Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Những Triền Xưa Ai Đi

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những Triền Xưa Ai Đi

    Người đàn ông đứng bên đống tre đã chặt ngọn xếp sát chân cầu khi xe tôi đổ dốc, người lao về phía trước trong một cái nhìn ngóng đợi, chăm chú, ngỡ ngàng. Tay ông ta vẫn giữ con dao phay. Một thằng bé ăn mặc phong phanh đứng sát ông ta. Tôi nhận ra... thằng bé... Tôi nhận ra ông ta qua đôi mắt thằng bé. Ngay lập tức. Cú phanh đột ngột làm con gái tôi chúi người về phía trước, cấm cảu:
    - Mẹ! Đâm vào người ta người ta chửi cho chết bây giờ!
    Nó không nhìn thấy sắc mặt tôi. Thằng cu con không để ý đến sắc mặt tôi mà chỉ chú mục vào cái xe máy đập hộp chồng tôi mới mua cho vợ tháng trước. Tôi cũng không biết vẻ mặt mình. Tôi lấy hết sức để chào:
    - Chú... Phú!
    Người xe nườm nượp qua cầu sang chợ. Hàng họ lổng chổng khắp nơi. Hơi nước dâng mù mịt trong ánh mặt trời buổi sáng mùa đông đã bắt đầu toả ít nhiều sức ấm, chỗ ngã ba sông quang đãng thì hồng một màu đùng đục, chỗ triền sông xóm tôi um tùm tre pheo thì có màu xám càng bốc lên cao càng nhạt dần. Chéo bên kia sông, làng Lưu Xá, một con đò tách bến, đầy ắp người qua chợ. Như không có gì đổi khác. Không khác cả với những chuyện xa xôi bà kể trong một thời rất xa xôi. Không khác cả với thời đạn bom tôi sơ tán về đây. Nhưng giọng Phú thì không phải là giọng cũ.
    - Chị và cháu mới về. Cháu về là đúng phiên chợ to nhất nhì trong năm đấy. Người Vân Đình lên. Người ngoài Chuông vào. Dân trên Sẽ trên Nguồn xuống. Lại người trong tận Miếu Môn ra. Cháu nhìn kia kìa. Người Mường đấy. Chào chị chưa cu?
    Phú điềm đạm quá. Sao Phú điềm đạm thế. Phú của ngày xưa của tôi.
    Bà bảo:
    - Chúng mày học hành gì với nhau thì cũng phải biết giữ gìn không lại làm bà điếc tai với xóm giềng. Thằng Phú hơn mày hai tuổi nhưng bằng vai với bố mày đấy con ạ!
    Bà ra thềm nhổ một bãi nước cốt trầu về phía gốc chuối đầu hồi, cất tiếng xuỳ con gà mái già cốc đế lười biếng không chịu kiếm ăn xa đang mon men tới nong ngô phơi giữa sân, xong quay vào tiếp tục:
    - Đừng có nhơn nhơn mà bắt nạt nó. Con gái con đứa là phải ý phải tứ. Đã mười lăm đến nơi rồi.
    Nào tôi có bắt nạt Phú. Tôi chỉ bám Phú nhằng nhằng vì không biết bám ai vào những ngày này. Bố ở lại Hà Nội. Mẹ dẫn hai em đi sơ tán với cơ quan. Tôi về ở với bà cùng con em con ông chú và theo học năm cuối cấp hai ở trường làng. Máy bay B.52 rải bom ở Vác. Hố bom nọ cách hố bom kia khéo chỉ năm mét, đạp xe từ xa lại nhìn hố bom loang loáng nước y như mắt sàng thưa. Xa hơn là Thạch Bích. Tượng Đức Mẹ bế con nghiêm trang đứng bên đường cái, mắt nhìn bình an. Nhưng cánh đồng Thạch Bích tan hoang. Bom rơi trúng kho bộ đội. Mảnh tôn bay tứ tán, lấp lánh trong nắng quái, hãi hùng. Ngược Hạ Dục cách làng có bốn cây, máy bay ta với máy bay Mỹ quần nhau, hai máy bay ta rơi, tiếng nổ vọng về tưởng vách hầm phải sụp, còn khiếp hơn cả tiếng bom.
