Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Sơn Nam - Năm tôi 19 tuổi

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sơn Nam - Năm tôi 19 tuổi

    Trích hồi ký của Sơn Nam

    Năm nay, nhà văn Sơn Nam đã 75 tuổi, nhưng viết vẫn sung sức. Năm tôi 19 tuổi là một đoạn ngắn trong Hồi ký Sơn Nam (NXB Trẻ sắp xuất bản). Ông nói: Bối cảnh xã hội thời 1945 dĩ nhiên như xa lạ đối với bạn trẻ bây giờ. Nhưng, hãy đọc, ta sẽ gặp được nhiều điều thú vị, bổ ích, trong thời kỳ cả dân tộc chiến đấu giành độc lập cho đất nước, thời kỳ tiền cách mạng tháng Tám và cách mạng tháng Tám lịch sử.
    VNTP. HCM

    Kiều Thu hề, trọng kiếp thương
    Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
    Đã làm việc từ mấy tháng qua, hôm nọ tan sở, anh tống thơ văn (tùy phái) thân mật nói đùa:
    - Tôi làm ở tầng trệt nầy, buồn bực lắm, lắm khi ban đêm tôi phải vào trực, chỉ làm quen được với một người lạ mặt nầy.
    Anh ta đưa tôi đến góc phòng, với mớ sách chữ Hán. Thoạt nhìn qua ngoài bìa, tôi biết là kinh Phật, nhưng phía sau dòng sách nhô lên một tượng bằng cây: đầu trọc, ngồi theo tư thế một căn một chái. Anh ta hỏi:
    - Biết ai không?
    Tôi mỉm cười:
    - Làm sao biết được, chắc là một nhân vật, một pho tượng ở trong chùa.
    - Đúng vậy. Ông hòa thượng Đồng, ở chùa Tam Bảo, một đệ tử hâm mộ tạc tượng ông lúc chưa bị bắt. Bây giờ thì bị đày ra Côn Đảo rồi. Chưa biết ra sao.
    Hỏi qua nơi chôn cất của Nguyễn Trung Trực, anh tống thơ văn chỉ vào mấy cây cổ thụ phía sau tòa nhà, nhưng chẳng ai đến gần được vì ở sát vài ngôi biệt thự của người Pháp. Tôi đoán chừng vào buổi xa xưa, cuối thế kỷ 19 (1868), Pháp muốn giấu xác ông, bảo vệ cẩn thận, đề phòng trường hợp nghĩa quân lén lấy xác, đem về chôn ở vùng Bảy Núi, An Giang hẻo lánh rồi bày lễ Tế cờ, tiếp tục khởi nghĩa.
    Rời khỏi Tòa hành chính, trên đường về nhà, bỗng đâu anh bạn đã đưa tôi vào làm việc gọi to, anh ta ngồi trên xe kéo, chận ngang đường, chỉ vào cái quán ăn khá to bên lề. Chúng tôi vào, ăn uống khá sang trọng. Anh hỏi:
    - Làm việc được không. Nếu làm thêm nữa, chẳng ai rầy rà hết vì chú mày là nhơn viên phụ của tao.
    - Làm cũng cực nhưng… lương ít quá, không dư để gởi về cha mẹ.Anh bạn bảo là vừa bắt được mối làm ăn lớn. Quân đội Nhật thâu mua cá biển ở vịnh Xiêm La, nước Cam Bốt, thêm cá nước ngọt ở Biển Hồ, chở lên Sài Gòn, đem đi đâu mình không cần biết. Ngày mai tao đưa mày tới gặp ông bang Hoa kiều thầu vụ nầy. Phải có ghe lớn năm, bảy chiếc, có vốn lớn mới làm nổi. Mầy lo giấy tờ, giấy phép chở cá khô từ đây đi Chợ Lớn, đơn xin bản chữ Tàu thì tụi nó làm, bản chữ Tây thì mầy cứ dịch lại cho nó ký rồi gom lại trình với Đoan (hải quan) tỉnh là xong. Sắp xếp xong rồi, tiền bạc hối lộ hai bên đồng ý, ăn tiệc hồi trưa nầy.
    Tiền bạc thì rất cần, nhưng tôi vui mừng vì được cơ hội thấy rõ việc Nhật Bổn và Pháp cấu kết nhau, Pháp tỏ ra ngoan ngoãn. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã biết phân tích chuyện của xã hội, đã biết chính trị, thấy chính trị là chuyện cần thiết để tạm giải tỏa những thắc mắc.
    Công việc được giao phó riêng là làm giấy tờ bằng chữ Pháp để xin chuyển hàng hóa lên Sài Gòn. Trong số hàng hóa với khối lượng to, tôi thấy vài mặt hàng:
    Chankrasna, bó sẵn từng bành to, dường như là thứ vỏ cây nhẹ, màu trắng. Phu khuân vác bảo đó là cây dó. Cây dó để làm giấy chăng? Chắc không phải.
    Cá biển của vịnh Thái Lan, khai thác từ Cam-bốt là loại ghi tên trong hóa đơn là "plathou", hỏi thì biết là cá gọi Ba-thú, cá nhỏ con, đã hấp chín, để trong từng vỉ, muốn ăn, phải hấp lại.
    Cá nước ngọt đáng giá: cá tra, lớn con, xẻ làm khô, gọi là "cá tra chai", chai phải chăng là phương pháp muối, phơi gì đó.
    Lại có cá về xù, phơi khô, phải chăng là tiếng xù mà ngày nay ta gọi kiểu "cá chiên xù"?
    Chưa hết. Còn đưa về Sài Gòn loại dầu trong, ghi huile claire, dầu lấy từ cây dầu, chai bốt tán nhỏ để trét ghe, trét tàu. Lại còn thêm loại đuốc kết với vỏ cây tràm, tẩm dầu chai.
    Buổi ấy, những loại nói trên được xem là quốc cấm, nếu dự trữ với khối lượng lớn. Tôi hiểu quân đội viễn chinh Nhật đang lâm nguy, khánh kiệt, chúng đốn cây sao để đóng loại tàu nhỏ, trét chai, dùng vào việc quân sự. Hỏi viên thơ ký đàn anh của tôi, được trả lời::
    - Cỡ này tao làm tiền khá hơn hồi Nhật Bổn chưa tới. Nhưng rồi đây, ra sau? Từ bốn tháng nay, tao ghiền á phiện. Hút với mấy người Tàu ở chành lúa, tụi nó làm giàu, rồi xúm nhau hút. Đời là vậy.
    Bỗng dưng tôi nhớ đến mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương mà ngậm ngùi. Thế nhân ai cũng có chuyện vui buồn nhưng với nhiều lý do không khó hiểu cho lắm.
