lắc đầu giục thằng Trì đi mau: Hồ đồ ! Hồ đồ !
    - Ông ơi , làm người hồ đồ khó lắm , phải không ông?
    - Thời này làm người hồ đồ không khó lắm đâu cháu ạ. Cụ Tú thở dài.
    Sau khi tập thể hóa đình làng, xã quyết định dẹp nốt dinh lũy cuối cùng của tàn dư phong kiến , ngôi miếu cổ trên đỉnh núi Động Thờ.
    Đoàn người kéo cờ đỏ sao vàng tiến theo lối mòn giống như một trận công đồn. Thanh niên mang súng , thỉnh thoảng hứng lên nổ vài phát chỉ thiên để lấy khí thế. Trần Thành liên đội trưởng thiếu niên vừa được chuyển thẳng vào Đoàn , hăng hái hô to: " Quân địch đang cố thủ , xung phong... ! " Đứng dưới làng nhìn lên núi , cụ Tú Viên nghiến răng: " Hừm , chúng nó coi thần thánh là kẻ thù ! "
    Trong chốc lát ngôi miếu bị phá tan hoang , họ hắt tất cả gạch đá xuống vực, cột kèo gỗ lim chụm đống châm lửa đốt. Học Trị lật đật chạy theo với ý nghĩ: đông vui thế chắc có đánh chén. ở làng Đồng bao nhiêu năm nay có đám đông là có chén. Khi thấy người ta kéo mái ngói đổ ầm , con người thấp cổ bé họng nhất làng há mồm nhìn. Lưỡi của lão bị rụt lại , hai đầu gối khuợu xuống. Lão ngã quỳ trên nền gạch sân miếu. Cha mẹ ơi , họ dùng xà beng búa tạ phá miếu thờ của thần Nông.
    - Kìa ông học , luyến tiếc cái lô cốt lạc hậu này lắm hả?
    Người hỏi là Trần Khởi , Bí thư đảng ủy xã , một tay xuất thân cố nông có tài câu ếch bằng đọt hoa bầu rợ. Khởi còn nổi tiếng ăn nói ứng đối nhanh nhẩu. Đi dân công , anh cất lời lên hò câu nào phe bạn chịu thua câu ấy. Ông bố Khởi mở miệng thành thơ lục bát , câu trên sáu câu dưới tám. Năm cải cách đấu tố địa chủ Hồ Châu , ông lên tố khổ , nước mắt trào ra đầy mặt , giọng nói như lẩy Kiều:
    - Nghe đây , địa chủ Hồ Châu. Mày coi bần cố như trâu như bò. Tội mày to lắm là to. Đề nghị ông Đội xử cho: Tử hình !
    Dù căm thù Hồ Châu, những người nghe ông lão tố vẫn phải nhịn cười đến tức cả bụng. Khởi được di truyền năng khiếu nói lối của bố kết hợp với kiến thức mấy đợt học tập ở trường Đảng về công tác tuyên truyền , tiếng nói của anh rất hiệu quả , có thể biến cả xã thành trung đoàn , tiểu đoàn bằng thứ diễn văn không cần thảo ra giấy trắng mực đen.
    Giờ đây trên đỉnh Động Thờ lộng gió , câu hỏi của Khởi như gáo nước lạnh , học Trị tỉnh người đứng lên. Đám thanh niên cười cợt nhìn lão.
    - Thương tâm lắm , anh chắt Khởi ơi. Không cho cúng thì để cho đẹp cũng được cần gì phải phá thế này. Giọng nói của lão ngập ngừng ảm đạm.
    - Không được ông học ạ. Mê tín dị đoan cũng là một thứ giặc , thâm độc hơn cả bọn đế quốc phong kiến. Nó là thuốc phiện , làm cho nhân dân không tin vào sức mạnh dời non lấp bể của chính mình. Nhân dân là người làm nên lịch sử , không nên để nhân dân lầm lẫn vì mấy vị thần siêu hình phi lịch sử như thằng cha thần Nông này.Khởi nói ồn ào nhã nhặn , học Trị nghe không hiểu anh đang nói gì. Trời ạ , cái thằng con nhà chắt Khởi mới mặc quần lủng đít đi câu ếch , nơm trộm cá đìa bây giờ ăn nói lạ tai làm sao. Ngày trước chỉ cần cái hoa bầu rợ hắn có thể lừa cả lũ ếch vào oi.Hễ vác cần xách vợt ra đi , sáng hôm sau mẹ hắn đội một rổ nặng vẹo cổ ra chợ bán. ếch xâu thành chùm chục con , hai xâu đổi một bơ gạo. Từ khi lên làm cán bộ xã , lão cảm thấy lời nói của hắn có đôi chỗ , không , rất nhiều chỗ lòe loẹt màu sắc như đọt hoa bầu rợ. Hắn coi người nghe là con ếch ngồi đáy giếng , tung mồi ra nhử...Lịch sử , siêu hình... là cái quái gì nhỉ? Thà hắn bảo mình là đồ ếch nhái, hắn dạy người ta bằng miệng còn tay làm việc thất đức !
    Thằng Thành kéo tay Khởi , vẻ mặt nhâng nháo:
    - Hơi đâu giải thích giải rút cho ông học Trị anh chắt ơi. Này, ông học từ nay hết xôi bao đày cửa thánh , mời ông tham gia với chi đoàn đào mả thằng thần Nông trưa về có tiết canh lòng lợn đấy.
    Thằng trẻ ranh còn dám gọi thần thánh bằng thằng , lão khinh bỉ nhìn bộ mặt non choẹt của Thành , toàn thân rúm lại vì tức giận mà không dám nói lại. Lão hiểu dân làng Đồng nể trọng Trần Khởi , riêng lão hình như thấy hơi sờ sợ. Hắn có quyền chỉ huy , quyền ăn nói , không hề kiêng cữ , dám làm tất cả. Từ bé đến giờ lão chưa thấy ai không sợ điều gì , không kiêng cữ bất cứ điều gì !...
    Học Trị quày quả xuống núi , bước hụt hẫng liên hồi , có lúc lăn lông lốc tựa khúc cây. Đám thanh niên vẫn hăng say công việc , vừa làm vừa hò râm ran::
    - Nào dô ta , hầy ! Xin mời ông thần xuống vực , hầy !
    - Hò lơ... ớ lơ. A li hò lờ...
    Sân nhà thờ họ Trần xuất hiện một hình người tơi tả , lấm lem bụi đất da thịt trầy trụa rớm máu.
    - Cụ Tú ơi , chúng nó phá... Kìa, chúng nó đốt... Học Trị thở hồng hộc. Cụ Tú Viên đưa đôi mắt sầu bi nhìn lão:
    - Tôi biết rồi. Ruột gan tôi cũng đang cháy đây.
    - Cụ lên mà xem, một lũ con cháu họ Trần do thằng chắt Khởi cầm đầu. Rồi đến lúc chúng nó kéo đến đây phá nhà thờ họ , cụ cũng ngồi nhìn ư?
