Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Mười câu chuyện văn chương - Nguyễn Hiến Lê

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Mười câu chuyện văn chương - Nguyễn Hiến Lê

    Vài lời thưa trước


    MỤC LỤC

    Vài lời thưa trước

    1. BỐN LỐI KẾT TRONG TIỂU THUYẾT
    2. NỬA THẾ KỈ CHÁNH TẢ VIỆT NGỮ
    3. TRÊN MƯỜI NĂM CẦM BÚT VÀ XUẤT BẢN
    4. THÂN PHẬN CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN KIỀU
    5. CÁCH DÙNG TIẾNG “ĐÂU” TRONG TRUYỆN KIỀU
    6. “HỒN ĐẠI VIỆT, GIỌNG HÀN THUYÊN”
    7. ĐẤT HÀ TIÊN VỚI HỌ MẠC VÀ HỌ LÂM
    8. “VĂN CHƯƠNG HẠ GIỚI”
    9. HÔN NHÂN VÀ NGHỀ CẦM VIẾT
    10. KỈ NGUYÊN TIÊU THỤ VÀ NGHỀ VIẾT VĂN
    SÁCH CỦA NGUYỄN HIẾN LÊ

    Trong Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn hoá, xuất bản năm 1993 (về sau viết tắt là Hồi kí), đoạn cuối tiểu mục Báo tôi đã hợp tác, tác giả viết:

    “Tôi lựa các bài báo tôi đắc ý nhất cho vào cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hoá (1967), cuốn Mười câu chuyện văn chương (Trí Đăng – 1975) và hai tập nữa chưa in: Mười câu chuyện thời sự và Để tôi đọc lại”. (trang 425)

    Trong tiểu mục Tiểu phẩm, tác giả cho biết thêm:
    “Tiểu phẩm là những bài viết ngắn từ mười trang trở xuống viết về bất kì vấn đề gì, thuộc bất kì thể gì (tự sự, nghị luận, phê bình…) và có tính cách độc lập nghĩa là không trích từ một tác phẩm dài ra.
    Trong loại tiểu phẩm tôi có thể kể nhiều bài mà tôi đã gom lại trong cuốn Mấy vấn đề xây dựng văn hoá, Mười câu chuyện văn chương đã xuất bản, và trong hai tập Để tôi đọc lại, Mười câu chuyện thời sự chưa in thành sách”. (tr.459-460)

    Mười câu chuyện văn chương là tác phẩm thứ một trăm của cụ Nguyễn Hiến Lê, do Trí Đăng xuất bản, phát hành khoảng 20-4-1975. Tạp chí Bách khoa số 426, ngày 25-4-1975 có các bài viết về cụ Nguyễn Hiến Lê nhân sự kiện này[1] và bức chân dung của cụ do hoạ sĩ kiêm thi sĩ Tạ Tị vẽ trước đó khoảng mười ngày (theo Hồi kí, tr. 509). Nhà sách Khai Trí dự định tổ chức một cuộc triển lãm 100 tác phẩm của cụ Nguyễn Hiến Lê[2], nhưng thời cuộc chuyển biến nhanh quá, cuộc triển lãm đó đã không thực hiện được; và số báo Bách khoa đặc biệt đó trở thành số báo cuối cùng.

    Chúng tôi không có bản Mười câu chuyện văn chương của Nxb Trí Đăng - 1975 và cũng không có bản của Nxb Văn học - 2005. Ở đây chúng tôi gõ lại bản của Nxb Văn Nghệ - 1986, bản quyền thuộc bà Trịnh Thị Tuệ và nhà Văn Nghệ (Copyrigth © 1986 Bà Trịnh Thị Tuệ & Văn Nghệ), bản scan do Website Tiếu Lùn cung cấp. Bản scan không có trang bìa nên chúng tôi tạm đưa vào đây ảnh mà chúng tôi đoán là trang 3, hoặc trang 5. Sách cũng không hình minh hoạ, các hình minh hoạ trong ebook là do chúng tôi sưu tầm trên mạng. Chúng tôi đoán rằng trong sách có bài Tựa tác giả và/hoặc bài Tựa của nhà xuất bản vì tiểu phẩm đầu tiên - Bốn lối kết trong tiểu thuyết - được in bắt đầu từ trang 9.

    Các bài viết trong sách được tác giả sắp xếp theo chủ đề (tạm cho là như vậy). Trong mục lục sau, chúng tôi tạm sắp xếp - vì bài Cách dùng tiếng “đâu” trong truyện Kiều tác giả chỉ ghi năm chứ không ghi ngày tháng - theo thứ tự thời gian; và chúng tôi ghi thêm tên báo và số báo (căn cứ vào Mục lục các bài báo trích trong cuốn Đời viết văn của tôi của cụ Nguyễn Hiến Lê):

    - Thân phận con người trong truyện Kiều
    Ngày 5-5-1965
    Bách khoa 209

    - Bốn lối kết trong tiểu thuyết
    Ngày 15-6-1965
    Bách khoa 289-291

    - Cách dùng tiếng “đâu” trong truyện Kiều
    Năm 1965
    Tác giả không nhớ[3]

    - Trên mười năm cầm bút và xuất bản
    Ngày 4-12-1966
    Bách khoa 241-243

    - Nửa thế kỉ chánh tả Việt ngữ
    Ngày 27-8-1968
    Tác giả không ghi

    - “Văn chương hạ giới”
    Ngày 28-8-1968
    Bách Khoa 313-314[4]

    - “Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên”
    Ngày 1-3-1970
    Bách khoa 317

    - Hôn nhân và nghề cầm viết
    Ngày 1-12-1970
    Bách khoa 337-339

    - Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lâm
    Ngày 1-3-1971
    Bách khoa 340-341

    - Kỉ nguyên tiêu thụ và nghề viết văn
    Ngày 15-12-1972
    Bách khoa 385-386

    Ngoài mười bài viết trên, sách còn có danh mục Sách của Nguyễn Hiến Lê. Trong đó:
    Văn học: 9; Ngữ pháp: 2; Triết học: 7; Lịch sử: 8; Kinh tế - Chính trị: 8; Gương danh nhân: 10; Cảo luận – Tuỳ bút: 13; Giáo dục – Giáo khoa: 13; Tự luyện trí đức (tức loại Học làm người): 21; Tiểu thuyết dịch: 7; Du kí: 2 tác phẩm.

    Trong một trăm tác phẩm đó có 46 là sáng tác và 44 là dịch.
    Ta có thể kể thêm:

    * Những người đứng tên chung với tác giả (theo thứ tự thời gian): P. Hiếu, Thiên Giang, Trương Văn Chình, Giản Chi, Đông Hồ, Hoài Khanh. Tất cả sáu người.

    * Các nhà xuất bản (theo thứ tự abc): Bạn Trẻ, Ca Dao, Cảo Thơm, Duy Tuệ, Đại học Huế, Lá Bối, Lửa Thiêng, Mặt Đất, Nguyễn Hiến Lê, P. Văn Tươi, Phạm Quang Khai, Phục Hưng, Tao Đàn, Thanh Tân, Thanh niên Cộng hoà, Thời Mới, Tiến Bộ, Trí Đăng, Tuổi Hoa, Văn Chánh. Ngoài 20 nhà xuất bản vừa nêu, ta có thể kể thêm Khai Trí: các sách của Nguyễn Hiến Lê do nhà này xuất bản hoặc tái bản đều ghi tên nhà xuất bản là Nguyễn Hiến Lê và ghi nhà phát hành là Khai Trí.

    Chú thích:
    [1] Tức bài Nhân đọc bản thảo cuốn Nguyễn Hiến Lê của Châu Hải Kỳ của Võ Phiến và bài Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi của Đỗ Hồng Ngọc. [Goldfish]
    [2] Theo đề nghị của ông “Khai Trí” Nguyễn Hùng Trương, cụ Nguyễn Hiến Lê sẽ tham dự và sẽ ký tên trên các cuốn sách bán ra trong cuộc triển lãm đó (theo Nguyễn Hiến Lê – Cuộc đời và Tác phẩm của Châu Hải Kỳ). [Goldfish]
    [3] Trong mục lục các bài viết cho báo Tân Văn, tác bảo không kiếm ra bài “Tiếng ĐÂU trong truyện Kiều” in trong số nào.
    [4] Theo Đời viết văn của tôi hai số báo này ra năm 1970 và tên bài báo là Văn chương hạ giới rẻ như bèo.
    "Trong thời gian gõ Mười câu chuyện văn chương, chúng tôi được bác Vvn và bác Natphung nhiệt tình góp ý trong việc thực hiện một số chú thích liên quan đến chữ Hán và chữ Pháp. Chúng tôi xin chân thành cám ơn bác VVN, bác Natphung; và xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn.
    Goldfish
    Đầu năm 2009
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:


  • #2
    Bốn lối kết trong tiểu thuyết bốn nhân sinh quan

    Ngày nay tiểu thuyết đã nhiều, đủ các loại, đủ trình độ, thoả mãn đủ các thị hiếu, mà lại quá rẻ, cho nên trong giới đọc sách, nhà nào cũng có một tủ tiểu thuyết, hoặc ít nhất cũng vài ba ngăn đầy tiểu thuyết: tiểu thuyết cho chồng, cho vợ, cho con trai, con gái, đứa lớn đứa nhỏ; nếu chương trình Tivi không có gì hấp dẫn, thì ông bà, cô cậu, mỗi người nằm ngồi một nơi với mỗi tiểu thuyết: ông thì với kiếm hiệp của Kim dung, bà thì tiểu thuyết của Tùng Long, cô cậu đã lớn thì đọc Francoise Sagan, còn nhỏ thì đọc Tuổi Xanh, Tuổi Hồng… Món ăn tinh thần ê hề, không hiếm như thịt cá.

    Nữa thế kỉ trước, chúng tôi đâu được sướng như vậy. Ngoài mấy cuốn Kiều, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa… chỉ còn một loại là truyện Tàu. Thuê được một cuốn truyện Tàu (hai xu ở hiệu Cát Thành, đầu phố Hàng Gai – Hà Nội) thì phải đọc xong (100 trang khổ lớn chữ Romain 10) trong hai ba ngày và cả nhà đủ ba thế hệ, xúm lại nghe một một người đọc dưới ngọn đèn ba dây. Người đọc đó luôn luôn là tôi. Sướng mê đi. Được cả nhà cưng: chỗ ngồi sáng nhất, dĩ nhiên, được quấn chiếc mền nữa, nếu là mùa đông, có bình nước bên cạnh để nhấp giọng và đĩa lạc rang, đôi khi cam quít, bánh tai voi của chú Khách [1] đầu phố nữa. Đọc lớn tiếng [2] luôn hai giờ, hết bốn chục trang thì phải tẩm bổ chứ. Chỉ đọc vào lúc tối vì lúc đó mọi người mới rảnh việc, tụ họp nhau được. Càng đông người nghe lại càng vui.

    Những khi sắp hết truyện thì mặt người nào người nấy cũng nửa hân hoan, nửa tiếc rẻ. Tôi ngừng lại, cố tình làm cho rềnh ràng một chút mà cũng không ai thúc: “Đọc tiếp đi”. Tới cái lúc bao nhiêu gút mắc trong truyện được cởi rồi đây, điệu nhạc sắp đưa vút lên tưng bừng rồi êm đềm hạ xuống đây, nhưng không ai vội vã. Mọi người đều biết chắc sắp được hưởng khúc vĩ thanh tuyệt thú ấy nên muốn kéo dài phút vui, cũng như cuối một bửa tiệc thịnh soạn, sắp tới món tráng miệng, người ta ngừng lại, hút một điếu thuốc thơm đã. Và tôi cũng ngừng lại, hớp một ngụm trà, ăn mấy hột lạc rang, đợi cho gần hết cái vị ngọt, béo, thơm trên lưỡi rồi mới đọc tiếp.

    Vội vã làm gì? Vì biết trước thế nào rồi cũng ban sư hồi trào, thế nào cũng thưởng công phạt tội cho văn võ bá quan, thế nào rồi Tiết Đinh San cũng đẹp duyên với Phàn Lê Huê, con cháu đầy đàn, nối nghiệp ông cha trong cảnh non sông thịnh trị, ngôi báu vững vàng…

    Cái lối kết đắc thắng khải hoàn, gia đình đoàn tụ, hể công tử mà lâm nàn thì nhất định sẽ đổ trạng nguyên, còn tiểu thư mà tiết nghĩa thì thế nào cũng được phong nhất phẩm phu nhân, phu quí, tử vinh…, cái lối kết có hậu đó, ngày nay chúng ta chê là sơ đẳng và tới chương kết chúng ta không thèm đọc nữa.

    Nhưng hồi xưa người ta lại rất thích. Chẳng thắc mắc gì cả. Đọc tới chữ “Chung”, gắp truyện lại, mọi người hân hoan, đi ngủ ngon lành để đón một giấc mộng đẹp toàn những cảnh vinh qui bái tổ, giai nhân tài tử dạo gót huê viên. Đời thật sung sướng. Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân, có nhảy xuống sông Tiền Đường thì đã có Giác Duyên chờ sẳn để vớt, có đui mắt thì đã có thuốc tiên cứu lành, và có bị cọp tha thì cũng chẳng bị cọp ăn thịt mà chính là được cọp cứu sống; và nếu có chí học hành, bắt đom đóm bỏ vào cái vỏ trứng gà để đêm đêm đọc sách thì trong sách thế nào cũng hiện rõ một nàng “kì nhan như ngọc”.

    Đời như vậy, thật tuyệt!

    Người ta chê là ngây thơ? Nhưng tin tưởng nào mà chẳng ngây thơ? Và tin tưởng thời nào chẳng là một nhu cầu của con người? Trong một xã hội, một thế giới biến động bất thường như mặt biển, phẳng lặng đó mà phong ba nổi lên lúc nào không biết, thì lòng tin tưởng như một cái phao, mặc dầu có khi nó chỉ là đám bọt. Lúc này đây, chúng ta tin tưởng Nga Mỹ không mở nắp hồ lô nguyên tử ra mà đấu phép với nhau, thì có chắc là không ngây thơ không?

    - Nhưng phải nhận rằng kỉ thuật ấy thấp kém chớ?

    - Một kỉ thuật tạo được lòng tin tưởng của bao nhiêu người trong bao nhiêu thế hệ, làm cho người ta mơ mộng những cảnh tuyệt đẹp như trăm hoa trong vườn thượng uyển, kề vai dưới ánh trăng thu... mà chê là kỉ thuật thắp kém?

    - Không thấp kém thì là dễ dàng? Trăm truyện như một, bị vây khổn rồi thì đắc thắng khải hoàn, li biệt kẻ Ngô người Sở rồi thì đoàn viên một nhà...

    - Vậy kết theo lối bị vây rồi đầu hàng, li biệt rồi kẻ sống người chết lại khó khăn hơn chăng? Tôi nghĩ chính cái kết có hậu mới là khó viết. Còn thành công hay không là do tài của mỗi người. Tài thì có hơn có kém. Lối kết chỉ là nhân sinh quan. Lối kết có hậu hợp với với nhân sinh quan của những người tinh thần quân bình, già giặn, thời xưa cũng như thời nay, phương Tây cũng như phương Đông. Ít nhất nó cũng an ủi được chúng ta. Có đến ba chục năm nay tôi không đi coi phim nổ súng đoành đoành, nhưng thỉnh thoảng đi qua những rạp hát bình dân ở Tân Định, Đa Kao, gặp giờ vãn tuồng mà nghe bọn thiếu niên hò hét ầm ầm trong rạp, tôi mĩm cười nhớ lại những tuồng Tạc Dăng (Tarzan) coi hồi nhỏ ở phố hàng Buồm, cũng trung với nịnh (“trung” là Tạc Dăng là đồng bọn, “nịnh” là bọn mọi Phi Châu); trung cũng gặp đủ cảnh gian truân, cũng gan dạ cùng mình, mưu mô tuyệt diệu, rồi cũng bị bắt, bị trói ké, suýt bị thiêu sống thì bọn đàn em tới kịp, nổ mấy phát súng (hồi đó súng câm) rồi nịnh hoảng hốt chạy như chuột, còn các vị hảo hán được cởi trói, ôm nhau mừng mừng tủi tủi, trong tiếng vổ tay vang lên muốn rung rinh cả rạp. Người ra về khoan khoái kiếm một tiệm phở, kêu một bát tái năm xu, thấy đời đẹp vô cùng. Tây cũng như Đông, chỉ khác Tây ồn hơn thế thôi. Những tuồng có hậu đó xuất hiện từ thời loài người biết kể chuyện và loài người còn kể chuyện thì nó vẫn còn. Lúc này ở trên một phần ba thế giới, nó thịnh hơn bao giờ hết. Ông dư biết rồi chứ: tiểu thuyết và kịch các nước cộng sản kết rất có hậu. Còn các nước tư bản thì trẻ em và các ông già vẫn yêu những tuồng có hậu. Tôi còn nghĩ rằng ngày nào mà thiếu niên không ham tuồng, truyện có hậu nữa thì thực đáng ngại cho loài người.

    Lối kết ấy có tên đàng hoàng: ta gọi là có hậu thì Mĩ gọi là happy end…

    Lối trái ngược với nó cũng phổ biến, cũng xuất hiện từ hồi loài người biết kể chuyện, thì lại không có tên.

    Các nhà phê bình bảo Hoàng Ngọc Phách đã chịu ảnh hưởng của phương Tây mà cho Tố Tâm có cái kết bi thảm như vậy: nàng thổ huyết mà chết đúng cái ngày lên xe hoa hay trước một ngày gì đó. Có thể họ Hoàng nghiền ngẫm Atala hay Werther, Graziella, Paul et Virginie, Roméo et Juliette, Manon Lescaut, La Dame aux Camélias, vân vân...; nhưng bảo lối kết đó là của phương Tây là sai. Từ hồi xửa hồi xưa, Trung Hoa đã có chuyện Ngưu Lang, Chức Nữ, và ở Việt Nam ta đã có chuyện Trương Chi.

    Thuật sử dụng lối kết đó mà tôi gọi là lối kết không hậu, phương Đông tỏ ra còn có tài hơn phương Tây nữa. Nổi tiếng nhất phương Tây là Tristan et Iseult và Roméo et Juliette, cả hai đều xuất hiện sau Dương Thái Chân ngoại truyện đời Tống của Trung Hoa; và đọc truyện sau tôi thấy hay hơn hai truyện trước nhiều. Truyện diễm tình đời Đường đó bi đát cùng cực: một ông vua mà phải để quí phi của mình tự ải trước mặt mình, do lệnh của mình nữa, mới chua xót chớ, cổ kim không có được một bi kịch thứ hai như vậy.

    Đọc loại truyện không có hậu cứ tức anh ách lên, đâm giận, chán, muốn xé toạc sách đi. Đời gì mà khốn nạn: toàn những chia li, những huyết lệ, sầu tủi, những “yêu nhau chẳng lấy được nhau”, những “bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia”, kẻ quốc sắc, hiếu nghĩa đủ điều thì phải vào thanh lâu, kẻ tài hoa thì lận đận, kẻ trung quân ái quốc thì bị giam, bị chém, còn kẻ đầu trâu mặt ngựa, gian hùng phản quốc thì lại sống phây phây, ngựa xe võng lộng…

    - Ấy, chính đời là như vậy đấy. Không thấy bọn sâu bọ lên làm người thời này ôm cả tỉ bạc đi du lịch thế giới đấy ư? Phải khen cái lối kết mà ông gọi là không hậu ấy. Nó ghi đúng chân tướng thế giới.

    - Nếu đời mà chỉ có như vậy thì anh em Ngô Đình Diệm sao bây giờ lại nằm ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi [3]? Nếu đời mà chỉ toàn như vậy thì làm gì còn quốc gia, dân tộc, nhân loại nữa. Cũng chỉ là một khía cạnh của cuộc đời thì tại sao khen cái lối kết ấy mà chê lối trên?

    - Nhưng ông mới nói rằng nó làm cho ông tức anh ách, nghĩa là ông phải thắc mắc, suy tư. Truyện có hậu, đọc xong ai cũng hoan hỉ, rồi hết; truyện không có hậu mới để lại cho ta một dư vị. Đọc Tố Tâm, ai mà không thương tiếc; phần hay nhất trong truyện Kiều đâu phải là phần tái hợp; mà bi kịch Đường Minh Hoàng Dương Quí Phi là đề tài cho biết bao tuồng bất hủ đời Nguyên, đời Minh.

    - Khổ qua có nhiều dư vị thật. Mỗi lần tôi nể lời ai, ăn một miếng thì tôi vội ăn tiếp ngay một món khác để dằn cái vị của nó xuống. Không thể bảo loại truyện đó là tả chân hơn, có nghệ thuật hơn. Cũng chỉ là một nhân sinh quan hợp với một số người mà số người này tôi tin chắc không đông bằng số người ưa truyện có hậu.

    - Nhưng nhân sinh quan đó sâu sắc hơn. Tài mệnh tương đố. La douleur est notre maître [4]…

    - Tài mệnh tương đố để rồi thuận thiên an mệnh: “Trời kia đã bắt làm người có thân...”; “La douleur est notre maître” để rồi “Con xin theo ý Chúa, Chúa bắt sao con chịu vậy”; nhân sinh quan ấy với nhân sinh quan thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, chung qui cũng là tin ở Thượng Đế hết, một đằng tin được báo ngay ở cỏi trần này hoặc trong đời con cháu mình, một đằng tin sẽ được báo khi lên Thiên Đường, ở kiếp vị lai. Thế thì lối nào tốt hơn?


    * *
    *

    Nếu lấy sự tự nhiên, đúng với đời thực làm tiêu chuẩn thì phải nhận lối kết thứ ba, lối của Tolstoi trong Chiến tranh và hoà bình là hơn cả.

    Một bộ truyện dài hai ngàn trang tả xã hội Nga trong một giai đoạn nhiều biến cố lịch sử vĩ đại nhất – từ 1805 đến 1812 – mấy lần nữa triệu quân Tây Âu tiến tới rồi lại lùi về như những làn sóng ngất trời dâng lên rồi hạ xuống, lần cuối cùng tràn ngập Moscou, lôi cuốn biết bao nhân mạng, gây biết bao tàn phá – trọn thành Moscou ngùn ngụt khói lửa – rồi kết thúc một cách tầm thường, bằng một cuộc hội hợp gia đình gần như vô vị. Pierre và Natacha đã gặp bao nhiêu cảnh đứt ruột: Chàng bị bạn và vợ phản, bị bắt làm tù binh, rồi vợ chết; nàng có lần gần như mất hồn vì một lỗi lầm nặng, rồi phải thấy người yêu chết trong tay mình, gia đình phá sản; tới đoạn kết Pierre và Natacha sống chung với nhau, có hai con, chàng thì bao nhiêu hoài bảo tày trời – như ám sát Napoléon để giải thoát Châu Âu – giờ đã tiêu tan hết; nàng thì không còn một chút duyên dáng thời trẻ đã làm xiêu lòng bao kẻ, bây giờ ăn mặc lôi thôi, nói năng cục cằn, ghen tuông, quạo quọ. Họ yêu mến nhau đấy nhưng trời! Sao mà tệ thế!



    Cặp Nicolas và Marie thì cũng vậy: anh chàng Nicolas hào hoa phong nhã, vũ rất giỏi, phi ngựa rất tài, nay thành một chủ điền chỉ lo đong lúa, tậu ruộng để cho “bầy con sau này khỏi khổ”; còn vợ chàng, Marie, đã chịu bao nỗi chua xót bên cạnh người cha già lẩm cẩm, khắc nghiệt, rồi cha chết, anh chết, có lần muốn nhập bọn khất sĩ hi sinh cho Chúa, cho người nghèo, mà bây giờ cũng lo những cái lặt vặt: mình có mang, xấu xí, anh Nicolas có chán mình không, sao hôm nay anh ấy có giọng không âu yếm với mình…

    Chúng ta có cảm tưởng mấy lớp sóng ồ ạt của chiến tranh không để lại một dấu vết gì trong tâm hồn họ cả, bao nhiêu cảnh tàn phá, phân li, chết chóc, phản phúc họ đã mục kích, đã sống trong bảy năm đó không giúp họ rút kinh nghiệm mà thay đổi nhân sinh quan được một chút gì cả. Thật là tầm thường tới mức bi đát! Bản anh hùng ca ầm ầm tiếng đại bác, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng ngựa hí người reo, mà khúc vĩ thanh chỉ là một điệu ru con “à ơi…” xen với tiếng bà già ho xù xụ, tiếng trẻ khóc, tiếng vợ chồng ngầy ngà nhau hoặc nói chuyện nhà cửa ruộng nương với nhau. Có tài như Tolstoi mà sao lựa lối kết buồn nản, quá tầm thường ấy?

    Vậy mà Somerset Maugham, sau năm chục năm luyện kĩ thuật viết tiểu thuyết lại khen lối kết của Tolstoi là một phát minh kì tài. Chính ông cũng dùng lối kết ấy trong cuốn Kiếp người: anh chàng Philip có hoài bảo, có tâm hồn nghệ sĩ, đã gặp nhiều nỗi gian truân; bị nhân tình và bạn phản một cách nhơ nhuốc, có lần đói, ngủ bờ ngủ bụi, sau nhờ kiên nhẫn, đậu được bằng bác sĩ y khoa, hí hửng tưởng sắp thực hiện được cái mộng ấp ủ từ lâu: du lịch Y-Pha-Nho [5], Đông Á, Thái Bình Dương, mà rốt cuộc bỏ hết dự định, cưới một cô gái may thuê, tầm thường – nàng Sally – và an phận một đời y sĩ vườn.

    - Maugham đã quá ca tụng Tolstoi chứ sự thực đoạn kết Chiến tranh và Hoà Bình chỉ làm cho tôi thất vọng.

    - Nhiều người thất vọng. Người ta chờ đợi một khúc khải hoàn xứng đáng với bản anh hùng ca vĩ đại ấy. Nhưng sau chín năm chống quân xâm lăng Pháp, sau một cuộc xáo trộn cực điểm trong lịch sử, làn sóng tạm hạ xuống, chúng ta về thành và đời sống chúng ta cũng y như đời cặp Pierre-Natacha và cặp Nicolas-Marie, chứ khác gì. Trong những năm 1955-1960, chúng ta quên hết những hoài bảo, nhiệt tâm hồi 1945, quên hết những gian lao ở Bắc Việt, ở Cao nguyên, Đồng Tháp… và cũng chỉ nghĩ tới chuyện lặt vặt, nhỏ nhen trong gia đình, như chưa hề trải qua một biến cố lớn nhất của dân tộc. Cũng chỉ lo mua được lon sữa cho con, kí đường cho vợ, lấn được vài tấc đất qua bên ông hàng xóm. Thì ra lòng người đâu đâu cũng vậy. Tolstoi thấu được tâm lý đó mà lại có sáng kiến tả cái tâm trạng tầm
    thường đến bi đát đó trong đoạn kết mà nghệ sĩ nào cũng muốn cho thật đặc sắc, phi thường, đập mạnh vào đầu óc độc giả, vì vậy mà Maugham cho là kì tài.

    Ở Trung Hoa, ít nhất là ở đời Đường, trước Tolstoi khoảng ngàn năm, đã có một thi sĩ là Nguyễn Chấn, bạn thân của Bạch Cư Dị, cũng đã dùng lối kết tự nhiên, bình thường của Tolstoi. Ông viết chuyện ngắn Hội chân kí, sau làm đề tài cho tuồng Tây sương kí của Vương Thực Phủ đời Nguyên. Trương Quân Thuỵ cứu Thôi Oanh Oanh, bà mẹ Oanh Oanh hứa gã nàng cho Quân Thụy rồi nuốt lời. Quân Thụy buồn rầu, uất ức, ốm tương tư, Oanh Oanh đêm lén qua thăm, ái ân với nhau, lúc đó tưởng trăm năm sống chết có nhau. Nhưng rồi chàng lên kinh thi. Cái buổi biệt li sao mà thảm: “Lệ tràn chín khúc Hoàng Hà, hận đè ba ngọn Hoa Nhạc”. Tưởng như vậy rồi họ sẽ chung thủy với nhau, chàng đậu trạng vui chữ vinh qui, nếu không vậy, nếu phải chia rẽ, kẻ Ngô người Sở, thì phải có một kẻ chết vì sầu tủi mới là đúng phép. Không, Nguyên Chẩn bỏ cả phép tắc, cho Quân Thụy đổ đạt rồi quên Oanh Oanh mà Oanh Oanh cũng vui vẻ sống với người khác, khiến nàng Kiều mỉa mai cặp đó: “Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi, Trương…!”

    Nhưng người sau khen Nguyên Chẩn là “quét một nhát sạch cái tác phong đại đoàn viên trong trong tiểu thuyết cũ”. Vương Thục Phủ khi viết thành tuồng, cho kết thúc ở sau lúc hai người chia tay nhau; đêm đó trong quán trọ, Trương nằm mê thấy Thôi, thế là bỏ lửng. Quan Hán Khanh viết tiếp, cho Trương đậu thám hoa cưới Thôi, làm sai hẳn ý của Nguyên Chẩn.

    - Nhưng ông đã nói nhân sinh quan. Hai lối trên, có hậu và không có hậu, có chứa một nhân sinh quan thật, còn lối thứ ba này chỉ ghi chép chuyện thường tình trong xã hội thì nhân sinh quan ở đâu?

    - Nhiều nhà phê bình khen Chiến tranh và hòa bình là một khúc âu ca, mà cũng có người khen Kiếp người là một bản Chúc phúc. Nhân sinh quan trong hai truyện đó, André Maurois khen là chân chính trong Thư ngõ gởi tuổi đôi mươi. Ông viết: “Đời sống chân chính (…) ở trong những em bé âu yếm nhìn mẹ, trong những tình nhân ghì chặt lấy nhau, trong tất cả những căn nhà nho nhỏ kia tại đó vợ chồng con cái ráng kiếm ăn, yêu nhau và du hí”. Không có gì quan trọng bằng những kiếp sống tầm thường đó. Ai nấy đều đủ ăn, đủ mặc, có thuốc uống khi đau, trong nhà có già có trẻ, trong sân có con gà què, có dàn mướp, luống rau, thực là tầm thường, vậy mà từ trước tới nay, bao nhiêu triết gia, chính trị gia vẫn chưa thực hiện được cho nhân loại. Người ta thích cái rực rỡ của sự cao cả, nhưng anh hùng hoài thì cũng lố bịch, mà đạo đức hoài thì không ai chịu nổi. Cặp Pierre-Natacha, cặp Nicolas-Marie, cặp Philip-Sally đều tìm thấy ý nghĩa chân chính của nhân sinh trong cuộc đời tầm thường đấy.

    - Thế còn cặp Thôi-Trương ông cũng cho là chân chính?

    - Thưa, tôi đâu dám nghĩ vậy. Nhưng tôi tưởng hạng thường nhân chúng ta, ít ai đủ tư cách để ném cục đá đầu tiên vào họ. Họ yêu nhau say mê và rất thành thực, tới khi quên nhau thì cũng rất hồn nhiên, thành thực, không ai oán ai, gây lụy cho ai, mà cũng lưu được những kĩ niệm tuyệt đẹp cho nhau, như vậy tôi tưởng cũng được chứ. Mà thái độ của người viết, của Nguyên Chẩn cũng đạt quan chứ, không trách họ, thấy sự đời như vậy thì nhận như vậy rồi trung thực chép lại, ai nghĩ sao thì nghĩ.

    - Còn lối kết thứ tư, xin ông cho nghe nốt.

    * *
    *

    - Lối này là lối lưng chừng. Đúng ra là lối không kết. Mỗi năm tôi chỉ được đọc vài tiểu thuyết hiện đại của ta và của ngoại quốc. Nhận xét của tôi e phiếm diện, không đúng. Tôi có cảm tưởng rằng ngày nay người ta có xu hướng viết truyện không có kết.

    Chẳng hạn một ông lớn vì chán phè phởn mà buồn tình, đi yêu một cô gái đã thô kệch lại câm, mướn một chỗ lén lút gặp nhau rồi cô ả có mang thì ông lớn đổi lên thủ đô, lãnh nhiệm vụ lớn hơn nữa. Thế là hết. Mối tình đó hậu quả ra sao, không ai biết.

    Hoặc một bọn trẻ nghịch ngợm như bầy tiểu yêu, đến khi thôi học, kẻ đăng lính, kẻ ở nhà lang thang, vẫn giao du thân mật với nhau, có tiền thì rũ nhau đi “nhót”, rồi một kẻ chết, để lại bà mẹ, họ xúm lại lo đám tang rất tươm tất. Tới đó cũng hết. Chẳng biết tương lai họ ra sao, họ có ý hướng gì không. Chắc họ cũng lại hợp nhau nữa, lâu lâu đi nhót, tối tối lại quán cà phê ngó người qua đường, đấu láo với nhau cho hết buổi để đến lúc lại có một kẻ chết nữa vì bom đạn.

    Một truyện nữa: nhân vật chính gồm hai cặp. Cặp thứ nhất: chàng và nàng quen nhau từ lâu, có hồi ở chung nhà, mến nhau; người chung quanh đều tưởng chàng sẽ cưới nàng trước khi đi quân dịch, nhưng không, chàng cứ lừng khừng, và ngày sắp vô trại, nàng đãi chàng một bữa cơm có chả giò hay bì bún gì đó. Chàng ăn xong ra về, chẳng hứa hẹn gì cả mà cũng chẳng từ biệt nhau nữa. Cặp thứ nhì cũng mến nhau. Chàng bị Việt cộng bắt, nàng buồn rầu rồi vô Vũng Tàu theo học một khóa tu nghiệp, khi hay chàng được quân đội Mĩ giải thoát, nàng mừng, viết thư hẹn Tết sẽ về thăm chàng. Nhưng gần tới Tết thì chàng vô Sàigòn ăn Tết với cha mẹ, không đợi được gặp nàng. Hết. Chẳng biết mối tình của hai cặp đó ra sao, cũng chẳng biết họ có yêu nhau không nữa.

    Thượng đế đã chết, hi vọng ái tình cũng chết nốt. Đương tuổi dạt dào nhựa sống mà thanh niên ngày nay chẳng hề vui ồ ạt, cũng chẳng hề khổ thấm thía, chẳng dự tính việc gì, cơ hồ chỉ thích ăn phở, uống “ba ba” và hút Salem. Chán nản kinh khủng.

    Một cặp nữa trong truyện dưới đây cũng vậy: chàng mới ở trường ra, độc thân, tới nhận chức ở một tỉnh nhỏ, ở trọ một nhà có một thiếu nữ nghèo, xinh, ngoan, thông minh, dí dỏm. Họ chẳng ra mặt yêu nhau (nàng săn sóc cho chàng khi ốm, chàng tận tình giúp đỡ gia đình nàng), rồi nàng chán đời sống ở nhà, thôi học, vô Sàigòn, trước khi đi đưa chàng một bức thư dặn nàng lên phi cơ rồi mới mở ra đọc. Nàng đi, chàng không hỏi han, dặn dò gì cả, cũng không ra phi trường tiển đưa, tới giờ phi cơ cất cánh, chàng nhớ tới nàng, nhưng cũng chẳng mở bức thư ra đọc. Bức thư đó nói gì, chẳng ai biết, và chính mối tình của họ với nhau ra sao, độc giả cũng không đoán được. Họ như anh em với nhau mà gọi nhau bằng chú cháu, có vẻ quí mến nhau lắm mà chẳng bao giờ tỏ tình với nhau. Cứ lơ lơ, lững lững, phất phơ, tà tà vậy thôi. Chẳng có gì dứt khoát, chẳng ham muốn mạnh mẽ mà cũng chẳng bao giờ rầu rĩ đến thở dài, mất ngủ.


    Nghĩ cho cùng, biết kết làm sao bây giờ? Kết có hậu ư? Nhưng chàng là một công chức nhỏ, sống độc thân vừa đủ ăn, nàng còn tuổi đi học, cưới rồi mà chàng phải vô Thủ Đức, ra trận thì cầm bằng như thành quả phụ. Kết có hậu như vậy sẽ như không hậu mất. Cũng không thể kết tự nhiên như Nguyên Chẩn được. Chiến tranh không bao giờ chấm dứt, tương lai họ mù mù mịt mịt thì kết thế nào cho tự nhiên được?

    Chẳng những việc cá nhân, việc nhà việc nước, đến việc thế giới lúc này cũng đều kẹt, không sao giải quyết nỗi. Bi kịch Đức, Đại Hàn, Israel-Ả rập, Ấn-Hồi [6], tạm yên được đấy thôi, chưa biết lúc nào lại bùng lên nữa. Đông Á, Phi châu, bán đảo Ả rập, Nam Mĩ, Bắc Mĩ (vấn đề da đen). Tây Âu với Đông Âu đâu đâu cũng còn những vụ tranh chấp lúc lạnh lúc nóng, liên miên bất tuyệt, êm được đâu. Mà cái số võ khí hạch tâm kinh khủng ở Mĩ, Nga kia, cứ chất hoài như vậy sao?

    Thế giới bất ổn, nhìn về phía nào cũng thấy ngõ cụt, ngay những kẻ lãnh đạo các cường quốc cũng không biết giải quyết cách nào, đi tới đâu.


    Vì vậy mà người ta hoang mang, bất bình, thấy đời là phi lí và những tiểu thuyết mới nhất ngày nay có đầu mà không có đuôi, có khi không đuôi mà cũng không đầu, như chuyện một người điên nói bậy nói bạ. Tôi có cảm tưởng người ta dọn cho tôi một bửa thịnh soạn - vì truyện nào cũng phong phú, kĩ thuật rất khá – nhưng mới cho nếm sauce mayonnaise thì đưa ra món mắm ruột để nhắm với whisky soda rồi bổng ngưng lại và chúng ta đành ngó nhau, đứng dậy ra về. Đúng
    như Malraux nói, tiểu thuyết ngày nay chỉ phô diễn cái bi thảm của lịch sử chứ không giảng cho người ta hiểu con người.

    - Vậy ông cho là tại xã hội, thời đại mà tiểu thuyết ngày nay có lối kết không kết như vậy? Nhưng tổ tiên ta ở thế kĩ XVIII cũng đã biết một thời đại như thời đại chúng ta như bây giờ. Hồi đó các cụ cũng chịu cảnh phân tranh Nam Bắc như chúng ta ngày nay (các cụ không biết tình hình thế giới hồi đó, giá biết thì cũng lắc đầu, cho nó là phi lí vì cả Châu Âu như một nồi súp-de muốn nổ), vậy mà tiểu thuyết các cụ vẫn “nghiêng bình phấn mốc mà nhồi má nheo”, để “phòng khi động đến cữu trùng” thì “giữ sao cho cho được má hồng như xưa”, còn chinh phụ thì bặt tin chồng đã mấy thu mà vẫn còn mong khi về, “xin vì chàng xếp bào cởi giáp, xin vì chàng rũ lớp phong sương”. Tâm trạng con người, chứ đâu tại xã hội, thời đại?


    - Chính vậy, tại nhân sinh quan đã thay đổi. Ngày xưa các cụ còn vững lòng tin tưởng. Ngày nay trái lại, người ta tuyên bố “Chúa đã chết”. Nhìn xung quanh còn cái gì? Chỉ có hạch tâm là quyền năng mạnh nhất. Chỉ có hưởng thụ là khôn nhất. Nhưng tiếng nói của tiểu thuyết gia đâu phải là tiếng nói của cả một xã hội. Cho nên thời xưa có những nhà tin tưởng như tác giả Cung Oán và Chinh phụ thì cũng có người chán nản buông xuôi như tác giả Sơ kính tân trang và ngày nay có một số nhà kết theo lối mới thì cũng còn nhiều nhà kết theo lối cũ. Nhân sinh quan trong tiểu thuyết chỉ là nhân sinh quan của cá nhân, hợp với một số độc giả độ năm mười ngàn. Đại đa số quần chúng vẫn mong rồi sẽ có hòa bình, sẽ có trật tự nào đó để được sống một cuộc sống tầm thường mà chân chính như André Maurois đã nói, một cuộc sống gồm những thú vui giản dị, chẳng hạn như ăn lạc rang mà đọc tiểu thuyết.


    - Nhưng ông đã nói rằng tin như vậy là rất đổi ngây thơ?


    - Ngây thơ nhất là các em bé, mà sung sướng nhất cũng là các em bé. Vả lại đã phải sống thì cần có một tin tưởng, thiếu tin tưởng thì sống làm quái gì nữa?


    - Ông kết có hậu lắm.


    - Vâng. Tôi mê truyện Tàu từ hồi chín mười tuổi mà.


    Saigon 15-6-1965













    Chú thích:




    [1] Huê kiều


    [2] Ở một làng quê An Giang, cách đây khoảng 50 năm, tôi có dịp được nghe “đọc truyện” đôi lần. Cách đọc khá lạ: to, chậm, đều đều, kéo dài từng tiếng một. Đọc một hơi dài, ngưng lại một chút để lấy hơi rồi đọc tiếp, cũng đều đều như thể trong sách không có các dấu ngắt câu. [Goldfish]


    [3] Nay là công viên Lê Văn Tám. [Goldfish]



    [4] Tạm dịch: “Sự đau khổ là ông thầy của chúng ta”. [Goldfish]





    [5] Tức Tây Ban Nha. [Goldfish]

    [6] Nước Đức đã tái thống nhất từ ngày 3-10-1990. Hồi Quốc nay gọi là Pakistan, trước kia gồm cả Đông Hồi. Năm 1971 Đông Hồi tách ra thành lập nước Bangladesh. Vùng đất Kashmir đến nay vẫn luôn là “cái gai” nhức nhối trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan từ khi hai nước giành độc lập vào năm 1947. [Goldfish]
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

    Comment


    • #3
      Nửa thế kỉ chánh tả việt ngữ

      Cách đây non nửa thế kỉ, giữa một niên khoá, ba tôi xin cho tôi vào vào lớp năm (lớp Dự bị: Cours préparatoire) trường tiểu học Pháp Việt Yên Phụ (Hà Nội). Mấy buổi đầu tôi còn bỡ ngỡ thì một hôm thầy học chúng tôi hỏi một anh bạn tôi:

      - Pourquoi étiez vous absent hier?

      Anh bạn đó đáp:

      - Parce que je suis malade.

      Thầy chúng tôi cau mày la:

      - Non, vous n’êtes plus malade [1].

      Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì cả, mà các bạn tôi cũng vậy. Cả lớp tái mặt, im phăng phắc. Đau thì đáp “Je suis malade”, đúng như vậy mà sao thầy còn rầy? Hay thầy ngờ anh ấy không đau mà nói dối. Thầy chúng tôi phải giảng mấy phút chúng tôi mới hiểu rằng phải dùng một “thì” đã qua, “thì imparfait”: Parce que j’étaits malade. Rõ rắc rối! Ai ngờ đâu được chuyện ấy. Việt ngữ làm gì có “thì”.

      Buổi đó tôi sợ quá, chỉ lo theo không nổi, về nhà phải đòn chết.

      Tôi kể lại chuyện ấy chỉ để cho các bạn trẻ thấy hồi xưa chúng tôi bị nhồi Pháp ngữ ra sao, mới lớp năm đã như vậy thì dĩ nhiên không được luyện Việt ngữ rồi. Việt ngữ là một môn rất phụ.

      Ở ba lớp sơ học: đồng ấu, dự bị, và sơ đẳng, mỗi tuần chỉ được ba bốn giờ Việt ngữ mà hồi ấy gọi là “Annamite”: một hai giờ tập đọc (lecture annamite), một giờ ám tả (dictée annamite), một giờ học thuộc lòng (récitation annamite).

      Giờ ám tả Pháp ngữ đáng sợ ra sao thì giờ ám tả Việt ngữ “khoẻ” bấy nhiêu. Thầy đọc một bài dăm sáu hàng cho chúng tôi viết, viết xong thì ngồi chơi trong khi thầy đi từng bàn sửa từng tập một, đánh lỗi, cho điểm rồi chúng tôi kêu điểm để thầy ghi vào sổ. Thường thường, dở tệ gì cũng được điểm trên trung bình. Lên lớp trên, bài dài, thầy sửa không kịp mới để chúng tôi đổi tập sửa cho nhau.

