Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Chân Lệ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chân Lệ

    Đời người, khởi đầu là sinh, kết thúc là diệt. Nhưng dẫu là khởi đầu hay kết thúc, sinh hay diệt thì cũng chỉ là nước mắt cả mà thôi. Khi mới chào đời, ta không biết ta đã tự khóc ta. Đến khi chết đi rồi, liệu ta còn nghe được tiếng người khóc mình? Đôi khi ta nhìn cây thông cô độc giữa trời kia, gió thổi qua cành lá, nghe như tiếng khóc thầm gọi tên cố nhân. Và khi ta khóc, ta càng cảm thấy cô độc.
    Cô độc là cảm giác mà con người có thể cảm nhận được khi hắn bị tách ra khỏi dòng chảy hỗn loạn cuộc sống. Cô độc là mầm mống của nổi loạn. Kẻ cô độc có xu hướng chống lại cái thế giới đã ruồng rẫy y, như một kháng cự cuối cùng của nỗi tuyệt vọng. Cô độc là trống rỗng. Và trống rỗng là sự giản đơn nhất của thế giới này. Trắng là màu của giản đơn.Trắng.Trắng xóa.Trắng xóa như hoài niệm bị xóa trắng.Trắng xóa như bốn bức tường vôi quanh chỗ cụ nằm.
    Hơn chục năm trời trong căn phòng lạnh lẽo, mặc cho bao kẻ đã được sinh ra, bao người đã chết đi, mặc cho thế gian biến đổi xoay vần – cụ chẳng thể nào còn có thể cảm nhận được nỗi cô độc trong lòng mình. Và cũng chẳng sót lại chút sức lực nào nữa để cụ có thể nổi loạn, dù chỉ là nổi loạn trong ý nghĩ. Kiếp người dai dẳng hơn kiếp phù du nổi trôi sóng nước chẳng qua bởi tạo hóa trêu ngươi giở trò câu giờ đó thôi. Vậy mà ở đoạn cuối khoảng câu giờ ấy, kể từ lúc Nhân lên mười, cụ đã sống như một xác chết.
    Cha Nhân là ai. Chẳng ai biết. Đến cả mẹ hắn cũng chẳng biết. Chị bị cưỡng hiếp giữa ruộng ngô vào một chiều tối chập choạng kinh hoàng khiếp sợ hư ảo mặt người. Xem ra, dẫu cũng có họ có tên nhưng Nhân vẫn là kẻ nặc danh trong cuộc đời này, nặc danh ngay từ lúc chưa kịp lọt lòng mẹ.
    Khi Nhân vừa chập chững biết đi, mẹ dắt hắn lên phố, bắt đầu phận người làm kẻ ở trong nhà cụ. Đúng ra đó đã là cuộc trốn chạy của một người đàn bà chửa hoang và của một đứa trẻ không cha. Chạy trốn khỏi những xoi mói, dị nghị, khinh rẻ của người đời, chạy trốn khỏi chốn quê hương bao đời thân thuộc. Bởi Nhân càng ra hình ra hài, mẹ con hắn càng tủi nhục. Người làng kẻ oang oang rằng Nhân giống tay Thìn hoạn lợn như đúc như tạc, đứa lại thì thào hắn đích thị là con ông Mười bí thư xã. Mà thật ra, dẫu cho quần áo bề ngoài khác nhau, nhưng trông kỹ thì ông bí thư cũng chẳng khác thằng hoạn lợn bao nhiêu.
    Lẽ thường, những người giúp việc khó có thể được gia chủ chấp nhận cho đèo bồng hay chứa chấp thêm con cái – nhất là con nhỏ - ở nơi họ phải làm nghĩa vụ hầu hạ phục dịch. Tuy nhiên, bởi vì cụ thương tình gia cảnh cơ hàn của mẹ con Nhân nên hắn cũng được sống cạnh mẹ ngay trong nhà chủ. Phần cũng do nhà cụ rộng rãi khang trang mà lại neo người. Năm người con lớn của cụ đều đã có gia đình và đã ra ở riêng từ lâu, chỉ còn cô út đang là sinh viên trọ học ở tỉnh bên, vài tuần mới ghé nhà một lần.
