Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Lộc Xuân

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Lộc Xuân

    Bọn thằng Hoàng, thằng Kiệt đã nghĩ học từ hôm đưa ông Táo về trời. Tháng cuối đông se lạnh thấm qua những chiếc áo mõng khiến hai đứa run bần bật khi đứng trước ngọ môn đình làng nhìn mấy cụ Hào, Mục, Trưởng lão đốt hương tế cáo trời đất để dựng nêu trừ tà, đón mừng xuân mới vào chiều hăm lăm tháng Chạp. Đội lân của ông giáo Liễng phát xuất từ chùa Bạch Mã với đủ bộ Thổ Địa, Tề Thiên, cùng Sa Tăng, Bát Giới dẫn theo đám trẻ con hiếu kỳ ngoằn ngoèo tiến về sân đình múa lễ. Cái trống chầu Bạch Mã bằng hai xoát ôm của thằng Hoàng được nện xuống bởi cặp dùi điêu luyện trong đôi tay ông Bảy “đờn cò” : “-cắc, cắc, thùng, cắc…” thật đều nhịp ra bề hiệu lịnh cho chú lân tấn, thối, khấu đầu, lăn tròn hoặc uốn lượn chung quanh để dân làng được dịp xít xoa khen ngợi, xem cho thỏa thích.

    Thằng Hoàng, thằng Kiệt khoái chí chạy lăn xăn quanh ông Địa quên cái lạnh đang mắc míu vào tấm thân nửa trần, nửa kín. Ông Tề xách thiết bảng giống chiếc đòn gánh mà bà nội thằng Kiệt mọi hôm quãy trầu ra chợ Đông Xuyên đổi gạo, múa tít mấy vòng rượt Bát Giới xách cào cỏ chạy té ngữa, té nghiên khiến bọn thằng Hoàng cười lăn và phục tài ông Tề sát đất.

    Tế đình, thượng nêu vừa xong, mọi người được chia lộc gồm một vắt xôi với nửa trái chuối, bọn nhỏ ăn ngon lành lộ vẻ thèm thuồng. Hoàng không ăn xôi, gói lại trong lá chuối, bỏ vào túi để dành cho con Nguyệt, rồi chạy theo đoàn lân xuống mả ông Cả Bân rước linh vị về làng ăn tết.

    Dân chúng cùng bọn trẻ hai bên đường nhập vào đoàn lân mỗi lúc một đông. Trời chiều lặn sau hàng dừa cuối xóm, vài tia nắng xuyên kẻ lá vẽ một lằn dài mõng manh bên bờ ruộng ven đường. Đôi trâu cày của ông Lý chậm chạp trên bờ đê hướng về nhà khi hoàng hôn lịm dần, chúng nghe tiếng trống lân cũng ngẫn ngơ đứng nhìn cho tới lúc ông Lý ra roi mới chịu cất buớc.

    Tục truyền, ông Cả Bân là người khai sáng ra làng Đại Trạch nên ai nấy trong làng đều có bổn phận thờ cúng ông như vị Thành Hoàng bổn xứ. Đó là nói những dịp rước lễ xuân thu nhị kỳ, chứ ngày thường thì mả ông cả Bân là tổng hành dinh của bọn trẻ chăn bò, chăn trâu, hoặc đánh đáo, thả diều từ xóm Thượng xuống xóm Hạ, nhờ địa thế ông mả nằm nghều nghệu trên đỉnh gò nối liền các xóm giữa rừng mai thôn Xuân Ngạc.

    Các vị hào, mục, hương cả trong làng đốt măng xông nhậu nhẹt đến khuya. Cây nêu cao vút bằng tre lòng ngà treo lơ lững bùa bát quái với là phướn đỏ ngầu, phần phật lộng trong gió như chứng tích hùng hồn nhất báo cho dân làng nghỉ việc đồng áng…: đón xuân.

