Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Tình Ngỡ Đã Qua Đi

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tình Ngỡ Đã Qua Đi

    Tình Ngỡ Đã Qua Đi
    Tác giả: Văn Quang



    “Đầu năm Tây, cuối năm Ta”, đó là khoảng thời gian này ở Việt Nam và cũng là câu nói cửa miệng của người bình dân. Trước hết tôi phải xin lỗi bạn đọc, đáng lẽ bài này phải được ra mắt sớm hơn, nhưng sau 2 tuần “dưỡng sức”, chẳng may tôi lại bị cảm lạnh ở Sài Gòn. Cơm đường cháo chợ nên cứ ngất ngây hoài không sao gượng dậy được. Cũng may Sài Gòn trong những ngày đầu năm vừa qua, trời vẫn… chiều lòng người, không khí mùa thu vẫn còn vương vất đâu đây. Ban ngày trời nắng nhẹ, buổi tối nhiều mây xám, gió lùa lành lạnh trên khắp nẻo phố phường, ban đêm những chiếc áo len, áo khoác, có dịp khoe màu giữa thành phố ngập ánh đèn. Chưa bao giờ miền Nam VN lại có mùa thu với khoảng thời gian dài như năm nay. Lại đúng vào khoảng lễ Giáng Sinh và nhịp cầu dẫn sang đầu Năm Mới 2008.
    Với những bạn đã từng sống ở miền Nam VN trước năm 1975, có lẽ không ít người không biết đến Đà Lạt. Chẳng những thế, nơi đó còn là thành phố cao nguyên hầu như duy nhất ghi lại nhiều dấu ấn của những tuần trăng mật, những buổi hẹn hò tình tự, những hợp tan của một đời người. Bây giờ Đà Lạt ra sao, có những gì thay đổi?
    Bỏ qua những “hệ lụy” nhức nhối, những nỗi đau âm thầm mà chúng ta thường bắt gặp ở xứ sở này, xin dành một chỗ cho tình cảm riêng tư và có dịp ôn lại những kỷ niệm xưa. Mời bạn đọc bút ký này, câu chuyện có thật, với một chút cảm thông cho những mối tình đã qua đi nhưng còn lại mãi mãi trong tận cùng tâm thức của mỗi người.

    Cú lừa nhẹ nhàng
    Ba năm rồi tôi mới trở lại Đà Lạt. Không phải vì cái festival Hoa Đà Lạt mà người ta quảng cáo rầm rộ. Chúng tôi chọn đúng ngày bế mạc festival mới mò đến. Như thế đỡ mất công bon chen vào cái thế giới hỗn tạp, tha hồ bị chặt chém vô tội vạ. Vả lại đọc báo chí, thấy chê đủ thứ chuyện về cái tổ chức luộm thuộm đó nên cũng nản. Nào là thành phố hoa mà toàn là hoa héo, hoa giả; đám cưới cũng có tới hơn 50 cặp cũng “đóng trò” giả nốt. Phòng khách sạn trong dịp này lại khan hiếm, lên giá vù vù như máy bay phản lực… Trong cái khung cảnh đó thì nhà hàng là Thượng Đế, chứ không phải khách du lịch. Đợi hết cái “hội chợ” kia đi thì may ra thứ bậc mới được trả về đúng vị trí của nó.
    Dù ngày 21-12 là ngày bế mạc festival, chúng tôi đã nhờ tới chị Lệ Khánh ở Đà Lạt, có cậu con trai là Khánh Thục làm trong dịch vụ du lịch, thuê giùm phòng mà cũng khó. Buổi chiều lên đến Đà Lạt, mới tìm được một căn phòng loại “tầm tầm”, hơn hai trăm ngàn một ngày. Tôi lại đang kẹt phải làm việc cho một tờ nhật báo ở Úc, nên xách theo cái laptop để làm cho tiện. Tôi cũng đã thông báo với chị Lệ Khánh về nhu cầu này. Tuy nhiên khi lên đến phòng mới biết đường wireless không thể kết nối được. Một du khách người Mỹ ở phòng bên cạnh cũng đang nhăn nhó về thứ tiện nghi đã trở thành quá thông dụng này, nhưng khách sạn vẫn không có đường truyền cho khách. Trong khi người quản lý khách sạn nói với chị Lệ Khánh là đường internet rất tốt, phải đặt tiền phòng trước 250 ngàn đồng.