      Nhưng thầy không hề giảng giải gì cả. Có lẽ chính thầy cũng không hiểu tại sao tru là giết phải viết là tr, chu là khắp phải viết ch, xiên xẹo phải viết x, và siêng phải viết s, vân vân…
      Thầy cũng ít khi rầy chúng tôi khi viết sai, không dặn chúng tôi coi chừng những tiếng thường dùng và viết thường lầm… Vì cả thầy lẫn trò đều cho môn chánh tả Việt ngữ là không quan trọng (thi tiểu học không có bài Dictée annamite), ngay Việt ngữ cũng không quan trọng vì nó không được dùng làm chuyển ngữ (các môn Sử, Địa, Khoa học, Toán đều dạy bằng Pháp ngữ). Chương trình như vậy thì ai cũng dạy tắc trách như vậy hết.

      Tóm lại, chúng tôi chỉ có giờ ám tả Việt ngữ, chứ không được học chánh tả Việt ngữ, học một cách có hệ thống như học chánh tả Pháp ngữ.

      Hình như lên tới lớp nhì nhất, không có giờ ám tả Việt ngữ nữa, điều đó tôi không nhớ rõ, nhưng chắc chắn là lên Cao đẳng tiểu học và Trung học thì mỗi tuần chúng tôi chỉ còn hai giờ Việt ngữ: một giờ giảng văn và một giờ luận. Nửa tháng mới có một bài luận, viết được vài trang, giáo sư chỉ đọc qua ở tại lớp rồi cho điểm, thấy lỗi nào nặng thì gạch bỏ chứ ít khi giảng lỗi ở đâu.

      Vì vậy mà có tình trạng ngược đời này: Càng học lên cao, chúng tôi càng dốt chánh tả, càng cho chánh tả Việt ngữ là không quan trọng, tuyệt nhiên không chú ý tới vì có ai đâu mà bắt lỗi, vã lại viết sao thì người ta cũng hiểu được kia mà.

      Lên trường Cao đẳng Công chánh, trong chương trình không còn môn Việt ngữ, vì bọn “lục lộ” chúng tôi mà có dùng gì tới tiếng Việt: ở phòng giấy có làm “calcul” (tính) hay làm “rapport lên Ipal” (báo cáo lên Chánh kỉ sư: ingénieur principal) thì dùng tiếng Pháp; mà ra công trường, có sai bảo nhân viên thì dùng một thứ tiếng “Pháp Việt đề huề”, chẳng hạn “ngày mai đi lơ-vê (lever: đo đất), nhớ mang theo cái “tắc kê” (tachéomètre, một loại máy nhắm) và bốn bó “gia-lông” (jalon: cây tiêu) nhé.”

      Nhưng năm đó, 1931, không hiểu sao ông Thalamas, viện trưởng Đại học Hà Nội (Recteur d’Académie hồi đó oai lắm, là nhân vật thứ ba ở Bắc Việt, chỉ dưới viên Toàn quyền và viên Thống sứ) lại cao hứng, thêm vô chương trình năm thứ nhất trường Công chánh, một giờ “Annamite”, và chúng tôi được cái hân hạnh học cụ Bùi Kỷ vài chục giờ. Anh em chúng tôi quí cụ lắm, Cụ đậu Phó bảng, Cụ lại viết sách (cuốn Quốc văn cụ thể), hiệu đính các văn thơ cổ bằng chữ Nôm, và ở trong ban soạn bộ Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức; nhất là Cụ có vẻ rất phong nhã, vui vẻ, xuề xoà, ôn hậu: chít khăn, bận áo the thâm, chưa bước vào lớp đã cười mà nụ cười của Cụ mới hồn nhiên làm sao! Tên tự của cụ là Ưu thiên [2], mà không bao giờ thấy Cụ có thoáng một nét buồn, lo hay giận, cho nên có lần tôi bảo một anh bạn: Cụ phải đổi tên tự là Lạc thiên mới đúng.

      Giờ của Cụ thật là giờ nghỉ ngơi. Không có bài vở cũng không dùng sách, không cho điểm, cuối năm khỏi thi. Cụ vô lớp, nói chuyện cho chúng tôi nghe hết giờ rồi về. Dĩ nhiên toàn là chuyện Việt văn, Việt ngữ. Chẳng có chương trình gì cả, Cụ cao hứng, gặp đâu nói đấy: tuần này về cách dùng mươi tiếng Hán Việt, tuần sau về truyện Kiều, hoặc về những bản tiếng Nôm Trê Cóc mà cụ mới sưu tầm được, tuần khác về báo chí trong nước…

      Bây giờ mà được nghe các bài giảng của Cụ thì chắc tôi thích thú lắm, nhưng hồi ấy chỉ lo học cách đo đường, đào kinh, xây cầu, đấp đập, đâu có chú ý tới Việt ngữ, thành thử suốt mấy chục giờ học Cụ, tôi chỉ nhớ mỗi một lời này của Cụ:

      - Báo chí bây giờ viết sai nhiều, các ông (Cụ gọi chúng tôi như vậy) nên đọc tờ Thực Nghiệp, tờ ấy ít sai.

      Những bài xã luận trên nhật báo Thực Nghiệp, chúng tôi cho là bảo thủ, đạo mạo, mà Cụ khuyên chúng tôi đọc. Chúng tôi không dám cãi, nhưng vẫn đọc những tờ mới hơn, chẳng hạn tờ Ngọ báo, nhất là tuần báo Phong Hoá.

      Nhưng tới nay tôi vẫn nhớ lời khuyên của Cụ, vì lần đó là lần đầu tiên một bậc thầy nhắc chúng tôi phải chú ý tới việc dùng tiếng Việt cho đúng chánh tả.

      Tuy nhớ vậy chớ hồi ấy tôi vẫn chưa cho bài học đó là quan trọng. Vì ba lẽ: thứ nhất, tôi đâu có ý viết Việt văn; thứ nhì, những tờ báo Cụ chê là viết sai, lại có nhiều cây bút nổi danh, vậy thì viết trúng chưa phải là viết hay, mà viết hay thì chẳng cần phải viết trúng (tôi nghĩ vậy); thứ ba, có một số tiếng mỗi nhà viết một khác, như dây lưng hay giây lưng, canh suông hay canh xuông, xuýt nữa hay suýt nữa, dòng nước hay giòng nước, vân vân, biết ai trúng ai trật, tự điển đâu mà tra?

      Và ngày nay nhớ lại, tôi thấy công lớn của Cụ đối với chúng tôi là cái không khí cổ, nếp sống cổ, thanh nhã, ung dung, khoan hoà Cụ đem vô lớp học: bọn anh em chúng tôi sở dĩ còn thấy được cái đẹp của truyền thống Nho gia, biết đâu chẳng phải là một phần là nhờ Cụ. Chắc môn đệ của thi sĩ Đông Hồ ở Văn khoa Saigon cũng có cảm tưởng ấy khi nhớ tới thầy cũ. Nhưng đó là chuyện khác, xin trở về vấn đề chánh tả.

      * *
      *

      Ở trường Công chánh ra, tôi được bổ vô Nam. Lúc này mới có thì giờ đọc sách báo Việt ngữ và mới thấy ngứa ngáy muốn viết.

      Mới vô Saigon, đọc các nhật báo Tin Điễn [3], Thần Chung, Saigon, tôi thấy chướng mắt về những lỗi át, ác, an, ang, in, inh, hỏi ngả, v.v… Nhà báo gì mà sắt viết ra sắc, cuốn viết ra cuống, cây cau viết ra cây cao…; còn nhà giáo gì mà không phân biệt được hỏi ngã…!

      Nhưng sách báo của Tự lực văn đoàn, của nhà Tân Dân, in lầm s, x, ch, tr, d, gi, r thì tôi lại không thấy chướng; và chính tôi viết thư cho bà con, bạn bè cứ lầm hoài: trái soài, cái suồng, dảnh tay, giây điện…; người thân có nhắc nhở thì mới đầu lại cho là vẽ chuyện. Trò đời như vậy.

      Tuy nhiên, lần lần tôi cũng phục thiện, chịu nhận rằng người Nam có lỗi của người Nam thì người Bắc cũng có lỗi của người Bắc và xét kĩ một số trí thức Nam rất chú trọng tới chánh tả; bằng cớ là trong Nam có cuốn Đồng âm tự vị[4], ngoài Bắc không. Và khi tôi biết mong có một cuốn như vậy cho người Bắc, ghi những tiếng bắt đầu bằng ch, tr, s, x, d, gi, r cho dễ tra, thì may quá, cuốn Việt Nam tự điển[5] của hội Khai Trí Tiến Đức ra đời.

      Tôi nhớ đâu vào khoảng 1938-1939: bìa cứng, bọc vải dày màu tím đậm, gần như đen. Từ đó tôi mới có từ điển Việt để tra (cuốn của Đào Duy Anh chỉ là Hán Việt từ điển) và mới bắt đầu rán viết cho trúng chánh tả.

      Hai bộ Việt Nam từ điển và Hán Việt từ điển (bộ Đại Nam Quốc âm tự vị của Hùinh Tịnh Của[6] đã tuyệt bản từ lâu) đáng lẽ giúp cho sách báo Việt đỡ được nhiều lỗi chánh tả (mặc dầu có nhiều tiếng, các bộ ấy không nhất trí với nhau), nhưng sự thực, từ 1930 đến 1950, lỗi trên các sách báo vẫn không giảm. Nguyên do chính là tại Việt ngữ vẫn không có địa vị gì quan trọng ở các trường học, dân tộc mình vẫn phải học tiếng Pháp. Phải luyện từ lớp đồng ấu liên tiếp trong mười năm thì người ta mới biết trọng chánh tả, quen với chánh tả. Không được luyện như vậy mà hồi 25-30 tuối mới thấy viết trúng chánh tả là cần thì dù là người chịu khó tra tự điển, khi viết cũng vẫn thường sai. Vì đã thành nếp rồi, quen mắt nhìn sai, quen tay viết sai rồi.

      Khi nhìn cả trăm lần chữ Giông tố in rất lớn trên bìa một cuốn truyện, cả ngàn lần chữ xử dụng, sơ xuất trên mặt các tờ báo; khi đã cả chục năm quen viết sợi giây, giận giữ, vủ khí, đề khán… thì tới khi biết viết vậy là sai thì người ta vẫn cứ quen tay (mà quen tay một phần cũng do quen mắt) hạ bút viết như vậy mà không ngờ
      rằng sai. Vì tôi chắc không có người cầm bút nào viết mỗi năm viết cả ngàn trang mà chịu dò từng chữ xem có sai chánh tả không, nhất là khi ý đang đòi tuôn ra thật mau ra ngòi viết ; rồi khi đọc lại, cũng ít ai chú ý sửa chánh tả, mà thường chỉ sửa ý sửa lời, vì khó làm ba việc đó đồng thời được. Tóm lại, muốn viết cho trúng chánh tả thì phải có thói quen viết trúng đã, mà thói quen này chỉ có thể tập được từ hồi mới cấp sách đi học. Lớn lên rồi mới sửa, nghĩa là tạo một thói quen mới diệt một thói quen cũ, là việc rất lâu và rất khó. Hạng người cầm bút hiện nay trên dưới năm chục tuổi chắc ai cũng đã nhiều lần nhận thấy rằng thường vì quen tay mà viết sai, chứ ít khi vì không biết mà viết sai; sách in rồi, đọc lại cũng nhận thấy ngay những lỗi rất lớn; cho nên ai cũng trông mong ở sự khoan hồng của độc giả. Ở Pháp, ai cũng được học kĩ chánh tả từ hồi nhỏ mà các nhà xuất bản đều có những “lecteur” (người đọc bản thảo) và “correcteur” (thầy cò) sửa giùm lỗi chánh tả, có khi chấm câu lại cho tác giả nữa nên sách in ít lỗi. Ở nước ta còn lâu mới tới giai đoạn ấy.

      Vậy cho tới khoảng 1950, tình hình sách báo của mình chưa được cải thiện bao nhiêu về phương diện chánh tả.

      * *
      *

      Nhưng ở Saigon, năm 1948-49 cũng bắt đầu có sự biến chuyển: một ít nhà xuất bản, nhà báo đã gắng sức in cho trúng chánh tả.

      Tôi được biết hai nhà: Yiễm Yiễm thư trang và P. Văn Tươi, có thể còn vài nhà khác.

      Ông Giám đốc nhà Yiễm Yiễm là thi sĩ Đông Hồ. Cũng như đa số các học giả trong nhóm Nam Phong, ông viết rất trúng chánh tả. Tính vốn cẩn thận lại yêu mĩ thuật, ông đích thân coi việc trình bày, sửa ấn cảo, nên sách và tờ Nhân loại của nhà Yiễm Yiễm in nhã mà rất ít lỗi.

      Sách của nhà P. Văn Tươi và cả tuần báo Mới nữa cũng tương đối ít lỗi, nhờ in ở nhà in Maurice. Ông Giám đốc nhà in này là học giả Lê Thọ Xuân. Ông đích thân sửa ấn cảo, làm việc rất chu đáo, thường sửa lỗi giùm cho tác giả. Tôi mang ơn ông đã chỉ bảo nhiều lỗi sơ sót.

      Tôi còn nhớ một lần ông khuyên tôi sửa chữ ngọc thỏ ra ngọc thố. Ông có lí: theo tự điển Trung Hoa thì phải đọc là thố, mà tự vị Hùinh Tịnh Của cũng ghi là thố. Nhưng tôi xin ông cứ để ngọc thỏ vì ngoài Bắc đã quen nói như vậy, mà Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cũng đều viết như vậy. Tôi chép lại hồi ký ấy để độc giả thấy lòng yêu tiếng Việt của ông và nhân tiện thỉnh giáo Uỷ ban điển chế Việt ngữ: chúng ta nên theo tự điển Trung Hoa hay nên theo thói quen của đa số? Mà thế nào là đa số? Nếu từ Bắc vào tới Huế chẳng hạn đọc là thỏ, từ Đà Nẳng vào Nam đọc là thố thì bên nào là đa số? Nếu ta điển chế theo Nam, ngoài Bắc cũng điển chế theo Bắc thì sau này khi thống nhất có cần điển chế lại không?

      Tôi không rõ thời đó độc giả có nhận thấy công phu của hai nhà xuất bản Yiễm Yiễm và P. Văn Tươi hay không, nhưng một số anh em cầm bút chúng tôi đã noi gương thi sĩ Đông Hồ và học giả Lê Thọ Xuân mà chú trọng tới sự in trúng chánh tả.

      Đồng thời lại xuất hiện nhiều bài khảo cứu trong đó học giả Lê Ngọc Trụ giảng cho ta một số tiếng Việt gốc Hán phải viết sao cho đúng. Chẳng hạn như cắc (bạc cắc) không thể viết là cắt vì gốc tiếng Hán Việt giác chuyển ra: gi chuyển thành c; ác thành ắc; tiếng vuông (vuông tròn) không thể viết là vuôn vì gốc tiếng Hán Việt phương: phương có g thì vuông cũng phải có g. Ông cho xuất bản cuốn Chánh tả Việt ngữ làm nền tảng cho cuốn Việt ngữ chánh tả tự vị của ông sau này[7].

      Tới năm 1951 hay 1952, Việt ngữ bắt đầu dùng làm chuyển ngữ ở bậc Trung học, sự viết đúng chánh tả càng hoá ra cần thiết, cấp bách.

      Năm 1954 và 1955, do cuộc di cư của đồng bào ngoài Bắc, sách báo ở Saigon in bớt lỗi nhiều, nhất là những lỗi riêng của miền Nam: lỗi an, ang, át, ác, in, inh, hỏi ngã, v.v… vì thợ sắp chữ và thầy cò Bắc đều tránh được các lỗi đó.

      Tóm lại, từ 1950 trở đi, tình hình cải thiện được nhiều. So sánh sách báo thời đó với sách báo thời trước thế chiến, chúng ta thấy có sự tấn bộ rõ rệt về phương diện chánh tả.

      Nhưng từ 1953, ông Lê Thọ Xuân phải điều khiển một trường tư, sau đó nhà P. Văn Tươi và nhà Yiễm Yiễm ngưng xuất bản, thực đáng tiếc.

      Mấy năm gần đây, do cái nạn thiếu thợ, nhân công đắt, điện thường bị cúp, nên việc ấn loát không được cẩn thận như trước và sách báo lại chứa nhiều lỗi chánh tả.

      Thợ tương đối lành nghề phải đi quân dịch, nhà in nào cũng phải dùng những em 13, 14 tuổi mới học tới lớp nhất, cho tập sắp chữ. Các em ấy dĩ nhiên không thuộc chánh tả, và cũng do cái tật quen mắt quen tay, có khi bản thảo viết đúng mà sắp chữ bậy. Chính tôi đã kinh nghiệm: tôi viết sử dụng, sơ suất, năng suất, có chí… thì trên bản vỗ thành ra xử dụng, sơ xuất, năng xuất, có trí…

      Vì không rành nghề, các em để lỗi nhiều quá; thầy cò sửa đặc cả ngoài lề mà cũng không hết; tới khi tác giả sửa lại lần nữa, cũng vẫn đặc cả ngoài lề. Nhà in đem ấn cảo về sửa lại qua loa rồi phải lên khuôn cho máy chạy vì “máy không thể chờ được”, điện sắp cúp, hoặc thợ chạy máy không thể ngồi không…; và sách báo in ra còn không biết bao nhiêu lỗi, so với mười năm trước, quả là một bước thụt lùi lớn. Vài nhà phê bình đã phải phàn nàn về việc ấy, vị nào dễ dãi thì chỉ nhắc qua rằng sách in còn nhiều lỗi, vị nào gắt gao thì tỏ lời trách móc.

      Trách là phải lắm. Nếu tình trạng này không cải thiện sơm sớm thì các thế hệ sau này đọc sách của chúng ta sẽ chướng mắt, có khi bực mình không hiểu chúng ta nói gì nữa: có chí mà in có trí, tính dục mà in tình dục thì còn ai mà đoán được ý của tác giả. Chưa biết chừng vài trăm năm sau có người nào in lại một tác phẩm năm 1968 này hoặc trích một đoạn văn để dẫn chứng, sẽ phải làm cái việc chú thích, hiệu đính như người Trung Hoa chú thích, hiệu đính tác phẩm cổ của họ. Chẳng hạn sẽ chú thích:

      “Thời đó, thế kỉ XX:
      xử dụng dùng như sử dụng,
      xuất với suất, giành với dành có thể dùng thay nhau,
      chùm với trùm đồng nghĩa,
      trí đọc như chí,
      tình dục ở đây phải hiểu là tính dục,
      dấu hỏi và dấu ngã dùng thay nhau,
      vân vân…”


      Cho nên hoàn thuốc của nhà điểm sách có đắng thì cũng phải ráng mà nuốt.

      Đành rằng chúng ta có thể đính chính, nhưng một cuốn sách hai trăm trang mà đính chính cho lỗi thì có khi phải mười trang, coi cũng kì; độc giả chỉ thấy bảng đính chính tràng giang như vậy, cũng ngán không thèm đọc nữa, nói chi là “sửa giùm”. Trong cái việc đính chính, phải hiểu tâm lí độc giả mà phiên phiến đi thì kết quả mới khỏi ngược lại ý muốn.

      Đó là nói về sách, còn bài báo mà đòi đính chính cho hết thì nhất định là chủ báo cau mày rồi: “Ông ấy khó tính quá!”

      * *
      *

      Ai cũng biết phải cải thiện tình trạng ấy sơm sớm, nhưng có cách nào cải thiện sớm được không?


      Như trên đã nói, muốn viết trúng chánh tả thì phải tập có thói quen viết trúng từ hồi nhỏ, nghĩa là ở các trường tiểu học, trung học phải coi trọng môn Việt ngữ hơn hết thảy các môn khác, phải dạy Việt ngữ một cách có hệ thống. Điểm đó tôi đã trình bày tạm đủ trong bài Làm sao cho học sinh bớt dốt Việt văn đăng trong Tin Văn số 4 ngày 21-7-1996 và in lại trong Mấy vấn đề xây dựng văn hóa (nhà Tao Đàn – 1968). Ở đây tôi chỉ nói thêm rằng bộ Quốc gia Giáo dục cần soạn một bộ Quốc văn ban tiểu học, soạn cho đứng đắn, ít nhất cũng phải đủ tin cậy như những sách quốc văn của nha Học chánh thời Pháp thuộc, trong bộ đó phải làm sao cho có đủ những tiếng thường dùng để học sinh có bằng tiểu học không đến nỗi viết sai lắm. Mục tiêu cần đạt là học hết ban này, trẻ phải viết trúng chánh tả, gặp những chữ nào ngờ ngợ thì phải có thói quen tra tự điển.


      Điển chế văn tự là việc cấp thiết. Tôi nghe nói Ùy ban điển chế Việt ngữ của bộ Văn hóa có bốn chục vị và ngân sách là bốn chục triệu cho năm 1968. Nay đã non một năm, không rõ Ủy ban đã điển chế được bao nhiêu tiếng. Nếu bộ thấy công việc ấy không thể làm mau được, mười lăm hai chục năm nữa mới xong thì có thể ra một thông tư cho các trường công và tư hãy tạm dùng bộ tự vị, tự điển nào đó trong khi chờ đợi. Và một nhà xuất bản nào đó cũng nên in những cuốn tự vị chánh tả bỏ túi, tựa như Đồng âm tự vị hồi xưa cho học sinh gốc Nam, cuốn Việt ngữ chánh tả đối chiếu của nhà Thế giới 1950, nhưng đầy đủ hơn, cho học sinh gốc Bắc (cuốn này chỉ ghi và sắp với nhau những tiếng bắt đầu bằng phụ âm CH và TR; D Gi và R. S và X). Học sinh phải luôn luôn có những cuốn đó bên cạnh: trong khi làm bài, dù ở nhà hay ở lớp học, hễ gặp một từ ngờ ngợ là phải tra liền, tra trong những cuốn đó mau hơn các cuốn tự điển.


      Các nhà in, các nhà xuất bản, các nhà báo cũng phải góp công nữa mới được. Phải sớm đào tạo một hạng thợ sắp chữ có sức học kha khá, phải mướn người giỏi chánh tả, như một số nhà xuất bản ở đây đã làm. Chẳng hạn nhan đề cuốn Giông tố của Vũ Trọng Phụng nên sửa lại là Dông tố, nếu không học sinh và cả hạng người lớn như tôi nữa, cũng quen mắt, quen tay rồi viết là giông tố.


      Trong năm việc tôi mới đề nghị: dạy Việt ngữ cho có hệ thống, điển chế văn tự, in tự vị chánh tả bỏ túi, sửa chánh tả các tác phẩm tiền chiến, đào tạo thợ sắp chữ, thì bốn việc trên có thể bắt tay làm ngay được, duy có việc đào tạo thợ sắp chữ là phải đợi cho hết chiến tranh đã. Vì hiện nay, thợ từ 18 tuổi phải nhập ngũ hết, các em 14, 15 tuổi học nghề chỉ cốt kiếm tiền trong vài ba năm rồi lại lo phải nhập ngũ, không yên tâm mà trao giồi nghề của mình. Ai cũng chỉ nghĩ chuyện ăn xổi ở thì.

      Mà hết chiến tranh, tình trạng chánh tả cũng chỉ tiến chậm thôi. Đó là chứng bệnh chung của các nước theo chế độ dân chủ Tây phương. Chúng ta quen theo con đường dài, không dám dùng con đường tắt, cho nên bất kì ngành hoạt động nào, chúng ta cứ tiến được hai bước lại lùi mất một bước rưỡi. Nếu cuối thế kỉ này, tất cả các sách báo của ta gần sạch lỗi chánh tả như sách báo Pháp chẳng hạn thì tôi cho là cũng đáng mừng rồi đấy.

      Saigon ngày 27-8-1968.








      Chú thích:




      [1] Tạm dịch ba câu đối thoại ở trên: - Tại sao hôm qua trò vắng mặt? – Tại vì con đau. – Không, trò chẳng đau gì nữa cả. [Goldfish]


      [2] Sách Xuân Thu Tả truyên chép một người nước Kỷ lo trời sập (Ưu thiên – lo trời).


      [3] Có lẽ do lỗi in ấn. Trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười (Nxb Văn hoá Thông tin, năm 2002, trang 124) ghi tên tờ báo này là “Tin Điển”. [Goldfish]


      [4] Của Nguyễn Văn Mai, Sài Gòn, 1912. (Theo bài Khái quát về sự hình thành và phát triển của Việt ngữ học của Nguyễn Thiện Giáp đăng trên website Ngôn ngữ). [Goldfish]


      [5] Xuất bản năm 1931 (Theo Nguyễn Thiện Giáp, bài đã dẫn). [Goldfish]


      [6] Tức Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của. Tập I ấn hành năm 1895, Tập II ấn hành năm 1896. [Goldfish]

      [7] Chánh tả Việt ngữ xuất bản năm 1951, Việt ngữ chánh tả tự vị xuất bản năm 1959. [Goldfish]
      Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

      Comment


      • #4
        Trên mười năm cầm bút và xuất bản

        Thời thế đã bắt tôi bỏ nghề công chánh rồi nghề dạy học để làm cái nghề cầm bút, một nghề tôi cho là mệt nhất ở nước mình, mệt gấp hai công chức bận việc.

        Khi tôi đã tính toán kĩ lưỡng và quyết định rồi, một bạn[1] ở Long Xuyên muốn giữ tôi ở lại tỉnh nhỏ đó “cho vui bạn bà ở đây có được bao người?”, bảo tôi:

        - Nhà văn làm nghề xuất bản thì nhất định thất bại. Anh không nhớ Balzac phải bán nhà in, nợ như Chúa Chỗm, rồi viết đêm, viết ngày đến khi chết mà vẫn chưa trả hết nợ đó sao?

        Tôi đáp:

        - Tôi làm sao dám ví với Balzac. Ông ta là một nghệ sĩ, tôi chẳng có chút máu nghệ sĩ nào trong người cả. Ông ta là một thiên tài và tự cho rằng một thiên tài thì đáng được sống cuộc đời lộng lẫy của bọn công tước, bá tước, tóm lại là ông ham cái chữ de, Honoré de Balzac, nên ông mắc nợ, phải viết như mọi để trả nợ. Tôi không cần gì nhiều, anh ơi, miễn kiếm được một số tiền đủ sống, chẳng hạn bằng số lương giáo sư hay kĩ sư, là mãn nguyện rồi; mà tôi đã tính toán cẩn thận, có thể kiếm được một số như vậy nếu chịu làm việc gấp đôi một giáo sư hay kĩ sư. Tuy mệt nhưng được tự do, chẳng phải tuỳ thuộc ai, chẳng phải đi đúng giờ, về đúng giờ.

        *
        * *

        Lên tới Saigon, một ông bạn khác cũng khuyên trở về nghề dạy học, chứ “viết văn làm sao đủ sống”[2]. Tôi vâng vâng dạ dạ, nhưng vẫn không đổi ý.

        Rồi một buổi chiều, cũng vào tháng này trong năm, ông Thiên Giang dắt tôi lại thăm thi sĩ Đông Hồ ở Yiễm Yiễm thư trang. Tôi được biết danh ông Đông Hồ từ hồi còn học trường Bưởi, năm 1929, 1930. Mấy năm sau, mỗi khi đi dạo chơi bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi thường ghé tiệm sách Nam Ký ở đường Francis Garnier và một lần tôi được thấy tập Thơ Đông Hồ bày trong tủ kính. Nhưng khi ở trường Công Chánh ra tôi mới được đọc văn của ông, và vô trong này được nghe một vài người
        anh. Tôi tự nghĩ: “Con người đó cũng lạ, ở một nơi hẻo lánh tại miền Nam mà sao viết văn như người Bắc, khác xa Hồ Biểu Chánh. Và sao mà nổi danh sớm thế; viết không nhiều, mà cái danh đó không hề tăng, không hề giảm, giữ được rất lâu”.

        Một lần có việc ở sở, đi kinh lí Rạch giá, Hà tiên, Châu đốc, tôi định ghé thăm ông, nhưng tàu mắc cạn ở Hồ đông, tối mịt ghe mới ghe bến trong cơn mưa tầm tã, rồi sáng hôm sau đã phải đi Châu đốc sớm, nên lỡ cơ hội. Vì vậy, lần này tôi rất vui vẻ khi ông Thiên Giang dắt tôi lại đường Nguyễn Thái Học.

        Cảm tưởng đầu tiên của tôi là phòng khách - hay phòng sách? Của chủ nhân tối quá, hẹp quá, ngổn ngang đồ đạt. Nhưng chỉ mộ lát sau tôi thấy phòng đó thân mật. Nó chỉ cách tiệm sách có một bước chân mà sao không khí ở đây khác hẳn: tôi quên hết ồn ào náo nhiệt ở bên kia bức vách, như vào một thế giới khác. Mấy cô coi cửa hàng ngoài kia khi bước vô đây cũng không còn vẻ giúp nhà buôn nữa mà lễ độ, khép nép như những danh gia tử đệ. Ngày nay nhớ lại không khí ấy, tôi cho phần lớn do tính tình và cách tiếp khách của chủ nhân. Nhiều người đã viết, nói về Đông Hồ, nhưng tôi chưa thấy ai nhắc tới điểm này: ông có lúc như trịnh trọng, nhưng thực ra rất tự nhiên, hồn nhiên nữa; dù là một kẻ đàn em vô danh như tôi mới gặp ông lần đầu tiên, cũng thấy rất thư thái, như đã biết nhau từ lâu. (Người thứ nhì cho tôi cảm giác đó là ông Vi Huyền Đắc, ông này thì thật xuề xoà, dễ thương). Và tôi nghĩ đó là cảm giác chung của mọi người, già trẻ, thân sơ, ai cũng niềm nở như ai.

        Lần ấy chúng tôi nói chuyện với nhau khá lâu – mà những lần sau cũng vậy, không lần nào dứt ra về sớm được. Tôi còn nhớ ông bảo tôi:

        - Ở Long Xuyên có thể viết nhiều được, chứ lên đây, mà nhất là làm việc xuất bản nữa thì bận rộn suốt ngày, không viết được đâu, chỉ vài ba năm sẽ cạn hứng.

        Tôi không tin nhưng cũng không cãi. Nếu lúc đó tôi thưa với ông rằng tôi phải viết trong một căn phòng ba thước rưỡi chiều rộng, bốn thước rưỡi chiều dài, vừa làm phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp khách, phòng học của cháu, một bên là căn bếp khói mù, một bên là lớp học độ hai chục em bé thì chắc ông sẽ khuyên tôi nên mua vé xe về Long Xuyên gấp gấp đi cho rồi.

        *
        * *

        Cũng thời gian ấy, tôi còn lại thăm một nhà văn nữa ở ngoại ô Saigon. Ông này mới nổi danh chút chút từ vài năm, nhờ viết được vài tập mỏng tôi nhớ đâu như về kinh tế. Tôi nghe nói các nhân viên phòng kiểm duyệt thời đó tôn ông là “đại ca”, nên nhờ một người bạn giới thiệu để xem ông có thể nhắn bọn “tiểu đệ” của ông nới tay trong sự kiểm duyệt bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc của tôi được không, vì bộ này có trích một bài hịch, nhiều bài thơ chống chiến tranh, nhất là có nhắc tới một số cây bút Trung Hoa hiện đại không theo họ Tưởng ở Đài loan.

        Nhưng tôi thất vọng: từ đầu tới cuối ông chỉ hết khoe tủ rượu rồi đến khoe ông, khoe tác phẩm của ông, coi tôi như hàng em út ngờ nghệch – “làm văn mà không biết nhậu nhẹt thì làm sao giao thiệp?” – và đánh trống lảng về cái việc tôi muốn nhờ ông. Ra về tôi tiếc đã mất một buổi chiều vô ích. Nhưng tôi không trách ông: ở địa vị “đại ca” thì phải để cho “em út” làm ăn chứ!

        Và tôi nghĩ có thể rút ra được kinh nghiệm này: đừng nên nhờ cậy ai, rán xoay xở lấy; cứ tính toán thu xếp công việc cho kĩ, rồi giữ vững ý định của mình, đừng quá nghe lời khuyên của người khác. Chỉ có ta mới biết được ta làm nổi công việc ta dự định hay không, người khác không thể nào biết rõ khả năng, hoàn cảnh của ta bằng ta.

        Trước khi lao mình vào một con đường mới, ai cũng lo lắng về những trở ngại này, trở ngại khác, nhưng khi đã cương quyết tiến được bước đầu rồi thì ta thấy sự thay đổi cuộc đời không có gì là khó cả. Một ông bạn tôi[3] hồi đầu viết báo, ghét và ngại về đi dạy lắm: phải tới đúng giờ, về đúng giờ, hò hét, sửa bài…; nhưng khi tờ báo đình bản, anh miễn cưỡng phải đi dạy thì chỉ sáu tháng sau thấy dạy học thú hơn viết báo, và từ đó anh bỏ luôn nghề viết báo. Những ai tuyên bố: “Viết là lẽ sống của tôi, phải gát bút thì tôi sống không nổi” nên ngẫm về trường hợp vừa kể.

        Và đừng nên sợ những biến chuyển trong đời. Người ta thường bảo ngoài bốn chục tuổi ai cũng ngại đổi nghề; nhưng bất kì một người nào còn khoẻ mạnh và chịu được cực khổ thì năm mươi sáu mươi tuổi vẫn có thể đổi nghề một cách dễ dàng được, và sau khi đổi nghề sẽ thấy vui thích hơn, tự tín hơn, tinh thần như trẻ lại.

        Mới mở nhà xuất bản, tôi quyết định chỉ in những tác phẩm của tôi thôi, không mua của ai cả. Sở dĩ tôi xuất bản lấy như vậy vì muốn hưởng một số lợi bằng hai, có khi bằng ba số nhuận bút các nhà xuất bản trả cho tôi; mà lại có thể cho ra những cuốn mình thích nhưng khó bán. Tôi đã nói chỉ cần một số tiền đủ sống thôi. Mua thêm tác phẩm của người khác thì có thể mau khá lắm, nhưng sẽ thành nhà xuất bản “chính cống” mất, sẽ không còn thì giờ để viết nữa, mà tôi lại thích viết hơn.

        Mới đầu một số bạn văn không hiểu chủ trương của tôi, đem tác phẩm lại nhờ tôi xuất bản giùm. Tôi cứ thẳng thắn bày tỏ nỗi lòng và tôi chắc rằng các bạn ấy hiểu tôi mà không nỡ trách.
        Thời thế đã bắt tôi bỏ nghề công chánh rồi nghề dạy học để làm cái nghề cầm bút, một nghề tôi cho là mệt nhất ở nước mình, mệt gấp hai công chức bận việc.

        Khi tôi đã tính toán kĩ lưỡng và quyết định rồi, một bạn[4] ở Long Xuyên muốn giữ tôi ở lại tỉnh nhỏ đó “cho vui bạn bà ở đây có được bao người?”, bảo tôi:

        - Nhà văn làm nghề xuất bản thì nhất định thất bại. Anh không nhớ Balzac phải bán nhà in, nợ như Chúa Chỗm, rồi viết đêm, viết ngày đến khi chết mà vẫn chưa trả hết nợ đó sao?

        Tôi đáp:

        - Tôi làm sao dám ví với Balzac. Ông ta là một nghệ sĩ, tôi chẳng có chút máu nghệ sĩ nào trong người cả. Ông ta là một thiên tài và tự cho rằng một thiên tài thì đáng được sống cuộc đời lộng lẫy của bọn công tước, bá tước, tóm lại là ông ham cái chữ de, Honoré de Balzac, nên ông mắc nợ, phải viết như mọi để trả nợ. Tôi không cần gì nhiều, anh ơi, miễn kiếm được một số tiền đủ sống, chẳng hạn bằng số lương giáo sư hay kĩ sư, là mãn nguyện rồi; mà tôi đã tính toán cẩn thận, có thể kiếm được một số như vậy nếu chịu làm việc gấp đôi một giáo sư hay kĩ sư. Tuy mệt nhưng được tự do, chẳng phải tuỳ thuộc ai, chẳng phải đi đúng giờ, về đúng giờ.

        *
        * *

        Lên tới Saigon, một ông bạn khác cũng khuyên trở về nghề dạy học, chứ “viết văn làm sao đủ sống”[5]. Tôi vâng vâng dạ dạ, nhưng vẫn không đổi ý.

        Rồi một buổi chiều, cũng vào tháng này trong năm, ông Thiên Giang dắt tôi lại thăm thi sĩ Đông Hồ ở Yiễm Yiễm thư trang. Tôi được biết danh ông Đông Hồ từ hồi còn học trường Bưởi, năm 1929, 1930. Mấy năm sau, mỗi khi đi dạo chơi bờ hồ Hoàn Kiếm, tôi thường ghé tiệm sách Nam Ký ở đường Francis Garnier và một lần tôi được thấy tập Thơ Đông Hồ bày trong tủ kính. Nhưng khi ở trường Công Chánh ra tôi mới được đọc bạn nói nhiều về ông, tôi trọng ông như một bậc đàn

        Nhưng trong mấy năm sau, tôi cũng nhận được nhiều tác phẩm ở xa gởi tới, đa số là của những người mới cầm bút. Họ nhã nhặn nhờ tôi “đọc giùm tác phẩm, sửa giùm và nếu thấy đáng in thì tìm giùm cho một nhà xuất bản”.

        Nếu tác phẩm có giá trị thì tôi hết lòng giúp đỡ, thành thực đưa ý kiến, giới thiệu với một nhà xuất bản khác. Nhờ vậy, tôi thêm được vài bạn mới, nhiều kĩ niệm quí. Một bạn nghèo đã lục các tiệm sách ở Chợ lớn, mua tặng tôi bộ Khang Hi tự điển in từ năm Quang Tự thập ngủ niên (1889), mà tôi vẫn bày ở bàn viết, mặc dù cả năm mới có dịp dùng tới một lần.

        Nếu là một người sức học, kinh nghiệm còn kém thì tôi thẳng thắn khuyên nên đợi ít năm rồi hãy viết, đời còn dài, gấp gì? Tôi còn nhớ lần đó một học sinh đệ nhất hay đệ nhị, sắp thi tú tài Việt, xin tôi in giùm một tập phê bình truyện Kiều mà cậu mới soạn xong. Tôi không cần hỏi bản thảo, trả lời ngay:

        - Cậu còn nhỏ mà sao đã vội viết một loại rất khó là loại phê bình? Công việc đó để các giáo sư làm thì hơn.

        Cậu ta đáp:

        - Tôi đã đọc nhiều sách, nghe nhiều giáo sư giảng và tôi thu thập lời phê bình của các giáo sư để viết.

        - Phê bình đâu phải vậy! Phải có ý riêng của mình chứ.

        Năm sáu tháng sau tôi hay tin tác phẩm của cậu đó được mộ nhà xuất bản in cho và xuýt đưa tới vụ kiện vì “tác giả” đã chép trọn – và chép sai – một cuốn đã tuyệt bản của Đào Duy Anh, mà bản quyền thuộc về một nhà xuất bản khác.

        Một cậu nữa mới ở trường ra, thấy sách của Carnegie bán chạy, viết một cuốn nhan đề là Hạnh phúc trong hôn nhân, bảo là dịch theo bản Pháp dịch mà nguyên tác của bà Carnegie. Coi tên bản tiếng Pháp ghi dưới nhan đề tiếng Việt, tôi biết ngay là bịp, vì tiếng Pháp dốt quá. Tôi đòi cho coi bản tiếng Pháp, cậu ta hứa đem lại và dĩ nhiên là không trở lại. Mạo danh người ta thì cả gan thật. Quả là hậu sinh khả uý.

        Một truyện buồn cười nữa là một thi sĩ miền Trung gởi thư cam đoan với tôi rằng tập thơ của ông mà in ra thì mười ngàn bản sẽ bán hết veo, đã được ông lớn nọ, ông lớn kia khen, sẽ làm nổi tiếng cho nhà xuất bản của tôi v.v…

        Một bạn khác cũng cam đoan rằng bộ Quốc Gia Giáo Dục đã hứa mua cho năm trăm cuốn, lại sẽ giới thiệu cho các trường trung học cho nữa…

        Có người rất cẩn thận, đích thân mang bản thảo lại nhờ tôi “coi giùm và cho ý kiến”- chứ chưa nói là xuất bản hộ - rồi trước khi ra về còn dặn kĩ:

        - Tôi tin ông nên mới đưa ông đấy, xin ông đừng cho lọt ra ngoài, hồi này người ta đạo văn nhiều lắm.

        Mặt tôi hừng hừng lên, nhưng tôi nén lại được liền, mỉm cười:

        - Xin lĩnh ý. Tôi sẽ coi xong nội đêm nay. Sáng mai bà lại lấy bản thảo.

        Sáng mai bà ta trở lại, tôi không tiếp, cho người nhà đem bản thảo ra trả: Văn của bà viết không đều, được một vài bài khá.

        Nhưng khoảng một năm sau, tôi ngạc nhiên làm sao khi hay tin bà đạo văn của người khác.

        Tôi ân hận nhất về việc dưới đây. Không hiểu sao tháng chạp âm lịch nào tôi cũng bận việc, nên vào khoảng ấy, tôi thường dặn người nhà hễ có khách lạ thì cứ nói rằng tôi đi vắng, không biết bao giờ về.

        Hôm ấy, một bà ở miền Trung vô, muốn gặp tôi, chị ở đáp rằng tôi mới đi khỏi. Rồi mà bà ta và cô con gái quyết tâm đứng ở cổng chờ tôi về, tôi không hay mà chị ở cũng không hay. Khoảng một giờ sau, nhà tôi đi đâu về, thấy vậy hỏi thăm rồi mời vô chơi. Bà ta đưa một bản thảo với một bức thư của ông chồng nhờ tôi coi giùm rồi đề tựa. Nếu hôm đó nhà tôi về trễ thì không biết bà ta và cô con gái phải đứng đợi bao lâu nữa.

        Nghe nhà tôi kể lại, tôi ái náy, vội bỏ hết các công việc khác – tôi nhớ lúc đó tôi đương đau nữa – đọc cho xong bản thảo rồi viết bài tựa, mặt dù tôi vốn sợ công việc đề tựa.

        Tôi mất trọn hai ngày nhưng trong đời viết văn của tôi, hai ngày ấy có lẽ là hai ngày tôi làm được một trong những việc thú và có ích nhất vì tác phẩm ấy rất đáng giới thiệu, và tác giả sau khi tự xuất bản lấy rồi, tiếp tục cho ra thêm được vài cuốn nữa.

        *
        * *

        Mấy năm đầu sau chiến tranh, ngành xuất bản của ta rất tiêu điều. Người ta chỉ in ít cuốn tiểu thuyết như của Lý Văn Sâm, ít sách giáo khoa tiểu học, ít cuốn về chính trị như của Trịnh Quốc Quang (tức Trương Văn Chình) và một số tác phẩm cũ. Người ta kể chuyện hồi 1950, một người ở Hà Nội có sáng kiến tái bản truyện Kiều, in 5.000 bản, bán hết liền, vội vàng in mau 10.000 bản nữa, cũng hết, rồi 20.000 bản, 30.000 bản cũng hết. Mới hồi cư, sách vở không còn, ai chẳng muốn có một cuốn truyện Kiều để ngâm nga cho đỡ buồn. Chẳng mất công gì cả, chỉ cần mau chân lẹ tay mà kiếm được một số tiền lớn trong có vài tháng. Tất nhiên “bổng” đó không được bền.

        Từ 1950 đến nay, ngành xuất bản tấn bộ nhiều, nhờ số học sinh tăng lên mạnh, Việt ngữ được dùng làm chuyển ngữ ở tiểu học rồi trung học, nhờ cuộc di cư của các nhà văn và nhà xuất bản Bắc sau hiệp định Genève, nhất là nhờ lòng yêu nghề của một số nhà xuất bản. Từ 1958-1959, tình hình mỗi ngày một thêm khó khăn, các nhà đó càng phải gắng sức. Nhà thì hạ giá bán cho thật rẻ để sách phổ biến rộng, làm ta nhớ tới loai Phổ thông bán nguyệt san của nhà Tân Dân, nhưng nội dung và hình thức mới hơn, nhà thì đặc biệt chủ trọng tới công việc ấn loát cho thật đẹp và sang (cuốn Tìm hiểu hội hoạ chẳng hạn); nhà thì trình bày nhã nhặn mà có nghệ thuật (như nhà Cảo Thơm), nhà thì lựa chọn tác phẩm kĩ lưỡng, miễn có giá trị, chứ không cần bán được nhiều (in hai ngàn bản trở lại thôi); nhà thì dám bỏ ra một số vốn lớn in những bộ sách khảo cứu rất dày mà ngay những cơ quan văn hoá của chính quyền ngân sách luôn luôn dư, cũng không dám in; nhà thì xuất bản sách bằng ngoại ngữ để giới thiệu văn chương của mình với thế giới, nhà lại chuyên in ronéo độ trăm bản để “phổ biến” trong số bạn đồng điệu… Họ đều có thiện chí góp công về văn hoá.

