Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Về Cội

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Về Cội

    Một chiếc lá rơi, khẽ hơn cánh chim bay. Từ trong chùa vọng ra tiếng chuông thỉnh, chắc là có người vừa dâng lễ. Mùi hương trầm lan tỏa và tan biến vào chiều tối Hồ Tây.
    Cụ Phùng đã 81 tuổi, người Nghi Tàm chính gốc, phiêu bạt từ 1940 sang Marseilles nước Pháp rồi lại dạt sang Toronto nước Canada. Nhờ tính cần cù, trí thông minh và đức sống kín đáo của người Việt, cụ xây dựng được cơ nghiệp bên đấy, lấy vợ Tây, có biệt thự, con cháu đông đúc. Song càng về già, nỗi nhớ quê hương càng như ngọn lửa nóng bỏng thiêu đốt lòng cụ, mà quê hương đối với cụ là Nghi Tàm bởi ngoài mảnh đất ven hồ ấy, cụ chưa hề được đặt chân đến làng quê nào khác của Việt Nam. Cụ muốn giữ cốt cách của người Á Đông nên cố gắng tập thiền, nhưng mỗi lần nhắm mắt định tâm, cụ lại toàn như trông thấy những đám bèo tây trôi dạt theo gió trên mặt hồ mờ sương, rồi ngửi thấy mùi ổi chín thơm phức từ đê Quảng Bá đưa về. Cụ cũng thấy cả ngôi nhà lợp ngói ba gian của cha mẹ cụ nằm giữa một mảnh vườn thênh thang, ươm trồng toàn hoa trà mi. Cụ Phùng nhớ da diết những bông hoa trà, cụ thấy hoa đỏ như máu rụng xuống đất, tan biến ra rồi nhập vào li ti huyết quản của cụ mà chảy thật thơm tho. Con cháu, bạn bè cụ nhìn cụ râu tóc bạc phơ, da mặt đỏ au ngồi thiền đề cố giữ cho được yên tĩnh, nhưng chính những lúc ấy tâm hồn cụ lại phiêu diêu về mảnh đất đầy ắp nắng tháng ba, những bước chân nhẹ nhàng và tiếng cười khúc khích, tinh nghịch của một người con gái. Cụ nhớ như in màu áo nâu non bó gọn vóc dáng người đáng ra đã là vợ cụ nhưng chỉ vì nghèo, gia đình người ấy khinh bạc mà cụ đã phẫn chí bỏ đi. Việc thiền không đem lại sự bình yên mà còn thúc giục cụ phải trở về. Cụ nói với con cháu, dù thế nào thì đấy vẫn là đất nước của tao, hãy để tao đi một lần dối già.
    Cụ Phùng không biết rằng Nghi Tàm nay đã thay đổi và trở thành một làng du lịch nổi tiếng của Hà Nội, dân làng mau chóng giàu lên nhờ nghề trồng cây cảnh và nuôi cá vàng truyền thống. Những ngày đầu lững thững đi trong làng, lòng cụ hoang mang vì không còn thấy lại sự yên bình như cụ vẫn tưởng. Những biệt thự mới xây, đang xây san sát bên nhau. Họa hoằn lắm cụ mới gặp một người già, còn toàn những trẻ ranh phóng xe máy vun vút qua làm cụ hết hồn. Trên đê không còn cỏ xanh và những dãy ổi hoang dã. Cụ phải hỏi thăm đến người thứ bảy mới tìm lại được mảnh đất nhà cụ đã ở cách đây bốn mươi năm. Cụ ngơ ngác đứng trước một tòa nhà nguy nga có tên là biệt thự Huyền Trân. Cụ hỏi thăm về những người đã ở, về một cây hoa lan và những khóm mẫu đơn thì chủ nhân nói nếu cụ không thuê phòng trọ thì xin lỗi vì không biết gì về những điều cụ hỏi. Cụ ngậm ngùi quay đi, bỗng thấy mình lạc lòng và cô đơn hơn cả Toronto. Khi đi ngang qua một vùng cảnh ven hồ, cụ chợt nhìn thấy một giàn hoa trà. Ôi, những chậu hoa trà vẫn còn nguyên trong tâm trí của cụ. Người chủ vườn đang nhẩn nha tỉa cây. Cụ Phùng vào vườn và hỏi:
