Ngày xửa ngày xưa, tại tỉnh Rennes bên Pháp...
Năm ấy, Ân, Bằng và tôi thuê nhà ở chung cho đỡ tốn tiền. Ba đứa học ba trường khác nhau. Công việc trong tuần cứ đều đều sáng vác cặp đi, tối vác về. Cơm trưa, cơm chiều có Resto-U (quán ăn sinh viên) phục dịch. Chúng tôi chỉ gặp nhau một lúc buổi sáng, buổi tối và cuối tuần.
Mùa đông năm 1967, thiên hạ xuýt xoa... sao mà rét thế. Nhiệt độ trong ngày cứ quanh quẩn ở khoảng mấy độ âm. Tuyết phủ trắng thành phố. Sáng dậy, nhìn qua cửa sổ, không muốn ra khỏi nhà...
Cữ này, ngoài Bắc đang có mưa phùn, trong Nam thì vẫn nắng hằng ngày.
Ba đứa chúng tôi đang ăn sáng, cười đùa, bỗng Bằng ra hiệu im lặng:
- Hôm nay hai toa về sớm cúng Giao Thừa, đón Tết nghe.
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, hôm nay Tết à? Moa chưa được thư nhà nên chả biết gì cả.
Ân cười rộ, trả lời Bằng:
- Toa giỡn hoài. Nhà có gì đâu mà định cúng với lễ?
Ân nói đúng. Nhà chả có gì. Chúng tôi chỉ có hai gói bánh mì khô và lọ mứt để ăn sáng. Mấy quả trứng, ít nui (nouille) ít pát (pâte), để buổi tối đứa nào đói thì ăn thêm. Vậy mà Bằng định làm cỗ? Đào đâu ra đồ ăn?
Tôi đùa thêm:
- Toa định làm cỗ bằng bánh mì, dăm bông (jambon) à?
Nước Pháp vào khoảng những năm 1960-1970, còn ít người Á Đông. Ở Rennes thì chỉ lưa thưa hai, ba chục sinh viên Việt, Miên, Lào. Đồ ăn Việt Nam hoàn toàn không có gì. Của đáng tội, đứa nào nhớ cơm thì cũng có gạo Taureau ailé của Pháp, hay Uncle Ben s của Mĩ. Ăn với thịt bò hộp, cá hộp, hay trứng tráng cũng xong, cũng dịu được cơn thèm.
Bài ca quen thuộc của chúng tôi mỗi khi gặp nhau là nhớ, là thèm cơm Việt Nam. Cơm Tây... chán quá. Chán nhưng vẫn đều đều ngày hai bữa vì chẳng lẽ lại... nhịn đói !
Kể cũng lạ.
Hồi còn ở Việt Nam thì chê cơm của mẹ, chỉ mơ ước được ăn cơm tây, tráng miệng bằng táo tây, cam tây. Sang tây thì lại chê cơm tây, thèm cơm của mẹ. Ở Việt Nam thì sính đồ Pháp, sang Pháp thì lại kháo nhau phải made in USA mới đẹp, mới chiến... Nhiều đứa cứ lùng bùng không thoát ra khỏi vòng Đứng núi này, trông núi nọ.
Thỉnh thoảng chúng tôi thèm phở. Phải kiên nhẫn chờ đến chủ nhật, kéo thêm bạn bè. Đàn đúm, đấu láo đông mới vui. Ăn uống đông... mới rẻ. Có rẻ... mới đông.
Phở của chúng tôi là tảng thịt bò bắp có gân, có mỡ. Thằng Quế phịa là nhà có chó, ông hàng thịt cưa cho cục xương đầy tuỷ, tặng thêm một ít bạc nhạc. Hoan hô chó. Chó là bạn tốt của sinh viên Việt Nam.
Thịt, xương cho vào nồi đun sôi, vớt bọt. Bỏ gia vị. Ba, bốn nụ đinh hương, muscat, một củ hành tây nướng, mấy cục đường, bốn năm cục Viandox. Hầm bếp Camping gaz độ một giờ là xong.
- Nghe nói tiệm Thanh Bình trên Paris có cánh hồi đấy, có đứa nào lên chơi thì nhớ mua giùm.
- Này, tụi thằng Đạt bảo là Maggi nhẹ mùi, khá hơn Viandox.
- Các cô chê bánh phở làm bằng spaghetti sợi tròn không đúng điệu, nui Lustucru ngon hơn.
