Ngày... Trời bắt đầu chuyển sang hè. Nắng to. Vô cùng mệt mỏi. Mệt vì thời tiết một phần, mệt vì học sinh chín phần.
Hơn 15 năm dạy học, mình thấy học sinh càng ngày càng hư. Sắp thi cử đến nơi mà chúng chẳng học gì cả. Giờ học thì nói chuyện râm ran. Nhoài lên, ngoái xuống, ngọ ngoạy không yên. Mình hết dỗ dành rồi lại quát, đủ kiểu, vậy mà không ăn thua. Vừa dạy bài mới, vừa giữ trật tự, chỉ nửa tiết là đã đuối sức. Mệt quá, thế là đành buông xuôi. Nhiều hôm, xong 3-4 tiết dạy là mình phờ phạc cả người, thở không ra hơi. Mà chẳng riêng gì mình. Ai cũng có vẻ chán nản, gặp nhau là lại buột miệng: "Bao giờ cho đến nghỉ hè?". Chợt nhớ hồi đi thực tập mà phì cười. Sao hồi đó lại hăm hở thế? Tràn đầy lòng nhiệt tình, sinh viên sư phạm nào cũng vẽ ra cho mình một viễn cảnh tươi đẹp về nghề giáo. Chắc bây giờ mà gặp lại nhau thì đứa nào cũng đầy một bồ tâm sự, vui ít buồn nhiều...
Thực ra, cũng không hẳn mình không có những kỷ niệm đẹp với học sinh. Nhớ những ngày này cách đây mấy năm ôn thi cùng 9H, cũng rất mệt, nhưng vui. Hay vì chúng là lớp chọn, nên ngoan hơn, thông minh hơn? Giờ học thêm làm bài tập thật nhanh, rồi xoay ra buôn chuyện. Mình có nhắc thì chúng lại rền rĩ điệp khúc "Không sao đâu cô ạ, có xả được strees thì học mới vào chứ ạ!". Chúng trổ tài hài hước khiến mình cũng cười ngả nghiêng. Lớp trưởng Hà Trần - người đầu têu mọi trò nghịch ngợm, rồi "nhạc sĩ" Hoàng Việt chuyên chế thơ Đường thành bài hát, "hoạ sĩ" Hiệp "gà" chuyên "sáng tác" biếm hoạ... Mình cứ chuẩn bị dạy là chúng lại bày trò chọc cười kéo dài thời gian giải lao. Cũng may, lúc thi cả lớp đều đạt điểm cao. Bọn nó ra trường rồi mà mình nhiều khi nhớ lại cứ nuối tiếc. Người ta hay nói "có mới nới cũ", nhưng với mình thì có mới lại càng nhớ cũ. Lứa học sinh nào ra trường mình cũng nhớ, thầm so sánh với lứa đang học để rồi lại thất vọng vì sao bây giờ học sinh ngày càng hư và dốt hơn xưa. Mình mắc bệnh hoài cổ chăng? Hay tại mệt mỏi của tuổi tác đã khiến mình trở nên khó tính?
Ngày... Vừa buông người ngồi xuống ghế trong phòng hội đồng thì Ngân ló mặt vào, vẫy vẫy: "Chị ơi, ra hàng chè nhớ!". Hàng chè là "tụ điểm" mấy đứa bọn mình thường ngồi chuyện trò cho bớt căng thẳng sau những giờ dạy mệt tưởng đứt hơi. Chị bán chè đâm ra thuộc sở thích ăn uống của mấy đứa bọn mình, thuộc luôn cả những câu chuyện bọn mình hay nói với nhau. Ngân rất hay kể về những câu văn ngô nghê đến tức cười của học sinh, Thi lại hay ca cẩm, than vãn hết về trường lớp lại về gia đình. Hôm nay chắc hẳn Ngân lại có nỗi niềm gì đây...