    Sau khi thấy tôi thử máy, wireless vẫn cứ đứng trơ ra. Chị quản lý khách sạn vẫn thản nhiên nói với tôi:
    – Bác an tâm, cách đây vài gian phố thôi, có quán cafe internet, tôi sẽ đưa bác ra ngoài đó tha hồ làm từ sáng đến tối cũng chẳng ai nói gì.
    Nhìn chị quản lý cũng khá xinh, nhưng cái kiểu phải đưa đi đưa về thế này thì làm cả buổi không xong.
    Biết rằng chúng tôi bị một quả lừa to tướng, đành chịu mất toi tiền đặt cọc. Tôi cảm ơn cái miệng dẻo và xinh, không dám cằn nhằn trước thiện chí đưa đón đó của cô quản lý. Tôi lại phải nhờ Khánh Thục thuê cho một căn phòng khác. Nhưng điện thoại đến khách sạn nào cũng hết phòng. Khánh Thục ghé tai tôi nói nhỏ:
    – Các quan khách được mời lên dự Festiaval nhân dịp vui vẻ này, ở hotel hạng sang, tội gì mà bỏ Đà Lạt về sớm cho phí của trời. Nhất là đêm nay lại là đêm chung kết thi Hoa Hậu các dân tộc. Mấy cô người dân tộc xinh lắm bác ạ và còn… hơi ngây thơ, chưa biết “mùi đời” như các hoa khôi hoa hậu ở các cuộc thi khác, thành tinh ra trong “nghề”.
    Tôi chỉ nóng ruột về cái phòng nào có thể làm việc được chứ không mơ màng gì tới hoa khôi hoa hậu cho mất thì giờ.
    Khánh Thục tiếp tục gọi điện thoại đến những nơi quen biết. Một lát sau, may phúc có một vị trả phòng ở một khách sạn khá lớn. Nguyên trước đây là khách sạn Lang Biang, nay được sửa sang lại và đổi tên thành Golf 3. Tôi phải nhắm mắt thuê vậy. Nhưng cái mà tôi nhìn đến đầu tiên, ngay bên cạnh quầy Tiếp Tân là phòng Internet có ghi hàng chữ ADSL với 3 máy computer chễm chệ. Vào “thử tay nghề” một tí, đường truyền chạy veo veo. Lúc đó tôi mới dám đưa Chứng minh nhân dân lấy phòng, đồng thời thông báo cho ông chủ báo hỗ trợ “kinh phí”. Tất nhiên là ông chủ báo vui vẻ nhận lời ngay, tìm được một người chịu làm việc trong dịp nghỉ lễ Giáng Sinh đâu có dễ.
    Sau khi bước lên phòng 307, tôi lại lôi cái laptop ra thử cho chắc ăn. Wireless kết nối khá nhanh tuy không được bằng phòng dưới nhà, song cũng đủ để làm tròn nhiệm vụ.
    Hơn 6 giờ tối, chúng tôi mới có dịp bước ra phố. Trời không lạnh lắm, nhưng cũng đủ để dân “xứ nóng Sài Gòn” phải khoác chiếc áo ấm, choàng cái khăn quàng mỏng để nuôi cái cảm giác được hưởng chút rét mướt mùa Giáng Sinh.

    Văn hóa hè phố
    Thành phố Đà Lạt đã lên đèn, khu bưu điện và Nhà Thờ sáng rực trên đồi cao, con phố dốc thoai thoải xuống bờ hồ mang một nét rất đặc biệt của thành phố cao nguyên. Nhưng tuyệt nhiên không thấy một bông hoa anh đào nào chịu nở. Bữa đó khu phố này cấm mọi loại xe, dành cho “phố đi bộ”.
