Năm tôi đã xong phổ thông, tập trung học tiếng để đi học nước ngoài, thì một chuyện buồn cười (buồn cười đối với bọn mới lớn chúng tôi hồi đó) xảy ra với Tuấn - cậu bạn vừa hàng xóm vừa cùng lớp với tôi: Tuấn có em bé!
Bố Tuấn là bộ đội, ông đi chiến trường lúc Tuấn mới hơn một tuổi, mười lăm năm sau trở về đã là một bác thương binh đầy thương tật và bệnh tật. Tuổi xuân của mẹ Tuấn trôi qua trong đợi chờ, tần tảo nuôi con và kết thúc bằng việc sinh ra cho Tuấn một em bé gái (trước khi mẹ sinh em, bố Tuấn đã qua đời).
Nếu bớt đi dăm tuổi hẳn chúng tôi đã trêu chọc Tuấn chuyện có em bé đến phát khóc mới thôi, chẳng hiểu vì sao lần này không ai làm việc đó, thậm chí mấy bạn gái còn đến giúp may tã, kiếm vải cũ may áo may mũ cho em. Bé trở thành đứa em chung của nhóm bạn chúng tôi.
Gần sáu năm sau tôi về nước, Tuấn bạn tôi đang ở chiến trường. Tôi mang cho em, cô học sinh lớp hai, con búp bê lật đật. Lần đầu tiên biết tôi, em rụt rè không dám nhận, nhưng sau thì không rời xa con lật đật một phút nào. Sau này tôi ân hận mãi, sao không cho em một con búp bê tóc vàng mắt xanh xinh đẹp, lại cho em con lật đật để sau này cuộc đời em lận đận kéo dài.
Rồi tôi lại đi xa, lần này về em đã 9-10 tuổi. Phố tôi có cái vỉa hè vào loại rộng nhất Hà nội, bao thế hệ trẻ con đá bóng trên vỉa hè này. Chiều chiều đi làm về tôi dừng lại xem chúng đá bóng, ngạc nhiên thấy cô em của chúng tôi cũng đang lăn xả tranh chấp quả bóng với bọn con trai cùng trang lứa. Mái tóc xõa bay, hai mắt long lanh, mỗi khi ghi bàn thắng bé khua khua chiếc áo sợi cộc tay quanh đầu. Từ đó chiều nào tôi cũng ghé qua Hàng Bông mua que kem đậu xanh gói vào tờ báo mang về cho em. Nhìn em đứng mút kem, mắt liếc về phía bọn nhóc trai đầy tự hào và khiêu khích, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường.
Ngày đám cưới tôi, em đã là một cô gái dậy thì. Em vít đầu tôi xuống thì thầm: “Sau này lớn lên em sẽ lấy một người như anh”. Như anh ư, tôi nghĩ, quá dễ, người như anh vô khối!
Những ngày có mặt ở Hà nội, bao giờ tôi cũng dành thời gian dạy thêm cho em. Không có kỹ năng sư phạm nên tôi không dạy em cụ thể môn gì, giúp em giải bài toán bài lý nào. Tôi chỉ muốn gieo vào lòng em niềm đam mê kiến thức, ham muốn học hỏi, phương pháp tư duy chặt chẽ và quan trọng nhất là tính nghi ngờ khoa học, điều rất cần thiết cho những ai làm công tác nghiên cứu. Than ôi, nếu như em không quá thông minh, không hề biết nghi ngờ là gì thì đến giờ này em đâu phải cô đơn như vậy.
Em học rất giỏi, được đi nước ngoài, ở lại chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Ngày về nước, em nhắn tôi ra sân bay đón. Một người không còn là thiếu nữ nhưng chưa nhuốm bụi trần ai chạy ào đến hôn vào má tôi. Nhớ lại, chỉ có mẹ hay hôn vào má tôi hồi tôi còn bé và hai đứa con tôi khi chúng còn chưa lớn.
Nhận việc ở một viện nghiên cứu, em khá bận rộn. Trưa chủ nhật nào em cũng đến nhà tôi, lăng xăng giúp vợ tôi nấu nướng, hỏi bài hai đứa con tôi và đến chiều thể nào hai anh em cũng đi xem đá bóng, hạng A hạng B gì cũng xem. Em hiểu và yêu bóng đá như cách của một người thông minh đã từng chơi bóng đá. Thật thú vị mỗi lần anh em tranh nhau bình luận, em hăng lên quên cả việc tôi hơn em đến gần một thế hệ, nói năng rất ngầu.
Cứ thế ngày tháng trôi đi, tôi không một lần dám hỏi chuyện chồng con của em. Đó là khu cấm địa trong quan hệ hai anh em chúng tôi. Cho mãi đến ngày con gái lớn tôi làm đám cưới, tôi vít đầu em xuống thì thầm: “Bao giờ đến lượt cô?”
Trong mắt em một nỗi buồn sâu thẳm mà tôi bắt gặp lần đầu. Em ngoảnh mặt nhìn ra hướng khác không trả lời.
Chắc hẳn nhiều chàng trai đã đến với em, nhiều người giỏi giang, đẹp đẽ và giàu có. Sao em không chọn cho mình một người trong số đó, một người để chia sẻ với em những buồn vui cuộc đời, một người để mỗi ngày đi làm về em cảm thấy náo nức đúng nghĩa mấy chữ trở về nhà? Hay có một kẻ trai nào đó đã làm em thất vọng? Hay không có trên đời này một tấm đàn ông nào xứng đáng với em?