    - Kìa chú học... Cụ Tú đỡ học Trị ngồi xuống bậc thềm đầy rêu gian hạ điện. Hai con người , một sang một hèn có tâm trạng đồng cảm cùng nhìn đám khói bốc lên cuồn cuộn trên đỉnh núi. Họ ngồi lặng đi khá lâu , Học Trị bỗng chép miệng:
    - Chết toi con lợn , cụ ạ. Chúng nó bày trò phá để liên hoan, chỗ công việc ấy chỉ đáng ba người làm.
    Dòng suy nghĩ miên man lẫn xót xa về hình ảnh quá khứ của vị chủ tế bị lời nói của ông phụ tế bợm rượu cắt ngang. Cụ Tú liền đổ bao nhiêu bực bội trong người lên đầu học Trị:
    - Chú im đi. Giết mấy con lợn mặc họ. Chú thắc mắc vì sao họ thích đông người hử? Đông người ít sợ hãi hơn ! Hiểu chưa?
    - Ơ...ơ. Học Trị ngạc nhiên. Sao cụ lại mắng tôi?
    Lão đứng lên bỏ đi giật lùi: Có giỏi cụ ra sân đình mắng thằng chắt Khởi thử kìa. Chỉ quen thói bắt nạt đứa trọc đầu. Cụ hèn !
    San phẳng ngôi miếu cổ, đám thanh niên còn nán lại đùa vui trên núi. Nhiều ánh mắt thán phục tin tưởng dồn vào Khởi, nếu anh không phát động và trực tiếp chỉ huy chắc không ai dám đụng đến ngôi miếu. Biết bao lời đe dọa của các người già thủ cựu , của mấy mụ đàn bà mê muội lẩn thẩn làm cho không ít kẻ chùn tay. Xem thử thần thánh dám làm gì người cộng sản. Anh mỉm cười , nụ cười tự tin mãn nguyện lẫn thách thức thế lực vô hình vẫn làm dân chúng sợ hãi tôn thờ. Trần Thành cầm cán cờ múa cho gió đánh phần phật rồi cắm sát bên vách đá , tiện bước đặt bàn chân đen cháy lên dấu chân Tiên , hai tay chắp kiểu tâu bẩm phường tuồng:
    - Thưa Tiên cô , nếu linh thiêng xin cho tôi sau này giàu có nhất làng.
    Mọi người phì cười:
    - Làm gì có kẻ giàu người nghèo trong xã hội ta. Mất quan điểm lắm đồng chí Thành ơi.
    - Nó muốn giàu như lão Hồ Châu đấy.
    - Đã đùa cho đùa thoải mái. Khởi cười cười. Trông chú mày có tướng phú quý lắm, tuổi trẻ có quyền cống hiến và ước mơ. Anh gạt Thành ra đặt chân mình lên dấu chân Tiên nói dõng dạc. Thưa đồng chí Tiên, đề nghị phù hộ cho tôi làm đến Bí thư huyện ủy, tôi sẽ đưa huyện này lên chủ nghĩa xã hội sớm nhất cả nước.
    - Ha ha. Nhất định rồi , anh chắt xứng đáng làm Bí thư huyện ta lắm.
    Một người đàn bà béo tốt trắng trẻo , đầu chít khăn nhung , răng đen nhức , mặc váy sồi hiện ra đầu dốc:
    - Mẹ tổ quân rửng mỡ. Bà Duân cán bộ Hội phụ nữ xã lên tiếng. Hình như chặng leo núi không làm bà mệt nhọc , giọng nói oang oang. Có về ăn cơm không chắt Khởi?
    - A, Tiên cô nhà bếp dưới đình bay lên anh em ơi.
    Bà Duân đưa mắt nhìn nền miếu trống trơn mặt hơi tái đi.
    - Chịu các chú , thanh niên có khác , phá nhanh hơn phá kho thóc Nhật hồi năm Dậu.
    Đó là người đàn bà vui vẻ xởi lởi nhất làng Đồng , không hề để bụng giận ai bao giờ. Có lần học Trị say nhìn thấy bà đi ngang qua cầu máng , liền níu lấy:
    - Bà Duân xinh đẹp quá đấy. Ông đại tá đến chết mệt.
    - Phải nói. Khối thằng cha muốn chết.Còn ông học có muốn chết không?
    - Muốn chết lắm. Hoẽc Trị cười nịnh nhăn nhở.
    - Nhưng phải mất cái gì chứ?
    - Tôi có gì đâu mà mất. Hay là để tôi bầu bà làm chủ tịch đàn bà nước Nam ta. Vừa nói lão vừa quơ tay định thờn bơn. Bà Duân nhảy tránh tiện đà xô lão đánh ùm xuống nước. Hoẽc Trị lổm ngổm bò lên bờ. Mụ làm đến chủ tịch để mụ lừa cho đàn ông trôi sông hết cả lũ.
    Tưởng sẽ không thèm nhìn mặt học Trị nữa , ai ngờ sáng hôm sau đi chợ gặp lão , bà đon đả chào trước:
    - Hôm qua tắm mát chứ ông học?
    - Vâng , cảm ơn bà đại tá.
    Chồng bà , ông đại tá Duân công tác ngoài Hà Nội , là niềm tự hào của họ Trần. Mỗi khi chiếc Com-măng-ca lầm bụi chở ông ghé về , trẻ con bu đen bu đỏ quên cả ăn cơm. Hai ông bà lấy nhau hồi còn bé tý , ông mười tuổi , bà tám tuổi. Tục lệ làng Đồng có thể hỏi gả cho con cái từ khi còn nằm trong nôi. Đám cưới dọn lên nhà trên , hai họ mãi đánh chén lu bù , cô dâu chú rể ôm nhau vật ngoài đống rơm , bị vảy thóc lép văng vào mắt cô dâu tru tréo ôm mặt chửi chú rể:
    - Tổ cha mày , mày làm đui mắt tao rồi , tao về mách mẹ cho coi.
    Đôi vợ chồng sống với nhau lớn qua tuổi thiếu niên giống hai anh em ruột cùng sinh ra một nhà. Mãi đến lúc ông thoát ly gia đình họ mới thực sự biết thế nào là chuyện kín buồng the. Gần sáng nghe con dâu rên hừ hừ , cụ bà tính trở dậy kiếm chai dầu gió , lại gần giường bỗng nghe tiếng rên nho nhỏ: " ối trời ơi , có ai sướng như tôi không trời! ". Thế là rõ , cái thằng ngố may nhờ đi ra anh em bày vẽ cho lần này về phép mới dám trèo lên bụng vợ.
    Bà đẻ rặt con trai , đúng con nhà binh: chiến thắng Biên giới một thằng , chiến thắng Thà Khẹc thêm thằng nữa , chiến thắng Điện Biên sinh đôi hai thằng. Hành trình sinh nở của bà trùng với hành trình kế hoạch các chiến dịch ông tham gia. Hòa bình lập lại bốn thằng con theo bố ra Hà Nội ăn học. Đáng lẽ bà cũng đi , vướng bà mẹ chồng gần đất xa trời nên nán lại chờ cụ qui tiên đã...