Quả nhiên, chưa kịp kéo ghế ngồi xuống Ngân đã hỏi, giọng đầy bức xúc: "Chị có tưởng tượng được học sinh bây giờ tệ đến mức nào không?". Mình nhìn Ngân chờ đợi. "Em vừa bước vào lớp, lớp ồn như chợ vỡ. Chưa kịp cho học sinh ngồi xuống sau khi cô trò chào nhau thì nghe thấy một câu chửi rất tục từ phía cuối lớp. Cả lớp lặng phắc. Em hỏi: "Ai vừa chửi?" thì không ngờ lại nghe thấy câu ấy một lần nữa, lần này còn rõ ràng hơn. Cả lớp im lặng. Chắc hẳn chúng cũng bất ngờ. Tức đến phát khóc lên được. Em nhìn những gương mặt im lặng của mấy chục đứa học trò, không hiểu nổi gương mặt nào trong số đó có thể phát ra cái câu tục tĩu đó. Rồi tự dưng thấy mình như bị đẩy tới một hành tinh xa lạ. Suốt tiết học ấy, em không còn tâm trí đâu mà dạy nữa, chỉ ngồi im. Trong lòng thấy đổ vỡ ghê gớm...".
Mình hiểu Ngân. Em là một cô giáo trẻ, mới đi dạy được 2 năm. Những ước mơ đẹp đẽ của em về nghề giờ đây chạm phải sự thật phũ phàng khiến em không chịu nổi. Mình hơn em cả tuổi đời lẫn tuổi nghề mà còn không chịu nổi khi ngày ngày phải chứng kiến sự xuống cấp về đạo đức của lũ trẻ. Nào có phải là chúng không được dạy dỗ? Sinh ra trong những gia đình tử tế, nhiều đứa bố mẹ là giáo viên, tiến sĩ hẳn hoi, thế mà sao chúng vẫn xểnh ra là trốn học, hễ mở miệng là văng tục, hỗn láo với người lớn? Nhiều phen mình loay hoay tìm câu trả lời. Mà chẳng thể nào trả lời được...
Tự dưng mình nhớ đến truyện "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư (nghe nói hiện giờ tác giả đang gặp rắc rối gì đó). Rõ ràng mình đang sống ở thành phố, được hưởng thụ những tiện nghi của cuộc sống văn minh, thế mà mình lại có tâm trạng gần giống với cô gái chăn vịt rong trong truyện. Nỗi hoang hoải, chán chường ngấm vào tận chân tơ kẽ tóc. Nhiều khi mình thấy mất phương hướng, và rất hoang mang. Có một gia đình yên ấm, một nghề nghiệp ổn định, vậy mà tại sao đôi khi mình vẫn thấy lạc lõng? Vì bây giờ ai cũng quá bận bịu không thể còn thời gian để chia sẻ tâm sự chăng? Vì cuộc sống quá sôi động và gấp gáp cuốn tất cả đi khiến những lo lắng ưu tư của mình trở nên quá xa xỉ và phù phiếm chăng? Con đường dạy học của mình, học trò của mình rồi sẽ đi đến đâu khi ngành giáo dục đang trong tình trạng rối rắm, bùng nhùng, không biết đâu là chuẩn như thế này?
Những khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" treo ở khắp các trường học liệu còn ý nghĩa gì không? Mình lo cho cả hai đứa con. Biết đi lối nào đây?
Ngày... Hôm nay có một chuyện làm mình vui vui. Trên đường từ trường về mình gặp lại Cương. Cương là học trò lứa đầu tiên của mình. Bây giờ trông Cương chững chạc quá, dáng vẻ cao to, rắn rỏi, và rất phong độ. Cậu đi ngay bên cạnh mình và cất tiếng chào làm mình hơi bất ngờ: "Em chào cô! Cô còn nhớ em không?". "Cô nhớ chứ, lớp trưởng lớp 6D ngày xưa phải không?". Cương bật cười: "Vâng, cái lớp nhiều học sinh cá biệt nhất trường ấy ạ". Lũ học trò nghịch ngợm lớp 6D ngày ấy làm cô giáo chủ nhiệm mới ra trường đúng là nhiều phen điêu đứng. Nhưng chúng cũng vô cùng tình cảm. Mình nhớ mãi ngày 20 tháng 11 đầu tiên trong cuộc đời làm giáo viên, cả lớp 6D ầm ầm kéo đến nhà, đem theo quà là một bộ son phấn (ngày đó, phấn "Bông lúa" là xịn nhất rồi, cộng với thỏi son gió và hộp nhũ mắt Sài Gòn) cùng một túi bỏng ngô to tướng. Chúng nhao nhao bảo cô còn trẻ mà chẳng son phấn gì cả, phải "đánh đấm" vào sẽ đẹp hơn. Rồi mấy đứa con gái bôi bôi quét quét thử cho mình (trông lem nhem như hề). Rồi chúng ăn bỏng và ném bỏng vào nhau, nói cười chí choé đến tận hơn 10 giờ khuya, làm hàng xóm phải sang phàn nàn với bố mẹ mình. Chúng về rồi, căn phòng không khác gì bãi chiến trường, mình và cô em gái phải dọn dẹp gần một tiếng mới xong. Nhắc lại cùng Cương kỷ niệm ấy, mình thấy trong lòng xốn xang. Cương cũng kể cho mình nghe về các bạn cùng lớp, nhiều bạn đã lập gia đình, một số bạn đi du học nước ngoài rồi ở lại định cư luôn, liên lạc với nhau toàn qua email.
