Một bữa cu Tý ở ngoài rẫy về nói với mẹ:
- Má, con trông thấy con gì lông lá đen sì, đi bằng hai chân, ghê lắm!
Chị Hai Liên nổi da gà, lại run. Bữa trước chị cuốc đất làm rẫy và đụng phải bộ xương người, chị la hoảng lên ôm lấy chồng. Ngược lại, chồng chị hỏi rối rít, vẻ vui mừng:
- Ở đâu, chỗ nào?
Chị nói không ra hơi.
- Chỗ kia, em cuốc phải một cái đầu lâu, thôi, anh cho em về. Em hết còn làm nổi nữa rồi.
Hai Đô động viên vợ:
- Em đừng sợ, xương người thì có gì phải sợ. Đâu, để anh lại coi sao.
Chị nắm chặt tay anh:
- Bỏ đi anh. Bỏ cái rẫy này đi, ta khai hoang chỗ khác.
Hai Đô gỡ tay vợ,bước đến bên bộ hài cốt. Anh lẩm bẩm: chỗ này là căn hầm bên gốc cây bằng lăng cụt ngọn, à đúng rồi, cái sọ to như thế là của thằng Chánh rồi, hắn có cái đầu sư tử mà. Hai Đô rưng rưng. Chánh tiếu lâm đây. Lúc nào hắn cũng nghĩ ra được một chuyện tiếu lâm làm cả tổ cười bò… Còn đây, đôi dép cao su. Hai Đô xỏ chân vào "Ôi dép to quá. Đúng dép của thàng Chánh rồi"… Mắt Hai Đô cay cay. Anh lấy áo ny lông bó bộ hài cốt và vác lên vai, đi về phía Liên. Chị vợ tái mặt la lên:
- Trời ơi, bỏ ngay đi!
Hai Đô:
- Đây là đồng đội anh.
Chị Hai vẫn run rẩy:
- Em sợ lắm.
Hai Đô hiểu, vợ anh vốn nhát. Anh để bộ hài cốt xuống đất nói:
- Thôi, để anh đưa em về.
Đưa vợ về nhà. Hai Đô lại tức tốc trở lên rẫy. Anh đưa bộ hài cốt về quả đồi sau nhà chôn cất cẩn thận. Từ bữa đó Hai Đô trở thành người khác hẳn, làm chị Hai Liên nhìn anh với cái nhìn là lạ. Trời ơi, anh rủ mình lên đây đi khai hoang, lập nghiệp, mà có phải đâu. Hình như ma đã làm anh ấy lú lẫn hết rồi. Suốt ngày anh đi đào bới tìm xương người. Liên ôm mặt khóc. Một đêm, chị nằm mơ thấy những bộ xương người, cái đầu lâu với hai hố mắt sâu hun hút, cái miệng đầy răng trắng nhởn cười với chị. Chị hét lên, bừng tỉnh. Hai Đô ôm lấy vợ:
- Gì mà em hét dữ vậy?
- Em mơ thấy ma.
Chợt chị thấy bàn tay anh lạnh giá. Đôi bàn tay này thường cầm vào xương người, chị rùng mình gỡ tay chồng, ôm chặt lấy thằng Tý. Tiếng con gì đang kêu quanh nhà "oa oa oa…" như tiếng trẻ con khóc. Ôi! Ma, ma rồi, người chị lạnh toát. May mà có thằng Tý. Chị cứ ôm chặt lấy nó. Nhiều đêm như vậy, chị không cho anh đụng đến người chị vì bàn tay lạnh toát của anh. Chị không còn chút hứng thú gì khi anh đụng vào người chị.
Hôm nay chị nói với chồng về việc nhìn thấy một bóng ma giữa ban ngày. Chị khóc:
- Về quê đi anh. Bỏ tất cả cũng được.
Một bữa, Hai Đô cõng thằng Tý vừa đi vừa nói chuyện. Gần đến nhà, anh thấy đói bụng. Anh nghĩ chắc Liên đã nấu cơm, đang chờ chồng con về ăn. Nhưng khi bước đến cửa, anh ngạc nhiên thấy nhà vắng vẻ, dưới bếp lạnh tanh. Hai Đô thấy mảnh giấy để trên bàn, anh chộp lấy đọc ngay: Anh Đô, em không thể sống ở đây. Em sợ lắm, mà em rủ anh, anh cũng không về. Em biết tính anh, thôi em về một mình. Em chờ anh trở về với em. Hãy tha lỗi cho em".
Hai Đô ngồi phịch xuống ghế, tay chân rã rời. Nước mắt anh trào ra.
Hai Đô trở lại nơi mà anh và con đã trông thấy người rừng. Anh lại trông thấy một bóng người lông lá đen sì đang đào bới.