    Bọn thanh niên túm lấy bà Duân dắt đến trước vách đá:
    - Chúng cháu đã cầu tài cầu lộc rồi , bác nên cầu tự kiếm thêm cô gái rượu hú hí tuổi già.
    - Cầu cái phải gió. Bà giãy đãy. Đẻ bốn thằng là tứ quý , đẻ nữa không ra con gái , tòi thêm thằng nữa để thành ngũ quỷ à. Được rồi chúng mày thích để tao cầu sướng. Bà đột ngột chấp thuận trò vui rất hồn nhiên , đặt bàn chân to bè trùm lên dấu chân Tiên. Cầu Tiên cô linh thiêng cho con về già được sung sướng như Tiên.
    - Sao bác không cầu đẹp như Tiên. Bác khổ bao giờ mà cầu sướng?
    - Ôi , bác đẹp ra thì bác trai cháu nguy mất.
    - Cứ lo hão , đại tá thiếu gì sâm nhung bổ thận hoàn.
    - Lũ phải gió ! Người đàn bà che miệng cười tít mắt.
    - Thôi rút lui , anh em. Khởi vung tay chỉ xuống làng. Tất cả ào xuống núi , hân hoan chiến thắng trở về. Đó là ngày đáng nhớ của làng Đồng.
    Năm Trì được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi văn cấp III toàn quốc , vừa dịp thượng thọ bảy mươi cụ Tú Viên. Người làng đến mừng cụ vui lắm , vui vì thằng Trì nhiều hơn là vì sự bày vẽ báo đáp của con cháu: " Thất thập bất du cũ , sở dục nhi tòng tâm. Tôi già rồi , già lắm rồi. " Nói vậy , có vẻ tự tại vậy , lòng dạ thật náo nức.Họ Trần bao đời thiên phát về văn hơn võ. Bố thằng Trì làm trưởng công an huyện chuyển lên ty phụ trách hồ sơ , ôi dào , là nghề thư lại , sĩ quan nhưng đích thị là quan văn. Ông đại tá Duân chuyển qua dân sự làm Bộ trưởng , tức là ông thượng thư , ông quan văn. Ngắm bức hình trong gian thượng điện , cụ Tú càng thấy chí lý khi tiền nhân cho họa chân dung cụ Tổ đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng xanh tay cầm quạt lông hạc , gương mặt nhân hậu có bộ râu bạc phơ dài quá ngực. Cụ Tú thắp ba nén hương thành tâm cầu khấn Tổ tiên phù hộ cho thằng cháu ứng thí vạn sự như ý.
    Trì ra đi lúc mờ đất để tránh máy bay oanh tạc ,đầu đội mũ rơm, tay ôm cặp sách vở ,vai mang tay nải gạo , tắt ngang cánh đồng lúa bắt đầu cúi bông, lên huyện tập trung. Cụ Tú tiễn chân ra tận cầu máng rồi đứng ngóng theo , nước mắt trào nóng hổi. Mới đây thôi anh khóa Viên cũng lội bộ vác lều chõng tắt ngang cánh đồng này đi thi ,sau lưng một quãng ngắn cô vợ chít khăn mỏ quạ váy lận bên hông quảy đôi bồ đựng đủ thứ gạo mắm dầu đèn lỉnh kỉnh chạy theo bước thấp bước cao. Đó là khoa thi cuối cùng của nước Nam ta giữa cái thời chữ nho bắt đầu mạt. Khóa Viên chỉ đậu Tú tài , hai vợ chồng thành ông bà Tú lúc tuổi bằng tuổi thằng cháu bây giờ.
    Kỳ thi học sinh giỏi Văn ra hai đề chọn một. Đề nghị luận chính trị bình luận câu nói kinh điển của một vị lãnh đạo Đảng về vai trò thanh niên trước tình hình nhiệm vụ cách mạng. Đề nghị luận văn học bình chú một bài thơ, nhà thơ cũng là một vị lãnh đạo Đảng. Thằng Trì chọn đề nghị luận chính trị. Nó đỗ đầu. Nhận tin vui , nhìn gương mặt cháu , cụ Tú reo lên trong bụng: " Kia , vầng trán nó, đôi mắt đen trong veo của nó... Đúng là ta đã gặp lại thời trai trẻ của mình. Ông tự hào về cháu cu Trì yêu quý ạ."
    Nghe nó kể tình huống chọn đề làm bài , bỗng dưng cụ cảm thấy bớt vui , cách nó lập luận sao giống cách nói của chắt Khởi , hiện lên làm Bí thư huyện ủy , mỗi khi về làng nói chuyện thời sự cho xã viên nghe.
    - Đáng lẽ cháu nên chọn đề bình thơ. Cụ Tú góp ý với cháu.
    - Một đề là văn lãnh tụ , một đề là thơ lãnh tụ , cháu chọn thể loại nghị luận chính trị dễ tán hơn nhiều ông ạ.
    - Ông nghĩ thi giỏi Văn nên chọn bình thơ , chính danh hơn.
    - Văn thơ bây giờ đều phải gắn với nhiệm vụ chính trị. Thằng cháu cười , nụ cười chứng tỏ nó không còn là trẻ con nữa. Cháu chọn đề bình thơ cũng được thôi. Thơ ngày xưa , thi trung hữu nhạc , thi trung hữu họa , chỉ hợp với người nhàn tản ngâm vịnh. Thơ ngày nay là thơ của người cách mạng , có cả công việc cách mạng trong ấy , thi trung hữu sự. Nó nói với vẻ tự tin hồ hởi. Cụ Tú nhìn mồm thằng cháu có cảm giác thằng này là con vẹt đang phun ra những điều không phải tự nó nghĩ ra.
    - Thôi ! Cụ gắt ,thấy ruột gan mình sôi sùng sục.Mày có biết đó là tội múa rìu qua mắt thợ hay không? Con nhà...
    Trì hốt hoảng len lét nhìn xuống nói lý nhí trong cổ:
    -Xin lỗi ông, cháu đâu dám vô lễ...
    Suốt đêm nằm trên bộ phản gụ ở nhà ngoài,cụ Tú trằn trọc không an giấc.Bây giờ người ta dạy trẻ con hô khẩu hiệu nhiều hơn là dạy cái hay cái đẹp của chữ nghĩa.Thi trung hữu sự.Phải chăng thằng cháu nói đúng ,người lớn lao trong thơ có cái đại sự quốc gia , kẻ bé mọn như chắt Khởi,thỉnh thoảng hứng đọc dăm câu lục bát thì trong thơ có cái tiểu sự.Chả trách học Trị ra đình nghe thời sự về cười khà khà:
    - Bỏ mẹ bọn thanh niên rồi cụ Tú ơi. Nghe ông Bí thư đọc thơ tôi nhắm tình ý chắc chắn năm nay huyện ta mở thêm công trường thủy lợi.Lại vắt đất ra nước, thay trời làm mưa. Nói cụ bỏ quá cho ,thơ của anh câu ếch nghe muốn nhảy dựng cả người lên.
