Không có thực phẩm chúng ta sẽ chết.
Không có văn chúng ta không chết, nhưng không thể thoát được hai chữ hoang dã khoác trên mình như hàng triệu loài khác của tạo hoá. Bộ não và sự lao động sinh ra văn. Văn khiến cái phần lương trong tâm ngày càng sáng rỡ, lao động ngày càng có hiệu quả, quả tim ngày càng nhạy cảm, tươi thắm và rộng mở.
Thực phẩm là dinh dưỡng cho phần thân xác. Đối với một cơ thể sống, nếu đầu vào là thực phẩm thì đầu ra là hành vi.
Văn là dinh dưỡng cho phần hồn. Đối với một tâm hồn, nếu đầu vào là văn thì đầu ra là định hướng hành vi.
Hành vi được định hướng tốt đẹp thì gọi là Thạch Sanh. Thạch Sanh có cha mẹ, có bà con, có một cái rìu, một cái niêu đất, một cây đàn, một người vợ hiền và một đàn con ngoan.
Văn là một hợp phần lớn của Nghệ thuật. Vào những năm cuối của nửa đầu thế kỷ trước, người Việt chúng ta đã từng có một cuộc tranh cãi nảy lửa trên văn đàn để quyết định xem "Nghệ thuật vị nhân sinh" hay "Nghệ thuật vị nghệ thuật"? Nói cho đến cùng kỳ lý, có lẽ, cũng chả khác gì các cuộc tranh luận bất tận về con tôm và cái tép. Chỉ biết rằng: khi văn đạt đến độ cao thâm, không phải ai cũng có thể hiểu thấu thì nó chính là Triết học và Tôn giáo. Còn lại, thực khó mà nói là thế nào, chỉ biết mẹ dùng văn để hát ru ta ngủ; Lý Thường Kiệt dùng văn viết thông điệp "Nam quốc sơn hà Nam đế cư"; Nguyễn Trãi dùng văn để đánh giặc, yên dân; Dân chúng dùng văn để tuyển dụng kẻ quét chùa; Hồ Xuân Hương dùng văn để bảo "ví đây đổi phận làm trai được"; Cô gái Kinh Bắc dùng văn để "về nhà dối cha dối mẹ rằng qua cầu gió bay..."; Nguyễn Công Trứ dùng văn để khẩn hoang lập ấp cho dân, mà "Đ... mẹ nhân tình..." bạc bẽo và "giắt lưng dành để tháng ngày chơi"...
Nhân sinh là đại bình dân. Đại bình dân là "liên tục phát triển" [1]. Đại bình dân chế ra văn dân gian. Văn bác học lấy văn dân gian làm sữa mẹ. Thụ bẩm sữa mẹ thì tất sẽ biết ơn và yêu quý mẹ; yêu cái mà mẹ yêu, ghét cái mà mẹ ghét và gạt bỏ những gì khiến mẹ bất an.
Văn là một thứ thông tin đặc biệt. Đã là thông tin thì lẽ đương nhiên phải hiểu được. Viết ra mà không ai hiểu được thì chỉ còn cách kính chuyển ông Giời thưởng thức ! Khiến cho người khác không hiểu là điều ai ai cũng có thể làm được; chân lý này, cách đây hai thế kỷ, đã được Voltaire khái quát trong khúc biện giải về con cừu mầu đỏ. Sự bí hiểm là mỹ phẩm được bài trí trên khuôn mặt thiếu sức cuốn hút, là lối làm dáng có phần kênh kiệu vô lối của người cầm bút. Đại chúng không cần bí hiểm, đại chúng cần văn. Chân văn vốn quang minh chính đại. Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã thẳng tay khủng bố và cấm đoán những người cầm bút từng lớn tiếng phê phán nền chính trị độc tài, phi nhân bản của chúng và kêu gọi những người đồng bào của mình đứng lên đòi quyền làm người, đòi quyền tiến bộ. Vì vậy, thời ấy, để văn vẫn có thể "tải đạo", người ta bất dắc dĩ phải tìm những hình thức biểu hiện "mềm dẻo", khả dĩ lọt được lưới kiểm duyệt (làm công cho Nhà nước bảo hộ - Một biến thái của hình thức Nhà nước tư nhân) để đến với công chúng. Đó là sự tạm thời phải mã hoá các thông tin, khác hẳn với sự bí hiểm.