Một lúc, người rừng vác cái bọc gì trên vai, đi về hướng hôm trước anh đã đón lõng. Anh lại bí mật bám theo. Anh nghĩ, lần này người rừng không thể biến đi đâu được nữa vì còn có cái bọc trên lưng... Đến chỗ rừng cây cao rậm, người rừng lại biến mất, cũng đúng chỗ hôm trước. Hai Đô đứng đực ra thở. Không lẽ đó là ma như Cu Tý nói? Không, chung quanh đây phải là căn hầm bí mật, hay một chỗ núp kín đáo… Hai Đô sục vào từng bụi cây, từng chiếc hang, từng gốc cây cổ thụ và phát hiện ra dưới gốc cây to có một cái hốc. Chắc người rừng chui vào đây? Hai Đô nhận ra chiếc bọc của người rừng còn đặt ngay trước cửa. Anh tiến lại và vạch xem. Một chiếc đầu lâu hiện ra. Hai Đô đứng bật dậy. Anh nghĩ không lẽ…
Ngay lúc đó người rừng trở ra. Hai người chạm mặt nhau. Người rừng nhìn Hai Đô chằm chằm. Chợt anh ta đứng nghiêm:
- Báo cáo đại đội trưởng, tôi và đồng chí Tuấn vừa gửi xong bức điện về sư đoàn.
Hai Đô tái mặt, người đối diện với anh là… Chợt anh kêu lên:
- Tư Vĩ! Sao lại ở đây? Cậu còn sống ư? Người rừng ấy tên là Tư Vĩ. Anh ta nói:
- Đại đội trưởng ra lệnh cho em đi tìm thằng Tuấn về. Và em đã đưa nó về đây.
Vừa nói, Tư Vĩ vừa chỉ vào cái bọc xương người. Hai Đô đứng đực ra không hiểu gì cả. Chợt Vĩ nói, giọng xa xôi:
- Thủ trưởng à. Lúc sáng em gặp thủ trưởng… sao giờ này thủ trưởng lạ quá.
Hai Đô rùng mình. Anh đã hiểu. Thì ra Tư Vĩ đang sống trong mơ, sống với thời quá khứ. Cái thời anh còn là đại đội trưởng thông tin. Đơn vị anh đã đóng quân ở đây. Địch phát hiện và đến ném bom. Lúc Hai Đô tỉnh dậy, tất cả đã trở thành bình địa. Anh cũng không còn bình tĩnh để xem có ai còn sống không. Anh chạy, chạy thật xa vùng oanh kích. Và đúng như anh dự đoán, mấy chục phút sau pháo cực nhanh của địch dập xuống xoá sạch tất cả. Ba ngày sau anh mới tìm về đến sư đoàn.
Chiến tranh đang ác liệt, đơn vị đã đi xa, không ai trở về đào bới, tìm hài cốt các liệt sĩ. Ai cũng nghĩ, chắc chắn tất cả đều bị vùi sâu dưới lòng đất.
Sau hoà bình, Hai Đô phục viên, đã nhiều lần anh đề nghị với chính quyền về việc đi tìm hài cốt đồng đội của anh trên đó. Nhưng vì mới giải phóng, người ta còn bận biết bao nhiêu việc nên chưa thể làm theo ý Hai Đô được. Nhưng Hai Đô luôn bị dằn vặt vì cái chết của đồng đội. Phải chi lúc đó anh ở lại, đào bới, tìm kiếm, biết đâu anh đã cứu được một vài người. Vậy mà anh bỏ chạy. Có lúc anh tự biện hộ cho mình, nếu ở lại, anh sẽ phải chết vì đạn pháo kích ấy. Còn ai nhớ những người đã vùi xác nơi này. Đó cũng là lý do vì sao Hai Đô nhất quyết trở lên đây lập nghiệp.
Té ra anh không phải là người cuối cùng còn sống sót. Còn có Tư Vĩ nữa. Tư Vĩ hơn anh. Tư Vĩ đã ở lại. Hai Đô ôm lấy người đồng đội năm xưa:
- Cậu tha tội cho tôi. Tôi là người có lỗi…
- Thủ trưởng nói gì vậy?
Hai Đô siết chặt tay đồng đội:
- Tư Vĩ ơi, tất cả đã chết rồi. Chết thật rồi. Chỉ có tôi và cậu còn sống thôi.
- Buổi trưa, em đưa cho thủ trưởng bức điện tuyệt mật của sư đoàn… -Tư Vĩ nói như trong mơ.
Hai Đô rùng mình. Anh dìu Tư Vĩ ngồi xuống bên gốc cây. Hai người nói chuyện với nhau, nhưng là giữa một người của hiện tại và một người của quá khứ. Có lúc, cũng chính Hai Đô nhập vào vai của Tư Vĩ. Họ trở về với những năm tháng hào hùng và dữ dội ấy.
Lúc trận pháo dập xuống đã ngưng, cả một vùng ngổn ngang tơi tả. Đất bị cày xới, đỏ au. Cánh rừng âm u trở nên quạnh quẽ đến ngỡ ngàng. Tất cả nồng mùi khét của thuốc đạn, của thịt người. Tư Vĩ tỉnh dậy. Anh ngơ ngác nhìn… Một chân anh bị thương, máu đỏ tươi. Tư Vĩ tự băng lấy, cố lết đi. Chân nhức nhối nhưng anh cắn răng chịu đựng. Anh đi tìm đồng đội. Xác người không còn nguyên vẹn làm Vĩ kinh sợ. Cố lết đi, Vĩ đụng vào một khuôn mặt kỳ dị, đôi mắt trừng trừng như chiếu tia sáng vào Vĩ làm anh hét lên, rồi ngất đi. Đến chiều, Tư Vĩ tỉnh dậy và lên cơn sốt. Vĩ thấy mình đang trôi trôi về một miền nào đó có phong cảnh thật xinh tươi, thật bình yên. A kia rồi, tụi thằng Thuần, thằng Dần, thằng Quang… đang ngồi bên cỗ tú lơ khơ…
- Chào các ông. Cho mình chơi với.