    - Thưa ông, ông có thể cho tôi ngắm những chậu hoa trà của ông không?
    Người chủ vườn ngẩng lên, thoáng ngạc nhiên trước câu hỏi lễ phép của một cụ già đáng tuổi bố mình rồi cũng lễ phép thưa:
    - Xin mời cụ.
    - Ông có những cây trà đẹp quá, có dễ phải đến mấy chục năm?
    - Thưa cụ, còn hơn thế nữa ạ.
    - Chao ôi là công phu. Cái thứ hoa trà này nó nhạy cảm lắm, mình bỏ mồ hôi công sức chăm bẵm, che sương chắn nắng, nó như hiểu được lòng mình. Mà tôi trông đây như là giống cung phấn trà vậy. Nếu đúng thì chắc quý lắm.
    - Thưa cụ, cháu nom cụ có dáng từ xa về mà sao cụ lại sành về hoa trà thế? Quả đấy là cung phấn trà, ở Hà Nội mình hiếm lắm, chỉ vài người giữ được.
    Lần đầu tiên từ khi về nước, cụ Phùng thấy mình được cởi mở, bao nhiêu tâm sự bộc bạch cứ như muốn ào tuôn ra.
    - Tôi chính là người Nghi Tàm, cũng có trồng trà mi. Phiêu bạt năm mươi năm nay, bây giờ quay lại tìm người thân chưa gặp, gặp được người trồng trà như ông cũng mừng lắm rồi. Cái tình giữa hoa với người thật đậm đà ông ạ. Nghi Tàm mình xưa có ông Thám Vinh, hơn tôi ít tuổi, đam mê trà mi chăm bẵm cầu kỳ không ai bằng. Hoa của ông bao giờ cũng đẹp, cũng có tình nhất. Khi ông Thám Vinh bị bệnh qua đời thì giàn trà mi của ông cũng lụi dần đi không ai gây lại được.
    - Thưa cụ, cháu cũng theo bố mẹ cháu làm vườn từ bé. Cháu thấy chính thời gian mình bỏ ra chăm bẵm cây tưới tắm, tỉa tót cho nó đã làm cho nó gắn bó với mình. Cháu cũng nghe mẹ cháu kể về cụ Thám Vinh làng mình nhưng những chuyện như thế, lớp trẻ bây giờ không còn để ý.
    - Mẹ ông cũng biết về ông Thám Vinh, vậy bà cụ chắc phải ngót nghét 80?
    - Anh em cháu sẽ tổ chức thượng thọ cho mẹ cháu vào sang năm, đúng 80 tuổi. Cả đời mẹ cháu ở Nghi Tàm, Quảng Bá, chỉ trồng cây cảnh và cũng yêu thích hoa trà mi lắm.
    - Thế còn ông cụ?
    - Bố cháu cũng chuyên trồng trà mi, hai cây cung phấn trà này là của bố mẹ cháu ươm từ hơn 20 năm nay mới được thế này. Bố cháu đã mất từ dăm năm nay.
    - Không dám hỏi ông, bà cụ mẹ ông tên gì?
    - Thưa, mẹ cháu là Thơm.
    Lúc ấy là chín giờ. Nắng sớm tháng ba lóa trên mặt Hồ Tây khiến cụ Phùng như không còn thấy đóa trà đỏ rực khi nãy. Cụ nghe tiếng một con chích chòe lảnh lót chắc là trên một ngọn xoan đang nở hoa đâu đây. Cụ cũng nghe tiếng xe ben ầm ì đổ cát ngoài chân đê và rồi lại tiếng một chiếc xe máy rồ lên trên đường làng. Cụ bàng hoàng vì cái tên vừa nghe được. Tim cụ đập rộn ràng và cụ phải vịn tay vào cái cọc trên bên cạnh. Liệu Thơm có phải là người cụ đang đi tìm, là tiếng gọi thúc giục cụ trở về, là duyên cớ chuyến đi dối già của cụ? Nhưng có đúng Thơm ấy không? Cụ gắng trấn tĩnh hỏi chuyện tiếp, giọng nghe đã run run:
    - Bà cụ ở cùng với ông à?
    - Thưa, mẹ cháu ở một mình, cũng gần đây thôi, bên Quảng Bá. Mẹ cháu nói còn khỏe chân mạnh tay nên chưa muốn phiền lụy con nào.
    - Nếu cụ biết đến ông Thám Vinh thì có thể cụ cũng biết anh em nhà tôi. Xin ông cho tôi được gặp cụ bà để hỏi chuyện thì cám ơn quá.
    - Vậy thì rước cụ vào nhà, để con sai các cháu đi mời bà cháu sang.