Còn bản thân Cương giờ đã làm giám đốc một công ty cổ phần ngành bưu chính viễn thông, đã có vợ và có cậu con trai vừa được 1 tuổi. Trước khi chia tay, Cương bảo: "Em thấy cô vẫn trẻ như hồi xưa dạy chúng em, dù có mập hơn chút ít. Khi nào em sẽ tập hợp các bạn lại, làm hội lớp, thế nào cô cũng đến nhé". "Nhất định cô phải đến chứ. Để xem các em trưởng thành như thế nào".
Buổi tối cơm nước xong, mình kể lại với chồng chuyện gặp học sinh cũ. Hai đứa nhỏ cũng dỏng tai nghe. Rồi mình thấy cô con gái vào bàn học hí húi ghi chép gì đó. Có lẽ nó cảm nhận được điều gì mới mẻ về tình thầy trò chăng? Thỉnh thoảng nó vẫn kể với mình chuyện cô giáo với các bạn ở lớp. Nó sợ cô, nhưng không thích cô. "Vì cô giáo con hay mắng quá đáng những bạn học dốt, những bạn con trai nghịch ngợm". Mình chợt nghĩ nếu một lúc nào đó có học sinh của mình cũng kể với gia đình như thế, thì sao nhỉ? Ôi, cái nền giáo dục chạy theo thành tích này khiến những cô giáo khó lòng mà "như mẹ hiền" được nữa rồi! Hình như không chỉ lũ học trò, mà chính mình cũng thay đổi mà không biết...
Ngày... Câu nói của cu Tôm làm mình buồn cười suốt quãng đường đến trường. Chả là ông cụ nhà mình bị tai biến mạch máu não, gần như nằm liệt tại chỗ suốt một năm nay. Bây giờ tình trạng trở nên nặng hơn, những vết loét ở lưng bắt đầu xuất hiện. Bởi thế mà chị giúp việc - Tôm gọi là bác Phương - hàng ngày khá mất thời gian vào việc rửa vết thương và bôi thuốc cho ông. Tôm xem bác làm, và thấy trên mình ông nội những đám thuốc khi xanh khi nâu, chạy lại nói với mình: "Mẹ ơi, bác Phương tô màu cho ông kỹ thế? Mà sao ngày nào cũng phải tô lại?". Cả nhà phì cười. Trẻ con thật là dễ thương. Chúng có những câu nói bật ra từ sự liên tưởng vô cùng chính xác mà lại rất ngộ nghĩnh. Giá mà chúng cứ mang cái nhìn trong sáng ấy vào trường học, và giữ được cho ngày càng lớn lên! Giá mà những chuyện chẳng hay ho gì của người lớn không làm vẩn đục được tâm hồn non nớt của trẻ! Mà mình mắc bệnh mất rồi! Tại sao lúc nào cũng liên hệ mọi chuyện đến vấn đề giáo dục thế này? Bệnh nghề nghiệp ư? Đang vui vì sự nhí nhảnh đáng yêu của con lại chuyển sang lo về tương lai của nó. Còn hai năm nữa nó mới vào lớp 1 kia mà. Biết đâu đến lúc ấy tình hình sẽ khác? Hy vọng thế...
Hôm nay mình dạy một trích đoạn của vở chèo "Quan Âm Thị Kính" cho lớp 7A. Giáo án thì đã soạn kĩ, nhưng mình vẫn thấy lo lo. Vở chèo này ngày xưa mình đã xem nhiều lần, và rất thích. Nhưng mình lo là học sinh bây giờ thậm chí chẳng biết "chèo" là gì. Sân khấu, đối với chúng chỉ là những tiếng la hét, những ca từ chẳng đâu vào đâu, những điệu múa giơ chân giơ tay loạn xị...