        Nhưng tôi thú thực “hiện tượng P. Văn Tươi” vẫn lạ lùng nhất. Hết thảy các bạn đồng nghiệp của tôi đều nhận rằng từ xưa tới nay chưa có nhà xuất bản nào phát mau như vậy.

        Chưa đầy một năm sau khi thành lập (vào khoảng 1949 hay 1950), P. Văn Tươi đã được sự tin cậy của rất nhiều độc giả đến nỗi có người phải ghen, mỉa mai này nọ. Sách bán rất chạy, in hai ba ngàn bản chỉ sáu tháng hay một năm là hết. Tới thời toàn thịnh của ông, tức thời ông cho ra tuần báo Mới, cửa tiệm đường Sabourain[1] (hình như trong thời thế chiến, chính là tiệm sách Nguyễn Khánh Đàm) thành chỗ hội họp của các nhà văn và các người yêu sách ở Saigon).




        Đã thành công rực rỡ trong loại sách Học làm người rồi (danh từ ày ông Phạm Văn Tươi đặt ra, dịch tiếng Culture humaine của Pháp – người Anh gọi là Seft improvement – mới đầu bị một số người mỉa mai, nay đã được thông dụng), ông can đảm ra loại sách Doanh nghiệp nữa, ra đều đều (trước sau trên mười cuốn) mặc dầu loại này bán rất chậm (có cuốn năm mười năm mới hết ba ngàn bản), vì lẽ dễ hiểu là nước ta hồi đó rất ít nhà doanh nghiệp mà ngay bây giờ, các nhà doanh nghiệp của mình vẫn thành công dễ dàng nhờ chạy chọt, chưa cần đến phương pháp tổ chức công việc làm ăn.

        Loại doanh nghiệp chưa vững thì ông cho ra tuần báo Mới và dự bị cho ra một loại như loại Que sais-je của Pháp. Ông đã nhờ vài người viết, đã có được vài bản thảo. Cho vẽ bìa rồi nữa mà sau phải ngưng vì ông thất bại trong những công việc làm ăn khác và cho tới bây giờ chưa có nhà nào dám nối gót ông cả.

        Ông Tươi có nhiều sáng kiến, dám làm, co chủ trương rõ rệt, có đường lối vạch sẳn, vừa thực tế vừa biết giữ vững chí hướng. Những tác phẩm ông xuất bản không có giá trị về văn học, nhưng rất có ích, giúp một cách gián tiếp cho sự phát triển kinh tế trong nước.

        Tôi tin chắc rằng hồi năm 1949 hay 1950, ông cũng như mọi người khác ở Việt Nam chưa biết thuyết phát triển kinh tế, vì thuyết đó chưa hình thành, các nhà kinh tế học như Clark, Myrdal, Pourasité, Rostow, còn đương nghiên cứu, chưa tìm ra được nó. Theo thuyết ấy, sự phát triển kinh tế trải qua năm giai đoạn sau:

        1- Xã hội cổ: các hoạt động sản xuất rất hạn chế, theo phương pháp rất truyền thống, thiếu tính cách khoa học.;

        2- Giai đoạn dự bị, tức giai đoạn ở cuối thế kỉ 17 và đầu thế kỉ 18 tại phương Tây: người ta bắt đầu có ý thức về sự tấn bộ kinh tế nhờ nhiều phát minh mới về khoa học; một nhóm người có tinh thần kinh doanh đã nghĩ tới việc phát triển kinh tế, tiết kiệm để đầu tư;

        3- Giai đoạn bắt đầu phát triển mạnh: đầu tư nhiều, mở mang mọi ngành, tức giai đoạn ở hậu bán thế kỉ trước tại châu Âu;

        4- Giai đoạn thành thục, tức giai đoạn của châu Âu đầu thế kỉ này.

        5- Giai đoạn đại chúng tiêu thụ mạnh mẽ, tức giai đoạn của châu Âu và Nhựt Bản hiện nay (1965), của Huê Kì từ hai ba chục năn trước. Giai đoạn này cũng gọi là “hậu kĩ nghệ” (post industrielle, do Daniel Bell đặt ra): mọi người chỉ lo hưởng thụ, sản xuất thừa thải quá rồi, người ta ít ham cạnh tranh, thành công nữa, ý thức về quốc gia, giai cấp nhạt đi, có thể tinh thần nhân bản và sự giáo dục được tôn trọng hơn trước.

        Ở nước ta, giai đoạn dự bị bắt đầu vào khoảng 1930, một số người đã tin ở kĩ thuật, ở sự phát triển kinh tế, sự gắng sức, nói chung là ở sự tấn bộ.

        Thời xưa, các cụ vẫn có thể gắng sức để cải thiện đời sống mà leo lên những bậc thang cao trong xã hội bằng con đường khoa cử. Đời cha nghèo vô học, rán cần kiệm cho con ăn học thành thầy khoá, thầy đồ, đời con lại gắng nữa tới đời cháu có thể thành ông Tú, ông Cử. Đó là trường hợp gia đình tôi. Cụ tổ năm đời của tôi không biết chữ, tòng quân, có cơ hội vô Đồng Nai dẹp loạn Lê Văn Khôi, có quân công, được ban ít ruộng đất, đón thầy dạy ông cố tôi, ông cố tôi thành ông đồ, rồi tới ông nội tôi, đậu Tú tài. Không theo đường khoa cử mà làm thợ, làm ruộng hay đi buôn thì có thể làm giàu nhưng không thế nào tiến lên hạng thượng lưu, hạng cầm quyền được.

        Từ 1930 trở đi, tình thế đã khác. Có thêm nhiều ngành hoạt động, trên thương trường, trong kinh doanh, ngay cả trong giới làm báo, đã có những người không có bằng cấp hoặc chỉ có những bằng cấp trung bình mà nhờ tự học, gắng sức, cũng nhờ khôn lanh nữa, làm giàu mau, lại chiếm được những địa vị cao trong xã hội, vừa phú vừa quí. Bạch Thái Bưởi được các “thượng quan” trọng và nể, nhiều người kém Bạch Thái Bưởu được bầu làm dân biểu, Phạm Quỳnh được mời dạy ở Đại học, và một bước nhảy lên ghế thượng thư…

        Tinh thần ấy cần cho sự phát triển kinh tế và một số nhà văn trong nhóm Hàn Thuyên đã lờ mờ nhận thấy vậy nên soạn vài cuốn về kinh doanh; một người soạn (hay dịch) một cuốn về tinh thần khoa học được giải thường Alexandre de Rhodes; nhóm Tự lực cũng xuất bản cuốn Mười điều tâm niệm của Hoàng Đạo và dịch ít đoạn trong cuốn Le chemin du bonheur của Victor Pauchet.

        Tóm lại người ta đã thấy cần phải cải tạo tinh thần của thanh niên để thích ứng với thời mới, và lớp thanh niên được cải tạo ấy sẽ là lớp người mở đầu cho giai đoạn phát triển kinh tế sau này. Như người Pháp nói, “ý đó phản phất trong không khí” từ trước thế chiến. Ông Phạm Văn Tươi cho tôi hay chính ông đã viết một cuốn rồi xuất bản hồi đầu thế chiến, nhưng bán không chạy. Vào hồi đó tôi cũng đã dịch một cuốn mà ông Nguyễn Duy Cần cũng viết được vài cuốn, đều để đó, đợi thời xuất bản.

        Vào khoảng 1949-1950, thời cơ vừa tới thì ông Phạm Văn Tươi cho ra loại sách Học làm người, gom ngay một số cây viết cùng chủ trương, nhờ vậy ông thành công rất mau.

        Mấy năm sau nhà xuất bản của ông phải đóng cửa, nhưng loại sách ấy vẫn phát triển đều đều: nó không có mục đích gì cao xa, nhưng thực tiễn và lành mạnh, gây được trong giới thanh niên tinh thần cầu tiến, tự học, tin ở tương lai của mình và của quốc gia. Một số người có óc hẹp hòi, cho nó là “phụng sự tư bản”; họ không hiểu rằng dù tư bản hay cộng sản thì cũng phải trải qua năm giai đoạn phát triển kinh tế tôi đã tóm tắt ở trên, và trong giai đoạn thứ nhì, giai đoạn dự bị cho sự phát triển, cũng phải tạo một số người tin ở sự tấn bộ, ở phương pháp khoa học, chịu cực khổ, có sáng kiến và óc mạo hiểm. Và trong một xã hội tư bản hay cộng sản, hạng người đó luôn luôn được trọng dụng, quốc gia càng lạc hậu càng muốn tiến mau thì càng cần tới họ.

        Hiện nay loại sách ấy chỉ bán “lai rai” thôi, và tôi nghiệm thấy tinh thần, trình độ của thanh niên mười lăm năm nay không tấn bộ mấy: tỉ số bán những cuốn về Tổ chức công việc, về Tân giáo dục của tôi tăng ít thôi, không bằng tỉ số tăng của các thanh niên có tú tài; mà những cuốn mới như cuốn Một niềm tin bán rất chậm, nên tôi không dám soạn những cuốn về tâm lí trong xí nghiệp, về xã hội học, để bổ túc cuốn Tổ chức công việc khoa học của tôi nữa. Người cầm bút thời nào cũng bị những hạn chế như vậy. Nghĩ tới tinh thần ham đọc sách của người Nhật, tôi không thể không buồn: nhiều cuốn Fourastié, Raymond Aron, Rostow ở Âu Mĩ mới phát hành thì vài tháng sau đã có bản dịch của họ rồi. Sự tiếp thu văn hoá phương Tây phải như vậy thì nước ta mới mau tiến mà thoát được cảnh lệ thuộc người về mọi phương diện.

        Tôi mong rằng sau chiến tranh này, các ngành canh nông, kĩ nghệ của nước ta sẽ phát triển mạnh, chính quyền sẽ hướng dẫn thanh niên đọc loại sách đó ngay từ học đường.

        *
        * *

        Loại ấy cũng như tiểu thuyết của các nhà Ngày nay, Thời Mới, Giao Điểm, Lá Bối… chỉ tiêu thụ quanh quẩn trong mấy châu thành. Tiêu thụ mạnh ở thôn quê trong giới nông dân, lại là “sản phẩm” của các nhà xuất bản khác mà các nhà làm văn hoá ít ai lưu ý tới, có khi không biết tới tên nữa.

        Tiếng “sản phẩm” ở đây tuyệt nhiên không có ý nghĩa xấu, ta phải dùng nó vì không kiếm được một tiếng nào khác: nó gồm sách và những tập mõng độ mươi, mười lăm trang, cả lịch nữa.

        Vào khoảng gần cưới năm 1955, một hôm tôi giao sách cho nhà phát hành Nam Cường. Ông Cường phàn nàn với tôi đương phải chạy tiền để mua lịch Tam Tông miếu. Tôi ngạc nhiên hỏi:

        - Ông phát hành cả lịch sao? Và thứ đó có mười mấy đồng một tấm, cần gì phải chạy tiền?

        Ông ta cười:

        - Ông chưa biết đấy. Thứ ấy bán mạnh lắm và lời lắm, hơn sách của ông và của tôi nhiều. Chẳng cần soạn, dịch gì cả, chẳng cần mua bản quyền, chẳng cần có nhà xuất bản, cứ tới đúng kì nào đó, giao cho một nhà in quen thuộc, rồi khi họ in xong, đem giao cho các nhà phát hành mà thu tiền. Khoẻ ru! Hoa hồng thấp, phí tổn ít, chẳng cần mướn người giúp việc, mỗi năm chỉ bận độ mộ hai tháng – vì lịch đâu có bán quanh năm – mà lời thì…

        Ông suy nghĩ một chút, tính sơ sơ, cho tôi một con số mà nay tôi đã quên, chỉ nhớ nó làm cho tôi hoá ra nghĩ vơ vẩn.

        Tôi hỏi ông:

        - Dễ kiếm tiền như vậy, sao không có nhà nào ra cạnh tranh?

        - Có đấy chứ! Đã nhiều nhà cạnh tranh, in cũng y hệt vậy, cũng đủ ngày xấu ngày tốt, đủ kiêng với cữ, giá lại rẻ hơn, nhưng vẫn không khá. Ai mua lịch thì cũng đòi cho được lịch Tam Tông miếu, cũng như hồi trước, mua sữa thì đòi sữa Con chim, mua xà bông thơm thì đòi xà bông Cadum vậy mà.

        Lúc đó tôi mới nhớ rằng đi về miền quê, vào nhà nào có vẻ phong lưu một chút cũng thấy treo một tấm lịch Tam Tông miếu. Xin dộc giả cứ tưởng tượng mỗi làng trung bình có hai ba chục nhà như vậy (điền chủ, hương chức, thầy giáo…) rồi nhân cho số làng ở Nam Việt thì biết tại sao buổi chiều ấy, ở nhà phát hành Nam Cường ra, tôi hoang mang… Nghe nói năm nay (1967) Tam Tông miếu in 200.000 tấm, mỗi tấm bán trên 30đ.

        *
        * *

        Nhắc đến Tam Tông miếu thì phải nói đến truyện Tàu. Nhà Tín Đức thư xã đã thực sự một mình một chợ trong phạm vi xuất bản truyện Tàu, non nữa thế kỉ nay. Hồi tôi mới bước chân vào đây (1935), loại ấy đã có mười mấy tuổi thọ. Tới bây giờ hỏi các nhà phát hành Sống Mới, Á Châu, Hồng Dân, tôi được biết nó vẫn bán lai rai, không chạy lắm, nhưng lúc nào cũng có người mua.

        Cũng có vài nhà cạnh tranh về vài truyện như Tam Quốc, Đông Châu, Thuỷ Hử, Tây Hán… nhưng không nhà nào dám nghĩ chuyện giành độc quyền của nhà Tín Đức.

        Vì nhà này chuyên phục vụ giới bình dân, đặc biệt các ông già bà cả ở thôn quê.

        Thật là cảm động, cái cảnh bà già tóc bạc phơ, mặc chiếc bà ba đen hàng Tân Châu, nằm võng trong một cái nhà sàn ở bờ rạch Bằng-tăng hoặc kinh Bảy-ngàn, vừa bỏm bẻn nhai trầu vừa nghe một cháu gái mươi mười hai tuổi đọc chuyện Chinh Đông, Chinh Tây dưới ngọn đèn dầu. Tình gia đình ấm làm sao! Lúc đó phải đọc một bản dịch của Nguyễn Chánh Sắt hoặc của nhà Tín Đức chứ không thể dùng bản của Tử Vi Lang được. Phải có cái giọng văn như: “đi tiên phuông”, “bèn cả cười mà rằng”, “thoảng như có biến thì chắc bọn ta không còn đời”, thì mới hợp cảnh. Cũng như ta thưởng thức món mắn ruột Long Xuyên với đọt xoài, đọt bằng lăng thì phải uống với rượu đế chứ tuyệt nhiên không thể dùng Whisky Soda. Thế nào tôi cũng phải noi gương ông Tạ Trọng Hiệp mà mua đủ các bộ truyện Tàu của nhà Tín Đức thư xã mới được. Tôi chẳng nghiên cứu gì cả như ông đâu, chỉ để khoảng hai chục năm nữa – nếu tôi còn sống – nằm đưa võng, bảo đứa cháu nhỏ nào đọc cho tôi nghe rồi trả công nó bằng một cây cà rem cây.

        Tôi đã đếm trên năm chục bộ gồm trên trăm cuốn, mỗi cuốn trên hai trăm trang khổ lớn, mà giá rất rẻ: trước kia 20, 25đ, nay 30đ một cuốn. Như vậy thì nhà Tín Đức giữ độc quyền nữa thế kỉ nay cũng dễ hiểu; mà sẽ giữ độc quyền cho tới khi không còn ai đọc truyện Tàu nữa. Thành trì đó quả là vững vàng.

        Công lao chẳng tốn bao nhiêu: cứ “bổn cũ soạn lại” vì loại đó để cung cấp cho hạng bình dân thì điều tối kị là sửa văn cho mới, cho gọn. Tôi đoán rằng có bộ có thể in năm ngàn bằng cách đổ chì, rồi chất trong kho, bán lai rai, mỗi năm đều đều thu về món lợi đáng kể.

        *
        * *

        Ai cũng biết tiếng nhà Tín Đức, nhưng còn một nhà khác cũng chiếm độc quyền về một loại sách bình dân, thì tôi thú thật với độc giả rằng làm nghề xuất bản mười ba năm rồi mà mãi đến gần đây mới được biết tên hiệu cùng địa chỉ. Cũng lại nhờ ông Tạ Trọng Hiệp nữa.

        Tôi xin hỏi quí vị độc giả có biết “thơ hậu” là gì không?... Vậy mà từ bên Paris, ông Hiệp gởi thư về nhờ tôi vô Chợ lớn lùng cho hết “thơ” và “thơ hậu” rồi gởi qua cho ông. Đọc thư tôi chẳng hiểu “thơ hậu” là cái quái quỉ gì. Theo địa chỉ ông dặn, tôi lùng mò, cuối cùng tới tiệm Hồng Dân đường Khổng Tử.

        Ủa, sao mà quen quen… À, phải, đã lâu lắm rồi, có lần tôi thấy bầy những tập như vầy ở vỉa hè dưới gốc dương trước Nhà việc Bình Đức, Long Xuyên và mấy nông dân từ trong Nhà việc ra, ngồi sụp xuống lựa mấy tập mang xuống ghe. Lần ấy, tôi chỉ nhìn qua vài nhan đề, đoán là những bài hát bình dân, chứ không ngờ là người ta gọi nó là thơ, thơ hậu.

        Hôm nay đứng trong một tiệm sách ở giữa một đại lộ tấp nập xe cộ này, lật vài tập ra coi, đọc ít câu thơ, tôi bồi hồi nhớ lại một thời xa xăm. Phải, chính những bài “thơ” này đây. Ba chục năm trước, tôi thường được nghe các “bạn” chèo ghe cho tôi ngâm nga cho đở buồn. “Ngâm”, “hát”, hay “nói”, tiếng nào mới đúng? Ở Gò Quao, ở Chắc Băng, ở miền thứ[7], ở Giồng riềng… Hai ghe cặm sào dưới gốc cây bần, trên bờ là một căn nhà lá lụp sụp cất trên một chỗ lỏm, sau lưng là rừng tràm, hoặc rừng u minh. Giọng “nói thơ” của họ sao mà ảo não, nó thấm tới đáy lòng tôi, làm cho tôi nghẹn nghẹn ở họng, rưng rưng ở mắt. Họ nhớ Bình thuỷ, Cái răng, quê của họ, nơi nước thì trong, gạo thì trắng, phụ nữ thì đẹp; mà tôi, lạ chưa, cũng đâm nhớ những vườn xoài ở Thốt Nốt, vườn dứa[8] Chợ Thủ. Những bài “thơ” này có ma lực gì đây? Phải chăng nó là hơi thở của miền Đồng Nai, miền Ba thắc? Chính họ, chính những chàng trai chất phác, đi đâu chỉ cần ôm theo một cái nóp đó, chính những chị em của họ vừa mạnh mẽ, vừa mềm mại, thẳng thắn và trung hậu, mơn mởn như những trái xoài bắt đầu ưng ửng đó mới là con cháu cụ Đồ Chiểu, cụ Thủ khoa Nghĩa, còn chúng ta, ngay cả Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, chúng ta đã âu hoá nhiều quá rồi, đã lai rồi.

        Coi bảng thư mục, tôi đếm được trên năm chục thứ thơ và thơ hậu, non bốn mươi thứ thơ lịch sử và dã sử. Thơ và thơ hậu (tức thơ tiếp theo: có thơ Vân Tiên rồi thơ Hậu Vân Tiên, cũng như truyện Tàu có Tam Quốc rồi Hậu Tam Quốc, kiếm hiệp có Cô gái Đồ Long rồi Hậu Cô gái Đồ Long) đều in thành những tập 16 trang bìa mỏng dính, loè loẹt, hình vẽ vụng về, ngây ngô: hoạ sĩ cấm ngay một cây thánh giá trên mộ Đạm Tiên. Hầu hết là thơ lục bát, ngoài ra là điệu “phú”, điệu hò, điệu tuồng. Lời rất bình dân. Nội dung rút trong truyện Tàu, dã sử ta, truyện cổ tích, tiếu lâm, kể cả những việc xảy ra hồi nửa thế kỉ trước.

        Tôi hỏi ông chủ tiện sách:

        - Loại này bán chạy không?

        - Lai rai. Mỗi lần có người ở tỉnh lên mua, bán mỗi thứ vài ba chục tập.

        - Số bán mỗi năm có giảm đi không?

        - Vẫn bán được hoài.

        Tôi đoán là có giảm vì thấy tuồng hát bộ nhiều thứ đã hết mà không tái bản. Có gì mà không suy? Chỉ một thế hệ nữa thôi, còn ai đâu mà biết “nói” những thơ này, và nhà xuất bản tất phải chuyển qua loại khác.

        Tôi hỏi tiếp ông chủ tiệm:

        - Có khi nào người ở tỉnh lên hỏi mua sách của tôi không?

        - Không. Sách của ông tôi lấy về để bán cho các thầy các cô ở đây.

        Sao tôi ngốc vậy? Tôi có khi nào nghĩ tới họ khi viết đâu mà đòi họ mua sách của tôi. Hết thảy chúng ta đều viết “cho các thầy các cô”. Chúng ta lo tiếp thu học thuyết của Raymond Aron, Sartre, kĩ thuật của Kafka, Joyce, mà 80-90% đồng bào của chúng ta chỉ ưa luân lí trong Lục Vân Tiên, kĩ thuật trong Bạch Viên tôn các. Không bao giờ chúng ta tìm hiểu cảm xúc, nhu cầu tinh thần của hạng bình dân cả. Chúng ta cố tình quên chúng đi. Họ lặng lẽ cày ruộng cho ta, chèo ghe cho ta, sống ngay bên cạnh ta mà ta với họ có vẻ như ở hai thế giới khác nhau. Họ có những mối tình khác xa mối tình cô Mai, cô Tuyết trên xa lộ, có những điệu hò, điệu hát khác xa điệu “cha cha” và “bi bốp” trong các quán trà.

        Còi xe in ỏi ở ngoài đường, tôi nhìn ra: vài thiếu nữ khoác tay Mĩ kiều nhởn nhơ qua lại. Báo đăng cuối năm nay lính Mĩ sẽ xuống miền Hậu Giang. Có lẽ không tới mười năm nữa đâu loai thơ, thơ hậu này sẽ không còn ai in nữa. Ông Tạ Trọng Hiệp lúc này mới nhờ tôi kiếm nó, e cũng trễ rồi đấy.

        Tôi quay lại, nói với ông chủ tiệm:

        - Xin ông cho tôi thêm mỗi thứ một bản nữa.


        Sàigòn 4-12-1966










        Chú thích:




        [1] Tức ông Nguyễn Ngọc Thơ. [Goldfish]



        [2] Có lẽ là học giả Lê Thọ Xuân, lúc đó ông này làm giám đốc trường trung học Tiên Long. Ông Xuân mời cụ Nguyễn Hiến Lê dạy Anh văn nhưng cụ từ chối, ông có vẻ giận, bảo: “Viết văn thì gặm cây bút để sống à?” (Theo Hồi kí, tr.344). [Goldfish]

        [3] Có lẽ là nhà văn Hư Chu. Ông này viết truyện “feuilleton” cho tờ Việt Thanh, khi tờ này đình bản, ông dạy Sử Địa cho vài trường tư thục ở Sài Gòn. (Theo Hồi kí, tr. 338-339). [Goldfish]


        [4] Tức ông Nguyễn Ngọc Thơ. [Goldfish]


        [5] Có lẽ là học giả Lê Thọ Xuân, lúc đó ông này làm giám đốc trường trung học Tiên Long. Ông Xuân mời cụ Nguyễn Hiến Lê dạy Anh văn nhưng cụ từ chối, ông có vẻ giận, bảo: “Viết văn thì gặm cây bút để sống à?” (Theo Hồi kí, tr.344). [Goldfish]

        [6] Bây giờ là đường Tạ Thu Thâu.


        [7] Miền thứ hay miệt thứ? [Goldfish]



        [8] Cây dứa, tức cây được tác giả nhắc đến trong cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, là loại cây trồng lấy lá chứ không phải là cây khóm, cây thơm trồng lấy trái. [Goldfish]
        Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

        Comment


        • #5
          Thân phận con người trong truyện kiều

          Truyện Kiều không phải là một truyện tình như Hoa Tiên, lại càng không phải như chuyện luân lý như Lục Vân Tiên, chỉ là một truyện tả thân phận con người – đúng hơn là thân phận của một người đàn bà tài sắc – trước định mạng. Điều đó ai cũng nhận ra, chính tác giả cũng đã nói rõ cho ta thấy ngay ở đầu truyện, rồi nhắc đi nhắc lại không biết mấy lần nữa ở trong truyện và cuối truyện. Nhưng một số người cứ coi nó là một truyện tình hoặc một chuyện luân lý rồi kẻ thì chê tà dâm ủy mị, là tư tưởng mâu thuẩn, kẻ thì khen trung hiếu tiết nghĩa, dung hoà được cả tam giáo.

          Một tác phẩm dài, nhưng tình tiết và bất hủ như truyện ấy thì đứng về phương diện nào mà xét cũng có lí ít nhiều: khen cố nhiên là phải mà chê thì cũng được; hoặc có ý muốn lồng vào nó những ý kiến của riêng mình, những tư tưởng của thời đại mình, gán cho nó một nội dung mới để cho nó thành phong phú thêm thì cũng chẳng có gì đáng trách.

          Đã chẳng có người khen Nguyễn Du khi viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” là nắm được một chân lý huyền ảo: cái tâm gồm cả tam tài thiên, địa, nhân đấy ư?

          Đó cũng là một cách trả ơn hoặc góp công với cổ nhân. Nhưng muốn định giá trị cho đúng thì không thể quên mục đích của tác giả.

          Tác giả dùng nhan đề Đoạn trường tân thanh thì ta nên xét trước hết nỗi đoạn trường trong truyện đã, tức cái bi kịch thân phận hạng người tài sắc trước định mạng.

          Ôn lại tất cả những việc thường và biến xảy ra trong đời nàng Kiều, ta thấy như có một bàn tay nào đó sắp đặt trước mọi việc một cách chu đáo và cay nghiệt để bắt nàng chịu một kiếp đoạn trường kéo dài tới mười lăm năm.

          Sinh đôi với Thúy Vân mà tính tình nàng khác hẳn: Vân thì vô tình, vô tâm, gần như đần độn; Kiều thì sắc xảo, thông minh, đa tài, nhất là đa tình, đa cảm tới nổi đi tảo mộ, gặp một nắm mộ vô chủ cũng sụt sùi than:

          Rằng: “Hồng nhan tự nghìn xưa,
          Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.

          Rồi coi Đạm Tiên là chị em với mình nữa:

          Hữu tình ta lại gặp ta,
          Chớ nề u hiển mới là chị em.

          Chính cái đa cảm khác thường ấy làm cho nàng nghĩ hoài tới Đạm Tiên, nằm mộng thấy Đạm Tiên và tin lời báo mộng của Đạm Tiên mà chuốc khổ vào thân sau này. Mà tính đó, nàng nhận của trời từ hồi mới sanh, nàng không được lựa chọn.

          Từ cái buổi “đạp thanh” đó, biến cố dồn dập tới: nàng gặp Kim Trọng, hai người yêu nhau, rồi tới vụ thằng bán tơ gây vạ trong gia đình nàng, toàn những việc trời xui nên cả để đưa tới việc nàng bán mình chuộc cha, đầu mối của mười lăm năm đoạn trường.

          Mới xét, ta tưởng việc bán mình chuộc cha ấy do tự nàng quyết định, nghĩa là không phải tại số, nhưng nhớ lại nàng đa cảm như vậy còn Thúy Vân vô tình như kia thì sự hy sinh cho gia đình về nàng chứ về ai? Tính tình nàng đã chỉ định hành động cho nàng, nàng đâu được tự do.

          Nàng chỉ tự do – tới một mức nào thôi – khi nàng thề thốt với Kim Trọng và chính lời thề thốt đó mà nàng tính trước sẽ tự tử để báo nghĩa với người tri kỉ, nên dặn dò Thúy Vân:

          Mai sao dù có bao giờ
          Đốt lò hương ấy, so tơ phím này:
          Trông ra ngọn cỏ lá cây,
          Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
          Hồn còn mang nặng lời thề,
          Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
          Dạ đài cách mặt khuất lời,
          Rảy xin chén nước cho người thác oan.

          Lần đó là lần đầu tiên nàng có ý chống với định mạng. Sợ làm lụy cho song thân, nàng chỉ thực hiện ý đó khi thấy rõ Tú Bà, Mã Giám Sinh âm mưu với nhau để lừa gạt nàng. Nàng rút dao đeo sẵn trong người để tự sát, nhưng không chết. Tự sát trước mặt Tú Bà, Mã Giám Sinh, và đông đủ mấy ả mày ngài, mấy khách làng chơi thì làm sao mà chết được. Như vậy là tại số hay tại nàng? Nghiêm khắc mà bảo là tại nàng thì cũng có lí: nếu quyết chí tự tử thì thiếu gì lúc, sao lại nhè lúc đó? Nhưng muốn vậy phải bình tĩnh, có nhiều nghị lực, rất can đảm.

          Kiều đang từ nơi:

          Êm đềm trướng rũ màng che

          Mà đột nhiên bị đẩy vào cái nơi ong bướm qua lại:

          Giữa thì hương lửa hẳn hoi,
          Trên treo một tượng trắng đôi lông mày.

          Rồi phải nghe những lời “lạ tai” của mụ Tú Bà thì làm sao bình tĩnh được, nhất là hạng người đa cảm như nàng thường hành động vì cảm xúc. Nghị lực về tinh thần, chắc nàng có; còn can đảm về thể chất thì chưa chắc đã đủ. Cho nên việc tự tử hụt ấy cũng dễ hiểu: tại định mệnh khiến cho hụt, chứ không phải tại nàng.

          Huống hồ, sau đó, lúc nàng còn mê mang, Đạm Tiên lại hiện lên, khuyên nàng đừng cưỡng lại với định mạng:

          … “Nhân quả dở dang
          Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao.
          Số còn nặng nợ má đào
          Người dù muốn chết, trời nào đã cho!

          Lời là lời của Đạm Tiên nhưng xuất phát chính từ tiềm thức của Kiều.

          Hồn ma Đạm Tiên này trước sau chỉ thoáng hiện ba bốn lần mà đóng vai trò quan trọng hơn hết những nhân vật khác trong đời Kiều. Nó là “chị em” với Kiều, nó là phần “u”, còn Kiều là phần “hiển”, nó là tiềm thức của Kiều, nó là tay sai của định mạng “đưa lối”, “đưa đàng”, xui nàng “tìm chốn đoạn trường mà đi”. Phần hữu thức, phần “hiển” của Kiều muốn chống với số mạng, muốn thoát cảnh đoạn trường thì phần tìềm thức, phần “u” đó ngăn lại, bắt nàng phải chịu cho hết nỗi khổ nhục mới thôi; và nàng nghe lời nó, cúi đầu thuận mạng:

          Vả trong thần mộng mấy lời,
          Túc nhân âu cũng có trời ở trong.
          Kiếp này trả nợ chưa xong,
          Làm cho thêm một nợ chồng kiếp sau.

          Nhưng phần hữu thức vẫn còn le lói, nàng vẫn còn muốn vùng vẫy để thoát khỏi cái lưới của định mạng. Cơ hội đưa tới, Sở Khanh dụ nàng đi trốn. Lúc đó tuy nàng nhận được rằng thái độ hắn có phần mờ ám:

          Nghe lời, nàng đã sinh nghi

          nhưng lại không đủ sáng suốt để hành động một cách hợp lí, rốt cuộc chỉ biết “cũng liều nhắm mắt đưa chân” rồi sa vào cái bẩy của mụ Tú.

          Vậy nàng như có một xu hướng tự hủy, càng vùng vẫy thì lưới càng thắt chặt lại. Thất bại lần nầy, nàng mất hết nghị lực, không còn phản kháng nữa, cam chịu tất cả:

          Uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa,

          hơn nữa, còn năn nỉ Tú Bà cho nàng được sống nhục:

          Nhưng tôi có sá chi tôi,
          Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu.
          Thân lươn bao quản lấm đầu,
          Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa.

          Đạm Tiên – tiềm thức của Kiều – đã hoàn toàn thắng. Thật não nùng. Bốn câu trên rât bình dị, không hề tô chuốt, như tự nhiên thốt ra, mà đưa được cái bi thảm trong thơ Việt Nam lên tới mức từ trước tới nay chưa một thi sĩ nào đạt được. Đã ghê tởm kiếp lầu xanh, đã không sợ chết thì tại sao lại phải năn nỉ như vậy, mâu thuẩn như vậy? Phần hữu thức bị che lấp, Kiều và Đạm Tiên bây giờ chỉ là một.

          Sau đó, nàng lại gặp Thúc sinh, một người xứng đáng, tha thiết yêu nàng, lại đủ uy thế bắt Tú Bà phải thả nàng ra. Cơ hồ nàng có thể rút tên ra khỏi sổ đoạn trường rồi, nhưng định mạng lại chưa cho: anh chàng đó sợ vợ mà người vợ lại rất ghen và rất hiểm, cho nên mặc dù Kiều đã đoán trước tai vạ sau này, lần đầu nàng muốn từ chối cuộc vuông tròn với Thúc Sinh – “giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng” - , lần sau lại khuyên Thúc Sinh về thú thực với vợ cả:


          Xin chàng liệu kíp lại nhà[1]
          Trước người đẹp ý, sau ta biết tình

          nhưng Thúc Sinh nhu nhược, vẫn cứ giấu quanh, rốt cuộc, lưới định mệnh tạm lơi ra được một hai năm rồi lại thắt lại, và lần thứ nhì ta phải nghe tiếng đàn bạc mệnh của nàng:


          Bốn dây như khóc như than…

          Nàng xin Hoạn Thư được xuất gia. Lửa lòng tuy muốn tắt nhưng đường trần duyên nào đã tuyệt hẳn, vì Quan Âm các vẫn chỉ ở trong vườn họ Hoạn, Thúc Sinh lại mắc mưu vợ nữa, và Kiều quyết chí ra khỏi chốn “hang hùm nọc rắn” đó.

          Nếu bình tỉnh, sáng suốt cứ viết thư trần tình như lần trước (khi xin được xuất gia) thì Hoạn Thư tất kiếm cho nàng một ngôi chùa nào đó ở xa để Thúc Sinh khỏi có dịp gặp, như vậy có thể yên được; nhưng nàng lại quá hoảng sợ, vội giắt mình mấy món đồ kim ngân trong Quan Âm các để hộ thân rồi bỏ trốn. Ta có thể hiểu cho hoàn cảnh nàng lúc ấy, nhưng hành động mù quáng ấy cũng một phần lớn do:

          Ma đưa lới, quỉ dẫn đường,
          Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

          nghĩa là do tìềm thức, do xu hướng tự hủy nữa.

          Vì những đồ kim ngân ấy đã chẳng giúp cho nàng được gì mà lại đưa nàng vào thanh lâu một lần nữa: biết những đồ vật đó ở đâu, sư Giác Duyên không dám chứa nàng, khuyên nàng lánh qua nhà họ Bạc, không ngờ Bạc bà với Tú bà cùng “một tổ bợm già” với nhau.

          Sau hai lần vào thanh lâu, trên mười năm “ong qua bướm lại”, gặp được Từ Hải là cái phúc lớn cho Kiều, ai chẳng tưởng từ nay nàng sẽ yên ổn, vinh hoa nữa là khác. Nhưng lại cũng không được lâu, cũng vẫn cái xu hướng tự hủy đó nó xui khiến nàng:

          Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.

          và khuyên Từ Hải ra hàng để rồi ta lại phải nghe khúc bạc mệnh thứ ba dưới màn Hồ Tôn Hiến.

          Điều mà từ xưa tới nay người ta trách nàng Kiều nhiều nhất là sao không chết với Từ Hải mà còn nhục nhã hầu tiệc tổng đốc họ Hồ. Cay nhất là lời của Tản Đà[2]:

          Hai hàng nước mắt hai làn sóng
          Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan

          Hai câu đó chưa tàn nhẫn bằng hai câu sau:

          Tổng đốc ví thương người bạc mệnh,
          Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan!

          Gay gắt thật, nhưng chính Kiều có linh thiêng e cũng lúng túng, không biết tự biện hộ cách nào cho được. Nhưng Kiều đã có người bênh vực cho nàng: Bùi Giáng. Trong tập Một vài nhận xét về truyện Kiều (Tân Việt 1957 – trang 14) ông viết:

          “Nhiều nhà phê bình muốn rằng ở đây Kiều phải mắng vào mặt Hồ Tôn Hiến (…) Nàng chửi Hồ Tôn Hiến thì đã dễ rồi. Nàng có sợ đâu. Cái chết không còn sợ nữa là. Nhưng cái khổ đã đến cái độ mà con người không còn lên cái tiếng chửi mắng thông thường ấy của chúng ta nữa. Ta giận ta đập bàn, ta đỏ mặt, ta to tiếng, thì cái ấy đã thường.

          “Nhưng ở đây cái cung đàn bạc mệnh phản chiếu một đời người có khác. Vâng, ông bảo tôi thị yến dưới màn. Ông bảo tôi vặn cung đàn bạc mệnh cho ông nghe. Ông bảo tôi lấy ông, tôi xin lấy. Ông gán tôi cho thổ quan, tôi xin gật. Vì than ôi, người ta đã hiểu giùm chưa? Từ nay đi đâu, ở đâu, đứng ngồi đâu, mang một hình người hay bóng quỉ, ở địa ngục hay trần gian, lòng tôi đã chết hẳn rồi. Tôi có nhảy xuống Tiền Đường chỉ là vì sợ Đạm Tiên trách sao lại sai hẹn mà thôi. Kể ra thì không cần phải nhảy”.

          Vong linh của nàng Kiều cũng đã được thỏa mà lời thơ của Tố Như thật cũng đã được hiểu một cách thông minh.

          Quả thật cái “tân thanh của đoạn trường” chưa lúc nào thấm thía bằng lúc nầy:

          Một cung gió tủi mưa sầu
          Bốn giây giỏ máu năm đầu ngón tay![3]

          Nhưng đọc lại cả đoạn từ khi Từ Hải chết đến khi Kiều bị áp thẳng xuống thuyền thổ quan, tôi thấy tâm trạng nàng phức tạp, thay đổi chứ không một mực như người mất hồn, tuy còn sống mà như đã chết.

          Trước hết, nàng muốn tuẩn tiết theo Từ Hải:

          Mặt nào trông thấy nhau đây
          Thà liều sống chết một ngày với nhau!
          Dòng thu như xối cơn sầu
          Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.

          Vậy thì đâu có phải chỉ vì sợ sai hẹn với Đạm Tiên mà Kiều tự tử. Tuy nhiên ta phải nhận ý muốn quyên sinh lần này không mạnh như lần trước. Hữu thức của nàng muốn chống lại lần nữa với định mạng, song chỉ chống một cách yếu ớt, chỉ “cũng gieo đầu một bên” thôi. Nàng như mất cả sinh lực rồi. Tất nhiên là như vậy không chết được.

          Phản ứng đầu tiên đó qua, nàng lo chôn chồng; rồi mặc dầu “giọt ngọc tuôn dào”, nàng lại muốn sống, cũng chỉ muốn một cách yếu ớt thôi. Cho nên đêm đó, sau khúc đàn “gió tủi mưa sầu” nàng ngỏ ý với Hồ xin được về với cha mẹ:

          Thân tàn được thấy gốc phần là may.

          Vậy lời của Tản Đà tuy nghiêm khắc mà có phần đúng. Có thế mới hợp với tâm lí. Sau mười lăm năm hoa trôi nước chảy, nàng không còn cái nhiệt tình, cái thanh khiết buổi đầu nữa, nàng hóa ra tầm thường – con người, ai mà chẳng vậy? – nhưng trước sau ta vẫn thấy nàng hành động hoàn toàn do cảm xúc, có thiện tâm mà lại nhu nhược, nhiều khi mù quáng, bị tiềm thức đưa dắt, dù tính gì thì tính, rốt cuộc vẫn không chống nổi với định mạng.

          Vì thực là chua xót! Chỉ còn một ngày nữa là sổ đoạn trường được rút tên ra, mà nàng rút ra vẫn không nổi, nhất định phải đúng hẹn với Đạm Tiên ở sông Tiền Đường mới được, nghĩa là lại tuân theo tiềm thức một lần nữa. Cái giá trị nhân bản của truyện ở đó mà bi kịch trong truyện cũng ở đó. Ở chỗ muốn chết mà chết không được.

          Thành thử suốt mười lăm năm, nàng như sống trong một giấc mộng, bị hồn ma Đạm Tiên mê hoặc, bị tiềm thức chi phối, không lúc nào làm chủ được mình, bẩm tính thông minh mà mấy lần quyết định mù quáng, hai lần tự tử chỉ là để lún thêm vào cõi nhục, bốn lần vùng vẫy – khi trốn theo Sở Khanh, khi mưu hạnh phúc với Thúc sinh, khi trốn nhà Hoạn Thư, khi khuyên Từ Hải ra hàng – thì mỗi lần như chỉ để tự hủy thêm tấm thân, để cho lưới định mạng thắt chặt thêm nữa. Tiềm thức của chúng ta đôi khi hướng dẫn ta rất linh, có thể báo trước tai nạn để ta kịp thời tránh, tiềm thức của nàng chỉ đưa đẩy nàng vào những hoàn cảnh tủi nhục, ê chề, những tai biến vô lí, khiến cho nàng y như con thiêu thân, cứ đâm đầu vào chỗ chết. Ngay những đức đáng quí của nàng – như hiếu nghĩa, thông minh – cũng chẳng giúp gì cho nàng mà chỉ làm hại nàng: vì có hiếu nên mới bán mình, vì thông minh mới đoán được nghĩa hai chữ “tích Việt”, mới mấy lần tính cách vùng vẩy; và cũng vì hiếu nghĩa thông minh mới được Thúc Sinh, Từ Hải gắn bó, rồi chính vì cái gắn bó đó mà gặp thêm mấy bước đoạn trường.

          Mà cái kiếp đoạn trường đã định lúc nào hết thì tới lúc đó mới hết, sớm một ngày cũng không được. Khi nó hết thì dễ dàng làm sao! Nàng bổng như tỉnh mộng:

          Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
          Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường.
          Như lời thần mộng rõ ràng,
          Này thôi hết kiếp đoạn tràng là đây!

          Lần tự tử thứ ba này không định trước mà thành. Nàng bình tỉnh, đủ sáng suốt, nghị lực, can đảm sửa soạn cho lúc chết, viết bức tuyệt bút để lại, mở rèm, tạ tội với Từ Hải, nhìn trời nước rồi thản nhiên, gần như vui vẻ gieo mình xuống sông. Trước sau chỉ trong một lát. Ôi! Đạm Tiên, hồn nàng lúc này đã thỏa? Thực ra truyện kết thúc ở đây. Phần tái hợp ở sau chỉ là thêm vô cho có hậu và để răn đời “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.


          Tôi chưa thấy một tác phẩm nào tả thân phận con người một cách bi đát như vậy. Chúng ta hoàn toàn bị trói chặt vào định mạng, nó nằm trong bản tính tiềm thức của ta, trói chặt ngay từ lúc mới sanh. Chúng ta tưởng được tự do hành động, mà thực sự là bị tiềm thức xô đẩy vào những bước đường ta muốn tránh.


          Bắt phong trần phải phong trần,
          Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.

          Biết là mấy lần, chứ đâu phải một lần!