    Viên thơ ký đưa tôi vào Tòa Bố để làm trợ lý dường như được viên Phó Chủ tỉnh tin cậy. Thầy ta ra vào phòng của viên Phó như tự do. Ngoài tiền trợ cấp, thỉnh thoảng tôi được mấy ông Bang người Hoa thưởng đôi ba đồng, số tiền khá to. Một đồng bạc đổi ra 100 xu, với hai xu có thể mua cái bánh bao lớn, có nhân trứng vịt, hoặc với hai xu ta mua được ly nước đá bào, rưới thêm sữa đặc có đường.
    Một buổi sáng, đầu giờ làm việc, bỗng các thơ ký loan tin, khá lớn tiếng:
    - Có khách quí.
    Rồi họ rỉ vào tai nhau, nghe rõ to:
    - Ông Nguyễn Văn Tạo.
    Buổi ấy, nhờ phong trào Mặt trận Bình dân loan tin rầm rộ rồi im hẳn, người đọc báo đã loan truyền trong thời gian dài về sự tranh đấu đòi dân quyền, dân sinh chống thực dân Pháp. Thế là mặc nhiên tất cả các thơ ký đều đứng dậy, vì tò mò nhưng không phải thuần túy vì tò mò, động cơ lương tri dân tộc cần là chính. Không ai bảo ai, họ cúi đầu khẽ với nụ cười. Nguyễn Văn Tạo đến để trình diện, theo lịch của nhà cầm quyền Pháp. Ông bị giam quản thúc tại thị xã Rạch Giá, và ngày đầu tiên khi đến tỉnh, ông phải trình diện. Người tùy phái của Tòa Bố đứng cách xa ông vài bước. Ông trông yếu vì bị bịnh chăng? Tay chống cây gậy ngắn mà thiên hạ đồn đãi rằng hồi bị giam thực dân đã chích thuốc cho ông bị tê liệt để cảnh cáo (?) lúc ông tuyệt thực trong khám đường. Cây gậy của ông ngắn, ông là người bam sinh mập mạp. Ông cười tươi, nhìn cử tọa hai bên. Đằng kia, viên chánh chủ tỉnh bước ra khỏi phòng làm việc, bên cạnh là viên thơ ký riêng đặc trách an ninh. Khách và chủ vào phòng nói chuyện giây lát rồi khách trở ra, đi chậm rãi. Các thơ ký cũng đứng dậy, cúi đầu khẽ.
    Bấy giờ, Nguyễn Văn Tạo với chút ít vốn mở ra một cửa hàng nhỏ bán sỉ nước mắm Phú Quốc và Sơn Rái, trước sân nhà chồng chất đôi ba đống tỉn có khách hàng trả lại, như bao bì, trắng xóa vì bằng đất nung, bên ngoài phết vôi cho hợp vệ sinh. Hôm đó, ông chủ tiệm mà tôi làm việc lại được đặc quyền về xà-bông, đường cát trắng do hiệu Phước Lai chành tân ký ở Chợ Lớn làm trung gian. Ai muốn mua đường cát trắng phải xin phiếu do Tòa Bố cấp. Một phụ nữ ăn mặc đứng đắn đến xin phiếu mua đường cát, thay mặt chủ tiệm, tôi ra tiếp khách thì mới hiểu đó là bà Nguyễn Văn Tạo. Lập tức tôi bảo nhân viên bán cho bà, tôi chịu trách nhiệm đem sự việc trình lại với viên thơ ký ở Tòa Bố. Từ đó về sau, bà được quyền mua đường, như những công chức và nhân sĩ của tỉnh. Bấy giờ, dầu lửa, dầu xăng đều bị quản lý chặt chẽ, dầu xăng chỉ là rượu cồn chế biến lại, có màu tím dợt. Xe ô-tô chở khách phải dùng "ga", hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe, phía sau, trước khi cho xe khởi động thì quẹt lên cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi "Autogène", theo mô hình của kỹ sư Trịnh Hưng Ngẫu sáng tạo ở Sài Gòn.
    Tình hình thế giới như biến chuyển mạnh. Buổi nọ, máy bay Mỹ, sơn màu trắng bay đến chợ, bắn phá kho dự trữ gạo của quân đội Nhật gần nhà vựa nước mắm của ông Nguyễn Văn Tạo, bắn vài loạt, hú vía. Ông ngõ ý nhờ tôi dạy kèm chữ nghĩa cho hai đứa con bé bỏng, một trai một gái, đại khái theo chương trình lớp một (đồng ấu). Tôi hơi do dự. Ông bảo là dạy ở trước sân, trống trải để người hàng xóm và kẻ tò mò đừng nghi k��r>Bản nhạc Sina no yoru của Nhật khá hay được phổ biến mạnh. Tại chợ, có lệnh chính thức cấm bọn thợ nhuộm (nhuộm quần áo, thường thường là nhuộm màu đen cho dễ giặt) không được chào hàng với cái trống nhỏ, lúc lắc nghe lung tung, thiên hạ bảo đó là kiểu làm gián điệp, ra dấu hiệu cho máy bay đồng minh (?). Lại có chuyện bọn quân cảnh Nhật lập tòa án tại chỗ để chặt tay một kẻ ăn trộm áo quần của bọn Nhật (quần áo phơi ngoài sào, gần nơi chúng trú đóng). Nghe nói vậy chớ tôi không thấy nhưng tôi tin là có thật.
    Ngày lại ngày, tôi cứ chờ đợi, buổi chiều nọ, vì quá thèm đặc sản quê hương, tôi vào sạp chợ ăn tô bánh hỏi, tôm càng luộc, giá khoảng 3 đồng bạc. Tôm tươi, mới luộc còn bốc khói, lại chang nước mắm Phú Quốc. Hai ba người Hoa làm công trong tiệm đi ngang qua, chào tôi. Họ đang áp tải năm bảy bao gì đó, đoán chừng là đường cát trắng, đoán chừng là đưa xuống các chợ ở quận l��án chợ đen. Lại thêm hai ba xe khác, loại xe bò, bánh lớn, do người đẩy, phía trước có người lực lưỡng dang hai cánh tay nắm lấy hai càng xe, toàn là bao bố đựng món gì căng đầy. Đến mé rạch để hóng mát, tôi hơi ngạc nhiên thấy vài chú lính mã tà nai nịt gọn gàng, xếp hàng xuống chiếc tàu nhỏ, theo sau là vợ con đứng mếu máo, khóc trên bờ. Tàu chạy chậm rải. Lính được người Pháp đưa đến nơi nào, không rõ, nhưng theo lộ trình xuất phát từ phía khu vực nhà máy. Tôi đoán không lầm là phía Nam, vùng U Minh chăng?