    Nói vậy thôi chứ năm ấy được mùa sớm, lúa trì-trì trổ hạt cuối tháng Chín cho ruộng trống đón phù sa đợt lụt hăm ba tháng Mười xâm xấp bùn non. Nhờ thế mà cây lúa đông xuân cứ mơn mỡn ngậm sữa đòng đòng để dân làng rảnh rang nghỉ việc từ hôm rằm tháng Chạp, sửa soạn nhà cửa, dán liễng-đối đỏ chót khắp nơi chờ nghinh xuân mới.
    Thằng Hoàng băng ngang qua nhà Nguyệt, con bé đang quãy đôi gánh ra giếng lấy nước. hắn chạy thật nhanh vừa tầm liền dúi vào tay Nguyệt nắm xôi.
    -Xôi cúng đình, ngon lắm. Cho mày đó!.
    Nói xong, Hoàng vụt chạy ra bờ ao, biến mất…

    ***
    Phong pháo Tô Châu được ba Hoàng thận trọng mở nắp hộp, bóc lớp nylon rồi treo lên nhánh vú sữa sà trước cửa nhà chờ đến phút giao thừa châm lửa. Bà nội đã bày bàn hương án trước sân để “tống cựu nghinh tân, cung xuân tiếp phước”. Hoàng thức dã dượi bên nồi bánh tét chờ tới phút giao thừa lượm pháo thúi mà thời gian cứ ngần ngại trôi qua.

    Bầu trời đen nghịt không một ánh sao. Đêm trừ tịch chuyển mình sang năm mới với khí sắc trang nghiêm chờ đợi. Sự tôn kính hiện lên gương mặt nội truớc án hương cạnh lư trầm nghi nghút khói càng tăng thêm nét thiêng liêng của vũ trụ đang thay tiết đổi mùa. Hoàng đứng xó rớ trước gốc cây, chờ giây phút thần tiên để…lượm pháo thúi rớt ra từ những viên chưa kịp nổ đùng của phong pháo Tô Châu lửng lơ trên cành vú sữa kia kìa.

    ***

    Chùa Bạch Mã dựa lưng vào rừng mai, hướng ngọ môn trực chỉ hừng đông để mặt trời thức giấc òa vào chánh điện. Hàng liễu đúng thẳng tấp từ cửa tam quan đến bực tam cấp xi măng được trang hoàng rực rỡ bởi tràng phang ngũ sắc, cờ xí giăng ngang. Hoàng theo nội lên chùa để hái lộc đầu xuân.

    Cây lộc xuân chính là cây mãn cầu đại thụ nằm trước phương trượng đường được cột hàng ngàn phong bì đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng, cam. Trong ruột phong bì có tấm thiệp màu hồng viết những tặng phẩm tượng trưng hay những lá xăm ông Quan Thánh giải đoán vận mạng kiết hung, gia đạo, lương duyên, học hành, quan lộ suốt cả năm dài. Dĩ nhiên ai hái được trái lộc nào thì nhận lãnh quà phúc ghi trong quả ấy.

    Sau khi lễ Phật xong, nội dẫn Hoàng tiến ra cây mãn cầu đại thụ để hái lộc đầu năm. Nội căn dặn:

    -Con nhớ, khi hái lộc phải đọc thầm lên ba lần: mãn cầu, mãn cầu nghe chưa. Có như vậy thì trọn năm mới hữu cầu toại ý đấy.

    Nội nói xong, lẩm bẩn khấn nguyện một cách tín thành rồi đưa hai tay hái được một quẻ xăm “thượng thượng” nên mừng đáo để. Quay qua Hoàng nội thúc:
    -Hái đi con!. Hoàng muốn hái trái lộc thật cao trên cành kia kìa. Nó nói với nội:
    -Làm sao con hái được trái ấy hả nội? Bà cười hiền từ rồi chỉ chiếc ghế dựa sát tường giục nó đứng lên đó. Hoàng vói tay khỏi đầu trườn lên cho cao thêm tí nữa rồi níu phong bì màu vàng cho đứt xuống bàn tay. Hoàng hồi hộp mở ra đọc từng chữ: “Tứ quý hưng long, thân tâm an lạc, sở cầu như ý, hữu nguyện tất thành” bằng chữ Hán được viết nắn nót bằng nhụ kim trên tấm giấy màu đỏ. Thằng bé mặt bí xị trông yếu xìu khi thấy đống tặng phẩm như xe ô tô, sách hoa, con vụ quyến rủ mà mình chỉ được mảnh giấy vô tri này. Nội biết ý cầm xem rồi giảng giải:
    -Con biết không? Nó tốt lắm đó. Tứ quý hưng long là bốn mùa thịnh vượng, học giỏi, thả trâu không có ăn lúa người ta. Còn thân tâm an lạc là không có bịnh hoạn, không đau bụng vặt hay thương hàn, kiết lỵ như năm rồi. Còn câu bên này thì muốn gì được nấy...như vậy thì con có thích không??