    Công việc mà mẹ Nhân phải làm cũng không quá nặng nhọc nếu so với những lao động nuôi trồng cày cấy hồi còn ở làng, quanh đi quẩn lại vẫn là bao chuyện muôn năm đàn bà như chợ búa, cơm nước, giặt giũ,...
    Những ngày tháng trong nhà cụ có lẽ là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời Nhân. Cụ thương yêu gần gụi hắn còn hơn cả con cháu mình. Hắn quấn quít bên cụ như người con bên cha, như cháu bên người ông. Tình thương xóa nhòa mọi ranh giới huyết thống, sang hèn, chủ tớ - bởi tình thương bắt nguồn từ sự đồng cảm của những phận người. Thiếu vắng sự đồng cảm, đến cả quan hệ ruột thịt cũng chỉ là thứ tình cảm khiên cưỡng, nghĩa vụ mà thôi.
    Nhưng những gì đẹp đẽ nhất trên thế gian này thường ngắn ngủi trong thời gian đời người. Những gì đẹp đẽ nhất trên thế gian này chỉ có thể dài lâu, chỉ có thể vĩnh hằng trong thời gian hoài niệm. Những hoài niệm đẹp đẽ của Nhân về quãng đời thơ ấu cũng kết thúc vào cái ngày cụ chẳng còn có thể cười với hắn, chơi đùa cùng hắn, sửa lại chiếc cổ áo xọc xạch cho hắn. Người già mong manh như sương như khói, một cú ngã cứng đờ và những biến chứng tai biến mạch máu não đã khiến cụ bại não, toàn thân bất toại.
    Có những kẻ thể xác vẫn còn sống đó mà linh hồn đã chết từ lâu. Cũng có những kẻ linh hồn tựa hồ còn phảng phất chốn nhân gian nhưng xương cốt hình hài đã tiêu tan như cát bụi hư không. Riêng cụ, thể xác cụ như đã chết. Riêng cụ, linh hồn cụ như đã chết. Cụ không còn biết hắn là ai. Cụ không còn nhận ra hắn. Cụ chẳng còn nhớ gì cả. Hắn khóc lay gọi cụ. Nhưng chẳng còn lại chút gì trong ánh mắt vô hồn của cụ. Có chăng cụ vẫn sống trong những hoài niệm ấu thơ của hắn mà thôi.
    Con cháu họ hàng ai cũng xót thương cụ. Tuy rằng ai cũng thầm kín biết rằng cụ sống ngày nào là ngày ấy còn khổ ải đọa đày chính bản thân cụ, nhưng họ lại không dám mong cụ chết, họ vẫn sợ rằng chuyện con cái mà mong cha mẹ chết là đại nghịch bất đạo, là tội thiên tru địa diệt. Mẹ Nhân được con cháu cụ tăng gấp đôi tiền lương mỗi tháng, vì họ cho rằng công việc của chị từ nay sẽ vất vả hơn xưa. Người ta muốn thấy ngôi nhà mà họ ít ghé qua phải luôn gọn gàng ngăn nắp, người ta muốn thấy người cha già mà họ ít thăm nom phải luôn sạch sẽ thơm tho. Cảnh cửa nhà vốn đã quạnh hiu nay lại càng hiu quạnh.
    Đành rằng sinh ra trong đời đã là một điều bất hạnh, nhưng những kẻ thèm sống, khát sống như Nhân còn phải chịu bất hạnh thống khổ bội phần. Âu cũng do xưa nay những kiếp lầm than trên cõi đời ảo tưởng mù lòa nên cứ tưởng ông xanh có mắt đó thôi. Công bằng ở đâu, thiên lý ở đâu. Chẳng ai biết. Công bằng chốn nhân gian còn không có, mong chi thiên lý rớt xuống từ trên trời.
    Thêm được hai năm kể từ ngày cụ liệt giường, mẹ Nhân chẳng biết vì sao lại thường xuyên bệnh tật đau yếu, thế là con cháu trong gia đình cụ quyết định không mướn chị nữa, hai mẹ con Nhân đành dắt díu nhau trở về quê cũ. Mẹ Nhân nay ốm yếu không thể làm được việc nặng, tiền bạc dành dụm bấy lâu chẳng bù chi phí thuốc thang, thành thử miếng ăn cái uống đều trông cậy hết ở hắn - một thằng bé mới mười hai tuổi. Hắn làm thuê, khóc thuê. Xem ra cuộc đời Nhân đâu chỉ có khởi đầu và kết thúc mới bằng nước mắt. Hắn sống bằng nước mắt.