Làm sao chúng có thể hình dung nổi sân khấu dân gian với những sân đình, mặt ao, những điệu hát sử, bình tiểu... vô cùng điêu luyện của chèo? Đấy là chưa nói đến phần nội dung thường là những mâu thuẫn giai cấp thời phong kiến, đề cao những chuẩn mực đạo đức theo cách nhìn của xã hội phong kiến, rất xa lạ với bọn trẻ bây giờ. Dẫu biết rằng các nhà cải cách có ý đồ tốt đẹp là giáo dục toàn diện cho học sinh, nhưng mình e rằng họ chưa nghiên cứu đến tâm lý lứa tuổi (12-13 tuổi, lớp 7, vẫn có những đứa trẻ thậm chí chẳng phân biệt được đâu là ngan, đâu là vịt, nói gì đến làm quen với sân khấu dân gian; cùng lắm thì biết Xuân Hinh hay diễn hài, chứ chẳng biết Xuân Hinh vốn là một hề chèo xuất sắc), cũng chẳng để ý gì đến không gian văn hoá bao bọc quanh học trò. Thế là giáo viên bọn mình cứ è cổ ra hứng chịu cùng lũ học trò. Cuối chương trình, đánh đùng một cái, đưa một trích đoạn chèo vào, dạy sao thì dạy, học sao thì học, không hề có sự chuẩn bị dần dà gì từ trước (cái mà các nhà giáo dục gọi một cách hay ho là "chuẩn bị tâm thế tiếp nhận và cảm thụ tác phẩm văn học")! Xong, hết chương trình, ôn thi học kì II.
Trẻ con mồ hôi mồ kê nhễ nhại đọc như đánh vật với những câu "Trách lòng ai nỡ phụ lòng/Đang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi/Nhật nguyệt rạng soi/Thấu tình chăng nhẽ..." mà chả hiểu mình đang đọc gì. Nhìn mà thương! Và khi chúng vừa hiểu được chút ít về nỗi oan của Thị Kính, vừa thương cảm chút ít trước số phận bi kịch của người phụ nữ thời phong kiến nói chung thì những tình cảm, hiểu biết mong manh ấy bị dập tắt ngay bởi một lô những văn bản nào là biểu cảm, nào là nghị luận, nào là thơ Đường luật, thơ lục bát... phải ôn trong bài tiếp theo. Thế đấy, hoan hô SGK!
Ngày... Ngẫm ra, thấy mình thật là vô lý khi cứ mua lo vào người. Cuộc sống tươi đẹp ngoài kia, mình đâu đã thưởng thức hết? Kỳ nghỉ 30/4, 1/5 năm nay được những 4 ngày. Người ta háo hức bàn về những chuyến đi, nào Sa Pa, Tam Đảo, nào Trà Cổ, Hạ Long... Còn mình lại chỉ lo phân chia mấy tiết học trước khi thi học kỳ, tiết nào ôn Văn, tiết nào Tiếng Việt, tiết nào Tập làm văn.
Thấy vui vui khi nghĩ đến lời hẹn của lớp 9H cũ: "Sáng 1/5 bọn em sẽ đến rủ cô đi chơi". Chắc là chúng quá hiểu cái tính hay lo của mình - chả gì cô trò cũng đã ở bên nhau 4 năm mà - nên tìm cách lôi mình ra khỏi mớ công việc để xả hơi đây. Mình háo hức mong đến ngày ấy y như học trò nôn nao chờ đợi ngày được đi cắm trại. Xét cho cùng, dù còn không ít điều bất như ý về nghề, mình vẫn thấy một cái được rất lớn, đó là tình cảm thầy trò. Lại nhớ ngày bế giảng năm học trước, sau những thủ tục ở sân trường, học sinh đến chật nhà, chúng chia sẻ với mình bao ước mơ, bao suy nghĩ của tuổi mới lớn. Những dòng lưu bút tươi rói vẫn còn đây, trong số đó có của cả những đứa học lực yếu, khi học làm mình bực suốt, vậy mà giờ đọc lại lại nhắc nhở mình về những năm tháng đẹp đẽ mà chắc chắn mình sẽ lưu giữ mãi.
Một năm học nữa lại sắp kết thúc, những ngày mệt mỏi vì học sinh sắp sửa chấm dứt. "Tạm thời chấm dứt". Bây giờ chỉ mong: "Bao giờ cho đến nghỉ hè?". Nghỉ hè rồi thì lại bụng bảo dạ: "Bao giờ vào năm học mới?"...