    Tiếp theo là tin khác có phần trọng đại hơn. Ông Duân được nhà nước cử đi làm Đại sứ ở vương quốc láng giềng. Bà Duân gạt nước mắt tạm biệt làng Đồng bên chân núi Động Thờ ra Hà Nội theo chồng xuất dương.Học Trị chạy theo níu cửa xe:
    - Nín đi bà,ai lại khóc như cô dâu mới về nhà chồng thế kia.Tôi cũng mừng cho bà thượng lộ bình an.Sang đến nơi nhớ đánh giấy về cho bà con biết tin.
    Như mọi khi,bà sẽ nói toáng lên:"Cái ông phải gió".Lần này bà khóc to hơn:"ở nhà ông nhìn ngó phần mộ các cụ dùm tôi với.Tôi đi thế này thấy tủi lắm.Hu hu..."
    Xe chạy xa rồi, người làng còn đứng bàn tán về cái nơi bà Duân sẽ đến.Họ ngạc nhiên về phong trào cách mạng nước ấy hơi yếu. Đến bây giờ vẫn còn để cho Vua và Hoàng hậu trị vì đám dân chúng...
    Đời bà Duân bước sang trang mới không mấy dễ dàng. Suốt ba tháng liền học tiếng trước khi lên đường, vị tân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền vất vả khổ sở cải hóa cho bà vợ nhà quê. Việc đầu tiên là tẩy bộ răng đen , chẳng lẽ phu nhân lại nở nụ cười ngoại giao bằng hai hàng hạt na lóng lánh. Bỏ cái khăn vấn trên đầu , mặc cái áo dài , tập đi đôi guốc kiểu , học cách đứng bên cạnh ông chồng trong các buổi tiếp tân bắt buộc đúng nghi thức long trọng. Đi xa gần hềt đời , giờ mới có dịp đền bù nên ông Duân ân cần chỉ dẫn cho bà rất chu đáo tỷ mỷ. Bà vốn sáng dạ tiến bộ nhanh khiến ông yên tâm cùng sánh bước bên bà suốt nhiệm kỳ công cán. Nước sở tại , nông nghiệp lạc hậu nghèo đói dưới thời thực dân thống trị , sau khi giành độc lập đã tự vươn mình bằng cuộc cách mạng xanh huyền thoại. Vương quốc bình dị đưa bà lạc vào xứ sở cổ tích. Quả thật lúc đầu bà hơi hoảng, từ nhà vua đến dân đen thảy đều sùng đạo , mê tín đến kỳ quặc , mà sao có lắm thứ đạo thế. Ông dặn bà, nếu bị hỏi theo tôn giáo nào nhớ trả lời theo đạo ông bà.Một thứ đạo riêng của Việt Nam , thờ cúng tổ tiên ông bà cha mẹ , ai chết cũng được con cháu giỗ chạp tưởng nhớ. Nhất thiết không được trả lời không có tôn giáo dễ bị mất thiện cảm.
    Thỉnh thoảng đi dạo mát trong khuôn viên biệt thự , ngắm bà vợ phúc hậu , ông đại sứ đùa:
    - Từ mặc váy sồi nhuộm củ nâu , bà nó tiến thẳng lên mặc quần sa tanh bỏ qua giai đoạn mặc quần lĩnh.
    Bà nhìn ông đôi mắt đằm thắm:
    - Nhưng tôi cứ nhớ nhà lắm ông ạ. Qua tiết Lập xuân rồi , chắc làng Đồng bắt đầu xuống mạ cánh đồng Liềm hoa.
    - Nếu bà thích , hôm nào ghé thăm trang trại ông Quốc vụ khanh râu quai nón , tôi đi bừa bà đi cấy cho đỡ nhớ.
    - Ông là hay đùa dai lắm. Bà thở dài. May xứ người ta cũng ăn trầu nếu không tôi đến chết thèm, thiếu nhúm thuốc lào dắt kẻ răng nên cứ nhàn nhạt trong miệng.
    Ông Đại sứ cười vang cảm thông với bà vợ chân chất:
    - ồ , tôi sơ ý quá , tháng sau có chuyến bay nhất định tôi nhắn anh em gửi thuốc lào Vĩnh Bảo sang cho bà tha hồ dắt răng ăn trầu.
    - Thôi , để tôi viết thư bảo con nó gửi kẻo phiền hà , lỡ người ngoài biết khéo thành trò cười. Tôi xin ông.
    Ông Duân lại cười. Bây giờ bà mới hiểu mình được nhờ chồng là ở tiếng cười vừa sang vừa thoải mái, tiếng cười xua tan mọi lo lắng trong lòng bà.
    - Mình sống chân thành việc gì phải sợ ai cười. Bà sang đây cũng vì nhiệm vụ đất nước giao giống tôi. Nếu mặc cảm bà quê mùa , chẳng lẽ tôi phải nhờ Hội liên hiệp phụ nữ cử một cô Hà Nội đóng vai Đại sứ phu nhân hay sao?
    - Thì ai cấm ông nhờ đâu nào. Được thế tôi càng khỏe xác. Bà lườm chồng sau khi cẩn thận ngó xung quanh.
    Người đàn bà vốn xuất thân nông thôn, quen chịu thương chịu khó, không thể than phiền với ông Đại sứ rằng ở cái vương quốc xa lạ, với công việc lẽo đẽo bên chồng dự chiêu đãi , thăm viếng xã giao, thực chất là sự chấp nhận cuộc sống gò bó đầy mặc cảm. Đêm đêm nằm chiêm bao thấy mình trở về làng Đồng, làm ruộng , đi củi , gánh mạ... Giật mình thức giấc chỉ muốn khóc. Bà thầm mong mau hết nhiệm kỳ , càng mong càng thấy tháng ngày trôi ì ạch đến nóng ruột.
    Quãng thời gian đó rất đáng được ghi vào lịch sử quan hệ ngoại giao của hai nước. Vợ chồng ông Đại sứ hoàn thành trọng trách nhờ bầu không khí trong lành ấm áp của tình hữu nghị thắm thiết với nhân dân Việt Nam anh hùng. Có khi thời tiết chính trị ở Thủ đô vuơng quốc không ổn định , mỗi lần xảy ra đảo chính hụt , nhân viên tòa sứ quán bận tíu tít. Dù đầu óc căng thẳng , ông Đại sứ không quên tranh thủ động viên vợ , lời lẽ đơn giản luôn kèm với nụ cười hồn hậu: " Mình ở đây là vì lợi ích đất nước mình. Chuyện nội bộ đất nước người ta thế nào mặc kệ họ , bà nó ạ ".