    Trường khai giảng muộn. Học sinh ra công đào hầm hào. Hầm chữ A, trổ ra hai bên giao thông hào, kèo cột bằng tre, đứa nào cũng phải góp một cây, một thúng rơm, ba thúng cát. Phú tự động chặt hai cây tre nhà vác lên trường, ghi tên tôi vào danh sách. Tôi im thin thít khi nghe mẹ Phú ca cẩm với bà: Một cái hầm thì mấy cây tre, học sinh đứa nào cũng đóng hai cây. Có mà để xây doanh trại. Nhưng khi Phú bảo chiều đi đào cát, tôi cun cút đi theo. Làng nằm ở ngã ba sông. Một nhánh sông, phía làng Lưu là khúc cuối của con sông Nhuệ, nước gần như không chảy. Nhánh kia ngược lên Thác Bà. Xóm tôi nằm ngay đầu nhánh sông Đáy xuôi về Bến Đục Chùa Hương. Sông Đáy nước trong, mùa cạn lặng lờ trôi, từng khúc lại nổi lên những doi cát lớn. Chỗ bến sông cuối xóm gần làng đạo Phụ Yên có một doi cát như thế, quen có thể lội từ bờ bên này sang bờ bên kia. Phú dẫn tôi đi, dặn luôn miệng:
    - Cẩn thận đừng bước trệch. Thùng đấu đấy. Đừng sợ. Đi đâu đấy? Sa vào thùng đấu là không cứu được đâu.
    Phú đóng vai chú họ, kể thì cũng xa tít mù tắp, nhưng ngoài làng trong xóm thì có xa đến bảy đời tôn ti trật tự vẫn chẳng thấy ai vi phạm. Được cái là Phú không lên mặt bao giờ. Không bao giờ mày tao đừng nói xưng chú. Tôi lẽo đẽo kéo quang thúng bì bõm theo Phú, lúc thì vênh váo đúng kiểu một đứa con gái ở tỉnh vào tuổi mười lăm và thực ra là nhút nhát, lúc lại nhõng nhẽo hệt một cô cháu thực thụ. Phú cứ vừa dặn dò gì là tôi phải cãi lại lập tức:
    - Không cứu được! Không cứu được! Thế nhỡ tụt vào thùng đấu thật thì chú định mặc kệ người ta chắc!
    Cứ vừa lội lõm bõm vừa lảu bà lảu bảu như thế mà tôi lần mò ra được giữa sông với Phú. Nước ở chỗ này nông hơn cả trong bờ, chỉ gần tới ngực. Đứa đào. Đứa đãi. Một chiếc thuyền đinh chở khẳm cát ngược hướng Thác Bà. Một người đàn bà gầy quắt nhưng có hai bầu vú như hai cái giỏ ấm và hai anh chàng chỉ vào trạc Phú gò lưng kéo thuyền qua bãi cạn. Người đàn ông đứng chống sào trên thuyền hét to điều gì khi thuyền lướt ngang. Hai anh chàng đang hậm hụi kéo trên bờ cười phá. Người đàn bà mắt trống rỗng. Nắng buổi chiều rọi từ sau gáy, nước trên mặt sông nóng rẫy, nhưng dưới sâu thì mát lạnh. Tôi thỉnh thoảng lại thích chí rùn chân dìm người xuống nước, quờ tay nhặt một con hến quăng đi. Một lúc nhô lên, thấy Phú chống xẻng, đứng sững. Tôi phát hoảng lại dìm vội người xuống nước, nghĩ tới đôi vú bé như chũm cau hằn lên sau lớp áo cánh của bà. Chợt biết mình đã lớn.