Phùng Ngọc Châm.
H Ế T
Hơn 15 năm dạy học, mình thấy học sinh càng ngày càng hư. Sắp thi cử đến nơi mà chúng chẳng học gì cả. Giờ học thì nói chuyện râm ran. Nhoài lên, ngoái xuống, ngọ ngoạy không yên. Mình hết dỗ dành rồi lại quát, đủ kiểu, vậy mà không ăn thua. Vừa dạy bài mới, vừa giữ trật tự, chỉ nửa tiết là đã đuối sức. Mệt quá, thế là đành buông xuôi. Nhiều hôm, xong 3-4 tiết dạy là mình phờ phạc cả người, thở không ra hơi. Mà chẳng riêng gì mình. Ai cũng có vẻ chán nản, gặp nhau là lại buột miệng: "Bao giờ cho đến nghỉ hè?". Chợt nhớ hồi đi thực tập mà phì cười. Sao hồi đó lại hăm hở thế? Tràn đầy lòng nhiệt tình, sinh viên sư phạm nào cũng vẽ ra cho mình một viễn cảnh tươi đẹp về nghề giáo. Chắc bây giờ mà gặp lại nhau thì đứa nào cũng đầy một bồ tâm sự, vui ít buồn nhiều...
Thực ra, cũng không hẳn mình không có những kỷ niệm đẹp với học sinh. Nhớ những ngày này cách đây mấy năm ôn thi cùng 9H, cũng rất mệt, nhưng vui. Hay vì chúng là lớp chọn, nên ngoan hơn, thông minh hơn? Giờ học thêm làm bài tập thật nhanh, rồi xoay ra buôn chuyện. Mình có nhắc thì chúng lại rền rĩ điệp khúc "Không sao đâu cô ạ, có xả được strees thì học mới vào chứ ạ!". Chúng trổ tài hài hước khiến mình cũng cười ngả nghiêng. Lớp trưởng Hà Trần - người đầu têu mọi trò nghịch ngợm, rồi "nhạc sĩ" Hoàng Việt chuyên chế thơ Đường thành bài hát, "hoạ sĩ" Hiệp "gà" chuyên "sáng tác" biếm hoạ... Mình cứ chuẩn bị dạy là chúng lại bày trò chọc cười kéo dài thời gian giải lao. Cũng may, lúc thi cả lớp đều đạt điểm cao. Bọn nó ra trường rồi mà mình nhiều khi nhớ lại cứ nuối tiếc. Người ta hay nói "có mới nới cũ", nhưng với mình thì có mới lại càng nhớ cũ. Lứa học sinh nào ra trường mình cũng nhớ, thầm so sánh với lứa đang học để rồi lại thất vọng vì sao bây giờ học sinh ngày càng hư và dốt hơn xưa. Mình mắc bệnh hoài cổ chăng? Hay tại mệt mỏi của tuổi tác đã khiến mình trở nên khó tính?
Ngày... Vừa buông người ngồi xuống ghế trong phòng hội đồng thì Ngân ló mặt vào, vẫy vẫy: "Chị ơi, ra hàng chè nhớ!". Hàng chè là "tụ điểm" mấy đứa bọn mình thường ngồi chuyện trò cho bớt căng thẳng sau những giờ dạy mệt tưởng đứt hơi. Chị bán chè đâm ra thuộc sở thích ăn uống của mấy đứa bọn mình, thuộc luôn cả những câu chuyện bọn mình hay nói với nhau. Ngân rất hay kể về những câu văn ngô nghê đến tức cười của học sinh, Thi lại hay ca cẩm, than vãn hết về trường lớp lại về gia đình. Hôm nay chắc hẳn Ngân lại có nỗi niềm gì đây...
Quả nhiên, chưa kịp kéo ghế ngồi xuống Ngân đã hỏi, giọng đầy bức xúc: "Chị có tưởng tượng được học sinh bây giờ tệ đến mức nào không?". Mình nhìn Ngân chờ đợi. "Em vừa bước vào lớp, lớp ồn như chợ vỡ. Chưa kịp cho học sinh ngồi xuống sau khi cô trò chào nhau thì nghe thấy một câu chửi rất tục từ phía cuối lớp. Cả lớp lặng phắc. Em hỏi: "Ai vừa chửi?" thì không ngờ lại nghe thấy câu ấy một lần nữa, lần này còn rõ ràng hơn. Cả lớp im lặng. Chắc hẳn chúng cũng bất ngờ. Tức đến phát khóc lên được. Em nhìn những gương mặt im lặng của mấy chục đứa học trò, không hiểu nổi gương mặt nào trong số đó có thể phát ra cái câu tục tĩu đó. Rồi tự dưng thấy mình như bị đẩy tới một hành tinh xa lạ. Suốt tiết học ấy, em không còn tâm trí đâu mà dạy nữa, chỉ ngồi im. Trong lòng thấy đổ vỡ ghê gớm...".