- Thì ngồi xuống đây - Quang Tồ xích ra nhường chỗ cho Tư Vĩ. Vĩ chộp lấy cỗ bài trộn rồi chia. Dần lên tiếng:
- Chơi bôi nhọ nghen.
- Thì bôi.
Tư Vĩ lấy cái nồi đen sì lật ngược lên, quệt ngón tay, cười ha ha:
- Được lắm! Được lắm.
- Nào, ba, bốn năm.
- Này, bảy, tám chín.
- Này, năm sáu bảy.
- Cái thằng Quang Tồ này, mày có biết tiến lên không. Chơi gì kỳ "zậy".
Quang Tồ cười cười:
- Ồ xin lỗi, xin lỗi.
Vĩ sướng rơn vỗ tay:
- Tao nhất rồi nhé. Tao sẽ quẹt nhọ nồi. Này thằng Tiến, cúi mặt xuống, một bộ râu mọc ngược này nha. Ha ha...
- Ha...Ha...Ha.
Vĩ ôm lấy Quang Tồ, Thuần Hô, và Dần. Cả bốn người, cười mãi.
- Ha Ha Ha...
Tiếng cười của Tư Vĩ nghe rờn rợn bay khắp thung lũng. Tư Vĩ mở mắt, ánh sáng làm anh chói mắt. Anh lẩm bẩm: "Trời sáng rồi à" mình đã ngủ một giấc dài à. Mình phải đi, đi khỏi đây. Thôi đứng dậy mà đi, đi mãi rồi có lúc đến nơi. Ôi sao chân mình to lên thế này, đau quá. Ừ, mình bị thương, phải có thuốc. Nào cố lên. Bò được chứ, không đi thì bò vậy, bò vậy... đau quá. Thứ lá cây có răng cưa đây rồi. À, bác sĩ Nhụy đã có lần chỉ cho ta loại lá này có chất kháng sinh, đắp vào vết thương sẽ mau lành. Ta bị thương đúng không? Thì nhai đắp vào. Lá này đắng quá, đắng chết đi được. Nhưng không sao, thuốc đắng giã tật. Sẽ khỏi thôi...
Mình đói quá. Phải có cái gì ăn nhỉ. Lấy cái gì ăn đây? Mình bò vào bếp vậy. Xuống bếp sẽ có thức ăn. Nhà bếp của ta, nó ở đằng kia. Đằng kia... Phù, mệt quá. Chỗ này là chỗ nào? À rẫy khoai lang. Rẫy khoai tụi mình trồng đây mà. Ăn khoai sống vậy, củ đã lớn rồi, ngon quá, khoai ngon quá, nước của nó mát quá... Ta phải đi tìm anh em về. Ta không thể ở đây một mình. Hầm của tổ mình ở chỗ này. Ta phải đào, đào lên mà tìm. Thế chứ, đào sâu xuống là gặp hầm. À, Thuần Hô, mày không nhận ra tao ư? Tư Vĩ đây. Mày làm gì mà cứ nhìn tao trừng trừng vậy? Thuần cười:
- Sao tao không nhận ra mày. Chân của mày làm sao thế?
- Tao có việc gì đâu. Anh em đâu rồi Thuần?
- Họ đang chơi tú lơ khơ trong kia.
- Ta lại đó đi
- Thôi hai đứa mình cùng chơi.
Thằng Thuần này trộn bài thật tuyệt. Nào chơi tú lơ khơ. Thì chơi.
- Ba này.
- Bảy này…
Ôi mỏi cả tay, mày thua rồi nhé. Đưa mặt đây tao bôi nhọ nồi. A ha, râu hùm nhé. Ha ha, râu quặp nhé - râu quặp là sợ vợ nghe!
Mệt quá rồi, ta phải ngủ thôi. Ngủ, ngủ, ừ thì ngủ…
Tư Vĩ có biết đâu anh đã vẽ khắp mặt xác chết của đồng đội sau trận bom vừa rồi những vệt than đen sì.
Cứ thế trong thời gian dài, Tư Vĩ sống trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Cũng may những cây khoai mì đơn vị anh trồng dạo nọ bị bom quét, gãy gục vùi trong đất bắt đầu mọc lên "chỉ điểm" cho anh nơi có thực phẩm. Có bữa Tư Vĩ thấy má mình lành lạnh, anh mở mắt và giật mình nhận ra một con gấu đang liếm vào mặt mình. Lúc sau con gấu bỏ đi. Một bữa, Tư Vĩ thấy con gấu leo lên cây bằng lăng. Nó dùng bàn tay lông lá thọc vào hốc cây. Loài cây này thường rỗng ruột ong mật hay làm tổ trong đó. Bầy ong túa ra. Con gấu dùng tay khoẻ mạnh xé đánh toạc. Cây bằng lăng bị rách một đường dài…. Con gấu say mật té xuống và nằm im như chết. Tư Vĩ cầm dao găm xông đến đâm túi bụi vào con gấu. Tư Vĩ giết chết con gấu. Anh cũng chiếm được ngôi nhà gấu. Hốc cây khá rộng, lại ấm cúng. Thế là Tư Vĩ có nhà.
