HƯƠNG CẢ CỌP
Tác giả: chu sa lan
Tác giả: chu sa lan
Bất cứ ai là dân ở quận Giồng Trôm thuộc tỉnh Bến Tre đều biết một địa danh nổi tiếng là Ba Châu, gồm ba làng Châu Bình, Châu Hòa và Châu Phú. Hai làng Châu Bình và Châu Hòa tiếp giáp với nhau và cũng nằm cạnh con sông Ba Lai.
Câu chuyện Hương Cả Cọp hay còn có tên Ông Cả Cọp do bà ngoại của tôi kể cho nghe lúc còn nhỏ, cách đây lâu lắm nhưng tôi vẫn còn nhớ. Đó là chuyện của một con cọp làm hương cả của làng Châu Bình.
Chức hương cả là một chức vụ cao nhất trong làng thường do một người có địa vị, thế lực và giàu nhất trong làng đảm nhiệm. Tuy nhiên làng Châu Bình lúc còn hoang sơ thì chức hương cả lại do con cọp đảm trách. Dĩ nhiên là dân làng đâu có chọn ông ba mươi làm hương cả nhưng vì một lý do đặc biệt cái bằng sắc mà triều đình Huế ban cho ông hương cả bị con cọp chận đường cướp lấy nên người ta coi nó như là hương cả và cái tên Hương Cả Cọp hay vắn tắt Cả Cọp thành hình. Nó là một trong nhiều huyền thoại của làng Châu Bình vào những năm sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi lập ra nhà Nguyễn.
Số là trong những năm bị quân Tây Sơn rượt chạy thì Nguyễn Ánh lưu lạc về tận miệt Bến Tre rồi sau đó mới theo cửa Hàm Luông chạy ra Côn Sơn. Ở vùng Bến Tre có một thứ rau dại tên cải trời mà bà ngoại của tôi nói do một câu chuyện thương tâm xảy ra trong thời gian Nguyễn Ánh lưu vong.
Trong nhóm người chạy loạn có một bà phi tên Nguyễn Thị Răm. Bà này sinh cho ông ta một người con trai tên hoàng tử Cải. Bị Tây Sơn rượt nả, ông ta bỏ lại Bến Tre nhiều tướng tá và quân sĩ cũng như gia tiểu của mình mà chỉ mang được một số ít ra Côn Sơn. Tại Côn Đảo ông ta nghe thủ hạ thân tín nói bà Nguyễn Thị Râm có gian díu với một vị tướng của mình và sau đó sinh ra hoàng tử Cải. Có lẽ vì phẫn hận và tức giận nên ông ta ra lịnh thắt cổ hoàng tử Cải và hạ ngục bà Nguyễn Thị Răm. Bởi vậy vùng Bến Tre mới có câu ca dao sau: '' Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay...'' và cây cải trời là để tưởng nhớ tới vị hoàng tử bất hạnh bị chết oan.
Trở lại chuyện cọp ở Châu Bình. Số binh lính mà Nguyễn Ánh bỏ lại ở Bến Tre mới tản mác khắp nơi. Một số người lần mò về vùng Châu Bình để khai khẩn. Tại vùng hoang du này họ phải đối đầu với ba thứ thú dữ là cọp, rắn và cá sấu. Cọp nhiều vô số kể, cá sấu lội lềnh khênh và rắn bò lổm ngổm. Vào những năm 1955 tôi còn thấy khoảng đất bên kia con rạch nơi hông nhà bà ngoại có hai con rắn dài chín mười thước khoanh tròn trên đất hóng mát.
Người di dân sống trong những ngôi nhà sàn, có hàng rào bằng thân cây bao quanh. Mỗi lần đi làm rẫy làm vườn họ phải đi thành toán năm bảy người trang bị giáo mác và chiêng trống để xua đuổi cọp. Mấy ông ba mươi dạn dĩ tới độ vào tận nhà rình bắt trâu bò, heo hoặc đôi khi đói quá bắt cả người để ăn thịt. Cũng vì lý do phải chống lại cọp nên đa số dân cư đều biết võ nghệ. Càng võ nghệ cao cường chừng nào họ càng được dân làng nể trọng chừng đó.