    Dân U Minh thưa thớt, thiếu tổ chức, cán bộ Cách mạng xuống đó làm gì cho mệt, muốn vậy, phải xuất phát từ tỉnh l��º¡ch Giá nầy mới có hiệu quả. Nghĩ vậy, tôi tự hào một mình rằng mình đã có trình độ, đúng hay sai thì chưa biết. Suốt ngày tôi cứ nghêu ngao ngoài quán cà-phê để trốn lánh công việc. Nhìn xéo về phía tiệm, bỗng nhiên thấy vài người lính Nhật mặt mày hung hãn đang tràn vào. Và đúng lúc đó, người chủ tiệm của tôi, đại lý phân phối đường cát, cà-phê ra ngoài, theo cửa bên hông, chiếc xe kéo đang chờ. Người Việt Nam mặc sắc phục quân đội Nhật, có mang gươm đứng trong tiệm, múa men tay chân, lát sau được mời lên lầu của tiệm. Tôi đã hiểu: Họ đang điều đình, đút lót cho bọn Nhật số tiền hoặc vàng không nhỏ cho xong chuyện.
    Tối đến, tôi không về nhà, về tiệm tạp hóa gì cả, cứ rong chơi, nói theo danh từ ngày nay là "cảnh giác". Rủi bị mật thám Pháp hay Nhật bắt lúc này, oan ức quá, hầu hết các tiệm quán lớn do người Hoa kiều làm chủ đều đóng cửa sớm, số người Việt Nam làm công chức cũng vậy, không thức khuya.
    Rồi hừng sáng đến. Tiếng tàu thủy chạy xình xịch. Cầu bắc ngang rạch được quay lên cao, tàu chạy ngang qua. Tàu cỡ nhỏ, kiểu tàu đò ngụy trang lá dừa, không là lá dừa nước mọc ở mé rạch nhưng là tàu lá dừa ăn trái, chứng tỏ họ đã ngụy trang từ xa đến. ống khói tàu phun lên từng vầng khói đen đúa. Tôi đến xem, thấy rõ hai chữ LEE HUYÊN với chữ Hán Lợi Nguyên. Tàu đậu bên bờ đối diện, khu vực tòa tỉnh trưởng. Chưa chi khoảng mươi tên lính Nhật nhảy lên, hợp đồng với bọn Nhật đã phục kích tự bao giờ. Sau chừng mươi phút, bọn Nhật trở xuống tàu, dắt theo chừng hơn 20 người Pháp, sắp hai hàng. Đi đầu là viên chủ tỉnh Pháp và vợ, theo sau là bọn chỉ huy Sở Trước Bạ, Địa Chính, Kho bạc cùng vài viên chức to người da màu làm việc ở Toà án. Một người Pháp bị còng hai tay, không phải là chánh sở mật thám, ai nấy suy luận có lẽ họ đã chống cự bọn Nhật. Viên Chủ tỉnh mặc quần cụt, áo thun ngắn, đi đứng khoan thai, có vẻ tự trọng. Sau chót là những bà đầm và trẻ em Pháp. Mấy bà đầm mang theo nhiều gói to, có lẽ là quần áo.
    Viên chủ tỉnh Rạch Giá lúc bấy giờ là M.V. thuộc vào hàng cấp bực cao, già dặn kinh nghiệm, dạo trước ở Sài Gòn đã lắm khi thay mặt Thống đốc Nam Kỳ ký tên một số công văn. Ông ta đi chẩm rải, thỉnh thoảng nhìn về phía bên kia rạch, nơi ông biết chắc còn một số người đang theo dõi. Nhưng lát sau, đoàn người đầu hàng nầy xuống chiếc tàu LEE HUYEN nhỏ bé mà quân đội Nhật đã xung công.
    Cùng lúc ấy, với sự yểm trợ của vài tên lính Nhật, vài người Việt mặc thường phục đem dán những yết thị chữ to, nội dung đại khái là kêu gọi mọi người nên giữ sinh hoạt làm ăn bình thường, công chức người Việt phải trở lại nhiệm sở như cũ, nước Việt Nam được độc lập, người Pháp đã đầu hàng, vân vân và vân vân.
    Nhưng một vài tên lính mã tà bị Pháp bắt lùa đi hôm trước xuống phía rừng U Minh đã lén trở về, có đứa dẫn đường cho quân đội Nhật xuống U Minh vây bắt bọn Pháp đang lập "chiến khu". Với giọng mỉa mai các người lính mã tà nầy kể lại:
    - Bọn Pháp ở chợ Rạch Giá, chợ Cần Thơ và lính mã tà kéo xuống rừng quá hấp tấp, ngơ ngác. Súng đem theo khá nhiều nhưng chúng chẳng dám giao cho dân địa phương. Trước khi vào ven rừng, chúng đành ném bỏ hàng trăm cây xuống sông. Lát sau, có người đoán chừng là trộm cướp nhảy xuống sông mà lặn hụp, tìm được một mớ. Vừa vào rừng, bọn Pháp vừa chạy, vừa mang theo lương thực, nào cà-phê, thuốc lá và đôi ba thùng cây, thêm bao bì kín đáo. Đó là những thùng giấy bạc mỗi tờ 500 đồng (tương đương với vài chục triệu ngày nay). Đó là loại bạc làm phát mà Pháp cho in hối hả với tranh vẽ mấy người nông phu đang tát nước với gàu dai, do Phạm Ngọc Khuê vẽ. Thấy suốt ngày mà người Pháp cứ di chuyển gần xa. Nhiều người trong xóm ven rừng nghĩ rằng Pháp không có hoàn cảnh nấu cơm, thiếu nồi niêu nên thử nấu cơm, đổ ra trong thúng, đội đầu mang đến, hiểu là thương tình mà tiếp tế, cứu giúp. Nhưng thấy người Việt chúng khoát tay. Đành đặt thúng cơm xuống đất rồi rút lui, nhưng bọn Pháp cho người đến, đổ bỏ cơm vào những lỗ khoét dưới đất rồi lấp lại. Họ sợ người Việt Nam đánh thuốc độc để trả thù sự cai trị của chúng. Xế chiều, chúng vào mấy đám rẫy trồng khóm (loại dứa ngon), hái từng trái mà ăn thử. Nhưng khốn nỗi dứa có lớp vỏ dày dính vào ruột. Không có cây dao gọt lớp vỏ, đành đưa lên miệng mà cắn. Khốn nỗi, vỏ của khóm gồm những mảng tròn, tua tủa những gai nhỏ, đói quá đành ăn, miệng rướm máu. Vài người trong rẫy đem cây dao tới, loại dao nhỏ thôi, nhưng bọn Pháp lại dè dặt, sợ bị giết, liền trợn mắt, huơi nòng súng. Rồi vài người dân khách thử lại gần, gọi là cứu giúp, thấy chúng quá đói, về nhà bảo vợ nấu cơm. Nồi cơm đem tới, chúng nhìn rồi khoát tay, phải chăng vì sợ bị đầu độc? Vài đứa bé trong xóm dạn dỉnh hơn, nhổ mấy gốc khoai mì (sắn), đem nướng trước mặt mấy ông Tây bà đầm, mời ăn. Các vị nhai ngốn nghiến, đem ra tờ giấy bạc màu xanh 50 ngàn, vẫy tay cho trẻ con lại gần rồi cong ngón tay trỏ mổ xuống liên tục, miệng nhại giọng gà kêu "cót, cót". Gà đem đến, được trả cũng 50 ngàn. Chúng nó trao cho người Pháp đễ học pha chế, đại khái lột da, chặt hai chân, chặt đầu cổ đem bỏ, chỉ thích ăn đùi mà thôi.