Tầu hoả thì chỉ đi trên đường ray, chim trời thì lượn bay tuỳ ý. Không có đường ray thì tầu hoả chả để làm gì. Chim trời bị nuôi trong lồng sẽ thành chim nhà. Chim nhà xa lạ với nắng gió, với lồng lộng và ngút ngát. Văn là sự sinh sôi. Sinh sôi là đạo lý. Mọi sự sinh sôi đều không hiểu khuôn mẫu. Cây trồng trong chậu có thể là đẹp, nhưng phải luôn nhớ che gió cho nó. Cây mọc từ đất trong đại tự nhiên thường thẳng đuỗn thô kệch, nhưng có thể che mưa che nắng cho ta. Khuôn mẫu có thể tạo ra trật tự, trật tự chỉ là tạm thời. Có người thắc mắc rằng: Liệu có cần thiết phải mất công, mất thì giờ, loay hoay phân loại, tranh luận và định nghĩa thế nào là truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết? Người uống rượu chỉ nhớ và mê những thứ rượu ngon. Quan tâm đến đồ chứa, vật đựng là những tay chơi yêu thích đồ đạc. Kẻ phong lưu thường ham những nơi sơn thanh thuỷ tú. Còn giới dịch vụ thì đến đấy để dựng lều dựng quán. Lều quán nhiều quá thì sơn thuỷ khó bề tiếp tục thanh tú. Mà kém thanh tú thì chẳng ai buồn đến nữa. Chẳng ai đến nữa thì tất lều quán phải dỡ chuyển đi. Lều quán chuyển đi hết thì, tự nhiên, sơn lại thanh, thuỷ lại tú...
Liệu có nhất thiết cứ phải bảo rằng người viết phải thế này, nên thế kia hoặc phải tránh cái này, phải không được làm cái kia hay không? Nhiều điều, kể cả điều bị những nhà lý luận hiện đại chê bai sâu sắc, thì các văn hào đều đã làm cả rồi. Ngày xửa ngày xưa chúng ta đi bằng hai chân. Đến khi đã thuần hoá được giống ngựa thì vừa đi bằng ngựa vừa đi bằng chân. Cho đến ngày nay, cách di chuyển của chúng ta lại càng phong phú: đi bằng chân, đi bằng ngựa, đi bằng ôtô, đi bằng tàu thuỷ, tầu bay... và, thậm chí, bằng cả tàu con thoi với tốc độ vũ trụ cấp 2. Kiểu đi nào cũng có cái đẹp, cái bất tiện và cái hay ho của nó; Có điều, hình như ta vẫn thích ngắm nhìn một phụ nữ đẹp trong tà áo dài mềm mại hơn là trong bộ cánh phi hành gia. Song, vấn đề cuối cùng vẫn là đi đâu và để làm gì?!
Trong khoa quân sự cổ, điều cấm kỵ là bày trận quay lưng ra sông bởi đó cũng đồng nghĩa với sự tự sát. Nhưng cũng có người lại cố tình vi phạm điều răn dạy này, bảo rằng đấy là tìm lấy cái sống ở chính ngay trong cái chết và kết quả đã (rất) không tồi. Trong hội hoạ, cố tình đặt các mảng màu tương phản cạnh nhau mà không có mảng chuyển tiếp là điều tối kỵ, nhưng chính sự vi phạm đó lại tạo nên một trường phái ấn tượng. Trong âm nhạc, dùng các âm hạ át để kết thúc một bản nhạc là phạm luật cổ điển nhưng lại tạo ra một trường phái cách tân trẻ trung tươi tắn. Ở Việt nam, sự cách tân này đã có từ thời quan họ xa xưa - bằng chứng là ở cái nốt kết lửng lơ ngơ ngẩn trong điệu Qua cầu gió bay của những kẻ muôn đời phải lòng nhau - và sự phá niêm phá luật trong thơ đã từng tạo ra cả một nền Thơ mới.
Thường nghe: Chân giá trị của một tác phẩm sẽ được công chúng thẩm định và thời gian sẽ cho câu trả lời.
Cũng thường nghe: Dân là biển. Thật khôi hài khi có ai đó cho rằng sóng biển phải như thế này, như thế kia thì mới đúng. Chớ, như thế là lấn sân của người khác ! Hơn nữa, kẻ bị lấn sân lại chính là cái nhà ông Giời mà ta vẫn hằng tự giác hương khói khôn nguôi. Nước biển thì ở biển. Biển nhận các loại nước lục địa dồn về mình, làm cho tất cả trở thành mặn và xanh biếc. Không mặn, không xanh biếc thì không phải nước biển.
Liệu có thể nói: Biển ơi, đừng mặn đừng xanh nữa !
Có lẽ biển sẽ không hiểu. "Giời sinh ra thế" mà !
Chú thích:
[1] Mượn chữ của chương trình quảng cáo dầu BP.