    Dạo quanh khu phố chợ sầm uất, trên là trời, dưới là hàng quần áo ấm đủ kiểu. Hỏi mua tạm một cái áo len, kiểu gì cũng có, nhất là hiểu Hàn Quốc. Nhưng toàn là thứ Hàn Quốc rẻ tiền, nhái theo kiểu áo các chàng và nàng “Đông zun kwan” gì đó mặc trong phim. Nhưng giá cả thì khiến bạn ngỡ ngàng, không phải vì đắt mà vì quá rẻ. Nếu bạn chịu khó mặc cả, không một chiếc áo len nào quá một trăm ngàn đồng (chưa đến 8 USD) kể cả kiểu của nam và của nữ, kể cả áo hoa hòe hoa sói cho những cô cậu “choai choai” và kiểu cổ điển cho những ông bà già. Vớ và mũ thì sổ tung, bán “son” ngay trên lề đường với giá 10 ngàn đồng VN 3 đôi vớ và khoảng gần gần 20 ngàn một cái mũ len đan tay, có thêu thùa hoa bướm, có chữ Anh, chữ Việt đàng hoàng.
    Bên cạnh đó là những hàng khoai lang nướng, bắp nướng, bánh tráng mỡ hành nướng, khô mực… nghi ngút bốc khói, mang đậm “nét văn hóa Đà Lạt”. Bây giờ các cô hàng buôn thúng bán bưng lề đường lại “sáng tạo” ra kiểu nướng thịt, bán cho khách đi đường ăn ngay tại chỗ. Thịt chim cút, cánh gà, chân gà, thịt heo quấn mỡ sâu từng xiên, đưa lên chiếc lò than nhỏ, quạt phành phạch rất vui tai. Mùi thơm quyến rũ lắm, các cặp tình nhân vừa cười rúc rích vừa “nếm thử, ăn thật” tóp tép ngay trên đường phố. Đó là những thứ được gọi là “ẩm thực đặc sản hè phố” của thành phố cao nguyên này.
    Nhưng lại mất đi một thứ tuyệt vời hơn, hồi xa xưa, những năm trước 1975, bất kỳ một ai đi trên khu phố Hòa Bình này cũng thấy thú vị. Đó là những thúng hạt dẻ được ủ bằng một chiếc khăn dạ hoặc đủ thứ vải cũ để giữ độ nóng. Hạt dẻ được đong bằng những chiếc chén bán cho khách, thủ trong túi áo blouson, đi ăn dần. Hạt dẻ không thơm, song cái chất mềm mại, dính dính, nóng nóng giữa hai hàm răng cho một cảm giác rất… Đà Lạt. Tôi đi khắp thành phố không tìm được món hạt dẻ này để nhớ về một thời trai trẻ với bạn bè. Món này đã “tuyệt tích giang hồ” rồi.
    Lên đến đây, chúng tôi thường không ăn cơm, phải đi kiếm ngay một tô phở ăn cho “đã”. Phở Đà Lạt chưa chắc đã ngon hơn phở Hòa, phở 24, phở Bà Dậu ở Sài Gòn, nhưng nó có mùi vị riêng của không gian, của cái lạnh, của những ngọn đồi, của hồ Xuân Hương, của những cô gái má chín hồng như trái mận. Cho nên, đối với tôi, lên đến đây để ăn phở trước tiên. Giá cả “mềm” hơn Sài Gòn nhiều. Một tô phở Bằng hay phở Hiền Đà Lạt chỉ 12 đến 15 ngàn đồng, trong khi ở Sài Gòn từ 24 đến 30 ngàn đồng, tùy “thương hiệu”.