    Nhưng chưa chi máy bay Nhật đã đảo vòng tròn trên đầu, lại đến lượt vài ba tên lính mã tà – đi giày bố, đội nón nỉ chạy đến, gương mặt như phấn khởi. Họ đã trốn về chợ, gặp bọn lính Nhật, báo cáo tình hình, rồi sẵn sàng chỉ đường cho lính Nhật vào đây, với lực lượng nhỏ bé cũng dư sức bắt sống cả bọn.
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:


  • #2
    Tôi được may mắn chứng kiến cuộc đầu hàng có trật tự nọ, ở tại chợ Rạch Giá thân thương, nhỏ bé mà tràn ngập hào khí. Một chiếc tàu của Nhật chạy chậm chạp, như cố ý trình diễn cho dân "bổn phố" sự thắng trận này. Tàu cặp bến phía dinh Chủ tỉnh, khu vực hành chánh đâu chừng đôi ba chục người lên bờ, có vài đứa trẻ con. Đồng bào ta sửng sốt vì đa số "ông Tây" trông lem luốc, đặc biệt là râu của họ mọc quá nhanh, cái mặt đen thui, dưới cằm thì dài cỡ 10 xăng-ti-mét, vài người cố mang đôi giày dơ dáy hoặc đi chân đất, "cà nhót" như vừa bị thương, mấy bà đầm không trang điểm, bước đi hổn hển, quần áo lem lấm, xách giày dép. Họ như không còn muốn giữ thể diện với dân chúng. Và người lớn tuổi ở chợ đã nhận ra: này là ông Cò rất hách dịch, nọ là viên Chủ sự sở đoan (hải quan), kia là viên xếp khám đường.
    Cái chốn U Minh quả thật là bí hiểm. Về sau, ta đến trú đóng, lập căn cứ Thành đồng tổ quốc, tổ chức trẻ con học chữ quốc ngữ, lập nhà bảo sanh, đêm đêm tổ chức ca hát diễn kịch chống Pháp.
    Binh thơ Tôn Tử mà sách báo thường trích lại sáu chữ "Thiên thời, Địa lợi, Nhơn hòa" là đúng. ở rừng U Minh, giặc Pháp đã thử lập một căn cứ chỉ thiếu hai chữ quan trọng nhất: Nhơn hòa. Chúng nó và dân ta quả là xung khắc tới giờ phút chót. Rồi người Nhật hung hăng đến, lật đổ, như dễ dàng. Đồng bào ở xóm Dầu Doi cho biết chúng đã thượng lá cờ của Nhật, bay phấp phới ở kho lúa gạo tồn trữ từ hơn năm qua để dùng vào chiến tranh, lính Nhật hơn mười đứa, bố trí súng đại liên chống máy bay đồng minh. Dân Rạch Giá đang xơ xác, ở miền quê, mặc áo quần với bao tải, với cà ròn, loại đệm đan với cỏ bàng. Nghe đâu ở ngoài Bắc, đồng bào ta chết đói khá nhiều, ở Sài Gòn đã tổ chức đưa gạo ra cứu trợ, gạo chở trên xe bò vì đường xe lửa đã hư, không an toàn.
    Người trẻ như tôi suy nghĩ gì đây? Uống cà phê trưa xong, đi dạo phố, chợt nghe tiếng gọi. Đó là đứa cháu của ông T., người Hoa kiều, chủ lò bánh mì. Tôi đã từng làm sổ sách chữ Pháp, theo qui chế, cho ông ta. Ghé vào, được đưa thẳng lên lầu, rồi vào phòng riêng.
    Ông Hoa kiều nầy ngâm thơ, theo tiếng Hẹ, tôi không hiểu. Ông mời ngồi, lấy cái hộp to bằng chì, trút ra mớ trà mà nói:
    - Trà nầy ở bên Tàu đem qua, để dành hai năm rồi, nó không quí bằng cái lon bằng chì nầy. Hơn trăm năm rồi, ông nội tôi mua ở Triều Châu giữ tới bây giờ. "Phám ảnh bôi trung lạc" chữ viết bên hông của cái lon nghĩa là... cái bóng của cái buồm ngoài biển, trên chiếc ghe dọi xuống cái chén uống trà.
    Tôi chợt hiểu ông nội của ông chủ tiệm nầy sang Nam Kỳ bằng ghe buồm, thủy thủ ngồi trên mui ghe uống trà với gió biển tự an ủi rằng kẻ đi xa xứ cũng là khách phong lưu. Uống xong chén trà, tôi đã nôn nóng.
    - Còn việc đang xảy ra, tụi Nhật Bổn còn ở đây bao lâu?
    - Năm 1945 nầy ứng với số 9, Việt Nam là con Rồng... tu lâu năm, đủ sức bay lên cao.
    Rồi như thích thú, ông chủ tiệm pha thêm tuần trà thứ nhì, lục trong tủ một quyển sách cũ, ngâm nga lớn tiếng, có lẽ theo giọng Phước Kiến chăng. Lát sau, ông ta trao cho tôi quyển sách chữ Hán, chỉ vào trang giấy đã ố vàng. Với mớ chữ Hán "ba rọi", tôi cố đọc cho qua buổi. Đó là bài từ của Lý Thanh Chiếu, làm theo điệu Lâm Giang Nam:
    ... Như kim lão đáo vô thành...
    Ông giải thích:
    - Tôi đây tuổi đã già để hưởng thú vui ngâm thi. Nhưng chưa chịu già vì mấy năm nay bực tức lắm. Nhật Bổn gây chiến bên Trung Hoa mấy chục năm. Bây giờ, thấy vui thì tôi già tự nhiên, nãy giờ ngâm thi phú.