    Dù nghe nội giải thích ngon lành, Hoàng thật tình vẫn không thích tí nào. Ngang qua hành lang tiến về dãy hậu liêu, nội gặp sư phụ đang chúc phúc đầu năm, bà kính cẩn vội vái chào trong khi Hoàng định thần chạy lại đống tặng phẩm ngắm nhìn cho thỏa thích.

    Con Nguyệt bận chiếc áo bà ba trắng, đi đôi guốc Nam Định lốc cốc phía trước hàng hiên. Đứa con gái học chung lớp ba, lớp bốn trường làng mọi bữa bổng nhiên xinh xắn lạ thường trong ngày xuân mới. Khi ngang qua truớc mặt, Hoàng ấp úng hỏi nhỏ:
    -Mày cũng đi hái lộc đầu xuân hả?

    Con bé chỉ gật đầu rồi buớc đến gốc cây mãn cầu hái lộc. Tặng phẩm là một hộp bút chì màu”, người phụ trách mở quà reo lên khi xé phong trái lộc của Nguyệt. Thằng Hoàng đứng ngoài lộ vẻ tiếc rẻ trái lộc lúc nãy của mình. Nguyệt nhận quà hớn hở bước ra, lấy một cây bút chì màu trao cho Hoàng, mĩm cuời Nguyệt nói:
    -Tặng cho mày đó!
    Hoàng bất chợt đươc Nguyệt tặng quà đầu năm. Nó phấn chấn kỳ lạ nhận lấy cây bút chì rồi tiện tay trao cái lộc đầy câu chúc mà nó mới hái khi rồi cho Nguyệt:
    -Tao cũng cho mày đó. Nội tao nói nó tốt lắm, không bị bịnh, muốn gì được nấy, linh lắm đó!
    -Ừ, xôi hôm trước ngon ghê; rồi Nguyệt nhìn tuồng chữ viết ngoằn ngoèo ngắm nghía:
    -Bộ cái này là lá bùa hả?

    Hoàng chưa kịp ừ hử thì đoàn người hành hương diễn qua. Thằng Kiệt từ đâu lướt tới vỗ vai Hoàng rủ bạn:
    -Ê, mau xuống đình coi đấu vật, tao nghe có đoàn hát bội nữa đó mày, lẹ lên kẽo hết!

    Vừa nói, hắn vừa cầm tay bạn lôi đi, Hoàng dần dừ luỡng lự hơi tiếc nối khoảnh khắc đối đáp với Nguyệt vừa qua. Thôi cũng được, đầu năm như vậy là hên lắm đấy, Hoàng tự nhủ rồi cùng bạn chạy băng qua hàng rào, quên nói cho nội biết mình đang đi đâu.

    Trời sập tối, Thằng Kiệt mua đâu được mấy giây pháo chuột bé tí teo đốt đì đoành trước sân. Tiền lì xì của hắn theo tiếng nổ cuộn thành khói khét nghẹt. Hoàng chưa thích đốt pháo lúc này dù hắn còn vài viên trong túi áo. Hoàng vào bàn học lấy cây bút chì ngắm nghía rồi nảy ra ý định viết cái gì để tặng cho Nguyệt. Hắn sực nhớ bài học thuộc lòng của Vũ Đình Liên mà thầy Diên giảng dạy trước ngày áp tết.