Tư Vĩ không thể nhớ được mình đã ở đây bao lâu. Hàng ngày, anh ăn tạm một củ khoai mì rồi xách xẻng đi đào bới tìm đồng đội. Anh đào được hài cốt, mang đi chôn. Nhưng hôm sau, anh lại đào những bộ hài cốt ấy lên chôn sang chỗ khác. Tư Vĩ cứ đào rồi lại chôn, không biết bao nhiêu lần như thế. Tiếp xúc với hài cốt đã nhiều, đến nỗi anh có thể nhận ra từng người bằng những khúc xương của người đó. Này là Quang Tồ có cái đầu to như đầu sư tử, bởi vậy sọ não cũng lớn. Tư Vĩ thấy anh em đồng đội trở về với mình. Buổi sáng, sau hồi còi rú lên, mọi người chạy ra sân tập thể dục, anh nuôi chia cơm. Đồng đội anh ngồi quây quần bên mâm cơm. Cơm xong ai vào việc nấy. Những cần ma-níp lại rung lên những âm thanh tạch tạch tè tè. Rồi buổi tối, lại quây quần bên những cỗ bài. Tư Vĩ tham gia với anh em. Tư Vĩ chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Chỗ nào anh cũng đứng lại tham gia vài câu chuyện. Anh cứ sống với những người đồng đội của anh trong một tâm thế như vậy.
Bây giờ, Tư Vĩ gặp Hai Đô, người đại đội trưởng của anh. Tư Vĩ không hiểu vì sao Hai Dô già đi, khác đi so với đại đội trưởng sáng nay anh vừa nhận lệnh. Còn Hai Đô, anh đã hiểu. Anh nói với Tư Vĩ:
- Tôi đã phục viên rồi, đã có vợ có con, và tôi đưa con lên đây lập nghiệp. Nhà tôi ở dưới kia.
Tư Vĩ ngơ ngác không hiểu gì cả. Hai Đô đành nói:
- Đồng chí Vĩ. Đại đội trưởng ra lệnh cho đồng chí đi theo tôi.
Tư Vĩ đứng nghiêm:
- Xin chấp hành!
Hai Đô đưa Tư Vĩ về nhà. Thằng Tý chạy ra kêu lên:
Trời ơi, người rừng, sao ba đưa người rừng về nhà?
Hai Đô nói với con:
- Đó là chú Tư Vĩ đồng đội của ba năm xưa. Con về lấy quần áo của ba cho chú Tư thay.
Từ bữa đó, Hai Đô giữ Tư Vĩ ở lại nhà mình. Tư Vĩ vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác, nói chuyện với anh như đang ở đơn vị năm xưa.
Câu chuyện trên xảy ra đã lâu, từ sau ngày hoà bình. Còn bây giờ, cái làng Kim Long của Hai Đô đã trở nên đông vui. Hai Đô ăn nên làm ra đã cuốn hút nhiều người ở quê anh lên lập nghiệp. Bây giờ nhà nào cũng có một vùng đất trồng cà phê, tiêu… Mỗi năm thu hoạch cả chục cây vàng. Vợ Hai Đô đã trở lại với anh và chị không còn sợ ma nữa. Họ đã có thêm một đứa con. Chỉ có Tư Vĩ là vẫn như xưa. Anh sống với những đồng đội của anh. Anh ngơ ngơ ngác ngác không hiểu tivi, karaokê, là gì. Mà quanh vùng đã mọc lên đủ những trò ăn chơi kỳ lạ. Một cuộc sống sôi sục đang cuốn mọi người theo. Đến nỗi Hai Đô nhìn Tư Vĩ bằng con mắt ái ngại. Anh đã dành nhiều thời gian nói chuyện với Tư Vĩ, cố gắng gợi cho Tư Vĩ nhớ lại, và dạo gần đây anh vui mừng vì Tư Vĩ đã đỡ hơn nhiều. Nhưng bác sĩ nói, để chữa khỏi hẳn bệnh cho Tư Vĩ cần phải có thời gian và sự kiên trì. Chỉ có vợ anh là người không còn kiên trì được nữa. Chị không thể nuôi báo cô một người dở điên dở dại như thế ở trong nhà mãi được.
Một bữa, Tư Vĩ ở ngoài nghĩa địa trở về. Anh nghe tiếng vợ Hai Đô rầy la chồng:
- Anh trả cái ông Vĩ ấy cho gia đình người ta nuôi. Ông ấy có họ hàng, rồi còn có chính sách của Nhà nước nữa chớ!
Tiếng Hai Đô:
- Nhưng anh ấy không còn ai thân thích. Hãy để anh ấy hết bệnh cái đã.
Không may cho Tư Vĩ , đó lại là những lời đầu tiên anh nghe và hiểu được. Anh đã tỉnh cơn mê. Anh nhận biết tất cả. Và hôm sau anh bỏ nhà ra đi. Từ đó người ta không còn thấy bóng Tư Vĩ đâu nữa. Còn Hai Đô, may mắn cho anh vì anh không biết bạn mình đã tỉnh, đã nghe được những lời lăng mạ của vợ anh. Không thấy Tư Vĩ trở về, anh cho rằng bạn lại lên cơn và chạy vào rừng rồi. Từ đó, anh lại bắt đầu một cuộc tìm kiếm mới…. Lần này, vợ anh lại nghĩ rằng chính chồng mình lại bắt đầu lâm bệnh.