    Tôi thử hỏi: Nhật Bổn tuy yếu nhưng chúng có máy bay. Làm sao cho chúng thua trận? Quả thật, hồi ở Cần Thơ mấy anh em tiến bộ tuy mến tôi nhưng chưa giải thích chuyện gì cho cặn kẽ. Ngày càng lớn tuổi, tôi tự thấy vấn đề chính trị là khoa học khó khăn, đòi hỏi trình độ, biết đúc kết nhiều lượng thông tin toàn thế giới, biết địa phương mình. Không thể cao hứng một cách thật thà như nhà thơ, nhà văn. Trẻ lắm cũng phải ở tuổi trung niên.
    Thử ghé nhà ông T. thấy dường như có khách lạ mặt đến. Bà vợ ra gặp tôi ngoài sân, bảo là không nên dạy mấy đứa bé, có dịp thì đem đến giùm bà vài ký lô đường cát trắng.
    Văn chương thi phú "tiền chiến" được tạm dẹp một bên. Nhiều người dân quê từ vùng xa đến, khép nép xin quần áo cũ, quần cụt. Thảm hại nhất là quá nhiều người mắc bịnh ghẻ lở, từng mụt tròn, thấy thịt đỏ hói lộ ra, như vết thương cứ thế mà to dần, lấy vải bó lại để che bụi bặm thì cũng gây nhức nhối. Bệnh viện của nhà nước không đuổi họ được, đành bắt họ ngồi chồm hổm, xếp hàng, thoa cho ít thuốc đỏ. Chẳng công hiệu gì cả, hại thêm thì có. Họ gọi đó là ghẻ khuyết vì thịt của bịnh nhân cứ hủng thêm vào phía trong xương. Lại đặt giả thiết rằng loại ghẻ ấy do con rận sinh ra, gây ngứa ngáy. Rận thì gần như người ở miền quê ai cũng mắc phải, nhỏ li ti, sinh đẻ ở những bộ phần kín đáo của con người, trứng rận bám vào những lằn kim mũi chỉ của quần áo may bằng vải ta (nội địa), giặt nước lạnh không sạch, muốn cho rận chết phải trụng quần áo vào nước sôi. Rồi lại phát triển vì rận và trứng rận bám vào bàn ghế, giường chiếc, mùng mền. Đã trở thành chuyện bình thường trong nam giới bình dân khi đến chơi nhà bạn mà bỗng dưng lũ rận rộ lên cắn. Đành xin phép chủ nhà để cởi áo ra, trải lên bộ ván, dùng cái ve chai "xá xị" mà lăn tròn như cái hủ lô (ống cán) của công chánh cán đá. Rận bị giết tại chỗ, nhiều đến mức vang lên tiếng lụp bụp khá thô bỉ, mất văn hóa. Vài người giải thích theo giọng của vị "thức giả" miền quê cho rằng rận dấy lên chẳng qua là trong xứ hết dầu hôi (dầu lửa), xưa kia rận phải chết vì mùi dầu lửa, mà dầu lửa là mặt hàng nhập từ các nước Tây phương. Dân miền quê, luôn cả thành thị đã dùng dầu trái mù u, dầu dừa, dầu cá thay thế.
    Mấy anh bạn quen cùng học một lớp, một trường từ phía Gò Quao, ven rừng U Minh, bờ sông Cái Lớn cứ ra thăm tôi, với nụ cười và lòng tự tin mà tôi chưa có. Họ đưa tôi đến quán ăn trung lưu, của người Hoa, ăn toàn những "đặc sản" của miền nước phèn, bờ biển: cua biển xào mặn (với nước mắm Phú Quốc), cá chẻm chưng tương, bông hẹ xào tôm... Họ thủ thỉ rằng đang cần gấp, với khối lượng to giấy hoặc vải màu đỏ, màu vàng. Vải đỏ khó kiếm, luôn cả vải trắng, vải đen. Hỏi kỹ thì các bạn thân mến bảo là để làm lá cờ nhỏ, càng nhiều càng tốt để phân phát cho nhiều vùng, phải giữ bí mật tuyệt đối. Suy nghĩ hồi lâu, tôi nói khẽ rằng không có vải, chỉ còn cách là làm cờ bằng giấy, việc gấp rút, tùy theo tấm lòng của mình. Nên mua giấy màu đỏ, loại giấy để viết liễn đối dịp tết, có rải rác những đốm nhũ vàng. Còn màu vàng thì ta dùng loại giấy mà các pháp sư dùng để viết bùa chú, mua về, ta tùy hoàn cảnh mà cắt nhỏ hoặc lớn.
    Anh em vui mừng khôn xiết, cứ gọi thêm rượu đến. Ba ngày sau, nhờ nhiều người mua lẻ tẻ, gom lại điểm hẹn. Bảo rằng đem về rừng U Minh nhưng vài tháng sau mới vỡ lẽ rằng anh em cho mấy người bạn tâm huyết làm cờ ở ngoại ô chợ Rạch Giá nầy chớ không ở đâu xa, chẳng qua là chia cắt công việc để giữ bí mật. Dịp nầy, anh em trao cho tôi một tập mỏng tư liệu nhan đề "Công tác cách mạng", đại khái phải có năm bước Điều tra, Tuyên truyền, Tổ chức, Huấn luyện, Tranh đấu...
    Tôi có tặng cho anh em hai mặt hàng thời thượng lúc bấy giờ. Một là thuốc nhỏ mắt Rhoto, hay tuyệt diệu, không cần sử dụng cái ống nhỏ giọt, cứ để sát mí mắt là thuốc tự chảy ra. Hai là loại bột ngọt hiệu Ajinomoto, thiên hạ bảo đó là kết tinh của vài trăm kí lô cá và thịt, bột nầy hột to. Rõ ràng là ngày nay loại bột ngọt nầy đã sản xuất đại trà, hột mịn màng hơn, sản phẩm ấy phải trải qua mấy mươi năm điều chỉnh mới được ổn định, pha chế từ bột mì (?), chớ nào có thịt cá nào trong đó.