    “Mỗi năm hoa đào nở,
    Lại thấy ông đồ già
    Bày mực tàu giấy đỏ
    Bên phố đông người qua.
    Bao nhiêu người thuê viết
    Tấm tắc ngợi khen tài,
    Hoa tay thảo những nét.
    Như phượng múa rồng bay..”

    Viết được bấy nhiêu, nghĩ sao hắn lại thôi, chạy ra sân giật cây nhang trên tay Kiệt đốt đì đoành mấy viên pháo lượm được tối qua….

    ***

    Muời lăm năm trôi qua kể từ ngày miền nam thất thủ. Mười lăm năm trời phiêu bạt để rồi hôm nay Hoàng chuẩn bị đón mùa xuân sang trong căn phòng nhỏ giữa thung lũng hoa vàng của xứ cờ hoa tráng lệ.

    Tháng giêng tây lịch mang âm huởng tuyết đông buốt giá đang ùa vào khe cửa thẩm thấu vào những chi hệ thần kinh làm chàng rùng mình. Ngước nhìn tò lịch Tam Tông Miếu treo lơ lững trên vách tủ lạnh, ừ nhỉ, hăm lăm tháng Chạp ta rồi đấy.

    Hôm Kiệt từ Pháp sang, hai người không rời bộ salon mà gói trà Bạch hạc cũng gần cạn queo. Những kỷ niệm ấu thơ, cái dĩ vảng vừa kỳ diệu, vừa ngây ngô vẫn đọng lại trong ký ức chỉ để chờ dịp ngoi lên:

    -À! Ông nhớ không? Kiệt vỗ vào vai bạn như sực nhớ điều gì, -Cái cô Nguyệt bông ấy!
    -Nguyệt bông nào à? Hoàng ngạc nhiên, phải Nguyệt con ông giáo Nghiêm không?
    -Ừ, ừ, đúng rồi, cô ấy..
    Hoàng cướp lời nóng nảy:
    -Ủa, cô ấy thế nào, mà sao lại là Nguyệt bông? Hoàng tỏ vẻ ngần ngại pha lẫn ngạc nhiên.

    -À, bình tĩnh, bình tĩnh chớ lỵ! Bông là biệt hiệu sau này vì Nguyệt bị nghỉ học, đi bán hoa, cứ theo mùa từng loại hoa mà bán. Tết thì hoa đào, hoa mai, hạ thu thì hoa sen, hoa cúc nên gọi là Nguyệt bông. Bây giờ không biết cô ta ở đâu, chỉ nghe ông Liễng từ Việt nam sang nói rằng, tội nghiệp cô ấy vượt ngục rồi trốn ra nước ngoài nhưng tám năm qua vẫn biệt vô âm tín. Ông giáo Nghiêm có nhờ ông Liễng hỏi thăm bạn bè xa gần mà rốt cuộc nào có ai gặp đâu!

    -Ủa, Hoàng trố mắt kinh hãi, mà sao lại vượt ngục, Nguyệt ở tù à?
    Dường như Hoàng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

    -Ồ! chuyện dài lắm, nhưng đại khái nghe kể là cô ta tham gia tổ chức chống chính quyền, bị bắt và kết án đến hai mươi năm. Ở tù được ba bốn năm gì đó thì cô ấy vượt thoát khi đày đi lao động khổ sai tận vùng núi Long Sơn.

    Kiệt còn nói thêm nhiều nữa nhưng Hoàng như bị ù tai. Mãi lát sau, Hoàng sực nhớ chưa đưa bạn vào phòng nghĩ ngơi; đã gần bốn giờ sáng, ngủ không được mà đi làm thì quá sớm!!
    ***

    Hôm nay mùng một tết. Cái tết Nguyên Đán trọng đại và tôn kính ở Á đông bao nhiêu thì xứ người càng trầm lặng, yên tĩnh và cô quạnh bấy nhiêu. Trừ vài cú phone chúc tết của đám bạn đồng hương chung sở, ngoài ra không có một chút gì khác biệt hơn ngày thường chứ đừng nói gì đến “bánh tét, dưa hành, câu đối đỏ….” Trong khung cảnh trầm lặng mọi hôm thì giờ này càng cảm giác đơn côi, tĩnh mịch vô cùng, Hoàng tìm cái bật lửa, đốt lên ba nén nhang cắm vào bàn thờ Phật để mùi trầm lan tỏa sưởi ấm gian phòng. Nhấc cái phone định gọi vào sở lấy một ngày “off” bịnh, nghĩ sao Hoàng lại thôi.

