Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Chúng Tôi Là Chó

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chúng Tôi Là Chó

    1.
    Dĩ nhiên bạn không phải là chó. Tôi xin lặp lại: “Tôi là chó!”. Từ “chó” nhạy cảm với bạn ư? “Chó” thì xấu sao?

    Lạ cho loài người ngây thơ, chẳng hiểu tự bao giờ đã thành kiến “chó – chó má” với bao điều không ra gì. Nếu các bạn sạch sẽ vệ sinh, lấy đâu ra đồ dơ ngoài môi trường quanh các bạn để chó ăn, làm ai đó ghê người?

    Chó có ích lắm chứ. Nào giữ nhà phòng trộm, bầu bạn trải lòng khi cần, thỉnh thoảng nịnh nọt liếm chân dụi tay, và đặc biệt biết nghe lời chủ. Tôi không bảo tôi nói riêng và loài chó nói chung rất trung thành với người đâu nhé. Các bạn tự huyễn đó thôi. Chưa khi nào chó bỏ chủ nghèo theo chủ giàu. Đơn giản, chúng tôi ít ảo tưởng và biết chấp nhận thực tại, gắng vươn lên từ thực tại. Chúng tôi không giống nhiều nhóm người vọng ngoại, luôn cả nghĩ chiếc áo của thiên hạ chắc mẩm đẹp hơn áo mình. Nực cười là họ còn quả quyết ngày mai của họ, trong chiếc áo xa lạ kia tất sẽ sáng sủa hơn hôm nay và hôm qua.

    Tôi trưởng thành trong nhà em trai ông chủ. Ruột thịt họ chung dãy nhà trong khu qui hoạch “ngã ba chuồng chó”, cách nhau dăm cái hộp xi măng cốt thép lồi ra thụt vào. Ngày nọ ông anh đến bảo:

    - “Mày nhường bớt tao con vàng. Đận này đám trộm chó hoành hành quá. Tao không sợ mất chó, chỉ sợ nó giả trộm chó để điều nghiên nhập nha.”
    - “Sợ nó không quyến anh lại mò về đây. Chiều em bắt cho anh con chó nhỏ bên nhà bà già vợ.”
    - “Đến lúc đó hẵng tính” – Người anh đắt tôi về luôn.

    Chủ mới rất ân cần và chiều chuộng tôi. Cơm ngon, chỗ ngủ cao ráo sạch sẽ, dắt đi tè đi ị đúng lúc. Ba bảy hai mốt ngày đầu ông giữ rịt tôi trong sân, không cho chạy lăng quăng thăm em mực bên nhà cũ.

    Tháng sau, chưa kịp dùng bữa trưa ông chủ mở cửa húyt sáo gọi tôi theo. Cậu em trai đang lui cui trộn canh thừa cho nàng mực, mau mắn mở cổng đón anh, rồi thơm thảo chia bớt khẩu phần kia cho tôi. Tôi chỉ ngửi qua rồi đến bên em mực hít hà.

    - “Con chó này thế mà tệ, đã quên chủ nghèo rồi” – Người em nói.
    - “Tính trung thành của chó thực ra là thói quen, là phản xạ có điều kiện. Nếu mặt bằng sinh sống cả vật chất lẫn tinh thần của người chủ mới nhỉnh hơn người chủ cũ, không bao giờ nó quay gót. Đừng choàng áo nhân tính lên lưng chó.

    Ông chủ tôi nói đúng. Chơi với em mực tí xíu, bụng tôi đã sôi. Mặc anh em họ luận bàn triết học của lòng người thế kỉ 21, tôi bỏ về tìm tô cơm có thịt mà chị giúp việc luôn đúng giờ dọn ra bên ngạch cửa.