    Đứa em họ tôi hòa nhập rất nhanh vào đám trẻ trong làng. Nhưng bọn học trò trường làng không thích tôi và hay chọc ghẹo tôi. Không biết vì sao. Mặc dù tôi đã cố không khác chúng nó. áo hoa quần âu cất kỹ đáy hòm chỉ lục ra mặc khi bố mẹ về và chỉ thập thò trong ngõ nhà. Suốt ngày diện áo cánh nâu xẻ tà có túi của bà. Mớ tóc ngang vai không để xõa mà túm một túm thật chặt sau gáy. Và tập gánh, tập đập đất, tập cấy gặt, làm đủ thứ không công, sành sỏi y như như một con bé nhà quê. Nhưng tất cả bộ dạng của tôi vẫn không làm sao hệt như thật.Tôi không có ngực bánh dày bề bộn như nhiều đứa con gái cùng lớp, không chải bồng mà rẽ lệch, tóc không xơ không khét nắng, lại gầy gò. Người gầy, mặt gầy, chỉ thấy mắt là mắt, và tóc thì dày, buộc lại y như một cái chổi xể sau lưng. Tôi lúc nào cũng như kẻ ngoài hàng, bám vào Phú như cua cắp, và yên chí mình là cháu, cháu thì chú phải chiều. Nhưng tự trong thâm tâm le lói một điều gì khác. Sau này thì tôi biết rõ: Đấy là cái ý thích nông nổi của một đứa con gái khi biết rằng mình có một uy quyền nào đó đối với một người con trai.
    Để rồi giật mình khi hiểu rằng không thể làm ra vẻ vô tư mãi được. Cái nhìn hoang dại của Phú chiều đãi cát hôm nào làm chân tay tôi bủn rủn. Tôi khe khắt với mình như một bà già, và quay ra độ lượng một cách dễ dàng với con em họ chỉ kém có nửa tuổi. Tôi đặc biệt dè dặt với Phú ở lớp. Về nhà bà sai việc gì phải sang nhà Phú là tôi đùn cho con em. Có lần Phú bê sang một quả bầu sao và rổ hến. Bà vắng nhà. Tôi lắc đầu quầy quậy. Phú cũng lắc đầu quầy quậy.
    Lúc đưa con sang nhà ông trẻ chơi tôi bất giác mỉm cười. Con bé tò mò:
    - Mẹ cười gì đấy mẹ? Mẹ này, sao mẹ không ở quê mà mẹ biết nhiều nhà thế?
    Sân nhà Phú một giàn bầu chưa xác lá. Giống bầu sao, cắt từ giàn xuống ăn ngay thì ngọt lắm. Có thể luộc chấm muối vừng. Nhưng hợp vị nhất là đem nấu hến, gia một chút thìa là. Ngọt lừ, mát mắt. Nhìn giàn bầu, nghe con hỏi, nghe lòng mang mang:
    - Mẹ nhớ ngày xưa... có lần... lâu lắm rồi. Ông trẻ mang cho quả bầu. Bà đi vắng. Là cụ ngoại của con ấy. Mẹ vào đập con lợn đất lấy tiền trả. Ông Phú tức, đùng đùng bỏ về.
    Không, không hẳn là thế. Mặt Phú buồn rượi. Mắt Phú, mắt con trai nhà quê, như mắt con trai ấn, sầm tối. Nhưng Phú lại cười.
    - Nhà chặt giàn bầu hôm nay. Còn mấy quả. Chú đem qua biếu bà. Cháu về nói với bà...
    Phú đùng đùng ra về. Nắng đầm đìa trên giàn mồng tơi trĩu trịt những chùm quả con con tím thẫm. Những chiếc lá mồng tơi xanh xanh mọng nước trong vắt dưới nắng. Phú chúi đầu đi. Con gà mái già vẫn hay cậy mình tuổi tác khinh bỉ mọi sự đột nhiên tác ầm ỹ.