Mình hiểu Ngân. Em là một cô giáo trẻ, mới đi dạy được 2 năm. Những ước mơ đẹp đẽ của em về nghề giờ đây chạm phải sự thật phũ phàng khiến em không chịu nổi. Mình hơn em cả tuổi đời lẫn tuổi nghề mà còn không chịu nổi khi ngày ngày phải chứng kiến sự xuống cấp về đạo đức của lũ trẻ. Nào có phải là chúng không được dạy dỗ? Sinh ra trong những gia đình tử tế, nhiều đứa bố mẹ là giáo viên, tiến sĩ hẳn hoi, thế mà sao chúng vẫn xểnh ra là trốn học, hễ mở miệng là văng tục, hỗn láo với người lớn? Nhiều phen mình loay hoay tìm câu trả lời. Mà chẳng thể nào trả lời được...
Tự dưng mình nhớ đến truyện "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư (nghe nói hiện giờ tác giả đang gặp rắc rối gì đó). Rõ ràng mình đang sống ở thành phố, được hưởng thụ những tiện nghi của cuộc sống văn minh, thế mà mình lại có tâm trạng gần giống với cô gái chăn vịt rong trong truyện. Nỗi hoang hoải, chán chường ngấm vào tận chân tơ kẽ tóc. Nhiều khi mình thấy mất phương hướng, và rất hoang mang. Có một gia đình yên ấm, một nghề nghiệp ổn định, vậy mà tại sao đôi khi mình vẫn thấy lạc lõng? Vì bây giờ ai cũng quá bận bịu không thể còn thời gian để chia sẻ tâm sự chăng? Vì cuộc sống quá sôi động và gấp gáp cuốn tất cả đi khiến những lo lắng ưu tư của mình trở nên quá xa xỉ và phù phiếm chăng? Con đường dạy học của mình, học trò của mình rồi sẽ đi đến đâu khi ngành giáo dục đang trong tình trạng rối rắm, bùng nhùng, không biết đâu là chuẩn như thế này?
Những khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" treo ở khắp các trường học liệu còn ý nghĩa gì không? Mình lo cho cả hai đứa con. Biết đi lối nào đây?
Ngày... Hôm nay có một chuyện làm mình vui vui. Trên đường từ trường về mình gặp lại Cương. Cương là học trò lứa đầu tiên của mình. Bây giờ trông Cương chững chạc quá, dáng vẻ cao to, rắn rỏi, và rất phong độ. Cậu đi ngay bên cạnh mình và cất tiếng chào làm mình hơi bất ngờ: "Em chào cô! Cô còn nhớ em không?". "Cô nhớ chứ, lớp trưởng lớp 6D ngày xưa phải không?". Cương bật cười: "Vâng, cái lớp nhiều học sinh cá biệt nhất trường ấy ạ". Lũ học trò nghịch ngợm lớp 6D ngày ấy làm cô giáo chủ nhiệm mới ra trường đúng là nhiều phen điêu đứng. Nhưng chúng cũng vô cùng tình cảm. Mình nhớ mãi ngày 20 tháng 11 đầu tiên trong cuộc đời làm giáo viên, cả lớp 6D ầm ầm kéo đến nhà, đem theo quà là một bộ son phấn (ngày đó, phấn "Bông lúa" là xịn nhất rồi, cộng với thỏi son gió và hộp nhũ mắt Sài Gòn) cùng một túi bỏng ngô to tướng. Chúng nhao nhao bảo cô còn trẻ mà chẳng son phấn gì cả, phải "đánh đấm" vào sẽ đẹp hơn. Rồi mấy đứa con gái bôi bôi quét quét thử cho mình (trông lem nhem như hề). Rồi chúng ăn bỏng và ném bỏng vào nhau, nói cười chí choé đến tận hơn 10 giờ khuya, làm hàng xóm phải sang phàn nàn với bố mẹ mình. Chúng về rồi, căn phòng không khác gì bãi chiến trường, mình và cô em gái phải dọn dẹp gần một tiếng mới xong. Nhắc lại cùng Cương kỷ niệm ấy, mình thấy trong lòng xốn xang. Cương cũng kể cho mình nghe về các bạn cùng lớp, nhiều bạn đã lập gia đình, một số bạn đi du học nước ngoài rồi ở lại định cư luôn, liên lạc với nhau toàn qua email.