Ông tổ của tôi là một hào phú có đất đai điền sản khá nhiều. Nhưng điều khiến cho người ta nể phục ông chính là võ nghệ. Trong làng còn có một người khác cũng giàu có không kém ông tên Nhẫn. Ông ta biết võ và giàu có nên được dân chúng tôn làm hương cả. Muốn danh chính ngôn thuận người ta phải làm đơn xin trên quận, quận chuyển lên tỉnh rồi sau đó chuyển ra Huế. Sau khi được vua chuẩn chi cái giấy chứng nhận mà người ta gọi là bằng sắc từ Huế chuyển vào cho tới tận làng và ông hương cả Nhẫn cùng với dân làng đi đón bằng sắc đem về tận nhà ông ta.
Chuyện đó êm xuôi cho tới một năm khi đón bằng sắc từ đình về nhà thời rắc rối xảy ra. Con đường từ đình về nhà khoảng chừng hai cây số. Khi về tới nửa đường thì đám rước bị cọp chận đường. Thoạt đầu là một con cọp vằn to lớn chận đánh đám thủ hạ của ông hương cả Nhẫn chạy tán loạn và cả ông ta cũng bị hổ vồ suýt toi mạng. Lũ cọp chận đường không ăn thịt một ai hết mà chỉ chôm cái bằng sắc đi mất. Hương cả Nhẫn bị mất bằng sắc thì giận ít mà mất mặt với láng giềng mới giận nhiều. Ông ta dẫn thủ hạ lùng bắt cọp nhưng lần nào cũng bị cọp đánh cho tơi tả song cũng không tìm ra cái bằng sắc của vua ban con cọp giấu ở đâu.
Trong ba năm dài làng Châu Bình bị các làng khác chê cười vì để cho cọp làm hương cả. Khi tới hạn lãnh bằng sắc mới về ông cả Nhẫn biết thế nào cũng bị cọp chận đường nữa nên đành phải nhường chức hương cả cho ông tổ của tôi. Ông tổ cũng biết khi nhận làm hương cả và đi đón bằng sắc của vua ban về nhà mình là ông phải đánh với cọp.
Vì thế mà ông chuẩn bị chu đáo. Mang theo ba người con trai với thủ hạ ông đi lãnh bằng sắc. Nửa đường đoàn người thấy ông ba mươi chận đường. Con cọp này là cọp vằn, thứ cọp hạng bét của loài cọp. Theo lời ông tổ tôi kể lại cho con cháu nghe thì có bốn thứ cọp. Cọp vằn đứng hạng chót. Kế đó là hắc hổ. Thứ nhì là hổ xám và đứng đầu là cọp bạch, chúa của mọi loài cọp. Con cọp vằn nặng hơn bao gạo chỉ xanh ( khoảng trăm ký lô ) ngồi chểm chệ giữa đường như khinh khi đoàn người đi rước bằng sắc.
Người con út tên Phụng của tổ được phái ra thử tài với cọp vằn. Hổ quyền mà giới giang hồ hay tập luyện chính là những ngón đòn bắt chước từ động tác của con hổ do đó đem hổ quyền ra đánh cọp chẳng khác gì múa rìu qua mắt thợ hay vẽ bùa trước cửa Lỗ Ban. Muốn đánh bại người con út phải trổ pho quyền bí truyền của dòng họ và qua mấy chục hiệp con cọp vằn phải bỏ chạy. Đoàn người tiếp tục đi dù họ biết đoạn đường sắp tới nguy hiểm trùng trùng. Ngay tại bìa rừng một con cọp lông đen tuyền và đuôi dài lê thê đứng chờ. Chỉ cần nhìn thế đứng của nó mọi người đều biết con hắc hổ này còn dữ dằn hơn con cọp khi nãy. Người con thứ ba tên Qui được phép xuất trận. Con cọp đen trụ bộ, cái đuôi dài phe phẩy. Người ta bảo khi nào thấy cọp vỗ đuôi là cử chỉ báo nó sắp sửa tấn công. Bịch... Cái đuôi vỗ tung chút bụi mờ cùng với thân hình nặng hơn trăm rưởi ký nhảy ào tới. Ỷ sức mạnh nên nó định lấy thịt đè người. Qui