    Có một cái gì lạ lắm len trong lòng hai đứa. Hai đứa khinh khỉnh với nhau ở lớp. Buổi chiều mùa đông đi tưới rau, ao cạn rốc, tôi loay hoay bám gốc vối múc từng gáo đổ vào thùng. Phú mặc kệ. Bà sai hai chị em hạ buồng chuối đã loáng thoáng có quả chín cây. Phú đi ngang, tỉnh bơ. Nhưng không hiểu sao tôi không tức. Chỉ thấy lòng dịu dàng. Tôi biết tới nỗi dịu dàng con gái hình như hơi sớm.
    Lên cấp ba, học sinh phải về trường huyện dưới Kinh Đào. Trường cách nhà bảy cây. Bà đi cùng xuống huyện, tìm nhà cho tôi trọ, dặn dò đủ thứ không làm sao nhớ hết. Tôi nhõng nhẽo:
    - Bà đừng gửi gì qua chú Phú. Để cháu về hàng tuần cháu lấy. Cháu thích về ngủ với bà.
    Thứ bảy tan học tôi nhịn bữa trưa đi luôn. Đường đê nắng tháng chín rang bỏng cát. Vắng ngắt vắng ngơ. Dưới sâu kia dòng sông thì thào rào rạt một điều gì bất tận. Bên này triền đê là những ruộng mía đang vào cữ ngọt. Lá mía lao rao lao rao. Thành phố nhiều cây. Nhưng không có tiếng gió tiếng lá nào giống tiếng gió luồn trong ruộng mía. Tôi đi một mình. Lần nào ra khỏi nhà chừng độ một cây cũng thấy Phú bước mải sau lưng. Đứa trước đứa sau, nhũng nhẵng, im lặng.
    Một lần giữa năm lớp chín tôi thấy Phú tha lôi theo đồ lề: Chăn chiếu xoong nồi ba lô quần áo. Sự im lặng thành khó thở. Về gần tới làng, Phú đi vượt lên ngang tôi, nói nhỏ, rõ ràng: Xin lỗi! Tôi bối rối, buồn rầu nhìn theo Phú đi chúi chúi đầu.
    Buổi tối đó tôi biết Phú bỏ học.
    Hai tháng sau ký Hiệp định Paris. Tôi trở về với phố.
    Bà bảo:
    - Thằng Phú phục viên rồi đấy. Mày nằm nghỉ rồi chiều nhảo qua nó một chốc. Chẳng gì thì cũng là chú cháu trong nhà, lại còn là bạn học. Đánh nhau mấy năm thì không sao. Đến lúc hòa bình thì cụt cẳng. Đâu như nó bị lựu đạn khi bảo vệ điểm bầu cử gì trong Sà goòng. Là bà nghe bà Chút mẹ nó bảo thế. Thôi thế vẫn là sống. Mà bà bảo mày có nghe gì không đấy?
    Buổi chiều tôi đi sang nhà Phú. Giàn bầu còn quả loáng thoáng. Chắc để làm giống. Lá bầu chưa xác xanh như ngọc lọc nắng xuống mảnh sân vôi quét rất sạch. Các dại cửa che nắng đều sập nửa chừng. Hai bà cô họ tôi, hai đứa em gái Phú đang loay hoay gọt vỏ khoai môn. Không thấy bóng ông bà họ tôi. Không thấy bóng Phú. Tôi lẳng lặng đi về, lẳng lặng vào bếp vơ một mớ rơm ngồi xuống bên bà. Nồi khoai môn đã chắt hết nước vần trên bếp. Bà lấy đũa chọc một củ thăm dò rồi chìa cho tôi. Tôi phì phò thổi khoai. Giống khoai núi dân làng tôi thường buôn về ăn độn mùa giáp hạt, không mềm như khoai sọ nhưng bùi hơn. Tự dưng tôi thấy mắt mình nặng nước. Bà lẳng lặng nhìn tôi, lẳng lặng ra sân rút quần áo.