Phở của chúng tôi có thêm đĩa hành tây trộn dấm. Có tiêu, có chanh, có ớt Cayenne cay xé lưỡi. Phở Maubert hay phở Cha Giản trên Paris cũng chỉ được như thế này là cùng.
- Giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi...Mời anh xơi, mời em xơi...
Căn phòng ồn ào như vỡ chợ. Đứa thì đòi mỡ gầu, đứa muốn thêm tí gân. Đừng cho moa nước béo. Chần cho tớ ít hành. Cuối bữa là màn khề khà xíu quách với bia.
Ngon ơi là ngon...Mỗi đứa chỉ tốn xấp xỉ một ticket Resto-U (năm 1967, vé ăn giá 1,10 franc, gần bằng 0,20 euro).
Ân đề nghị Bằng nấu phở cúng Giao Thừa. Bằng bác liền:
- Không được ! Ngày Tết ai lại cúng phở. Các cụ mắng cho bây giờ. Moa làm cỗ. Chỉ yêu cầu hai toa về đúng giờ cho vui.
Ân nửa đùa nửa thật:
- Moa rủ Jacqueline được không?
Câu hỏi của Ân làm tôi chợt nhớ nàng tiên tóc vàng Monique năm MPC. Có lần ngủ mê chập chờn, thấy mình được ôm eo, tán tỉnh nàng... trong vườn Tao Đàn. Sướng như điên. Điều bất ngờ và thú vị nhất là không những Monique chịu chơi mà còn biết nhõng nhẽo... bằng tiếng Việt. Tỉnh dậy, tôi mới thấy trình độ tiếng Pháp của mình chưa đủ để phục vụ tình hữu nghị quốc tế.
Hậm hực mãi... Hôm nay tôi mới được dịp thổ lộ:
- Ăn Tết mà cứ phải chia động từ tiếng Pháp thì...mất hứng.
- Moa đồng ý với thằng Dư. Toa rủ được cô Mít nào thì cứ rủ, đừng rủ đầm.
- Các cô nhà mình khó lắm toa ơi. Đâu có cô nào chịu bỏ học để đi ăn.
- Ê ! Chiều nay moa không có gì, đâu phải trốn học. Moa nói thật đấy, bọn toa nhớ về trước 5 giờ nghe.
Buổi chiều hôm ấy, tôi làm qua loa cho xong bài thực tập Hoá Học, rồi giả vờ đau bụng, xin phép về sớm.
Tôi về đến nhà lúc gần 5 giờ. Ân đã về trước tôi.
- Thơm quá! Kiếm đâu ra nhang vậy?
- Nhang Ấn Độ đấy. Moa nhờ thằng Eric xin bọn Krishna từ tuần trước.
- Có phải bọn đầu trọc, áo vàng, khua chuông gõ mõ, múa hát ngoài đường không?
- Chính hắn. Sắp 5 giờ rồi ! Thôi, bọn mình sửa soạn lễ là vừa.
Mâm cỗ bày gọn trên chiếc bàn ăn sáng. Giữa mâm là con gà. Bằng uốn gà khéo quá. Cánh khép, chân quỳ, cổ cong như chữ S, mỏ ngậm bông hoa màu đỏ. Bên trái là bát canh cải hoa, điểm vài lát cà rốt màu cam tỉa răng cưa, lấm tấm mấy hạt đậu màu xanh. Bên phải là đĩa xào cũng nhiều màu sặc sỡ. Đằng trước bày bát cơm, ba nén nhang cắm trong một chén gạo, một li nước và một đĩa cam.
Căn phòng bỗng im lặng, trang nghiêm khác thường. Hương thơm của mâm cỗ quyện vào khói nhang làm cay cay mắt. Chúng tôi lần lượt đến trước bàn thờ khấn vái.
Tôi không nghe được những lời khấn của Bằng, của Ân, nhưng tôi đoán là cả ba đứa cùng nghĩ đến gia đình. Chúng tôi cùng cầu cho mọi người bên Việt Nam sang năm mới được khoẻ mạnh, bình an...
Chắc chắn là giây phút này bố mẹ chúng tôi bên Thị Nghè, Phú Nhuận hay Sài Gòn, cũng đang cúng Giao Thừa, đang thì thầm khấn ông bà, ông vải phù hộ cho ba thằng con xa nhà.
Lễ xong, chúng tôi chúc Tết lẫn nhau.