tung liền hai cước. Cú đá song phi từng đá vỡ cây khiến cho con cọp dội ngược trở lại nhưng không làm cho nó bị thương. Sự đau đớn làm cho nó tức giận. Vốn là loài thú khôn ngoan, nó biết mình đụng phải cao thủ. Từ đó nó thận trọng hơn bằng cách chuyển bộ vòng quanh đối thủ để tìm sơ hở. Qui đạp tấn và trụ bộ chắc hơn cọc gỗ chôn sâu xuống đất. Lúc này tuy không nhìn nhưng ông lắng nghe bước chân của con cọp và tiếng thở phì phò của nó. Âm thanh mà ông ta cần phải lắng nghe chính là cái vỗ đuôi của con cọp. Phịch... Âm thanh vừa bật lên Qui nghe gió lộng ào ào sau lưng. Tức tốc ông ta xử thế thiết bản kiều lật ngửa người nhường cho con cọp bay vọt qua xong lật người đứng đậy. Hai tay của ông ta chụp lấy cái đuôi dài ngoằng của nó và nương theo đà nhảy ông ta xoay người một vòng rồi buông tay ra. Ầm... Thân thể to lớn và nặng nề của con cọp đập vào thân cây. Rống lên tiếng đau đớn nó cụp đuôi chạy mất. Hai chặn đường hai lần đả hổ, nhưng ông tổ có vẻ không vui mừng. Dường như ông đánh hơi được nguy hiểm đang chờ mình. Còn cách nhà trăm bước mọi người chăm chú vào con cọp xám. Đôi mắt xanh lè của nó nhìn ai như hớp hồn họ. Nó há miệng đỏ tươi như máu với hàm răng nhọn lểu. Vuốt cọp là một trong những thứ vũ khí có sức tát vỡ mặt đối thủ. À... um... Con cọp xám gầm gừ làm cho cây lá rung rinh và chim muông giật mình kêu quang quác. Người con thứ hai tên Lân được cha cho phép hầu con hổ xám.
- Phải dùng cước... Phải đá trúng chỗ nghiệt của nó...
Lãnh lời giáo huấn của cha Lân nhập cuộc đấu với con hổ xám. So về trọng lượng thì Lân chỉ bằng nửa đối thủ. Tuy nhiên được học võ từ lúc lên bảy sau này lớn lên Lân tự luyện cho mình ngón nghề riêng là đá gốc cây. Vùng này rừng hoang cây cối um tùm nên đá gốc cây cũng không là chuyện lạ. Ngoài chuyện làm ruộng vườn tối về là đứng đá vào gốc cây. Thoạt đầu đau điếng, chảy máu, xưng chân phải có thuốc gia truyền để thoa cho bớt đau nhức và làm cho da thịt cứng rắn. Đá độ hai ba năm là có thể làm rung cây và phải đá chừng nào cho cây trốc gốc ngã mới được gọi là thành tựu công phu.
Đạp tấn chữ đinh, Lân biết mình chỉ đánh một đòn trúng ngay chỗ nghiệt mới hạ được con cọp to lớn. Đấu dằng dai yếu sức là bị nó chụp hay tát vỡ mặt mày. Hai đối thủ vờn nhau để tìm sơ hở. Bốn chân chụm lại, đuôi phe phẩy báo hiệu con vật sắp ra đòn. Con hổ xám phóng tới. Trọng lượng hơn trăm rưởi ký cộng thêm đà phóng tới khiến cho bất cứ ai cũng không dám trực tiếp đương đầu. Lân dán người gần sát mặt đất. Toàn thể trọng lượng của ông đều nhờ vào hai chân từ đầu gối trở xuống bám cứng trên mặt đất. Nằm trong tư thế đó ông thấy con cọp bay qua. Hai tay chống xuống đất làm điểm tựa, hai bàn chân đủ sức đá bật rể gốc cây nện đúng vào hạ bộ con cọp xám. Bình... Bình. Vị chúa tể sơn lâm rống lên tiếng kêu đau đớn rồi ngã lăn ra đất. Giãy giụa mấy cái nó khập khểnh đứng dậy và thong thả rút lui. Dù bị thua trận song nó không chịu mất đi cái oai phong của vị chúa tể.