    Con em họ năm nào cùng sống với tôi những ngày sơ tán cười như con điên:
    - Chú Phú của chị lấy vợ rồi đấy. Trẻ hơn em nhiều. Em về bà đúng dịp được bà dẫn sang ăn cưới. Đám cưới nhà quê buồn cười không thể tả được. Bà mừng một buồng chuối để nấu tam tam. Hai yến gạo. Là mừng sang lắm đấy. Cô dâu mặc quần lụa, áo trắng, may kiểu giống mình ngoài này nhưng mà vừa chật vừa ngắn. Nghe bảo đám cưới nhà quê cô dâu phải khóc mà nào có thấy gì đâu. Cô dâu với phù dâu em nhìn chả biết ai ra ai, cười rúc ra rúc rích. Cỗ bàn cũng buồn cười. Lòng lợn. Thịt luộc. Thái vừa to vừa dày. Canh tam tam. Giống ngày xưa bà hay nấu những hôm mưa bão ấy. Nhưng toàn mùi oi khói. Mà dân tình ăn mới rộn ràng chứ. Em thì chống đũa. Chỉ sợ có ai gắp cho miếng thịt mỡ nào.
    Tôi ôm lấy đứa con mới được bảy tháng, rúc mặt vào bụng con, mắng yêu cô em: Cứ cười đi. Người ta mười bảy mười tám đã có người mang trầu cau đến chạm ngõ. Dì ấy thì hai tư hai nhăm rồi mà vẫn phải đến bế nhờ con con nhỉ. Dì ấy cười thế nhưng đến lúc cưới lại chẳng đần độn vì hạnh phúc hơn thế ấy con nhỉ!
    Con bé cười sằng sặc, tè luôn ra mẹ. Tôi cúi mặt thay tã cho con, bụng đau thắt nghĩ tới cái chân thiếu một bàn chân của Phú. Không dám nhớ. Ngày xưa... Triền đê... Bờ sông...
    Con tôi nay mười ba. Cái tuổi nửa trẻ con nửa người lớn như tôi ngày xưa. Nhưng không ngây ngô như chúng tôi ngày xưa. Tính tình thì tự tin và động một cái là cấm cảu. Lúc tôi bé như nó, tôi nhút nhát và nói chung là dịu dàng. Chồng tôi không lấy làm băn khoăn về tính khí của con mà còn tự hào ra mặt: Con gái giống cha.
    Vợ chồng tôi trung thành với mẫu gia đình lý tưởng một con. Phú thì đã bốn đứa. Cô vợ bụng lùm lùm sau vạt áo vừa ngắn vừa chật. Không biết lại có mang hay vì đẻ nhiều bụng sổ. Cô ta lúng túng đến tội nghiệp khi tôi gọi thím xưng cháu.
    Lúc hai mẹ con tôi xin phép ra về, Phú gọi thằng cu nhớn:
    - Hai anh em ra cắt cho chị quả bầu. Rồi chiều có rỗi đi cào cho chị rổ hến...
    Hai hôm sau mẹ con tôi đi. Lúc tới đầu cầu tôi gặp Phú cùng với thằng cu con. Phú phục viên về, mất một bàn chân, việc đồng áng để vợ lo, tự mình ra đầu cầu đón xe tải từ Hà Nội vào từ Miếu Môn ra, ăn với cánh lái xe buôn đủ thứ: Tre. Gỗ. Đá răm. Phú nhìn hai mẹ con tôi:
    - Hai mẹ con về quê nhoáng cái đã đi rồi. Cháu về làng ở thế đã buồn chưa? Ông trẻ hôm nay chỉ có đá răm... Nhưng có cái này...
    Phú chìa cho con tôi một cái lọ hoa làm bằng một đoạn tre lên nước vàng óng. Trông giống cái chụp đèn phòng không năm nào Phú làm cho tôi. Nhưng vát một đầu mềm mại chứ không khoét lỗ để lọt sáng.
    Tôi nhìn Phú. Phú nhìn tôi:
    - Hương đi nhé. Rỗi rãi thì năng cho cháu về làng.