    Trì nhận được giấy báo đi học nước ngoài trong hoàn cảnh đầy nghịch lý. Cả nước có chiến tranh. Con trai họ Trần tiếp bước nhau tòng quân. Cụ Tú lật gia phả khuyên dấu son vào tên các quân nhân không hề sót ai , thương binh khuyên thêm một dấu, liệt sỹ đóng khung đỏ.
    Cụ nói với các tân binh: " Từ thời chống Pháp đến nay , tính sơ sơ họ ta góp cho chiến trường khoảng một tiểu đoàn , chưa hề có người nào đào bỏ ngũ các cháu ạ." Học Trị vui miệng chêm vào: " Giả thử Trung ương cho chúng nó ở chung , tiểu đoàn họ Trần nhà mình dám đánh thẳng tới Sài Gòn cụ Tú nhỉ?" Cụ lặng thinh , lão liền quay sang đám trẻ:
    - Đánh thẳng tới Sài Gòn chứ , anh em?
    - Đánh thẳng sang tận Mỹ ! Trần Thành nói làm mọi người bật cười.
    - Giải phóng luôn cả nước Mỷ hử? Học Trị hỏi lại rồi ôm bụng cười theo. Trần Thành vênh mặt nhìn Trì , cái nhìn ngạo mạn lẫn ghen tợ:
    - Công tử ở nhà học giỏi , chờ chúng tao giải phóng miền Nam vào nhặt đồ hộp.
    Lần đầu tiên Trì nếm mùi vị sự nhục nhã trước đám đông , tức muốn khóc. Thành vừa được kết nạp Đảng trước khi nhập ngũ , hắn học dốt hơn Trì hàng trăm lần chăng nữa , vẫn có quyền tự hào và coi thường Trì hợp pháp. Xã không gọi Trì nhập ngũ bởi nể cụ Tú tộc trưởng , nể ông trung tá công an Trần Điền và bởi có sự chỉ đạo của Bí thư huyện ủy Trần Khởi:" Trường hợp Trần Thanh Trì , các đồng chí nhớ cho quan điểm của Đảng ta tiến hành chiến tranh nhân dân vẫn chú ý đào tạo nhân tài cho mai sau. Trì được đi học Liên Xô , tôi đã đề nghị Ban tuyển sinh sắp xếp cho học ngành thủy lợi , huyện ta đang cần kỹ sư ngành này."
    Trì phân vân lựa chọn , cụ Tú là người đồng cảm với cháu nên cũng lấy làm băn khoăn.
    - Trì à , tại sao người ta không cho cháu đi Trung Quốc hay ấn Độ?
    - Cháu không biết nữa. Anh lo ngại nhìn ông nội. Cháu thấy không thể yên lòng đi học nước ngoài ông ạ.
    Cụ Tú biết cháu mình đã lớn. Thôi tùy cháu, gác bút nghiên lo việc binh đao , hãy xứng trai họ Trần.
    Đường đời củaTrì đã đi đúng theo hướng anh lựa chọn. Thế hệ anh chỉ có một lối đi thẳng vào chiến tranh , bất cứ lối rẽ hợp pháp hay lén lút nào khác cũng đều mang nặng mặc cảm day dứt. Rời bộ đội anh về học đại học Ngữ văn khoa Hán Nôm , khoa có ít sinh viên thích học , anh theo vì chí hướng và vì ý muốn của ông nội. Vị tộc trưởng tương lai của một dòng họ danh giá không thể là người không biết chữ nho. Ra trường , anh được nhận công tác ở Viện khoa học xã hội nhờ tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng chủ yếu là nhờ sự gửi gắm của ông cựu Đại sứ Trần Duân với bạn bè quen biết.Trì chọn đề tài nghiên cứu sinh trong nước " Về cơ cấu tín ngưỡng của xã hội nông thôn", với linh cảm hình như mọi rường mối tinh thần của đời sống nông thôn đang tan rã dần dần. Anh có tham vọng kiểm chứng và thẩm định linh cảm ấy trong luận văn của mình.
    Dường như số phận con người luôn quay những vòng tròn giống nhau, giống những vòng sóng trên mặt nước phẳng lặng bị ném xuống một chuỗi sự kiện cuộc sống. Trì cảm thấy trong họ Trần luôn xuất hiện những cặp đối ngã về cuộc đời. Ông nội anh và học Trị là hai cực khác nhau chỉ chụm lại khi có việc họ hàng.Đến lượt bố anh , trung tá công an Trần Điền và Bí thư huyện ủy Trần Khởi. Con đường hoạn lộ của hai anh em họ này không hề có sự gắn bó nào mang tính cách mạng lẫn huyết thống. Bố anh đi theo lối của mình, lối của người trung thực. Trần Khởi đi theo cửa sau , cửa của những kẻ cơ hội chủ nghĩa. Ông trung tá công an góp phần phá nhiều vụ án kinh tế lẫn chính trị , phá đi cái ung cái nhọt để bảo toàn một cơ thể xã hội lành lặn. Trần Khởi với cương vị đứng đầu một huyện là người quyết định hết thảy mọi vấn đề. Ông luôn hô hào sắp đặt lại giang sơn nhằm thay đổi bộ mặt quê hương bằng những bài nói ứng khẩu hùng biện tràng giang đại hải.Đêm đêm ông thức đọc chép các bài xã luận trên báo như một cách tự học trau dồi kiến thức lãnh đạo. Vị Bí thư không chấp nhận quá khứ , đem hiện tại làm đối tượng cải tạo triệt để. Trần Khởi chỉ nghiện hai thứ, thuốc lào và sa bàn. Có nhà báo trung ương thường trú luôn theo bén gót ông để phát hiện cái mới , đã viết bài ca ngợi: " Trần Khởi - vị tướng trên mặt trận nông nghiệp". Lúc ở trụ sở , lúc xuống trận địa , ông luôn cầm theo cây gậy chỉ huy là chiếc điếu cày do một học viên trại cải tạo của Bộ nội vụ đóng cuối huyện kính tặng. Khi nào chiếc điếu reo lên ro ro giống súng liên thanh bắn là lúc vị tướng hài lòng. Khi nào nó sôi lọc sọc ngắt quãng là lúc vị tướng đang ưu tư , bực dọc. Các huyện ủy viên bám lỳ cơ sở đến mức có hợp tác xã đề nghị lên phương án ăn chia nên quy thóc cho họ như là các lao động chính. Tất nhiên cũng có kẻ dám châm biếm Bí thư là: " Điếu sao người vậy " hoặc " Bí thư nói láo nhà báo cũng mê , Bí thư mà chê nhà báo lên án ". Trong gian phòng riêng bên cạnh hội trường Huyện ủy đặt một sa bàn mô phỏng tỷ mỉ thực địa , Trần Khởi đi vòng quanh đến mức nền gạch mòn lõm xuống , ông mặc sức xoay vần cái sa bàn huyện điểm bằng những ý tưởng tương lai với mô hình độc nhất vô nhị: đưa hết dân lên ở đồi trọc giành toàn bộ đất đai cho canh tác và quy hoạch thủy lợi. Các làng mới mọc chơ vơ ngay hàng thẳng lối như ô bàn cờ , từ cây lúa đến lũy tre đều phải mọc thẳng hàng. Cấp trên khoái Trần Khởi là con người táo bạo giàu sáng tạo có uy tín với quần chúng. Dóng trống , dong cờ , trương khẩu hiệu , hàng ngàn người sẵn sàng lên công trường đại thủy nông với một mo cơm cà và tấm lòng cộng sản.