Tết này em đang ở Pháp thỉnh giảng. Tôi viết bài này tặng em, cô bé đá bóng thủa nào...
ST ! ( Tác Giả: Phan Chí Thắng )
Bố Tuấn là bộ đội, ông đi chiến trường lúc Tuấn mới hơn một tuổi, mười lăm năm sau trở về đã là một bác thương binh đầy thương tật và bệnh tật. Tuổi xuân của mẹ Tuấn trôi qua trong đợi chờ, tần tảo nuôi con và kết thúc bằng việc sinh ra cho Tuấn một em bé gái (trước khi mẹ sinh em, bố Tuấn đã qua đời).
Nếu bớt đi dăm tuổi hẳn chúng tôi đã trêu chọc Tuấn chuyện có em bé đến phát khóc mới thôi, chẳng hiểu vì sao lần này không ai làm việc đó, thậm chí mấy bạn gái còn đến giúp may tã, kiếm vải cũ may áo may mũ cho em. Bé trở thành đứa em chung của nhóm bạn chúng tôi.
Gần sáu năm sau tôi về nước, Tuấn bạn tôi đang ở chiến trường. Tôi mang cho em, cô học sinh lớp hai, con búp bê lật đật. Lần đầu tiên biết tôi, em rụt rè không dám nhận, nhưng sau thì không rời xa con lật đật một phút nào. Sau này tôi ân hận mãi, sao không cho em một con búp bê tóc vàng mắt xanh xinh đẹp, lại cho em con lật đật để sau này cuộc đời em lận đận kéo dài.
Rồi tôi lại đi xa, lần này về em đã 9-10 tuổi. Phố tôi có cái vỉa hè vào loại rộng nhất Hà nội, bao thế hệ trẻ con đá bóng trên vỉa hè này. Chiều chiều đi làm về tôi dừng lại xem chúng đá bóng, ngạc nhiên thấy cô em của chúng tôi cũng đang lăn xả tranh chấp quả bóng với bọn con trai cùng trang lứa. Mái tóc xõa bay, hai mắt long lanh, mỗi khi ghi bàn thắng bé khua khua chiếc áo sợi cộc tay quanh đầu. Từ đó chiều nào tôi cũng ghé qua Hàng Bông mua que kem đậu xanh gói vào tờ báo mang về cho em. Nhìn em đứng mút kem, mắt liếc về phía bọn nhóc trai đầy tự hào và khiêu khích, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ thường.
Ngày đám cưới tôi, em đã là một cô gái dậy thì. Em vít đầu tôi xuống thì thầm: “Sau này lớn lên em sẽ lấy một người như anh”. Như anh ư, tôi nghĩ, quá dễ, người như anh vô khối!
Những ngày có mặt ở Hà nội, bao giờ tôi cũng dành thời gian dạy thêm cho em. Không có kỹ năng sư phạm nên tôi không dạy em cụ thể môn gì, giúp em giải bài toán bài lý nào. Tôi chỉ muốn gieo vào lòng em niềm đam mê kiến thức, ham muốn học hỏi, phương pháp tư duy chặt chẽ và quan trọng nhất là tính nghi ngờ khoa học, điều rất cần thiết cho những ai làm công tác nghiên cứu. Than ôi, nếu như em không quá thông minh, không hề biết nghi ngờ là gì thì đến giờ này em đâu phải cô đơn như vậy.
Em học rất giỏi, được đi nước ngoài, ở lại chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Ngày về nước, em nhắn tôi ra sân bay đón. Một người không còn là thiếu nữ nhưng chưa nhuốm bụi trần ai chạy ào đến hôn vào má tôi. Nhớ lại, chỉ có mẹ hay hôn vào má tôi hồi tôi còn bé và hai đứa con tôi khi chúng còn chưa lớn.
Nhận việc ở một viện nghiên cứu, em khá bận rộn. Trưa chủ nhật nào em cũng đến nhà tôi, lăng xăng giúp vợ tôi nấu nướng, hỏi bài hai đứa con tôi và đến chiều thể nào hai anh em cũng đi xem đá bóng, hạng A hạng B gì cũng xem. Em hiểu và yêu bóng đá như cách của một người thông minh đã từng chơi bóng đá. Thật thú vị mỗi lần anh em tranh nhau bình luận, em hăng lên quên cả việc tôi hơn em đến gần một thế hệ, nói năng rất ngầu.
Cứ thế ngày tháng trôi đi, tôi không một lần dám hỏi chuyện chồng con của em. Đó là khu cấm địa trong quan hệ hai anh em chúng tôi. Cho mãi đến ngày con gái lớn tôi làm đám cưới, tôi vít đầu em xuống thì thầm: “Bao giờ đến lượt cô?”
Trong mắt em một nỗi buồn sâu thẳm mà tôi bắt gặp lần đầu. Em ngoảnh mặt nhìn ra hướng khác không trả lời.
Chắc hẳn nhiều chàng trai đã đến với em, nhiều người giỏi giang, đẹp đẽ và giàu có. Sao em không chọn cho mình một người trong số đó, một người để chia sẻ với em những buồn vui cuộc đời, một người để mỗi ngày đi làm về em cảm thấy náo nức đúng nghĩa mấy chữ trở về nhà? Hay có một kẻ trai nào đó đã làm em thất vọng? Hay không có trên đời này một tấm đàn ông nào xứng đáng với em?
Tết này em đang ở Pháp thỉnh giảng. Tôi viết bài này tặng em, cô bé đá bóng thủa nào...
ST ! ( Tác Giả: Phan Chí Thắng )