          Bi đát nhất là cái định mạng đó cứ nhè các bực tài tình mà đầy đọa. Những hạng như Thúy Vân thì được sung sướng, hạng như Thúy Kiều mới bị chìm nổi:


          Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy (Phạm Quí Thích)


          Nhưng chính cái lụy đó, cái nhục đó lại là cái vinh của con người. Đọc truyện Kiều, có ai yêu được Thúy Vân, hay chỉ có những người khóc cho nàng Kiều, làm thơ vịnh nàng Kiều, mơ mộng nàng Kiều, khấn vái nàng Kiều; và đồng thời với Nguyễn Du, biết bao người được cho “thanh cao” hơn tiên sinh, mà đến nay còn gì, có ai nhắc tới, nhớ tới? Vậy thì không bị cái “thiên cổ lụy kia, tất không có cái “tân thanh” này, cái “tân thanh” đã trên trăm rưởi năm rồi vẫn cứ mỗi ngày một vang thêm, vì tác phẩm của tiên sinh đã được dịch mấy lần ra tiếng Pháp, rồi tiếng Nhật, tiếng Trung Hoa, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Anh… Hương hồn Tố Như tiên sinh có linh thiêng tất không còn thắc mắc về cái điều “tam bách dư niên hậu” nữa, có thắc mắc chăng, theo tôi, chỉ ở điểm này: cái định mạng đố tài kia, ta nên oán nó hay không nên oán?


          Viết ngày 5-5-1965
          nhân kỉ niệm hai trăm năm Nguyễn Du ra đời.




          Chú thích




          [1] Câu 1491 trong tài liệu nguồn in: “Xin chàng liệu kíp tại nhà”. Có lẽ do sắp chữ sai nên chúng tôi đã sửa lại. [Goldfish]


          [2] Nguyên bài thơ của Tản Đà:
          Thúy Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến
          Tiếng sấn ân tình bốn mặt ran,
          Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn!
          Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng,
          Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
          Tổng đốc ví thương người bạc phận
          Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan
          Trơ trơ nấm đất bờ sông nọ
          Hồn có nghe chăng mấy giọng đàn? [Goldfish]

          [3] Câu 2570 có bản ghi là “Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay”, cũng có bản ghi là “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”. [Goldfish]
          Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

          Comment


          • #6
            Cách dùng tiếng “đâu” trong truyện kiều

            Ngoài giá trị vô song về mặt văn học, truyện Kiều còn có một giá trị rất lớn về ngôn ngữ học mà chúng ta mới nhận chân và bắt đầu khai thác từ mấy chục năm nay. Khi soạn bộ Tự Điển V.N. và ngữ pháp V.N., muốn qui định ý nghĩa của những hư từ, bán hư từ, ta phải dẫn văn thơ cổ nhân làm tỉ dụ, mà trong những áng văn thơ nôm còn lưu truyền tới nay, truyện Kiều có giá trị nhất về cả hai phương diện lượng và phẩm: lượng vì nó vừa dài lại vừa tả nhiều tình tiết, cảnh ngộ, cảnh vật, do đó giúp ta được nhiều tỉ dụ[1]; phẩm vì cách dùng tiếng của Nguyễn Du đúng hơn hết mà lời của ông lại có giọng bình dị, không chịu ảnh hưởng quá nhiều của Trung Hoa như Hoa Tiên hoặc Cung Oán ngâm khúc.

            Hội Khai Trí Tiến Đức đã nhận thấy như vậy nên trong bộ Việt Nam tự điển đã trích nhiều câu trong truyện Kiều để dẫn vào phần Văn liệu. Nhưng có lẽ vì thiếu người, thiếu tiền, Hội chỉ mới kịp sơ thảo thôi, hình như nhớ đâu trích dẫn đó, hoặc không lục soát kĩ để tìm đủ các nghĩa và cách dùng của mỗi tiếng.

            Theo chỗ chúng tôi biết, người đầu tiên có công lục soát ấy là Phan Khôi. Trong cuốn Việt ngữ nghiên cứu (Nhà xuất bản Văn nghệ, 1955), chương “Hư tự trong truyện Kiều”, ông viết:

            “Dùng hư tự[2], theo tôi thấy, truyện Kiều của Nguyễn Du dùng đúng hơn hết, ta lấy đó làm gương mẫu. Tôi bèn đọc cả cuốn truyện, gặp mỗi hư tự thì lục riêng từng chữ ra với nhau, có chữ dùng năm ba lần hay mươi, mười lăm lần, có chữ dùng đến năm bảy chục lần. Xong rồi tôi soát đi soát lại từng chữ, qui nạp nó vào một nghĩa hay mấy nghĩa và tìm cái qui luật ứng dụng nó…” (trang 130)

            Dùng phương pháp ấy, ông phân tích được ý nghĩa và cách dùng những tiếng: bao, bây, bấy, đâu, dầu, đưa ra được nhiều nhận xét mới mẻ và gợi cho chúng ta suy nghĩ, tìm tòi thêm.

            Chính vì đọc chương “Hư tự trong truyện Kiều” đó mà chúng tôi mới có bài viết này. Số là đọc đoạn ông viết về tiếng Đâu, chúng tôi thấy những nhận xét của ông tuy đại khái thì đúng song có chỗ chưa được minh bạch. Nhưng đọc kĩ lại những chỗ lập luận của ông, chúng tôi không tìm ra được cái lẽ vì đâu mà đoạn ấy không làm cho chúng tôi hoàn toàn mãn ý. Rốt cuộc chúng tôi đành bỏ lập luận của ông, đi lại bước đường của ông đã đi, nghĩa là lục hết những tiếng đâu trong truyện Kiều để rán tìm ý nghĩa và cách dùng của nó; và chúng tôi thấy Nguyễn Du đã dùng tiếng ấy khoảng chín chục lần, theo những nghĩa dưới đây:

            I. “ĐÂU” diễn tả ý bất định.

            Trong trường hợp này chỉ gặp độ mười lần trong truyện Kiều:

            1. Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào 1170[3]
            2. Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh 2020
            3. Dón chân đứng núp độ đâu nửa giờ 1996
            4. Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này 406
            5. Tiểu thư lại giở những lời đâu đâu 1582

            Mấy câu trên là những câu thường, không phải là câu hỏi hoặc câu cảm thán. Trong hai câu đầu, “đâu” trỏ một nơi nào đó. Câu 3 “đợi đâu nửa giờ” nghĩa là đợi khoảng nửa giờ. Câu 4 “cũng đâu thế này” là cũng đại khái như thế này. Câu “những lời đâu đâu” là những lời bâng quơ, không có căn cứ. Vậy “đâu” hoặc “đâu đâu” trong những tỉ dụ đó có một nghĩa chung là trỏ cái gì bất định.

            6. Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy 1517
            7. Lạ tai nghe chửa biết đâu 947
            8. Khắp thế giới đâu đâu cũng có chiến tranh (câu này chúng tôi đặt ra, truyện Kiều không dùng “đâu dâu” theo nghĩa khắp mọi nơi như vậy).

            Ý nghĩa câu 6 và 7 là phủ định hẳn hòi, mà phủ định là vì có tiếng “chẳng” (câu 6), tiếng “chửa” (câu 7), còn tiếng “đâu” trong hai câu vẫn chỉ có cái nghĩa không xác định (indéterminé): (chẳng) đi đâu = (chẳng) vì một lẽ nào; (chửa) biết đâu = (chửa) biết điều này hay điều khác. Rõ ràng nhất là câu 8 diễn ý khẳng định, “đâu đâu” nghĩa là nơi này hay nơi khác = ở mọi nơi.

            So sánh hai tỉ dụ này:

            a- đi đâu cũng gặp nó
            b- không tìm đâu ra nó,

            thì ta thấy “đâu” vì có nghĩa là khắp nơi, nên ở trong một câu khẳng định (a) thì làm sao cho ý khẳng định mạnh lên, mà ở trong một câu phủ định (b) thì làm cho ý phủ định mạnh lên; chứ bản chất nó, trong trường hợp[4] này, không có nghĩa khẳng định mà cũng không có nghĩa phủ định, chỉ có nghĩa là nơi này hay nơi khác, là khắp nơi, rốt cuộc cũng là cái nghĩa bất định

            * *
            *

            II. “ĐÂU” dùng trong một câu hỏi, nghĩa là: ở chỗ nào?

            Tỉ dụ:

            1. Hỏi rằng “Này khúc ở đâu?” 2573
            2. Nàng trong khê các đâu mà đến đây? 296
            3. Phận tôi đành vậy, vốn người ở đâu? 1147

            Trong truyện Kiều chúng tôi thấy có năm, sáu tiếng “đâu” dùng theo nghĩa đó. Câu 2 “đâu mà đến đây” = ở đâu đến đây: lược trạng từ ở. Câu 3 “vốn người ở đâu”, “đâu” từ cái nghĩa ở chỗ nào? chuyển ra cái nghĩa để làm gì? như ta thường nói: “Túi khôn của anh để đâu?” = để làm gì mà không đem ra dùng? “Đâu” trong trường hợp này đều đi với một động từ.

            * *
            *


            III. “ĐÂU” dùng trong một câu vừa có ý hỏi vừa có ý phủ định mà ý phủ định lấn ý hỏi.

            Trường hợp này dùng nhiều nhất, trên bốn chục lần. “Đâu” cũng đi với một trạng từ[5] thường là đứng sau, cũng có khi đứng trước mà không phải là do sự bó buộc vì luật bằng trắc trong thơ.

            a- Đứng sau trạng từ (trên ba chục lần).

            Tỉ dụ:

            1. Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi 3156
            2. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? 1244
            3. Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa! 336
            4. Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu! 262

            Trong những câu đó, ý hỏi đã rất nhẹ, gần như chỉ còn ý phủ định: Còn tình đâu nữa = không còn tình nữa; cảnh có vui đâu = cảnh không vui; trẻ thơ đã biết đâu = trẻ thơ không biết gì; thấy gì nữa đâu = không thấy gì nữa.

            Câu 2 có ý hỏi mạnh hơn ba câu kia là vì có thêm tiếng “bao giờ”; bỏ tiếng này đi thì ý hỏi sẽ chỉ còn rất nhẹ, mà để nó thì ý hỏi cũng chỉ ngang ý phủ định thôi.

            Chính vì ý phủ định lấn ý hỏi, nên cuối những câu 1, 3, 4 ta không nên đáng dấu hỏi (?) mà nên đánh dấu cảm thán (!). Ngay như câu 2, đánh dấu cảm thán cũng vẫn được.

            Tuy nhiên ý hỏi không phải là mất hẳn, mà hỏi thì có nghĩa là nghi ngờ, cho nên những câu đó không phủ định mạnh bằng những câu dùng tiếng “không”, chẳng hạn: không còn tình nữa; người buồn cảnh cũng không vui; trẻ thơ không biết gì; không trông thấy gì nữa.

            So sánh với Hoa ngữ, chúng ta thấy rằng câu “Quỉ thần an năng tri thử sự” xây dựng cũng y như câu “Quỉ thần không biết được việc đó” của ta. Về điểm ấy, hai ngữ pháp giống nhau.

            b. Đứng trước trạng từ (chúng tôi chỉ đếm được bốn lần, có thể còn bỏ sót, nhưng dù sao, trường hợp này cũng hiếm).

            1. Nguyên người quanh quất đâu xa 147
            2. Cũng người một hội một thuyền đâu xa 202
            3. Tin xuân đâu dễ đi về cho năng 368
            4. Nhân duyên đâu lại còn mong[6] 1927

            Cũng như trường hợp nêu trên (đứng sau trạng từ), ý phủ định lấn hẳn ý hỏi: đâu xa: không xa; đâu dễ = không dễ; đâu lại còn mong = không còn mong.

            Đặt tiếng “đâu” trước trạng từ như vậy, không phải là muốn trọng luật bằng trắc, vì trong lời nói hằng ngày, chúng ta thường nghe: Tôi đâu muốn vậy – việc đó đâu phải dễ - Đâu có xa gì…

            Ý phủ định trong trường hợp (b) này hình như có mạnh hơn trong trường hợp (a) một chút.

            Tựu trung về ý nghĩa, trường hợp này cũng như trường hợp trên: “đâu” từ cái ý bất định biến ra ý hỏi, rồi biến lần nữa, thành ý phủ định. Luật đó chúng ta có thể kiểm soát được: tìm những câu tạo như những tỉ dụ trên (nghĩa là dùng tiếng “đâu” có ý hỏi mà như phủ định), nhưng có thêm một tiếng phủ định nữa, xem nghĩa có hóa ra khẳng định không, vì hai phủ định thành một khẳng định.

            Trong truyện Kiều chúng tôi kiếm được hai câu (có thể chúng tôi bỏ sót vài ba câu thôi, chứ không nhiều), xin chép lại đây:

            1. Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh? 158
            (= phải biết chứ)

            2. Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao? 444
            (= sẽ là chiêm bao)

            Hai câu ấy đều có ý khẳng định cả. Tất nhiên, tùy cách cấu tạo của mỗi câu, tùy những tiếng trong câu, mà cái ý khẳng định, câu 1 còn chứa thêm ý trách móc; câu 2 diễn thêm ý nghi ngờ, tuy khẳng định nhưng chỉ có thể là chiêm bao thôi, chứ không nhất định là chiêm bao, vì trong câu dùng tiếng “biết đâu” mà tiếng này trỏ sự phỏng đoán (biết đâu = biết đâu chừng). Ta thấy câu 2 tạo thêm một ngữ pháp giống với Trung Hoa. Chẳng hạn câu: “Tái ông thất mã, an tri phi phúc” cũng dùng tiếng “an tri” tương đương với “biết đâu” và cũng dùng tiếng “phi” tương đương với “chẳng”, mà dịch câu đó ra tiếng Việt, ta phải nói: “Ông lão ở biên cương mất ngựa, biết đâu chẳng là phúc”.

            Vậy ta có thể tin rằng luật nêu trên là đúng: ý hỏi biến ra ý phủ định.

            Ngược lại, chúng tôi còn thấy ý phủ định và ý bất định dùng trong câu hỏi. Những tiếng không, chẳng, chưa, vốn là những tiếng phủ định:

            Nó không ăn
            Nó chẳng uống
            Nó chưa làm

            rồi lần lần biến ra ý hỏi:

            Nó ăn hay không ăn? -> Nó ăn hay không? -> Nó ăn không?
            Nó uống hay chẳng uống? -> Nó uống hay chẳng? -> Nó uống chăng[7]?
            Nó làm hay chưa làm? -> Nó làm hay chưa? -> Nó làm chưa?

            Thì ra có một liên lạc mật thiết giữa ý hỏi và ý phủ định: hỏi thành phủ định, phủ định thành hỏi; hai ý đó chuyển lẫn cho nhau và chúng ta có thể viết: hỏi ∞ phủ định.

            * *
            *

            IV. “ĐÂU” dùng với một ý hỏi rất nhẹ, nhất là với ý gần như hoang mang, ngạc nhiên, cảm thán. Dùng như vậy, “đâu” thường biểu thị nhiều tình cảm.

            Trường hợp này rất thường gặp trong truyện Kiều, trên ba chục lần; có một điểm giúp ta phân biệt được với trường hợp III là tiếng “đâu” không đi với một trạng từ mà thường đi với một thể từ (nom).

            Tỉ dụ:

            1. Duyên đâu chưa kịp một lần trao tơ 540
            2. Gió đâu dịch bức mành mành 213
            3. Khúc đâu Hán, Sở chiến trường 473
            4. Kiệu hoa đâu đã đến ngoài 778
            5. Người đâu gặp gỡ làm chi? 181
            6. Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi 2169
            7. Thoát đâu thấy một tiểu kiều 187
            8. Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay 120

            Những câu trích ấy tuyệt nhiên không có nghĩa phủ định, có thể là hàm ý một chút cái nghĩa hỏi, nhưng là ngạc nhiên mà hỏi, hay hoang mang mà hỏi. Câu 1 diễn cái ý chua xót; câu 2 trỏ cái ý hơi ngạc nhiên; câu 3, 4 có giọng cảm thán; câu 5 có nghĩa hỏi nhưng nghĩa ấy do bốn tiếng cuối “gặp gỡ mà chi”, còn tiếng “đâu” cũng như ở câu 1 thôi; ba câu cuối khác hẳn với những câu trên, “đâu” đi với “bỗng, thoắt, phút”, chỉ còn diễn cái ý ngạc nhiên.

            Tới đây, ta có thể bổ túc luật ở đoạn III: tiếng “đâu” trỏ một ý bất định, đã biến nghĩa, diễn cái ý hỏi rồi ý phủ định, sau cùng lại biến một lần nữa, diễn cái ý ngạc nhiên, cảm thán, và ta có thể viết:



            Chúng tôi còn nhận thấy luật đó chỉ đúng với tiếng đâu, mà còn đúng cả với những tiếng khác cũng trỏ một ý bất định, như ai, chi, gì, nào, sao. Chúng tôi xin dẫn chứng:

            a. Ý bất định:

            1. Ai có thân nấy lo, ai có bò nấy giữ (tục ngữ)
            (Ai = không trỏ người nào)
            2. Làm chi cũng chẳng làm chi (tục ngữ)
            3. Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao
            (chi và gì = bất kì cái gì)
            4. Muốn cách nào cũng được (= bất kì cách nào)
            5. Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi 1274
            (= làm bất kì cách nào cho sỉ nhục…)

            b. Ý hỏi:

            1. Nào người tích lục tham hồng là ai? 90
            2. Vào luồn ra cuối, công hầu làm chi? 2468
            3. Nhà huyên chợt tỉnh hỏi “Cơn cớ gì?” 224
            4. Mặc lòng nghĩ lấy, muốn xin bề nào? 2546
            5. Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên 2600

            c. Ý phủ định nhiều hơn ý hỏi:

            1. Một cây[8] một buộc, ai giằng cho ra? 1288
            (= không ai giằng cho ra)
            2. Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình 1542
            (= không tốt)
            3. Thiệt đây mà có ích gì đến ai? 340
            (= không ích gì)
            4. Nỗi gần nào biết đường xa thế này? 1790
            (= không biết)
            5. Còn mang lấy kiếp má hồng được sao? 798
            (= không được)

            Trong trường hợp (c) này, nếu dùng thêm một tiếng phủ định nữa thì hóa ra khẳng định (cũng như trường hợp III của tiếng đâu); tỉ dụ:

            1. Ai mà chẳng hiểu điều đó? (= ai cũng hiểu)
            2. Làm chi mà chẳng được (= làm gì cũng được)
            3. Anh bảo gì mà nó chẳng nghe? (= bảo gì thì nó cũng nghe)
            4. Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa? 1282
            (= vẻ nào cũng mặn, vẻ nào cũng ưa)
            5. Nghĩ mình chẳng hổ mình sao? 3103
            (= thật hổ mình)

            d. Diễn một cảm thán:

            1. Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay! 326
            (ý mừng và cảm động)
            2. Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây 282
            (ý mừng)
            3. Những mình nào biết ý xuân là gì? 1240
            (ý buồn tủi)
            4. Nào hay con tạo trêu ngươi (Cung oán)
            (ý buồn và tức)
            5. Còn nhiều nợ lắm sao mà thác cho! 1269
            (ý than thở)

            Xét vậy thì chúng ta thấy hình như từ cái ý bất định tới cái ý hỏi, rồi từ ý hỏi, thêm ý phủ định, cuối cùng thêm ý hoang mang, ngạc nhiên, cảm thán, có một sự liên lạc nào đó trong trình tự tư tưởng, cho nên chúng ta mới tự nhiên dùng một tiếng (như đâu, hoặc ai, chi, gì, nào, sao…) để diễn tất cả những ý đó.

            * *
            *

            Đấy, trong khoảng chín chục câu Kiều dùng tiếng “đâu” chúng tôi phân tích được những ý nghĩa và công dụng kể trên mà chúng tôii xin tóm tắt lại như sau:

            1. Mới đầu tiếng “đâu” trỏ cái gì bất định. Nó dùng trong một câu thường, không phải là câu hỏi, và có thể đi với một trạng từ hay một thể từ.

            2. Rồi dùng trong một câu hỏi, nó chỉ có cái ý hỏi, chứ không diễn một ý gì khác; trong trường hợp này nó đi với một trạng từ và luôn luôn đứng sau trạng từ.

            3. Khi nó phát biểu thêm ý kiến (nghĩa là dùng trong một câu có phát biểu ý kiến) thì cái nghĩa của nó có giảm đi, mà thêm nghĩa phủ định, nghi ngờ. Trong trường hợp này, nó cũng đi với trạng từ, đứng sau trạng từ nhiều hơn đứng trước.

            4. “Đâu” vẫn còn giữ một chút ý hỏi nhưng mất ý phủ định và thêm cái ý ngạc nhiên, cảm thán. Nó phát biểu tình cảm hơn là ý kiến. Trong trường hợp này, nó thường đi với một thể từ.

            Sự biến nghĩa của nó theo trình tự nào, chúng ta không thể căn cứ vào đâu mà quyết định được, chỉ có thể đoán rằng nghĩa 1 hoặc nghĩa 2 xuất hiện trước[9], nghĩa 3 và nghĩa 4 xuất hiện sau.

            * *
            *

            Phân tích và qui nạp như vậy rồi, chúng tôi đọc lại chương “Hư tự trong truyện Kiều” của ông Phan Khôi và thấy kết quả của ông và của chúng tôi giống nhau, nhưng những nhận xét đưa tới kết quả thì khác nhau. Về tiếng đâu ông ra hai luật:

            Luật A. - “Đâu khi đi với một động từ[10], phó từ, hình dung từ nào có sức làm cho ý hỏi của nó mạnh lên thì nó thành ra ý “không” hay là ý “phủ định” (trang 136)

            Mới đọc luật ấy chúng tôi thắc mắc tự hỏi: Trong những câu:

            Còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi 3156
            Nguyên người quanh quất đâu xa 147

            hoặc trong câu này mà ta thường nghe nói:

            Sự hi sinh của chiến sĩ đâu đã sút giảm?

            thì tiếng nào làm cho ý hỏi mạnh lên?

            Xét lại thì chúng tôi thấy luật này thuộc trường hợp III của chúng tôi. Ý hỏi nhẹ đi chứ không phải mạnh lên; mà sở dĩ nó nhẹ là vì trong những câu đó, người nói không phải hỏi mà thôi, mà còn phát biểu thêm ý kiến, ý kiến phủ định hoặc nghi ngờ.

            Vã lại cứ xét câu:

            Hiếu tình có lẽ hai bề vẹn hai? 730

            chúng ta thấy chẳng cần dùng tiếng “đâu” hoặc “nào” để hỏi, mà dùng tiếng “có lẽ” làm cho ý hỏi nhẹ đi mà nghĩa cũng là phủ định.

            Ngược lại, có trường hợp “đâu” đi với những tiếng làm cho ý hỏi mạnh lên như câu:

            Mày có biết nó ở đâu không?

            (có… không? làm cho ý hỏi mạnh hơn, gắt lên) mà câu không có ý phủ định, chỉ có ý hỏi. Như vậy thì lối giảng của Phan Khôi chưa thật thỏa đáng.

            Luật B. – “Chữ đâu phủ định khi nó đi theo sau một chữ phủ định khác thì nó làm cho ý phủ định của câu càng gắt hơn, - nhưng có đứng trước một phủ định khác thì mới kể là hai phủ định làm thành ra một khẳng định để chỉ cái khả năng tính” (trang 137)

            Rất đúng mà cũng thật mới mẻ.

            a. Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy 1517

            “Đâu” đứng sau tiếng phủ định “chẳng” làm cho ý phủ định của câu gắt hơn.


            b. Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh 1158

            “Đâu” đứng trước tiếng phủ định “chẳng”, kể là hai phủ định làm thành một khẳng định. Cơ hồ như chỉ đảo ngược vị trí của tiếng “đâu” mà ý câu cũng đảo ngược lại. Tại sao lại lạ lùng như vậy?

            Chỉ tại Phan Khôi cho “đâu” đi với “chẳng” và xét vị trí hai tiếng đó đối với nhau. Sự thực, cả trong hai câu ấy, “đâu” với “chẳng” phải tách rời nhau ra; “đâu” đi với đi (đi đâu) và “chẳng” đi với đi trong câu (a), đi với biết trong câu (b).

            Phân tích như vậy, chúng ta sẽ thấy “đâu” trong câu (a) thuộc trường hợp I và “đâu” trong câu (b) thuộc trường hợp III của chúng tôi; và chúng ta không còn thấy gì là lạ lùng, khó hiểu nữa.

            Nhưng có lẽ Phan Khôi cũng đã nhận thấy như vậy; chỉ vì ông viết tắt, không phân tích tỉ mỉ, nên luật B tuy đúng mà cách phô diễn làm cho ta bỡ ngỡ, khó hiểu, thế thôi.

            Tóm lại, nếu chúng ta muốn sửa lại luật của Phan Khôi cho thêm rõ ràng thì chúng tôi xin đề nghị sửa như vầy (sau khi sắp đặt lại cho có thứ tự):


            Luật I. – “Đâu” vốn trỏ cái gì bất định, có nghĩa là chỗ này hoặc chỗ khác, bất kì chỗ nào, mọi nơi; như vậy đứng trong một câu khẳng định nó làm cho ý khẳng định mạnh lên mà đứng trong một câu có ý phủ định cũng làm cho ý phủ định mạnh lên.


            Luật II. – “Đâu” đứng trong một câu bày tỏ ý kiến thì vừa có ý hỏi, vừa có ý phủ định, do đó ý hỏi của nó nhẹ đi. Cũng trong một câu như vậy, nếu chúng ta thêm một tiếng phủ định nữa thì thành hai ý phủ định, tức bằng một khẳng định, nhưng khẳng định mà không quyết liệt, vẫn còn ý nghi ngờ, vì “đâu” vẫn có chút ý hỏi mà hỏi thì có nghĩa là nghi ngờ nhiều hay ít.

            * *
            *

            Chúng tôi chưa dám chắc rằng sự phân tích của chúng tôi đã đúng, sở dĩ viết bài này chỉ để chất chính cùng độc giả. Phải có nhiều người cùng nghiên cứu rồi mới có thể châm chước ý kiến số đông mà tạm quyết định được.

            Nhưng công việc phân tích này cũng giúp chúng tôi rút được hai nhận xét dưới đây.


            1- Môn ngữ học là một môn phức tạp. Tìm ra được một định lệ thật là khó khăn mà có khi còn táo bạo nữa vì có thể cùng một tiếng mà mỗi người hiểu theo một nghĩa. Hiểu theo hai nghĩa khác nhau mà phân tích thì kết quả khác hẳn nhau rồi, có khi ngược nhau nữa. Nhất là trong thi ca, nhiều khi phải tìm hiểu nghĩa rồi mới định được vị trí của mỗi tiếng mà phân tích được (vì phần từ pháp – morphologie – của mình không có gì). Chẳng hạn ở trên chúng tôi đã phân biệt tiếng “đâu” đi với trạng từ (trường hợp II, III) và tiếng “đâu” đi với một thể từ (trường hợp IV). Nhưng nhiều khi nó đứng sau một thể từ và trước một trạng từ:


            Gió đâu sịch bức mành mành 213
            Tin xuân đâu dễ đi về cho năng 368


            thì làm sao biết được nó đi với tiếng nào? Đành phải tìm hiểu nghĩa trong câu. Trong hai câu trên, ý nghĩa rõ ràng, ta phân tích được: câu trên, “đâu” đi với “gió”, hơi có ý ngạc nhiên; câu dưới, “đâu” đi với “dễ”: tin xuân đâu dễ = tin xuân không dễ gì.

            Nhưng còn những trường hợp khó phân tích vì hiểu cách nào cũng có lí ít hay nhiều, như câu:

            Nhân duyên đâu lại còn mong 1927

            thì nên cho “đâu” đi với “nhân duyên” hay đi với “lại”?

            Rồi như câu này nữa:

            Tiếc cho đâu bỗng lạc loài tới đây? 1067

            Theo hình thức của câu thì “đâu” đi với “lạc loài” và thuộc vào trường hợp III của chúng tôi. Nhưng thực ra không phải vậy: câu đó không có nghĩa phủ định mà có nghĩa hỏi; và ta phải hiểu rằng “đâu” đi với một tiếng khác, tiếng người hay ở hiểu ngầm (tiếc cho đâu = tiếc cho người đâu hoặc cho ở đâu), mà nếu cho nó đi với tiếng người thì phải sắp vào trường hợp IV, cho nó đi với tiếng ở thì phải sắp vào trường hợp II. Hiểu cách nào cũng được, thực rắc rối. Cho nên có người nói rằng trong ngôn ngữ chỉ có cái khái quát. Thật đúng quá.

            2 – Mỗi tiếng, nhất là những hư từ, bán hư từ, tuy có một tính cách nhất định, không thể lầm lẫn với tiếng khác, nhưng nghĩa của nó cơ hồ như không nhất định, có nhiều tiểu dị, biến thái tùy những tiếng đứng trước đứng sau nó, có khi tùy nghĩa cả câu, có khi chỉ tùy giọng người nói thôi. Là vì cảm xúc, ý tưởng của loài người thì rất nhiều mà dụng ngữ để diễn tả thì thiếu thốn. Một người như Nguyễn Du, cảm xúc và ý tưởng phong phú, tế nhị gấp mấy người thường mà dụng ngữ để phô diễn thì cũng chỉ có chừng đó; vậy mà tiên sinh diễn được hết, diễn khéo hơn những người khác, chỉ nhờ tiên sinh sắp đặt những tiếng với nhau trong một câu để cho tiếng này chiếu vào tiếng khác, thanh âm này ảnh hưởng với thanh âm nọ, và ta có cảm tưởng rằng Việt ngữ nhờ tiên sinh mà phong phú thêm lên, tinh xác thêm lên, tế nhị hơn lên. Thiên tài ở chỗ đó, và đó là điểm ta nên để ý tới mà đem ra phân tích khi đọc truyện Kiều. Tiếng “đâu” vốn trỏ cái gì bất định mà phân tích non chín chục câu của tiên sinh, chúng tôi gom được bốn nghĩa chính; nhưng trong mỗi nghĩa chính vẫn còn những tiểu dị (nuance), chẳng hạn trong sáu câu chúng tôi dẫn làm tỉ dụ trong trường hợp IV, thì tiếng “đâu” cũng đã có bốn nghĩa khác nhau rồi. “Đâu” trong câu 2: “Gió đâu sịch bức mành mành” không hẳn là “đâu” trong câu 1: “Duyên đâu chưa kịp một lời trao tay”; mà “đâu” trong câu 1 cũng không bâng khuâng tình tứ như “đâu” trong câu 5: “Người đâu gặp gỡ làm chi”; rồi “đâu” trong câu 6: “Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi” có ý ngạc nhiên thích thú, khác những tiếng “đâu” trong những câu trên . Khả năng của ngôn ngữ hay ảo thuật của bút pháp?


            Bài này cũng viết năm 1965,
            chung với Trương Văn Chình,
            nhân kỉ niệm 200 năm Nguyễn Du ra đời.




            Chú thích:

            [1] Trong truyện Kiều ta thấy xuất hiện đủ hạng người trong xã hội, trừ hạng nông dân.
            [2] Danh từ này ông Phan Khôi dùng để trỏ tất cả “những chữ không cứ thuộc về từ loại nào mà đã không có hình thể lại không có đối tượng như “nếu, bàn, mà, ư…” (trang 129), như vậy những tiếng ông gọi là hư từ gồm những tiếng chúng tôi gọi là hư từ và bán hư từ.

            [3] Những số này chỉ số câu trong bản Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim.

            [4] Đúng như Phan Khôi đã nói (trang 143 sách đã dẫn) đâu thay cho đằng nào, cũng như bao thay cho bằng nào.
            [5] Trong bài này chúng tôi gọi trạng từ là tiếng để tỏ sự trạng, nghĩa là trỏ sự vật trong trạng thái động hoặc tĩnh nào đó, còn thể từ là tiếng để trỏ chính sự vật (coi Khảo luận về ngữ Pháp VN – Đại học Huế 1963, trang 157).

            [6] Về câu này xin coi thêm đoạn kết.
            [7] Chẳng biến ra chăng có phải là vì ở cuối một câu hỏi, giọng thường kéo dài ra, nên ta thường dùng tiếng có phù bình thanh (ton plein)? Đọc lớn tiếng, ta thấy: “Nó chịu chăng?” vang hơn, ngân hơn là: “Nó chịu chẳng?” Nếu giả thuyết ấy đúng thì chúng ta có thể trả lời được câu hỏi này của Phan Khôi trong bài “Hư tự trong truyện Kiều” (trang 131): “Tại sao bao dài (dài bao nhiêu) biến ra: bao dai; bao nhiều biến ra bao nhiêu?”.
            [8] Nhiều bản ghi là “Một dây”. Ở đây có lẽ do in sai mà thành “Một cây” [Goldfish]
            [9] Vì có người cho rằng “đâu” cũng như ai, chi, gì, nào, sao…) vốn có nghĩa rồi.

            [10] Những tiếng này đứng về phương diện từ tính (nature des mots) chúng tôi sắp vào loại trạng từ, như đã chú thích ở trên.
            Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

            Comment


            • #7
              “hồn đại việt, giọng hàn thuyên”

              Một trong nét đẹp nhất của đạo Nho, không thấy trong các triết học khác, là gây được cái truyền thống tiến vi quan, thoái vi sư. Học là để tu thân, mà tu thân là để giúp nước, bằng “chính” và “giáo”. Gặp thời loạn không thể thi thố tài đức để cứu dân thì trở về dạy dân để chuẩn bị cho một thời khác.


              Khổng Tử đã tạo nên truyền thống ấy: ông là người đầu tiên mở lớp tư thục bình dân ở Trung Quốc, vừa làm chính trị vừa dạy học, khoảng sáu mươi bảy tuổi, biết đạo mình không nhà cầm quyền nào muốn theo, mới quay về chuyên việc dạy học. Nội điểm đó, ông cũng được tôn là “vạn thế sư biểu” rồi. Ông “khai lại” rồi Mạnh Tử “kế vãng”. Đời của Mạnh Tử y hệt đời ông, cũng bôn ba các nước chư hầu cho tới già rồi cũng trở về dạy học và có lần thốt ra câu bất hủ này: Người quân tử có ba niềm vui mà một trong ba niềm vui đó là được các anh tài trong thiên hạ để dạy dỗ (đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi).


              Trong hơn hai ngàn năm, hết thảy các nhà Nho chân chình ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, hữu danh cũng như vô danh, từ Đổng Trọng Thư, Vương Dương Minh, Chu Văn An, Nguyễn Khuyến đến các ẩn sĩ, các thầy đồ đều giữ được truyền thống Khổng Mạnh, tự gây được một uy tín lớn trong dân gian, không có một chút đặc quyền, cao quí mà vừa bình dân, chỉ giúp đồng bào mà không mưu lợi cho bản thân, nghèo mà được trọng hơn vua, không tổ chức mà lại chặt chẽ, vững bền vì không tranh với ai, một giai cấp kì dị không giống một giai cấp nào trong lịch sử nhân loại: giai cấp sĩ phu. Văn minh nhân loại ngày nay không sao tạo được giai cấp đó nữa: các giáo sư đại học không sao có được uy tín với dân như các cụ đồ của ta ngày xưa, đó là điều đáng tiếc.


              Ở nước ta hiện nay, số hậu duệ của giai cấp đó kể ra cũng còn được khá khá, nhưng số con người giữ được nếp nhà thì hiếm đấy; và tôi nghiệm thấy người nào giữ được cũng có vài nét chung rất dễ nhận ra: không ham danh lợi, chăm lo sự dạy dỗ con cái, yêu nước, thích văn chương, chuộng nghề dạy học và hình như có khiếu dạy học nữa.


              Tôi được dăm ba ông bạn trong giới ấy mà ông Đông Hồ là một. Ông sinh trưởng trong một gia đình Nho gia ở Hà Tiên. Hà Tiên là một nơi hẻo lánh, xưa tuy là tỉnh, nhưng chỉ lèo tèo như một cái quận ở biên giới, gần như cách biệt hẳn với các tỉnh khác: hồi đầu thế kỉ muốn lên Sàigòn phải mất ba ngày, nói chi tới Huế và Hà Nội. Nhờ vậy mà Hà Tiên giữ được nhiều nếp cổ, ít chịu ảnh hưởng Tây Phương, sau chiến tranh thứ nhất mới có trường sơ học Pháp Việt dạy tới lớp ba (sơ đẳng), sau thành trường Tiểu học. Nhưng Hà Tiên có đủ sông hồ, núi biển, là một tiểu vũ trụ, và từ 1736 đã có Chiêu Anh Các mà vị “nguyên soái” thi đàn này, Mạc Thiên Tích, tuy gốc Trung Hoa mà lại biết quí trọng văn thơ Nôm, giỏi chữ Nôm.


              Đông Hồ mồ côi sớm, được ông bác, cụ Hữu Lân dạy dỗ, coi như con. Tôi còn giữ được bức thư cảm động của thi sĩ kể nỗi tiếc nhớ ông bác. Cụ Hữu Lân văn hay chữ tốt mà cũng thích thơ Nôm: chính cụ sưu tập được một bản chữ Nôm Song tinh bất dạ mà Đông Hồ đã phiên âm, hiệu đính đôi chỗ và xuất bản 1962 (nhà Bốn Phương). Chịu ảnh hưởng quê hương và gia đình đó, Đông Hồ đã sớm thích thơ văn Hán và Việt, nhất là Việt, vì như ông vẫn thường ân hận: “chữ Hán, chữ Pháp đều học rất ít”.


              Khoảng 15-16 tuổi, ông bắt đầu được biết tạp chí Nam Phong, mê nó, đọc rất kĩ từng số một để học thêm và khi Phạm Quỳnh theo tấm gương của các cụ trong Đông Kinh nghĩa thục, đề cao tiếng Việt, thì Đông Hồ hưởng ứng liền, hô hào quốc dân học tiếng Việt, đích thân mở một học xá, cũng như một nghĩa thục, để dạy tiếng Việt. Đó là ảnh hưởng thứ ba.


              Ảnh hưởng cuối cùng là ảnh hưởng của thi hào Ấn Rabindranath Tagore. Năm 1901 Tagore lập một tịnh xá gần Calcutta, đặt tên là Santinikatan (có sách dịch là Nhà Tự Do, có sách lại dịch là Nhà Hoà Bình) để dạy một số thanh niên đạo giải phóng tinh thần, sống gần thiên nhiên. Nhờ đọc Nam Phong, Đông Hồ biết được Tagor dùng tiếng Bangali mà sáng tác nhiều tập thơ bất hủ được giải thưởng Nobel; và lời này của Tagore “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được” càng làm cho ông vững tin chủ trương của mình[1].


              Mới đầu ông làm giáo viên lớp ba ở Hà Tiên. Ta nên nhớ chương trình tiểu học hồi ấy dạy bằng tiếng Pháp, mỗi tuần chỉ có vài giờ “Annamite”, tức Việt ngữ. Ông dạy ở trường Tiểu học đâu được tám chín năm (từ 1924 hay 1925 đến 1933) và ngay từ đầu ông đã bất mãn về chương trình: trẻ Việt mà sao không được học tiếng Việt lại phải học tiếng Pháp, phải tụng những câu như: “Nos ancêtre sont des Gaulois” (Tổ tiên chúng ta là người Gaulois – người xứ Gaule), nên tuy phải theo chương trình nhưng ông vẫn chú trọng tới tiếng Việt hơn, khuyến khích học sinh tin tưởng ở tương lai tiếng Việt mà trau giồi tiếng Việt.


              Học sinh lớp ba hồi ấy ở một tỉnh nhỏ, hẻo lánh, chắc có em mười bốn mười lăm tuổi nên đã hiểu biết ít nhiều và ông đã đào luyện một số khá về Quốc văn, tập cho họ viết báo, có bài được đăng trên Nam Phong năm 1925.


              Ông theo đúng chương trình nên các cấp trên không trách vào đâu ông được, nhưng chắc cũng không ưa ông. Thấy một tuần lễ chỉ có vài giờ tiếng Việt, ít oi quá, một hai năm sau ông mở Trí Đức học xá ở trên bờ Đông Hồ dạy toàn tiếng Việt cho bất kì người nào muốn học. Buổi khai giảng vào ngày 30.10.1926. Năm đó ông mới hai mươi tuổi!


              Học xá mỗi tuần giảng hai buổi tối. Ngày lễ hay chủ nhật ông thường dắt học sinh đi thăm mười cảnh đẹp ở Hà Tiên mà Chiêu Anh Các hồi xưa ngâm vịnh, và những nơi có di tích lịch sử, để sống gần thiên nhiên như chủ trương của Tagore.


              Tôi không rõ ông có lập chương trình giảng dạy gì không, nhưng Nam Phong số 115, tháng ba năm 1927, có đăng trọn bài diễn văn của ông đọc ngày 19.11.1926 ở học xá, vạch rõ mục đích của học xá: là khai trí tiến đức và dạy “chữ Quốc ngữ”, dùng Việt ngữ làm chuyển ngữ trong việc khai trí tiến đức ấy.


              Vách bên tả của học sinh treo câu cách ngôn của Chu Hi, triết gia Trung Hoa đời Tống:

              “Ở đời có ba điều đáng tiếc: một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này chẳng học, ba là thân này lỡ hư.”


              Vách bên hữu treo câu của Phạm Quỳnh:


              “Tiếng là nước: tiếng còn thì nước còn, tiếng mất thì nước mất…”


              Tôi đoán lối dạy của ông cũng không khác lối dạy của các cụ trong Đông Kinh nghĩa thục non hai chục năm trước đó: lựa một bài thơ, một áng văn hoặc một thời sự, một truyện cổ làm đầu đề giảng của mỗi buổi, về cách đặt câu, dùng chữ v.v… Chắc mỗi tuần một bài luận Quốc văn mà ông chịu khó sửa kĩ, rồi tuyển những bài khá nhất để giới thiệu trên báo Nam Phong.


              Học xá mở được tám năm, từ 1926 đến 1934, theo nữ sĩ Mộng Tuyết thì có ba lần khai giảng hết thảy: lần thứ nhất cho các học sinh lớp nhất[2], các lần sau cho học sinh lớp ba, tức lớp của Đông Hồ. Mỗi khoá chắc được mươi học sinh vì Hà Tiên là một thị trấn nhỏ; nhưng cũng có một số ở xa học theo hàm thụ, và tiêu đề trên các thư từ hàm thụ là bốn câu thơ dưới đây:

              Ríu rít đàn chim kêu,
              Cha truyền con nối theo.
              Huống là tiếng mẹ đẻ,
              Ta lẽ nào không yêu?


              Dĩ nhiên, ông bị nhà cần quyền nghi kị, theo dõi. Hồi đó dạy Việt ngữ là một điều quái gở. Ai cũng ham học được ít câu tiếng Tây để “tối sâm banh sáng sữa bò” mà sao lại dạy Việt ngữ? “Tổ tiên ta là người Gaulois” mà sao lại học tiếng “Annamite”? Chính một học sinh của ông khi phải từ biệt thầy và bạn để về quê ở Biên Hoà, đã viết những hàng này mà Đông Hồ chép lại trong bài Nhớ Tết Hạ Nguyên, Nam phong số 135, tháng 11-12 năm 1928:


              “Nói đến công của chữ Quốc ngữ khi sắp từ biệt nhà học xá này thì cảm động đến chảy nước mắt mà khóc được vì Quốc văn ở thời buổi bây giờ, muốn học cũng khó lắm thay! (…) Trường nào là trường có dạy thứ chữ ấy? Thầy nào là thầy chịu dạy thứ chữ ấy? Ai chẳng biết chữ Quốc ngữ ở trường nhà nước ngày nay phải ở vào địa vị thấp hèn mà chịu cái số phận khinh khi, rẻ rúng: như thế thì còn ai thiết đến việc dạy dỗ thứ chữ ấy để làm gì?...”


              Theo nữ sĩ Mộng Tuyết, chỉ có một lần ông Đông Hồ bị cấp trên cảnh báo. Năm đó, không nhớ rõ năm nào, một tờ báo (có lẽ là tờ Việt Dân) sắp ra, đăng quảng cáo rằng trong toà soạn có Đông Hồ, một giáo viên ở Hà Tiên, lại in hình Đông Hồ nữa. Viên đốc học liên tỉnh miền Tây, người Pháp, tức tốc tới Hà Tiên điều tra, chìa tờ quảng cáo cho Đông Hồ coi, hỏi vặn đủ điều, rồi bảo: “Ừ, về văn học thì được, chứ chính trị thì đừng đấy.”