    Học Trị cũng không thoát khỏi đợt dân công huy động tổng lực. Người lão gầy còm cháy nắng vẫn luôn miệng đùa cợt xỏ xiên xỏ lá:
    - Cố lên anh em thanh niên , gắng lên chị em phụ nữ , hết thời kỳ " cố đọa " chủ nghĩa xã hội sẽ thành công.
    Có bữa gặp Bí thư lên công trường , lão vẫy tay:
    - Anh chắt ơi ! Kiên quyết " ba vô " nhá.
    - "Ba vô" là gì hở , ông học?
    - Là mạ vô sân , dân vô rú , đ..vô vòng , đồng chí thấy có đúng không? Trần Khởi cười nhưng cặp chân mày rậm hơi cau lại.
    Người kịch liệt phản đối Bí thư huyện ủy ở mọi nơi mọi lúc là ông anh họ trung tá công an Trần Điền.Tại một cuộc họp của Tỉnh ủy , ông nói: " Đồng chí Trần Khởi đang phá hoại. Chưa bao giờ huyện Đông Yên đói , thiếu bó chè xanh , thiếu trái mít chín, bây giờ từ cơm ăn nước chè uống đều trở thành đặc sản. Người nông dân phải xa làng cũ xa đồng ruộng ở trong những làng mới kiểu ấp chiến lược và đi làm công việc của con dã tràng. Máy nông nghiệp do trung ương đầu tư chưa đến đâu ,đàn trâu bò sức kéo đã bị giết. Sắp tới sẽ có cảnh đem cơ giới hóa hóa người thay trâu." ở buổi giỗ họ , sau vài chén rượu Trần Điền trở lại vai vế người anh chỉ tay vào người em: " Chưa phá tan nát cái huyện này chắc chú chưa chịu yên?" Mặt ông Bí thư từ đỏ hồng hào chuyển sang tái nhợt nhạt. Cả họ Trần chống đũa im lặng nhìn nhau lo ngại. Không ngờ ông Khởi trả lời rất nhỏ nhẹ: " Thưa bác Cả , hôm nay là ngày vui bàn chuyện gia tộc , bác lại nặng lời với em rồi. Không nên đưa việc của Đảng ra tranh luận ở đây ". Ông Điền nói giọng có dịu đi , vẫn chưa buông tha: " Theo chú việc của Đảng không phải là miếng cơm manh áo của dân sao? " Người em bỗng rơm rớm nước mắt: " Bác Cả ơi, em là người cộng sản , có niềm vui nào hơn được làm việc cho Đảng. Cả họ làm chứng cho, nhà em , vợ con em sướng hơn ai ở làng Đồng này? Cùng khổ cực như nhau cả thôi !"
    - Làm cách mạng cho mọi người sướng như nhau , còn làm cho mọi người khổ như nhau đó là nghề của thằng phản động , chú Khởi ạ. Ông trung tá công an nói nghiêm trang khiến cho Bí thư huyện ủy thấy có ngọn lửa đang bùng cháy trong ngực. Ông chỉ thốt được mấy tiếng rền rỉ:
    - Vâng , chưa biết ai là thằng phản động...là thằng địch !
    Sau đó ông bố Trì đột ngột nghỉ hưu ở tuổi năm mươi lăm , không ai trong làng dám hỏi lý do vì sao còn phương phi khỏe mạnh lại về vườn sớm thế. Nghề công an là vậy , thứ nghề đầy rẫy những nguyên tắc quy chế sắt thép , người yếu bóng vía không nên tìm hiểu. Chỉ có lão học Trị đến chơi dám tâm sự quanh ấm nước chè xanh:
    - Tại sao anh Cả lại chọn nghề công an nhỉ?
    - Cách mạng phân công. Ông Điền điềm đạm trả lời.
    - Sai lầm ! Sai lầm ! Lão lắc đầu.
    - Tôi chưa hiểu ý chú , nói thẳng nghe xem nào.
    - Người có nhân như anh làm nghề ấy không hợp.
    - Thì tôi cũng lên trung tá đấy thôi.
    - Thấm mẹ gì ! Học Trị nheo mắt cười. Chưa phỉ chí nên anh Cả mới hay buồn. Tôi biết lắm. Nói thế thôi ,thưa với anh Cả tộc , từ đời cụ Tổ đến giờ có ông quan họ Trần nào về hưu mặt không buồn rười rượi như dây khoai lang mới cắt.
    Trần Khởi vẫn làm Bí thư hết khóa này sang khóa khác. Đưa lên , ông không chịu: " Tôi đang dang dở ý đồ xây dựng huyện thành pháo đài kinh tế , sau bao năm đầu tư suy nghĩ và hành động , giao người khác không yên tâm". Đưa xuống không có lý do. Không lên không xuống,dĩ nhiên trụ tại chỗ. Cũng có những cán bộ trẻ mới nổi ngấp nghé chờ cơ cấu trước mỗi kỳ đại hội. Hy vọng phấp phỏng để rồi thất vọng mà thốt lên: " Ông Khởi định kiên nhẫn làm Bí thư đến hết thời kỳ quá độ ! "
    Các kỳ giỗ họ không thấy Trần Khởi về dự vì ngại chạm mặt Trần Điền , cũng có thể vì đồng chí Bí thư bận trăm công ngàn việc xin gia tộc hai chữ đại xá.Không sao cả , đã có vợ chồng ông Đại sứ hưu trí Trần Duân có mặt đều đặn. Ông thường đem về làng Đồng bé nhỏ thông tin mới tình hình thời sự thế giới bao la. So với hồi ở làng bà Duân bây giờ trẻ ra hàng chục tuổi. Bà đem quà phố về cùng với nỗi thèm khát quà quê.
    - Ngoài Thủ đô nhiều khi muốn ăn củ khoai lang với trái cà muối mà không tìm ra đấy các bà ạ.
    Học Trị ngồi bên mâm cánh đàn ông ghé sang nói chọc:
    - Vâng thưa bà , ở làng bây giờ thiếu hai thứ ấy là chết ngay. Từ ngày ông chắt Khởi làm Bí thư, nhờ trời, khoai lang cà pháo tương đối sẵn !