    Một quán cà phê đáng yêu nhất
    Cà phê Tùng vẫn ở chỗ cũ, nằm trên con đường bên hông rạp hát Hòa Bình. Một nét rất đáng yêu và đáng quý trọng là chủ nhân đã cố tình giữ lại tất cả như xưa, không hề thay đổi. Từ bàn ghế, cách trang trí, đến hương vị cà phê, tôi thấy hoàn toàn không khác gì “những ngày xưa”. Vẫn những chiếc bàn gỗ thấp, những chiếc ghế nhỏ khiêm nhường, khuôn cửa kính nhìn ra hè phố, đứng ở ngoài có thể nhìn thấy rõ khung cảnh bên trong. Khách vào đây, hầu hết là những người lớn tuổi, lặng lẽ, thủ thỉ, cho tôi cảm tưởng như ai cũng đi tìm lại chút kỷ niệm xưa. Tôi cũng vậy, đến đây để nhớ, để được sống lại vài phút với những Diên Nghị, Kiêm Đạt, Tạ Ký, Hoàng Đình Hoạt, Quỳnh con, Khôi lùn… của lớp Đại Đội Trưởng và lớp Chỉ Huy Tham Mưu năm nào.
    Tôi nhớ hồi đó có người nói cà phê Tùng pha thêm một chút ruột cau để nước cà phê đậm thêm, sánh thêm, nên phin cà phê nhỏ từng giọt chậm chạp, nhễu xuống như chất keo, kéo dài xuống đáy ly thủy tinh. Mơ màng như có chất thơ “Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mưa”.
    Hồi đó, ông chủ quaùn cà phê Tùng không bán cà phê rang sẵn cho ai cả, chắc là sợ lộ bí quyết nghề nghiệp. Nhưng với tôi, thỉnh thoảng ông nể tình, bán cho một hai lạng về trường pha uống dần trong những ngày mưa gió và rách không ra phố được. Bây giờ tôi vẫn muốn mua vài lạng để mang về Sài Gòn uống dần, nhưng tìm quanh chẳng thấy ông chủ cũ đâu và nếu có ông, chắc cũng quên tôi rồi. Vì thế nên đành chỉ uống một ly để thấy bạn bè mình “hiện về trong đáy cốc" thôi vậy.

    Cái chết vì tình
    Nói là thành phố Đà Lạt, nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có khu phố Hòa Bình này thôi. Tất cả mọi sinh hoạt buôn bán dồn về đây. Mọi con đường đều dẫn đến cái “công trường” gần như vuông vắn này. Cứ đi quanh đi quẩn rồi lại thấy mình gặp mình đúng ở ngã tư. Những con phố khác là những cửa hàng cửa hiệu vắng vẻ, càng đi xa khu phố chợ càng vắng. Ngành nghề kinh doanh chính ở những con đường khác là khách sạn và khách sạn. Từ loại luộm thuộm bình dân năm bảy chục ngàn một đêm đến hai, ba, bốn, năm sao, tính bằng vài chục USD trở lên đến vài trăm USD. Mùa lễ hội thì chật kín, nâng giá làm cao, nhưng những ngày thường thì vắng như chùa Bà Đanh, lại chèo kéo mỏi miệng mời chào khách.
    Hơn 8 giờ chẳng còn trò gì ngoài phố, tôi trở về khách sạn. Sau gần 8 tiếng đi xe đò “chất lượng cao”, từ TP. Sài Gòn, mất tám chục ngàn, cũng thấy rã rời. Vừa về đến khách sạn, đã thấy người ta bu kín xung quanh một khu vực ngay dưới sàn xi măng ngoài sân. Thì ra có một ông khách vừa nhảy từ lầu 7 xuống tự tử. Ông khách còn ngáp ngáp chưa chết ngay. Cảnh sát đến rồi xe cứu thương hú còi um sùm. Chúng tôi chẳng tội vạ gì mà tò mò. Sáng hôm sau mới biết ông khách chán đời đó là người ở Kiên Giang, đi xe hơi lên Đà Lạt, thuê phòng ở lầu 6, để lại một lá thư tuyệt mạng rồi leo lên lầu 7 là nơi bán cafe, nhảy xuống. Lại có tin đồn là người vợ của vị khách chán đời đó ở Sài Gòn cũng đang thuê một khách sạn và người ta thấy có sợi dây thòng lọng chuẩn bị sẵn trong phòng nhưng chưa… kịp chết.