ST ! ( Tác Giả: Nguyễn Trường )
- Má, con trông thấy con gì lông lá đen sì, đi bằng hai chân, ghê lắm!
Chị Hai Liên nổi da gà, lại run. Bữa trước chị cuốc đất làm rẫy và đụng phải bộ xương người, chị la hoảng lên ôm lấy chồng. Ngược lại, chồng chị hỏi rối rít, vẻ vui mừng:
- Ở đâu, chỗ nào?
Chị nói không ra hơi.
- Chỗ kia, em cuốc phải một cái đầu lâu, thôi, anh cho em về. Em hết còn làm nổi nữa rồi.
Hai Đô động viên vợ:
- Em đừng sợ, xương người thì có gì phải sợ. Đâu, để anh lại coi sao.
Chị nắm chặt tay anh:
- Bỏ đi anh. Bỏ cái rẫy này đi, ta khai hoang chỗ khác.
Hai Đô gỡ tay vợ,bước đến bên bộ hài cốt. Anh lẩm bẩm: chỗ này là căn hầm bên gốc cây bằng lăng cụt ngọn, à đúng rồi, cái sọ to như thế là của thằng Chánh rồi, hắn có cái đầu sư tử mà. Hai Đô rưng rưng. Chánh tiếu lâm đây. Lúc nào hắn cũng nghĩ ra được một chuyện tiếu lâm làm cả tổ cười bò… Còn đây, đôi dép cao su. Hai Đô xỏ chân vào "Ôi dép to quá. Đúng dép của thàng Chánh rồi"… Mắt Hai Đô cay cay. Anh lấy áo ny lông bó bộ hài cốt và vác lên vai, đi về phía Liên. Chị vợ tái mặt la lên:
- Trời ơi, bỏ ngay đi!
Hai Đô:
- Đây là đồng đội anh.
Chị Hai vẫn run rẩy:
- Em sợ lắm.
Hai Đô hiểu, vợ anh vốn nhát. Anh để bộ hài cốt xuống đất nói:
- Thôi, để anh đưa em về.
Đưa vợ về nhà. Hai Đô lại tức tốc trở lên rẫy. Anh đưa bộ hài cốt về quả đồi sau nhà chôn cất cẩn thận. Từ bữa đó Hai Đô trở thành người khác hẳn, làm chị Hai Liên nhìn anh với cái nhìn là lạ. Trời ơi, anh rủ mình lên đây đi khai hoang, lập nghiệp, mà có phải đâu. Hình như ma đã làm anh ấy lú lẫn hết rồi. Suốt ngày anh đi đào bới tìm xương người. Liên ôm mặt khóc. Một đêm, chị nằm mơ thấy những bộ xương người, cái đầu lâu với hai hố mắt sâu hun hút, cái miệng đầy răng trắng nhởn cười với chị. Chị hét lên, bừng tỉnh. Hai Đô ôm lấy vợ:
- Gì mà em hét dữ vậy?
- Em mơ thấy ma.
Chợt chị thấy bàn tay anh lạnh giá. Đôi bàn tay này thường cầm vào xương người, chị rùng mình gỡ tay chồng, ôm chặt lấy thằng Tý. Tiếng con gì đang kêu quanh nhà "oa oa oa…" như tiếng trẻ con khóc. Ôi! Ma, ma rồi, người chị lạnh toát. May mà có thằng Tý. Chị cứ ôm chặt lấy nó. Nhiều đêm như vậy, chị không cho anh đụng đến người chị vì bàn tay lạnh toát của anh. Chị không còn chút hứng thú gì khi anh đụng vào người chị.
Hôm nay chị nói với chồng về việc nhìn thấy một bóng ma giữa ban ngày. Chị khóc:
- Về quê đi anh. Bỏ tất cả cũng được.
Một bữa, Hai Đô cõng thằng Tý vừa đi vừa nói chuyện. Gần đến nhà, anh thấy đói bụng. Anh nghĩ chắc Liên đã nấu cơm, đang chờ chồng con về ăn. Nhưng khi bước đến cửa, anh ngạc nhiên thấy nhà vắng vẻ, dưới bếp lạnh tanh. Hai Đô thấy mảnh giấy để trên bàn, anh chộp lấy đọc ngay: Anh Đô, em không thể sống ở đây. Em sợ lắm, mà em rủ anh, anh cũng không về. Em biết tính anh, thôi em về một mình. Em chờ anh trở về với em. Hãy tha lỗi cho em".
Hai Đô ngồi phịch xuống ghế, tay chân rã rời. Nước mắt anh trào ra.
Hai Đô trở lại nơi mà anh và con đã trông thấy người rừng. Anh lại trông thấy một bóng người lông lá đen sì đang đào bới.