Còn bản thân Cương giờ đã làm giám đốc một công ty cổ phần ngành bưu chính viễn thông, đã có vợ và có cậu con trai vừa được 1 tuổi. Trước khi chia tay, Cương bảo: "Em thấy cô vẫn trẻ như hồi xưa dạy chúng em, dù có mập hơn chút ít. Khi nào em sẽ tập hợp các bạn lại, làm hội lớp, thế nào cô cũng đến nhé". "Nhất định cô phải đến chứ. Để xem các em trưởng thành như thế nào".
Buổi tối cơm nước xong, mình kể lại với chồng chuyện gặp học sinh cũ. Hai đứa nhỏ cũng dỏng tai nghe. Rồi mình thấy cô con gái vào bàn học hí húi ghi chép gì đó. Có lẽ nó cảm nhận được điều gì mới mẻ về tình thầy trò chăng? Thỉnh thoảng nó vẫn kể với mình chuyện cô giáo với các bạn ở lớp. Nó sợ cô, nhưng không thích cô. "Vì cô giáo con hay mắng quá đáng những bạn học dốt, những bạn con trai nghịch ngợm". Mình chợt nghĩ nếu một lúc nào đó có học sinh của mình cũng kể với gia đình như thế, thì sao nhỉ? Ôi, cái nền giáo dục chạy theo thành tích này khiến những cô giáo khó lòng mà "như mẹ hiền" được nữa rồi! Hình như không chỉ lũ học trò, mà chính mình cũng thay đổi mà không biết...
Ngày... Câu nói của cu Tôm làm mình buồn cười suốt quãng đường đến trường. Chả là ông cụ nhà mình bị tai biến mạch máu não, gần như nằm liệt tại chỗ suốt một năm nay. Bây giờ tình trạng trở nên nặng hơn, những vết loét ở lưng bắt đầu xuất hiện. Bởi thế mà chị giúp việc - Tôm gọi là bác Phương - hàng ngày khá mất thời gian vào việc rửa vết thương và bôi thuốc cho ông. Tôm xem bác làm, và thấy trên mình ông nội những đám thuốc khi xanh khi nâu, chạy lại nói với mình: "Mẹ ơi, bác Phương tô màu cho ông kỹ thế? Mà sao ngày nào cũng phải tô lại?". Cả nhà phì cười. Trẻ con thật là dễ thương. Chúng có những câu nói bật ra từ sự liên tưởng vô cùng chính xác mà lại rất ngộ nghĩnh. Giá mà chúng cứ mang cái nhìn trong sáng ấy vào trường học, và giữ được cho ngày càng lớn lên! Giá mà những chuyện chẳng hay ho gì của người lớn không làm vẩn đục được tâm hồn non nớt của trẻ! Mà mình mắc bệnh mất rồi! Tại sao lúc nào cũng liên hệ mọi chuyện đến vấn đề giáo dục thế này? Bệnh nghề nghiệp ư? Đang vui vì sự nhí nhảnh đáng yêu của con lại chuyển sang lo về tương lai của nó. Còn hai năm nữa nó mới vào lớp 1 kia mà. Biết đâu đến lúc ấy tình hình sẽ khác? Hy vọng thế...
Hôm nay mình dạy một trích đoạn của vở chèo "Quan Âm Thị Kính" cho lớp 7A. Giáo án thì đã soạn kĩ, nhưng mình vẫn thấy lo lo. Vở chèo này ngày xưa mình đã xem nhiều lần, và rất thích. Nhưng mình lo là học sinh bây giờ thậm chí chẳng biết "chèo" là gì. Sân khấu, đối với chúng chỉ là những tiếng la hét, những ca từ chẳng đâu vào đâu, những điệu múa giơ chân giơ tay loạn xị...