    Theo tin báo chí rất mơ hồ là “họ không chịu nổi áp lực của cuộc sống”. Vì tình hay vì làm ăn thất bại, không ai biết.
    Chúng tôi lên phòng và được biết căn phòng của vị khách chán đời kia thẳng đứng với phòng của chúng tôi thuê. Ông ta ở lầu 6 (chắc là phòng 607), phòng chúng tôi ở lầu 3 (307). Có điều không ai hiểu là tại sao ông ta lại chọn cái chết ở khách sạn và ở xứ tình nhân Đà Lạt? Vì thế tôi đoán là cái chết vì tình. Có đáng hay không? Chết vì tình cũng đáng lắm chứ. Mỗi người nhìn nhận theo góc độ riêng của mình.

    Người đi tìm “thú đau thương”
    Sáng hôm sau, đúng ngày Lễ Giáng Sinh, tôi lang thang một mình xuống quán cà phê Ga Ly (không phải Cali), nằm trên quả đồi đối diện với khách sạn tôi ở. Ngồi ở đây, sau hàng lan can gỗ, có thể ngắm cảnh bờ Hồ và con đường dốc với khu phố chợ luôn tấp nập. Không có nhạc “dậm giật” chói chang kiểu Sài Gòn. Chỉ có nhạc nhẹ êm dịu.
    Rất bất ngờ, một người đàn ông mang cái vẻ chững chạc của một người phong lưu từ từ đến đứng sững trước mặt tôi. Anh ta trẻ hơn tôi vài tuổi, tóc muối tiêu rất đẹp và tất nhiên là mập hơn tôi rất nhiều vì tôi thường tự phụ không ai có thể gầy hơn tôi được. Tôi đã thấy ngờ ngợ, quen quen mà chưa kịp nhớ tên. Anh ta xà xuống ghế, ôm vai tôi, gọi cả tên “cúng cơm” và bút hiệu. Vậy mà tôi vẫn chưa nhớ ra anh ta là ai. Quen thì quen lắm, tên thì chịu. Anh ta nói ngay:
    – Em là Thành, Thành “vang”, anh nhớ chưa?
    Có cái “hỗn danh” Thành “vang” làm tôi nhớ ngay. Hồi xưa, khi tôi học lớp Tham Mưu Cao Cấp ở Đà Lạt, Thành còn học năm đầu đại học. Nhà anh ta chuyên bán rượu vang nên gọi là Thành “vang”. Tôi quen Thành khi đi chơi ở mấy cái phòng trà Nigh Club, La Tulipe… có nữ ca sĩ Thúy Nga (vợ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) hát thường trực ở đó. Nhà Thành rất gần Nigh Club, bạn bè tôi thường ghé qua vì bố Thành cũng là một quân nhân về hưu, tất nhiên là già hơn chúng tôi nhiều. Thành còn có bà chị rất đẹp và quan trọng hơn là chưa có bồ.

    Hồi đó tôi quen một gia đình từ Hải Phòng di cư vào Đà Lạt và có một cửa tiệm bán sách ngay đầu dốc Phan Đình Phùng. Cô con gái lại là học trò cũ của tôi ở trường Bạch Đằng, trước khi tôi được lệnh động viên. Chỉ sau vài năm, trông cô học trò của tôi “trổ mã” rất xinh. Nhưng đã mang tiếng là thầy giáo, quen cả gia đình nên tôi đành đóng vai “ông anh đạo mạo” vậy. Huyền - tên cô học trò của tôi - hiền lành đứng bán sách nhưng rất ít nói. Cô cũng có vẻ sính văn chương nghệ thuật. Thành có khiếu làm thơ, đưa tôi vài bài đăng báo ở Sài Gòn. Tôi hiểu Thành “vang” chết mệt cô học trò của tôi rồi. Tôi gài độ cho hai người gặp nhau, nhưng vẫn chỉ là “tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
    Sau 5 tháng học xong lớp Tham Mưu, tôi trở lại Phòng Báo Chí ở Sài Gòn. Có lần đọc được thơ của cậu Thành “vang” công khai tặng Huyền công chúa. Rồi chuyện tình của họ kết quả là một cái đám cưới như bao nhiêu cuộc tình đẹp khác. Cuộc sống của hai người rất êm ấm, sau đó hai vợ chồng Thành dọn về Sài Gòn làm đại lý cho một hãng rượu của Pháp.