Bằng chúc Ân:
- Chúc toa năm mới lọt vào mắt xanh cô nào.
- Toa đừng chúc bậy ! Bên Pháp chỉ có đầm mắt xanh chứ không có cô Mít nào mắt xanh đâu nhé. Coi chừng đấy !
- Thế thì chúc toa lọt vào mắt đen cô Mít tố nữ nào vậy.
Tôi phụ hoạ thêm:
- Nhưng đừng... lọt thỏm, chết đuối nghe.
Ân chúc tôi:
- Chúc toa lấy được certif (chứng chỉ).
Đến lượt tôi chúc Bằng:
- Chúc toa lên lớp... Này, cho moa hỏi nhỏ, con gà ngậm hoa gì vậy?
- Moa cũng chẳng biết là hoa gì. Đi qua vườn Thabor, mắt trước mắt sau, ngắt trộm được một bông. Đáng lẽ phải có nhiều hoa, nhưng sợ bị bắt thì... dông cả năm, moa không dám. Bàn thờ còn thiếu rượu, phải thay bằng nước lã. Nói lén các cụ, lát nữa mình có bia để nhậu.
- Toa kiếm đâu ra đủ thứ ngon lành vậy?
- Toàn là tây đấy chứ. Cải tây, hành tây, tỏi tây, cần tây... Đồ ăn thuộc loại sang bên Việt Nam đấy. Tiệm Chez Mohammed có đủ cả.
Nhang sắp tàn. Mình lễ tạ là xong. Moa đi chặt gà, toa trộn chút muối tiêu, pha tí dấm...Ân ơi, mang xoong cơm ra đi. Đói bụng rồi. Canh, xào ăn hết, vào bếp lấy thêm...
Chúng tôi được một bữa... ăn thả cửa. Ba thằng vịt đực ca hát... như đấm vào tai. Lôi mấy cô đầm ra pha trò nhảm nhí. Vui như Tết !
Gần 12 giờ đêm mới đi ngủ.
Hè năm ấy, chúng tôi trả nhà.
Từ đấy không còn dịp cùng nhau đón Tết đúng Giao Thừa bên nhà.
Chỉ một lần mà nhớ mãi không quên.
ST ! (Tác Giả: Nguyễn Dư )
Năm ấy, Ân, Bằng và tôi thuê nhà ở chung cho đỡ tốn tiền. Ba đứa học ba trường khác nhau. Công việc trong tuần cứ đều đều sáng vác cặp đi, tối vác về. Cơm trưa, cơm chiều có Resto-U (quán ăn sinh viên) phục dịch. Chúng tôi chỉ gặp nhau một lúc buổi sáng, buổi tối và cuối tuần.
Mùa đông năm 1967, thiên hạ xuýt xoa... sao mà rét thế. Nhiệt độ trong ngày cứ quanh quẩn ở khoảng mấy độ âm. Tuyết phủ trắng thành phố. Sáng dậy, nhìn qua cửa sổ, không muốn ra khỏi nhà...
Cữ này, ngoài Bắc đang có mưa phùn, trong Nam thì vẫn nắng hằng ngày.
Ba đứa chúng tôi đang ăn sáng, cười đùa, bỗng Bằng ra hiệu im lặng:
- Hôm nay hai toa về sớm cúng Giao Thừa, đón Tết nghe.
Tôi ngạc nhiên:
- Ủa, hôm nay Tết à? Moa chưa được thư nhà nên chả biết gì cả.
Ân cười rộ, trả lời Bằng:
- Toa giỡn hoài. Nhà có gì đâu mà định cúng với lễ?
Ân nói đúng. Nhà chả có gì. Chúng tôi chỉ có hai gói bánh mì khô và lọ mứt để ăn sáng. Mấy quả trứng, ít nui (nouille) ít pát (pâte), để buổi tối đứa nào đói thì ăn thêm. Vậy mà Bằng định làm cỗ? Đào đâu ra đồ ăn?
Tôi đùa thêm:
- Toa định làm cỗ bằng bánh mì, dăm bông (jambon) à?
Nước Pháp vào khoảng những năm 1960-1970, còn ít người Á Đông. Ở Rennes thì chỉ lưa thưa hai, ba chục sinh viên Việt, Miên, Lào. Đồ ăn Việt Nam hoàn toàn không có gì. Của đáng tội, đứa nào nhớ cơm thì cũng có gạo Taureau ailé của Pháp, hay Uncle Ben s của Mĩ. Ăn với thịt bò hộp, cá hộp, hay trứng tráng cũng xong, cũng dịu được cơn thèm.