Một lúc, người rừng vác cái bọc gì trên vai, đi về hướng hôm trước anh đã đón lõng. Anh lại bí mật bám theo. Anh nghĩ, lần này người rừng không thể biến đi đâu được nữa vì còn có cái bọc trên lưng... Đến chỗ rừng cây cao rậm, người rừng lại biến mất, cũng đúng chỗ hôm trước. Hai Đô đứng đực ra thở. Không lẽ đó là ma như Cu Tý nói? Không, chung quanh đây phải là căn hầm bí mật, hay một chỗ núp kín đáo… Hai Đô sục vào từng bụi cây, từng chiếc hang, từng gốc cây cổ thụ và phát hiện ra dưới gốc cây to có một cái hốc. Chắc người rừng chui vào đây? Hai Đô nhận ra chiếc bọc của người rừng còn đặt ngay trước cửa. Anh tiến lại và vạch xem. Một chiếc đầu lâu hiện ra. Hai Đô đứng bật dậy. Anh nghĩ không lẽ…
Ngay lúc đó người rừng trở ra. Hai người chạm mặt nhau. Người rừng nhìn Hai Đô chằm chằm. Chợt anh ta đứng nghiêm:
- Báo cáo đại đội trưởng, tôi và đồng chí Tuấn vừa gửi xong bức điện về sư đoàn.
Hai Đô tái mặt, người đối diện với anh là… Chợt anh kêu lên:
- Tư Vĩ! Sao lại ở đây? Cậu còn sống ư? Người rừng ấy tên là Tư Vĩ. Anh ta nói:
- Đại đội trưởng ra lệnh cho em đi tìm thằng Tuấn về. Và em đã đưa nó về đây.
Vừa nói, Tư Vĩ vừa chỉ vào cái bọc xương người. Hai Đô đứng đực ra không hiểu gì cả. Chợt Vĩ nói, giọng xa xôi:
- Thủ trưởng à. Lúc sáng em gặp thủ trưởng… sao giờ này thủ trưởng lạ quá.
Hai Đô rùng mình. Anh đã hiểu. Thì ra Tư Vĩ đang sống trong mơ, sống với thời quá khứ. Cái thời anh còn là đại đội trưởng thông tin. Đơn vị anh đã đóng quân ở đây. Địch phát hiện và đến ném bom. Lúc Hai Đô tỉnh dậy, tất cả đã trở thành bình địa. Anh cũng không còn bình tĩnh để xem có ai còn sống không. Anh chạy, chạy thật xa vùng oanh kích. Và đúng như anh dự đoán, mấy chục phút sau pháo cực nhanh của địch dập xuống xoá sạch tất cả. Ba ngày sau anh mới tìm về đến sư đoàn.
Chiến tranh đang ác liệt, đơn vị đã đi xa, không ai trở về đào bới, tìm hài cốt các liệt sĩ. Ai cũng nghĩ, chắc chắn tất cả đều bị vùi sâu dưới lòng đất.
Sau hoà bình, Hai Đô phục viên, đã nhiều lần anh đề nghị với chính quyền về việc đi tìm hài cốt đồng đội của anh trên đó. Nhưng vì mới giải phóng, người ta còn bận biết bao nhiêu việc nên chưa thể làm theo ý Hai Đô được. Nhưng Hai Đô luôn bị dằn vặt vì cái chết của đồng đội. Phải chi lúc đó anh ở lại, đào bới, tìm kiếm, biết đâu anh đã cứu được một vài người. Vậy mà anh bỏ chạy. Có lúc anh tự biện hộ cho mình, nếu ở lại, anh sẽ phải chết vì đạn pháo kích ấy. Còn ai nhớ những người đã vùi xác nơi này. Đó cũng là lý do vì sao Hai Đô nhất quyết trở lên đây lập nghiệp.
Té ra anh không phải là người cuối cùng còn sống sót. Còn có Tư Vĩ nữa. Tư Vĩ hơn anh. Tư Vĩ đã ở lại. Hai Đô ôm lấy người đồng đội năm xưa:
- Cậu tha tội cho tôi. Tôi là người có lỗi…
- Thủ trưởng nói gì vậy?
Hai Đô siết chặt tay đồng đội:
- Tư Vĩ ơi, tất cả đã chết rồi. Chết thật rồi. Chỉ có tôi và cậu còn sống thôi.
- Buổi trưa, em đưa cho thủ trưởng bức điện tuyệt mật của sư đoàn… -Tư Vĩ nói như trong mơ.
Hai Đô rùng mình. Anh dìu Tư Vĩ ngồi xuống bên gốc cây. Hai người nói chuyện với nhau, nhưng là giữa một người của hiện tại và một người của quá khứ. Có lúc, cũng chính Hai Đô nhập vào vai của Tư Vĩ. Họ trở về với những năm tháng hào hùng và dữ dội ấy.
Lúc trận pháo dập xuống đã ngưng, cả một vùng ngổn ngang tơi tả. Đất bị cày xới, đỏ au. Cánh rừng âm u trở nên quạnh quẽ đến ngỡ ngàng. Tất cả nồng mùi khét của thuốc đạn, của thịt người. Tư Vĩ tỉnh dậy. Anh ngơ ngác nhìn… Một chân anh bị thương, máu đỏ tươi. Tư Vĩ tự băng lấy, cố lết đi. Chân nhức nhối nhưng anh cắn răng chịu đựng. Anh đi tìm đồng đội. Xác người không còn nguyên vẹn làm Vĩ kinh sợ. Cố lết đi, Vĩ đụng vào một khuôn mặt kỳ dị, đôi mắt trừng trừng như chiếu tia sáng vào Vĩ làm anh hét lên, rồi ngất đi. Đến chiều, Tư Vĩ tỉnh dậy và lên cơn sốt. Vĩ thấy mình đang trôi trôi về một miền nào đó có phong cảnh thật xinh tươi, thật bình yên. A kia rồi, tụi thằng Thuần, thằng Dần, thằng Quang… đang ngồi bên cỗ tú lơ khơ…
- Chào các ông. Cho mình chơi với.