    Cuộc tình “bất đắc kỳ tử”
    Ngày 30-4-1975, trong khi Thành ở Đà Lạt lo đám tang cho bố thì Huyền chạy theo gia đình nhà mình xuống tàu ra đảo. Hai vợ chồng lạc nhau từ đấy. Trong khi Huyền đang mang thai đứa con thứ hai được vài tháng.
    Thành kẹt lại và bị “đánh tư sản” sính vính. Cơ nghiệp, nhà cửa mất hết. Đi “cải tạo” năm bảy năm rồi về tay trắng, không liên lạc gì được với vợ con. Đó cũng là tình trạng chung của không ít “đại gia” thời đó.
    Khi tôi trở lại Sài Gòn cũng chỉ nghe bạn bè quen biết nói lại là Thành làm đủ thứ nghề, kể cả vào bến cảng làm nghề bốc vác. Vượt biên năm bảy lần đều bị tóm, ra vào mấy cái trại giam ở Tiền Giang, Hậu Giang như đi nghỉ mát.
    Tôi chỉ biết sơ qua cuộc đời Thành đến đấy và hôm nay mới gặp lại. Nhìn dáng vẻ anh ta, tôi hiểu là hồi này khá lắm rồi. Người Sài Gòn những năm sau này, chẳng biết thế nào mà đoán được. Chỉ vài năm đã đổi thay rất nhiều. Buôn bán đất, trúng cổ phiếu và hàng trăm thứ “buôn bán” không hẳn là thứ nghề ngỗng gì. Thánh cho ăn lộc, phất lên bất cứ lúc nào.
    Thành kể lúc này gia đình ở Sài Gòn, hai hôm trước, dẫn vợ con lên Đà Lạt đón Noel. Thành ở cùng khách sạn với tôi, tất nhiên anh cũng biết về chuyện người khách nhảy từ lầu 7 xuống tối hôm trước. Thành gật gù:
    – Em phục tay dám nhảy lầu tự tử quá anh ạ.
    Tôi dở giọng ngang tàng:
    – Việc gì phải tự tử. Cái gì cũng có thể làm lại từ đầu mà. Vì tình hay vì tiền đều như nhau. Hạnh phúc này tan vỡ thì chịu khó đi tìm ở chỗ khác. Mình có muốn thế đâu. Tự nó đến như một thiên tai, mình không tránh được.
    Thành mỉm cười có vẻ cay đắng:
    – Tiền thì kiếm được chứ tình thì … khó nói lắm.
    Tôi hỏi thẳng băng ngay:
    – Thế Huyền hồi này thế nào?
    – Em vừa nói chuyện với cô ấy xong nên mới ra đây. Tính ngồi một mình không ngờ lại gặp anh.
    – Cô ấy không lên với cậu à?
    – Không! Cô ấy ở Mỹ mấy chục năm nay rồi anh ạ. Chúng em đều có gia đình riêng cả rồi. Nhưng thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau như bạn bè thôi. Cô ấy và mấy đứa con về Việt Nam chơi vẫn đến thăm em.
    Tôi cười như một lời an ủi:
    – Thế là phải. Chuyện đó như một chuyện thường tình. Gặp nhau vui vẻ là đẹp nhất. Có giận hờn, có cay đắng cũng chẳng lấy lại được gì. Khá nhiều cặp vợ chồng như thế. Những cuộc tình chết “bất đắc kỳ tử”, không do ai cả. Do thời cuộc. Nhưng mọi chuyện qua rồi, mỗi người có cuộc sống riêng của mình.