Bài ca quen thuộc của chúng tôi mỗi khi gặp nhau là nhớ, là thèm cơm Việt Nam. Cơm Tây... chán quá. Chán nhưng vẫn đều đều ngày hai bữa vì chẳng lẽ lại... nhịn đói !
Kể cũng lạ.
Hồi còn ở Việt Nam thì chê cơm của mẹ, chỉ mơ ước được ăn cơm tây, tráng miệng bằng táo tây, cam tây. Sang tây thì lại chê cơm tây, thèm cơm của mẹ. Ở Việt Nam thì sính đồ Pháp, sang Pháp thì lại kháo nhau phải made in USA mới đẹp, mới chiến... Nhiều đứa cứ lùng bùng không thoát ra khỏi vòng Đứng núi này, trông núi nọ.
Thỉnh thoảng chúng tôi thèm phở. Phải kiên nhẫn chờ đến chủ nhật, kéo thêm bạn bè. Đàn đúm, đấu láo đông mới vui. Ăn uống đông... mới rẻ. Có rẻ... mới đông.
Phở của chúng tôi là tảng thịt bò bắp có gân, có mỡ. Thằng Quế phịa là nhà có chó, ông hàng thịt cưa cho cục xương đầy tuỷ, tặng thêm một ít bạc nhạc. Hoan hô chó. Chó là bạn tốt của sinh viên Việt Nam.
Thịt, xương cho vào nồi đun sôi, vớt bọt. Bỏ gia vị. Ba, bốn nụ đinh hương, muscat, một củ hành tây nướng, mấy cục đường, bốn năm cục Viandox. Hầm bếp Camping gaz độ một giờ là xong.
- Nghe nói tiệm Thanh Bình trên Paris có cánh hồi đấy, có đứa nào lên chơi thì nhớ mua giùm.
- Này, tụi thằng Đạt bảo là Maggi nhẹ mùi, khá hơn Viandox.
- Các cô chê bánh phở làm bằng spaghetti sợi tròn không đúng điệu, nui Lustucru ngon hơn.
Phở của chúng tôi có thêm đĩa hành tây trộn dấm. Có tiêu, có chanh, có ớt Cayenne cay xé lưỡi. Phở Maubert hay phở Cha Giản trên Paris cũng chỉ được như thế này là cùng.
- Giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi...Mời anh xơi, mời em xơi...
Căn phòng ồn ào như vỡ chợ. Đứa thì đòi mỡ gầu, đứa muốn thêm tí gân. Đừng cho moa nước béo. Chần cho tớ ít hành. Cuối bữa là màn khề khà xíu quách với bia.
Ngon ơi là ngon...Mỗi đứa chỉ tốn xấp xỉ một ticket Resto-U (năm 1967, vé ăn giá 1,10 franc, gần bằng 0,20 euro).
Ân đề nghị Bằng nấu phở cúng Giao Thừa. Bằng bác liền:
- Không được ! Ngày Tết ai lại cúng phở. Các cụ mắng cho bây giờ. Moa làm cỗ. Chỉ yêu cầu hai toa về đúng giờ cho vui.
Ân nửa đùa nửa thật:
- Moa rủ Jacqueline được không?
Câu hỏi của Ân làm tôi chợt nhớ nàng tiên tóc vàng Monique năm MPC. Có lần ngủ mê chập chờn, thấy mình được ôm eo, tán tỉnh nàng... trong vườn Tao Đàn. Sướng như điên. Điều bất ngờ và thú vị nhất là không những Monique chịu chơi mà còn biết nhõng nhẽo... bằng tiếng Việt. Tỉnh dậy, tôi mới thấy trình độ tiếng Pháp của mình chưa đủ để phục vụ tình hữu nghị quốc tế.
Hậm hực mãi... Hôm nay tôi mới được dịp thổ lộ:
- Ăn Tết mà cứ phải chia động từ tiếng Pháp thì...mất hứng.
- Moa đồng ý với thằng Dư. Toa rủ được cô Mít nào thì cứ rủ, đừng rủ đầm.
- Các cô nhà mình khó lắm toa ơi. Đâu có cô nào chịu bỏ học để đi ăn.
- Ê ! Chiều nay moa không có gì, đâu phải trốn học. Moa nói thật đấy, bọn toa nhớ về trước 5 giờ nghe.