              Nhưng đọc bài tựa tập Bông hoa cuối mùa (tác giả là môn sinh của ông, tên là Thạch San), tôi chắc ông còn bị nhiều cảnh ép buộc, cấm đoán nữa, nên năm 1934 học xá phải tự đóng cửa[3]:


              Hội bút nghiên tao phùng đâu nữa,
              Lệ văn chương giọt ứa cảm hoài;
              Mịt mù trong cỏi trần ai,
              Cao sơn lưu thuỷ ai người tri âm?
              ………………..
              Thôi đành chịu người thua cảnh ngộ,
              Cảnh không may thật khó mà nên,
              Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên,
              Năm năm ba bận tình duyên lỡ làng!
              Nam phong số 162.


              Cảnh không may đó là cảnh nào? Ba bận lỡ làng là làm sao? Khi ông còn thì tôi không hỏi mà ông cũng không kể. Ông không kể vì ông khiêm tốn, ít muốn tự khoe; vì tôi không hỏi vì nghĩ ông còn thọ ít gì cũng dăm năm nữa, không gắp gì. Bây giờ muốn hỏi thì không biết hỏi ai.


              Học xá thọ bấy nhiêu năm cũng là hãn hữu, một phần vì ông không làm chính trị, một phần nữa vì qui mô nhỏ bé, nhà cầm quyền không đáng ngại. Học xá thôi giảng nhưng lớp hàm thụ vẫn cón: ai thích văn cứ viết thư hỏi han và gởi văn thơ cho ông sửa.


              Trí Đức học xá được nhiều người biết, nhờ những bài giới thiệu đăng trên báo Nam Phong: Gia đình giáo dục kí, số 115, Nhớ Tết Hạ Nguyên, số 135, Bài kí về giáo dục, số 157, v.v…; lại đào tạo một số môn sinh hồi đó viết Quốc văn đã khá lắm, không hiểu sao sau này không ai sáng tác gì cả, trừ nữ sĩ Mộng Tuyết. Nhưng phải nhận rằng ông Đông Hồ không gây nổi một phong trào: thiếu địa lợi chăng? Hà Tiên là một nơi hẻo lánh, nhân tài hiếm mà đồng chí không đông? Hay là tại thiếu thiên thời? Lúc đó ảnh hưởng tiếng Pháp đương lên mạnh. Nhưng sáng kiến đó, nhiệt tâm đó, đức kiên nhẫn đó, một người đương thời, Trọng Toàn đã ghi lại trong bài Một người có công với Quốc văn, Nam Phong số 173, và bây giờ chúng ta nên ôn lại để nêu cho đời sau tấm gương của một người từ năm hai mươi tuổi, giữa thời toàn thịnh của thực dân Pháp, đã “tự nguyện làm người tri kỉ với Quốc văn, (…) cùng với Quốc văn ước nguyền sông núi.” (Nam phong số 135). Mà riêng đối với môn sinh của ông thì công của ông thực lớn. Trên mộ bằng cẩm thạch Ý đại lợi của ông ở Mạc Đĩnh Chi, chúng tôi đọc được hai câu này của một môn sinh Trí Đức học xá:


              Ân sâu nghĩa nặng tình dài,
              Khóc thầy, khóc mãi biết đời nào nguôi?


              Chỉ được một người khóc như vậy thì cả một đời, dù không có một sự nghiệp gì khác, cũng khả dĩ là vô hận rồi.

              *
              * *

              Trí Đức học xá đóng cửa, chức giáo viên tiểu học cũng đã từ bỏ năm trước – năm bá phụ ông qui tiên – ông lên Sàigòn cho ra tờ tuần báo Sống (1935). Báo viết kĩ, in kĩ, chỉ sống được ba mươi số, nhưng cũng đã đánh dấu được một tiến bộ trong ngành: tờ đó là tờ đầu tiên ở Nam in trúng hỏi ngã, và cho tới bây giờ, vẫn chưa có tờ nào chú trọng chú trọng đến chính tả hơn. Dĩ nhiên ông phải đích thân sửa bản nháp của người gởi bài, rồi sửa trên ấn cảo của nhà in. Ai ở trong nghề mới thấy được công việc của ông cực nhọc, mất thì giờ ra sao.


              Thất bại, năm sau ông về Hà Tiên ẩn cư non mười năm. Sau quốc biến 1945, ông chèo một mình chiếc xuồng ba lá lênh đênh trên trên sông rạch miền Tây, sau cùng trôi giạt tới Sàigòn lập nhà xuất bản Bốn Phương, nhà sách Yiễm Yiễm, và ra tờ Nhân Loại (1953). Tờ này in cũng như tờ Sống mà cũng không thọ, được hai mươi số rồi phải ngưng. Trong mục Chữ và Nghĩa ông kí tên Đồ mọt sách, đưa ra nhiều nhận xét lí thú về tiếng Việt.


              Năm 1964, ông đã dẹp hết công việc xuất bản, phát hành sách, về nghỉ hưu ở Quình Lâm thư thất gần hồ tắm Chi Lăng thì một tin làm nhiều người ngạc nhiên: ông nhận lãnh việc giảng về Văn học miền Nam cho Đại học Văn khoa Sàigòn. Người ta ngạc nhiên vì năm ấy ông đã gần lục tuần, đã bỏ nghề dạy học ba chục năm, mà lại vào hạng thi sĩ phong lưu nhất nước. Tôi ít khi ra khỏi nhà mà cũng nghe được những lời một số người trách ông này nọ; ông cũng biết rằng những lời ấy tới tai tôi, nhưng không khi nào ông đính chính với tôi mà tôi cũng chẳng hỏi. Những chuyện đó tôi thường gác ngoài tai: mỗi người có một chí hướng, một lối sống, một hoàn cảnh, một tâm sự, một sở thích, tới hàng ruột thịt cũng khó hiểu được mình thì phê phán thế nào chẳng có điều bất công. Nhưng tôi cũng đoán thầm rằng ông vốn là một nghệ sĩ, cần có sự bó buộc thúc bách nào đó mới làm một công trình nghiên cứu dài hơi được, và ông nhận việc giảng dạy ở Văn khoa để tự buộc mình phải soạn cho xong một cuốn về Văn học miền Nam.


              Tôi đoán không sai, nhưng chỉ đúng một phần. Tháng chín năm 1967, nghĩa là sau khi dạy ở Văn khoa được ba tháng, ông gởi tặng tôi một tập Đào lý giá xuân phong.


              Tập này quay ronéo, in trên giấy đánh máy dày, chỉ gồm 12 trang, không hiểu tại sao đánh số từ 319 đến 330. Nhưng bìa in typo màu vàng, phía trước có dấu son “Lâm Đông Thuỷ Cổ Nguyệt”[4] và hàng chữ: “Tuyển lục ít vần thơ Đại học”, phía sau có đề: Giá thuần nhứt 40đ. Tôi không chắc rằng tập đó gởi bán ở các tiệm sách, có lẽ để tặng bạn bè; sinh viên Văn khoa ai có muốn một bản thì góp chút phí tổn ấn loát, thế thôi.


              Lật tờ bìa, tới tờ giấy mỏng màu hồng, in bằng bảng kẽm, có bốn chữ Hán: Đào lý xuân phong, và tên củng triện son của tác giả.

              Tập gồm chín bài, tám bài thơ và một đoản văn là từ 1965 đến 67. Tôi để ý đến ba bài: Xuân phong ngâm ở đầu tập, Vàng son hoa nở hai mùa và Tiếng Việt huy hoàng.

              Tôi nhận thấy ông trở lại nguồn hứng của ông trên ba chục năm trước hồi ông lập Trí Đức học xá. Ông lại nhắc đến “giọng Hàn Thuyên, hồn Đại Việt”:

              Duyên gặp gỡ tương tri thuở nọ,
              Khúc nam huân ngọn gió khéo đưa,
              Cung đàn dìu dặt tiếng tơ,
              Hàn Thuyên Đại Việt hồn xưa bàn hoàn.
              (Xuân phong ngâm)

              Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên,
              Nền móng văn chương cổ điển,
              Đặt đây viên đá đầu tiên,
              Xây dựng tương lai còn hẹn.
              (Tiếng Việt huy hoàng -1967)


              Vậy thì cái việc dạy cho Văn khoa chỉ là để nối lại “tình duyên lỡ làng” ba mươi năm trước, chỉ là để kêu gọi “Hồn Đại Việt”, đề cao “Giọng Hàn Thuyên” và trước sau ông chỉ nghĩ tới Quốc văn, giữ mối tình “tri kỉ với Quốc văn”, “mối duyên nợ thâm trầm với Quốc ngữ” như ông đã viết trong Nam Phong số 135 và 162. Không biết trong thâm tâm, ông có tự hào là người đi tiên phong không? Công việc ông “đơn thương độc mã” khởi xướng hồi hai mươi tuổi bây giờ đã thực hiện được. Tôi nghĩ, chính quyền nếu có những người thực sự hiểu văn hoá Việt Nam, thực tâm yêu “giọng Hàn Thuyên” thì khi dời Văn khoa từ Hà nội vô đây, tất phải mời ông làm khoa trưởng hay giáo sư thực thụ mới phải, vì ai có lòng với tiếng mẹ đẻ hơn ông, có công với giọng Hàn Thuyên hơn ông? Ông nhận chức giảng viên Văn khoa vì đám thanh niên, vì muốn tiếp tục “xây dựng tương lai” cho “Tiếng Việt huy hoàng” đấy.


              Ở một nước biết trong văn nhân thi sĩ như Pháp thì bốn câu:

              Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên,
              Nền móng văn chương cổ điển,
              Đặt đây viên đá đầu tiên,
              Xây dựng tương lai còn hẹn.


              đã được khắc trên phiến đá Ngũ Hành Sơn mà dựng trước di chỉ Trí Đức học xá ở Hà Tiên hoặc khắc lên bảng đồng trong phòng diễn giảng ở Đại học Văn khoa Sàigòn rồi.


              Đọc Đào lý xuân phong tôi thích nhất bài Xuân phong ngâm. Bài đó viết theo thể song thất lục bát, thể hoàn toàn Việt Nam, lời đẹp mà hơi buồn, cho tôi cảm tưởng rằng tác giả là một ông đồ Nho thời cuối Lê hay đầu Nguyễn, chán ngán sự đời mà tìm cái vui trong sự dạy dỗ thanh niên.

              Ông nhắc lại tuổi thiếu niên, say mê tiếng mẹ:


              Tiếng mẹ với tiếng đàn náo nức,
              Hồn thơ chung hồn nước xôn xao,
              Hồn phong nhã, tiếng thanh tao.
              Nguồi thơ Quốc ngữ nao nao biển lòng.

              Rồi khi ông lập Trí Đức học xá:


              Vườn Trí Đức thành Phương[5] ngõ rộng,
              Hạt quốc văn gieo giống tinh hoa,
              Trải bao gió lộng sương pha,
              Tốt tươi hồng hạnh, rườm rà quế lan.

              Bây giờ đây:

              Một thoáng đã sông dời núi đổi,
              Trăm năm chi biển nổi dâu chìm,
              Bóng xưa ngày cũ không[6] tìm,
              Nhắc cho thêm gợi những niềm nhớ nhung.


              Nhưng nhìn đám thanh niên ông đào tạo thì ông lại vui:

              Đây thế hệ anh hoa tuấn tú,
              Đêm ngày đang vui thú sách đèn,
              Say xưa nghĩa lý thánh hiền,
              Đông Tây kim cổ triền miên mộng vàng.
              Đang đợi những huy hoàng cao cả,
              Đang bắt tay luyện đá vá trời,
              Một trời mực đặm son tươi,
              Một trời Đại học, một trời Văn Khoa.

              Khúc ngâm dài 60 câu chấm dứt ở những vần tràn trề hi vọng ấy. Khi tỏ với ông những cảm tưởng của tôi về bài thơ – bài thơ thanh nhã, tóm tắt được chí hướng cùng cuộc đời của ông ấy – tôi mỉm cười, bảo: “Bác thực có huyết thống nhà Nho, chỉ thích làm một ông đồ, chỉ sung sướng khi có một số anh tài để dạy dỗ”, ông lộ vẻ mừng, cho tôi là tri kỉ.

              *
              * *

              Khi xây mộ cho ông, nữ sĩ Mộng Tuyết hỏi tôi nên lựa bốn câu này:

              Vũ trụ mang mang trời đất,
              Thời gian dằng dặc đêm ngày,
              Một thoáng cổ kim chớp mắt,
              Nghìn thu dâu bể trao tay.

              hay sáu câu:

              Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên,
              Nền móng văn chương cổ điển,
              Vũ trụ thiên thu vạn vật,
              Cảo thơm hiển hiện trước đèn.
              Đất nước nghìn năm văn hiến
              Lâu đài tiếng Việt huy hoàng.

              để khắc lên mộ, là nữ sĩ đã rõ tâm sự, nguyện vọng suốt đời của chồng. Tôi đã do dự hồi lâu rồi đáp nên lựa bốn câu trên. Tôi không nói ra – hay đã nói mà quên chăng? – nhưng lúc đó tôi đã nghĩ: sáu câu cuối nên để cho môn sinh khắc thì phải hơn.

              *
              * *

              (Thủ bút của Đông Hồ)

              Mấy năm cuối cùng, ông thường phàn nàn sao thấy buồn quá, không hiểu gì đâu:

              “Gần đây tôi cứ thấy lòng buồn mà rộn, không biết buồn về điều gì và rộn về điều gì” (2-3 II 1967)

              “Mấy hôm nay tâm hồn tôi như có gì bất thường…

              Đã thấy lâng lâng niềm giản dị,
              Hồn tan theo nước, ý theo mây.

              Khi làm câu thơ đó, cách đây đã hơn 25 năm mà bây giờ mới thấy gần đúng” (5 VI 1967).

              Và ông bảo chỉ còn mỗi vui là được “các bác vào chơi”. Các bạn khác mãi lo sinh kế, còn tôi thì rất sợ ra khỏi nhà, sợ thấy xe cộ và rác rưởi, nên cái vui được chuyện trò với bạn thân may lắm mỗi tháng ông được hưởng một lần. Đời Tống, một đạo sĩ đi sáu tháng trời từ Hoa Bắc tới Hoa Nam để thăm Tô Đông Pha. Mà ngay thời tôi còn nhỏ, một cụ đồ đi trọn một ngày để thăm ông bác tôi. Cái văn minh cơ khí này làm hư con người thật!

              Nhưng tôi nghĩ ít nhất mỗi tuần ông cũng được vài giờ vui với các môn sinh ở Đại học, và một trong những lúc vui nhất của ông là ngày gần tết năm nào đó, một bọn thanh niên cả trai lẫn gái quây quần chung quanh ông ở phòng khách Quình Lâm thư thất, thân mật như con đối với cha, nghe ông kể chuyện về đời ông và nhìn những ngón tay búp măng trắng trẻo nổi gân xanh của ông chấm ngọn bút vào nghiên mực, đưa thoăn thoát trên tờ giấy điều.

              Tôi chắc chắn không có một giáo sư Đại học nào ở Việt Nam hiện nay có thái độ và tấm lòng đó đối với sinh viên. Có thể rằng giờ này đây, môn sinh ông quên hết những điều ông giảng về Văn học miền Nam, về Chiêu Anh Các, nhưng suốt đời họ, họ sẽ không bao giờ quên được cái phong độ cái chân tình Nho gia của ông, cũng như tôi không bao giờ quên được dáng dấp ung dung, khoan hoà, nụ cười hồn nhiên, rất tươi, chiếc khăn xếp, chiếc áo the thâm rất giản dị của cụ Bùi Kỷ, thầy học cũ môn Quốc văn của tôi ở trường Cao đẳng Công chánh. Chính những nét đó mới là bài học đáng quí nhất của bậc thầy vì chính nó mới ảnh hưởng lâu bền đến tâm hồn ta, tới nhân sinh quan của ta. Nhiều người có thể thay Đông Hồ về môn Văn học miền Nam, nhưng cái không khí của giáo sư Đông Hồ, của “thầy đồ” Đông Hồ thì không ai tạo nên nổi. Các sinh viên Văn khoa có thấy mất ông là mất cả một truyền thống không?

              Tôi nghĩ trời đã lựa cho ông một cái chết rất hợp với cuộc đời của ông mà có lẽ cũng rất hợp với ý ông nữa: ông ngất đi trong khi ngâm thơ về hai Bà Trưng, giữa giảng đường Văn khoa trong cánh tay môn sinh. Đúng như câu của Lương Khải Siêu: “Chiến sĩ tử ư sa trường, học giả tử ư giảng toạ”.

              Viết ở Saigon ngày 1.3.70
              nhân ngày giỗ đầu Đông Hồ




              Chú thích:

              [1] Coi bài “K.E. Kripalami tiếp xúc với Đông Hồ…” trong cuốn Đăng Đàn – Mặc Lâm xuất bản – 1970.



              [2] Lớp của thầy giáo Trọng Toàn, bạn thân của Đông Hồ, vì chỉ có thầy là khuyến khích học sinh học thêm ở Trí Đức học xá.



              [3] Theo Hà Đình Nguyên trong bài Núi Mộng Gương Hồ đăng trên Thanh Niên Online thì: “Đông Hồ mất, Mộng Tuyết (…) lập Nhà lưu niệm Đông Hồ ngay trên nền cũ của Trí Đức học xá”. [Goldfish]



              [4] Thuỷ cổ nguyệt tức chữ Hồ. (Đông Hồ). [Tức 水古月 -> 湖 [Goldfish]]



              [5] Tức Hà Tiên.



              [6] Tôi ngờ là khôn.
              Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

              Comment


              • #8
                đất hà tiên với họ mạc và họ lâm

                Đất Hà Tiên

                Nam Việt là một “tặng phẩm” của sông Cửu long. Hàng vạn năm trước là biển, sông Cửu long chở phù sa xuống, rồi lần lần mà thành đồng ruộng. Thời tiền chiến, tôi không nhớ rõ là năm một ngàn chín trăm ba mươi mấy, người ta đào được những đồng tiền vàng La Mã ở Óc eo (gần chân núi Ba thê), vậy thì vào khoảng đầu công nguyên, biển vô tới Óc eo hoặc cách Óc eo không bao xa, chỉ vài ba cây số. Hồi đó các núi ở Hà tiên, Ba hòn, Hòn trẹm chắc còn nằm ngoài biển, không biết từ thế kỷ thứ mấy, miền ấy mới được bồi xong. Ngày nay ai đi qua Ba hòn, còn thấy trên những núi đá vôi ở sát lộ Rạch giá – Hà tiên, có những ngấn nước cao hơn mặt đất khoảng một thước. Vậy thì vùng bờ biển đó chắc cũng đã được dâng lên nữa, ngoài hiện tượng được phù sa bồi.

                Dãy núi từ Hà tiên tới Hòn trẹm ấy hiện nay nằm sát hoặc gần bờ biển, nhìn ra các hòn ngoài khơi: hòn Phụ tử, hòn Heo, hòn Ngang, hòn Một, hòn Phú Quốc… và quay lưng lại một cánh đồng bát ngát (xưa là rừng, nay vẫn còn đất phèn), xa xa vài chục cây số mới có dãy núi Thất sơn. Như vậy là Hà tiên là một miền hẻo lánh nơi chân trời góc biển. Trước năm 1930, khi chưa có con đường trải đá Rạch giá – Hà tiên thì thị trấn ấy gần như cô lập với các miền chung quanh: muốn xuống Rạch giá phải dùng đường biển, mất nữa ngày, mà muốn vô Châu đốc thì phải đi vòng lên biên giới, mượn một con đường trên phần đất Cao miên.

                Nó đã cô lập mà lại kì đặc, không giống một miền nào khác. Thi sĩ Đông Hồ trong cuốn Văn học Hà tiên[1] đã tả nó như sau:

                “Ở đó (Hà tiên), kỳ thú thay, như gồm hầu đủ hết.

                Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ long. Có một ít núi vôi ở Ninh bình, có một ít thạch thất sơn môn của Hương tích. Có một ít Tây hồ, một ít Hương giang. Có một ít chùa chiền của Bắc ninh, lăng tẩm của Thuận hóa. Có một ít Đồ sơn, Cửa tùng, có một ít Nha trang, Long hải.

                Ở đây không có cảnh nào to lớn đầy đủ; ở đây chỉ nhỏ nhắn, xinh xinh, mà cảnh nào cũng có”.

                Tóm lại, nó là một tiểu vũ trụ biệt lập, rất hợp cho kẻ nào có chí vẫy vùng, muốn nghênh ngang một cõi.

                * *
                *

                Họ Mạc

                Kẻ đó là họ Mạc ở cuối thế kỷ XVII.

                Cũng như Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu không chịu nhận chủ quyền Mãn Thanh, bỏ quê hương mà dắt bộ hạ xuống miền Nam Hải, nhưng Dương và Trần ghé vào Quảng nam (1679) qui phục chúa Nguyễn Phúc Tần, được chúa cho vào chiếm đất Đồng nai và Mĩ tho để tự kinh lí lấy mà lập nên một nơi buôn bán thịnh vượng là Cù lao Phố (Biên hòa); còn Mạc thì tiến xa hơn, tới địa phận Chân lạp (cũng gọi là Giản phố trại) – tức Cao miên, tức Campuchia – vào khoảng 1671 (theo Trần Kinh Hòa trong Hà tiên Mạc thị thế hệ khảo – Hoa Cương học báo) làm chức “ốc nha”, một chức quan lớn Chân lạp, năm 1700 xin vua Chân lạp ra khai khẩn miền Banteay Meas, tức Mang khảm, mới đầu mở sòng bạc, sau qui tụ các người Hoa, Việt, Miên, lập ấp, mở khẩu, thành lập một tiểu quốc, nhưng thường bị giặc Xiêm quấy nhiễu, nên năm 1708, nhận sự bảo hộ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Mạng khảm từ đó đổi tên là Hà tiên, thành một cửa ngõ Chân lạp mà thuộc về Việt Nam, xuất cảng hầu hết các sản phẩm Chân lạp[2].

                (Lăng mộ dòng họ Mạc )
                Nếu chỉ là một hải khẩu thì dù ghe tàu tấp nập, cũng chưa có gì đặc biệt. Điều đáng cho ngày nay chúng ta nhắc nhở nhất là tiểu quốc đó chỉ trong nửa thế kỉ đã thành “một văn hiến quốc” ở giữa một miền hẻo lánh, y như một đầm sen giữa cánh đồng hoang vậy, khiến ai cũng phải ngạc nhiên.

                Công ấy là nhờ Mạc Thiên Tích[3], con của Mạc Cửu. Thiên Tích kế nghiệp cha, là đô đốc Hà tiên năm 1735, thì ngay năm sau, 1936, thành lập Chiêu Anh các, một tao đàn kiêm một nghĩa thục, có thờ Khổng Tử. Ông cha Trung hoa, mẹ Việt[4], rất đa tài: trị nước, ngoại giao, cầm quân, đặc biệt là có tài văn thơ mà lại rất trọng tiếng Nôm, chiêu tập được 36 (có sách chép là 32) văn nhân thi sĩ vô Chiêu Anh các (gọi là tam thập lục kiệt), trong số đó sáu vị là người Việt, còn thì là Trung hoa, người Minh hương, họ từ Thuận, Quảng vô hoặc từ Gia định tới, hoặc từ Quảng đông, Phúc kiến sang. Thiên Tích làm nguyên soái[5].

                Theo Trịnh Hoài Đức, họ sáng tác được sáu bộ sách gồm ba tập truyện và ba tập thơ. Ba tập truyện này đã lạc, còn ba tập thơ thì có lẽ là:

                - Tập Hà tiên thập vịnh gồm 320 bài[6], toàn bằng thơ Hán, mỗi bài do Mạc Thiên Tích thủ xướng, còn các bài kia do các vị trong Chiêu Anh các họa.

                - Tập Hà tiên thập cảnh khúc vịnh bằng thơ nôm của Mạc Thiên Tích.

                - Tập Minh Bột di ngư thi thảo gồm những bài thi, phú chữ Hán cũng của Thiên Tích.

                Hai tập trên còn được trọn vẹn, tập cuối chỉ còn sót vài bài.

                Những sáng tác của nhóm Chiêu Anh các nổi tiếng ngay từ thời đó, và Lê Qúi Đôn trong tập “Phủ biên tạp lục (1776) đoạn chép về họ Mạc ở trấn Hà Tiên, khen rằng: Không thể bào ở hải ngoại[7] xa xôi không có văn chương”, rồi trong Kiến văn tiểu lục lại khen: “văn thơ nhiều bài hay lắm”. Có giá trị nhất là những bài thơ cả chữ Hán lẫn chữ Nôm của Mạc Thiên Tích.

                Ngay những người ngoại quốc cũng nhận Hà tiên là đất văn hiến. Các giáo sĩ trong dòng Franciscan bảo:

                “Trong xứ (Hà tiên) có miếu thờ Khổng Tử mà từ vương (tức Thiên Tích) đến dân ai cũng thờ. Có một nhà nghĩa học dạy các thanh niên ưu tú, nghèo không thể tự túc theo học được. Những người Trung hoa sang đây mà có khả năng văn học thì mới được mời đến đó dạy học”[8].

                Còn sách Văn hiến thông thảo đời Thanh vào năm 1747 chép rằng “phong tục (Hà tiên) trong văn học , thích thi thơ, có cả một hàn lâm viện nhỏ”[9].

                Trong khi đó đừng nói chi Gia định, ngay cả ở Thuận hóa cũng chẳng có một thi đàn nào cả. Sự kiện ấy quả thực chưa hề xảy ra trong lịch sử văn học. Ta thử tưởng tượng một nhóm người di cư qua một nước tuy là đồng văn nhưng vẫn là lạ, dựng nghiệp ở một nơi hẻo lánh nhất, mà chỉ nữa thế kỉ sau, làm cho nơi đó thành một đất văn vật nhất trong cõi, góp công vào văn học xứ đó bằng chữ của mình và bằng cả thổ ngữ, thì có lạ không chứ!

                Tiếc thay nền văn học Hà tiên bừng lên rực rỡ được có 31 năm; đến năm 1771, Hà tiên bị quân Xiêm đánh chiếm, Thiên Tích phải chạy về Gia định. Chiêu Anh các tan rã, sách vở bị tiêu hủy; năm 1778 Thiên Tích phải trốn tránh Tây Sơn, qua Xiêm, và hai năm sau, 1780, ông tuẩn tiết ở kinh đô Xiêm; từ đó Hà tiên cũng cùng họ Mạc mà suy tàn.


                Họ Lâm

                Trong một trăm rưởi năm, Hà tiên thiêm thiếp ngủ yên trên bờ vịnh Thái Lan, chỉ còn là một thị trấn nhỏ ở biên giới không ai nhắc nhở tới. Tới khoảng 1926-28 nó mới lại được nhắc nhở, vì là quê hương của Đông Hồ Lâm Tấn Phác, một nhà văn mới cầm bút mà đã nổi tiếng ngay về bài khóc vợ Linh Phượng (tức Trác Chi lệ kí tập – Trác Chi là tên tự của ông[10], Đông Hồ là tên hiệu), và bài Phú Đông Hồ, lại sáng lập Trí Đức học xá, trường đầu tiên trong nước chuyên dạy tiếng Việt.

                Ngày nay tên Đông Hồ đã quá quen thuộc, phải lùi lại thời đó, trên bốn chục năm trước – mới thấy ngôi sao Đông Hồ rực rỡ ra sao. Khắp nước chỉ có mỗi một tạp chí văn học, tờ Nam Phong; ai muốn được coi là trí thức cũng phải đọc Nam Phong, có thể nói ở Nam Việt làng nào cũng có người mua dài hạn Nam Phong; mà nhóm Nam Phong hầu hết gồm các học giả Bắc, chỉ có vài nhà gốc ở Trung. Vậy mà một người Nam, lại ở Hà tiên nữa, mới ngoài hai mươi tuổi, chẳng có bằng cấp, thành tích gì cả mà chen chân được vào cái “hội” đó thì quả là phi thường. Chẳng những chen chân lại còn sắp vào hàng kiện tướng, viết nhiều và đủ loại, thơ, nghị luận, tùy bút, lịch sử, du kí. Đặc biệt nhất là giọng văn, y như một nhà cựu học đất Bắc có pha chút tân học, bóng bẩy, tô chuốt, du dương, trang trọng, thường dùng tiếng Bắc, khác hẳn giọng quá tự nhiên và hơi thô của các cây bút trong Nam thời đó.

                (Thi sĩ Đông Hồ)
                Sở trường ấy của ông, khoảng mươi năm nay một số người chê là sở đoản. Trong văn chương cũng như trong mọi nghệ thuật khác, thị hiếu thường thay đổi, có vậy mới tiến hóa, nhưng có người quá khích không nhận ông là nhà văn miền Nam nữa, trách ông sao không theo trào lưu văn học miền Nam từ trước tới đầu thế chiến vừa rồi, nghĩa là trào lưu văn học bình dân, giữ màu sắc và ngôn ngữ địa phương, chẳng hạn như nhà văn Hồ Biểu Chánh.

                Dĩ nhiên những lời chê đó tới tai ông, nhưng tôi không bao giờ thấy ông lên tiếng, chỉ mới rồi trong cuốn Văn học Hà tiên, ông gián tiếp trả lời như sau:

                “Đọc những sách báo quốc ngữ miền Nam xuất bản khoảng từ 1900 đến 1920, chúng ta thấy có một lối viết lỏng lẻo, hời hợt, mất hẳn văn hóa cố hữu, tế nhị, cổ truyền của hai miền Trung, Bắc (…)

                Mãi cho đến sau thế chiến thứ nhất 1914-18, nhờ cuộc giao thông tiện lợi, phong trào sách báo ở Hà nội truyền được vào Nam, tình trạng bế tắc này mới thay đổi. Bắt đầu là Nam Phong tạp chí (1917-1934) rồi đến Phong Hóa, Ngày nay ở Hà nội (1932-40) báo Tiếng Dân ở Huế (1927) (…)

                Và từ 1925 về sau, có những nhà thơ, nhà văn giả từ miền Bắc, miền Trung vào làm báo ở Sàigòn, như những Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ, Thiếu Sơn v.v… Chính họ là sứ giả văn hóa cho thời kỳ này (…)

                Từ đó văn học miền Nam dần dần khởi sắc và cũng từ đó mất dần tính cách đặc thù địa phương mà hòa đồng, thống nhất với văn hóa dân tộc hai miền Trung Bắc”.

                Vậy thì chủ trương của ông thật rõ rệt: phụng sự văn học dân tộc chứ không phải văn học địa phương, để thống nhất ba miền.

                Sở dĩ ông có chủ trương ấy – từ hồi nào tôi không rõ, nhưng chắc là sớm lắm – nhờ ông sinh ở Hà tiên trong một gia đình Nho học.
                Hà tiên thuộc về miền Tây mà miền Tây chịu ảnh hưởng đậm của những lưu dân Trung hoa. Sách Văn hiến thông thảo (do Hãn Nguyên trích bài dẫn trên) chép về sinh hoạt ở Hà tiên thời Mạc Thiên Tích:

                “Nhà cửa không khác Trung quốc, từ nhà vương (Mạc Thiên Tích) tất cả đều làm bằng gạch lợp ngói. Trong cách ăn mặc, họ bắt chước triều đại trước (nhà Minh), Vương bới tóc lưới, đội khăn hay mũ bằng nhiễu, mình mặc áo thêu rồng, đai bằng sừng, mang hia. Ngày thường họ dùng đủ màu (…) Gặp thì họ chấp tay chào nhau.”

                Tới gần đây, nghĩa là sau hơn hai thế kĩ, Hà tiên còn giữ được ít nhiều màu sắc Trung Hoa từ phong tục, cách ăn ở tới ngôn ngữ, giao tế; còn miền Đông, từ Vĩnh long trở ra Biên hòa, Bà rịa, chịu ảnh hưởng của những lớp Nam tiến cuồn cuộn từ miền Trung vô; hạng người tiền đạo này tháo vát, tự nhiên, ưa thứ văn chương bình dân hơn.

                Tổ tiên của Đông Hồ gốc gác ở Phúc Kiến (Hoa Nam) có lẽ cũng qua Việt nam với họ Mạc (Mạc Cửu có dùng một quan kí lục họ Lâm), đời đời theo Nho học, và cụ Hữu Lân, bá phụ của Đồng Hồ nổi tiếng văn hay chữ tốt. Thiếu thời Đông Hồ được cụ dạy dỗ, đào tạo trong nền cổ học, gần như không ra khỏi Hà tiên, không được đọc gì khác ngoài văn thơ Hán Nôm. Vì vậy tâm hồn ông gần với tâm hồn các nhà Nho Bắc, Trung hơn các người Nam đồng thời với ông ở miền Đông, chẳng hạn Hồ Biểu Chánh. Vì vậy mà hai mươi mốt tuổi ông đã làm được bài Phú Đông Hồ, khiến các nhà Nho phải phục. Vì vậy mà ông được nhận ngay vào phái Nam Phong, và suốt đời có nếp sống của nhà Nho, có thiện cảm với các nhà văn Bắc, Trung. Lần lần tinh thần ông hơi thay đổi, mới hơn nhiều nhà trong nhóm Nam Phong, mà rán hòa với trào lưu mới, nhưng cốt cách, bút pháp thì hồi ba mươi tuổi đã định rồi. Nhờ vậy, ông là nhà văn, nhà thơ đầu tiên trong Nam bắt cầu Nam Bắc, mở đường cho sự “thống nhất văn học dân tộc” như ông nói.

                Đó là mục đích thứ nhất trong đời ông[11].

                * *
                *

                Mục đích thứ nhì là nối lại sự nghiệp văn học của Mạc Thiên Tích đã bị gián đoạn trong một thế kĩ rưỡi.

                Một thanh niên sanh trong một gia đình có truyền thống văn học, tại một nơi danh thắng đã có một thời nổi tiếng là “văn hiến quốc”, từ hồi nhỏ, mắt đã được thấy làn nước Đông Hồ, ngọn núi Tô châu, chân được dạo những chốn còn lưu lại di tích tiền nhân như Kim Dự, Bình San, Tiêu Tự, Giang Thành, tai được nghe những chuyện hồi thịnh thời Mạc Thiên Tích cùng những văn thơ Hán, Nôm của nhóm Chiêu Anh các, một thanh niên được gặp những hoàn cảnh may mắn đó mà lại anh tuấn, mới mười bốn, mười lăm tuổi đã được khen là thơ có khẩu khí, rồi hai mươi hai tuổi danh vang ra tới đất Bắc, nhờ một bài có giọng lãng mạn như Từ Trẩm Ái (bài Linh Phượng) và một bài cổ kính mà hoa mĩ như văn Lục Triều (bài Phú Đông hồ); một thanh niên như vậy nhất định là yêu quê hương tha thiết, tự hào về nó nữa và hoài bão cái chí làm vẻ vang cho quê hương, nếu không nối nghiệp được tiền nhân thì ít nhất cũng làm cho người trong nước nhớ rằng “nơi hải ngoại xa xôi này không phải không có văn chương” (lời Đông Hồ).

                Ông nhũn nhặn, kín đáo, không thổ lộ tâm sự, chí hướng với bạn, nhưng trong một lúc xúc động mạnh, viết thư cho tôi, ông đã thú rằng “làm con, tôi đã để cho bác tôi nỗi khổ tâm vì tôi nghĩ rằng tôi “quá” thông minh”. Vậy ông đã tự tin lắm, nhận được giá trị của mình ngay từ thiếu thời và điều tôi đoán rằng ông có lúc muốn lập nên một sự nghiệp về văn học như Mạc Thiên Tích, điều đó chắc không xa sự thực.

                Thời đại ông không phải thời đại Mạc Thiên Tích, Hà tiên không còn là một tiểu quốc mà chỉ là một thị trấn nhỏ, mà địa vị một giáo viên sơ học dưới thời Pháp thuộc lại càng không thể so sánh được với địa vị một vị hầu dưới triều chúa Nguyễn (Thiên Tích được phong là Tông Đức hầu), cho nên sự nghiệp của ông khác hẳn của Thiên Tích.

                Không thể lập được một Chiêu Anh các thì ông ráng dựng Trí Đức học xá, cũng là một nghĩa thục như nghĩa thục của Chiêu Anh các; chưa có đủ tư cách kết nạp các anh tài trong nước để thành lập một tao đàn thì ông đào tạo lấy một số môn sinh cho giỏi Việt ngữ, hiểu được thơ văn, nhất là thơ văn cổ, rồi ông lại khuyết trương thêm, mở lớp hàm thụ đầu tiên dạy Việt văn, và ảnh hưởng của ông lan khắp lục tỉnh, nhiều người yêu văn chương ở Hà tiên, Biên hòa, Tây ninh… nghe tiếng gọi là “hồn Đại Việt” của ông mà cùng với ông trau giồi “giọng Hàn Thuyên”.

                Không có Đại thành điện, Khuê văn lâu… như Tông Đức hầu, thì ông có Vạn quyển thư lâu, Vương giả hương đình, Quình Lâm thư thất… tuy chẳng lộng lẫy, nhưng sách quí, tranh quí và nét bút của cổ nhân và của chính ông thì chất, treo đầy tường; mà hương trầm, hương mai, hương lan, hương huệ thường tỏa ngào ngạt mỗi khi có bạn văn tới; ai cũng phải nhận rằng về phương diện đó ông là bậc “vương giả” trong giới tao nhân Việt nam. Cho nên năm 1961, khi viên thư kí Hàn lâm viện Ấn Độ, K.F. Kripalani, qua Sàigòn để tìm những kỉ niệm về thi hào Tagore thì nha Văn hóa bối rối, không biết tiếp vị khách ấy ở đâu cho trang nhã, có vẻ “văn hóa” một chút, phải xin mượn Yễm Yễm thư trang vậy.

                Những hoạt động cùng phong cách đó của họ Lâm có thể chỉ là ngẫu nhiên ám hợp với những hoạt động cùng phong cách họ Mạc, nghĩa là xuất phát từ phần tiềm thức, nhưng dù vậy đi nữa, tôi nghĩ cũng cần ghi lại cho văn học sử.

                Tôi không rõ môn sinh của Đông Hồ tại Trí Đức học xá và trong các lớp hàm thụ, trước sau được bao nhiêu người; một số có khiếu văn chương , nhưng rồi chẳng viết lách gì cả, và rốt cuộc chỉ còn một mình nữ sĩ Mộng Tuyết, sau thành bạn văn và bạn trăm năm của ông, là không phụ công lao của ông. Bà viết ít hơn ông, nhưng văn thơ đều có giọng như ông, cũng trang trọng, du dương, tô chuốt, có phần đa cảm hơn và khi miêu tả cảnh vật, như một khóm cây, một con ong, một cành hoa… nhận xét có phần sắc bén hơn ông. Ai đọc văn thơ của bà cũng nhận thấy ngay rằng bà chịu ảnh hưởng của ông rất đậm; mà văn thơ của hai ông bà có một địa vị riêng biệt ở Nam, có thể nói là thuộc về một phái riêng, phái Hà Tiên.

                Phái này chỉ còn vài ba nhà nữa (như Trúc Hà, có họ hàng với Đông Hồ, cũng quê ở Hà Tiên, hơi có tiếng tăm, mất trước 1945, và ông Trọng Toàn), nhưng sự nghiệp không kém gì phái Chiêu Anh các.

                Không kể rất nhiều bài đăng rải rác trên các tạp chí, hiện nay chưa in thành sách[12], Đông Hồ đã lưu lại cho chúng ta mười lăm tác phẩm, trong số đó có sáu bảy tập thơ.

                Nữ sĩ Mông Tuyết cũng đăng lác đác ít bài thơ, hồi kí, đã xuất bản được một lịch sử tiểu thuyết: Nàng Ái cơ trong chậu úp, một tập tùy bút Dưới mái trăng non và có một tập văn cảo: Hà tiên tạp thuyết. Bà vẫn còn sáng tác và chắc còn cống hiến cho quốc dân vài tập nữa.

                Đã có người nhận định về phần mà người ta gọi là “văn chương thuấn túy”, tức thơ, tùy bút… trong sự nghiệp của Đông Hồ; ở đây tôi chỉ xin giới thiệu những trứ tác của hai ông bà liên quan đến Hà tiên, để đọc giả thấy rõ hai ông bà đã đền đáp cho nơi chôn nhau cắt rún được những gì. Phần đó là phần hai ông bà quan tâm tới suốt đời mà cũng rất quan trọng, nhưng từ trước tới nay ít ai để ý tới.

                Ở trên tôi đã dẫn một đoạn Đông Hồ tả Hà tiên, và độc giả đã thấy lòng yêu quê hương của ông ra sao, ông cho Hà tiên gồm đủ các thắng cảnh trong nước, không khác gì một Việt nam thu nhỏ lại cho thêm phần xinh xinh mà để thưởng ngoạn.

                Ngay từ khi mới nhập tịch làng văn, Đông Hồ đã giới thiệu quê hương với độc giả Nam Phong:

                - Năm 1926 ông viết thiên Hà tiên Mạc thị sử (Nam Phong số 107) theo một bản Nôm của Trần Đình Quang hồi đầu thế kĩ.

                Ba năm sau ông can đảm nhận rằng vì “sở học còn kém mà không tìm được bản chánh Gia phả họ Mạc”, nên thiên đó “còn khiếm khuyết”, sai suyển rất nhiều, không thể để lầm cho người sau được”, ông viết lại. Nam Phong số 143 (năm 1929) đăng lại.

                Lần này ông dùng bản Hán văn Mạc thị gia phả của Vũ thế Dinh, tự Thân Di, viết năm 1818. Tài liệu này tới nay vẫn được coi là tài liệu chính, đầy đủ hơn cả, tuy nhiên có nhiều chỗ cần phải xét lại, chia ra chương tiết, sau khi “tham khảo thêm các sách Nam sử và ngoại truyện”, tăng bổ thêm những chổ thiếu sót, cải chính những chỗ sai lầm.

                Năm 1948 ông sửa chữa, cho in lại trong cuốn Danh nhân nước nhà của Đào Văn Hội.

                Sau khi lên Sàigòn rồi, ông kiếm thêm được nhiều tài liệu khác trong các bộ sử Việt, như bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên, Un Chinois des mers du Sud, le fondateur de Hà tiên, Journal asiatique 1952 của Gaspardone, bản dịch và chú thích rất kĩ lưỡng cuốn Mạc thị gia phả kể trên, của Trần Kinh Hòa, Văn hóa Á châu số 7 tháng 10 năm 1958, ông thấy cần sửa lại lần nữa tập Hà tiên Mạc thị sử, nhưng chưa kịp làm thì đã qui tiên. Ông thực là kiên nhẫn và thận trong. Mặc dù chưa sửa lại, tập đó đến nay vẫn tạm dùng được.

                - Năm 1927, nhân dịp đi chấm thi ở Phú quốc, ông được thăm gần hết cảnh đẹp và di tích trên đảo, về viết một thiên du kí rất đầy đủ, đăng trong Nam Phong số 124 (1927), nhan đề là Thăm đảo Phú quốc. Ông nhận xét, ghi chép rất tỉ mỉ, mà văn du kí của ông tươi đẹp, nên ngày nay đọc lại còn thấy thú.

                - Trong khoảng mấy năm sau, ông cho đăng trên Nam Phong nhiều thơ văn tả cảnh Hà tiên như Bơi thuyền chơi Đông hồ, Đông hồ cảnh sớm, Lên chơi núi Đại Tô châu, Chơi Tô châu, Cảnh trăng trên Đông Hồ…, đáng để ý hơn cả là:

                Bài kí Chơi Châu Nham (Nam Phong số 154, năm 1930). Núi Châu nham tức núi Đá dựng cách chợ Hà tiên sáu, bảy cây số, cảnh hoang tịch mà đẹp hơn Thạch Động.

                Và bài phú Đông Hồ rất nỗi tiếng (N.P số 145 năm 1929 – sau sửa lại vài chỗ, đăng lại trong số 158 năm 1931).

                - Non hai chục năm sau, hai ông bà cho ra chung một tập nhan đề là Hà tiên thập cảnh và đường vào Hà tiên (Bốn phương – 1960). Tập này mõng, nhỏ chỉ bằng bàn tay, giúp độc giả biết rõ ràng về mười thắng cảnh Hà tiên. Về mỗi cảnh Đông Hồ dẫn một bài thơ Nôm, thất ngôn Đường luật của Mạc Thiên Tích rồi giảng giải, tả cảnh, kể tích xưa cho ta hiểu rõ thêm. Cuối tập có mươi trang tả bốn năm con đường đưa vào Hà tiên. Tác phẩm có ích cho khách du lịch.