    Thành ngồi im. Chiếc cà rá hột soàn óng ánh trên ngón tay út mập mạp trắng trẻo. Chiếc đồng hồ Rolex to tướng trên cổ tay mịn màng. Thành trở nên trầm ngâm:
    – Mọi chuyện tưởng đã qua, nhưng… chưa hẳn là thế. Hậu quả của nó còn dài, rất dài.
    Tôi cười bâng quơ, nhắc lại một câu hát trong Tình Nhớ:
    – “Tình ngỡ đã qua đi, nhưng tình bỗng lại về”?
    Thành im lặng rồi thở dài:
    – Đó là trường hợp của em đêm qua.

    Nỗi ân hận choáng váng
    Thành kể lại chuyện gia đình của mình. Huyền qua Mỹ hơn tám năm thì “tục huyền” với một người đàn ông làm ăn đứng đắn. Thành ở lại Việt Nam, vất vưởng chừng gần mười năm rồi xây dựng lại sự nghiệp, thoạt tiên là mua một miếng đất ngoài Bình Thuận, trồng nho rồi sau đó sản xuất rượu vang, Chỉ năm năm sau, cơ nghiệp của Thành trở nên vững vàng. Anh lập gia đình với một thôn nữ khá đẹp ở tận Long Xuyên. Bây giờ đã có hai người con đều thành đạt.
    Hai người con của Huyền và Thành, một ở Mỹ, cậu con trai sau cùng ở Pháp. Năm nay cũng đã trên ba mươi tuổi. Dịp Giáng Sinh năm nay, tức là mới tối hôm qua đây thôi, Nam từ Pháp về thăm mẹ ở San Diego. Chị của Nam không về được. Người chồng sau này của Huyền đang nằm bệnh viện vì ung thư. Nhà chỉ có hai mẹ con.
    Nam nhận được e mail, biết bố đang ở Đà Lạt, Nam yêu cầu bố gửi hình qua cho cháu xem. Thành vui vẻ gửi ngay cho con năm bảy tấm ảnh mới chụp.
    Ngay sau đó, Thành được e mail của con. Nam kể rằng nó rất vui, la lên “mẹ ơi, có thư và ảnh của bố”. Nam kéo mẹ đến xem ảnh bố ở Đà Lạt. Mẹ Huyền của Nam xem hình rồi một laùt sau, lặng lẽ khóc. Nam đứng sững nhìn mẹ và Nam không hiểu tại sao mẹ khóc. Bao nhiêu năm nay, khi nhận thư và được ảnh của Thành gửi sang, mẹ Nam có khóc bao giờ đâu. Mẹ ôm Nam trong lòng và không giải thích điều gì cả. Nam cũng chẳng hiểu tại sao mình cũng khóc.
    Nam lại gửi ngay cho bố vài hàng kể rõ và yêu cầu bố Thành gửi e mail sang an ủi mẹ Huyền. Lúc đó Thành mới sững người, anh nhìn lại những tấm ảnh gửi qua, có tới 2 tấm ảnh chụp đúng vào nơi chốn mà xưa kia Thành và Huyền đã từng có rất nhiều kỷ niệm với nhau lúc bắt đầu cuộc tình.
    Bây giờ Thành mới thấy được sự vô ý không thể tha thứ của mình. Anh ngồi trước computer mà không viết nổi một hàng chữ nào. Hai giờ đêm, Thành xuống phòng Tiếp Tân, gọi điện thoại sang cho con. Lúc đó ở San Diego là giữa trưa. Nam và mẹ đang ăn cơm, Nam nói mẹ không thể nào nuốt nổi. “Thôi, bố nói chuyện với mẹ Huyền đi”. Huyền ngần ngại mãi rồi mới chịu cầm điện thoại.
    Thành kể:
    – Anh ạ, thoạt tiên vẫn là tiếng nức nở của Huyền. Mãi cô ấy mới nói được: “Anh còn tới những chốn xưa sao?”