    Máy bay thả bom kiểu tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ là B.26 và B.29 xuất hiện trên bầu trời chợ Rạch Giá, chẳng rõ từ đâu bay về đây rất cao nhưng trông tỏ rõ vì toàn thân có lẽ làm bằng nhôm hoặc kền gì đó, thu hút ánh sáng mặt trời, chói loà. Không thấy máy bay Nhật đuổi theo hoặc cao xạ bắn lên. Ngoài biển Rạch Giá, ngư dân đã vớt đôi ba lần những khúc gỗ giá tị (gỗ teck), thêm những bành cao su mủ, chưa chế biến, gọi cờ-rếp. Rõ là những tàu của Nhật đã chìm, làm trôi những mặt hàng mà chúng đã vơ vét ở Thái Lan, Mã Lai. Cờ-rếp để làm đế giày, cây giá tị quí và khó kiếm hơn, nghe đâu có đặc trưng là lâu mòn nên được dùng làm bá súng. Quân đội Nhật rất ít, võ trang đầy đủ, chiếm giữ chiếc cầu sắt quan trọng của chợ và vài trục lộ, ở ngã ba, ngã tư. Lính cảnh sát của Pháp dạo trước vẫn làm việc cầm chừng, mất khí thế, trong khi ở Tòa bố, một đốc phủ sứ người Việt lên làm tỉnh trưởng, mặc nhiên dưới sự chỉ đạo của quân đội Nhật. Dân ở vùng sâu vùng xa ra chợ đông hơn trước, vì tò mò để "xem thời cuộc". Tuy không có lịnh chính thức, ai nấy cho rằng không còn chuyện xét giấy thuế thân như trước. ở vài tiệm hớt tóc, thanh niên tụ tập đờn ca vọng cổ, không hò hét. Bọn mật thám của Pháp để lại dường như "hiền lành" hơn, chúng đến nhà giàu có để bàn chuyện linh tinh rồi xin chút ít tiền. Tin tức từ Sài Gòn thì mơ hồ. Vài viên công chức già thì bảo rằng Pháp tuy yếu ở Việt Nam nhưng nhờ đứng theo phe Đồng minh nên có thể trở lại Việt Nam, với quân hùng tướng mạnh, của tướng Đờ Gôn. Ngay tại ngoai ô chợ Rạch Giá, nhiều người từ phía biên giới Bảy Núi đôi khi mặc áo ngũ sắc, xõa tóc, hoặc áo quần giống như đào kép hát bội đi rao giảng về cuộc "đổi đời", "ngày Tận thế". Dường như những phe phái nầy không thuận với nhau. Điều thú vị là còn học cấp I ở chợ Rạch Giá, ông Đạo Ngồi đã xuất hiện: ngồi xếp bằng trên mặt nước, ở trần, hai bàn tay thì vỗ mạnh xuống nước nghe ầm ầm, theo nhịp điệu không gấp, ấy thế mà thân ông đạo cứ nổi, giây lâu ông chắp tay như niệm Phật. Người xem có thể lội xuống kiểm soát để thấy hai chân của ông đạo xếp lại như ngồi thiền, không cựa quậy, chòi đạp để giữ sự thăng bằng. Thấy lạ, nhiều người đến xem, cho tiền bạc chút ít. Bọn đệ tử đi theo bảo rằng với tiền của bá tánh, ông sẽ xây dựng một "cõi tiên" trên vùng Bảy Núi. Nhưng lần nầy người trình diễn được giới thiệu là đệ tử của ông đạo năm xưa. Bọn cảnh sát tới xem rồi xua đuổi theo lịnh của lính Nhật, phải chăng vì địa điểm ở sát bên căn cứ của tàu chiến loại nhỏ của Nhật, gần đó. Tôi hiểu đây là sự rối rắm ở vùng xa của Tổ quốc, nơi dân chúng cư ngụ chưa định hình. Nhưng đại đa số cá nhân, đứng về cuộc đời chìm nổi riêng rẽ cũng đã từ lâu rồi có một mẫu số chung là đánh đổ ngoại xâm, làm công việc lớn mà cha ông thời xưa đã ao ước, hy vọng rồi thất vọng.
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

    Comment


    • #3
      Nhật hứng chịu mấy quả bom nguyên tử, dân Nhật chết nhiều lắm. Tin tức chỉ nghe ngắn gọn như thế. Nhưng bản đồ của nước Nhật, bao nhiêu người biết, khái quát. Và người được ăn học, có tư liệu lúc ấy, chưa ắt họ tham gia phong trào hăng hái như kẻ không biết tí gì. Bom nguyên tử ra sao? Nghe nói rằng nó... nguy hiểm lắm, nhiều người gọi nó là bom liên tử. Tuổi trẻ của tôi, cũng như nhiều người khác được may mắn chứng kiến ngày Cách mạng tháng Tám ở một tỉnh lẻ, nay thử ghi lại vài ấn tượng sâu đậm, nhưng rõ ràng là ghi lại vài sự kiện nhỏ. Về vấn đề văn nghệ, mãi về sau nầy - tôi chưa nói đến thời chống Mỹ, tôi thấy vài nhà phê bình, nghiên cứu mải chê trách rằng giới văn nghệ không làm tròn nhiệm vụ, chưa mô tả được những phong trào lớn. Theo ý tôi, sự chê trách ấy không công bình. Người làm công tác nghiên cứu họa chăng đúc kết được, với lý trí, tư liệu trong nước ngoài nước, nhưng người làm văn nghệ - hiểu theo nghĩa hư cấu, sáng tác - là người làm việc cá nhân, không sáng tác với một ban sáng tác tập thể. Sáng tác phẩm là một tiểu vũ trụ, khi hoàn chỉnh thì có thể hòa hợp với vũ trụ lớn. Không ai sáng tác về Thái Bình Dương cho trọn vẹn, nhưng chỉ cần mô tả một con cá ở đáy biển sâu với sức sống của nó là đủ, cũng như chỉ cần làm được một tác phẩm ngắn như "Ngư ông và biển cả" như Hemingway. Chỉ cần tác phẩm văn nghệ mang đầy đủ thần lực, thần lực của con người và thần lực của xã hội phải chan hòa nhau. Đóm lửa nhỏ và đám cháy lớn là một. Tiểu ngã và đại ngã là một. Thí dụ như gương tranh đấu bất khuất của Võ Thị Sáu, qua bức tượng dựng ở Đất Đỏ quả là đạt rồi. Mỗi người chỉ thông cảm, hấp thụ phong trào lớn qua công việc khiêm tốn của mình.