    Công trình nghiên cứu hút hết sinh lực và tâm huyết của Trì. Anh thấy mình giống như một kẻ mộng du trong cõi quá khứ , lạc bước vào thời hiện tại rối rắm. Lang thang khắp đất nước đọc văn bia thư tịch thần phả , chụp ảnh các ngôi đình ngôi miếu , anh buồn nản thực sự khi ở quê anh chẳng còn ngôi đình nào nguyên vẹn ,đa số đã mất hết dấu tích từ thời bắt đầu tập thể hóa. Những ngôi đình Nam bộ tuy thiếu những đường nét kiến trúc cổ xưa nhưng tư liệu khá đầy đủ. Có ngôi đình thờ Thành hoàng là Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong tầm súng giặc...
    Vào Nam anh thường ghé nhà Trần Thành , hiện là giám đốc Công ty Thương nghiệp. Lần nào anh cũng ngạc nhiên về tốc độ nhanh chóng giàu có, được thế là nhờ Thành đã kiếm cho mình đầy đủ nhãn hiệu để dán lên chức giám đốc. Lúc ở làng gánh phân làm ruộng , hắn chỉ lẽo đẽo đến lớp sáu bổ túc văn hóa , thằng Thanh em hắn sáng dạ hơn tốt nghiệp cấp III nhưng không vào được đại học. Hồi chuyển sang công ty hắn lấy bằng thằng Thanh thêm một dấu huyền rồi ung dung đăng ký học đại học kinh tế tại chức. Chưa có nơi nào học đại học dễ như Việt Nam ta. Chỉ cần có thích học hay không, còn trình độ văn hóa cấp I cấp II đều có thể học tại chức hết thảy. Các vị sinh viên giám đốc lo tiền phong bì , tiền bia và xe đưa đón. Các giáo sư lo chấm bài theo tinh thần đào tạo chuẩn hóa cán bộ đương chức của cấp ủy địa phương. Thành trót lọt kỳ thi quốc gia một lúc hai trường với hai bằng trong tay: Kỹ sư kinh tế và cao cấp lý luận Mác Lê , thứ bằng đỏ có giá nhất trên đời.
    Trò chuyện với Trì , Thành xưng tôi xưng bác đúng vai vế họ hàng song vẫn hàm ý kẻ cả:
    - Bác không thức thời , nghe tôi ở lại trong này chuyển sang ngoại thương du lịch có hơn là học chữ nho không nào. Mấy ông trí thức xuất thân chân đất nhà quê kiểu bác đã đói lại gàn dở. Khư khư ôm lấy cái truyền thống cách mạng được cái gì nhỉ. Thời nay bộ môn khoa học hàng đầu là khoa kinh doanh: tiền -hàng- tiền.
    - Có lẽ tại cái số. Trì cố mỉm cười xuê xoa , trong bụng tự ái đầy ứ lên. Tôi vốn không có khiếu làm kinh tế. Mừng cho chú gặp thời vận làm ăn phát tài.
    - Tôi có khiếu quái gì đâu. Ông giám đốc hãnh tiến cười lớn. Chủ yếu là phải sống hợp với môi trường , được lòng lãnh đạo địa phương.Tôi rất chán mấy bố người Bắc chi viện hay cãi cọ gây rắc rối.Nói thật nhé , tôi người Bắc nhưng mấy anh Bắc kỳ là tôi không chơi !
    Ngồi trong phòng khách sang trọng thoảng mùi thơm nước hoa của nhà Trần Thành , không hiểu sao Trì bỗng nhớ đến thuở hàn vi chưa xa lắm. Bí thư chi đoàn năng nổ nhất huyện lại có cái đầu lắm chấy nhất huyện , nhiều đến nỗi ngồi họp chấy rơi cả xuống trang sổ tay ghi chép làm cho mấy cô cán bộ Đoàn lắc đầu thè lưỡi vì kinh hãi. Thành uất lắm , nhân bữa đi phun thuốc trừ sâu ngoài đồng về , bốc luôn một nhúm bột DDT bỏ lên tóc vò lia lịa rồi nhảy ùm xuống sông máng gội đầu. Lũ chấy say thuốc độc nổi lên theo váng nước , bầy cá mương vội vàng lặn mất tăm chẳng con nào dám bén mảng. Thành kêu đau đầu suốt mấy tháng liền , không phải nằm viện điều trị nhưng được hoãn một đợt tuyển quân.
    Nhìn tấm ảnh Thành đội mũ tai bèo mặc quân phục đóng khung treo trang trọng trên tường , Trì cảm thấy con người béo tốt bệ vệ hôm nay và chú lính giải phóng măng tơ hôm qua là hai kẻ khác nhau hoàn toàn. Đêm Sư đoàn anh tăng thêm quân chi viện cho trận cửa ngõ Xuân Lộc , giữa cánh rừng cao su già cỗi ồn ào tiếng người , tiếng xe tăng rồ thử máy , Trì nhận ra người em họ trong đám thương binh chuyển lui phía sau. Thành chống gậy đi cà nhắc , giọng nói oang oang hơi khác thường:
    - Ôi , anh Trì.Thế ra anh cũng phải đi lính hả? Cái gì? Tôi bị điếc mẹ nó cả hai tai rồi.
    Hai anh em ôm chầm lấy nhau. Chiến tranh đang bước sang màn chót. Lính trẻ gặp nhau , kể chuyện tiếu lâm cười râm ran. Những mẩu chuyện tục tĩu nhất trên đời kể ra để giết thì giờ cũng góp phần làm cho niềm tin chiến thắng tăng lên bội phần. Trần Thành quát vào tai Trì:
    - Chúng nó cười cái gì thế? Khi nào chúng nó cười anh nhớ véo vào đùi tôi một cái để tôi cùng cười với cho vui.
    Trì muốn rơi nước mắt , không nói nên lời nào. Khổ quá , có nói thì Thành cũng chẳng nghe nổi nữa. Hai người chia tay , Thành còn dặn:
    - Trận cuối cùng , anh phải cẩn thận ! Đừng hy sinh lúc này nhé.
    Lạ lùng thay , sau giải phóng đơn vị làm quân quản , Trì gặp lại , người em đã kịp chuyển ngành sang dân sự đợt đầu tiên. Hắn khỏe mạnh hăng hái tham gia công tác cải tạo tư sản. Đặc biệt đôi tai không hề điếc , thính nhạy như tai con mèo rừng. Trong cơn lũ đổ về Sài Gòn , Thành đã biết nép mình vào một vách đá an toàn để chờ ngày tạnh ráo làm người chiến thắng kiêu hãnh.
    Với vẻ cảm thông thực sự cho thân phận Trì , ông giám đốc nhìn thẳng vào gương mặt nho nhã của anh họ , nói bằng giọng sành sỏi chuyện đời: " Thôi, bác bỏ mẹ cái Viện khoa học đi , hư danh lắm. Vào đây học thêm tiếng Tàu tiếng Nhật , tôi nhận về công ty làm phiên dịch. Bọn tôi đang làm xuất nhập khẩu rất cần người có ngoại ngữ. Nếu ông thích làm tộc trưởng ,tôi xin phép xây ngôi từ đường luôn tại nhà này , tha hồ mà cúng bái, lập luôn một chi tộc phía Nam gọi là Văn phòng Bê của họ Trần cho vui."