ST ! ( Tác Giả: Nghiêm Lương Thành )
Không có văn chúng ta không chết, nhưng không thể thoát được hai chữ hoang dã khoác trên mình như hàng triệu loài khác của tạo hoá. Bộ não và sự lao động sinh ra văn. Văn khiến cái phần lương trong tâm ngày càng sáng rỡ, lao động ngày càng có hiệu quả, quả tim ngày càng nhạy cảm, tươi thắm và rộng mở.
Thực phẩm là dinh dưỡng cho phần thân xác. Đối với một cơ thể sống, nếu đầu vào là thực phẩm thì đầu ra là hành vi.
Văn là dinh dưỡng cho phần hồn. Đối với một tâm hồn, nếu đầu vào là văn thì đầu ra là định hướng hành vi.
Hành vi được định hướng tốt đẹp thì gọi là Thạch Sanh. Thạch Sanh có cha mẹ, có bà con, có một cái rìu, một cái niêu đất, một cây đàn, một người vợ hiền và một đàn con ngoan.
Văn là một hợp phần lớn của Nghệ thuật. Vào những năm cuối của nửa đầu thế kỷ trước, người Việt chúng ta đã từng có một cuộc tranh cãi nảy lửa trên văn đàn để quyết định xem "Nghệ thuật vị nhân sinh" hay "Nghệ thuật vị nghệ thuật"? Nói cho đến cùng kỳ lý, có lẽ, cũng chả khác gì các cuộc tranh luận bất tận về con tôm và cái tép. Chỉ biết rằng: khi văn đạt đến độ cao thâm, không phải ai cũng có thể hiểu thấu thì nó chính là Triết học và Tôn giáo. Còn lại, thực khó mà nói là thế nào, chỉ biết mẹ dùng văn để hát ru ta ngủ; Lý Thường Kiệt dùng văn viết thông điệp "Nam quốc sơn hà Nam đế cư"; Nguyễn Trãi dùng văn để đánh giặc, yên dân; Dân chúng dùng văn để tuyển dụng kẻ quét chùa; Hồ Xuân Hương dùng văn để bảo "ví đây đổi phận làm trai được"; Cô gái Kinh Bắc dùng văn để "về nhà dối cha dối mẹ rằng qua cầu gió bay..."; Nguyễn Công Trứ dùng văn để khẩn hoang lập ấp cho dân, mà "Đ... mẹ nhân tình..." bạc bẽo và "giắt lưng dành để tháng ngày chơi"...
Nhân sinh là đại bình dân. Đại bình dân là "liên tục phát triển" [1]. Đại bình dân chế ra văn dân gian. Văn bác học lấy văn dân gian làm sữa mẹ. Thụ bẩm sữa mẹ thì tất sẽ biết ơn và yêu quý mẹ; yêu cái mà mẹ yêu, ghét cái mà mẹ ghét và gạt bỏ những gì khiến mẹ bất an.
Văn là một thứ thông tin đặc biệt. Đã là thông tin thì lẽ đương nhiên phải hiểu được. Viết ra mà không ai hiểu được thì chỉ còn cách kính chuyển ông Giời thưởng thức ! Khiến cho người khác không hiểu là điều ai ai cũng có thể làm được; chân lý này, cách đây hai thế kỷ, đã được Voltaire khái quát trong khúc biện giải về con cừu mầu đỏ. Sự bí hiểm là mỹ phẩm được bài trí trên khuôn mặt thiếu sức cuốn hút, là lối làm dáng có phần kênh kiệu vô lối của người cầm bút. Đại chúng không cần bí hiểm, đại chúng cần văn. Chân văn vốn quang minh chính đại. Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã thẳng tay khủng bố và cấm đoán những người cầm bút từng lớn tiếng phê phán nền chính trị độc tài, phi nhân bản của chúng và kêu gọi những người đồng bào của mình đứng lên đòi quyền làm người, đòi quyền tiến bộ. Vì vậy, thời ấy, để văn vẫn có thể "tải đạo", người ta bất dắc dĩ phải tìm những hình thức biểu hiện "mềm dẻo", khả dĩ lọt được lưới kiểm duyệt (làm công cho Nhà nước bảo hộ - Một biến thái của hình thức Nhà nước tư nhân) để đến với công chúng. Đó là sự tạm thời phải mã hoá các thông tin, khác hẳn với sự bí hiểm.