                Trong mấy chục năm đó, Đông Hồ vẫn tiếp tục khảo cứu thêm về Hà tiên, thu thập tất cả sách báo Việt, Hán, Pháp viết về Hà tiên được trên mười tập… Tôi đã thấy ông ghi chú kĩ lưỡng từng tài liệu một, gom lại thành một bó lớn, một phần được dùng trong cuốn Văn học Hà tiên (Quình Lâm – 1970). Cuốn này dày trên ba trăm trang khổ lớn, có nhiều hình ảnh, gồm những bài giảng của ông ở Đại học Văn khoa Sàigòn. Tôi nhận thấy công trình khảo cứu công phu, cách trình bày sáng sủa – giọng ông ở đây là giọng một giáo sư kiêm một nghệ sĩ. Ông rất thận trọng trong phần chú giải, nhất là trong những bài dịch thơ chữ Hán của Mạc Thiên Tích. Ông dịch sát mà giữ đúng cả thể lẫn vần trong nguyên tác, như bài Lộc trĩ thôn cư nguyên tác là thất ngôn Đường luật và dùng những vần tinh, thinh, thanh, linh, đình thì ông dịch ra thất ngôn Đượng luật và dùng những vần mình, tranh, xanh, thanh, thinh.

                Ông đã trình bày cặn kẻ chẳng riêng mười bài thơ nôm, mà trọn tập ngâm khúc Nôm và mười bài thơ Hán của Mạc Thiên Tích về mười cảnh Hà tiên. Về phần giới thiệu nhóm Chiêu Anh các, tiểu sử Mạc Thiên Tích, tài liệu cũng dồi dào, sau này khó có ai viết hơn ông được.

                (Nữ sĩ Mộng Tuyết)
                Đó là công của Đông Hồ với Hà tiên. Sự đóng góp của Mộng Tuyết cũng rất đặc biệt. Bà chỉ mới có một tập truyện Nàng Ái cơ trong chậu úp (Bốn phương – 1961) và vài bài ngắn, chép hồi kí về Hà tiên trong tập Dưới mái trăng non (Mặc Lâm -1969) nhưng nội cuốn Nàng Ái cơ cũng đáng được chú ý rồi.

                Mộng Tuyết bổ túc công việc của Đông Hồ. Đông Hồ cho ta biết lịch sử Hà tiên, đời sống và sự nghiệp các nhân vật Hà tiên, Mộng Tuyết cho ta thở cái không khí cổ của Hà tiên, sống với các nhân vật Hà tiên.

                Truyện có thực, còn lưu lại di tích, tức chùa Phù Dung ở Hà tiên mà Đại nam nhất thống chí chép đúng, là chùa Phù Cừ, người sau không hiểu nghĩa đổi thành Phù Dung.

                Nhân vật chính, Dì Tự, một ái cơ của Mạc Thiên Tích, đã đẹp lại hay chữ, khiến bà chính thất họ Nguyễn ghen tương mà lập mưu hãm hại, nhốt vào một cái chậu úp cho ngộp mà chết, may được Thiên Tích ngẫu nhiên cứu sống, rồi chán chường thế sự bà xin phép chồng đi tu, Thiên Tích cất cho bà ngôi chùa Phù Cừ đó để bà lánh đời[13].

                Truyện chỉ có vậy, tác giả đã tưởng tượng thêm để viết thành một lịch sử tiểu thuyết dài non hai trăm trang làm sống lại một thịnh thời ở Hà tiên với những hội hoa đăng, hội thơ, cảnh duyệt binh, cảnh tết Đoan ngọ… Tuy là tưởng tượng nhưng vẫn dựa vào sử, theo sát tài liệu lịch sử, giữ đúng niên đại trong sử. Tác giả đã khảo cứu công phu, dựng truyện chặt chẽ, mà văn thì đẽo gọt, đối với một tiểu thuyết, có lẽ đẽo gọt quá theo quan niệm hiện thời. Từ đầu thế kĩ đến nay, ít cuốn trong loại đó có thể so sánh được: tiểu thuyết của Lan Khai chỉ là truyện tình mang tên “lịch sử” còn tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật ngoài cuốn Bốn con yêu và ba ông đồ chỉ là lịch sử kí sự mượn cái tên “tiểu thuyết”. Đúng tên lịch sử kí sự tiểu thuyết chỉ có Nàng Ái cơ trong chậu úp. Tiếc thay, tác phẩm được ít người hoan nghênh có lẽ chỉ vì xuất hiện không đúng lúc.

                Tuy là của Mộng Tuyết nhưng công của Đông Hồ cũng đáng kể, không phải trong việc đề tựa và trình bày (có mấy bức tranh của ông) mà cả trong việc thu thập tài liệu, xây dựng cốt truyện nữa.

                Vậy ông đã trả ơn quê hương một cách xứng đáng. Hiện nay chúng ta biết được chút gì về Hà tiên hầu hết là nhờ ông cả.

                Thật cũng lạ! Họ Mạc và họ Lâm đều gốc gác ở Hoa Nam: Mạc ở Quảng đông, Lâm ở Phúc kiến, cùng qua Nam Việt một thời, cùng yêu ngay quê hương thứ hai của mình, rồi coi quê hương đó là quê hương thứ nhất, cũng tận tâm phục vụ cho tiếng mẹ đẻ; họ Mạc đến đời thứ bảy chỉ có hai đứa con gái, còn họ Lâm đến đời thứ tám cũng chỉ có hai người con gái (Đông Hồ là con trai duy nhất đời thứ bảy, sanh hai con trai đều không nuôi được).

                Hiện nay ngoài Mộng Tuyết ra[14], còn có nhà văn, nhà thơ nào gốc gác ở Hà tiên nữa không? Và Hà tiên bao giờ mới lại có được một họ làm rạng danh Hà tiên như họ Lâm? Nếu có thì thời đại đã thay đổi, Hà tiên sẽ không còn là nơi hẻo lánh nữa, văn học Việt Nam đã thống nhất thì sự nghiệp của người sau tất khác của người trước. Và chúng ta có thể nói rằng lịch sử văn học Hà tiên sẽ vĩnh viễn gắn liền với với hai họ Mạc, Lâm. Họ Mạc làm cho Hà tiên thành “văn hiến quốc”, họ Mạc mở đường, họ Lâm nối nghiệp: người sau sẽ chuyển qua một hướng khác chứ không tiếp tục nữa.

                Sàigòn 1-3-1971[15]


                Chú thích:



                [1] Quình Lâm xuất bản – 1970
                [2] Trong bài Cộng đồng người Khmer Nam Bộ, TS Nguyễn Văn Huy cho rằng Mạc Cửu chọn thủ phủ, lúc còn theo Chân lạp, là Mán Khảm sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo), và vùng đất do Mạc Cửu khai khẩn gọi là Căn Khẩu quốc. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu. Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành Long Hồ dinh. Mặc Cửu mất năm 1735, con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ kế nghiệp, Long Hồ dinh đổi tên thành trấn Hà Tiên. Theo ghi nhận của Hồ Trường An trong bài Mộng Tuyết thất tiểu muội với tùy bút “Dưới mái trăng non” thì “Từ một góc nhỏ hoang dã và man rợ đầy sơn lam chướng khí của miền Cực Nam đất nước, Cửu Lộc Hầu (Mạc Cửu) đã biến thành thị trấn Phương Thành (về sau mới đổi tên là Hà Tiên) với cách kiến trúc rất Tàu”. [Goldfish]
                [3] Chính tên là Tông, tự Thiên Tứ. Chữ Tứ này bộ bối, có nghĩa là cho; sau chúa Nguyễn Phúc Chu (1725-38) tứ danh cho, mới đổi bộ bối ra bộ kim, thành chữ Tích cũng có nghĩa là cho.

                [4] Theo Đông Hồ (Văn học Hà tiên – tr. 142), “căn cứ trên bia mộ dựng ở núi Bình sao (Hà tiên), hiện vẫn còn, khi Thiên Tích lập thạch cho mẹ, đề Thái phu nhân là họ Nguyễn, thì chúng ta có thể quyết được mẹ Thiên Tích là người Việt. Bởi người Tàu ít có người họ Nguyễn”.
                Theo Gia định thành thông chí (quyển II), ông Hàn Nguyên dẫn trong bài “Hà tiên, chìa khóa Nam tiến của dân tộc Việt Nam xuống đồng bằng sông Cửu Long”, tập san Sử Địa số 19-20, năm 1970, tr. 265, thì mẹ Mạc Thiên Tích là người Việt, tên là Bùi thị Lẫm, gốc ở Đồng môn, thuộc Biên hòa.
                Cũng trong bài ấy, ông Hàn Nguyên còn dẫn lời của Pierre Poivré, cũng nhận Thiên Tích là người lai.
                Chúng ta có thể tin lời trên mộ bia hơn lời trong Thông chí. Dù theo thuyết nào thì mẹ của Thiên Tích cũng là người Việt, cho nên Thiên Tích mới giỏi thơ nôm được.
                [5] Tác giả N.T.D.M trong bài Chiêu Anh Các, Tạp chí Chiêu Anh Các số 2 (được đăng lại trên website Mạng Giáo dục) ghi nhận “thành phần nhân sự” như sau: “Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức ghi kỹ hơn: Văn nhân tỉnh Phúc Kiến 15 người, Quảng Đông 13 người, Phủ Triệu Phong (Việt Nam) 4 người, phủ Gia Định 2 người, phủ Qui Nhơn 2 người. Cộng là 36 vị”. [Goldfish]

                [6] Có 320 bài thì ta có thể đoán rằng Chiêu Anh các gồm 32 thi sĩ thôi (mỗi nhà làm 10 bài), kể cả Thiên Tích. Con số 36 cũng như con số 12, 72… không đáng tin lắm.

                [7] Trong bài Tao Đàn Chiêu Anh Các Hà Tiên (Tạp chí Chiêu Anh Các số 62), N.T.D.M giảng từ hải ngoại như sau: “(…) người Đàng Ngoài muốn vào đến (Hà tiên) thì phải đi vòng đường biển, nên gọi là “hải ngoại”. [Goldfish]
                [8] Hãn Nguyên – Bài đã dẫn. Tập san Sử Địa 19-20, tr. 270.

                [9] Theo Gaspardone – Hãn Nguyên trong bài kể trên. Hàn lâm viện đó là Chiêu Anh các.

                [10] Theo ghi nhận trong bài Vài dòng tiểu sử về tác giả Đông Hồ (không rõ tác giả, www.nguyenkynam.com) thì: “Họ Lâm (…) hộ tịch chép là Tấn Phác (Biện Hoà Tấn Phác), ông bác đặc tiểu tự là Quốc Tỉ (Truyền quốc ngọc tỉ) sau đổi là Trác Chi (Hữu phác ngọc, nghi sử ngọc nhân điêu trác chi)”. Theo Tự điển Hán Việt Thiều Chửu: Phát 璞 là ngọc trong đá và Trác 琢 là sửa ngọc, mài giũa ngọc. Bài trên cũng cho biết Đông Hồ còn hai biệt hiệu nữa là “Thủy Cổ Nguyệt (chiết tự chữ hồ)” và “Đại Ẩn Am (Đại ẩn ẩn thành thị)”. Cụ NHL, trong thư gửi cho Quách Tấn, có nhắc đến Đại Ẩn Am (theo Hồi ký Quách Tấn) và trong bài Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên, cụ NHL có nhắc đến dấu son “Lâm Đông Thủy Cổ Nguyệt”, nhưng trong Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, tác giả lại viết “(…) đóng dấu son “Đông Thủy cổ nguyệt” (tức Đông Hồ: chữ Hồ gồm 3 chữ thủy, cổ và nguyệt)”; không có chữ Lâm. [Goldfish]

                [11] Trong thư gửi cho Quách Tấn, ngày 25/1/1983, cụ NHL viết: “Đông Hồ có hai công lớn: Phụng sự Việt Ngữ, thúc đẩy người ta trau dồi Việt Ngữ từ 1924-1925; làm cho văn xuôi Miền Nam hóa thanh nhã, “có văn”, như văn xuôi Miền Bắc. (So sánh văn anh ấy viết từ 1925 với văn các cây bút đương thời, như Nguyễn Chánh Sắc... thì thấy một trời một vực)” (sđd) [Goldfish]
                [12] Trong thư gửi cho Quách Tấn ngày 14/02/1984, cụ NHL viết: “(…) anh ấy (Đông Hồ) mới nằm xuống, vợ con lo xuất bản tất cả những bản thảo còn lại của anh ấy!” (Hồi Ký Quách Tấn). [Goldfish]
                [13] Trong bài Chùa Phù Dung – Hà Tiên đăng trên website Diễn đàn trường Đại học Cần Thơ, tác giả tndung cho rằng: “Chùa Phù Dung do Mạc Thiên Tích con của Mạc Cửu xây ngay chân núi Bình San, để cho bà vợ thứ tu hành. Trước đó chùa có tên là am Phù Cừ. Phù Cừ và Phù Dung là tên hai giống Sen, một trắng, một hồng”. Trong bài Di tích (không rõ tác giả, www.vietshare.com/quehuong/kiengiang) ghi: “Chùa Phù Dung: Còn gọi là Phù Cừ Am Tự, do tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích (Mạc Thiên Tứ) dựng vào khoảng thế kỷ 18 tại chân Bình Sơn, thị xã Hà Tiên cho nàng Ái Cơ Phù Cừ (Nguyễn Thị Xuân), vợ thứ hai của ông”. [Goldfish]

                [14] Sau này bà còn cho xuất bản cuốn hồi ký Núi Mộng Gương Hồ (ba tập, NXB Trẻ, 1988). Bà mất ngày 1-7-2007, thọ 94 tuổi. [Goldfish]
                [15] Cụ NHL cho biết bài Hồn Đại Việt giọng Hàn Thuyên và bài Đất Hà Tiên với họ Mạc và họ Lâm đều đăng trên Bách khoa, bài trước nhân ngày giỗ đầu của Đông Hồ năm 1970, bài sau nhân ngày giỗ năm 1971. “Bài trước ghi công của Đông Hồ với Việt ngữ, bài sau ghi công của ông với đất Hà Tiên, quê hương của ông. Ai cũng nhận hai bài đó hơn tất cả các bài từ trước tới nay viết về ông, và tóm tắt đủ sự nghiệp của ông”. (Hồi kí, tr. 462). [Goldfish]
                Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                Comment


                • #9
                  “văn chương hạ giới”

                  Khoảng bốn chục năm trước, cụ Tản Đà phàn nàn rằng “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Lời đó giả Vũ Trọng Phụng thốt ra thì phải hơn. Vì cụ Tản Đà cò có lần nhờ cây bút mà sống khá phong lưu. Lần đó Diệp Văn Kỳ ra một tờ nhật báo, đón cụ vô Sài Gòn giữ mục thi đàn, cung phụng cụ rất chu tất: một căn phòng riêng, bữa nào cũng có rượu và đồ nhắm, đi đâu thì có xe, và chỉ xin cụ mỗi tuần cho một bài thơ thôi, mà có kì bị thúc giục, cụ còn gắt lên: “Làm thơ chứ đâu phải bổ củi!”. Thời kỳ đo tuy không bền, được đâu sáu bảy tháng hay nhiều lắm non một năm, nhưng dù sao cụ vẫn còn sướng hơn Vũ Trọng Phụng. Tội nghiệp cho họ Vũ, đã có lúc phải thốt lên câu bất hủ vô cùng chua chát này: “Ôi, làm người mà được ăn cơm thì sướng quá!” Nghĩa là có nhiều bữa ông phải ăn khoai, ăn ngô, ăn cháo hay nhịn đói. Mà vẫn phải viết, viết cả trong lúc vi trùng lao đương đục phổi.

                  Nhưng lời của cụ Tản Đà vẫn là “lời chung” miễn ta đừng quên rằng chữ “hạ giới” của cụ trỏ riêng nước Việt Nam. Vì có những nước mà văn chương đắt hơn vàng hơn ngọc.

                  Tương truyền một phi tần họ Trần bị vua Hán Vũ Đế bỏ rơi, đem ngàn vàng nhờ Tư Mã Tương Như viết giùm nàng một bài Trường môn phú tả tình luyến ái của nàng để nhắc nhở nhà vua nhớ lại “cái thân câu chõ”.

                  Người Trung Hoa ngày xưa thiếu óc tinh xác – hay có óc khoe khoang, phóng đại? – nên ta không hiểu một ngàn vàng là bao nhiêu: một ngàn nén, một ngàn lượng hay một ngàn cân? Ta chỉ cần biết rằng bài phú đó được giá vô cùng thế thôi.

                  Sử chép rằng đời Tây Tấn, bài Tam đô phú của Tả Tư[1] được dân Trung Quốc hoan nghênh nhiệt liệt, thi nhau chép lại, đến nỗi giá giấy ở kinh đô cao vọt lên (giấy hồi ấy mới được chế tạo, sản xuất còn ít). Tả Tư chỉ được cái danh suông nhưng các lái giấy thu được cả “ngàn vàng” chứ không ít.

                  Dân tộc Ả rập trọng cả võ bị lẫn văn học và khoa học. Thế kỉ VII, sau khi chiếm trọn vẹn bán đảo Ả rập, tín đồ Mahomed tấn công Ai cập, bao vây Alexandrie. Dân chúng Alexandrie anh dũng chống cự được mười bốn tháng, làm cho họ tổn thất khá nặng, giận lắm tính san phẳng thành phố, nhưng thư viện Alexandrie đã cứu được thành phố. Thư viện này của dòng Ptolémée, nổi danh nhất phương Tây. Người Ả rập vốn là dân tộc du mục, ít học, nay được đọc các tác phẩm của Hi lạp, La mã, thấy một phương trời mới mà đam mê. Họ chép rồi dịch Pythagore, Epicure, Hyppocrate, Euclide, Archimède…

                  Vua Al-Mamoum rất hậu đãi các nhà văn hoá: ai sao chép được một cuốn sách thì sách nặng bao nhiêu thì thưởng bấy nhiêu vàng. Nếu dịch ra tiếng Ả rập thì còn thưởng cao hơn nhiều: đặt lên bàn cân, một bên là sách, một bên là kim cương! Thất là kim cương thời đại của người cầm bút, không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại. Giấy hồi xưa chắc dầy như giấy bìa ngày nay, chữ viết chắc lớn vì ngòi bút đâu có bằng thép mà nhọn được, vậy thì bộ Hình học của Euclide cân nặng chắc cũng tới nửa kí lô. Nửa kí hột xoàn! Nhà văn nào điên nhất ở thời đại chúng ta cũng không tưởng tượng nổi điều ấy. Nhờ vậy dân tộc Ả rập mới văn minh nhất thời Trung cổ phương Tây, phát sinh được những nhà bác học như Avicenne, Averoès một thiên tài như Omar Khayyam thơ hay như thơ Lí Bạch mà khoa thiên văn cũng quán tuyệt cổ kim; chính ông năm 1079 đã sửa lại lịch Ba tư, còn đúng hơn lịch chúng ta dùng ngày nay nữa, vì cứ ba ngàn bảy trăm bảy mươi (3.770) năm mới sửa một ngày, còn lịch chúng ta thì ba ngàn ba trăm ba mươi (3.330) năm phải sửa lại một ngày.

                  Tới thế kỉ XIX, số tiền nhuận bút của các văn hào Nga làm ta “phát ngán”! Chẳng hạn cụ Tolstoi. Hồi mới viết, cụ lãnh được 50 rúp (Nga kim) một tờ, giá đó cứ mỗi ngày mỗi tăng (mà không phải đồng rúp bị phá giá đâu nhé), tới cuốn Chiến tranh và Hoà bình, nhà báo xin nộp cụ 300 rúp một tờ. Tôi đã tra mấy bộ tự điển Pháp, không thấy ghi một tờ (feuille) giấy báo thời đó khổ bao nhiêu; cứ tạm cho nó bằng tời báo ngày nay, nghĩa là xếp thành khổ 14x20 phân thì được 32 trang. Theo ông Henri Troyat trong cuốn Tolstoi (Fayard-1965) thì một rúp thời Tolstoi bằng 7,66 quan mới của Pháp ngày nay. Theo giá chợ đen trên thị trường, một quan mới năm 1968 ăn 40$[2] Việt Nam[3]. Tính ra thì 300 rúp bằng 40$x7,66x300˜ khoảng 92.000$. Ba mươi hai trang tiểu thuyết mà được 90.000$, kinh khủng chưa!

                  Khi in thành sách, Chiến tranh và Hoà bình trung bình mỗi năm đem về cho cụ được hai vạn rúp, nghĩa là khoảng sáu triệu bạc Việt Nam năm 1968!

                  Tới cuốn Phục sinh (viết sau Chiến tranh và Hoà bình) nhà xuất bản Marx xin nộp cụ một ngàn rúp mỗi “tờ”, khoảng 300.000$ ba mươi hai trang tiểu thuyết, mỗi trang gần 10.000$! Số tiền này cụ đem giúp cả một giáo phái.

                  Khi cụ tuyên bố lấy làm xấu hổ về đời sống, nguyện sống nghèo để chia bớt nổi khổ với bình dân, nên từ bỏ tác quyền thì cụ cẩn thận chỉ trừ bỏ những cuốn viết sau Chiến tranh và Hoà bình và Anna Karénine. Điều đó dễ hiểu quá: hai tác phẩm đó hay nhất, bán chạy nhất.

                  Vậy mà cụ bà vẫn nhảy đổng lên, xỉa xói vào mặt chồng rằng chỉ nghĩ gây tiếng tăm cho mình, chỉ ham thiên hạ ngưỡng mộ, chẳng lo gì tới vợ con cả, muốn cho vợ con nheo nhóc. “Từ bỏ tác quyền thì lấy gì mà tiêu! Bầy con đó ai nuôi?”. Cụ quên huê lợi các điền trang mênh mông của chồng?

                  Và để cứu vãn tình thế, cụ bà mở nhà xuất bản, chuyên in tác phẩm của cụ ông, rồi lại không quên lại thăm cụ bà Dostoievski để học kinh nghiệm trong ngành xuất bản. Cụ bà Dostoievski cho hay chỉ để huê hồng 5% (năm phần trăm) cho các nhà sách, tính theo giá in trên sách, nhờ vậy trong hai năm chuyên xuất bản sách của chồng mà lời được 67.000 rúp, khoảng hai triệu bạc Việt Nam. Các nhà sách thời đó được có 5% huê hồng thì sống làm sao nổi nhỉ? Ngày nay 50% huê hồng mà người ta còn cho là ít. Một phần nhờ công việc kinh doanh của vợ, khi chết, gia sản của Tolstoi đáng 580.000 rúp, non 180 triệu bạc Việt Nam 1968.

                  Chẳng phải riêng ở Nga, các văn hào được “trả ơn xứng đáng” như vậy, ở Pháp cũng thế. Cụ Victor Hugo sống rất mực thước, đúng là một “bourgeois”, sáng tác rất mạnh (một bức hí hoạ vẽ cụ ngồi chễm chệ trên một chồng tác phẩm cao bằng gát chuông nhà thờ Notre Dame de Paris) mà vẫn có thì giờ mỗi ngày viết một bức thư tình cho cô Juliette Drouet (một đào hát); và điều này mới đáng phục nhất, vẫn nắn nót ghi chép (chữ cụ rất tươi) mọi chi tiết trong ngày, từ những món mua vặt vài ba cắc, tới những món vài ba quan tặng cô Drouet. Khi chết cụ cũng để lại một gia tài đồ sộ.

                  Cụ Balzac tính tình ngược hẳn cụ Hugo, liệng tiền qua cửa sổ, cũng gốc “bourgoies” như Hugo mà lại ra vẻ ông hoàng, muốn lót chữ de giữa tên và họ (Honoré de Balzac) cho nên tiền vô như nước mà vẫn nợ như Chúa Chổm, viết đêm viết ngày để trả nợ, có lần suýt bị ngồi khám, suốt đời lo trốn bọn nặc nô và suốt đời phàn nàn rằng bị bốc lột.

                  Đó là chuyện thời trước. Thời nay một số nhà văn Âu Mĩ sống còn phong lưu hơn nữa. Tôi không nhớ sách báo nào cho hay rằng ở Mĩ một nhà văn đã nổi danh viết bài bán cho các báo lớn thì cứ mỗi tiếng (mot) được trả một Mĩ Kim: 200$ Việt Nam theo thị trường đen năm 1968. Một trang viết độ ba trăm tiếng được 60.000$ và 32 trang được 1.800.000$, gấp hai chục lần cụ Tolstoi.

                  Ngay ở Pháp, một tiểu thuyết mà được giải Goncourt thì in không dưới 200.000 bản, mỗi bản bán 20 quan, tác giả được hưởng 10%, tức 2 x 200.000 = 400.000 quan, bằng 16 triệu bạc Việt Nam, giá cũng cao như ở Mĩ chớ kém gì. Nếu tiểu thuyết được quay phim thì tác quyền còn lớn gấp mấy nữa.

                  Những vị như Somerset Maugham, André Maurois tha hồ đi du lịch khắp thế giới, tha hồ chơi đồ cổ, vì biết tiêu gì cho hết (họ cũng chỉ ăn ngày mỗi ngày ba bữa) và càng chơi đồ cổ tranh cổ thì lại càng giàu thêm – nước vẫn chảy về chỗ trũng – cho nên khi chết gia sản của họ lớn lắm, chắc hơn gia sản của Tolstoi nhiều. Chẳng vậy mà Maugham vừa nằm xuống, bà con gái độc nhất đã kiện cha: Maugham cũng như bác sĩ South, một nhân vật trong truyện Kiếp người của cụ, không ưa con gái và chàng rễ, để gia tài lại cho một người thư ký giúp việc. Hình như hiện nay vụ kiện đó chưa xử xong và các nhà xuất bản Âu, Mĩ vẫn phải chờ đợi, chưa được phép tái bản tác phẩm của Maugham.

                  Như vậy thì văn chương ở các nước khác đắt như vàng, như kim cương nữa chứ.

                  Rẻ như bèo chỉ là ở Việt Nam. Trong suốt “bốn ngàn năm văn hiến” của mình, văn chương nuôi sống được bao nhiêu người?

                  Thời mà viết văn chưa thành một nghề, chỉ là một tiêu khiển trong lúc “công dư” thì giỏi lắm như Lê Quí Đôn, viết không biết mấy chục pho sách, có pho dầy cộm mà cũng chỉ được vua Lê Hiến Tôn thưởng cho hai mươi lạng bạc.

                  Phan Huy Chú may mắn hơn, được vua Minh Mạng thưởng cho ba mươi lạng bạc, một chiếc áo sa, ba mươi ngòi bút và ba mươi thỏi mực về công soạn bộ Lịch triều hiến chương loại chí, một công trình biên khảo trên hai năm, thuộc loại bách khoa, ngày nay dịch ra, in được non ngàn trang khổ lớn (17x24 phân) chữ nhỏ xíu, trang nào in đặc thì được tới ngàn chữ.

                  Dù sao thì hai cụ ấy cũng còn được hưởng chút ơn mưa móc, chứ cụ Nguyễn Du chỉ nhận được ít lời khen suông cùng với nhiều lời chê, khi rút ruột, nặn óc để viết xong truyện Kiều.

                  Thời xưa các cụ làm văn hoá thuần tuý, thôi không kể làm gì. Nếu làm việc quan mỗi tháng được vua cấp cho vài thúng thóc, vài quan tiền, không làm quan thì có vợ nuôi, cũng tạm đủ cơm ba bát, áo ba manh, không đến nỗi chết đói nên có thể huý hoáy viết năm này qua năm khác. Được sống như vậy kể cũng thú. Tôi dám chắc khi viết những cuốn Công dư tiệp kí hoặc Vũ trung tuỳ bút[4], các cụ sướng hơn chúng ta nhiều, khỏi phải lo cái ăn cái mặc, nhất là khỏi lo chạy đi bán tác phẩm.

                  *
                  * *

                  Từ hồi người Pháp qua đây, nghề in bắt đầu phát triển, chúng ta mới biết cái nghề cầm viết và bọn người mở đường là thế hệ cụ Tản Đà.

                  Thời đó văn đàn chia làm hai giới: cựu học và tân học. Các cụ cựu học làm văn hoá rất hăng, xắn tay lãnh cái việc “bàn giao”, nghĩa là biên khảo dịch thuật để truyền cổ học lại cho bọn tân học, nhưng xét ra trừ cụ Tản Đà, còn các cụ khác như Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ Mục… đều không mong sống bằng cây bút. Có chút ít ruộng vườn, được cụ bà buôn tần bán tảo mưu sinh cho gia đình rồi, các cụ có dùng cây viết mà kiếm thêm đồng nào thì cũng chỉ đủ chi vào cái món thuốc lào, trà tàu và xe pháo; một cuốc xe thời đó từ hàng Bông lên chợ Đồng Xuân chỉ có hai xu, không bao nhiêu.

                  Giới tân học như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Ngọc… phong lưu hơn. Phạm Quỳnh có xe nhà (xe kéo gọng đồng), Nguyễn Văn Vĩnh có xe “bình bịch” (xe máy dầu), lại có biệt thự ở đường Quan Thánh trông ra Hồ Tây, Nguyễn Văn Ngọc có một tiệm sách, tiệm Vĩnh Hưng Long ở phố hàng Đường mà phố hàng Đường ở Hà Nội cũng như phố Lê Lợi ở Sài Gòn. Các vị đó trong các cuộc hội hè, mỗi năm chắc được uống sâm banh dăm lần và nếu muốn thì mỗi tối có thể uống một cốc sữa con Chim (Nestlé) không pha cà phê vì hồi đó không ai biết dùng cà phê. Nhưng sự phong lưu của các cụ không chắc là nhờ cây viết: cụ Ngọc làm Đốc học, lương chắc cũng tới 100$ một tháng mà 100$ thời đó có thể bằng 150.000, 200.000$ bây giờ; cụ Vĩnh kinh doanh: mở nhà in, nhà xuất bản, bán báo ta, báo Tây, khai khẩn đồn điền, thất bại mới qua Lào tìm vàng; còn cụ Quỳnh thì được chính quyền trợ cấp hậu hỉnh, vì báo Nam Phong, làng xã trong Nam, công sở khắp nước đều phải mua năm.

                  Tóm lại, trong lớp người tiên phong chỉ có cụ Tản Đà là chuyên sống bằng cây viết thì đã phải la trời: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo!”.

                  Tới lớp sau, thế hệ 1930-1945 mới có nhiều nhà văn sống bằng cây viết. Phong lưu nhất chỉ có Khái Hưng và Nhất Linh, hai vị đó ra báo, không phải viết thuê, mà báo cùng tiểu thuyết đều được hoan nghênh, nên có mức sống đàng hoàng. Các nhà khác trong Tự lực như Tú Mỡ, Xuân Diệu… đều vừa làm công chức vừa viết văn, không phải là nhà văn chuyên nghiệp.

                  Còn những nhà trong các nhóm khác, như Tân Dân sống vất vả lắm. Vũ Trọng Phụng nghèo nhất, Trần Huyền Trân và Thanh Tâm vì ít bệnh nên khá hơn một chút. Trần Huyền Trân sống trong một chòi lá ở hồ Bảy Mẫu (?), có lúc phải đi quay phim[5] trong rạp chiếu bóng; Thanh Tâm mướn được một gian nhà ở khu phố Huế và vợ phải lãnh sách của nhà Tân Dân về khâu.

                  Tôi nghe nói một truyện dài độ 200 trang, nhà Tân Dân năm 1942 trả đâu 30$, một truyện ngắn vài ba đồng. Khó mà tính được một đồng bạc thời đó bằng mấy trăm đồng thời này. Nhà kinh tế học Fourastié Pháp có lối tính mới mẻ mà khá đúng là so sánh tiền công lao động một ngày mỗi thời, ví dụ tiền công thợ hớt tóc, nhưng tôi lại không nhớ công hớt tóc năm 1942 là bao nhiêu, chỉ nhớ lao công trong sở tôi lãnh khoảng 1$ mỗi ngày. Vậy một truyện 200 trang bán đứt (nghĩa là bán vĩnh viễn, nhà xuất bản muốn in bao nhiêu thì in, tái bản mấy lần cũng được, khỏi trả thêm tác quyền), chỉ hơn lương tháng lao công một chút.

                  Khỏi phải tả cảnh túng thiếu các anh danh sĩ ấy nữa. Vị nào không nghiện cơm đen[6] thì mỗi bữa còn được ba chén cơm trắng; dù không nghiện cơm đen, nhưng vợ phải nuôi một bầy con, không làm được gì khác nhất định phải than như Tú Xương: “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” (thời tiền chiến, ngoài Bắc gọi là toát xì cấu).

                  Ngày nay tình cảnh người cầm bút có khá hơn không? Khó mà trả lời dứt khoát được. Còn tuỳ.

                  Nếu chuyên viết truyện hàng ngày cho các nhật báo mà có một ngọn bút hấp dẫn, ăn khách, hay chỉ cần chuyên dịch truyện kiếm hiệp Kim Dung, thì cũng kiếm được bốn năm chục ngàn đồng một tháng là thường. Phong lưu, nhà có tủ lạnh, ti-vi, có muốn sắm máy lạnh hoặc một chiếc xe hơi cũ cũng được. Số tiền đó bằng hai lương chánh án đông con[7].

                  Nhưng viết tiểu thuyết hoặc biên khảo để… dự cuộc lựa giải Văn chương toàn quốc chẳng hạn thì đời sống khó khăn đấy. Có tài lắm mới viết đều đều mỗi năm được ba tập, mỗi tập trung bình 200 trang. Nổi tiếng lắm thì nhà xuất bản sẽ in cho 3.000 bản lần đầu và trả 10% (một biệt lệ đấy, chứ thông thường từ 5 tới 7%) mà giá bán cao lắm là 100$ hai trăm trang; vậy tác giả được lãnh 100$x3.000x10:100 = 30.000$, một năm ba tập: 90.000$, trung bình mỗi tháng không được 8.000$, không bằng tiền công một em sắp chữ mười lăm tuổi. Vậy các nhà văn đó có thể tự hào được sắp chung hạn với các danh sĩ Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Vũ Trọng Phụng… về mức sống chỉ ngang hay kém mức sống lao công.

                  Một truyện ngắn hoặc một cảo luận độ hai mươi trang đánh máy đăng tạp chí hồi 1940-42, nhuận bút được 3$, bây giờ độ 1.000$. Nhưng ăn cơm trọ thời đó 10$ một tháng, bây giờ tệ gì cũng là 3.000$-4.000$, tính ra thì cũng vậy. Ông thần Áo đỏ nước ta (tiếng Hán là Chu y, tức thần Văn chương, do một điển tích Trung Hoa), kể ra tài tình thật: thời cuộc có thay đổi, giá sinh hoạt có tăng thì thần vẫn giữ cho tình trang đa số các nhà văn được ở một mức bất di bất dịch: xưa có đủ cơm với rau muống thì nay cũng có đủ rau muống với cơm, mặc dù rau muống ngày nay đắt gấp ngàn lần rau muống thời tiền chiến, mà gạo thời này là gạo Mĩ hay Thái lan.

                  Nhưng có một điểm đáng mừng, một tấn bộ rõ rệt: sách báo mỗi ngày mỗi rẻ, bài vở mỗi ngày mỗi phong phú. Có kinh tế gia nào theo phương pháp Fourastié, so sánh giá đồng bạc Việt Nam năm 1930, 1940, 1950, 1960, 1968 với giá sách Việt Nam, chắc sẽ thấy giá sách xuống đều đều.

                  Tôi không có đủ con số, chỉ xin dẫn một thí dụ nầy. Truyện Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật khoảng 150 trang giá 1$, bây giờ bán độ 80$, một đồng bạc thời đó ít gì cũng bằng 300$ bây giờ; vậy giá sách không bằng một phần ba thời đầu chiến tranh. Mà cần chi phải xét cho xa, cứ xét ngay gần đây: từ năm 1954 tới nay giá sách chỉ tăng lên gấp đôi, trong khi giá sinh hoạt tăng lên gấpp bốn, cũng thấy chỉ trong 14 năm, giá sách đã giảm tới nửa rồi.

                  Báo ngày nay càng rẻ mạt: bài vở một số Bách Khoa chẳng hạn nhiều gấp ba một số Thanh Nghị năm 1941, mà giá một số Thanh Nghị ba hào, gần bằng 100$ ngày nay. Có người bảo sách báo ngày nay rẻ hơn rau muống, xét ra không ngoa.

                  Về riêng điểm ấy, chúng ta phải nhận rằng giá văn chương ngày nay đã được các nhà kinh doanh văn hoá hạ thấp xuống cho vừa túi tiền của đại chúng. Sách báo không còn là một xa xỉ phẩm nữa. Vì giá sách hạ xuống gấp đôi gấp ba, nên dù số sách bán được có tăng lên gấp đôi gấp ba thì người cầm bút vẫn phải sống bằng rau muống.

                  Một ông bạn già của tôi, thi sĩ Đông Hồ, bảo rất dở về con số, nhiều khi “nhìn vào con số mà cứ tưởng là thơ”. Nếu bài này tới mắt ông thì ông cho nó là một khúc ngâm hay một thiên trường hận?

                  Sàigòn 28.8.1968.



                  Chú thích:

                  [1] Tả Tư (250-305) tự Thái Xung, người Lâm Truy (nay là Truy Bắc, Sơn Đông). Thơ Tả Tư hiện còn 14 bài trong đó giá trị nhất là 8 bài “Vịnh sử thi”. (Theo website Thi viện: chép từ Lịch sử văn học Trung Quốc, NXB Giáo Dục, 2002). [Goldfish]
                  [2] Đúng ra thì đúng ký hiệu đồng bạc Việt Nam hồi trước là chữ S với hai “gạch đứng” chứ không phải một “gạch đứng”. [Goldfish]
                  [3] Năm 1973, mỗi quan ăn 120$ V.N.
                  [4] Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề; Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ. [Goldfish]

                  [5] Tức chiếu phim lên màn ảnh. [Goldfish]

                  [6] Tức thuốc phiện. [Goldfish]

                  [7] Thời đó vợ (nếu không đi làm) và con vị thành niên đều được hưởng phụ cấp. [Goldfish]
                  Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                  Comment


                  • #10
                    Hôn nhân và nghề cầm viết

                    Trong Dialogues des vivants – một tập tiểu luận viết theo thể đối thoại đưa ra một quan điểm rồi một bên bênh một bênh bác – André Maurois nêu ra vấn đề hôn nhân có thích hợp với công việc của nghệ sĩ không, nghĩa là nó có làm cho tài năng của nghệ sĩ nảy nở thêm không, hay chỉ làm cho nó thui chột đi. Cũng như đa số các vấn đề khác bàn trong tập đó, vấn đề này không thể giải quyết được. Ông chỉ kể trường hợp một số nghệ sĩ độc thân như Voltaire, Stendhal, Faubert, Proust và trường hợp một số nghệ sĩ khác lập gia đình mà vẫn sáng tác mạnh như Tolstoi, Hugo, Lamartine, Virgny, Coventry Patmore (ông có kể thêm trường hợp của chính mình nữa) rồi bỏ lửng, chẳng khẳng định gì cả. Khôn.

                    Không ai biết rõ thiên tài là cái gì. Các nhà tâm lí học đã nghiên cứu trí thông minh, tình cảm, ý lực mà chưa hề nghiên cứu tài năng, không biết nó tùy thuộc vào yếu tố nào, nảy nở ra sao, cơ hồ như không coi nó là một cơ năng như tình cảm, trí tuệ chẳng hạn, cho nên không bàn tới. Nó thật lạ lùng, có vô số hình thức, không một nghệ sĩ nào giống nghệ sĩ nào. Sáng sủa như Voltaire là một thiên tài mà tối tăm như Mallarmé cũng là một thiên tài; lập luận xác đáng, chặt chẽ là có tài mà chỉ tán dóc lập dị cũng được xem là có tài – tôi không mỉa mai chút nào đâu mà cũng chẳng ám chỉ ai cả. Sự nảy nở của nó không theo một qui luật nào cả: hạnh phúc có thể kích thích nó như Tolstoi khi viết Chiến tranh và Hòa bình mà đau khổ cũng kích thích nó như Victor Hugo khi viết Lá thu (Feuilles d’automne); lúc đó bà nhạt tình với ông mà mặn tình với Sainte Beuve, bạn thân của ông; khỏe mạnh thì sáng tác mạnh như Alexandre Dumas-cha, mà bệnh tật như Proust, sáng tác cũng vẫn mạnh; có kẻ bị cảnh túng bấn, nợ nần hối thúc, càng viết mau như Balzac; có kẻ càng phong lưu càng viết nhiều như Maugham, Maurois; mà có gia đình hay cô độc thì sáng tác vẫn được, thậm chí như Tchékov, gần suốt đời chẳng được người đàn bà nào yêu mà nghệ thuật rất cao; tội nghiệp ông ta phàn nàn rằng giá đánh đổi tất cả sự nghiệp của ông để được một người đàn bà lo ngại cho ông, sao tới bữa ăn mà chưa về thì ông sẳn lòng đổi liền!

                    Tài năng đã khó hiểu như vậy thì bàn nó chỉ là chuyện phiếm, đặt vấn đề hôn nhân với tài năng, lại càng phiếm nữa. Nên thu hẹp lại: Hôn nhân với nghề cầm viết.

                    * *
                    *

                    Ngày xưa các cụ chúng ta viết văn chứ không làm nghề viết văn. Các cụ dạy học, làm quan, cày ruộng, có khi chẳng làm một việc gì cả, sống nhờ tài quán xuyến của vợ, rồi lúc nào cao hứng thì làm thơ, làm văn để tiêu khiển, bày tỏ nỗi lòng, để thù tạc, lưu danh, tuyệt nhiên không phải để kiếm tiền. Viết rồi ai muốn khắc và in thì in, chẳng phải trả tiền nhuận bút, cũng chẳng cần xin phép tác giả. Tác quyền là quan niệm của phương Tây, không phải của phương Đông. Cụ nào như Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Du bỏ ra chục năm biên khảo, sáng tác được vua biết tới, thưởng cho ít lạng bạc, mươi cây bút, mươi thỏi mực quí, đã cho là may mắn lắm rồi, không cần gì hơn. Tiền bạc nào bằng danh dự ấy?

                    Mãi tới cuối thế kỉ trước, mới có những nhà văn được hưởng tiền nhuận bút. Người đầu tiên có lẽ là Trương Vĩnh Ký. Nhưng sống bằng cây bút thì Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh mớ là người đi tiên phong.

                    Tuy nhiên tôi vẫn không muốn coi hai nhà ấy làm nghề viết văn, là nhà văn chuyên nghiệp vì họ vẫn còn kinh doanh: ra báo, mở nhà in cũng là kinh doanh, kinh doanh bằng bút mực. Làm nghề viết văn, thì chỉ sống bằng cây bút, không làm nghề gì khác, mà sống một cách độc lập , nghĩa là không lãnh lương đều đều hàng tháng của riêng một cơ quan, một nhà báo, một nhà xuất bản nào, tóm lại không phải là một thứ tư chức hay công chức. Có thể bỏ vốn ra in tác phẩm của mình rồi giao cho một nhà phát hành, nhưng không xuất bản của của người khác. Dĩ nhiên, nếu có dư tiền thì có thể mua cổ phần của một công ti, mua đất cát nhà cửa cho thuê, nhưng không điều khiển công việc ấy, mà lợi tức chính vẫn là do cây bút cung cấp. Có thể dạy đại học một hai khóa về môn sở trường của mình, nhưng không dạy năm này qua năm khác, không sống bằng lương giáo sư.

                    Ở Âu Mĩ, đa số nhà văn nỗi danh như Hugo, Balzac, Maugham, London, Maurois, Cronin, Steinbeck… đều như vậy. Ở nước ta đa số nhà văn chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa hẹp ấy còn hiếm, cả nước không biết được năm, sáu người không, có lẽ vì thị trường sách vở còn hẹp, số độc giả ít, cây viết khó nuôi nỗi nhà văn, nhà văn nào cũng phải làm thêm một vài nghề khác mới đủ sống. Nhưng chỉ độ vài chục năm nữa, số đó sẽ khá đông, đủ họp thành một giới đặc biệt trong xã hội, có một lối sống riêng, một cách thức làm việc riêng; và cũng như trong mọi giới khác, đời sống gia đình phải thích hợp với sự phát triển của tài năng vì những lẽ đã trình bày ở trên, mà chỉ nghĩ tới sự thành công trong nghề thôi. Về phương diện này, địa vị của người đàn bà rất quan trọng: vợ giúp chồng được nhiều, không còn phải đặt vấn đề như Maurois nữa.