- Thì ngồi xuống đây - Quang Tồ xích ra nhường chỗ cho Tư Vĩ. Vĩ chộp lấy cỗ bài trộn rồi chia. Dần lên tiếng:
- Chơi bôi nhọ nghen.
- Thì bôi.
Tư Vĩ lấy cái nồi đen sì lật ngược lên, quệt ngón tay, cười ha ha:
- Được lắm! Được lắm.
- Nào, ba, bốn năm.
- Này, bảy, tám chín.
- Này, năm sáu bảy.
- Cái thằng Quang Tồ này, mày có biết tiến lên không. Chơi gì kỳ "zậy".
Quang Tồ cười cười:
- Ồ xin lỗi, xin lỗi.
Vĩ sướng rơn vỗ tay:
- Tao nhất rồi nhé. Tao sẽ quẹt nhọ nồi. Này thằng Tiến, cúi mặt xuống, một bộ râu mọc ngược này nha. Ha ha...
- Ha...Ha...Ha.
Vĩ ôm lấy Quang Tồ, Thuần Hô, và Dần. Cả bốn người, cười mãi.
- Ha Ha Ha...
Tiếng cười của Tư Vĩ nghe rờn rợn bay khắp thung lũng. Tư Vĩ mở mắt, ánh sáng làm anh chói mắt. Anh lẩm bẩm: "Trời sáng rồi à" mình đã ngủ một giấc dài à. Mình phải đi, đi khỏi đây. Thôi đứng dậy mà đi, đi mãi rồi có lúc đến nơi. Ôi sao chân mình to lên thế này, đau quá. Ừ, mình bị thương, phải có thuốc. Nào cố lên. Bò được chứ, không đi thì bò vậy, bò vậy... đau quá. Thứ lá cây có răng cưa đây rồi. À, bác sĩ Nhụy đã có lần chỉ cho ta loại lá này có chất kháng sinh, đắp vào vết thương sẽ mau lành. Ta bị thương đúng không? Thì nhai đắp vào. Lá này đắng quá, đắng chết đi được. Nhưng không sao, thuốc đắng giã tật. Sẽ khỏi thôi...
Mình đói quá. Phải có cái gì ăn nhỉ. Lấy cái gì ăn đây? Mình bò vào bếp vậy. Xuống bếp sẽ có thức ăn. Nhà bếp của ta, nó ở đằng kia. Đằng kia... Phù, mệt quá. Chỗ này là chỗ nào? À rẫy khoai lang. Rẫy khoai tụi mình trồng đây mà. Ăn khoai sống vậy, củ đã lớn rồi, ngon quá, khoai ngon quá, nước của nó mát quá... Ta phải đi tìm anh em về. Ta không thể ở đây một mình. Hầm của tổ mình ở chỗ này. Ta phải đào, đào lên mà tìm. Thế chứ, đào sâu xuống là gặp hầm. À, Thuần Hô, mày không nhận ra tao ư? Tư Vĩ đây. Mày làm gì mà cứ nhìn tao trừng trừng vậy? Thuần cười:
- Sao tao không nhận ra mày. Chân của mày làm sao thế?
- Tao có việc gì đâu. Anh em đâu rồi Thuần?
- Họ đang chơi tú lơ khơ trong kia.
- Ta lại đó đi
- Thôi hai đứa mình cùng chơi.
Thằng Thuần này trộn bài thật tuyệt. Nào chơi tú lơ khơ. Thì chơi.
- Ba này.
- Bảy này…
Ôi mỏi cả tay, mày thua rồi nhé. Đưa mặt đây tao bôi nhọ nồi. A ha, râu hùm nhé. Ha ha, râu quặp nhé - râu quặp là sợ vợ nghe!
Mệt quá rồi, ta phải ngủ thôi. Ngủ, ngủ, ừ thì ngủ…
Tư Vĩ có biết đâu anh đã vẽ khắp mặt xác chết của đồng đội sau trận bom vừa rồi những vệt than đen sì.
Cứ thế trong thời gian dài, Tư Vĩ sống trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Cũng may những cây khoai mì đơn vị anh trồng dạo nọ bị bom quét, gãy gục vùi trong đất bắt đầu mọc lên "chỉ điểm" cho anh nơi có thực phẩm. Có bữa Tư Vĩ thấy má mình lành lạnh, anh mở mắt và giật mình nhận ra một con gấu đang liếm vào mặt mình. Lúc sau con gấu bỏ đi. Một bữa, Tư Vĩ thấy con gấu leo lên cây bằng lăng. Nó dùng bàn tay lông lá thọc vào hốc cây. Loài cây này thường rỗng ruột ong mật hay làm tổ trong đó. Bầy ong túa ra. Con gấu dùng tay khoẻ mạnh xé đánh toạc. Cây bằng lăng bị rách một đường dài…. Con gấu say mật té xuống và nằm im như chết. Tư Vĩ cầm dao găm xông đến đâm túi bụi vào con gấu. Tư Vĩ giết chết con gấu. Anh cũng chiếm được ngôi nhà gấu. Hốc cây khá rộng, lại ấm cúng. Thế là Tư Vĩ có nhà.