    Nhân có họ hàng xa đằng ngoại với ông chủ gánh khóc thuê. Dẫu xa đến độ chắp ba quả đại bác lại chưa chắc đã bắn tới nơi thì Nhân vẫn gọi ông Bình là cậu. Cậu họ của Nhân vốn là con cháu trong một dòng họ tám đời truyền nhau nghiệp kép chèo cổ. Nhưng thời này, tuồng chèo chẳng còn được mấy ai màng, nên để kiếm thứ đút mồm, Bình chuyển sang nghề thương vay khóc mướn, đành cho cổ truyền theo tổ phụ xuống cửu tuyền. Cái kiếp Trần Văn Bình, nửa đời trước mua vui cho kẻ sống, nửa đời sau chuốc buồn cho người chết. Bây giờ, không gì là không thể mua được bằng tiền, cứ ném thật nhiều tiền ra, bao nhiêu nước mắt cũng có. Trong cõi nhân gian này, nước mắt đã nhiều và đã mặn như nước đái rồi.
    Ngày thường, người đời muôn phần khinh bỉ bọn khóc thuê, tuy nhiên, họ vẫn rất khẩn khoản đối với những kẻ ấy lúc linh thiêng tang lễ. Bình thừa biết những khẩn khoản mà ông có được từ thiên hạ là dựa vào hơi hám kẻ quá cố im lìm trong cổ quan tài kia. Nhưng chẳng hề gì, cái nghiệp của ông là thế, ai cũng biết là giả, nhưng phải làm cho cái giả kia trở thành thật. Có thật thì người ta mới thuê, càng thật càng ăn tiền. Hư hư thực thực, thực thực hư hư, chẳng còn biết đâu là hư, chẳng thể biết đâu là thực. Mà nếu như còn có thể biết, thì biết để làm gì?
    Mấy năm đầu học việc, Nhân được ông cậu chấp nhận cho ’khóc chay’, nghĩa là cứ thế mà phủ phục bên quan tài, nước mắt không ngừng tuôn rơi, kêu gào thật bi ai, thật thống thiết, thật nức nở. Nhân khóc như thật, không ít gia chủ vì xúc động tới độ rơi lệ trước những dòng nước mắt giả của Nhân mà rất hậu hĩnh thưởng thêm tiền cho hắn. Kiếm được miếng ăn của thiên hạ thật không dễ dàng. Mỗi đám tang, trong lúc tạm nghỉ để ăn uống, cậu Nhân thường dặn nhỏ vào tai hắn:
    ” Gắng ăn cho no nghe con! Ăn no thì mới có sức mà khóc to”.
    Nhân ngoan ngoãn gật đầu. Hắn còn biết nhiều hơn thế, hắn phải khóc to thì mẹ con hắn mới có miếng ăn no. Lao động là nước mắt – điều này đúng với Nhân theo cả nghĩa đen.
    Ngày hôm nay, sau gần mười năm theo gánh ông cậu, Nhân đã thôi ’khóc chay’ từ lâu. Bây giờ, hắn khóc theo bài bản, theo lễ bộ. Hắn chơi được cả trống, kèn, sáo, nhị, thanh la lẫn đàn tam, đàn nguyệt. Hắn thạo hát sử sầu, hát làn thảm, khúc lâm khốc, khốc thập ân. Với Nhân, múa sinh tiền còn dễ hơn húp cháo. Ông chủ gánh khóc thuê giờ không còn phải lăn lộn vật vã ở cuối áo quan nữa, cậu họ Nhân lui về hậu phương đảm trách vai trò ông bầu, chỉ lo chuyện giao thiệp, liên hệ với các gia đình có tang và thu tiền. Ông bận đến mức chẳng có thời gian mà thở, bởi ngày nào cũng có vài kẻ lăn ra chết. Gánh khóc thuê giờ đã mở rộng và phát triển hơn xưa rất nhiều, gánh được chia thành nhiều nhóm hoạt động độc lập với nhau, tiện lợi cho việc chạy xô. Ông Bình tin tưởng Nhân, giao hẳn vị trí trưởng một nhóm cho người cháu. Nhóm khóc thuê của Nhân nổi tiếng một vùng, người ta gọi hắn là ‘khóc sĩ’, đám tang nào cũng cố mời cho được.