Buổi chiều hôm ấy, tôi làm qua loa cho xong bài thực tập Hoá Học, rồi giả vờ đau bụng, xin phép về sớm.
Tôi về đến nhà lúc gần 5 giờ. Ân đã về trước tôi.
- Thơm quá! Kiếm đâu ra nhang vậy?
- Nhang Ấn Độ đấy. Moa nhờ thằng Eric xin bọn Krishna từ tuần trước.
- Có phải bọn đầu trọc, áo vàng, khua chuông gõ mõ, múa hát ngoài đường không?
- Chính hắn. Sắp 5 giờ rồi ! Thôi, bọn mình sửa soạn lễ là vừa.
Mâm cỗ bày gọn trên chiếc bàn ăn sáng. Giữa mâm là con gà. Bằng uốn gà khéo quá. Cánh khép, chân quỳ, cổ cong như chữ S, mỏ ngậm bông hoa màu đỏ. Bên trái là bát canh cải hoa, điểm vài lát cà rốt màu cam tỉa răng cưa, lấm tấm mấy hạt đậu màu xanh. Bên phải là đĩa xào cũng nhiều màu sặc sỡ. Đằng trước bày bát cơm, ba nén nhang cắm trong một chén gạo, một li nước và một đĩa cam.
Căn phòng bỗng im lặng, trang nghiêm khác thường. Hương thơm của mâm cỗ quyện vào khói nhang làm cay cay mắt. Chúng tôi lần lượt đến trước bàn thờ khấn vái.
Tôi không nghe được những lời khấn của Bằng, của Ân, nhưng tôi đoán là cả ba đứa cùng nghĩ đến gia đình. Chúng tôi cùng cầu cho mọi người bên Việt Nam sang năm mới được khoẻ mạnh, bình an...
Chắc chắn là giây phút này bố mẹ chúng tôi bên Thị Nghè, Phú Nhuận hay Sài Gòn, cũng đang cúng Giao Thừa, đang thì thầm khấn ông bà, ông vải phù hộ cho ba thằng con xa nhà.
Lễ xong, chúng tôi chúc Tết lẫn nhau.
Bằng chúc Ân:
- Chúc toa năm mới lọt vào mắt xanh cô nào.
- Toa đừng chúc bậy ! Bên Pháp chỉ có đầm mắt xanh chứ không có cô Mít nào mắt xanh đâu nhé. Coi chừng đấy !
- Thế thì chúc toa lọt vào mắt đen cô Mít tố nữ nào vậy.
Tôi phụ hoạ thêm:
- Nhưng đừng... lọt thỏm, chết đuối nghe.
Ân chúc tôi:
- Chúc toa lấy được certif (chứng chỉ).
Đến lượt tôi chúc Bằng:
- Chúc toa lên lớp... Này, cho moa hỏi nhỏ, con gà ngậm hoa gì vậy?
- Moa cũng chẳng biết là hoa gì. Đi qua vườn Thabor, mắt trước mắt sau, ngắt trộm được một bông. Đáng lẽ phải có nhiều hoa, nhưng sợ bị bắt thì... dông cả năm, moa không dám. Bàn thờ còn thiếu rượu, phải thay bằng nước lã. Nói lén các cụ, lát nữa mình có bia để nhậu.
- Toa kiếm đâu ra đủ thứ ngon lành vậy?
- Toàn là tây đấy chứ. Cải tây, hành tây, tỏi tây, cần tây... Đồ ăn thuộc loại sang bên Việt Nam đấy. Tiệm Chez Mohammed có đủ cả.
Nhang sắp tàn. Mình lễ tạ là xong. Moa đi chặt gà, toa trộn chút muối tiêu, pha tí dấm...Ân ơi, mang xoong cơm ra đi. Đói bụng rồi. Canh, xào ăn hết, vào bếp lấy thêm...
Chúng tôi được một bữa... ăn thả cửa. Ba thằng vịt đực ca hát... như đấm vào tai. Lôi mấy cô đầm ra pha trò nhảm nhí. Vui như Tết !
Gần 12 giờ đêm mới đi ngủ.
Hè năm ấy, chúng tôi trả nhà.
Từ đấy không còn dịp cùng nhau đón Tết đúng Giao Thừa bên nhà.
Chỉ một lần mà nhớ mãi không quên.
ST ! (Tác Giả: Nguyễn Dư )