                    * *
                    *

                    Người ta có thể cưới nhau vì cả trăm lí do: theo tôi không lí do nào phù phiếm bằng người mình yêu có tài văn nghệ. Có tài, đành rằng quí thật, nhưng phải có cái gì khác nữa, chứ nếu chỉ có cái tài không thôi mà gắn bó với nhau thì quả là dại dột.

                    Tài thì ai bằng Balzac, tiểu thuyết gia bậc nhất của nhân loại. Hồi danh ông đã vang lừng khắp Châu Âu, ông nhận được bức thư ngưỡng mộ của một người đàn bà kí tên là “người xa lạ”. Bà ta quả vừa xa vừa lạ: Ở Ba Lan, chồng bà là Hanski một nhà quí phái Nga rất giàu nhưng già. Bà không biết mặt Balzac, chỉ biết văn Balzac. Vậy mà bà yêu Balzac, hai người thư từ với nhau, hẹn hò với nhau rồi đi du lịch với nhau ở Thụy Sĩ, ở Đức. Balzac mong từng ngày bà ta thành quả phụ để có thể cưới được – cái mộng suốt đời ông là có vợ quí phái và giàu, không cần đẹp – nhưng khi ông Hanski chết, Balzac ngỏ lời rồi hối thúc thì bà ta do dự rất lâu, vì ngán tính tình kì cục, thái độ kém phong nhã của ông; sau cùng, mãi đến khi ông đau nặng mới vì thương hại mà chịu làm phép cưới để ít tháng sau thành quả phụ một lần nữa.

                    Nhưng họ chưa điên bằng một cặp nọ: chỉ đọc văn nhau, không cần biết mặt mũi nhau, chàng đòi cưới nàng và khi thấy mặt nàng thì đành ngậm bồ hòn mà rán giữ lời hứa. Dĩ nhiên chỉ giữ được ít năm rồi chàng phải kiếm người khác.

                    Tôi vẫn trọng tình cảm vì bao nhiêu cái đẹp ở đời đều do tình cảm tạo ra cả, và khi hai tay buông xuôi, cái quí nhất để lại cho đời là chút thiện cảm ở trong lòng những người đã biết mình. Nhưng trong cái việc hôn nhân, muốn cho tình được bền thì không thể coi thường lí trí được, nghĩa là phải sáng suốt chứ không thể bốc đồng.

                    Trong trường hợp muốn kết hôn với một nhà văn thì sáng suốt có nghĩa là phải nhận định được và chấp nhận tính tình cùng lối sống của người đó. Và nếu lỡ kết hôn ít lâu rồi ông chống mới “đổ đốn” thành nhà văn thì phải tìm cách thích ứng với tình trạng mới cho khỏi có sự đổ vỡ. Mà như tôi đã nói, hạng nhà văn chuyên nghiệp ở nước mình còn hiếm, mới xuất hiện trong xã hội, nên ít người biết được tính tình, nhu cầu, lối sống của họ; nhất là hạng phụ nữ lại càng ít hiểu họ, dễ thất vọng vì họ mà sinh ra chua chát.

                    * *
                    *
                    Tôi không thuộc nòi nghệ sĩ như Baudelaire, nên không bi đát như ông mà tự nguyện rủa số phận của mình, khi ông viết trong bài Bénédicion:

                    Lorsque, par un décret des puissances suprêmes,
                    Le poète apparaît en ce monde ennuyé,
                    Sa mère épouvantée et pleine de blasphèmes,
                    Crispe ses poings vers Dieu, qui la prend en pitié.

                    Khi thi sĩ bị Trời đày đọa,
                    Xuất hiện trên cõi trần chán ngán này,
                    Thì bà mẹ kinh hoảng,
                    Đưa nắm tay lên thóa mạ trời, mà trời cũng mủi lòng.

                    Hay nhất là nửa câu cuối: qui la prend en pitié. Đời nhà văn chuyên nghiệp không đến nỗi thê thảm như vậy. Maugham, Maurois tuy chẳng là thi sĩ cũng là nghệ sĩ mà đời sướng hơn các ông hoàng; và các nhà văn nước ta dù chẳng được như hai nhà ấy thì nhiều lúc cũng có thể rung đùi tự hào rằng nếu vận tới thì “tôi làm trạng nguyên, anh làm tể tướng” không chừng, và vận chẳng tới thì mình cũng được độc lập, tự do chẳng phải ra luồn vào cúi, có thể khinh những ông tể tướng viết một câu không thành, khi mất chức rồi thì bị người đời nguyền rủa.

                    Nhưng cứ thực tế mà xét thì đời nhà văn chuyên nghiệp ở nước ta chưa có gì là tươi đẹp, ngay cả những người thành công cũng vậy. Những cái vui mới kể trên chỉ là một tâm trạng ngông thôi; cái vui chắc chắn hơn là cái vui sáng tác, cái vui được một số độc giả trung thành; những những cái vui này chỉ nhà văn mới cảm thấy, vợ con không cảm nổi. Chính sự nghèo túng mới là cái vợ con cảm thấy thấm thía!

                    Một số nhà văn thành công rực rỡ ngay từ buổi đầu như Tolstoi, Dostoievski, Jules Verne; đa số viết bốn năm năm rồi mới nổi tiếng, kiếm được tiền như Hugo, Dumas-cha, Balzac, G. Sand; một số khác phải tập viết mười năm như Maugham, Maurois. Maurois nhờ sinh vào một gia đình giàu có nên thời gian tập viết của ông rất ung dung. Maugham trái lại, có lúc phải chịu đói chịu lạnh, viết cả năm chẳng được đồng nào, có lẽ một phần vì vậy mà ông chua chát, không lạc quan khoáng đạt như Maurois.

                    Vậy ta đừng nên hi vọng có thể như Tolstoi, mạnh bạo nhắc nhà báo về khoảng nhuận bút ngay từ tác phẩm đầu tay, cứ nên cầm bằng rằng phải tập viết từ năm tới mười năm mới kiếm được tiền. Và khi có chút ít tiếng tăm rồi thì cứ như hiện tình, cũng đừng mong có thể sống ung dung bằng cây viết, nếu muốn giữ nhân phẩm.

                    Điều đó nhà văn cần nhớ kĩ mà vợ con lại càng nhớ kĩ hơn nữa. Tôi nghĩ trong giai đoạn tập sự ấy, nếu không nhờ được của phụ ấm, hoặc nếu không có một nghề kiếm ăn nào khác thì đừng nên lập gia đình vội. Nếu đã có vợ con rồi mà bốc đồng đổi qua nghề viết văn thì nên thuyết phục vợ để vợ chồng cùng kiên nhẫn chịu đựng cảnh túng thiếu năm mười năm tới khi thành công. Vì khi đã coi viết văn là một nghề thì phải chuẩn bị một thời gian để có một số kiến thức rộng và vững, nắm được kĩ thuật, biết rõ thị trường văn chương và tập thói quen viết mỗi ngày một số trang nào đó chứ không thể tùy hứng được. Ở đời không có nghề nào tùy hứng cả.

                    Vợ nhà văn mà hiểu được điều đó thì giúp được chồng khá nhiều trên con đường sự nghiệp. Nếu lại đảm đang, biết mưu sinh trong giai đoạn tập sự ấy thì không có gì quí bằng, và sự nghiệp của chồng sẽ là công của vợ. Nhưng xã hội của ta hiện nay, có bao nhiêu đàn bà như vậy? Có bao nhiêu đàn bà không phàn nàn về cảnh thiếu thốn trong nhà vì ông chồng không có tài kiếm tiền như hàng xóm, hoặc như ông anh rễ; có bao nhiêu bà không quên rằng chồng mình làm nghề cầm bút, chứ không phải là dân biểu, thầu khoán hay nhà xuất nhập cảng.

                    Tôi có cảm tưởng rằng thời xưa các cụ không biết cái nghề viết văn, mà các cụ bà như bà Tú Xương lại chính là những bà vợ kiểu mẫu của nhà văn; còn thời nay, nhiều nhà văn cần có vợ như vậy thì lại không biết tìm kiếm hoặc tìm kiếm không ra.

                    * *
                    *

                    Một nhà văn có một lối làm việc: người viết đứng như Hugo, kẻ viết nằm như Đông Hồ, đại đa số viết ngồi và sau này chắc các nhà văn của ta cũng sẽ đánh máy như các nhà văn phương Tây, một số sẽ đọc trước mày ghi âm, rồi có thư kí đánh máy lại; có nhà như Balzac được một nhà quí phái vẫy là bỏ hết công việc, nhảy qua Thụy Sĩ hay Ba Lan cả tháng, cả năm, về nhà lại cắm cổ viết, uống cà phê đặc quánh để viết mỗi ngày mười tám, hai mươi giờ, chân ngâm trong nước hột cải cho bớt nhức đầu; có nhà như Hugo sống rất chừng mực, viết điều mỗi sáng, buổi chiều nghỉ, lại nhà tình nhân. Lối nào cũng có kết quả, lối của Balzac tổn thọ hơn lối của Hugo. Nhưng dù sống rất chừng mực, làm việc đều đều như một công chức, nhà văn vẫn không phải là một công chức.

                    Họ khác nhau xa từ từ tính tình đến lối sống. Nhà văn sống một đời sống độc lập và tự lập: không nhận chỉ thị của ai, không chịu một kỉ luật nào trừ kỉ luật chính mình tự đặt cho mình; họ tự tạo lấy giá trị của mình chớ không phải nhờ một quyền uy nào cả, có khi từ chối cả những danh dự thế tục coi trọng nữa, cho nên tính thường ngang tàng, kì cục ít nhiều, bất chấp dư luận, thích cái gì thì làm cái đó, dù biết nó không có lợi về danh vọng, tiền bạc. Bà Tolstoi không hiểu tâm lí ấy của chồng nên phàn nàn rằng sao ông không chịu viết tiểu thuyết mà viết những sách tập nhăng nhít cho con nít; sao ông không nhận tiền đặt trước cả vạn rúp (Nga Kim) của các nhà xuất bản, mà đi viết những truyện bình dân bán ba xu một tập.

                    Một số nhà văn, nhất là các tiểu thuyết gia đại tài còn có tính tình kì cục này nữa là thay đổi như chong chóng, lúc muốn thế này, lúc muốn thế khác, tâm hồn đầy mâu thuẫn. Trường hợp điển hình nhất là Tolstoi: ông vừa muốn giữ những đặc quyền quí tộc của ông, mà lại muốn làm bình dân, ăn mặc như nông dân, muốn chia ruộng đất cho nông dân mà cứ lại tậu thêm điền trang; ham săn bắn mà lại muốn che chở cho loài vật; mạt sát đàn bà là gây tật xấu cho đàn ông mà xa vợ ít bữa thì chịu không nổi; thích ăn ngon mà lại hô hào cả nhà ăn chay…

                    Một số khác như Dostoievski, Maupassant… sau mỗi cơn bệnh thần kinh ý tưởng mới dồi dào, sâu sắc. Một phần kinh Coran là do Mohamed đọc để cho đệ tử chép sau những cơn động kinh của ông.

                    Những tật đó có lợi cho sự nghiệp của họ nhưng có hại cho hạnh phúc gia đình; nhà văn thường đau khổ, cô độc, nỗi đó người thân phải hiểu cho họ.

                    * *
                    *

                    Nhưng dù tâm trạng họ có bình thường thì họ cũng có một lối sống khác các giới công chức hay kinh doanh. Những nhà viết tiểu thuyết, nhất là viết báo phải du lịch nhiều, giao thiệp rộng để kiếm đề tài; những lúc nghỉ ngơi họ cũng thích tán dóc và nếu gặp bạn tri kỉ trong giới của họ thì có thể hết đêm mà chưa hết chuyện; nhưng xét chung họ không ưa xã giao, mất thì giờ vào những chuyện mưa nắng, vớ vẫn của những kẻ mà Montherlant gọi là Chronophage (ăn thì giờ).

                    Maurois đã mấy lần mạt sát bọn Chronophage ấy mà lần mạnh nhất là trong cuốn Lettres à l’inconnue[1]. Con người phong nhã đó mà phải thốt những lời căm tức, hằn học như vầy:

                    “Con vật đó – tức bọn ăn thì giờ của người khác – cả gan một cách không tưởng tượng nổi. Nó dám viết thư cho các tác giả nó không quen, buộc người ta phải trả lời ngay; nó tàn nhẫn tới cái mức gởi kèm theo một con cò làm cho người nào lương thiện nhận được thư đâm ra khó xử. Chẳng có việc gì cả nó cũng xin được hội kiến và nếu cho nó hội kiến thì thật là tai hại, nó cứ đeo dính cho tới lúc chủ nhân bực mình không còn giữ lễ độ được nữa (…) Nó y như một con chó mà thực khách đã dại dột liệng cho nó miếng thịt gà thì nó không chịu rời ra nữa, ngước mắt lên năn nỉ, lấy chân cào cào đòi cho được miếng khác (…)”.

                    Và ông khuyên ta phải “tàn nhẫn với bọn đó, diệt chúng chớ đừng thương hại”, vì “đời sống của ta là gì, nếu không phải là thì giờ?”.

                    Nhà văn chuyên nghiệp nào thì cũng rất ít thì giờ và được phút nào rảnh thì họ thích sống với thiên nhiên, với sách vở, tâm tư hơn là với hạng người tào lao. Nhất là trong khi làm việc, họ không muốn bị quấy rầy. Ở nước ta chắc ít nhà văn cương quyết như Maurois mà dù cương quyết cũng không sao tránh hết được bọn phá quấy ấy nếu không được “che chở” một cách hiệu nghiệm. Ở phương Tây, các nhà văn có tên tuổi thường mướn thơ kí. Khách tới, cô thơ kí tùy từng người, xét xem có nên cho vô hội kiến hay không; cô trả lời điện thoại (điện thoại là cách xâm nhập nhà người khác mà không báo trước), trả lời cả những bức thư không quan trọng hoặc liệng vào sọt rác những bức hư dài dòng, vớ vẩn; tóm lại là làm nhiệm vụ “che chở” nhà văn nếu không thì nhà văn không còn phút nào để viết nữa.

                    Ở nước ta, chưa có nhà văn nào mướn nổi thơ kí thì vợ hoặc con phải đảm nhiệm công việc ấy. Có người treo một dấu hiệu riêng ở cửa, bạn thân nhìn dấu hiệu mà biết chủ nhân có nhà hay không, nếu có thì cứ việc vô; còn người lạ tới thì luôn luôn có người ra đáp rằng chủ nhân đi vắng.

                    Công việc tiếp khách lạ ấy rất tế nhị, phải là người đàn bà thông minh, nhã nhặn thì mới làm thay chồng được. Một số người không hiểu nổi đời viết văn, đã không “che chở” cho chồng mà còn bắt chồng tiếp tất cả bạn bè, họ hàng của mình; muốn được tiếng có chồng lịch thiệp thì tốt hơn nên kiếm một nhà kinh doanh hoặc một dân biểu.

                    Còn cái việc đọc thư và trả lời thư độc giả tôi chắc nhà văn nào của mình cũng phải làm lấy. Nhiều ông còn không dám để địa chỉ ở nhà nữa mà mượn địa chỉ của sở hoặc tòa soạn một tờ bào, sợ các bà ghen.

                    Tôi không “làm luân lí”, chỉ xin trình bày ít nhận xét khi đọc ttiểu sử các văn nhân đông tây. Xét chung, các nhà nghiên cứu về biên khảo thường có một đời sống đứng đắng. Nhà văn kiểu mẫu của phương Đông về phương diện tình ái là Tư Mã Quang; sử gia đời Tống đó đã bỏ ra hai mươi năm soạn bộ Tư tri thông giám, mỗi ngày cặm cụi ghi chép tài liệu đặc ba mét rưởi giấy, tới nỗi bản thảo của ông chứa đầy hai phòng. Hồi ông mới làm một chức quan nhỏ, thấy vợ chồng ăn ở với nhau mấy năm mà chưa có con, bà tự ý kiếm cho ông một nàng hầu mà ông không hay. Ông không hề để ý tới thiếu nữ đó, cơ hồ như không biết nàng có trong nhà nữa. Vợ tưởng chồng còn ngượng vì mình, một buổi tối xin phép chồng đi đâu đó và dặn nàng hầu trang điểm xong thì vô ngay phòng ông. Khi Tư Mã Quang thấy nàng vô ngạc nhiên hỏi: “Bà đi vắng, sao đám vô đây?” Rồi đuổi nàng ra. Tội nghiệp cho nàng, vừa sợ, vừa bẽn lẽn, riu ríu bước ra liền.

                    Khi ông đã vang danh trong nước mà vẫn nghèo, có người tên là Lưu Mông ngưỡng mộ ông, bán cả ruộng đất được năm chục vạn đồng tiền, tặng ông hết “để ông mua một nàng hầu châm thuốc mài mực cho ông”, ông viết một bức thư rất cảm động để tạ lòng và nhất định từ chối. Có thể gọi ông là Liễu Hạ Huệ đời Tống.

                    Các học giả của ta như Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, của Tây như Michelet, Renan, Bergson, ngay cả Maurois nữa, nếu không được cái đức như Tư Mã Quang thì đó cũng là những người nghiêm trang, được vợ tin cậy.
                    Trái lại, các nghệ sĩ Đông cũng như Tây, xưa cũng như nay, đều không ít thì nhiều, có máu… “nghệ sĩ” cả. Tư Mã Tương Như, Lý Thương Ẩn, ngay cả Tô Đông Pha cũng yêu thanh sắc. Hai lần làm quan ở Hàng Châu, nơi mà cảnh và người đẹp mê hồn, Tô thường dắt theo một ca nhi (ngày nay ta gọi là ca sĩ) dạo cảnh Tây Hồ mà ông ví với nàng Tây Thi, khi vui đã đẹp, lúc buồn cũng đẹp. Ông làm những bài từ cho họ hát, có khi dắt họ vào chùa để phá các vị hòa thượng. Nhưng ông không đam mê như Đỗ Mục, và cứ xét bề ngoài thì các nghệ sĩ phương Đông chúng ta thời xưa không quá phóng túng như các nghệ sĩ phương Tây thế kỉ thứ XIX. Đọc tiểu sử của Balzac, Dumas-cha, Goethe, v.v… ta có cảm tưởng đời họ chỉ có hai việc chính là viết lách và “làm ái tình”, lúc nào buồn thì làm thêm chính trị. Vị nào cũng có hai ba cô nường một lúc, có vị như Hugo còn cẩn thận ghi vào nhật kí tên những nường – dĩ nhiên là ghi sao cho vợ không đọc ra được – đã ái ân với mình: trước sau chắc tới con số trăm. Còn Tolstoi thì tự sỉ vả mình hoài về cái tật đó.

                    Bản tính họ như vậy, họ khác hẳn hạng đạo mạo ở trên như trâu khác với dê, và các bà các cô có giỏi lắm thì chỉ ngăn cản họ được tí tí thôi. Ta nên cho đó là chuyện thường tình, chỉ khi nào loài dê mà khoát áo thầy tu (coi trong Histoires d’amour de l’Histoire de France), ta mới thấy tởm.

                    Khi gặp phải ông chồng có nghệ sĩ tính, đàn bà phương Đông thời xưa có thái độ an phận, hi sinh, chẳng hạn bà Tô (Đông Pha) mặc cho ông Tô dạo cảnh Tây Hồ với ca nhi, mà còn cưới cho ông nàng Triệu Vân mới tới tuổi trăng tròn khi ông tứ tuần có lẻ. Còn người đàn bà phương Tây thì như G. Sand hô hào thuyết nam nữ bình quyền về ái tình, nói nôm na là thuyết “ông ăn chả, bà ăn nem”; hoặc như bà Hugo, chẳng tốn công lí thuyết, cứ lặng lẽ thực hành, hẹn hò với Saint Beuve, khiến cho Hugo phải than thở về tình bạn và vợ và sáng tác được tập thơ bất hủ Lá thu; bà Tolstoi, trắng trợn hơn nữa, ve vãn một thầy đờn đáng tuổi em út mình và ngay trong nhà mình, tới nỗi chính thầy đờn đó phát ngượng, mắng cho bà một trận.

                    Tôi noi gương Maurois, chỉ trình bày một số trường hợp như vậy, chứ không kết luận.

                    Về thái độ đối với tiền bạc, giới cầm bút như các giới khác có hai hạng người: hạng căn cơ và hạng phá của.

                    Căn cơ như Goethe và Hugo. Goethe hồi độc thân cũng như hồi có vợ, giữ sổ sách chi tiêu rất cẩn thận. Về già, khi danh ông vang khắp châu Âu, bán tác phẩm nào cũng được triệu bạc mà còn làm đơn xin triều đình Weimar giảm thuế cho, lấy lẽ rằng ông nhận được quá nhiều thư từ, hồi âm rất tốn kém. Nhà vua Charles Auguste, bạn thân của ông, mỉm cười chấp nhận.

                    Goethe còn thua Hugo xa. Hugo bao một đào hát là Juliette Drouet, cấm ngặt cô không được tiếp một người đàn ông nào khác mà chỉ thí cho cô một số tiền vừa đủ để khỏi chết đói, đến nỗi cô phải bán hết tư trang rồi bận áo vá, không dám xin tiền ông may áo mới. Ông đưa cho cô đồng nào thì bắt cô ghi ngay vào sổ, và tiêu món tiền nào dù chỉ một vài xu, cũng phải biên sổ cho ông soát. Tôi nghiệp, có lần cô phàn nàn kiếp mình không bằng kiếp con “ki ki” bị nhốt cũi, mỗi ngày được một dĩa sữa và được chủ cầm dây xích dắt đi dạo phố một vòng. Maurois bảo tại hồi trẻ Hugo nghèo, chỉ có vài cái áo sơ mi và hai xu mỗi ngày, nên khi kiếm được nhiều tiền vẫn quen tính cần kiệm.

                    Nhưng Dumas-cha hồi trẻ cũng rất nghèo, khi lên Paris kiếm việc chỉ có vài chục quan trong túi, mà sao[2] coi tiền như rác. Ông bỏ ra năm sáu trăm ngàn quan[3] cất một lâu đài lố lăng đặt tên là Monte Cristo, khách khứa dù quen hay không quen, cứ lại nhà ông mà ăn dằm nằm dề, thiếu tiền tiêu thì ông cung cấp cho. Dĩ nhiên chỉ được một năm, phải bán lâu đài và chỉ thu được hai trăm ngàn.

                    Tolstoi, Dostoievski đều có hồi đam mê cờ bạc, một đêm nướng cả ngàn rúp. Balzac không cờ bạc thì ham mua ngựa, mua xe, may những bộ đồ rất sang để ra vẻ quí phái, đeo kim cương, ngọc thạch, sắm đủ thứ các đồ đồng đồ bạc bày chật cả nhà, cho nên tuy kiếm được rất nhiều tiền mà suốt đời phải trốn nợ, có lần suýt bị ngồi tù vì nợ.

                    Xét chung thì hạng nghệ sĩ thường có tật phung phí. Thực may cho họ nếu vợ họ biết ngăn họ lại. Nhưng cũng nên vừa phải thôi kẻo mà bị một ông chồng như Tolstoi sỉ vả chỉ ham bạc cắc. Hai đại văn hào bậc nhất của Nga, Tolstoi và Dostoievski giống nhau ở điểm cả hai đều có vợ rất đảm đang: bà Dostoievski tự xuất bản lấy sách của chồng và chỉ để cho nhà sách có 5% huê hồng; bà Tolstoi học được kinh nghiệm đó, cũng mở nhà xuất bản riêng, mặc dù công việc quản lí điền trang cũng đã bận lắm rồi.

                    Ngày nay ở Âu Mĩ, các nhà văn có tên tuổi và viết nhiều, thường giao công việc thương lượng với các nhà xuất bản và thu tác quyền cho một người đại diện (agent). Chúng ta muốn xin dịch một tác phẩm của họ thì phải giao thiệp với đại diện của họ. Nếu những nhà văn đó có một người nội trợ biết giữ tiền và xuất phát thì họ không còn phải bận tâm về việc nong nữa, trí óc được thảnh thơi trứ tác.. Ở nước ta, có nhà văn nào có được hạnh phúc đó không? Dale Carnegie đã phàn nàn trong cuốn Quảng gánh lo đi rằng phụ nữ rất ít người biết giữ tiền. Phụ nữ mình về phương diện ấy có giỏi hơn phụ nữ phương Tây không? Tôi ngờ lắm. Đa số hoặc keo kiệt, hoặc huy hoắc quá, mà lại dễ tin người nên dễ bị lường gạt. Ôi! Giá khỏi phải lo việc tiền nong thì thú quá, nhất là trong thời buổi này, kẻ nghèo đã khổ, người có dư một chút cũng không an tâm mà kẻ có bạc tỉ thì lại càng lo ngay ngáy.

                    Nghệ sĩ và triết nhân như Tô Đông Pha cũng phải lo về việc tiền nong: mỗi tháng lãnh lương ông chia làm ba chục xâu, cột lại rồi treo lên xà nhà, mỗi ngày lấy xuống một xâu mà tiêu và rán để dư một chút phòng khi có khách khứa. Vậy mà có lần túng thiếu, thấy con nheo nhóc, ông rầu rỉ suốt ngày, bà Tô phải an ủi lấy ra một vò rượu cất từ hồi nào, rót mời ông một chén để ông tiêu sầu. Bà Tô thật là một bà vợ hiếm có.

                    * *
                    *

                    Bà còn đáng quí ở chỗ biết phục tài của chồng, hãnh diện rằng chồng được tất cả dân Hàng Châu từ quan lại, tăng đồ, ca nhi tới nông phu ngưỡng mộ, và thỉnh thoảng khen ông kín đáo thôi, chứ không “trát từng bay” như Juliette Drouet.

                    Trong mấy chục năm, Juliette ngày nào cũng viết thư cho Hugo mặc dù ngày nào cũng gặp ông, và trong hai chục ngàn bức thư, bức nào cũng có lời như: “Anh vĩ đại nhất, anh đẹp nhất… Anh cưng, em xin lỗi anh nhé, sao mà em yêu anh thế… Được thấy anh tức là được sống, được hôn anh tức là được lên Thiên đường, vân vân…”. Tâm hồn chúng ta có thể khác tâm hồn của Hugo, không mấy ưa cái giọng đó lập đi lập lại hàng ngày, năm này qua năm khác, mà chính Hugo có lẽ nhiều hôm cũng bực mình, thấy nét chữ của Juliette là gạt qua một bên, mà tìm nét chữ quen thuộc của một nữ độc giả hâm mộ ông; nhưng được người thân nhận định đúng tài năng của mình, cả sở trường lẫn sở đoản, thì nhà văn phấn khởi hơn, đủ nghị lực để chịu đựng mọi khó khăn của nghề, mọi sự ghen ghét, phản bội nữa.

                    Vì thành công thì thế nào cũng có kẻ thù. Được nhiều người mến như Maurois mà cũng viết: “Có một hạng người phải chiến đấu, tức hạng nghệ sĩ, chính trị gia, ngày nào cũng cần một liều sinh tố trung tín, ngưỡng một”. Tôi đồng ý với ông ấy nhưng không ưa từ “sinh tố ngưỡng mộ”.

                    Hồi đầu thế chiến vừa rồi, thi sĩ Trần Huyền Trân có lần vô Saigon và cho tôi coi một tấm khăn lụa Hà Đông trên đó một nữ độc giả thêu một đoạn trong tiểu thuyết của ông để tặng ông. Công thêu mất mấy ngày, nhưng đoạn văn quả là tầm thường. Ngưỡng mộ đấy nhưng không phải tri kỉ. Cho nên tôi ưa hai chữ “tương tri” hơn. Đoán được dụng ý của nhau, cái “tại ngôn ngoại” của nhau, nhất là đoán được thái độ, hành động của nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó mới là tương tri. Cái đó mới là lạc sự ở đời, mà cái đó rất hiếm trong gia đình. Lạ thật, cơ hồ càng ở gần nhau người ta ít hiểu nhau. Ở nước ta tôi mới thấy người ta đồn rằng nhà văn Nguyễn Nhật Tiến được hưởng cái vui đó. Có một thông lệ, gần như luật thiên nhiên nữa, nhà văn viết để cho thiên hạ đọc, còn chính vợ con của họ thì chẳng baogiờ đọc cả. Chẳng đọc thì cũng chẳng sao, nhưng có bà còn khoe với bạn bè rằng “chẳng bao giờ tôi thèm đọc văn của ảnh”. Quí hóa thật!

                    Vì thiếu sự tương tri trong nhà, nên nhiều nhà văn phải tìm nó ở bốn phương, và gặp được thì không vui gì bằng. Juliette Drouet hồi trẻ gần như một ả điếm, mà khi gặp Hugo thì tính tình thay đổi hẳn, bỏ hết thói xa hoa, chia xẻ mọi nỗi cực khổ với ông trong cuộc cách mạng 1848 và trong thời lưu vong với ông. Nàng Triệu Vân khi làm thiếp của Tô Đông Pha, mới mười tám tuổi, bắt đầu học hành, sau theo gót lưu đày của ông trên mấy ngàn dậm, từ miến Bắc tới miền Nam Trung Hoa mà mất ở Huệ Châu (Quảng Đông); chẳng những Tô mà các bạn của Tô đều nhận nàng là một Phật bà giáng trần để an ủi ông trong những bước gian truân nhất đời ông. Hai người đàn bà đó chẳng cần trứ tác cũng lưu danh trong văn học sử. Tôi tự hỏi phải có thiên tài như Hugo, Tô Đông Pha mới gặp được Juliette, Triệu Vân; hay phải có tấm lòng như Juliette, Triệu Vân mới nhận được giá trị của Hugo, Tô Đông Pha. Và trong mỗi cặp, ai sướng hơn ai? Chẳng bù với các bà vợ hoạn nạn chỉ mới có thể tới gần thôi mà đã định cuốn gói thoát thân trước, mặc cho chồng ở lại một mình đối phó.

                    Tâm hồn con người thật phức tạp, có thể tương tri ở khía cạnh này mà không tương tri ở khiá cạnh khác. Bà Tolstoi nhận định rất đúng tài năng của chồng, khen Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karénine, Cái chết của Ivan Ilithch nhưng lại không hiểu được tâm trạng mâu thuẫn, day dứt bất tuyệt của ông, nên bi kịch mới xảy ra khiến bà ân hận suốt đời.

                    Khi đã về già mà không kiếm được bạn tương tri, Goethe đành phải tìm sự hi sinh và ngưỡng mộ: ông cưới một thiếu nữ quê mùa, dốt nát, đọc không thông, lại xấu xí, thô tục, chỉ được mỗi một đức là phục tòng ông rất mực và dám đưa thân hình vạm vỡ ra che chở ông khi quân Pháp muốn bắn ông. Các bạn bè, nhất là tình nhân cũ quí phái của ông tự lấy làm xấu hổ thay cho ông, tuy không tuyệt giao với ông, nhưng coi vợ ông như một con ở. Duy có bà mẹ triết gia Schopenhauer là chịu tiếp vợ ông: “Ông đã đem tên họ mình tặng cô ả được thì tại sao tôi lại không tặng cô một chén trà?” Goethe dại hay khôn?

                    * *
                    *

                    Chồng viết văn có nên cưới vợ viết văn không? Cái đó còn tùy. Chồng có tài hơn vợ thì được, nếu vợ có tài hơn chồng thì hạnh phúc khó bền.

                    Aurore Dudevant (tức Geoge Sand) khinh chồng – Casmir – là cục mịch, không hiểu văn chương, hễ cầm cuốn sách là ngủ gục, xin li thân, rồi cùng với một thanh niên là Jules Sandeau nhỏ hơn nàng cả chục tuổi, dắt lên Paris tính mưu sinh bằng cây viết.

                    Chàng và nàng viết chung một tiểu thuyết nhan đề là Hồng và Bạch, kí tên là J. Sandeau. Rồi nàng viết tiếp một truyện khác, truyện Indiana, lần này viết một mình vì chàng đau, nghi là ho lao.

                    Đọc bản thảo Indiana, Sandeau thấy tài của nàng hơn mình quá nhiều, sinh ngượng, không chịu kí tên chung nữa, và nàng kí tên một mình, lấy bút hiệu Geoge Sand. Truyện Indiana làm cho bà nỗi danh liền: Sandeau không còn dám viết. Nàng khuyến khích rồi thúc giục . Chàng phát cáu: “Anh muốn anh viết ư? Anh cũng muốn viết lắm chứ, nhưng viết không được. Anh bẩm sinh không được như em, có cái lò xo bằng thép trong óc chỉ cần bấm nút là ý chí hoạt động liền”. Tới cái nước đó chỉ còn cách là xa nhau. George Sand tỏ ra rất cương quyết, xử sự như đàn ông, đoạn tuyệt một cái một. Nàng cho người khác mướn căn nhà Jules Sandeau đang ở, xin cho chàng một tờ thông hành qua Ý, đưa cho chàng một số tiền lộ phí. Thật là chu đáo!

                    Đàn bà có tài hơn đàn ông là chuyện thường, nhưng trong xã hội chúng ta hiện nay, chồng làm một nghề với vợ mà thua vợ thì tự cho là nhục. Vợ có thể rất tế nhị, tỏ vẻ khiêm tốn, nhường nhịn chồng, nhưng xã hội chỉ xét giá trị tác phẩm của họ thôi, mà kẻ độc miệng không phải là ít, nên người chồng không thể nào không ngượng được. Vô lí thật đấy, nhưng từ bao nhiêu thế kỉ nay đàn ông vẫn tự cho mình là hơn đàn bà, nay tự thấy thua ngay trên khu vực của mình thì làm sao lòng tự ái không bị thương tổn? Chẳng riêng gì về văn chương, về ngành kịch, ngành họa cũng vậy, chồng mà kém vợ nhiều quá thì gia đình khó hạnh phúc, trừ khi chồng hơn hẳn vợ về một điểm nào khác.

                    Ngược lại, nếu chồng có tài hơn vợ thì cả hai có thể làm nhà văn chuyên nghiệp, nhưng phải khéo tổ chức việc nhà thì đời sống mới bình thường được vì viết văn là một nghề dễ đam mê, mà đa số người viết văn ít quan tâm tới việc nhà. Cho nên giải pháp hay hơn cả là nếu cây bút của chồng đủ nuôi gia đình thì vợ chỉ nên tiếp tay với chồng thôi. Bà Tolstoi quản lí một điền trang mênh mông, chỉ huy hàng chục gia nhân và cả ngàn nông nô mà tối còn chép bản thảo Chiến tranh và Hòa bình cho chồng, có chương chép lại tới bảy lần! Juiliette Drouer theo Hugo trong thời lưu vong ở đảo Guernesey chép bản thảo Những kẻ khốn cùng, say mê tới nỗi hối Hugo viết cho mau để được biết em bé Cosette sau đó thoát khỏi nanh vuốt của mụ Thénardier không, hành tung của Jean Valjean có bị tên trùm Javert dò ra không…

                    Giúp chồng đắc lực hơn cả có lẽ là bà kế thất của của Maurois. Bà có của riêng, lại vốn dòng thư hương, là con nuôi của Anatole France, chơi thân với gia đình Marcel Proust. Đánh máy giỏi, lại chịu học thêm tốc kí Pháp và Anh – thời đó chưa có máy ghi âm – để làm thư kí cho chồng; bà có một thư phòng riêng ở sát thư phòng của ông, đánh máy bản thảo cho ông, tiếp khách khứa, trả lời thư từ của độc giả và kiếm tài liệu cho ông viết về Marcel Proust và về Balzac. Tôi chắc ông đã mang ơn bà rất nhiều. Trong cuốn Thư gởi người đàn bà không quen biết, ông nhận rằng ông quí vợ hơn những người đàn bà khác và đã tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân. “Người đàn bà không quen biết” mỉa ông: “Thôi đi! Nên thành thực một chút nào! Những chùm nho kia xanh quá mà. Cụ thú thực đi, đôi khi cụ cũng tiếc những cuộc phiêu lưu mà cụ không dám (…) Có những những đàn bà trẻ đẹp hơn cụ bà mà”. Ông cãi bướng: “Mặc chứ! Tôi không ham các bà trẻ đẹp hơn. Thì cô làm gì được nào?” Sự thực, sau thế chiến vừa rồi, hồi ông vào khoảng lục tuần qua Nam Mĩ diễn thuyết đã không chống lại nỗi sức quyến rũ của một cô đào trẻ rất đẹp và cuộc tình duyên trong hai mươi ngày “đã làm cho ông trẻ lại” (lời của ông) đó là đề tài “tiểu thuyết” hay tự truyện – Những bông hồng tháng chín (Les rose de Septembre), những bông hồng cuối mùa.

                    Nói cho ngay, một phần cũng tại bà. Bà có tham vọng muốn chồng mình thành một văn hào, luôn được thiên hạ nhắc nhở tới, đề cao. Trước kia ông viết tài tử lâu lâu một cuốn, còn để thì giờ hưởng cuộc đời nghệ sĩ: dạo cảnh với mỹ nhân, đọc sách. Rồi từ khi cưới bà, bỗng nhiên ông viết mỗi năm hai cuốn và nhiều bài báo nhận được hết danh dự, này đến danh dự khác. Bà không muốn cho ông sống tà tà nữa, thúc đẩy ông, vận động cho các viện đại học mời ông diễn thuyết, các tạp chí xin ông bài, các nhà xuất bản com-măng ông tác phẩm, rốt cuộc ông phải làm việc như trâu.

                    Nhưng tham vọng của bà đã hại bà. Vì bà lập mưu để ông được mời qua Nam Mĩ diễn thuyết lần đó, không ngờ đẩy ông vào cánh tay nõn nà của một cô đào hát nhỏ hơn ông ba chục tuổi. Bà nổi ghen lên thì ông lại chọc tức bà thêm, chép lại truyện tình đó gọi là tiểu thuyết và gởi bà mấy hàng khiêu khích này ngay ở đầu truyện:

                    Nhắn em Simone,

                    “Tiểu thuyết này là một tiểu thuyết, những nhân vật này là những nhân vật tiểu thuyết. Ai muốn nhận ra ở đó những người có thực, đương sống hay đã chết, thì chỉ tỏ rằng mình chẳng hiểu tiểu thuyết và nhân vật tiểu thuyết là gì cả”.

                    Thì ra có một người vợ đắc lực quá đôi khi cũng là một cái tội.

                    Thực hợp tác với nhau, nghĩa là cùng viết, cùng kí tên chung một tác phẩm thì ở Việt Nam tôi mới thấy có ông bà Đông Hồ, ở Mĩ có ông bà Durant.

                    Thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết chỉ kí tên chung một tập mỏng: Hà Tiên thập cảnh, nhưng tôi chắc công của Đông Hồ trong cuốn tiểu thuyết Nàng Ái cơ trong chậu úp của Mộng Tuyết không phải là ít. Hai ông bà chắc tìm tài liệu với nhau, cùng xây dựng truyện với nhau nữa. Và ai đọc hai nhà đó cũng nhận thấy bút pháp giống nhau đến bảy tám phần mười.

                    Bà Ariel tuy không viết nhưng đã góp công với chồng, Will Durant, trong già nửa bộ Lịch sử văn minh… gồm ba mươi ba cuốn, mỗi cuốn trung bình 400 trang, bản tiếng Pháp của nhà Rencontre-Lausanne, Thụy sĩ. Hễ đọc xong tài liệu nào ông đưa cho bà đọc, rồi cả hai đều thảo luận với nhau, lập bố cục, sau cùng ông viết, bà đọc lại, thêm bớt. Cô con gái lãnh việc đánh máy, ghi xuất xứ. Cả một gia đình hợp tác với nhau trong mấy chục năm để phụng sự văn hóa, thật là hiếm có.


                    * *
                    *

                    Đã được đọc khá nhiều đời sống văn nhân phương Tây, tôi chưa thấy cặp nào có hạnh phúc như cặp Bertrand Russell và Edith Russell.

                    Bertrand suốt đời đi “tìm tình yêu”. Vì ông cho nó là “niềm vui cực độ”, nó “giải thoát cho ông khỏi cảnh cô liêu” trên đời, nó là “cảnh thiên đường mà các vị thánh và các thi sĩ mơ tưởng”. Sau ba lần thất bại với ba bà vợ, tám mươi tuổi ông mới thành công, gặp bà Edith Finch nhỏ hơn ông ít nhất là hai chục tuổi. Bà không hiểu triết, không hiểu toán, tuy cũng giúp ông đọc thư, trả lời thư độc giả khắp nơi gởi về cả đống, tiếp khách hoặc đuổi khéo khách nữa, nhưng sự hợp tác về văn chương thật sự chẳng có gì, vậy mà ông cám ơn bà không biết bao nhiêu, bảo nhờ bà ông mới quên hết được những cảnh ghê tởm trên thế giới, hạnh phúc của ông mỗi ngày một tăng, “không đoán được tới đâu là cùng”; và khi in bộ Tự truyện[4] vài năm trước khi mất[5], ông đề tặng bà như sau:

                    To Edith

                    Through the long years,
                    I sought peace,
                    I found ecstasy, I found anguish,
                    I found madness,
                    I found loneliness,
                    I found the solitary pain
                    that gnaws the heart,
                    But peace I did not find.

                    Now, old and near my end,
                    I have known you,
                    And, knowing you,
                    I have found both ecstasy and peace
                    I know rest
                    After so many lonely years.
                    I know what life and love may be.
                    Now, if I sleep
                    I shall sleep fulfilled.[6]

                    Tặng Edith

                    Trong bao năm đằng đãng
                    Anh đã tìm sự yên ổn,
                    Anh đã thấy niềm vui cực độ, anh đã thấy nỗi lo lắng.
                    Anh đã thấy sự điên cuồng
                    Anh đã thấy cảnh cô độc,
                    Anh đã thấy nỗi đau khổ hiuquạnh,
                    Nó gậm nhấm con tim anh,
                    Mà sự yên ổn anh không tìm thấy.

                    Bây giờ già rồi, gần tới cuối đời rồi,
                    Anh đã được biết em,
                    Và biết em,
                    Anh đã tìm thấy được cả niềm vui cực độ và sự yên ổn,
                    Anh đã được biết sự nghỉ ngơi,
                    Sau bao nhiêu năm cô độc,
                    Anh được biết đời sống và tình yêu có thể đẹp ra sao.
                    Bây giờ đây, nếu phải ngủ giấc ngàn thu
                    Thì anh sẽ nằm xuống, hoàn toàn mãn nguyện.[7]



                    Bài đó là một bài thơ không vần, một bài thơ tuyệt tác cảm động hơn những bài Tristesse d’Olympio của Hugo, Le lac của Lamartine, Souvernir của Musset. Thực ra không thể so sánh được. Trong văn học phương Tây tôi chưa thấy bài nào như vậy; mà ngay trong văn học Trung Hoa những bài Tặng nội (Tặng vợ) của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha, cũng chỉ phảng phất như vậy thôi. Trong những hàng đó như có cái hương thơm của phương Đông hòa với cái thiết tha của phương Tây; sau cái chua chát của phương Tây là cái tĩnh mịch, trầm lặng của phương Đông.

                    Russell kín đáo chỉ nói đại khái rằng hai ông bà tính tình, thị hiếu hoàn toàn giống nhau. Nhưng tôi để ý đến câu: “Em đã đem lại sự nghỉ ngơi cho anh”. Viết văn cũng như làm chính trị hoặc kinh doanh, là một nghề rất mệt, cho nên cần sự yên ổn, nghỉ ngơi hơn những nghề khác. Bí quyết của bà Edith là hiểu được điều đó.

                    Saigon 1.12.70




                    Chú thích:

                    [1] Nguyễn Hiến Lê đã dịch là: Thư gởi người đàn bà không quen biết.

                    [2] Có lẽ “sau” bị in nhầm thành “sao”. [Goldfish]

                    [3] Mỗi quan thời đó bằng 300$ VN 1972.

                    [4] Antobiography – Goerge Allen and Unwin Ltd 1967.

                    [5] Ông mất năm 1970, thọ 98 tuổi.

