Khi rời quê hương tôi 19 tuổi. Khi đi mang theo những nỗi nhớ nhung nặng trĩu, dù vô cùng hồi hộp về nơi đến...
Những nỗi nhớ của tôi, không chỉ là những năm tháng ngay sát khi rời quê nhà, mà cả những hình ảnh, cảm giác, mùi vị đã ăn sâu vào tâm trí trong cả cuộc đời trước đó. Chẳng hạn, khi nói đến núi, là hình ảnh Ba Vì hiện ra ngay. Nói đến sấu, là ứa nước miếng. Nói đến màu đỏ, là nhớ hoa gạo. Nói đến thu, là nhớ Hà Nội... Nếu phải hình dung Việt Nam bằng một màu sắc, tôi nghĩ ngay đến màu xanh lá cây. Vì tuổi thơ tôi in đậm hình ảnh những đồng lúa chạy dài, những quả đồi sắn, đồi chè, những cây ăn quả trong vườn nhà bốn mùa xanh mướt... Những nỗi nhớ, ký ức đã được mã hoá. Không xoá đi được.
Ở nhiều nơi, mỗi nơi vài năm. Đi nhiều nơi, từ vài ngày đến vài tháng. Mỗi miền đất làm dày thêm cuốn sách hoài niệm của tôi. Những ký ức về sau này không được mã hoá, mà đến tự nhiên như hơi thở, đôi khi không xác định. Đôi khi như tro bụi bay về (*).
Những hoài niệm làm tôi nao lòng. Những cái ở gần hơn có vẻ tinh tế hơn. Khi tôi sống ở Paris, tôi rươm rướm khi nhìn thấy tấm hình góc phố Berlin với những người lái taxi đứng ngoài trời tuyết. Người không biết có thể nghi ngờ nó được chụp ở đâu đó khác. Nhưng hoài niệm của tôi, kỷ niệm của tôi cho tôi tín hiệu đấy phải là Berlin. Khi tôi về sống lại ở Berlin, một lần nhìn thấy bức ảnh chụp sân ga đầy tuyết, đèn mờ ảo. Tôi quả quyết đấy là Paris, dù nó có thể đã được chụp ở một nơi khác. Đấy là kết quả của cảm giác. Những cái ở xa hơn thì lại trở về ấn tượng cố hữu: đỏ là hoa gạo. Thu là Hà Nội... Đó là kết quả của đúc kết.
Hai thứ quả mười năm nay tôi chưa được ăn như đúng hương vị đã có trong đúc kết, là na và mít. Này hoài niệm ơi, hãy để hương vị ấy ở chỗ nó từng xâm chiếm hồn tôi. Nụ hôn tám năm nay tôi vẫn không thể quên. Này hoài niệm ơi, hãy để cảm giác ấy ở chỗ như tôi đã từng có nó...
Những khoảnh khắc. Đúng rồi, tất cả chỉ là những khoảnh khắc thôi. Cái chớp mắt duy nhất nối những khoảnh khắc đó lại, như trong phim La Jetée, là khi ta hoài niệm.
Hai câu hỏi tôi hay được hỏi nhất là: “Có nhớ Việt Nam không?” và “Có muốn quay trở lại Việt Nam sống không?”, câu đầu tiên chắc chắn tôi gật. Nhưng tôi không thể gật hay lắc với câu thứ hai. Câu trả lời nằm giữa gật và lắc. Vì tôi còn muốn vấn vương hoài niệm...
Mạnh Cường Vũ
Những nỗi nhớ của tôi, không chỉ là những năm tháng ngay sát khi rời quê nhà, mà cả những hình ảnh, cảm giác, mùi vị đã ăn sâu vào tâm trí trong cả cuộc đời trước đó. Chẳng hạn, khi nói đến núi, là hình ảnh Ba Vì hiện ra ngay. Nói đến sấu, là ứa nước miếng. Nói đến màu đỏ, là nhớ hoa gạo. Nói đến thu, là nhớ Hà Nội... Nếu phải hình dung Việt Nam bằng một màu sắc, tôi nghĩ ngay đến màu xanh lá cây. Vì tuổi thơ tôi in đậm hình ảnh những đồng lúa chạy dài, những quả đồi sắn, đồi chè, những cây ăn quả trong vườn nhà bốn mùa xanh mướt... Những nỗi nhớ, ký ức đã được mã hoá. Không xoá đi được.
Ở nhiều nơi, mỗi nơi vài năm. Đi nhiều nơi, từ vài ngày đến vài tháng. Mỗi miền đất làm dày thêm cuốn sách hoài niệm của tôi. Những ký ức về sau này không được mã hoá, mà đến tự nhiên như hơi thở, đôi khi không xác định. Đôi khi như tro bụi bay về (*).
Những hoài niệm làm tôi nao lòng. Những cái ở gần hơn có vẻ tinh tế hơn. Khi tôi sống ở Paris, tôi rươm rướm khi nhìn thấy tấm hình góc phố Berlin với những người lái taxi đứng ngoài trời tuyết. Người không biết có thể nghi ngờ nó được chụp ở đâu đó khác. Nhưng hoài niệm của tôi, kỷ niệm của tôi cho tôi tín hiệu đấy phải là Berlin. Khi tôi về sống lại ở Berlin, một lần nhìn thấy bức ảnh chụp sân ga đầy tuyết, đèn mờ ảo. Tôi quả quyết đấy là Paris, dù nó có thể đã được chụp ở một nơi khác. Đấy là kết quả của cảm giác. Những cái ở xa hơn thì lại trở về ấn tượng cố hữu: đỏ là hoa gạo. Thu là Hà Nội... Đó là kết quả của đúc kết.
Hai thứ quả mười năm nay tôi chưa được ăn như đúng hương vị đã có trong đúc kết, là na và mít. Này hoài niệm ơi, hãy để hương vị ấy ở chỗ nó từng xâm chiếm hồn tôi. Nụ hôn tám năm nay tôi vẫn không thể quên. Này hoài niệm ơi, hãy để cảm giác ấy ở chỗ như tôi đã từng có nó...
Những khoảnh khắc. Đúng rồi, tất cả chỉ là những khoảnh khắc thôi. Cái chớp mắt duy nhất nối những khoảnh khắc đó lại, như trong phim La Jetée, là khi ta hoài niệm.
Hai câu hỏi tôi hay được hỏi nhất là: “Có nhớ Việt Nam không?” và “Có muốn quay trở lại Việt Nam sống không?”, câu đầu tiên chắc chắn tôi gật. Nhưng tôi không thể gật hay lắc với câu thứ hai. Câu trả lời nằm giữa gật và lắc. Vì tôi còn muốn vấn vương hoài niệm...
Mạnh Cường Vũ