    Mùa đông tàn tạ buốt giá lên đầu ngọn ô liu; cây sồi già trước cửa cũng chỉ còn là một thân khẳng khiu trên lớp cỏ phủ những hạt tuyết non chưa tan tựa ngàn viên ngọc thạch lung linh mờ ảo, bất chợt Hoàng mĩm cười với cảnh tiêu tàn như dưới mắt Mãn Giác thiền sư nhìn chơn giả, thực hư, biến dịch:

    “Xuân khứ bách hoa lạc,
    Xuân đáo bách hoa khai,
    Sự trục nhãn tiền quá
    Lão tùng đầu thượng lai.
    Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
    Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

    Hết đông tàn cây sồi sẽ đâm chồi nẩy lộc và mùa xuân lại kế tiếp hiện thân. Hoa ẩn tàn đông giá để xuân về nở nhụy khai hoa, đó cũng chỉ là một biến thân của giả hợp, vô thuờng. Nghĩ như vậy, chàng lại thôi không thèm đi làm mà cũng chẳng gọi phone khai bịnh; hôm nay Hoàng nhất định đến chùa để hái lộc đầu năm. Mười mấy năm trời phiêu bạt mà chẳng được dịp về lại với chính mình, chàng tự nhủ rồi thay áo, choàng bộ vest mới nhất lần xuống cửa garage.

    Cuối cùng Hoàng cũng đến đỉnh núi của Tu Viện Kim Sơn.

    Bước vào chánh điện, khói trầm ngào ngạc, không khí xuân nhật bùng lên, cái tết nguyên đán thật sự trổi dậy và khởi sắc nơi đây. Hàng trăm đồng hương quy tụ lễ bái, chúc phúc, xin xăm làm chàng xao xuyến nhớ đến cây mãn cầu đại thụ năm nào với tấm thiệp lộc xuân “tứ quý hưng long…” mà lòng rộn ràng thương cảm. Hỡi ơi, Hoàng đã gần nửa kiếp nhân sinh mà một phút an lạc cũng chỉ là ảo mộng! Bốn mùa thì cũng ngậm ngùi trôi qua, rãi trên đầu chàng lớp tro tóc nhuốm màu tiêu muối. Hai dãy cột treo hàng liễn đỏ chầu vào đại hùng bửu điện, vẫn cành đào xum xuê những lộc, dù cành đào chỉ là cành giả được kép công bởi bông sáp đỏ pha lẫn nhựa nguyên nhưng chàng vẫn thấy thiếu một cái gì khó tả.

    Hoàng với tay ngắc một chiếc lá nụ non để ước mong tìm được lộc xuân năm nào. Giờ phút tôn nghiêm này, chàng lắng đọng tâm tư để cầu xin câu chúc “sở cầu như ý…” ứng nghiệm hầu mong cho Nguyệt được yên lành ở một chốn nào đó trên chốn dương trần, hy vọng cho nàng khỏi bị sơn lam chướng khí hoặc sóng cả dày vò khắc khổ.
    Chàng lùi ra hiên bên gác chuông đại hồng, bài học thuộc lòng bở dỡ ngày xưa lại in trí như thuở học trò. Hoàng lững thững bước đi với chút cayđắng, bùi ngùi:

    “….Năm nay đào lại nở
    Chẳng thấy ông đồ già,
    Những người muôn năm cũ,
    Hồn ở đâu bây giờ.??”.

    Nguyễn Hồng Dũng
    (Trích từ Nước Mắt Của Biển - Nguồn Sống xuất bản 1992)
Working...
X