Tầu hoả thì chỉ đi trên đường ray, chim trời thì lượn bay tuỳ ý. Không có đường ray thì tầu hoả chả để làm gì. Chim trời bị nuôi trong lồng sẽ thành chim nhà. Chim nhà xa lạ với nắng gió, với lồng lộng và ngút ngát. Văn là sự sinh sôi. Sinh sôi là đạo lý. Mọi sự sinh sôi đều không hiểu khuôn mẫu. Cây trồng trong chậu có thể là đẹp, nhưng phải luôn nhớ che gió cho nó. Cây mọc từ đất trong đại tự nhiên thường thẳng đuỗn thô kệch, nhưng có thể che mưa che nắng cho ta. Khuôn mẫu có thể tạo ra trật tự, trật tự chỉ là tạm thời. Có người thắc mắc rằng: Liệu có cần thiết phải mất công, mất thì giờ, loay hoay phân loại, tranh luận và định nghĩa thế nào là truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết? Người uống rượu chỉ nhớ và mê những thứ rượu ngon. Quan tâm đến đồ chứa, vật đựng là những tay chơi yêu thích đồ đạc. Kẻ phong lưu thường ham những nơi sơn thanh thuỷ tú. Còn giới dịch vụ thì đến đấy để dựng lều dựng quán. Lều quán nhiều quá thì sơn thuỷ khó bề tiếp tục thanh tú. Mà kém thanh tú thì chẳng ai buồn đến nữa. Chẳng ai đến nữa thì tất lều quán phải dỡ chuyển đi. Lều quán chuyển đi hết thì, tự nhiên, sơn lại thanh, thuỷ lại tú...
Liệu có nhất thiết cứ phải bảo rằng người viết phải thế này, nên thế kia hoặc phải tránh cái này, phải không được làm cái kia hay không? Nhiều điều, kể cả điều bị những nhà lý luận hiện đại chê bai sâu sắc, thì các văn hào đều đã làm cả rồi. Ngày xửa ngày xưa chúng ta đi bằng hai chân. Đến khi đã thuần hoá được giống ngựa thì vừa đi bằng ngựa vừa đi bằng chân. Cho đến ngày nay, cách di chuyển của chúng ta lại càng phong phú: đi bằng chân, đi bằng ngựa, đi bằng ôtô, đi bằng tàu thuỷ, tầu bay... và, thậm chí, bằng cả tàu con thoi với tốc độ vũ trụ cấp 2. Kiểu đi nào cũng có cái đẹp, cái bất tiện và cái hay ho của nó; Có điều, hình như ta vẫn thích ngắm nhìn một phụ nữ đẹp trong tà áo dài mềm mại hơn là trong bộ cánh phi hành gia. Song, vấn đề cuối cùng vẫn là đi đâu và để làm gì?!
Trong khoa quân sự cổ, điều cấm kỵ là bày trận quay lưng ra sông bởi đó cũng đồng nghĩa với sự tự sát. Nhưng cũng có người lại cố tình vi phạm điều răn dạy này, bảo rằng đấy là tìm lấy cái sống ở chính ngay trong cái chết và kết quả đã (rất) không tồi. Trong hội hoạ, cố tình đặt các mảng màu tương phản cạnh nhau mà không có mảng chuyển tiếp là điều tối kỵ, nhưng chính sự vi phạm đó lại tạo nên một trường phái ấn tượng. Trong âm nhạc, dùng các âm hạ át để kết thúc một bản nhạc là phạm luật cổ điển nhưng lại tạo ra một trường phái cách tân trẻ trung tươi tắn. Ở Việt nam, sự cách tân này đã có từ thời quan họ xa xưa - bằng chứng là ở cái nốt kết lửng lơ ngơ ngẩn trong điệu Qua cầu gió bay của những kẻ muôn đời phải lòng nhau - và sự phá niêm phá luật trong thơ đã từng tạo ra cả một nền Thơ mới.
Thường nghe: Chân giá trị của một tác phẩm sẽ được công chúng thẩm định và thời gian sẽ cho câu trả lời.
Cũng thường nghe: Dân là biển. Thật khôi hài khi có ai đó cho rằng sóng biển phải như thế này, như thế kia thì mới đúng. Chớ, như thế là lấn sân của người khác ! Hơn nữa, kẻ bị lấn sân lại chính là cái nhà ông Giời mà ta vẫn hằng tự giác hương khói khôn nguôi. Nước biển thì ở biển. Biển nhận các loại nước lục địa dồn về mình, làm cho tất cả trở thành mặn và xanh biếc. Không mặn, không xanh biếc thì không phải nước biển.
Liệu có thể nói: Biển ơi, đừng mặn đừng xanh nữa !
Có lẽ biển sẽ không hiểu. "Giời sinh ra thế" mà !
Chú thích:
[1] Mượn chữ của chương trình quảng cáo dầu BP.
ST ! ( Tác Giả: Nghiêm Lương Thành )