    Trì mỉm cười lắc đầu từ chối , lòng đượm một nỗi buồn man mác. Tại sao nhỉ? Tại sao thời nào thằng Thành nó cũng có thể coi thường mình. Thôi tốt nhất đừng bao giờ đến ngôi nhà này nữa.
    Sau đó Trần Thành có ra Bắc thăm quê đúng dịp đang đói to, hắn mang quà cứu trợ quyên góp của công ty chở thẳng về làng Đồng , phát chẩn đồng đều mỗi nhà hai chục lon sữa bò gạo. Bà vợ Trần Khởi bưng thúng gạo bố thí, cảm động quá khóc rống lên:
    - Còn nhớ tôi không chị chắt? Tôi là thằng Thành đây.
    - Dạ nhớ , nhớ chú lắm. ở trong Nam chú có gặp bố cháu không?
    - Anh chắt vào Nam? Làm gì?
    - Ông nhà tôi bị cách chức Bí thư , tỉnh đày đi phụ trách kinh tế mới ở Đắc Lắc chú à.
    - Thế , thì không ở chỗ tôi. Tôi ở tít gần Sài Gòn cơ.
    Học Trị cũng được phát hai chục lon gạo. Đang lúc đói kém ,người lão vẫn tỏa ra mùi rượu.
    - Ông học còn nhớ tôi không? Tôi là thằng Thành đây.
    - Nhớ chứ , cảm ơn anh Thành. Làng ta có ba người ướm chân lên dấu chân Tiên , nhờ Tiên phù hộ mà đời lên hương ,tôi nhớ tất , không dám quên ai. Bà Duân từ mặc váy lên bà phu nhân Đại sứ. Chắt Khởi từ anh câu ếch lên ông Bí thư. Còn anh từ...từ...lên địa chủ , à quên lên giám đốc.
    - Tôi từ cái gì nào? Trần Thành cười hềnh hệch hỏi gặng.
    - Từ cái bình dân học vụ.Học Trị cười trơ hai hàm lợi đỏ hỏn không còn một chiếc răng.
    - Từ hai bàn tay trắng vươn lên ông ạ. Từ chiếc mũ cối , cái ba lô cóc xẹp lép , bộ quân phục rộng thùng thình, tự tôi làm nên cuộc đời , chẳng có Tiên Phật nào phù hộ cái thằng Thành này đâu. Thành nói và nhìn khắp lượt đám đông , chẳng thấy ai nói thêm lời nào , họ lặng lẽ lủi thủi bưng gạo về. Chỉ thiếu nhà cụ Tú Viên và ông Điền hưu trí chưa có ai ra nhận gạo. Thành bảo cậu lái xe: " Chú đong cho anh năm chục lon ".
    Ông Điền lên huyện nhận lương hưu , chỉ một mình cụ Tú ở nhà. Cụ đã già và mốc meo như ngôi nhà thờ họ Trần. Thành " e hèm" mấy cái liền rồi mới lên tiếng:
    - Cụ Tú ơi , biếu cụ ít gạo chống đói. Cụ còn nhớ không , tôi là thằng Thành đây.
    Vị tộc trưởng giương đôi mắt kéo màng cố nhìn vào người khách ăn mặc sang trọng một lúc rồi khẽ lắc đầu:
    - Quả tôi không nhớ ông.
    Trần Thành buông rơi bao gạo xuống sân , nói luống cuống:
    - Tôi là thằng Thành , con cháu họ Trần ta đấy cụ ạ.
    - Khổ quá , ông là con cháu họ Trần làm sao tôi quên. Vì vài lon gạo phát chẩn mà bắt tôi phải nhớ người này người nọ thì khó nhớ lắm , ông giám đốc đừng sợ , dân làng không ai dám quên ông đâu. Tôi sắp ra nghĩa địa rồi nhớ ơn ông , nhờ quỷ sứ trả dùm hay sao?
    Thành cho xe rời quê ngay lập tức. Suốt chặng đường đi vào hắn cứ lẩm bẩm một mình: " Mẹ kiếp , ở đời không có dại nào bằng bốc xôi làng cho ăn mày. Một lũ gàn dở , họ với hàng cái con củ c... !"
    Bây giờ người ta đã dựng lại miếu Thần Nông trên đỉnh Động Thờ , khôi phục lễ hội hàng năm vào rằm tháng Năm và rằm tháng Mười âm lịch như ngày xưa. Ông cựu trung tá Trần Điền vai chủ tế , có sự giúp lễ của vài ông cán bộ về hưu. Số tiền bán vé và tiền trong hòm sắt công quả do khách thập phương thăm viếng sẽ chia ba phần bằng nhau: một phần nộp ngân sách xã , một phần tu bổ di tích văn hóa mới được xếp hạng , một phần bồi dưỡng người phục vụ.
    Chỉ có điều khác xưa , người lên núi hành hương không chỉ có nông dân , phần nhiều là dân buôn bán , có cả mấy cô cậu sắp đi lao động xuất khẩu , sắp vượt biên. Lại nghe đồn có mấy cô sắp đăng ký dự thi hoa hậu cũng lên thắp hương nhờ Ngài chỉ dẫn cách ứng xử thông minh...
    Trần Thanh Trì đã bảo vệ xuất sắc luận án phó tiến sỹ trong nước. Gần bốn chục tuổi đầu vẫn chưa vợ con gì cả. Hàng năm anh thường từ Hà Nội về quê ăn tết, giúp bố ngày giỗ họ Trần , qua rằm tháng giêng mới ra đi. Trong gia phả họ Trần ghi rõ: Cụ Tổ vốn là vị túc nho xin từ quan về chân núi Động Thờ ở ẩn , làm ruộng trốn tránh mọi sự đời và lập nên làng Đồng ngày nay. Thấy trên đỉnh núi có hai hòn đá giống hình con bò con lợn , những người bạn của nghề nông cụ cho xây miếu thờ Thần Nông. Những trang đầu cuốn gia phả còn lưu bút tích của cụ dặn dò hậu duệ: " Nông suy bách nghệ bại , nông vượng bách gia an ". Riêng dấu chân Tiên trên vách đá chờm ra miệng vực là tác phẩm của cụ, chính cụ đã cầm chàng cầm búa tạc nên dấu chân huyền thoại ấy.
    Trì biết đều này rất rõ , vì hiện nay anh là người duy nhất họ Trần đọc hết cuốn gia phả bằng chữ nho. Có lẽ cũng chính vì thế cho nên anh luôn tự nhận mình là một kẻ sỹ sinh bất phùng thời không tìm được người tri âm từ trong họ mạc lẫn ngoài xã hội.

    ST ! ( Tác Giả: Nguyễn Đức Thọ )
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.
Working...
X