Tư Vĩ không thể nhớ được mình đã ở đây bao lâu. Hàng ngày, anh ăn tạm một củ khoai mì rồi xách xẻng đi đào bới tìm đồng đội. Anh đào được hài cốt, mang đi chôn. Nhưng hôm sau, anh lại đào những bộ hài cốt ấy lên chôn sang chỗ khác. Tư Vĩ cứ đào rồi lại chôn, không biết bao nhiêu lần như thế. Tiếp xúc với hài cốt đã nhiều, đến nỗi anh có thể nhận ra từng người bằng những khúc xương của người đó. Này là Quang Tồ có cái đầu to như đầu sư tử, bởi vậy sọ não cũng lớn. Tư Vĩ thấy anh em đồng đội trở về với mình. Buổi sáng, sau hồi còi rú lên, mọi người chạy ra sân tập thể dục, anh nuôi chia cơm. Đồng đội anh ngồi quây quần bên mâm cơm. Cơm xong ai vào việc nấy. Những cần ma-níp lại rung lên những âm thanh tạch tạch tè tè. Rồi buổi tối, lại quây quần bên những cỗ bài. Tư Vĩ tham gia với anh em. Tư Vĩ chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Chỗ nào anh cũng đứng lại tham gia vài câu chuyện. Anh cứ sống với những người đồng đội của anh trong một tâm thế như vậy.
Bây giờ, Tư Vĩ gặp Hai Đô, người đại đội trưởng của anh. Tư Vĩ không hiểu vì sao Hai Dô già đi, khác đi so với đại đội trưởng sáng nay anh vừa nhận lệnh. Còn Hai Đô, anh đã hiểu. Anh nói với Tư Vĩ:
- Tôi đã phục viên rồi, đã có vợ có con, và tôi đưa con lên đây lập nghiệp. Nhà tôi ở dưới kia.
Tư Vĩ ngơ ngác không hiểu gì cả. Hai Đô đành nói:
- Đồng chí Vĩ. Đại đội trưởng ra lệnh cho đồng chí đi theo tôi.
Tư Vĩ đứng nghiêm:
- Xin chấp hành!
Hai Đô đưa Tư Vĩ về nhà. Thằng Tý chạy ra kêu lên:
Trời ơi, người rừng, sao ba đưa người rừng về nhà?
Hai Đô nói với con:
- Đó là chú Tư Vĩ đồng đội của ba năm xưa. Con về lấy quần áo của ba cho chú Tư thay.
Từ bữa đó, Hai Đô giữ Tư Vĩ ở lại nhà mình. Tư Vĩ vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác, nói chuyện với anh như đang ở đơn vị năm xưa.
Câu chuyện trên xảy ra đã lâu, từ sau ngày hoà bình. Còn bây giờ, cái làng Kim Long của Hai Đô đã trở nên đông vui. Hai Đô ăn nên làm ra đã cuốn hút nhiều người ở quê anh lên lập nghiệp. Bây giờ nhà nào cũng có một vùng đất trồng cà phê, tiêu… Mỗi năm thu hoạch cả chục cây vàng. Vợ Hai Đô đã trở lại với anh và chị không còn sợ ma nữa. Họ đã có thêm một đứa con. Chỉ có Tư Vĩ là vẫn như xưa. Anh sống với những đồng đội của anh. Anh ngơ ngơ ngác ngác không hiểu tivi, karaokê, là gì. Mà quanh vùng đã mọc lên đủ những trò ăn chơi kỳ lạ. Một cuộc sống sôi sục đang cuốn mọi người theo. Đến nỗi Hai Đô nhìn Tư Vĩ bằng con mắt ái ngại. Anh đã dành nhiều thời gian nói chuyện với Tư Vĩ, cố gắng gợi cho Tư Vĩ nhớ lại, và dạo gần đây anh vui mừng vì Tư Vĩ đã đỡ hơn nhiều. Nhưng bác sĩ nói, để chữa khỏi hẳn bệnh cho Tư Vĩ cần phải có thời gian và sự kiên trì. Chỉ có vợ anh là người không còn kiên trì được nữa. Chị không thể nuôi báo cô một người dở điên dở dại như thế ở trong nhà mãi được.
Một bữa, Tư Vĩ ở ngoài nghĩa địa trở về. Anh nghe tiếng vợ Hai Đô rầy la chồng:
- Anh trả cái ông Vĩ ấy cho gia đình người ta nuôi. Ông ấy có họ hàng, rồi còn có chính sách của Nhà nước nữa chớ!
Tiếng Hai Đô:
- Nhưng anh ấy không còn ai thân thích. Hãy để anh ấy hết bệnh cái đã.
Không may cho Tư Vĩ , đó lại là những lời đầu tiên anh nghe và hiểu được. Anh đã tỉnh cơn mê. Anh nhận biết tất cả. Và hôm sau anh bỏ nhà ra đi. Từ đó người ta không còn thấy bóng Tư Vĩ đâu nữa. Còn Hai Đô, may mắn cho anh vì anh không biết bạn mình đã tỉnh, đã nghe được những lời lăng mạ của vợ anh. Không thấy Tư Vĩ trở về, anh cho rằng bạn lại lên cơn và chạy vào rừng rồi. Từ đó, anh lại bắt đầu một cuộc tìm kiếm mới…. Lần này, vợ anh lại nghĩ rằng chính chồng mình lại bắt đầu lâm bệnh.
ST ! ( Tác Giả: Nguyễn Trường )