    Thành thú nhận là cũng lặng đi không nói được, không biện minh gì được. Anh chỉ bập bẹ ba tiếng “Xin lỗi em”.
    Thành nói với tôi:
    – Em cứ tưởng cô ấy cũng chẳng quan tâm gì đến những chi tiết nhỏ đó. Bởi thật ra sau này chúng em gặp nhau rất tự nhiên, chẳng bao giờ nhắc lại những kỷ niệm cũ.
    Tôi đã có chút kinh nghiệm về chuyện này nên nói với Thành:
    – Không nói, nhưng nó vẫn hiện diện từ trong đáy sâu trái tim mình. Không nói cũng là một cách nói. Như thế hay hơn chứ.
    – Không hẳn là như thế anh ạ. Em cho rằng mình cố đánh lừa mình, trong cái thế phải “tỉnh queo” thì phải thế thôi. Trái tim mình nó nói khác.
    – Trong những góc tối nhất của linh hồn, có những điều không bao giờ nên đụng tới.
    Thành thở dài:
    – Nhưng khi đã đụng tới thì nó tàn phá mình kinh khủng.
    – Rồi sau đó Huyền nói gì với cậu?
    Tiếng Thành rời rạc:
    – Có nói gì được nhiều đâu anh. Cô ấy chỉ trách là em không hiểu cô ấy thôi. Mà thật ra, làm sao em không hiểu Huyền được chứ. Em hiểu, hiểu rất nhiều. Chúng em gặp nhau, nhìn nhau cố dửng dưng, trong cái dửng dưng ấy lại có tất cả nỗi nhớ nhung, có tình yêu và có cả một cái gì như thù hận. Anh đừng hiểu thù hận theo cái nghĩa thông thường. Thù ở đây là không đợi nhau được, hận ở đây là nỗi đau vì phải xa nhau. Nó nhẹ nhàng, nhưng sâu đậm. Tưởng là chết cũng không thể nói ra. Vì chúng ta phải sống như những người đàn ông, vì chúng ta phải sống đúng cái cách mà người “hiểu biết” thường phải đối xử với nhau thôi.
    Tôi hiểu Thành nên nắm tay anh:
    – Hiểu như thế là đủ.
    – Chẳng có gì là đủ. Mình tự an ủi mình đấy. Lâu nay em cứ nghĩ rằng cô ấy sống với một người đàn ông tử tế đàng hoàng như vậy là có hạnh phúc rồi, hay ít nhất thì cũng yên ổn. Cô ấy có thể quên em. Nhưng bây giờ em mới hiểu... tình cảm không giản dị như vậy đâu. Nó có đời sống của nó.
    Thành bần thần vớ bao thuốc lá laáy ra moät ñieáu chaâm löûa hút một hơi dài:
    – Cô ấy cúp máy ngay sau đó, không cho em nói thêm được điều gì nữa cả.
    Tôi hỏi ngược:
    – Nếu được, cậu sẽ nói gì?
    Thành lắc đầu:
    – Chính em cũng không biết, em chỉ thấy cần phải nói thôi.
    Đến đây Thành nhìn về phía nhà thờ Đà Lạt. Anh rủ tôi đến nhà thờ, chẳng biết để làm gì. Tôi không đến vì lỡ hẹn với mấy người bạn ăn cơm trưa. Thành lủi thủi bước xuống con đường đầy nắng vàng.

    Tôi hình dung ra bóng người đàn ông đó ngồi im sững trong ngôi giáo đường vắng ngắt. Thành cầu nguyện gì? Tôi không thể đoán ra. Bạn thử đoán xem. Xin bạn một phút cho những mối tình buồn như thế. Tôi nghĩ không phải chỉ có Huyền và Thành, còn rất nhiều nhiều những chuyện tình đẹp và buồn như thế. Tôi muốn nói tiếng nói ấy trong bút ký này.



    Sài Gòn 31-12-2007

    VĂN QUANG
    __________________
    ***************
Working...
X