      Một ủy ban khởi nghĩa đã đi ô tô đến Tòa Bố tỉnh để gặp Tỉnh trưởng, người do Nhật chỉ định. Sau vài phút cãi vã không gay go cho lắm, hắn ta chịu rút lui trong khi dân chúng kéo tới hô khẩu hiệu, gây sức ép như vũ bão. Lính Nhật còn lai rai vài đứa, phần lớn dường như đã tự động gom về Sài Gòn để đầu hàng Đồng minh. Riêng ở kho lúa gạo phía đầu Doi, chừng năm tên lính Nhật cứ ở đó, tử thủ, đồng bào gần đấy cho biết thỉnh thoảng chúng dùng dây xích sắt khóa chân nhau, ngụ ý thề sinh tử để bảo vệ, không một ai được chạy trốn. Mặc kệ. Hôm sau cử hành một cuộc mít tinh lớn, chưa từng có. Bởi vậy bảo là dự mít tinh, được may mắn là dự mít tinh nhưng chẳng ai hiểu nó là tiếng gì, trừ một số rất ít cán bộ. Chứng kiến cuộc mít tinh ở Rạch Giá năm ấy (1945) có lẽ nhiều người không còn, người còn sống phải ít nhất hơn 70 tuổi. Năm ấy, tôi 19 tuổi, với trí nhớ tôi còn giữ được vài ấn tượng cho riêng mình, và đây là sự hãnh diện. Nhớ những gì bây giờ? Chẳng lẽ dùng chữ mô tả đám đông với khí thế như Hoàng Cầm sau nầy trong bài Đêm liên hoan: "Đầu nhấp nhô như sóng biển ngang tàng". Đồng bào từ các vùng gần xa trong tỉnh lần lượt đến, tương đối có trật tự, phần lớn mặc quần áo đen, có trẻ em khoảng 15 tuổi, thêm nhiều bà, nhiều cô mặc áo dài tươm tất. Mặt bằng là sân đá bóng của tỉnh, luôn luôn bị gió biển thổi tát vào đất liền. Sân quá rộng, thiên hạ chen chúc tràn sân. Trời cao, biển rộng rừng cây bần, cây giá, cây vẹt. Khán đài dựng lên, đơn sơ, với sự hiện diện của ủy ban Việt Minh, gồm khoảng 7 người, tham dự như khách quý còn có một vài nhà sư, linh mục, sư sãi Khơme... Không có máy vi âm, làm sao nói cho cả vạn người nghe? Đành dùng kỹ thuật thời xưa là nói trong ống nghe bằng thiếc. Sau phần giới thiệu, đến lượt diễn giả chính, không ai khác lạ, người mà từ hơn năm qua đồng bào đã nghe tên: Nhà báo Nguyễn Văn Tạo mặc nhiên được tự do, sau thời gian bị quản thúc. Nguyễn Văn Tạo mang kiếng trắng, chống gậy, nói không có giấy viết sẵn, giọng không to lắm, ấy thế mà cả khu vực nghe khá rõ. Nhờ gió biển thổi vào chăng? Theo tôi nhờ gió phần nào, nhưng điều quan trọng là ai nấy đều lắng tai nghe, trân trọng. Nói về độc lập và thống nhất đất nước, lấy chuyện cụ thể là Nguyễn An Ninh từng tranh đấu và hy sinh. Chuyện nhà báo Trương Cao Động viết báo chống thực dân ở Sài Gòn đã bị thực dân trục xuất về Trung kỳ. Nói thêm về trẻ con thất học, sưu cao thuế nặng... Khi kết thúc, ai nấy vỗ tay vang dậy. Có hô khẩu hiệu Việt Nam độc lập, đả đảo Việt gian bán nước và chánh quyền về tay Việt Minh. Nhưng buổi nói chuyện vẫn chưa giải tỏa nỗi thắc mắc lớn. Trong người dự thì thào, loan truyền riêng rằng ông Hồ Chí Minh là người đứng lên lãnh đạo Mặt trận Việt Minh. Nhưng Hồ Chí Minh phải chăng là Nguyễn ái Quốc chưa muốn ra công khai?
      Rời sân vận động, về nhà, dọc đường gặp một ông lão quắc thước đang thao diễn để tập võ nghệ cho đám thanh niên. Vừa tập vừa xướng lên những câu "thiệu" để giữ nguyên tắc. Tôi nhớ mãi đại khái hai câu: "Bái tổ song âm, bái tầm lòng thế...", hai bàn tay vỗ vào nhau để lấy khí thế. Đâu cũng hơn năm mươi năm sau, tra cứu bộ Minh Mạng Chánh yếu, bản dịch của Sài Gòn, thấy ghi lại và chú thích ở mục Thi võ. Nghĩa là bái tổ với hai tiếng vỗ tay, rồi quỳ xuống theo tư thế con rồng sắp dấy lên. Như kiểu tập quân sự ngày nay, lúc đi mấy bước đầu phải đệm "một, hai..." Hình ảnh xa xưa ấy giúp tôi sau nầy sáng tạo ra truyện ngắn "Đảng cánh buồm đen" trong "Hương rừng Cà Mau".Đi ngang đình Nguyễn Trung Trực, thấy hai ông kỳ lão đứng khoanh tay trước cái lư đỏ rực nhang và nến. Nào phải mời bà con đồng bào vào cúng tiền (vì không chưng bày cái thùng Phước sương) nhưng là bổn phần, ngày vui của đông đảo đồng bào, chắc hẳn linh hồn ông Nguyễn Trung Trực cũng hả hê. Trước sân đình, hai cần xé đầy bánh tét, bánh ít và cái lu, cái gáo dừa để đồng bào tùy ý dùng. Cờ đỏ sao vàng bay phất phới sau lái chiếc tàu tuần biển của Pháp mà ta cũng đã xung công. Vài tốp thanh niên xếp hàng hai đang tập đi, với phong cách quân đội chánh qui, vài cậu xách lựu đạn nội hóa, hình bầu dục, đúc bằng đồng, phía sau có cái đuôi khá dài, khi ném, nắm cái đuôi như nắm sợi dây, quay tròn, lấy trớn rồi buông tay, trái lựu đạn sẽ đi xa và rơi vồng cầu, nhờ cái đuôi điều chỉnh. Họ hát: "Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng", mặc quần cụt, chân mang dép bằng nhựa cao su còn tươi, chưa sơ chế (cờ-rếp). Nhựa nầy cắt dễ dàng, khi cần ráp nối cứ để hai mí gần nhau rồi lấy búa đập mạnh thì dính khắn. Ngày nay, nhớ lại, quả kiểu dép có quai hậu ấy giống như mô hình của dép râu mà cụ Hồ ưa thích.
      Nhiều công việc diễn ra dồn dập. Thí dụ như thành lập Quốc gia Tự vệ cuộc, tức là Công an của tỉnh. Ngành tuyên truyền, ngành thuế vụ, giao thông đường thủy, đường bộ, giữ liên lạc với trung ương, với quân đội ở chiến khu, tích trữ lương thực. Anh em lại mở cuộc hội nghị kiểm điểm nội bộ, mời đích danh tôi. Tôi từ chối nghĩ mình còn quá trẻ, bảo gì thì tôi làm chớ tranh luận thì ngại quá. Rốt cuộc, tôi phải dự, anh em bảo rằng hội nghị ngắn lắm. Thật ra, phần thứ nhì của hội nghị mới là quan trọng và bí mật vì liên quan đến việc đón tiếp "bộ đội hải ngoại", đang mang khí giới từ Thái Lan về Rạch Giá, sau nầy tôi mới hiểu.