Làm sao chúng có thể hình dung nổi sân khấu dân gian với những sân đình, mặt ao, những điệu hát sử, bình tiểu... vô cùng điêu luyện của chèo? Đấy là chưa nói đến phần nội dung thường là những mâu thuẫn giai cấp thời phong kiến, đề cao những chuẩn mực đạo đức theo cách nhìn của xã hội phong kiến, rất xa lạ với bọn trẻ bây giờ. Dẫu biết rằng các nhà cải cách có ý đồ tốt đẹp là giáo dục toàn diện cho học sinh, nhưng mình e rằng họ chưa nghiên cứu đến tâm lý lứa tuổi (12-13 tuổi, lớp 7, vẫn có những đứa trẻ thậm chí chẳng phân biệt được đâu là ngan, đâu là vịt, nói gì đến làm quen với sân khấu dân gian; cùng lắm thì biết Xuân Hinh hay diễn hài, chứ chẳng biết Xuân Hinh vốn là một hề chèo xuất sắc), cũng chẳng để ý gì đến không gian văn hoá bao bọc quanh học trò. Thế là giáo viên bọn mình cứ è cổ ra hứng chịu cùng lũ học trò. Cuối chương trình, đánh đùng một cái, đưa một trích đoạn chèo vào, dạy sao thì dạy, học sao thì học, không hề có sự chuẩn bị dần dà gì từ trước (cái mà các nhà giáo dục gọi một cách hay ho là "chuẩn bị tâm thế tiếp nhận và cảm thụ tác phẩm văn học")! Xong, hết chương trình, ôn thi học kì II.
Trẻ con mồ hôi mồ kê nhễ nhại đọc như đánh vật với những câu "Trách lòng ai nỡ phụ lòng/Đang tay nỡ bẻ phím đồng làm đôi/Nhật nguyệt rạng soi/Thấu tình chăng nhẽ..." mà chả hiểu mình đang đọc gì. Nhìn mà thương! Và khi chúng vừa hiểu được chút ít về nỗi oan của Thị Kính, vừa thương cảm chút ít trước số phận bi kịch của người phụ nữ thời phong kiến nói chung thì những tình cảm, hiểu biết mong manh ấy bị dập tắt ngay bởi một lô những văn bản nào là biểu cảm, nào là nghị luận, nào là thơ Đường luật, thơ lục bát... phải ôn trong bài tiếp theo. Thế đấy, hoan hô SGK!
Ngày... Ngẫm ra, thấy mình thật là vô lý khi cứ mua lo vào người. Cuộc sống tươi đẹp ngoài kia, mình đâu đã thưởng thức hết? Kỳ nghỉ 30/4, 1/5 năm nay được những 4 ngày. Người ta háo hức bàn về những chuyến đi, nào Sa Pa, Tam Đảo, nào Trà Cổ, Hạ Long... Còn mình lại chỉ lo phân chia mấy tiết học trước khi thi học kỳ, tiết nào ôn Văn, tiết nào Tiếng Việt, tiết nào Tập làm văn.
Thấy vui vui khi nghĩ đến lời hẹn của lớp 9H cũ: "Sáng 1/5 bọn em sẽ đến rủ cô đi chơi". Chắc là chúng quá hiểu cái tính hay lo của mình - chả gì cô trò cũng đã ở bên nhau 4 năm mà - nên tìm cách lôi mình ra khỏi mớ công việc để xả hơi đây. Mình háo hức mong đến ngày ấy y như học trò nôn nao chờ đợi ngày được đi cắm trại. Xét cho cùng, dù còn không ít điều bất như ý về nghề, mình vẫn thấy một cái được rất lớn, đó là tình cảm thầy trò. Lại nhớ ngày bế giảng năm học trước, sau những thủ tục ở sân trường, học sinh đến chật nhà, chúng chia sẻ với mình bao ước mơ, bao suy nghĩ của tuổi mới lớn. Những dòng lưu bút tươi rói vẫn còn đây, trong số đó có của cả những đứa học lực yếu, khi học làm mình bực suốt, vậy mà giờ đọc lại lại nhắc nhở mình về những năm tháng đẹp đẽ mà chắc chắn mình sẽ lưu giữ mãi.
Một năm học nữa lại sắp kết thúc, những ngày mệt mỏi vì học sinh sắp sửa chấm dứt. "Tạm thời chấm dứt". Bây giờ chỉ mong: "Bao giờ cho đến nghỉ hè?". Nghỉ hè rồi thì lại bụng bảo dạ: "Bao giờ vào năm học mới?"...
Phùng Ngọc Châm.
H Ế T