    2.
    Ông chủ nằm ghế mây đọc báo, chị giúp việc lại gần.
    - “Kéo rèm kìa, bọn trưởng giả quanh đây thính tai hơn chó. Chúng nó mà chọc thối thì nhục quá cẩu” – Ông chủ nhắc.
    - “Xóm mình dạo này lộn xộn quá” – Chị nàng thỏ thẻ - “Hôm qua tay nhiếp ảnh gia toan bóp cổ mụ bán sơn nước vì mụ dẫn chó tè vào bụi hoa nhài. Lúc sáng mợ nẩu hay khoe giàu tắm chó nước tóe loe cả ngõ, chàng thi sĩ hoa râm lại chửi té tát”.
    - “Rách việc, nhúng cái mũi đen như than của cô vào đám lông xà mâu đầy bọ chét xung quanh làm gì. Bóp xuống vai đi, đêm qua kê cao gối cuốn theo mạch truyện Tôtem sói, ngủ lúc nào không hay. Cơ cổ hơi bị đau rồi” – Ông chủ ra lệnh cho chị giúp việc.
    - “Sao hồi khuya “bả” lớn tiếng với ông vậy”? “Cứ gần chó đi rồi chó liếm mặt” là ngụ í gì”?
    - “Mặc nó sủa, hơi đâu để bụng”.

    Nghe họ nói chuyện tôi ù cả tai, bèn giả vờ ư ử xin đi ngoài. Chị giúp việc mau mắn mở cửa. May quá, cuối xóm ả me berger đang định bắt nạt em mực của tôi. Tôi nhảy vào cắn cảnh cáo ả mấy nhát đau điếng. Ả ăng ẳng chạy. Em mực mừng hết lớn:

    - “Sao anh không cho nó quị luôn?”
    - “Nó đã tởn đến già” – Tôi vênh mặt anh hùng rồi lí sự – “Đừng bắt chước sự dã man của con người”.

    Bạn đọc ngạc nhiên chăng? Số là thế này, cách nay nửa năm mợ nẩu “khoe của” động thổ xây dựng căn nhà phố. Mợ tự hào trưng khắp xóm bản vẽ Tây – Tàu – Ta giao duyên, đặc biệt là ban thờ Phật tổ và gia tiên trên sân thượng có mái ngói nửa đình chùa nửa lăng tẩm rất “tâm linh”. Ngặt nỗi, hàng xóm mợ là cậu mắt xanh mũi lõ đang ở thuê, sống già nhân ngãi non vợ chồng với một cô da vàng. Theo luật Tây, chàng mũi lõ yêu cầu công trường làm đúng giờ hành chánh, tuyệt đối không giây bẩn đường nội bộ, hạn chế thấp nhất tiếng ồn, thứ bảy và chủ nhật phải trả lại sự yên tĩnh vốn có.

    Khó thật, chén cơm manh áo của hơn chục người thợ bị ảnh hưởng. Tuần làm năm buổi bao tử sẽ lép. Vậy là họ rình rình làm trộm. Chàng Tây to như bò mộng, chắc thuộc hàng anh chị ở “bển”, không nhân nhượng. Y vác xẻng qua nói chuyện phải quấy, rút điện máy trộn bêton, đập bể máng vữa. Đoàn người áo vải cúp đuôi chạy trối chết.

    Bên thầu gọi nhà chức trách can thiệp nhưng thủ tục hình sự có yếu tố nước ngoài khá rườm rà khiến họ hoang mang. Nhá nhem tối, thợ nề chơi du kích kiểu “đánh chó trong bị”. “Mãnh hổ nan địch quần hồ cắn lén”. Họ không thèm cảnh cáo như tôi lúc nãy. Họ say máu nện lưu manh Tây thừa sống thiếu chết, phải bán xới, bỏ lại mấy chiếc nanh trắng như răng chó ngao luộc.

    3.
    Tôi vẫn thường được ông bà chủ cho ngồi dưới sàn xe Jeep lên thăm trang trại của họ bên kia sông Đồng Nai. Bà chủ khó tính, thuộc dạng người vừa đi đường vừa chửi thầm thiên hạ, chửi nắng, chửi khói, chửi bụi, chửi hệ thống giao thông bất cập… Bà gọi ổ gà trên đường là “ổ chó”, gọi đám thanh niên nhuộm tóc lạng lách là “chó dái chạy rông”, gọi những người không tuân thủ luật đường bộ là nòi khố rách áo ôm coi mạng mình như “mạng chó”, gọi những chiếc xe xắn lủi vô tổ chức qua mũi xe bà là “mèo đàng chó điếm”. Nói chung bà xem đống người ngợm nhung nhúc quanh bà là quần thể “người dại quanh năm”, khác hẳn với chúng tôi là thứ “dại có mùa”. Ông chủ ít nói, lâu lâu chỉ đế một câu: “Sủa ma lắm vào, ma chó nhập!”.