    Một buổi tối, cậu Nhân buồn rầu thông báo cho hắn:
    “Cụ Thảnh trên phố mất rồi con ạ!”.
    Có lẽ đó là lần đầu tiên ông Bình không lộ vẻ vui mừng hoan hỉ khi nói về tin đám tang của ai đó. Nhân cúi đầu lặng im. Hắn đã biết trước là sẽ có ngày này. Lâu nay hắn và mẹ vẫn đến thăm nom cụ. Trông cụ thật thương, cụ gầy yếu hơn trước rất nhiều, nhà cửa vẫn quạnh hiu, ngoài chị người làm ra, tuyệt không một bóng con cháu. Lúc đầu, người ta tưởng rằng cụ chỉ liệt giường một vài năm rồi mất, ai ngờ cụ vẫn lay lắt như thế hơn mười năm trời. Hơn mười năm trời cụ sống cuộc đời lãng quên, để đến khi mất đi rồi, hàng xóm láng giềng, họ hàng thân thích mới sực nhớ ra, mới chợt ồ lên là chỉ mấy hôm trước thôi cụ vẫn chưa chết, như rằng bao tháng năm nay cụ vẫn sống, đã sống cho tới ngày hôm qua.
    Và thế là họ hàng con cháu, hàng xóm láng giềng xúm lại mỗi người một tay lo cho đám tang cụ, trông ai cũng thật bận rộn, trông ai cũng thật nhiệt tình. Chua chát thay, người với người lúc còn sống cùng nhau sao mà lạnh nhạt. Mỉa mai thay, người với người lúc còn sống cùng nhau sao mà ơ hờ. Những năm tháng cuối đời, cụ đã không còn nhớ gì nữa, nay cụ ra đi mà không mang theo chút hoài niệm nào. Biết đâu đó lại là điều tốt cuối cùng cho cụ. Nghe nói khi một người chết đi, linh hồn tách khỏi thân xác, rồi cứ theo hướng tây mà phiêu diêu về chốn cửu tuyền. Hồn đừng bao giờ luyến lưu ngoảnh lại, bởi đường về suối vàng sẽ ghập ghềnh hơn nếu hoài niệm dương gian còn chưa phai.
    “Người ta đã gọi điện cho cậu rồi. Cậu muốn nhóm con lo đám này!”.
    “Thưa cậu, nhưng...”, Nhân ngập ngừng.
    Ông chủ gánh hát thuê xua nhẹ tay:
    “Cậu hiểu con đang nghĩ gì. Chẳng có gì để con phải hổ thẹn ở đây. Con không đến khóc, họ cũng mướn kẻ khác. Nếu con muốn, cậu cho phép con từ chối tiền công lần này”.
    Nhân nghe lời cậu, cùng nhóm khóc thuê đến đám tang cụ, nhưng chưa được nửa ngày thì bị người ta kiếm cớ đuổi khéo để thuê gánh khác. Họ nói bọn Nhân khóc không được như họ mong muốn.
    Chiều hôm ấy, Nhân đem chuyện thưa với cậu, cậu hắn bực mình gắt lên:
    “Con là người chính của nhóm, lâu nay vẫn khóc rất tốt, lần này tại sao lại có thể tồi tệ đến vậy? Làm ăn thế, từ nay về sau còn ai dám mướn chúng ta nữa?”.
    Nhân ngập ngừng hồi lâu mới nhỏ nhẹ trả lời:
    “Mong cậu thứ lỗi cho con. Người ta đuổi cũng phải, bởi lần này con khóc thật. Con xin hứa những chuyện như thế sẽ không bao giờ lặp lại”.
    “Khóc thật?”, cậu Nhân sửng sốt, giọng hỏi của ông nghe như tiếng reo.
    Rồi đột nhiên, có lẽ vì quá vui sướng, ông chủ gánh khóc thuê móc ngay từ túi áo một tờ giấy bạc hai trăm ngàn và giúi vào tay Nhân:
    “Đây, con cầm lấy đi. Cậu thưởng cho con!”.
    Hai trăm ngàn cho một lần thất thu chả là gì, ông biết, từ nay Nhân sẽ là cái máy in tiền cho ông. Tiền thật.

    ST ! ( Tác Giả: Tưởng Bình Minh )
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.
Working...
X