      Cuộc kiểm điểm đối với tôi chỉ vắn tắt vài lời. Anh em khen ngợi vì trong buổi gặp mặt viên chủ tỉnh (do Nhật chỉ định) để bắt buộc hắn phải trao trả chánh quyền cho Mặt trận Việt Minh, hắn giựt mình, như hoảng sợ, đứng dậy bắt tay từng người, trong đó có tôi là một thành viên trẻ nhất. Hắn ta nhớ mặt tôi từng là thơ ký dưới quyền nên hỏi: "Bữa nay, em cũng đi theo hả?" Tôi phản ứng lập tức, bảo rằng ngày hôm nay, tôi là đại diện cho những thanh niên đã nổi dậy, làm cách mạng, không ai được phép xem tôi là đứa em.
      Anh em cán bộ cho rằng sự phản ứng của tôi rất đáng giá, chứng tỏ tôi là người yêu nước nồng nhiệt. Anh em lại bảo rằng tôi có tật ham chơi, khi cần, chẳng biết tôi đang ở đâu. Tôi trả lời rằng từ khi nước nhà độc lập, thấy cái gì cũng lạ. Thí dụ như ở bờ biển, hôm qua có mấy đứa bé nhờ người lớn hướng dẫn đang cố làm một con diều bằng vải, vẽ cờ đỏ sao vàng, thả lên cho bay thật cao. Vào chùa của người Hoa, cứ dạo để xem thờ ông gì, và tìm hiểu về thất tiên bát hiền. Lại xem mấy người bạn đang gọt nhiều trái khóm (dứa), bày ra cái bàn để ép nước, bán rẻ cho khách qua lại. Anh em trong hội nghị cứ cười và thúc hối:
      - Làm việc phải có trọng tâm. Thôi, tỉnh mình mở thêm lớp học chống nạn mù chữ. Đi kiếm mấy người giáo viên, ban đêm dạy i, tờ cho người nghèo. Mai chiều, học thêm chủ nghĩa Mác Lê-nin vì làm cán bộ thì phải có "căn cơ".
      Tôi được ra về sớm. Ngoài chợ đang chuẩn bị "Tuần lễ vàng". Không dám tò mò, tôi đi đến xóm "Nhà máy xay lúa", vì sực nhớ trước đó không lâu, đã có cơ sở dạy "bình dân học vụ". Mấy thầy giáo già và nhiều cô giáo đang gom lại, nôn nóng. Thấy tôi đến, họ mừng rỡ cho rằng tôi là một "cán bộ" đáng tin cậy vì có mặt trong ban đại diện của mặt trận Việt Minh để "lật đổ chế độ cũ". Đêm đến, đồng bào tấp nập đến bờ rạch,chờ đón xem chuyện lạ, bí mật. Mãi đến hết canh một, một chiếc ghe to, phủ kín lá dừa nước, kiểu ngụy trang. Nhìn kỹ, đó là chiếc xà lan to, chở một vật gì to lớn. à, cây súng "đại bác thần công". Đưa về đây để gom về phía rừng U Minh. Chẳng lẽ ta đã tịch thâu của giặc, bấy giờ Sài Gòn và vùng Mỹ Tho? Hàng chục người ở trần, cố gắng chèo chống. Có người bàn tán: nó hư, ta đem sửa lại, nay mai, sẽ dùng nó mà đánh về mấy chợ bị chiếm đóng. Lại có tiếng cười dòn, từ một trong các nông dân lớn tuổi: Tây có món gì, mình có món đó. Một sự ngây thơ "có chiều sâu", lạc quan. Chính sự ngây thơ nầy đã là niềm tin của thế lực cách mạng đang lên.
      Lại có tin; nhắn riêng cho tôi rằng phải đến chợ, gặp anh em cán bộ, việc gấp. Vụ tiếp đón các anh em từ Cô Đảo về, đã đến Sóc Trăng, sẽ đưa qua Rạch Giá vài mươi người. Bố trí chiếu đệm, nhất là thức ăn cho anh em lấy lại sức khỏe, quần áo đã có người lo, quan trọng nhất là mùng mền. Nơi tập trung anh em là một biệt thự cũ của Pháp, khang trang nhưng đồ trang trí nội thất đã bị nhiều người tẩu tán tự bao giờ. Anh em tù vừa nghỉ dưỡng sức, vừa dạy chính trị tạm gọi là trung cấp cho cán bộ địa phương chân ướt chân ráo như tôi chẳng hạn. Đêm đến, trải chiếu trên nền gạch để nghe. Phần lớn anh chị em ở Côn Đảo về đều ốm o, bệnh tật, súng sính trong bộ quần áo may không vừa ni tấc. Nhiều người trẻ nhưng tóc đã rụng, hư hỏng hàm răng, quê ở Rạch Giá chẳng mấy ai. Có cán bộ vốn là phu đồn điền cao su miền Đông, bị bắt thời phong trào Đông Dương Đại hội, đòi tự do báo chí, tự do hội hiệp hồi 1936 - 1939, nay khó về quê, nếu về thì vợ con đã thất lạc. Có anh quê ở tận Hải Dương, Nam Định bị địch đưa vào. Phần lớn bài học chính trị được các anh nhớ nằm lòng, nay giảng lại, vài anh ghi chép với nét chữ li ti, trong cuốn giấy nhỏ, khổ giấy cuón thuốc lá rời. Chương trình xem như dài dòng lắm, từ sự thành hình của giai cấp công nhân bên Anh đến triết học Đức, xã hội học Pháp. Mấy ai tiếp thu được nhưng ai nấy lắng nghe. Rồi đến Công xã Pa-ri, Đệ Nhị quốc tế, Đệ Tam quốc tế, sang Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội... ở giữa biển khơi, mây nước muôn trùng, ăn uống cực khổ, bị bệnh tật chết lúc nào không hay mà cứ giảng cho đồng chí nghe, để rồi Cách mạng tháng Tám thành công tận vùng đất xa xôi lại trở về. Thử hỏi, vào trình độ người người có cảm tình buổi ấy mấy ai tiếp thu được? Cái ý chí vẫn là quyết định. Các anh buổi ấy, giảng chính trị cho một nhóm người ở ven biển Rạch Giá vẫn tin tưởng: một người chết, trăm người nối bước. Hân hạnh cho tôi là người thỉnh thoảng đã chất vấn, phát biểu. Các anh cười vui, khuyên tôi nên học thêm về chính trị, để rồi sẽ giảng lại ở mức độ khác cho bà con nông thôn nghe. Sau mỗi buổi học, Tỉnh đã chu đáo lo lắng về cháo gà, cháo thịt... nhưng về thuốc lá, dường như không có. Thuốc lá khan hiếm từ lâu rồi.
      Các anh ấy phần lớn chết bệnh, thêm chết vì giặc sát hại khi ra trận chống Pháp những năm đầu tiên. Chắc chẳng còn ai.
      Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

      Comment

      Working...
      X