Ba chặng đường trôi qua. Chỉ còn một cửa ải nữa thôi. Cách nhà mươi bước một con cọp bạch lông trắng như bông, hai mắt sáng ngời, đuôi dài phết đất đang đứng chờ. Cọp bạch là chúa của loài cọp. Người ta đồn con bạch phải sống mấy trăm năm vì nó phải sống qua ba thời kỳ từ cọp vằn đổi màu thành đen, xám và sau cùng là trắng. Cọp bạch có sức mạnh vô cùng và cũng khôn ngoan không kém chi người. Có truyền thuyết cho rằng sở dĩ cọp bạch khôn là vì những oan hồn của người bị nó giết ăn thịt vẫn còn lẩn quẩn bên cạnh để chỉ dạy cho nó cách đối phó với người. Tới đây thì ông tổ biết mình phải xuất trận. Cầm trong tay cây côn bằng gỗ đỏ ông chậm chạp tới đứng đối diện với vị chúa tể sơn lâm. Hai đối thủ đều biết một câu. Rừng không dung lưỡng hổ. Đất không có hai vua. Hôm nay người và thú gặp nhau, so tài với nhau vì hai chữ danh dự và sự sinh tồn của dòng họ. Người thắng thì cọp phải bị tiêu diệt còn cọp thắng thì người phải bỏ đất đi kiếm nơi khác làm ăn. Tiếng gầm của vị chúa tể sơn lâm khiến cho mọi người xanh mặt. Con bạch hổ chuyển mình. Mạnh bạo, hùng dũng, uyển chuyển, trong nhu có cương, trong cương tàng ẩn nhu, đó chính là bạch hổ quyền vang danh thiên hạ được phô diễn bởi chúa của muôn loài hoang thú.
Ông tổ triển đinh tấn. Tuy đã ngoài năm mươi nhưng nhìn ông đứng tấn người ta mới biết đối với con nhà võ năm mươi chưa gọi là già. Thanh mộc côn tổ truyền đưa xiên xiên ra. Đây là Phong Lôi Côn, thứ côn pháp của dòng họ đã bị thất truyền mà sau này con cháu không còn ai biết nữa. Thứ côn thuật này khi múa lên thời tạo nên sức gió mạnh và gây nên âm thanh như tiếng sấm gầm bởi vậy mới gọi là Phong Lôi Côn.
Con cọp bạch tỏ ra vô cùng thận trọng như biết mình chạm đúng địch thủ đồng tài đồng sức bằng cách chuyển bộ ba vòng mà chưa chịu tấn công. Thú chưa ra đòn thì người cũng bất động. Cuối cùng thú ra tay trước. Chóp đuôi đập mạnh một cái. Bốn chân chụm lại và bằng sức mạnh thiên phú con bạch hổ nhảy ào vào đối phương. Hụp nửa người ông tổ loang côn một vòng. Bốp... Bốp... Con hổ bạch rống lên tiếng đau đớn trằn người rơi xuống đất. Dù bị trúng đòn nhưng nó chưa chịu thua. Ào... Nguyên khối thịt nhảy tới với hai chân trước mở ra thành vuốt bén chụp vào đối thủ. Gió rít lanh lảnh cùng với bóng côn loang loáng. Con cọp bạch khi trằn, khi nhảy, lúc chụp, lúc né, khi gầm rống vang dậy vùng đất hoang du. Người và thú choảng nhau một trận tơi bời hoa lá. Khi hai bên ngưng đấu mọi người mới thấy con cọp bạch chỉ đứng có ba chân. Nhìn chằm chặp vào đối thủ giây lát nó lặng lẽ bỏ đi. Kể từ trận đấu sinh tử đó làng Châu Bình không còn bị cọp làm hương cả nữa. Người ta cũng không thấy bóng dáng cọp lảng vãng trong làng. Vị chúa tể sơn lâm đã bỏ đi nơi khác. Rừng không dung lưỡng hổ là như vậy. Dân làng mới phong tặng cho ông tổ cái tên Hương Cả Cọp mà người ta gọi quen thành Cả Cọp.
Phụng, người con út sau thành trở thành một võ sĩ nổi tiếng. Trong một lần đánh võ đài ông giật được chức vô địch nhưng bị phe thù nghịch hạ độc về tới nhà thổ huyết mà chết. Do ở cái chết của ông Phụng mà ông tổ không truyền dạy võ thuật lại cho con cháu. Võ gia truyền đánh cọp đã bị thất truyền. Đám con cháu như tôi sau này chỉ còn học được một thứ võ là võ miệng hay võ chữ để viết ra câu chuyện cổ tích cũng như nhớ lại huyền thoại của ông cha từng phá sơn lâm, đâm hà bá làm thành miền nam trù phú và xinh đẹp của nước ta.
Comment