                    [6] Trong ảnh dưới đây, có lẽ là thủ bút của Bertrand Russell: các chữ “and”trong bài thơ viết là “&”.
                    (Nguồn: http://www.geocities.com/athens/orac...8/br_edith.htm) [Goldfish]

                    [7] Bản dịch này đã in trong cuốn Bertrand Russell – Lửa Thiêng 1971, nay sửa vài chữ -1972.
                    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                    Comment


                    • #11
                      Kỉ nguyên tiêu thụ và nghề viết văn

                      Cái thời còn nền văn minh nông nghiệp, nghĩa là ở Châu Âu từ cuối thế kỉ XVIII trở về trước, ở nước ta trước thế chiến vừa rồi, tám, chín chục phần trăm số người hoạt động trong nước chuyên về công việc canh tác, mục súc để lo thỏa mãn nhu cầu cấp thiết nhất là ăn; nhu cầu đó các nhà kinh tế học gọi là nhu cầu sơ đẳng và những hoạt động canh tác, mục súc gọi là hoạt động sơ đẳng. Trong nước chỉ có khoảng năm, mười phần trăm số người hoạt động để chế tạo đồ dùng như quần áo, con dao, lưỡi cày, cái giường, cái chén, và xây nhà cửa… mà các nhà kinh tế học gọi là hoạt động nhị đẳng. Sau cùng năm, mười phần trăm nữa lo thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mọi người, gọi là nhu cầu tam đẳng, và những hoạt động của họ (trị dân, dạy học, phục vụ nghệ thuật…) gọi là hoạt động tam đẳng.

                      Ở Châu Âu, qua thế kỉ XIX, kỉ thuật tấn bộ mạnh, nhiều nơi sản xuất dư thực phẩm rồi, nghề nông không còn lợi nữa, công nhân hóa dư ở thôn quê, hoạt động của số dư đó chuyển qua nhị đẳng; đâu đâu cũng có cuộc di cư ra thành thị kiếm ăn, số người trong hoạt động sơ đẳng giảm đi, từ 80-90% xuống lần lần còn 40, 30, 20% tổng số người hoạt động, mà số công dân trong hoạt động nhị đẳng tăng từ 10% lên tới 30-40% tổng số người hoạt động trong nước; đồng thời số người hoạt động tam đẳng cũng tăng lên theo. Tới lúc đó loài người chuyển từ văn minh nông nghiệp qua văn minh kỉ nghệ (cũng gọi là văn minh cơ giới).

                      Ở nước ta, những người hiện nay trên dưới sáu mươi tuổi, được mục kích sự chuyển tiếp ấy. Nó gây rất nhiều xáo động về phong tục, lối sống, lối cảm xúc, suy tư, cả về giáo dục, văn hóa nữa. Tôi chỉ xin kể một thí dụ điển hình: ở nước ta vào khoảng 1930 trở đi, ở Trung Hoa sớm hơn mười năm, các nhà văn tấn bộ đả đảo chế độ đại gia đình, hô hào tự do luyến ái, đề cao cá nhân chủ nghĩa, đâu phải là vô cớ; nguyên do là chính do xã hội bắt đầu từ văn minh nông nghiệp bước qua văn minh kỉ nghệ, dân quê bắt đầu rời làng mạc, họ hàng, thửa ruộng, nắm mồ ông cha ra thành thị sinh nhai, làm việc trong các nhà máy, nhà buôn, xưởng công kỉ nghệ… Điểm đó tôi đã trình bày trong bộ Văn học sử Trung Quốc hiện đại 1898-1960, ở đây tôi chỉ xét hậu quả của nền văn minh cơ giới trong sự tiêu thụ, đặc biệt là sự tiêu thụ các sản phẩm văn chương.

                      * *
                      *

                      Trong nền văn minh nông nghiệp, con người chỉ lo sao cho khỏi đói trước đã, vậy mà cũng không xong; cứ vài ba năm lại gặp hạn hán hoặt lụt và hằng ức, hàng triệu dân chết đói đến nỗi Tô Đông Pha có lần tủi hổ rằng đọc thiên kinh vạn quyển mà không tìm được cách cứu đói cho dân. Vì lo ăn trước đã, cho nên nhà cửa, quần áo, đồ dùng… phải tiết giảm đi, thứ nào cần thiết lắm mới sắm, mà sắm thì lựa thứ bền chắc nhất, không cần đẹp. Bền chắc là giá trị số 1.

                      Nhà cửa chẳng hạn, các cụ nếu có tiền thì lựa toàn là danh mộc, không bị mối bị mọt; đá gạch, hồ, vôi dùng thứ thật tốt vì các cụ định cất nhà để ở đời đời. Như ngôi nhà của cụ ngoại tôi ở Hà Nội, tôi không biết cất năm nào dưới triều Tự Đức, tới anh em chúng tôi đã bốn đời rồi mà xà, cột bằng gỗ vẫn còn tốt. Mười mấy năm nay tôi không được tin tức gì ngoài ấy, nhưng chắc nếu không bị bom thì nó vẫn chưa sập, mà hiện tôi đã có cháu nội, vậy thì ngôi nhà ấy có thể dùng được năm sáu đời, ít nhất là 100 năm.

                      Quần áo các cụ may ít thôi nhưng cũng dùng toàn những hàng, vãi thật bền: “ăn chắc, mặc bền”. Tôi còn nhớ năm 1924 hay 1925, một ngày đầu đông, cụ giáo Du dạy trường Yên Phụ mặc một chiếc the thâm lót nhiễu vàng, coi như mới tinh mà cụ bảo đã mặc được trên mười năm rồi. Cụ vào hạng phong lưu, nhưng chắc trong rương của cụ chắc chỉ có dăm ba bộ áo ấm, chứ không hơn. Và có rất nhiều gia đình thôn quê vào hạng khá giả giữ được chiếc áo the, chiếc quần hay váy sồi từ hồi cưới, chết thì liệm theo. Sồi hồi đó dầy gần như hàng “săng tung” của Pháp.

                      Còn bàn ghế trong nhà thì thứ nào cũng “lão” cả ba bốn chục tuổi thọ là ít. Vì cái gì cũng phải cho bền, nên thợ làm rất kỉ. Một ông bác tôi chỉ muốn đóng một chiếc bàn, bốn chiếc ghế, một cỗ thọ, mà không mướn thợ trong miền, nhắn cho một chú thợ cả già từ phủ khác tới, rồi cơm nuôi trong nhà cả tháng. Dĩ nhiên gỗ phải lựa cả năm trước (nhờ một môn sinh buôn cây tìm giùm) rồi ngâm, phơi cho khỏi mọt và thật khô.

                      Trong các hoạt động tinh thần, điển hình là công việc trứ tác, cổ nhân còn kĩ lưỡng hơn. Viết ít thôi, nhưng suy nghĩ, đẽo gọt rất lâu, năm lần bảy lượt hay hơn nữa. Ở Pháp thế kỉ XVII, La Bruyère, La Fontaine suốt đời chỉ viết vài cuốn. Vậy mà một người Anh, Barnaby Rich năm 1600 đã phàn nàn rằng:

                      “Một cái ung nhọt của thời này là có nhiều sách quá, không làm sao tiêu hóa hết được những chất vô giá trị được “đẻ” ra trong mỗi ngày và lan tràn khắp thế giới” [1].

                      Hai mươi tám năm sau, cũng một người Anh, Robert Burton viết:

                      “Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ thấy một cảnh hỗn độn mênh mông về sách; chúng ta bị đề nghẹt, mắt ta nhức nhối vì đọc nhiều quá, ngón tay ta ngán không muốn lật trang nữa”[2].

                      Hai người đó nếu sinh ra sau hai thế kỉ sẽ hoảng hốt tới mức nào. Vì qua thế kỉ thứ XIX, người ta mới bắt đầu viết nhiều, nhiều nhất là Dumas-cha, Balzac, Hugo. Chateaubriand tuy cũng viết nhiều nhưng lại nói: “Tôi sợ nguời nào chỉ viết một cuốn sách” (Je crais l’homme d’un seuil livre) nghĩa là ông đã đẽo văn từ công phu mà vẫn ân hận rằng mình viết nhiều quá, vội quá.

                      Ở Trung Hoa, đời Tấn, Tả Tư bỏ ra mười năm chuốt bài Tam đô phú, đời Đường, Giả Đảo mừng rằng “ba năm làm được hai câu thơ, ngâm lên hai hàng lệ ròng ròng” (lưỡng cú tam niên đắc, nhất ngâm song lệ lưu). Viết nhiều nhất có lẽ là Tô Đông Pha đời Tống, nguồn hứng và sự học hỏi, từng trải của ông rất phong phú, mà toàn tập của ông cũng chỉ độ năm ngàn trang. Thời xưa người ta lo lưu danh thiên cổ, lo “vượt thời gian, mà muốn lưu danh, lượng không cần bằng phẩm. Lý Mật chỉ có một bài Trần tình biểu, Vương Hi Chi chỉ có một bài Lan Đình tập tự, Khổng Trĩ Khuê chỉ có một bài Bắc sơn di văn cũng đủ vượt thời gian và cả không gian; có nhà chỉ nhờ vài câu mà được mọi người biết danh, như Trương Tiên đời Tống làm chức lang trung được người đời thường gọi là “Lang trung đào lí giá xuân phong” vì thích câu “đào lí giá xuân phong”[3] của ông quá.

                      Ở nước ta, ngoài Lê Quí Đôn và Phan Huy Chú, hai bậc siêu nhân ấy lấy trứ tác làm lẽ sống còn thì mỗi nhà trung bình chỉ được vài ba tập mỏng. Mà công việc của hai họ Lê và Phan là công việc sưu tầm, biên khảo, không cần tô chuốt nên hai cụ mới viết cả vạn trang được.

                      Tới thời Nam Phong, nhờ ảnh hưởng của phương Tây, nhờ nghề in phát triển, các nhà văn bắt đầu coi cầm viết là một nghề, nên phải viết nhiều, nhưng viết chuyện và siêng nhất Phạm Quỳnh cũng chỉ được vài ba ngàn trang.

                      Tóm lại, trong thời văn minh nông nghiệp, hoạt động văn chương cũng theo cái luật chung của các hoạt động nhị đẳng và tam đẳng khác, nghĩa là rất hạn chế. Cái gì không nuôi sống con người thì đều là xa xỉ phẩm cả. Nhưng nhờ vậy mà việc trứ tác hóa nghiêm trang, cao quý, tuyệt nhiên không vụ lợi (dẫu có vụ thì cũng không sao có lợi được); người cầm bút nào cũng thận trọng, tác phẩm nào cũng đẽo gọt, mà địa vị họ được tôn trọng, sách của họ quí như bảo vật.

                      Quí vì hiếm. Hồi tôi còn để chỏm, nhà tôi không có tủ sách mà chỉ có hai cái cặp sách. Cặp sách chúng tôi cao độ tám tấc tới một thước, gồm bốn cái cọc, một tấm ván gọi là đế, bề mặt bằng khổ tờ giấy bản gấp đôi nghĩa là chiều dài độ ba tấc, chiều ngang độ hai tấc, đóng hai cái quai để treo lên, hoặc xách hoặc khiêng, thêm một tấm ván ở trên để dằn sách xuống. Khi đổi chỗ thì nguời ta gánh, y như trong truyện Kiều:

                      “Túi đàn, cặp sách đề huề dọn sang”.

                      Một cái cặp như vậy chứa tứ thư, ngũ kinh, bộ Bắc Sử (Sử Trung Hoa), bộ Khang Hi tự điển thì vừa đủ. Còn cái nữa chứa ít sách thuốc, địa lí (tức sách phong thủy) tử vi, bói; vài bộ ngoại thư như: Đường thi, Tình sử, Liêu trai, Văn tâm điêu long và ít cuốn truyện Nôm: Kiều, Hoa tiên…

                      Một ông bác tôi chỉ có hai cặp sách gồm sáu bảy chục cuốn mà đã là nhiều sách nhất tổng. Muốn mua sách thì có hai cách: xuống Hà Nôi, hoặc đợi các người gánh sách đi bán. Ở Hà Nội các tiệm sách của Hoa Kiều hàng Ngang, hàng Bồ chắc có nhiều sách, nhưng bác tôi chẳng bao giờ tới đó cả, hoặc là vì không tiền, hoặc là không cần dùng sách họ bán. Bác tôi chỉ lại các tiệm sách của mình ở hàng Gai. Tôi nhớ khoảng 1925 còn đâu được ba tiệm bày những sách in mộc bản ở trên một tấm phản kê hơi cao, chiếm gần hết cửa hàng. Có chừng trăm thứ sách rẻ tiền, thứ quí chắc cất riêng ở phía trong ai hỏi mới lấy ra. Rồi ít năm sau các tiệm ấy cũng dẹp luôn, thay vào những tiệm “bazar”[4].

                      Còn những người đi bán sách dạo thì tôi chỉ thấy được một hai lần. Họ gánh đôi bồ chứa sách, ghé ở nhà bác tôi ở quê. Có lẽ cả năm họ mới ghé một lần, bán sách thì ít mà đổi sách thì nhiều: đổi sách lấy giấy đã viết rồi để ra tỉnh bán lại cho những nhà làm lọng, làm quạt. Họ cũng như hạng người mua giấy báo cũ bây giờ. Về sau số người cần sách mỗi ngày một hiếm, họ không đổi sách mà đổi kẹo mạch nha lấy giấy rồi sau nữa, người học chữ Nho rất hiếm, giấy cũ cũng không có, nghề đó dẹp luôn. Sách hiếm như vậy cho nên một ông bạn của ông nội tôi làm Bố chánh[5], có được bộ Truyền kì mạn lục, hãnh diện lắm, gặp ai cũng khoe, nhưng không dám cho ai mượn. Nó quí cũng như lọ cổ đời Tống hay đời Minh.

                      Ngay đến sách quốc ngữ, hồi 1920 cũng rất ít. Tiệm Vinh Hưng Long của cụ Nguyễn Văn Ngọc hàng Đường chỉ bán dăm sáu chục thứ mà đa số là những truyện bằng thơ như Kiều, Nhị độ mai, Hoa tiên… của nhà in Xuân Lan và ít sách giáo khoa của nha Học Chánh. Tiểu thuyết hình như không có. Phải vào hạng giàu mới dám mua tiểu thuyết; muốn đọc truyện Tàu thì lại tiệm Cát Thành ở đầu đường hàng Gai mà thuê mỗi cuốn hai xu đọc trong ba ngày và phải kí quỹ ba hào. Ba hào hồi đó ít gì cũng bằng 500 đồng bây giờ.


                      * *
                      *

                      Như trên tôi đã nói, đầu thế kỉ XIX, văn minh kỉ nghệ thay văn minh nông nghiệp. Đủ ăn rồi người ta nghĩ tới ăn cho ngon hơn, mặc cho đẹp hơn, ở cho thảnh thơi hơn, tiêu khiển nhiều hơn mà học hỏi cũng nhiều hơn.

                      Số người làm ruộng bớt đi, mà số thợ tăng lên. Các sáng chế, phát minh (như máy chạy bằng hơi nước, máy nổ, máy điện…) xuất hiện liên tiếp; rồi các kĩ sư các nhà kinh doanh một mặt tân thức hoá các dụng cụ sản xuất, một mặt tổ chức công việc, đầu tư thêm hoài để sản xuất mỗi ngày một nhanh, một nhiều.

                      Năng xuất tăng theo một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Chỉ từ 1900 đến 1955, năng suất về điện tăng gấp 37 lần, về xe đạp gắp 6 lần.

                      Sản xuất nhiều như vậy thì phải tìm cách tiêu thụ. Ngành quảng cảo xuất hiện. Nó tạo thêm nhu cầu cho con người. Nhu cầu của tôi ngày nay chắc nhiều gắp mười nhu cầu của ba tôi nửa thế kỉ trước. Ông cha chúng ta chỉ cần cơm ba bát, áo ba manh, bây giờ chúng ta cần có cơm, có sinh tố, sữa, kẹo; xà bông phải hai ba thứ, khăn có khăn mặt, khăn mùi xoa và khăn tắm, giày phải vài ba đôi, dép cũng vậy; nhà phải có bếp ga, tủ lạnh, có máy thu thanh, máy ti vi, tháng nào cũng phải mua dăm ba cuốn sách, chưa kể nhật báo, tuần báo, báo ta, báo Pháp, báo Mĩ… Toàn là nhu cầu khoa quảng cáo tạo ra cho ta hết: không uống sữa X thì không đủ chất bổ, không dùng dao cạo Y thì cạo không nhẵn, không hút thuốc X thì không lịch sự, vân vân… Từ khi Ford mở xưởng chế tạo xe hơi, ông ta tạo thêm một nhu cầu cho con người nữa, ông áp dụng phương pháp của Taylor và Fayol, chế tạo xe cho thật nhiều, thật rẻ để người nào cũng có thể mua được, mà sự thật hiện nay ở Mĩ đa số gia đình thợ thuyền đều có xe hơi cả. Ngay từ 1927 mà xưởng của ông ta cứ bảy giây đồng hồ đã sản xuất được một chiếc xe hơi.

                      Nhu cầu lại tạo thêm nhu cầu. Chẳng hạn có xe hơi thì không dùng tới hai cẳng nữa, bắp chân bắp đùi tóp đi, thịt nhảo nhẹt, ta phải tạo ra một đồ thể thao: nằm ngửa ra, hai chân đạp như xe đạp để luyện bắp thịt ở chân. Có xe hơi thì không lẽ chỉ lái tới sở và từ sở lái về nhà. Phải đi du lịch, thế là thêm biết bao nhu cầu phụ thuộc vào du lịch. Nhất là phải bảo hiểm nhân mạng và bảo hiểm chiếc xe nữa. Nhiều xe quá đường phố mắc nghẽn, lại phải mở đường cho rộng, đặt đèn xanh đèn đỏ, xây những đường trên không (như chiếc cầu treo ở trước chợ Bến Thành)[6] và đường dưới hầm. Nếu mỗi nhu cầu chỉ tạo thêm hai nhu cầu khác thôi, thì trong nửa thế kỉ nhu cầu tăng theo cấp số nhân, gây ra biết bao nhiêu công việc cho nhân loại.

                      Vậy mà sức sản xuất cao hơn mức tiêu thụ, người ta phải nghĩ cách tăng sức tiêu thụ lên nữa, để cho xưởng khỏi phải đóng cửa, thợ khỏi phải thất nghiệp. Tiêu biết nhiêu tiền vào quảng cáo mà kết quả vẫn chưa như ý, người ta phải thay đổi lối sống, phải thay đổi quan niệm về tiêu thụ, mục đích của tiêu thụ. Xưa kia, bền bỉ là giá trị số một, ngày nay nó bị coi rẻ. Nếu một chiếc đồng hồ mà dùng được cả một đời người thì thợ đồng hồ thất nghiệp hết. Phải chế tạo rất nhiều kiểu, đành rồi, đồng hồ đeo tay, đồng hồ chuông, đồng hồ ngâm nước được khi tắm, đồng hồ chỉ một phần mười giây, đồng hồ chỉ ngày tháng…, mà rồi phải làm sao gây cho người ta cái ý nghĩ rằng đồng hồ chỉ để dùng được dăm ba năm thôi dù nó vẫn chạy thì cũng phải liệng đi. Giá trị số một ngày nay là mới, mỗi ngày mỗi mới: nhật nhật tân. Coi y phục các bà thì biết. Tóm lại, xưa người ta sản xuất để tiêu thụ, nay người ta tiêu thụ để có thể sản xuất. Xưa, thời văn minh nông nghiệp, tiết kiệm là một đức, thì nay, thời văn minh tiêu thụ, lãng phí mới là một đức, cũng như xưa có nhiều con là phước lớn, nay là đại hoạ. Rồi sự hạn chế sinh dục sẽ bắt buộc và sự phá thai sẽ được khuyến khích nữa. Giá trị đảo lộn hết.

                      Cụ ngoại tôi cất nhà để con cháu ở trong trăm năm; bây giờ con tôi cất nhà chỉ để ở trong ba chục năm vì sau ba chục năm nó hoá cổ lỗ, dù còn vững thì con tôi cũng phá đi cất lại theo kiểu khác, bằng những vật liệu khác; không vậy thì ít nhất cũng phải sửa chữa thật nhiều cho nó có vẻ hợp thời một chút; chưa biết chừng vài chục năm nữa, nó dùng toàn nhà tiền chế ở ít năm rồi bỏ, dùng kiểu nhà khác.

                      Cũng như xe hơi vậy, mỗi năm ra một kiểu mới mà hạng người gọi là sang trọng, có kiểu 1971 thì không dùng kiểu 1970 nữa; ở Mĩ, xe hơi bắt đầu hư bộ phận quan trọng nào là đem vô “nghĩa địa xe hơi”, không ai mà phí công sửa. Vã lại nhân công đắt quá, sửa cũng tốn gần bằng mua mua đồ mới.

                      Đã từ lâu, ở Mĩ người ta chế tạo đĩa chén bằng giấy, ống chích bằng nhựa, dùng một lần rồi liệng vào thùng rác, khỏi phải rửa, phải nấu; một thời ở Sàigòn đã có những thiếu nữ bận y phục bằng giấy, một hai lần rồi liệng đi, khỏi phải giặt.

                      Máy móc mỗi ngày một nhiều, sức sản xuất mỗi ngày một tăng thì chỉ có cách đó: tiêu thụ cho thật nhiều và thật mau, mới có đủ công việc cho nhà máy, cho thợ. Văn minh tiêu thụ là vậy.

                      Lối sản xuất cho thật nhiều đó phổ biến ở các nước kĩ nghệ, chưa lan vào nước ta, một phần vì mấy chục năm nay chúng ta bị cái nạn chiến tranh, một phần vì các nước đàn anh không muốn cho chúng ta tăng gia sản xuất mà cạnh tranh với họ; nhưng cái thói tiêu thụ cho thật nhiều đã xâm nhập trong mọi giới trong xã hội ta rồi; tủ áo bà nào cũng chứa vài chục cái, chưa cũ đã liệng đi, máy thu thanh kiểu 1955 như cái tủ con chưa hư mà cũng phải bỏ để thay vào một máy transitor; ngay giới thợ thuyền cũng vậy, đã biết sống kĩ nguyên tiêu thụ, có thứ hàng mới thì áo còn dư cũng mua về[7].

                      Văn chương cũng theo luật sản xuất cho nhiều và tiêu thụ cho mạnh: cái thời của các “tác giả một cuốn sách” đã thuộc vào thời hồng hoang. Mới ngày nào người ta còn ngưỡng một những tác giả viết được năm ngàn trang sách, bây giờ một người sống bằng nghề cầm bút mà suốt đời chỉ viết được năm ngàn trang thì có thể chết đói. Balzac, Hugo hay Maurois, mỗi ngày đều đều viết từ ba tới năm trang, không đáng làm gương cho người ta soi nữa; vì kí giả nào thời này cũng phải sản xuất ít nhất bấy nhiêu trang mới tạm đủ sống – nếu độc thân. Cứ cho mỗi ngày họ viết năm trang đánh máy thôi (nghe nói có người viết gấp năm vì phải cung cấp mười (?) truyện feuilleton cho mười tờ báo!) mỗi tháng cũng đã được 125 trang rồi, một năm 45.000 trang và nếu họ viết từ hồi ba chục tuổi tới hồi sáu chục tuổi thì được 45.000 trang. Vậy kỉ nguyên tiêu thụ của chúng ta là kỉ nguyên của các cây viết năm vạn trang chứ không phải năm ngàn trang.

                      Muốn viết được bấy nhiêu, phải có một kĩ thuật. Kĩ thuật đó là kĩ thuật của các nhà làm báo Âu, Mĩ. Họ tạo ra lối văn mà họ gọi là style standard: rất sáng sủa, ai đọc cũng hiểu, không rườm rà, đôi khi dí dỏm, nhất là không lưu một chút dấu vết cá tính của người viết, có vậy mới thành standard (tiêu chuẩn), thành thử đọc chục bài của mười người người khác nhau viết về một vấn đề ta vẫn tưởng như một người viết. Họ thấy một cuốn sách hay nhưng dài hoặc rườm rà, họ xin phép viết lại, theo style standard của họ; bạn gởi tới cho họ một bài, họ cũng viết lại mà chẳng cần xin phép; họ chuyên làm cái nghề viết lại, nên người ta gọi là rewriter (người viết lại). Có những trường dạy làm báo và cả những trường hàm thụ dạy viết văn, chuyên đào tạo hạng rewriter. Viết đã trở thành một kĩ nghệ như kĩ nghệ xe hơi, kĩ nghệ đồng hồ, hoặc nói như Tản Đà, nó đã thành một nghề bửa củi: mỗi ngày phải viết bao nhiêu trang cũng như thợ bửa củi phải bửa bao nhiêu khúc. Không còn nhởn nhơ, tuỳ hứng được nữa, và tối kị cái việc đẽo gọt. Vì văn chương trong kỉ nguyên tiêu thụ này sản xuất để tiêu thụ như Coca-cola, ni-lông, chứ không phải để thưởng thức.

                      Một anh bạn tôi viết tiểu thuyết mới đây phàn nàn rằng thời nay tiểu thuyết gia nào may mắn lắm cũng chỉ nổi danh được trong dăm năm rồi thì chìm, không ai được như Nhất Linh hoặc Khái Hưng giữ tiếng tăm và địa vị cho tới khi chết, mà kĩ thuật của họ đâu phải kém Nhất Linh và Khái Hưng.

                      Tôi đáp:

                      - Anh xét đúng lắm. Nhưng thời nay viết tiểu thuyết để tiêu thụ, nghĩa là để bán, chứ đâu phải để cầu danh, lưu danh. Ở Pháp, từ năm 1893, anh em nhà Goncourt cũng đã phàn nàn: “Ngày nay phải sản xuất một kiệt tác mỗi năm thì người ta mới khỏi quên mình”. Cái quan niệm viết để “vượt thời gian và không gian” đã hoá lỗi thời; vượt không gian thì tương đối dễ, chỉ cần đập vào tính hiếu kì của người ngoại quốc là có thể vượt không gian được, nhưng như vậy không nhất định đã là tài; còn vượt thời gian thì không khác gì nhà kĩ nghệ muốn sản xuất một kiểu xe hơi để dùng vài ba thế hệ.

                      Mà lời hô hào của các nhà văn phải có hùng tâm làm cái công tác mở đường, tự tạo cho mình một chỗ đứng cũng thật là quá thừa. Ai cầm viết mà chẳng muốn mở đường, và thời này lại có một lớp nhà văn ráng mở đường[8]. Phái tân tiểu thuyết ở Pháp đã một thời rầm rộ mở đường đấy nhưng con đường đó, cỏ gai nay đã phủ hết. Còn cá nhân thì vừa mở xong một con đường, tưởng là mới, đã có người mở con đường khác rồi. Vì số nhà văn ngày nay đông quá. Một nhân vật trong cuốn Khu ung thư của Soljenitsyne đã phàn nàn:

                      “Thế kỉ trước (ở Nga) chỉ có mười nhà văn đều là nhà văn lớn cả. Và bây giờ thì có hàng ngàn; chỉ đổi một chữ cái trong tên bất kì một nhà nào là được tên một nhà văn khác. Chẳng hạn có nhà văn Safronov mà lại có nhà văn Safonov (…). Người ta thấy lần lượt xuất hiện những nhà văn không ai biết tên, họ được những giải Staline rồi thì chìm luôn. Mỗi cuốn chỉ hơi dầy một chút, xuất bản năm trước là năm sau được giải thưởng, và mỗi năm có từ 40 đến 59 giải thưởng”.

                      Nước Nga rộng lớn như vậy, trên hai trăm triệu dân, mà chỉ có “hàng ngàn” nhà văn thôi ư? Ở miền Nam nước mình hiện nay cũng tròm trèm con số đó rồi. Ở Mĩ thì phải hàng vạn, hàng chục vạn. Đông nghẹt như vậy làm sao có đủ chỗ đứng cho cho mọi người? Cho nên người nào mới chen được một chỗ đứng thì người sau đã lại lấn mất. Họ mới nổi thì đã chìm, chìm luôn. Muốn khỏi chìm thì chỉ có cách đừng nổi, nghĩa là viết lối văn standard, vô thưởng vô phạt, không ai khen, không ai chê, mà ai cũng đọc được. Dĩ nhiên đọc rồi thì liệng đi. Tiểu thuyết “feuilleton” chỉ sống một ngày vì báo in chỉ đọc một ngày. Tiểu thuyết in thành sách sống lâu hơn, có thể sống được dăm ba năm; nhưng ở Âu, Mĩ có khi chỉ sống được vài ngày; loại sách bỏ túi bên đó rẻ quá, người ta đem ra bãi biển đọc xong rồi liệng xuống biển. Ở nước ta vài chục năm nữa sẽ tới giai đoạn đó. Tóm lại văn ngày nay, ai cũng đọc, ai cũng viết, không còn là của một thiểu số may mắn nữa. Người đọc muốn mới hoài, nên tiểu thuyết không thể thọ như xưa nữa.

                      Từ thời Tư lực văn đoàn tới nay chỉ mới có hơn một thế hệ mà đã cách nhau như hai thời đại, hai thế giới: trước viết tiểu thuyết là làm một công trình nghệ thuật, trịnh trọng như dệt một tấm gấm để mặc cả chục năm, nay chỉ sản xuất như một thứ hàng ni lông. Mỗi khi tàu tới có cả chục kiểu hàng mới và thiếu nữ nào cũng may cả chục chiếc áo mới để mặc đến mùa sau là bỏ; thì mỗi năm cũng phải có chục tiểu-thuyết-gia-mới viết cả trăm tiểu thuyết để người ta đọc xong rồi bỏ.

                      Thơ không chắc đã thọ hơn. Những thể thơ cũ như thơ luật, thơ lục bát, ngay cả “thơ mới” thời tiền chiến ngày nay cũng rất ít người làm vì nó tốn công quá. Phải làm thơ tự do để được mau và nhiều. Tại thơ khó bán nên các nhà thơ tự do hiện nay sản xuất còn thấp lắm; mỗi năm trung bình một tập, nếu để bán người ta đủ sức sản xuất mỗi tháng một tập, vì không cần vần, không cần nhạc, chỉ tốn công hơn văn xuôi một chút thôi. Tới khi sản xuất được tới các mức đó thì người mua về đọc xong cũng liệng đi. Hiện nay cả trăm bài thơ đăng báo trên các báo mỗi ngày, có bao nhiêu bài được độc giả cắt giữ lại? Đa số cũng chịu cái số phận của tờ báo, chỉ sống được 24 giờ. Đúng là một loài hoa sớm nở tối tàn.

                      Loại biên khảo và phổ thông kiến thức bây giờ ít năm phải viết lại, nếu không thì hoá cổ lỗ: vậy tuổi thọ của nó nhiều lắm là mười năm. Năm nào ở Pháp người ta cũng cho ra cả chục cuốn về Trung Cộng, về Iraël, và hễ có sách 1968 thì ai mua sách 1967. Hai xứ đó đương biến chuyển mạnh, như vậy là phải; nhưng ngay về lịch sử thế giới, về học thuyết Freud, triết lí Nietzsche… từ trước đến nay đã có bao người viết mà cứ vài ba năm lại có một cuốn mới. Sách về lịch sử thế giới nhiều vô số kể. Năm 1948 nhà Payol (Pháp) dịch bộ Esquisse de l’Histoire Universelle của H.G Wells báo chí khen rần rộ, bây giờ ít còn ai mở bộ đó ra đọc nữa mà tìm bộ Histoire de la Civilisation của Will Durant.

                      Ngay học thuyết các đại tư tưởng gia cũng không thoát được luật đào thải tốc độ mỗi ngày mỗi tăng đó. Các thế kỉ trước, mỗi thế kỉ sản xuất được vài nhà lập ngôn làm thay đổi cục diện thế giới, như thế kỉ XVII có Descartes, Bacon, thế kỉ XVIII có Darwin, Newton, cuối thế kỉ XIX có Karl Marx, Nietzsche; qua thế kỉ XX, học thuyết phát sinh như nắm mùa mưa: Freud, Bergson, Einstein và vô số các nhà khoa học khác; Heidegger, Sartre… Sartre mới nổi danh từ sau thế chiến thứ nhì thì bây giờ đã chìm rồi. Triết lí hiện sinh đã hoá cổ lỗ, học thuyết cơ cấu[9] lên như diều gặp gió, nhưng cũng đã muốn đứt dây. Thọ mạng của các học thuyết thời xưa có thể được vài ba thế kỉ, ngày nay chỉ vài ba chục năm. Một học thuyết mới thành hình, được một số nhà phê bình hoan nghênh rầm rộ; kế đó cả trăm nhà phổ thông kiến thức gắng sức giới thiệu trên báo, trong sách; khi hạng trung nhân biết sơ sơ mặt mũi nó ra sao thì lúc đó nó đã hoá lão vì khi người ta hiểu hoặc tưởng đã hiểu được nó rồi thì nó hết hấp dẫn. Tới thần Isis[10] kia mà để cho tín đồ vén bức màn che mặt lên rồi thì cũng hết thiêng, huống hồ là các nhà tư tưởng. Cho nên muốn cho học thuyết của mình thọ thêm được một chút thì cứ viết thêm cho khó hiểu, như Foucault, tác giả cuốn Les mots et les choses.

                      Độc giả luôn đòi hỏi những cái mới, mỗi ngày mỗi mới, nên các nhà văn hoá phải sản xuất hoài “nếu không thì sự đòi hỏi không có kết quả gì cả, như đập vào chỗ trống”. Cũng như trong trong ngành kỉ nghệ, giai đoạn đầu các nhà văn hoá sản xuất để độc giả tiêu thụ; rồi tới giai đoạn các độc giả phải tiêu thụ cho mau để các nhà văn hoá có thể sản xuất mà khỏi phải thất nghiệp. Đã có những sách dạy người ta đọc thật nhanh, mỗi phút một hai trang, không đọc ngang nữa mà đọc xéo, đúng hơn là đọc theo chữ chi[11], mỗi hàng đọc vài ba chữ. Tôi ngờ rằng sau này có một lối in sách mới mẻ: mỗi câu in đậm vài chữ quan trọng để độc giả chỉ đọc vài chữ đó cũng đoán được ý trong câu. Lúc đó các nhà văn hoá muốn khỏi thất nghiệp “phải đào sâu tới căn bản của mỗi hiện tượng, và đào sâu như vậy, thì hiện tượng sẽ tan ra hàng ngàn yếu tố, mỗi yếu tố thành vài vấn đề nữa, càng tìm cách giả quyết càng phát sinh ra nhiều vấn đề khác” (D.H. Lawrence). Nghĩa là phải chẻ cái tóc làm mười, làm trăm… tới các tế bào mà quên mất cái công dụng của sợi tóc. Đó là hạng người có tài. Hạng kém tài thì moi hết các sách cổ kim khắp thế giới ra mà nhào nặn, viết lại, mặc dù đã có cả ngàn cuốn về một vấn đề rồi, mặc dù chẳng thêm được ý gì mới thì cũng cứ mười năm viết lại một lần. Như André Maurois đã nói, họ sẽ chế tạo những cái máy “tự chỉnh lí sáng tạo” ghi tất cả các tác phẩm cũ, nhào đi nhào lại thành những tác phẩm mới, vì có bao nhiêu là cách kết hợp, không sao kể hết được. Vị nào có lương tâm không dùng phương pháp kết hợp ấy thì dùng phương pháp “ném cái nhìn mới” vào triết lí, văn học cổ, chẳng hạn đem tư tưởng của K. Marx, Sartre giọi vào Luận ngữ, truyện Kiều, rồi lại cho cả Khổng Tử lẫn Nguyễn Du là tổ sư của thuyết cơ cấu. Được lắm chứ, tại sao không? Cứ moi ra thì thấy. Nhiều khi cũng chẳng cần moi ra nữa, cứ lấy một bài viết từ ba mươi năm về trước, bao nhiêu tiếng bố cục, tình tiết, đổi ra thành cơ cấu, là có được bài mới rồi. Có vậy mới hấp dẫn, mới tiến bộ, hợp thời, có nhiều tiền. Ta tưởng tượng cứ mười năm có một học thuyết mới, như vậy lại phải “ném cái nhìn mới” vào cả ngàn tác phẩm cổ điển Đông Tây từ hai ba ngàn năm trước! Có biết bao việc để làm! Sẽ có cả vạn cuốn về mỗi nhà như Platon, Thích Ca, Shakespeare, Hồ Xuân Hương… muốn chứa cho hết các ấn phẩm thì tại Sàigòn diện tích để cất thư viện sẽ gấp mười các sòng bạc, sờ nách ba[12], nhà tắm hơi hiện nay, mặc dầu người ta sắp (hay đã?) tìm ra được cách thu một cuốn ngàn trang nhỏ lại chỉ bằng hộp quẹt.


                      Thời đại càng xáo trộn bao nhiêu, con người càng hoang mang bao nhiêu thì càng nuôi hi vọng ở tương lai bấy nhiêu. Những năm 1950-1954, các ông bà coi tướng số, chỉ tay, bói Dịch ngồi đầy đường Hàm Nghi. Các nhà bác học phương Tây cũng vậy, từ sau thế chiến đến nay đua nhau tiên đoán tương lai nhân loại; họ đăng báo, viết sách, diễn thuyết trong các hội nghị quốc tế, phác hoạ xã hội thế kỉ XXI: kinh tế ra sao, chính trị ra sao, các đô thị sẽ ra sao, sự giao thông ra sao, cả luân lí sẽ ra sao nữa… Tuy họ nói không có sách như các “mét” ở đường Hàm Nghi, nhưng họ “mách có chứng” và lí luận của họ hợp lô gích lắm.


                      Riêng Fourastié cũng đã đoán tương lai trong năm sáu cuốn: Le grand espoir du XXè siècle, Histoire du demain, Les 40.000 heures, Essai de morale prospective… Chắc sẽ còn nữa. Tư tưởng của học giả đó phong phú lạ lùng; những điều tiên đoán của ông dựa vào thống kê, có vẻ tin được một phần.


                      Trong Pourquoi nous travaillons "Tại sao chúng ta phải làm việc", ông bảo dân số hoạt động sơ đẳng (nông nghiệp) và nhị đẳng (kĩ nghệ) sẽ mỗi ngày mỗi giảm, vào khoảng năm 2100, mỗi ngành đó chỉ còn độ 10% tổng số dân hoạt động; còn về tam đẳng (dịch vụ), số người sẽ chiếm 80%.


                      Trong cuốn Les 40.000 heures, ông lại bảo qua thế kỉ XXI, mỗi người sẽ chỉ làm việc mỗi tuần độ 30 giờ, suốt đời chỉ làm việc 40.000 giờ vì tuổi học tăng lên, số ngày nghỉ mỗi năm tăng lên mà tuổi hưu hạ xuống.


                      Lúc đó con người nhàn quá, mỗi ngày chỉ làm việc sáu giờ, năm ngày một tuần, biết làm gì cho hết ngày. “Làm ái tình”, như A. Maurois đã nói, sẽ mau chán và nguy cho sức khoẻ, du lịch hoài thì cũng hết thú, phải chơi thể thao, nghe nhạc, nhất là đọc sách. Người dân nào cũng có học lực cỡ tú tài ngày nay, cũng tập được thuật đọc xéo, sẽ mỗi ngày đọc trung bình ba cuốn sách; và để cung cấp món ăn tinh thần đó, số người cầm bút phải tăng lên kinh khủng, nếu chưa tạo được cái máy “tự chỉnh lí sáng tạo” của Maurois. Họ sẽ chiếm ít nhất là nửa số người hoạt động tam đẳng, nghĩa là 80% : 2 = 40% tổng số người hoạt động, còn bọn người hoạt động về nông nghiệp chỉ có 10%, bọn thợ thuyền, kĩ sư cũng vậy. Đó mới thực là thời “nhất sĩ”, nhất về số đông.


                      Họ sẽ đông như kiến cỏ. Người nào cũng phải tập thuật sản xuất của Edgar Wallace (1875-1932). Ông ta sản xuất cuốn Le traître dầy 450 trang có ba ngày rưỡi: ông tự giam mình trong một căn phòng đóng kín mít, ngồi trước một máy ghi âm, đọc hoài, suốt ngày đêm, hết cuộn băng này thay cuộn khác, không ăn mà cứ nửa giờ uống một chén trà đậm (mỗi ngày uống 40 chén) và hút luôn miệng (mỗi ngày 100 điếu). Đọc hết cuộn nào, ông đưa cho thư kí đánh máy liền và sửa những chỗ sơ sót cho ông (chẳng hạn cùng một nhân vật, chương trên gọi là Robert chương dưới gọi là Roger, hoặc một nhân vật chết rồi ông lại cho sống lại).


                      Nếu không được như vậy thì phải như George Simenon, tác giả 400 tiểu thuyết trinh thám, mỗi cuốn trên 200 trang (tổng cộng non 100 ngàn trang) viết trong một hai tuần, trung bình mỗi ngày 15 trang.


                      Sản xuất như vậy mới đủ sống vì sự tranh đấu sẽ rất gay go, mà nhà văn vốn có nhiều tinh thần tự do, ghét kỉ luật, không sao tổ chức thành nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi được. Có tổ chức nổi thì họ cũng sẽ xé rào như các nhà báo của ta ngày nay.


                      Sách vào thời đó sẽ rẻ mạt. Mỗi ngày xe hốt rác sẽ phải hốt nhiều sách hơn rác, vì đất đai đắt đỏ, nhà cửa chật hẹp, chỗ đâu mà chứa mỗi năm mấy ngàn cuốn sách (ông bà mỗi người một ngàn cuốn, không kể các cô các cậu). Sách càng nhiều thì càng mất giá, giữ làm gì cho thêm bực? Tôi đoán mỗi nhà sẽ chỉ giữ vài ba tác phẩm cổ điển của mỗi thế kỉ, nhiều lắm là trăm cuốn trở lại, như ông bác tôi hồi xưa. Giữ không phải lâu lâu đọc lại – cổ lỗ quá đọc sao nỗi – mà để khỏi thua ông bà hàng xóm. Bộ Truyền kì mạn lục chẳng hạn, lại sẽ xuất hiện trong mọi tủ sách và nhà nào giữ được bản của Trúc Khê[13] in trước thế chiến vừa rồi sẽ rất trân trọng, nâng niu như vị bố chánh, bạn của ông nội tôi thời trước. Nhất là những bản in bằng giấy làng Bưởi trong những năm 1941-45 sẽ có thể đặt trên bàn cân mà đổi lấy kim cương… nhân tạo.


                      Saigon 15.12.1972




                      Chú thích:

                      [1] Của Will Durant dẫn trong Lịch sử văn minh, cuốn 10, tiếng Pháp, chương III, trang 115.

                      [2] Cũng của Will Durant dẫn trong Lịch sử văn minh, cuốn 10, tiếng Pháp, chương III, trang 115.

                      [3] Đào lí giá xuân phong nghĩa là Đào mận gã gió xuân. Đây là một trong hai câu của Trương Tiên (990-1078) được cụ Nguyễn Hiến Lê trích dẫn trong bộ Đại cương văn học sử Trung quốc. Câu kia là: Vân phá nguyệt lai, hoa lộng ảnh (Mây phá, trăng ra, hoa giỡn bóng). [Goldfish]

                      [4] Tức tiệm tạp hóa. [Goldfish]

                      [5] Bố chánh hay Bố chính: Chức quan sau tuần phủ hay tổng đốc, chuyên trông coi việc thuế khoá, tài chính ở tỉnh dưới thời nhà Nguyễn. [Goldfish]

                      [6] Đã gỡ bỏ vì không ai chịu leo.

                      [7] Gaston Bouthoul (Surpopulation – 1964) gọi là surpopulation psychologique vì một người ngày nay tiêu thụ gắp 10 người thời trước thì cũng như dân số tăng lên gắp 10.

                      [8] Có lẽ tác giả ám chỉ nhóm Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo (xem Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn hoá, trang 419). [Goldfish]

                      [9] Tức Structuralisme, có người dịch là thuyết cấu trúc. [Goldfish]

                      [10] Vị nữ thần trong thần thoại của Ai Cập. [Goldfish]

                      [11] Chữ 之. [Goldfish]

                      [12] Tức snack bar. 之[Goldfish]

                      [13] Tên thật Ngô Văn Triện (1901-1947), người dịch Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ ra chữ Quốc ngữ. [Goldfish]
                      Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

                      Comment

                      Working...
                      X