    Trang trại của ông bà chủ nằm giữa một vùng quê yên bình. Tôi hỏi bạn vện gần đó:

    - “Ở đây thích nhỉ, con người chắc không xem nhau như chó”.
    - “Còn khướt” – Y ranh mãnh – “Tấc đất tấc vàng hết rồi, anh em, làng xóm chí chóe suốt ngày. Chẳng nói đâu xa, dạo ông chủ bạn xây rào trang trại cũng nổ ra cuộc khẩu chiến nảy lửa. Vốn ranh hai thửa đất là bờ tầm vông. “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, bên này nhất quyết bảo đất của mình từ mép bụi tầm vông bên kia tính qua. Tre già măng mọc mấy năm, chủ bạn bị măng lấn đôi trăm thước vuông, căm lắm nhưng bảo đành thí cho khuyển”.
    - “Không kiện được à?”
    - “Chó ăn vụng bột” nhưng họ hàng ba đời người ta ở đây. Ra công đường yêu cầu chủ tịch xã bỏ tù ông nội hắn ư?

    Tôi chẳng biết nói gì, đành thả hồn vào mây trời cây cỏ. Vện buồn miệng gợi chuyện:

    - “Bạn dân thành phố ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa. Chẳng bù cho xứ này chó ăn đá gà ăn sỏi”.
    - “Sướng gì, tôi còn khổ hơn nhà văn An Nam. Suốt ngày con người lôi mình ra chửi. Cái ông Nguyễn Vỹ vốn có câu thơ “Nhà văn An Nam khổ như chó” cũng chẳng thể hiểu thời thế bây giờ đã thành “Chó khổ như nhà văn An Nam”.
    - “Đâu cũng rứa cả, chán như con dế chó” – Vện hài hước – “Lần sau bạn về chắc tôi đã chầu âm phủ. Đốm đầu để nuôi, đốm đuôi thì thịt mà”.

    Thay vì an ủi vện mấy câu sáo rỗng và lãng nhách, tôi hích vai bạn vào vườn bạch đàn cho khuây khỏa. Lá mục khô giòn dưới chân. Hương đồng gió nội hiền hòa ru chúng tôi vào giấc mộng trưa thanh vắng.

    Tỉnh lại thì vện và tôi đã nằm trong bao bố của bọn trộm chó. Sau đó là cuộc ngã giá giữa chúng và tay lái chó.

    - “Hai con này bé, hai trăm”.
    - “Hẻo vậy anh hai. Có phải chó ghẻ đâu”.
    - “Ghẻ hay không thì cũng vào mồm thiên hạ tuốt. Hôm nay chó đã ngáp phải ruồi rồi”.

    4.
    Âm hồn của bạn vện và tôi còn quyến luyến với nhau, đến một bàn nhậu gần chợ Thị Nghè, dù thể xác đã bị băm vằm trong bát xáo măng dầy váng mỡ. Cồn công nghiệp pha nước màu ngâm chuối hột bốc mùi rất xốc. Bốn năm trự đang bàn chuyện thời cuộc. Tay bụng phệ mũi cà chua da mặt bóng nhẫy gân cổ đưa đẩy:

    - “Hình như lão chính trị gia người Anh Lord Palmerston từng nói: “Không có cừu địch mãi mãi cũng như bằng hữu vĩnh cửu, chỉ có quyền lợi muôn đời mà thôi”.
    - “Thì đấy, chó tính nằm ở đấy chứ đâu”.
    - “Bè bạn muôn năm! Nào trăm phần trăm!”.

    Không hẹn nhưng gần như vện và tôi cùng gào lên: “Chó tính thì sao? Chúng tôi là chó. Đừng ngộ nhận chó tính là phi nhân tính”. Bàn nhậu giật mình. Gió âm phủ thổi thốc miếng bạt nhựa che nắng mưa ngoài hiên quán. Trước khi dắt nhau đến kiếp sau, chúng tôi vẫn kịp để lại trên đùi non những tên “xực cẩu” vài vết bầm mang hình hàm răng ma chó.

    ST ! ( Tác Giả: Trương Thái Du )
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.
Working...
X