    - o O o -


    Những ngày sau, lũ trẻ Nghi Tàm thường kháo nhau về một cặp tình nhân già, nhưng không ác khẩu mà đầy vẻ trân trọng, trìu mến. Cụ Phùng đã tìm lại được người bạn tình thời trai trẻ của mình, cũng là người thân quen duy nhất còn lại. Cụ Thơm mời cụ Phùng về ở hẳn nhà mình tại Quảng Bá, ngôi nhà ngói hai gian đơn sơ giữa vườn ổi và hồng xiêm. Cụ chỉ lại cho cụ Phùng cây trà mi mà chính cụ Phùng đã trồng cách dây 50 năm. Cây đã cỗi nhưng vẫn đơm hoa và trông có vẻ trang nghiêm vì bên gốc là nấm mộ chồng cụ Thơm đã được xây cất cẩn thận. Hằng ngày, hai cụ thủng thẳng đi trong làng, nhắc lại cho nhau chỗ ngày xưa có một ngôi nhà lá với cây bưởi hoa rụng trắng ngõ, chỗ kia là ruộng rau muốn nở hoa tím ngát vào những ngày mùa đông. Họ dẫn nhau tới một mỏm đất nhỏ xíu ven hồ, hai bên là hai biệt thự nguy nga. Cụ Thơm nói đấy chính là nơi hò hẹn ngày còn trẻ, lúc ấy hoang vắng và đầy bụi cây dại. Hai cụ thường ngồi với nhau ở đấy cho tới lúc mặt trời đỏ như một bông hoa trà mi rơi chìm hẳn xuống hồ. Có lúc cụ Thơm lại dắt cụ Phùng ra tận đê sông Hồng, đi bộ toát mồ hôi. Cụ ông say sưa ngắm những bãi ngô xanh mướt, thấy mình trai trẻ trở lại. Họ lại dắt nhau đi qua những xóm nghèo ven đê, kể về những người thân quen đã mất, ngửi mùi rơm mục ẩm ướt mà cụ Thơm nói rằng đó là mùi nhà quê của ông ngày xưa. Hai cụ thường gọi nhau là ông bà ngay trước những nụ cười độ lượng của con cháu. Một buổi chiều, sau khi thắp hương ở chùa Kim Liên, hai cụ đứng dưới một cây nhãn đang ra hoa, phía trước họ là một cây đại cũng đang bật chồi, xa nữa là Hồ Tây và bên kia hồ là Hà Nội đã lác đác lên đèn. Những tiếng động ngoài đời, trước khi lọt vào chùa, hình như cũng được thanh lọc, chỉ còn ầm ì như một dòng chảy. Chiều trong mát và lòng thanh bạch, hai cụ nắm tay nhau đứng im lặng. Cụ Thơm nói, thều thào trong tiếng gió:
    - Thế bao giờ ông sang bên kia với vợ con ông?
    Cụ Phùng bóp nhẹ tay cụ Thơm:
    - Tôi đã điện cho họ về cả đây rồi. Tôi đã gặp bà và sẽ ở lại đây mãi mãi.
    Một chiếc lá rơi, khẽ hơn cánh chim bay. Từ trong chùa vọng ra tiếng chuông thỉnh, chắc là có người vừa dâng lễ. Mùi hương trầm lan tỏa và tan biến vào chiều tối Hồ Tây.
    Chuyện cụ Phùng về Nghi Tàm và gặp lại cụ Thơm là chuyện một năm về trước. Các con cụ Phùng chưa kịp về quê nội thì cụ Phùng đã qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim. Các con cháu cụ Thơm và bà con làng Nghi Tàm, Quảng Bá đã lo cho cụ Phùng chu tất. Cụ Thơm không khóc, hoặc có khóc thì nói như các nhà thơ, nước mắt cụ chảy vào trong. Cụ xin với làng cho đặt cụ Phùng ngay trong vườn nhà, cạnh mộ chồng, bên gốc cây trà mi. Cây hoa là loại cung phấn trà, hoa tàn rụng xuống mà nhị vẫn không rữa. Sáng sáng, cụ Thơm mái tóc cũng bạc phơ, nét mặt thanh thản, lúi húi nhặt lấy những đóa hoa rơi bày vào đĩa rồi đặt lên hai nấm mộ, hoa cứ thế thoảng thơm tới một vài ngày sau. Những đĩa hoa đỏ như mặt trời chiều, cụ Thơm nghĩ không một chút buồn rầu, rằng còn một mặt trời chiều nữa bao giờ thì lặn hẳn xuống Hồ Tây./.

    ST ! ( Tác Giả: Thăng sắc )
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.
Working...
X