    Chưa bao giờ Phú gọi tôi bằng tên. Chưa bao giờ ngày xưa Phú nói với tôi dịu dàng như thế. Tôi nhìn ra ngã ba sông. Bên Lưu có một đám ma. Tiếng kèn, tiếng nhị, tiếng trống theo gió tạt ngang sông, vọng tới chỗ chúng tôi, nghe mất hẳn vẻ não nuột. Bóng người áo xô đi giật lùi trước áo quan, từng lúc lại bò lăn ra đường. Lạ thế! Cách nhau một ngã ba sông, làng này nghe tiếng chuông lễ chiều làng kia giục con đổ dầu đèn, làng kia qua chợ làng này không thiếu một phiên. Nhưng mỗi làng mỗi khác, từ đám cưới tới đám ma, tới giọng nói. Bao đời rồi. Thành phố đổi từng ngày. Tôi ngỡ mình cũng đổi. Bây giờ, ở đây, tôi nhìn Phú. Nước da Phú ngày xưa, mắt Phú ngày xưa, cả tóc, trông như người ấn. Bây giờ, vẫn màu nâu ấy, nhưng da Phú sạm, tóc chớm bạc hai bên thái dương. Nhưng mắt Phú không khác. Dòng sông dưới kia tháng tháng ngày ngày trôi qua mố cầu, nhưng cũng không khác, vẫn bên này xóm tôi lở bên kia bồi, vẫn hai mùa nước. Không có gì trôi qua. Không có gì thay đổi. Cả tôi.
    Tôi dẫn con đi bộ qua cầu rồi mới lên xe. Con bé hôm nay có vẻ dễ dãi hẳn:
    - Mẹ này! Con phải gọi thằng cu ấy là chú hay là cậu? Mẹ gọi ông Phú là chú, nhưng con phải gọi con ông Phú là cậu đúng không? Ra Hà Nội con mà kể mới phát hiện ra ông chú học lớp một thì bạn con chắc cười vỡ ruột.
    Nó lặng im, ngẩng mặt nhìn trời. Trên cầu dào dạt gió. Gió đầu đông, có nắng, lạnh mà không buốt. Lúc lên xe, con gái tôi mới liến láu trở lại:
    - Nhưng mẹ này, có khi đứa nào cũng như con thôi mẹ nhỉ! Nếu mà có quê. Thế nào đứa nào cũng phải có một xốc chú bác bé con như thế mẹ nhỉ! Được rồi mẹ! Lọ hoa con cầm đằng sau cũng được mà mẹ. Ngày xưa mẹ gọi ông Phú thế nào?
    Tôi giật mình. May quá, con bé đã quên ngay điều vừa hỏi:
    - Bầu nấu hến ngon ghê mẹ nhỉ? Cả canh riêu nữa. ở nhà quê không nấu bằng quả dọc như mình đâu mẹ. Con thấy bác Dự nấu với khế với mẻ. Sao nhà mình mẹ không gây mẻ như bác? Ra Hà Nội, mẹ mua hến con nhặt cho, nấu canh bầu hay nấu riêu như hôm qua hôm kia.
    ở Hà Nội tôi rất ngại làm món này. ở Hà Nội người ta bán hến theo cân, phải nhặt tay từng con, không thể đãi như ở đây. Sông quê tôi nhiều hến, nhất là những chỗ nước nông có doi cát nổi lên. Cuối xuân, nước còn lạnh, các nhà đã rủ nhau đi cào hến về nấu cháo. Gánh cả gánh hến luộc rồi ra bến sông đãi, ai xuống bến cũng mời bốc lấy một bát về nấu canh. Hến đầu mùa ngọt nước lắm. Chốc nữa sai đứa nào mang bát qua nhà mà lấy nước.
    Hến mùa này còn gầy. Nhưng con tôi cũng thích ăn hến như tôi ngày xưa. Bất giác tôi mỉm cười. Con tôi nay mười ba tuổi.
    Ngày ấy tôi mười lăm.

    ST ! (Tác Giả: Lê Minh Hà )
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.
Working...
X